|
HOÀ BÌNH
T R O N G A N B Ì N H
Trần Mỹ Duyệt
20% người Hoa Kỳ mang những hội chứng tâm lý bất an,
căng thẳng, buồn bực, và một số đã đi tới tự tử. 50% các cặp hôn nhân đã
chấm dứt hôn ước của họ bằng ly dị. Mỗi năm tại Hoa Kỳ có trên 1 triệu
thai nhi bị giết do quyết định của cha mẹ các em. Hơn 50 chục ngàn người
chết vì lái xe trong lúc say rượu. FBI và cảnh sát khám phá, chặn bắt hằng
trăm tấn cần sa, ma túy được chuyển vào hoặc đang được phân phát cho khách
hàng mà phần lớn là thành phần trẻ tuổi. Và cũng riêng tại Hoa Kỳ, mỗi năm
con số những người chết vì súng đạn lên đến hằng chục ngàn người. Người ta
tự hỏi, đó có phải là hậu quả của một xã hội băng hoại về đạo lý, và tôn
thờ vật chất không?!
Hơn hai mươi năm trước, con số 14% dân số Hoa Kỳ mang những hội chứng tâm
lý tưởng cũng đã là nhiều. Nhưng thống kê mới nhất cho thấy, hiện nay con
số những người bất an đã lên đến 20%. Như vậy cứ 100 người Hoa Kỳ mà chúng
ta giao tiếp thường ngày, có ít nhất 20 người mang những trạng thái tâm lý
bệnh hoạn. Không riêng tại Hoà Kỳ, nhân loại ngày nay cũng đang bị đe dọa,
và sống trong trạng thái bất an và hoảng hốt. Chưa bao giờ số lượng thuốc
an thần, rượu, cần sa và ma túy được dùng nhiều vào việc trấn an những cơn
khủng hoảng và sợ hãi được tiêu thụ nhiều đến thế. Và cũng chưa bao giờ số
lượng người bị những hội chứng tâm thần và tâm lý lại nhiều như hiện nay.
Nhìn chung trên thế giới; đặc biệt xã hội Hoa Kỳ, hiện tượng ly dị, phá
thai và đồng tính luyến ái đang làm cho nhiều nhà đạo đức, nhiều nhà tâm
lý, nhiều nhà giáo dục cũng như xã hội học tự hỏi, không biết rồi ra nhân
loại này sẽ đi về đâu? Con người ngày nay sẽ ra sao khi đang cố gắng gồng
mình trở thành chúa tể, bất chấp những luật lệ và định luật về đạo đức,
luân lý, và tự nhiên?! Hơn gần nửa thế kỷ trước, Đức Piô XII đã có câu trả
lời bằng nhận xét cho rằng vì nhân loại đã “mất đi ý thức tội lỗi”. Gần
đây, theo Đức Gioan Phaolô II thì câu trả lời là con người ngày nay đang
sống trong một nền “văn hóa sự chết”.
Nhận xét của Đức Piô XII và Gioan Phaolô II đang thấy được diễn ra trong
sinh hoạt thường ngày của thế giới. Người ta nhân danh tự do, nhân danh
luật pháp để “giết con mình”. Hơn một chục năm trước, khi nghiên cứu về
ảnh hưởng của phá thai, nhiều phụ nữ đã cho biết họ rất hối hận và bị
lương tâm cắn rứt về hành động phá thai của mình. Nhưng gần đây nhận định
này không còn nữa, và hầu hết các phụ nữ sau khi phá thai lại tỏ dấu vui
vẻ và khoan khoái như trút đi một gánh nặng.
Nhân danh luật pháp và tự do, người ta xé bỏ và chà đạp hôn ước một cách
hết sức tàn bạo. Đối với nhiều người Hoa Kỳ, vợ chồng sống với nhau 5 năm
hay 10 năm kể là đã quá lâu, và quá đủ. Họ cảm thấy cần phải có nhu cầu
thay đổi như việc thay đổi một chiếc xe hay cái áo, cái quần. Do đó, có
nhiều cặp chỉ mới cưới nhau 3 tháng đã mang nhau ra tòa ly dị. Ly dị như
một lối sống thời đại, vì thế, có người ly dị và kết hôn đến 4 hoặc 5 lần.
Người ta sung sướng thông báo cho nhau về lễ thành hôn, chi ra hằng chục
ngàn để chuẩn bị lễ thành hôn, nhưng sau đó lại lạnh lùng xé bỏ hôn ước và
coi nhau như kẻ thù.
Cũng nhân danh tự do và luật pháp, người ta sống với nhau trong trạng thái
đồng tính luyến ái. Trong tâm lý học và trong tâm bệnh học, đồng tính
luyến ái ngày nay được coi là nếp sống lành mạnh và bình thường. Các nhà
tâm lý Hoa Kỳ đã gạt bỏ từ ngữ tâm bệnh khi phân tích và chữa trị cho
những người đồng tính luyến ái. Luật pháp Hoa Kỳ tại nhiều tiểu bang cũng
đã công nhận tính cách pháp lý của hôn nhân đồng tính.
Lối suy nghĩ và sống trên trớ trêu đến vô lý, khi tại các bệnh viện các
bác sĩ, y tá và những người chuyên môn ra sức chữa trị bằng mọi giá để cứu
lấy một mạng người thì tại nhiều phòng mạch, nhiều cơ quan, cũng chính bác
sĩ, y tá và những nhà chuyên môn lại giết chết hằng triệu triệu thai nhi
mỗi năm. Một bác sĩ sản phụ khoa tại một bệnh viện có tiếng trong vùng
Orange County, California, Hoa Kỳ, nơi có đông người Việt Nam định cư đã
phát biểu: “Người Việt Nam lúc này phá thai nhiều hơn đẻ”.
Trong lãnh vực tâm lý và xã hội khi làm việc, nếu vô tình đụng chạm đến
một bệnh nhân dù là bệnh nhân tâm thần, lập tức liền bị người nhà những
bệnh nhân ấy thưa kiện, nhưng chính cha mẹ và thân nhân của những bệnh
nhân này thường ngày lại không bao giờ ngó ngàng tới con cháu mình. Họ hầu
như bị quên lãng trong những nhà nuôi dưỡng, các viện tâm thần hay chậm
phát triển. Vì thế đã dẫn đến hiện tượng mẹ bỏ con vào xe rồi nhả ga cho
xe lao xuống sông, hoặc nhận chìm và giết chết con mình. Hiện tượng những
bà mẹ, những người cha bỏ con lêu lổng để chạy theo những mối tình lãng
mạn, và dơ bẩn, đôi khi làm gương xấu ngay trước mặt con đã hầu như là một
sự chấp nhận mặc nhiên của xã hội.
Sự xáo trộn về tâm lý và đạo đức liên quan đến hòa bình thế giới. Liệu con
người có thể tìm được sự bình an giữa thế giới ngày nay không? Sự chênh
lệch giữa giầu nghèo, giữa thành phần lao động và chủ nhân tưởng như đã
được san bằng do những chủ thuyết và cải tiến về mặt xã hội. Nhưng trong
thực tế, hận thù, chia rẽ vẫn còn âm ỷ sau đống tro tàn của một xã hội bất
công và đầy thiên kiến về tiền bạc, hưởng thụ và vật chất. Đó cũng là lý
do đưa đến những tranh chấp, ghen ghét ngay trong cả những nước còn mang
tàn tích Cộng Sản như Việt Nam, Trung Hoa, hoặc Cu ba. Người dân tại những
quốc gia này thật sự thù ghét và căm hận những lý thuyết giả dối, lối sống
giả tạo, gian trá, và phi nhân bản của thành phần lãnh đạo được coi như
những chủ nhân ông bóc lột và tàn bạo.
Nguy hiểm hơn là lý thuyết về một thế giới đại đồng trong chiều hướng tư
bản, được khống chế bởi những định luật tiền tệ, thương mại và kỹ nghệ
hóa. Thế giới vừa bừng tỉnh và thoát chết sau gần 100 năm quằn quại, phân
tranh giữa tư bản và cộng sản, thì lại đang lấp ló từ xa con quái vật đại
đồng đang chờ chực để nuốt trửng hạnh phúc và những ngày thanh bình của
nhân loại. Chúng ta không loại bỏ những nỗ lực hòa bình của Liên Hiệp
Quốc, hoặc những giàn xếp, đối thoại của một số quốc gia mang tính cách
đàn anh. Nhưng đó chỉ là lối giải quyết của những kẻ “cả vú lấp miệng em”,
và của những chủ nhân nhà giầu vì sợ đụng chạm đến quyền lợi mình, hơn là
thực tâm giúp đỡ.
Viễn tượng đen tối của nhân loại làm bừng lên tiếng hát năm nào của các
thiên sứ tại đồng quê Belem. Hơn 2000 năm trước, các thiên sứ đã hát mừng
Đấng Thiên Sai giáng trần rằng: “Vinh danh Chúa cả trên trời, bình an dưới
thế cho người Chúa thương” (Luc 2;14). Chúng ta tự hỏi, ai là người được
Thượng Đế thương?! Ai lại là người mà Thượng Đế chẳng thương. Nhưng thật
sự không phải thế, vì chỉ có những ai chủ tâm kiếm tìm Ngài trong chân lý
mà thôi. Đối với những người này, có thể cuộc sống họ gặp cảnh chiến tranh
loạn lạc, nghèo túng, hoặc bệnh tật nhưng tâm hồn họ bình an. Ngược lại,
đối với nhiều người có thể họ có cuộc sống thoải mái bên ngoài, nhưng tâm
hồn họ lại mất sự bình an là điều hết sức cần thiết cho cuộc sống trần gia
và vĩnh hằng của một kiếp người. Hoà bình không phải là bình an. Con người
chỉ thực sự được hòa bình khi họ sống trong bình an với lương tâm ngay
chính.
|