TÌNH NGHĨA PHU THÊ
Tình Nghĩa: Khác Biệt
Trước hết, ở đây chúng ta không cố ý sử dụng thành
ngữ Tình Yêu Phu Phụ mà là Tình Nghĩa Phu Thê là vì ngày nay người ta có
khuynh hướng chỉ chú trọng đến tình yêu mà không lưu ý đến tình nghĩa mấy
nữa. Không phải hay sao, vì chú trọng đến tình yêu hơn tình nghĩa, do đó,
một khi hết yêu nhau là người ta liền bỏ nhau, là người ta ly dị nhau theo
kiểu Tây Phương, là người ta không còn tình nghĩa gì với nhau nữa, theo
luân lý Đông Phương nói chung và Á Đông nói riêng. Trái lại, chính vì tình
nghĩa mà cho dù có lấy nhau theo tục cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy đi chăng
nữa, hai con người vợ chồng thuộc văn hóa Á Đông vẫn có thể trọn đời sống
với nhau, vì những đụng chạm xác thịt hết sức linh thiêng giữa họ với nhau,
những giao chạm linh thiêng đã làm cho họ sinh ra những con người cao quí,
những con người không thể chỉ vì hạnh phúc riêng của thành phần làm bố làm
mẹ mà bắt chúng phải chịu sống cảnh mồ côi bất đắc dĩ như ở xã hội Âu Mỹ
hiện nay. Vậy phải chăng tình nghĩa sâu xa hơn tình yêu? Và vợ chồng muốn
sống trọn đời với nhau phải sống bằng tình nghĩa hơn là tình yêu?
Thật vậy, thực tế cho chúng ta thấy tình nghĩa hoàn toàn khác với tình yêu
và không phải là tình yêu. Tại sao? Bởi vì, có những trường hợp hai vợ
chồng sống với nhau không phải vì tình mà chỉ vì nghĩa, nghĩa vợ chồng,
nghĩa phụ tử hay mẫu tử. Nếu “tình” đây được hiểu là những gì tự phát và
chủ động tìm đến với nhau theo khuynh hướng và thúc động tình cảm phái
tính, thì “nghĩa” đây có thể nói là nghĩa vụ, những gì ràng buộc và khó
dứt trên căn bản luân lý làm người. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy nếu
không có “tình” thì cũng không có “nghĩa”. Ở chỗ, người ta cho rằng dù sao
mình cũng có duyên nợ với nhau, bằng không làm sao lại có thể nên vợ thành
chồng. Ngoài ra, nếu hoàn cảnh cho phép, họ vẫn có thể bỏ nhau, như một số
cặp hôn nhân tiền chiến ở Việt Nam cũng đã không bền tại đất nước văn minh
Âu Mỹ này. Vậy nếu trong hoàn cảnh thuận tiện để có thể ly dị bỏ nhau mà
những cặp vợ chồng thời “Lạnh Lùng” và “Đoạn Tuyệt” của Nhất Linh vẫn gắn
bó với nhau, thì không phải là họ chẳng những sống với nhau vì nghĩa mà
còn vì tình nữa hay sao, một tình yêu phát xuất từ thiên duyên tiền định
hơn là vì tự do luyến ái? Hơn nữa, cũng không thiếu những trường hợp, lúc
đầu lấy nhau chỉ vì nghĩa, vì nghĩa làm con phải trả hiếu cha mẹ, vì nghĩa
làm con phải lập gia đình để nối dõi tông đường cho gia tộc, vì nghĩa làm
con phải làm cho cha mẹ nở mày nở mặt theo môn đăng hộ đối v.v., nhưng khi
về chung sống với nhau rồi, hai con người sống theo tình nghĩa này và vốn
có tình nghĩa gia đình rất căn bản để làm người này, lại cảm thấy hạnh
phúc, lại nẩy sinh yêu thương.
Tình Nghĩa: Hội Ngộ
Nếu “tình” là tình yêu, theo tình cảm phái tính, và “nghĩa” là nghĩa vụ,
theo việc phải làm, như trách nhiệm luân lý đòi buộc, thì không phải đã
yêu là con người được hoàn toàn tự do, không cần hay không dính dáng gì
đến “nghĩa”. Trái lại, khi bắt đầu yêu nhau là người ta đã phải có “nghĩa”
với nhau rồi, ở chỗ, họ phải có nghĩa vụ tôn trọng nhau, chứ không phải có
quyền chiếm đoạt nhau, sử dụng nhau và lạm dụng nhau, bằng không, không có
“nghĩa” cũng chẳng có “tình”. Như thực tế cho thấy những cuộc tình của
thời đại này, những cuộc tình tưng bừng và vội vã khai trương với giây
phút “big moment” của “dating” hẹn hò, để rồi cũng mau chóng dẹp tiệm đóng
cửa. Bởi vậy, nếu “tình” phải hướng đến “nghĩa”, nên mới gọi là “tình
nghĩa”, “tình sâu nghĩa nặng” hay “tình nồng nghĩa thiết”, và mới là tình
yêu chân chính, vững bền, thì trong “nghĩa” đã có sẵn “tình”, nên mới gọi
là “nặng nghĩa ân tình” hay “trọn nghĩa ân tình”. Kinh nghiệm cho thấy,
cặp vợ chồng nào có “nghĩa” hay nặng “nghĩa” với nhau sẽ trung thành với
nhau hơn là những đôi uyên ương chỉ biết say mê nhau vì “tình”, tình cảm,
tình dục.
Tình nghĩa chẳng những khiến vợ chồng tôn trọng lẫn nhau, chu toàn phận sự
đối với nhau, mà còn quí trọng cả con cái do họ sinh ra nữa, bằng việc chu
toàn nhiệm vụ làm cha làm mẹ đối với chúng, chứ không vì vợ chồng lục đục
với nhau mà để cho chúng phải chịu thiệt thòi cách nào. Như trào lưu ly dị
pro choice trong hôn nhân ngày nay, coi hôn nhân như một trò chơi và con
cái như đồ chơi. Chính vì sống đời vợ chồng với nhau vì nghĩa hơn là vì
tình mà con cái do họ sinh ra lại càng là những gì ràng buộc hai vợ chồng
lại với nhau không thể tách rời được nữa.
Cũng chính vì nghĩa, vì coi trọng nghĩa vợ chồng với nhau cũng như coi
nặng nghĩa với con cái như vậy mà họ coi tác động vợ chồng là những gì
linh thiêng cao quí, chứ không phải chỉ là những giây phút cực lạc của tận
cùng khoái cảm để thỏa mãn nhu cầu sinh lý bản năng. Đối với họ, một đời
đã trao thân là trọn đời thuộc về nhau. Đối với những cặp vợ chồng sống
với nhau “trọn nghĩa ân tình” này, đời sống hôn nhân vợ chồng của họ mới
thực sự “nên một thân thể” theo ý nghĩa hôn nhân Do Thái Giáo và Kitô Giáo.
Tình trạng “nên một thân thể” của họ ở đây không phải theo nghĩa thể lý
cho bằng nghĩa tâm lý và luân lý. Theo nghĩa tâm lý, “nên một thân thể”
nghĩa là thân thể của vợ là của chồng và thân thể của chồng là của vợ,
được thể hiện qua việc trao thân cho nhau, giao hợp với nhau. Theo nghĩa
luân lý, “nên một thân thể” nghĩa là thân thể của họ trọn đời là duy của
một người chứ không phải của nhiều người, như hiện tượng đa thê đa phu của
trào lưu ly dị ngày nay cho phép.
Nếu “nghĩa” giúp con người gắn bó với nhau, không lìa bỏ nhau, trái lại,
còn có thể đưa con người vợ chồng đến chỗ thực sự và hoàn toàn “nên một
thân thể”, mà “tình” trong tình yêu hôn thê, cũng có khuynh hướng và là
động lực hiệp nhất nên một vợ chồng, thì “tình” và “nghĩa” đều đồng qui
tại một điểm, ở chỗ hiệp nhất nên một. Như thế, vì tất cả bản chất và cốt
lõi của hôn nhân là ở chỗ nên một thân thể như thế mà tất cả những gì vợ
chồng làm ngược lại với bản chất này đều đưa con người đến chỗ rạn nứt hay
đi tới chỗ đổ vỡ đời sống hôn nhân. Điển hình nhất là trường hợp ngoại
tình về thể lý và ly dị theo pháp lý. Vậy, làm thế nào để vợ chồng luôn
hiệp nhất nên một thân thể trong đời sống hôn nhân? Nếu không phải họ cần
chia cho nhau bằng tinh thần hy sinh và nhân cho nhau bằng tinh thần chịu
đựng, chứ không phải cộng với nhau bằng đòi hỏi công bằng hay trừ khử nhau
bằng bất đồng chia rẽ.
Tình Nghĩa: Cộng Trừ
Nếu vợ chồng mỗi người là 1 ngôi vị khác nhau, mà
sống với nhau như một bài toán cộng thì sẽ thành 2 chứ không nên 1. Vợ
chồng sống với nhau như bài toán cộng là ở chỗ mỗi người một account, một
trương mục, chồng trả tiền nhà, vợ trả tiền những thứ chi phí khác, miễn
là hai bên cân bằng với nhau trong vấn đề trang trải mọi sự trong nhà; nếu
cần phải chi phí cho những thứ ngoại lệ theo tình nghĩa, như tới ngày
Valentine, Giáng Sinh, Father Day hay Mother Day, Ngày Sinh Nhật của nhau
thì lấy tiền của riêng mình mà mua quà tặng nhau, bao nhau ăn uống như bạn
bè. Bởi thế, bởi sống một đời sống vợ chồng với nhau như một bài toán cộng
1 với 1 là 2 như thế, nên khi gặp trường hợp một trong hai người đụng đến
quyền lợi của nhau, đụng đến đức công bằng đã được phân chia ranh giới, họ
liền bất mãn và tỏ thái độ đòi hỏi công lý, đến độ, họ đi đến chỗ làm toán
trừ, 1 trừ 1 thành 0, vợ trừ chồng hay chồng trừ vợ thành ly dị.
Trước công lý, bài toán trừ họ làm chẳng những liên quan đến tình nghĩa
“anh đi đường anh, tôi đi đường tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi”, mà
còn liên quan cả đến của cải nữa. Ở chỗ, tất cả những gì hai vợ chồng làm
được từ ngày lấy nhau, sẽ được chia đồng đều. Nếu trường hợp họ đã có con
cái với nhau, dù không còn là vợ chồng với nhau theo pháp lý nữa, họ vẫn
phải bất đắc dĩ tiếp tục làm bài toán cộng. Ở chỗ, họ vẫn phải tiếp tục
cộng tác với nhau, 1 với 1 là 2, trong việc chu toàn trách nhiệm đối với
con cái còn ở trong tuổi vị thành niên, tức họ phải cộng tác với nhau
trong việc người thì trực tiếp nuôi con, người phải cung cấp child support
cho con. Bằng không, trong hai vợ chồng, nếu không ai có đủ khả năng nuôi
con, vì bị tâm thần hay đã từng abuse bạo hành hay neglect bỏ bê con cái
chẳng hạn, và không ai có thể support cho con, vì thất nghiệp không có
việc làm chẳng hạn, thì con của họ liền thuộc về chính phủ, tức chính phủ
có quyền custody, có quyền làm bảo hộ coi sóc con cái của họ, những đứa
con thường được chính phủ gửi đến một nhà nuôi foster home. Như thế, bài
toán trừ ly dị “zero tolerance” nhất định không nhường nhịn trong trường
hợp cả cha lẫn mẹ bất lực này thật là thê thảm, vì cái hậu quả zero giữa
họ với nhau, cái hậu quả gây ra bởi họ chẳng đếm xỉa gì đến tình nghĩa phu
thê giữa họ với nhau, hay ít là còn nghĩ đến tình nghĩa phụ tử hay mẫu tử
giữa họ với con cái của họ, đã khiến cho những đứa con vô tội mất cả cha
lẫn mẹ, sống cuộc đời mồ côi bất đắc dĩ, xa cách cả những người sinh thành
dưỡng dục của chúng còn sống mà như đã qua đời.
Tình Nghĩa: Nhân Chia
Bởi thế, để tránh hiện tượng hay thảm trạng vợ chồng
sống với nhau như một bài toán cộng, một lối sống dễ đưa họ tới đáp số
zero của một bài toán trừ nát tan phá sản về cả tình nghĩa, của cải lẫn
con cái như vậy, họ cần phải sống với nhau theo đúng mục đích và bản chất
của hôn nhân là hiệp nhất, được thể hiện qua tác động vợ chồng “nên một
thân thể” hết sức linh thiêng cao quí. Nghĩa là, hai vợ chồng phải làm sao
để chẳng những tránh những lối sống, hành vi, thái độ cộng và trừ giữa vợ
chồng với nhau, mà còn phải liên lỉ sống làm sao để vợ chồng chỉ là 1,
bằng cách sống theo bài toán nhân 1 x 1 = 1 hay theo bài toán chia, 1 / 1
= 1, những bài toán chứng tỏ họ giải quyết những khác biệt, bất đồng và
đụng chạm, không thể tránh trong đời sống vợ chồng, thậm chí cả lầm lỗi
phạm đến bản tính của hôn nhân, chỉ bằng tinh thần hy sinh, nhịn nhục và
tha thứ cho nhau.
Vợ chồng sống với nhau theo bài toán nhân 1 x 1 = 1 là ở chỗ, họ tác hành
và giải quyết tất cả mọi sự trong gia đình bằng cách coi tất cả mọi sự là
của chung, hoàn toàn tin tưởng nhau, chứ không phải kiểu làm giấy giữ của
trước khi lấy nhau kẻo ly dị phải chia cả những gì mình có trước khi lấy
nhau. Ngoài ra, 1 x 1 = 1 trong đời sống vợ chồng còn ở chỗ tự thích nghi
cuộc sống của mình với nhau, chứ không bắt nhau phải thích nghi với mình.
Điển hình nhất là việc vợ chồng, một việc rất tinh tế, một việc cần phải
mang lại cảm xúc chất ngất yêu thương thực sự cho cả hai thân thể, chứ
không phải chỉ cho một đòi hỏi sinh lý nào. Ngoài ra, còn ở chỗ, đối với
những gì không phải là tội thật rõ ràng, như những hành động ngoại tình,
hay tác hại trông thấy, như nghiện hút hay cờ bạc, thì hãy chiều nhau.
Thậm chí 1 x 1 = 1 còn được thể hiện đến tột độ bằng việc tha thứ cho nhau,
nếu những điều tưởng là vô tội ấy mang lại những hậu quả không ngờ, như
trường hợp thích nhẩy đầm rồi từ từ đi đến chỗ sa ngã, hay ngay cả những
trường hợp ngoại tình của nhau, những trường hợp mà sau đó người vợ hay
chồng ngoại tình của mình thật lòng ăn năn hối lỗi, xin lỗi và quyết tâm
sửa lỗi.
Nếu bài toán nhân 1 x 1 = 1 trong đời sống vợ chồng là tin tưởng nhau,
thích ứng với nhau, chiều chuộng nhau và tha thứ cho nhau, để có thể liên
lỉ “nên một thân thể” với nhau theo đúng bản chất và mục đích của hôn
nhân, thì bài toán chia 1 / 1 = 1 của đời sống hôn nhân sẽ là chia sẻ với
nhau và hy sinh cho nhau. 1 / 1 = 1 của đời sống hôn nhân là chia sẻ với
nhau ở chỗ, đừng để cho nhau phải chịu khổ vì gánh nặng gia đình, gánh
nặng con cái, gánh nặng công ăn việc làm, nhất là gánh nặng chính bản thân
với những tính hư nết xấu của người là vợ hay chồng của họ. Mình phải làm
sao để cho nhau cảm thấy lúc nào cũng hạnh phúc ở với mình, cũng thích
sống với mình, cũng cảm thấy hãnh diện vì mình, cũng cần đến mình. 1 / 1 =
1 của đời sống hôn nhân còn là hy sinh cho nhau ở chỗ, nhiều khi không cần
nhau phải tỏ ý mình mới biết để đáp ứng, trái lại, chính tình yêu thương
nhau tha thiết sẽ làm cho mình trở thành nhậy cảm và biết đáp ứng tất cả
những gì vợ mình hay chồng mình ước mong, thích thú hay cần thiết. Mình
luôn phải luôn làm sao để trở thành quà tặng cho nhau, chứ đừng khi nào
trở thành gánh nặng cho nhau. Trở thành quà tặng cho nhau ở chỗ, không
phải mình cho nhau những gì mình thích mà là cho nhau những gì nhau thích.
Thật ra cuộc sống hôn nhân bắt đầu và bền bỉ là ở chỗ lúc nào cũng là quà
tặng cho nhau. Bởi thế, một khi con người bắt đầu tỏ thái độ lấy lại, bắt
đầu có những hành động ăn thua, tính toán, business trong tình yêu phu phụ
là con người bắt đầu giải quyết mọi sự vợ chồng bằng bài toán cộng 1 + 1 =
2, mà hậu quả khó có thể tránh được, hay vẫn thường xẩy ra nơi xã hội văn
minh sặc mùi hưởng thụ và cá nhân chủ nghĩa này, đó là “zero tolerance”:
ly dị 1 – 1 = 0.
Tuy nhiên, để có thể tránh sống đời vợ chồng theo cách tính toán 1 + 1 = 2
hay 1 – 1 = 0, trái lại, để luôn sống đúng với mục đích và bản chất của
hôn nhân là hiệp nhất “nên một thân thể”, ở chỗ, 1 x 1 = 1 và 1 / 1 = 1,
con người vợ chồng văn minh cần phải chẳng những có “tình” ngay từ đầu, mà
còn phải có “nghĩa” khi chung sống với nhau nữa. “Tình nghĩa phu thê” là
thế đó.
Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh
(bài Phát Thanh Vui Mừng Và Hy Vọng 23, 23/6/2002: www.tinmungsusong.org
và bài cho mục Hội Ngộ Tâm Linh của www.thoidiemmaria.net)