YÊU

Trần Mỹ Duyệt

“Đố ai định nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hưu hưu”
(Xuân Diệu).




Yêu là đề tài cũ xưa như trái đất, nhưng cũng lại là đề tài được nhiều người đề cập tới dưới muôn hình thức, thi ca, nhạc, truyện ngắn, truyện dài, hoặc khảo cứu. Nhưng như Xuân Diệu đả viết, thì có ai định nghĩa được tình yêu bao giờ! Do đó, khi nói về tình yêu cũng chỉ là một lối diễn tả cảm xúc của riêng mỗi người về một rung động hoàn toàn chủ quan, chỉ xẩy ra riêng cho một người mà người đó là ta hay không phải là chính ta. Vì vậy, yêu hay được yêu là một nhu cầu và là một quà tặng quí giá của Thượng Đế trao ban cho con người, để con người trao tặng lại cho nhau.

Yêu là một nhu cầu, vì nó dính liền, gắn bó, và tan hòa trong đời sống của con người. Khi sinh ra cho đến chết, mọi người đều có khả năng yêu và muốn được người yêu. Thiếu tình yêu, con người không thể sống quân bình và hạnh phúc được. Tình yêu, do đó, vượt trên cả những nhu cầu thuộc bản năng sinh tồn khác như ăn, uống, ngủ, nghỉ.

Yêu là một nhu cầu cao nhất đối với những nhu cầu khác vì nó không những liên quan trực tiếp đến đời sống bình thường, mà còn liên quan cả tới phần tâm linh và tri thức nữa. Form đã nói về tình yêu này và cho rằng tình yêu giữa Thượng Đế và loài thụ tạo là mối tình cao cả nhất, và đáng kính nhất. Nhận định về tình yêu như thế, có lẽ ông đã muốn diễn tả ý nghĩa lời Thánh Kinh là: “Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn” (Mt 22:37). Nhu cầu yêu và được yêu cũng thấy xuất hiện ngay giữa những bệnh nhân trong các nhà thương tâm thần, qua những cung cách cư xử của những bệnh nhân ấy đối với nhau và với những người săn sóc họ. Nhu cầu này dường như cũng thấy trong thế giới loài vật. Thật vậy, tuy không cao hơn con người nhưng bản năng muốn được săn sóc và chiều chuộng vẫn thấy có nơi những con vật mà ta nuôi trong nhà. Thí dụ con mèo, con chó chẳng hạn, chúng tuy không nói được, nhưng vẫn linh cảm và dành cho chủ chúng sự quyến luyến, quí mến hơn những người xa lạ.

Yêu không chỉ là một nhu cầu, mà còn là một quà tặng. Chỉ có con người mới trao nhau tình yêu và nhận lấy từ người mình yêu qùa tặng này. Do đó, khi nói “tình cho không, biếu không”, tức là nói tới một thứ tình cảm hạ cấp, tầm thường và thiếu giá trị. Người ta không thể cho không hay biếu không tình mình, mà chỉ có thể trao tặng người nào biết trân quí và coi trọng tình mình. Trong thế giới tình yêu, người ta còn đề cập tới mãnh lực của mình yêu và những điều kiện của tình yêu.

Tình yêu rất mãnh liệt và bùng nổ kinh khủng. Sức mạnh nó có thể làm thay đổi cả một triều đại, như truờng hợp 1 vị vua nước Anh trước đây đã sẵn sàng nhường ngôi vua để đi theo tiếng gọi của con tim. Thánh Kinh Kitô giáo đã gọi “tình yêu mạnh hơn sự chết”. Khi đã yêu, người ta không còn phân biệt hơn thua, hoặc tính toán. Trịnh Công Sơn cũng đã diễn tả về sức mạnh tình yêu bằng một tư tưởng rất hay, theo ông thì “tình yêu như trái phá, con tim mù loà”. Điều này giải thích tại sao có những kẻ dám chết vì tình.

Vì không thấy tình yêu, không sờ được tình yêu, và nhất là không ai định nghĩa được tình yêu, nên tình yêu đã tự nó linh thiêng, cao quí lại càng trở thành huyền hoặc và khó lòng diễn tả. Nói một cách xác quyết là chưa có ai và cũng chẳng có bao giờ có người nào định nghĩa được tình yêu. Tuy vậy tình yêu vẫn có một mẫu số chung là, không ai có thể che dấu được tình cảm của mình khi đang yêu và được yêu. Người ta không thấy điện, không thấy gió nhưng vẫn cảm được gió, biết là có điện. Cũng thế, tuy không định nghĩa được, không nhìn thấy tình yêu nhưng vẫn có thể cảm được và biết được sự có mặt của tình yêu. Toma d’Aquinas đã đưa ra 5 hiệu quả tất yếu của tình yêu, theo đó:

- Khi yêu thì đòi có mặt của nhau. Việt Nam ta có câu: “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề” – một ngày không gặp mặt bằng ba năm xa cách.
- Khi yêu ta muốn nên giống người mình yêu. Tâm lý học cũng xác nhận đặc tính này khi diễn tả về tình yêu.
- Khi yêu mong hoặc kiếm tìm sự thiện hảo cho người mình yêu.
- Khi yêu người ta muốn nên một với nhau. Ở đây câu “hai ta tuy hai mà một, tuy một mà hai” mang ý nghĩa này. Cũng trong hình thức trở nên một với người mình yêu mà hành động sinh lý trong hôn nhân mới có ý nghĩa, và như một phương tiện chuyên chở tình yêu và trao tặng giữa hai kẻ yêu nhau.
- Khi yêu là hy sinh cho người mình yêu.

Những hành động trên là cái thước, là chiếc hàn thử biểu của tình yêu. Tình yêu chỉ có giá trị khi có người nào đó nhận ra được, trân trọng, nâng nưu và bảo vệ nó. Như vậy, cả người trao và kẻ nhận đều hạnh phúc, đều vui mừng vì muốn yêu và được yêu.

Nhưng dường như trào lưu sống hiện sinh lúc này đang có những quan niệm và lối nhìn khác về tình yêu. Đối với tâm trạng chung của thế hệ hiện nay, yêu đồng nghĩa với hưởng thụ, với lãng mạn, tình tứ, và khỏa lấp ham muốn của xác thịt. Theo đó, yêu mà không cuồng loạn, không hưởng thụ, không thỏa mãn giác quan chưa phải là yêu, và tình yêu chưa đạt mức. Quan niệm sống này có thể coi như một sự xuống giốc thê thảm và tụt hậu của tình yêu, vì khi con người coi thường tình mình, coi thường thân xác mình cũng là lúc con người tự mình đi vào những vấn nạn không giải thích được trong lãnh vực yêu thương. Từ đó nẩy sinh ghen tương, ngờ vực, ngoại tình, ly thân, và ly dị. Kết quả là không mấy ai muốn nhìn nhận những gía trị thật của hôn nhân, của gia đình.

Tóm lại, ảũnh hưởng của trào lưu hưởng thu và sự thoái hoá về luân lý đang làm nhiều người lầm tưởng và cho rằng tình yêu chỉ là một trò chơi của ái tình, của hưởng thụ, và của những mơn trớn tình cảm và giác quan. Họ đã đánh mất đi những đặc tính và sự cao cả của tình yêu. Và để phục hồi giá trị của tình yêu và để tình yêu được lên ngôi trong đời sống của con người, chúng ta phải thực hiện điều mà Đức Kitô đã nói: “Không có tình yêu nào cao cả hơn kẻ thí mạng sống mình vì bạn hũu mình”(Gio 15:13). Thiếu hy sinh và tha thứ, thiếu nhẫn nại và hòa giải, thiếu thông cảm và lắng nghe, tình yêu chỉ là một món hàng rẻ tiền rao bán đối với kẻ bán cũng như người mua.

 

 

YÊU 2
Trần Mỹ Duyệt



Trong lãnh vực yêu thương, người ta thường hay nhầm lẫn giữa tình yêu và tình cảm, giữa tình cảm và tình dục, và giữa tình dục và cuồng nhiệt. Người ta cũng thường lẫn lộn giữa tình yêu và trách nhiệm, giữa sự cho đi và nhận lại. Vì thế, Hồ Zdếnh đã viết: “Tình chỉ đẹp khi còn giang dở. Đời hết vui khi đã vẹn câu thề”.

Đề tài yêu lần trước, tôi đã phân tích cách tổng quát về tình yêu trong cuộc sống. Và tôi cũng đã gợi dẫn một vài tính chất quan trọng của tình yêu khi nhấn mạnh đến quan niệm yêu của Form, cũng như những đặc tính chính trong tình yêu của Toma A’quinas. Một trong những đặc tính ấy là hy sinh cho người mình yêu.

Đối với Form, tình yêu con người đối với Thượng Đế được coi là mối tình chân thật và cao cả nhất. Theo ông, nó vượt trên tình yêu lứa đôi, tình yêu cha mẹ với con cái, tình yêu bạn bè, và tình yêu đối với tổ quốc, dân tộc. Còn với Toma, thì thiếu tính chất hy sinh, tình yêu không còn là yêu mà là một sự lợi dụng, trao đổi sòng phẳng giữa hai người. Sự hy sinh theo Toma nó đòi hỏi và bóc lột toàn bộ con người của mình, đến nỗi ta có thể chết cho người mình yêu chứ không chỉ “yêu là chết trong lòng một tí” theo Xuân Diệu. Quan niệm yêu mà không cần phải hy sinh đang thấy hiện hành trong tương quan lứa đôi của thế hệ hiện nay.

Hôm nay, tôi muốn nhấn mạnh về giá trị tình yêu lứa đôi, và trình bày nó dưới khía cạnh viên mãn của cuộc sống con người. Chính nhờ yêu và được yêu mà cuộc sống mới có giá trị và ý nghĩa. Cũng chính nhờ yêu đã nâng cao và làm trọn hảo những mối giao hảo giữa hai người nam và nữ. Trong yêu thương thì hạnh phúc không gì khác hơn là viên mãn của kết hiệp. Người ta có thể hiểu rằng chính nhờ yêu và được yêu đã làm hạnh phúc lứa đôi nên tròn đầy, và nhờ sự tròn đầy ấy đã đem lại hạnh phúc. Nhưng quan niệm về vẻ đẹp của một mối tình giang dở, giữa đường đứt gánh lại là điều đang thu hút và hấp dẫn nhiều người, mặc dù ai cũng biết rằng điều ấy đang làm mất đi tính chất nguyên vẹn và giá trị bền bỉ của tình yêu.

Nếu yêu là một mảnh tình giang dở thì sao gọi là đẹp. Và nếu sự trọn vẹn lời thề lại trở thành chua chát, ê chề cho một cuộc tình thì làm sao nói được là người ấy đang yêu và hạnh phúc trong tình yêu. Người ta không thể nói chiếc áo đang may dở là một chiếc áo đẹp. Cũng vậy, người ta không thể nào cho một mối tình giữa đường đứt gánh là một mối tình đẹp. Bởi vì những gì giang dở, không tròn đầy thì không thể gọi là viên mãn, là đẹp. Có chăng chỉ là những ảo giác của một ký ức bao gồm những chắp nối, những vụn vặt của cảm xúc, của tình cảm mà người ta cho là đẹp. Lúc đó, người ta sẽ phải hiểu rằng tất cả những giọt nước mắt cho những tan vỡ cuộc tình là đẹp, là trân quí hơn những hạnh phúc đang có thật trong tầm tay. Nếu yêu giang dở là đẹp, thì không ai muốn tiến tới hôn nhân, và cũng không có những hoa trái của tình yêu trong hôn nhân.

Tóm lại, quan niệm cho rằng “tình chỉ đẹp khi còn giang dở”, chỉ là những ảo giác bồng bềnh, hão huyền của tính văn chương, mà không có cơ sở vững mạnh trong tình yêu. Theo tôi, đời thật vui khi trọn vẹn câu thề, khi tình yêu lên ngôi và ngự trị trong cuộc sống của chúng ta, cuộc sống lứa đôi. Quan niệm này cũng phù hợp hơn với quan niệm tâm lý học khi đề cập đến những rung cảm của tình yêu, cũng như trạng thái hạnh phúc của con người khi biết mình đang yêu và được yêu. Sự hồi hộp chờ mong của hai kẻ yêu nhau. Từng ánh mắt, từng hơi thở, và từng rung động của xác thân trong tương quan hòa tan trở nên một chính là trạng thái viên mãn, hoặc lên ngôi của tình yêu.

Nhưng cũng chính vì tình yêu đẹp và quan trọng như thế, nên mới nẩy sinh thái độ duy trì và thăng hoa tình yêu. Nếu không, những giây phút hạnh phúc ấy rồi ra cũng tiêu tan dần theo năm tháng, và với sự nhàm chán của tình cảm. Lúc ấy người ta sẽ lại ngậm ngùi nuối tiếc rồi ngớ ngẩn nghĩ rằng những tan vỡ kia mới là hạnh phúc.

Tình yêu, nhất là tình yêu lứa đôi, tình yêu vợ chồng không gì hơn là một sự hòa trộn và tròn đầy của những thao thức, của những nhớ thương, và của những khao khát làm thỏa mãn người mình yêu. Nhưng tình yêu không chỉ là những giao cảm của thân xác, của xúc động tình cảm. Nó còn là một nghệ thuật cần được con người tôi luyện.

Nhìn tình yêu như một nghệ thuật sống sẽ làm cho tình yêu ngày càng thăng hoa và thêm đẹp. Tự nó tình yêu cũng chỉ là một nhu cầu, nên nhu cầu này phải được học hỏi, tập dượt và ứng dụng trong cuộc sống. Ta không thể nói rằng hễ lấy vợ hoặc lấy chồng là tự nhiên ta sẽ yêu nhau và yêu nhau thắm thiết. Ta cũng không thể nghĩ rằng hễ sau ngày cưới là mọi chuyện đều xong, không cần để ý, không cần cân nhắc, không cần phải quan tâm đến người mình yêu nữa. Quan niệm sống này đã làm cho nhiều cuộc tình tươi đẹp trước đó trở thành tan vỡ và nước mắt. Nhưng tính chất nghệ thuật ấy phải được duy trì và phát triển như thế nào?

- Bằng cách làm nóng lại “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”.
- Bằng cách dành thời gian và hoàn cảnh cho nhau.
- Bằng cách tôn trọng và nâng nưu tình yêu qua việc tôn trọng và quí mến người mình yêu: “Tương kính như tân”. Bởi vì tình yêu tuy đẹp nhưng rất mong manh và dễ vở.
- Bằng cách chú ý đến người mình yêu hơn là mong được người yêu chú ý. Đừng sợ rằng “cho thì nhiều, mà nhận chẳng được bao nhiêu”.
- Bằng cách chứng minh cụ thể bằng hành động thực tế diễn ra hằng ngày, bằng những thông cảm, tha thứ, và chia sẻ.
- Bằng cách quan niệm rằng mình sẽ không thể thiếu vắng chàng hay nàng, chứ không phải nàng hay chàng không thể thiếu vắng mình.

Tóm lại, tình yêu tuy là một nhu cầu, nhưng để thăng hoa nhu cầu ấy lại đòi một cái nhìn và khối óc nghệ thuật. Nghệ thuật yêu và nghệ thuật đón nhận tình yêu của người yêu mình. Lúc ấy, tình yêu mới thực sự lên ngôi, và hạnh phúc mới thực sự viên mãn trong yêu thương.