TUỔI TRẺ TRÊN ĐƯỜNG ĐI TÌM
T H Ư Ợ N G   Đ Ế

Trần Mỹ Duyệt



Trên đường kiếm tìm Thượng Đế, nhiều người thường cho rằng đây là việc làm không thích hợp với những suy tư của lớp người trẻ, vì nó xa vời và không thực tế. Đối với những người này, quan niệm và nếp sống dựa trên nền tảng tôn giáo càng trở thành xa lạ. Nếp sống ấy là một điều hầu như không tưởng đối với giới trẻ ngày nay, đặc biệt giới trẻ tại các quốc gia văn minh Aâu Mỹ. Nhưng câu hỏi được đặt ra là: Có thật tuổi trẻ ngày nay không còn nghĩ đến Thượng Đế, và đời sống tâm linh thật sự xa vời với đời sống và sinh hoạt của tuổi trẻ?

Tại văn phòng và tại nhiều nơi trong những buổi thuyết trình đây đó, tôi vẫn được nghe những lời phê bình hoặc phàn nàn liên quan đến tuổi trẻ và niềm tin của tuổi trẻ, đại khái: “Tuổi trẻ ngày nay hư hỏng quá. Tuổi trẻ ngày nay không còn tin tưởng và mất hết Đức tin”. Những lời chỉ trích và nhận định như thế thật ra không phải là không có bằng cớ, nhưng nếu nhận xét một cách trung thực và đầy đủ thì lại rất đụng chạm và có thể gây khó chịu cho những người lớn tuổi. Vì công bằng mà nói không phải tuổi trẻ, mà là mọi lứa tuổi nếu không thật sự được hướng dẫn và thực hành niềm tin của mình thì đều rơi vào tình trạng hoang mang, lạc hướng và đánh mất niềm tin. Tuy nhiên, nếu được phép thiên kiến, thì cái nhìn thành kiến nghiêng về phía tuổi già – tuổi của lớp cha anh – chứ không phải là tuổi trẻ.

Thật vậy, khi đề cập đến tuổi trẻ, quan niệm chung vẫn cho rằng đó là lứa tuổi từ 15 đến 18 tuổi. Tuổi của phá phách, của ngang bướng, và của nổi loạn. Nhưng ít người hiểu rằng ở vào thời điểm ấy, sự phát triển về thể lý, tâm lý, và sinh lý đang là gian đoạn tạo nhiều phức tạp cho tuổi trẻ. Ngay chính tuổi trẻ ở vào lứa tuổi này cũng không biết mình là ai, và đang làm gì. Chính vì thế, tâm lý xã hội và tâm lý giáo dục đã dành cho lớp tuổi này nhiều khoan nhượng và thông cảm hơn là thành phần cha mẹ, phụ huynh khi những người này làm điều sai quấy và tạo nên gương xấu trước mặt tuổi trẻ. Điều này cũng thường xẩy ra ngay cả trong lãnh vực tâm linh. Sở dĩ ngày nay thiếu ơn gọi, thiếu những người trẻ hăng hái dấn thân phục vụ Giáo Hội và các linh hồn, là vì những tấm gương sáng nơi các linh mục, nam, nữ tu sĩ và phụ huynh đang bị lu mờ trước con mắt tuổi trẻ. Giáo Hội đang trải qua những khủng hoảng trầm trọng và đau đớn vì những gương xấu ấy. Trong khi dân Chúa sốt sắng cử hành mầu nhiệm Chúa chịu chết và phục sinh, thì trên báo chí và truyền hình Hoa Kỳ không ngừng nhắc đi nhắc lại sự khủng hoảng liên quan đến tình dục của một số thuộc thành phần linh mục. Sự kiện này đang làm cho Giáo Hội, cách riêng Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ mất rất nhiều ảnh hưởng, kể cả hàng trăm triệu tiền bồi thường. Đối với những Kitô hữu trưởng thành phân biệt được đạo và lối sống đạo của Giáo Hội, của các linh mục thì dễ dàng bỏ qua và chia sẻ trong cầu nguyện, suy tư. Nhưng đối với những Kitô hữu mà niềm tin còn mong manh, yếu ớt, thì đây quả là một thách đố lớn lao đối với Đức Tin và Giáo Hội.

Ngoài ra, hằng ngày con cái, nhất là tuổi trẻ còn phải chứng kiến bao cảnh cãi vã, chia ly, ly dị của cha me. Chúng nhìn thấy những người cha, người mẹ, người thầy mà chúng yêu mến, kính phục ngang nhiên đưa bạn trai, bạn gái về nhà âu yếm và tình tự với nhau. Trước những gương xấu như thế, chính Chúa Giêsu cũng đã phải lên tiếng khi Ngài nói: “Ai làm gương xấu cho một trẻ nhỏ đang tin Thầy đây, thì thà rằng buộc cối đá vào cổ nó mà quăng xuống biển còn hơn” (Mt 18:6). Lời nói của Chúa Giêsu khiến ta phải suy nghĩ, vì không biết phải buộc cối đá vào cổ ai? Và ném ai xuống biển? Với cái nhìn luân lý và tâm lý giáo dục, thì có lẽ phải buộc cối đá vào cổ phụ huynh và những người lớn tuổi làm gương xấu, và ném họ xuống biển trước. Bởi vì gương xấu và tội lỗi đến từ những người này.

Chính do những người lớn tuổi mà tuổi trẻ bị dụ dỗ vào những tệ đoan của xã hội. Liên Hiệp Quốc đang cảnh báo về nạn mãi dâm và lợi dụng tình dục của trẻ em, vì đây là một vết nhơ của thế giới văn minh ngày nay, rất tiếc tệ trạng này lại đang xẩy ra tại nhiều nơi trên thế giới, nhất là các quốc gia nghèo đói. Thống kê cho biết, riêng tại Việt Nam năm vừa qua có đến hơn 20.000 trường hợp phụ nữ, nhất là con gái vị thành niên được bán cho Trung Cộng và các nước quanh vùng như Đại Hàn, Hồng Kông, Thái Lan, Cam Bốt để làm gái điếm, hoặc vợ lẽ.

Cũng chính do những người lớn mà tuổi trẻ được dậy cho cách ngừa thái, phá thai. Vì cũng chính những người lớn là những người ủng hộ, tranh đấu cho luật phá thai, ly dị hay đồng tính luyến ái. Riêng về đời sống gia đình và luân lý gia đình thì tuổi trẻ, nhất là con cái không cần phải học đâu xa. Với tỷ lệ 50% các cặp vợ chồng ly dị đủ để tuổi trẻ có một cái nhìn lệch lạc và thiếu trách nhiệm về những giá trị của hôn nhân và gia đình.

Về mặt chính trị và xã hội cũng tương tự. Người lớn xô đẩy tuổi trẻ vào những tranh chấp và chém giết, hận thù, chứ tuổi trẻ không phải là lớp người đi tìm tranh chấp quyền lực và bạo động.

Những nhận định trên cho phép ta kết luận rằng tuổi trẻ không phải là lớp người thiếu tin tưởng và thành tín. Ngược lại, tuổi trẻ thiếu chỉ dẫn và thiếu gương sáng. Vì khi được hướng dẫn đầy đủ, tuổi trẻ đáp lại tiếng gọi của niềm tin một cách hết sức quảng đại và nhiệt thành. Hiểu được và nắm bắt tâm lý này, Đức Gioan Phaolô II đã sáng lập nên NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI, và lần tổ chức nào, bất cứ ở nơi đâu Ngài cũng được giới trẻ đón tiếp nồng hậu, tha thiết, và phấn khởi. Hiện tượng hàng triệu người trẻ từ khắp năm châu đổ về các nơi như Ba Lan, Paris, Hoa kỳ, và đặc biệt hơn Roma trong Năm Thánh 2000 tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã chứng minh rằng Đức Thánh Cha đã bắt kịp những suy tư và thôi thúc tâm linh của tuổi trẻũ. Và Ngài đã được tuổi trẻ tôn làm thần tượng. Hiện tượng tuổi trẻ tụ họp đông đảo vào những Ngày Giới Trẻ Thế Giới, hoặc những dịp tĩnh tâm, hội thảo gần đây đang chứng minh sự đói khát tâm linh của tuổi trẻ, và cũng nói lên rằng tuổi trẻ đang cần một bầu khí trong sạch của xã hội để thở. Vì cũng theo Đức Gioan Phaolô II, nhân loại ngày nay đang phải sống, và hít thở một nền văn hóa của sự chết.

Nhu cầu tâm linh không phải đợi đến khi một em bé bước vào tuổi vị thành niên (thường được gọi là tuổi trẻ) mới phát triển. Nhu cầu này luôn gắn liền với sự phát triển về toàn bộ con người ngay từ lúc mới sinh. Như vậy, khi đề cập đến vấn đề tâm linh của tuổi trẻ là đề cập đến một khát vọng tâm linh thực sự. Một nhu cầu sống như các nhu cầu về ăn, uống, ngủ, nghỉ, hoặc yêu và được yêu. Hơn thế nữa theo Form, thì tình yêu giữa loài thụ tạo và Thượng Đế là một thứ tình yêu, một nhu cầu tâm linh tuyệt vời nhất, cao cả nhất. Và như đã trình bày ở trên, quan niệm tâm linh này có thể đi ngược lại với nhiều người thường cho rằng không nên đề cập đến vấn đề tâm linh với tuổi trẻ, vì sợ rằng tuổi trẻ với chủ trương yêu cuồng, sống vội, với những thái độ chống đối và ương ngạnh sẽ từ chối không chấp nhận.

Ngược lại, tuổi trẻ rất thích nghe nói về tôn giáo, đề cập đến những khía cạnh liên quan đến niềm tin và tâm linh. Chúa Nhật lễ Lá (24/3/2002) giới trẻ đã tham dự cách sót sắng và nổi bật tại Quảng Trường Thánh Phêrô, và họ đã chăm chú lắng nghe lời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhắn nhủ họ. Phần Ngài, Đức Thánh Cha đã không tránh né khi đề cập đến những khía cạnh gai góc nhất của niềm tin với tuổi trẻ. Ngài đã nói với họ:

“Đừng sợ Thập Giá Chúa Kitô. Trái lại hãy yêu mến Thập Giá của Người và hãy tôn kính Thập Giá ấy, vì Thập Giá của Người là dấu hiệu của Vị Cứu Chuộc, Đấng đã chết đi và sống lại vì tất cả chúng ta… Giới trẻ thân mến, các con đừng làm mất đi hương vị của những người Kitô hữu, hương vị của Phúc Âm. Các con hãy giữ lấy hương vị này bằng việc liên lỷ suy niệm mầu nhiệm Vượt Qua. Chớ gì Thập Giá là học đường dậy khôn ngoan cho các con… Đấng mà các con chọn làm Sư Phụ không phải là một tay thương vụ ảo tưởng, không phải là một tay quyền thế trên thế giới này, cũng không phải là một nhà tranh biện khéo léo tinh khôn. Các con biết các con quyết định đi theo Đấng nào: Đó là Chúa Kitô Tử Giá và Phục Sinh. Đức Kitô, Đấng đã chết vì các con. Đức Kitô, Đấng đã Phục Sinh cho các con. Cha cam đoan với các con là các con sẽ không bị bẽ bàng và thất vọng đâu”
(Bản dịch của Cao Tấn Tĩnh trong www.thoidiemmaria.net).
Một ngày sau đó, 25/3/2992, Đức Thánh Cha lại ban huấn từ cho 4000 sinh viên từ 280 Đại Học thuộc 30 quốc gia trên thế giới về tham dự Hội Nghị UNIV 2002 tổ chức tại Đại Học La Sapienza vào thứ Ba, ngày 26 tháng 3 năm 2002 để thảo luận về đề tài “Học hành, hoạt động, và phục vụ”. Cũng bằng một lối diễn giải rất chân thành và rất thực tế, Ngài đã nói với các đại diện sinh viên rằng:

"Theo Chúa Kitô, Đức Vua Tử Giá, tín hữu biết được cai trị là phục vụ, ở chỗ tìm thiện ích cho kẻ khác, và nhận thức được rằng ý nghĩa thực sự của yêu thương được bộc lộ nơi việc thành thật trao ban bản thân mình. Tất cả giá trị của hoạt động được căn cứ vào tình yêu. Đặc ân cao cả của con người là ở chỗ họ có thể yêu thương, nhờ đó biến đổi những gì mau qua và chuyển biến…Hoạt động phát xuất từ yêu thương, thể hiện yêu thương và qui về yêu thương…Nó không phải là một đường lối dễ dàng; nó thường đi ngược chiều ý hệ của những người đương thời của chúng ta. Dĩ nhiên, nó đi ngược lại với trào lưu có liên hệ tới tác hành và lối sống đang thịnh hành. Các con đừng vì thế mà lấy làm lạ…”
(Bản dịch của Cao Tấn Tĩnh cùng nguồn vừa dẫn)

Ngoài việc đi ngược chiều với trào lưu tư tưởng và lối sống hiện thời. Ngoại trừ gương xấu của môi trường, bạn bè và cả những người lớn tuổi, điều làm nhiều bạn trẻ khó chấp nhận và có một cái nhìn thiếu thiện cảm về ý nghĩa của chân- thiện-mỹ, ý nghĩa của niềm tin là sự cắt nghĩa lệch lạc và chủ quan của một số người quan niệm niềm tin, tôn giáo là một cái gì viễn mơ, ảo tưởng, và thần thánh hoang tưởng. Đôi khi những cắt nghĩa lệch lạc ấy còn nhuốm mầu chính trị và cuồng tín. Thí dụ quan niệm rằng “tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ con người”, hoặc gần đây có những vụ tự sát vì tôn giáo hoặc nhân danh tôn giáo.

Bước đầu dẫn đến niềm tin không gì khác hơn là sự trưởng thành về tình cảm, kiềm chế được những xúc động, và hướng dẫn bản năng về những chủ đích tốt. Điều này nằm trong cái nhìn đạo đức xã hội của Khổng Giáo khi đưa ra một mẫu người tốt với cung cách và hành xử nặng về ý thức trách nhiệm và đạo đức xã hội như: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Những đức tính ấy sẽ dẫn con người tới sự hòa đồng, chấp nhận khác biệt của mình và của người, biết dung hoà được những lý lẽ của trời đất theo nghĩa “thiên, nhân, địa”. Tuy nhiên, quan niệm Kitô Giáo chưa coi đó là hướng về tâm linh thực sự. Theo Kitô Giáo, con người cần phải để cho những chủ đích tốt và những đức tính xã hội vừa nêu trên được hướng dẫn và điều hợp bởi niềm tin vào Thượng Đế. Và theo quan niệm này, sự trưởng thành về tâm linh chiếm một địa vị quan trọng trong đời sống tâm linh của một người.

Nếu nhìn vấn đề dưới khía cạnh của tâm lý học, quan điểm về bản ngã và những nhu cầu của bản ngã, Sigmund Freud cha đẻ của ngành phân tâm học, cũng đã có cái nhìn phân tích về con người dựa theo ba nguyên tố: bản năng, cá thể, và siêu hình thể. Theo đó, cuộc đời của con người được xây dựng trên sự hòa hợp của ba sức sống: sống theo bản năng, sống theo bản ngã, và sống theo tâm linh. Thiếu một trong ba, cuộc sống của ta sẽ bị què cụt, hoặc lệch lạc, không thể đạt được mức độ đạo hạnh, mô phạm và lành thánh. Tóm lại, để thành một con người - một con người có giá trị và sống đúng với nhân phẩm của mình - thì cuộc sống theo bản năng chính là một thách đố lớn lao khi con người phải đối đầu với những đòi hỏi và nhu cầu tự nhiên. Thí dụ, nhu cầu ăn, uống, ngủ, nghỉ, và kể cả nhu cầu yêu và được yêu. Đây cũng là những động lực con người rất khó kháng cự, vì bao lâu còn mang thân xác tro bụi mình, bấy lâu những nhu cầu căn bản này là những gì không thể thiếu sót được trong cuộc sống. Nhưng làm thế nào để thăng hoa chúng?

Câu trả lời là đời sống trưởng thành, năng động về thể lý, tâm lý và tâm linh được hướng dẫn bởi niềm tin vào Thượng Đế. Và những điều này lại rất phong phú nơi các bạn trẻ.