Từ
THẦN HỌC Á CHÂU, THẦN HỌC VIỆT NAM,
Đến
CHÚA KITÔ TOÀN CẦU, ĐẤNG CỨU THẾ DUY NHẤT


“GIÁO HỘI TẠI Á CHÂU” KHÔNG CÓ THẦN HỌC Á CHÂU


Người ta chưa thôi bình luận về văn kiện Hậu Thượng Hội Giám Mục Á Châu, đó là Tông Huấn “Giáo Hội Tại Á Châu” do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đúc kết và ban bố tại Ấn Độ vào ngày Lễ Ánh Sáng của xứ sở này, Chúa Nhật 7/11/1999. Ý tưởng chính của việc bình luận ấy là vấn đề người ta cho rằng bức Tông Huấn không nhấn mạnh đến hay không phác ra một nền Thần Học Á Châu gì cả, để nhờ đó có thể truyền bá phúc âm hóa đắc lực cho dân chúng tại địa lục này!

Tuy nhiên, để có thể bình luận một cách phân minh và chính xác, trước hết cần phải thấu triệt trọn vẹn bức tông huấn chỉ nam lịch sử hết sức quan trọng này. Bức Tông Huấn cẩm nang “Giáo Hội Tại Á Châu”, ngoại trừ phần mở và kết, gồm có bảy phần chính:

 Phần nhất về những thực tại ở Á Châu, nhất là về việc Giáo Hội hiện diện tại lục địa này (cả đoạn 9);

 Phần hai về Chúa Cứu Thế là món quà quí nhất Giáo Hội trao tặng cho Á Châu (10.2);

 Phần ba về tác động của Chúa Thánh Thần nơi các thực tại phức tạp ở Á Châu mà Giáo Hội cần khám phá ra để truyền giáo tại đây (18.3);

 Phần bốn về việc Giáo Hội phải loan báo và làm chứng cho Chúa Cứu Thế cho các dân tộc Á Châu bằng việc hội nhập văn hóa (cả đoạn 22);

 Phần năm về sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội tại Á Châu cần phải được thực hiện bằng việc hiệp thông nội bộ Kitô hữu tại đây qua vấn đề đối thoại đại kết trước (cả đoạn 30) rồi mới tới đối thoại liên tôn sau (cả đoạn 31);

 Phần sáu về việc áp dụng học thuyết xã hội của Giáo Hội vào mọi lãnh vực có trọng tâm là chính phẩm giá của con người (cả đoạn 33), và

 Phần bảy về vai trò của mọi thành phần Giáo Hội tại Á Châu trong việc làm chứng nhân đích thực cho Chúa Kitô, cho dù có phải tử đạo (cả đoạn 49).


CẦN CÓ THẦN HỌC Á CHÂU, THẦN HỌC VIỆT NAM!


Đúng thế, theo chủ quan và một cách minh nhiên, Tông Thư “Giáo Hội Tại Á Châu” không hề đề cập đến từ ngữ hay vấn đề Thần Học Á Châu. Bởi vì, đây là văn kiện đúc kết Thượng Hội Giám Mục Á Châu, mà trong cuộc thượng hội này các vị nghị phụ không hoàn toàn bàn đến vấn đề ấy như một chủ đề riêng biệt, do đó bức Tông Thư hậu Thượng Hội cũng không thể nào đúc kết ra ngoài đề được.

Vả lại, vấn đề Thần Học Á Châu là một vấn đề thật là phức tạp, vì nó là một vấn đề trực tiếp liên quan đến các nền đạo giáo và văn hóa hết sức phức tạp và hoàn toàn khác biệt nhau ở phần đất này: nếu tổng quát hóa quá sẽ dễ bị thiển cận hay thiên lệch, đặt nặng đạo này hơn đạo kia, nhấn mạnh nhiều đến văn hóa này hơn văn hóa khác; ngược lại, nếu chi tiết hóa quá cũng có thể thiếu sót, bởi không tỉ mỉ và cẩn thận bao gồm đến mức tối đa tất cả mọi đạo giáo và văn hóa Á Châu trong đó.

Chính vì thế, tuy không kỹ lưỡng phác họa hay tổng quan hướng dẫn nền Thần Học Á Châu, Tông Thư “Giáo Hội Tại Á Châu” cũng đã hết sức chú trọng đến tình trạng đạo giáo và văn hóa phức tạp rất khó khăn trong việc truyền bá phúc âm hóa của mình, từ đó, văn kiện hậu Thượng Hội này đã đề nghị một vài cách thế và khuyến khích việc khai triển một nền Thần Học Á Châu, như sau:

 “Việc trình bày Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế duy nhất cần phải theo một phương pháp tuần tự đưa người ta đến chỗ hoàn toàn thấu triệt được mầu nhiệm này... Tổng quát mà nói phương pháp kể truyện hợp với các hình thức văn hóa Á Châu hơn. Thật thế, việc loan báo (ban đầu cho người không phải Kitô hữu) về Chúa Giêsu Kitô hiệu nghiệm nhất cần phải được thực hiện bằng việc kể truyện về Người như các Phúc Âm thuật lại. Những ý niệm siêu hình nếu có, những ý niệm bao giờ cũng phải được nêu lên hay diễn tả khi trình bày về Chúa Giêsu, có thể được hỗ tương bằng những khía cạnh tương quan, khía cạnh lịch sử thậm chí cả đến khía cạnh thiên nhiên vũ trụ nữa. Các Nghị Phụ Thượng Hội cho rằng Giáo Hội cần phải cởi mở đối với những đường lối giúp vào việc khả dĩ trình bày cho thấy dung nhan của Chúa Giêsu ở Á Châu... Thượng Hội đã đề nghị là việc dạy giáo lý sau đó (cho Kitô hữu sau khi đã được nghe loan báo tiên khởi về Chúa Kitô và đã lãnh nhận bí tích rửa tội) phải theo ‘một phương pháp thu hút bằng những câu truyện kể, những dụ ngôn và những biểu hiệu mang tính cách sư phạm Á Châu’ (Relatio post disceptationem, 15) ”. (đoạn 20.6)

 “Công việc loan báo Chúa Giêsu bằng một đường lối khiến các dân tộc Á Châu thấy họ gần gũi với Người, trong khi đó vẫn trung thành với cả tín lý thần học của Giáo Hội lẫn căn tính Á Châu riêng của mình là một thách đố cả thể”. (đoạn 20.5)

 “Thượng Hội Giám Mục này đã tỏ ra khuyến khích các nhà thần học trong việc khôn ngoan phát triển một thứ thần học hội nhập văn hóa, nhất là ở lãnh vực Kitô học”. (đoạn 22.1)

(Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Tông Huấn “Giáo Hội Tại Á Châu”,
L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 10/11/1999)

Thật ra Thần Học Á Châu đã có ở ngay trong các đạo giáo hay văn hóa Á Châu rồi, Kitô hữu chúng ta chỉ cần khám phá và hệ thống hóa tất cả lại mà thôi, chứ không cần phải sáng tạo nên một khoa học mới nào cả. Bởi vì, nếu thần học là tất cả những gì về Thiên Chúa hay liên quan đến Thiên Chúa, thì không gì liên quan hay qui về Thiên Chúa bằng các đạo giáo và văn hóa Á Châu.

Chẳng hạn, Thiên Chúa có ý định cứu độ loài người cho khỏi tội lỗi và sự chết, thì Ấn Giáo và Phật Giáo cũng khao khát và tìm kiếm vượt thoát cho khỏi cuộc “đời là bể khổ” và đầy “nghiệp chướng” này; hay Thiên Chúa muốn loài người sống trên thế gian được an vui thái hòa trong sinh hoạt xã hội của họ, thì Khổng Giáo cũng thực hành “công, dung, ngôn, hạnh” (nơi nữ giới) và “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” (nơi nam giới), còn Hồi Giáo thực thi đức thuần phục; hoặc Thiên Chúa muốn con người dù sống trong trần gian song cũng không được dính bén với trần gian, trái lại phải sống siêu thoát như không thuộc về thế gian, thì Lão Giáo cũng khao khát và tìm kiếm “vô vi” thanh tịnh, Do Thái Giáo sống trung thành với Giavê của mình, không “ngoại tình” với bất cứ một “ngẫu tượng” nào v.v.

Như thế, theo nhãn quan Kitô Giáo, chúng ta thấy những gì được gọi là Thần Học Á Châu này hoàn toàn phản ảnh hay hợp với Mạc Khải Thần Linh. Áp dụng nguyên tắc này, nguyên tắc là những gì hợp với Mạc Khải Thần Linh hay phản ảnh Mạc Khải Thần Linh đều có thể được gọi là thần học, chúng ta có thể thiết lập bất cứ một nền thần học nào, như Thần Học Việt Nam chẳng hạn. Thật vậy, nơi văn hóa Việt Nam, được thể hiện r ràng và tự nhiên nhất qua ca dao và tục ngũ bình dân, chúng ta thấy có mấy điểm nổi bật làm nên Thần Học Việt Nam như sau.

Điểm Thần Học Việt Nam thứ nhất về việc sống đức tin hơn là sống tự nhiên, đó là “người ta không nguyên sống bởi bánh mà còn bởi mọi lời Thiên Chúa phán ra” (Mt 4:4; Dt 8:3), ở chỗ, người Việt Nam chẳng những chủ trương “có thực mới vực được đạo” mà còn chủ trương có đạo mới có gạo: “Lạy trời mưa xuống lấy nước tôi uống, lấy ruộng tội cầy, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp”.
Điểm Thần Học Việt Nam thứ hai về ý nghĩa đời sống hôn nhân giữa hai người nam nữ, đó là “cả hai nên một xương thịt” (Gen 2:24), qua việc họ gọi nhau, vợ gọi chồng và chồng gọi vợ, là “mình”, nghĩa là cả hai trở thành ruột thịt với nhau, coi nhau như anh em trong một gia đình (xem Tobia 7:11), vợ gọi chồng là “anh” và chồng gọi vợ là”em”.

Tuy nhiên, những người chủ trương Thần Học Á Châu hay Thần Học Việt Nam không phải chỉ muốn khám phá ra những Mầm Mồng Thần Linh nơi đạo giáo và văn hóa của chung các dân tộc Á Châu hay của riêng dân tộc Việt Nam như thế, mà là muốn hệ thống hóa chúng lại thành một hệ thống, một khoa học, như kiểu Thần Học Thánh Tôma, vị đã áp dụng Triết Tây (đặc biệt của Platô và Aristốt) vào Thần Học Kitô Giáo, hay nói ngược lại, vị đã cắt nghĩa Thần Học Kitô Giáo theo Triết Tây hay bằng Triết Tây. Nếu thế, cần phải có một bộ óc Tôma Á Châu hay Tôma Việt Nam hiện đại, một bộ óc chẳng những nắm vững Thần Học Kitô Giáo mà còn thấu triệt cả Triết Đông (kể cả Hồi Giáo và Do Thái Giáo), để áp dụng Triết Đông vào Thần Học Kitô Giáo một cách chính xác và khéo léo, hay để Thần Học Kitô Giáo được diễn tả một cách trung thực và thích hợp bằng Triết Đông.

Thế nhưng, cho dù mai đây hay ngay bây giờ đi nữa, Kitô hữu Á Châu chúng ta nói chung và Việt Nam chúng ta nói riêng, có được một nền Thần Học Á Châu hay Thần Học Việt Nam như thế, chúng ta có bảo đảm là chắc chắn sẽ thành công trong việc truyền bá phúc âm hóa cho các dân tộc Á Châu hay Việt Nam hay chăng? Hay nền Thần Học Á Châu hoặc Thần Học Việt Nam này, như loại Thần Học Kinh Viện của Thánh Tôma, chỉ thích hợp để dạy trong các đại chủng viện, chỉ thích hợp cho giới trí thức tìm hiểu hơn là trình bày cho đa số bình dân, và chỉ thích hợp cho việc đối thoại liên tôn hơn là dạy giáo lý.

Thử hỏi, theo kinh nghiệm, việc đối thoại liên tôn, bằng cách tranh luận hay chia sẻ đạo lý với nhau, đã có bao nhiêu người trở lại hoàn toàn vì thuần phục lý thuyết như thế. Điển hình là Thánh Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô, ai dám chê ngài là một nhà truyền giáo dở hay không biết áp dụng phương pháp truyền giáo? Thế mà, với lý thuyết độc thần của Kitô Giáo (cũng là của Do Thái Giáo), và bằng một đường lối lấy chính văn hóa đa thần của dân thành Nhã Điển để mở đầu và nhờ đó đi đến việc trình bày giáo thuyết chân chính của mình, hầu kéo những bộ óc trí thức đệ nhất thời ấy về với chân lý cứu rỗi là Tin Mừng Phục Sinh, kết quả Sách Tông Vụ thuật lại như sau:

 “Khi họ nghe về việc sống lại từ kẻ chết, một số đã tỏ ra mỉa mai, còn một số thì nói: ‘Chúng tôi chắc phải nghe anh nói về đề tài này vào những lúc khác thôi’” (Acts 17:32)

Đó là lý do chúng ta thử đặt lại vấn đề như sau.