CON NGƯỜI: ƠN GỌI, TỰ DO VÀ HÀNH ĐỘNG

(các số 1691-1775)
 

 

CẢM NGHIỆM NHÂN SINH


Theo khuynh hường và phản ứng tự nhiên, tâm tưởng chi phối hành động thế nào, đời sống của con người cũng sống theo những gì họ tin tưởng như vậy. Cùng một đường lối như thế, Kitô hữu thể hiện Đức Tin, tức những gì mình tuyên xưng nơi Kinh Tin Kính, chẳng những qua tác động thờ phượng nơi Phụng Vụ, được thể hiện ở việc lãnh nhận các Bí Tích, mà còn qua đời sống luân lý xứng với thân phận của họ đã được thánh hóa bởi Bí Tích Rửa Tội nữa (xem GL số 1692). Nghĩa là, theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, họ phải sống một đời sống như sau: “Được Phép Rửa liên hợp với Chúa Kitô, Kitô hữu phải ‘chết cho tội và sống cho Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô’, nhờ đó được tham phần sự sống của Chúa Kitô Phục Sinh (Rm 6:11, x 6:5; x Col 2:12). Theo chân Chúa Kitô và được liên kết với Người (x Jn 15:5), Kitô hữu mới có thể nỗ lực trở thành ‘những người mô phỏng Thiên Chúa như con cái dấu yêu của Ngài mà bước đi trong yêu thương’ (Eph 5:1-2), bằng việc uốn nắn tư tưởng, lời nói và việc làm của mình nên giống như ‘những thái độ của Chúa Giêsu Kitô’ (Phil 2:5), cũng như bằng việc bắt chước mẫu gương của Người (x Jn 13:12-16)” (GL số 1694).

Thật vậy, “’bằng chính việc mạc khải mầu nhiệm về Cha cũng như về tình yêu của Cha, Chúa Kitô đã hoàn toàn cho con người thấy được bản thân họ và làm sáng tỏ ơn gọi cao cả của họ’ (Hiến Chế Gaudium et Spes, 22). Chính ở nơi Chúa Kitô là ‘hình ảnh Thiên Chúa vô hình’ (Col 1:15, x 2Cor 4:4) mà con người đã được dựng nên ‘theo hình ảnh và tương tự như’ Đấng Tạo Hóa. Chính ở nơi Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc và là Vị Cứu Tinh mà hình ảnh thần linh này, một hình ảnh nơi con người đã bị cái tội đầu tiên làm biến dạng lại được phục hồi vẻ đẹp nguyên thủy của mình và còn được nên cao trọng hơn nữa bởi ân sủng của Thiên Chúa (x Hiến Chế Gaudium et Spes, 22)” (GL số 1701).

“Bởi có hồn thiêng cùng với các tài năng về tâm linh là lý trí và ý muốn, con người được thừa hưởng tự do, một ‘biểu hiện tuyệt vời của hình ảnh thần linh’ (Hiến Chế Gaudium et Spes, 17)” (GL số 1705). “Với trí khôn của mình, con người nhận ra tiếng của Thiên Chúa thúc giục họ ‘làm lành lánh dữ’ (Hiến Chế Gaudium et Spes, 16). Mọi người buộc phải tuân theo qui luật này, một qui luật âm vang trong lương tâm và được nên trọn nơi việc kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Sống đời sống luân lý là nói nên phẩm vị làm người” (GL số 1706). Thế nhưng, “’bị Tên Gian Ác dụ dỗ, con người đã lạm dụng tự do của mình ngay từ khi mở màn lịch sử’ (Hiến Chế Gaudium et Spes, 13.1). Họ đã sa chước cám dỗ và làm điều gian ác. Họ vẫn muốn điều tốt lành thiện hảo, song bản tính của họ đã bị tổn thương bởi nguyên tội. Từ đó họ xu hướng về sự dữ và bị lầm lạc…” (GL số 1707).

1. Nếu bản tính của con người bị mắc nguyên tội vẫn không hoàn toàn bị hư đi, ở chỗ “vẫn muốn điều tốt lành thiện hảo”, thì ơn gọi của họ là gì?

2. Nếu ơn gọi là những gì được Thiên Chúa ấn định theo ý của Ngài thì con người có quyền chọn lựa ơn gọi của mình và cho mình hay không?

3. Căn cứ vào đâu để biết được mình đúng hay sai trong việc con người chọn lựa để có thể hoàn toàn đáp ứng ơn gọi nên tốt lành thiện hảo của mình?



KIẾN THỨC ĐỨC TIN


1. NẾU BẢN TÍNH CỦA CON NGƯỜI BỊ MẮC NGUYÊN TỘI VẪN KHÔNG HOÀN TOÀN BỊ HƯ ĐI, Ở CHỖ “VẪN MUỐN ĐIỀU TỐT LÀNH THIỆN HẢO”, THÌ ƠN GỌI CỦA HỌ LÀ GÌ?

Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1721, “Thiên Chúa đặt chúng ta trên thế gian này để nhận biết, yêu mến và phụng sự Ngài, nhờ đó chúng ta được vào thiên đàng. Phúc đức là những gì làm cho chúng ta được ‘thông phần bản tính thần linh’ và sự sống trường sinh (2Pet 1:4; x Jn 17:3). Nhờ phúc đức, con người được thừa hưởng vinh quang của Chúa Kitô và hoan lạc của sự sống Chúa Ba Ngôi”. Như thế, ơn gọi của con người sống trên đời này là vươn tới “những phúc đức làm thỏa nguyện ước vọng tự nhiên của con người muốn được hạnh phúc. Ước vọng này có một nguồn gốc thần linh, ở chỗ, Thiên Chúa đã đặt ước vọng này nơi tâm can con người để lôi kéo họ đến với Đấng duy nhất có thể làm thỏa nguyện nó” (số 1718). Tuy nhiên, bản chất của “phúc đức như vậy vượt quá tầm hiểu biết và khả năng của con người. Nó hoàn toàn là do bởi tặng ân nhưng không của Thiên Chúa” (số 1722). Do đó, tác dụng của “niềm phúc đức được hứa ban cho chúng ta bắt chúng ta phải có những chọn lựa dứt khoát về luân lý. Nó kêu gọi chúng ta thanh tẩy cõi lòng của mình khỏi những bản năng xấu xa cũng như kêu gọi chúng ta tìm kiếm tình yêu của Thiên Chúa trên hết mọi sự. Nó dạy cho chúng ta biết rằng hạnh phúc chân thực không có ở nơi giầu sang hay sung túc, nơi danh vọng hay quyền lực nhân loại, hoặc nơi bất cứ một chiếm đạt trần gian nào – cho dù lợi lộc mấy đi nữa, như khoa học, kỹ thuật và nghệ thuật, hay nơi bất cứ một tạo vật nào, ngoại trừ một mình Thiên Chúa là nguồn mạch của mọi sự lành và của tất cả mọi tình yêu mến” (số 1723): “Các phúc đức (x Mt 5:3-12) là tâm điểm của lời Chúa Kitô rao giảng” (số 1716). “Các phúc đức tỏ cho thấy dung nhan Chúa Giêsu Kitô và đức ái của Người” (số 1717).


2. NẾU ƠN GỌI LÀ NHỮNG GÌ ĐƯỢC THIÊN CHÚA ẤN ĐỊNH THEO Ý CỦA NGÀI THÌ CON NGƯỜI CÓ QUYỀN CHỌN LỰA ƠN GỌI CỦA MÌNH VÀ CHO MÌNH HAY KHÔNG?

Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo số 1730, “Thiên Chúa đã dựng nên con người là một hữu thể có lý trí, ban cho họ phẩm vị của một con người, thành phần có thể tự khởi động và điều động các việc làm của mình”. Do đó, con người có tự do trong việc chọn lựa, vì, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo số 1731 cho biết về bản chất của tự do thế này: “Tự do là một khả năng bắt nguồn từ trí khôn và lòng muốn để tác hành hay không tác hành, để làm điều này hay điều kia, nhờ đó tự ý thực hiện những việc làm theo trách nhiệm của mình. Con người làm nên cuộc sống theo ý riêng của mình. Tự do của con người là một lực phát triển và trưởng thành trong sự thật và sự thiện; nó đạt đến mức thiện toàn khi hướng về Thiên Chúa là phúc đức của chúng ta”; “… không có tự do thật sự trừ phi làm những gì tốt lành và chính đáng. Quyết định tỏ ra bất phục tùng và làm điều gian ác là việc lạm dụng tự do và đưa con người đến ‘tình trạng làm tôi cho tội lỗi’ (x Rm 6:17). Bởi con người có tự do nên con người phải có trách nhiệm về các việc làm của mình (xem GL số 1734). Về cấp độ của trách nhiệm, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo số 1735 dạy như sau: “Việc qui tội và trách nhiệm đối với một việc làm có thể được giảm bớt, thậm chí được hủy bỏ, vì vô thức, sơ ý, bị ép buộc, sợ hãi, theo thói quen, bởi những dính bén thái quá và những yếu tố tâm lý hay xã hội khác”.


3. CĂN CỨ VÀO ĐÂU ĐỂ BIẾT ĐƯỢC MÌNH ĐÚNG HAY SAI TRONG VIỆC CON NGƯỜI CHỌN LỰA ĐỂ CÓ THỂ HOÀN TOÀN ĐÁP ỨNG ƠN GỌI NÊN TỐT LÀNH THIỆN HẢO CỦA MÌNH?

Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo số 1749, “tự do làm cho con người trở thành một chủ thể về luân lý. Khi tự ý tác hành, có thể nói con người là cha của các việc mình làm. Các việc thuộc nhân, tức là các việc được tự do chọn lựa làm theo phán đoán của lương tâm, có thể được thẩm định theo luân lý. Chúng có thể tốt hay xấu”. Về yếu tố để thẩm định các việc làm của con người tốt xấu theo luân lý, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo số 1750 liệt kê như sau: “Tính cách luân lý về các việc thuộc nhân tùy ở: đối tượng được chọn lựa; mục đích nhắm tới hay ý hướng; hoàn cảnh tác hành”. Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo cũng đã phân biệt ba yếu tố chính yếu ấy thế này:

• “Đối tượng được chọn lựa là sự thiện mà ý muốn con người tự mình qui hướng về. Nó là chất thể của tác động thuộc nhân. Đối tượng được chọn lựa theo luân lý phân loại tác hành của ý muốn, tùy theo trí khôn nhận biết và phán đoán xem đối tượng ấy có phù hợp hay không phù hợp với sự thiện đích thực. Các tiêu chuẩn khách quan của luân lý, được lương tâm chứng thực, cho thấy thứ tự hợp lý của sự thiện và sự dữ” (số 1751);

• “Ngược lại với đối tượng, ý hướng ở ngay nơi chủ thể tác hành. Vì ở ngay nguồn ý muốn hành động và định đoạt hành động bằng mục đích của mình mà ý hướng là yếu tố chính để thẩm định một việc làm theo luân lý. Mục đích là những gì ý hướng nhắm tới trước nhất và là mục tiêu hành động theo đuổi. Ý hướng là tác động của ý muốn hướng đến mục đích, tức nó liên quan đến mục tiêu của hoạt động...” (số 1752);

• “Hoàn cảnh, kể cả các thành quả, là yếu tố phụ thuộc của hành động luân lý. Nó góp phần vào việc làm tăng thêm hay giảm bớt tính cách tốt lành hay xấu xa về luân lý nơi hành động thuộc nhân (chẳng hạn, số lượng ăn cắp). Nó cũng có thể làm giảm bớt hay tăng thêm trách nhiệm của tác nhân (như làm vì sợ chết). Hoàn cảnh tự nó không thể làm đổi thay tính chất về luân lý của chính các việc làm; chúng cũng không làm cho một hành động tự nó là xấu trở thành tốt hay đúng” (số 1754).

Ngoài ra, còn một yếu tố khách quan hết sức liên quan đến đời sống luân lý của con người nữa đó là đam mê, tức “các xúc động hay biến động của cảm giác đưa chúng ta đến việc tác động hay không tác động có liên quan tới một cái gì đó chúng ta cảm thấy hoặc tưởng là tốt hay xấu” (số 1763), một yếu tố cũng được Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo xác nhận như sau: “Đam mê tự chúng không tốt cũng chẳng xấu” (số 1767). “... Những đam mê tốt về phương diện luân lý ở việc chúng góp phần vào việc lành, ngược lại thì chúng là xấu...” (số 1768)


TÓM LẠI:

“Ơn gọi của con người sống trên đời này là vươn tới “những phúc đức làm thỏa nguyện ước vọng tự nhiên của con người muốn được hạnh phúc. Ước vọng này có một nguồn gốc thần linh, ở chỗ, Thiên Chúa đã đặt ước vọng này nơi tâm can con người để lôi kéo họ đến với Đấng duy nhất có thể làm thỏa nguyện nó” (số 1718). “Tự do là một khả năng bắt nguồn từ trí khôn và lòng muốn để tác hành hay không tác hành, để làm điều này hay điều kia, nhờ đó tự ý thực hiện những việc làm theo trách nhiệm của mình” (1731). Bởi con người có tự do nên con người phải có trách nhiệm về các việc làm của mình (xem GL số 1734). “Tính cách luân lý về các việc thuộc nhân tùy ở đối tượng được chọn lựa; mục đích nhắm tới hay ý hướng; hoàn cảnh tác hành” (số 1750). “Đam mê tự chúng không tốt cũng chẳng xấu” (số 1767). “... Những đam mê tốt về phương diện luân lý ở việc chúng góp phần vào việc lành, ngược lại thì chúng là xấu...” (số 1768).


THÂM TÍN SỐNG ĐẠO


1. Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo số 1755 dạy: “Một hành động luân lý tốt cần phải có cả đối tượng tốt, mục đích tốt và hoàn cảnh tốt. Một mục đích xấu sẽ làm hư hành động, cho dù đối tượng của nó tự bản chất là tốt (như cầu nguyện và chay tịnh ‘để cho người ta thấy’). Đối tượng được chọn lựa tự nó có thể tác hại đến toàn thể hành động. Có một số hành động cụ thể – như tà dâm – bao giờ cũng sai trái nếu chọn lựa, vì việc chọn lựa này chất chứa một ý muốn lệch lạc, đó là sự dữ về luân lý”. Bởi vậy, tôi phải cẩn thận chú trọng đến ý hướng làm việc, phản ứng và chịu đựng của tôi, bằng cách dâng việc làm, hy sinh và đau khổ cho Chúa ngay từ đầu và luôn lập lại ý ngay lành này cho tới khi mọi sự nên trọn.

2. Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo số 1756 dạy: “Có những hành động, tự bản chất của mình, hoàn toàn không liên quan gì đến hoàn cảnh và ý hướng, bao giờ cũng hết sức bất chính do tại đối tượng của chúng; như trường hợp lộng ngôn và thề gian, sát nhân và ngoại tình. Người ta không thể làm sự dữ để được tạo lấy một sự lành”. Bởi vậy, tôi phải đề phòng tất cả mọi lý lẽ, dù chính đáng đến đâu đi nữa, được tôi viện dẫn hay ngụy biện để chống chữa cho các việc xấu hầu mưu cầu tư lợi của tôi hay thỏa mãn đam mê nhục dục hoặc dục vọng của tôi.

3. Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo số 1770 dạy: “Mức thiện hảo về luân lý hệ tại việc hữu thể con người hướng về sự thiện không phải chỉ bởi một mình ý muốn mà còn bởi cả cảm quan của họ nữa”. Bởi vậy, tôi phải vận dụng cả con người tôi để sống đạo như lời Thánh Vịnh đoạn 84 câu 2: “Tâm can tôi và xác thịt tôi hân hoan ca tụng Thiên Chúa hằng sống”.



Trắc Nghiệm

Xin đọc bài Giáo Lý lược tóm tổng ôn dưới đây, rồi dùng các chữ ở cuối trang để điền vào những chỗ gạch trống các câu Sách Giáo Lý vừa học hỏi cho đúng nguyên văn ý nghĩa của nó. Trong vòng 10 phút.

Qua bài Giáo Lý 28 về Con Người, Ơn Gọi và Hành Động, Giáo Hội Công Giáo đã cho con cái của mình thấy những điểm chính sau đây: “Phúc đức làm thỏa nguyện ước vọng tự nhiên của con người muốn được hạnh phúc. Ước vọng này có một nguồn gốc thần linh, ở chỗ, Thiên Chúa đã đặt ước vọng này nơi tâm can con người để lôi kéo họ đến với Đấng duy nhất có thể làm thỏa nguyện nó” (số 1718). “Tự do là một khả năng bắt nguồn từ trí khôn và lòng muốn để tác hành hay không tác hành, để làm điều này hay điều kia, nhờ đó tự ý thực hiện những việc làm theo trách nhiệm của mình” (1731). Bởi con người có tự do nên con người phải có trách nhiệm về các việc làm của mình (xem GL số 1734). “Tính cách luân lý về các việc thuộc nhân tùy ở đối tượng được chọn lựa; mục đích nhắm tới hay ý hướng; hoàn cảnh tác hành” (số 1750). “Đam mê tự chúng không tốt cũng chẳng xấu” (số 1767). “... Những đam mê tốt về phương diện luân lý ở việc chúng góp phần vào việc lành, ngược lại thì chúng là xấu...” (số 1768).

1. “Thiên Chúa đặt chúng ta trên thế gian này để nhận biết, yêu mến và phụng sự Ngài, nhờ đó chúng ta được vào thiên đàng. _________ là những gì làm cho chúng ta được thông phần bản tính thần linh và sự sống trường sinh. Nhờ phúc đức, con người được ___________ vinh quang của Chúa Kitô và hoan lạc của sự sống Chúa Ba Ngôi” (số 1721).

2. “Niềm phúc đức được hứa ban cho chúng ta bắt chúng ta phải có những __________ dứt khoát về luân lý. Nó kêu gọi chúng ta thanh tẩy cõi lòng của mình khỏi những bản năng xấu xa cũng như kêu gọi chúng ta tìm kiếm tình yêu của Thiên Chúa trên hết mọi sự. Nó dạy cho chúng ta biết rằng hạnh phúc chân thực không có ở nơi ____________ hay sung túc, nơi ______________ hay _____________ nhân loại, hoặc nơi bất cứ một chiếm đạt trần gian nào – cho dù lợi lộc mấy đi nữa, như khoa học, kỹ thuật và nghệ thuật, hay nơi bất cứ một tạo vật nào, ngoại trừ một mình Thiên Chúa là nguồn mạch của mọi sự lành và của tất cả mọi tình yêu mến” (số 1723).

3. “____ là một khả năng bắt nguồn từ trí khôn và lòng muốn để tác hành hay không tác hành, để làm điều này hay điều kia, nhờ đó tự ý thực hiện những việc làm theo _______của mình. Con người làm nên cuộc sống theo ý riêng của mình. Tự do của con người là một lực phát triển và trưởng thành trong sự thật và sự thiện; nó đạt đến mức thiện toàn khi hướng về Thiên Chúa là phúc đức của chúng ta” (1731)

4. “Không có tự do thật sự trừ phi làm những gì _______ và ______. Quyết định tỏ ra bất phục tùng và làm điều gian ác là việc lạm dụng _______ và đưa con người đến tình trạng ______ cho tội lỗi” (1733)

5. “___________ tự chúng không tốt cũng chẳng xấu” (số 1767).

6. “… Những đam mê tốt về phương diện luân lý ở việc chúng góp phần vào ___________, ngược lại thì chúng là xấu” (số 1768).

7. “Một hành động luân lý tốt cần phải có cả đối tượng tốt, mục đích tốt và hoàn cảnh tốt. Một ___________ xấu sẽ làm hư hành động, cho dù ______________ của nó tự bản chất là tốt (như cầu nguyện và chay tịnh ‘để cho người ta thấy’). Đối tượng được chọn lựa tự nó có thể tác hại đến toàn thể hành động. Có một số hành động cụ thể – như tà dâm – bao giờ cũng sai trái nếu chọn lựa, vì việc chọn lựa này chất chứa một ý muốn lệch lạc, đó là sự dữ về luân lý” (số 1755).

8. “Có những hành động, tự bản chất của mình, hoàn toàn không liên quan gì đến hoàn cảnh và ý hướng, bao giờ cũng hết sức _________ do tại _________ của chúng; như trường hợp lộng ngôn và thề gian, sát nhân và ngoại tình. Người ta không thể làm _________ để được tạo lấy một sự lành” (số 1756).

(sự dữ, phúc đức, thừa hưởng, đối tượng, bất chính, chọn lựa, giầu sang, đối tượng, mục đích, danh vọng, quyền lực, việc lành, đam mê, tự do, trách nhiệm, làm tôi, tự do, tốt lành, chính đáng)