Bài Giáo Lý số 36

 

CHỚ LÀM CHỨNG DỐI

Luật Chúa: Điều Tám

(các số 2464-2513)

 

CẢM NGHIỆM NHÂN SINH


Đã là người, tự nhiên ai cũng hướng về và tìm kiếm Chân, Thiện, Mỹ. Bởi vì, Chân Lý là đối tượng của trí khôn con người, nghĩa là bao giờ con người cũng muốn khám phá và hiểu biết sự thật. Thiện Hảo là đối tượng của lòng muốn con người, nghĩa là bao giờ con người cũng ước muốn và chọn lựa sự thiện, ước muốn và chọn lựa những gì tốt lành nhất. Và Mỹ Lệ là đối tượng của cảm tình con người hay Hoàn Mỹ là đối tượng của hành động con người, nghĩa là bao giờ con người cũng ưa thích và ngắm nghía những gì đẹp đẽ bắt mắt, hay cảm phục và làm theo những gì khôn ngoan khéo léo. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, trong tiến trình tìm kiếm Chân, Thiện, Mỹ như thế, con người, dù khôn ngoan mấy đi nữa, rất nhiều lần hợ cũng đã bị lầm lẫn, ở chỗ, tưởng thật là giả và tưởng giả là thật, tưởng xấu mà tốt và tưởng tốt mà xấu, tưởng hay mà dở và tưởng dở mà hay. Vì Chân, Thiện, Mỹ chỉ là một Thực Tại Siêu Linh duy nhất không thể nào tách rời nhau, nên bất cứ lúc nào con người không sống hợp với thực tại bao trùm cả hữu thể và chi phối cả cuộc sống của họ này, lúc ấy họ sẽ cảm thấy một tình trạng bất ổn làm sao ấy, chẳng những với chính mình mà còn với cả tha nhân và trời đất nữa. Thật vậy, sở dĩ con người sống bất ổn là vì trước hết họ chưa hoàn toàn nắm được sự thật, tức chưa dám hay chưa thể “sống trong sự thật” (GL số 2465-2470), nên cũng không dám và không thể “làm chứng cho sự thật” (số GL 2471-2474), tức sống theo sự thật và sống như sự thật về mình cũng như về tất cả mọi sự khác. Không phải hay sao, một con người dù có gian dối nhất trên trần gian này, có lừa đảo được tất cả mọi người đi nữa, như Satan chẳng hạn, họ vẫn không muốn bị ai đánh lừa, vẫn muốn biết sự thật, như ma quỉ đã hết sức và tìm cách muốn biết thân phận đích thực của nhân vật Giêsu ăn chay 40 ngày hết sức phi thường kia là ai. Thế mà có những lúc con người đã ranh mãnh đến bất chấp thủ đoạn gian tà để đạt được mục đích tốt lành chủ quan của mình, ở chỗ che dấu chân lý, như nói dối, thậm chí phủ nhận chân lý, như làm chứng dối v.v. Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, “giới luật thứ tám cấm xuyên tạc sự thật khi giao tiếp với nhau” (số 2464), cả về phương diện giao tiếp cá nhân cũng như phương diện sinh hoạt xã hội.



KIẾN THỨC ĐỨC TIN


1. CẤM XUYÊN TẠC SỰ THẬT VỀ PHƯƠNG DIỆN GIAO TIẾP CÁ NHÂN

Về phương diện giao tiếp cá nhân, theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, Điều Răn Thứ Tám cấm xuyên tạc sự thật ở những hành động bất chính như: gian chứng dối thề, hồ đồ phán đoán, nói hành nói xấu, vu oan cáo vạ, tâng bốc dua nịnh, khoe khoang tự đắc, mỉa mai châm biếm, nói sai nói dối.

• “Làm chứng dối và thề gian. Những lời nói trái với sự thật một khi được công khai phát biểu đều có tính cách trầm trọng đặc biệt. Nơi tòa án thì nó là việc làm chứng dối (x Sách Cách Ngôn 19:9). Nếu việc làm chứng dối mà còn thề thì lời thề này là một lời thề gian. Làm như thế là góp phần vào việc kết án người vô tội, gỡ án người có tội, hay tăng án người bị cáo (x Sách Cách Ngôn 18:5). Những hành động này làm sai lệch việc hành sử công lý và công bình nơi các phán án”. (số 2476)

• “Việc tôn trọng thanh danh uy tín của con người cấm chúng ta không được có bất cứ thái độ và ngôn từ nào có thể khiến họ bị tổn thương một cách bất công (x Giáo Luật khoản 220). Chúng ta mắc lỗi khi có những phán đoán hồ đồ, cho dù không nói ra, ở chỗ vô bằng cớ cho rằng tha nhân đã vấp phạm một lỗi lầm về luân lý; khi nói hành nói xấu, ở chỗ không có lý do chính đáng khách quan lại đi tiết lộ lỗi lầm và yếu đuối của nhau cho những ai chưa biết đến những điều này (x Sách Huấn Ca 21:28); khi vu oan cáo vạ, ở chỗ nói những lời sai sự thật để hại đến thanh danh uy tín của người khác và làm cớ gây ra những phán đoán sai lầm về họ”. (số 2477)

• “Cấm không được có bất cứ một ngôn từ hay thái độ nào tỏ ra nịnh hót, tâng bốc, vuốt ve để khích lệ và ủng hộ người khác hành ác và sống đồi bại. Tâng bốc là một lỗi nặng nếu đồng tình với những tính hư nết xấu hay tội lỗi nặng nề của nhau. Ý muốn giúp đỡ hay tình bằng hữu cũng không thể biện minh cho lời phát ngôn hai lòng này. Tâng bốc là một tội nhẹ khi nào nó được nói lên chỉ để chiều lòng, để tránh khỏi một sự dữ, để đáp ứng nhu cầu cần thiết, hay để chiếm được những lợi lộc hợp lý”. (số 2480)

• “Khoe khoang hay tự đắc là hành động phạm đến sự thật. Mỉa mai cũng là hành động phạm đến sự thật, ở chỗ nó hạ giá một người nào đó bằng việc có ác ý châm biếm về hành vi cử chỉ của họ”. (số 2481)

• “’Nói dối là ở chỗ nói sai với chủ ý để đánh lừa’ (Thánh Âu Quốc Tinh, De Mendacio 4, 5: PL 40:491). Chúa Giêsu đã cảnh cáo việc nói dối như là việc làm của ma quỉ: ‘Các người phát xuất từ cha của mình là ma quỉ, ... nơi hắn không có sự thật. Khi hắn nói dối là hắn nói theo bản chất của hắn, vì hắn là một tên gian dối và là cha của dối trá điêu ngoa’ (Jn 8:44)” (số 2482). “Tính chất nặng nề của việc nói dối được căn cứ vào bản chất của sự thật bị nó làm méo mó, vào hoàn cảnh nói dối, vào chủ ý của kẻ nói dối, cũng như vào tai hại gây ra cho nạn nhân. Nói dối tự nó chỉ là một tội nhẹ, song sẽ trở thành tội trọng khi nó gây tổn thương trầm trọng cho nhân đức công bằng và bác ái” (số 2484). “Mọi hành vi phạm đến công bằng và sự thật đều phải có nhiệm vụ đền bù, cho dù tác nhân có được thứ tha đi nữa. Khi không thể công khai đền bù về việc làm sai quấy thì phải làm trong âm thầm. Nếu người chịu thiệt hại không thể được đền bù một cách trực tiếp, họ phải được đền bù về tinh thần theo đức bác ái. Nhiệm vụ đền bù cũng liên quan cả đến những việc vi phạm đến thanh danh uy tín của người khác nữa. Việc đền bù này, về tinh thần hay đôi khi về vật chất, phải được đánh giá căn cứ vào sự thiệt hại đã gây ra. Lương tâm đòi buộc phải đền bù” (số 2487)


2. CẤM XUYÊN TẠC SỰ THẬT VỀ PHƯƠNG DIỆN SINH HOẠT XÃ HỘI.

Về phương diện sinh hoạt xã hội, theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, Điều Răn Thứ Tám còn liên quan cả đến vấn đề truyền thông, đến ấn tòa giải tội, đến những bí mật về nghề nghiệp, đến việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, cũng như đến nghệ thuật thánh.

• “Việc thông đạt hay truyền đạt cho nhau biết cần phải được chi phối bởi đức bác ái và lòng tôn trọng sự thật. Thiện ích và mối an toàn của kẻ khác, lòng tôn trọng đời tư và công ích là những lý do đủ để giữ thinh lặng về những gì không được tiết lộ, cũng như đủ để khôn khéo sử dụng ngôn từ phát biểu. Bổn phận không được làm gương mù thường đòi con người phải hết sức thận trọng. Không ai bị bắt buộc phải tiết lộ sự thật cho bất cứ người nào không có quyền biết đến sự thật ấy (x Sách Huấn Ca 27:16; Sách Cách Ngôn 25:9-10)”. (số 2489)

• “Bí mật thuộc bí tích hòa giải là những gì linh thánh, không được vi phạm bất cứ vì nguyên do nào. ‘Ấn tòa giải tội bất khả vi phạm; bởi thế, vị giải tội sẽ có tội khi tỏ ra dấu hiệu nào đó phản lại hối nhân của mình, bằng lời nói hay bằng bất cứ cách nào hoặc vì bất cứ lý do nào’ (Giáo Luật khoản 983.1)”. (số 2490)

• “Các bí mật thuộc nghề nghiệp, chẳng hạn như các bí mật của những nhà chính trị, của quân sự, của thày thuốc và của luật sư, hay những điều kín đáo được niêm ấn bảo mật, buộc phải giữ không được tiết lộ, trừ những trường hợp ngoại lệ, như trường hợp giữ bí mật sẽ gây nguy hại rất trầm trọng cho người bảo mật, cho người nghe tiết lộ bí mật, hoặc cho thành phần đệ tam nhân, và như trường hợp mối nguy hại rất trầm trọng này có thể không xẩy ra nếu sự thật được tiết lộ. Cho dù những điều tư riêng phạm đến nhau không được giữ kín theo ấn tín bảo mật cũng không được phép tiết lộ nếu không có lý do quan trọng và cân xứng”. (số 2491)

• “Ai cũng phải tôn trọng xứng đáng đời tư của người khác. Những ai phụ trách việc truyền thông phải giữ làm sao cho quân bình giữa những đòi hỏi của công ích với đòi hỏi buộc phải tôn trọng quyền lợi cá nhân. Việc thành phần truyền thông đại chúng can thiệp vào đời tư của những người hoạt động chính trị hay phục vụ quần chúng đều là những việc cần phải lên án, ở chỗ nó đã xâm phạm đến những gì riêng tư và tự do của những người này” (số 2492).

• “Được dựng nên ‘theo hình ảnh Thiên Chúa’ (Gen 1:26), con người cũng diễn đạt sự thật về mối liên hệ với Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa bằng vẻ đẹp của những tác phẩm về nghệ thuật của mình. Thật vậy, nghệ thuật là một hình thức diễn đạt nổi bật của con người; ngoài việc tìm kiếm để thỏa đáng những nhu cầu quan yếu cho sự sống thường tình giống như tất cả mọi tạo vật khác, nghệ thuật là mức độ dồi dào phong phú tự nhiên sẵn có phát xuất từ kho tàng nội tâm của con người. Bởi khả năng được Tạo Hóa ban cho cùng với nỗ lực riêng của con người, nghệ thuật xuất hiện như là một hình thức khôn ngoan thực tiễn liên hợp giữa kiến thức và năng khiếu (x Sách Khôn Ngoan 7:16-17), trong việc cống hiến cho những gì chân thật của thực tại một hình thức ngôn từ khả thụ cho thị giác hay thính giác. Khi được hứng khởi bởi những gì chân thật cũng như bởi tình yêu thương đối với các vật thể thì nghệ thuật mang một cái gì đó tương tự như hoạt động của Thiên Chúa nơi những gì Ngài đã tạo dựng. Cũng như bất cứ mọi hoạt động nào của nhân loại, nghệ thuật tự mình không phải là cùng đích mà phải được định hướng và trở nên cao quí bởi cùng đích của con người (x Đức Piô XII, Musicae Sacrae Disciplina; huấn từ Ngày 3/9 và 25/12/1950)”. (số 2501)


TÓM LẠI:


Về phương diện giao tiếp cá nhân, theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, Điều Răn Thứ Tám cấm xuyên tạc sự thật ở những hành động bất chính như: gian chứng dối thề (số 2476), hồ đồ phán đoán, nói hành nói xấu và vu oan cáo vạ (số 2477), tâng bốc dua nịnh (số 2480), khoe khoang tự đắc và mỉa mai châm biếm (số 2481), nói sai nói dối (2482, 2484, 2487). Về phương diện sinh hoạt xã hội, theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, Điều Răn Thứ Tám còn liên quan cả đến vấn đề truyền thông (số 2489), đến ấn tòa giải tội (số 2490), đến những bí mật về nghề nghiệp (số 2491), đến việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội (số 2492, 2496-2498), cũng như đến nghệ thuật thánh (số 2501-2503).



THÂM TÍN SỐNG ĐẠO

Chúng ta hãy nhớ rằng, về danh thơm tiếng tốt của con người là một cái gì linh thiêng cao quí như chính con người họ, đến nỗi, mất uy tín thì kể như họ hết mặt mũi làm người trong xã hội ở trên thế gian này. Bởi thế Chúa Giêsu đã tôn trọng cho đến cùng vị tông đồ Người biết trước sẽ phản nộp Thày mình, đến nỗi, dù có quyền khiển trách và nói ra để làm gương cho các tông đồ khác, Người vẫn nhất định không công khai điểm mặt chỉ tên của vị này trước tông đồ đoàn. Do đó, chúng ta cứ việc đoán ý lành cho người khác, dù có sai cũng không có tội, trái lại, còn đáng thưởng nữa là đàng khác, bằng không, nếu đoán xấu cho nhau, dù có đúng 100% đi nữa, chúng ta cũng làm một việc lỗi đức bác ái và không đẹp lòng Chúa, Đấng đã khuyên dạy chúng ta “các con đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét... Hãy lấy cái xà khỏi mắt mình trước đã rồi mới đủ sáng mắt để lấy cái rằm trong mắt anh em” (Mt 7:1, 5).

1. “Để tránh việc xét đoán hồ đồ, mọi người phải cẩn thận cắt nghĩa một cách thiện cảm bao nhiêu có thể tâm tưởng, ngôn từ và việc làm của tha nhân: ‘Hết mọi người Kitô hữu tốt lành càng phải mau mắn cắt nghĩa tốt cho lời nói của nhau hơn là lên án nó. Nếu họ không thể làm như vậy được thì họ hãy hỏi xem các người khác nghĩ thế nào về nó. Nếu các người khác hiểu xấu về nó thì họ phải lấy tình yêu thương sửa lại. Nếu làm như thế vẫn chưa đủ, Kitô hữu cố gắng dùng mọi cách có thể để làm cho người khác hiểu đúng để họ được cứu độ’ (Thánh Ignatiô Loyola, Linh Thao, 22)”. (số 2478)

2. “Các phương tiện truyền thông xã hội (nhất là những phương tiện truyền thông đại chúng) có thể khiến cho những người hưởng dùng thành thụ động một cách nào đó, ở chỗ, làm cho họ hóa ra những người tiêu thụ thiếu cảnh giác về những gì được phương tiện truyền thông này trình bày hay tỏ lộ cho thấy. Người hưởng dùng phải biết điều độ và giữ mình trong việc sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng này. Họ cần phải có một lương tâm sáng suốt và đúng đắn mới dễ dàng chống lại được với những ảnh hưởng không lành mạnh của nó”. (số 2496)

3. “Các ký giả, tự chính bản chất nghề nghiệp của mình, có phận sự buộc phải phục vụ sự thật và không được vi phạm đến đức bác ái trong việc phổ biến tin tức. Họ phải cố gắng tôn trọng một cách cân xứng giữa bản chất của sự kiện và những giới hạn của việc phê phán liên quan đến cá nhân con người ta. Họ không được tỏ ra hành động phỉ báng bôi nhọ”. (số 2497)

4. “’Chính quyền dân sự vì công ích có trách nhiệm đặc biệt trong lãnh vực này... Chính quyền... phải bênh vực và bảo vệ quyền tự do trao đổi truyền thông đích thực và chính đáng’ (Sắc Lệnh Truyền Thông Xã Hội, 12). Trong việc ban hành các luật lệ và theo dõi việc áp dụng các ;uật lệ này, các nhà cầm quyền phải bảo đảm được rằng ‘luân lý quần chúng và tiến bộ xã hội không bị nguy hại nặng nề’ qua việc làm dụng phương tiện truyền thông đại chúng (cùng nguồn vừa dẫn, 12.2). Chính quyền dân sự phải trừng phạt bất cứ vi phạm nào đến quyền lợi về thanh danh uy tín và đời tư của cá nhân. Họ phải thông báo đúng lúc và đáng tin những gì liên quan đến thịc ích chung hay phải đáp ứng những quan tâm chính đáng của dân chúng. Không gì có thể biện minh cho hành động xuyên tạc để lái quan điểm quần chúng bằng phương tiện truyền thông đại chúng. Việc công quyền can thiệp phải tránh làm sao cho khỏi làm tổn thương đến quyền tự do của cá nhân hay của đoàn thể”. (số 2498)

5. “Nghệ thuật thánh là một nghệ thuật đích thực và tuyệt mỹ khi hình thể của nó xứng hợp với ơn gọi riêng của nó, ở chỗ nó khêu lên đức tin và lòng kính thờ trong việc tôn vinh mầu nhiệm siêu việt của Thiên Chúa, một vẻ đẹp vô hình cao cả về sự thật và tình yêu thương được hiện thân nơi Chúa Kitô, Đấng ‘phản ảnh vinh quang Thiên Chúa và là hiện thân đích thực của bản tính Ngài’, Đấng mà ‘tất cả tầm vóc viên mãn của thần tính ngự trị một cách thể lý’ (Heb 1:3; Col 2:9). Vẻ đẹp linh thiêng này của Thiên Chúa được phản ảnh nơi Trinh Nữ rất thánh Mẹ Thiên Chúa, nơi các thiên thần cũng như nơi các thánh. Nghệ thuật thánh chuyên chính là nghệ thuật đưa con người đến việc thờ kính, nguyện cầu và yêu mến Thiên Chúa, Đấng Hóa Công và là Đấng Cứu Thế, Đấng Thánh Hảo và là Đấng Thánh Hóa” (số 2502). “Vì lý do này, các vị giám mục, tự mình hay qua các vị đại diện, phải để ý cố động nghệ thuật thánh, cũ cũng như mới, với tất cả mọi hình thức của nó, đồng thời, cũng phải thận trọng loại trừ khỏi phụng vụ và khỏi các nơi thờ phượng những gì không hợp với chân lý đức tin và với vẻ đẹp chuyên chính của nghệ thuật thánh (x Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, 122-127)” (số 2503).


Trắc Nghiệm

Xin đọc bài Giáo Lý lược tóm tổng ôn dưới đây, rồi dùng các chữ ở cuối trang để điền vào những chỗ gạch trống các câu Sách Giáo Lý vừa học hỏi cho đúng nguyên văn ý nghĩa của nó. Trong vòng 10 phút.

Qua bài Giáo Lý 36 về Luật Chúa Chớ Làm Chứng Dối, Giáo Hội Công Giáo đã cho con cái của mình thấy những điểm chính sau đây: Về phương diện giao tiếp cá nhân, theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, Điều Răn Thứ Tám cấm xuyên tạc sự thật ở những hành động bất chính như: gian chứng dối thề (số 2476), hồ đồ phán đoán, nói hành nói xấu và vu oan cáo vạ (số 2477), tâng bốc dua nịnh (số 2480), khoe khoang tự đắc và mỉa mai châm biếm (số 2481), nói sai nói dối (2482, 2484, 2487). Về phương diện sinh hoạt xã hội, theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, Điều Răn Thứ Tám còn liên quan cả đến vấn đề truyền thông (số 2489), đến ấn tòa giải tội (số 2490), đến những bí mật về nghề nghiệp (số 2491), đến việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội (số 2492, 2496-2498), cũng như đến nghệ thuật thánh (số 2501-2503).

1. “Làm chứng dối và thề gian. Những lời nói trái với sự thật một khi được công khai phát biểu đều có tính cách trầm trọng đặc biệt. Nơi tòa án thì nó là việc làm chứng dối. Nếu việc làm chứng dối mà còn thề thì lời thề này là một lời____________. Làm như thế là góp phần vào việc _____________người vô tội, ____________người có tội, hay ____________người bị cáo. Những hành động này làm sai lệch việc hành sử công lý và công bình nơi các phán án”. (số 2476)

2. “Việc tôn trọng thanh danh uy tín của con người cấm chúng ta không được có bất cứ __________và___________nào có thể khiến họ bị tổn thương một cách bất công. Chúng ta mắc lỗi khi có những phán đoán hồ đồ, cho dù không nói ra, ở chỗ vô bằng cớ __________ tha nhân đã vấp phạm một lỗi lầm về luân lý; khi nói hành nói xấu, ở chỗ không có lý do chính đáng khách quan lại đi __________ lỗi lầm và yếu đuối của nhau cho những ai chưa biết đến những điều này; khi vu oan cáo vạ, ở chỗ nói những lời sai __________để hại đến ____________uy tín của người khác và làm cớ gây ra những phán đoán sai lầm về họ”. (số 2477)

3. “Cấm không được có bất cứ một ngôn từ hay thái độ nào tỏ ra___________, tâng bốc, vuốt ve để khích lệ và ủng hộ người khác ________và sống đồi bại. Tâng bốc là một lỗi nặng nếu đồng tình với những ______nết xấu hay tội lỗi nặng nề của nhau. Ý muốn giúp đỡ hay tình bằng hữu cũng không thể ________ cho lời phát ngôn hai lòng này. Tâng bốc là một tội nhẹ khi nào nó được nói lên chỉ để chiều lòng, để tránh khỏi một sự dữ, để đáp ứng nhu cầu cần thiết, hay để chiếm được những lợi lộc hợp lý”. (số 2480)

4. “Khoe khoang hay tự đắc là hành động phạm đến sự thật. Mỉa mai cũng là hành động phạm đến sự thật, ở chỗ nó hạ giá một người nào đó bằng việc có ác ý châm biếm về hành vi cử chỉ của họ”. (số 2481)

5. “Nói dối là ở chỗ nói sai với chủ ý để đánh lừa” (số 2482). “Tính chất nặng nề của việc nói dối được căn cứ vào bản chất của sự thật bị nó làm méo mó, vào hoàn cảnh nói dối, vào chủ ý của kẻ nói dối, cũng như vào tai hại gây ra cho nạn nhân. Nói dối tự nó chỉ là một tội nhẹ, song sẽ trở thành tội trọng khi nó gây tổn thương trầm trọng cho nhân đức công bằng và bác ái” (số 2484). “Mọi hành vi phạm đến công bằng và sự thật đều phải có nhiệm vụ__________, cho dù tác nhân có được thứ tha đi nữa. Khi không thể ____________đền bù về việc làm sai quấy thì phải làm trong âm thầm. Nếu người chịu thiệt hại không thể được đền bù một cách trực tiếp, họ phải được đền bù về tinh thần theo đức bác ái. Nhiệm vụ đền bù cũng liên quan cả đến những việc vi phạm đến thanh danh ___________của người khác nữa. Việc đền bù này, về tinh thần hay đôi khi về vật chất, phải được đánh giá căn cứ vào sự ____________đã gây ra. Lương tâm đòi buộc phải đền bù” (số 2487)

6. “Việc thông đạt hay truyền đạt cho nhau biết cần phải được chi phối bởi đức bác ái và lòng tôn trọng sự thật. Thiện ích và mối an toàn của kẻ khác, lòng tôn trọng đời tư và công ích là những lý do đủ để giữ thinh lặng về những gì không được tiết lộ, cũng như đủ để khôn khéo sử dụng ngôn từ phát biểu. Không ai bị _____________phải ___________sự thật cho bất cứ người nào không có quyền biết đến sự thật ấy”. (số 2489)

7. “Bí mật thuộc bí tích hòa giải là những gì_____________, không được vi phạm bất cứ trong ____________nào. ‘Ấn tòa giải tội bất khả vi phạm; bởi thế, vị giải tội sẽ có tội khi tỏ ra dấu hiệu nào đó phản lại hối nhân của mình, bằng lời nói hay bằng bất cứ cách nào hoặc vì bất cứ lý do nào’”. (số 2490)

8. “Các bí mật thuộc nghề nghiệp, như các bí mật của những nhà chính trị, của quân sự, của thày thuốc và của luật sư, hay những điều kín đáo được niêm ấn bảo mật, buộc phải giữ không được tiết lộ, trừ những trường hợp ngoại lệ, như trường hợp giữ bí mật sẽ gây nguy hại rất trầm trọng cho người_________, cho người nghe tiết lộ bí mật, hoặc cho thành phần_________, và như trường hợp mối nguy hại rất trầm trọng này có thể không xẩy ra nếu sự thật được tiết lộ. Cho dù những điều tư riêng phạm đến nhau không được giữ kín theo ấn tín bảo mật cũng không được phép tiết lộ nếu không có lý do ___________ và _________”. (số 2491)

9. “Ai cũng phải tôn trọng xứng đáng đời tư của người khác. Việc thành phần truyền thông đại chúng can thiệp vào ____________của những người hoạt động chính trị hay phục vụ quần chúng đều là những việc cần phải___________, ở chỗ nó đã xâm phạm đến những gì ___________và tự do của những người này” (số 2492).

(riêng tư, thề gian, kết án, lên án, đời tư, gỡ án, tăng án, cân xứng, quan trọng, thái độ, ngôn từ, thứ ba, bảo mật, cho rằng, tiết lộ, hoàn cảnh, linh thánh, sự thật, thanh danh, tiết lộ, bắt buộc, nịnh hót, hành ác, thiệt hại, uy tín, tính hư, biện minh, công khai, đền bù)