Bài Giáo Lý số 18
 


MẦU NHIỆM CÁNH CHUNG

(các số 946-1065)
 


CẢM NGHIỆM NHÂN SINH
 


Là người, theo tự nhiên, ai cũng sợ chết. Chính cái cảm giác sợ chết này là một bằng chứng hùng hồn và hiển nhiên nhất cho thấy con người thực sự muốn sống, không phải là một cuộc sống tạm thời mau qua, mà là một cuộc sống trường sinh bất tử. Kể cả khi tự tử đi nữa, tự việc làm của họ, con người cũng hàm ý cho thấy điều này, bởi vì, chính khi họ tìm cái chết là họ trực tiếp muốn thoát khỏi tình trạng cùng khổ trên thế gian, nhưng thực sự gián tiếp họ muốn được mãi mãi sung sướng là những gì thuộc về đời sau mà họ không thể tìm thấy trên “đời là bể khổ” này. Thế nhưng, đời sau đối với trí khôn triết lý của con người là một cái gì hoàn toàn bí mật, và đối với khả năng khoa học của con người là một cái gì siêu việt, do đó, ước vọng muốn được trường sinh bất tử của con người vẫn loay hoay tìm cách giải quyết vấn đề bằng những đường lối tôn giáo, điển hình nhất là thuyết đầu thai của Ấn Giáo và Phật Giáo, một thuyết chủ trương sau khi chết con người tục lụy cần phải luân hồi chuyển kiếp cho tới khi hoàn toàn thoát khỏi mọi nghiệp báo (karma) để được lên cõi niết bàn (nirvana). Dầu sao chủ trương đầu thai của Ấn Giáo và Phật Giáo cũng nói lên niềm tin có đời sau nơi con người cùng nỗi khát vọng của con người muốn được sống trường sinh bất tử.

Đối với Kitô Giáo, căn cứ vào “niềm tin sâu xa nơi Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa dựng nên con người cả hồn lẫn xác” (SGL số 992), tức vào “niềm tin Thiên Chúa không phải là Chúa của kẻ chết mà là của kẻ sống” (SGL số 993), đặc biệt vào chính Vị Giáo Tổ của mình “là Sự Sống lại và là sự sống” (SGL số 994), về phần tiêu cực, đã hoàn toàn phủ nhận việc đầu thai luân hồi (SGL số 1013), trái lại, về phần tích cực, đã tuyệt đối tin tưởng vào Mầu Nhiệm Cánh Chung, một mầu nhiệm có liên quan đến vấn đề “tứ chung” là sự chết, phán xét, thiên đàng và hỏa ngục, trong đó có liên quan đến vấn đề thân xác sống lại, một vấn đề bị chống đối nhất (SGL số 996). Tuy nhiên, theo ý nghĩa sâu xa của mình, Mầu Nhiệm Cánh Chung Kitô Giáo có những chiều hướng liên hệ sau đây:

1.Phải được ngưỡng vọng bởi niềm tin các thánh hiệp thông;
2.Phải được bắt đầu từ ơn thứ tha tội lỗi;
3. Phải được nuôi dưỡng bằng niềm tin thân xác sẽ phục sinh; và
4. Phải được bảo trì bằng niềm hy vọng sống vinh phúc đời sau.
 

KIẾN THỨC ĐỨC TIN
 

1. MẦU NHIỆM CÁNH CHUNG PHẢI ĐƯỢC NGƯỠNG VỌNG BỞI NIỀM TIN CÁC THÁNH HIỆP THÔNG.

Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo nhận định: “Sau khi tuyên xưng ‘Hội Thánh công giáo’, Kinh Tin Kính Các Thánh Tông Đồ liền thêm ‘các thánh hiệp thông’… Việc hiệp thông các thánh chính là Giáo Hội” (số 946). Thế nhưng, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo còn xác nhận: “Ba trạng thái của Giáo Hội. ‘… Hiện nay có một số môn đệ của Người (Chúa Kitô) còn đang lữ hành trên trần thế. Một số khác đã chết và đang được thanh tẩy, trong khi đó cũng có một số đã được hưởng vinh quang…’ (Hiến Chế Lumen Gentium, 49; x Mt 25:31; 1Cor 15:26-27; Công Đồng Chung Florence năm 1439: DS 1305)” (số 954). Vì được hiệp thông cùng Giáo Hội Thanh Luyện và Giáo Hội Vinh Quang hoàn toàn thuộc về đời sau mà Mầu Nhiệm Cánh Chung đã được phản ánh nơi Giáo Hội Lữ Hành ngay ở đời này. “Câu ‘các thánh hiệp thông’ đây có hai ý nghĩa dính liền với nhau, đó là việc hiệp thông ‘những sự thánh (sancta)’ và hiệp thông ‘giữa các thánh (sancti)’” (số 948), nhất là hiệp thông với “Mẹ của Chúa Kitô, Mẹ của Giáo Hội” (số 963).

Việc hiệp thông những sự thánh (sancta):

“Hiệp thông đức tin. Đức tin của tín hữu là đức tin của Giáo Hội lãnh nhận từ các vị tông đồ” (số 949). “Hiệp Thông bí tích. ‘… Tất cả các bí tích là những mối liên kết linh thánh gắn bó tín hữu lại với nhau và ràng buộc họ với Chúa Giêsu Kitô… ‘Danh từ ‘hiệp thông’ có thể áp dụng cho tất cả mọi bí tích, vì các bí tích đều làm cho chúng ta được hiệp nhất với Thiên Chúa…’ (Roman Catechism I, 10, 24)” (số 950). “Hiệp thông đoàn sủng. Thánh Linh ‘phân phối các đặc ân nơi mọi hàng ngũ tín hữu để dựng xây Giáo Hội (Hiến Chế Lumen Gentium, 12.2)” (số 951). “Hiệp thông đức ái. ‘Không ai trong chúng ta sống cho mình, cũng không ai trong chúng ta chết cho mình’ (Rm 14:7)… Những hành động nhỏ nhất của chúng ta thực hiện bằng đức ái mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Hết mọi tội lỗi đều làm hại đến mối hiệp thông này” (số 953).

Việc hiệp thông giữa các thánh (sancti):

“Việc chuyển cầu của các thánh… ‘Tôi muốn sống ở trên trời bằng việc làm lành cho trần thế’ (Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, những lời trao đổi cuối cùng)” (số 956). “Việc hiệp thông với người chết… Lời cầu nguyện của chúng ta cho những người chết chẳng những có thể giúp họ mà còn làm việc họ chuyển cầu cho chúng ta hiệu nghiệm nữa” (số 958).

Việc hiệp thông Mẹ Chúa Kitô, Mẹ Giáo Hội:

“Vai trò làm mẹ của Đức Maria trong lãnh vực ân sủng được liên tục từ việc Mẹ tỏ ra trung thành xin vâng vào lúc Truyền Tin cũng như việc Mẹ đã kiên trì đứng dưới chân thập giá, cho tới khi tất cả mọi kẻ được tuyển chọn vĩnh viễn nên trọn. Được mông triệu về trời, Mẹ vẫn không quên lãng vai trò cứu độ này, trái lại, việc Mẹ chuyển cầu nhiều thứ tiếp tục mang lại cho chúng ta những tặng ân của ơn cứu độ đời đời… Bởi thế, trong Giáo Hội, Đức Trinh Nữ đã được kêu cầu bằng những tước hiệu là Vị Bầu Chữa, Đấng Hộ Phù, Vị Cứu Giúp, Nữ Trung Gian’ (Hiến Chế Lumen Gentium, 62)” (số 969). “Sau khi nói về Giáo Hội, về nguồn gốc, vai trò và định mệnh của Giáo Hội, chúng ta không thấy có cách nào tổng kết tốt hơn là hãy nhìn lên Mẹ Maria. Nơi Mẹ, chúng ta chiêm ngưỡng thấy những gì Giáo Hội là trong mầu nhiệm ‘lữ hành đức tin’ của mình, cũng như những gì Giáo Hội sẽ là trong quê trời khi kết thúc cuộc lữ hành của mình…” (số 972)
 

 MẦU NHIỆM CÁNH CHUNG PHẢI ĐƯỢC BẮT ĐẦU TỪ ƠN THỨ THA TỘI LỖI.

Nếu Mầu Nhiệm Cánh Chung là Mầu Nhiệm Cứu Độ đã được hoàn toàn nên trọn nơi lịch sử loài người, tức mầu nhiệm con người được thực sự và vĩnh viễn cứu độ khỏi tội lỗi và sự chết (là hậu quả của tội lỗi), thì Mầu Nhiệm Cánh Chung này phải được bắt nguồn từ ơn thứ tha tội lỗi, một ơn thứ tha, theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, được Giáo Hội lấy linh quyền của mình ban phát qua Bí Tích Rửa Tội (xem số 977) cũng như Bí Tích Giải Tội (xem số 980).

 “Kinh Tin Kính Các Thánh Tông Đồ liên kết niềm tin có sự tha tội chẳng những với đức tin vào Chúa Thánh Linh mà còn với cả đức tin vào Giáo Hội cùng với việc hiệp thông các thánh nữa. Đó là lúc ban Thánh Linh cho các tông đồ, Chúa Kitô phục sinh ban cho các vị linh quyền tha tội của Người (x Jn 20:22-23)”. (số 976)

 “… Nếu Giáo Hội có quyền tha tội thì không phải chỉ có Phép Rửa mới là phương tiện duy nhất Giáo Hội sử dụng chìa khóa Nước Trời do Chúa Giêsu Kitô trao cho. Giáo Hội phải có khả năng tha thứ cho tất cả mọi hối nhân các vấp phạm của họ, cho dù họ có sa ngã phạm tội cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời họ’ (Roman Catechism I, 11, 4). (số 979)

 “Không có vấp phạm nào, dù trầm trọng đến đâu, mà Giáo Hội không tha thứ được. … Chúa Kitô, Đấng đã chết cho tất cả mọi người, muốn rằng các cửa ngõ để thứ tha tội lỗi nơi Giáo Hội của Người bao giờ cũng phải mở ra cho bất cứ ai bỏ đàng tội lỗi (x Mt 18:21-22)” (số 982)

3. MẦU NHIỆM CÁNH CHUNG PHẢI ĐƯỢC NUÔI DƯỠNG BẰNG NIỀM TIN THÂN XÁC SẼ PHỤC SINH.

Mầu Nhiệm Cánh Chung, theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, là mầu nhiệm tối hậu của đức tin Kitô Giáo: “Kinh Tin Kính Kitô Giáo – bản văn chúng ta dùng để tuyên xưng đức tin của mình vào Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần, cũng như vào tác động sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa của Thiên Chúa – đạt đến tột đỉnh ở chỗ bản tuyên xưng đức tin này công bố việc kẻ chết phục sinh trong ngày sau hết và công bố có sự sống trường sinh” (số 988). “Thế nhưng, làm sao chúng ta có thể tin rằng thân xác chết đi thật sự lại có thể phục sinh cho cuộc sống trường sinh?” (số 996), nếu không phải chúng ta tin rằng:

 “… Bởi quyền toàn năng của mình, Thiên Chúa sau hết sẽ ban sự sống bất diệt cho thân xác của chúng ta, bằng việc tái hợp nó với linh hồn của chúng ta, nhờ quyền năng Phục Sinh của Chúa Giêsu”. (số 997)

 “Tất cả mọi kẻ chết sẽ sống lại, ‘những ai làm lành thì phục sinh để được sống, còn ai hành ác thì phục sinh để chịu luận phán’ (Jn 5:29; x Dan 12:2)”. (số 998)

 “Chúa Kitô đã sống lại với thân xác của Người… Thế nên, trong Người, ‘tất cả mọi kẻ chết sẽ sống lại nơi thân thể như họ đang có hiện nay’, song Chúa Kitô ‘sẽ biến đổi thân xác thấp hèn của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người’, nên một ‘thân xác thiêng liêng’ (Công Đồng Chung Latêranô IV năm 1215: DS 801; Phil 3:21; 1Cor 15:44)”. (số 999)

 “… Việc kẻ chết sống lại gắn liền với Ngày Quang Lâm của Chúa Kitô”. (số 1001)

4. MẦU NHIỆM CÁNH CHUNG PHẢI ĐƯỢC BẢO TRÌ BẰNG NIỀM HY VỌNG SỐNG VINH PHÚC ĐỜIÕ SAU.

Trọng tâm của Mầu Nhiệm Cánh Chung chính là sự sống đời sau, một vinh phúc thiên đường mà, qua cuộc phán xét riêng cũng như chung, sẽ không ban cho kẻ bất chính là thành phần sẽ bị hư đi đời đời trong hỏa ngục, mà chỉ được ban cho người công chính, thành phần, dù có cần phải thanh tẩy trong luyện ngục, cũng sẽ sống trong một trời mới đất mới như Thiên Chúa là nguyên ủy và là cùng đích canh tân lại tất cả mọi sự.

Vinh Phúc Thiên Đường

 “Những ai chết trong ơn nghĩa Chúa và đã hoàn toàn được thanh tẩy thì đời đời sống với Chúa Kitô. Họ muôn đời giống như Thiên Chúa, vì họ ‘thấy Ngài như Ngài là’, thấy Ngài diện đối diện (1Jn 3:2; x 1Cor 13:12; Rev 22:4)”. (số 1023)

“Sự sống toàn hảo này với Ba Ngôi Chí Thánh – tức cuộc thông hiệp sự sống và tình yêu với Ba Ngôi, với Trinh Nữ Maria, với các thiên thần và toàn thể các thánh – được gọi là ‘thiên đàng’. Thiên đàng là cùng đích tối thượng và là mức độ viên trọn của những gì con người hết sức khát vọng, là trạng thái hạnh phúc tuyệt đối vĩnh hằng”. (số 1024)

 “Sống trên thiên đàng là ‘được ở với Chúa Kitô’. Người được tuyển chọn sống ‘trong Chúa Kitô’ (Phil 1:23; x Jn 14:3; 1Thess 4:17), nhưng họ vẫn giữ được, đúng hơn tìm thấy căn tính đích thực của mình, tìm thấy tên gọi riêng của mình (x Rev 2:17)”. (số 1025)

“Bằng việc tử nạn và Phục Sinh, Chúa Giêsu Kitô đã ‘mở’ thiên đàng ra cho chúng ta. Sự sống của vĩnh phúc nhân là ở chỗ trọn vẹn chiếm được các hoa trái của việc Chúa Kitô cứu chuộc… Thiên đàng là cộng đồng vĩnh phúc của tất cả những ai hoàn toàn liên kết với Chúa Kitô”. (số 1026)

 “Vì siêu việt tính của mình, không ai có thể thấy được Thiên Chúa như Ngài là, trừ khi chính Ngài tỏ mầu nhiệm của Ngài ra cho để con người được trực tiếp chiếm ngắm và ban cho họ có khả năng này. Giáo Hội gọi việc chiêm ngắm Thiên Chúa trong vinh hiển thiên đình của Ngài ấy là ‘phúc kiến’”. (số 1028)

Phán Xét Chung Riêng

“Mỗi một người lãnh nhận vĩnh phần của mình ở nơi linh hồn bất tử của họ vào chính giây phút lâm chung, qua một cuộc phán xét riêng liên quan đến cuộc sống của họ đối với Chúa Kitô: một là họ được vào hưỡng vinh phúc thiên đàng – qua một cuộc thanh tẩy (x Công Đồng Chung Lyon II năm 1274: DS 857-858; Công Đồng Chung Florence năm 1439: DS 1304-1306; Công Đồng Chung Triđentinô năm 1563: DS 1820) hay liền ngay tức khắc (x Đức Bênêđictô XII, Benedictus Deus năm 1336: DS 1000-1001; Đức Gioan XXII, Ne Supeer His năm 1334: DS 990) – hai là lập tức bị trầm luân đời đời (cùng văn kiện của Đức Bênêđitô XII: DS 1002)”. (số 1022)

 “Việc tất cả mọi kẻ chết phục sinh, ‘cả kẻ lành người dữ’ (Acts 24:15), sẽ xẩy ra trước Cuộc Chung Thẩm…” (số 1038).

 “… Cuộc Chung Thẩm sẽ phơi bầy hết cỡ việc lành mà mỗi người đã làm hay không làm trong cuộc sống trần gian của họ” (số 1039).

 “Cuộc Chung Thẩm sẽ xẩy ra khi Chúa Kitô đến trong vinh quang… Cuộc Chung Thẩm sẽ tỏ ra cho thấy rằng đức công chính của Thiên Chúa chiến thắng tất cả mọi thứ bất chính gây ra do các tạo vật của Ngài, cũng như cho thấy tình yêu của Thiên Chúa mạnh hơn sự chết (x Sg 8:6)”. (số 1040)

Luyện Ngục, Hỏa Ngục

 “Tất cả những ai chết trong ơn nghĩa Chúa, song vẫn chưa được hoàn toàn thanh tẩy, thực sự đã được bảo đảm phần rỗi đời đời của mình rồi; tuy nhiên, sau khi chết họ còn phải chịu thanh tẩy nữa, nhờ đó họ chiếm được sự thánh thiện cần thiết để có thể hoan hưởng thiên đình” (số 1030). “Giáo Hội gọi cuộc thanh tẩy cuối cùng của thành phần được tuyển chọn này là Luyện Ngục, một cuộc thanh tẩy hoàn toàn khác hẳn với hình phạt của thành phần bị trầm hư (x Công Đồng Chung Florence năm 1439: DS 1304; Công Đồng Chung Triđentinô năm 1563: DS 1820; Đức Bênêđictô XII, Benedictus Deus năm 1336: DS 1000)” (số 1031).

“… Chết trong khi còn mắc tội trọng mà không ăn năn thống hối và chấp nhận tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa tức là vẫn ở trong tình trạng theo ý muốn tự do chọn lựa của chúng ta tách lìa khỏi Ngài muôn đời. Tình trạng vĩnh viễn tự loại trừ mình khỏi cuộc hiệp thông với Thiên Chúa và các thánh đây được gọi là ‘hỏa ngục’” (số 1033). “… Hình phạt chính của hỏa ngục là đời đời bị lìa xa khỏi Thiên Chúa, Đấng mà chỉ có một mình Ngài con người mới được sự sống và hạnh phúc là những gì họ đã được tạo dựng nên để đạt tới và cũng là những gì họ trông mong” (số 1035). “Thiên Chúa không tiền định cho ai phải sa hỏa ngục (x Công Đồng Chung Orange II năm 529: DS 397; Công Đồng Chung Triđentinô năm 1547: DS 1567); vì thế, cần phải có việc tự ý lìa bỏ Thiên Chúa (tức là phạm tội trọng) và việc nhất quyết sống như vậy cho tới cùng…” (số 1037).

Trời Mới Đất Mới

 “Vào lúc tận cùng thời gian Vương Quốc của Thiên Chúa sẽ hoàn toàn trị đến. Sau cuộc phán xét chung, kẻ lành sẽ cùng với Chúa Kitô muôn đời cai trị, được vinh quang cả xác lẫn hồn. Chính vũ trụ cũng sẽ được canh tân đổi mới” (số 1042). “Thánh Kinh gọi cuộc canh tân mầu nhiệm này, một cuộc biến đổi cả nhân loại và thế giới, là ‘trời mới đất mới’ (2Pet 3:13; x Rev 21:1). Dự án của Thiên Chúa trong việc đem ‘tất cả mọi sự, những sự trên trời cũng như những sự dưới đất’ (Eph 1:10) qui tụ lại dưới một thủ lãnh sẽ hoàn toàn được hiện thực” (số 1043).

“Đối với con người, cuộc hoàn thành này sẽ là tình trạng hiện thực cuối cùng của mối hiệp nhất loài người lại với nhau, mối hiệp nhất Thiên Chúa đã dự định từ khi tạo thành và là một mối hiệp nhất Giáo Hội lữ hành đóng vai ‘bản chất là một bí tích’ (x Hiến Chế Lumen Gentium, 1). Những ai hiệp nhất với Chúa Kitô sẽ làm nên một cộng đồng của thành phần được cứu độ, ‘thánh đô của Thiên Chúa’, ‘Hôn Thê, bạn đời của Con Chiên’ (Rev 21:2, 9)…... Phúc Kiến sẽ trở thành một suối nguồn tràn lan hạnh phúc, an bình và hiệp thông với nhau”. (số 1045)

“Đối với vũ trụ, Mạc Khải xác định số mệnh chung sâu xa giữa thế giới vật chất và con người: ‘Vì tạo vật ngong ngóng mong đợi việc tỏ hiện của con cái Thiên Chúa... trong hy vọng, vì chính tạo vật sẽ được giải thoát khỏi số phận hư hoại...’ (Rm 8:19-23)” (số 1046). “Bấy giờ cả vũ trụ hữu hình được ấn định biến đổi, ‘để chính thế giới, lấy lại tình trạng nguyên thủy của mình, không còn gặp những trục trặc, phải góp phần vào việc phụng sự kẻ lành’, thông dự vinh quang với Chúa Giêsu Kitô phục sinh (Thánh Irênêô, Adv. Haeres. 5, 32, 1: PG 7 / 2, 210)” (số 1047).


TÓM LẠI:

Vì được hiệp thông cùng Giáo Hội Thanh Luyện và Giáo Hội Vinh Quang hoàn toàn thuộc về đời sau mà Mầu Nhiệm Cánh Chung đã được phản ánh nơi Giáo Hội Lữ Hành ngay ở đời này. “Câu ‘các thánh hiệp thông’ đây có hai ý nghĩa dính liền với nhau, đó là việc hiệp thông ‘những sự thánh (sancta)’ (số 949-951, 953), hiệp thông ‘giữa các thánh (sancti)’” (số 956, 958), nhất là hiệp thông với “Mẹ của Chúa Kitô, Mẹ của Giáo Hội” (số 969, 972). Nếu Mầu Nhiệm Cánh Chung là Mầu Nhiệm Cứu Độ đã được hoàn toàn nên trọn nơi lịch sử loài người, tức mầu nhiệm con người được thực sự và vĩnh viễn cứu độ khỏi tội lỗi và sự chết (là hậu quả của tội lỗi), thì Mầu Nhiệm Cánh Chung này phải được bắt nguồn từ ơn thứ tha tội lỗi (số 976, 979, 982), một ơn thứ tha, theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, được Giáo Hội lấy linh quyền của mình ban phát qua Bí Tích Rửa Tội (số 977) cũng như Bí Tích Giải Tội (số 980). Mầu Nhiệm Cánh Chung, theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, là mầu nhiệm tối hậu của đức tin Kitô Giáo công bố việc kẻ chết phục sinh trong ngày sau hết (số 997-999, 1001) và công bố có sự sống trường sinh (số 988). Trọng tâm của Mầu Nhiệm Cánh Chung chính là sự sống đời sau, một vĩnh phúc thiên đường (số 1023-1026, 1028), qua cuộc phán xét riêng cũng như chung (số 1022, 1038-1040), sẽ không ban cho kẻ bất chính là thành phần sẽ bị hư đi đời đời trong hỏa ngục (số 1033, 1035, 1037), mà chỉ được ban cho người công chính, thành phần dù có cần phải được thanh tẩy trong luyện ngục (số 1030-1031), cũng sẽ sống trong một trời mới đất mới (số 1042-1043, 1045-1047), như Thiên Chúa là nguyên ủy và là cùng đích canh tân lại tất cả mọi sự.


THÂM TÍN SỐNG ĐẠO


1. “Sự chết là tận kết của cuộc sống trần gian... Khía cạnh chết chóc này giúp cho đời sống của chúng ta mang tính cách khẩn trương, ở chỗ khi nhớ đến cái chết của mình chúng ta nhận ra rằng chúng ta chỉ có một thời gian giới hạn để làm cho đời sống của chúng ta được nên trọn”. (số 1007)

2.“Chết là tận cùng của cuộc con người lữ hành trần thế, của thời gian ân sủng và tình thương Thiên Chúa ban cho họ để sống cuộc sống trần gian cho hợp với dự án thần linh cũng như để dứt khoát về định mệnh vĩnh viễn của mình” (số 1013). Bởi thế, “mọi hành động của các bạn, mọi tư tưởng, phải là những tư tưởng và hành động của người có thể chết đi vào cuối một ngày sống. Chết sẽ không còn kinh khiếp với các bạn nữa, nếu các bạn có một lương tâm bằng an... Thế thì tại sao các bạn không giữ mình sạch tội thay vì trốn tránh sự chết? Nếu hôm nay các bạn không dám đối diện với sự chết thì các bạn sẽ không thể nào đối diện với nó sau này...’ (Sách Gương Chúa Giêsu, 1, 23, 1)” (số 1014)

3. “Việc Phán Xét Chung là sứ điệp kêu gọi con người hãy ăn năn cải thiện đời sống trong khi Thiên Chúa còn ban cho họ ‘thời thuận tiện... ngày cứu độ’ (2Cor 6:2). Sứ điệp về việc Phán Xét Chung này tác động họ kính sợ Thiên Chúa và dấn thân sống đức công chính của Vương Quốc Thiên Chúa...”. (số 1041)

4.“Chẳng những không làm chúng ta giảm đi mối quan tâm đối với cuộc phát triển thế gian này, niềm mong đợi một trái đất mới còn thôi thúc chúng ta nữa, vì chính ở trên đời này mà cơ cấu của một tân gia nhân loại phát triển, một cách nào đó cho thấy thế hệ sẽ đến. Đó là lý do tại sao, mặc dù chúng ta cần phải cẩn thận phân biệt việc tiến bộ trần thế với việc phát triển của vương quốc Chúa Kitô, việc tiến bộ này cũng liên hệ trọng yếu với vương quốc của Thiên Chúa, vì nó có thể đóng góp vào việc xây dựng một xã hội loài người tốt đẹp hơn’ (Hiến Chế Gaudium et Spes, 39.2)”. (số 1049)

5. “Trong tiếng Do Thái, amen có cùng một gốc với chữ ‘tin tưởng’… Bởi thế chúng ta hiểu được tại sao ‘Amen’ có thể nói lên cả việc trung thành của Thiên Chúa đối với chúng ta lẫn lòng tin tưởng của chúng ta nơi Ngài” (số 1062). “Như thế, tiếng ‘Amen’ kết thúc Kinh Tin Kính lập lại và xác nhận những lời ‘tôi tin kính’ đầu tiên. Tin Tưởng tức là thưa ‘Amen’ với các lời nói, với các hứa hẹn và với các giới lệnh của Thiên Chúa, là hoàn toàn trao phó bản thân mình cho Đấng là ‘Amen’ của một tình yêu vô cùng và của một lòng tín trung trọn vẹn. Đời sống hằng ngày của Kitô hữu sẽ là tiếng ‘Amen’ đối với lời ‘con tin’ của việc chúng ta tuyên xưng đức tin khi lãnh nhận phép rửa”. (số 1064)


Trắc Nghiệm

Xin đọc bài Giáo Lý lược tóm tổng ôn dưới đây, rồi dùng các chữ ở cuối trang để điền vào những chỗ gạch trống các câu Sách Giáo Lý vừa học hỏi cho đúng nguyên văn ý nghĩa của nó. Trong vòng 10 phút.

Qua bài Giáo Lý 18 về Mầu Nhiệm Cánh Chung, Giáo Hội Công Giáo đã cho con cái của mình thấy những điểm chính sau đây: Vì được hiệp thông cùng Giáo Hội Thanh Luyện và Giáo Hội Vinh Quang hoàn toàn thuộc về đời sau mà Mầu Nhiệm Cánh Chung đã được phản ánh nơi Giáo Hội Lữ Hành ngay ở đời này. “Câu ‘các thánh hiệp thông’ đây có hai ý nghĩa dính liền với nhau, đó là việc hiệp thông ‘những sự thánh (sancta)’ (số 949-951, 953), hiệp thông ‘giữa các thánh (sancti)’” (số 956, 958), nhất là hiệp thông với “Mẹ của Chúa Kitô, Mẹ của Giáo Hội” (số 969, 972). Nếu Mầu Nhiệm Cánh Chung là Mầu Nhiệm Cứu Độ đã được hoàn toàn nên trọn nơi lịch sử loài người, tức mầu nhiệm con người được thực sự và vĩnh viễn cứu độ khỏi tội lỗi và sự chết (là hậu quả của tội lỗi), thì Mầu Nhiệm Cánh Chung này phải được bắt nguồn từ ơn thứ tha tội lỗi (số 976, 979, 982), một ơn thứ tha, theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, được Giáo Hội lấy linh quyền của mình ban phát qua Bí Tích Rửa Tội (số 977) cũng như Bí Tích Giải Tội (số 980). Mầu Nhiệm Cánh Chung, theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, là mầu nhiệm tối hậu của đức tin Kitô Giáo công bố việc kẻ chết phục sinh trong ngày sau hết (số 997-999, 1001) và công bố có sự sống trường sinh (số 988). Trọng tâm của Mầu Nhiệm Cánh Chung chính là sự sống đời sau, một vĩnh phúc thiên đường (số 1023-1026, 1028), qua cuộc phán xét riêng cũng như chung (số 1022, 1038-1040), sẽ không ban cho kẻ bất chính là thành phần sẽ bị hư đi đời đời trong hỏa ngục (số 1033, 1035, 1037), mà chỉ được ban cho người công chính, thành phần dù có cần phải được thanh tẩy trong luyện ngục (số 1030-1031), cũng sẽ sống trong một trời mới đất mới (số 1042-1043, 1045-1047), như Thiên Chúa là nguyên ủy và là cùng đích canh tân lại tất cả mọi sự.

1. “Giáo Hội phải có khả năng tha thứ cho tất cả mọi _________ các vấp phạm của họ, dù họ có sa ngã phạm tội cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời họ”. (số 979). “Không có vấp phạm nào, dù ____________ đến đâu, mà Giáo Hội không tha thứ được” (số 982)

2.“Bởi quyền toàn năng của mình, Thiên Chúa sau hết sẽ ban sự sống bất diệt cho __________ của chúng ta, bằng việc tái hợp nó với __________ của chúng ta, nhờ quyền năng Phục Sinh của Chúa Giêsu” (số 997). “__________ mọi kẻ chết sẽ sống lại, những ai làm lành thì phục sinh để được sống, còn ai hành ác thì phục sinh để chịu luận phán” (số 998). “Tất cả mọi kẻ chết sẽ sống lại nơi __________ như họ đang có hiện nay, song Chúa Kitô sẽ biến đổi _________ thấp hèn của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người, nên một thân xác _____________”. (số 999)

3.“Những ai chết trong __________ Chúa và đã hoàn toàn được ____________ thì đời đời sống với Chúa Kitô. Họ muôn đời giống như Thiên Chúa, vì họ thấy Ngài như Ngài là, thấy Ngài diện đối diện” (số 1023). “Sự sống toàn hảo này với Ba Ngôi Chí Thánh – tức cuộc __________ sự sống và tình yêu với Ba Ngôi, với Trinh Nữ Maria, với các thiên thần và toàn thể các thánh – được gọi là ________. Thiên đàng là cùng đích tối thượng và là mức độ _________ của những gì con người hết sức khát vọng, là trạng thái __________ tuyệt đối vĩnh hằng” (số 1024).

4. “Mỗi một người lãnh nhận vĩnh phần của mình ở nơi _________ bất tử của họ vào chính giây phút lâm chung, qua một cuộc _________ riêng liên quan đến cuộc sống của họ đối với Chúa Kitô: một là họ được vào hưỡng vinh phúc thiên đàng – qua một cuộc thanh tẩy hay liền ngay tức khắc, hai là lập tức bị ___________ đời đời” (số 1022).

5.“Tình trạng vĩnh viễn tự _______ mình khỏi cuộc hiệp thông với Thiên Chúa và các thánh đây được gọi là ‘hỏa ngục’” (số 1033). “Hình phạt chính của hỏa ngục là đời đời bị ______ Thiên Chúa” (số 1035).

(lìa xa, hối nhân, trầm trọng, loại trừ, trầm luân, thân xác, linh hồn, phán xét, linh hồn, tất cả, thân thể, hạnh phúc, viên trọn, thân xác, thiêng liêng, ơn nghĩa, thanh tẩy, thiên đàng, thông hiệp)