VUI MỪNG VÀ HY VỌNG
Nhìn vào thế giới vừa mở màn cho một tân thiên niên kỷ thứ
ba hôm nay đây, chúng ta thấy gì? Nếu không phải là một thế giới hết sức văn
minh về vật chất, song lại là một thế giới văn minh chứa đầy những bất ổn nơi
sinh hoạt xã hội, khiến cho tâm thần con người lúc nào cũng sống trong lo âu sợ
hãi! Đến nỗi, con người lo sợ bị hủy diệt bởi chính những gì do bàn tay mình tạo
nên, điển hình nhất là bom hạch nhân, thuốc á phiện, thuốc ngừa thai, luật phá
thai, luật dùng súng, luật trợ tử v.v. Thậm chí con người càng ngày càng đâm ra
sợ hãi nhau hơn nữa và nghi kỵ nhau hơn nữa, nhất là từ sau biến cố tấn công
khủng bố 911 tại ngay trung tâm của một đệ nhất siêu cường quốc Hoa Kỳ.
Tại sao văn minh về khoa học và kỹ thuật siêu đẳng đang tiến lên đến tuyệt đỉnh
ngày nay, một thứ văn minh mang lại cho con người đầy những tiện nghi về vật
chất chưa bao giờ có, chẳng những nó không làm cho con người thêm hạnh phúc,
trái lại, nó lại càng làm cho bản thân con người trở nên lạc loài hơn bao giờ
hết, từ đó, nó cũng làm cho cả đại gia đình nhân loại tan nát hơn bao giờ hết
như thế?
Thật vậy, nếu những phát minh về khoa học và kỹ thuật ngày nay cho thấy mức độ
vượt bực nơi văn minh vật chất của con người tân tiến thế nào, thì những ý thức
về nhân bản và các hoạt động tranh đấu cho nhân quyền ngày nay cũng cho thấy tâm
linh của con người đã hết sức trưởng thành như vậy. Con người đã không còn ở
trong thời hồng hoang “ăn lông ở lỗ” nữa, mà là thời nhà lầu xe hơi, tivi tủ
lạnh, điện thoại điện toán, phi cơ phản lực. Con người đã không còn ở trong thời
đa thê, cũng là thời “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” nữa, thời coi phụ nữ như đầy
tớ hay chỉ là hạng người thứ yếu trong xã hội, mà là thời “nhất phu nhất phụ”,
thời “tự do luyến ái”. Con người cũng không còn ở trong thời quân chủ chuyên
chế, vua là thiên tử, cầm vận mệnh chúng dân trong tay nữa, mà là thời cộng hòa
dân chủ, “ý dân là ý trời” v.v.
Thế nhưng, oái oăm thay, chính lúc con người nhận thức được chính mình như thế,
chính lúc họ ban hành những đạo luật về việc tôn trọng nhân quyền, điển hình
nhất là Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền được Tổ Chức Liên Hiệp Quốc công bố năm 1948,
tức sau hai trận Thế Chiến I và II thuộc tiến bán thế kỷ 20, thì lại là lúc con
người bắt đầu tỏ ra đối chọi nhau nhất, đố kỵ nhau nhất, đàn áp nhau nhất và sát
hại nhau nhất. Người ta đã không đối chọi nhau là gì? - Giữa chủ nghĩa Cộng Sản
và đường lối tôn giáo, giữa trào lưu Pro-Choice, phò quyền tự quyết, và
Pro-Life, phò quyền sự sống? Người ta đã không đố kỵ nhau là gì? – Giữa Hồi Giáo
và Kitô Giáo, hay giữa Ấn Giáo và Kitô Giáo, giữa Hồi Giáo và Do Thái Giáo, giữa
Hồi Giáo và Tây Phương, hoặc giữa các chủng tộc với nhau trong cùng một quốc gia
ở Đông Âu sau khi Chiến Tranh Lạnh hạ màn? Người ta đã không đàn áp nhau là gì?
– Giữa nước tân tiến với nước chậm tiến, hay giữa nước tân tiến với nước đang
tiến! Người ta cũng đã không sát hại nhau là gì? - Giữa thai mẫu và thai nhi,
giữa thày thuốc chữa trị và bệnh nhân bất trị! v.v.
Nếu chính lúc con người càng trở nên văn minh chẳng những về vật chất mà còn cả
về nhân bản như thế lại là lúc con người càng trở nên lạc loài và băng hoại, thì
phải chăng văn minh vật chất tự nó là những gì không tốt, hay ít nhất nó cũng là
những gì hoàn toàn gây bất lợi cho con người? Bởi thế, phải chăng con người cần
phải trở về nguồn, về với thời khởi nguyên hoang sơ, thời được Thánh Kinh Do
Thái Giáo và Kitô Giáo diễn tả về hai con người nam nữ đầu tiên còn ở trong tình
trạng “trần truồng không biết xấu hổ”, tức thời con người bấy giờ chưa biết đến
tội lỗi là gì, thời tâm hồn của con người còn hoàn toàn ngây thơ vô tội, nên đời
sống của họ cũng hết sức tự do thanh thoát ngay trên trần gian này, đến nỗi, họ
bấy giờ như đang sống ở một thiên đường trần thế, chứ không phải một thứ “thiên
đường treo” của thời tân tiến ngày nay?
Thật ra, nếu văn minh ngày nay, cả về phương diện vật chất lẫn nhân bản, là dấu
chứng tỏ nhân loại chúng ta đã thực sự trưởng thành về tâm lý và phát triển về
thể lý, thì văn minh là một tiến trình cần phải có để chứng tỏ con người quả là
một loài “linh ư vạn vật”, loài làm chủ trái đất. Và như thế văn minh tự nó chắc
chắn phải mang lại phúc lợi đích thực cho con người. Ở chỗ, chẳng những nó làm
cho bản thân con người được toàn diện thăng tiến, mà còn làm cho cả xã hội loài
người được trở thành một đại gia đình nhân loại, mọi người biết yêu thương nhau
như bản thân mình, sống với nhau hết sức thuận hòa đầm ấm trong Vui Mừng và Hy
Vọng.
Nếu vui mừng là trạng thái của hạnh phúc và là biểu hiện cho hạnh phúc nơi đời
sống của con người thì hy vọng chính là lẽ sống nơi chính bản thân con người
vậy. Một con người đi tìm cái chết qua việc tự tử là một con người đã chán sống,
đã hoàn toàn thất vọng về cuộc sống, tức đã không tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời.
Thật ra, nếu phân tích sâu xa tâm lý của con người tự tử, chúng ta thấy họ chính
là con người yêu đời nhất, vì họ muốn thoát khỏi cảnh cùng cực của cuộc đời, tức
muốn được hạnh phúc, một thứ hạnh phúc đối với họ bấy giờ, chỉ có chết đi mới
hết khổ, mới được giải thoát. Nghĩa là, con người tự tử đã đi tìm sự sống trong
chính cái chết, ở chỗ, chính lúc họ tìm cái chết là họ vẫn ngầm nuôi một niềm hy
vọng, hy vọng thoát khổ, hy vọng được giải thoát... Tóm lại, con người sống trên
đời này, cho tới chết, cho tới giây phút cuối cùng của cuộc đời, lúc nào cũng
sống trong hy vọng! Hy vọng quả thực là và chính là lẽ sống của con người chúng
ta vậy.
Thật thế, hy vọng chính là lẽ sống của con người và cho con người, chẳng những
để họ sống trên đời và còn là hơi thở cuối cùng đưa họ đi vào vĩnh cửu nữa. Nếu
vui mừng là lửa của một ngọn đuốc thì hy vọng là dầu nơi ngọn đuốc ấy. Lửa chỉ
tắt khi nào ngọn đuốc hết dầu thế nào, con người cũng chỉ thoi thóp sống hay
chán chường sống, thậm chí đi đến chỗ tự hủy diệt sự sống của mình, về khía cạnh
tâm lý hay thể lý, cũng chỉ vì họ đã bị cạn kiệt hy vọng, hết hy vọng, hay tuyệt
vọng. Nếu còn một tia hy vọng, tức còn thấy được mập mờ ánh sáng cuối đường hầm,
họ đã không chôn vùi sự sống dưới ngôi mồ vô vọng như vậy. Không phải hay sao,
cho dù chúng ta có ở các đảo tị nạn Đông Nam Á lâu mấy đi nữa, 5 năm, 10 năm,
nếu biết được chắc chắn ngày mình sẽ được đi tị nạn đến những nơi mình muốn,
chẳng hạn được vào Hoa Kỳ, thường được gọi là “thiên đường Mỹ quốc”, thì dù bấy
giờ chúng ta có phải sống trong cảnh khổ cực đến thế nào chăng nữa, chúng ta
cũng vẫn vui sống và ham sống.
Con người chỉ vui mừng khi có hy vọng, còn hy vọng hay đầy hy vọng; và hy vọng
chính là tác nhân, là động lực làm cho con người vui mừng. Nếu vui mừng là hương
hoa hay bông hoa thì hy vọng là nụ hoa. Vui Mừng và Hy Vọng là thế đó.
Thế nhưng, phũ phàng thay, thực tế cho thấy, có những lúc chính hy vọng lại chất
chứa đầy những thất vọng. Chúng ta đã chẳng nghe có những trường hợp của người
Việt hải ngoại chúng ta hay sao, khi đã vào được “thiên đường Mỹ quốc” rồi, một
thiên đường đã làm họ liều chết trên biển cả để tìm kiếm cho bằng được, cuối
cùng, đã hoàn toàn thất vọng, muốn trở về lại Việt Nam, vì họ đã chứng kiến thấy
những chướng tai gai mắt, thậm chí đã bị tan nát gia đình ngay tại chính thiên
đường trần gian này?
Bởi thế, vấn đề ở đây không phải chỉ cần hy vọng là sẽ vui mừng, chỉ cần hy vọng
là sẽ vui sống, song là ở chỗ hy vọng những gì! Nếu chất dầu không tinh khiết,
thì ngọn lửa nơi cây đuốc sẽ chỉ le lói tỏa ra với đầy những làn khói khét lẹt
đen ngòm, và có thể bị vụt tắt bất cứ lúc nào, chất dầu hy vọng của chúng ta
cũng vậy, nếu không chính đáng, không siêu việt, ngọn lửa niềm vui của chúng ta
cũng chỉ là một ngọn lửa vui mừng thoi thóp phập phồng vậy thôi, một ngọn lửa
vui mừng tỏa ra đầy những làn khói chua chát đắng cay, và cuối cùng bị vụt tắt
với những chán chường thất vọng, khi ngọn lửa vui mừng yếu ớt này gặp phải thực
tế phũ phàng, gặp phải phong ba bão tố trong cuộc đời.
Như thế, để bắt đầu thắp lên ngọn lửa vui mừng, chúng ta cần phải có dầu hy
vọng, và nếu dầu hy vọng này nguyên chất, chắc chắn nó sẽ trở thành một động lực
mãnh liệt, thành đôi cánh đại bàng giúp chúng ta bay cao, bay tới một thực tại
vui mừng là chân trời trường sinh vinh phúc của cuộc đời, một thực tại là cùng
đích của thân phận làm người chúng ta, một thực tại mà nếu không đạt được, chúng
ta thực sự đã đánh mất bản thân mình, đã hoàn toàn không tìm thấy ý nghĩa của
cuộc đời con người sống trên trần gian, tức đã không sống trọn Ơn Gọi Làm Người
của mình vậy! Bởi thế, để bắt đầu thắp lên ngọn lửa vui mừng cho cuộc đời của
mình, chúng ta hãy tẩm con người của chúng ta bằng một thứ dầu nguyên chất.
Một khi chúng ta ý thức được Ơn Gọi Làm Người của mình, không phải bằng một kiến
thức suông, mà là bằng một niềm xác tín sống động và bất biến về Thực Tại Làm
Người: - con người là ai? - từ đâu mà đến? - sống để làm gì? - chết rồi ra sao?
v.v. chắc chắn, niềm xác tín nhân bản chân chính này sẽ mang lại cho từng người
chúng ta, cũng như cho mọi người chúng ta, Vui Mừng và Hy Vọng, nhờ đó, chúng ta
sẽ vỗ cánh bay cao trên bầu trời “Hạnh Phúc Là Viên Mãn Yêu Thương” của một “Đời
Thêng Thang Sống”.
(Đây là bài ra mắt của Chương Trình Phát
Thanh Vui Mừng và Hy Vọng cho mọi thành phần thính giả qua Đài Tiếng Nói Việt
Nam Hải Ngoại ngày 20/1/2002. Xin mời qúi vị đón nghe qua www.tinmungsusong.org)
San Bernadino Thứ Ba, 15/1/2002, Cao Tấn Tĩnh