|
HẠNH PHÚC LÀ VIÊN MÃN YÊU THƯƠNG
Hạnh Phúc Ở Đâu?
Không ai có thể phủ nhận thực tại đời là bể khổ, một cảm nhận nhập môn của
Phật Giáo. Thế nhưng, cũng không phải chỉ vì đời là bể khổ mà con người
mới đi tìm hạnh phúc. Bằng không, hạnh phúc chỉ là tình trạng không còn
khổ, tình trạng thoát khổ. Nếu vậy thì tự tử cho đỡ khổ và thoát khổ hay
khỏi khổ cũng là hạnh phúc hay sao? Ăn cắp ăn trộm cho đỡ đói đỡ khổ cũng
là hạnh phúc hay sao? Thủ dâm cho đỡ bí tính dục đòi hỏi cũng là hạnh phúc
hay sao? Ra tay sát hại kẻ làm nhục nhã mình để trả thù rửa hận cũng là
hạnh phúc hay sao? Nếu hạnh phúc là tình trạng không bị khổ, thì cũng
chẳng khác gì như hòa bình là tình trạng không có chiến tranh. Nếu hòa
bình là tình trạng không có chiến tranh như ở Mỹ quốc này thì phải chăng
Mỹ quốc là thiên đường trần thế? Chắc không ai lại dại dột mà dám quả
quyết như vậy. Chính vì hạnh phúc không phải chỉ là tình trạng thoát khổ
hay không bị khổ mới có câu “lòng tham vô đáy”. Nghĩa là đã sung sướng rồi
(ở chỗ không còn buồn khổ nữa) con người vẫn còn muốn hoan lạc hơn, đã
giầu sang rồi (ở chỗ không còn nghèo khổ nữa), con người vẫn còn muốn phú
quí hơn v.v. Như thế, với “lòng tham vô đáy”, bao nhiêu cũng không vừa,
phải chăng con người lúc nào cũng cảm thấy đói khổ đủ thứ, không bao giờ
thỏa mãn với những đòi hỏi khác nhau của mình, những đòi hỏi hết cỡ của
mình? Nghĩa là cái khổ của con người và nơi con người là do cái Phật Giáo
gọi là “tham” trong tam điều “tham, sân, si”.
Nếu cái khổ là ở nơi con người và do con người mà có thì phải chăng hạnh
phúc cũng thế, cũng ở nơi con người và do con người mà có? Nghĩa là, như
người ta thường nói, hạnh phúc hay không là do ở tại bản thân mình! Nếu
vậy thì cái gì người ta cho là hạnh phúc hay cảm thấy hạnh phúc thì cái đó
là hạnh phúc. Như thế người ta cho ly dị, phá thai, đồng tính luyến ái
v.v. là hạnh phúc thì những cái đó là hạnh phúc hay sao? Hơn bao giờ hết,
ngày nay người ta như vồ vập lấy hạnh phúc. Mới quen nhau là đã có thể lên
giường. Mới hôm nay “You are number one… You are the best... You are
wonderful… I love you the most”, ngày mai, cũng con người đệ nhất thiên hạ
ấy, con người tuyệt vời ấy, con người không ai bằng ấy, đã trở thành hạng
bét, trở thành ghê tởm, trở thành đáng ghét, không thể nào có thể chấp
nhận và chung sống được nữa: “You are number ten… You are the worst… You
are ugly… You are terrible… I hate you!”. Tại sao trong xã hội văn minh
tân tiến hiện đại hạnh phúc của con người ngày hôm qua lại là bất hạnh của
họ ngày hôm nay? Phải chăng chính vì hạnh phúc là ở nơi con người và do
con người mà có? Vậy hạnh phúc thật sự là gì và ở đâu?
Hạnh Phúc Là Gì?
Thực tế cho thấy, nếu đời sống con người là một cuộc hành trình đi tìm
hạnh phúc, thì hạnh phúc có thể hiện lên muôn vàn bộ mặt khác nhau. Hạnh
phúc của một thai nhi là muốn được lọt lòng mẹ, qua những cựa quậy khó
chịu trong bụng thai mẫu, cho đến khi đạp bụng mẹ mà ra chào đời. Hạnh
phúc của một thơ nhi là bầu sữa mẹ và được chiều chuộng ẵm bế. Hạnh phúc
của một thiếu nhi là chơi đùa, nghịch phá. Hạnh phúc của một thanh niên
nam nữ là yêu và được yêu. Hạnh phúc của đời sống vợ chồng là được có
những đứa con ngoan giỏi, có nghề nghiệp vững chắc, có nhà cửa khang
trang. Hạnh phúc của con cái là được học hành đến nơi đến chốn, được cha
mẹ chiều chuộng và được hãnh diện về tiếng tăm uy tín của cha mẹ. Hạnh
phúc của ông bà là sống lâu, khoẻ mạnh, con cái hiếu thảo và được công
thành danh toại, cháu chắt lễ độ ngoan hiền. Hạnh phúc của người nghèo là
được ăn ngon, mặc đẹp, đầy đủ tiện nghi vật chất. Hạnh phúc của người giầu
là sang trọng, quyền quí, tiêu xài thoải mái, có người hầu kẻ hạ. Hạnh
phúc của người xí diện là trở thành duyên dáng, mỹ miều. Hạnh phúc của mỹ
nhân là được ái mộ và trở thành hoa hậu. Hạnh phúc của nhân tài là thi
triển, được cảm phục và nổi nang. Hạnh phúc của bệnh nhân là được khoẻ
mạnh. Hạnh phúc của thành phần phục vụ công ích, như khoa học gia, chính
trị gia… là được công chúng biết đến và tên tuổi được lịch sử ghi nhận
v.v. Hạnh phúc của nam nhân là tài nghệ, công danh sự nghiệp, tranh đoạt,
tình dục. Hạnh phúc của nữ giới là nhan sắc, trẻ trung, duyên dáng, được
yêu chuộng, được vuốt ve. Hạnh phúc của chung con người là giầu sang quyền
quí, khôn ngoan thông thái, tài giỏi khéo léo, danh thơm tiếng tốt và khoẻ
mạnh trường thọ.
Căn cứ vào những thứ hạnh phúc muôn mặt trên đây thì hạnh phúc trước hết
hiện lên như là một nhu cầu, được bắt nguồn từ ước vọng của con người còn
đang ở trong tình trạng chưa toàn vẹn. Và chính vì nó là một nhu cầu, nên
mới lệ thuộc vào từng lứa tuổi, từng phái tính, từng vai trò v.v. Hạnh
phúc của lứa tuổi này không hợp với lứa tuổi kia, như bầu sữa mẹ là hạnh
phúc của một em ấu nhi không phải là hạnh phúc của một em thiếu nhi. Tình
cảm thiết tha và nhẹ nhàng là hạnh phúc của nữ giới, lại không phải là
hạnh phúc của nam giới là phái vốn mạnh về tình dục và thích chiếm đoạt.
Hạnh phúc của người tu hành là thoát tục và được hy sinh phục vụ đồng
loại, hoàn toàn không phải là hạnh phúc của thành phần điều hành công ích
vì cái lợi lộc được nắm quyền hành và nổi tiếng v.v. Vậy hạnh phúc thật sự
là gì và ở đâu? Phải chăng “hạnh phúc là viên mãn yêu thương”.
Hạnh Phúc Hiện Sinh
Thật vậy, “Hạnh Phúc là viên mãn yêu thương” là câu định nghĩa của tôi về
hạnh phúc trong thời gian tôi sửa soạn lập gia đình. Và tôi đã chọn câu
định nghiã này làm câu châm ngôn tâm niệm cho cả gia đình của tôi. Tôi đã
chẳng những thấm thía cảm nghiệm được thực tại của câu định nghĩa về hạnh
phúc này trước khi lập gia đình, mà còn thấy nó càng ứng nghiệm hơn nơi
đời sống hôn nhân gia đình. Đối với tôi, quả thực “hạnh phúc là viên mãn
yêu thương” vậy. Chính vì cảm thấy cái chính xác của câu định nghĩa này về
hạnh phúc như thế, mà, để kỷ niệm 7 năm lập gia đình, tôi đã viết tác phẩm
thứ năm, mang tựa đề “Hạnh Phúc Là Viên Mãn Yêu Thương”. Sau khi xuất bản
tác phẩm này mấy tháng, tôi đã tóm tắt tác phẩm này vào một đoản văn ngắn
gọn nói về câu định nghĩa này, một đoản văn đã được Nguyệt San Thời Tập ở
Vùng Little Sài Gòn Orange County, do nhà văn Viên Linh làm chủ nhiệm, phổ
biến vào số 8/9, tháng 12/1990-1/1991, cho số Xuân Tân Mùi. Đoản văn đó
như sau:
“Một định nghĩa về Hạnh Phúc có thể gồm tóm cả lý thuyết lẫn thực hành, cả
lý tưởng lẫn thực nghiệm, đó là: Hạnh phúc là viên mãn yêu thương.
“Câu định nghĩa này, tự nó, về lý thuyết, đã đủ nói lên nguyên lý của Hạnh
Phúc cũng như nguyên nhân tạo Hạnh Phúc, và về thực hành, đã diễn tả được
thực tại của Hạnh Phúc cũng như phương thế đạt Hạnh Phúc.
“Hạnh Phúc Là Viên Mãn Yêu Thương nói lên Nguyên Lý của Hạnh Phúc: Hạnh
Phúc là do Viên Mãn Yêu Thương. Tình yêu là một mầm sống được phú bẩm nơi
nhân tính của con người, làm cho nhân tính của họ nên như lớp vỏ của nó,
một lớp vỏ sẽ bị mục nát đi để nhân Tình Yêu nẩy mầm và triển nở, cho đến
khi nhân tính được Viên Mãn Yêu Thương, trổ sinh muôn vàn hoa rái Chân
Thiện Mỹ, bản chất của Tình Yêu.
“Hạnh Phúc Là Viên Mãn Yêu Thương nói lên Nguyên Nhân tạo Hạnh Phúc: Hạnh
Phúc là vì Viên mãn Yêu Thương. Tình Yêu, tự bản chất, thì Duy Nhất, và
hướng đến đối tượng, thì Hiệp Nhất. Tức, Tình Yêu là Một và là tất Cả. Một
khi Viên Mãn Yêu Thương con người có thể yêu Tất Cả mọi người như Một, và
Tất Cả mọi người là Một trong họ.
“Hạnh Phúc Là Viên Mãn Yêu Thương nói lên Thực Tại của Hạnh Phúc: Hạnh
Phúc là khi Viên Mãn Yêu Thương. Viên Mãn Yêu Thương là lúc con người
không phải là Chủ Thể Yêu nữa, mà chỉ là Tác Nhân Yêu, và nhân tính của
con người không còn là Mẹ Cưu Mang tình yêu trong mình nữa, mà là Bạn Tình
của nó để cùng với nó sinh ra những đứa con Vị Tha, Thuận Hòa và Đoàn kết.
“Hạnh Phúc Là Viên Mãn Yêu Thương nói lên Phương Thế đạt Hạnh Phúc: Hạnh
Phúc là nhờ Viên Mãn Yêu Thương. Viên Mãn Yêu Thương có thể ví như chất
dầu của một cây đèn, chung nhân tính và riêng thân xác của con người được
biểu hiệu như một cây đèn, tâm hồn của con người được ví như thể lỏng có
chất dầu, ý muốn của con người được biểu hiệu như tim đèn, và Hạnh Phúc
được ví như ngọn lửa của cây đèn. Ngọn lửa (Hạnh Phúc) của cây đèn (Nhân
Tính hay Thân Xác) sẽ liên lỉ cháy sáng, nếu thể lỏng (Tâm Hồn) là một thứ
dầu nguyên chất (Viên Mãn yêu Thương), và, chỉ là một thứ dầu nguyên chất
như vậy, qua tim đèn (Ý Muốn), con người mới được tiêu hao đi bởi lửa, cho
lửa, trong lửa và vĩnh viễn thành lửa (Hạnh Phúc)”.
Tóm lại, trong cuộc sống hiện sinh trên đời này, nơi con người, nếu tình
yêu là bản tính hoàn thiện, một bản tính bất diệt, mạnh hơn sự chết, một
bản tính làm cho con người luôn tự tại trong một thứ bình an là tràn đầy
sức sống, thì quả thực hạnh phúc là viên mãn yêu thương, là thực tại của
một sự sống trong tự do là làm chủ cuộc đời, một sự sống theo lương tâm là
ơn gọi làm người nơi họ vậy.
Hạnh Phúc Trường Sinh
Tuy nhiên, cũng như mọi tạo vật, tự bẩm sinh, không tự mình mà có, không
có quyền chọn lực muốn sinh vào đời hay chăng, có hiện hữu trên đời hay
chăng, con người thực sự là một hữu thể bất toàn. Chưa hết, sống trên thế
gian, con người chẳng những bất toàn mà còn bất lực nữa. Ở chỗ, thế gian
này đối với con người chẳng khác gì như một ngục tù chung thân, như tử
cung của thai mẫu mà con người cảm thấy bị gò bó cần phải giẫy dụa cho đến
ngày lọt lòng mẹ vào đời. Đó là lý do cuộc sống của con người là một sinh
linh vật duy nhất trong vũ trụ huyền bí bao la này chỉ là một cuộc vượt
thoát (exodus), vượt thoát ba phạm trù của thế gian là không gian, thời
gian và nhân gian.
Dĩ nhiên, về phương diện thể lý và tâm lý, con người sẽ không thể nào
thoát khỏi thế gian, không thể nào thoát khỏi ba phạm trù không gian, thời
gian và nhân gian cho đến khi họ qua đời. Ngay khi còn trong lòng mẹ, con
người đã lệ thuộc vào ba phạm trù này thế nào, cũng thế, một khi còn sống,
con người cũng sẽ tiếp tục chẳng những sống trong không gian và thời gian,
mà còn sống với nhân gian nữa. Chẳng hạn, ở chỗ, mang ơn mắc nợ, đi đến
chỗ nể nang tình nghĩa, hay ở chỗ làm ơn mắc oán, đi đến chỗ uất ức hận
thù, hoặc ở chỗ giao duyên phái tính, đi đến chỗ hôn nhân gia đình v.v.
Trên thực tế, con người quả nhiên bị vây hãm và lệ thuộc vào ba phạm trù
không gian, thời gian và nhân gian này của thế gian. Thế nhưng, với bản
chất tự do của mình, lúc nào họ cũng tìm cách vượt thoát. Hiện tượng ly dị
và phá thai ngày nay không phải là chứng cớ hùng hồn cho thấy con người
muốn vượt thoát khỏi phạm trù nhân gian ngay trên đời này hay sao? Tuy
nhiên, theo nguyên tắc, không phải là con người lệ thuộc thế gian mà ngược
lại, chính thế gian lệ thuộc vào con người như chủ thể của nó, trong khi
con người chỉ lệ thuộc thế gian như điều kiện mà thôi. Bởi đó, theo Mạc
Khải Thần Linh trong Thánh Kinh Do Thái Giáo, con người mới đóng vai trò
làm chủ trái đất là vậy. Và đó cũng là lý do, nếu con người sống lệ thuộc
trái đất, làm tôi cho trái đất, sống để mà ăn như con vật, con người sẽ bị
trái đất chôn vùi dưới nấm mồ tiêu vong, chết là hết.
Vẫn biết con người có thể vượt thoát thế gian gò bó và khổ ải này bằng
những đường lối hủy thể, như trường hợp con người tự tử hay sử dụng ma
túy. Thế nhưng, chính “lòng tham vô đáy” của con người cho thấy họ luôn
hướng về một cái gì vô cùng bất tận. Bởi vậy, con người phải làm sao để có
thể vượt thoát thế gian mà không đánh mất bản thân mình, con người mới có
thể trở thành toàn vẹn viên mãn. Nếu thế thì con người chỉ còn một cách
duy nhất, đó là thay vì hủy thể con người hãy biến thể hay biến hình.
Vâng, chỉ có biến thể hay biến hình đi, con người mới không bị lệ thuộc
vào ba phạm trù hữu hình, hữu hạn mà thế gian đang vô tình vây kín họ.
Nhưng, con người làm thế nào để biến thể, từ một trạng thái hữu hình và
hữu hạn, sang trạng thái hoàn toàn vô hình và vô hạn, để có thể vượt thoát
thế gian, nếu không phải là trở thành siêu thoát.
Đúng thế, chỉ có siêu thoát, dù còn sống trên thế gian và trong thế gian,
con người mới không còn lệ thuộc thế gian, trái lại, còn làm chủ và lợi
dụng thế gian để đạt đến chân, thiện, mỹ là thực tại đời đời của cả con
người và thế gian. Chính nơi mỗi con người đã có mầm mống để siêu thoát,
để biến thể, đó là linh hồn vô hình và vô hạn của họ. Và, chính nhờ linh
hồn và trong linh hồn này của mình, con người đã nhìn thấy ánh sáng tỏa ra
từ Nguyên Lý Đệ Nhất là nguyên ủy và là cứu cánh của họ. Nhờ linh hồn, con
người đã nhìn thấy ánh sáng sự sống, vì trí khôn của họ vốn hướng về sự
thật, một sự thật được chất chứa ngay trong chính ngọn đèn lương tâm nơi
họ.
Chính ánh sáng được phát quang từ bóng đèn lương tâm này của con người là
phản ảnh ánh sáng sự sống mà họ đã nhìn thấy trên bầu trời, từ ngục tù thế
gian. Do đó, con người, không cần phải đi đâu xa, chỉ cần đi sâu vào thâm
tâm của mình là thấy ngay thế giới thần linh, và bắt đầu nhập cuộc đời
đời. Vì, ở đây, ngay trong thâm tâm của họ, dưới ánh sáng huyền diệu song
vô cùng sống động do lương tâm chiếu sáng, con người đã thấy được và cảm
thấy tỏ tường Thực Tại Thần Linh vô cùng toàn chân, toàn thiện và toàn mỹ
của mình.
Để rồi, từ đó, Tình Yêu Siêu Linh mới có thể nẩy sinh trong họ, và chính
Tình Yêu Siêu Linh, Tình Yêu Viên Mãn này sẽ chẳng những là Quyền Lực Vô
Song làm cho họ siêu thoát, mà còn là Thần Linh Toàn Thiện làm cho họ được
tham hưởng vinh phúc trường sinh ngay trong cuộc sống trần gian này vậy.
Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu đề tài Niềm Tin Là Văn Hóa Thần Linh trong
bài chia sẻ lần tới.
Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh
(bài Phát Thanh Vui Mừng Và Hy Vọng 15, 28/4/2002: www.tinmungsusong.org
và bài cho mục Hội Ngộ Tâm Linh của www.thoidiemmaria.net)
|