Bài Giáo Lý số 38


CẦU NGUYỆN: BẢN CHẤT VÀ ƠN GỌI
 

(các số 2558-2649)

 

 

CẢM NGHIỆM NHÂN SINH


Về võ thuật, võ sinh hay thậm chí cả võ sư đi nữa, sẽ không đủ sức tập võ, và dù có múa đúng bài quyền cước hay binh khí đi nữa, cũng vẫn không có sức đánh lâu và đánh hạ đối phương nếu phải đương đấu với một tay kỳ phùng địch thủ với mình, trái lại, họ sẽ dễ bị đối phương cao tay hơn một chút quật ngã, nếu võ sinh hay võ sư này không có nội công thâm hậu. Về phương diện tâm lý cũng thế, giữa hai người cãi nhau hay tranh luận với nhau, người nóng tính thường bị thua cuộc vì không đủ khôn ngoan sáng suốt để đối đáp với một con người vừa thâm thúy lại vừa trầm tĩnh.

Cái nội công thâm hậu của võ thuật, cũng như cái thâm thúy trầm tĩnh về tâm lý này, về phương diện tâm linh hay sống đạo, đó là đời sống nội tâm của con người. Một con người nội tâm là một con người theo bình thường có thể làm chủ được tâm tưởng, ngôn từ và hành vi cử chỉ của mình, xứng với phẩm giá làm người và ơn gọi chuyên biệt của mình. Hơn thế nữa, họ còn chẳng những có thể phản ứng xác đáng và thức thời với những gì bất thường xẩy ra cho họ, mà còn có nghị lực chịu đựng những bất trắc gây ra cho họ ngoài ý muốn của họ nữa. Thế nhưng, muốn có một đời sống nội tâm sâu xa để có thể sống bình an, hay ít là thoát khỏi tình trạng bị chới với và chìm ngập trước những cơn cuồng phong của cuộc đời là bể khổ như thế, kinh nghiệm tu đức cho thấy con người ta cần phải tập cầu nguyện và biết cầu nguyện! Thế nhưng:

1. Cầu nguyện là gì (bản chất cầu nguyện)?

2. Con người có thực sự cần phải cầu nguyện hay chăng (ơn gọi cầu nguyện)?



KIẾN THỨC ĐỨC TIN


1. BẢN CHẤT CẦU NGUYỆN

Về vấn đề cầu nguyện, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo số 2558 cho rằng bản chất của cầu nguyện đó là “mối tương quan sống động và riêng tư với Thiên Chúa hằng sống và chân thật”, và vì thế, cầu nguyện có tính cách như là một tặng ân của Thiên Chúa, một giao ước và là một mối hiệp thông.

Cầu Nguyện là Tặng Ân

• “’Cầu nguyện là nâng lòng trí của mình lên cùng Thiên Chúa hay là kêu xin Thiên Chúa ban cho những điều tốt lành’ (Thánh Gioan Đamascênô, De Fide Orth. 3, 24: PG 94, 1089C). Thế nhưng khi cầu nguyện, chúng ta đứng ở vị thế cao ngạo và ý riêng hay ‘từ tầng sâu thẳm’ của một tâm hồn tan nát khiêm cung (Ps 130:1)? Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên; khiêm nhượng là nền tảng của cầu nguyện. Chỉ khi nào chúng ta khiêm cung nhận biết rằng ‘chúng ta không biết cầu nguyện làm sao cho phải’ (Rm 8:26) chúng ta mới có thể lãnh nhận một cách nhưng không tặng ân cầu nguyện. ‘Con người là kẻ ăn xin trước nhan Thiên Chúa’”. (số 2559)

• “’Nếu chị biết ơn Thiên Chúa!’ (Jn 4:10). Tính cách kỳ diệu của cầu nguyện hiện lên cho chúng ta thấy ở bên bờ giếng, nơi chúng ta đến kín nước: chỗ Chúa Kitô đến tìm gặp mỗi người. Chính Người là Đấng tìm kiếm chúng ta trước và xin chúng ta cho Người uống. Chúa Giêsu khát; lời Người kêu xin phát xuất từ cung lòng Thiên Chúa khao khát chúng ta. Chúng ta có biết hay chăng, cầu nguyện chính là việc gặp gỡ giữa niềm khát khao của Thiên Chúa với niềm khát khao của chúng ta. Thiên Chúa khao khát chúng ta để chúng ta có thể khát khao Người (x Thánh Augustino, De Diversis Quaestionibus Octoginta Tribus 64, 4: PL 40, 56)”. (số 2560)

• “’Nếu muốn chị hãy xin Người thì Người sẽ ban nước hằng sống cho chị’ (Jn 4:10). Ngược đời thay, việc chúng ta cầu nguyện kêu xin lại là việc chúng ta đáp ứng nguyện cầu của Thiên Chúa hằng sống: ‘Họ đã bỏ Ta là suối nước hằng sống mà đi đào cho mình những cái giếng, những cái giếng cạn chẳng có nước!’ (Jer 2:13). Cầu nguyện là việc đức tin đáp lại lời Thiên Chúa tự động hứa cứu độ con người, đồng thời cũng là một đáp ứng yêu thương đối với niềm khao khát của Con Một Thiên Chúa (x Jn 7:37-39, 19-28; Isa 12:3, 51:1; Zech 12:10, 13:1)”. (số 2561)

Cầu Nguyện là Giao Ứớc

• “Cầu nguyện từ đâu phát xuất? Dù được diễn đạt bằng lời nói và cử chỉ, cầu nguyện vẫn là việc của toàn thể con người. Thế nhưng, trong việc kể ra nguồn mạch cầu nguyện, Thánh Kinh đôi khi nói về linh hồn hay tâm linh của con người, nhất là thường nói về tấm lòng cửa con người (hơn một ngàn lần). Theo Thánh Kinh, chính con tim mới là nơi cầu nguyện. Nếu lòng của chúng ta xa cách Thiên Chúa thì lời cầu nguyện của chúng ta chẳng có nghĩa lý gì cả”. (số 2562)

• “Việc cầu nguyện của Kitô giáo là việc liên hệ giao ước giữa Thiên Chúa và con người trong Đức Kitô. Chính tác động của Thiên Chúa và của con người, phát xuất từ cả Thánh Linh và bản thân chúng ta, là tác động hoàn toàn hướng về Chúa Cha, trong mối hiệp nhất với ý muốn nhân loại của Con Thiên Chúa làm người”. (số 2564)

Cầu Nguyện là Hiệp Thông

• “Theo Tân Ước, cầu nguyện là mối tương quan sống động giữa con cái Thiên Chúa với Cha của họ là Đấng thiện hảo khôn lường, với Chúa Giêsu Kitô Con Ngài cũng như với Chúa Thánh Thần. Ân huệ của Vương Quốc Thiên Chúa đó là ‘mối hiệp nhất của cả Ba Ngôi thánh hảo và vinh quang... với toàn thể tâm linh con người’ (Thánh Gregôriô Nazianzus, Oratio, 16, 9: PG 35, 945). Bởi thế, sống cầu nguyện là thói quen ở trước nhan Thiên Chúa ba lần thánh và ở trong mối hiệp thông với Ngài. Mối hiệp thông này bao giờ cũng khả dĩ, vì nhờ Phép Rửa, chúng ta đã được nên một với Chúa Kitô (x Rm 6:5). Cầu nguyện có tính cách Kitô giáo ở chỗ hiệp thông với Chúa Kitô và vươn đến toàn thể Giáo Hội là Thân Thể của Người. Các chiều kích cầu nguyện cũng là các chiều kích của tình yêu Chúa Kitô (x Eph 3:18-21)”. (số 2565)


2. ƠN GỌI CẦU NGUYỆN

Về vấn đề ơn gọi cầu nguyện, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo cố ý nói đến việc con người tìm kiếm Thiên Chúa (xem số 2566) cũng như việc Thiên Chúa kêu gọi con người trước: “Nơi việc cầu nguyện, tác động yêu thương của Vị Thiên Chúa trung thành bao giờ cũng là tác động khơi mào; việc chúng ta đáp ứng luôn là bước khởi đầu của chúng ta. Vì Thiên Chúa từ từ tỏ mình ra cũng như việc Ngài tỏ cho con người biết bản thân họ mà cầu nguyện chẳng khác gì như là một lời mời gọi lẫn nhau, là một vở tuồng giao ước. Vở tuồng này dính dáng đến cõi lòng, được biểu diễn qua các ngôn từ và tác hành. Vở tuồng ấy được diễn xuất qua suốt cả giòng lịch sử cứu độ” (số 2567), trong Thời Cựu Ước (Noe, Abraham, Moisen, Đavít, Êlia và Thánh Vịnh), Thời Viên Trọn (Chúa cầu nguyện, dạy cầu nguyện và nghe cầu nguyện), và Thời Giáo Hội (tôn tụng, nguyện cầu, chuyển cầu, tạ nguyện, ca nguyện).

THỜI CỰU ƯỚC

“Trong Thời Cựu Ước, việc cầu nguyện, diễn tiến từ khi con người sa ngã đến lúc con người được phục hồi, tỏ ra cho thấy sự kiện xẩy ra giữa lời Thiên Chúa thảm thiết kêu gọi những đứa con đầu tiên của mình: ‘Ngươi đang ở đâu?... Ngươi đã làm gì vậy?’ (Gen 3: 9,13), với lời Con Một Thiên Chúa đáp lại khi vào trần gian: ‘Này Con xin đến để thực thi ý Chúa, Ôi Thiên Chúa’ (Heb 10:5-7). Việc cầu nguyện gắn liền với lịch sử nhân loại, vì nó liên hệ với Thiên Chúa qua các biến cố lịch sử” (số 2568).
Noe: Lời cầu của lòng chân chính

• “... Việc hiến dâng của Noe làm đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng chúc phúc cho ông và qua ông cho tất cả mọi tạo vật, vì tấm lòng của ông chính trực và trung thành; như Enóc trước ông, Noe ‘bước đi với Thiên Chúa’ (Gen 6:9, 8:20-9:17). Nhiều người chân chính nơi tất cả mọi tôn giáo đều thực hiện thứ cầu nguyện này...” (số 2569)

Abraham: Lời cầu của một niềm tin

• “Khi được Thiên Chúa kêu gọi, Abraham đã ra đi ‘như Chúa bảo ông’ (Gen 12:4); lòng trí của Abraham hoàn toàn thuần phục Lời Chúa nên ông đã vâng nghe Ngài. Việc lòng trí gắn bó như vậy, một tấm lòng có những quyết định hợp với ý muốn của Thiên Chúa, là những gì thiết yếu cho việc cầu nguyện, còn ngôn từ được sử dụng chỉ có giá trị nếu liên kết với tấm lòng này mà thôi. Việc Abraham cầu nguyện thoạt tiên được thể hiện bằng các việc làm, ở chỗ, là một con người thinh lặng, ông đã xây dựng bàn thờ cho Chúa ở mỗi chặng hành trình của mình. Chỉ sau đó việc cầu nguyện lần đầu tiên bằng ngôn từ của Abraham mới xẩy ra, đó là lời ông khéo léo phàn nàn để nhắc nhở Thiên Chúa về những lời Ngài hứa với ông xem ra bất thành (x Gen 15:2f). Như thế, một khía cạnh của vở tuồng cầu nguyện diễn ra từ ban đầu đó là cuộc thử thách đức tin đối với lòng trung thành của Thiên Chúa”. (số 2570)

• “Vì Abraham tin vào Thiên Chúa và bước đi trước nhan Ngài cũng như bước đi theo những gì đã giao ước với Ngài (x Gen 15:6, 17:1f), mà vị tổ phụ này đã có thể tiếp nhận Người Khách lạ vào căn lều của mình. Việc Abraham đặc biệt tiếp đón ấy ở Memre ám chỉ đến việc truyền tin về Người Con đích thực theo lời hứa (x Gen 18:1-15; Lk 1:26-38). Sau đó, sau khi được Thiên Chúa tỏ cho biết dự án của Ngài, lòng của Abraham mới hòa điệu với lòng thương xót của Chúa đối với con người, nên ông đã dám mở miệng can thiệp cho họ bằng một lòng cậy trông vững chắc (x Gen 18:16-33)”. (số 2571)

• “Vào giai đoạn cuối cùng của việc thanh tẩy đức tin của ông, Abraham, ‘người đã nhận được lời hứa’ (Heb 11:17), được yêu cầu hy tế đứa con Thiên Chúa đã ban cho ông. Abraham đã không lung lay đức tin (‘Chính Thiên Chúa sẽ cung cấp chiên để làm của lễ toàn thiêu’), vì ông ‘cho rằng Thiên Chúa có thể phục sinh con người từ trong kẻ chết’ (Gen 22:8; Heb 11:19)...” (số 2572)

Moisen: Lời cầu của một trung gian

• “... Moisen cũng học biết cách cầu nguyện trong cuộc trao đổi với Thiên Chúa là Đấng đã tín nhiệm nơi ông, ở chỗ, ông thoái thác, viện lý, nhất là vấn nạn, để rồi, chính trong khi trả lời cho vấn nạn của ông, Chúa đã tỏ Danh thánh khôn tả của Ngài ra, một Danh thánh sẽ được tỏ hiện qua các việc làm toàn năng của Ngài”. (số 2575)

• “’Vậy Chúa thường trực diện nói với Moisen, như một người nói với bạn hữu của mình’ (Ex 33:11). Việc cầu nguyện của Moisen mang đặc tính của việc cầu nguyện chiêm niệm, việc cầu nguyện làm cho thành phần tôi tớ Thiên Chúa vẫn trung thành với sứ vụ của mình. Moisen nói chuyện với Thiên Chúa thường xuyên và lâu giờ, khi ông leo lên núi để nghe Ngài và cầu khẩn cùng Ngài, rồi trở xuống với dân chúng để lập lại những lời Thiên Chúa hướng dẫn họ...” (số 2576)

• “Từ mối thân tình như thế với Thiên Chúa trung thành, chậm bất bình và hết sức khoan dung (x Ex 34:6), Moisen đã cảm thấy mạnh mẽ và bạo dạn để thực hiện việc chuyển cầu của mình. Ông không cầu cho bản thân của ông mà là cho dân chúng, thành phần Thiên Chúa nhận làm dân riêng. Moisen đã chuyển cầu cho dân chúng trong cuộc chiến với những người Amalek, cũng như đã chuyển cầu cho Mariam được lành bệnh (x Ex 17:8-12; Num 12:13-14). Chính yếu nhất là trường hợp sau khi họ bội giáo Moisen đã ‘đứng mũi chịu sào’ trước nhan Thiên Chúa để cứu lấy dân chúng (Ps 106:23; x Ex 32:1-34:9)...” (số 2577)

Đavít: Lời cầu của một đức vua

• “Đavít là một vị vua ‘được lòng Thiên Chúa’ nhất, vua là vị mục tử đã cầu cho dân của mình cũng như nhân danh họ mà cầu. Việc vua thuần phục ý muốn của Thiên Chúa, tôn vinh chúc tụng và thống hối ăn năn là mẫu thức cầu nguyện cho dân chúng. Việc vua cầu nguyện, lời cầu nguyện của Vị Được Thiên Chúa Xức Dầu, đó là việc trung thành gắn bó với lời hứa thần linh và là việc nói lên lòng thiết tha hân hoan tin vào Thiên Chúa, Vị Quân Vương và là Chúa duy nhất (x 2Sam 7:18-29). Với các Thánh Vịnh được thần hứng bởi Thánh Linh, Đavít là vị ngôn sứ đầu tiên cho việc cầu nguyện của Do Thái và Kitô Giáo. Lời cầu nguyện của Chúa Kitô, Đấng Thiên Sai đích thực và là Con Vua Đavít, tỏ cho thấy cũng như làm trọn ý nghĩa của lời cầu nguyện này”. (số 2579)

Eâlia: Lời cầu của một tiên tri

• “Êlia là ‘cha’ của các tiên tri, thành phần thuộc ‘giòng dõi của những ai tìm Ngài, những ai tìm dung nhan của Thiên Chúa nhà Giacóp’ (Ps 24:6). Tên Êlia, ‘Chúa là Thiên Chúa của tôi’, tiên báo về tiếng dân chúng kêu lên để đáp lại lời cầu của ông trên Núi Carmêlô (1Kgs 18:39)...” (số 2582)

• “Sau khi Êlia học biết xót thương khi ôâng ẩn mình ở Suối Cherith, ông đã dạy cho bà góa thành Zarephath tin tưởng vào Lời Chúa và làm cho niềm tin của bà vững mạnh bằng lời cầu khẩn trương của ông, ở chỗ Thiên Chúa đã làm cho đứa con của bà góa hồi sinh (x Kgs 17:7-24). Hy tế trên Núi Camêlô là một thử thách quyết liệt đối với niềm tin của Dân Chúa. Để đáp lại lời nguyện cầu của Êlia, ‘xin hãy đáp lời tôi, Ôi Chúa, xin hãy đáp lời tôi’, Thiên Chúa đã cho lửa xuống thiêu hủy của lễ toàn thiêu, vào thời điểm hiến dâng lễ vật ban chiều... Sau hết, theo con đường sa mạc dẫn đến nơi Thiên Chúa hằng sống và chân thật tỏ mình ra cho dân Ngài, Êlia, cũng như Moisen trước ông, đã ẩn mình ‘trong một hốc đá’ cho đến khi sự hiện diện nhiệm mầu của Thiên Chúa qua đi (x 1Kgs 19:1-14; x Ex 33:19-23). Thế nhưng, chỉ cho tới khi ở trên Núi Biến Hình Moisen và Êlia mới thấy được dung nhan rõ rệt của Đấng họ tìm kiếm; ‘ánh sáng kiến thức về vinh quang Thiên Chúa chiếu tỏa trên dung nhan của Chúa Kitô’, Đấng tử giá và phục sinh (2Cor 4:6; x Lk 9:30-35)”. (số 2583)
Thánh Vịnh: Lời cầu của chung cộng đồng

• “Các Thánh Vịnh vừa nuôi dưỡng vừa diễn tả lời cầu nguyện của thành phần Dân Chúa họp nhau vào những ngày đại lễ ở Giêrusalem cũng như vào mỗi ngày Hưu Lễ ở các hội đường. Lời cầu nguyện của họ vừa riêng tư lẫn cộng đồng; liên quan đến cả người cầu nguyện lẫn hết mọi người. Các Thánh Vịnh đã được vang lên từ các cộng đồng ở Thánh Địa cũng như các cộng đồng ở Viễn Phương, song bao trùm tất cả mọi tạo vật. Lời cầu nguyện của họ nhắc nhở lại các biến cố cứu độ trong quá khứ, song cũng hướng đến cả tương lai, thậm chí đến tận cùng của lịch sử; lời cầu nguyện ấy tưởng nhớ đến các lời Thiên Chúa hứa đã được thực hiện, và đợi chờ Đấng Thiên Sai đến để hoàn toàn làm trọn những lời hứa ấy. Được Chúa Kitô cầu nguyện và làm trọn nơi mình, các Thánh Vịnh giữ vai trò chính yếu đối với việc cầu nguyện của Giáo Hội (x Lời Hướng Dẫn Tổng Quan Phụng Vụ Giớ Kinh, số 100-109)”. (số 2586)

• “Thánh Vịnh là cuốn sách của Lời Chúa đã trở thành lời cầu nguyện của con người... Những lời của Tác Giả Thánh Vịnh hát khen Thiên Chúa vừa kể lại vừa xưng tụng các việc cứu độ của Chúa; chỉ có một Vị Thần Linh duy nhất đã tác động cả việc Thiên Chúa làm lẫn việc con người đáp ứng. Chúa Kitô đến để liên kết cả hai việc này lại. Nơi Người, các Thánh Vịnh tiếp tục dạy chúng ta biết cách cầu nguyện”. (số 2587)

• “Hình thức cầu nguyện đa dạng của Thánh Vịnh đã được hình thành cả nơi phụng vụ Đền Thờ cũng như nơi lòng trí con người. Dù là các thánh thi hoặc các lời cầu nguyện than van hay tạ ơn, dù là riêng hay chung, dù là các bài ca vương giả, các bài hát lữ hành hay các bài suy niệm khôn ngoan, các Thánh Vịnh vẫn là một tấm gương phản chiếu các việc làm kỳ diệu của Thiên Chúa thực hiện nơi lịch sử Dân Ngài, đồng thời cũng là những phản tỉnh của cảm nghiệm nhân sinh nơi vị tác giả Thánh Vịnh. Nếu có Thánh Vịnh nào đó nhắc lại một biến cố đã qua, thì Thánh Vịnh ấy vẫn có tính cách giản dị thực sự đến nỗi thánh vịnh ấy có thể được con người dùng để cầu nguyện ở mọi thời đại và trong mọi hoàn cảnh”. (số 2588)

• “Có một số đặc tính liên tục xuất hiện khắp các Thánh Vịnh, đó là tính cách cầu nguyện giản dị và hồn nhiên; lòng khao khát chính Thiên Chúa qua và cùng với tất cả những gì thiện hảo nơi việc tạo dựng của Ngài; hoàn cảnh trăn trở của tín hữu, thành phần bởi lòng họ ưu ái Chúa nên gặp phải đông đảo kẻ thù và các chước cám dỗ, nhưng cũng là thành phần đợi trông những gì Thiên Chúa trung thành sẽ thực hiện, bằng lòng tin tưởng vào tình yêu của Ngài và bằng việc thuận phục ý muốn của Ngài. Lời cầu nguyện của các Thánh Vịnh bao giờ cũng được sinh động bằng lời chúc tụng; đó là lý do tại sao nhan đề rất xứng hợp của tuyển tập được truyền lại cho chúng ta đây là ‘Những Bài Ca Nguyện’. Được thu góp cho việc phụng thờ của cộng đồng, Thánh Vịnh vừa vang tiếng kêu gọi cầu nguyện vừa hát lên lời đáp lại tiếng gọi đó: ‘Alleluia’, ‘Hãy ngợi khen Chúa!’...” (số 2589)


THỜI VIÊN TRỌN

Chúa Kitô sống cầu nguyện

• “Con Thiên Chúa, Đấng trở nên Con của Vị Trinh Nữ, cũng học hỏi cầu nguyện theo con tim nhân loại của mình. Người đã học các mẫu cầu nguyện từ người mẹ của mình, người mẹ đã giữ trong lòng và suy niệm tất cả ‘những điều cao cả’ Đấng Toàn Năng đã làm (x Lk 1:49, 2:19, 2:51). Người đã học cầu nguyện nơi ngôn từ và âm điệu được diễn đạt trong kinh nguyện của dân Người, nơi hội đường ở Nazarét cũng như ở Đền Thờ Giêrusalem. Thế nhưng, việc cầu nguyện của Người đã phát xuất từ một nguồn kín đáo khác, như Người đã hé mở lúc lên 12 tuổi: ‘Con phải ở nơi nhà của Cha Con’ (Lk 2:49). Đến đây, tính cách mới mẻ của việc cầu nguyện trong Thời Viên Trọn được bắt đầu tỏ hiện, đó là tính cách Người cầu nguyện với tình con thảo, một tình con thảo Chúa Cha mong thấy nơi thành phần con cái của mình, một thứ tình con thảo cuối cùng được Người Con Duy Nhất này, cùng với con người và cho con người, khiêm hạ thể hiện”. (số 2599)

• “Phúc Âm Thánh Luca nhấn mạnh đến tác động của Chúa Thánh Thần và ý nghĩa cầu nguyện trong tác vụ của Chúa Kitô. Chúa Giêsu cầu nguyện trước những giây phút sứ vụ trọng yếu... (x Lk 3:21, 9:28, 22:41-44). Người cũng cầu nguyện trước những giây phút quan trọng liên quan đến sứ vụ của các tông đồ... (x Lk 6:12, 9:18- 20, 22:32)”. (số 2600)

• “Chúa Giêsu hay ẩn mình cầu nguyện nơi thanh vắng, ở trên núi, thường về ban đêm (x Mk. 1:35, 6:46; Lk 5:16)...” (số 2602)

• “Các Thánh Ký còn kể lại hai lần khác Chúa Kitô tỏ tường cầu nguyện trong cuộc đời sứ vụ của Người. Mỗi lần đều được bắt đầu bằng lời tạ ơn. Vào lần thứ nhất, Chúa Giêsu tuyên xưng Cha, nhận biết và chúc tụng Cha vì Ngài đã giấu các mầu nhiệm về Nước Trời không cho những kẻ tưởng mình là kẻ thông thái biết mà tỏ cho những trẻ nhỏ, cho thành phần nghèo hèn thuộc Các Mối Phúc Đức (x Mt 11:25-27 và Lk 10:21-23). Lời Người than lên ‘Vâng, Lạy Cha!’ đã nói lên cả tấm lòng của Người, tấm lòng gắn bó với những gì ‘thỏa lòng Cha’, lời vang vọng tiếng ‘Xin Vâng’ của Mẹ Người lúc Người được thụ thai và là lời báo trước những gì Người sẽ thưa cùng Cha trong cuộc thương khó của Người. Tất cả lời cầu nguyện của Chúa Giêsu đều ở tại tấm lòng nhân loại thiết tha gắn bó này của Người đối với mầu nhiệm ý muốn của Chúa Cha”. (số 2603)

• “Lần cầu nguyện thứ hai xẩy ra trước khi Người hồi sinh Lazarô đã được Thánh Gioan ghi lại (x Jn 11:41-42). Lời tạ ơn mở đầu việc Người cầu nguyện: ‘Lạy Cha, Con tạ ơn Cha vì Cha đã nghe lời Con’, ám chỉ Chúa Cha hằng nghe những lời cầu xin của Người. Chúa Giêsu liền thêm: ‘Con biết rằng Cha hằng nghe lời Con’, nghĩa là phần Chúa Giêsu luôn dâng lên những lời cầu như vậy. Việc cầu nguyện của Chúa Giêsu, có đặc tính tạ ơn, cho chúng ta thấy phải cầu xin thế nào, ở chỗ, trước khi nhận được ân ban, Chúa Giêsu đã hiến mình cho Đấng lấy chính mình mà ban tặng. Đấng trao ban thì cao quí hơn ân ban; Ngài là ‘kho tàng’, nơi lòng Con Ngài gắn bó; rồi Người cũng được cả ân ban ‘nữa’ (Mt 6:21, 33)”. (số 2604)

• “Khi đến giờ Người phải làm trọn dự án yêu thương của Cha, Chúa Giêsu đã thoáng cho chúng ta thấy vực thẳm vô đáy nơi lời cầu nguyện con thảo của Người, chẳng những trước khi Người tự nguyện phó mình - ‘Lạy Cha... đừng theo ý Con mà là ý Cha’ (Lk 22:42), mà còn ngay cả lúc Người thốt lên những lời cuối cùng trên Thập Giá, nơi cầu nguyện và tự hiến chỉ là một (x Lk 23:34, 43; Jn 19:26-27, 28; Mt 15:34, x Ps 22:2; Jn 19:30; Lk 23:46; x Mk 15:37; Jn 19:30b)...” (số 2605)

Chúa Kitô dạy cầu nguyện

• “Ngay từ Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh đến lòng hoán cải, ở chỗ, hòa giải với anh em mình trước khi dâng lễ vật trên bào thờ, yêu thương kẻ thù địch và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ, cầu nguyện cùng Cha trong âm thầm, chứ đừng lải nhải nhiều lời, nhân ái thứ tha cho nhau tận đáy lòng mình, giữ lòng tinh tuyền, và tìm kiếm Nước Chúa trước hết mọi sự (x Mt 5:23-24, 44-45, 6:7, 14-15, 21, 25, 33). Việc hoán cải theo tình con thảo này hoàn toàn hướng về Chúa Cha”. (số 2608)

• “Một khi đã hoán cải, lòng trí con người cần phải biết cầu nguyện bằng đức tin. Đức tin là lòng gắn bó của conc ái với Thiên Chúa vượt trên những gì chúng ta cảm thấy và hiểu được. Điều này có thể thực hiện được vì Con yêu dấu của Ngài đã mở lối cho chúng ta đến cùng Cha. Người mới xin chúng ta hãy ‘tìm’ và hãy ‘gõ’, vì chính Người là cửa và là đường (x Mt 7:7-11, 13-14)”. (số 2609)

• “Như Chúa Giêsu cầu nguyện cùng Cha và dâng lời tạ ơn trước khi nhận ân ban của Cha thế nào Người cũng dạy chúng ta lòng mạnh dạn theo tình con thảo như thế: ‘Các con cầu xin bất cứ điều gì thì hãy tin rằng các con nhận được điều ấy, điều sẽ ban cho các con’ (Mk 11:24). Mãnh lực của cầu nguyện và của đức tin không nghi ngại là như thế: ‘Tất cả mọi sự đều có thể đối với người tin tưởng’ (Mk 9:23; x Mt 21:22)...” (số 2610)

• “Việc cầu nguyện bằng đức tin không chỉ ở môi miệng thưa ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’, mà là ở việc dẵn lòng làm theo ý muốn của Chúa Cha (x Mt 7:21). Chúa Giêsu đã kêu gọi các môn đệ trong khi cầu nguyện hãy quan tâm đến việc cộng tác với dự án thần linh như thế (x Mt 9:38; Lk 10:2; Jn 4:34)”. (số 2611)

• “’Vương Quốc Thiên Chúa đã đến’ (Mk 1:15) nơi Chúa Giêsu. Người kêu gọi thính giả của mình chẳng những hoán cải và tin tưởng, mà còn tỉnh thức nữa. Khi cầu nguyện là người môn đệ tỏ ra tỉnh thức, chuyên chú vào Đấng Hiện Hữu cũng là Đấng Đang Đến, tưởng nhớ tới việc Người đến lần thứ nhất thấp hèn trong xác thịt, và trông chờ Người đến lần thứ hai trong vinh quang (x Mk 13; Lk 21:34-36). Để được hiệp thông với Thày của mình thì việc các môn đệ cầu nguyện là một cuộc chiến đấu; chỉ khi nào tỉnh thức cầu nguyện con người mới tránh khỏi sa chước cám dỗ mà thôi (x Lk 22:40, 46)”. (số 2612)

• “Khi Chúa Giêsu công khai trao cho các môn đệ cái bí mật để có thể cầu nguyện cùng Cha, Người đã tỏ cho các vị ấy biết, một khi Người trở về cùng Cha trong nhân tính vinh hiển của Người, thì những gì cần phải có nơi lời cầu nguyện của các vị cũng như của chúng ta. Cái mới mẻ ở đây là ‘cầu xin nhân danh Thày’ (Jn 14:13)...” (số 2614)

• “Hơn thế nữa, khi chúng ta cầu nguyện hiệp với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, thì những gì Chúa Cha ban cho chúng ta đó là ‘một Đấng Huấn Dụ khác để ở cùng các con luôn mãi, Ngài chính là Thần chân lý’ (Jn 14:16-17). Chiều kích mới mẻ này của việc cầu nguyện cùng với những trạng thái của việc cầu nguyện ấy đã được Chúa Kitô nói đến trong bài tạ từ của Người (x Jn 14:23-26, 15:7, 16, 16:13-15, 16:23-27). Trong Chúa Thánh Thần, việc cầu nguyện của Kitô hữu là việc hiệp thông yêu thương với Chúa Cha, chẳng những nhờ Chúa Kitô mà còn trong Chúa Kitô nữa: ‘Cho đến nay các con chưa nhân danh Thày xin gì cả; hãy xin, các con sẽ lãnh nhận, để niềm vui của các con được trọn vẹn’ (Jn 16:24)”. (số 2615)

Chúa Kitô nghe cầu nguyện

• “Việc cầu nguyện cùng Chúa Giêsu đã được Người đáp lại ngay trong khi Người còn đang thi hành sứ vụ của Người, bằng những dấu hiệu báo trước mãnh lực của cuộc tử nạn và Phục Sinh của Người, ở chỗ, Chúa Giêsu đã lắng nghe lời cầu nguyện của lòng tin tưởng, được diễn tả bằng lời nói – như của người tật phong, của ông Giairô, của người đàn bà Cananite, của người trộm lành (x Mk 1:40-41, 5:36, 7:29; x Lk 23:39-43), hay trong âm thầm – như của những người khênh kẻ bất toại, của người đàn bà loạn huyết chạm đến áo Người, của người đàn bà tội lỗi khóc lóc và xức dầu thơm (x Mk 2:5, 5:28; Lk 7:37-38). Lời khẩn cầu của các người mù, ‘Hỡi Con Vua Đavít, xin thương đến chúng tôi’ hay ‘Hỡi Giêsu, Con Vua Đavít, xin thương đến tôi!’ (Mt 9:27; Mk 10:48), đã được truyền thống lập lại nơi lời cầu cùng Chúa Giêsu, mang tên Lời Nguyện Cầu Giêsu: ‘Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương đến tôi là kẻ tội lỗi!’. Khi chữa lành bệnh nạn tật nguyền hay thứ tha tội lỗi, Chúa Giêsu bao giờ cũng đáp lại lời cầu xin tin tưởng: ‘Đức tin của con đã chữa con; hãy đi bằng an’. Thánh Âu Quốc Tinh đã tóm gọn một cách tuyệt vời ba chiều kích của việc Chúa Giêsu cầu nguyện, ở chỗ, Người cầu nguyện cho chúng ta như vị tư tế của chúng ta, cầu nguyện trong chúng ta như Thủ Lãnh của chúng ta, và được chúng ta cầu nguyện như Thiên Chúa của chúng ta. Bởi thế, chúng ta hãy nhận biết tiếng của chúng ta nơi Người và tiếng của Người nơi chúng ta (En. in Ps 85, 1: PL 37, 1081; x Lời Giới Thiệu Tổng Quan Phụng Vụ Giớ Kinh, 7)”. (số 2616)


THỜI GIÁO HỘI.

• “Vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, Thần Linh của Lời Hứa Ban được đổ xuống trên các môn đệ đang tụ họp lại ‘với nhau ở một chỗ’ (Acts 2:1). Trong khi chờ đợi Thần Linh, ‘tất cả mọi người hợp nhau chuyên chú cầu nguyện’ (Acts 1:14). Thần Linh, Đấng dạy Giáo Hội và nhắc nhở Giáo Hội mọi sự Chúa Giêsu truyền (x Jn 14:26) cũng là Đấng hướng dẫn Giáo Hội sống đời cầu nguyện”. (số 2623)

• “Nơi cộng đồng đầu tiên ở Giêrusalem, các tín hữu ‘chú tâm đến giáo huấn của các tông đồ cũng như đến việc hiệp thông, đến việc bẻ bánh và những lời kinh nguyện’ (Acts 2:42). Đó là tiến trình làm nên đặc tính cầu nguyện của Giáo Hội, việc cầu nguyện được đặt nền tảng trên đức tin tông truyền; được chứng thực bằng đức bác ái; được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể”. (số 2624)

• “Thoạt tiên, những lời kinh nguyện này là những lời kinh nguyện tín hữu đã nghe thấy và đọc được trong Thánh Kinh, nhưng cũng là những lời cầu nguyện họ lấy làm của mình – nhất là những lời kinh nguyện của Thánh Vịnh liên quan đến ý nghĩa được nên trọn của những Thánh Vịnh ấy nơi Chúa Kitô (x Lk 24:27, 44). Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho Chúa Kitô được nhớ đến một cách sống động nơi Giáo Hội của Người khi Giáo Hội cầu nguyện, cũng dẫn Giáo Hội đến tất cả sự thật, và gợi lên những mẫu thức mới để diễn tả mầu nhiệm khôn thấu của Chúa Kitô hoạt động nơi đời sống của Giáo Hội, nơi các bí tích của Giáo Hội cũng như nơi sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội. Những mẫu thức cầu nguyện này được phát triển nơi các truyền thống phụng vụ và tu đức chính. Những thể thức cầu nguyện được tỏ bày cho thấy nơi các Sách Thánh Kinh tông truyền và chính lục vẫn là lề lối cầu nguyện của Kitô giáo”. (số 2625)

Tôn Tụng

• “Chúc tụng là việc thể hiện tác động căn bản nơi việc cầu nguyện của Kitô giáo, ở chỗ, nó là việc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và loài người. Nơi việc chúc tụng có việc liên kết trao đổi với nhau giữa ân ban của Thiên Chúa và việc con người chấp nhận ân ban của Ngài. Lời kinh chúc tụng là việc con người đáp lại ân ban của Thiên Chúa, ở chỗ, được Thiên Chúa chúc phúc cho, lòng con người mới có thể chúc tụng Đấng là nguồn mạch mọi phúc lành”. (số 2626)

• “Tác động chức tụng này được thể hiện qua hai chiều hướng, đó là việc cầu nguyện của chúng ta dâng lên Chúa Cha, qua Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần, ở chỗ, chúng ta chúc tụng Ngài vì Ngài đã chúc phúc cho chúng ta (x Eph 1:3-14; 2Cor 1:3-7; 1Pet 1:3-9); việc cầu nguyện của chúng ta nài xin hồng ân Thánh Linh được ban xuống cho chúng ta từ Chúa Cha là Đấng chúc phúc cho chúng ta qua Chúa Kitô (x 2Cor 13:14; Rm 15:5-6, 13; Eph 6:23- 24)”. (số 2627)

Nguyện Cầu

• “Nói đến nguyện cầu là chúng ta muốn nói đến việc chúng ta nhận biết mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta là tạo vật, không tự mình mà có, không làm chủ được vận mạng của mình, không phải là cùng đích của chính mình. Chúng ta là những tội nhân, thành phần với tư cách là Kitô hữu vốn biết rằng chúng ta đã bỏ Cha mà đi. Lời nguyện cầu của chúng ta là việc chúng ta quay trở về với Ngài rồi vậy”. (số 2629)

• “Tác động đầu tiên của việc nguyện cầu là xin ơn tha thứ, như trường hợp của người thu thuế trong dụ ngôn Chúa dạy: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót tôi là kẻ tội lỗi!’ (Lk 18:13). Nó là điều kiện tiên quyết cho việc cầu nguyện chính trực và tinh tuyền... Xin ơn tha thứ là điều kiện tiên quyết cho cả phụng vụ Thánh Thể và cầu nguyện tư riêng”. (số 2631)

• “Trọng tâm của việc cầu xin theo Kitô giáo là ước vọng và tìm cầu Nước Chúa trị đến, như giáo huấn Chúa Kitô dạy (x Mt 6:10, 33; Lk 11:2, 13). Những lời cầu xin này có cấp trật của chúng: trước hết, chúng ta cầu cho Nước Chúa, rồi cho những gì cần thiết để đón nhận Nước Chúa và làm cho Nước Chúa trị đến. Việc hợp tác với sứ vụ của Chúa Kitô cũng như của Chúa Thánh Thần, một sứ vụ nay thuộc về Giáo Hội, là đối tượng cho lời cầu nguyện của cộng đồng tông đồ (x Acts 6:6, 13:3). Hết mọi người đã lãnh nhận phép rửa hoạt động cho Nước Chúa trị đến bằng việc cầu nguyện”. (số 2632)

• “Khi thông phần vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, chúng ta mới hiểu được rằng mọi nhu cầu đều có thể trở thành đối tượng của việc nguyện cầu. Chúa Kitô, Đấng đã mặc lấy tất cả mọi sự để cứu độ hết tất cả mọi sự, sẽ được hiển vinh bởi những gì chúng ta nhân danh Người mà xin cùng Cha (x Jn 14:13). Chính vì lòng tin tưởng này, Thánh Giacôbê và Phaolô đã khuyến dụ chúng ta hãy cầu nguyện trong mọi lúc (x Jas 1:5-8; Eph 5:20; Phil 4:6-7; Col 3:16-17; 1Thess 5:17-18)”. (số 2633)

Chuyển Cầu

• “Từ thời Abraham, việc chuyển cầu, tức việc cầu xin cho kẻ khác, đã mang đặc tính của một tấm lòng biết rung động theo tình thương của Thiên Chúa. Vào thời của Giáo Hội, việc chuyển cầu của Kitô giáo là thông phần vào việc chuyển cầu của Chúa Kitô, được thể hiện như là việc các thánh cùng thông công. Người chuyển cầu không tìm kiếm ‘các thiện ích của riêng mình mà là của kẻ khác’, thậm chí đến độ cầu nguyện cho cả những người làm hại đến bản thân mình nữa (Phil 2:4; x Acts 7:60; Lk 23:28, 34)”. (số 2635)

Tạ Nguyện

• “Tạ ơn làm nên đặc tính cầu nguyện của Giáo Hội, một việc tạ ơn được tỏ hiện và trở nên trọn vẹn hơn sẽ cho thấy bản chất của Giáo Hội là gì qua việc Giáo Hội cử hành Thánh Thể. Thật vậy, nơi việc cứu độ, Chúa Kitô đã giải cứu tạo vật khỏi tội lỗi và sự chết để tái thánh hiến nó và qui hướng nó về Chúa Cha cho vinh danh Cha. Khi phần mình của Thân Thể thực hiện việc tạ ơn là họ thông phần vào việc Đầu của họ tạ ơn”. (số 2637)

• “Nếu mọi nhu cầu đều có thể trở thành đối tượng nguyện cầu thế nào thì mọi biến cố và nhu cầu cũng có thể trở thành một lễ dâng tạ ơn như vậy. Các thư của Thánh Phaolô thường được bắt đầu và kết thúc bằng việc tạ ơn, và bao giờ cũng có sự hiện diện của Chúa Giêsu nơi việc tạ ơn này: ‘Trong mọi hoàn cảnh anh em hãy dâng lời cảm tạ; vì đối với anh em thì đó là ý muốn của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô’; ‘Anh em hãy tiếp tục kiên trì cầu nguyện, bằng việc cầu nguyện tỉnh táo với lòng tạ ơn’ (1Thess 5:18; Col 4:2)”. (số 2638)

Ca Nguyện

• “Ca tụng là hình thức cầu nguyện tỏ ra nhận biết Thiên Chúa là Thiên Chúa một cách trực tiếp hơn hết. Ca tụng là việc ngợi khen Thiên Chúa vì Ngài và tôn vinh Ngài, hoàn toàn không hẳn vì những gì Ngài làm cho bằng chỉ vì Ngài Là. Ca tụng là việc thông phần vào vinh phúc của tấm lòng tinh tuyền biết kính mến Thiên Chúa bằng đức tin trước khi được hưởng kiến Ngài trong vinh quang. Khi chúng ta ca tụng, Thần Linh ở trong tâm linh của chúng ta cho thấy chúng ta là con cái Thiên Chúa (x Rm 8:16), bằng việc chứng thực về Người Con duy nhất là Đấng nơi Người chúng ta được thừa nhận làm con và nhờ Người chúng ta tôn vinh Chúa Cha. Việc ca ngợi bao gồm những thể thức cầu nguyện khác và đưa những hình thức cầu nguyện ấy đến cùng Đấng là nguồn mạch và là cùng đích của việc ca ngợi, tức đến cùng ‘Thiên Chúa duy nhất là Cha, Đấng mọi sự thành nên bởi Ngài và là Đấng chúng ta hiện hữu cho Ngài’ (1Cor 8:6)”. (số 2639)

• “Sách Khải Huyền là thị kiến ‘về những gì sắp xẩy ra’, chẳng những chất chứa đầy những bài ca phụng vụ thiên quốc (x Rev 4:8-11, 5:9-14, 7:10-12) mà còn cả việc chuyển cầu của ‘các chứng nhân’ (tử đạo) nữa (Rev 6:10). Các vị tiên tri và các thánh nhân, tất cả những ai bị sát hại trên thế gian để làm chứng cho Chúa Giêsu, cả một đại đoàn đông đảo những vị trải qua cuộc thử thách kinh hoàng đã đi trước chúng ta vào Nước Thiên Chúa, tất cả đều hát ca chúc tụng và tôn vinh Đấng ngự trên ngai và Con Chiên (x Rev 18:24, 19:1-8). Hiệp cùng các ngài, Giáo Hội trần gian cũng ca lên những bản hát này bằng một lòng tin tưởng giữa cơn thử thách. Bằng việc nguyện cầu và chuyển cầu, đức tin hy vọng cả những lúc không còn gì để hy vọng và dâng lời tạ ơn ‘Cha nguồn ánh sáng’ là Đấng phát xuất ‘hết mọi an ban tuyệt hảo’ (Jas 1:17). Như thế thì đức tin là việc chúc tụng vẹn toàn vậy”. (số 2642)

• “Thánh Thể bao gồm và thể hiện tất cả mọi thể thức cầu nguyện, ở chỗ, Thánh Thể là ‘lễ hiến dâng tinh tuyền’ của toàn thể Thân Mình Chúa Kitô cho hiển danh Thiên Chúa (x Mal 1:11), và theo truyền thống Đông và Tây, Thánh Thể là ‘hy tế ca tụng’”. (số 2643)


TÓM LẠI:

Về vấn đề cầu nguyện, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo số 2558 cho rằng bản chất của cầu nguyện đó là “mối tương quan sống động và riêng tư với Thiên Chúa hằng sống và chân thật”, và vì thế, cầu nguyện có tính cách như là một tặng ân của Thiên Chúa (số 2559-2561), một giao ước (số 2562-2564) và là một mối hiệp thông (số 2565). Về vấn đề ơn gọi cầu nguyện, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo cố ý nói đến việc con người tìm kiếm Thiên Chúa (xem số 2566) cũng như việc Thiên Chúa kêu gọi con người trước: “Nơi việc cầu nguyện, tác động yêu thương của Vị Thiên Chúa trung thành bao giờ cũng là tác động khơi mào; việc chúng ta đáp ứng luôn là bước khởi đầu của chúng ta. Vì Thiên Chúa từ từ tỏ mình ra cũng như việc Ngài tỏ cho con người biết bản thân họ mà cầu nguyện chẳng khác gì như là một lời mời gọi lẫn nhau, là một vở tuồng giao ước. Vở tuồng này dính dáng đến cõi lòng, được biểu diễn qua các ngôn từ và tác hành. Vở tuồng ấy được diễn xuất qua suốt cả giòng lịch sử cứu độ” (số 2567), trong Thời Cựu Ước (số 2568), với Noe (số 2569), Abraham (số 2570-2572), Moisen (số 2575-2577), Đavít (số 2579), Êlia (số 2582-2583) và Thánh Vịnh (số 2586-2589); trong Thời Viên Trọn, với việc Chúa Kitô cầu nguyện (số 2599-2600, 2602-2605), việc Người dạy cầu nguyện (số 2608-2612, 2614-2615) và việc Người nghe cầu nguyện (số 2616-2619); và trong Thời Giáo Hội (số 2623-2625), với việc tôn tụng (số 2626-2627), nguyện cầu (số 2629, 2631-2633), chuyển cầu (số 2635), tạ nguyện (số 2637-2638), và ca nguyện (số 2639, 2642-2643).


THÂM TÍN SỐNG ĐẠO

• “Chúng ta đã được tỏ cho thấy việc Mẹ Maria cầu nguyện vào lúc rạng đông của thời điểm viên trọn. Trước việc Con Thiên Chúa nhập thể cũng như trước việc tuôn đổ Thánh Linh, việc cầu nguyện của Mẹ hợp với dự án nhân ái của Chúa Cha một cách chuyên biệt, như trong việc Chúa Kitô được thụ thai nơi Biến Cố Truyền Tin; trong việc hình thành Giáo Hội, Thân Thể Người, vào Ngày Lễ Ngũ Tuần (x Lk 1:38; Acts 1:14). Nơi đức tin của người nữ tì khiêm hạ của mình, Tặng Ân của Thiên Chúa tìm thấy được việc chấp nhận Ngài đã mong đợi từ ban đầu. Mẹ là người Đấng Toàn Năng đã làm cho ‘đầy ơn phúc’ đáp lại bằng việc hiến dâng cả bản thân mình cho Ngài: ‘Này tôi là nữ tì Chúa; xin hãy thực hiện nơi tôi theo lời sứ thần truyền’. ‘Lời Xin Vâng Fiat’, đó là kinh nguyện của Kitô hữu, ở chỗ hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, vì Ngài hoàn toàn hiến mình cho chúng ta”. (số 2617)

• “Phúc Âm cho chúng ta thấy Mẹ Maria đã tin tưởng cầu nguyện và chuyển cầu thế nào. Ở Cana (x Jn 2:1-12)... ở chân thập giá (x Jn 19:25-27)...” (số 2618)

• “Đó là lý do Ca Vịnh Maria (x Lk 1:46-55), Magnificat (Latinh) hay Megalynei (Byzantine) là bài ca của cả Mẹ Thiên Chúa cũng như của Giáo Hội; bài ca của Nữ Tử Sion cũng như của thanh phần tân Dân Chúa; bài ca tạ ơn về đầy những ân sủng được đổ xuống trong công cuộc cứu độ cũng là bài ca của ‘người nghèo khó’, thành phần mang niềm hy vọng được thỏa nguyện nơi việc hoàn tất các lời hứa cho tổ tông chúng ta, ‘cho Abraham và giòng dõi ông đến muôn đời’”. (số 2619)


 


Trắc Nghiệm

Xin đọc bài Giáo Lý lược tóm tổng ôn dưới đây, rồi dùng các chữ ở cuối trang để điền vào những chỗ gạch trống các câu Sách Giáo Lý vừa học hỏi cho đúng nguyên văn ý nghĩa của nó. Trong vòng 10 phút.

Qua bài Giáo Lý 38 về Cầu Nguyện: Bản Chất và Ơn Gọi, Giáo Hội Công Giáo đã cho con cái của mình thấy những điểm chính sau đây: Về vấn đề cầu nguyện, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo số 2558 cho rằng bản chất của cầu nguyện đó là “mối tương quan sống động và riêng tư với Thiên Chúa hằng sống và chân thật”, và vì thế, cầu nguyện có tính cách như là một tặng ân của Thiên Chúa (số 2559-2561), một giao ước (số 2562-2564) và là một mối hiệp thông (số 2565). Về vấn đề ơn gọi cầu nguyện, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo cố ý nói đến việc con người tìm kiếm Thiên Chúa (xem số 2566) cũng như việc Thiên Chúa kêu gọi con người trước: “Nơi việc cầu nguyện, tác động yêu thương của Vị Thiên Chúa trung thành bao giờ cũng là tác động khơi mào; việc chúng ta đáp ứng luôn là bước khởi đầu của chúng ta. Vì Thiên Chúa từ từ tỏ mình ra cũng như việc Ngài tỏ cho con người biết bản thân họ mà cầu nguyện chẳng khác gì như là một lời mời gọi lẫn nhau, là một vở tuồng giao ước. Vở tuồng này dính dáng đến cõi lòng, được biểu diễn qua các ngôn từ và tác hành. Vở tuồng ấy được diễn xuất qua suốt cả giòng lịch sử cứu độ” (số 2567), trong Thời Cựu Ước (số 2568), với Noe (số 2569), Abraham (số 2570-2572), Moisen (số 2575-2577), Đavít (số 2579), Êlia (số 2582-2583) và Thánh Vịnh (số 2586-2589); trong Thời Viên Trọn, với việc Chúa Kitô cầu nguyện (số 2599-2600, 2602-2605), việc Người dạy cầu nguyện (số 2608-2612, 2614-2615) và việc Người nghe cầu nguyện (số 2616-2619); và trong Thời Giáo Hội (số 2623-2625), với việc tôn tụng (số 2626-2627), nguyện cầu (số 2629, 2631-2633), chuyển cầu (số 2635), tạ nguyện (số 2637-2638), và ca nguyện (số 2639, 2642-2643).

1. “Cầu nguyện chính là việc __________giữa niềm khát khao của Thiên Chúa với niềm khát khao của chúng ta. Thiên Chúa khao khát chúng ta để chúng ta có thể __________Người”. (số 2560)

2. “Cầu nguyện từ đâu phát xuất? Dù được diễn đạt bằng lời nói và cử chỉ, cầu nguyện vẫn là việc của __________con người. Thế nhưng, trong việc kể ra nguồn mạch cầu nguyện, Thánh Kinh đôi khi nói về linh hồn hay tâm linh của con người, nhất là thường nói về tấm lòng cửa con người. Theo Thánh Kinh, chính ___________mới là nơi cầu nguyện. Nếu lòng của chúng ta xa cách Thiên Chúa thì lời cầu nguyện của chúng ta chẳng có nghĩa lý gì cả”. (số 2562)

3. “Theo Tân Ước, cầu nguyện là mối ____________sống động giữa con cái Thiên Chúa với Cha của họ là Đấng thiện hảo khôn lường, với Chúa Giêsu Kitô Con Ngài cũng như với Chúa Thánh Thần. Ân huệ của Vương Quốc Thiên Chúa đó là mối hiệp nhất của cả Ba Ngôi thánh hảo và vinh quang... với toàn thể tâm linh con người. Bởi thế, sống cầu nguyện là thói quen ở ___________Thiên Chúa ba lần thánh và ở trong mối hiệp thông với Ngài”. (số 2565)

4. “Trong Thời Cựu Ước, việc cầu nguyện, diễn tiến từ khi con người sa ngã đến lúc con người được phục hồi, tỏ ra cho thấy sự kiện xẩy ra giữa lời Thiên Chúa thảm thiết kêu gọi những đứa con đầu tiên của mình: ‘Ngươi đang ở đâu?... Ngươi đã làm gì vậy?’, với lời Con Một Thiên Chúa đáp lại khi vào trần gian: ‘Này Con xin đến để thực thi ý Chúa, Ôi Thiên Chúa’. Việc ___________gắn liền với ___________nhân loại, vì nó liên hệ với Thiên Chúa qua các biến cố lịch sử” (số 2568).

5. “Con Thiên Chúa, Đấng trở nên Con của Vị Trinh Nữ, cũng học hỏi cầu nguyện theo ___________nhân loại của mình... Thế nhưng, việc cầu nguyện của Người đã phát xuất từ _____________kín đáo khác, như Người đã hé mở lúc lên 12 tuổi: ‘Con phải ở nơi nhà của Cha Con’. Đến đây, tính cách __________của việc cầu nguyện trong Thời Viên Trọn được bắt đầu tỏ hiện, đó là tính cách Người cầu nguyện với tình____________, một tình con thảo Chúa Cha mong thấy nơi thành phần con cái của mình, một thứ tình con thảo cuối cùng được Người Con Duy Nhất này, cùng với con người và cho con người, khiêm hạ thể hiện”. (số 2599)

6. “Hơn thế nữa, khi chúng ta cầu nguyện hiệp với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, thì những gì Chúa Cha ban cho chúng ta đó là một Đấng ___________khác để ở cùng các con luôn mãi, Ngài chính là Thần chân lý. Chiều kích mới mẻ này của việc cầu nguyện cùng với những trạng thái của việc cầu nguyện ấy đã được Chúa Kitô nói đến trong bài tạ từ của Người. Trong Chúa Thánh Thần, việc cầu nguyện của Kitô hữu là việc ____________yêu thương với Chúa Cha, chẳng những nhờ Chúa Kitô mà còn trong Chúa Kitô nữa”. (số 2615)

7. “Nơi cộng đồng đầu tiên ở Giêrusalem, các tín hữu chú tâm đến giáo huấn của các tông đồ cũng như đến việc hiệp thông, đến việc bẻ bánh và những lời kinh nguyện. Đó là tiến trình làm nên đặc tính cầu nguyện của Giáo Hội, việc cầu nguyện được đặt nền tảng trên __________tông truyền; được chứng thực bằng đức___________; được nuôi dưỡng bằng____________”. (số 2624)

8. “Thánh Thể bao gồm và thể hiện tất cả mọi thể thức_________, ở chỗ, Thánh Thể là ‘lễ hiến dâng tinh tuyền’ của toàn thể Thân Mình Chúa Kitô cho hiển danh Thiên Chúa, và theo truyền thống Đông và Tây, Thánh Thể là ‘hy tế________’”. (số 2643)

(ca tụng, gặp gỡ, khát khao, cầu nguyện, Thánh Thể, toàn thể, con tim, bác ái, đức tin, tương quan, trước nhan, hiệp thông, Huấn Dụ, cầu nguyện, lịch sử, con thảo, mới mẻ, con tim, một nguồn)