|
|
|
VAI TRÒ LÀM VỢ LÀ PHỤ NỮ
Vai trò làm chồng, như đã chia sẻ trong bài trước,
là ở chỗ nhận biết và gắn bó với vợ, qua việc chiều chuộng vợ, âu yếm vợ, bao
bọc vợ, bênh đỡ vợ và bao dung vợ, một vai trò được căn cứ vào đạo lý Do Thái,
một đạo lý cũng rất thích hợp với tâm lý phái tính tự nhiên cũng như văn hóa của
mọi thời đại. Nếu vai trò làm chồng đối với vợ quả thực đúng như vậy thì vai trò
làm vợ đối với chồng là gì và như thế nào mới hợp đạo lý và tâm lý? Theo văn hóa
chung chung, vai trò của người vợ bình thường là ở chỗ hỗ trợ chồng, qua việc
nội trợ trong nhà, với danh xưng là nội tướng.
Thật vậy, cũng theo Thánh Kinh Do Thái Giáo, đàn bà sở dĩ được gọi là "phụ” nữ
là vì xuất phát từ phái nam (x Sách Khởi Nguyên 2:23). Tuy nhiên, dù phát xuất
từ phái nam, không phải vì thế mà phẩm vị của phái nữ thua phái nam và kém phái
nam. Phái nữ không phải hiện hữu để bù đắp chỗ trống cho hợp nghĩa nơi phái nam,
mà là làm cho phái nam nhờ đó được nên trọn. Vì phái nữ chính là bản thân của
phái nam, là chính tất cả những gì của phái nam, khiến phải nam phải từ bỏ tất
cả mọi sự để sống đời với nàng, để nên một thân thể với nàng, để sống trọn thân
phận làm người của mình. Do đó, trong tình yêu phái tính, nếu phái nam nhận biết
vợ mình và gắn bó với vợ mình, bằng việc tán tỉnh và theo đuổi thế nào, thì phái
nữ, theo tâm lý tự nhiên, bình thường cũng dễ hướng chiều về người nào tha thiết
yêu mình và tỏ ra cảm kích trước người nào say mê theo đuổi mình như vậy. Thực
tế cho thấy chính vì phái nữ hay yếu lòng trước lời khen tặng và dụ ngọt của nam
nhân, nhất là trong lúc các nàng bị khủng hoảng về tình cảm, mà các nàng dễ bị
lỡ bước sa chân, sau đó trở thành hận đời, tỏ ra rất thù ghét đàn ông, thậm chí
đi đến chỗ cho đám đàn ông toàn là đồ đểu giả, sở khanh. Tuy nhiên, tâm lý yêu
thương đáp ứng thương yêu này nơi phái nữ cũng cho thấy vai trò của con người nữ
nhân mang thân phận làm vợ chính yếu là ở chỗ chấp nhận chồng mình và hiệp nhất
với chồng, được thể hiện qua việc trao thân cho chồng.
Đến đây, chúng ta thấy vai trò vợ chồng rất tương hợp với nhau, ở chỗ, với tư
cách và vị trí làm đầu, chồng đóng vai trò nhận biết vợ và gắn bó với vợ, còn vợ,
với tư cách và vị trí làm thân, vợ đóng vai trò chấp nhận chồng và hiệp nhất với
chồng bằng việc trao thân cho chồng. Thế nhưng, vợ phải tỏ ra vai trò chấp nhận
và hiệp nhất với chồng một cách xứng hợp như thế nào, nếu không phải bằng việc
kính trọng chồng, nghe lời chồng, cộng tác với chồng, nâng đỡ chồng, và trung
thành với chồng, những tác động đáp ứng việc chồng chiều chuộng vợ, âu yếm vợ,
bao bọc vợ, bênh vực vợ và bao dung vợ. Tại sao? Tại vì chồng là đầu và vợ là
thân. Đúng vậy, theo cơ cấu phụ hệ, người chồng cũng là người cha, là nhân vật
chính trong gia đình, gọi là gia trưởng. Thật thế, vai trò làm gia trưởng, làm
đầu của người chồng, theo tự nhiên, đã là yếu tố bẩm sinh nơi con người nam nhân,
một phái tính mà, về thể lý thì mạnh mẽ để làm việc, tháo vát và bảo vệ những
người thuộc về mình, về tâm lý thì suy nghĩ và lập luận bằng đầu trí óc hơn là
con tim, về sinh lý thì đòi hỏi, chiếm đoạt và ở vào thế làm “chồng” hay nằm
trên khi ân ái. Thậm chí cả những việc vốn thuộc về người phụ nữ trong dia đình,
như nấu nướng và may vá, cũng do đàn ông bao thầu khi làm ăn lớn, như nấu nướng
ở các nhà hàng hay cắt may ở các hãng sản xuất quần áo. Bởi thế, theo phụ hệ,
con cái được sinh ra đều lấy theo họ cha, chứ không phải họ mẹ. Thậm chí, ở Hoa
Kỳ, khi lập gia đình, người vợ còn đổi tên họ riêng của mình, maiden name của
mình để lấy họ của chồng nữa. Bởi đó, trước khi lập gia đình thì chồng theo vợ,
tức theo đuổi vợ, nhưng khi về với nhau rồi thì vợ theo chồng, lấy họ chồng, phụ
trợ chồng. Chồng thực sự là người đầu của gia đình nói chung và của vợ nói riêng.
Thân thể được điều khiển và hướng dẫn bởi đầu thế nào, người vợ và con cái cũng
được điều khiển và hướng dẫn bởi người chồng như vậy.
Tác động thứ nhất chứng tỏ vai trò làm vợ là chấp nhận và hiệp nhất với chồng
mình đó là việc vợ kính trọng chồng. Thật ra, nói chung, vấn đề kính trọng là
bổn phận của hết mọi người và phải tỏ ra với hết mọi người, chứ không riêng gì
của vợ và là phận sự vợ phải tỏ ra đối với chồng. Chồng cũng phải kính trọng vợ
nữa, nhất là nhân phẩm cũng là người như mình của vợ, chứ không phải cậy mình là
phái mạnh và có quyền trong gia đình mà bắt nạt vợ, ức hiếp vợ, coi vợ không ra
gì, coi vợ như là người đầy tớ phục dịch mình v.v. Thế nhưng, theo văn hóa Á
Đông, việc kính trọng thường của người dưới đối với người trên. Vấn đề người
dưới kính trọng người trên đây không phải vì cá nhân của con người làm đầu, cho
bằng quyền bính nơi họ. Nghĩa là người dưới kính trọng quyền bính của người trên
và quyền bính nơi người trên. Thế nhưng, quyền bính ở đâu ra, nếu không phải từ
trên cao ban xuống, dù là quyền bính theo kiểu cha truyền con nối thuộc thời
quân chủ ngày xưa. Bởi thế, nói đúng hơn, người dưới kính trọng người trên là
kính trọng trời cao nơi người trên. Và cũng chỉ có một niềm tin sâu xa như thế,
người dưới mới có thể chấp nhận bất cứ người nào được chọn làm đầu, nhất là mới
có thể nghe theo mệnh lệnh và huấn dụ phát xuất từ vị thủ lãnh của mình. Áp dụng
vào đời sống hôn nhân vợ chồng cũng thế. Với tư cách và vị thế làm thân, người
vợ cần phải hết sức kính trọng chồng, nói đúng hơn, kính trọng quyền bính thần
linh nơi chồng. Tất nhiên, phần chồng cũng cần phải cố gắng tỏ ra uy tín và tư
cách làm đầu để đáng được và mới đáng được kính trọng. Tuy thế, nếu chẳng may vì
con người bất toàn, vì một lỗi lầm, sơ khuyết hay yếu kém nào đó ngoài ý muốn
của chồng mà vợ lên mặt khinh chồng, thậm chí qua mặt chồng, thì cơ cấu hôn nhân
đã bị đảo ngược, chiếc thuyền gia đình bị nghiêng hẳn về một bên, rất nguy hiểm
khi biển động, như đã từng xẩy ra cho một số gia đình, trừ khi người chồng biết
phận của mình đành chịu lép vế cho yên cửa vui nhà. Thực tế không thiếu những
trường hợp cho thấy gia đình nào ở trong tình trạng vợ làm cách mạng nổi lên nắm
chính quyền qua mặt chồng trong gia đình, dù có khả năng tính toán hơn, giao
tiếp xã hội rộng rãi hơn, làm ra tiền nhiều hơn, con cái cũng chẳng coi người mẹ
của chúng ra gì…
Tác động thứ hai chứng tỏ vai trò làm vợ là chấp nhận và hiệp nhất với chồng
mình đó là việc vợ nghe lời chồng. Đúng thế, lòng kính trọng chồng được thể hiện
trên hết và trước hết là việc vợ nghe lời chồng. Nghe lời chồng ở đây không phải
là cái gì cũng nghe. Mà là những gì hợp tình hợp lý. Những gì xây dựng gia đình.
Đôi khi, nếu không muốn nói là nhiều khi, cả hai vợ chồng đều có ý xây dựng gia
đình, chứ không ai muốn phá hoại, mà lại đụng nhau vỡ đầu, cãi nhau nẩy lửa, chỉ
vì ai cũng cho ý của mình hay hơn, có lợi hơn. Bình thường, vì là phái nam thiên
về lý luận, chồng thường nghĩ bằng bộ óc, còn vợ, vì là phái nữ thiên về tình
cảm, thường suy nghĩ bằng con tim. Do đó, có những lúc bộ óc không thể hiểu được
những lý lẽ và phản ứng của con tim, trái lại, con tim cũng không thể chấp nhận
được những phán quyết khô khan và chủ quan của bộ óc. Trong những trường hợp này,
theo lý thì vợ phải tôn trọng ý kiến của chồng, vì chồng là đầu của vợ. Nhưng
nếu cần, theo tình, chồng cũng có thể nhường vợ. Bằng không, không khí gia đình
sẽ trở nên căng thẳng và ngột ngạt. Để rồi, vào một lúc nào đó, căng quá sẽ đức
giây. Để dung hòa, chồng không bao giờ nên dùng quyền để lấn át vợ, kiểu cả vú
lấp miệng em, lấy thịt đè người, tức không bao giờ nghe vợ góp ý kiến, nghe vợ
trình bày; trái lại, vợ cũng không bao giờ được qua mặt chồng trong những gì hợp
tình hợp lý.
Tác động thứ ba chứng tỏ vai trò làm vợ là chấp nhận và hiệp nhất với chồng mình
đó là việc vợ cộng tác chồng. Việc vợ nghe chồng là việc vợ cộng tác với chồng
cụ thể nhất và sống động nhất. Ngoài ra, vợ còn tỏ ra cộng tác với chồng trong
việc chu toàn phận sự làm vợ của mình, như lo việc nội trợ trong nhà, và cả phận
sự làm mẹ nếu có con. Kể cả trường hợp người vợ ở nhà giữ con và chăm lo nhà cửa,
chỉ một mình chồng đi làm, thì tất cả những gì chồng làm cũng là vợ làm. Vì nếu
không có vợ ở nhà lo những việc nội trợ thì chồng cũng không thể hay khó có thể
lo những việc kinh bang tế thế thay cho gia đình. Chồng làm gì cũng làm chẳng
những với tư cách cá nhân mà còn với tư cách là một người chồng, người gia
trưởng nữa. Bởi thế, chồng được danh giá gì ngoài xã hội thì vợ cũng được hưởng
chung. Chồng làm tổng thống thì vợ cũng tự nhiên trở thành đệ nhất phu nhân, trở
thành mẫu nghi thiên hạ, được gọi là bà tổng thống, là phu nhân tổng thống. Tôi
đã từng thấy có người vợ vất vả đi làm để lo cho chồng đi học cho đến khi công
thành danh toại với cấp bằng luật sư thực thụ, rồi sau đó chị giải nghệ kỹ sư
hóa học của mình để về điều hành văn phòng luật sư cho chồng và với chồng. Tóm
lại, chồng phải làm sao để vợ có thể hãnh diện về mình, còn vợ cũng phải làm sao
để chồng phải thú nhận với bạn bè là nếu không có nàng tôi không được như bây
giờ!
Tác động thứ bốn chứng tỏ vai trò làm vợ là chấp nhận và hiệp nhất với chồng
mình đó là việc vợ nâng đỡ chồng. Cộng tác với chồng, như trên vừa đề cập đến,
là một trong những cách nâng đỡ chồng. Tuy nhiên, nâng đỡ chồng đây chính là ở
chỗ thấy chồng mệt mỏi thì tẩm bổ cho chồng; thấy chồng cảm thấy chán nản thì
khích lệ chồng thêm; thấy chồng tỏ ra bối rối thì góp ý với chồng; thấy chồng
cáu kỉnh đủ thứ thì dịu dàng nhịn nhục chứ không tỏ ra những phản ứng bất lợi;
thấy chồng cảm thấy đau buồn thì gần gũi ủi an chồng; thấy chồng bị thất bại thì
giúp chồng làm lại, chứ không trách móc, đay nghiến: “Đấy, thấy chưa, em bảo mà
không chịu nghe em. Thật là đáng đời…”. Nâng đỡ chồng còn đi đến chỗ có những
cái chồng không dám ngỏ ý vì sợ phiền vợ hay đụng đến vợ, hoặc vợ vừa biết ý
chồng muốn làm gì thì tìm cách vun vào với chồng chứ không tìm cách bàn ra, ngăn
cản, chỉ vì những gì chồng thích làm hay muốn làm ấy không có lợi cho mình, nhất
là không hợp với ý nghĩ và ý thích riêng của mình.
Tác động thứ năm chứng tỏ vai trò làm vợ là chấp nhận và hiệp nhất với chồng
mình đó là việc vợ trung thành với chồng. Có thể nói, người vợ nào biết kính
trọng chồng, lắng nghe chồng, cộng tác với chồng và nâng đỡ chồng sẽ là người vợ
trung thành với chồng, không bao giờ bội tình với chồng. Bởi vì, trung thành với
chồng ở đây không phải chỉ được hiểu theo nghĩa tiêu cực, tức là không bao giờ
có tác hành ngoại tình vụng trộm, dù ở trong lòng, phản lại với bản chất của đời
sống hôn nhân. Tác động thủy chung về tình cảm và tình dục chỉ là tác động bề
ngoài chứng tỏ cho thấy vợ hoàn toàn là của chồng, thuộc về chồng, như thân thể
thuộc về đầu. Hơn thế nữa, về mặt tích cực, trung thành với chồng ở đây chính
yếu còn có nghĩa là hoàn toàn theo chồng ở mọi nơi và trong mọi lúc, hết sức
trung thành đáp ứng tất cả những gì chồng muốn, như thân thể đáp ứng những hướng
động của não bộ trên đầu chi phối vậy. Tuy nhiên, để vợ có thể trung thành với
mình, là đầu, chồng phải đóng vai trò nhận biết và gắn bó với vợ, được tỏ ra
bằng những tác động chiều chuộng vợ, âu yếm vợ, bao bọc vợ, bênh vực vợ và bao
dung vợ.
Tôi rất thân thiết với một thương gia Việt Nam. Anh là người đầu tiên mở tiệm
Viet Nam Market (mà kỳ đó những người trong vùng anh ta ở mới bắt đầu trọ trẹ
tiếng Mỹ thường gọi trêu tiệm của anh ta là Việt Nam Mắc Dịch), một chợ xuất
hiện tại Mỹ từ tháng 10 năm 1975, thời gian mà một số dân tị nạn Việt Nam 1975
vẫn chưa ra khỏi các trại tị nạn, như ở Fort Chaffee Arkansas hay Pendenton
California. Anh học hành chỉ mới hết bậc tiểu học ở Việt Nam, tức mới hết lớp
nhất, nhưng óc kinh doanh của anh phải nhận là không ai bằng. Anh chẳng những
nghĩ ra cách kinh doanh rất hay, mà còn có gan làm nữa. Mang được tí vốn từ Việt
Nam sang, mượn thêm ít tiền nữa, để rồi, với mấy chục ngàn đôla Mỹ trong tay bấy
giờ, anh đã liều mạng mở chợ. Thật ra, ngoài việc kinh doanh ra, anh không có
khả năng làm gì khác ở Mỹ này bấy giờ cả, ngoại trừ đi chăn bò hay lao động ở
những nông trại của những gia đình Mỹ bảo trợ, như biết bao trường hợp của Người
Việt Nam mới ra khỏi trại tị nạn bấy giờ. Bởi thế, chợ Viet Nam Market của anh
đã ra đời đúng lúc. Trong vòng mấy năm, anh lại mở thêm một chợ khác, to lớn, ở
một vùng đông dân Việt Nam của tiểu bang khác, và dám cạnh tranh cả với Tầu ở
vùng này. Thế nhưng, tiền vào tình ra. Nghe thấy tình trạng của anh ở vùng mới
này, người vợ anh quyết định bán Viet Nam Market để dọn sang ở với anh chẳng
những trông coi tiệm mới mà còn canh chừng cả chồng nữa. Vào thời kỳ này, tức
vào đầu thập niên 1980, anh nói với tôi rằng sẽ cho các con của anh đang lớn đi
học luật sư, ngân hàng và kế toán là những ngành cần thiết cho việc làm thương
mại. Anh muốn thiết lập một hệ thống xuất nhập cảng nữa, chứ không phải chỉ mở
chợ bán mà thôi. Anh đã mời tôi đứng trông coi văn phòng xuất cảng của anh bên
Hồng Kông. Anh cũng tìm cách để mở kho nhập cảng của anh ở China Town Los
Angeles. Như thế là anh sẽ nắm được từ đầu đến cuối hàng hóa, và có thể làm chủ
thị trường cung cấp.
Tiếc thay, cuộc đời tiền vào tình ra này của anh đã không thành công, vì chẳng
những thiếu người cộng tác, mà còn vì máu cờ bạc và tung tiền cho đào của anh.
Cho đến một ngày kia, anh đã bỏ vợ và gần chục đứa con lại cho vợ, để thường
trực ở Việt Nam làm ăn buôn bán và sống với một người vợ con khác. Trong khi
người vợ của anh một thân một mình tần tảo nuôi con, anh lại về Mỹ tìm cách moi
tiền của vợ con, đến nỗi người vợ của anh, một sáng kia ra chợ, thì chợ nhỏ của
mình đã thuộc về người khác. Cũng may, bấy giờ những đứa con của anh quả cũng đã
học gần thành tài như anh mong muốn, nhưng chẳng giúp anh được gì. Chị vợ sau đó
chỉ còn biết ở nhà coi cháu cho các con của mình. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến
vai trò người vợ của anh, một người hết sức đau khổ trước thái độ và đời sống
của chồng. Thậm chí chị cũng đã đi sửa sắc đẹp để có thể cứu vãn chồng mình,
nhưng đã muộn mất rồi. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là, chị vẫn không tìm cách trả
đũa chồng, “ông ăn chả bà ăn nem”, với nhan sắc không đến nỗi tệ của chị, nhất
là trong thời gian chị cô độc và cũng có tiền có bạc. Trái lại, chị đã chấp nhận
số phận, bằng cách ở vậy nuôi con, nhờ đó, chúng chẳng những không có đứa nào hư
thân hay theo gương bố chúng nó, mà còn nên người và thành đạt trong việc học
vấn nữa.
Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh,
(Ý tưởng của bài này đã được chia sẻ trong buổi phát thanh Vui Mừng Và Hy Vọng
31, 18/8/2002).
ĐỒNG HÀNH
ĐẶC TÍNH CỦA VAI TRÒ LÀM VỢ
Trần Mỹ Duyệt
Một trong những đặc tính chính của người phụ nữ là vai trò làm vợ và làm mẹ. Làm
vợ và làm mẹ là hai viên bích ngọc ngời sáng nhất trên triều thiên đội trên đầu
của người phụ nữ. Thiếu hai đặc tính này, người phụ nữ không còn là phụ nữ nữa.
Vai trò làm vợ đến trước rồi mới nẩy sinh vai trò làm mẹ. Vì do tình yêu nối kết,
hai người nam nữ gắn bó, gần gũi nhau. Hoa trái của những gắn bó, chia sẻ ấy là
con cái. Con cái chính là hoa trái của tình yêu vợ chồng. Nhưng khi đề cập đến
vai trò làm vợ, thì điểm quan trọng nhất là tính chất đồng hành của nó. Vì thế,
khi nói về người vợ hay người chồng của mình, ngoài những mỹ từ mà người ta
thường gọi nhau như người yêu, bà xã, nội tướng, hiền thê, nhà tôi… người ta còn
nói “bạn đời” của tôi, hay bạn đường của tôi. Ý chỉ rằng cả hai là bạn với nhau
trong một ý nghĩa cao cả nhất phát xuất từ tình yêu. Và cả hai cùng dìu nhau
bước trên con đường lữ hành trần thế qua đời sống hôn nhân.
Thiếu tính chất đồng hành, người phụ nữ không thể tự nhận mình là vợ của một
người. Và thiếu tính chất đồng hành, người phụ nữ thực sự không thể là người vợ
đúng nghĩa. Đúng hơn, ta gọi họ là bà quản gia, người mẹ già khó tính, hay một
nữ chúa đầy quyền uy. Hoặc ngược lại, họ cũng có thể là một người nô lệ, một
người vú em, hay người làm công của người đàn ông nào đó. Vì thế, người phụ nữ
cần ý thức đặc tính đồng hành, và ứng xử sao cho tốt đẹp mới mong làm tròn vai
trò làm vợ của mình.
Thực tế, ngày nay trong đời sống hôn nhân vai trò làm vợ của người phụ nữ đang
bị hiểu lầm rất tai hại. Sự trầm trọng của vấn đề đã tạo nên mối hoài nghi cho
nhiều người, và làm cho nhiều người ngại không dám bước vào đời sống hôn nhân
nữa, trong đó phải kể đến thái độ lấn lướt, lộng hành, hoặc quá buông túng của
một số phụ nữ. Thống kê gần đây cho biết, đa số những vụ ly thân, ly dị là do
phụ nữ khởi động. Luật pháp Hoa Kỳ thì lại cho nữ giới nhiều quyền hạn trong
lãnh vực gia đình và hôn nhân, đến nỗi hầu hết các cuộc tranh tụng liên quan đến
ly dị, người phụ nữ bao giờ cũng có lợi điểm hơn.
Trở lại tính chất đồng hành của người phụ nữ trong đời sống hôn nhân, tôi nhớ
lại một tư tưởng rất hay, đó là giữa người chồng và người vợ, trong hành trình
cuộc sống, ta đừng đi trước nhau, vì như thế ta trở thành kẻ cả, người dẫn đầu.
Ta cũng đừng đi sau nhau, vì như thế sẽ tạo mối quan tâm, lo lắng cho nhau.
Nhưng là hãy đi song song bên nhau. Cùng sánh bước bên nhau. Triết lý sống này
đem lại cho người phụ nữ một quan niệm sống bình quyền, nhưng cũng không tạo
điều kiện để phụ nữ tiếm quyền. Một mặt họ nói lên được sự quan tâm, lo lắng, và
săn sóc cho chồng. Một mặt họ không mặc cảm về sự thua thiệt và yếu kém của mình
ngay trong đời sống gia đình và ngoài xã hội.
Người phụ nữ không thể trở thành người vợ tốt, nếu thiếu đặc tính đồng hành của
họ trong đời sống hôn nhân. Họ cũng không thể đem lại cho chồng những giây phút
hạnh phúc và thoải mái nếu không có tính chất đồng hành trong những tương quan
thường ngày giữa hai người. Và sau cùng, họ cũng không sống hạnh phúc với họ và
chồng họ nếu như trong cuộc sống họ bị mang mặc cảm thua thiệt và đối xử bất
công vì thiếu tính chất đồng hành.
Người vợ và người chồng đồng hành bên nhau cũng phát sinh thái độ và quan niệm
sống bình đẳng dễ tạo sự thông cảm và chia sẻ. Bình đẳng và chia sẻ dẫn tới sự
kết hợp và hòa đồng trong tư tưởng, quan niệm sống. Đây là điểm then chốt của
hạnh phúc lứa đôi, vì đa số những khủng hoảng đưa đến sự đổ bể trong đời sống
hôn nhân đều đến từ những hiểu lầm và thiếu cảm thông. Nhưng làm sao có thể cảm
thông được, nếu hai người không sóng bước bên nhau. Một người đi trước, một
người đi sau thì làm sao nói, làm sao nghe, và làm sao thông cảm.
Đặc tính đồng hành cũng dẫn đến thái độ tương kính của đời sống hôn nhân. Như
hai người bạn đường đang sóng bước bên nhau. Không ai đi trước, mà cũng không đi
sau. Tuy hai mà một, tuy một mà hai. Sự kính trọng và hỗ tương bắt nguồn từ quan
điểm là ở chỗ anh, và ở chỗ tôi tuy đồng hành bên nhau nhưng vẫn có một cách
biệt cần thiết làm nhịp cầu cho những chia sẻ và trao đổi chân tình. Và dĩ nhiên,
cho cả sự tương kính.
Khi trong đời sống hôn nhân, vợ chồng đã mất đi tính chất đồng hành, nghĩa là đã
có một người đi trước, và đã có một người lùi lại phía sau, thì lúc đó hôn nhân
đã có vấn đề. Hoặc trong tình thân và trong những gắn bó thường ngày của hai
người không còn chỗ trống làm điểm nối kết cho sự kính trọng và những suy tư cá
nhân nữa, lúc ấy hôn nhân trở thành nặng nề, gò bó, và bị kiểm soát như hình
thức của một lề lối chính trị độc tài, chuyên chính làm thui chột những ý kiến
cá nhân, và những đóng góp xây dựng cho hạnh phúc lứa đôi.
Và sau cùng, khi tính chất đồng hành không còn nữa, hoặc không được tôn trọng
trong đời sống hôn nhân, lúc ấy trong vai trò làm vợ của người phụ nữ sẽ dẫn đến
hoặc là thái độ lấn lướt, coi thường và khinh bỉ chồng. Hoặc là tự ty, mặc cảm
và dẫn đến một cảm nghĩ cô lập, ân hận, chán nản. Tất cả những ý nghĩa ấy sẽ trở
thành những nhân tố cho một cuộc hôn nhân đầy sóng gió, thử thách, và trong môi
trường và quan niệm sống ngày nay thường thì sẽ dẫn tới việc ly thân hay ly dị.
Tóm lại, như tôi đã trình bày, vai trò làm vợ của người phụ nữ sẽ mất đi ý nghĩa
của nó nếu không thể hiện một cách đầy đủ tính chất đồng hành. Và cũng từ quan
điểm này, người phụ nữ cũng cần phải có can đảm để dấn bước song hành với người
mà mình gọi là chồng, gạt bỏ lối sống ủy mỵ, nhờ cậy, hoặc tiêu cực.
Mình là mình. Phụ nữ hay không phụ nữ cũng là một nhân vị. Mình thương và yêu
một người vì tình yêu liên kết, và sống với một người cũng vì tình yêu và sự
tương kính. Do đó, không ai có quyền đánh đập, hành hạ tinh thần và thể xác mình,
dù là trong ngôn ngữ, hành động, và trong cách cư xử. Ý niệm tự trọng, và tự tin
này không loại bỏ ý niệm đồng hành mà tôi vừa trình bày trên. Và khi người phụ
nữ bước vào đời sống hôn nhân với quan niệm và lối nhìn ấy, trong vai trò làm vợ,
họ sẽ sống hạnh phúc và làm cho chồng mình cũng hạnh phúc. Bởi vì người phụ nữ
lúc ấy là một người vợ luôn luôn đồng hành và sát cánh bên chồng khi vui cũng
như lúc buồn, khi hoạn nạn cũng như lúc may mắn, và khi mạnh khỏe cũng như lúc
yêu đau để yêu thương, kính trọng và chia sẻ với người bạn đường mình yêu và
đang sóng bước bên mình trong hành trình cuộc sống.ỉ