SỰ HÀI HÒA CỦA HIỆP NHẤT
(Thánh Ignatius of Antioch, Giám Mục Tử Đạo,
Thư gửi Giáo Đoàn Êphêsô - No. 2, 2 - 5, 2: Funk 1. 175-177)
Anh em cần phải bằng mọi cách tôn vinh Chúa Giêsu Kitô,
Đấng đã ban vinh hiển cho anh em; anh em phải nên thánh trong tất cả mọi sự,
bằng việc hiệp nhất với đức vâng lời trọn lành, tỏ ra phục tùng vị giám mục và
các vị tư tế.
Tôi không truyền lệnh cho anh em như thể tôi là một kẻ quan trọng. Cho dù vì
danh Chúa Kitô mà tôi bị tù ngục, tôi vẫn chưa hoàn thiện trong Chúa Giêsu Kitô.
Giờ đây tôi mới bắt đầu là một người môn đệ và tôi nói với anh em như là những
người môn đệ đồng môn của tôi. Chính anh em phải là những người đang làm cho tôi
vững mạnh bằng đức tin của anh em, bằng những khích lệ của anh em, bằng lòng
nhẫn nại của anh em, bằng sự trầm lặng của anh em. Thế nhưng, vì yêu thương mà
tôi không thể nào không nói về anh em, Tôi muốn dùng cơ hội này để thôi thúc anh
em hãy hiệp nhất bằng việc nên một với tâm tưởng của Thiên Chúa. Vì Chúa Giêsu
Kitô, sự sống của chúng ta, Đấng mà thiếu Người chúng ta không thể sống, là tâm
tưởng của Chúa Cha, như các vị giám mục được bổ nhiệm khắp nơi trên thế giới nên
một tâm tưởng với Chúa Giêsu Kitô vậy.
Bởi thế anh em cần phải hòa hợp với tâm tưởng của vị giám mục như anh em thực sự
là giám mục vậy. Quí tôn huynh tư tế, thành phần đẹp lòng Thiên Chúa, qúi huynh
sánh với các vị giám mục như giây đàn của một cây đàn. Bởi thế, bài ca anh em
hát trong việc hòa hợp tư tưởng và tâm hồn là Chúa Giêsu Kitô. Mọi người trong
anh em phải làm nên một ca đoàn, để, trong sự hòa hợp âm thanh bằng việc hòa hợp
tâm hồn, cũng như trong sự hiệp nhất bằng việc lấy cung nhạc từ Thiên Chúa, anh
em đồng thanh nhờ Chúa Giêsu Kitô hát khen Thiên Chúa. Nếu anh em làm như thế,
Ngài sẽ lắng nghe anh em và nhận thấy anh em là phần thể của Con Ngài nơi các
việc lành anh em làm. Bởi thế việc sống hoàn toàn hiệp nhất như thế mang lại cho
anh em lợi ích, để lúc nào anh em cũng được thông phần với Thiên Chúa.
Nếu trong một thời gian ngắn tôi đã trở nên một người bạn thân của vị giám mục
anh em – một tình bạn không theo tự nhiên mà là được đặt trên nền tảng thiêng
liêng – thì tôi nghĩ anh em còn có phúc hơn nữa, vì anh em nên một với ngài như
Giáo Hội với Chúa Giêsu Kitô, và như Chúa Giêsu Kitô với Chúa Cha, để tất cả mọi
sự được hòa hợp với nhau nhờ sự hiệp nhất nên một. Chớ gì đừng có ai vấp phạm
lầm lỗi, bởi vì, nếu không ở nơi thánh, con người bị mất đi bánh của Thiên Chúa.
Vì nếu lời cầu nguyện của một hay hai người còn có một quyền lực như vậy thì lời
cầu nguyện của vị giám mục và toàn thể Giáo Hội còn có mãnh lực đến đâu.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ The Office
of Readings,
Saint Paul Editions, 1983, trang 175-176,
Bài Đọc cho Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Thường Niên )
CHÚA KITÔ Ở CÙNG GIÁO HỘI CỦA NGƯỜI
Chúa Kitô luôn luôn hiện diện nơi Giáo Hội của Người, nhất là nơi những tác động
phụng vụ. Người hiện diện nơi hy tế Thánh Lễ, nơi con người của vị thừa tác viên
(cùng một Chúa Kitô trước kia đã hiến mình trên thập giá nay cũng hiến mình qua
thừa tác vụ của các vị linh mục). Người hiện diện nơi các bí tích bằng quyền
năng của Người, ở chỗ ai rửa tội là chính Chúa Kitô rửa tội. Người hiện diện nơi
lời của Người, vì chính Người nói khi Thánh Kinh được đọc lên trong Giáo Hội.
Sau cùng, Người hiện diện khi Giáo Hội cầu nguyện và ca hát chúc tụng, vì chính
Người đã hứa: Ở đâu có hai hay ba người hợp lại vì danh Thày, Thày sẽ ở giữa họ.
Thật vậy, trong công việc cao cả mang lại vinh quang tuyệt vời cho Thiên Chúa
cùng thánh đức cho con người này, Chúa Kitô bao giờ cũng liên kết mình với Giáo
Hội là Hiền Thê yêu dấu của Người, một Giáo Hội kêu cầu Chúa của mình và nhờ
Người tôn thờ Cha hằng sống.
Bởi thế mới thấy được phụng vụ là một việc thực thi vai trò tư tế của Chúa Giêsu
Kitô, một việc thực thi công cuộc thánh hóa con người qua những dấu chỉ khả giác
và có công hiệu khác nhau tùy theo dấu chỉ xứng hợp, và là một việc thực thi
công cuộc tôn thờ được cử hành cách trọn vẹn bởi nhiệm thể Chúa Giêsu Kitô, tức
là bởi cả đầu lẫn phần thể của Người.
Như thế, vì là hoạt động của Chúa Kitô tư tế cùng với Giáo Hội thân thể của
Người mà hết mọi cử hành phụng vụ là tác động linh thánh thượng đẳng. Không một
tác động nào khác của Giáo Hội tương đương với danh hiệu quyền linh hay với cấp
độ hiệu năng của tác động phụng vụ.
Nơi phụng vụ trần thế, chúng ta được nếm trước và thông phần vào phụng vụ thiên
quốc, một phụng vụ được cử hành trong thánh đô Giêrusalem, đích điểm của cuộc
chúng ta hành trình, nơi Chúa Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa như vị thừa tác viên
của thánh cung và của nhà tạm đích thực. Hợp cùng triều thần thiên quốc, chúng
ta hát bài thánh ca chúc tụng Chúa; khi chúng ta kính nhớ các thánh, chúng ta hy
vọng được chia phần với các vị cũng như được hiệp thông với các vị; chúng ta chờ
đợi Đấng Cứu Thế là Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, cho đến khi Người là sự sống
của chúng ta tỏ hiện để chúng ta cũng được tỏ hiện với Người trong vinh quang.
Theo truyền thống của các tông đồ ngay từ ban đầu, từ chính ngày phục sinh của
Chúa Kitô, Giáo Hội đã cử hành mầu nhiệm vượt qua mỗi ngày thứ tám, một ngày
đáng được gọi là ngày của Chúa. Vào ngày Chúa Nhật, tín hữu Kitô giáo phải qui
tụ lại với nhau, để nhờ nghe lời Chúa và dự phần Thánh Thể, họ có thể nhắc lại
cuộc khổ nạn, tử giá và phục sinh của Chúa Giêsu, cũng như có thể dâng lời tạ ơn
Thiên Chúa là Đấng đã làm cho họ được tái sinh trong niềm hy vọng nơi việc Chúa
Giêsu Kitô phục sinh từ trong ci chết. Bởi thế ngày của Chúa phải là ngày lễ
trên hết và trọng nhất, một ngày phải được in sâu trong lòng đạo của tín hữu,
nhờ đó ngày này cũng là một ngày vui mừng và thảnh thơi nghỉ ngơi. Các cuộc lễ
khác, nếu không thực sự là lễ rất quan trọng thì không được lấn át ngày Chúa
Nhật, bởi vì ngày Chúa Nhật là nền tảng và là trung tâm của cả năm phụng vụ.
(Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, các đoạn 7-8,
106,
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ The Office of Readings,
Saint Paul Editions, 1983, trang 197-198,
Bài Đọc cho Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Thường Niên),