Bài Giáo Lý số 13

 


CHÚA GIÊSU KITÔ PHỤC SINH VÀ VINH HIỂN

(các số 631-682)

 



CẢM NGHIỆM NHÂN SINH


Lịch sử cho thấy, các đạo giáo chân chính lớn trên thế giới đều tin có đời sau, bởi vì Đạo chính là Đường, là Đường Lối Cứu Độ con người cần phải theo, cần phải hành trình cho tới đích điểm của Đạo Lộ này là tình trạng con người hoàn toàn được giải phóng khỏi sự dữ, sự dữ đệ nhất là tội lỗi và sự dữ cuối cùng là sự chết, để họ vĩnh viễn được siêu thoát trong cõi trường sinh vinh phúc. Phải chăng vấn đề “đời sau” chỉ thuần túy là một chuyện tin tưởng của một loài được gọi là “con vật có lý trí” và chỉ vì “con vật có lý trí” này biết mình chắc chắn sẽ chết song lại sợ chết nên đã bầy tạo ra như vậy để có đủ hy vọng và lạc quan mà sống, chứ đó không phải là một thực tại? Rất tiếc, lịch sử cũng không cho thấy đã có một nhân vật nào đó trong loài người từ “đời sau” trở lại đời này để làm chứng và kể lại mọi sự ở “đời sau” cho mọi người biết! Thế nhưng, trong nhân gian từ trước tới nay, và chắc chắn mãi mãi sau này, chưa thấy một ai và sẽ không có một ai, sau khi chết đi, đã tự động sống lại trong chính thân xác của mình và không bao giờ còn trở về với cõi chết nữa. Cho dù có hiện tượng đầu thai, nhập hồn, hay có chuyện người chết hiện về đi nữa v.v. cũng không phải là phục sinh bất tử. Vậy mà Thánh Kinh Kitô giáo đã trình thuật lại câu chuyện kinh thiên động địa ấy, đến nỗi, chuyện này đã trở thành niềm tin chính yếu của Kitô giáo (xem SGL số 638). Tuy nhiên:

1. Nếu trước khi tắt thở trên thập giá, Chúa Kitô tuyên bố “giờ đây đã hoàn tất” (Jn 19:30) thì tại sao sau đó Người lại xuống ngục tổ tông rồi nhất là Người còn cần phải phục sinh nữa mới được? Người sống lại để làm gì?

2. Làm sao biết được Chúa Giêsu tử giá thực sự đã sống lại? Chúa Kitô quả thực đã sống lại thì Người có khác lúc Người còn sống với các môn đệ của Người không?

3. Tại sao sống lại rồi Người vẫn còn tiếp tục sứ vụ trần gian hình như chưa xong của mình trong “thời gian 40 ngày” (Acts 1:3), cho tới khi Người về trời, tức cho tới khi Người hoàn toàn không còn ở thế gian nữa? Vậy trong thời gian chưa về trời thì Người ở đâu ngoài những lần hiện ra với các môn đệ của Người, và việc về trời của Người đây có nghĩa là gì?

4. Nếu công cuộc cứu chuộc của Chúa Kitô đã thực sự phá hủy vương quốc của ma quỉ và cứu chuộc được loài người bằng thập giá thì Người còn cần phải đến thế gian nữa làm gì?Đâu là dấu báo hiệu Người sẽ đến thế gian lần thứ hai?

 


KIẾN THỨC ĐỨC TIN
 



1. NẾU TRƯỚC KHI TẮT THỞ TRÊN THẬP GIÁ, CHÚA KITÔ TUYÊN BỐ “GIỜ ĐÂY ĐÃ HOÀN TẤT” (Jn 19:30) THÌ TẠI SAO SAU ĐÓ NGƯỜI LẠI XUỐNG NGỤC TỔ TÔNG RỒI NHẤT LÀ NGƯỜI CÒN CẦN PHẢI PHỤC SINH NỮA MỚI ĐƯỢC? NGƯỜI SỐNG LẠI ĐỂ LÀM GÌ?

Thực ra, Chúa Kitô chỉ báo trước việc Người phục sinh mà thôi, chứ không đề cập đến việc Người xuống ngục tổ tông như Kinh Tin Kính tuyên xưng. Tuy nhiên, theo đức tin tông truyền thì Chúa Giêsu ‘đã xuống sâu trong lòng đất’. Đấng đã xuống cũng là Đấng đã lên vượt trên tất cả mọi tầng trời’ (Eph 4:9-10), nên Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã chủ trương việc “xuống” và “lên” của Chúa Kitô sau khi chết là hai việc đi liền với nhau:

• “Kinh Tin Kính của Các Thánh Tông Đồ tuyên xưng trong cùng một điều việc Chúa Kitô xuống âm ngục và việc Người Phục Sinh từ trong cõi chết vào ngày thứ ba, vì nơi việc Vượt Qua của Người, Người đã làm cho sự sống phát xuất từ chính đáy vực của sự chết”. (số 631)

Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã chú giải niềm tin của mình vào việc Chúa Kitô “xuống” trước rồi mới “lên” sau, theo ý nghĩa và mục đích của việc ấy như thế này:

• “Tân Ước vẫn thường xác nhận việc Chúa Giêsu đã ‘sống lại từ trong kẻ chết’ cho thấy rằng Đấng bị đóng đanh đã ở trong cõi chết trước khi phục sinh (Acts 3:15; Rm 8:11; 1Cor 15:20; x Heb 13:20)… Như tất cả mọi người, Chúa Giêsu đã trải qua sự chết, và bằng linh hồn của mình, Người đã chung phần với các kẻ khác ở trong cõi chết. Thế nhưng, Ngài đã xuống đó với tư cách là một Đấng Cứu Thế, loan báo Tin Mừng cho các hồn thiêng bị giam cầm ở đấy (x 1Pt 3:18-19)” (số 632). “… Chúa Giêsu không xuống âm ngục để giải thoát thành phần bị trầm hư hay để hủy diệt ngục đọa phạt, mà là để cứu thành phần công chính đã ra đi trước Người (x Công Đồng Rôma năm 745: DS 587; Đức Bênêđitô XII, Cum Dudum năm 1341: DS 1011; Đức Clêmentê VI, Super Quibusdam năm 1351: DS 1077; Công Đồng Tôlêđô IV năm 625: DS 485; Mt 27:52-53)” (số 633). “… Việc Người xuống âm ngục làm cho sứ điệp cứu độ của Phúc Âm được hoàn toàn nên trọn. Đó là giai đoạn cuối cùng trong sứ vụ thiên sai của Chúa Giêsu…”. (số 634).

Còn việc Chúa Giêsu tại sao cần phải sống lại, hay ý nghĩa của việc Chúa Giêsu “lên” sau khi “xuống”, được Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo cho thấy tầm quan trọng của việc này, tức việc Chúa Giêsu phục sinh có liên hệ hết sức mật thiết với các việc làm và giáo huấn của Người, với các lời hứa của Cựu Ước và của Người, với chính thần tính của Người, với việc chúng ta được công chính hóa, cũng như với nguyên lý và nguồn mạch của việc chúng ta phục sinh sau này.

Việc Chúa Giêsu phục sinh có liên hệ hết sức mật thiết với các việc làm và giáo huấn của Người

• “’Nếu Chúa Kitô không sống lại thì việc rao giảng của chúng tôi mất công vô ích và đức tin của anh em cũng chẳng có lợi gì’ (1Cor 15:14). Chúa Kitô Phục Sinh trước hết là để xác nhận tất cả những việc làm và giáo huấn của Người. Tất cả mọi sự thật, kể cả những sự thật khôn thấu nhất đối với lý trí con người, đều chân chính nếu Chúa Kitô tỏ ra cho con người thấy dấu chứng tối hậu nơi quyền bính thần linh của Người, theo như lời Người hứa, ở việc Người Phục Sinh”. (số 651)

Việc Chúa Giêsu phục sinh có liên hệ hết sức mật thiết với các lời hứa của Cựu Ước và của chính Người

• “Việc Chúa Kitô Phục Sinh là việc hoàn tất các lời hứa của Cựu Ước cũng như của Chúa Giêsu khi Người còn sống (x Mt 28:6; Mk 16:7; Lk 24:6-7, 26-27, 44-48). Thành ngữ ‘như các Lời Thánh Kinh’ (x 1Cor 15:3-4; x Kinh Tin Kính của Công Đồng Nicêa) cho thấy là việc Chúa Kitô Phục Sinh đã làm cho những lời hứa này được nên trọn”. (số 652)

Việc Chúa Giêsu phục sinh có liên hệ hết sức mật thiết với chính thần tính của Người

• “Sự thật về thần tính của Chúa Giêsu đã được xác nhận bởi việc Người Phục Sinh. Người đã phán: ‘Khi nào quí vị treo Con Người lên bấy giờ quí vị sẽ biết Tôi là Ngài’ (Jn 8:28). Việc Phục Sinh của Đấng tử giá cho thấy rằng Người thực sự là ‘Hiện Hữu’, là Con Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa…”. (số 653)

Việc Chúa Giêsu phục sinh có liên hệ hết sức mật thiết với việc chúng ta được công chính hóa

• “Mầu nhiệm Vượt Qua có hai phương diện, ở chỗ, bằng cái chết của mình, Chúa Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi; và bằng việc Phục Sinh của mình, Người đã mở ra cho chúng ta một con đường sống mới. Sự sống mới này trước hết là việc công chính hóa, một việc công chính hóa phục hồi chúng ta trong ơn nghĩa Chúa, ‘để như Chúa Kitô nhờ vinh hiển của Chúa Cha sống lại thế nào, chúng ta cũng bước đi trong sự sống mới như vậy’ (Rm 6:4, x 4:25). Việc công chính hóa ở tại cả việc chiến thắng sự chết do tội lỗi gây ra lẫn việc được thông phần vào ân sủng (x Eph 2:4-5; 1Pt 1:3)…”. (số 654)

Việc Chúa Giêsu phục sinh có liên hệ hết sức mật thiết với nguyên lý và nguồn mạch của việc chúng ta phục sinh sau này.

• “Sau hết, Việc Phục Sinh của Chúa Kitô – và chính Chúa Kitô phục sinh – là nguyên lý và là nguồn mạch của việc chúng ta phục sinh sau này: ‘Chúa Kitô đã được làm cho sống lại từ trong kẻ chết, là hoa trái đầu mùa của những kẻ an giấc… Vì tất cả mọi người đã chết trong Adong thế nào thì trong Chúa Kitô tất cả mọi người cũng được sống lại như vậy’ (1Cor 15:20-22). Chúa Kitô phục sinh sống trong lòng của người tín hữu, khi họ mong chờ điều ấy được nên trọn. Nơi Chúa Kitô, Kitô hữu ‘đã nếm thử … quyền lực của thế hệ sau này’ (Heb 6:5), và đời sống của họ được Chúa Kitô thu hút vào ngay tâm điểm của sự sống thần linh, để họ có thể ‘không còn sống cho chính mình nữa mà là cho Đấng vì họ đã chết và đã phục sinh’ (2Cor 5:15; x Col 3:1-3)”. (số 655)



2. LÀM SAO BIẾT ĐƯỢC CHÚA GIÊSU TỬ GIÁ THỰC SỰ ĐÃ SỐNG LẠI? CHÚA KITÔ QUẢ THỰC ĐÃ SỐNG LẠI THÌ NGƯỜI CÓ KHÁC LÚC NGƯỜI CÒN SỐNG VỚI CÁC MÔN ĐỆ KHÔNG?

Theo Mạc Khải thì không một ai được trực tiếp và thực sự chứng kiến thấy giây phút Chúa Kitô phục sinh từ trong kẻ chết (xem số 647). Tuy nhiên, theo đức tin tông truyền của Giáo Hội (xem số 639, 1Cor 15:3-4), Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo vẫn xác nhận Phục Sinh là một biến cố lịch sử siêu việt chẳng những ở các dấu chứng lưu lại mà còn ở hiện tượng xẩy ra sau đó nữa.

Phục Sinh là một biến cố lịch sử siêu việt trước hết ở các dấu chứng lưu lại:

• “… Yếu tố đầu tiên chúng ta gặp thấy nơi toàn bộ biến cố Phục Sinh đó là sự kiện ngôi mồ trống. Tự mình, sự kiện này không phải là dấu trực tiếp làm chứng cho Việc Phục Sinh; sự kiện thân xác của Chúa Kitô không có ở trong mồ cũng có thể được cắt nghĩa khác đi (x Jn 20:13; Mt 28:11-15). Tuy nhiên, sự kiện ngôi mộ trống vẫn là một dấu hiệu thiết yếu đối với tất cả mọi người… Người môn đệ ‘được Chúa Giêsu yêu’ xác nhận rằng khi bước vào ngôi mộ trống ngài đã thấy ‘các tấm khăn vải nằm đó’, ‘ông đã thấy và ông đã tin’ (Jn 20:2,6,8). Điều này nói lên là, nơi trường hợp ngôi mộ trống, ngài đã nhận thấy rằng sự kiện xác của Chúa Giêsu không có ở trong mồ không thể do con người làm ra, cũng như đã nhận ra rằng sự kiện Chúa Giêsu hồi sinh không giống như nơi trường hợp của Lazarô (x Jn 11:44, 20:5-7)”. (số 640)

Phục Sinh là một biến cố lịch sử siêu việt sau nữa còn ở các hiện tượng xẩy ra sau đó:

• “Mọi sự xẩy ra trong những ngày Vượt Qua ấy có dính dáng đến từng vị tông đồ – nhất là đến Phêrô – trong việc xây dựng lên một kỷ nguyên mới được bắt đầu vào sáng Phục Sinh. Là chứng nhân của Đấng Phục Sinh, các vị là những tảng đá nền xây dựng Giáo Hội của Người. Đức tin của cộng đồng tín hữu tiên khởi được căn cứ vào chứng từ của những con người cụ thể quen thuộc với Kitô hữu và hầu hết còn sống giữa họ…” (số 642). “Bởi thế, giả thuyết cho rằng việc Phục Sinh là do niềm tin (hay tính chất nhẹ dạ dễ tin) của các vị tông đồ mà ra là một giả thuyết không có nền tảng. Trái lại, việc các vị tin tưởng biến cố Phục Sinh xẩy ra được phát sinh từ chính trực nghiệm của các vị về thực tại của Chúa Giêsu phục sinh, theo tác động của ân sủng thần linh”. (số 644)

Về tính chất nơi thân xác của Chúa Kitô sau khi phục sinh, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo xác nhận thân xác phục sinh của Chúa Giêsu xuất hiện trước mắt các môn đệ là chính thân xác tử giá của Người, song là một thân xác đã được biến đổi, trở thành siêu việt, vượt ra ngoài thời gian và không gian, do đó, việc Chúa Giêsu Phục Sinh không phải là việc hồi sinh mà là việc hiển sinh.
Thân xác phục sinh của Chúa Giêsu xuất hiện trước mắt các môn đệ là chính thân xác tử giá của Người, song là một thân xác đã được biến đổi, trở thành siêu việt, vượt ra ngoài thời gian và không gian:

• “Qua việc đụng chạm và cùng nhau ăn uống, Chúa Giêsu phục sinh muốn trực giao với các môn đệ của Người. Bằng cách này, Người kêu mời các vị hãy nhận ra rằng Người không phải là bóng ma, nhất là để chứng tỏ rằng thân xác phục sinh của Người như Người hiện ra với các vị cũng chính là một thân xác đã bị hành hạ và tử giá, vì thân xác này vẫn còn mang các vết tích khổ nạn của Người (x Lk 24:30, 39-40, 41-43; Jn 20:20, 27, 21:9, 13-15). Tuy nhiên, thân xác đích thực và thật sự này cũng có cả những đặc tính mới của một thân xác hiển vinh, đó là không còn bị không gian và thời gian giới hạn nữa, song có thể hiện diện cách nào và khi nào Người muốn… Cũng vì lý do ấy, Chúa Giêsu phục sinh được tự do làm chủ việc Người hiện ra theo như ý của Người, như hiện ra dưới hình dạng của một người làm vườn, hay trong những hình dáng khác quen thuộc với các môn đệ của Người, cốt sao khơi động đức tin của các vị mà thôi (x Mk 16:12; Jn 20:14-16, 21:4,7)” (số 645)

Việc Chúa Giêsu Phục Sinh không phải là việc hồi sinh mà là việc hiển sinh:

• “Việc Phục Sinh của Chúa Kitô không phải là việc trở lại đời sống trần gian, như các trường hợp Người đã làm cho kẻ chết sống lại trước khi Người Phục Sinh… Việc Phục Sinh của Chúa Kitô hoàn toàn khác hẳn. Nơi thân xác phục sinh của mình, Người đã vượt qua trạng thái chết chóc sang trạng thái sống vượt ra ngoài thời gian và không gian. Nơi biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu, thân xác của Người đầy quyền năng của Chúa Thánh Thần, ở chỗ, Người thông phần sự sống thần linh trong trạng thái vinh hiển của Người, nên Thánh Phaolô mới nói rằng Chúa Kitô là ‘một con người trời’ (x 1Cor 15:35-50)”. (số 646)



3. TẠI SAO SỐNG LẠI RỒI NGƯỜI VẪN CÒN TIẾP TỤC SỨ VỤ TRẦN GIAN HÌNH NHƯ CHƯA XONG CỦA MÌNH TRONG “THỜI GIAN 40 NGÀY” (Acts 1:3), CHO TỚI KHI NGƯỜI VỀ TRỜI, TỨC CHO TỚI KHI NGƯỜI HOÀN TOÀN KHÔNG CÒN Ở THẾ GIAN NỮA? VẬY TRONG THỜI GIAN CHƯA VỀ TRỜI THÌ NGƯỜI Ở ĐÂU NGOÀI NHỮNG LẦN HIỆN RA VỚI CÁC MÔN ĐỆ CỦA NGƯỜI, VÀ VIỆC VỀ TRỜI CỦA NGƯỜI ĐÂY CÓ NGHĨA LÀ GÌ?

Thật ra, “thân thể của Chúa Kitô đã được vinh hiển vào lúc Phục Sinh” (số 659), nghĩa là ngay lúc phục sinh, lúc thân xác của Người vượt ra ngoài thời gian và không gian, cũng là lúc Người đã trở thành ‘một con người trời’, lúc Chúa Giêsu không thuộc về thế gian hữu hình này nữa, tức Người đã về cùng Cha và ngự bên hữu Cha của Người rồi. Mà “việc Người ngự bên hữu Chúa Cha biểu hiệu cho việc khai mào vương quốc của Đấng Thiên Sai… Sau biến cố này các tông đồ trở nên những chứng nhân cho ‘vương quốc không cùng’ này (Kinh Tin Kính Nêcêa)” (số 547). Chính vì tương lai của vương quốc này cần phải được thiết lập trên trần gian và vì thành phần tông đồ cần phải làm chứng về việc Người đã thực sự sống lại từ trong kẻ chết, mà, theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, Người vẫn hiện ra giao tiếp với các vị để “dạy các vị về vương quốc này” (số 659), tuy nhiên, mỗi lần hiện ra hay tỏ mình ra giao tiếp với các vị, “vinh hiển của Người vẫn ẩn khuất dưới dạng của một nhân tính bình thường (x Acts 1:3, 10:41; Mk 16:12; Lk 24:15; Jn 20:14-15, 21:4)” (số 659):

• “Đặc tính ẩn khuất nơi vinh hiển của Đấng Phục Sinh trong thời gian này được sáng tỏ qua những lời bí nhiệm Người nói với Maria Mai-Linh: ‘Thày chưa lên cùng Cha; song con hãy đến với các người anh em của Thày mà nói với họ rằng, Thày đang lên cùng Cha Thày cũng là Cha các con, lên cùng Thiên Chúa của Thày cũng là Thiên Chúa của các con’ (Jn 20:17). Câu nói này cho thấy tính cách khác nhau nơi việc tỏ hiện của vinh hiển Chúa Kitô phục sinh với vinh hiển Chúa Kitô đã lên ngự bên hữu Chúa Cha, một việc chuyển tiếp được đánh dấu bằng biến cố Thăng Thiên lịch sử và siêu việt”. (số 660)



4. NẾU CÔNG CUỘC CỨU CHUỘC CỦA CHÚA KITÔ ĐÃ THỰC SỰ PHÁ HỦY VƯƠNG QUỐC CỦA MA QUỈ VÀ CỨU CHUỘC ĐƯỢC LOÀI NGƯỜI BẰNG THẬP GIÁ THÌ NGƯỜI CÒN CẦN PHẢI ĐẾN THẾ GIAN NỮA LÀM GÌ? ĐÂU LÀ DẤU BÁO HIỆU NGƯỜI SẼ ĐẾN THẾ GIAN LẦN THỨ HAI?

Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, việc Chúa Kitô cần phải trở lại trần gian lần thứ hai có liên quan đến thân mệnh của Giáo Hội Người trước hoạt động phá hoại của sự dữ, đến phần rỗi của riêng dân Do Thái cũng như đến số phận của chung loài người.

Việc Chúa Kitô cần phải trở lại trần gian lần thứ hai có liên quan đến thân mệnh của Giáo Hội Người trước hoạt động phá hoại của sự dữ:

• “Là Chúa, Đức Kitô cũng là đầu của Giáo Hội, Thân Thể của Người (x Eph 1:22). Được đưa về trời và tôn vinh sau khi hoàn thành trọn vẹn sứ vụ của Người, Chúa Kitô ngự trên thế gian nơi Giáo Hội của Người. Ơn cứu chuộc là căn nguyên quyền bính mà Chúa Kitô thực hiện nơi Giáo Hội bởi Chúa Thánh Thần. ‘Vương quốc của Chúa Kitô đã hiện diện cách mầu nhiệm nơi Giáo Hội’ ‘trên thế gian, là mầm mống và là khởi điểm của vương quốc này’ (Hiến Chế Lumen Gentium đoạn 3, 5; x Eph 4:11-13)” (số 669). “Từ khi Chúa Giêsu Thăng Thiên, dự án của Thiên Chúa đã đi vào thời kỳ kết thúc. Chúng ta đang sống trong ‘giờ khắc sau hết’ (1Jn 2:18; x 1Pet 4:7)…” (số 670).

• “Mặc dù hiện diện nơi Giáo Hội, triều đại của Chúa Kitô vẫn chưa hoàn thành ‘bằng quyền năng và vinh quang cao cả’ của vị quốc vương trở lại trái đất (Lk 21:27; x Mt 25:31). Triều đại này vẫn bị các quyền lực sự dữ tấn công, dầu Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô đã hoàn toàn triệt hạ chúng (x 2Thess 2:7)…” (số 671). “… Theo Chúa Kitô cho biết, hiện thời đây là thời của Thần Linh và của chứng nhân, song cũng là thời vẫn còn bị đánh dấu bằng ‘khốn khó’ và bằng thử thách gây ra bởi sự dữ không buông tha Giáo Hội (x Acts 1:8; 1Cor 7:26; Eph 5:16; 1Pet 4:17), thời báo cho thấy trước những cuộc đối chọi sẽ xẩy ra trong những ngày sau hết…”. (số 672)

• “Trước khi Chúa Kitô đến lần thứ hai, Giáo Hội phải trải qua một cuộc thử thách sau cùng, một cuộc thử thách sẽ làm lay chuyển đức tin của nhiều tín hữu (x Lk 18:8; Mt 24:12). Bách hại đi kèm theo cuộc lữ hành của Giáo Hội trên mặt đất (x Lk 21:12; Jn 15:19-20) sẽ tỏ ra cho thấy ‘mầu nhiệm của gian tà’ nơi hình thức lừa bịp về đạo giáo, ở chỗ nó cống hiến con người một giải đáp trước mắt cho những vấn nạn của họ với giá họ phải trả là chối bỏ sự thật. Cái lừa bịp về đạo giáo thượng hạng là cái lừa bịp Phản Kitô, một chủ trương ngụy kitô làm cho con người tôn vinh mình hơn Thiên Chúa và hơn Đấng Thiên Sai đến trong xác thịt của Ngài (x 2Thess 2:4-12; 1Thess 5:2-3; 2Jn 7; 1Jn 2:18,22)”. (số 675)

Việc Chúa Kitô cần phải trở lại trần gian lần thứ hai có liên quan đến phần rỗi của riêng dân Do Thái:

• “Việc tái lâm của Chúa Kitô vinh hiển được trì hoãn ở hết mọi giây phút trong lịch sử, cho tới khi Người được ‘tất cả mọi người dân Yến Duyên’ nhận biết, vì ‘tình trạng dân Yến Duyên cứng lòng’ ‘không tin tưởng’ Chúa Giêsu (Rm 11:20-26; x Mt 23:39)… Việc ‘bao gồm tất cả’ những người Do Thái vào công cuộc cứu độ của Chúa Kitô sau khi đã ‘đủ số Dân Ngoại’ (Rm 11:12, 25; x Lk 21:14), là việc làm cho Dân Chúa đạt tới ‘tầm vóc viện trọn của Chúa Kitô’ để ‘Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự’ (Eph 4:13; 1Cor 15:28)” (số 674)

Việc Chúa Kitô cần phải trở lại trần gian lần thứ hai có liên quan đến số phận của chung loài người:

• “Chúa Kitô là Chúa của sự sống trường sinh. Là Đấng Cứu Chuộc loài người, Người có toàn quyền luận phán tối hậu về các việc làm và tâm tưởng của con người. Người ‘có’ quyền này là do thập giá của Người. Chúa Cha đã ban cho ‘Con toàn quyền luận phán’ (Jn 5:22, x 5:27; Mt 25:31; Acts 10:42, 17:31; 2Tim 4:1). Tuy nhiên, Chúa Con không đến để luận phán mà là để cứu độ và hiến ban sự sống Người mang trong mình (x Jn 3:17, 5:26). Bằng việc chối bỏ ân sủng ở đời này, người ta đã tự luận phán lấy mình, lãnh phần tùy theo các việc mình làm, và thậm chí có thể luận phạt chính mình đời đời vì đã chối bỏ Thần Linh yêu thương (x Jn 3:18, 12:48; Mt 12:32; 1Cor 3:12-15; Heb 6:4-6, 10:26-31)”. (số 679)



TÓM LẠI:

Theo đức tin tông truyền thì Chúa Giêsu ‘đã xuống sâu trong lòng đất’. Đấng đã xuống cũng là Đấng đã lên vượt trên tất cả mọi tầng trời’ (Eph 4:9-10), nên việc “xuống” và “lên” của Chúa Kitô sau khi chết là hai việc đi liền với nhau (xem SGL số 631). Việc Người “xuống” là Người trải qua sự chết và để loan báo Tin Mừng Cứu Độ và giải thoát thành phần công chính ở đó (số 632-634). Việc Người “lên” có liên hệ hết sức mật thiết với các việc làm và giáo huấn của Người (số 651), với các lời hứa của Cựu Ước và của Người (số 652), với chính thần tính của Người (số 653), với việc chúng ta được công chính hóa (số 654), cũng như với nguyên lý và nguồn mạch của việc chúng ta phục sinh sau này (số 655). Theo Mạc Khải thì không một ai được trực tiếp và thực sự chứng kiến thấy giây phút Chúa Kitô phục sinh từ trong kẻ chết (số 647). Tuy nhiên, theo đức tin tông truyền của Giáo Hội (số 639, 1Cor 15:3-4), Phục Sinh là một biến cố lịch sử siêu việt chẳng những ở các dấu chứng lưu lại (số 640) mà còn ở hiện tượng xẩy ra sau đó nữa (số 642, 644). Về tính chất nơi thân xác của Chúa Kitô sau khi phục sinh, thân xác phục sinh của Người xuất hiện trước mắt các môn đệ là chính thân xác tử giá của Người song là một thân xác đã được biến đổi vượt ra ngoài thời gian và không gian (số 645), do đó, việc Chúa Giêsu Phục Sinh không phải là việc hồi sinh mà là việc hiển sinh (số 646). Chính vì tương lai của vương quốc Thiên Sai cần phải được thiết lập trên trần gian và vì thành phần tông đồ cần phải làm chứng về việc Người đã thực sự sống lại từ trong kẻ chết, mà Người vẫn hiện ra giao tiếp với các vị để dạy các vị về vương quốc này (số 659), tuy nhiên, mỗi lần hiện ra hay tỏ mình ra giao tiếp với các vị, vinh hiển của Người vẫn ẩn khuất dưới dạng của một nhân tính bình thường (số 659). Việc Chúa Kitô cần phải trở lại trần gian lần thứ hai có liên quan đến thân mệnh của Giáo Hội Người trước hoạt động phá hoại của sự dữ (số 669-672, 675), đến phần rỗi của riêng dân Do Thái (số 674) cũng như đến số phận của chung loài người (số 679).


THÂM TÍN SỐNG ĐẠO


1. Tin Mừng Cứu Độ là Tin Mừng Yêu Thương và Tin Mừng Giải Thoát, Tin Mừng con người được Thiên Chúa yêu thương, Đấng giải thoát họ khỏi tội lỗi và sự chết bằng Cuộc Vượt Qua của Lời Nhập Thể Con Ngài là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết đi để tiêu hủy sự chết nơi con người và sống lại để phục hồi sự sống cho con người. Là Kitô hữu, chúng ta chẳng những đã thực sự “vượt qua sự chết mà vào sự sống” (Jn 5:24) bằng việc “tin vào Tin Mừng và lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội (Mk 16:16), mà còn phải nhớ rằng:

2. “Chúng ta được rửa trong Chúa Kitô là rửa trong cái chết của Người. Nhờ được rửa trong cái chết của Người, chúng ta đã được mai táng với Người, để như Chúa Kitô nhờ vinh quang của Chúa Cha đã sống lại từ trong kẻ chết thế nào, chúng ta cũng sống một đời sống mới như vậy… (ở chỗ chúng ta phải) coi mình như đã chết cho tội nhưng sống cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô… (và) hiến mình cho Thiên Chúa như con người từ cõi chết sống lại cũng như hiến thân xác mình cho Thiên Chúa như khí giới công chính” (Rm 6:3-4,11,13).



TRẮC NGHIỆM
 


Xin đọc bài Giáo Lý lược tóm tổng ôn dưới đây, rồi dùng các chữ ở cuối trang để điền vào những chỗ gạch trống các câu Sách Giáo Lý vừa học hỏi cho đúng nguyên văn ý nghĩa của nó. Trong vòng 10 phút.

Qua bài Giáo Lý 13 về Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh và Vinh Hiển, Giáo Hội Công Giáo đã cho con cái của mình thấy những điểm chính sau đây: Theo đức tin tông truyền thì Chúa Giêsu đã xuống sâu trong lòng đất. Đấng đã xuống cũng là Đấng đã lên vượt trên tất cả mọi tầng trời, nên việc “xuống” và “lên” của Chúa Kitô sau khi chết là hai việc đi liền với nhau (SGL 631): Người “xuống” là Người trải qua sự chết và để loan báo Tin Mừng Cứu Độ và giải thoát thành phần công chính ở đó (SGL 632-634); Người “lên” có liên hệ hết sức mật thiết với các việc làm và giáo huấn của Người (SGL 651), với các lời hứa của Cựu Ước và của Người (SGL 652), với chính thần tính của Người (SGL số 653), với việc chúng ta được công chính hóa (SGL 654), cũng như với nguyên lý và nguồn mạch của việc chúng ta phục sinh sau này (SGL 655). Không một ai được trực tiếp và thực sự chứng kiến thấy giây phút Chúa Kitô phục sinh từ trong kẻ chết (SGL 647). Tuy nhiên, theo đức tin tông truyền của Giáo Hội (SGL 639), Phục Sinh là một biến cố lịch sử siêu việt chẳng những ở các dấu chứng lưu lại (SGL 640) mà còn ở hiện tượng xẩy ra sau đó nữa (SGL 642, 644). Thân xác phục sinh của Chúa Kitô xuất hiện trước mắt các môn đệ là chính thân xác tử giá của Người song là một thân xác đã được biến đổi vượt thời không (SGL 645), do đó, việc Chúa Giêsu Phục Sinh không phải là việc hồi sinh mà là việc hiển sinh (SGL 646). Chính vì Vương Quốc Thiên Sai cần phải được thiết lập trên trần gian và vì thành phần Chứng Nhân Phục Sinh, mà Người vẫn hiện ra giao tiếp với các vị để dạy các vị về vương quốc này (SGL 659), song vinh hiển của Người vẫn ẩn khuất dưới dạng của một nhân tính bình thường (SGL 659). Việc Chúa Kitô cần phải trở lại trần gian lần thứ hai có liên quan đến thân mệnh của Giáo Hội Người trước hoạt động phá hoại của sự dữ (SGL 669-672, 675), đến phần rỗi của riêng dân Do Thái (SGL 674) cũng như đến số phận của chung loài người (SGL 679).

1. “Chúa Giêsu không xuống âm ngục để __________ thành phần bị trầm hư hay để __________ ngục đọa phạt, mà là để cứu thành phần công chính đã ra đi trước Người” (số 633).
2. “Chúa Kitô Phục Sinh trước hết là để __________ tất cả những việc làm và giáo huấn của Người. Tất cả mọi sự thật, kể cả những sự thật khôn thấu nhất đối với lý trí con người, đều chân chính nếu Chúa Kitô tỏ ra cho con người thấy dấu chứng tối hậu nơi quyền bính thần linh của Người, theo như lời Người hứa, ở việc Người ____________” (số 651)
3. “Yếu tố đầu tiên chúng ta gặp thấy nơi toàn bộ biến cố Phục Sinh đó là sự kiện _______________. Tự mình, sự kiện này _____________ là dấu trực tiếp làm chứng cho Việc Phục Sinh; sự kiện thân xác của Chúa Kitô ___________ ở trong mồ cũng có thể được cắt nghĩa khác đi. Tuy nhiên, sự kiện ngôi mộ trống vẫn là một ___________ thiết yếu đối với tất cả mọi người” (số 640)
4. “Thân xác đích thực và thật sự này cũng có cả những _________ mới của một thân xác hiển vinh, đó là không bị thời không _________ nữa, song có thể hiện diện cách nào và khi nào Người muốn” (số 645)
5. “Hiện thời đây là thời của Thần Linh và của chứng nhân, song cũng là thời vẫn còn bị đánh dấu bằng ‘khốn khó’ và bằng thử thách gây ra bởi __________ không buông tha Giáo Hội, thời báo cho thấy trước những cuộc ____________ sẽ xẩy ra trong những ngày sau hết” (số 672) “Trước khi Chúa Kitô đến lần thứ hai, Giáo Hội phải trải qua một cuộc thử thách sau cùng, một cuộc thử thách sẽ làm lay chuyển _________ của nhiều tín hữu” (số 675)

(đức tin, giải thoát, hủy diệt, đối chọi, sự dữ, xác nhận, phục sinh, giới hạn, đặc tính, ngôi mộ trống,, không phải, dấu hiệu, không có)