|
|
|
Thân
Phận Làm Con
Hôm Chúa Nhật 22/9/2002 vừa rồi, cả gia đình tôi đưa cháu
trai lớn nhất vô UCI, Đại Học của Tiểu Bang California ở Irvine Nam California,
vì cháu học nội trú trong viện đại học này. Tất nhiên, với tất cả lòng quí mến
con cái và trách nhiệm của mình, là cha mẹ, chúng tôi đã căn dặn cháu tất cả
những gì cần thiết để cháu chẳng những thành đạt về việc học vấn mà còn về cả tư
cách làm người nữa. Riêng tôi đã nói với cháu rằng: các môn học tự nhiên con sẽ
học, như toán, vạn vật, lịch sử, kinh tế, xã hội học hay thậm chí kể cả khoa tâm
lý học đi nữa v.v. cũng không thể nào giúp cho con nên người, cụ thể là giúp cho
con tránh được những cám dỗ xấu xa, hay chịu đựng được những đau khổ trên đời,
mà là những gì bố đã khuyên con thực hành hằng ngày về đời sống tâm linh của
con, nhất là trong thời gian con bắt đầu cuộc sống tự lập ở một môi trường học
hỏi về kiến thức tự nhiên như thế này. Trên đường về, tôi ngậm ngùi nhớ lại mới
ngày nào thằng bé lên 18 tháng này còn ngồi trên chiếc xe gắn máy trò chơi, chạy
vòng vòng dưới sân khu chung cư hai tầng, nơi gia đình tôi đã cư ngụ 18 năm về
trước, mà nay nó đã vào đại học rồi. Thời gian trôi qua nhanh quá. Con người
phát triển cuộc đời. Sự sống không ngừng tiến hóa.
Con Cái Kính Trọng Cha Mẹ
Thật vậy, nếu sự sống tiến hóa được bắt đầu từ khi con người còn là một mầm thai
trong lòng mẹ, cho đến khi thành hình người trong tử cung thai mẫu và thành nhân
trong lòng đời thế nào, thì sau này dù họ có trở thành một bà lão con đàn cháu
đống, hay có trở thành một ông cụ đa tử đa tôn đa phú quí đi nữa, ông cụ bà lão
răng long đầu bạc lưng còng này cũng đã là một người con, đã trải qua cuộc đời
làm con, đã là hậu sinh trước khi trở thành tiền bối. Đó là lý do phận sự đầu
tiên của thân phận làm con, thân phận hậu sinh, được thể hiện qua việc kính
trọng cha mẹ, thành phần tiền bối của mình, thành phần đi trước mình, khôn ngoan
hơn mình, hiểu biết hơn mình, kinh nghiệm hơn mình, để chỉ dẫn cho mình những
ngõ tắt hầu nhờ đó mình có thể đạt tới mục đích của cuộc đời một cách nhanh
chóng, dễ dàng, tốt đẹp, hay ít là giúp mình tránh được những ngõ cụt cuộc đời,
những “dead end” – “no way out”, hay có thể tránh được những đường cùng lầm lẫn,
tránh được những cạm bẫy của cuộc đời nhiều khi xảo quyệt điêu ngoa khôn lường,
làm cho cuộc đời mình bị hư trầm khốn nạn vô cùng đáng thương đáng tiếc. Nếu
biết kính trọng và thật lòng kính trọng cha mẹ là những vị tiền bối khả kính của
mình, con cái có thể “back to the future” không khó khăn gì, bởi vì, những vị
tiền bối, hay đúng hơn, chính cái vốn liếng khôn ngoan quá khứ nhiều khi hết sức
chua cay đắng đót đắt đỏ của những vị tiền bối mẹ cha truyền thụ lại cho con cái
chính là những gì xây dựng tương lai cho chúng vậy.
Tôi đang phục vụ một phong trào giới trẻ. Hằng năm các em có những dịp huấn
luyện về khả năng tự nhiên cũng như học hỏi về kiến thức và trau dồi về tinh
thần. Có lần, để mở màn cho một khóa huấn luyện về tinh thần, tôi hỏi các em
rằng có em nào không muốn được tôn trọng chăng? Không em nào giơ tay lên. Tôi
nhấn mạnh, nếu vậy là các em cho rằng các em biết tự trọng phải không? Các em
đều thưa vâng rất nhanh và rất đều. Tôi tiếp tục đặt vấn đề cho các em thấy như
sau: Thế nhưng, nếu các em muốn chúng tôi tin tưởng các em, tức là để tỏ ra các
em thật sự biết tự trọng, các em phải tuân giữ tất cả những gì được ban tổ chức
ấn định, về giờ giấc cũng như kỷ luật, không cần phải được ai nhắc nhở phải
không? Các em ngần ngừ trả lời song cuối cùng cũng cố gật đầu đồng ý. Lần nào
cũng như lần ấy, nhắc nhở như thế rồi, ý thức như vậy rồi, thế mà các em vẫn cứ
có những điều cần phải nhắc nhở và sửa sai. Mỗi lần xẩy ra tôi lại lợi dụng để
nói với các em rằng, đó, các em thấy không, dù sao các em vẫn chưa trưởng thành,
trong khi các em muốn được người lớn tin tưởng mà các em lại có những hành động
khiến cho chính các em mất uy tín. Thế nhưng, với thiện chí muốn tự trọng sẵn có
của các em, nhất là sau khi sai lỗi biết can đảm nhận lỗi và quyết chí sửa sai,
tôi cam đoan với các em là con người nhân vô thập toàn của chúng ta chắc chắn
không thành công cũng thành nhân.
Con Cái Yêu Mến Cha Mẹ
Thế nhưng, vì thành phần tiến bối truyền đạt cho con cái những kinh nghiệm sống
đời và làm người ấy không phải chỉ là một người lớn nào đó, như thày cô trong
trường, hay những thần tượng cuộc đời, như minh tinh màn ảnh hoặc thể thao, mà
là chính những bậc sinh thành ra mình, nên con cái chẳng những phải kính trọng
mà còn có phận sự phải yêu mến các vị nữa. Nếu không ai có quyền chọn sinh ra
đời hay chăng thì cũng không ai có quyền chọn cha mẹ, giống hệt như trường hợp
những người làm cha làm mẹ cũng không có quyền chọn cho mình những đứa con do họ
sinh ra. Bởi thế, sở dĩ cha mẹ con cái tự nhiên yêu thương nhau là vì tình nghĩa
ruột thịt máu mủ, “máu chảy ruột mềm” là vậy.
Cách đây mấy năm, vào một buổi giáo huấn hằng tuần, tôi đã tâm sự với các con
tôi là cách đây 25 năm bố không hề biết mẹ và mẹ cũng chẳng hề biết bố, thế rồi
thiên duyên tiền định đã kết hợp bố mẹ lại thành vợ thành chồng, rồi thành cha
thành mẹ của chúng con. Cách đây 20 năm, các con cũng đâu biết bố mẹ là ai và bố
mẹ cũng chẳng biết các con là ai, nhưng cũng do thiên duyên tiền định, chúng ta
đã trở thành một gia đình chỉ có 5 người, 5 con người với mặt mũi, tên tuổi,
tính nết và khả năng độc nhất vô nhị của mình trong cả biết bao nhiêu tỉ người
từ tạo thiên lập địa cho tới năm cùng tháng tận sống với nhau ở vào thời điểm
lịch sử cuối ngàn năm thứ hai và sang ngàn năm thứ ba đây. Bởi thế, là phần tử
trong cùng một gia đình với nhau, chúng ta phải yêu thương quí mến nhau, phải
chấp nhận nhau như ruột thịt của mình, như những gì mình không thể bỏ đi hay
thiếu được. Chúng ta đừng bao giờ hất hủi nhau, phủ nhận nhau, dù ai trong chúng
ta có thế nào chăng nữa. Thậm chí bố mẹ có bê bối về luân lý đi nữa, cũng vẫn là
những người sinh ra các con, không phải vì thế mà bố mẹ không phải là hay không
còn là bố mẹ của các con nữa, dù các con không chịu chấp nhận bố mẹ nữa, hay dù
các con có cảm thấy hết sức xấu hổ vì bố mẹ chăng nữa. Ngược lại, dù các con có
hư thân mất nết đến thế nào đi nữa, có làm cho bố mẹ trở thành những kẻ không
biết dạy con đi nữa, thậm chí dù bố mẹ có công khai từ các con trước mặt mọi
người đi nữa, không phải vì thế mà các con không phải là hay không còn là những
con người do bố mẹ sinh ra và dưỡng dục. Chúng ta hãy chấp nhận nhau và tha thứ
cho nhau, chứ đừng đợi cho tới khi ai trong chúng ta nằm xuống bấy giờ chúng ta
mới chịu tha thứ cho nhau, mới khóc thương và tiếc xót nhau thì đã muộn mất rồi.
Chúng ta chẳng sống trên đời này với nhau bao lâu. Sau khi chết chúng ta không
bao giờ còn trở lại cuộc sống gia đình như bây giờ nữa. Chúng ta hãy yêu thương
nhau và gắn bó với nhau ngay từ lúc này. Chính tình yêu thương nhau mới làm
chúng ta sống, mới làm cho chúng ta hạnh phúc. Tình yêu không phải chỉ ở chỗ lo
lắng cho nhau, giúp đỡ nhau, chỉ bảo nhau, mà nhất là ở chỗ chấp nhận nhau và
bao dung tha thứ cho nhau. Tôi thỉnh thoảng lập lại những tư tưởng trên đây với
con cái của tôi.
Tuy nhiên, thực tế cũng như tâm lý cho thấy cha mẹ thương yêu con cái nhiều hơn
là con cái mến yêu cha mẹ: “mẹ yêu con như trời như bể, con yêu mẹ con kể từng
ngày” là như thế, “có nuôi con mới biết lòng cha mẹ” là vì vậy. Bởi thế, con cái
không thể nào lấy bất cứ một sự gì vật chất để có thể báo hiếu công ơn sinh
thành dưỡng dục của cha mẹ cho xứng đáng và đầy đủ được, nếu chính tấm lòng của
chúng lại không biết hiếu thảo và mến yêu các ngài. Chính vì không biết ơn cha
mẹ, không có sẵn lòng hiếu thảo với cha mẹ, con cái rất dễ tính toán với các vị,
nhất là trừ công ơn của các vị đi bằng những lỗi lầm của các vị, đặc biệt là
những gì các vị đã vì trách nhiệm phải đụng chạm đến quyền lợi của chúng, kể cả
đến những gì chúng vốn không ưa không thích. Không thiếu gì những trường hợp đã
xẩy ra ở xã hội văn minh ngày nay, cha mẹ vừa sang đoàn tụ với con cháu thì nản
chí chỉ muốn trở về Việt Nam. Có những vị có con cái làm ăn lên, nhà cửa khang
trang sang trọng nhưng lại lủi thủi ở trong dưỡng lão viện. Đứa làm ăn lên thì
bảo là do tôi mượn tiền học, rồi làm đám cưới cũng do tôi bỏ tiền ra, thậm chí
khi tôi còn bé ông bà cũng nhờ tôi dưới 18 tuổi mới được hưởng trợ cấp xã hội.
Đứa long đong lận đận cũng đổ lỗi cho cha mẹ nghèo, không tạo cơ hội cho chúng
tiến thân, hay cha mẹ chỉ ham làm ăn không có giờ cho chúng v.v. Trái lại, nếu
tự bản chất đứa con nào vốn hiếu thảo với mẹ cha, thì cha mẹ có thế nào chăng
nữa, chúng vẫn thông cảm và mến yêu các ngài, thậm chí dám lên tiếng bênh vực
các ngài trước mặt những người anh chị em bất mãn nào của họ, dù họ có bị những
người anh chị em ấy ghét bỏ chăng nữa. Không gì an ủi cha mẹ bằng những đứa con
này, đối với các vị nó là đứa con thật sự đã trả hiếu cho các vị một cách xứng
đáng. Nhưng cũng không gì an ủi cho cha mẹ bằng những đứa con tỏ ra hư hỗn với
các vị một lúc nào đó đã nghĩ lại trở về xin lỗi các vị.
Con Cái Tin Tưởng Cha Mẹ
Con cái trọng kính cha mẹ là những vị tiền bối đi trước hướng dẫn mình là hậu
sinh đi sau, và con cái yêu mến cha mẹ vì các vị là những bậc sinh thành và
dưỡng dục mình cho khôn lớn. Thế nhưng, để tỏ ra thực sự kính trọng và mến yêu
cha mẹ, con cái còn cần phải tỏ ra tin tưởng các vị nữa. Nếu con cái kính trọng
cha mẹ vì các ngài là các vị tiền bối, và nếu con cái mến yêu cha mẹ là vì cha
mẹ là những bậc sinh thành, thì con cái tin tưởng cha mẹ vì không ai yêu thương
con cái bằng mẹ cha. Sở dĩ con cái không vâng lời cha mẹ là vì chúng không tin
tưởng cha mẹ chúng. Và sở dĩ con cái không tin tưởng cha mẹ, một là vì cha mẹ
không có đủ uy tín, hai là vì chúng tin chúng hơn cha mẹ, cho mình khôn hơn cha
mẹ, ba là vì bản tính vốn hay lo sợ quá trớn.
Về lý do thứ ba liên quan đến việc thiếu tin tưởng này, tôi nhớ đến việc tập bơi
cho đứa con gái của tôi tại Salt Lake vào mùa hè năm 1999. Nơi biển hồ Salk Lake
này ai cố bơi thì dù chưa biết bơi cũng bơi được, vì nồng độ mặn của nước biển
hồ ở đây. Lợi dụng dịp này tôi giục con gái của tôi bơi đi, nó cũng không dám
bơi. Tôi nói thế thì để bố đỡ bụng con cho con bơi, nó cũng không dám, vì sợ
chìm. Trường hợp đứa con rai thứ hai của tôi cũng thế, song hơi khác một chút.
Đó là, tôi tập xe số tay cho cháu, để cháu có thể sử dụng chiếc Honda Civic 2001
của anh nó, người anh vừa vào nội trú đại học, để nó có thể tự động chở em nó đi
học mỗi ngày. Vì trường tư thục của hai cháu ở hai nơi khác nhau, cách nhà hơn
nửa tiếng lái xe đường trong. Khi tập cho cháu, tôi thấy cháu lái rất khá, nhưng
cháu vẫn không dám lái một mình, vì cảm thấy sợ. Để cháu có thể tự tin hơn, tôi
nhất định bắt cháu lái xe đi học một mình, chứ không theo kiểu tôi cứ ngồi trên
xe cho cháu lái đến trường. Con nói với tôi: “Bố muốn để cho con chết hay sao?”.
Bởi thế, để cháu yên trí hơn, tôi đã cho cháu biết rằng tôi lái xe riêng của tôi
đi theo sau xe của cháu. Tối về tôi hỏi cháu: ngày mai con còn muốn bố đi theo
xe của con nữa thôi, cháu đáp: cám ơn bố, con có thể lái xe đi học một mình được
rồi.
Ngoài ra, còn những vấn đề khác, tôi cũng thường dùng đòn tin tưởng này để thúc
giục các con tôi chấp nhận những gì chúng tôi là cha mẹ làm cho chúng nó hay bảo
ban chúng nó. Chẳng hạn về vấn đề ăn uống, khi thấy chúng không thích ăn món này
món kia do mẹ chúng dọn ra, tôi nói với các cháu: nếu món nào các con ăn mà bị
đau bụng hay ói mửa, bố sẽ không bao giờ bắt các con ăn hay mẹ nấu cho các con
ăn cả. Đằng này mẹ đi mua toàn là những món ăn chẳng những bổ béo và mắc tiền,
lại còn mất công nấu cho các con ăn sau một ngày làm việc vất vả, mà các con chỉ
vì không thích mà không ăn thì các con có thấy fair với mẹ không? Thế là các con
tôi từ đó đã không ăn nhiều thì ít, không bao giờ dám kêu ca nữa, thậm chí có
những món ăn rồi đâm thích muốn ăn nữa. Là những đưa trẻ sinh tại Mỹ mà lại có
thể và thích thú đồ ăn Việt Nam, như phở, bò bẩy món, cơm phần v.v. Về những gì
liên quan đến luân lý cũng vậy, mỗi lần thấy chúng hơi tỏ ra ngần ngại, ương
ương hay khó chịu một chút, tôi liền nhỏ nhẹ nhắc nhở các cháu rằng, các con có
tin rằng bố mẹ bao giờ cũng yêu thương các con? Tất nhiên các cháu trả lời là có.
Vậy nếu bố mẹ thương yêu các con thì các con cũng phải tin rằng bố mẹ dạy bảo
các con làm toàn những gì tốt cho các con, lợi cho các con mà thôi. Bố mẹ cũng
thông cảm với các con là những điều tốt lành và lợi lộc cho các con theo ý bố mẹ
ấy nhiều khi chắc chắn sẽ làm cho các con khó chịu, vì nghịch với ý thích của
các con, ý nghĩ của các con, ý muốn của các con. Thế nhưng, các con chọn đằng
nào, một là theo sở thích của các con, những thứ junk foods làm cho các con ăn
ngon miệng nhưng chẳng bổ béo gì cho sức khoẻ, đôi khi ăn nhiều còn hại nữa là
đàng khác, hai là theo ý bố mẹ, những thứ multi-vitamin tuy không khoái khẩu,
không hợp thị hiếu của các con chút nào, song chắc chắn sẽ bồi bổ cho tâm hồn và
đời sống làm người của các con. Những tư tưởng này dầu sao cũng đã làm cho các
cháu suy nghĩ, và không biết chúng đã thấm đến đâu, thực tế cho thấy các cháu
mỗi ngày một ngoan ngoãn dễ bảo.
Con Cái Vâng Lời Cha Mẹ
Phải, nếu công ơn sinh thành khiến cho con cái mến yêu thảo hiếu với cha mẹ, thì
tình yêu thương chân thành thiết tha của cha mẹ đối với chúng trong cuộc đời sẽ
làm cho chúng tin tưởng các vị hơn, và vì tin tưởng cha mẹ, tin tưởng rằng cha
mẹ thương yêu mình, không bao giờ làm hại mình, trái lại, các ngài làm gì, nói
gì, tỏ thái độ gì, dù cấm cản hay không cho phép mình làm những gì mình thích
hoặc thấy hay, cũng chỉ vì thương mình, chúng sẽ dễ nghe lời của các vị hơn.
Ngoài ra, con cái cần phải vâng lời cha mẹ còn có một lý do khác, đó là vì các
vị có trách nhiệm đối với con cái, nhất là trách nhiệm giáo dục cho chúng nên
người, không được để những gì tai hại xẩy ra cho chúng. Về vấn đề trách nhiệm
của cha mẹ, thực tế cho thấy hai điều tương phản nhau sau đây: thứ nhất, đôi khi
hay nhiều khi cha mẹ quá lo đến trách nhiệm của mình đến nỗi làm át mất cả quyền
tự do của con cái lẫn lòng tự trọng của chúng, chạm đến tự ái làm người của
chúng, nhất là những đứa đến tuổi dậy thì và thành niên; thứ hai, chính vì thế
đã làm cho con cái ở vào tuổi này chẳng những không thấy cha mẹ thực sự thương
mình hơn là thương các vị, mà còn thấy một cái gì đó độc đoán và độc ác trong
việc cha mẹ sợ trách nhiệm của các vị nữa, từ đó mới xẩy ra những đối chọi, đụng
độ, chia rẽ, thậm chí tới độ cha mẹ thì chửi rủa con cái, con cái thì vùng lên
hỗn láo với cha mẹ. Bởi thế, vấn đề ở đây là phải làm sao dung hòa giữa trách
nhiệm của cha mẹ với lòng tự trọng của con cái.
Khi nào có dịp, tôi vẫn nói với các con tôi hay với nhóm giới trẻ tôi đang phục
vụ rằng, phận sự chính yếu của con cái là vâng lời cha mẹ, nếu cha mẹ không dạy
bảo con cái làm những điều gì hay tránh những việc gì hoàn toàn sai trái hay
thực sự tội lỗi theo khách quan, thì con cái buộc phải nghe lời các vị, dù không
thích hay hết sức khó chịu. Vì các vị có quyền làm cha làm mẹ, có trách nhiệm
đối với con cái. Tất cả những hành động bất mãn và bất tuân phục cha mẹ, dù có
lý mấy đi nữa, tự chúng, vẫn là những thái độ và hành động bất kính, thiếu lòng
yêu mến và tin tưởng nơi các cha mẹ. Từ đó, những đứa con này sẽ dễ đi đến chỗ
coi thường cha mẹ, một là bỏ nhà đi hoang, hai là sống một cách lộng hành trong
gia đình, muốn làm gì thì làm, không ai bảo được nữa. Không gì hổ nhục cho cha
mẹ bằng bị mang tiếng là đã sinh ra những đứa con mất dạy, không biết dạy con.
Nhưng còn tủi nhục hơn nữa cho những người làm cha làm mẹ thực tình thương con,
mong cho chúng nên người, hết mình dạy bảo chúng một cách khôn ngoan theo tầm
mức hiểu biết và khả năng giáo dục tự nhiên của mình, mà lại bị chúng hiểu lầm
và khinh thường, đến nỗi có những vị đã phải thắt quặn thốt lên: “biết vậy thà
đừng sinh ra chúng nữa thì hơn”. Tuy nhiên, có những trường hợp chính cha mẹ đã
được giáo dục bởi việc con cái khiêm tốn hiếu thảo vâng lời các vị.
Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh,
(Bài chia sẻ cho buổi phát thanh Vui Mừng Và Hy Vọng 37, 29/9/2002)
C H O T R Ò N C H Ữ H I Ế U
Trần Mỹ Duyệt
“Làm con phải hiếu”. Có lẽ đây là điểm quan trọng nhất của
bổn phận người làm con. Vì khi một người con có hiếu - tức là chu toàn đạo hiếu
đối với cha mẹ - thì không còn điều gì phải phàn nàn về người con đó cả. Chính
do lòng hiếu thảo mà người con biết vâng lời, trọng kính, và biết ơn cha mẹ. Mà
vâng lời, trọng kính và biết ơn là tất cả những gì cha mẹ mong mỏi nơi con cái.
Thật vậy, cha mẹ có thể mong mỏi con cái giầu sang, quyền qúy và thành đạt.
Nhưng trên hết vẫn là mong con cái biết suy nghĩ, biết sống một cuộc đời hiếu
thảo.
Có lẽ không có nơi nào trong các điều luật về tôn giáo, hoặc ngay cả dân sự dậy
cha mẹ phải hiếu thảo với con mình. Ngay cả đến tình thương yêu và săn sóc cho
con cũng là bản năng và phát xuất ngay trong thiên chức làm cha hoặc làm mẹ. Qua
thiên chức này, nẩy sinh bản năng tự biết bảo vệ và lo lắng cho con. Điều này
chúng ta có thể thấy xuất hiện ngay cả trong thế giới loài vật. Nhưng về phần
con cái thì ngược lại, Thượng Đế đã phải ra lệnh, đã phải truyền đạt ý định của
Ngài, và buộc con cái phải “hiếu thảo” cha mẹ.
Phật Giáo khi đề cập tới hiếu thảo đã coi đây là đạo. Một một bổn phận thiêng
liêng của người con. Trong tinh thần ấy, Phật Giáo coi cha mẹ là “phật sống” tại
nhà: “Nơi đâu không có Phật, thì cha mẹ chính là Phật”. Điều này có nghĩa là cha
mẹ là hiện thân của Thượng Đế mà con cái phải hết lòng yêu kính, vâng lời, và
thảo hiếu. Truyện nhà Phật có kể về Đức Mục Kiền Liên đã xin xuống chin tầng địa
ngục để tìm và giải thoát mẹ. Ngài Mục Kiền Liên do đó đã trở thành một mẫu
gương sống đạo cho mọi Phật Tử. Gương hiếu thảo của Ngài luôn được nhắc nhở, đặc
biệt là vào những dịp Vu Lan, mùa báo hiếu của Phật tử.
Thiên Chúa Giáo, trong 10 Giới Răn Thượng Đế ban cho nhân loại, Ngài đã dành
riêng một giới răn cho cha mẹ: “Hãy thảo kính cha mẹ ngươi”. Giới răn này, được
xếp ngay sau ba giới răn dành riêng cho Thượng Đế. Điều này cũng có nghĩa rằng,
ngay sau Thượng Đế, cha mẹ là người quan trọng nhất, cần thiết nhất, và gần gũi
nhất với người con. Và điều này cũng có nghĩa là, sau những bổn phận cần thiết
con người đối với Thượng Đế, thì điều con người phải lo lắng và phải chu toàn là
bổn phận và nghĩa vụ đối với đấng sinh thành. Không hiếu thảo với cha mẹ, người
con cũng vẫn có thể bị trầm luân như không tuân giữ các huấn lệnh khác của Ngài
vậy.
Đòi hỏi của Thượng Đế có quá đáng đối với người con không? Thật ra, đòi hỏi của
Ngài không có gì là quá đáng. Một người con dù có làm gì cho cha mẹ đi nữa, cũng
không trả nổi công ơn trời bể mà cha mẹ đã làm cho mình. Ai đã có dịp nghiên cứu
về tâm sinh lý, hoặc tâm lý phát triển và giáo dục đều nhận thấy rõ điều này,
một người con khi hoài thai trong lòng mẹ cho đến khi chào đời, và được nuôi
dưỡng, giáo dục thành một người trưởng thành về cả tâm lý và thể lý, thì công ơn
đó tiền bạc, hay bất cứ điều gì có tính cách vật chất và giá trị vật chất đều
không thể so sánh và trả giá nổi. Ca dao Việt Nam đã diễn tả rất hay và rất ý
nghĩa về lòng yêu thương và sự hy sinh của cha mẹ đối với con cái như sau: “Công
cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chẩy ra”. Đứng trước công ơn
trời biển ấy, thì lời khuyên dành cho con cái là phải sống sao “cho tròn chữ
hiếu mới là đạo con”.
Chữ hiếu do đó, gắn liền với đạo làm con – Đạo hiếu. Một con đường dẫn tới hành
vi hiếu thảo, và hoàn chỉnh đời sống nơi con cái. Nó không những chỉ đòi hỏi một
ngày, một tháng, một năm, mà bao lâu người con còn sống, thì họ phải sống và
thực hành hiếu thảo. Bất cứ ai đã làm con đều phải chu toàn đạo sống này. Không
ai có quyền châm chước hoặc coi thường, vì một người con không thể nào sống trọn
đạo, nếu họ không thảo hiếu đối với cha mẹ. Một người dù ăn chay trường, đi chùa,
đi lễ và rất hăng say trong các công tác cộng đồng, đoàn thể, nhưng nếu họ lơ là
với cha mẹ, không hiếu kính cha mẹ, chúng ta có quyền nghi ngờ về sự chay tịnh
và những hành động xã hội của họ. Vì một người đã sinh thành ra họ, hy sinh cuộc
sống mình cho họ, mà họ không yêu kính, không hiếu thảo, thử hỏi họ làm sao đối
đãi công bình, trọng kính và yêu thương được những người khác.
“Cho tròn chữ hiếu”, hình ảnh của sự tròn trịa là không góc cạnh, không vết nứt,
không sứt mẻ. Do đó, khi đề cập đến sự tròn đầy của lòng thảo hiếu là nói đến
một chữ hiếu không vụ lợi, không hình thức, hoặc không gượng ép. Người con phải
hiếu thảo và yêu thương cha mẹ như chính sự đầy đặn và thương yêu vô điều kiện
của cha mẹ dành cho mình. Bởi thế, hành động hiếu thảo cũng không phải là cho mẹ,
cho cha vài trăm, vài ngàn, hay vài chục ngàn. Hoặc cho cha mẹ bữa ăn, hay mua
sắm vật này, vật khác. Của cải hay vật chất đối với nhiều người trẻ là quan
trọng, nhưng đối với những người đã già, đã hiểu rõ thế nào là giá trị đồng tiền,
và đã có thời nắm giữ tiền, hoặc đã trải qua nhiều thay đổi của cuộc sống, thì
tiền bạc và những thứ lệ thuộc bên ngoài cuộc sống không có nghĩa gì đối với
những người này cả. Cái mà những người lớn tuổi tìm kiếm là niềm vui vì nhìn
thấy con cháu hạnh phúc và thăng tiến, thương yêu nhau. Do đó, đạo hiếu đòi hỏi
người con không những giúp đỡ cha mẹ khi túng thiếu, mà còn làm sao cho cha mẹ
được vui, nhất là khi cha mẹ đã bước vào tuổi già.
Tâm lý của những người già thường luôn hướng về quá khứ, rất dễ mủi lòng, và rất
giầu tình cảm. Người già không có gì để nhìn về phía trước nữa, có chăng là ngôi
mộ đang chờ đón họ. Do đó, người già ít bon chen, ít hồ hởi, và dường như không
tha thiết với những lợi danh mà họ cho là phù phiếm. Khuynh hướng và tâm lý nhìn
lại quá khứ như một yên ủi, và niềm hãnh diện để người già can đảm đi nốt quãng
đường còn lại.
Vì có quá nhiều kinh nghiệm và từng trải qua nhiều gian nan, thách đố, nên tuổi
già rất bén nhậy với những tiếp xúc bên ngoài, và do đó cũng rất nhậy cảm và
giầu cảm xúc. Về mặt tình cảm, người Việt Nam có câu nói rất hay về tâm lý người
cao niên: “Một già một trẻ bằng nhau”. Do tâm lý tế nhị và bén nhậy ấy mà người
con hiếu thảo phải làm thế nào để cho cha mẹ không phải mủi lòng, không buồn
phiền về cách đối xử và hành động của mình. Một nhận xét thực tế mà hầu như rất
nhiều người quên sót, đó là, khi còn thơ trẻ, người con được cha mẹ lo lắng, săn
sóc rất cẩn thận. Tuổi thơ với những bước đầu đời chập chững, cha mẹ đi theo sau
hoặc đứng phía trước hồi hộp, nhẫn nại chờ đợi để hướng dẫn, nâng đỡ những bước
chân run rẩy của con. Nhưng khi về già thì con cái lại đi sau hoặc trước nóng
nẩy, khó chịu, cằn nhằn, và hối thúc những bước chân rủi rẩy của cha mẹ.
Đối với tuổi trẻ, hành động sống đạo hiếu là vâng lời cha mẹ. Một trong những
điều khiến cha mẹ buồn phiền nhất, khổ tâm nhất là thái độ từ chối không vâng
lời của con cái. Nhưng hành động này lại là một lỗi lầm trầm trọng nhất của tuổi
trẻ. Rất nhiều người trẻ khi nhận ra lỗi lầm của mình, thì cha mẹ đã trở thành
người thiên cổ. Lúc đó có khóc lóc, có ăn năn, hoặc có thống hối thì đã muộn.
Thống kê cho hay, hằng năm riêng tại Hoa Kỳ có tới hơn 1 triệu trẻ vị thành niên
bỏ nhà đi hoang, mong vượt thoát vòng tay của cha me, không muốn học và thực
hành bài học vâng lời. Câu hỏi là những thành phần trẻ này đi đâu?
Cũng trong một khảo cứu khác cho hay, các em bỏ nhà ra đi đều mang một tâm trạng
chung là hối hận và thèm khát mái ấm gia đình. Nhưng một khi đã ra đi, thì việc
trở lại gặp rất nhiều khó khăn. Biết bao em gái vị thành niên đã bị dụ dỗ và bán
vào các ổ mãi dâm. Biết bao em trai vị thành niên đã bị đẩy vào con đường tội
phạm liên quan đến nghiện hút, trộm cướp, băng đảng cũng chỉ vì không vâng lời
cha mẹ. Người ta không biết đã có bao nhiêu sông hồ để chứa những giọt nước mắt
của cha mẹ, nhất là người mẹ trước cuộc sống của những ngưòi con này. Đây cũng
là lời khuyên và cũng là lời cảnh tỉnh chung cho các em tuổi vị thành niên đang
muốn làm người tự do, đang nuôi ước mơ tìm khung trời thần tiên bằng con đường
thoát ly gia đình, bằng việc từ chối không vâng lời cha mẹ. Tóm lại, đối với
tuổi trẻ, lối sống hiếu thảo nhất là vâng lời, và chuyên chăm vào việc học hành
lo cho tương lai. Đây là hình thức hiếu thảo mà tất cả mọi cha mẹ đều mong mỏi
nơi con cái.
Đạo hiếu, một bổn phận hay trách nhiệm vừa tinh thần và vừa thực tiễn của người
con. Một người con ngoan, một người con tốt không thể thiếu sót bổn phận này đối
với cha mẹ. Dù họ ở vào lứa tuổi nào, còn bé, vị thành niên, hay đã trưởng
thành, điều quan trọng hơn hết vẫn là sự hiếu thảo. Hiếu thảo sẽ chỉ cho người
con biết phải làm thế nào để vui lòng cha mẹ. Tròn đầy chữ hiếu tức tức là chu
toàn bổn phận quan trọng nhất của người làm con: “Cho tròn chữ hiếu mới là đạo
con”.