|
TỰ DO LÀ LÀM
CHỦ CUỘC ĐỜI
Lịch sử loài người cho thấy chưa bao giờ con người được tự do như con
người hiện đại, con người từ hậu bán thế kỷ 20, cũng như con người ở đầu
thập niên của thế kỷ 21 và thiên kỷ thứ ba ngày nay. Họ chẳng những được
hưởng đủ mọi thứ quyền làm người do hiến định, tiêu biểu nhất là Bản Tuyên
Ngôn Nhân Quyền do Tổ Chức Liên Hiệp Quốc ban hành ngày 10/12/1948, mà họ
còn được luật pháp bảo vệ cho khỏi bị vi phạm đến quyền làm người của mình
nữa. Ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp của hầu hết các quốc gia trên
thế giới hiện nay là tiêu biểu cho trình độ nhân bản tuyệt đỉnh của con
người văn minh tân tiến. Như thế, phải chăng tự do là một cái gì nhân tạo,
do luật pháp mà có, do con người ban cho nhau? Bằng không thì tại sao con
người không có tự do như nhau và giống nhau ở các nơi trên thế giới, hay ở
các thời trong lịch sử. Chẳng hạn thời xưa con người không được phép ly dị
và phá thai, thời nay thì hầu như đã trở thành một qui chế văn minh chung
được các nơi công nhận và cho phép. Chẳng hạn thời nay chỉ mới có một số
rất ít nơi con người được quyền đồng tính luyến ái và đồng tính kết hôn,
còn các nơi khác vẫn còn ngập ngừng. Chưa hết, cũng là người như nhau tại
sao, theo luật pháp, người này lại có quyền lợi hơn người khác hay trên
người khác, chẳng hạn thai mẫu có quyền phá thai nhi. Đó là lý do một số
vấn đề cần được đặt ra ở đây là:
Con người thực sự có tự do hay chăng?
Nếu có tự do thì tự do từ đâu mà có?
Có tự do hay tự do có để làm gì?
Làm sao để có thể sống tự do?
1.- Con người thực sự có tự do hay chăng ?
Vấn đề “con người thực sự có tự do hay chăng?” là vấn đề được chủ trương
và giải quyết tùy theo nhân sinh quan và ý hệ của con người. Đối với thành
phần chủ trương “tự do là muốn làm gì cũng được”, thì con người không có
tự do. Bởi vì, đối với họ, có những cái họ không làm được và có những cái
họ không được làm. Những cái họ không làm được về phương diện khả năng tự
nhiên như trường sinh bất tử, không bao giờ bị đau khổ, khôn ngoan thông
suốt mọi sự v.v. Những cái họ không được làm về phương diện quyền năng
luân lý như trộm cướp, giết người, hiếp dâm v.v. Đối với thành phần pro
choice phò quyền tự quyết tuyệt đối thuộc thế giới tư bản duy thực dụng
(unitarianism) thì con người có tự do với điều kiện là họ phải thuộc về
thành phần “mạnh được yếu thua”, “cá lớn nuốt cá bé”. Nghĩa là, trong một
xã hội pro choice thì chỉ có kẻ mạnh mới có tự do, có quyền sống, thậm chí
có cả quyền sinh sát trên kẻ yếu, như thai nhi, bệnh nhân bất trị. Đối với
thành phần theo chủ nghĩa tranh đấu giai cấp xã hội cũng thế, cũng chủ
trương “mạnh được yếu thua”, kẻ yếu không bao giờ được tự do và luôn bị
kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, đối với quan niệm phổ quát và cảm nhận đại
đồng thì con người thực sự có tự do, nhưng là một thứ tự do có giới hạn,
chứ không phải là một thứ tự do tuyệt đối.
Những dấu hiệu chứng tỏ con người có tự do là ở chỗ con người phải chịu
trách nhiệm về các việc mình làm, là con người có khả năng suy nghĩ, chọn
lựa và quyết định, nhất là ở chỗ con người biết yêu thương. Thật vậy, sở
dĩ con người phải chịu trách nhiệm về mọi việc và từng việc mình làm là vì
con người có tự do, một tự do được tỏ tường thể hiện ở chỗ họ đã biết suy
nghĩ trước khi làm, đã khôn ngoan chọn lựa giữa lành dữ, lợi hại nơi việc
mình làm, và cuối cùng đã quyết định dứt khoát làm, dù thành bại, tốt xấu,
đúng sai v.v. Tự do nơi con người còn được sáng tỏ hơn nữa ở việc họ biết
yêu thương, đến nỗi, tự do làm nên chính bản chất của yêu thương, nghĩa là
không có tự do cũng không có yêu thương hay không đáng gọi là yêu thương.
Như muối mà không mặn thì không còn là muối, đúng hơn chỉ là vôi hoặc một
thứ bột mì hay bột nếp nào đó trăng trắng giống như muối mà không mặn, hay
ánh sáng mà không chiếu tỏa không còn là ánh sáng, đúng hơn chỉ là bóng
râm hay bóng tối thế nào, thì yêu thương mà không có tự do cũng chẳng còn
là yêu thương nữa, đúng hơn chỉ là yêu sách, yêu ma, yêu quái.
Có thể nói, con vật sống bản năng thế nào, con người cũng sống tự do như
vậy. Tự do tuy không phải là bản tính làm nên hữu thể con người như hồn
thiêng và xác thể, nhưng lại là nguyên tố làm nên phẩm vị nơi con người,
là quyền năng làm người của con người. Nếu con người thiếu tâm linh chẳng
khác gì như một loài chim không có cánh, như trường hợp bị chậm phát triển
tâm trí nặng hoặc bị mất trí, thì con người mất tự do cũng giống như một
loài có cánh mà lại bị nhốt trong lồng, như trường hợp tù đầy hoặc bị
cưỡng bức. Con người có tự do mới có thể hiện thực bản tính là người của
mình, cũng như mới có thể sống trọn thân phận làm người của mình. Đó là lý
do, theo nguyên tắc và khuynh hướng tự nhiên, con người càng tự do mới
càng đạt đến tầm vóc thành nhân của mình, mới đạt được hạnh phúc viên
trọn. Phải chăng đó là căn nguyên khiến con người càng văn minh tột bậc về
nhân quyền ngày nay càng vận dụng hết cách để đạt tới chỗ tự do tuyệt đối?
Qua những tham vọng thái quá về tự do của con người ngày nay, dù sao chúng
cũng cho chúng ta thấy được rằng con người giống như Thần Linh, một Thực
Tại Siêu Việt, Tuyệt Đối Tự Do với Quyền Toàn Năng làm gì cũng được, nên
họ luôn có khuynh hướng muốn trở thành Thần Linh, đúng như giấc mộng của
Adong và Evà trong vườn địa đường được Sách Sáng Thế Ký của Do Thái Giáo
kể đến (xem Gen 3:5-6), một giấc mộng để đạt được, họ phải “vượt biên”
giới tự do của họ. Thế nhưng, tiếc thay, thực tế cho thấy, vì con người là
loài hữu hình và hữu hạn, không phải là chính Thần Linh Tối Cao, hay ít là
loài thuần linh vô hình như các thần trời, bởi đó, tự do của họ cũng chỉ
tới một giới hạn nào thôi. Dấu hiệu cho thấy giới hạn của tự do nơi con
người đó là, mỗi khi họ “vượt biên” quá giới hạn quyền tự do của mình, họ
sẽ bị bội thực và cảm thấy rất khó chịu trong người, mà hậu quả xẩy ra là
xã hội sẽ bị phóng uế bởi những thứ bẩn thỉu hôi thối do họ mửa ra, sặc
mùi tham vọng hay dục vọng của họ. Xã hội cần phải có tổ chức lãnh đạo và
luật lệ nghiêm minh để bảo vệ công lý và phát triển công ích là vì thế.
2.- Nếu có tự do thì tự do từ đâu mà có?
Nếu thiếu tâm linh, con người như một loài chim không có cánh, nghĩa là bị
hụt hẫng tự do là khả năng giúp họ có thể bay bổng trên bầu trời cuộc
sống, giúp họ có thể phát triển trọn vẹn thân phận làm người của mình, thì
tự do nơi con người phát xuất từ chính tinh thần của họ, yếu tố biến con
người trở thành một loài “linh ư vạn vật”. Nói cách khác, chính vì con
người có hồn thiêng, có tinh thần, mà họ có tự do. Đó là lý do, thực tế
cho thấy, về phương diện luân lý, nếu con người chỉ sống theo xác thịt,
theo đam mê nhục dục, họ sẽ tỏ ra những tác hành chẳng khác gì con vật,
thậm chí có những hành vi cử chỉ còn đê hèn tồi tệ hơn cả loài vật nữa.
Nghĩa là, với tự do, con người thay vì làm chủ cuộc đời thì lại quay ra
làm tôi cho sự dữ về luân lý là tội lỗi. Đấng Sáng Lập Kitô Giáo đã nói
rất chí lý: “Ai phạm tội là làm tôi cho tội lỗi” (Jn 8:34). Ngoài ra, về
phương diện tâm lý, dù thân xác con người có bị giam cầm trong ngục tối,
nhưng không ai có thể cản trở tinh thần con người tự do nghĩ tưởng đến
người thân yêu của họ, thậm chí không ai có thể biết được thâm tâm của họ
đang âm mưu vượt ngục để đi tìm tự do, không ai có thể cản trở ý định tự
tử vì quá oan ức và uất hận của họ v.v. Ở đây, trong trường hợp liên quan
đến phương diện tâm lý điển hình này, tự do không phải như cánh bay nữa,
mà là chính bầu trời bao la rộng lớn, một biểu hiện cho yếu tố tinh thần
siêu việt của con người.
Như thế, tự do gắn liền với yếu tố tinh thần làm nên con người, nhờ đó
cũng gắn liền với chính bản tính làm người của họ, một bản tính bắt đầu có
từ khi họ còn là một thai bào nguyên khởi. Tức là con người có tự do ngay
từ bẩm sinh, ngay từ khi được thụ thai trong lòng mẹ, ngay từ khi họ bắt
đầu là người trong tiến trình thành hình người. Vẫn biết, về phương diện
chủ quan, thai nhi chưa biết mình có tự do và chưa biết sử dụng tự do,
nhưng không phải vì thế mà nó không có tự do, mà nó không phải là người,
do đó, người lớn thai mẫu được tự do sát hại nó như hủy đi một thứ đồ vật.
Đừng nại vào luật pháp cho phép để phá thai. Luật pháp nhân tạo chỉ có
hiệu lực khi hợp với công ích mà thôi, một thứ công ích là nguồn lợi cho
cả cộng đồng xã hội cũng như cho từng phần tử xã hội, một thứ công ích tạo
cơ hội cho cá nhân cũng như đoàn thể phát triển toàn diện. Con người là
chủ thể của tất cả mọi sinh hoạt xã hội, chính trị, kinh tế và văn hóa. Họ
không phải là và không thể là một thứ bộ phận trong guồng máy sản xuất,
được điều khiển bởi quyền lực xã hội cộng sản hay bởi bàn tay tài phiệt tư
bản. Họ không phải là món đồ trục lợi để buôn bán trao đổi, như chế độ nô
lệ ngày xưa hay cận đại, hoặc như trào lưu buôn bán phụ nữ và trẻ em cho
thành phần du lịch tìm tình dục hiện nay. Con người có trước cả tổ chức xã
hội và chính quyền dân sự. Đó là lý do tự do của con người không phải do
luật pháp nhân tạo mà có, cũng không phải do đa số thắng thiểu số mà có,
như chiều hướng dân chủ tuyệt đối, “ý dân là ý trời”, bất chấp các nguyên
tắc luân lý phổ quát ngày nay cho thấy, hay như nỗ lực toàn cầu hóa của
một thứ Tổ Chức Liên Hiệp Quốc đang biến dạng hiện thời cho thấy.
Ở một nghĩa nào đó, hiện tượng toàn cầu hóa ngày nay hình như đang có
khuynh hướng dùng kinh tế để cloning văn hóa con người. Nghĩa là tất cả
mọi khác biệt nơi văn hóa đa dạng của các quốc gia sẽ được hoạt động kinh
tế toàn cầu đồng hóa, để trở thành một thứ văn hóa duy thực dụng
(unitarianism) độc nhất. Theo chiều hướng này, hiện tượng toàn cầu hóa
đang hình thành một trật tự mới cho thế giới, a new world order, một trật
tự chỉ có một quyền lực chính trị duy nhất cai trị toàn cầu. Chính quyền
quốc gia bấy giờ chỉ là thành phần hạ tầng cơ sở, muốn sống sót phải nhắm
mắt tuân hành mệnh lệnh tối cao của Tập Quyền Chính Trị Toàn Cầu này, bằng
không, quốc gia ấy sẽ bị trừng phạt bởi Tòa Án Quốc Tế, một tòa án mới
được thành lập tại Rôma vào năm 2000: nếu nặng, họ sẽ bị khai trừ khỏi Đại
Xã Hội Toàn Cầu, nghĩa là sẽ bị hoàn toàn cô lập về kinh tế, một tình
trạng không thể nào sống sót cho một dân tộc trong Hệ Thống Toàn Cầu Hóa
đầy văn minh mới lạ này. Tới lúc ấy, cả thế giới sẽ chỉ có và chỉ còn một
ý muốn duy nhất, một ý muốn mà, nhờ đó, theo chủ trương của hiện tượng
toàn cầu hóa, con người mới có thể sống đại kết hơn, mới có thể tránh khỏi
những rắc rối không thể giải quyết ở cấp địa phương, như trường hợp Chiến
Tranh Lạnh sau Đại Chiến Thứ Hai giữa hai khối tư bản và cộng sản, hay như
trường hợp Chiến Tranh Trung Đông nan giải từ sau Đại Chiến Thứ Hai tới
nay giữa Do Thái và Palestine. Vì, cũng theo chủ trương của hiện tượng
toàn cầu hóa, các nền văn hóa đa diện, thực tế vốn cho thấy, đã từng trở
thành nguyên cớ gây ra đầy những biến loạn trong xã hội hết sức thê thảm
trong thế kỷ 20 vừa qua, như những cuộc xung khắc về tôn giáo ở Phi Châu
trong thập niên cuối thế kỷ 20, hay những cuộc thanh tẩy chủng tộc kéo dài
cả chục năm ở Âu Châu sau Biến Cố Đông Âu 1989 . Vấn đề ở đây là liệu viễn
ảnh toàn cầu hóa này có làm cho con người sống tự do thoải mái hơn bao giờ
hết, hay lại trở thành một thứ chế độ Cộng Sản Đại Tư Bản Toàn Cầu?
3.- Có tự do hay tự do có để làm gì?
Nếu là loài “linh ư vạn vật” con người phải có tự do và cần phải có tự do,
yếu tố gắn liền với tâm linh của họ, yếu tố làm cho họ trổi vượt trên tất
cả mọi sự trong thiên nhiên vạn vật, thì tự do sở dĩ có, trước hết, về
phương diện xã hội nói chung, là để con người có thể làm chủ trái đất.
Bằng không, con người cũng chỉ là một loài không hơn gì các loại sinh vật
khác, chẳng biết gì hơn ngoài việc sống theo định luật thiên nhiên như
loài thực vật, hay sống theo bản năng sinh tồn như loài động vật, sống để
mà ăn và chết là hết. Thử hỏi như thế bộ mặt trái đất này có bao giờ sẽ
được văn minh hóa như ngày nay hay chăng? Đúng thế, văn minh của con người
đã biến đổi hẳn bộ mặt trái đất, không phải chỉ ở chỗ họ biết khôn khéo
lợi dụng tất cả mọi tài nguyên thiên nhiên để làm cho thế giới trở thành
một thứ kỳ công nhân tạo, như vũ trụ vốn là một kỳ công thiên tạo vậy, mà
còn ở chỗ họ xây dựng ngay trên trái đất này nói riêng và trong thiên
nhiên vũ trụ nói chung một xã hội loài người, một xã hội của một nền văn
hóa sự sống. Đúng thế, bằng những khám phá khoa học và phát minh kỹ thuật,
con người đã và đang làm cho nhau sống hạnh phúc hơn, gần gũi với nhau hơn
như ở trong một ngôi làng hoàn vũ a global village. Như thế, với tài năng
của mình, nhất là với tinh thần phục vụ lẫn nhau, con người thực sự đã làm
cho trái đất tự nhiên trở thành một ngôi nhà nhân sinh, trở thành một cung
thánh của vũ trụ bao la bất tận này. Và nhờ con người, nhờ văn minh của
con người, trái đất và vũ trụ càng ngày càng thể hiện sáng tỏ hơn cái ý
nghĩa và giá trị hiện hữu của chúng, một ý nghĩa và giá trị hiện hữu là để
trực tiếp phục vụ loài người, và cũng là để đồng thời đạt đến tầm vóc trọn
vẹn của mình nơi tiểu vũ trụ loài người.
Tự do hiện hữu nơi loài người không phải chỉ để con người thể hiện quyền
làm chủ thiên nhiên tạo vật của họ, mà còn để mỗi một con người thể hiện
ngôi vị làm người của mình nữa. Thật vậy, nếu nói đến văn hóa chẳng những
nói đến bộ mặt đích thực của con người hiện diện trên trái đất này nói
chung mà còn nói đến cả bộ mặt chuyên biệt của mỗi dân tộc, mỗi ngôn ngữ,
mỗi mầu da, mỗi tôn giáo, mỗi thời đại nói riêng nữa, thì nói đến cá nhân
cũng nói đến một ngôi vị, một person, nói đến một chủ thể chuyên nhất, một
chủ thể khác với tất cả mọi cá nhân khác, dù là một cặp sinh đôi, nói đến
một ngôi vị linh thiêng mà dù con người văn minh ngày nay có đang hết sức
nỗ lực cloning theo phương pháp tạo sinh phi tính dục cũng không thể nào
làm được. Phải, vì là một ngôi vị chuyên nhất, một ngôi vị độc nhất vô nhị
trên trần gian này như thế, mà nếu không có tự do, làm sao con người có
thể và có cơ hội thể hiện cái tinh hoa cá nhân của mình, miễn là những
tinh hoa này xứng hợp và không phản lại công ích.
Có thể nói, mỗi một con người, mỗi một ngôi vị là tinh hoa của thiên nhiên
tạo vật, của trái đất nhân sinh, của xã hội loài người. Cho dù con người
nào đó, ngôi vị nào đó có bị khuyết tật, về thể lý, tâm lý hay thậm chí cả
về luân lý đi nữa, không phải vì thế mà họ không phải là người, không còn
là người, không còn đủ tư cách để sống, để tồn tại, vì họ đã làm xấu đi
văn hóa loài người, hay đã bôi bẩn bộ mặt loài người trên trái đất, nhất
là vì họ đã trở thành gánh nặng cho xã hội v.v. Trái lại, thành phần bị
khiếm khuyết này, dù không chủ động và tích cực đóng góp vào việc phát
triển xã hội loài người, song tối thiểu họ cũng đóng vai trò là một thân
phận bonus cho xã hội, một thân phận thêm cho văn hóa loài người, để văn
hóa có cơ hội để thực sự là một thứ văn hóa sự sống, chứ không phải một
thứ văn hóa chết chóc, thứ văn hóa rừng rú “mạnh được yếu thua”, một thân
phận bonus thêm cho này cũng làm cho văn minh loài người có cơ hội thực sự
là một thứ văn minh yêu thương, chứ không phải là một thứ văn minh thuần
vật chất và hưởng thụ, không đáng gọi là văn minh, hay chỉ là một thứ văn
minh chắc chắn không sớm thì muộn cũng sẽ đem con người đến chỗ diệt vong.
4.- Làm sao để có thể sống tự do?
Theo quan niệm chung, con người có tự do, nhưng không phải là một thứ tự
do tuyệt đối, muốn làm gì thì làm. Vậy con người chỉ cảm thấy mình tự do
thật sự khi sử dụng tự do của mình trong phạm vi hạn định. Bằng không, con
người sẽ mất tự do, chẳng hạn như bị tù tội về phương diện pháp luật xã
hội, thậm chí còn đi đến chỗ làm nô lệ cho sự dữ nữa về phương diện luân
lý hay tâm lý, chẳng hạn như trường hợp nghiện ngập. Trước khi nghiện con
người còn có tự do để làm chủ mình, sau khi nghiện, con người muốn bỏ cũng
không được, hoàn toàn bị xì ke ma túy điều khiển, sai khiến, thậm chí đi
đến chỗ làm liều cướp giật để được hoan hưởng một giây phút chất ngất mau
qua. Như thế, có thể nói, tự do nào khiến con người tác hành xứng với phẩm
vị làm người của họ, làm cho họ đạt được tầm vóc thành nhân toàn vẹn của
họ, làm lợi cho công ích xã hội theo tinh thần đoàn kết đại đồng, thì đó
là tự do đích thực, tự do hoàn toàn, tự do hoàn thiện, ngoài ra, chỉ là tự
do giả tạo, tự do tác hại, tự do suy vong mà thôi. Đó là ý nghĩa của một
thứ “tự do là làm chủ cuộc đời”.
Tóm lại, dù tự do đối với con người không phải là một thứ tự do tuyệt đối,
muốn làm gì thì làm, con người vẫn có thể sống một cuộc “Đời Thênh Thang
Sống”, một cuộc đời tự tại siêu thoát ngay trên đời này. Ở chỗ, họ có thể
làm chủ bản thân mình, chẳng những không bị sự dữ luân lý chi phối, không
bị khổ đau đánh gục, hay quyền lực áp đảo, trái lại, họ còn sung sức dấn
thân phục vụ xã hội trong khả năng và hoàn cảnh của mình. Tự do đích thật,
tự do trọn vẹn, phải là như thế. Và tầm vóc thành toàn của con người chính
là ở chỗ đó, ở chỗ họ sống hoàn toàn tự do. Tuy nhiên, con người sẽ không
thể nào sống một cuộc đời hoàn toàn tự do như vậy, nếu họ không có một tâm
hồn “bình an là tràn đầy sức sống”. Chúng ta sẽ cùng nhau chia sẻ vấn đề
“bình an…” trong bài tới.
Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh
(bài Phát Thanh Vui Mừng Và Hy Vọng 12, 7/4/2002: www.tinmungsusong.org và
bài cho mục Hội Ngộ Tâm Linh của www.thoidiemmaria.net)
|