|
|
|
LAO CÔNG CON NGƯỜI
Lao Công Và Đời Sống
Phải, nếu thành ngữ: “eternal rest”, nghỉ yên muôn đời, được giành cho những con
người vĩnh viễn ra khỏi trần gian thế nào, thì thành ngữ “đời là một cuộc chiến
đấu” cũng áp dụng cho những con người vào đời và còn sống trên trần gian này như
vậy. “Đời là một cuộc chiến đấu” chẳng những có thể được hiểu về những khó khăn
thử thách trên đời, mà, trước hết và trên hết, còn được hiểu về tình trạng con
người phải vất vả làm ăn sinh sống, nhiều khi phải dùng đến từ ngữ “tranh sống”
để mà survive, sống còn. Thực tế cho thấy, ngay tại mảnh đất cơ hội opportunity
land Mỹ Quốc này, người ta tranh sống hơn bao giờ hết và hơn ở đâu hết. Đến nỗi,
hầu như người nào, dù giầu có đi nữa, cũng cảm thấy cuộc đời của mình thật là
chật chội, lận đận long đong, chẳng có giờ giấc gì để mà thụ hưởng những gì mình
làm ra cả. Nhiều khi chưa kịp hưởng đã bị mất tiêu. Lúc nào con người cũng lo
lắng phải làm sao kiếm ra tiến và đủ tiền để trang trải cho các thứ bills hàng
tháng. Bill nhà ở, bill xe cộ, bill bảo hiểm, bill điện thoại, bill điện nước,
bill mua đồ, bill tín dụng v.v. Bởi thế, đi làm công thì hết làm ngày đến làm
đêm, có giờ overtime phụ trội là nhào vô liền, bao nhiêu cũng làm. Nếu làm chủ
thì không dám đóng cửa đi vacation nghỉ hè kẻo mất khách, mở cửa hầu như suốt
năm, 7 ngày một tuần, 12 tiếng một ngày v.v. Bởi vì, mất việc là mất tất cả: mất
nhà cửa, mất xe cộ, nhất là bị bad credit thất tín dụng, thậm chí từ đó còn bị
mất cả gia đình nữa. Thành ngữ “lao động là vinh quang” phát xuất từ Việt Nam
ngay sau năm 1975, thời được nhà văn kiêm nhạc sĩ Hà Thúc Sinh diễn tả “chỉ còn
hàm răng là sống hung hăng giữa mùa khát thèm” trong bài “Chàng thi sĩ lính và
hầm chứa xác” được danh ca Khánh Ly trình bày ở cuốn băng Tủi Nhục Ca, không ngờ
lại đúng nhất và hợp nhất ở cuộc sống tại thiên đường Mỹ Quốc này.
Tuy nhiên, không phải con người sống trong xã hội văn minh Mỹ Quốc quay cuồng
với việc làm chỉ vì “lao động là vinh quang”, thất nghiệp là đời tàn, mà còn vì
việc làm gắn liền với thân phận làm người của họ. Đến nỗi, như chim bay thế nào,
con người sống trên đời cũng phải làm việc như vậy. Bằng không, con người sống
trên đời chẳng có ý nghĩa gì cả. Đó là lý do, con người cảm thấy boring, buồn
chán, khi không có việc gì làm. Người về hưu cũng cố tìm được một mảnh vườn để
ra vào làm việc cho khuây khỏa. Giới trẻ trong năm học thì chỉ mong cho đến ngày
lễ để nghỉ, nhưng hè đến thì lại cảm thấy hết sức boring v.v. Thế nhưng, cái
boring của giới trẻ ở đây không phải là chúng muốn kiếm việc gì làm, cho bằng
muốn có những gì vui chơi, như đi cấm trại, du ngoạn, hay ít là có bạn bè bên
cạnh. Dù sao đi nữa, cái boring nơi mọi giới tuổi, già cũng như trẻ, đều chứng
tỏ cho thấy con người một khi còn sống là còn cảm thấy cần phải không ngừng sinh
hoạt. Ăn uống và ngủ nghỉ chẳng những là những tác động cần thiết để con người
có thể lấy sức tiếp tục sinh hoạt hơn, mà chính việc ăn uống và ngủ nghỉ cũng là
những sinh hoạt quan yếu của con người nữa.
Bởi thế, lao động có thể được hiểu theo ba ý nghĩa sau đây. Ý nghĩa đầu tiên của
lao động ở đây có thể được hiểu rộng là tất cả mọi sinh hoạt của con người sống
trên đời. Ý nghĩa thứ hai của lao động ở đây có thể hiểu hẹp hơn trong giới hạn
liên quan đến tất cả những việc làm ăn sinh sống theo nghề nghiệp khiến con
người phải lao nhọc, kể cả việc con người phải lao tâm về trí óc lẫn lao lực về
tay chân. Và ý nghĩa thứ ba của lao động ở đây được áp dụng cách riêng cho những
việc làm về thể lực của con người, những việc làm cho con người phải đổ mồ hôi,
điển hình là việc làm ruộng ngoài đồng, làm việc sản xuất trong các hãng xưởng
kỹ nghệ, làm việc chuyên chở nhân sự và hàng hóa v.v. Phải chăng vì ý nghĩa lao
nhọc của nghề nghiệp cũng như lao động của việc làm về thể lực mà tại Hoa Kỳ
người ta lập ra Ngày Lao Động, Labor Day, và cử hành Labor Day này như là một
Ngày Lễ, bằng cách cho phép nhân viên làm việc, nhất là ở các công sở, đều được
nghỉ việc vào chính Ngày Lễ Lao Động, Labor Day này?
Lao Công Và Phát Triển
Không hoàn toàn như vậy. Thành phần đi làm được nghỉ việc trong Ngày Lễ Lao Động
Labor Day không phải chỉ để xả hơi cho đỡ mệt rồi sau đó tiếp tục lao đầu vào
làm việc, lao đầu vào việc đi cầy trả nợ v.v. Trái lại, người ta nghỉ việc trong
ngày này là để cử hành nó, đúng hơn là để cử hành ý nghĩa của Lao Động, một ý
nghĩa hết sức cao quí và đầy giá trị, đáng con người phải ngừng tay làm việc một
ngày để nghĩ lại, để lấy lại tinh thần làm việc, nhờ đó họ có thể làm việc một
cách xứng đáng hơn và hiệu quả hơn, chẳng những cho chính bản thân họ, mà còn
cho gia đình họ cũng như cho chung nhân quần xã hội nữa. Thế thì ý nghĩa đích
thực của Lao Động, hay bản chất của Lao Động, hoặc giá trị của Lao Động đây là
gì? Nếu không phải Lao Động là yếu tố bất khả thiếu để giúp cho cá nhân, gia
đình và xã hội loài người phát triển một cách trọn vẹn.
Đúng thế, Lao Động sẽ chẳng có ý nghĩa và giá trị gì, đến nỗi sẽ mất hẳn bản
chất của nó, nếu nó không đi liền với Phát Triển và không nhắm đến mục tiêu Phát
Triển. Phải nhận thực là cốt lõi của Lao Động là Phát Triển, nếu Lao Động không
Phát Triển tức là đi ngược chiều, là đi lạc hướng, thậm chí có thể đi đến bờ vực
thẳm, đi đến hố diệt vong. Thế nhưng, Lao Động và Phát Triển chỉ là những giá
trị khách quan, chúng không thể đồng hành và đồng qui, trái lại, chúng còn có
thể tương khắc và tương tàn với nhau, hoàn toàn tùy thuộc vào yếu tố Nhân Bản,
tức tùy theo con người tác nhân Lao Động. Nếu con người làm việc Lao Động biết
đoàn kết tương thân tương ái, biết dấn thân phục vụ, coi công ích hơn tư lợi
v.v. thì họ mới thực sự là con người xây dựng xã hội loài người, mới làm cho bản
thân họ, gia đình họ cùng với toàn thể nhân gian được Phát Triển. Bởi thế, nếu
nói đến Công Việc Lao Động là nói đến Phát Triển, thì nói đến Phát Triển không
thể nào không nói đến Tinh Thần Lao Động, tức, như vừa đề cập, nói đến Tinh Thần
Đoàn Kết Tương Trợ cũng như Tinh Thần Dấn Thân Phục Vụ.
Đoàn Kết Tương Trợ trong Công Việc Lao Động nghĩa là làm việc gì thì làm, dù làm
chính khách hay nông dân, dù làm việc để kiếm chác sinh nhai hay làm việc thiện
nguyện volunteer đi nữa, con người cũng phải làm “chung” với mọi người và làm
“cho” mọi người. Làm “chung” với mọi người là ở chỗ, ai làm việc nấy, theo trách
nhiệm và khả năng của mình, như trong một thân thể, đầu làm việc của đầu, tay
làm việc của tay, mắt làm việc của mắt, nhờ đó, những phần thể này làm cho toàn
thân sinh động và phát triển thế nào, thì mỗi phần tử trong cơ cấu xã hội cũng
cần phải cố gắng chu toàn trách nhiệm và khả năng của mình, theo lương tâm và
qui định. Còn làm “cho” mọi người là ở chỗ, khi làm việc con người lao Động chỉ
nhắm đến công ích, đến thiện ích chung của mọi người, hơn là tư lợi cá nhân hay
thủ lợi cho phái nhóm.
Nhìn vào xã hội loài người khắp thế giới hiện nay, thực tế cho thấy con người
đang nỗ lực làm việc “chung” với nhau để canh tân bộ mặt trái đất, làm cho bộ
mặt trái đất rạng ngời ánh sáng văn minh vật chất về khoa học và kỹ thuật tân kỳ
của họ hiện nay. Tuy nhiên, về phương diện văn minh nhân bản thì hình như con
người ngày nay đang ở trong tình trạng thực hiện những việc làm “công” kích nhau,
phản diệt nhau, chứ không phải “cho” nhau. Chẳng hạn, thế giới tư bản tự do hoàn
toàn tương phản và tương khắc với thế giới cộng sản chuyên chế. Chẳng hạn, các
nước tân tiến, thường ở bắc phương, càng bành trướng quyền lực chính trị và thị
trường kinh tế thì các nước chậm tiến hay đang tiến, thường ở phía nam, đã nghèo
lại càng nghèo thêm, với chồng chất những món nợ quốc tế kếch xù không thể trả.
Chẳng hạn, phong trào phò quyền sự sống pro life hoàn toàn chống chọi với phong
trào phò quyền tự quyết pro choice. Chẳng hạn, những cuộc tấn công khủng bố trả
đũa những cuộc khủng bố tấn công, điển hình là tại Trung Đông giữa khối
Palestine với những cuộc khủng bố tấn công và khối Do Thái với những cuộc tấn
công khủng bố, hầu như không thể chấm dứt, nhất là từ năm 2000 đến nay, cũng như
tại Hoa Kỳ vào ngày 11/9/2001, ngày khủng bố tấn công Hoa Kỳ, và ngày 7/10/2001,
ngày Hoa Kỳ tấn công khủng bố. Ngoài ra, Lao Động còn bị lòng tham của con người
bóp méo. Ở chỗ, Lao Động vô sản hay Lao Động trả nợ như trong thế giới Cộng Sản.
Hay trong thế giới tư bản có kiểu Lao Động rẻ tiền, làm nhiều lương ít, như thân
phận của những người Mễ khốn khổ trong nước Mỹ, hoặc kiểu Lao Động ép uổng, theo
luật chỉ buộc làm 40 tiếng một tuần, nhưng nếu không làm giờ phụ trội khi cần
cũng có thể bị sa thải vì những cớ chụp mũ khác.
Chính vì Lao Động đi ngược chiều với Phát Triển như thế, thực tế cho thấy xã hội
văn minh vật chất hiện nay của con người chẳng những đã đi đến bờ vực thẳm mà
còn đang lao xuống hố diệt vong nữa, vì nền tảng của xã hội là gia đình đang bị
tan rữa bởi nạn ly dị và phá thai, nạn đồng tính hôn nhân và tạo sinh ngoại
nhiên. Đó cũng là chứng cớ hiển nhiên và hùng hồn nhất cho thấy Lao Động và Phát
Triển hết sức liên hệ chặt chẽ với nhau, chặt chẽ ở Tinh Thần Lao Động nơi tác
nhân con người, một Tinh Thần Đoàn Kết Tương Trợ, làm việc Lao Động “chung” với
mọi người, và Tinh Thần Dấn Thân Phục Vụ, làm việc Lao Động “cho” mọi người.
Không biết có phải vì cố ý hay ngẫu nhiên mà Cuộc Họp Thượng Đỉnh Về Việc Phát
Triển Khả Thủ, The World Summit for Sustainable Development, đã được tổ chức vào
những ngày trước và sau dịp Lễ Lao Động Hoa Kỳ, 2/9/2002.
Lao Công Và Quốc Tế
Thật vậy, Cuộc Họp Thượng Đỉnh về Việc Phát Triển Khả Thủ lần này tại
Johannesburg ở Nam Phi trong thời gian từ ngày 26/8 đến 4/9/2002 là cuộc họp
thập niên sau cuộc họp ở Rio de Janeiro trước đây. Để sửa soạn cho cuộc họp lần
này, đã có một cuộc họp dự thảo tại Bali Nam Dương vào những ngày 27/5-7/6/2002.
Trong cuộc họp dự thảo này, Quốc Đô Vatican, Vatican City State, đã phổ biến một
văn kiện khai triển chủ đề phát triển. Vậy, nhân dịp Lễ Lao Động Hoa Kỳ, chúng
ta cũng nên ôn lại bản văn kiện này, bản văn kiện rất hợp với Tinh Thần Lao Động
chúng ta vừa mới đề cập đến trên đây, đó là một Tinh Thần Đoàn Kết Tương Trợ,
làm việc Lao Động “chung” với mọi người, và Tinh Thần Dấn Thân Phục Vụ, làm việc
Lao Động “cho” mọi người.
Trước hết, về Tinh Thần Đoàn Kết Tương Trợ, làm việc Lao Động “chung” với mọi
người, bản văn kiện đã đề cập đến vấn đề môi sinh, vấn đề toàn cầu hóa và vấn đề
hợp tác quốc tế.
Về vấn đề môi sinh, theo bản văn kiện này, việc phát triển trước hết liên quan
đến vấn đề môi sinh, một dấu hiệu cho thấy “tình đoàn kết nhân loại”, một dấu
hiệu “hiển nhiên bao gồm việc bảo trì và chăm bón cho các nguồn lợi của trái đất”.
Về vấn đề phát triển liên quan đến tiến trình toàn cầu hóa, văn kiện của Quốc Đô
Vatican cho biết là: “nó chẳng tốt cũng không xấu. Nó sẽ là những gì con người
làm nên nó. Không có một hệ thống nào tự mình là cùng đích cả, và cần phải nhấn
mạnh là vấn đề toàn cầu hóa, như bất cứ một hệ thống nào khác, phải phục dịch
con người; nó phải phục vụ tình đoàn kết và công ích”. Để cụ thể hóa vấn đề phát
triển liên quan đến tiến trình toàn cấu hóa này, bản văn kiện của Quốc Đô
Vatican nhấn mạnh đến việc “hết sức cần thiết phải nhổ tận gốc tình trạng nghèo
khổ”. Để đạt được mục đích này, cần phải có “sự tham dự chủ động của người nghèo”.
Bản văn nhận định là: “Có quá nhiều những đề án đang được bàn thảo nhìn thành
phần nghèo như là một cái nạn chứ không phải như là những diễn viên sản xuất và
sáng tạo trong xã hội”. Theo nhận định này, Quốc Đô Vatican kêu gọi “việc cung
cấp những cơ hội làm việc, giáo dục, chăm sóc sức khỏe căn bản và nơi ăn chốn ở
đầy đủ. Phải xét lại và cổ động những kiểu cách tiêu thụ và sản xuất mới hợp với
những nguyên tắc về phẩm giá và tình đoàn kết của con người. Vì hơn một nửa dân
số thế giới vẫn còn sống ở những miền quê và vì thành phần nghèo nàn quê mùa
thiếu cơ hội được hưởng những dịch vụ xã hội tối thiểu nhất, họ cần phải được
chú trọng và cứu xét hơn nữa… cần phải bảo đảm mọi người có được nước dùng trong
lành”.
Tiến trình toàn cầu hóa trong việc phát triển còn là vấn đề liên quan đến mối
liên hệ giữa các quốc gia nữa. Bởi thế, bản văn của Quốc Đô Vatican đã đề cập
đến khía cạnh là “tình liên kết có một tính chất linh thiêng cần phải đâm rễ sâu
xa hơn trong việc chúng ta tiến đến chỗ giải quyết những vấn đề quốc tế”. Thế
nên, bản văn kiện này đã đề nghị nên có một “chính quyền quốc tế” dựa trên
nguyên lý phụ thuộc, một nguyên lý mà theo đó, nếu nước nào “không có khả năng
đáp ứng những nhu cầu phát triển của mình, thì những nước khác buộc phải hỗ trợ
nước ấy”.
Sau nữa, về Tinh Thần Dấn Thân Phục Vụ, làm việc Lao Động “cho” mọi người, bản
văn kiện đề cập đến những vấn đề môi sinh, luân lý, nhân phẩm, nhất là tặng ân
hy hiến bản thân mình.
Theo bản văn kiện thì việc phát triển của con người muốn thành đạt và tồn tại
cần phải đặt trên: “những giá trị luân thường đạo lý vững chắc, hay không thể
nào thiếu được sự hướng dẫn cùng với những nền tảng cần thiết nhờ đó việc phát
triển được theo đuổi này mới có thể thành đạt và tồn tại”. Bản văn kiện đã định
nghĩa ý niệm phát triển khả thủ như sau: “Nói đến ý niệm về việc phát triển khả
thủ là nói đến tiến trình đáp ứng những nhu cầu của con người hiện đại liên quan
đến khả năng của các thế hệ tương lai trong việc đáp ứng các nhu cầu của họ. Ý
niệm này phải được hiểu theo quan điểm của việc phát triển toàn diện con người”.
Bản văn kiện đã lập lại chiều hướng duy nhất cho việc phát triển đích thực của
con người từ cuộc họp thượng đỉnh 10 năm trước như sau: “Nguyên lý tiên quyết
của Bản Tuyên Ngôn Rio ở chỗ: ‘Con người là trung tâm của những mối quan tâm về
việc phát triển khả thủ’”. Đó là lý do tại sao Quốc Đô Vatican đã kêu gọi Cuộc
Họp Thượng Đỉnh ở Johannesburg lần này hãy chấp nhận từ ngữ “vấn đề môi sinh
nhân bản”, human ecology. Bản văn kiện của Quốc Đô Vatican đã giải thích thêm về
vấn đề môi sinh nhân bản như sau: “Khái niệm trọn vẹn về vấn đề môi sinh nhân
bản… chính yếu là ở việc bảo toàn và canh chừng những điều kiện về luân lý nơi
tác hành của con người ở môi sinh. Cũng cần phải lưu ý là cái cấu trúc đầu tiên
và cốt yếu của vấn đề môi sinh nhân bản đó là gia đình, nơi con người nhận được
những ý tưởng giáo dục đầu tiên về sự thật và sự thiện, và biết được thế nào là
yêu thương hay được thương yêu, nhờ đó biết được cả sự thực về con người là gì”.
Bản văn kiện của Quốc Đô Vatican đã kết thúc bằng một yếu tố quyết liệt cho việc
phát triển đó là việc con người hiến thân với một phẩm vị “được xây trên tính
cách chuyên nhất của con người khác biệt với tất cả mọi tạo vật; tức là tính
cách được dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa. Việc tương tự này
chứng tỏ là con người, tạo vật duy nhất trên mặt đất được Thiên Chúa cho quyền
sống vì mình, không thể hoàn toàn tìm thấy bản thân mình ngoại trừ thành thật
trao tặng bản thân mình. Việc trao tặng bản thân mình là bảo đảm trên hết cho
phúc hạnh của những người khác cũng như cho các thế hệ tương lai”.
Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh,
(Bài chia sẻ cho buổi phát thanh Vui Mừng Và Hy Vọng 33, 1/9/2002, nhân Ngày Lễ
Lao Động Labor Day Thứ Hai 2/9/2002).
LAO CÔNG & KIẾP
NGƯỜI
Trần Mỹ Duyệt
Trong cuộc đời con người, ở vào lứa tuổi nào, và trong
hoàn cảnh nào, ai trong chúng ta cũng gặp những vất vả, khó nhọc, và thử thách.
Và đời chính là thế. Là pha trộn vừa vui mừng, vừa nước mắt; vừa hạnh phúc, vừa
đau khổ; vừa thành công vừa thất bại. Quan cuộc đời là “vô thường”, là sắc sắc,
không không, hoặc là bể khổ cũng phát nguồn từ niềm tin tôn giáo.
Như vậy, chính trong kiếp sống con người đã tiềm ẩn nhân tố cho những vất vả,
đau thương và thử thách. Ý nghĩa này và cuộc đời này không chước chuẩn cho bất
cứ ai khỏi phải vất vả, chịu đựng và lao nhọc khi bước vào đời. Nguyễn Công Trứ
đã nói một câu rất hay về triết lý này: “Vừa sinh ra đà khóc chóe. Đời có vui
sao chẳng cười khì”. Trong những hoàn cảnh như thế, tâm lý tự nhiên thường đưa
tới cảm nghĩ thất vọng, chán nản, hoặc buông xuôi. Cũng có những trường hợp đưa
tới sự ghen tức, ganh ghét và mặc cảm. Nhiều người khi đứng trước những vất vả,
những khó khăn của cuộc đời thường hay phàn nàn, so sánh, “tại sao người này,
người khác được may lành, được hạnh phúc mà tôi gặp toàn rủi ro, và bất hạnh”.
Những bất ổn và mặc cảm đó, còn là nguyên nhân đưa tới một trạng thái tâm bệnh.
Ít thì tạo nên thái độ cau có, gắt gỏng, và bực tức. Bực tức với mình, bực tức
với những người thân quanh mình, bực tức với hoàn cảnh, bực tức với thực tại
hiện mình đang có; đôi khi bực tức cả với Thượng Đế. Nếu yếm thế, bi quan, và
buồn chán hơn sẽ đưa đến mất ăn, mất ngủ, bệnh tật phần xác, và xuống dốc tinh
thần. Một số những người như thế đã đi tìm cái chết như một giải thoát cuộc đời.
Tóm lại, dù là ai, dù ở bậc sống nào, dù ở hoàn cảnh và vai trò xã hội nào, nếu
đã là con người, thì rồi ra cũng có những lúc gặp những thử thách và phải đối
diện với những vất vả của cuộc sống.
Đi sâu vào thực trạng đời sống, những vất vả kia được chia thành hai khía cạnh
rất rõ rệt, một số đến từ những khó nhọc và thử thách vật chất, hoặc thể xác.
Thí dụ, cuộc sống nghèo nàn, cơ cực, hoặc yếu đuối, bệnh tật thể xác. Một số
liên quan trực tiếp đến những thách đố, vất vả và khổ cực của tâm hồn. Thí dụ,
có những nỗi khó khăn về mặt tình cảm, tình yêu, gia đình, con cái, và danh dự.
Vì cuộc sống con người được cấu tạo hài hòa giữa tâm hồn và thể xác, giữa vật
chất và tinh thần; do đó, không hình thức này thì hình thức khác, con người vẫn
luôn luôn phải phấn đấu và trăn trở với kiếp nhân sinh của mình. Hơn thế nữa,
dưới cái nhìn của tâm lý học, con người còn thêm một trạng thái sống và một
trạng thế vất vả nữa là đời sống và những khổ cực của tâm lý.
Tuy nhiên, những khó nhọc và khổ sở của kiếp người, dù là ở trạng thái thể lý,
tâm lý hay tâm linh, tất cả đều đặt con người trước hai lựa chọn: tiến tới hay
tháo lui. Có nghĩa là con người biết lợi dụng những khó khăn, vất vả ấy để tiến
lên, để xây dựng cuộc đời; hay ngược lại, tháo lui và rút vào cái vỏ sò ích kỷ
để rồi than thân, trách phận, và hận thù đời. Nếu có những tư tưởng cho rằng đời
là một bể khổ, là bao gồm những bất công và thối nát, thì thái độ của chúng ta
phải như thế nào. Ở đây, tôi cũng nhớ lại một tư tưởng rất hay khi nói về những
cái khó khăn của cuộc đời là: “Nếu đời cho ta một trái chanh, thì ta hãy dùng nó
để làm một ly nước đá chanh”.
Do đó, khi nói về những vất vả của kiếp người, những khó khăn của cuộc sống, tâm
lý học không dừng lại ở những khó khăn trước mặt, những vất vả mà ai cũng phải
trải qua khi vào đời. Khi nhìn vào những vất vả và khó khăn trong cuộc sống,
chúng ta cũng cần thực tế với mình rằng, nếu không vất vả khó khăn thì mảnh bằng,
địa vị xã hội, những lời khen và bảng danh dự kia có nghĩa lý gì. Dễ dãi để có
mảnh bằng, dễ dãi để có được một địa vị trong xã hội, hoặc dễ dãi để được nhiều
người mến phục và ca tụng. Tôi không tin là đời có những thứ dễ dãi ấy. Cái nhìn
tích cực về cuộc đời, về những lao công và vất vả sẽ tạo được niềm tin và hạnh
phúc cho chính mình trong khi phấn đấu và thắng vượt những thử thách. Tiếp tới,
do những nỗ lực của mình cũng sẽ trở thành một tấm gương cho nhiều người, và ở
điểm này phần thưởng tinh thần thật là quí giá. Và sau cùng, nhờ giọt mồ hôi,
nhờ vất vả và lao công, chúng ta xây dựng xã hội tốt đẹp và mang lại cho đời một
ý nghĩa đáng sống.
Cho tới nay, sau gần 40 năm tôi vẫn thấy rất bổ ích về một bài học và cũng là
một khích lệ cho những vất vả của cuộc đời. Trong bài học đó, người cha giải
thích cho con ông về ý nghĩa của một con đường dẫn tới làng, nối liền với tỉnh
để mọi người có thể đi lại và giao thông một cách tốt đẹp. Người cha đã cho con
mình biết rằng hoa trái trước mặt ấy chính là thành quả bao vất vả của những
nhân công ngày đêm đổ mồ hôi trên đoạn đường ấy. Họ đã bị quên lãng, và họ đã đi
vào âm thầm của cuộc đời. Nhưng không vì thế mà phủ nhận những đóng góp của họ.
Đó là ý nghĩa cuộc đời, là ý nghĩa của những vất vả và hy sinh của cuộc đời.
Đa số chúng ta thường ngày vẫn làm những việc âm thầm, nhưng hoa trái lại rất
phong phú và tốt đẹp, thí dụ sự hy sinh của người mẹ dành cho con, hoặc những
vất vả của người cha lo toan cho gia đình và con cái. Ngay cả những vất vả, chịu
đựng thường gặp phải trong đời sống hôn nhân, đời sống gia đình cũng có một giá
trị rất đặc biêt. Chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời và giá trị cuộc
đời qua câu nói đầy ý nghĩa của một thánh nhân như sau: “Tất cả đều lớn lao, nếu
tình yêu lớn lao” (Th. Têrêsa).
Giá trị cuộc đời, do đó, mang ý nghĩa từng giây và từng phút, và dĩ nhiên, nó
bao gồm tất cả những gì là vui cũng như những gì là buồn, thành công hay thất
bại, lao nhọc và vất vả, tất cả chỉ vì chúng ta là con người, và là những con
người đang đi giữa sa mạc cuộc đời với tâm hồn và trái tim rộng mở.