|
CẢM NGHIỆM CỦA MỘT NGƯỜI LÀM CHA
(Nhân Ngày Thân Phụ Father Day 16/6/2002)
Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn về Cảm Nghiệm Làm
Cha cho buổi phát thanh Vui Mừng Và Hy Vọng, một chương trình phát thanh
Ơn Gọi Làm Người, do Nhóm Vào Đời chủ trương và thực hiện, qua Đài Tiếng
Nói Việt Nam Hải Ngoại, hằng tuần từ 11 giờ 30 đến 12 giờ trưa Chúa Nhật,
phát đi từ Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn đến 21 nơi thuộc 18 tiểu bang ngoài
California, về chủ đề Ngày Thân Phụ Father Day 16/6/2002.
1. Trong cuộc đời làm cha của mình, lúc nào cảm
thấy vui nhất?
Tôi lập gia đình năm 1983. Hiện có 3 cháu, 2 trai và
một gái. Trai lớn nhất 18, trai thứ hai 16 và cháu gái út 12. Thằng lớn
cách bố 3 giáp. Trong cuộc đời làm cha của mình lúc tôi cảm thấy vui nhất
xẩy ra vào ngày 5/11/1990, ngày đứa con gái út của tôi ra đời. Thật vậy,
sau khi hai vợ chồng chúng tôi có hai đứa con trai, chúng tôi dự định sinh
thêm một đứa nữa, và đứa này phải là đứa con gái, để thu được cả vốn (con
trai) lẫn lời (con gái). Bằng không, vợ tôi không sinh được nữa. Vì bác sĩ
nói đã sinh mổ hai lần rồi thì chỉ còn lần nữa là hết, kẻo nguy hiểm đến
tính mạng. Tuy nhiên, trong hai năm trời cố gắng để có được một đứa con
gái mà không được. Trong khi hai thằng con trai thì lại “no problem”.
Chúng tôi đã đi đến bác sĩ xem sao, và được cho biết không có vấn đề hay
trục trặc gì cả. Thế mà cho tới khi thằng thứ hai được bốn tuổi mà chúng
tôi vẫn chưa được toại nguyện. Cuối cùng, chúng tôi đã cử hành một lễ nghi
về tôn giáo để cầu xin ơn trên cho được như ý, vì những gì ngoài sức tự
nhiên của mình thì chỉ còn Trời mới có thể ban cho mình được thôi. Quả
nhiên, sau buổi nguyện cầu đặc biệt cả nhà này, vợ tôi đã có thai. Thế
nhưng, trong thời gian vợ tôi có thai, chúng tôi nhất định không đi khám
thai để xem có thật sự là con gái hay chăng. Cho tới khi nhà tôi vào nhà
thương và trước khi vào phòng mổ (C-Section), cô nữ y tá hộ sinh, sau khi
đo thử những biến động trong thân thể, căn cứ vào những đường nét xuất
hiện trên màn ảnh của bộ phận máy móc, với kinh nghiệm trên 20 năm hành
nghề của chị, chị cho rằng lại con trai nữa. Tuy nhiên, lúc ấy tôi vẫn tin
là con gái. Tôi đã được vào phòng mổ với vợ tôi, và đứng ở đầu giường,
quan sát bốn bác sĩ, một chuyên về thuốc mê đứng ở bên cạnh giường vợ tôi,
và ba bác sĩ, một chuyên môn mổ, một về sản phụ khoa và một nhi khoa, làm
việc ở hai bên bụng vợ tôi và phía chân của nàng. Thú thật, ttuy vào phòng
mổ với vợ mình ba lần, nhưng chỉ có lần này tôi mới quan sát kỹ nhất, vì
tôi rất mong có được một đứa con gái. Chính vì thế, tôi mới thấy được cái
đau đớn của một người đàn bà khi sinh con, nhất là chứng kiến thấy hai vị
bác sĩ, mổ và sản phụ, dùng dao rạch bụng vợ tôi ra mấy lần, rồi dùng kẹp
lấy hết sức kéo bụng nàng ra để cố gắng lấy đứa nhỏ ra khỏi bụng nàng. Tuy
được chích thuốc tê từ bụng trở xuống, đôi khi nàng cũng hơi ưỡn người lên
vì đau. Cảm tưởng của tôi lúc bấy giờ là nếu lần thứ nhất tôi cũng quan
sát kỹ như vậy thì có thể chúng tôi chỉ có một đứa con duy nhất. Thế rồi,
đứa thứ ba đã xuất hiện. Bác sĩ mổ cầm hai tay nâng đứa nhỏ lên trên bụng
vợ tôi và tuyên bố: “It is a girl”. Tôi sung sướng quá sức. Tôi thấy rằng
từ ngày làm cha tới nay, chưa giây phút nào tôi cảm thấy vui như vậy.
Chính vì thế, sau khi đứa nhỏ được bác sĩ nhi khoa khám nghiệm và tắm rửa
sạch sẽ xong, tôi đã theo người y tá mang con tôi ra phòng điều dưỡng
nursing room ngay, bỏ mặc vợ tôi trong phòng mổ, như sợ ai lấy mất của quí
nhất trên đời của mình vậy… Chưa hết, cũng đứa con gái này đã mang lại cho
bố của nó những giây phút hạnh phúc bất ngờ khác nữa. Chẳng hạn, có những
lần tôi cắt cỏ ngoài vườn, trong khi hai anh của nó ham chơi theo nam nhi
tính phóng khoáng của chúng, thì với bản chất nữ tính hay để ý những chi
tiết nho nhặt, đã tự động mang nước ra cho tôi uống, và lấy chổi quét cỏ
văng lên nền xi măng cho tôi. Bấy giờ cháu mới năm sáu tuổi đầu. Tạ ơn
Trời và tạ ơn người vợ của tôi đã cho tôi một đứa con gái độc nhất vô nhị
này.
2. Những gì làm cho một người làm cha của mình
buồn nhất?
Thường cha mẹ buồn khổ là vì con cái hư thân mất nết,
hay bảo không nghe. Riêng tôi, nếu có buồn thì chỉ buồn vì mình không hiểu
được con mình để có thể giúp chúng nó mà thôi. Thú thật, trong cuộc đời
làm cha của mình, tôi cảm thấy hầu như chỉ vui hơn là buồn. Tuy nhiên, mới
tháng vừa qua, tôi quả thực có cảm thấy hơi buồn vì thắng lớn nhất. Nhưng
sau đó lại vui ngay, mà còn vui hơn trước nữa. Thật vậy, trong thời gian
lo việc ra trường trung học của mình, cháu có xin chúng tôi một điều.
Trước hết nó xin với mẹ của nó. Không được, nó mời cả bố lẫn mẹ ngồi xuống
nói chuyện với nó. Bấy giờ tôi mới biết được điều nó muốn xin. Hai vợ
chồng tôi đã có cùng một chủ trương là nhất định không cho nó điều nó xin,
dù điều ấy không phải là tội lỗi gì, nhưng không hợp với nó và không nên
làm, nhất là theo văn hóa Việt Nam. Để xin điều này, trước hết, nó kể công
đủ thứ, nào là thay bố mẹ chở hai em đi học hằng ngày, nào là thấy nhà có
gì thì tự động làm cho bố mẹ, nào là cố gắng học để ra trường trên 4 chấm
v.v. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ biết cám ơn nó, nhưng vẫn nhất định không
cho nó được toại nguyện. Cắt nghĩa cho nó nghe lý do tại không không cho
nó. Cuối cùng nó kết luận là bố mẹ không tin tưởng nó, và vì không tin
tưởng nó nên cũng không thương nó, bởi thế, nếu bố mẹ thương nó thật thì
cho nó được như ý lần này. Tôi buồn nhất về ý nghĩ này của cháu. Vì cháu
đã phủ nhận tất cả những gì chúng tôi đã thực lòng yêu thương và tin tưởng
cháu đến thế nào. Do đó, bất đắc dĩ, chúng tôi phải kể công với nó, dẫn
chứng hết sức cụ thể về tất cả những gì chúng tôi đã tin tưởng và yêu
thương nó ra sao. Chúng tôi cũng xin cháu thông cảm với trách nhiệm làm
cha mẹ của chúng tôi. Vì thấy cháu còn cởi mở chia sẻ với bố mẹ và hỏi xin
bố mẹ những gì muốn làm như thế, chứ không đóng kín và làm rồi mới trình,
tôi đã lợi dụng tinh thần còn tin tưởng bố mẹ của cháu như thế, lập lại
những gì chúng tôi vẫn nói với các con trong gia đình thế này: không bao
giờ bố mẹ ghét bỏ các con; dù các con có hư thân mấy đi nữa, các con vẫn
là con của bố mẹ, chứ không phải vì thế mà các con không còn là con của bố
mẹ nữa; chính vì bố mẹ thương các con nên mới lo cho các con; bởi thế, có
những cái bố mẹ lo cho các con vì yêu có thể không hợp với ý nghĩ, ý thích
và ý muốn của các con; nhưng xin các con thông cảm với trách nhiệm của bố
mẹ; bố mẹ không bao giờ đầy dọa hay cố ý làm cho các con khổ đâu; bố mẹ cố
gắng hiểu các con và chiều các con tùy cái thôi; riêng bố, bố sẵn sàng bị
các con hận ghét chứ nhất định không để các con hư đi; chỉ sợ rằng khi các
con hiểu được việc bố làm thì đã muộn rồi, bố đã nằm xuống… Tối hôm đó,
đứa con trai lớn của tôi đã khóc, vì cảm động trước lời bố hay vì buồn
không được toại nguyện như ý của nó, tôi không biết, nhưng thành quả là
cho tới nay nó vẫn trọng kính và yêu mến chúng tôi, nghe lời chúng tôi. Tạ
ơn Trời và người vợ của tôi đã cộng tác với tôi chẳng những trong việc
sinh con mà còn cả trong việc giáo dục chúng nữa.
3. Kỷ niệm nào còn nhớ đối với người cha của mình?
Trong Ngày Thân Mẫu Mother Day, 13/5/2002, tôi đã
chia sẻ về kỷ niệm đối với người mẹ của mình. Đó là kỷ niệm mẹ tôi chỉ vì
thương tôi mà xuýt nữa mất tôi. Đó là năm 1954, ba mẹ con tôi (kể cả đứa
em gái của tôi bấy giờ mới có 3 tuổi), từ Hà Nội về Ngọc Đồng bằng tầu
thủy. Lần đầu tiên một thằng nhỏ 6 tuổi như tôi được đi tầu xa như vậy
trên Sông Hồng hầu như mênh mông bát ngát. Đứng ở bờ đê ngoài làng, tôi
chỉ nhìn thấy bờ bên kia rất lờ mờ, chứ không giống như con sông Đồng Nai
ở bên làng tôi ở trong Nam sau này. Tầu về đến nơi phải có cano ra rước
khách vào bờ. Không ngờ, chính vào thời gian chúng tôi về thăm làng lần
này thì bị tắc chiến, nghĩa là không còn tầu để trở về Hà Nội nữa. Thế là
ba mẹ con tôi từ giã bà ngoại, người vẫn cho tôi ăn củ ấu giống như xừng
trâu vào ban sáng, uống bột sắn vào ban trưa, ăn cá kho vào ban tối v.v.,
để về Hưng Yên, cách Ngọc Đồng 11 cây số. Bà tôi bảo ba mẹ con tôi cứ đi
trước rồi bà sẽ đi sau. Nhưng không bao giờ tôi được thấy bà tôi nữa. Lần
cuối cùng gặp gỡ này, bà tôi đã thuê người gánh hai anh em tôi lên Hưng
Lên, với giá 500 đồng bấy giờ, một số tiền rất lơn. Nhưng cũng chẳng ai
ham tiền và muốn làm việc này bấy giờ. Bởi thế, trong đoàn di tản cả trăm
người bấy giờ đi bộ lên Hưng Yên, dưới ánh nắng chang chang, trên đoạn
đường đầy những hố mìn và dốc dác khó đi, tôi là người nhỏ nhất. Chính vì
đáng thương như vậy mà, khi đi được một phần ba đường, có một người đi xe
đạp từ đâu tới, nói với mẹ tôi rằng, nếu được, chị cho tôi đèo cháu một
quãng. Thương con, và thấy người đàn ông này có lòng tốt, mẹ tôi đồng ý
liền. Thế rồi, theo mẹ tôi kể, sau khi không thấy bóng tôi nữa, mẹ tôi mới
khóc lóc vì sợ rằng sẽ không bao giờ gặp tôi nữa. Tôi đã ôm bụng của người
lạ mặt để theo ông đi đến nơi nào tôi cũng chẳng biết, bao lâu tôi cũng
chẳng nhớ. Chỉ biết rằng, tới một quán vắng người kia, ông bảo tôi rằng,
thôi hai bác cháu mình nghỉ ở đây để đợi mẹ cháu. Sau khi gặp lại tôi, mẹ
tôi càng khóc to hơn và cám ơn người đàn ông lạ mặt rối rít. Biết được câu
truyện này, mẹ tôi bị bố tôi mắng cho một trận. Nhưng mẹ tôi cũng chỉ vì
thương tôi mà thôi.
Còn về kỷ niệm với bố tôi, tôi không thể nào quên được trận dòn nên thân
vào cuối năm lớp ba của tôi. Tôi là thằng con trai lớn nhất trong nhà,
trong bốn người con, hai trai hai gái xen kẽ nhau. Bố tôi nói với tôi rằng
tôi là thằng ưa nặng. Chính vì thế, khi ba tôi đi làm xa ở Nha Trang,
trong khi nhà tôi ở Gia Định, gần Lăng Ông Bà Chiểu, sát Trường Nữ Trung
Học Gia Định, ở nhà không ai trị được, tôi phải gửi vào một ký túc xá ở
Thủ Đức năm lớp tư (tức lớp hai bây giờ). Năm sau, ba tôi không còn đi làm
xa nữa, tôi lại được trở về với gia đình. Nhưng ba mẹ tôi cố gắng, dù
nghèo, cũng cố cho tôi vào học trường Lasan Đức Minh ở Tân Định. Ngày ngày
tôi đạp xe đạp 5 cây số, từ nhà, qua Cầu Bông, qua khu Đakao (nơi có tiệm
thaïch
chè Hiển Khánh ở ngay bên cạnh rạp hát Casino, một rạp hát cũng không xa
hai rạp khác gần đó là Eden và Văn Hoa), theo con đường Hiền Vương, cuối cùng băng qua đường Hai Bà Trưng, rồi quẹo phải vào
trong một ngõ hẻm ở ngay ngã ba đường là tới. Với bản tính nghịch phá ngay
từ nhỏ, nghịch phá thôi chứ không hung hăng đánh lộn, trong năm đầu học
lớp ba bấy giờ, tôi đã được lọt vào mắt nâu của sư huynh hiệu trưởng bấy
giờ. Cứ giờ ra chơi là frère đứng sẵn ở gần văn phòng nhìn ra quan sát.
Tôi hay chơi chạy rượt bắt vào lúc này. Do đó, thường hay xô lấn, bị ngã
và rách áo. Tôi thường bị frère bắt đứng quay mặt vào tường, kiểu phạt mà
bấy giờ tôi nghe là “bíc kê” gì đó. Bị phạt như vậy mà vẫn còn chưa yên,
còn quay ra xem tình hình bạn bè của mình chơi ra sao, thì có lần bị frère
đứng đằng sau lúc nào không biết, tát tôi một cái nẩy lửa, làm mặt tôi
quay vào tường liền. Tất nhiên, cuối năm đó, tôi đã bị đuổi. Đây là một
tội rất nặng đối với bố tôi. Bố tôi đã phải dẫn tôi lên gặp riêng frère
hiệu trưởng vào một cuối tuần. Frère hiệu trưởng bắt đầu kể tội của tôi,
mà tội đầu tiên là tội đã đốt thư của frère gửi về báo cho gia đình về tội
lỗi của tôi. Tôi hoàn toàn bị frère đổ oan cho tội thứ nhất này. Tôi đâu
biết gì về việc frère viết thư và gửi cho bố tôi đâu. Tôi quả thực có gian
dối. Ở chỗ, nhiều lần đứng rất thấp trong lớp, nên tôi đã giả mạo chữ ký
của bố tôi vào học bạ hằng tháng để nộp lại cho thầy giáo. Tuy nhiên, tôi
không hề đốt thư của frère hiệu trưởng đi. Mà làm sao frère lại biết là
tôi đốt chứ không xé hay giấu nó đi? Tuy nhiên, đối với bố tôi, vấn đề
quan trọng là tôi có đốt thư của frère hiệu trưởng hay không thì giờ đây
tôi cũng đã bị đuổi, bị đuổi khỏi một trường học có danh giá, một trường
mà xin mãi mới được vô chứ không dễ gì được vào. Bởi thế, ông đã cố gắng
để nài nỉ cho tôi, và cuối cùng frère hiệu trưởng đồng ý cho tôi được trở
lại vào năm lớp nhất (tức lớp năm bây giờ). Còn năm lớp nhì, tôi phải đi
học trường khác. Hậu quả của việc bị đuổi học này là tôi bị một trận đòn
nên thân. Đúng thế, không nhờ trận đòn lịch sử này, chắc tôi đã không nên
thân nên người. Hôm ấy, sau khi gặp frère hiệu trưởng về, bố tôi bảo tôi
lên giường nằm. Ông đã dùng baton đánh tôi đúng 40 gậy, vào đúng moät chỗ,
trong vòng một tiếng đồng hồ, vừa đánh vừa răn daïy. Phần tôi, tôi không hề
khóc như những lần trước. Tuy nhiên, đau quá, tôi đã không đứng dậy được
nữa, chỉ nhăn mặt ngồi lên. Để rồi, sau đó, tôi đã thực sự nên người, bớt
nghịch phá, chăm chỉ học hành, với kết quả trông thấy nơi học lực vượt bực
của tôi vào những năm sau đó ở
tröôøng
Lasan Đức Minh cho tới hết năm đệ ngũ.
Tiện đây, con xin công khai cám ơn bố, vì con chưa
hề cám ơn bố về trận đòn nên người này
từ đó tới nay. Con công nhận quả thực là bố
đã thương con, ở chỗ, "thương con
cho roi cho vọt".
Tạo sao chỉ có Mother Day (vào Chúa Nhật Thứ Hai
trong Tháng Năm) và Father Day (Chúa Nhật Thứ Ba trong Tháng Sáu) ở xã hội
Mỹ Quốc, mà không có Child Day, Ngày Con Cái, hay Ngày Hôn Phu Husband Day
và Ngày Hôn Thê Wife Day?
Hôm Thứ Ba vừa rồi, 11/6/2002, tôi có ghé một nhà
in, một trong hai nhà in Việt Nam lớn nhất Orange County, nơi tôi vốn in
trên 30 tác phẩm của tôi, nơi có máy in 6 mầu một lúc và in hai mặt một
lúc trị giá 2 triệu Mỹ Kim, và chứng kiến thấy anh chủ tiệm cùng với hai
thằng con trái 5 và 6 tuổi của anh đang ngồi trong một xó nhà in ăn trưa
với thịt heo bằm hamburgers và frech fries khoai nướng. Anh thường tâm sự
với tôi về gia cảnh của anh mấy năm nay. Cho tới cách đây một tuần, vợ anh
đã bỏ nhà đi, không hề gọi về thăm con. Thật là tội nghiệp cho thân phận
gà trống nuôi con như anh, để chờ vợ trở về. Thấy hoàn cảnh của anh, tôi
mới tự nhiên nghĩ đến vấn đề được đặt ra trên đây. Theo tôi, xã hội Hoa Kỳ
nói chung, cần phải chống lại luật phá thai, đúng hơn trào lưu phá thai,
bằng việc cử hành Ngày Con Cái, cũng như chống lại luật ly dị, đúng hơn
khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa, bằng việc cử hành Ngày Hôn Phu và Ngày Hôn
Thê chung. Riêng gia đình tôi, hai vợ chồng chúng tôi vẫn cử hành Ngày
Thành Hôn bằng một cuộc tĩnh tâm riêng hai vợ chồng vào chính ngày thành
hôn, rồi vào cuối tuần, cả mấy đứa con đến chính nơi chúng tôi lập gia
đình để cử hành những lễ nghi đặc biệt, rồi kéo nhau ra ăn tiệm mừng. Về
Ngày Con Cái, ngoài việc cử hành Ngày Sinh Nhật của mỗi đứa, và hằng năm
gia đình đi chơi xa với nhau, từ năm tới, chúng tôi quyết định sẽ cử hành
vào Ngày 31/5, ngày ở khoảng giữa Mother Day và Father Day. Làm gì thì làm,
chúng ta phải làm sao để thực sự Hôn Nhân Là Hiệp Thông Xã Hội, Gia Đình
Là Nền Tảng Xã Hội và Con Cái Là Tương Lại Xã Hội.
Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh
(bài Phát Thanh Vui Mừng Và Hy Vọng 22, 16/6/2002: www.tinmungsusong.org
và bài cho mục Hội Ngộ Tâm Linh của www.thoidiemmaria.net)
|