Vũng Lầy Iraq: Thế Giới Sẽ Đi Về Đâu?
 


Từ đầu năm 2003, nhất là từ sau ngày tường trình của ban thanh tra vũ khí ở Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc 27/1/2003 và sau bài diễn văn của Tổng Thống Bush 28/1/2003, chúng ta nghe tin tức nói về chiến tranh Hoa Kỳ và Iraq rất nhiều, đến nỗi, người ta cảm thấy chiến tranh sắp sửa xẩy ra đến nơi, một cuộc chiến sẽ mang lại một hậu quả vô cùng khốc liệt, chẳng những cho cả kẻ tấn công lẫn bị tấn công, mà còn có thể kéo cả thế giới vào một trận Đại Chiến Thứ Ba, trận đại chiến không phải chỉ xẩy ra tay đôi giữa Hoa Kỳ và Iraq, mà là tay ba, giữa Liên Minh Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ và Hiệp Vương Quốc Great Britian với Iraq nói riêng và Thế Giới Hồi Giáo nói chung, và nếu Liên Minh Hoa Kỳ qua mặt Liên Hiệp Quốc tự động đơn phương ra tay trước, họ khó lòng tránh khỏi đụng độ với cả Khối Liên Minh Nga-Đức-Pháp là các cường quốc Âu Châu đã cùng nhau ban bố bản tuyên ngôn phản chiến. Đấy là chưa kể đến cuộc chiến này có thể sẽ biến thành cuộc chiến tôn giáo giữa Tây Phương Kitô Giáo với 2 tỉ tín đồ và Ả Rập Hồi Giáo với 1 tỉ 2 tín đồ. Bởi thế, trong nỗ lực ngăn ngừa cuộc chiến rắc rối hết sức kinh hoàng này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cử sứ giả hòa bình của Ngài là ĐHY nguyên chủ tịch Hội Đồng Công Lý Hòa Bình Roger Etchegaray sang Iraq vào đúng ngày Lễ Đức Mẹ Lộ Đức 11/2/2003 vừa qua để trao tận tay cho Tổng Thống Saddam Hussein một bức thư cũng như để gặp gỡ các giới chức cao cấp Iraq liên quan đến vấn đề tôn trọng công lý và công pháp. Theo chương trình, Đức Thánh Cha cũng sẽ gặp Phó Thủ Tướng Iraq là Tarek Aziz, một người Công Giáo theo lễ nghi Chaldean vào ngày Thứ Sáu Valentine 14/2/2003, và theo nguồn tin báo của Ý thì Ngài cũng sẽ gặp ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan vào ngày Thứ Ba 18/2/2003 cũng về vấn đề Iraq.

Bài diễn văn của Tổng Thống Bush ngày 7/10/2002 đã lần lượt trả lời hầu như từng điểm được bức thư ngày 13/9/2002 của Đức Giám Mục Chủ Tịch Hội Đồng Hoa Kỳ đặt ra, tuy không hoàn toàn thỏa đáng, nhưng trong bài diễn văn ngày 28/1/2003, ông không giải đáp nổi những vấn đề được Tòa Thánh Vatican cũng như các hội đồng Giám Mục khắp thế giới, nhất là của Đức ngày 21/1/2003, và Canada ngày 23/1/2003, đặt ra liên quan đến hậu quả của chiến tranh đối với nhân dân Iraq, với vùng Trung Đông cũng như với thế giới Ả Rập.

Vấn đề hậu quả được Đức Giám Mục Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ ngày 13/9/2002: “Cơ hội thành công và tính cách tương xứng. Việc sử dụng võ lực phải có ‘những khả thể nắm chắc thành công’ và ‘không được tạo nên những sự dữ và đảo lộn còn lớn hơn cả sự dữ cần phải loại trừ’ (GLGHCG số 2309). Chiến tranh chống Iraq có thể đạt được những thành quả bất khả dự tưởng chẳng những đối với Iraq mà còn đối với cả nền hòa bình và sự bền vững khắp nơi ở Trung Đông. Vậy lực lượng ngăn ngừa hay ra tay trước liệu có thành công trong việc ngăn chặn những đe dọa trầm trọng, hay, thay vào đó, lại gây ra những cuộc tấn công đích danh, những cuộc tấn công đầu tiên chỉ có ý ngăn ngừa? Một cuộc chiến tranh khác ấy ở Iraq sẽ gây tác dụng nơi thành phần dân sự ra sao, cả trong thời gian ngắn hạn lẫn dài hạn? Bao nhiêu là con người vô tội nữa sẽ phải chịu khổ và chết đi, hay trở thành vô gia cư, thiếu những gì là căn bản nhất, mất công ăn việc làm? Hiệp Chủng Quốc và cộng đồng quốc tế có quyết tâm thực hiện một công tác vất vả lâu dài trong việc bảo đảm cho một nền hòa bình chân chính chăng, hay một nước Iraq hậu Saddam tiếp tục bị lũng đoạn bởi tình trạng xung khắc dân sự và đàn áp, cũng như tiếp tục trở thành một lực lượng gây khủng hoảng trong vùng này? Việc sử dụng lực lượng quân sự có dẫn đến một cuộc xung khắc và bất ổn hơn hay chăng? Chiến tranh chống Iraq có làm cho chúng ta phân tâm đối với trách nhiệm của chúng ta trong việc giúp xây dựng một trật tự chân chính và bền vững ở A Phú Hãn, cũng như có làm suy yếu cuộc liên minh rộng lớn ở việc chống lại vấn đề khủng bố hay chăng?”

Vấn đề hậu quả được Hội Đồng Giám Mục Đức đặt ra ngày 21/1/2003: “Sau hết: Việc quyết định sử dụng lực lượng quân sự bao giờ cũng cần phải để ý tới những hậu quả có thể tiên đoán. Có còn hồ nghi là thứ cuộc chiến tranh chống Iraq hầu như chắc chắn sẽ sát hại và gây thương tích cho vô số người, một cuộc chiến sẽ làm cho vô số người trở thành dân tị nạn và làm cho nhiều người hụt hẫng cuộc sống của mình hay chăng? Một chuộc chiến cũng đe dọa gây ra tình trạng biến lệch chính trị trầm trọng nhất ở toàn miền Trung Đông, làm nguy hiểm cả việc chiếm đạt của liên minh quốc tế trong việc chống lại khủng bố. Cuộc chiến tranh chống Iraq có thể làm cho thành phần bảo thủ Hồi Giáo cuồng tín tăng thêm ảnh hưởng của họ ở khắp nơi trong vùng, cũng như làm tăng thêm những giằng co trầm trọng thế giới Ả Rập với Hồi Giáo vốn có đối với thế giới Tây Phương. Miền này có khá hơn hướng đến viễn tượng hòa bình, ổn định và bảo vệ nhân quyền sau cuộc chiến này chăng?”

Vấn đề hậu quả được Hội Đồng Giám Mục Canada đặt ra ngày 23/1/2003: “Chúng tôi tin rằng cuộc tái diễn chiến tranh đánh Iraq sẽ không mang lại việc cuối cùng đi đến chỗ giải giới. Chiến tranh hầu như chỉ mang lại thêm những gì nó vốn gây ra, đó là việc làm tiêu vong mạng sống con người, việc hủy hoại môi sinh, việc hư hại về thể lý lẫn tâm lý cho cả nạn nhân lẫn kẻ tấn công, tình trạng tiêu hao nguồn lực, những đe dọa gây ra một tình trạng chính trị bất ổn hơn nữa cùng với việc tăng gia khủng bố, tình trạng tăng thêm lòng hận ức và tình trạng bùng lên trào lưu quá khích”.

Trong cả hai bài diễn văn, Tổng Thống Bush cũng chỉ nêu lên cùng một lý do để có thể chính đáng tấn công Iraq hầu giải giới Saddam Hussein. Bởi vì, theo Tổng Thống Bush, Saddam Hussein là một tay độc tài, dã man vô nhân đạo, một khi có những thứ khí giới đại công phá trong tay, ông ta nhất định sẽ khống chế thế giới Hồi Giáo và tấn công Hoa Kỳ. Bởi vậy, phải giải giới ông ta ngay, chứ không thể đợi cho tới khi xẩy ra nguy hiểm đến nơi, bằng không sẽ không kịp trở tay. Căn cứ vào lập luận này của Tổng Thống Bush, Giáo Hội Công Giáo thấy rằng cuộc chiến của ông không phải là một thứ chiến tranh tự vệ chính đáng mà là thứ chiến tranh ra tay ngăn ngừa trước, một thứ chiến tranh có thể đi đến chỗ muốn đánh ai lúc nào thì đánh theo ý nghĩ của mình, rất nguy hiểm, thứ chiến tranh giống như ở Việt Nam cứ bắn bừa vào nhà dân hai bên đường (chẳng hạn chính tôi đã được chứng kiến ở Dốc Truông Nhà Đá Bình Định Qui Nhơn) để đề phòng nhỡ bị Việt Cộng phục kích. Bởi thế, Hoa Kỳ đã bị chống đối rất nhiều về kiểu lập luận chết người này.

Theo diễn tiến của tình hình, người ta cảm thấy dường như Hoa Kỳ có âm mưu gì đó. Đầu tiên đổ cho Iraq có các thứ vũ khí đại công phá vốn bị cấm, cần phải giải giới. Thế nhưng, bị nghi ngờ và phản đối, Hoa Kỳ đành chấp nhận giải pháp để cho các thanh tra viên trở lại kiểm soát xem có dúng như mình tố cáo chăng; và Iraq cũng sẵn sàng đáp ứng quyết định này của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, kể cả cho vào khám xét những dinh thự của tổng thống và thực hiện các cuộc phỏng vấn với các khoa học gia Iraq. Trong thời gian thanh tra này, Hoa Kỳ kêu là sao lâu thế, và sở dĩ lâu là vì Iraq không chịu cộng tác, mà không cộng tác là vi phạm, đáng bị tấn công. Thế rồi, sau khi ban thanh tra tường trình cho Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ngày 27/1/2003 biết trong 60 ngày lục soát không thấy những thứ vũ khí cấm, thì trong bài diễn văn sau đó một hôm, 28/1/2003, Tổng Thống Bush lại tố cáo Iraq là sở dĩ các thanh tra viên không khám phá ra gì cả bởi Iraq khéo léo giấu đút và lừa đảo. Nhất là tố cáo Iraq thêm là có dính dáng đến đám khủng bố quốc tế. Tóm lại, người ta cảm thấy rằng Hoa Kỳ hình như đang sợ bị bại lộ cái âm mưu gian dối của mình trong việc Hoa Kỳ trước đây đã gán ghép cho Iraq có các thứ vũ khí cấm để có lý tấn công Iraq, đúng như Iraq nghĩ nên đã dám cho thanh tra viên vào khám xét, mà Hoa Kỳ đã và đang cố gắng moi móc hết mọi lý lẽ, đủ mọi tố cáo để tấn công Iraq cho bằng được, thậm chí, như trong bài diễn văn thứ hai của tổng thống Bush cho thấy, Hoa Kỳ dường như coi thường cả Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc: “Chúng tôi sẽ tham vấn, nhưng chớ có hiểu lầm là: nếu Saddam Hussein không hoàn toàn giải giới thì vì sự an toàn của nhân dân chúng tôi cũng như vì nền hòa bình của thế giới, chúng tôi sẽ dẫn đầu một liên minh đến giải giới hắn”.

Để Biện Hộ cho Chủ Trương Chiến Tranh của Hoa Kỳ, Vị lãnh sự Hoa Kỳ ở Tòa Thánh là Jim Nicholson, đã tổ chức một buổi thảo luận hai tiếng đồng hồ hôm Thứ Hai, 11/2/2003 ở Rôma, và đã mời Ông Novak thuộc Viện Kế Hoạch Hoa Kỳ, một thần học gia Hoa Kỳ đến diễn đàn. Có 4 điều cần lưu ý trong lập luận biện hộ của nhà thần học Hoa Kỳ này. Thứ nhất, vì lòng tham vô đáy và khuynh hướng đoạt lợi của con người (cá nhân cũng như tập thể) 6% số lượng dầu hỏa Hoa Kỳ tiêu thụ như diễn giả cho 150 cử tọa biết để làm bằng chứng cho thấy Hoa Kỳ không vì dầu hỏa mà đánh Iraq, nhưng vẫn có thể lại là cớ để Hoa Kỳ muốn tranh giành với các nước được vị diễn giả này đề cập đến là Âu Châu và Trung Hoa. Thứ hai, ngoài hành động hung tàn cá nhân của mình, Tổng Thống Saddam Hussein chưa chắc đã có trong tay những thứ vũ khí như vị diễn giả này tố cáo theo chiều hướng của Tổng Thống Bush và Bộ Trưởng Nội Vụ Powell, biết đâu lại là những vu khống, bởi thế mới có vấn đề hiện diện hoạt động của thanh tra viên quốc tế ở Iraq. Thứ ba, diễn giả này chưa giải quyết vấn đề tại sao việc thanh tra đang tiến hành ngon lành như vậy mà Hoa Kỳ lại cứ muốn xông đánh, lại sửa soạn chuyển quân và chuyển vũ khí để tấn công bất cứ lúc nào, đến nỗi còn dám nói bất chấp công quyền của Liên Hiệp Quốc qua Hội Đồng Bảo An. Thứ bốn, diễn giả này cũng không so sánh cái hậu quả mang lại nếu chiến tranh xẩy ra, giữa cái lợi ngăn ngừa cho Hoa Kỳ và các nước đồng minh của Hoa Kỳ khỏi bị khủng bố tấn công và cái hại làm cho toàn thế giới bị loạn lên vì ảnh hưởng kinh tế cũng như trở thành một cuộc đại chiến thứ ba, chẳng những giữa các nước Tây Phương với nhau (như giữa Liên Minh Pháp+Đức+Nga với Hiệp-Chủng-Quốc+Hiệp-Vương-Quốc), mà còn giữa Tây Phương với Khối Hồi Giáo nữa. Vậy thì cuộc chiến tranh này có chính đáng hay chăng? Qua những lập luận của một diễn giả được cho là thần học gia của Hoa Kỳ này, người ta có thể cảm nhận là vì muốn đánh nên viện dẫn đủ lý lẽ để đánh, nấp dưới hình thức tự vệ chính đáng để khỏi bị lộ liệu mang tiếng là ngăn ngừa bất chính!

Nếu quả thật Hoa Kỳ, dù có ý tốt, nhưng bất chấp thủ đoạn như vậy, ở chỗ bất chấp quyền bính quốc tế, thì việc làm của Hoa Kỳ có thật sự là tốt và đúng hay chăng? Thế mà, trong bài nói chuyện ở Tòa Bạch Ốc ngày 10/4/2003 về đạo luật cấm vấn đề tạo sinh sao bản cloning, vị tổng thống này đã ý thức rõ ràng là: “Những phát minh nơi kỹ thuật của ngành sinh học y khoa không bao giờ được thực hiện bất chấp lương tri con người. Khi chúng ta tìm cách làm những gì có thể, chúng ta luôn phải biết những gì là đúng đắn, và chúng ta không được quên rằng cho dù chúng ta có theo đuổi những mục đích cao quí nhất chúng cũng không biện minh cho bất cứ phương tiện nào chúng ta sử dụng”. Chớ gì Hoa Kỳ theo đúng nguyên tắc luân lý này trong việc đối xử với Iraq. Tòa Thánh Vatican và các Hội Đồng Giám Mục trên thế giới lên tiếng phản chiến không phải vì muốn bênh vực và che chở cho cá nhân Saddam Hussein, mà cho chính công lý, một thứ công lý mà nếu không được tuân giữ chặt chẽ, nhiều mạng sống vô tội sẽ bị tiêu vong, và thế giới sẽ đi đến chỗ bạo loạn hơn nữa. Giáo Hội Chúa Kitô hoạt động cho công lý và hòa bình là như thế. Không riêng gì Giáo Hội Công Giáo, nội trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, qua những phiên họp mới đây, 2/3 trong tổng số 15 nước đứng về phe tạm phản chiến. Ngày 10/2/2003 vừa rồi, Pháp, Đức và Nga đã công khai tuyên ngôn tạm phản chiến như sau:

“Nga, Đức và Pháp chặt chẽ liên hợp trong việc tái xác nhận là việc giải giới Iraq theo các quyết định hiện hành từ Bản Quyết Định 687 của Liên Hiệp Quốc là mục tiêu chung của cộng đồng quốc tế và phải được chiếm đạt sớm bao nhiêu có thể. Vấn đề được đặt ra là việc giải giới này cần phải thực hiện ra sao. Cuộc bàn luận này cần phải được tiếp tục trong tinh thần thân hữu và tôn trọng làm nên đặc tính của chúng tôi với Hiệp Chủng Quốc và các quốc gia khác. Bất cứ giải quyết nào cũng phải theo những nguyên tắc của bản hiến chương Liên Hiệp Quốc như gần đây mới được tổng thư ký Kofi Annan trích lại. Bản Quyết Định 1441 của Liên Hiệp Quốc được Hội Đồng Bảo An đồng thanh chấp thuận đưa ra một dự án làm việc chưa hoàn toàn khai thác hết khả năng của nó. Những việc thanh tra của UNMOVIC và IAEA đã mang lại nhiều kết quả. Nga, Đức và Pháp thiên về vấn đề tiếp tục những việc thanh tra vũ khí với sự tăng cường chính thực về khả năng nhân lực cùng kỹ thuật của họ, bằng tất cả mọi phương tiện có thể liên hệ với các thanh tra viên, trong phạm vi bản Quyết Định 1441 của Liên Hiệp Quốc. Vẫn còn một giải pháp thay cho chiến tranh. Việc sử dụng võ lực chỉ có thể được coi là phương tiện sau cùng. Nga, Đức và Pháp nhất quyết bảo đảm là phải thực hiện hết mọi sự để giải giới Iraq một cách ôn hòa. Việc thanh tra được hoàn tất là tùy ở việc Iraq tích cực cộng tác với IAEA và UNMOVIC. Iraq phải hoàn toàn chấp nhận trách nhiệm của mình. Nga, Đức và Pháp ghi nhận ở đây là chủ trương họ đang bày tỏ ở đây giống với chủ trương của phần lớn các quốc gia trong Hội Đồng Bảo An”.

Có cái lạ ở đây là, trong khi Hoa Kỳ là một quốc gia tối tân tiến và dẫn đầu về tự do dân chủ và nhân quyền trên thế giới, thế mà lại phò chiến tranh, một thứ chiến tranh ra tay tấn công trước để ngăn ngừa nguy hiểm có thể xẩy ra cho mình cũng như cho đồng minh của mình, thì ba quốc gia liên minh Nga-Đức-Pháp, một nước Nga có một lịch sử Cộng Sản sắt máu, một nước Đức gây ra hai trận thế chiến I và II, và một nước Pháp chủ trương tẩy chay Kitô Giáo ra khỏi bản Hiến Pháp của Khối Hiệp Nhất Âu Châu, lại cùng nhau bảo vệ công lý và hòa bình bằng đường lối ngoại giao ôn hòa. Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao cả 15 nước, trong đó có cả Nga, Đức và Pháp, đã đồng thanh bỏ phiếu thuận cho Quyết Định 1441 của Hội Đồng Bảo An liên quan đến việc kiểm soát vũ khí Iraq cho đến khi phanh phui ra sự thật mới có quyết định khác, mà nay lại quay ra kình chống Hoa Kỳ, nếu không phải là vì Hoa Kỳ đã không theo đúng nguyên tắc công lý và coi thường công pháp, những gì Hoa Kỳ đã cáo buộc Iraq vi phạm?

Thế nhưng, theo đức tin, không ai có thể làm chủ lịch sử. Cho dù Hoa Kỳ có bất chấp Liên Hiệp Quốc tấn công Iraq đi nữa, Thiên Chúa cũng có thể lợi dụng những việc làm sai trái của họ để thực hiện những gì Ngài muốn, những gì con người tự mình không làm nổi nếu không có những biến cố lịch sử bất thường ấy xẩy ra, như làm cho Kitô hữu nhờ đó hiệp nhất và từ đó làm cho dân Do Thái nhận biết Chúa Kitô. Ở chỗ nào? Nếu không phải ở chỗ việc tấn công Iraq của Hoa Kỳ sẽ động đến cả khối Hồi Giáo, một lực lượng về quân sự và chính trị không mạnh bằng Tây Phương, nhưng vì đã đến lúc Thiên Chúa muốn dùng họ để thanh tẩy một Tây Phương Kitô Giáo đang bị tục hóa, mà Ngài để cho họ làm chủ tình thế. Để rồi, một khi Hồi Giáo thống trị thế giới Tây Phương, Kitô Giáo và Do Thái Giáo sẽ là mục tiêu cho họ tiêu diệt và bắt phải theo đạo Hồi. Bởi thế, để sống còn, bắt buộc Kitô giáo phải tiến đến chỗ hiệp nhất nên một, nhờ đó mới có thể chống lại Hồi Giáo, và thắng được họ như ở trận chiến Lepantô năm 1571 bằng Kinh Mân Côi. Chứng kiến thấy một Kitô Giáo hiệp nhất chiến thắng Hồi Giáo, những người Do Thái nhờ dó cũng được thoát nạn Hồi Giáo mới nhận ra Vị Sáng Lập Kitô Giáo chính là Đấng Cứu Thế họ mong chờ, và sẽ trở lại, một cuộc trở lại đã được Thánh Phaolô tiên báo trong thư gửi giáo đoàn Rôma. Chúng ta không biết sự thể có xẩy ra như thế hay chăng. Nhưng chúng ta không thể chối cãi được rằng không có gì Thiên Chúa lại không làm được, Ngài sẽ làm những gì con người làm không được để họ có thể tin vào Ngài.
 


Ngày Valentine 14/2/2003, Ngày Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp Tường Trình về Thanh Tra II
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL