Tổng Quan và Tóm Lược
về
Tông Thư
MỞ MÀN CHO MỘT TÂN THIÊN NIÊN KỶ
(Novo Millennio Ineunte)
của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
(Nếu muốn xem trọn bản văn bức Tông Thư này, xin vào phần
Giáo Hội, mục Chìa Khóa Nước Trời)
Vào chính ngày bế mạc Năm Thánh 2000, ngày 6/1/2001, Lễ Ba Vua, Đức Thánh Cha
Gioan Phaolô II đã gửi cho các vị giám mục, linh mục và thày sáu, tu sĩ nam nữ
và giáo dân một Bức Tông Thư mang tựa đề Latinh là "Novo Mellennio Ineunte". Bức
Tông Thư này gồm có 59 đoạn, hoàn toàn tương đương với số đoạn trong Bức Tông
Thư "Tertio Millennio Adveniente" ban hành ngày 10/11/1994 để phác họa cho việc
tổ chức Mừng Kỷ Niệm Năm Thánh 2000.
Nếu Bức Tông Thư Tertio Millennio Adveniente Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến ban hành
cuối năm 1994 đã giúp cho chúng ta sống Thời Điểm Hồng Ân Năm Thánh 2000 thế
nào, Bức Tông Thư Novo Mellennio Ineunte Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ ban
hành đầu năm 2001 cũng phác họa cho Kitô hữu chúng ta những gì cần thiết để có
thể Sống Thánh Chứng Nhân xứng danh môn đệ Chúa Kitô trong một tương lai lịch sử
như vậy. Và nếu Bức Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần Redemptor Hominis, được
ban hành Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay ngày 4/3/1979 để mở màn cho một triều đại
giáo hoàng tự nhận mình là có sứ mạng thực thi Công Đồng Chung Vaticanô II và
sửa soạn cho Kitô Giáo tiến vào Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến Tertio Millennio
Adveniente, đã nói lên niềm xác tín của chung Giáo Hội tin Chúa Kitô theo thần
học tín lý thế nào, thì Bức Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ Novo
Mellennio Ineunte lại có một tính cách mục vụ tu đức để giúp Các Giáo Hội Riêng
sống Chúa Kitô như vậy.
Chúng ta hãy nhớ rằng, là chiên của Chúa Kitô, người Kitô hữu Công Giáo chúng ta
sẽ không bao giờ đi sai lạc với đường lối và tinh thần của Chúa Kitô, nếu lúc
nào chúng ta cũng hết sức cố gắng chuyên chú lắng nghe tiếng vị chủ chiên của
mình, Vị Mục Tử Tối Cao được hiện thân nơi bản thân của những Đấng Thừa Kế Thánh
Phêrô Đại Diện Chúa Kitô trên trần gian cho tới khi Người lại đến. Đó là lý do
chúng ta cùng nhau học hỏi văn kiện rất quan trọng và khẩn thiết để Mở Màn Cho
Một Tân Thiên Niên Kỷ này. Vậy, để học hỏi kỹ lưỡng và thấu triệt ý nghĩa của
Bức Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ đây, chúng ta hãy cùng nhau tìm
hiểu 10 vấn đề như sau:
Tại sao Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viết Bức Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên
Niên Kỷ?
Bức Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ nhắm đến thành phần chính yếu nào?
Tại sao?
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viết Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ để
làm gì?
Nội dung Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ có phản ảnh mục đích của mình
chăng?
Phần nhất của Bức Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ ôn lại những biến cố
chính nào?
Phần thứ hai của Bức Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ trình bày về vấn
đề gì?
Phần thứ ba của Bức Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ kêu gọi phải sống
đạo ra sao?
Phần thứ bốn của Bức Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ kêu gọi truyền
đạo thế nào?
Nền tảng chung cho cả bốn phần của Bức Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ
là gì?
Chiều hướng chung liên kết cả bốn phần Bức Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên
Niên Kỷ là gì?
1. TẠI SAO ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II VIẾT BỨC TÔNG
THƯ MỞ MÀN CHO MỘT TÂN THIÊN NIÊN KỶ?
Thật ra, dù có đọc kỹ toàn bản văn, chúng ta cũng không thể trích ra được nguyên
văn lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói r về lý do tại sao Ngài viết và ban bố
Bức Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ. Tuy nhiên, căn cứ vào một số tư
tưởng được lập đi lập lại trong bản văn, chúng ta có thể kết luận là lý do chính
yếu hay động lực mạnh mẽ đã thúc đẩy Ngài cầm bút viết bức tông thư này là vì
Ngài không muốn thấy Cuộc Đại Hỷ Kỷ Niệm Năm Thánh 2000 qua đi một cách uổng
phí, trái lại, Ngài muốn bảo đảm làm sao cho Thời Điểm Hồng Ân này phải trở
thành một Mùa Xuân Gieo Tin Mừng Cứu Độ trong Ngàn Năm Thứ Ba Kitô Giáo. Nỗi
lòng thiết tha của Ngài lo cho tiền đồ Giáo Hội Chúa Kitô mai hậu được tỏ hiện
qua những đoạn văn sau đây:
"Duc in altum! Hãy thả lưới ở chỗ nước sâu! Hôm nay đây những lời này vang vọng
lại nơi chúng ta và kêu gọi chúng ta hãy tri ân nhớ lại quá khứ, hãy nhiệt thành
sống hiện tại và hãy tin tưởng hướng đến tương lai: 'Chúa Giêsu Kitô hôm qua,
hôm nay và muôn đời vẫn thế' (Heb 13:8)" (đoạn 1.2).
"Chúng ta đã sống Cuộc Mừng Kỷ Niệm này chẳng những như là một hoài niệm quá khứ
mà còn như một ngôn sứ tương lai nữa. Giờ đây chúng ta cần phải làm cho ân sủng
nhận được sinh lợi, bằng việc áp dụng ân sủng ấy vào những quyết tâm cũng như
vào những hướng dẫn tác hành". (đoạn 3.1)
"Vào lúc kết thúc Cuộc Mừng Kỷ Niệm đây, khi mà chúng ta trở lại với sinh hoạt
thường nhật, ôm ấp trong lòng kho tàng của chính thời điểm đặc biệt ấy, mắt
chúng ta lại càng phải gắn chặt vào dung nhan của Chúa hơn bao giờ hết". (đoạn
16.2)
"Trước hết, Tôi không ngần ngại mà nói rằng, tất cả mọi sáng kiến về mục vụ đều
phải được phác họa theo chiều hướng thánh thiện. Điều này không phải là ý nghĩa
tối hậu của ân xá Mừng Kỷ Niệm hay sao, một ân sủng đặc biệt được Chúa Kitô ban
cho để cuộc sống của mọi người đã lãnh nhận phép rửa được thánh tẩy và được thật
sự đổi mới hay sao?". (đoạn 30.1)
"Tôi hy vọng rằng, trong số những ai tham dự vào Cuộc Mừng Kỷ Niệm này, nhiều
người sẽ được lợi ích bởi ân sủng ấy, ở chỗ, hoàn toàn nhận thức được những đòi
hỏi của ân sủng mình nhận được. Để rồi, Cuộc Mừng Kỷ Niệm có qua đi, trở về với
đời sống bình thường, chúng ta vẫn ý thức được rằng, sự thánh thiện quan thiết
vẫn còn là một việc mục vụ khẩn trương hơn bao giờ hết". (đoạn 30.2)
"Giờ đây chúng ta phải nhìn về phía trước, chúng ta phải tin tưởng vào lời của
Chúa Kitô là Duc in altum để 'thả lưới ở chỗ nước sâu'. Những gì chúng ta đã
thực hiện trong năm nay không thể biện minh cho cảm giác tự mãn, và càng không
thể để cho những việc đó khiến chúng ta buông lơi việc dấn thân của mình. Ngược
lại, cảm nghiệm chúng ta có được phải khơi lên trong chúng ta một nguồn sinh lực
mới, và thôi thúc chúng ta đem nhiệt tình chúng ta đã cảm nghiệm được đầu tư vào
những sáng kiến cụ thể. Chính Chúa Giêsu đã cảnh giác chúng ta rằng: 'Ai đã tra
tay vào cầy mà còn quay trở lại thì không xứng với vương quốc của Thiên Chúa'
(Lk 9:62). Vì Vương Quốc này mà chúng ta không có thời gian để nhìn lại, thậm
chí càng không được trở thành lười biếng. Nhiều điều đang trông đợi chúng ta, và
vì lý do đó chúng ta phải bắt đầu phác họa một hoạch định về mục vụ hậu Năm
Thánh cho có tác dụng". (đoạn 15.2).
2. BỨC TÔNG THƯ MỞ MÀN CHO MỘT TÂN THIÊN NIÊN KỶ NHẮM
ĐẾN THÀNH PHẦN CHÍNH YẾU NÀO?
Về đối tượng chung của bức tông thư, ngay lời ngỏ mở đầu, Đức Thánh Cha đã nhắm
đến đủ mọi thành phần trong Giáo Hội, theo mẫu thức như thế này:
"Gửi đến Quí Huynh Giám Mục, đến Quí Linh Mục và Phó Tế, đến Quí Tu Sĩ Nam Nữ và
toàn thể Tín Hữu Giáo Dân".
Tuy nhiên, thành phần chính yếu Đức Thánh Cha muốn nhắm tới, hay nói cách khác,
đối tượng chính yếu của bản văn kiện này nói chung là tất cả mọi Giáo Hội riêng
các nơi, và nói riêng là các Vị Mục Tử chăn dắt đoàn chiên của mình tại các Giáo
Hội địa phương trên khắp thế giới. Chúng ta thấy r điều này ở đoạn cuối của bài
giảng Bế Mạc Năm Thánh 2000 của Ngài (xem L'Osservatore Romano, ấn bản Anh Ngữ,
10/1/2001, đoạn 8, được trích dẫn ở phần cuối bài viết này), cũng như ở đoạn
cuối của huấn từ trước Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 4/2/2001 (xem
L'Osservatore Romano, ấn bản Anh Ngữ, 7/2/2001, đoạn 3, cũng được trích dẫn ở
phần cuối bài viết này). Sau đây là chính những lời của Ngài trong Bức Tông Thư
liên quan đến chung các Giáo Hội địa phương cũng như riêng đến các Vị Mục Tử
chăn dắt các Giáo Hội này:
"Giờ đây chúng ta cần phải làm cho ân sủng nhận được sinh lợi, bằng việc áp dụng
ân sủng ấy vào những quyết tâm cũng như vào những hướng dẫn tác hành. Đó là việc
Tôi muốn mời gọi tất cả mọi giáo hội địa phương đảm nhận". (đoạn 3.1)
"Đây là thời điểm mỗi một Giáo Hội địa phương cần phải thẩm định lại hồng ân của
mình và phải tạo lấy cho mình một nhiệt tình mới trước những trách nhiệm về tinh
thần cũng như về mục vụ, bằng việc suy nghĩ đến những gì Thần Linh vẫn đang nói
với Dân Chúa trong năm hồng ân đặc biệt này, nhất là trong một thời đoạn xa hơn
kể từ Công Đồng Chung Vaticanô II cho tới Cuộc Kỷ Niệm Đại Hỷ". (đoạn 3.2)
"Giờ đây chúng ta không còn đối diện với một mục tiêu gần kề nữa, mà là một
thách đố gay go hơn trong sinh hoạt mục vụ bình thường. Với những vấn đề phổ
quát và bất khả châm chước, chương trình của Phúc Âm phải tiếp tục đâm rễ, như
vẫn từng xẩy ra, vào đời sống của Giáo Hội khắp nơi. Chính các giáo hội địa
phương phải phác ra một dự án mục vụ chi tiết với những đặc tính chuyên biệt -
về mục tiêu và phương pháp, việc huấn luyện và thăng tiến thành phần tham dự
viên, việc tìm kiếm các nguồn phụ cấp cần thiết - để giúp vào việc loan báo Chúa
Kitô cho con người, việc khuôn đúc các cộng đồng, cũng như việc mang lại tác
dụng sâu xa dứt khoát trong vấn đề làm chứng cho các giá trị Phúc Âm nơi môi
trường xã hội và văn hóa...". (đoạn 29.4)
"Bởi thế, Tôi tha thiết kêu gọi Quí Vị Mục Tử ở các Giáo Hội riêng, với sự trợ
giúp của tất cả mọi thành phần Dân Chúa, hãy tin tưởng phác họa những bước đường
cho cuộc hành trình trước mặt, bằng cách hòa hợp những dự tính của mỗi một cộng
đồng giáo phận với những dự tính của các Giáo Hội lân bang cũng như của Giáo Hội
hoàn vũ". (đoạn 29.5)
"Bởi thế cho nên, vấn đề trọng yếu đó là, tất cả mọi hoạch định mục vụ làm cách
nào đó phải đặt trọng tâm vào việc dạy cầu nguyện. Bản thân Tôi đã quyết định
dùng những buổi giáo lý vào ngày Thứ Tư hằng tuần tới đây để suy niệm về các
Thánh Vịnh, mở đầu là các Thánh Vịnh của Kinh Ban Mai, những kinh nguyện chung
được Giáo Hội dùng để kêu mời chúng ta thánh hóa và điều hành ngày sống của
chúng ta... phải đặc biệt dạy cho dân chúng cầu nguyện theo kinh phụng vụ...".
(đoạn 34.2)
"Tôi cũng xin hãy dũng cảm trong việc mục vụ để làm sao bảo đảm được rằng việc
trình bày giáo huấn thường xuyên của các cộng đồng Kitô hữu về việc thực hành Bí
Tích Hòa Giải có thể đánh động lòng người và mang lại kết quả tốt đẹp... Năm
Mừng Kỷ Niệm, một năm đã được đánh dấu một cách đặc biệt bằng một cuộc trở về
với Bí Tích Thống Hối, đã mang lại cho chúng ta một sứ điệp phấn khởi, một sứ
điệp không được coi thường, đó là, nếu nhiều người, trong đó có nhiều thành phần
giới trẻ, đã được lợi ích bởi việc đến với Bí Tích này, thì có lẽ các Vị Mục Tử
cũng cần phải ôm lấy họ bằng một tấm lòng tin tưởng hơn, hứng khởi hơn và kiên
trì hơn trong việc trình bày bí tích ấy và làm cho con người cảm nhận được bí
tích này. Anh em trong hàng ngũ linh mục thân mến, chúng ta không được đầu hàng
cuộc khủng hoảng đang qua đi này! Các tặng ân Chúa ban - mà các Bí Tích là những
tặng ân quí báu nhất - đều phát xuất từ Đấng thấu biết lòng trí con người và
đồng thời cũng là Chúa của lịch sử". (đoạn 37)
"Nếu trong việc hoạch định sắp tới chúng ta dấn thân một cách tin tưởng hơn vào
sinh hoạt mục vụ theo chiều hướng cầu nguyện riêng cũng như chung, là chúng ta
tỏ ra tuân giữ một yếu tố chính yếu về đời sống theo quan điểm Kitô giáo, đó là
vai trò cốt yếu của ân sủng. Có một xu hướng thường vây hãm mọi cuộc hành trình
thiêng liêng và công cuộc mục vụ, đó là xu hướng tưởng rằng các thành quả gặt
hái được đều tùy thuộc vào khả năng hoạt động và dự liệu của chúng ta. Vị Thiên
Chúa của công cuộc xin chúng ta hãy thực sự cộng tác với ân sủng của Ngài, bởi
thế, Ngài cũng kêu gọi chúng ta hãy đầu tư tất cả mọi nguồn trí khôn lẫn nghị
lực vào việc phục vụ cho Vương Quốc của Ngài. Thế nên, thật là nguy hiểm nếu
quên rằng 'không có Chúa Kitô chúng ta không thể làm gì được' (x Jn 15:5)".
(đoạn 38.1)
"Chính việc cầu nguyện làm cho chúng ta thâm tín được chân lý này. Nó liên lỉ
nhắc nhở chúng ta về vai trò chính yếu của Chúa Kitô, cũng như vai trò trọng yếu
của đời sống nội tâm và thánh thiện trong việc hiếp nhất với Người. Một khi
không tôn trọng nguyên tắc này, thì các dự án về mục vụ bất thành khiến cho
chúng ta cảm thấy chán chường ngần ngại có lạ lùng hay chăng? Bởi thế chúng ta
mới thấm thía được cái cảm nghiệm của các vị môn đệ trong câu truyện Phúc Âm
thuật lại về mẻ cá lạ là 'Chúng con đã vất vả thâu đêm mà chẳng bắt được gì hết
trơn' (Lk 5:5). Đó là giây phút của đức tin, của nguyện cầu, của việc hoán cải
trở về cùng Thiên Chúa, để mở lòng chúng ta ra cho triều sóng ân sủng cũng như
cho lời của Chúa Kitô thấm vào chúng ta với tất cả năng lực của lời ấy: Duc in
altum Hãy thả lưới ở chỗ nước sâu! Trong trường hợp ấy, chính Phêrô đã nói lên
những lời tỏ ra lòng tin tưởng của mình: 'Con sẽ thả lưới theo lời Thày' (cùng
nguồn vừa dẫn). Vào lúc tân thiên kỷ mở màn đây, hãy để cho Vị Thừa Kế Thánh
Phêrô kêu mời toàn thể Giáo Hội hãy tỏ ra tác động đức tin này, một tác động
được thể hiện nơi việc tái thiết tha cầu nguyện" (đoạn 38.2).
"'Nếu các con yêu thương nhau thì tất cả mọi người căn cứ vào điều ấy mà nhận
biết các con là môn đệ của Thày' (Jn 13:15). Nếu chúng ta thực sự chiêm ngưỡng
dung nhan Chúa Kitô, anh chị em thân mến, thì việc chúng ta hoạch định chương
trình mục vụ phải được chi phối bởi 'giới răn mới' mà Người đã ban cho chúng ta:
'Các con hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương các con' (Jn 13:34)" (đoạn
42.1).
"Đó là một lãnh vực quan trọng khác cần phải được Giáo Hội hoàn vũ và các Giáo
Hội riêng chú trọng và hoạch định: một lãnh vực hiệp thông (koinonia) là hiện
thân và cho thấy chính yếu tính của mầu nhiệm Giáo Hội" (đoạn 42.2).
3. ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II VIẾT TÔNG THƯ MỞ MÀN
CHO MỘT TÂN THIÊN NIÊN KỶ ĐỂ LÀM GÌ?
Nếu lý do và động lực thúc đẩy Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viết Bức Tông Thư
Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ có vẻ thiên về phương diện tiêu cực một chút, ở
chỗ, Ngài sợ rằng ân sủng của Thời Điểm Năm Thánh 2000 vô cùng đặc biệt quí báu
sẽ trở thành uổng phí, thì mục đích của bản văn kiện này, hay chủ đích Ngài viết
văn kiện ấy, lại hết sức tích cực, ở chỗ, là để Ngài, với tư cách là một vị Mục
Tử Tối Cao Thừa Kế Thánh Phêrô, chia sẻ với các Vị Mục Tử dẫn dắt Giáo Hội riêng
trên khắp thế giới về chương trình mục vụ của tất cả mọi Giáo Hội địa phương
(mục đích gần), nhờ đó Giáo Hội Chúa Kitô hoàn vũ có thể càng ngày càng trở nên
huy hoàng ngời sáng hơn trong tương lai (mục đích xa). Sau đây là nguyên văn lời
Ngài viết đã r ràng cho thấy ý định thực sự của Ngài:
"Đây là thời điểm mỗi một Giáo Hội địa phương cần phải thẩm định lại hồng ân của
mình và phải tạo lấy cho mình một nhiệt tình mới trước những trách nhiệm về tinh
thần cũng như về mục vụ, bằng việc suy nghĩ đến những gì Thần Linh vẫn đang nói
với Dân Chúa trong năm hồng ân đặc biệt này, nhất là trong một thời đoạn xa hơn
kể từ Công Đồng Chung Vaticanô II cho tới Cuộc Kỷ Niệm Đại Hỷ. Chính vì nhắm đến
mục đích ấy mà Tôi muốn cống hiến Bức Tông Thư này vào lúc kết thúc Năm Mừng Kỷ
Niệm đây, một đóng góp của Tôi trong vai trò Kế Thừa Thánh Phêrô, để Giáo Hội
được ngời sáng hơn bao giờ hết nơi các tặng ân của Giáo Hội, cũng như nơi mối
hiệp nhất của Giáo Hội trong cuộc hành trình của mình". (đoạn 3.2)
4. NỘI DUNG TÔNG THƯ MỞ MÀN CHO MỘT TÂN THIÊN NIÊN KỶ
CÓ PHẢN ẢNH MỤC ĐÍCH CỦA MÌNH CHĂNG?
Nếu mục đích xa là làm sao cho Giáo Hội trở thành huy hoàng ngời sáng thì
mục đích gần của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong việc viết bức tông thư Mở
Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ là để phác ra một số hướng dẫn chủ yếu cần thiết
cho chương trình mục vụ của tất cả mọi Giáo Hội địa phương khắp nơi trên thế
giới. Nội dung của bức tông thư này hoàn toàn phản ảnh trung thực mục đích trực
tiếp này.
Có thể nói, tất cả bức Tông Thư "Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ" được gói ghém
trong câu văn này:
"Chúng ta đã sống cuộc Mừng Kỷ Niệm này chẳng những như là một hoài niệm quá khứ
mà còn như một ngôn sứ tương lai nữa. Giờ đây chúng ta cần phải làm cho ân sủng
nhận được sinh lợi, bằng việc áp dụng ân sủng ấy vào những quyết tâm cũng như
vào những hướng dẫn tác hành. Đó là việc Tôi muốn mời gọi tất cả mọi giáo hội
địa phương đảm nhận" (đoạn 3.1).
Thật thế, bốn phần chính của bức tông thư đã làm sáng tỏ ý tưởng chủ chốt nơi
câu văn này như sau. Phần thứ nhất về việc "Gặp Gỡ Chúa Kitô: Di Sản Năm Thánh"
đã gợi lại những gì liên quan đến diễn tiến trong Năm Thánh như là "một hoài
niệm quá khứ", được Đức Thánh Cha khai mở bằng câu Kinh Thánh trong Sách Khải
Huyền (11:17) "Chúng tôi cảm tạ Ngài, Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng"; phần thứ
bốn về "Những Chứng Nhân Tình Yêu" đã phác họa những gì liên quan đến vai trò
của "một ngôn sứ tương lai", được khai mở với lời Chúa Giêsu nói với các tông đồ
ở Bữa Tiệc Ly trong Phúc Âm Thánh Gioan (13:35): "Nếu các con yêu thương nhau
thì căn cứ vào điều này tất cả sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thày"; phần
thứ ba về "Một Dung Nhan Để Chiêm Ngưỡng", được bắt đầu bằng câu trong Phúc Âm
Thánh Gioan (12:21) "Chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu" và phần bốn về việc "Bắt Đầu
Lại Từ Chúa Kitô", được bắt đầu với lời Chúa Giêsu nói ở câu kết Phúc Âm Thánh
Mathêu (28:20): "Thày ở cùng các con luôn mãi cho đến tận thế", cả hai phần giữa
của Bức Tông Thư này đã khai triển một cách r ràng những gì "chúng ta cần phải
làm cho ân sủng nhận được sinh lợi, bằng việc áp dụng ân sủng ấy vào những quyết
tâm cũng như vào những hướng dẫn tác hành". Còn nội dung của tất cả bốn phần
này, đã được Đức Thánh Cha trích đoạn 5 của Phúc Âm Thánh Luca thuật lại về một
mẻ cá lạ để gợi ý cho toàn bản văn kiện, xuất hiện ngay ở những hàng đầu tiên mở
đầu cho bức tông thư như sau:
"Vào lúc mở màn cho một tân thiên niên kỷ, cũng như vào lúc kết thúc cho Cuộc
Đại Hỷ Kỷ Niệm được chúng ta cử hành mừng hai ngàn năm Chúa Giêsu giáng sinh
đây, và vào lúc bắt đầu cho một giai đoạn hành trình mới của Giáo Hội, chúng ta
dường như đang nghe thấy những lời của Chúa Giêsu vang lên trong lòng, những lời
mà, hôm ấy, sau khi ngồi trên thuyền của Simon nói với dân chúng, Người đã kêu
vị Tông Đồ này hãy thả lưới đánh cá 'ở chỗ nước sâu'ù: 'Duc in altum' (Lk 5:4).
Tông đồ Phêrô và đồng bạn của ngài đã tin vào lời Chúa Kitô nói mà thả lưới, để
rồi, 'khi làm theo như vậy, họ đã bắt được một mẻ cá to' (Lk 5:6)"
Như thế, chủ yếu của Đức Thánh Cha viết bức tông thư này đúng là Ngài muốn kêu
gọi và thúc giục "tất cả mọi giáo hội địa phương", sau Thời Điểm Hồng Ân Năm
Thánh 2000, thời điểm "Gặp Gỡ Chúa Kitô" (phần tông thư thứ 1: "Di Sản Năm
Thánh"), phải sống đạo "sâu" hơn, ở chỗ, nhận biết Chúa Kitô thâm thúy hơn (phần
tông thư thứ 2: "Một Dung Nhan Để Chiêm Ngưỡng"), cũng như ở chỗ gắn bó với Chúa
Kitô thiết tha hơn (phần tông thư thứ 3: "Bắt Đầu Lại Từ Chúa Kitô"), để nhờ đó
có thể thực sự trở thành những Tông Đồ Chuyên Nghiệp đánh cá người (phần tông
thư thứ 4: "Những Chứng Nhân Tình Yêu"), cho Thiên Niên Kỷ Thứ Ba thực sự trở
thành một Mùa Xuân Gieo Tin Mừng Cứu Độ.
5. PHẦN NHẤT CỦA BỨC TÔNG THƯ MỞ MÀN CHO MỘT TÂN THIÊN
NIÊN KỶ ÔN LẠI NHỮNG BIẾN CỐ CHÍNH NÀO?
Trong phần thứ nhất này của bức tông thư "Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ", Đức
Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhắc lại những biến cố chính yếu của Năm Thánh
2000, như việc Giáo Hội thanh tẩy ký ức ngày 12/3 (đoạn 6), việc tưởng niệm các
chứng nhân đức tin ngày 7/5 (đoạn 7), việc giáo dân hành hương Năm Thánh (đoạn 8
và 10), việc giới trẻ tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới XV (đoạn 9), việc tổ chức
Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế và việc Đức Thánh Cha Hiến Dâng Tân Thiên Kỷ cho Mẹ
Maria (đoạn 11), việc Đại Kết Kitô Giáo cùng nhau cử hành mừng Năm Thánh ngày
18/1 (đoạn 12), việc Đức Thánh Cha hành hương đến Đất Thánh (đoạn 13), và sau
cùng là việc giảm nợ quốc tế (đoạn 14).
Tuy nhiên, theo Đức Thánh Cha, nếu việc "gặp gỡ Chúa Kitô là di sản của Năm
Thánh", thì không còn gì ý nghĩa hơn là việc Hành Hương Năm Thánh của chính bản
thân Ngài đến Thánh Địa, cũng như của đủ mọi thành phần giáo dân đến Giáo Đô
Rôma, nhất là của giới trẻ và của một số thành phần tiêu biểu, đã được Ngài đặc
biệt đề cập đến trong Bức Tông Thư của Ngài như sau: Hành Hương Mừng Năm Thánh
(đoạn 8), Giới Trẻ Mừng Năm Thánh (đoạn 9), Trẻ Em Mừng Năm Thánh (đoạn 10.1),
Người Lớn Mừng Năm Thánh (10.2). Nhân Công Mừng Năm Thánh (10.3), Gia Đình Mừng
Năm Thánh (10.4), Ngục Tù Mừng Năm Thánh (10.5), Giúp Vui Mừng Năm Thánh (10.6),
Giáo Hoàng Mừng Năm Thánh (đoạn 13).
6. PHẦN THỨ HAI CỦA BỨC TÔNG THƯ MỞ MÀN CHO MỘT TÂN
THIÊN NIÊN KỶ TRÌNH BÀY VỀ VẤN ĐỀ GÌ?
Trong phần thứ hai của Bức Tông Thư "Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ" này, để
Kitô hữu ở "tất cả mọi Giáo Hội riêng" có thể chiêm ngưỡng Dung Nhan Chúa Kitô
một cách chính xác, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã căn cứ vào "Chứng Từ của
Các Phúc Âm" (đoạn 17 và 18) cũng như vào "Đời Sống Đức Tin" (đoạn 19-20) các vị
Tông Đồ (như Tôma, Phêrô và Gioan) là những chứng nhân tiên khởi, để đi vào
"Chiều Sâu của Mầu Nhiệm" (đoạn 21-23), ở đó, có "Dung Nhan của Người Con" (đoạn
24), "Một Dung Nhan Sầu Khổ" (đoạn 25-27), cũng là "Dung Nhan của Đấng Phục
Sinh" (đoạn 28). Có thể phân tích và tóm gọn phần này như sau:
Chúng ta chiêm ngưỡng Dung Nhan Chúa Kitô với Mục Đích là để Làm Chứng về Người,
chẳng những bằng cách nói về Người mà còn bằng việc tỏ Người ra, một việc chỉ có
thể thực hiện được sau khi chiêm ngưỡng dung nhan Người mà thôi (đoạn 16); chúng
ta chiêm ngưỡng Dung Nhan Chúa Kitô, một dung nhan theo trình thuật của Các Phúc
Âm đã được Giáo Hội công nhận (đoạn 18); chúng ta chiêm ngưỡng Dung Nhan Chúa
Kitô là một Ngôi Vị có hai Bản Tính (đoạn 21); chúng ta chiêm ngưỡng Dung Nhan
Chúa Kitô được phát xuất từ chính Ý Thức của Chúa Kitô, nghĩa là từ chính những
gì Chúa Kitô nghĩ về Người (đoạn 24); chúng ta chiêm ngưỡng Dung Nhan Chúa Kitô,
một dung nhan nhờ mầu nhiệm ngôi hiệp hai bản tính nên có những Đường Nét vừa
Sầu Khổ vừa Vinh Quang (đoạn 25-28); chúng ta chỉ có thể chiêm ngưỡng Dung Nhan
Chúa Kitô bằng Đức Tin và một đời sống Thinh Lặng Nguyện Cầu mà thôi (đoạn
19-20); và chúng ta chiêm ngưỡng Dung Nhan Chúa Kitô để tìm thấy một Nền Tảng
vững chắc cho Khoa Nhân Loại Học (đoạn 23).
7. PHẦN THỨ BA CỦA BỨC TÔNG THƯ MỞ MÀN CHO MỘT TÂN
THIÊN NIÊN KỶ KÊU GỌI PHẢI SỐNG ĐẠO RA SAO?
Sang phần thứ ba của Bức Tông Thư "Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ" của mình,
để Kitô hữu ở "tất cả mọi Giáo Hội riêng", đối tượng chính của bản văn kiện, có
thể "bắt đầu lại từ Chúa Kitô", Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trước hết đã nhắc
lại ơn gọi sống "thánh thiện" trong việc mục vụ (đoạn 30-31), sau đó, Ngài đã đi
thẳng vào những việc sống đạo quen thuộc hết sức thực tế, như "cầu nguyện" (đoạn
32-34), cử hành "Thánh Lễ Chúa Nhật"(đoạn 35-36), lãnh nhận "Bí Tích Hòa Giải"
(đoạn 37), cậy dựa vào "Ân Sủng" hơn là vào tài năng sức lực hoạt động tự nhiên
của con người (đoạn 38), việc "Lắng Nghe Lời Chúa" (đoạn 39), và việc "Loan Báo
Lời Chúa"(đoạn 40-41). Tuy nhiên, trước khi đi vào chi tiết vấn đề "những ưu
tiên mục vụ", Đức Thánh Cha đã xác định r những việc ưu tiên mục vụ này đòi hỏi
tất cả mọi người phải thực hiện, chứ không riêng một thành phần nào, và không
phải là thực hiện những gì mới lạ, cho bằng thực hiện chương trình sẵn có ngàn
đời của Phúc Âm cũng như của Truyền Thống Giáo Hội, song là một chương trình cần
phải được thích ứng với hoàn cảnh của thời đại mình đang sống. Ngài đã viết lên
những điều này trong đoạn số 29 để chuyển ý từ phần hai sang phần ba.
"Thế nên, những gì đang chờ đợi chúng ta sẽ là một công việc hứng khởi làm tái
sinh động lãnh vực mục vụ, một công việc bao gồm tất cả mọi người chúng ta. Để
hướng dẫn và khích lệ mọi người, Tôi muốn đề cập đến một số những vấn đề ưu tiên
mục vụ, theo Tôi nghĩ, được xuất phát từ cảm nghiệm của Cuộc Đại Hỷ Kỷ Niệm".
Qua đoạn tông thư 30 và 31, Vị Đại Diện Chúa Kitô muốn chúng ta phải "Bắt Đầu
Lại Từ Chúa Kitô" bằng càch cố gắng luyện tập nên thánh qua cuộc sống hằng ngày
của từng người cũng như qua việc hòa nhập với sinh hoạt của các hội đoàn công
giáo tiến hành cũ mới trong Giáo Hội.
Qua đoạn tông thư 32, 33 và 34, Vị Đại Diện Chúa Kitô muốn chúng ta phải "Bắt
Đầu Lại Từ Chúa Kitô" bằng việc học tập và sống cầu nguyện trong Chúa Ba Ngôi
theo phụng vụ, để làm sao có thể đạt đến một trình độ say yêu thì chúng ta mới
có khả năng đi làm lịch sử cứu độ.
Qua đoạn tông thư 35 và 36, Vị Đại Diện Chúa Kitô muốn chúng ta phải Bắt Đầu Lại
Từ Chúa Kitô" bằng việc tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật, không phải chỉ để chu toàn
luật buộc mà còn cảm thấy cần thiết cho đời sống đạo của mình, nhờ đó Kitô hữu
chúng ta mới càng được hiệp thông với Giáo Hội hơn và không cảm thấy bị cô lập
lẻ loi trong một thế giới có những đối chọi giữa văn hóa và tôn giáo làm cho
Kitô giáo có những nơi trở thành thiểu số.
Qua đoạn tông thư 37, Vị Đại Diện Chúa Kitô muốn chúng ta phải "Bắt Đầu Lại Từ
Chúa Kitô" bằng việc Hòa Giải, một việc cần phải được thực hiện nhất là trong
thời đại bị khủng hoảng về ý thức tội lỗi này, một thời đại do đó cần phải nhìn
lên dung nhan vô cùng nhân hậu của Chúa Kitô, một dung nhan cần được các Vị Mục
Tử, Giám mục cũng như linh mục, hãy lợi dụng những cuộc tìm về với bí tích hòa
giải của giáo dân trong Năm Thánh 2000 để làm cho dung nhan của Người được sáng
tỏ hơn qua việc mục vụ và thừa tác vụ thánh của các vị.
Qua đoạn tông thư 38, Vị Đại Diện Chúa Kitô muốn chúng ta phải "Bắt Đầu Lại Từ
Chúa Kitô" trong Ân Sủng, ở chỗ, nhờ đời sống cầu nguyện chúng ta mới có thể
luôn luôn ý thức được vai trò trọng yếu của ân sủng, của Chúa Kitô trong việc
hoạt động mục vụ, một hoạt động vì thế có gặt hái được thành quả tốt đẹp, thì
hoàn toàn không phải là do bởi khả năng tự nhiên và nỗ lực loài người, thậm chí
nếu có vì tự phụ tự mãn của mình mà tác nhân bị thảm bại trong việc tông đồ mục
vụ đi nữa, thì đó cũng chính là giây phút ân sủng, là cơ hội đức tin rất thuận
lợi để họ đặt lại vấn đề cho đúng chỗ của nó.
Qua đoạn tông thư 39, Vị Đại Diện Chúa Kitô muốn chúng ta phải "Bắt Đầu Lại Từ
Chúa Kitô" bằng việc chuyên chú lắng nghe Lời Chúa, ở chỗ chẳng những ham đọc
Thánh Kinh, dạy giáo lý và truyền giáo bằng Thánh Kinh, có cuốn sách Thánh Kinh
tại mỗi gia đình, mà còn ở chỗ đọc cả các sách thiêng liêng được kín múc từ
Thánh Kinh nữa.
Và qua đoạn tông thư 40, Vị Đại Diện Chúa Kitô muốn chúng ta phải "Bắt Đầu Lại
Từ Chúa Kitô" bằng việc truyền bá Lời Chúa, ở chỗ, phải làm sao lấy lại được
lòng nhiệt thành của các Tông Đồ trong Ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống xưa để có
thể thực hiện một cuộc tái truyền bá phúc âm hóa trong một thời đại đang theo
chiều hướng toàn cầu hóa và cho một thế giới đang ở trong một tình trạng hỗn hợp
bất ổn về văn hóa, một cuộc truyền bá phúc âm hóa bởi thế phải hết sức chú trọng
đến nhu cầu hội nhập văn hóa.
8. PHẦN THỨ BỐN CỦA BỨC TÔNG THƯ MỞ MÀN CHO MỘT TÂN
THIÊN NIÊN KỶ KÊU GỌI TRUYỀN ĐẠO THẾ NÀO?
Tới phần thứ bốn cũng là phần cuối cùng của Bức Tông Thư "Mở Màn Cho Một Tân
Thiên Niên Kỷ" của mình, để Kitô hữu ở "tất cả mọi Giáo Hội riêng", mục tiêu
chính của bản văn kiện, có thể thực sự trở thành "một ngôn sứ tương lai", theo
Đức Thánh Cha, "những chứng nhân tình yêu"này cần phải sống "linh đạo hiệp
thông" (đoạn 43-45) theo "các ơn gọi khác biệt" (đoạn 46-47) của mình, phải
"tham gia việc đại kết" (đoạn 48), "thắt kết mọi sự vào đức ái"(đoạn 49-50) nhất
là nơi "những thách đố ngày nay" (đoạn 51-52), được tỏ ra bằng "một dấu hiệu cụ
thể" (đoạn 53), sau hết phải biết "đối thoại và truyền giáo" (đoạn 54-56). Trong
đoạn chuyển ý (42) chủ yếu cho cả phần bốn này của bức tông thư, Đức Thánh Cha
đã nhấn mạnh đến đức bác ái, một yếu tố chẳng những chứng tỏ cho thấy chính yếu
tính của mầu nhiệm Giáo Hội, mà còn là một yếu tố làm cho Giáo Hội thực sự trở
thành một bí tích hiệp thông nữa.
"'Nếu các con yêu thương nhau thì tất cả mọi người căn cứ vào điều ấy mà nhận
biết các con là môn đệ của Thày' (Jn 13:15). Nếu chúng ta thực sự chiêm ngưỡng
dung nhan Chúa Kitô, anh chị em thân mến, thì việc chúng ta hoạch định chương
trình mục vụ phải được chi phối bởi 'giới răn mới' mà Người đã ban cho chúng ta:
'Các con hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương các con' (Jn 13:34)" (đoạn
42.1). "Đó là một lãnh vực quan trọng khác cần phải được Giáo Hội hoàn vũ và các
Giáo Hội riêng chú trọng và hoạch định: một lãnh vực hiệp thông (koinonia) là
hiện thân và cho thấy chính yếu tính của mầu nhiệm Giáo Hội. Hiệp thông là hoa
trái và biểu lộ cho thấy mối tình yêu xuất phát từ tấm lòng của Cha Hằng Hữu và
được tuôn đổ trên chúng ta nhờ Thần Linh Chúa Giêsu ban cho chúng ta' (Rm 5:5),
để làm cho tất cả chúng ta được 'đồng tâm nhất trí' (Acts 4:32). Chính ở tại
việc xây đắp mối hiệp thông yêu thương này mà Giáo Hội mới hiện hữu như là một
'bí tích', như là 'dấu hiệu và là dụng cụ của mối hiệp thông với Thiên Chúa cũng
như mối hiệp nhất nhân loại' (Hiến Chế Lumen Gentium, 1)" (đoạn 42.2).
Qua đoạn tông thư 43, 44 và 45, Vị Đại Diện Chúa Kitô muốn chúng ta phải trở
thành những "Chứng Nhân Tình Yêu", trước hết bằng "Linh Đạo Hiệp Thông", một
linh đạo phải chi phối các việc huấn luyện nội bộ, nhất là, kể từ sau Công Đồng
Chung Vaticanô II, đã có những cải tiến nơi cơ cấu tổ chức và sinh hoạt trong
Giáo Hội hoàn vũ cũng như tại các Giáo Hội địa phương, một linh đạo phải phản
ảnh mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi,, làm cho chúng ta nhờ đó sống với nhau như những chi
thể của cùng một thân thể, biết chia vui sẻ buồn với nhau, biết mừng cho nhau
khi được hưởng phúc, cũng như biết chia sẻ nâng đỡ nhau khi gặp gian nan hoạn
nạn, một linh đạo phải được thể hiện ở mọi cấp trong Giáo Hội giữa đủ mọi thành
phần với nhau.
Qua đoạn tông thư 46 và 47, Vị Đại Diện Chúa Kitô muốn chúng ta phải trở thành
những "Chứng Nhân Tình Yêu" theo "Ơn Gọi Khác Biệt" của mỗi một người, ở chỗ, ý
thức trách nhiệm chủ động của mình nơi sinh hoạt của Giáo Hội trong mọi lãnh vực
thích hợp với mình, những trách nhiệm của vai trò là thành phần giáo sĩ hay tu
sĩ, một ơn gọi ngày nay cần phải được phát động hơn nữa, hay của vai trò là
thành phần tông đồ giáo dân, một ơn gọi sống giữa lòng đời để biến đổi trần thế,
một ơn gọi đã được hiện thân qua những mẫu hội đoàn cũ mới để đắc lực phục vụ
Giáo Hội trong tinh thần hiệp nhất với Giáo Hội, một ơn gọi còn được thể hiện
qua đời sống hôn nhân gia đình theo đúng ý định của Thiên Chúa để làm sáng tỏ
mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội.
Qua đoạn tông thư 48, Vị Đại Diện Chúa Kitô muốn chúng ta phải trở thành những
"Chứng Nhân Tình Yêu" bằng việc "Tham Gia Đại Kết", ở chỗ, Kitô hữu chúng ta, cà
Giáo Hội Công Giáo Rôma, Chính Thống Giáo Đông Phương và Giáo Hội Cải Cách Tây
Phương, phải làm sao để có thể thực sự tỏ ra muốn lãnh nhận ơn hiệp nhất Thiên
Chúa luôn tuôn ban cho chung Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô, Đấng đã xin "cho
họ được nên một", một mối hiệp nhất làm nên thực tại của Giáo Hội Người, song bề
ngoài đã bị rạn nứt nơi nỗi yếu hèn của con cái Giáo Hội trong giòng lịch sử
thời gian, khi họ đáp ứng nguyện vọng hiệp nhất của Chúa Kitô và ân sủng hiệp
nhất của Thần Linh.
Qua đoạn tông thư 49 và 50, Vị Đại Diện Chúa Kitô muốn chúng ta phải trở thành
những "Chứng Nhân Tình Yêu" bằng việc "Thắt Kết Đức Ái", nhất là với thành phần
nghèo khó, chẳng những với thành phần nghéo khó về vật chất trong xã hội, một xã
hội đang tiến theo chiều hướng toàn cầu hóa thiên về lợi lộc của một thiểu số có
cơ may song lại rất bất lợi cho đại đa số kém may mắn hơn, nên đã phải sống
trong những hoàn cảnh bất xứng với nhân phẩm làm người, mà còn với cả thành phần
nghèo khó về tâm linh, một hình thức nghèo khó mới mẻ ngày nay ở nơi chính những
chỗ sung túc về vật chất; tuy nhiên, việc "thắt kết đức ái" với cả hai thành
phần nghèo khó về vật chất lẫn tâm linh này chẳng những phải được tỏ ra ở việc
cứu trợ họ một cách thỏa đáng nhu cầu của họ, mà còn ở cách cứu trợ họ một cách
thân tình nữa, đến nỗi làm cho họ cảm thấy vui thỏa trong tình nghĩa gia đình
với mình.
Qua đoạn tông thư 51 và 52, Vị Đại Diện Chúa Kitô muốn chúng ta phải trở thành
những "Chứng Nhân Tình Yêu" trước những "Thách Đố Ngày Nay", như tình trạng
khủng hoảng môi sinh, tình trạng chiến tranh loạn lạc, nhất là tình trạng vi
phạm nhân quyền, nhất là vi phạm đến quyền lợi về sự sống, ở chỗ, Kitô hữu, nhất
là thành phần giáo dân ở ngay trong lòng đời, phải làm sao giải thích cho con
người ngày nay biết những gì Giáo Hội Công Giáo truyền dạy không phải là để bắt
thành phần khác niềm tin với mình phải tuân giữ, cho bằng để bảo vệ các giá trị
nhân bản chân chính, để chẳng những xây dựng một xã hội loài người theo đúng
đường hướng của Phúc Âm Chúa Kitô, mà còn giải quyết những vấn đề xã hội một
cách thích hợp nữa, theo chiều kích Nhập Thể và cánh chung của Kitô giáo.
Qua đoạn tông thư 53, Vị Đại Diện Chúa Kitô muốn chúng ta phải trở thành những
"Chứng Nhân Tình Yêu" bằng việc "Thắt Kết Đức Ái" được tỏ ra qua một "Dấu Hiệu
Cụ Thể", đó là việc Tòa Thánh thiết lập một quĩ đóng góp, một quĩ do nhiều người
công tư đã đóng góp vào việc tổ chức Năm Thánh 2000 song còn dư lại để làm việc
bác ái sau này, quĩ này như giòng sông đức ái của Giáo Hội liên tục chảy qua
giòng lịch sử thế giới từ đầu cho tới nay.
Và qua đoạn tông thư 54, 55 và 56, Vị Đại Diện Chúa Kitô muốn chúng ta phải trở
thành những "Chứng Nhân Tình Yêu", sau hết, bằng việc "Đối Thoại Truyền Giáo",
tức bằng việc đối thoại liên tôn trong thời điểm đa văn hóa và đa tôn giáo ngày
nay, không phải chỉ ở việc gặp gỡ trao đổi với nhau vậy thôi mà còn nhất là ở
mối liên hệ tôn giáo với nhau nữa; riêng về việc gặp gỡ đối thoại liên tôn, Kitô
hữu không được coi đó là một cuộc thương thảo hay dung hòa đạo giáo, song phải
là dịp để chứng tỏ niềm hy vọng sâu xa trong thâm tâm của mình, một việc đối
thoại liên tôn tuy không thay thế chính việc truyền giáo thực sự cho muôn dân
song cũng hướng về việc truyền giáo này, bằng thái độ chuyên chú lắng nghe Thần
Linh Chúa nói trong lòng lịch sử, qua các thứ triết thuyết, văn hóa và đạo giáo
của loài người.
9. NỀN TẢNG CHUNG CHO CẢ BỐN PHẦN CỦA BỨC TÔNG THƯ MỞ
MÀN CHO MỘT TÂN THIÊN NIÊN KỶ LÀ GÌ?
Qua tất cả những gì được Đức Thánh Cha phác họa trong Bức Tông Thư thời đại này,
chúng ta thấy nền tảng chung của tất cả bốn phần làm nên nội dung của bản văn
kiện này là phần thứ ba, phần được mở đầu bằng sự thánh thiện và nhấn mạnh đặc
biệt đến việc cầu nguyện, nhất là cầu nguyện có tính cách phụng vụ và bằng Lời
Chúa, những yếu tố làm nên nội tâm và sinh lực thiêng liêng của Kitô hữu cũng
như chi phối tất cả mọi sinh hoạt mục vụ ngoại tại khác, nhất là việc hoạt động
mục vụ, tông đồ truyền giáo.
"Việc luyện tập nên thánh này đòi cuộc sống Kitô hữu phải nổi vượt về nghệ thuật
cầu nguyện. Năm Mừng Kỷ Niệm là một năm cầu nguyện tha thiết hơn, riêng cũng như
chung. Thế nhưng, chúng ta quá biết rằng, không phải tự nhiên mà chúng ta biết
cầu nguyện. Chúng ta cần phải học cầu nguyện, như học một thứ nghệ thuật luôn
mới mẻ này từ môi miệng của chính Vị Thày Thần Linh, giống trường hợp của các
môn đệ đầu tiên: 'Lạy Chúa, xin dạy cho chúng con biết cầu nguyện!' (Lk 11:1).
Cầu nguyện làm phát triển cuộc trao đổi với Chúa Kitô, Đấng làm cho chúng ta trở
thành những bạn hữu thân thiết của Người: 'Các con hãy ở trong Thày và Thày ở
trong các con' (Jn 15:4). Cuộc trao đổi tương thân này là chính bản chất và là
linh hồn của đời sống Kitô hữu, cũng là điều kiện cho tất cả mọi sinh hoạt mục
vụ đích thực nữa. Cuộc trao đổi tương thân này, do Chúa Thánh Thần mang lại cho
chúng ta, hướng chúng ta tới việc chiêm ngưỡng dung nhan Cha, nơi Chúa Kitô và
trong Chúa Kitô. Học được việc cầu nguyện theo kiểu mẫu Ba Ngôi Thiên Chúa này,
cũng như sống kiểu mẫu cầu nguyện đó một cách trọn vẹn, đặc biệt trong phụng vụ
là tuyệt đỉnh và là nguồn mạch của đời sống Giáo Hội (Hiến Chế Phụng Vụ Thánh,
10), mà còn cả theo cảm nghiệm riêng tư của mình nữa, đó là bí quyết của một
Kitô Giáo thực sự sinh động, một Kitô Giáo không lo sợ về tương lai, vì nó liên
tục trở về nguồn và tìm thấy nơi chính mình sự sống mới" (đoạn 32).
"Phải, anh chị em thân mến, các cộng đồng Kitô hữu chúng ta phải trở nên 'những
trường học' cầu nguyện chuyên chính, nơi mà việc gặp gỡ Chúa Kitô được thể hiện
không phải chỉ ở chỗ kêu xin ơn trợ giúp mà còn trong cả chỗ tạ ơn, chúc tụng,
tôn thờ, chiêm ngưỡng, lắng nghe và sùng mộ nữa, cho đến khi con tim thực sự
'say yêu'. Đúng thế, việc say sưa cầu nguyện không làm cho chúng ta sao lãng
việc chúng ta dấn thân đi làm lịch sử, vì khi mở lòng chúng ta ra cho tình yêu
của Thiên Chúa, lòng của chúng ta cũng mở ra để yêu thương anh chị em của chúng
ta nữa, và làm cho chúng ta có khả năng hình thành lịch sử theo dự án của Thiên
Chúa (x. Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, Bức Thư về Một Số Khía Cạnh của Việc Kitô Hữu
Suy Niệm Orationis Formas ngày 15/10/1989: AAS 82 năm 1990, 362-379)" (đoạn
33.3).
"Bởi thế cho nên, vấn đề trọng yếu đó là, tất cả mọi hoạch định mục vụ làm cách
nào đó phải đặt trọng tâm vào việc dạy cầu nguyện. Bản thân Tôi đã quyết định
dùng những buổi giáo lý vào ngày Thứ Tư hằng tuần tới đây để suy niệm về các
Thánh Vịnh, mở đầu là các Thánh Vịnh của Kinh Ban Mai, những kinh nguyện chung
được Giáo Hội dùng để kêu mời chúng ta thánh hóa và điều hành ngày sống của
chúng ta... phải đặc biệt dạy cho dân chúng cầu nguyện theo kinh phụng vụ..."
(đoạn 34.2).
"Chắc chắn một điều là vai trò chính yếu của thánh thiện cũng như của việc cầu
nguyện không thể nào thiếu được việc tái lắng nghe lời Chúa" (đoạn 39).
10. CHIỀU HƯỚNG CHUNG LIÊN KẾT CẢ BỐN PHẦN BỨC TÔNG THƯ
MỞ MÀN CHO MỘT TÂN THIÊN NIÊN KỶ LÀ GÌ?
Nếu nền tảng cho toàn bộ bản văn kiện này là phần hai, phần nhấn mạnh đến sự
thánh thiện và đặc biệt là việc cầu nguyện theo phụng vụ và bằng lời Chúa thì
chiều hướng chung của bức tông thư là phần thứ bốn, phần về truyền giáo, một
hoạt động chính yếu và sống còn của Giáo Hội, vì là việc làm nên chính bản chất
của Giáo Hội. Thật vậy, tất cả mọi việc sống đạo của Kitô hữu chúng ta dù có cầu
nguyện sốt sắng đến đâu đi nữa, có sống thánh thiện đến mấy đi nữa, nếu không
sinh hoa kết trái qua việc tông đồ truyền giáo hay bằng việc tông đồ truyền giáo
thì phải xét lại vấn đề ơn gọi là ánh sáng thế gian của mình.
"Nuôi dưỡng chính mình bằng lời Chúa để trở thành 'tôi tớ phục vụ lời Chúa'
trong công cuộc truyền bá phúc âm hóa, đó là một vấn đề ưu tiên đối với Giáo Hội
vào lúc bình minh của một tân thiên niên kỷ. Ngay cả ở nơi những xứ sở được
truyền bá phúc âm hóa từ nhiều thế kỷ trước đây, thì thực tại về một 'xã hội
Kitô giáo', một xã hội ở giữa tất cả những yếu hèn bao giờ cũng gắn liền với
cuộc sống của con người, đã sống hoàn toàn theo những giá trị của Phúc Âm, giờ
đây không còn nữa. Ngày nay, chúng ta phải can đảm đương đầu với một tình trạng
đang càng ngày càng trở nên đa tạp và gay go theo chiều hướng 'toàn cầu hóa',
cũng như theo chiều hướng của một tình trạng hỗn hợp bất ổn mới xẩy ra nơi các
dân tộc và văn hóa. Từ nhiều năm nay, Tôi vẫn thường hay lập đi lập lại những
lần kêu gọi hãy thực hiện việc tân truyền bá phúc âm hóa. Giờ đây Tôi lại kêu
gọi điều này một lần nữa, nhất là muốn chú trọng đến việc chúng ta phải làm bừng
lên lại trong chúng ta lòng hăng hái của những thuở ban đầu, cũng như phải làm
sao cho mình đầy nhiệt tình rao giảng của các tông đồ sau Ngày Lễ Ngũ Tuần.
Chúng ta phải phục hồi trong chúng ta niềm xác tín nóng bỏng của Thánh Phaolô,
vị đã kêu lên rằng: 'Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm' (1Cor 9:16)"
(đoạn 40.1).
Để thấy được tầm mức hết sức quan trọng và cần thiết của văn kiện này, xin kính
mời quí vị thính giả hãy theo di những lời của Đức Thánh Cha luôn nhắc nhở về
bản văn kiện này cho tới nay, ở chỗ, Ngài không ngừng lập lại ý tưởng nống cốt
của Bức Tông Thư là "hãy bắt đầu lại từ Chúa Kitô", cũng như không ngừng đề cập
đến câu "Duc in altum", tức "Hãy thả lưới ở chỗ nước sâu", một câu tiêu biểu và
là cốt li của toàn Bức Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ.
Ngày 12/1, trong bài diễn từ ngỏ với vị đại sứ thuộc xứ Malta, ĐTC đã nhắc đến ý
hướng của Bức Tông Thư này như sau:
"Sau khi được thăng hoa về cảm nghiệm thiêng liêng nhờ cuộc Mừng Kỷ Niệm, Giáo
Hội đang sửa soạn tiếp tục cuộc hành trình của mình. Giáo Hội tiến vào ngàn năm
thứ ba, bằng cách bắt đầu lại từ Chúa Kitô, hăm hở làm chứng cho tình yêu của
Người giữa tất cả mọi ân tộc" (L'Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 24/1/2001,
đoạn 2).
Ngày 20/1, Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm Cho Các Dân Nước và Viện Đại Học Giáo
Hoàng Urbanô tổ chức buổi hội thảo mừng kỷ niệm 10 năm ban hành Thông Điệp Sứ Vụ
Đấng Cứu Chuộc Redemptoris Missio của ĐTC Gioan Phaolô II, Ngài đã ngở lời với
thành phần tham dự như sau:
"Năm Mừng Kỷ Niệm vừa kết thúc, một năm đối với Giáo Hội ghi dấu một đà trớn
thuận lợi về lòng nhiệt thành đạo đức. Trong Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên
Niên Kỷ, Tôi đã vạch ra cho hết mọi tín hữu thuộc đủ mọi tuổi tác và văn hóa nhu
cầu cần phải tiếp tục thả lưới ở chỗ nước sâu, bằng cách bắt đầu lại từ Chúa
Kitô. Đối với sứ vụ truyền giáo cho muôn dân thì điều này thực sự là một nguồn
lực mới, một cuộc canh tân những phương thức mục vụ. Nếu hết mọi dân nước có
quyền biết đến tin mừng cứu độ, thì nhiệm vụ chính yếu của chúng ta là thay họ
mở các cửa ra cho Chúa Kitô bằng việc truyền bá và làm chứng" (L'Osservatore
Romano, ấn bản Anh ngữ, 31/1/2001, đoạn 3).
Ngày 22/1, các nữ tu Tôi Tớ Chúa Giêsu và Mẹ Maria dòng Thánh Âu Quốc Tinh kỷ
niệm 150 năm qua đời của Mẹ sáng lập, ĐTC đã nhắc nhở họ vào lúc kết thúc cuộc
kỷ niệm này như sau:
"Năm Thánh vừa chấm dứt thì, với Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ, Tôi
đã muốn kêu mời Giáo Hội 'hãy thả lưới ở chỗ nước sâu'. Quí chị em nữ tu thân
mến, Tôi muốn lập lại điều này với chị em, đó là chúng ta phải bắt đầu lại từ
Chúa Kitô! Phải, đối với chị em thì đây cũng là một cuộc dấn thân trước tiên của
chị em nữa vậy. Chị em đừng rời mắt khỏi dung nhan Chúa Kitô, ở chỗ, chị em hãy
chiêm ngưỡng Người bằng một đời sống liên lỉ nguyện cầu, cũng như bằng việc phục
vụ Người qua việc bác ái nơi giới trẻ và thành phần nghèo túng (đoạn 2)... Những
ai liên lỉ giao tiếp với Chúa Kitô mới có thể đáp ứng được những mong đợi của
con người ta, nhất là của thành phần gặp khó khăn thử thách. 'Chúa Kitô được
chiêm niệm cũng chính là Đấng sống động và chịu khổ nơi thành phần nghèo hèn
(Tông Huấn Đời Tận Hiến, 82)... Chỉ có những ai bản thân được gặp gỡ Chúa Kitô
mới có thể nói về Người một cách đánh động ci lòng của anh chị em mình và mới có
thể làm cho họ cảm nghiệm được mối thân tình của Người, một mối thân tình sâu xa
đến nỗi nội tâm của họ cảm kích và được Người biến đổi" (L'Osservatore Romano,
ấn bản Anh ngữ, 7/2/2001, đoạn 3).
Ngày 2/2, Lễ Mẹ Dâng Chúa, Ngày Thế Giới của Đời Tận Hiến hằng năm, ĐTC đã giảng
trong Thánh Lễ và nhắn nhủ thành phần tu sĩ này như sau:
"Chúng ta đang cử hành lễ Mẹ Dâng Chúa Giêsu ở Đền Thờ Giêrusalem sau Giáng Sinh
40 ngày, với đầy những cảm xúc chúng ta đã cảm nhận được trong thời gian Mừng Kỷ
Niệm Năm Thánh vừa chấm dứt. Chúng ta vẫn đang tiếp tục tiến hành theo đường lối
của mình, một cuộc tiến hành theo lời hướng dẫn của Chúa Kitô đã nói với Phêrô:
'Duc in altum - Hãy thả lưới ở chỗ nước sâu' (Lk 5:4). Anh chị em sống đời tận
hiến thân mến, Giáo Hội cũng mong được anh chị em đóng góp nữa, để tiến bước
trong một giai đoạn mới của cuộc hành trình theo những hướng dẫn Tôi đã đề ra
trong Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ, đó là chiêm ngưỡng dung nhan
Chúa Kitô, bắt đầu lại từ Người và làm chứng nhân cho tình yêu của Người"
(L'Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 7/2/2001, đoạn 3).
Ngày 4/2, trước buổi Nguyện Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hằng tuần, ĐTC đã lập
đi lập lại lời châm ngôn của Bức Tông Thư này như sau:
"'Duc in altum - Hãy thả lưới ở chỗ nước sâu'. Lời mời gọi của Chúa Kitô là câu
chính yếu, hầu như là câu 'châm ngôn' của Tông Thư 'Mở Màn Cho Một Tân Thiên
Niên Kỷ'... 'Duc in altum - Hãy thả lưới ở chỗ nước sâu': hôm nay Tôi muốn nói
lại lời này một lần nữa với hết mọi vị Giám Mục và từng Cộng Đồng Giáo Phận. Đây
là thời thuận tiện cho một nhiệt tâm mới về sống đạo và mục vụ, không phải là
một cái gì không hiện thực mà là một cảm nghiệm sâu xa, mạnh mẽ về ân sủng chúng
ta đã lãnh nhận trong năm Mừng Kỷ Niệm" (L'Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ,
7/2/2001, đoạn 2-3).
Đặc biệt nhất là ngày 6/1, tức chính ngày Lễ Hiển Linh cũng là ngày ban hành Bức
Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ, ĐTC đã tóm tắt tất cả nội dung và ý
hướng của bản văn kiện này ở phần kết bài giảng cho Thánh Lễ Bế Mạc Năm Thánh
2000 như sau:
"Tôi cống hiến những suy tư này cho các Giáo Hội riêng, như là một 'di sản' của
Cuộc Đại Hỷ Kỷ Niệm, để các Giáo Hội này có thể đưa những suy tư ấy vào chương
trình mục vụ của mình. Nhu cầu khẩn thiết trước tiên là hãy lợi dụng lòng ước
muốn chiêm ngưỡng Chúa Giêsu Kitô như chúng ta đã cảm nghiệm thấy trong năm Mừng
Kỷ Niệm. Qua dung nhan nhân loại của Người Con Mẹ Maria ấy, chúng ta nhận ra Lời
hóa thành nhục thể nơi tất cả thần tính và nhân tính của Người. Những nhà nghệ
sĩ điêu luyện đệ nhất, của cả Đông Phương lẫn Tây Phương, đã từng trổ tài để
diễn đạt mầu nhiệm của Dung Nhan này. Thế nhưng, Thần Linh, 'nhà điêu họa' thần
linh, mới là Đấng khắc Dung Nhan ấy nơi tâm can của tất cả những ai chiêm ngưỡng
Người và yêu mến Người. Chúng ta cần 'bắt đầu từ Chúa Kitô', bằng lòng nhiệt
thành của Ngày Lễ Hiện Xuống, với một nhiệt tình đổi mới. Việc bắt đầu từ Chúa
Kitô trước hết ở nơi việc dấn thân sống thánh mỗi ngày, bằng tinh thần cầu
nguyện và lắng nghe Lời Chúa. Việc bắt đầu từ Chúa Kitô để minh chứng cho Tình
Yêu của Người, bằng cách sống đời Kitô hữu được thể hiện nơi mối hiệp thông, nơi
tình bác ái cũng như nơi việc làm chứng nhân trước thế giới. Đó là chương trình
Tôi đề nghị trong bức Tông Thư đây. Tất cả có thể được tóm gọn lại thành một chữ
duy nhất, đó là 'Chúa Giêsu Kitô!'" (đoạn 8.1). "Ngay khi bắt đầu cho Giáo Triều
của Tôi, và từ đó đã biết bao nhiêu lần Tôi lên tiếng kêu nài con cái nam nữ của
Giáo Hội cũng như thế giới là 'Hãy mở rộng các cửa cho Chúa Kitô'. Tôi muốn lập
lại câu này một lần nữa, trong dịp kết thúc Cuộc Mừng Kỷ Niệm này, vào lúc mở
màn cho một tân thiên niên kỷ đây. Hãy mở rộng các cửa cho Chúa Kitô" (đoạn
8.2). "Xin Chúa ban cho Giáo Hội, trong tân thiên niên kỷ, được lớn lên trong
thánh thiện hơn bao giờ hết, để nơi lịch sử nhân loại, Giáo Hội trở nên một cuộc
hiển linh thực sự phản ảnh dung nhan nhân ái và hiển vinh của Chúa Kitô. Amen!"
(đoạn 9.2).
( L'Osservatore Romano ấn bản Anh ngữ, 10/1/2001, trang 2)