Tâm Linh Con Người

 


Ngu Mê Giác Ngộ

Nói đến tâm lý là nói đến cơ cấu và hoạt động nội tâm của con người. Cơ cấu của nội tâm con người bao gồm hai tài năng chính là trí khôn và lòng muốn. Bởi thế, hoạt động nội tâm của con người phát xuất từ hai tài năng này, như tác động suy nghĩ, lập luận và phán đoán của trí khôn, cũng như tác động ước ao, chọn lựa và quyết định của lòng muốn. Ngoài ra, cơ cấu và hoạt động nội tâm của con người còn có thể kể đến ba tài năng được gọi là nội quan (so với ngũ quan của thân xác con người được gọi là ngoại quan). Những nội quan này, so với trí khôn và lòng muốn, được xếp vào thành phần thuộc hạ tầng nội tâm của con người. Đó là ký ức, trí tưởng và tình cảm nơi con người. Ký ức, liên quan đến quá khứ và lịch sử, với những tác động ghi nhận, nhớ nhung, tưởng niệm. Trí tưởng, liên quan đến tương lai và nghệ thuật, với những tác động tưởng tượng, sáng tạo, thưởng ngoạn. Tình cảm, liên quan đến hiện tại và giao tiếp, với những xúc động yêu thương, ghen ghét, mừng vui, buồn phiền, giận dữ, hãi sợ, tham lam, hy vọng, thất vọng, can đảm, nhát đảm.

Thế nhưng, nói đến tâm linh là nói đến một cái gì linh thiêng, một cái gì hết sức sâu xa, một cái gì thuộc về nhân vị, thuộc về bản ngã của con người. Tâm linh thực sự chính cốt lõi của nội tâm con người, là chính sự sống nội tâm của con người, là chính thực tại hiện hữu của con người. Bởi vì, tâm linh chính là ý thức của con người, một ý thức liên quan mật thiết đến chân lý, đến thực tại của tất cả mọi sự, nhất là thực tại về bản thân con người, một ý thức mà con người phải khó khăn lắm mới có được, thậm chí phải cả đời mới có được, hay trước khi vĩnh viễn qua đời mới có được. Và chính vì tâm linh là ý thức của con người nên nếu con người ý thức lệch lạc, họ sẽ sống sai trái. Mà con người sống sai trái là con người chưa thực sự sống hay chưa sống thật, tức chưa sống đúng với sự thật và không sống trong sự thật. Một con người chưa sống đúng với sự thật và không sống trong sự thật thì chẳng khác gì như một con người còn đang mơ ngủ, đang say rượu hay còn trẻ con ngây thơ khờ dại. Vị Sáng Lập Kitô Giáo đã dạy rất chí lý trong Bài Giảng Phúc Đức trên núi của Người là“con mắt là đèn soi thân thể. Nếu mắt của các con tốt thì thân thể của các con sáng sủa; nếu mắt của các con xấu thì thân thể của các con ở trong tăm tối. Mà nếu ánh sáng trở thành bóng tối thì sẽ tối tăm biết là chừng nào” (Phúc Âm Mathêu 6:22-23).

Đó là lý do chính bản thân mỗi người chúng ta cũng cảm thấy và nhận thực được rằng mình mỗi ngày một khôn hơn, không dại khờ như trước nữa, không bậy bạ như trước nữa, không bất toàn như trước nữa. Có những lúc, nghĩ lại, chúng ta hay tự hỏi và vốn tự hỏi mình rằng, tại sao hồi đó tôi ngu thế nhỉ? Tại sao bấy giờ tôi không nghĩ ra điều ấy, để bây giờ trở nên nông nỗi này? Biết vậy tôi làm thế này có phải hay hơn không! Biết vậy tôi tránh đi thì đâu có chuyện gì xẩy ra! Biết vậy tôi thà chịu thiệt còn hơn mất cả vốn lẫn lời! v.v. Như thế, cuộc đời con người sống trên trần gian này quả thực chỉ là một cuộc hành trình đi tìm chân thiện mỹ, là một cuộc vượt qua sự chết mà vào sự sống, là một tiến trình đi từ tối tăm tiến ra ánh sáng lạ lùng, là một cuộc tỉnh giấc cho đến khi con người hoàn toàn biết mình và thực sự biết mình. Văn hóa nhân bản của loài người ngày nay là chứng cớ hiển nhiên cho thấy con người đã tỉnh giấc lạc hậu để sống trong thực tại văn minh.

Đến đây chúng ta mới thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề giác ngộ theo chủ trương của Phật Giáo và Ấn Giáo. Nếu Phật Giáo cho rằng “si”, tức ngu si đần độn, trong bộ ba tham sân si, là căn khổ, tức căn nguyên gây ra đau khổ ở cuộc sống hiện sinh, “đời là bể khổ”, thì Ấn Giáo vốn cử hành một ngày lễ rất đặc biệt vào đầu tháng 11 hằng năm được gọi là Lễ Ánh Sáng (Diwali), một lễ mà Tín Đồ Ấn Giáo tin rằng vào ngày ấy quyền năng thần linh sẽ chế ngự bóng tối tăm trên thế giới. Vị Sáng Lập Kitô Giáo cũng tuyên bố với dân Do Thái đương thời bấy giờ rằng: “Tôi là ánh sáng thế gian, không một ai theo Tôi lại đi trong tăm tối, song họ sẽ được ánh sáng sự sống” (Phúc Âm Goan 8:12). Ngài còn đồng hóa sự sống đời đời, sự sống vĩnh hằng với việc nhận biết: “Sự sống trường sinh là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Ngài sai là Đức Giêsu Kitô” (Phúc Âm Gioan 17:3).

Ý Thức Tội Lỗi

Vì ý thức liên quan hết sức mật thiết đến ánh sáng, đến thực tại chân thực vĩnh hằng như thế, mà tất cả những gì con người làm, nhất là những việc tội lỗi, những việc sai trái, những việc không đúng với thực tại chân thiện mỹ, những việc vượt quá quyền hành của họ, đều là những hành động tỏ ra cho thấy con người đang mơ mộng, đang mộng du, đang phù du, hoàn toàn không biết việc mình làm. Điển hình thứ nhất là trường hợp của vua Solomon, vị vua thứ ba của dân Do Thái, một vị vua giầu sang phú quí và khôn ngoan đệ nhất thiên hạ thời ấy, vào năm 961 đến 922 trước Công Nguyên, có 700 hoàng hậu và 300 cung phi. Thế nhưng, cuối cùng cũng đã phải than lên ngay lời mở đầu của cuốn Sách Giảng Viên (Ecclesiastes) được cho là do ông viết: “Phù vân trên hết phù vân, tất cả mọi sự chỉ là phù vân” (1:2). Điển hình thứ hai là trường hợp dân Do Thái xưa, nhất là thành phần lãnh đạo của dân này, đã thực sự cố tình tìm cách sát hại nhân vật Giêsu quê ở Nazarét, đến độ đã áp đảo được cả Tổng Quyền Philatô là đại diện cho thẩm quyền đế quốc Rôma bấy giờ phải hạ lệnh đóng đanh nhân vật mà họ cho là lộng ngôn phạm thượng này. Thế nhưng, nhân vật lịch sử sáng lập Kitô Giáo ấy, trước khi chết trên cây thập giá giữa hai tử tội khác, vẫn cầu xin Thiên Chúa là “xin tha cho họ vì họ lầm không biết việc họ làm” (Phúc Âm Luca 23:34).

Như thế, nếu tất cả nhưng gì sai trái và tội lỗi con người làm chứng tỏ họ đang ở trong tối tăm, lầm lạc, mơ màng, thì không có nghĩa là, vì con người còn đang ở trong tình trạng mơ ngủ không biết gì đến việc mình làm, tức chưa hoàn toàn tỉnh táo hay chưa ý thức được bản chất thực sự của những gì mình tác hành, như trường hợp dân Do Thái trước con mắt của Vị Sáng Lập Kitô Giáo, mà tất cả những gì họ làm, dù sai trái hay tội lỗi đến đâu, họ cũng không chịu trách nhiệm gì, tức họ không có tội gì cả. Bởi vì, dầu sao, tự bẩm sinh, đã là người, ai cũng có lương tri, cũng biết được những gì tối thiểu về lành dữ và từ đó biết được cả phận sự của mình là phải làm lành lánh dữ nữa. Lương tri thực sự chính là ánh sáng soi đường dẫn lối cho con người để họ có thể bước đi trên đường ngay nẻo chính. Bởi vậy, bất cứ khi nào con người không làm theo lương tri, bất chấp lương tri hay lấn át lương tri của mình là con người đã lỗi phạm, đã sai lầm, đã muốn sống trong tăm tối, một thứ tối tăm, ngược lại, đã khiến cho con người sống một cách mù quáng, thậm chí có những lúc điên loạn, mất hẳn tính người.

Đó là lý do Vị Sáng Lập Kitô Giáo đã khẳng định: “Việc luận phạt là như thế này, ánh sáng đã đến trong thế gian, nhưng con người yêu chuộng tối tăm hơn ánh sáng, vì những việc họ làm đều gian ác” (Phúc Âm Gioan 3:19). Vậy, để có thể tỉnh mộng cuộc đời hoang đường phù du giả trá, tức để có thể sống trong sự thật, sống trong ánh sáng, trước hết và trên hết, con người cần phải sống theo lương tâm, bằng không, tối thiểu con người cần phải thành tâm thiện chí, cần phải biết nhìn nhận lầm lỗi nếu có của mình. Đó là lý do Vị Sáng Lập Kitô Giáo còn nói thẳng với thành phần Do Thái được chứng kiến thấy việc Người phục quang cho một người mù từ lúc mới sinh rằng: “Nếu quí vị bị mù lòa thì không mắc tội, nhưng tại quí vị cho rằng ‘chúng tôi thấy’ nên tội lỗi của quí vị vẫn còn đó” (Phúc Âm Gioan 9:41). Chính vì cuộc đời con người là một tiến trình nên hoàn hảo, đi từ tối tăm ra ánh sáng, từ giả tới thật, từ lạc hậu đến văn minh, mà ý thức tội lỗi đóng một vai trò hết sức quan trọng. Đến nỗi, dù con người có văn minh về vật chất đến mấy đi nữa, có làm chủ vũ trụ này bằng những khám phá khoa học kỳ diệu cũng như bằng những phát minh kỹ thuật tân tiến đi nữa, một khi đã mất đi ý thức tội lỗi, không còn phân biệt được lành dữ, tới nỗi cho lành là dữ và dữ là lành như hiện nay, thì con người đang có cơ nguy tiến gần đến hố tự diệt rồi vậy!

Giáo Dục Tâm Linh

Bởi thế, nếu sự sống và tầm mức thành toàn của con người là ở chỗ ý thức, ở chỗ khôn ngoan, thì vấn đề giáo dục là vấn đề làm sao cho con người biết ý thức, làm sao cho con người mỗi ngày một khôn ngoan hơn. Tuy nhiên, ý thức ở đây không phải là kiến thức về tính cách lợi hại, tốt xấu nơi sự vật, nơi con người, và khôn ngoan ở đây không phải là vấn đề biết cách giải quyết tất cả mọi sự làm sao có lợi cho mình. Hơn thế nữa, ý thức ở đây là ý thức được chính bản thân mình, ý thức được trách nhiệm về vai trò của mình, ý thức được cốt lõi của các vấn đề thuộc nhân sinh quan, như lương tâm là ơn gọi làm người, tự do là quyền năng nên người, yêu thương là hiệp thông sự sống, hạnh phúc là viên mãn yêu thương. Và khôn ngoan ở đây được thể hiện qua việc con người biết chọn lựa những gì xứng hợp với thân phận và phẩm giá làm người của mình, qua việc họ biết mình biết người, tri kỷ tri bỉ, qua việc họ biết thương người như thể thương thân, ái nhân như kỷ, thậm chí qua việc họ biết cho đi hơn nhận lãnh, biết trở nên mọi sự cho mọi người, biết nhân ái thứ tha, từ bi hỉ xả, biết lấy thiện trị dữ v.v. Như thế, nếu ý thức đồng nghĩa với hiện hữu thì khôn ngoan đồng nghĩa với trọn hảo. Vậy giáo dục là phương pháp giúp cho con người hiện hữu một cách hoàn hảo.

Thế nhưng, thực tế cho thấy “nhân vô thập toàn”, chẳng có ai là hoàn toàn, và dám vỗ ngực tự cho mình là trọn hảo cả. Bởi thế, vấn đề ở đây là nếu chính thành phần giáo huấn chưa thành toàn thì làm sao có thể giáo dục thành phần thụ huấn nên thành toàn được! Không có lấy gì mà cho. Nguyên tắc triết học là như vậy. Tuy nhiên, tâm lý ứng dụng lại thấy rằng, chính khi nhận thực được mình bất toàn là con người đã thực sự ý thức được bản thân mình, đã sống trong sự thật và nhờ đó có khả năng để soi sáng, có thế giá để hướng dẫn người khác vậy. Một con người biết mình là một con người trưởng thành, là một con người thành nhân, một con người đáng kính phục. Ngoài ra, biết mình chẳng những làm cho thành phần giáo huấn có đủ tư cách giáo dục mà còn có dư khả năng giáo dục nữa. Ở chỗ, vì biết mình, thành phần giáo huấn mới có thể dễ dàng thông cảm với thành phần thụ huấn, mới tỏ ra dịu dàng nâng đỡ, mới có sức nhẫn nại chịu đựng, mới biết rộng lượng thứ tha v.v. nhờ đó, thành phần giáo huấn sẽ tránh được khuynh hướng tha hóa thụ huấn nhân, tức sẽ không đi đến chỗ hay xẩy ra là cloning thụ huấn nhân, biến thụ huấn nhân nên giống hệt như ý nghĩ, ý thích, ý muốn của cá thể giáo huấn nhân.

Về phần thụ huấn nhân, trong tiến trình phát triển của con người, giai đoạn quan trọng nhất là giai đoạn con người ở vào tuổi dậy thì. Bởi vì, ở giai đoạn dậy thì này, con người chẳng những phát trổ về sinh lý mà còn cả tâm lý nữa. Đúng thế, trong chính giai đoạn con người đạt đến mức độ có thể truyền đạt sự sống thể lý cũng là chính lúc họ đi vào lứa tuổi tâm lý, lứa tuổi biết yêu thương. Chưa hết, tâm lý phát triển còn cho thấy rằng, chính trong giai đoạn con người dậy thì bắt đầu biết yêu, biết tìm kiếm đối tượng để đi đến chỗ truyền đạt sự sống, cũng là giai đoạn con người ở vào lứa tuổi mơ mộng, đang tìm biết mình là ai, đang cố khám phá ra con người của mình. Sự kiện cùng một lúc con người vừa vào sâu trong nội tâm để tìm biết mình là ai, lại vừa vươn mình ra với đối tượng yêu thương bên ngoài, và họ chỉ gặp được bản thân mình khi họ bắt đầu biết yêu, tức khi họ tìm được một đối tượng có duyên với họ, thích hợp với họ, đã chứng tỏ cho thấy con người chỉ tìm thấy mình nơi người khác và nên trọn với người khác. Sự kiện tâm lý phát triển này đã được Thánh Kinh Do Thái Giáo ghi nhận nơi Sách Sáng Thế Ký qua trường hợp đệ nhất nam nhân Adong, người đã chìm vào một giấc ngủ say, như đi sâu vào nội tâm của mình, nhưng chàng chỉ tìm thấy mình, chỉ nhận ra mình sau khi thấy được đệ nhất nữ nhân Evà mà thôi, nhân vật mà chàng vừa thoạt thấy đã tuyên bố: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”, và sau đó đã nên một thân thể với nàng (xem Sáng Thế Ký 2:21,23).

Như thế, vấn đề giáo dục liên quan đến tâm linh của con người cũng chính là vấn đề làm sao giúp cho con người ý thức được mối hiệp thông yêu thương trong xã hội, yếu tố duy nhất có thể làm cho con người nên trọn lành và là dấu chứng thực tầm mức thực sự trưởng thành của con người. Chưa hết, giáo dục về tâm linh của con người còn phải làm sao cho họ biết yêu một cách chân chính, một tình yêu làm cho con người hiệp thông với nhau và trở nên viên mãn, chứ không phải một tình yêu cô đơn và hẹp hòi. Tuy nhiên, để có thể đạt được tầm vóc trưởng thành ở chỗ yêu thương hiệp thông này, thành phần thụ huấn cần phải được giáo huấn nhân hết lòng yêu thương, nhất là chúng phải tìm thấy nơi thành phần giáo dục chúng một khuôn mẫu yêu thương, một động lực yêu thương, đặc biệt trong lúc chúng đang ở vào lứa tuổi dậy thì tôn sùng thần tượng. Bởi thế, cha mẹ ly dị không thể bảo con cái yêu thương được nữa. Họ không có khả năng giáo dục và đã đánh mất đi tư cách giáo dục. Họ chẳng những bị chứng liệt kháng Aids trong việc giáo dục con cái, mà còn làm cho cả con cái họ lây nhiễm hội chứng diệt vong này nữa.

 



Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh
(Bài chia sẻ cho buổi phát thanh Vui Mừng Và Hy Vọng 42, 3/11/2002)
 

 

TRƯỞNG THÀNH TÂM LINH

Trần Mỹ Duyệt

 


Trưởng thành một cách đầy đủ cho đúng với tầm mức một con người đòi hỏi và bao gồm trưởng thành về thể lý, tâm lý, sinh lý và tâm linh. Và nếu có thể nghiêng về một trong những yếu tố trưởng thành ấy, chúng ta có đủ lý do để nhấn mạnh đến sự trưởng thành của tâm linh.

Thế giới gần đây đang trải qua nhưng giấc mơ kinh hoàng do bọn khủng bố quốc tế gây ra. Khởi đầu là biến cố 11 tháng 9 năm 2001 tại Hoa Kỳ do Osama Bin Ladin chủ mưu. Ngày 12 tháng 10 năm 2002, vụ nổ bom đẫm máu tại Bali, trung tâm du lịch thế giới thuộc Nam Dương Quần Đảo do nhóm Jemaah Islamiah thực hiện. Tiếp tới là vụ bắn sẻ ở Hoa Thịnh Đốn và các vùng phụ cận do John Allen Muhammad và John Lee Malvo ra tay bắt đầu từ 2 tháng 10 và kết thúc vào 24 tháng 10 năm 2002 khi cả hai đều bị bắt. Và ngày 23 tháng 10 năm 2002, một nhóm gồn 40 tên khủng bố người Chechnya đã đột nhập một nhà hát tại thủ đô Moscow của Nga uy hiếp và bắt giữ toàn bộ con tin. Những cuộc khủng bố mà những kẻ chủ mưu ít nhiều liên quan tới mạng lưới Al Quaeda, một tổ chức Hồi Giáo Cựu Đoan.

Đúng ra, thế giới đang lên cơn sốt trước thái độ quá khích và cuồng tín của một số thành phần thiếu trưởng thành về tâm linh. Bọn họ là những người nhân danh tôn giáo, và dưới chiêu bài tôn giáo đang làm cho thế giới phải đảo lộn, mất ăn và mất ngủ. Không những thế, chính họ đã làm cho bao nước mắt và máu lệ đổ ra trên chính quê hương họ. Ở vào một thời đại thế giới văn minh, khi nhân vị con người được tôn trọng, thì tại một vài nơi trên thế giới, vẫn có những tư tưởng lỗi thời cho rằng phụ nữ phải ở nhà, phải mang khăn che mặt khi ra đường. Hoặc những luật pháp man rợ của thuở con người còn ăn lông, ở lỗ cho phép xử tử bằng cách ném đá. Trong tương lai, chắc các nhà tâm lý, các nhà đạo đức, và các nhà xã hội học sẽ phải mất rất nhiều giấy mực để bàn về những con người và hành động bệnh hoạn của họ này. Do đó, khi đề cập đến sự trưởng thành của tâm linh là nói tới một giá trị hoàn chỉnh theo ý nghĩa cao nhất của nó.

Câu nói rất thời danh của Thánh Gioan Boscô mà theo tôi, ông tổ ngành Phân Tâm Học là Freud, cha đẻ của ngành Phát Triển Luân Lý là Kohlberg, và cha đẻ của Hữu Lý Tình Cảm là Ellis nếu có dịp nghe tới chắc cũng phải ngả mũ thán phục, đó là: “Muốn làm thánh nhân thì phải làm một con người trước đã”. Sự thánh thiện mà Gioan Boscô nói tới ở đây là sự trưởng thành về tâm linh, và con người chính là con người trưởng thành và phát triển đầy đủ về thể lý và tâm sinh lý. Thật vậy, khi công nhận một người nào đó là thánh nhân, là anh hùng, điều chắc chắn là chúng ta phải thấy ở người đó những điểm trổi vượt, và hơn chính ta. Một cách thực tế hơn, là chúng ta phải “khẩu phục, tâm phục” người ấy. Mặt khác, để được người đời nể phục như vậy, tuyệt đối không có ảnh hưởng của những hành vi ấu trĩ, thiếu trưởng thành, và nhất là cuồng tín khi đề cập đến khía cạnh thuộc đời sống tâm linh của những người ấy. Một người có thể bề ngoài siêng năng tới chùa, tới thánh đường. Có thể là sốt sắng tụng kinh, cầu nguyện. Hoặc cũng có thể hăng say với những sinh hoạt tôn giáo. Nhưng trên tất cả, những hành động ấy, những tư tưởng ấy, và niềm tin ấy phải phát xuất từ sự trưởng thành và quân bình về mặt tâm linh. Buông thả hoặc sốt sắng quá độ là hai thái cực một người trưởng thành tâm linh cần phải nhận thức và xa tránh.

Như trên vừa đề cập đến Freud, đến Kohlberg, và đến Ellis, vì cả ba người này ít nhiều đã có những quan niệm về tâm lý gần gũi và liên quan đến điều mà chúng ta gọi là tâm linh, là động lực tôn giáo. Nhưng cái nhìn tâm linh ấy không hẳn là những gì theo nghĩa thuần túy tôn giáo và đạo đức. Do đó, khi đề cập đến Siêu Ngã (Superego) của Freud hay những chặng đường phát triển về đạo đức của Kohlberg, hoặc phân tích sức mạnh của tôn giáo theo Ellis, tất cả đều chỉ là những điểm liên quan ít nhiều đến quan niệm đạo đức xã hội của con người.

Freud với cái nhìn Phân Tâm Học, cho rằng hội chứng tâm lý đã đến từ sự bất quân bình và căng thẳng giữa bản năng và siêu hình mà bản ngã không hóa giải được. Tức là có những căng thẳng của bản năng tự nhiên với những ràng buộc và đòi hỏi của tâm linh. Hay nói theo Tông Đồ Phaolô là “Có những cái tôi muốn làm thì lại không làm, mà có những cái tôi không muốn làm thì lại làm”. Đó là căng thẳng, là giành dựt giữa những gì thuộc về thế giới vật chất và những gì thuộc về thế giới tâm linh, đạo đức.

Một cách tương tự, Kohlberg cũng đề cao những giá trị đạo đức và liệt kê sự phát triển này ở vào giai đoạn chót tức là giai đoạn cuối của 6 giai đoạn trong tiến trình phát triển đạo đức. Oâng gọi đây là Nguyên Tắc Của Lương Tâm. Phải và trái, đúng và sai ở đây cần được thẩm định bởi căn bản cá nhân lựa chọn dựa vào những nguyên tắc luân lý và đạo đức chung. Luân lý và đạo đức, do đó, phải là quan niệm rõ ràng và được thừa nhận của chung nhân loại. Và sự trưởng thành ở đây chính là biết nhận ra và ứng dụng nguyên tắc đạo đức ấy vào cuộc sống và từng hoàn cảnh sống cho phù hợp và thích nghi với những điều kiện của riêng từng cá nhân. Sự lựa chọn ấy, cách thức ứng dụng ấy Kohlberg gọi là sự trưởng thành của đạo đức.

Tiếp tới Ellis, ông quan niệm tôn giáo trong Hữu Lý Tình Cảm bằng cách cho tôn giáo một chỗ đứng hết sức trang trọng và cần thiết. Sức mạnh tôn giáo, sức mạnh của niềm tin, theo ông có thể phá hủy và làm tan biến cả một nhân loại. Bởi vì sự thành hình của nó đến từ những ảnh hưởng di truyền, môi trường, và giáo dục. Vì thế khi dụng tới bức tường niềm tin, bức tường tôn giáo thì khó ai hoặc quyền lực nào có thể thắng nổi. Lịch sử đã chứng minh điều này. Trải qua hàng bao thế hệ, không một bạo chúa nào, không một chính quyền nào có thể dập tắt ngọn lửa niềm tin. Trong thế kỷ của chúng ta, chủ thuyết Cộng Sản, và việc người Cộng Sản dùng những thủ đoạn hết sức tinh vi và cả những thủ đoạn hết sức đê tiện cũng không vượt thắng nổi sức mạnh của tôn giáo. Thí dụ điển hình như trong hoàn cảnh bị áp bức hiện nay tại Việt Nam, không phải một, hai, ba, mà tất cả các tôn giáo khi người Cộng Sản chạm tới niềm tin, họ đều gặp những kháng cự rất mãnh liệt. Lý do rất đơn giản là tất cả những ý nghĩa và hành động ấy đều xuất phát từ tâm thức tôn giáo và được thúc đẩy bởi sức mạnh tâm linh.

Trưởng thành tâm linh hay thiếu trưởng thành tâm linh là hai cực của một Parable. Sự trưởng thành là trục hướng đi lên, ngược lại, thái độ thiếu trưởng thành là trục hướng đi xuống. Hành động trưởng thành sẽ đem lại hoa trái tốt, còn hành động thiếu trưởng thành sẽ dẫn tới những hành vi cuồng tín và mê tín. Trong tâm lý học, nhất là tâm bệnh học, nhiều người đã bị ảnh hưởng một cách trầm trọng do thái độ thiếu trưởng thành này. Những hội chứng như ảo tưởng, ảo giác, hoặc ảo ảnh đã thường thấy nơi những người có một niềm tin ấu trĩ và lệch lạc. Họ là những người rất dễ đi vào những mê tín và để mình bị cuốn hút hoặc chi phối bởi những hành động cuồng tín. Sự thiếu trưởng thành tâm linh càng trở thành ghê sợ hơn, khi người ta nhân danh niềm tin, nhân danh tôn giáo để hành động dưới sức cuốn hút của một tâm lý bệnh hoạn. Điều này giải thích tại sao có những kẻ mang bom tự sát. Hoặc có những kẻ nhân danh Thượng Đế để tàn sát và ghiết hại người khác.

Tóm lại, trưởng thành tâm linh là một điều hết sức quan trọng. Không những nó đòi hỏi sự kiểm soát bản năng, tâm sinh lý mà còn phải kiểm soát cả những hành động ta làm nhân danh tôn giáo nữa. Hiểu một cách đúng đắn những đòi hỏi của tôn giáo, và thực hành một cách nghiêm chỉnh những đòi hỏi ấy trong sự hài hòa và thực tế với tâm thức chung, lúc ấy ta mới có một sự trưởng thành về tâm linh. Tôn giáo hay đạo chính là đường. Đường đưa ta tới Thượng Đế, tới Vĩnh Hằng. Thượng Đế không bao giờ hận thù, chia rẽ hay tàn bạo. Những gì gắn liền với Thượng Đế là bình an, là hoan lạc, và là hạnh phúc vĩnh cửu. Như vậy, chỉ có những người thiếu trưởng thành về tâm linh mới dùng đạo như một phương tiện khủng bố, gây kinh hoàng, nhất là tạo sự chia rẽ và khống chế kẻ khác. Khi nhìn tôn giáo và sự trưởng thành tâm linh bằng cái nhìn tâm lý giáo dục, chúng ta có bổn phận phải thức tỉnh chính mình. Bằng những suy tư, lối sống, và hành động trưởng thành, phải hướng dẫn con cái, tuổi trẻ biết nhìn tôn giáo như con đường dẫn tới thiện hảo, tới hiểu biết và thông cảm, hơn là quan niệm cho rằng chỉ tôn giáo mình là nhất, và mình cần phải nhân danh Thượng Đế, nhân danh tôn giáo để khống chế người khác, hoặc ít nhất là dùng ảnh hưởng tôn giáo gây chia rẽ và tạo sự bất ổn trong đời sống xã hội.