Bài Giáo Lý số 14

 



CHÚA THÁNH THẦN

(các số 683-747)

 

CẢM NGHIỆM NHÂN SINH


Thực tế cho thấy không ai biết được bản thân mình bằng chính con người mình. Sở dĩ con người biết được bản thân mình và biết mình hơn tất cả mọi người khác biết về họ là vì nơi họ cũng như nơi mỗi một con người “linh ư vạn vật” đều có một khả năng sinh hoạt tâm lý siêu đẳng được gọi là tâm linh. Tuy nhiên, tâm linh không phải là tâm lý trong con người, một cơ cấu gồm có trí khôn để suy nghĩ và lòng muốn để tự do chọn lựa. Tâm linh này cũng không hẳn là tinh thần của con người, bao gồm những chủ trương, xác tín hay khát vọng của họ. Tâm linh càng không phải là lương tâm nơi con người, một khả năng về luân lý để giúp con người biết phân biệt lành dữ, tốt xấu, đúng sai theo đạo lý phổ quát làm người. Tâm linh chính là ý thức của con người về bản thân mình.

Thật vậy, nếu yếu tố cho thấy con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa là ở chỗ họ có hồn thiêng (xem SGL số 363), thì yếu tố cho thấy con người được dựng nên tương tự như Thiên Chúa là ở chỗ họ có tâm linh. Mạc Khải Thần Linh đã cho thấy ngay từ ban đầu con người có hồn thiêng đã sống tâm linh ở chỗ họ nhận biết mình qua lời họ phát biểu đầu tiên để mở màn cho lịch sử xã hội loài người của họ, đó là câu: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi…” (Gen 2:23). Nếu hồn thiêng nơi con người cho thấy con người được dựng nên theo hình ảnh của “Thiên Chúa vô hình” (Col 1:15), thì tâm linh của con người cho thấy con người được dựng nên tương tự như “Thiên Chúa là Thần Linh” (Jn 4:24). Nếu tâm linh chính là ý thức của con người về bản thân mình, mà con người được dựng nên tương tự như Thiên Chúa, do đó, “Thiên Chúa là Thần Linh” nghĩa là Thiên Chúa biết mình. Như thế Thần Linh chính là tác động biết mình nơi Thiên Chúa. Để có thể hiểu được Thần Linh đây có phải chính là Chúa Thánh Thần như Kinh Tin Kính Giáo Hội tuyên xưng hay không, căn cứ vào Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, chúng ta hãy tìm hiểu và giải quyết những vấn đề sau đây:

1. Chúa Thánh Thần là ai? Ngài thường hiện diện ở những chỗ nào?
2. Chúa Thánh Thần được biểu hiệu qua những gì?
3. Vai trò của Chúa Thánh Thần trong lịch sử cứu độ ra sao?
4. Chúa Thánh Thần hoạt động như thế nào trong những ngày sau hết?



KIẾN THỨC ĐỨC TIN


1. CHÚA THÁNH THẦN LÀ AI? NGÀI THƯỜNG HIỆN DIỆN Ở NHỮNG CHỖ NÀO?

“Thiên Chúa là Thần Linh” (Jn 4:24) cũng là vị Thiên Chúa tỏ mình ra. Theo Kinh Thánh, Chúa Cha ở trên trời tỏ mình ra qua Lời Ngài, như những lần “có tiếng phán từ trời” (Mt 3:17; Jn 12:28), Chúa Con là Lời Thiên Chúa tỏ mình ra dưới hình dạng của một con người, bằng cách “đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Jn 1:14), và Chúa Thánh Thần tỏ mình ra bằng những tác động siêu linh, cho thấy “quyền năng của Đấng Tối Cao” (Lk 1:35); bởi thế, nếu con người nhận ra Chúa Cha qua Con Người Giêsu lịch sử là Đức Kitô thế nào, thì người ta cũng nhận ra Chúa Thánh Thần qua các tác động âm thầm nhưng hết sức sống động của Ngài làm trên thế gian, nhất là những tác động chứng từ Ngài thực hiện trong lòng Giáo Hội Chúa Kitô như vậy.

• “... Thần Linh là Đấng ‘dùng các tiên tri mà phán dạy’ làm cho chúng ta nghe được Lời của Chúa Cha, thế nhưng chúng ta không nghe chính Thần Linh. Chúng ta chỉ biết Ngài nơi tác động Ngài thực hiện để tỏ Lời ra cho chúng ta và dọn lòng chúng ta tiếp nhận Lời bằng đức tin mà thôi. Thần chân lý là Đấng ‘tỏ’ Chúa Kitô ra cho chúng ta ‘không nói về mình’ (Jn 16:13). Việc Ngài tự xóa mờ mình đi một cách thích đáng như thế cho chúng ta thấy tại sao ‘thế gian không thể đón nhận Ngài, vì họ không thấy Ngài và cũng chẳng biết Ngài’, trong khi đó những ai tin vào Chúa Kitô lại biết được Thần Linh vì Ngài ở trong họ (Jn 14:17)”. (số 687)

• “Giáo Hội là mối hiệp thông sống đức tin của các vị tông đồ do Giáo Hội truyền đạt và là nơi chúng ta nhận ra Thần Linh – qua các Sách Thánh do Ngài linh ứng viết ra; qua Truyền Thống được các vị Giáo Phụ của Hội Thánh làm chứng theo thời điểm của mình; qua Huấn Quyền của Giáo Hội được Ngài trợ giúp; qua phụng vụ các bí tích, bao gồm các lời phán và biểu hiệu, được Thánh Linh dùng để làm cho chúng ta được hiệp thông với Chúa Kitô; qua lời nguyện do Ngài chuyển cầu cho chúng ta; qua các đoàn sủng và sứ vụ do Ngài ban để dựng xây Giáo Hội; qua các dấu chứng của đời sống tông đồ và truyền giáo; qua chứng từ của các thánh được Ngài dùng để tỏ hiện sự thánh thiện của Ngài ra cũng như để tiếp tục công cuộc cứu độ”. (số 688)



2. CHÚA THÁNH THẦN ĐƯỢC BIỂU HIỆU QUA NHỮNG GÌ?


Vì Chúa Thánh Thần chỉ tỏ mình ra một cách âm thầm nhưng hiệu lực bằng quyền năng tác động của Ngài mà thôi, do đó, căn cứ theo Mạc Khải, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo công nhận một số biểu hiệu cụ thể nói lên phẩm tính và vai trò của Ngài, như nước, việc xức dầu, lửa, mây trời và ánh sáng, dấu ấn, bàn tay, ngón tay, và chim câu.

• “Biểu hiệu nước nói lên tác động của Chúa Thánh Thần nơi Bí Tích Rửa Tội, vì sau lời kêu cầu cùng Thánh Linh, nước trở nên một dấu bí tích hiệu thành một cuộc tân sinh: như việc vào đời của chúng ta được cưu mang trong nước thế nào thì nước nơi Bí Tích Rửa Tội cũng thực sự tiêu biểu cho việc chúng ta sinh vào sự sống thần linh trong Chúa Thánh Thần như vậy...”. (số 694)

• “Việc xức dầu. Việc xức bằng dầu cũng là biểu hiệu cho Chúa Thánh Thần, đến nỗi việc xức dầu này trở nên đồng nghĩa với Chúa Thánh Thần... Chỉ có thể hiểu được tất cả hiệu lực của việc xức dầu này theo tương quan việc xức dầu trọng yếu do Chúa Thánh Thần thực hiện, đó là việc xức dầu cho Chúa Giêsu. Kitô (theo tiếng Do Thái là ‘thiên sai’) nghĩa là Đấng được ‘xức dầu’ bởi Thần Linh Thiên Chúa... Toàn thể nhân tính mà Chúa Con mặc lấy được Thánh Linh xức dầu. Chúa Thánh Linh làm cho Người thành ‘Đức Kitô’ (x Lk 4:18-19; Is 61:1)... Thế nên, được hoàn toàn trở thành ‘Đức Kitô’ nơi nhân tính chiến thắng sự chết của mình, Chúa Giêsu đã tuôn đổ tràn trề Thánh Thần xuống cho đến khi ‘các thánh’ – được hiệp nhất với nhân tính của Con Thiên Chúa – trở nên con người toàn vẹn ‘đạt tới tầm vóc viên trọn của Chúa Kitô’ (Eph 4:13; x Acts 2:36), tức trở nên ‘toàn thể Chúa Kitô’ theo kiểu nói của Thánh Âu Quốc Tinh”. (số 695)

• “Nếu nước biểu hiệu cho việc sinh ra và cho sinh lực bởi Chúa Thánh Thần, thì lửa biểu hiệu cho năng lực biến đổi của việc Chúa Thánh Thần tác động... Bằng hình các lưỡi ‘như lửa’, Chúa Thánh Thần đậu trên các vị môn đệ vào buối sáng Ngày Lễ Ngũ Tuần và làm cho các vị tràn đầy Ngài (Acts 2:3-4). Truyền thống linh đạo vẫn coi biểu hiệu lửa này như là một trong những hình ảnh rõ ràng nhất nói lên các tác động của Chúa Thánh Thần (x Thánh Giang Thánh Giá, Ngọn Lửa Sống Động của Tình Yêu, trong Tuyển Tập Thánh Giang Thánh Giá, chuyển dịch bởi K. Kavanaugh, OCD và O. Rodriguez, OCD, Wachington, DC: Institute of Carmaelite Studies, 1979, 577 ff). ‘Anh em đừng dập tắt Thần Linh’ (1Thess 5:19)”. (số 696)

• “Mây trời và ánh sáng. Hai hình ảnh này đi với nhau nói lên việc Thánh Thần biểu lộ mình ra... Trong các cuộc thần hiển ở Cựu Ước, mây trời lúc mờ lúc tỏ, trong khi che dấu siêu việt tính của vinh quang Ngài, cho thấy Thiên Chúa hằng sống cứu độ – với Moisen trên núi Sinai (x Ex 24:15-18), ở lều tạm (x Ex 33:9-10) và trong cuộc hành trình trong sa mạc (x Ex 40:36-38; 1Cor 10:1-2), cũng như với Solomon khi cung hiến Đền Thờ (x 1Kgs 8:10-12)... Thần Linh xuống trên Trinh Nữ Maria và đã ‘bao phủ’ Mẹ, để Mẹ có thể thụ thai và hạ sinh Chúa Giêsu (Lk 1:35). Trên núi Biến Hình, Thần Linh ở trong ‘đám mây đã đến bao phủ’ Chúa Giêsu, Moisen và Êlia, Phêrô, Giacôbê và Gioan, rồi ‘có một tiếng từ đám mây phát ra Đây là Con Ta, Người Ta Tuyển Chọn, hãy lắng nghe Người!’ (Lk 9:34-35)”. (số 697)

• “Dấu ấn là biểu hiệu liên hệ mật thiết với biểu hiệu của việc xức dầu. ‘Chúa Cha đã đóng ấn’ trên Đức Kitô và cũng đóng ấn chúng ta trong Người (Jn 6:27; x 2Cor 1:22; Eph 1:13, 4:30). Vì việc đóng ấn này cho thấy công hiệu không thể xóa bỏ của việc xức dầu bởi Thánh Linh khi lãnh nhận các bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Truyền Chức Thánh, mà một số truyền thống thần học đã lấy hình ảnh của dấu ấn (sphragis) làm ‘ấn tín’ không thể xóa bỏ của ba bí tích chỉ được lãnh nhận một lần duy nhất ấy”. (số 698)

• “Chúa Giêsu đã chữa lành bệnh nhân và chúc lành cho trẻ nhỏ bằng việc đặt tay trên họ (x Mk 6:5, 8:23, 10:16). Nhân danh Người, các vị tông đồ cũng làm như vậy (x Mk 16:18; Acts 5:12, 14:3). Rõ ràng hơn nữa, chính nhờ việc đặt tay của các Tông Đồ mà Chúa Thánh Thần đã được thông ban (x Acts 8:17-19, 13:3, 19:6). Bức Thư gửi giáo đoàn Do Thái đã liệt kê việc đặt tay vào số ‘những yếu tố căn bản’ thuộc về giáo huấn của mình (x Heb 6:2). Giáo Hội vẫn giữ dấu hiệu đặt tay toàn năng tuôn đổ Thánh Linh này qua những lời khẩn nguyện ở bí tích có cử chỉ đặt tay”. (số 699)

• “‘Chính bởi ngón tay của Thiên Chúa mà (Chúa Giêsu) đã khu trừ ma quỉ’ (Lk 11:20). Nếu lề luật của Thiên Chúa được viết trên các bia đá ‘bởi ngón tay của Thiên Chúa’ thì ‘bức thư của Chúa Kitô’ được uỷ thác cho các vị tông đồ coi sóc cũng được viết ‘bởi Thần Linh của Thiên Chúa hằng sống, không phải trên các bia đá mà là trên tấm lòng của con người’ (Ex 31:18; 2Cor 3:3). Bản thánh ca Veni Creator Spiritus cầu xin cùng Chúa Thánh Thần như ‘ngón tay nơi bàn tay phải của Chúa Cha’ (LH, Mùa Phục Sinh sau Thăng Thiên, Thánh Ca Kinh Tối: digitus paternae dexterae)”. (số 700)

• “Chim bồ câu. Lụt hồng thủy là biểu hiệu của Bí Tích Rửa Tội, vào cuối trận lụt này Noe đã thả ra một con chim bồ câu và nó đã trở về ngậm ở mỏ một cành cây dầu như dấu hiệu nói lên rằng mặt đất vẫn có thể cư trú (x Gen 8:8-12). Khi Chúa Giêsu lãnh nhận phép rữa xong lên khỏi nước thì Chúa Thánh Thần, qua hình thể của một con chim bồ câu, xuống đậu trên Người (x Mt 3:16). Thần Linh xuống ở nơi tấm lòng trong sạch của các con người được rửa tội...”. (số 701)



3. VAI TRÒ CỦA CHÚA THÁNH THẦN TRONG LỊCH SỬ CỨU ĐỘ RA SAO?

Vì tất cả mọi việc làm của Thiên Chúa là của Ba Ngôi Thiên Chúa (xem SGL các số 234, 237 và 258), và nếu lịch sử cứu độ được Chúa Cha bắt đầu từ khi ban bố lời hứa cứu độ qua bản án nguyên tội (x Gen 3:15), nhất là được thể hiện rõ ràng nơi lịch sử của Dân Do Thái, và đã được nên trọn nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, thì theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, Chúa Thánh Thần cũng đã góp phần vào lịch sử cứu độ cả từ trong Cựu Ước lẫn thời điểm viên trọn của Chúa Kitô.

Trước hết, Chúa Thánh Thần đã góp phần vào lịch sử cứu độ từ trong Cựu Ước nơi việc tạo dựng, như Thần Linh của lời hứa, nơi các cuộc thần hiển và Lề Luật, nơi Vương Quốc hứa hẹn và Cuộc Lưu Đầy, nơi thành phần trông đợi Đấng Thiên Sai và Thần Linh.

Nơi Việc Tạo Dựng:

• “Lời của Thiên Chúa và Hởi Thở của Thiên Chúa là nguồn gốc của hữu thể và sự sống nơi mọi tạo vật (x Pss 33:6, 104:30; Gen 1:2, 2:7; Eccl 3:20-21; Ezek 37:10)”. (số 703)

Như Thần Linh của Lời Hứa:

• “Dù có bị tội lỗi và sự chết làm cho méo mó đi, con người vẫn là ‘hình ảnh của Thiên Chúa’, hình ảnh của Con, tuy nhiên họ cũng đã làm mất đi ‘vinh hiển của Thiên Chúa (Rm 3:23), mất đi ‘nét tương tự’ như Ngài. Lời Ngài hứa cho Abraham đã mở màn cho công cuộc cứu độ mà tột đỉnh của công cuộc này là việc chính Con sẽ lấy lại ‘hình ảnh’ ấy (x Jn 1:14; Phil 2:7) và phục hồi nó theo ‘nét tương tự’ của Chúa Cha, bằng việc ban lại Vinh Hiển cho nó, ban Thần Linh ‘Đấng ban sự sống’”. (số 705)

Nơi các cuộc thần hiển và Lề Luật:

• “... Các cuọâc thần hiển làm sáng tỏ đường lối Thiên Chúa đã hứa hẹn... Lời của Thiên Chúa làm cho Ngài được thấy và được nghe nơi những cuộc thần hiển, những cuộc thần hiển có mây trời Thánh Linh vừa tỏ Ngài ra vừa che phủ Ngài trong bóng mờ của mình” (số 707). “Cuộc chỉ dạy ấy được tỏ hiện đặc biệt ở nơi tặng ân Lề Luật (x Ex 19-20; Deut 1-11, 29-30). Thiên Chúa đã ban văn tự của Lề Luật như là một ‘điều chỉ dạy’ để dẫn dân Ngài đến với Chúa Kitô (Gal 3:24). Thế nhưng vì Lề Luật chẳng những không thể cứu con người đã bị mất đi ‘nét tương tự’ thần linh mà còn làm cho họ nhận thức hơn nữa về tội lỗi, nên Lề Luật đã làm bừng lên nơi con người lòng khát vọng Thánh Linh. Những than vãn của các Thánh Vịnh đã chứng thực điều này”. (số 708)

Nơi Vương Quốc hứa hẹn và Cuộc Lưu Đầy:

• “... Sau triều đại vua Đavít, dân Yến Duyên sa chước cám dỗ trong việc trở nên một vương quốc giống như các quốc gia khác. Tuy nhiên, vương quốc đó lại là đối tượng của lời Thiên Chúa hứa với Đavít (x 2Sam 7; Ps 89; Lk 1:32-33) sẽ là việc của Thánh Linh; vương quốc này thuộc về thành phần nghèo khó sống theo Thần Linh” (số 709). “Việc bỏ bê không giữ Lề Luật và bất trung với giao ước đã kết thúc bằng một cái chết, tức là đã kết thúc bằng Cuộc Lưu Đầy, một biến cố như cho thấy các lời hứa bất thành, song thật ra là việc trung thành kỳ diệu của Thiên Chúa Cứu Độ và là khởi điểm của việc phục hồi hứa hẹn theo Thần Linh...” (số 710).

Nơi thành phần mong đợi Đấng Thiên Sai và Thần Linh:

• “’Này đây Ta đang thực hiện một điều mới mẻ’ (Is 43:19). Có hai chiều tiên tri được phát triển, một chiều hướng đến niềm mong đợi Đấng Thiên Sai và một chiều chỉ cho thấy việc loan báo một Thần Trí mới. Cả hai chiều hướng này đồng qui ở nơi Đám Sống Sót nhỏ nhoi, thành phần dân nghèo khó, những người trông đợi ‘niềm an ủi của Yến Duyên’ và ‘ơn cứu chuộc của Gialiêm’ (x Zeph 2:3; Lk 2:25,38)” (số 711).

• “Những đặc tính của Đấng Thiên Sai được trông mong bắt đầu xuất hiện ở ‘Sách Emmanuel’, nhất là ở 2 câu đầu đoạn 11: ‘Từ gốc Giêsê sẽ nẩy lên một chồi...’” (số 712). “Những đặc tính của Đấng Thiên Sai đặc biệt được tỏ hiện nơi ‘những bài ca Tôi Tớ’ (Is 42:1-9; x Mt 12:18-21; Jn 1:32-34; rồi xem tới Is 49:1-6; Mt 3:17). Những bài ca này loan báo ý nghĩa của việc Chúa Giêsu chịu Khổ Nạn và tỏ cho thấy cách thức Người sẽ tuôn đổ Thánh Linh để ban sự sống cho nhiều người như thế nào, ở chỗ là Người không phải ngoại nhân mà là bằng việc Người mặc lấy ‘thân phận tôi tớ’ (Phil 2:7) của chúng ta. Nhận lấy cái chết của chúng ta là để Người có thể thông ban cho chúng ta Thần Linh sự sống của Người” (số 713). “Đó là lý do tại sao Chúa Kitô bắt đầu công bố Tin Mừng bằng việc qui về cho mình đoạn văn của tiên tri Isaia sau đây: Thần Linh của Chúa là Thiên Chúa ở trên tôi...’ (61:1-2; x Lk 4:18-19)” (số 714).

• “Những đoạn văn trực tiếp liên quan đến việc sai Thánh Linh đến là những lời Thiên Chúa muốn nói với cõi lòng của dân bằng một ngôn từ hứa hẹn cho thấy Ngài ‘yêu thương và trung thành’ (x Ez 11:19, 36:25-28, 37:1-14; Jer 31:31-34; và x Joel 3:1-5). Thánh Phêrô sau này đã công bố những lời tiên tri ấy được nên trọn vào buổi sáng Ngày Lễ Ngũ Tuần (x Acts 2:17-21). Theo những lời hứa này thì vào ‘thời sau hết’, Thần Linh Chúa sẽ canh tân cõi lòng con người, bằng việc in ấn một lề luật mới nơi họ. Ngài sẽ qui tụ và hòa giải các dân bị phân tán và chia rẽ lại với nhau; Ngài sẽ biến đổi cuộc tạo dựng trước kia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị ở đó với loài người trong bình an” (số 715). “Dân tộc của ‘người nghèo khó’ (x Zeph 2:3; Pss 22:27, 34:3; Is 49:13, 61:1 v.v.) – thành phần khiêm tốn và hiền lành chỉ biết tin cậy vào những ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa, thành phần đợi trông được công chính bởi Đức Kitô chứ không bởi loài người – cuối cùng họ sẽ là thành quả lớn lao của việc Chúa Thánh Linh kín đáo thực hiện trong thời kỳ hứa hẹn để sửa soạn cho việc Chúa Kitô đến... Nơi đám thành phần nghèo này, Thần Linh đang chuẩn bị ‘một dân tộc dọn đường cho Chúa đến’ (Lk 1:17)” (số 716).

Sau nữa, Chúa Thánh Thần cũng đã góp phần vào lịch sử cứu độ nơi thời điểm viên trọn của Chúa Kitô qua Thánh Gioan Tiền Hô Tẩy Giả, qua Mẹ Maria Đầy Ơn Phúc và qua Chúa Giêsu Kitô:

Qua Thánh Gioan Tiền Hô Tẩy Giả:

• “... Gioan ‘đầy Thánh Linh ngay từ khi còn trong bụng mẹ’ (Lk 1:15, 41) (số 717). “Nơi Gioan, vị tiền hô, Chúa Thánh Thần hoàn tất công việc ‘chuẩn bị một dân tộc dọn đường cho Chúa đến’ (Lk 1:17)” (số 718). “Nơi ông, Chúa Thánh Thần kết thúc những gì Ngài nói qua các tiên tri... Ông là ‘tiếng’ của Đấng Dẫn Dụ sẽ đến (Jn 1:23; x Is 40:1-3). Như Thần Chân Lý sẽ đến, Gioan ‘đến để làm chứng cho ánh sáng’ (Jn 1:7; x Jn 15:26, 5:35)...” (số 719). “... Phép rửa của Gioan là để thống hối; còn phép rửa trong nước và Thần Linh sẽ là một cuộc tân sinh (x Jn 3:5)”. (số 720)

Qua Mẹ Maria Đầy Ơn Phúc:

• “Chúa Thánh Thần đã sửa soạn cho Mẹ Maria bằng ân sủng của Ngài. Thật là xứng hợp cho Mẹ của Đấng mà ‘toàn thể tầm vóc viên mãn thần linh ngự trị một cách thể lý’ (Col 2:9) phải được ‘đầy ơn phúc’...” (số 722). “... Bởi quyền phép Thánh Thần và đức tin của Mẹ, đức đồng trinh của Mẹ đã sinh hoa kết trái một cách độc nhất vô nhị (x Lk 1:26-38; Rm 4:18-21; Gal 4:26-28)” (số 723). “Nơi Mẹ Maria, Thánh Linh cho thấy Con của Chúa Cha nay trở nên Con của một Trinh Nữ. Người là bụi cây cháy của cuộc thần hiển tối hậu...” (số 724). “Sau hết, qua Mẹ Maria, Thánh Linh bắt đầu làm cho loài người là đối tượng của tình yêu nhân hậu Thiên Chúa (x Lk 2:14) được hiệp thông với Chúa Kitô...” (số 725). “Sứ vụ của Thần Linh vào thời điểm viên trọn được kết thúc khi Mẹ Maria trở nên một Người Nữ, một Tân Evà (tức là ‘mẹ của sinh linh’), mẹ của ‘toàn thể Chúa Kitô’ (x Jn 19:25-27). Bởi thế, Mẹ đã hiện diện bên Mười Hai Vị, những người ‘nhất trí chuyên tâm cầu nguyện’ (Acts 1:14), vào lúc rạng đông của ‘thời sau hết’ được Thần Linh mở màn vào buổi sáng của Ngày Lễ Hiện Xuống khi tỏ bày Giáo Hội ra” (số 726).

Qua Chúa Giêsu Kitô:

• “Toàn thể sứ vụ của Con và của Thánh Linh trong thời điểm viên trọn ở chỗ Con là Đấng được Thần Linh của Cha xức dầu từ lúc Nhập Thể - Chúa Giêsu là Đức Kitô, Đấng Thiên Sai” (số 727). “Chúa Giêsu không tỏ Thánh Linh ra một cách hoàn toàn cho đến khi chính Người được vinh hiển qua Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người...” (số 728). “Chỉ cho tới giờ Người được vinh hiển Chúa Giêsu mới hứa hẹn cho Thánh Linh đến, vì cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người sẽ làm trọn lời hứa với các vị cha ông (x Jn 14:16-17,26, 15:26, 16:7-15, 17:26)” (số 729). “Sau cùng, đến giờ của mình, Người đã phó thần trí của Người trong tay Chúa Cha (x Lk 23:46; Jn 19:30) ngay chính lúc Người chiến thắng sự chết bằng cái chết của Người, để ‘được sống lại từ cõi chết bởi vinh quang Chúa Cha’ (Rm 6:4), Người liền ban Thánh Linh bằng ‘việc thở hơi’ trên các môn đệ (x Jn 20:22). Từ lúc đó trở đi, sứ vụ của Chúa Kitô và của Thần Linh trở thành sứ vụ của Giáo Hội....” (số 730).



4. CHÚA THÁNH THẦN HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO TRONG NHỮNG NGÀY SAU HẾT?

Lịch sử cứu độ cho thấy, theo thời gian, “Thiên Chúa là Thần Linh” (Jn 4:24) cũng là “Thiên Chúa chân thật duy nhất” (Jn 17:3) đã từ từ tỏ mình ra Ngài là Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha tỏ mình ra trong Thời Cựu Ước, Chúa Con tỏ mình ra trong Thời Viên Trọn, và Chúa Thánh Thần tỏ mình ra trong Thời Sau Hết từ Ngày Lễ Ngũ Tuần như Tặng Ân của Thiên Chúa muốn ban cho Giáo Hội Chúa Kitô.

Chúa Thánh Thần tỏ mình ra trong Thời Sau Hết từ Ngày Lễ Ngũ Tuần:

• “Chúa Ba Ngôi đã hoàn toàn tỏ mình ra trong ngày đó... Khi Thánh Linh đến, như Ngài vẫn không ngừng đến, Ngài khiến cho thế giới tiến đến ‘những ngày cuối cùng’, tiến đến thời điểm của Giáo Hội là một Vương Quốc đã sẵn có song chưa đạt tới mức độ hoàn thành”. (số 732)

Chúa Thánh Thần tỏ mình ra như Tặng Ân của Thiên Chúa:

• “’Thiên Chúa là tình yêu’ (1Jn 4:8,16) và tình yêu là tặng ân đệ nhất của Ngài, bao gồm tất cả mọi tặng ân khác. ‘Tình yêu của Thiên Chúa đã được tuôn đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần là Đấng được ban cho chúng ta’ (Rm 5:5)” (số 733). “Vì chúng ta đã chết hay ít là đã bị tội lỗi làm tổn thương, nên tác hiệu đầu tiên của tặng ân yêu thương là ơn tha tội. Việc hiệp thông của Thánh Thần (2Cor 13:14) trong Giáo Hội phục hồi cho thành phần được rửa tội nét tương tự thần linh đã bị mất đi theo tội lỗi” (số 734). “Vậy Ngài ban cho chúng ta ‘lời đoan nguyền’ hay ‘các hoa trái đầu mùa’ nơi gia sản của chúng ta, đó là chính sự sống của Chúa Ba Ngôi, để chúng ta yêu như ‘Thiên Chúa đã yêu chúng ta’ (1Jn 4:11-12; x Rm 8:23; 2Cor 1:21). Tình yêu này (hay ‘đức ái’ theo Thư Thứ Nhất gửi Giáo Đoàn Côrintô đoạn 13) là nguồn sự sống mới trong Chúa Kitô trở thành hiện thực bởi chúng ta đã lãnh nhận ‘quyền năng’ từ Chúa Thánh Thần (Acts 1:8; x 1Cor 13)” (số 735). “Nhờ quyền lực Thần Linh ấy, con cái Thiên Chúa có thể sinh muôn vàn hoa trái... ‘hoa trái của Thần Linh là... yêu thương, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, dịu dàng, nhân ái, thành tín, hiền lành, tự chủ’ (Gal 5:22-23). ‘Chúng ta sống bởi Thần Linh; chúng ta càng từ bỏ chính mình thì chúng ta càng ‘bước đi theo Thần Linh’ (Gal 5:25; x Mt 16:24-26)” (số 736).

Chúa Thánh Thần tỏ mình ra nơi Giáo Hội Chúa Kitô:

• “Sứ vụ của Chúa Kitô và của Thánh Linh được hoàn tất nơi Giáo Hội là Thân Thể của Chúa Kitô và là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần. Thế nên công vụ (sứ vụ chung giữa Chúa Kitô và Thánh Linh) này làm cho tín hữu Chúa Kitô được hiệp thông với Chúa Cha trong Thánh Linh. Thần Linh sửa soạn con người và đến với họ bằng ân sủng của Ngài để kéo họ tới với Chúa Kitô. Thần Linh tỏ cho họ thấy Chúa Kitô phục sinh, nhắc lại cho họ những lời của Chúa Kitô và mở lòng trí của họ để họ hiểu được cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô. Ngài làm hiện thực mầu nhiệm của Chúa Kitô, nhất là nơi Bí Tích Thánh Thể, để hòa giải họ, làm cho họ được hiệp thông với Thiên Chúa, nhờ đó họ có thể ‘sinh nhiều hoa trái’ (Jn 15:8,16)” (số 737). “Như thế sứ vụ của Giáo Hội không phải là một việc thêm thắt vào sứ vụ của Chúa Kitô và của Thánh Linh mà là một bí tích cho công vụ này, ở chỗ, nơi toàn thể bản thân mình cũng như nơi tất cả mọi phần thể của mình, Giáo Hội được sai đi để công bố, làm chứng, hiện thực và truyền bá mầu nhiệm hiệp thông của Chúa Ba Ngôi” (số 738).



TÓM LẠI

Là “Đấng ban sự sống” trong lòng Giáo Hội, Chúa Thánh Thần được nhận thấy qua các tác động của Ngài qua các Sách Thánh, Truyền Thống, Huấn Quyền, phụng vụ các bí tích, lời nguyện cầu, các dấu chứng tông đồ truyền giáo, và đời sống thánh nhân (số 688). Nước (số 694), việc xức dầu (số 695), lửa (số 696), mây trời và ánh sáng (số 697), dấu ấn (số 698), bàn tay (số 699), ngón tay (số 700), và chim câu (số 701) là những biểu hiệu cụ thể nói lên phẩm tính và vai trò của Ngài. Chúa Thánh Thần đã góp phần vào lịch sử cứu độ từ trong Cựu Ước nơi việc tạo dựng (số 703), như Thần Linh của lời hứa (số 705), nơi các cuộc thần hiển (số 707) và Lề Luật (số 708), nơi Vương Quốc hứa hẹn (số 709) và Cuộc Lưu Đầy (số 710), nơi niềm trông đợi Đấng Thiên Sai và Thần Linh (số 715-716). Chúa Thánh Thần cũng đã góp phần vào lịch sử cứu độ nơi thời điểm viên trọn của Chúa Kitô qua Thánh Gioan Tiền Hô Tẩy Giả (số 719-720), qua Mẹ Maria Đầy Ơn Phúc (số 722-726) và qua Chúa Giêsu Kitô (số 727-730). Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần đã tỏ mình ra trong Thời Sau Hết từ Ngày Lễ Ngũ Tuần (số 732) như Tặng Ân của Thiên Chúa (số 733-736) nơi đời sống và qua sứ vụ của Giáo Hội Chúa Kitô (số 737-738).



THÂM TÍN SỐNG ĐẠO


1. “Vì Chúa Kitô đã được xức dầu Thánh Linh nên chính Chúa Kitô, với tư cách là đầu của Thân Thể mình, đã tuôn đổ Thần Linh xuống trên các phần thể của mình, để nuôi dưỡng họ, chữa lành họ và sắp đặt họ theo những phận vụ hỗ tương, ban cho họ sự sống, sai họ đi làm chứng, và liên kết họ với hy lễ Người hiến dâng lên Chúa Cha cũng như với việc Người chuyển cầu cho toàn thế giới. Nhờ các bí tích của Giáo Hội, Chúa Kitô thông ban Thần Linh Thánh Hảo và thánh hóa của Người cho các chi thể thuộc Thân Mình Người. (Vấn đề này sẽ là chủ đề cho Phần Hai của cuốn Giáo Lý này)” (số 739). Bởi thế, Kitô hữu chúng ta chỉ có thể hiệp nhất nên một với Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần, “Đấng ban sự sống” cho họ, qua các bí tích là tác động Chúa Kitô thánh hóa họ bởi quyền phép Chúa Thánh Thần nhờ thừa tác vụ Giáo Hội.

2. “Những ‘việc toàn năng của Thiên Chúa’, được hiến cho các tín hữu nơi các bí tích của Giáo Hội, sinh hoa kết trái nơi sự sống mới trong Chúa Kitô theo như Thần Linh hướng dẫn. (Vấn đề này sẽ là chủ đề cho Phần Ba của cuốn Giáo Lý này)” (số 740). Bởi thế, Kitô hữu chúng ta chỉ có thể hoàn toàn nên giống Chúa Kitô, tức “đạt đến tầm vóc viên trọn của Chúa Kitô là đầu” (Eph 4:15) một khi họ “hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ” (Mt 18:3), cho Chúa Thánh Thần là “gió muốn thổi đâu thì thổi” (Jn 3:8).

3. “’Thần Linh trợ giúp chúng ta trong nỗi yếu hèn của chúng ta; vì chúng ta không biết phải cầu nguyện làm sao cho đúng, nên chính Thần Linh chuyển cầu cho chúng ta bằng những lời than khôn tả’ (Rm 8:26). Thánh Linh, vị thủ công viên thành thạo các việc làm của Thiên Chúa, là sư phụ dạy cầu nguyện. (Vấn đề này sẽ là chủ đề cho Phần Bốn của cuốn Giáo Lý này)” (số 741). Bởi thế, Kitô hữu chúng ta hãy bắt chước Mẹ Maria luôn biết ‘giữ và suy niệm trong lòng’ (Lk 2:19, 51) tất cả những gì Thiên Chúa tỏ ra cho chúng ta trong cuộc sống của mình, nhất là những gì chúng ta không thể hiểu được và chấp nhận được theo tính tự nhiên của mình, để có thể nghe thấy “tiếng của Thần Linh nói với Giáo Hội” (Rev 3:22). Sống theo Chúa Thánh Thần là hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi, là đạt đến tuyệt bậc chiêm niệm rồi vậy.


Trắc Nghiệm

Xin đọc bài Giáo Lý lược tóm tổng ôn dưới đây, rồi dùng các chữ ở cuối trang để điền vào những chỗ gạch trống các câu Sách Giáo Lý vừa học hỏi cho đúng nguyên văn ý nghĩa của nó. Trong vòng 10 phút.

Qua bài Giáo Lý 14 về Chúa Thánh Thần, Giáo Hội Công Giáo đã cho con cái của mình thấy những điểm chính sau đây: Là “Đấng ban sự sống” trong lòng Giáo Hội, Chúa Thánh Thần được nhận thấy qua tác động của Ngài nơi các Sách Thánh, Truyền Thống, Huấn Quyền, phụng vụ các bí tích, lời nguyện cầu, các dấu chứng tông đồ truyền giáo, và đời sống thánh nhân (số 688). Nước (số 694), việc xức dầu (số 695), lửa (số 696), mây trời và ánh sáng (số 697), dấu ấn (số 698), bàn tay (số 699), ngón tay (số 700), và chim câu (số 701) là những biểu hiệu cụ thể nói lên phẩm tính và vai trò của Ngài. Chúa Thánh Thần đã góp phần vào lịch sử cứu độ từ trong Cựu Ước nơi việc tạo dựng (số 703), như Thần Linh của lời hứa (số 705), nơi các cuộc thần hiển (số 707) và Lề Luật (số 708), nơi Vương Quốc hứa hẹn (số 709) và Cuộc Lưu Đầy (số 710), nơi niềm trông đợi Đấng Thiên Sai và Thần Linh (số 715-716). Chúa Thánh Thần cũng đã góp phần vào lịch sử cứu độ nơi thời điểm viên trọn của Chúa Kitô qua Thánh Gioan Tiền Hô Tẩy Giả (số 719-720), qua Mẹ Maria Đầy Ơn Phúc (số 722-726) và qua Chúa Giêsu Kitô (số 727-730). Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần đã tỏ mình ra trong Thời Sau Hết từ Ngày Lễ Ngũ Tuần (số 732) như Tặng Ân của Thiên Chúa (số 733-736) nơi đời sống và qua sứ vụ của Giáo Hội Chúa Kitô (số 737-738).

1. “... Thần Linh là Đấng ‘dùng các tiên tri mà phán dạy’ làm cho chúng ta nghe được Lời của Chúa Cha, thế nhưng chúng ta không nghe chính __________. Chúng ta chỉ biết Ngài nơi __________ Ngài thực hiện để tỏ Lời ra cho chúng ta và dọn lòng chúng ta _________ Lời bằng đức tin mà thôi. Thần chân lý là Đấng ‘tỏ’ Chúa Kitô ra cho chúng ta ‘không nói về mình’ (Jn 16:13)”. (số 687)

2. “... Chúng ta ________ Thần Linh qua các Sách Thánh; qua Truyền Thống; qua Huấn Quyền; qua phụng vụ các bí tích; qua lời nguyện Ngài chuyển cầu; qua các __________ và sứ vụ do Ngài ban; qua các dấu chứng của đời sống tông đồ và truyền giáo; qua __________ của các thánh...”. (số 688)

3. “Biểu hiệu _______ nói lên tác động của Chúa Thánh Thần nơi Bí Tích Rửa Tội” (số 694); “Việc xức bằng dầu cũng là biểu hiệu cho Chúa Thánh Thần” (số 695); “_____ biểu hiệu cho năng lực biến đổi của việc Chúa Thánh Thần tác động” (số 696); “__________ và ánh sáng đi với nhau nói lên việc Thánh Thần biểu lộ mình ra...” (số 697); “_________ là biểu hiệu liên hệ mật thiết với biểu hiệu của việc xức dầu. ‘Chúa Cha đã đóng ấn’ trên Đức Kitô và cũng đóng ấn chúng ta trong Người” (số 698); “Chúa Giêsu đã chữa lành bệnh nhân và chúc lành cho trẻ nhỏ bằng việc ________ trên họ” (số 699); “‘Chính bởi _________ của Thiên Chúa mà (Chúa Giêsu) đã khu trừ ma quỉ’”. (số 700); “Lụt hồng thủy là biểu hiệu của Bí Tích Rửa Tội, vào cuối trận lụt này Noe đã thả ra một con ___________ và nó đã trở về ngậm ở mỏ một cành cây dầu như dấu hiệu nói lên rằng mặt đất vẫn có thể cư” (số 701).

4. “Có hai chiều tiên tri được phát triển, một chiều hướng đến niềm mong đợi ____________ và một chiều chỉ cho thấy việc loan báo một _____________. Cả hai chiều hướng này đồng qui ở nơi ___________ nhỏ nhoi, thành phần dân nghèo khó, những người trông đợi ‘niềm an ủi của Yến Duyên’ và ‘ơn cứu chuộc của Gialiêm’” (số 711).

5. “Sứ vụ của Chúa Kitô và của Thánh Linh được ___________ nơi Giáo Hội là Thân Thể của Chúa Kitô và là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần. Thế nên công vụ này làm cho tín hữu Chúa Kitô được ___________ với Chúa Cha trong Thánh Linh” (số 737). “Như thế sứ vụ của Giáo Hội không phải là một việc __________ vào sứ vụ của Chúa Kitô và của Thánh Linh mà là một bí tích cho công vụ này, ở chỗ, nơi toàn thể bản thân mình cũng như nơi tất cả mọi phần thể của mình, Giáo Hội được sai đi để công bố, làm chứng, hiện thực và truyền bá mầu nhiệm hiệp thông của Chúa Ba Ngôi” (số 738).

(thêm thắt, Thần Linh, tác động, hiệp thông, hoàn tất, tiếp nhận, nhận ra, Đám Sống Sót, Thần Trí mới, đoàn sủng, chứng từ, Đấng Thiên Sai, chim bồ câu, nước, lửa, ngón tay, đặt tay, dấu ấn, mây trời)