Bài Giáo Lý số 15
MẦU NHIỆM GIÁO HỘI
(các số 748-810)
CẢM NGHIỆM NHÂN SINH
Về bản tính, con người chỉ có một và chỉ là một. Thế nhưng,
về phái tính, con người lại là hai, phái nam và phái nữ, được hiện thân nơi
người nam và người nữ. Mối liên hệ giữa hai phái tính này là ái tính, tức là
tình yêu, động lực thúc đẩy họ ra khỏi phái tính của mình để tìm kiếm nhau và
nên một với nhau, làm nên một cộng đồng tiên khởi là gia đình. Đúng thế, gia
đình chính là cộng đồng căn bản nhất của xã hội loài người và làm nên xã hội
loài người. Về bản chất, tuy gia đình chính yếu được làm nên bởi yêu thương,
nhưng về cơ cấu, lịch sử cho thấy, gia đình cũng đã trải qua những tiến trình tổ
chức khác nhau, một là theo mẫu hệ, lấy người mẹ làm chính trong gia đình, hai
là theo phụ hệ, lấy người cha làm đầu gia đình, hay hồi xưa theo tục đa thê đến
nay theo tục “nhất phu nhất phụ”. Cũng thế, xã hội loài người là một cộng đồng
bao gồm các gia đình, về cơ cấu, đã trải qua những thể chế tổ chức khác nhau,
như lịch sử cho thấy, từ chế độ quân chủ chuyên chế, vua là thiên tử, có toàn
quyền sinh sát trên nhân dân, đến chế độ dân chủ cộng hòa, “ý dân là ý trời”,
hoặc chế độ dung hòa giữa hai chế độ này, ở chỗ vừa có vua vừa có quốc hội, (như
Anh quốc, Nhật Bản, Thái Lan v.v.). Riêng về thể chế dân chủ, việc tổ chức còn
có thể theo chủ nghĩa tư bản, hoàn toàn tôn trọng quyền tư hữu của con người,
hay thậm chí theo cả chủ nghĩa cộng sản nữa, (ở chỗ chủ nghĩa này nhắm đến nhân
dân, vì dân và cho dân, song thực tế cho thấy hoàn toàn phản ngược, không phải
dân làm chủ mà là nhà nước với vai trò làm quản lý cho nhân dân, với chiêu bài
giúp cho dân tránh tình trạng bất công trong xã hội đã từng xẩy ra bởi và từ
cuộc cách mạng kinh tế ở Âu Châu vào hồi thế kỷ 18), hoặc theo chủ nghĩa xã hội
dung hòa giữa hai cực đoan tư bản và cộng sản, (như các nước ở Bắc Âu).
Thế nhưng, lịch sử thế giới còn cho thấy có một quốc gia nhỏ nhất với tên gọi
chính thức là Thành Quốc Vatican (Stato della Città del Vaticano), phần còn lại
cuối cùng của Vương Quốc Giáo Hoàng, được công nhận bởi Hòa Ước Latêranô năm
1929, địa dư rộng chỉ bằng một công viên trung bình với diện tích 108.7 mẫu Anh
(hay gần một dặm vuông), nằm trên Đồi Vatican, phía tây bắc thành Rôma, có độ
1100 dân cư (trong đó có hơn 400 người là công dân chính thức) làm việc tại các
văn phòng quản trị dưới quyền chỉ huy tối cao của Vị Giáo Hoàng quốc trưởng, vị
lãnh đạo 1 tỉ 400 triệu Kitô Hữu Công Giáo trên khắp thế giới và 4200 vị Giám
Mục thuộc Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, có liên hệ ngoại giao với 123 nước và có
chân trong tổ chức Liên Hiệp Quốc (theo thống kê của Tòa Thánh năm 2000).
Thế nhưng, dù theo một thể chế có vẻ quân chủ, (ở chỗ vị Giáo Hoàng quốc trưởng
nắm trong tay tối thượng quyền trên thế giới Công Giáo hoàn vũ về phương diện
tín lý và luân lý là những gì liên quan mật thiết đến sự sống đời đời của thành
phần công dân Kitô hữu Công Giáo), cho tới thời điểm nhân loại và hầu hết các
nước trên thế giới đang đi theo chiều hướng cộng hòa dân chủ đi nữa, Thành Quốc
Vatican chẳng những vẫn có thể tồn tại cho tới nay mà còn gây ảnh hưởng về lãnh
vực tinh thần và đạo lý trên khắp thế giới, thì:
1. Phải chăng Giáo Hội Chúa Kitô tự bản chất là một mầu nhiệm?
2. Phải chăng bản chất mầu nhiệm của Giáo Hội Chúa Kitô có liên quan đến Mầu
Nhiệm Chúa Ba Ngôi?
3. Phải chăng bản chất mầu nhiệm của Giáo Hội Chúa Kitô có liên quan đến Hoạt
Động của Chúa Ba Ngôi?
KIẾN THỨC ĐỨC TIN
1. PHẢI CHĂNG GIÁO HỘI CHÚA KITÔ TỰ BẢN CHẤT LÀ MỘT MẦU
NHIỆM?
Đúng thế, theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, Giáo Hội
Chúa Kitô tự bản chất là một mầu nhiệm, ở chỗ, trước hết, Giáo Hội vừa hữu hình
vừa thiêng liêng, sau nữa, Giáo Hội là mầu nhiệm con người hiệp thông với Thiên
Chúa, và sau hết, Giáo Hội là Bí Tích Cứu Độ phổ quát cho loài người.
Giáo Hội vừa hữu hình vừa thiêng liêng:
• “’Đấng trung gian duy nhất là Chúa Kitô đã thiết lập và hằng bảo trì Hội Thánh
của Người, một cộng đồng đức tin-cậy-mến, trên thế gian này như là một tổ chức
hữu hình để Người thông đạt chân lý và ân sủng cho tất cả mọi người’ (Hiến Chế
Ánh Sáng Muôn Dân, đoạn 8.1). Giáo Hội cùng một lúc vừa là một ‘tổ chức được cấu
tạo với các phần vụ phẩm trật vừa là nhiệm thể Chúa Kitô; vừa là một tổ chức hữu
hình vừa là một cộng đồng linh thiêng; vừa là một Giáo Hội trần thế vừa là một
Giáo Hội được trang điểm bằng những nguồn phong phú trên trời’ (cùng nguồn, đoạn
8). Những chiều kích này cùng nhau làm nên ‘một thực tại phức tạp hợp bởi yếu tố
vừa nhân loại vừa thần linh’ (cùng nguồn, 8)”. (số 771)
Giáo Hội là mầu nhiệm con người hiệp thông với Thiên Chúa:
• “Chính ở nơi Giáo Hội mà Chúa Giêsu làm trọn và tỏ cho thấy mầu nhiệm của
Người như là những gì dự án của Thiên Chúa nhắm đến, đó là ‘hiệp nhất tất cả mọi
sự trong Người’ (Eph 1:10). Thánh Phaolô gọi cuộc hiệp hôn giữa Chúa Kitô và
Giáo Hội là ‘một mầu nhiệm cao cả’. Về phần mình, vì được hiệp nhất với Chúa
Kitô là vị hôn phu của mình, Giáo Hội đã trở nên một mầu nhiệm... ”. (số 772)
• “Trong Giáo Hội, việc hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa trong ‘tình yêu
khôn cùng’ này là mục đích được gắn liền với thế giới đang qua đi đây, một mục
đích chi phối hết mọi sự nơi Giáo Hội là thực thể đóng vai trò như một phương
tiện bí tích. ‘Cấu trúc của Giáo Hội hoàn toàn hướng về sự thánh thiện của các
phần thể thuộc về mình. Và sự thánh thiện được đo lường theo chiều kích mầu
nhiệm cao cả, ở chỗ, vị Hôn Thê hiến dâng tình yêu của mình để đáp lại việc ban
tặng của Đấng Lang Quân’ (Gioan Phaolô II, Tông Thư Mulieris Dignitatem, đoạn
27). Mẹ Maria đã đi trước tất cả mọi người chúng ta trong sự thánh thiện là mầu
nhiệm của Giáo Hội, như ‘vị hôn thê vô tì tích và không vết nhăn’ (Eph 5:27). Đó
là lý do tại sao chiều kích ‘Maria’ của Giáo Hội đi trước chiều kích ‘Phêrô’ vậy
(xem ĐTC Gioan Phaolô II cùng nguồn như vừa dẫn)”. (số 773)
Giáo Hội là Bí Tích Cứu Độ phổ quát cho loài người:
• “’Trong Chúa Kitô Giáo Hội như là một bí tích – tức là một dấu hiệu và khí cụ,
của việc hiệp thông với Thiên Chúa cũng như của việc hiệp nhất tất cả loài người’
(Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 1). Mục đích đầu tiên của Giáo Hội đó là phải trở
nên một bí tích hiệp nhất sâu xa giữa con người với Thiên Chúa. Vì việc hiệp
thông của con người với nhau bắt nguồn từ việc hiệp nhất với Thiên Chúa như thế
mà Giáo Hội cũng là bí tích hiệp nhất loài người nữa. Nơi Giáo Hội, việc hiệp
nhất này đã bắt đầu, vì Giáo Hội qui tụ con người ‘từ mọi quốc gia, mọi chủng
tộc, mọi dân nước và mọi ngôn ngữ’ (Rev 7:9); đồng thời Giáo Hội cũng ‘là dấu
hiệu và là khí cụ’ cho việc hoàn toàn hiện thực mối hiệp nhất chưa thành tựu ấy
nữa”. (số 775)
2. PHẢI CHĂNG BẢN CHẤT MẦU NHIỆM CỦA GIÁO HỘI CHÚA KITÔ CÓ
LIÊN QUAN ĐẾN MẦU NHIỆM CHÚA BA NGÔI?
Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo cho thấy ba hình ảnh thực
tại nói lên chính bản chất mầu nhiệm của Giáo Hội Chúa Kitô có liên quan đến Mầu
Nhiệm Chúa Ba Ngôi, qua việc Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, Giáo Hội là Thân Thể
Chúa Kitô, và Giáo Hội là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần.
Giáo Hội là Dân Thiên Chúa:
• “’Ở mọi thời và mọi chủng tộc, hễ ai kính sợ Thiên Chúa và làm những gì ngay
thật đều đáng được Ngài chấp nhận. Tuy nhiên, Ngài muốn thánh hóa con người và
cứu độ họ, không phải theo cá nhân không có liên hệ hay dính líu gì với nhau, mà
là làm cho họ thành một dân tộc để nhận biết Ngài và phụng sự Ngài trong thánh
thiện...’ (Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 9; x Acts 10:35)”. (số 781)
• “Dân Thiên Chúa được đánh dấu bằng những đặc tính hoàn toàn làm cho họ khác
biệt hẳn với tất cả mọi nhóm tôn giáo, chủng tộc, chính trị hay văn hóa trong
lịch sử, ở chỗ, họ là Dân của Thiên Chúa, một Thiên Chúa không phải là sở hữu
riêng của bất cứ một dân tộc nào...; ở chỗ, việc trở nên phần tử của dân này
không phải là việc được hạ sinh về thể lý mà là ‘bởi nước và Thần Linh’ (Jn
3:3-5)...; ở chỗ dân này là ‘dân thiên sai’ có Chúa Giêsu Kitô (Đấng được xức
dầu, Đấng Thiên Sai) làm Đầu...; ở chỗ thân phận của dân này là thân phận cao
trọng và tự do của con cái Thiên Chúa...; ở chỗ lề luật của họ là giới răn mới
yêu thương như Chúa Kitô đã yêu thương (x Jn 13:34)...; ở chỗ sứ vụ của họ là
muối đất và là ánh sáng thế gian (x Mt 5:13-16); ở chỗ đích điểm của họ ‘là
Vương Quốc của Thiên Chúa... phải được lan rộng cho tới khi Ngài làm cho vương
quốc này trở nên viên trọn vào lúc tận cùng thời gian’ (Hiến Chế Lumen Gentium,
đoạn 9.2)”. (số 782)
• “Chúa Giêsu Kitô là Đấng Chúa Cha đã xức đầu Thánh Linh và thiết lập làm tư tế,
ngôn sứ và vương chủ. Toàn thể Dân Thiên Chúa được tham dự vào ba vai trò này
của Chúa Kitô khiến họ lãnh nhận trách nhiệm truyền giáo và phục vụ” (số 783).
“... Bởi được tái sinh và được xức dầu Thánh Linh, người lãnh nhận phép rửa đã
được thánh hiến để trở nên một ngôi nhà thiêng liêng và thuộc vào hàng tư tế
thánh hảo’ (Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 10; xem Heb 5:1-5; Rev 1:6)” (số 784).
“’Dân thánh của Thiên Chúa cũng tham dự vào vai trò ngôn sứ của Chúa Kitô, trước
hết, ở cảm thức siêu nhiên của đức tin là cảm quan thuộc về toàn Dân, giáo dân
cũng như giáo sĩ, khi họ không ngừng gắn bó với đức tin đã được vĩnh viễn ban
cho các thánh’ (cùng hiến chế vừa trích, đoạn 12; x Jude 3), cũng như khi họ đào
sâu kiến thức của mình và trở nên chứng nhân của Chúa Kitô giữa lòng thế giới” (số
785). “... Đối với Kitô hữu, ‘cai trị là phục vụ’, nhất là phục vụ người nghèo
khó và đau khổ, thành phần được Giáo Hội nhận biết là hình ảnh của Đấng Sáng Lập
bần cùng và khổ đau của mình’ (cùng hiến chế vừa trích, đoạn 8, xem cả đoạn 36).
Dân Thiên Chúa hoàn tất phẩm vị vương giả của mình bằng đời sống theo ơn gọi
phục vụ cùng với Chúa Kitô” (số 786).
Giáo Hội là Thân Thể Chúa Kitô:
• “... ‘Bằng việc thông Thần Linh của mình ra, một cách mầu nhiệm, Chúa Kitô đã
thiết lập những người anh em của mình, thành phần được kêu gọi để tụ họp lại với
nhau từ mọi dân nước’ (Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 7), trở nên thân mình của
Người” (số 788). “Việc so sánh Giáo Hội như một thân thể cho thấy mối liên hệ
thân tình giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Giáo Hội không phải chỉ được qui tụ chung
quanh Người; Giáo Hội còn được hiệp nhất nên một với Người nữa, nên một với thân
mình của Người. Có 3 khía cạnh Giáo Hội là Thân Mình của Chúa Kitô cần phải được
đề cập đến đặc biệt, đó là việc tất cả mọi phần tử của Giáo Hội hiệp nhất với
nhau nhờ họ được nên một với Chúa Kitô, Chúa Kitô là đầu của Thân Mình này, và
Giáo Hội là vị hôn thê của Chúa Kitô” (số 789).
• “Sự duy nhất của thân mình này không làm mất đi tính cách đa diện nơi các phần
tử của mình... Sự duy nhất của Nhiệm Thể làm phát sinh và kích thích đức bác ái
giữa tín hữu... Sau hết, sự duy nhất của Nhiệm Thế thắng vượt tất cả mọi chia rẽ
của con người...” (số 791). “Chúa Kitô hiệp nhất chúng ta với Cuộc Khổ Nạn của
Người, ở chỗ, tất cả mọi phần thể của Người phải nỗ lực nên giống Người, ‘cho
đến khi Chúa Kitô được hình thành’ nơi họ (Gal 4:19). ‘Vì lý do này, chúng ta...
được tham dự vào các mầu nhiệm đời sống của Người,... được liên kết với những
khổ đau của Người như thân thể với đầu, chịu đau khổ với Người để cùng Người
chúng ta được vinh quang’ (Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 4; x Phil 3:21; Rm
8:17)” (số 793). “Để làm cho chúng ta lớn lên tới Người là đầu của chúng ta (x
Col 2:19; Eph 4:11-16), Người cung cấp cho Giáo Hội là Thân Mình của Người những
tặng ân và trợ ân làm cho chúng ta giúp nhau trên con đường cứu độ” (số 794).
“Như thế, Chúa Kitô cùng với Giáo Hội làm nên ‘toàn thể Chúa Kitô’ (Christus
totus). Giáo Hội là một với Chúa Kitô. Các thánh đã sâu sắc nhận ra mối hiệp
nhất này: ‘... Chúng ta không phải chỉ trở nên Kitô hữu mà là nên chính Chúa
Kitô... Vì nếu Người là đầu, chúng ta là các phần thể thì Người cùng với chúng
ta là một con người hoàn toàn...’ (Thánh Âu Quốc Tinh, In jo. ev. 21, 8: PL 35,
1568)” (số 795).
Giáo Hội là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần:
• “’Linh hồn đối với thân thể con người thế nào thì Thánh Linh đối với Thân Mình
Chúa Kitô là Giáo Hội cũng thế’ (Thánh Âu Quốc Tinh, Sermo 267, 4: PL 38, 1231
D). ‘Sự kiện mà tất cả mọi phần của thân thể được liên kết nên một với nhau và
với đầu cao cả phải có một nguyên lý vô hình là Vị Thần Linh của Chúa Kitô; vì
tất cả Thần Linh của Chúa Kitô ở đầu, tất cả Thần Linh ở nơi thân mình và tất cả
Thần Linh ở nơi mỗi một phần thể’ (Đức Piô XII, Thông Điệp Mystici Corporis: DS
3808). Thánh Linh làm cho Giáo Hội nên ‘đền thờ của Thiên Chúa hằng sống’ (2Cor
6:16; x 1Cor 3:16-17; Eph 2:21)”. (số 797)
• “Thánh Linh là ‘nguyên lý của mọi tác động cứu độ sống động và thực sự nơi mỗi
phần của Thân Mình này’ (Đức Piô XII, cùng thông điệp vừa dẫn). Ngài làm việc
bằng nhiều cách để xây dựng toàn Thân Mình trong đức ái (x Eph 4:16): bằng Lời
Chúa ‘để có thể xây dựng anh em’ (Acts 20:32), bằng Phép Rửa Ngài hình thành
Thân Mình Chúa Kitô (x 1Cor 12:13), bằng các bí tích làm cho các phần thể của
Chúa Kitô lớn lên và lành mạnh, bằng ‘tặng ân tông đồ dẫn đầu trong các tặng ân
của Ngài’ (Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 7.2), bằng các nhân đức làm cho chúng ta
tác hành theo những gì tốt lành; sau hết bằng nhiều tặng ân đặc biệt (được gọi
là ‘đoàn sủng’) Ngài làm cho tín hữu ‘xứng hợp để sẵn sàng đảm nhận những công
việc và vai trò khác nhau trong việc canh tân cũng như xây dựng Giáo Hội’ (cùng
hiến chế vừa dẫn, đoạn 12.2; x AA 3)” (số 798)
3. PHẢI CHĂNG BẢN CHẤT MẦU NHIỆM CỦA GIÁO HỘI CHÚA KITÔ
CÒN LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA CHÚA BA NGÔI?
Bản chất mầu nhiệm của Giáo Hội Chúa Kitô, theo Giáo Lý
của Giáo Hội Công Giáo, vì liên quan đến Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi, do đó, Giáo Hội
Chúa Kitô còn là chính tác phẩm thuộc dự án và công cuộc Chúa Ba Ngôi muốn thực
hiện trong lịch sử cứu độ, tức Giáo Hội được Chúa Cha cưu mang và ấp ủ, được
Chúa Kitô khai trương và thiết lập, cũng như được Chúa Thánh Thần tỏ lộ cho đến
khi toàn hảo trong vinh quang.
Giáo Hội được Chúa Cha cưu mang và ấp ủ:
• “’Chúa Cha hằng hữu, theo dự án khôn ngoan và thiện hảo hoàn toàn nhưng không
và mầu nhiệm của mình, đã tạo dựng nên toàn thể vũ trụ và đã muốn nâng con người
lên thông phần với sự sống thần linh của Ngài’ (Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 2)
là mục tiêu Ngài đã kêu gọi tất cả mọi người nơi Con Ngài. ‘Chúa Cha... đã quyết
định kêu gọi những ai tin vào Chúa Kitô tập hợp lại thành một Hội Thánh’ (cùng
hiến chế trên). ‘Gia đình của Thiên Chúa’ ấy dần dần được hình thành và lớn lên
qua các giai đoạn của lịch sử con người hợp với ý định của Chúa Cha...”. (số
759)
• “Thiên Chúa đã tạo dựng thế gian để thế gian được hiệp thông với sự sống thần
linh của Ngài, một mối hiệp thông được thực hiện bởi việc Thiên Chúa ‘triệu tập
chung’ con người lại trong Chúa Kitô, và ‘cuộc triệu tập chung’ này chính là
Giáo Hội (biệt chú của người soạn dịch: theo Giáo Lý số 751 thì ‘chữ Giáo Hội,
tiếng Latinh là ecclesia, được bắt nguồn từ tiếng ek-kalein của Hy Lạp, nghĩa là
triệu gọi, có ý nói đến một cuộc triệu tập chung hay một hội đồng’). Giáo Hội là
mục tiêu của tất cả mọi sự (x Thánh Epiphanius, Panarion 1, 1, 5: PG 41,
181C)... ‘Như ý muốn của Thiên Chúa là việc tạo thành và việc tạo dựng ấy được
gọi là ‘thế gian’ ra sao thì ý định của Ngài là việc cứu độ con người và việc
cứu độ ấy được gọi là Giáo Hội như vậy’ (Clement of Alex, Paed. 1, 6, 27: PG 8,
281)”. (số 760)
• “Việc tụ hội của Dân Chúa được bắt đầu vào lúc tội lỗi phá hủy mối hiệp thông
giữa con người với Thiên Chúa cũng như giữa con người với nhau. Việc tụ hội của
Giáo Hội thực sự là phản ứng của Thiên Chúa đối với tình trạng chao đảo do tội
lỗi gây nên. Việc tái hiệp nhất này được đạt tới một cách âm thầm nơi cõi lòng
của tất cả mọi dân nước: ‘Bất cứ ai trong mọi dân nước kính sợ Ngài và làm điều
ngay chính đều đáng chấp nhận’ đối với Thiên Chúa (Acts 10:35; x Hiến Chế Lumen
Gentium, đoạn 9, 13, 16)” (số 761). Việc sửa soạn xa cho việc tụ hội này của Dân
Chúa được bắt đầu khi Ngài kêu gọi Abraham và hứa cho ông trở thành cha của một
dân tộc vĩ đại (x Gen 12:2, 15:5-6). Việc sửa soạn gần được mở màn với việc Yến
Duyên được chọn làm Dân Chúa. Nhờ được tuyển chọn như thế, Yến Duyên đã trở
thành dấu chỉ cho cuộc tụ hội sau này của tất cả mọi dân nước (x Ex 19:5-6; Deut
7:6; Is 2:2-5; Mic 4:1-4). Thế nhưng các tiên tri đã cáo giác Yến Duyên là vi
phạm đến giao ước và tác hành như là một gái điếm. Các vị ấy đã loan báo một
giao ước mới vĩnh cửu. ‘Chúa Kitô đã thiết lập Giao Ước Mới này’ (Hiến Chế Lumen
Gentium, đoạn 9; x Hos 1; Is 1:2-4; Jer 2, 31:31-34; Is 55:3)” (số 762).
Giáo Hội được Chúa Kitô khai trương và thiết lập:
• “... ‘Chúa Giêsu đã khai mạc Giáo Hội của Người bằng việc rao giảng Tin Mừng,
tức là rao giảng việc Nước Thiên Chúa đến như đã được hứa hẹn qua nhiều thế kỷ
trong các sách thánh’ (Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 5). Để hoàn tất ý định của
Cha, Chúa Kitô đã loan báo Nước Trời trên thế gian. Giáo Hội ‘là Triều Đại của
Chúa Kitô đã hiện diện một cách mầu nhiệm’ (cùng nguồn vừa dẫn, đoạn 3)”. (số
763)
• “Chúa Giêsu đã trang bị cho cộng đồng của Người với một cấu trúc sẽ tồn tại
cho tới khi Vương Quốc của Người hoàn toàn trị đến. Trước hết là việc Người chọn
12 Vị có Phêrô làm đầu (x Mk 3:14-15). Tiêu biểu cho 12 chi tộc Yến Duyên, các
vị là các tảng đá nền của một tân Gialiêm (x Mt 19:28; Lk 22:30; Rev
21:12-14)...”. (số 765)
• “Giáo Hội được hạ sinh bắt nguồn từ việc toàn hiến của Chúa Kitô cho phần rỗi
của chúng ta, một việc toàn hiến được hàm chứa nơi việc Người thiết lập Bí Tích
Thánh Thể cũng như nơi việc Người hoàn tất trên thập giá. ‘Nguồn gốc và việc
tăng trưởng của Giáo Hội được biểu hiệu nơi máu và nước chảy ra từ cạnh sườn mở
ra của Chúa Kitô tử giá’ (Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 3). ‘Vì chính từ cạnh
sườn của Chúa Kitô khi Người ngủ giấc ngủ tử nạn trên thập giá đã xuất phát ra
bí tích lạ lùng là toàn thể Giáo Hội’ (Hiến Chế Sacrosanctum Concilium, đoạn 5).
Như Evà đã được thành nên từ cạnh sườn của Adong đang ngủ thế nào thì Giáo Hội
cũng được hạ sinh từ trái tim bị đâm thâu của Chúa Kitô chết treo trên thập giá
như vậy (x Thánh Ambrôsiô, In Luc. 2, 85-89: PL 15, 1666-1668)”. (số 766)
Giáo Hội được Chúa Thánh Thần tỏ lộ cho đến khi toàn hảo trong vinh quang:
• “’Khi việc Chúa Cha trao cho Con làm trên thế gian hoàn tất thì Thánh Linh
được sai đến vào Ngày Lễ Ngũ Tuần để tiếp tục thánh hóa Giáo Hội’ (Hiến Chế
Lumen Gentium, đoạn 4; x Jn 17:4). Bấy giờ ‘Giáo Hội được tỏ hiện rõ ràng trước
công chúng và bắt đầu việc truyền bá Phúc Âm nơi các dân nước’ (Sắc Lệnh Ad
Gentes, đoạn 4). Là ‘cuộc triệu tập chung’ của tất cả mọi người để được cứu độ,
tự bản chất của mình Giáo Hội là truyền giáo, được Chúa Kitô sai đến với tất cả
mọi dân nước để tuyển mộ các môn đệ nơi các dân nước ấy (x Mt 28:19-0; cùng sắc
lệnh vừa dẫn, đoạn 2, 5-6)” (số 767). “Để Giáo Hội có thể hoàn tất sứ vụ của
mình, Thánh Linh ‘đã ban cho (Giáo Hội) những tặng ân về phẩm trật cũng như về
các đoàn sủng khác nhau, nhờ đó Ngài điều khiển Giáo Hội’ (cùng đoạn hiến chế
vừa dẫn)...” (số 768).
• “’Giáo Hội... sẽ chỉ được toàn hảo trong vinh quang thiên quốc’ (cùng hiến chế
vừa dẫn, đoạn 48), khi Chúa Kitô trở lại trong vinh quang. Cho đến ngày đó,
‘Giáo Hội tiến bước trong cuộc lữ hành của mình giữa những bách hại của thế gian
và những an ủi của Thiên Chúa’ (Thánh Âu Quốc Tinh, De Civ. Dei, 18, 51: PL 41,
614; x hiến chế vừa dẫn, đoạn 8)... Giáo Hội và thế giới, qua Giáo Hội, sẽ không
được hoàn hảo trong vinh quang mà lại không có những thử thách cả thể. Chỉ cho
tới lúc đó ‘tất cả mọi kẻ công chính từ thời Adong là Abel cho đến người được
tuyển chọn cuối cùng... đều được qui tụ lại trong Giáo Hội hoàn vũ trước nhan
Chúa Cha’ (cùng hiến chế vừa dẫn, đoạn 2)’” (số 769).
TÓM LẠI:
Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, Giáo Hội Chúa Kitô tự
bản chất là một mầu nhiệm ở chỗ, trước hết, Giáo Hội vừa hữu hình vừa thiêng
liêng (SGL số 770-771), sau nữa, Giáo Hội là mầu nhiệm con người hiệp thông với
Thiên Chúa (SGL số 772- 773), và sau hết, Giáo Hội là Bí Tích Cứu Độ phổ quát
cho loài người (SGL số 775). Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo cho thấy ba hình ảnh
thực tại nói lên chính bản chất mầu nhiệm của Giáo Hội Chúa Kitô có liên quan
đến Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi qua việc Giáo Hội là Dân Thiên Chúa (SGL số 781-786),
Giáo Hội là Thân Thể Chúa Kitô (SGL số 788-789, 791, 793-795) và Giáo Hội là Đền
Thờ của Chúa Thánh Thần (SGL số 797-798). Bản chất mầu nhiệm của Giáo Hội Chúa
Kitô, theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, vì liên quan đến Mầu Nhiệm Chúa Ba
Ngôi, do đó, Giáo Hội Chúa Kitô là chính tác phẩm thuộc dự án và công cuộc Chúa
Ba Ngôi muốn thực hiện trong lịch sử cứu độ, tức Giáo Hội được Chúa Cha cưu mang
và ấp ủ (SGL số 759-762), được Chúa Kitô khai trương và thiết lập (SGL số 763,
765-766), cũng như được Chúa Thánh Thần tỏ lộ cho đến khi toàn hảo trong vinh
quang (SGL số 767-769).
THÂM TÍN SỐNG ĐẠO
1. Kitô hữu chúng ta đã được Giáo Hội sinh vào sự sống
Thần Linh của Chúa Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần qua Bí Tích Rửa Tội, do
đó, chúng ta không thể sống mồ côi như không có Mẹ của mình là Giáo Hội, ở chỗ
sống ngoài Giáo Hội hay sống như không có Giáo Hội hoặc sống phản lại Giáo Hội.
2. Chúng ta chỉ có thể nên một với Chúa Kitô và lớn lên trong Chúa Kitô cho đến
khi Người đạt đến tầm vóc viên trọn của Người nơi chúng ta trong Giáo Hội và
cùng với Giáo Hội mà thôi, bằng việc chúng ta thiết tha hiệp nhất với Giáo Hội,
chẳng những trong việc sốt sắng cử hành Phụng Vụ Thánh nói chung và lãnh nhận
các bí tích Giáo Hội ban cho nói riêng, mà còn trong cả việc siêng năng học hỏi
và thực hành giáo huấn của Giáo Hội, cũng như trong việc cùng với Giáo Hội làm
việc tông đồ truyền giáo nữa.
3. Sống đời Kitô hữu như thế quả thực là Sống Giáo Hội trong vai trò tư tế thánh
hóa nơi cả bản thân mình cũng như nơi tất cả mọi tạo vật và hoàn cảnh cuộc đời
để có thể luôn luôn dâng hiến tế tạ ơn lên Cha trên trời, là Sống Giáo Hội như
một vị vương chủ biết cai trị chính bản thân mình, một vị vương chủ chiến thắng
thế gian bằng thập giá Chúa Kitô, bằng việc “làm hoàn tất nơi thân xác mình
những gì còn thiếu nơi cuộc những khổ nạn của Chúa Kitô đã chịu vì nhiệm thể
Giáo Hội của Người” (Col 1:24), và là Sống Giáo Hội như một vị ngôn sứ cùng với
Chúa Thánh Linh và theo tác động của Ngài để làm chứng nhân cho “Đức Kitô, Con
Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16).
TRẮC NGHIỆM
Xin đọc bài Giáo Lý lược tóm tổng ôn dưới đây, rồi dùng
các chữ ở cuối trang để điền vào những chỗ gạch trống các câu Sách Giáo Lý vừa
học hỏi cho đúng nguyên văn ý nghĩa của nó. Trong vòng 10 phút.
Qua bài Giáo Lý 15 về Mầu Nhiệm Giáo Hội, Giáo Hội Công Giáo đã cho con cái của
mình thấy những điểm chính sau đây: Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, Giáo
Hội Chúa Kitô tự bản chất là một mầu nhiệm ở chỗ, trước hết, Giáo Hội vừa hữu
hình vừa thiêng liêng (SGL số 770-771), sau nữa, Giáo Hội là mầu nhiệm con người
hiệp thông với Thiên Chúa (SGL số 772- 773), và sau hết, Giáo Hội là Bí Tích Cứu
Độ phổ quát cho loài người (SGL số 775). Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo cho thấy
ba hình ảnh thực tại nói lên chính bản chất mầu nhiệm của Giáo Hội Chúa Kitô có
liên quan đến Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi qua việc Giáo Hội là Dân Thiên Chúa (SGL số
781-786), Giáo Hội là Thân Thể Chúa Kitô (SGL số 788-789, 791, 793-795) và Giáo
Hội là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần (SGL số 797-798). Bản chất mầu nhiệm của Giáo
Hội Chúa Kitô, theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, vì liên quan đến Mầu Nhiệm
Chúa Ba Ngôi, do đó, Giáo Hội Chúa Kitô là chính tác phẩm thuộc dự án và công
cuộc Chúa Ba Ngôi muốn thực hiện trong lịch sử cứu độ, tức Giáo Hội được Chúa
Cha cưu mang và ấp ủ (SGL số 759-762), được Chúa Kitô khai trương và thiết lập (SGL
số 763, 765-766), cũng như được Chúa Thánh Thần tỏ lộ cho đến khi toàn hảo trong
vinh quang (SGL số 767-769).
1. “Giáo Hội cùng một lúc vừa là một _______ được cấu tạo với các phần vụ phẩm
trật vừa là _________ Chúa Kitô; vừa là một tổ chức ________ vừa là một cộng
đồng __________; vừa là một Giáo Hội trần thế vừa là một Giáo Hội được trang
điểm bằng những nguồn phong phú trên trời. Những chiều kích này cùng nhau làm
nên một thực tại phức tạp hợp bởi yếu tố vừa nhân loại vừa thần linh”. (số 771)
2. “Chính ở nơi Giáo Hội mà Chúa Giêsu làm trọn và tỏ cho thấy mầu nhiệm của
Người như là những gì dự án của Thiên Chúa nhắm đến, đó là ___________ tất cả
mọi sự trong Người”. (số 772)
3. “Trong Chúa Kitô Giáo Hội như là một_________– tức là một dấu hiệu và khí cụ,
của việc __________ với Thiên Chúa cũng như của việc __________ tất cả loài
người” (số 775)
4. “Ở mọi thời và mọi chủng tộc, hễ ai kính sợ Thiên Chúa và làm những gì ngay
thật đều đáng được Ngài chấp nhận. Tuy nhiên, Ngài muốn thánh hóa con người và
cứu độ họ, không phải theo __________ không có liên hệ hay dính líu gì với nhau,
mà là làm cho họ thành một _________ để nhận biết Ngài và phụng sự Ngài trong
thánh thiện”. (số 781)
5. “Bằng việc thông Thần Linh của mình ra, một cách mầu nhiệm, Chúa Kitô đã
thiết lập những người anh em của mình, thành phần được kêu gọi để tụ họp lại với
nhau từ mọi dân nước, trở nên _________ của Người” (số 788). “Việc so sánh Giáo
Hội như một thân thể cho thấy mối liên hệ _________ giữa Chúa Kitô và Giáo Hội.
Giáo Hội không phải chỉ được _________ chung quanh Người; Giáo Hội còn được hiệp
nhất _________ với Người nữa, nên một với thân mình của Người” (số 789).
6. “________ đối với thân thể con người thế nào thì Thánh Linh đối với Thân Mình
Chúa Kitô là Giáo Hội cũng thế. Thánh Linh làm cho Giáo Hội nên đền thờ của
Thiên Chúa hằng sống”. (số 797). “Thánh Linh là ‘_______ của mọi tác động cứu độ
sống động và thực sự nơi mỗi phần của Thân Mình này”. (số 798)
7. “Thiên Chúa đã tạo dựng thế gian để thế gian được hiệp thông với sự sống thần
linh của Ngài, một mối hiệp thông được thực hiện bởi việc Thiên Chúa
____________ con người lại trong Chúa Kitô, và cuộc triệu tập chung này chính là
__________”. (số 760)
8. “Giáo Hội được hạ sinh bắt nguồn từ việc ________ của Chúa Kitô cho phần rỗi
của chúng ta... chính từ cạnh sườn của Chúa Kitô khi Người ngủ giấc ngủ tử nạn
trên thập giá đã xuất phát ra bí tích lạ lùng là toàn thể ________. Như Evà đã
được thành nên từ cạnh sườn của Adong đang ngủ thế nào thì Giáo Hội cũng được hạ
sinh từ ______ bị đâm thâu của Chúa Kitô chết treo trên thập giá như vậy”. (số
766)
(trái tim, tổ chức, nhiệm thể, Giáo Hội, toàn hiến, hữu hình, linh thiêng, Giáo
Hội, triệu tập trung, hiệp nhất, bí tích, nguyên lý, linh hồn, hiệp thông, hiệp
nhất, nên một, qui tụ, cá nhân, dân tộc, thân tình, thân mình)