Bài Giáo Lý 32



KÍNH MẾN, TÔN VINH VÀ THỜ PHƯỢNG THIÊN CHÚA
 

Luật Chúa: Điều Một, Hai Và Ba

(các số 2083-2195)

 

CẢM NGHIỆM NHÂN SINH


Trong tất cả mọi loài sinh vật trên thế gian này, chỉ có loài người mới có mặc cảm tội lỗi. Bởi vì họ chẳng những có tự do theo bản tính làm người của họ mà còn có cả lương tâm vì thân phận là người của họ. Tuy nhiên, bình thường con người chỉ cảm thấy có mặc cảm tội lỗi đối với chung loài sinh vật của mình và riêng loài người là đồng loại với nhau. Chẳng hạn, luật cấm sát sinh bên Phật Giáo cho thấy mặc cảm tội lỗi của họ đối với loài cầm thú. Nhất là con người bị mặc cảm tội lỗi khi thấy người cùng khổ mà không chịu ra tay giúp đỡ khi có thể, cũng như cảm thấy tội lỗi cả khi làm khổ người khác, dù mình có ý ngay lành muốn làm ích cho họ mà thôi, như việc cha mẹ phải đối xử với con cái bằng cách sửa trị “cho roi cho vọt”, kẻo “cá không ăn muối cá ươn” v.v. Nói chung, ít khi thấy con người tỏ ra có mặc cảm tội lỗi với Ông Trời như với sinh vật hay đồng loại như thế, trái lại, những khi gặp trái ý, bất hạnh và xui xẻo, họ còn tỏ ra trách móc trời là đàng khác, làm như “trời cao không có mắt”, và như thế họ mặc nhiên cho rằng trời cũng cần phải có mặc cảm tội lỗi như họ và đối với họ. Lý do cũng dễ hiểu, là vì tự mình con người không biết Đấng Tối Cao như thế nào; nếu biết thì họ đã không có thái độ “hữu thần vô tình” như thế, thái độ giống như của người phụ nữ ngoại lai Samaritanô bên bờ giếng Giacóp, thái độ trời chỉ là nhu cầu của mình chứ không phải là cùng đích, đến nỗi, chính Chúa Giêsu đã phải nói cho chị biết rằng: “Nếu chị biết ơn Thiên Chúa, và biết được vị đang xin chị nước uống đây là ai thì chị còn xin Tôi nước là đàng khác và Người sẽ ban cho chị nước hằng sống” (Jn 4:10). Thật vậy, nếu chưa biết Đấng Tối Cao là ai, con người sẽ chỉ biết đến trời và nhớ đến trời khi cần thiết mà thôi. Bởi đó, họ có cầu nguyện với trời thế này thế kia, như “lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cầy, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp”, thì việc cầu nguyện này cũng không phải là nhiệm vụ của họ. Do đó, con người có cầu hay không cũng chẳng có lỗi gì với trời cả, cũng không có mặc cảm tội lỗi gì về vấn đề này.

Trong khi đó, chính vì ý thức thấy, như đã được Thiên Chúa mạc khải cho biết, “Chúa là Thiên Chúa của chúng ta, là Chúa duy nhất” (Deut 6:4; xem GL số 2083), mà tín đồ Do Thái Giáo cũng như Kitô Giáo phải kính yêu Ngài hết mình và trên hết mọi sự, bằng không sẽ mắc lỗi với Ngài, sẽ có tội với Ngài; giới răn cao trọng nhất buộc Kitô hữu phải kính mến Thiên Chúa như thế bao gồm ba điều răn đầu tiên trong Thập Giới, đó là:

Thứ nhất thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự;
Thứ hai, chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ.
Thứ ba, giữ Ngày Chúa Nhật.



KIẾN THỨC ĐỨC TIN
 

1. THỜ PHƯỢNG MỘT ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ KÍNH MẾN NGƯỜI TRÊN HẾT MỌI SỰ

Về điều răn thứ nhất này, theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, gồm có hai phần, tích cực và tiêu cực: phần tích cực liên quan đến ba thần đức tin, cậy và mến cũng như đến đức thờ phượng; và phần tiêu cực liên quan đến các tội phạm đến Thiên Chúa nghịch lại với điều răn ấy.

Điều răn thứ nhất liên quan đến ba thần đức tin cậy mến

Tội phạm đến đức tin

• “Đời sống luân lý của chúng ta được bắt nguồn từ lòng của chúng ta tin tưởng nơi Thiên Chúa là Đấng đã tỏ tình yêu thương chúng ta. Thánh Phaolô nói đến ‘việc tin tưởng tuân phục’ (Rm 1:5, 16:26) như là điều bó buộc trước tiên của chúng ta. Ngài cho chúng ta thấy rằng ‘việc vô thức về Thiên Chúa’ là nguyên nhân và là lời giải thích về tất cả mọi lệch lạc luân lý (x Rm 1:18-32)”. (số 2087)

• “... Có nhiều cách khác nhau lỗi phạm đến đức tin, như việc thực tình nghi ngờ đức tin tỏ ra bất chấp hay chối bỏ những gì chân thực được Thiên Chúa mạc khải và Giáo Hội truyền dạy phải tin tưởng. Việc vô tình ngờ vực đức tin liên quan đến tình trạng lưỡng lự trong việc tin tưởng, đến vấn đề khó khăn trong việc vượt qua những trở ngại liên quan tới đức tin, hay liên quan đến cả nỗi bối rối do đức tin tăm tối gây ra. Nếu cố ý nuôi dưỡng mối nghi ngờ có thể sẽ đi đến tình trạng mù tối thiêng liêng”. (số 2088)

• “Không tin tưởng là việc chẳng để ý gì tới chân lý mạc khải hay là việc tự ý không chịu chấp nhận chân lý mạc khải. ‘Lạc giáo là việc, sau khi lãnh nhận phép rửa, tỏ ra cứng lòng chối bỏ một chân lý nào đó buộc phải tin tưởng theo đức tin thần linh công giáo, hay cũng là việc tỏ ra cứng lòng ngờ vực đối với chân lý đức tin ấy; bội giáo là việc hoàn toàn chối bỏ đức tin Kitô Giáo; ly giáo là việc không chịu phục tùng Giáo Hoàng Rôma hay không chịu hiệp thông với các phần thể của Giáo Hội thuộc quyền của ngài’ (Giáo Luật khoản 751)”. (số 2089)

Tội phạm đến đức cậy

• “Dù Thiên Chúa có tỏ Mình Ngài ra và kêu gọi họ, con người cũng không thể nào hoàn toàn đáp ứng được tình yêu thần linh bằng khả năng riêng của họ. Họ phải trông cậy là Thiên Chúa sẽ ban cho họ khả năng để yêu mến đáp trả Ngài cũng như để tác hành hợp với giới răn đức ái. Đức cậy là niềm tin tưởng cậy trông vào ân phúc thần linh và vào việc được phúc kiến Thiên Chúa; đức cậy còn là mối lo sợ xúc phạm đến tình yêu Thiên Chúa và bị trừng phạt bởi đó mà ra”. (số 2090)

• “Điều răn thứ nhất cũng liên quan đến các tội nghịch với đức cậy là thất vọng và tự phụ. Vì thất vọng, con người không hy vọng được Thiên Chúa cứu độ nữa, được trợ giúp để chiếm lấy ơn cứu độ hay được thứ tha tội lỗi của mình. Thất vọng nghịch lại với lòng nhân lành của Thiên Chúa, nghịch lại với đức công chính của Ngài – vì Chúa trung tín với những gì Ngài hứa – cũng như nghịch lại với tình thương của Ngài”. (số 2091)

• “Có hai thứ tự phụ. Một là con người tự phụ về các khả năng riêng của mình, (cậy rằng mình có thể tự cứu được bản thân mà không cần đến ơn trợ giúp từ trên cao), hai là họ tự phụ đã có quyền toàn năng của Thiên Chúa hay đã có tình thương của Ngài, (cậy rằng họ được thứ tha tội lỗi mà không cần phải ăn năn hoán cải cũng như được hưởng phúc vinh quang mà không cần lập công tích đức)”. (số 2092)

Tội phạm đến đức mến

• “Giới răn thứ nhất truyền chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự cũng như phải yêu thương tất cả mọi tạo vật cho Ngài và vì Ngài (x Deut 6:4-5)”. (số 2093)

• “Người ta có thể phạm tội nghịch với tình yêu của Thiên Chúa bằng nhiều cách khác nhau, như tội lạnh nhạt tỏ ra xao lãng hay không chịu suy nghĩ đến tình yêu của Thiên Chúa; không để ý tới sự tốt lành tiên hữu của tình yêu Thiên Chúa và từ chối không tuân theo quyền năng của tình yêu ấy. Tội vô ơn bội nghĩa tỏ ra không nhận biết hay không chịu nhận biết tình yêu của Thiên Chúa và lấy tình yêu đáp lại tình yêu. Tội lừng khừng tỏ ra lưỡng lự hay không để ý tớùi việc đáp lại tình yêu Thiên Chúa; nó cũng có thể bao gồm cả việc không chịu dấn thân theo tác động của đức ái. Tội ươn hèn hay biếng nhác thiêng liêng đến nỗi không chịu lãnh nhận niềm vui Thiên Chúa ban cho và bị lòng lành Thiên Chúa đẩy lui. Tội thù ghét Thiên Chúa do lòng kiêu căng tự ái mà ra. Nó phản lại với tình yêu của Thiên Chúa, chối bỏ lòng lành của tình yêu Ngài và là Đấng nó tự nguyền rủa vì Ngài đã cấm đoán không được phạm tội cùng giáng xuống các thứ trừng phạt”. (số 2094)

Điều răn thứ nhất liên quan đến đức thờ phượng

“Các thần đức tin cậy mến hình thành và ban sự sống cho các luân đức. Như thế, đức ái đưa chúng ta tới việc trả về cho Thiên Chúa tất cả những gì tạo vật chúng ta thực sự mắc nợ với Ngài theo đức công bằng. Đức thờ phượng giúp chúng ta có được thái độ ấy” (số 2095) cùng với những thái độ cụ thể thuộc về đức thờ phượng như “tôn kính” (số 2096), “nguyện cầu” (số 2098), “hy sinh” (số 2099), “hứa quyết” (số 2101), và “thề nguyền” (số 2102).

Điều răn thứ nhất liên quan đến các tội phạm đến Thiên Chúa

• “Điều răn thứ nhất cấm không được tôn kính các thần không phải là Vị Chúa duy nhất, Đấng đã tỏ mình ra cho dân Ngài. Điều răn này cấm không được mê tín và bất kính thần linh. Mê tín theo một nghĩa nào đó cho thấy tính cách hư hoại thái quá về đạo lý; ngược lại, vô phép thần linh là nết xấu gây ra do bởi thiếu đức thờ phượng”. (số 2110)

Tội Mê Tín

• “Mê tín là tình trạng lệch lạc nơi cảm xúc về đạo giáo cũng như nơi các việc thực hành theo đòi hỏi của cảm xúc ấy... Thậm chí nó có thể ảnh hưởng đến cả việc chúng ta tôn thờ Thiên Chúa chân thật, chẳng hạn như khi người ta qui tầm quan trọng cho một số thực hành vốn hợp pháp hay cần thiết theo kiểu ma thuật. Qui công hiệu của các lời cầu nguyện hay của các dấu bí tích vào nguyên việc thực hiện bề ngoài của chúng, mà không đếm xỉa gì đến những điều kiện nội tâm cần phải có, là bị rơi vào trong tình trạng mê tín vậy”. (số 2111)

• “Việc tôn thờ ngẫu tượng không chỉ liên quan đến việc dân ngoại thờ cúng sai quấy. Nó vẫn còn là một chước cám dỗ liên lỉ đối với đức tin nữa. Việc tôn thờ ngẫu tượng ở tại việc thần linh hóa những gì không phải là Thiên Chúa. Con người phạm tội tôn thờ ngẫu tượng bất cứ khi nào họ tôn vinh và kính trọng một tạo vật nào thay thế chỗ của Thiên Chúa, cho dù là thần thiêng hay ma quỉ (như đạo thờ satan), quyền lực, lạc thú, giống nòi, tổ tiên, quốc gia, tiền bạc v.v.” (số 2113)

• “Phải loại trừ tất cả mọi hình thức bói toán, như kêu cầu Satan hay ma quỉ, chiêu hồn người chết hay các việc thực hành sai lạc khác như thể chúng ‘tiết lộ được’ cả tương lai (x Deut 18:10; Jer 29:8). Coi tử vi, chiêm tinh, xem chỉ tay, giải điềm và coi quẻ, hiện tượng thấu thị, lên đồng, tất cả đều che giấu ước vọng muốn thống trị thời gian, lịch sử và cuối cùng là thống trị những người khác, chúng cũng dường như che giấu ước vọng muốn được các quyền lực bí mật hộ giúp...”. (số 2116)

• “Tất cả mọi việc thực hành ma thuật hay phù phép con người sử dụng để gắng làm chủ được các quyền lực thần bí, để bắt nó phục vụ mình cũng như để chiếm được quyền lực siêu nhiên trên kẻ khác – cho dù có để phục hồi sức khỏe của họ – cũng phạm đến đức thờ phượng cách nặng. Những việc thực hành này càng phải bài bác hơn nữa khi chúng có chủ ý tác hại người khác, hay khi nhờ đến việc can thiệp của ma quỉ. Đeo bùa cũng là một việc đáng trách... Khi sử dụng các cách chữa trị được gọi là cổ truyền thì không được dựa vào việc kêu cầu các quyền lực sự dữ cũng không được khai thác nỗi nhẹ dạ của kẻ khác”. (số 2117)

Tội Bất Kính Thần Linh

• “Điều răn thứ nhất lên án các tội bất kính thần linh chính, như tội thử thách Thiên Chúa trong lời nói hay hành động, tội phạm thánh và tội mại thánh”. (số 2118)

• “Tội thử thách Thiên Chúa là ở chỗ lấy lời nói và việc làm thử lòng lành và quyền toàn năng của Ngài...”. (số 2119)

• “Tội phạm thánh là ở chỗ tục hóa hay đối xử bất xứng với các bí tích và với các tác động phụng vụ khác, cũng như với các nhân vật, đồ vật hay nơi chốn được thánh hiến cho Thiên Chúa. Tội phạm thánh là một trọng tội nhất là khi phạm đến Thánh Thể...”. (số 2120)

• “Tội mại thánh được định nghĩa như là một thứ tội mua hay bán các sự vật thiêng liêng (x Acts 8:9-24)...”. (số 2121)

• “Tiếng ‘chủ nghĩa vô thần’ bao gồm rất nhiều hiện tượng khác nhau. Một thể thức chung đó là chủ trương duy vật thực tiễn, một chủ trương giới hạn nhu cầu và khát vọng của mình vào không gian và thời gian. Chủ nghĩa nhân bản vô thần coi con người là ‘cùng đích cho chính mình, và là tác tạo viên duy nhất làm nên lịch sử của mình bằng tối thượng chủ quyền’ (Gaudium et Spes, 20.1). Một thể thức khác của chủ nghĩa vô thần đương thời là tìm cách giải phóng con người bằng việc giải phóng về kinh tế và xã hội...” (số 2124). “Chủ nghĩa vô thần thường dựa vào quan niệm sai lầm về quyền tự quyết của con người, thái quá đến độ chối bỏ bất cứ sự lệ thuộc nào nơi Thiên Chúa (x Gaudium et Spes, 20.1)” (số 2126).

• “Thuyết bất khả tri được thể hiện dưới một số hình thức. Trong một số trường hợp, người bất khả tri không chối bỏ Thiên Chúa; trái lại, họ cho rằng có một hữu thể siêu việt hiện hữu không thể nào tỏ mình ra được, cũng như không gì có thể nói lên được. Ở những trường hợp khác, người bất khả tri không phán quyết gì về việc Thiên Chúa hiện hữu, cho rằng không thể chứng minh được việc Ngài hiện hữu, hay thậm chí không thể xác nhận hay chối bỏ được việc Ngài hiện hữu” (số 2127). “Đôi khi cũng thấy thuyết bất khả tri tỏ ra tìm kiếm Thiên Chúa một cách nào đó, nhưng đồng thời cũng tỏ ra tính cách thờ ơ lãnh đạm, tỏ ra tránh né câu hỏi tối hậu về cuộc sống, và tỏ ra một lương tâm luân lý bị trì trệ. Thuyết bất khả tri hầu như tương đương với chủ nghĩa vô thần thực tiễn” (số 2128)


3. CHỚ KÊU TÊN ĐỨC CHÚA TRỜI VÔ CỚ

Về điều răn thứ hai “chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ” này, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã xác định rõ phạm vi của điều răn và các tội phạm đến điều răn này.

Phạm vi của điều răn thứ hai:


• “... Như điều răn thứ nhất, điều răn thứ hai cũng thuộc về nhân đức thờ phượng, nó đặc biệt chi phối việc chúng ta sử dụng lời nói trong những vấn đề linh thánh”. (số 2142)

• “Điều răn thứ hai cấm không được phép lạm dụng danh xưng của Thiên Chúa, chẳng hạn như việc sử dụng một cách không thích đáng danh xưng của Thiên Chúa, của Chúa Giêsu Kitô, mà còn của cả Trinh Nữ Maria và tất cả các thánh nữa” (số 2146).

Các tội phạm đến điều răn thứ hai:


• “Nhân danh Thiên Chúa để tuyên hứa với kẻ khác... nếu bất trung không giữ những lời hứa này là sử dụng sai trái danh Thiên Chúa và làm cho Thiên Chúa một cách nào đó trở thành kẻ láo khoét (x 1Jn 1:10)”. (số 2147)

• “Tội lộng ngôn trực tiếp nghịch lại với điều răn thứ hai. Nó bao gồm việc thốt lên những lời phạm đến Thiên Chúa – ở trong lòng hay phát ra bên ngoài – những lời thù hằn, khinh thị hay thách đố; việc nói xấu Thiên Chúa; việc nói lời thiếu trọng kính Ngài; việc sử dụng sai trái danh Thiên Chúa... Cũng phạm tội lộng ngôn khi nhân danh Thiên Chúa để che giấu các hành động tội ác, để bắt các dân làm tôi mọi, để tra tấn hành hạ con người hay sát hại họ... Lộng ngôn tự bản chất là một trọng tội (x Giáo Luật khoản 1369)”. (số 2148)

• “Những lời thề nhân danh Chúa một cách sai trái, cho dù không có ý lộng ngôn, cũng tỏ ra thiếu kính trọng Chúa. Điều răn thứ hai cũng cấm không được sử dụng bùa phép đối với danh thánh thần linh”. (số 2149)

• “Điều răn thứ hai cấm không được thề gian...” (số 2150). “Lời thề gian lấy Thiên Chúa để làm chứng cho một điều dối trá” (số 2151).

• “Một người cố ý bội thề khi họ tuyên hứa bằng việc thề nguyền mà không có ý giữ lời mình hứa, hay sau khi thề hứa họ không giữ lời thề hứa của mình. Bội thề là việc tỏ ra hết sức thiếu lòng kính trọng Vị Chúa của mọi lời nói”. (số 2152)


3. GIỮ NGÀY CHÚA NHẬT

Về điều răn thứ ba “giữ Ngày Chúa Nhật”, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo trước hết cho thấy ý nghĩa của Ngày của Chúa, Ngày Chúa Nhật, sau đó cho thấy bổn phận phải giữ Ngày Chúa Nhật.

Ý nghĩa của Ngày của Chúa, Ngày Chúa Nhật:

• “Chúa Giêsu sống lại từ kẻ chết ‘vào ngày thứ nhất trong tuần’ (x Mt 28:1; Mk 16:2; Lk 24:1; Jn 20:1). Vì là ‘ngày thứ nhất’, nên ngày Chúa Kitô Phục Sinh mới gợi lại việc tạo dựng đầu tiên. Vì ngày này cũng là ‘ngày thứ tám’ sau ngày hưu lễ (x Mk 16:1; Mt 28:1), mà ngày ấy biệu hiệu cho cả việc tân tạo được loan báo nơi Cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô. Đối với Kitô hữu, ngày này trở thành một ngày đệ nhất trong tất cả mọi ngày, ngày đệ nhất trong tất cả các ngày lễ, trở thành Ngày của Chúa – Ngày Chúa Nhật”. (số 2174)

• “Việc cử hành Ngày của Chúa và cử hành Thánh Thể của Người vào Ngày Chúa Nhật là tâm điểm của đời sống Giáo Hội. ‘Chúa Nhật là ngày cử hành mầu nhiệm vượt qua theo tông truyền và phải được tuân giữ chung trong Giáo Hội như là một ngày thánh hảo nhất’ (Giáo Luật khoản 1246.1). Cũng phải giữ cả ngày lễ Giáng Sinh của Chúa Giêsu Kitô, lễ Hiển Linh, Chúa Kitô Thăng Thiên, lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Mông Triệu, lễ Thánh Giuse, lễ Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, lễ Các Thánh (Giáo Luật khoản 1246.2: ‘Hội đồng giám mục có thể bỏ một số ngày thánh buộc hay chuyển những ngày ấy sang Chúa Nhật, nếu được phép trước của Tòa Thánh’)”. (số 2177)

Bổn phận phải giữ Ngày Chúa Nhật:

• “Việc cử hành Ngày Chúa Nhật là việc tuân giữ mệnh lệnh luân lý đã được tự nhiên in ấn nơi tâm can của con người, trong việc con người cần phải dâng lên Thiên Chúa một việc tôn thờ tỏ tường, đều đặn, công khai bề ngoài ‘như dấu hiệu tỏ ra nhận biết chung ân huệ Ngài ban cho tất cả mọi người’ (Thánh Tôma Aquinas, STh II-II, 122, 4)”. (số 2176)

• “Cử Hành Thánh Thể Chúa Nhật là nền tảng vững chắc cho tất cả mọi việc Kitô hữu sống đạo. Vì lý do này, tín hữu buộc phải tham dự Thánh Lễ vào các ngày buộc giữ, trừ khi có lý do quan trọng (như yếu bệnh, coi con nhỏ) hay được vị mục tử của mình chuẩn chước (x Giáo Luật khoản 1245). Những ai cố tình không giữ điều buộc này là phạm tội trọng”. (số 2181)

• “Vào Ngày Chúa Nhật và các ngày thánh buộc phải giữ khác, tín hữu phải kiêng làm việc hay các sinh hoạt ngăn trở việc tôn thờ cần phải có đối với Thiên Chúa, ngăn trở niềm vui xứng với Ngày của Chúa, ngăn trở việc thực hiện các việc bác ái yêu thương, và ngăn trở việc nghỉ ngơi của cả tâm trí lẫn xác thân (x Giáo Luật khoản 1247). Những nhu cầu của gia đình hay công tác xã hội quan trọng có thể được phép miễn chước khỏi phải giữ việc nghỉ ngơi trong Ngày Chúa Nhật. Tín hữu phải lưu ý là việc miễn chước được phép này không trở thành thói quen làm tổn hại đến đạo giáo, đời sống gia đình và sức khỏe”. (số 2185)


TÓM LẠI:

Về điều răn thứ nhất “thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”, theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, gồm có hai phần, tích cực và tiêu cực: phần tích cực liên quan đến ba thần đức tin (số 2087-2089), cậy (số 2090-2092) và mến (số 2093-2094) cũng như đến đức thờ phượng (số 2095-2096, 2098-2099, 2101-2102); và phần tiêu cực liên quan đến các tội phạm đến Thiên Chúa nghịch lại với điều răn ấy (số 2110-2111, 2113, 2116-2121, 1224, 1226-1228). Về điều răn thứ hai “chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ”, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã xác định rõ phạm vi của điều răn (số 2142, 2146) cùng với các tội phạm đến điều răn này (số 2147-2152). Về điều răn thứ ba “giữ Ngày Chúa Nhật”, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo trước hết cho thấy ý nghĩa của Ngày của Chúa, Ngày Chúa Nhật, sau đó cho thấy bổn phận phải giữ Ngày Chúa Nhật (số 2176, 2181, 2185).


THÂM TÍN SỐNG ĐẠO


1. “Việc Kitô hữu tôn kính ảnh tượng không trái với điều răn thứ nhất là điều răn cấm đoán ngẫu tượng. Thật vậy, ‘việc tôn kính đối với ảnh tượng vượt trên tính cách biểu trưng của ảnh tượng’, và ‘ai tôn kính ảnh tượng là tôn kính vị được ảnh tượng phác họa’ (Thánh Basiliô, De Spiritu Sancto 18, 45: PG 32, 149C; Công Đồng Chung Nicêa II: DS 601; x Công Đồng Chung Triđentinô: DS 1821-1825; Công Đồng Chung Vaticanô II: Hiến Chế Sacrosantum Concilium 126; Hiến Chế Lumen Gentium, 67). Việc tôn kính đối với các ảnh tượng thánh là một ‘việc sùng kính’ chứ không phải là việc thờ kính chỉ dành cho một mình Thiên Chúa mà thôi”. (số 2132)

2. “Truyền thống của Giáo Hội theo Thánh Phaolô đã hiểu những lời Chúa Giêsu nói (‘đừng thề gì hết’ – Mt 5:33-34) cũng không cấm những lời thề vì những lý do quan trọng và chính đáng (chẳng hạn như ở tòa án). ‘Không được thề nguyền, tức là lấy tên Chúa để làm chứng cho sự thật, ngoại trừ thề trong chân lý, chín chắn và công bằng”. (số 2154)

3. “Hành động của Thiên Chúa là mô phạm cho hành động của con người. Nếu Thiên Chúa ‘đã nghỉ ngơi và thảnh thơi’ trong ngày thứ bảy, thì con người cũng phải ‘nghỉ ngơi’ và phải để cho cả kẻ khác, nhất là thành phần nghèo khó, ‘thảnh thơi’ (Ex 31:17, x 23:12). Ngày hưu lễ là để tạm ngưng các việc hằng ngày và nghỉ ngơi. Đó là một ngày phản khắc với tính cách làm tôi cho công việc cũng như tôn thờ tiền bạc (x Neh 13:15-22; 2Chr 36:21)”. (số 2172)



Trắc Nghiệm


Xin đọc bài Giáo Lý lược tóm tổng ôn dưới đây, rồi dùng các chữ ở cuối trang để điền vào những chỗ gạch trống các câu Sách Giáo Lý vừa học hỏi cho đúng nguyên văn ý nghĩa của nó. Trong vòng 10 phút.

Qua bài Giáo Lý 32 về Luật Chúa Kính Mến, Tôn Vinh và Thờ Phượng Thiên Chúa, Giáo Hội Công Giáo đã cho con cái của mình thấy những điểm chính sau đây: Về điều răn thứ nhất “thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”, theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, gồm có hai phần, tích cực và tiêu cực: phần tích cực liên quan đến ba thần đức tin (số 2087-2089), cậy (số 2090-2092) và mến (số 2093-2094) cũng như đến đức thờ phượng (số 2095-2096, 2098-2099, 2101-2102); và phần tiêu cực liên quan đến các tội phạm đến Thiên Chúa nghịch lại với điều răn ấy (số 2110-2111, 2113, 2116-2121, 1224, 1226-1228). Về điều răn thứ hai “chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ”, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã xác định rõ phạm vi của điều răn (số 2142, 2146) cùng với các tội phạm đến điều răn này (số 2147-2152). Về điều răn thứ ba “giữ Ngày Chúa Nhật”, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo cho thấy ý nghĩa của Ngày của Chúa, Ngày Chúa Nhật (số 2174, 2177), và cho thấy bổn phận phải giữ Ngày Chúa Nhật (số 2176, 2181, 2185).

1. “Đời sống luân lý của chúng ta được bắt nguồn từ lòng của chúng ta __________ nơi Thiên Chúa là Đấng đã tỏ tình yêu thương chúng ta. Thánh Phaolô nói đến việc ‘tin tưởng tuân phục’ như là điều bó buộc trước tiên của chúng ta. Ngài cho chúng ta thấy rằng việc _________ về Thiên Chúa’ là ____________ và là lời giải thích về tất cả mọi lệch lạc __________” (số 2087)

2. “Điều răn thứ nhất cũng liên quan đến các tội nghịch với đức cậy là __________ và _________. Vì thất vọng, con người không hy vọng được Thiên Chúa cứu độ nữa, được trợ giúp để chiếm lấy ơn cứu độ hay được thứ tha tội lỗi của mình. Thất vọng nghịch lại với lòng nhân lành của Thiên Chúa, nghịch lại với đức công chính của Ngài – vì Chúa trung tín với những gì Ngài hứa – cũng như nghịch lại với tình thương của Ngài”. (số 2091)

3. “Người ta có thể phạm tội nghịch với tình yêu của Thiên Chúa bằng nhiều cách khác nhau, như ________... Tội vô ơn bội nghĩa... Tội lừng khừng... Tội ươn hèn... Tội _______ Thiên Chúa”. (số 2094)

4. “Điều răn thứ nhất cấm không được tôn kính các thần không phải là Vị Chúa duy nhất, Đấng đã tỏ mình ra cho dân Ngài. Điều răn này cấm không được _________ và ______________. Mê tín theo một nghĩa nào đó cho thấy tính cách hư hoại thái quá về đạo lý; ngược lại, vô phép thần linh là nết xấu gây ra do bởi thiếu đức thờ phượng”. (số 2110)

5. “... Như điều răn thứ nhất, điều răn thứ hai cũng thuộc về nhân đức thờ phượng, nó đặc biệt chi phối việc chúng ta sử dụng lời nói trong những vấn đề linh thánh” (số 2142). “Điều răn thứ hai cấm không được phép lạm dụng __________ của Thiên Chúa, chẳng hạn như việc sử dụng một cách _____________ danh xưng của Thiên Chúa, của Chúa Giêsu Kitô, mà còn của cả Trinh Nữ Maria và tất cả các thánh nữa” (số 2146).

6. “Chúa Giêsu sống lại từ kẻ chết vào _____________ trong tuần. Vì là ‘ngày thứ nhất’, nên ngày Chúa Kitô Phục Sinh mới gợi lại việc tạo dựng đầu tiên. Vì ngày này cũng là ‘ngày thứ tám’ sau ngày hưu lễ, mà ngày ấy biệu hiệu cho cả ____________ được loan báo nơi Cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô. Đối với Kitô hữu, ngày này trở thành một ngày đệ nhất trong tất cả mọi ngày, ngày đệ nhất trong tất cả các ngày lễ, trở thành Ngày của Chúa – Ngày Chúa Nhật”. (số 2174)

7. “Cử Hành Thánh Thể Chúa Nhật là __________ vững chắc cho tất cả mọi việc Kitô hữu sống đạo. Vì lý do này, tín hữu buộc phải tham dự Thánh Lễ vào các ngày __________, trừ khi có lý do quan trọng (như yếu bệnh, coi con nhỏ) hay được vị mục tử của mình chuẩn chước. Những ai _________ không giữ điều buộc này là phạm tội trọng”. (số 2181)

(cố tình, tin tưởng, vô thức, buộc giữ, nền tảng, nguyên nhân, luân lý, việc tân tạo, ngày thứ nhất, thất vọng, tự phụ, không thích đáng, danh xưng, lạnh nhạt, thù ghét, bất kính thần linh, mê tín)