Bài Giáo Lý 34

 

CHỚ GIẾT NGƯỜI
 

Luật Chúa: Điều Năm


(các số 2258-2330)

 

CẢM NGHIỆM NHÂN SINH


Với lương tâm chân chính, ở bất cứ chỗ nào và ở bất cứ thời nào, đã là người, tự mình ai cũng đều chân nhận một nguyên tắc luân lý căn bản và phổ quát, được gọi là khuôn vàng thước ngọc, đó là đừng làm cho người khác những gì mình không muốn họ làm cho mình. Nếu phạm đến nguyên tắc luân lý cốt yếu này, con người không phải chỉ phạm đến người khác mà còn phạm đến cả chính bản thân mình nữa, ở chỗ, họ đã tự hạ nhân phẩm của mình hay phạm đến chính phẩm giá làm người của mình, nghĩa là họ đã làm những gì không xứng đáng với nhân vị là người và không hợp với nhân cách làm người của họ. Nếu toàn diện hữu thể và đời sống của con người bao gồm: sự sống, nguyên lý hiện hữu và phát triển nơi con người, xác thịt và tâm linh, hai yếu tố làm nên bản tính của con người, và sở hữu, phương tiện để con người sinh tồn và hoạt động, thì con người có thể phạm đến người khác (nạn nhân) hay phạm đến chính bản thân mình (tác nhân), khi họ phạm đến sự sống của nạn nhân, chẳng hạn như giết người, hay khi phạm đến xác thịt của tác nhân, chẳng hạn như dâm ô, hoặc khi phạm đến tâm linh của cả nạn nhân lẫn tác nhân, chẳng hạn như gian dối, và phạm đến sở hữu của nạn nhân, chẳng hạn như trộm cướp.

Trong Mười Điều Răn Chúa, ba điều đầu liên quan đến trách nhiệm của con người đối với Đấng Hóa Công, và bảy đều còn lại liên quan đến tha nhân đồng loại, được bắt đầu bằng điều thứ tư liên quan đến những người lớn hơn mình, kể từ Chúa trở xuống, và được tiếp tục bằng sáu điều cuối liên quan đến toàn diện cơ cấu con người, như sự sống, xác thịt, tâm linh và sở hữu của họ. Về điều răn thứ năm: “Chớ giết người”, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo chẳng những đã xác tín: “Chỉ một mình Thiên Chúa mới là Chúa của sự sống ngay từ ban đầu cho tới lúc tận cùng của nó, bởi thế, không ai có thể tự cho mình có quyền trực tiếp hủy hoại một hữu thể con người vô tội, bất cứ trong hoàn cảnh nào” (số 2258), mà còn thẳng thắn tuyên bố: “Cố ý sát hại một người vô tội là trầm trọng phạm đến phẩm giá con người, phạm đến khuôn vàng thước ngọc, cũng như phạm đến cả sự thánh thiện của Hóa Công nữa. Luật cấm sát nhân có giá trị phổ quát, ở chỗ nó buộc mỗi người và mọi người phải tuân giữ, bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu” (số 2261).

Giới răn thứ năm “chớ giết người” được Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo xét đến ba khía cạnh chính yếu sau đây:

1. Vấn đế tôn trọng sự sống con người
2. Vấn đề tôn trọng phẩm giá con người
3. Vấn đề tôn trọng an sinh xã hội



KIẾN THỨC ĐỨC TIN



1. VẤN ĐỀ TÔN TRỌNG SỰ SỐNG CON NGƯỜI

Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, trước hết, công nhận con người có quyền tự vệ hợp pháp, đến nỗi có thể đi đến chỗ gây tử thương ngoài ý muốn của mình cho chính tác nhân cố tình muốn sát hại mình (xem số 2263 và 2264). Bốn hành động phạm đến sự sống con người được Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo kể đến là cố sát, phá thai, trợ tử, và tự tử.

Cố Sát:

• “Điều răn thứ năm cấm hành động trực tiếp cố sát như là một trọng tội...”. (số 2268)

• “Điều răn thứ năm cấm cố ý làm bất cứ sự gì khiến cho người ta bị chết một cách gián tiếp. Luật luân lý cấm không được làm cho bất cứ ai bị nguy tử mà không có lý do quan trọng, cũng như không được chối từ trợ giúp người đang lâm nguy... Hành động vô tình giết người thì khỏi bị qui trách về luân lý. Thế nhưng, người ta cũng không thoát khỏi hành động vi phạm nặng nề, nếu họ đã làm sao đó khiến người khác bị chết, mà không có những lý do xứng hợp, dù cho không cố ý làm như thế”. (số 2269)

Phá Thai:

• “Trực tiếp phá thai, tức là, thực hiện việc phá thai như là một mục đích hay như là một phương tiện, đều trầm trọng phạm đến lề luật luân lý ”. (số 2271)

• “Chính thức cộng tác vào việc phá thai là một trọng phạm. Giáo Hội phạt tuyệt thông cho thứ tội ác phạm đến sự sống con người này. ‘Người nào tìm cách thực hiện việc phá thai hoàn trọn thì bị tuyệt thông tiền kết latae sententiae’ (Giáo Luật khoản 1398), ‘bởi chính việc vi phạm’ (Giáo Luật khoản 1314), và tùy vào các điều kiện được Giáo Luật qui định (x Giáo Luật các khoản 1323-1324)...” (số 2272)

• “Việc thử thai là một việc được phép làm theo luân lý, ‘nếu việc này tôn trọng sự sống và tính cách toàn vẹn của bào thai đang hình thành cũng như bào thai đã thành hình và nhắm tới việc bảo toàn hay chữa trị thai nhi như là một con người... Việc này sẽ trầm trọng phạm đến lề luật luân lý một khi nó được thực hiện với ý hướng là có thể đưa đến việc phá thai tùy theo kết quả của nó, bởi vì, việc thử thai không thể đồng nghĩa với một bản án tử hình’ (Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, Donum Vitae I, 2)”. (số 2274)

• “’Việc sản xuất ra bào thai non vào việc khai thác nó như là một chất liệu sinh vật khả dụng là một việc làm vô luân’ (cùng nguồn vừa dẫn, I, 5). ‘Những thí nghiệm để cố gây tác dụng di truyền về nhiễm sắc thể hay về giống loại không phải là việc trị liệu mà là nhắm vào việc sản xuất ra những con người theo ý muốn của mình về phái tính hay về các tính chất khác được tiên định trước. Những biến chế như thế phản lại với nhân phẩm con người cũng như với tính cách toàn vẹn và căn tính của họ’ (cùng nguồn vừa dẫn, I, 6), là những gì chuyên biệt và bất khả tái lập ”. (số 2275)

Trợ Tử:

• “Bất cứ bởi lý do nào hay bằng phương tiện gì thì việc trực tiếp trợ tử được thực hiện ở chỗ kết thúc sự sống của những người tàn tật, bệnh nạn hay hấp hối. Nó là một việc không thể nào chấp nhận được về phương diện luân lý. Bởi thế, một việc làm hay bỏ không làm, tự bản chất của việc này hay do chủ ý của tác nhân, gây ra chết chóc để loại trừ đau khổ là một việc sát nhân xúc phạm một cách trầm trọng đến phẩm giá con người cũng như đến lòng tôn kính Thiên Chúa hằng sống, Đấng Tạo Dựng nên nạn nhân. Vấn đề người ta có thể làm vì lòng ngay theo phán đoán sai lầm của mình cũng không thay đổi được bản chất của hành động sát nhân này, một hành động bao giờ cũng bị cấm không được phép làm và phải loại trừ nó đi”. (số 2277)

• “Được phép chấm dứt những phương thức y khoa tốn kém, nguy hiểm, dư thừa hay không tương xứng với kết quả mong đợi; đó là vấn đề từ chối việc chữa trị ‘quá nhiệt tâm’. Ở đây vấn đề là không phải là người ta muốn gây ra chết chóc; mà chỉ là việc không thể cản trở được chết chóc xẩy ra thế thôi. Nếu được và có thể, bệnh nhân phải quyết định việc này, bằng không, việc quyết định này phải do những ai theo pháp lý có quyền làm thế cho bệnh nhân theo ý muốn hợp lý và ý hướng hợp pháp của họ”. (số 2278)

• “Ngay cả khi nghĩ rằng cái chết đã gần kề, cũng không được phép làm gián đoạn việc chăm sóc thường tình cần thiết cho bệnh nhân. Việc sử dụng những thứ trị đau để làm giảm đau đớn của người hấp hối, cho dù có thể gây nguy hại đến việc rút ngắn sự sống của bênh nhân lại thì theo luân lý cũng hợp với phẩm giá con người, nếu không cố ý gây ra chết chóc như là một mục đích hay là một phương tiện, mà chỉ thấy trước và chịu bó tay khi không thể tránh được...” (số 2279)

Tự Tử:

• “Tự tử là việc phản lại với bản năng tự nhiên của con người trong vấn đề bảo trì và kéo dài sự sống của mình. Nó là một việc phạm đến tình yêu chân chính đối với bản thân mình một cách nặng. Nó cũng phạm đến cả tình yêu tha nhân nữa, vì nó cắt đứt một cách bất chính mối liên kết hợp đoàn với gia đình, quốc gia và các tổ chức xã hội khác là những gì liên tục đòi buộc chúng ta phải có trách nhiệm. Tự tử là việc nghịch lại với tình yêu phải có đối với Thiên Chúa hằng sống”. (số 2281)

• “Nếu thực hiện việc tự sát để cố ý làm gương dám liều mình chết, nhất là cho giới trẻ, thì việc này gây gương xấu nặng. Cộng tác vào việc tự sát là việc nghịch lại với lề luật luân lý”. (số 2282)


2. VẤN ĐỀ TÔN TRỌNG PHẨM GIÁ CON NGƯỜI


Về vấn đề tôn trọng phẩm giá của con người, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đề cập đến những khía cạnh liên quan đến 5 vấn đề chính yếu sau đây: thứ nhất là vấn đề tôn trọng linh hồn của con người, như việc tránh làm gương mù gương xấu, thứ hai là vấn đề tôn trọng thân xác của con người, như việc gìn giữ sức khỏe, thứ ba là vấn đề tôn trọng chủ thể của con người, như việc không lấy con người như phương tiện để làm thí nghiệm khoa học, thứ bốn là vấn đề tôn trọng tính cách toàn vẹn thể lý của con người, như việc không khủng bố làm con người hoảng sợ hay không cắt bỏ phần nào nơi thân thể của người vô tội, và thứ năm là vấn đề tôn trọng thi thể người quá cố liên quan đến việc giảo nghiệm và hỏa táng.

Tôn trọng linh hồn con người: Tránh làm gương mù

• “Gương mù là một thái độ hay hành vi cử chỉ đưa người khác đến chỗ hành ác... Gương mù là một trọng phạm nếu, bằng việc làm hay bỏ qua không làm, có ý khiến cho người khác vấp phạm nặng nề”. (số 2284)

• “Gương mù mặc lấy tính cách trầm trọng khi nó xẩy ra từ những ai có quyền bính hay khi nó gây ra những yếu đuối sa ngã nơi thành phần bị nó tác dụng. Vấn đề này đã khiến cho Chúa Kitô phải lên tiếng nguyền rủa là: ‘Ai làm cho một trong những kẻ nhỏ đang tin Tôi đây sa ngã phạm tội thì thà buộc cối đá vào cổ hắn mà xô xuống biển còn hơn’ (Mt 18:6; x 1Cor 8:10-13). Gương mù trở thành nặng nề khi được phát xuất từ những ai theo quyền tự nhiên hay đóng vai trò phải dạy dỗ và giáo dục kẻ khác. Chúa Giêsu đã khiển trách các người luật sĩ và Pharisiêu về điều này, ở chỗ, Người ví họ như những con sói mặc lốt chiên (x Mt 7:15)”. (số 2285)

• “Gương mù có thể xẩy ra bởi các thứ luật pháp hay cơ cấu tổ chức, bởi thời trang hay dư luận. Thế nên, những ai thiết lập các thứ luật pháp hay tổ chức các cơ cấu xã hội sẽ mắc tội gây ra gương mù nếu những việc ấy làm bại hoại thuần phong mỹ tục và đời sống đạo đức, hay làm cho ‘những điều kiện xã hội, dù có chủ ý hay không, khiến cho lương tâm và việc Kitô hữu tuân giữ các Giới Răn Chúa trở thành khó khăn và không thể thi hành được’ (Đức Piô XII, Diễn Từ ngày 1/6/1941). Điều này cũng áp dụng cho cả những người làm đầu trong lãnh vực kinh doanh đã tìm đặt ra những phương cách gian lận, cho những người giáo dục làm cho giới trẻ giận dữ (x Eph 6:4; Col 3:21), hay những người lèo lái dư luận chung xa khỏi các giá trị luân lý”. (số 2286)

Tôn trọng xác thể con người: Chăm sóc sức khỏe

• “Nếu luân lý đòi buộc phải tôn trọng sự sống của thân xác thì không phải là việc làm cho sự sống này có một giá trị tuyệt đối. Luân lý không chấp nhận ý niệm ngoại đạo mới theo khuynh hướng sùng bái thân xác, hy sinh mọi sự cho nó, tôn sùng sự toàn thiện về thể lý cũng như việc thành đạt nơi các môn thể thao...” (số 2289)

• “Nhân đức tiết độ khiến chúng ta tránh mọi thứ quá mức, như lạm dụng thức ăn, rượu chè, thuốc hút hay dược chất. Những ai vì uống say hay vì ham tốc độ mà gây ra nguy hiểm cho sự an toàn của chính bản thân mình cũng như của những người khác, trên đường lộ, hải lộ hay không lộ, đều phạm trọng tội”. (số 2290)

• “Việc sử dụng ma túy làm hại nặng đến sức khỏe và sự sống con người. Trừ lý do thực sự về trị liệu thì việc sử dụng ma túy là một trọng phạm. Việc sản xuất và buôn bán ma túy lậu là những việc gương mù gương xấu. Chúng là hành động trực tiếp cộng tác vào việc hành ác, vì chúng khuyến khích dân chúng làm những việc phản lại lề luật luân lý một cách nặng nề. (số 2291)

Tôn trọng chủ thể con người: Dùng người thí nghiệm

• “Việc lấy con người ra để khảo cứu hay thí nghiệm không thể nào là những việc hợp lý, những việc tự bản chất phản nghịch lại với phẩm giá của con người cũng như phản trái với lề luật luân lý. Dùụ chủ thể có tỏ ra đồng ý chăng nữa cũng không thể nào biện minh được cho những việc làm này. Việc lấy con người ra làm thí nghiệm là một việc không hợp lý, nếu việc này làm nguy hại đến sự sống của chủ thể, hay đến tính cách toàn vẹn về thể lý cũng như tâm lý của họ một cách bất cân xứng hay khó tránh. Việc lấy con người ra làm thí nghiệm không hợp với phẩm giá của con người, nếu việc này được thực hiện không có sự đồng ý rõ ràng trước của chủ thể hay của những ai có quyền quyết định thay cho họ”. (số 2295)

• “Việc chuyển cơ phận từ người này sang người khác là việc am hợp với lề luật luân lý, nếu những nguy hiểm và nguy hại về thể lý cũng như tâm lý của người hiến thể tương xứng với lợi ích cho người thụ thể. Việc hiến thể sau khi chết là một hành động cao quí và đáng khen, cần phải được khuyến khích như là những gì nói lên cho thấy tình đoàn kết quảng đại giữa con người với nhau. Nếu người hiến thể hay người đại diện của họ không tỏ ra đồng ý rõ ràng thì làm như thế không hợp với luân lý. Hơn nữa, nếu trực tiếp làm cho con người bị hư hại tật nguyền hay bị chết, cho dù có vì mục đích để trì hoãn cái chết của một người khác đi nữa, thì về phương diện luân lý cũng không chấp nhận được”. (số 2296)

Tôn trọng toàn thể con người: Hồn an xác lành

• “Việc bắt cóc cũng như việc bắt giữ làm con tin gây nên tình trạng hoảng sợ; những việc này sử dụng đường lối hăm dọa để tạo áp lực làm cho các nạn nhân không thể nào chịu nổi. Chúng là những việc làm sai quấy về luân lý. Khủng bố là việc hăm dọa, đả thương và sát hại bừa bãi; nó là việc trọng phạm đến công lý và bác ái. Tra tấn là việc dùng bạo lực tấn công về thể lý hay luân lý để bắt phải khai thú, để trừng phạt, để làm cho đối phương hoảng sợ hay để thỏa mãn hận thù, đều là những việc nghịch lại với lòng trọng kính con người cũng như với phẩm giá con người. Việc có ý cắt bỏ, hủy hoại hay triệt sản gây ra cho những người vô tội, ngoại trừ được thực hiện hoàn toàn vì lý do để trị liệu, thì chúng đều là những việc làm nghịch phạm đến lề luật luân lý”. (số 2297)

Tôn trọng thi thể con người: Giảo nghiệm, chôn táng

• “Giảo nghiệm tử thi vì lý do pháp lý đòi hỏi hay để khảo cứu khoa học là việc được phép làm về phương diện luân lý. Hiến thể sau khi chết là việc được phép và có thể là việc đáng khen nữa. Giáo Hội cho phép hỏa táng, miễn là đừng chối bỏ niềm tin vào việc phục sinh của thân xác (x Giáo Luật khoản 1176.3)”. (số 2301)


3. VẤN ĐỀ TÔN TRỌNG AN SINH XÃ HỘI


Về vấn đề tôn trọng an sinh xã hội, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đề cập đến hai vấn đề, đó là việc thiết lập hòa bình và tránh gây chiến tranh.

Thiết lập hòa bình

• “Khi nhắc lại giới luật ‘các người không được sát hại’ (Mt 5:21), Chúa Kitô muốn chúng ta sống bằng an trong tâm hồn và loại trừ nỗi giận dữ và niềm hận thù khát máu như là những gì vô luân. Giận dữ là ước muốn trả thù... Nếu giận dữ đến độ cố ý muốn giết hại hay gây trọng thương cho tha nhân thì trọng phạm đến đức bác ái; đó là một tội trọng. Chúa Kitô phán: ‘Ai giận dữ anh em mình thì sẽ bị luận phán’ (Mt 5:22)”. (số 2302)

• “Mang lòng thù ghét nhau là việc nghịch lại với đức bác ái. Sẽ mắc tội thù ghét tha nhân nếu cố ý muốn cho họ gặp phải sự dữ. Thù ghét tha nhân là một trọng tội nếu muốn cho họ bị thiệt hại nặng...”. (số 2303)

• “Cần phải có hòa bình trong việc tôn trọng và phát triển sự sống con người. Hòa bình không phải chỉ là tình trạng vắng bóng chiến tranh, và không phải chỉ được giới hạn ở chỗ làm sao giữ cho cân bằng các quyền lực đối đầu nhau. Hòa bình không thể đạt được trên trái đất này nếu không bảo đảm được các thiện ích của con người, việc con người tự do ngôn luận với nhau, việc tôn trọng phẩm giá của con người cũng như của các dân nước, và việc kiên trì thực thi tình huynh đệ. Hòa bình là ‘tình trạng trật tự được ổn định’ (Thánh Augustino, De Civ. Dei, 19, 13, 1: PL 41, 640). Hòa bình là việc của công lý và là hoa trái của đức bác ái (Isa 9:5)”. (số 2304)

Tránh gây chiến tranh

• “Tất cả mọi người công dân cũng như tất cả mọi chính quyền buộc phải hoạt động để làm sao tránh được tình trạng xẩy ra chiến tranh. Tuy nhiên, ‘chỉ khi nào kéo dài tình trạng chiến tranh nguy hiểm và vắng bóng thẩm quyền quốc tế có đủ quyền hạn và quyền lực can thiệp, thì các chính quyền mới có thể sử dụng đến quyền tự vệ hợp pháp, sau khi mọi cố gắng kiến tạo hòa bình không đi đến đâu’ (Hiến Chế Gaudium et Spes, 79.4)”. (số 2308)

• “Phải nghiêm chỉnh cứu xét những điều kiện giới hạn về việc được phép tự vệ bằng lực lượng quân sự. Tính cách trầm trọng của một quyết định như vậy phải tùy thuộc vào những điều kiện nghiêm chỉnh được luân lý cho phép. Cùng một lúc phải có những điều kiện sau đây: tình trạng thiệt hại do phía tấn công gây ra cho một quốc gia hay cho một cộng đồng quốc gia phải kéo dài, trầm trọng và chắc chắn; tất cả mọi phương thức để chấm dứt tình trạng thiệt hại này đều không xong và vô hiệu; phải thực sự hy vọng nắm được thành công; việc sử dụng vũ khí không được tạo ra những sự dữ và thiệt hại hơn sự dữ cần bị loại trừ”. (số 2309)

• “Trong trường hợp như vậy, các chính phủ có quyền và nhiệm vụ buộc công dân của mình phải thi hành nghĩa vụ cần thiết trong việc bảo vệ đất nước”. (số 2310)

• “Chính phủ cũng nên đối xử hợp tình hợp lý với những ai vì lý do lương tâm không muốn nhúng tay vào võ trang; tuy nhiên, họ vẫn phải phục vụ cộng đồng con người một cách nào đó (x Hiến Chế Gaudium et Spes, 79.3)”. (số 2311)

• “Giáo Hội và lý trí con người đều chủ trương lề luật luân lý vẫn có hiệu lực của nó trong tình trạng vũ chiến. ‘Nguyên sự kiện chiến tranh có đáng tiếc xẩy ra cũng không có nghĩa là các phe vũ chiến được phép làm gì thì làm’ (Hiến Chế Gaudium et Spes, 79.4)”. (số 2312)

• “Những người không tham chiến, những binh lính bị thương, và những người bị bắt làm tù nhân phải được kính trọng và đối xử một cách nhân đạo. Những hành động cố ý làm trái nghịch lại với luật lệ của các quốc gia cũng như những nguyên tắc phổ quát đều là tội ác, kể cả các mệnh lệnh truyền làm những việc như thế cũng vậy. Việc mù quáng tuân phục không đủ lý do để thành phần thừa hành chạy tội. Bởi thế, việc triệt tiêu cả một dân tộc, một quốc gia hay một sắc dân thiểu số đều phải bị lên án như là một trọng tội. Theo luân lý người ta buộc phải chống lại các thứ lệnh truyền diệt chủng như vậy”. (số 2313)

• “’Mọi hành động chiến tranh nhắm đến việc hủy diệt bừa bải cả một thành phố hay một vùng rộng lớn cùng với dân cư ở đó là một tội ác phạm đến Thiên Chúa và con người, một tội ác đáng bị lên án một cách mạnh mẽ và thẳng mặt’ (Hiến Chế Gaudium et Spes, 80.3)”. (số 2314)

• “... Thi đua võ trang không phải là việc bảo đảm cho hòa bình. Chẳng những không loại trừ các nguyên cớ gây ra chiến tranh, nó còn có nguy cơ làm tăng phát thêm các căn nguyên này nữa... “ . (số 2315)

• “Bất công, những chênh lệch quá mức về kinh tế hay xã hội, lòng ghen tị, nỗi bất tín, và niềm kiêu hãnh đang lộng hành nơi con người cũng như nơi các dân nước là những gì liên lỉ đe dọa hòa bình và gây ra chiến tranh. Những gì được thực hiện để chế ngự những tai hại này đều đóng góp vào việc xây dựng hòa bình và ngăn ngừa chiến tranh”. (số 2317)


TÓM LẠI:

Giới răn thứ năm “chớ giết người” được Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo xét đến ba khía cạnh chính yếu sau đây: vấn đế tôn trọng sự sống con người, vấn đề tôn trọng phẩm giá con người, và vấn đề tôn trọng an sinh xã hội. Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, trước hết, công nhận con người có quyền tự vệ hợp pháp, đến nỗi có thể đi đến chỗ gây tử thương ngoài ý muốn của mình cho chính tác nhân cố tình muốn sát hại mình (xem số 2263 và 2264). Bốn hành động phạm đến sự sống con người được Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo kể đến là cố sát (xem số 2268-2269), phá thai (xem số 2271-2272 và 2274-2275), trợ tử (xem số 2277-2279), và tự tử (xem số 2281-2282). Về vấn đề tôn trọng phẩm giá của con người, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đề cập đến những khía cạnh liên quan đến 5 vấn đề chính yếu sau đây: thứ nhất là vấn đề tôn trọng linh hồn của con người, như việc tránh làm gương mù gương xấu (xem số 2284-2286), thứ hai là vấn đề tôn trọng thân xác của con người, như việc chăm sóc sức khỏe (xem số 2289-2291), thứ ba là vấn đề tôn trọng chủ thể của con người, như việc không lấy con người như phương tiện để làm thí nghiệm khoa học (xem số 2295- 2296), thứ bốn là vấn đề tôn trọng tính cách toàn vẹn thể lý của con người, như việc không khủng bố làm con người hoảng sợ hay không cắt bỏ phần nào nơi thân thể của người vô tội, và thứ năm là vấn đề tôn trọng thi thể người quá cố liên quan đến việc giảo nghiệm và hỏa táng thi thể của họ (xem số 2297). Về vấn đề tôn trọng an sinh xã hội, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đề cập đến hai vấn đề, đó là việc thiết lập hòa bình (xem số 2302- 2304) và tránh gây chiến tranh (xem số 2308-2315, 2317).



THÂM TÍN SỐNG ĐẠO



1. “’Sự sống của con người linh thánh, vì ngay từ ban đầu nó liên quan đến tác động sáng tạo của Thiên Chúa, và mãi mãi có một mối liên hệ đặc biệt với Đấng Tạo Hóa là cùng đích duy nhất của nó. Chỉ có một mình Thiên Chúa mới là Chúa của sự sống từ khi nó bắt đầu có cho tới khi nó qua đi: không ai có thể cho rằng mình có quyền trực tiếp hủy diệt một con người vô tội ở bất cứ trường hợp nào’ (Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, Donum Vitae, 5)”. (số 2258)

2. “Việc tự vệ hợp lý chẳng những là một quyền lợi mà còn là một nghĩa vụ nghiêm trọng nữa đối với người có trách nhiệm bảo vệ sự sống của các kẻ khác. Để bảo vệ công ích cần phải làm cho kẻ vi phạm bất chính phải chịu trận không thể tác hại được nữa. Vì lý do này, những nhà cầm quyền hợp pháp cũng có quyền sử dụng vũ khí để chống lại các kẻ vi phạm đến cộng đồng dân sự thuộc trọng trách của họ”. (số 2265)

3. “... Công quyền hợp pháp có quyền hạn và nhiệm vụ trừng phạt tội phạm một cách cân xứng với tính cách nặng nề của nó. Mục đích chính yếu của hình phạt là phục hồi tình trạng tai hại gây ra bởi tội phạm. Khi phạm nhân vui lòng chấp nhận hình phạt thì hình phạt có một giá trị đền tội. Như thế, ngoài việc bảo vệ trật tự chung và sự an toàn của dân chúng, hình phạt còn có mục đích chữa trị nữa, ở chỗ, nó phải nhắm đến việc đóng góp vào vấn đề sửa chữa cho tội nhân bao nhiêu có thể”. (số 2266)

4. “... Giáo huấn truyền thống của Giáo Hội không loại trừ việc phải sử dụng đến án tử hình, nếu đó là cách khả dĩ duy nhất để có thể bảo vệ sự sống con người một cách hiệu nghiệm cho khỏi kẻ vi phạm bất chính. Tuy nhiên, nếu những phương tiện không gây nên chết chóc vẫn đủ để tự vệ và bảo đảm được sự an toàn của dân chúng khỏi kẻ vi phạm, thì nhà cầm quyền cần phải sử dụng những phương tiện đó, vì những phương tiện này hợp với các điều kiện cụ thể hơn theo công ích cũng như hợp với phẩm giá của con người hơn”. (số 2267)


Trắc Nghiệm

Xin đọc bài Giáo Lý lược tóm tổng ôn dưới đây, rồi dùng các chữ ở cuối trang để điền vào những chỗ gạch trống các câu Sách Giáo Lý vừa học hỏi cho đúng nguyên văn ý nghĩa của nó. Trong vòng 10 phút.

Qua bài Giáo Lý 34 về Luật Chúa Chớ Giết Người, Giáo Hội Công Giáo đã cho con cái của mình thấy những điểm chính sau đây: Giới răn thứ năm “chớ giết người” được Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo xét đến ba khía cạnh chính yếu sau đây: vấn đế tôn trọng sự sống con người, vấn đề tôn trọng phẩm giá con người, và vấn đề tôn trọng an sinh xã hội. Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, trước hết, công nhận con người có quyền tự vệ hợp pháp, đến nỗi có thể đi đến chỗ gây tử thương ngoài ý muốn của mình cho chính tác nhân cố tình muốn sát hại mình (xem số 2263 và 2264). Bốn hành động phạm đến sự sống con người được Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo kể đến là cố sát (xem số 2268-2269), phá thai (xem số 2271-2272 và 2274-2275), trợ tử (xem số 2277-2279), và tự tử (xem số 2281-2282). Về vấn đề tôn trọng phẩm giá của con người, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đề cập đến những khía cạnh liên quan đến 5 vấn đề chính yếu sau đây: thứ nhất là vấn đề tôn trọng linh hồn của con người, như việc tránh làm gương mù gương xấu (xem số 2284-2286), thứ hai là vấn đề tôn trọng thân xác của con người, như việc chăm sóc sức khỏe (xem số 2289-2291), thứ ba là vấn đề tôn trọng chủ thể của con người, như việc không lấy con người như phương tiện để làm thí nghiệm khoa học (xem số 2295- 2296), thứ bốn là vấn đề tôn trọng tính cách toàn vẹn thể lý của con người, như việc không khủng bố làm con người hoảng sợ hay không cắt bỏ phần nào nơi thân thể của người vô tội, và thứ năm là vấn đề tôn trọng thi thể người quá cố liên quan đến việc giảo nghiệm và hỏa táng thi thể của họ (xem số 2297). Về vấn đề tôn trọng an sinh xã hội, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đề cập đến hai vấn đề, đó là việc thiết lập hòa bình (xem số 2302- 2304) và tránh gây chiến tranh (xem số 2308-2315, 2317).

1. “Điều răn thứ năm cấm cố ý làm bất cứ sự gì khiến cho người ta bị chết một cách _________. Luật luân lý cấm không được làm cho bất cứ ai bị nguy tử mà không có lý do quan trọng, cũng như không được chối từ _________ người đang lâm nguy... Hành động vô tình giết người thì khỏi bị qui trách về luân lý. Thế nhưng, người ta cũng không thoát khỏi hành động vi phạm nặng nề, nếu họ đã làm sao đó khiến người khác bị chết, mà không có những lý do xứng hợp, dù cho không cố ý làm như thế”. (số 2269)

2. “Trực tiếp phá thai, tức là, thực hiện việc phá thai như là một __________ hay như là một ____________, đều trầm trọng phạm đến lề luật luân lý ” (số 2271). “Chính thức __________ vào việc phá thai là một trọng phạm. Giáo Hội phạt ____________ cho thứ tội ác phạm đến sự sống con người này. ‘Người nào tìm cách thực hiện việc phá thai hoàn trọn thì bị tuyệt thông tiền kết latae sententiae’ (Giáo Luật khoản 1398), ‘bởi chính việc vi phạm’” (số 2272)

3. “Bất cứ bởi lý do nào hay bằng phương tiện gì thì việc trực tiếp trợ tử được thực hiện ở chỗ __________ sự sống của những người tàn tật, bệnh nạn hay ___________. Nó là một việc không thể nào chấp nhận được về phương diện luân lý. Bởi thế, một việc làm hay bỏ không làm, tự bản chất của việc này hay do chủ ý của tác nhân, gây ra chết chóc để loại trừ __________ là một việc sát nhân trọng phạm đến ____________ con người cũng như đến lòng tôn kính Thiên Chúa hằng sống, Đấng Tạo Dựng nên nạn nhân. Vấn đề người ta có thể làm vì ___________ theo phán đoán sai lầm của mình cũng không thay đổi được bản chất của hành động sát nhân này, một hành động bao giờ cũng bị cấm không được phép làm và phải loại trừ nó đi” (số 2277). “Được phép ___________ những phương thức y khoa tốn kém, nguy hiểm, dư thừa hay không tương xứng với kết quả mong đợi” (số 2278)

4. “Gương mù có thể xẩy ra bởi các thứ _____________ hay cơ cấu tổ chức, bởi ____________ hay dư luận”. (số 2286); “Việc sử dụng ma túy làm hại nặng đến sức khỏe và sự sống con người. Trừ lý do thực sự về trị liệu thì việc sử dụng ma túy là một trọng phạm. Việc __________ và ___________ ma túy lậu là những việc gương mù gương xấu. Chúng là hành động trực tiếp cộng tác vào việc hành ác, vì chúng khuyên khích dân chúng làm những việc phản lại một cách nặng nề với lề luật luân lý”. (số 2291)

5. “Việc lấy con người ra để khảo cứu hay ____________ không thể nào là những việc hợp lý, những việc tự bản chất phản nghịch lại với phẩm giá của con người cũng như phản trái với lề luật luân lý. Dùụ chủ thể có tỏ ra đồng ý chăng nữa cũng không thể nào ____________ được cho những việc làm này”. (số 2295)

6. “Nếu giận dữ đến độ cố ý muốn giết hại hay gây trọng thương cho tha nhân thì trọng phạm đến đức bác ái; đó là một ___________. Chúa Kitô phán: ‘Ai giận dữ anh em mình thì sẽ bị luận phán’” (số 2302). “Mang lòng thù ghét nhau là việc nghịch lại với đức bác ái. Sẽ mắc tội thù ghét tha nhân nếu cố ý muốn cho họ gặp phải __________. Thù ghét tha nhân là một ___________ nếu muốn cho họ bị thiệt hại nặng...”. (số 2303)

7. “Giáo Hội và lý trí con người đều chủ trương lề luật luân lý vẫn có __________ của nó trong tình trạng vũ chiến. ‘Nguyên sự kiện chiến tranh có đáng tiếc xẩy ra cũng không có nghĩa là các phe vũ chiến được phép làm gì thì làm’”. (số 2312); “’Mọi hành động chiến tranh nhắm đến việc __________________ cả một thành phố hay một vùng rộng lớn cùng với dân cư ở đó là một tội ác phạm đến Thiên Chúa và con người, một tội ác đáng bị lên án một cách mạnh mẽ và thẳng mặt’”. (số 2314)

(hủy diệt bừa bãi, gián tiếp, trợ giúp, hiệu lực, trọng tội, mục đích, phương tiện, sự dữ, trọng tội, cộng tác, tuyệt thông, biện minh, thí nghiệm, kết thúc, hấp hối, buôn bán, sản xuất, đau khổ, phẩm giá, thời trang, luật pháp, lòng ngay, chấm dứt)