Bài Giáo Lý số 37
CHỚ LẤY CỦA NGƯỜI VÀ THAM CỦA NGƯỜI
Luật Chúa: Điều Bảy và Mười
(các số 2401-2463; 2534-2557)
CẢM NGHIỆM NHÂN SINH
Của cải không phải là chính thân xác dính liền với hữu thể con người hay là
chính sự sống của con người, nên người ta mới nói “của cải là vật tùy thân”. Thế
nhưng, dù đóng vai trò tùy thân, nếu không có nó, chẳng hạn như không có những
nhu cầu tối thiểu để sống là của ăn, áo mặc, nhà ở, thân xác của con người cũng
không ổn và sự sống của họ có thể sẽ bị hiểm nguy. Bởi thế, thực tế cho thấy, từ
thân phận tùy thân, thân phận tôi tớ, của cải đã trở thành bạn tâm giao của con
người, “đồng tiền dính liền khúc ruột”, thậm chí trở thành chủ nhân ông của họ
nữa, đến nỗi, có những lúc họ dám liều cả mạng sống hay nhân phẩm của họ vì nó
và cho nó, khi họ “coi của hơn người”. Chính vì tinh thần và tình trạng “coi của
hơn người” này đã xẩy ra công khai một cách trầm trọng như một trào lưu trong xã
hội vào thời cách mạng kinh tế cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 ở Âu Châu, thối
nát đến nỗi đã sinh ra giòi bọ Cộng Sản vào hạ bán thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20,
một chủ nghĩa và chế độ chủ trương đấu tranh giai cấp và chống lại tư bản. Phần
Giáo Hội, qua chủ thuyết xã hội Kitô Giáo của mình từ thế kỷ 19 (xem GL số
2421), Giáo Hội đã chống lại cả Cộng Sản vô sản lẫn Tư Bản duy lợi (xem GL số
2425). Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo (xem GL số 2402-2405): của cải tạo
vật được Ngài dựng nên cho tất cả mọi người chứ không cho riêng một cá nhân nào;
con người chỉ là quản lý của những gì Ngài dựng nên thôi chứ không phải là chủ
nhân ông có tuyệt đối quyền định đoạt tùy ý nghĩ, ý thích của mình; con người
cần phải góp công cộng tác với Ngài để làm cho những gì Ngài dựng nên sinh lợi
ích cho chính bản thân cũng như cho chung xã hội loài người; bởi thế những gì
con người có được là để ban phát và chia sẻ hơn là hưởng thụ một mình, như chính
thân xác, sự sống và khả năng của họ là để cho người khác hơn là cho chính họ.
Nếu ai phạm đến một trong những nguyên tắc trên đây là phạm đến điều răn thứ bảy
và điều răn thứ mười liên quan đến việc chiếm hữu và sử dụng của cải một cách
trái phép vậy, như việc trộm cắp, gian lận, phá hoại (điều răn thứ 7) và như
lòng tham lam và ghen tị (điều răn 10).
KIẾN THỨC ĐỨC TIN
1. VIỆC TRỘM CẮP, GIAN LẬN VÀ PHÁ HOẠI
Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã dạy về việc trộm cắp, gian lận và phá hoại
phạm đến điều răn thứ bảy như sau:
• “Điều răn thứ bảy cấm lấy hay giữ những sản vật của người khác một cách bất
chính và làm hại đến họ một cách nào đó liên quan đến sản vật của họ. Điều răn
này buộc phải giữ đức công bằng và bác ái trong việc coi sóc các sản vật trần
thế cùng những hoa trái bởi lao công của con người. Vì công ích, điều răn này
buộc phải tôn trọng mục đích chung của các sản vật và phải tôn trọng quyền tư
sản. Đời sống người Kitô hữu phải nỗ lực để qui hướng những sản vật trần gian về
Thiên Chúa cũng như về tình bác ái huynh đệ”. (số 2401)
• “Điều răn thứ bảy cấm trộm cắp, tức là cấm chiếm đoạt tài sản của người khác
trái với ý muốn chính đáng của chủ nhân. Sẽ không có vấn đề trộm cắp nếu dự đoán
được là chủ của sẽ bằng lòng cho hay việc họ từ chối là điều nghịch lý, không
hợp với mục đích chung của các sản vật. Đó là trường hợp hết sức khẩn thiết khi
chỉ còn một cách duy nhất để thỏa đáng những nhu cầu cấp thời chính yếu (như đồ
ăn, nơi ở, quần áo v.v.), bằng việc chiếm quyền sử dụng tài sản của người khác
(x Hiến Chế Gaudium et Spes, 69.1)”. (số 2408)
• “Bất cứ hình thức nào tìm cách chiếm lấy và cầm giữ tài sản của người khác một
cách bất chính, cho dù không trái với các khoản luật dân sự, cũng đều phạm đến
điều răn thứ bảy, như việc cố ý giữ không trả những sản vật vay mượn hay những
đồ vật vớ được; buôn bán gian lận; trả lương bất xứng với công làm; lợi dụng
người ta không biết hay đang gặp khó khăn bắt họ phải mua với giá cao (x Deut
25:13-16; 24:14-15; Jas 5:4; Am 8:4-6). Những điều sau đây cũng không hợp với
luân lý, như đầu cơ tích trữ để tăng giá cả sản vật với mục đích trục lợi làm
cho người khác bị thiệt; hối lộ để chi phối những người có trách nhiệm phải
quyết định theo luật pháp; chiếm hữu và sử dụng các sản vật dùng chung của công
sở để xài riêng; làm việc cẩu thả; lậu thuế; giả mạo các chi phiếu và hóa đơn;
tiêu xài quá lố và hoang phí. Cố ý làm hư hại tài sản chung riêng đều là việc
nghịch luân lý, cần phải bồi thường”. (số 2409)
• “Phải giữ các lời hứa và thực hiện đúng đắn các thứ hợp đồng đã ký kết một
cách công bằng theo luân lýù… Tất cả mọi thứ hợp đồng (về mua bán, vay mượn hay
thuê khoán) đều phải được thỏa thuận với nhau và phải được thi hành theo thiện
chí” (số 2410). “Các hợp đồng theo sự công bằng giao hoán, liên quan đến những
giao kèo giữa người ta với nhau cũng như giữa các tổ chức với nhau, phải hợp với
sự tôn trọng đứng dắn các quyền lợi của họ. Sự công bằng giao hoán là điều buộc
phải thi hành triệt để; nó đòi phải bảo toàn các quyền tư hữu, trang trải các
thứ nợ nần, và chu toàn các phận sự đã tự nguyện ký kết với nhau. Không thể có
một hình thức công bằng nào mà lại thiếu sự sông bằng giao hoán này. Cần phải
phân biệt sự công bằng giao hoán với sự công bằng pháp lý là những gì liên quan
đến việc người công dân phải có đối với cộng đồng theo lẽ công bằng, cũng như
với sự công bằng phân phối liên quan đến những gì cộng đồng phải có đối với
người công dân tương xứng với việc họ đóng góp và với nhu cầu cần thiết của họ”
(số 2411). “Sự công bằng giao hoán đòi buộc phải bồi thường những gì bất công đã
phạm, bằng cách hoàn trả những sản vật đã lấy cho chủ nhân của chúng” (số 2412).
• “Đồng lương chính đáng là hoa trái xứng hợp của việc làm. Không trả lương hay
giữ tiền lương lại có thể là một việc làm bất công nặng (x Lev 19:13; Duet
24:14-15; Jas 5:4). Để ấn định việc trả lương cho công bằng cần phải để ý đến
những nhu cầu và việc đóng góp của từng người… Xét theo luân lý thì sự thỏa
thuận giữa đôi bên vẫn chưa đủ để ấn định mức lương”. (số 2434)
• “Các trò chơi đỏ đen may rủi (như chơi bài bạc chẳng hạn v.v.), hay đánh cá
đánh cuộc, tự chúng, không phải là những gì ngược lại với sự công bằng. Chúng
chỉ không hợp với luân lý khi làm cho người ta bị thiếu hụt những gì cần thiết
cho nhu cầu của mình cũng như của những người khác. Đam mê cờ bạc làm cho con
người trở thành nô lệ. Gian lận trong việc đánh cá đánh cuộc hay cờ bạc là một
lỗi nặng, trừ khi sự thiệt hại gây ra nhẹ đến nỗi kẻ chịu thiệt không cho là
đáng kể”. (số 2413)
• “Điều răn thứ bảy cấm các hành động hay những giao dịch, vì bất cứ lý do nào,
bởi vị kỷ hay ý hệ, thương mại hay chuyên chế, đưa đến việc nộ lệ hóa con người,
đến việc buôn, bán và đổi chác con người như một món hàng hóa, bất chấp phẩm giá
bản thân của họ. Đó là một tội phạm đến phẩm giá con người cũng như đến các
quyền lợi căn bản của họ, khi cưỡng bách họ phải trở thành một giá trị lợi dụng
để sản xuất hay trục lợi”. (số 2414)
• “Điều răn thứ bảy buộc phải tôn trọng tính cách toàn vẹn của thiên nhiên vạn
vật nữa. Thú vật, cũng như thực vật và những vật vô hồn, tự chúng được dựng nên
cho ích chung của nhân loại trong quá khứ, hiện tại và tương lai (x Gen
1:28–31). Việc sử dụng các nguồn khoáng vật, thực vật và động vật của vũ trụ
không thể tách khỏi việc tôn trọng các lề luật luân lý. Con người không có quyền
tuyệt đối trong việc làm chủ các vật vô hồn và sinh vật do Tạo Hóa cho phép;
quyền này chỉ có giới hạn, vì nó liên quan đến tính chất sự sống của tha nhân,
bao gồm cả những thế hệ mai hậu; nó đòi phải có lòng tôn trọng tính cách toàn
vẹn của thiên nhiên tạo vật (x Thông Điệp Bách Niên, 37-38)” (số 2415). “Hành hạ
hay giết hại thú vật không có lý do chính đáng là hành động không hợp với phẩm
giá con người. Tiêu xài số tiền quá đáng vào thú vật, số tiền phải dành ưu tiên
trong việc làm giảm bớt cảnh cùng khốn của loài người, cũng không hợp với phẩm
giá con người. Người ta có thể yêu thích thú vật; song không được dành cho chúng
cảm tình chỉ xứng hợp với con người” (số 2418).
2. LÒNG THAM LAM VÀ GHEN TỊ
Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã dạy về lòng tham lam và ghen tị phạm đến điều
răn thứ mười như sau:
• “Điều răn thứ mười cấm không được thèm muốn và ước ao đủ thứ sản vật trần gian
một cách vô độ. Điều răn thứ mười này cấm không được có lòng tham lam phát xuất
từ đam mê ham muốn được giầu sang và quyền quí bởi đó mà ra. Điều răn này cũng
cấm không được ước ao làm điều bất công, ở chỗ làm thiệt hại tha nhân liên quan
đến sản vật trần gian của họ”. (số 2536)
• “Điều răn thứ mười đòi hỏi con người không được có lòng ghen tị với nhau… Lòng
ghen tị có thể gây ra những tội độc ác nhất (x Gen 4:3-7; 1Kgs 21:1-29). ‘Bởi ma
quỉ ghen tị mà sự chết đã xâm nhập thế gian’ (Wis 2:24)”. (số 2538)
• “Ghen tị là một mối tội đầu. Nó ám chỉ đến nỗi buồn phiền vì thấy nhau có của
cải sản vật cũng như ám chỉ đến lòng ước ao vô độ trong việc muốn chiếm hữu
những của cải ấy cho mình, dù chiếm hữu một cách bất chính đi nữa. Ghen tị là
một tội trọng khi nó muốn gây thiệt hại nặng nề cho tha nhân”. (số 2539) “
TÓM LẠI:
Về những gì phạm đến điều răn thứ bảy, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã đề cập
đến các tội như trộm cắp (số 2408), gian lận (số 2409-2413, 2434) và phá hoại (số
2414, 2418), còn về những gì phạm đến điều răn thứ mười, Giáo Lý của Giáo Hội
Công Giáo đã nói đến lòng tham lam (số 2536) và ghen tị (số 2538-2539).
THÂM TÍN SỐNG ĐẠO
1. “Học thuyết xã hội của Giáo Hội nêu lên những nguyên tắc để suy nghĩ; đưa ra
những tiêu chuẩn để phán đoán; phác họa những hướng dẫn để tác hành: Bất cứ thể
chế nào chỉ lấy kinh tế làm tiêu chuẩn để ấn định các mối liên hệ trong xã hội
đêàu đi ngược lại với bản tính của con người, cũng như với hành động của họ (x.
Thông Điệp Bách Niên, 24)”. (số 2423)
2. “Lý thuyết nào lấy lợi lộc làm tiêu chuẩn duy nhất và là cùng đích tối hậu
cho sinh hoạt kinh tế là trái với luân lý... “ (số 2424)
3. “Giáo Hội bác bỏ các ý thức hệ chuyên chế và vô thần có liên quan dính dáng
đến ‘cộng sản chủ nghĩa’ hay ‘xã hội chủ nghĩa’ trong thời đại tân tiến này.
Đồng thời Giáo Hội cũng không chấp nhận, ‘chủ nghĩa tư bản’ thực tiễn, cá nhân
chủ nghĩa và tính cách thượng tôn của luật thị trường lấn át lao công của con
người (x Thông Điệp Bách Niên, 10; 13; 44). Điều hành kinh tế hoàn toàn theo kế
hoạch tập quyền là điều làm hư hoại đến nền tảng của các mối liên hệ về xã hội;
điều hành kinh tế hoàn toàn theo luật thị trường làm mất đi công bình xã hội, vì
‘có nhiều nhu cầu của con người thị trường không thể nào thỏa đáng được’ (Thông
Điệp Bách Niên, 34). Phải đưa ra các qui chế về thị trường cũng như các sáng
kiến về kinh tế hợp lý, căn cứ vào bậc thang giá trị chính đáng và nhắm đến công
ích”. (số 2425)
4. “Việc phát triển hoạt động kinh tế và tình trạng tăng tiến trong việc sản
xuất là những gì nhằm đáp ứng các nhu cầu của con người. Đời sống kinh tế không
chỉ nhắm đến việc gia tăng sản xuất đồ vật cũng như việc tăng thêm lợi lộc và
quyền lực; sinh hoạt này trước hết là để phục vụ con người, phục vụ trọn vẹn con
người cũng như phục vụ toàn thể cộng đồng con người. Sinh hoạt kinh tế, được
điều hành theo những phương pháp riêng của mình, phải được thực hiện trong các
giới hạn của lãnh vực luân lý, hợp với đức công bằng xã hội, nhờ đó đáp ứng dự
án của Thiên Chúa về con người (x Hiến Chế Gaudium et Spes, 64)”. (số 2426)
5. “Việc làm của con người trực tiếp phát xuất từ con người được dựng nên theo
hình ảnh Thiên Chúa và được Ngài kêu gọi để tiếp nối công cuộc sáng tạo, bằng
việc họ làm chủ trái đất cùng nhau và cho nhau (x Gen 1:28; Hiến Chế Gaudium et
Spes 34; Thông Điệp Bách Niên 31). Bởi thế, việc làm là một phận sự: ‘Ai không
muốn làm việc thì đừng ăn’ (2Thess 3:10; x 1Thess 4:11). Làm việc là tôn vinh
các tặng ân của Tạo Hóa cũng như các tài năng được Ngài ban cho. Việc làm cũng
có tính cách cứu chuộc nữa. Bằng việc chịu đựng cảnh khó nhọc của việc làm (x
Gen 3:14-19) hợp với Chúa Giêsu, viên thợ mộc ở Nazarét và là Đấng tử giá trên
đồi Canvê, một cách nào đó, con người tỏ ra hợp tác với Con Thiên Chúa trong
công cuộc cứu chuộc của Người. Họ chứng tỏ mình là môn đệ của Chúa Kitô bằng
việc vác thập giá hằng ngày nơi việc làm họ được kêu gọi để hoàn thành (x Thông
Điệp Lao Công Con Người, 27). Việc làm có thể là một phương tiện thánh hóa và là
đường lối làm sinh động các thực tại trần thế bằng Thần Linh của Chúa Kitô”. (số
2427)
6. “Tất cả mọi tín hữu của Chúa Kitô phải ‘điều khiển các cảm tình của mình một
cách chính đáng, kẻo chúng gặp trở ngại trong việc theo đuổi đức ái trọn hảo,
khi sử dụng các thứ trần gian cũng như khi để lòng dính bén giầu sang ngược lại
với tinh thần nghèo khó của phúc âm’ (Hiến Chế Lumen Gentium, 42.3)”. (số 2545)
7. “... Phó mình vào việc quan phòng của Cha trên trời giải thoát chúng ta khỏi
phải lo âu cho ngày mai (x Mt 6:25-34). Tin tưởng vào Thiên Chúa là việc người
nghèo khó sửa soạn được hưởng phúc thật. Họ sẽ được thấy Thiên Chúa”. (số 2547)
Trắc Nghiệm
Xin đọc bài Giáo Lý lược tóm tổng ôn dưới đây, rồi dùng
các chữ ở cuối trang để điền vào những chỗ gạch trống các câu Sách Giáo Lý vừa
học hỏi cho đúng nguyên văn ý nghĩa của nó. Trong vòng 10 phút.
Qua bài Giáo Lý 37 về Luật Chúa Chớ Lấy Của Người và Tham Của Người, Giáo Hội
Công Giáo đã cho con cái của mình thấy những điểm chính sau đây: Qua chủ thuyết
xã hội Kitô Giáo của mình từ thế kỷ 19 (xem GL số 2421), Giáo Hội đã chống lại
cả Cộng Sản vô sản lẫn Tư Bản duy lợi (xem GL số 2425). Theo Giáo Lý của Giáo
Hội Công Giáo (xem GL số 2402-2405): của cải tạo vật được Ngài dựng nên cho tất
cả mọi người chứ không cho riêng một cá nhân nào; con người chỉ là quản lý của
những gì Ngài dựng nên thôi chứ không phải là chủ nhân ông có tuyệt đối quyền
định đoạt tùy ý nghĩ, ý thích của mình; con người cần phải góp công cộng tác với
Ngài để làm cho những gì Ngài dựng nên sinh lợi ích cho chính bản thân cũng như
cho chung xã hội loài người; bởi thế những gì con người có được là để ban phát
và chia sẻ hơn là hưởng thụ một mình, như chính thân xác, sự sống và khả năng
của họ là để cho người khác hơn là cho chính họ. Nếu ai phạm đến một trong những
nguyên tắc trên đây là phạm đến điều răn thứ bảy và điều răn thứ mười liên quan
đến việc chiếm hữu và sử dụng của cải một cách trái phép vậy, như việc trộm cắp
gian lận (điều răn thứ 7) và như lòng tham lam ghen tị (điều răn 10). Về những
gì phạm đến điều răn thứ bảy, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã đề cập đến các
tội như trộm cắp (số 2408), gian lận (số 2409-2413, 2434) và phá hoại (số 2414,
2418), còn về những gì phạm đến điều răn thứ mười, Giáo Lý của Giáo Hội Công
Giáo đã nói đến lòng tham lam (số 2536) và ghen tị (số 2538-2539).
1. “Điều răn thứ bảy cấm trộm cắp, tức là cấm chiếm đoạt tài sản của người khác
trái với ý muốn ____________của chủ nhân. Sẽ không có vấn đề _____________nếu dự
đoán được là chủ của sẽ bằng lòng cho hay việc họ từ chối là điều nghịch lý,
không hợp với mục đích chung của các sản vật. Đó là trường hợp hết sức
____________khi chỉ còn một cách duy nhất để thỏa đáng những nhu cầu cấp thời
chính yếu (như đồ ăn, nơi ở, quần áo v.v.), bằng việc chiếm quyền sử dụng
________của người khác”. (số 2408)
2. “Bất cứ hình thức nào tìm cách chiếm lấy và _________tài sản của người khác một cách__________, cho dù không trái với các khoản luật dân sự, cũng đều phạm đến điều răn thứ bảy, như việc cố ý giữ không trả những sản vật ___________hay những đồ vật vớ được; buôn bán gian lận; trả lương bất xứng với công làm; lợi dụng người ta không biết hay đang gặp khó khăn bắt họ phải mua với__________. Những điều sau đây cũng không hợp với luân lý, như _____tích trữ để tăng giá cả sản vật với mục đích trục lợi làm cho người khác bị thiệt; _______để chi phối những người có trách nhiệm phải quyết định theo luật pháp; chiếm hữu và sử dụng các sản vật ___________của công sở để xài riêng; làm việc cẩu thả; lậu thuế; _______các chi phiếu và hóa đơn; tiêu xài quá lố và hoang phí. Cố ý làm hư hại tài sản chung riêng đều là việc nghịch luân lý, cần phải bồi thường”. (số 2409)
3. “Đồng lương chính đáng là hoa trái xứng hợp của việc làm. Không trả lương hay giữ tiền lương lại có thể là một việc làm bất công nặng (x Lev 19:13; Duet 24:14-15; Jas 5:4). Để ấn định việc trả lương cho công bằng cần phải để ý đến những nhu cầu và việc đóng góp của từng người… Xét theo luân lý thì sự ___________giữa đôi bên vẫn chưa ____để ấn định mức lương”. (số 2434)
4. “Các trò chơi đỏ đen may rủi (như chơi bài bạc chẳng hạn v.v.), hay đánh cá đánh cuộc, __________, không phải là những gì ngược lại với sự___________. Chúng chỉ không hợp với luân lý khi làm cho người ta bị ___________những gì cần thiết cho nhu cầu của mình cũng như của những người khác. Đam mê cờ bạc làm cho con người trở thành nô lệ. Gian lận trong việc đánh cá đánh cuộc hay cờ bạc là một___________, trừ khi sự thiệt hại gây ra nhẹ đến nỗi kẻ chịu thiệt không cho là đáng kể”. (số 2413)
5. “Hành hạ hay giết hại thú vật không có lý do ___________là hành động không hợp với phẩm giá con người. Tiêu xài số tiền quá đáng vào thú vật, số tiền phải dành ưu tiên trong việc làm giảm bớt cảnh cùng khốn của loài người, cũng không hợp với phẩm giá con người. Người ta có thể yêu thích thú vật; song không được dành cho chúng _________chỉ xứng hợp với con người” (số 2418).
6. “Điều răn thứ mười cấm không được thèm muốn và ước ao đủ thứ sản vật trần gian một cách vô độ. Điều răn thứ mười này cấm không được có lòng tham lam phát xuất từ _________ham muốn được giầu sang và ___________bởi đó mà ra. Điều răn này cũng cấm không được ước ao làm điều bất công, ở chỗ làm thiệt hại tha nhân liên quan đến sản vật trần gian của họ”. (số 2536)
7. “Điều răn thứ mười đòi hỏi con người không được có lòng ___________với nhau… Lòng ghen tị có thể gây ra những tội ___________nhất. ‘Bởi ma quỉ ghen tị mà sự chết đã xâm nhập thế gian’”. (số 2538)
8. “Ghen tị là một mối tội đầu. Nó ám
chỉ đến nỗi _______________vì thấy nhau có của cải sản vật cũng như ám chỉ đến
lòng ước ao __________trong việc muốn chiếm hữu những của cải ấy cho mình, dù
chiếm hữu một cách bất chính đi nữa. Ghen tị là một ___________khi nó muốn gây
thiệt hại nặng nề cho tha nhân”. (số 2539) “
(tội trọng, chính đáng, trộm cắp, vô độ, buồn phiền, khẩn thiết, tài sản, độc ác,
ghen tị, cầm giữ, bất chính, quyền quí, đam mê, vay mượn, giá cao, cảm tình,
chính đáng, đầu cơ, hối lộ, lỗi nặng, thiếu hụt, dùng chung, giả mạo, công bằng,
tự chúng, thỏa thuận, đủ)