Con Người Thành Nhân
Là Người và Thành Người
Khi vừa được thụ thai trong lòng mẹ, ngay từ giây phút đầu tiên, con người đã là
người. Chính vì con người đã là người ngay từ giây phút đầu tiên trong cuộc đời
của họ mà không ai, kể cả cha mẹ của họ, có toàn quyền sinh sát trên họ. Bởi vì,
nếu không là người trước thì mầm thai ấy có thể là thú vật hay quái thai, chứ
không bao giờ sẽ thành người, với hình dạng con người độc nhất vô nhị theo ngôi
vị của họ và với bản tính con người có cả hồn thiêng lẫn xác thể. Tuy nhiên tiến
trình thành người trong lòng mẹ đây chỉ là tiến trình thành người về hình thể mà
thôi, chứ chưa phải là vấn đề thành nhân về tinh thần, một vấn đề trực tiếp liên
quan đến việc giáo dục.
Đó là lý do, như lịch sử cho thấy, con người đã đi từ thời hoang sơ, ăn lông ở
lỗ, sống theo bản năng gần như loài thú, tiến đến chỗ văn minh cả về vật chất
lẫn nhân bản, để mỗi ngày một thành nhân hơn, ở chỗ chẳng những vượt xa tầm mức
thú vật hơn mà còn càng ngày càng đạt đến mức độ xứng hợp với nhân phẩm và nhân
cách của mình hơn. Kinh nghiệm cho thấy, một trong những yếu tố chứng tỏ con
người văn minh đó là văn hóa của họ, một thứ văn hóa hoàn toàn phản ảnh luân
thường đạo lý là những gì vốn được bẩm sinh nơi bản tính mỗi người. Bởi thế, hễ
bao giờ con người bắt đầu phá sản cái lâu đài văn hóa truyền thống của mình, tức
bị khủng hoảng về luân thường đạo lý, là con người văn minh bắt đầu bị choáng
váng, bị mất thăng bằng, và không sớm thì muộn chắc chắn sẽ đi đến chỗ ngã xuống
và sụp đổ một cách thảm thương, thậm chí đến chỗ tự diệt, như tình hình thế giới
văn minh vật chất song đầy băng hoại ngày nay đang diễn tiến cho thấy.
Thành Nhân theo Khổng Giáo
Như thế, phải khẳng định là vấn đề thành nhân không phải là vấn đề khám phá khoa
học tinh vi hay phát minh kỹ thuật tân kỳ, mà là vấn đề văn hóa sự sống, là vấn
đề văn minh yêu thương, là vấn đề luân thường đạo lý. Trong các đạo giáo, vẫn
biết đạo nào cũng dạy con người ăn ngay ở lành, nhưng dầu sao mỗi đạo cũng có
một điểm gì nổi bật, làm cho đạo ấy khác với các đạo khác. Phải công nhận là vấn
đề luân thường đạo lý và giáo dục là điểm nổi bật nhất của Khổng Giáo, nếu không
muốn nói là tất cả Khổng Giáo. Thật vậy, Khổng Giáo, qua Mạnh Tử (371-289 BC)
với thuyết tính tốt, chẳng những chủ trương “nhân chi sơ tính bản thiện”, nhưng
đồng thời, qua Tuân Tử (298-238 BC) với thuyết tính xấu, Đổng Trọng Thư (179-104
BC) với thuyết tính chất, Chu Hi (1130-1200) với thuyết tính khí, và Vương Dương
Minh (1472-1528) với thuyết thiên địa nhất thể, còn chủ trương giáo dục con
người nên hoàn thiện nữa. Đó là lý do lịch sử Á Đông cho thấy hệ thống giáo dục
thi cử và khoa bảng để tuyển người tài đức cho đất nước đã được bắt đầu từ Nho
Gia Đổng Trọng Thư, một hệ thống giáo dục được kéo dài cả hai ngàn năm ở Trung
Hoa, mãi cho tới thời Cách Mạng Trung Hoa Dân Quốc, một hệ thống giáo dục đã
được thịnh hành cả ở Đại Hàn, Nhật Bản và Việt Nam. Và đó cũng là lý do Khổng
Giáo đã nhấn mạnh đến con người thành nhân là một con người Chính Nhân Quân Tử,
hay một con người Hiền Nhân Quân Tử.
Thế nhưng, vấn đề thành nhân của con người tuy “tính bản thiện” những cũng cần
phải được giáo dục theo các vị Nho Gia của Khổng Giáo để trở thành một Chính
Nhân Quân Tử hay Hiền Nhân Quân Tử đây là ở chỗ nào hay được thể hiện ra sao,
nếu không phải được thể hiện trọn vẹn qua những tính đức được chính Đức Khổng
dạy liên quan đến nhân cách của con người sống trong xã hội như Hiếu, Đễ, Trung,
Thứ: Hiếu tức thảo hiếu với cha mẹ, Đễ tức thuận hòa với anh chị em, Trung tức
hết mình với vua với nước, Thứ tức khuôn phép với tha nhân. Thật vậy, vì Nho
Giáo đi theo chiều hướng xã hội và mang nặng tính chất xã hội, do đó, con người
thành nhân đối với đạo giáo này phải là một con người biết khôn ngoan đối xử cho
phải đạo làm người trong tất cả mọi liên hệ xã hội cũng như nơi từng liên hệ xã
hội, tiêu biểu là 4 liên hệ Phụ Tử, Huynh Đệ, Quân Thần và Bằng Hữu trên đây. Đó
là chưa kể đến một liên hệ rất quan trọng khác nữa đó là liên hệ Phu Phụ, một
liên hệ gắn liền với thân phận và vai trò của nữ giới hơn là nam giới. Nữ giới
thành nhân, theo Khổng Giáo, phải là một người đàn bà biết sống theo tam tòng:
tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Tuy nhiên, để có thể chu
toàn tất cả những mối liên hệ và từng mối liên hệ xã hội như thế, bản thân của
con người thành nhân, nam cũng như nữ, cần phải hội đủ 4 phẩm tính là Nhân,
Nghĩa, Lễ và Trí: Nhân là lòng nhân ái biết cảm thông thương xót, Nghĩa là lòng
cảm thấy hổ thẹn biết ghét bỏ điều xấu, Lễ là lòng tôn trọng biết kính trên
nhường dưới, Trí là lòng trí biết phân biệt phải trái đúng sai.
Thành Nhân theo Kitô Giáo
Theo Kitô Giáo, ngay từ ban đầu con người cùng với tất cả mọi tạo sinh được Tạo
Hóa dựng nên hoàn hảo và tốt lành. Tuy nhiên, trong tất cả mọi tạo vật trong vũ
trụ này nói chung và loài sinh vật nói riêng, chỉ duy loài người mới có hồn
thiêng và tự do, những gì làm cho con người trở thành giống như thần linh, như
Thượng Đế Tối Cao. Thế nhưng, cũng chính vì tự do, mà con người cần phải được
thử thách. Để rồi, trong cuộc thử thách, ở chỗ, con người chỉ được làm tất cả
những gì trong quyền hạn của mình, chứ không được vượt phạm vi thụ tạo của mình;
những gì ở ngoài giới hạn của con người đều bị cấm, được tiêu biểu nơi trái cấm
là những gì Thiên Chúa đặt định. Hễ bao giờ con người lạm dụng tự do của mình để
vượt biên là con người phạm tội, mà hậu quả là bị chết, một cái chết về tinh
thần mà còn kéo theo cả cái chết về thể chất nữa. Đó là lý do đau khổ và sự chết
là hậu quả của tội lỗi, mà tội đầu tiên gọi là tội nguyên tổ, vì tội này gây ra
do hai nguyên tổ của loài người là ông Adong và bà Evà. Tuy nhiên, vấn đề là ở
chỗ, tuy hai nguyên tổ phạm tội nhưng con cháu của nhị vị phụ mẫu tiên khởi này
lại lãnh đủ cái hậu quả của những gì các ngài đã làm sai trái ngay từ ban đầu ấy.
Cái lãnh đủ đó là con người từ ấy đến nay không ai có thể thoát được khổ đau và
tử thần, hậu quả vô cùng tai hại và đáng tiếc của tội lỗi, của nguyên tội. Có
nghĩa là sau khi hai nguyên tổ sa ngã phạm tội, bản tính con người được dựng nên
theo hình ảnh Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa của con người đã bị hư hại,
không còn được nguyên vẹn, hoàn hảo và tốt lành như lúc mới được Tạo Hóa dựng
nên nữa.
Nơi chính bản thân con người, phần hạ và phần thượng bắt đầu xung khắc nhau, để
rồi từ đó và bởi đó, những mối liên hệ giữa con người tạo vật với Tạo Hóa, giữa
con người đồng loại với nhau, cũng như giữa con người “linh ư vạn vật” với thiên
nhiên tạo vật, đã bị liên tục gián đoạn, khủng hoảng và lủng củng, điển hình
nhất là hiện tượng và tình trạng chiến tranh đủ mọi hình thức hầu như không bao
giờ có thể chấm dứt nơi lịch sử loài người qua các thế hệ. Chính vị con người
mang một bản tính sa đọa không thể tự giải cứu được mình khỏi đau khổ và tội lỗi
mà họ mới cần phải được cứu độ, được cứu độ bởi chính Vị Tạo Hóa của mình, Đấng
đã nhập thể làm người như họ nơi Đức Kitô, một Con Người Lịch Sử mang danh Giêsu
quê ở Nazarét, một Con Người đã tử giá bởi tay loài người trong thời Tổng Trấn
Philatô thuộc đế quốc Rôma đang cai trị nước Do Thái, song đã phục sinh bởi Thần
Linh toàn năng để mang lại bình an cho con người, một bình an nơi chính họ, nhờ
đó, họ cũng có thể sống an bình với Thiên Chúa, với nhau và với thiên nhiên tạo
vật, như thuở thái hòa ban đầu của trời đất.
Tuy nhiên, dù chung con người đã được cứu chuộc, thậm chí nơi cả thành phần Kitô
hữu đã lãnh nhận Phép Rửa, tức đã được khỏi tội, nhưng mầm mống tội lỗi của họ
vẫn còn đó. Đó là lý do chúng ta thấy xẩy ra nạn linh mục Hoa Kỳ lạm dụng tình
dục trẻ em bùng lên vào đầu năm 2002 chẳng hạn. Theo Kitô Giáo, đời sống của
người Kitô hữu là một đời sống vừa thiêng liêng vừa trần tục, thiêng liêng với
ân sủng và trần tục với những đam mê nết xấu như cỏ dại lúc nào cũng muốn lấn át
lúa tốt là ân sủng thần linh nơi họ. Bởi thế, để có thể giữ vững đức tin của
mình, họ cần phải liên lỉ đương đầu với một trận chiến thiêng liêng bằng việc
cẩn thận giữ đạo, như đọc kinh, đi lễ, học giáo lý, Thánh Kinh v.v. Đấng Sáng
Lập của họ không dạy họ nên người, thành nhân, như chủ trương của Đức Khổng Tử
và các Nho Gia Khổng Giáo, nhưng dạy họ nên thánh, nên giống chính Cha trên trời
của họ là Thiên Chúa Toàn Thiện Toàn Ái (xem Mathêu 5:48). Như thế, đối với Kitô
hữu, nên thánh là thành nhân, và việc con người thành nhân nơi Kitô giáo là việc
con người từ từ được thần linh hóa, được thần thánh hóa, cho đến khi họ có thể
sống như Đấng Sáng Lập của họ là Vị Thiên Chúa Làm Người đã sống xưa. Đó là lý
do Giáo Hội Công Giáo đã xác tín là sự thật về con người và ơn gọi của con người
chỉ được sáng tỏ và nên trọn nơi Chúa Giêsu Kitô mà thôi (xem Công Đồng Chung
Vaticanô II, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Gaudium et Spes, Vui Mừng và Hy Vọng,
đoạn 22).
Thành Nhân theo Luân Đức
Nếu chủ trương thành nhân của Khổng Giáo là ở chỗ trở thành một Chính Nhân Quân
Tử trong xã hội, và chủ trương thành nhân của Kitô Giáo là ở chỗ nên thánh như
Vị Thiên Chúa Làm Người là Đức Giêsu Kitô, thì thành nhân ở đây có một tụ điểm
là luân đức, tức bốn nhân đức trụ về luân lý là Khôn Ngoan, Công Bình, Tiết Độ
và Can Đảm. Bởi vì, bất cứ Thánh Nhân Kitô Giáo nào hay Chính Nhân Quân Tử Nho
Gia nào cũng phải hội đủ 4 nhân đức trụ về luân lý này ở mức độ hoàn hảo, bằng
không, họ không thể nào đáng gọi là Thánh Nhân hay Chính Nhân Quân Tử được cả.
Thật ra, một Chính Nhân Quân Tử Khổng Giáo sống phẩm tính Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí
cũng chẳng qua là họ sống theo 4 luân đức này vậy: Trí liên quan đến Khôn Ngoan,
Nhân liên quan đến Công Bằng, Nghĩa liên quan đến Tiết Độ, và Lễ liên quan đến
Can Đảm. Còn Thánh Nhân Kitô Giáo, thành phần được thần linh hóa bằng ba tài
năng thần linh để có thể sống như thần linh; ba tài năng này được gọi là ba thần
đức, tức ba nhân đức nhắm đến chính đối tượng là Thiên Chúa, đó là Đức Tin, Đức
Cậy và Đức Mến: Đức Tin là tin tưởng vào Mạc Khải và Thẩm Quyền của Thiên Chúa,
Đức Cậy là cậy trông vào Quyền Năng và Tình Thương của Thiên Chúa, Đức Mến là
mến yêu Bản Tính Toàn Thiện của Thiên Chúa. Thế nhưng, ba Thần Đức này cũng liên
quan đến 4 Luân Đức Trụ: Đức Tin với Khôn Ngoan, Đức Cậy với Tiết Độ và Can Đảm,
Đức Mến với Công Bằng. Như thế, một con người thành nhân bình thường phải là một
con người sống một cách khôn ngoan, công bằng, tiết độ và can đảm.
Khôn ngoan ở chỗ chẳng những biết khách quan phân biệt hay phân xử theo chân lý
v.v., mà còn biết chọn lựa những gì xứng hợp với thân phận, vai trò và hoàn cảnh
của mình nữa. Một câu chuyện tiêu biểu cho nhân đức khôn ngoan này là câu chuyện
về vua Solomon, vị vua thứ ba của dân Do Thái, vị vua đã phân xử hết sức khôn
ngoan vụ hai người nữ điếm mới sinh hai đứa nhỏ cùng một lúc và cùng một nơi,
nhưng một đứa bị mẹ đè chết, và đứa còn lại được hai người giành nhau. Để thử
xem đứa nhỏ thật sự là của người nào, vua Solomon đã ra lệnh chém đôi đứa nhỏ ra
làm hai. Cuối cùng vua đã lệnh trao đứa nhỏ đó cho người mẹ muốn cứu đứa nhỏ,
bằng cách sẵn sàng nhường đứa nhỏ cho người mẹ đồng ý với vua trong việc chặt
đứa nhỏ ra làm đôi (xem Sách Chư Vương, quyển 1, đoạn 3:16-27).
Công bằng ở chỗ sống đúng với thân phận của mình, với vai trò, với tài năng cũng
như với chức vụ của mình, không lộng hành, không lấn át hay gây thiệt hại kẻ
khác v.v. Một con người thành nhân là một con người khi được người tính tiền ở
quầy hàng thối lại cho mình quá số tiền mình phải trả cho món đồ, liền mang trả
lại, chứ không thấy vậy lấy luôn; họ cũng là một con người làm lỗi thì nhận lỗi
và xin lỗi chứ không chạy tội, đổ lỗi và ngoan cố; họ còn là một con người nhận
ơn thì đền đáp, hứa là làm, hết sức chu toàn trách nhiệm của mình; họ có thể là
một con người chấp nhận những thiệt hại hay hậu quả do chính mình gây ra mà
không than thân trách phận kêu trời kêu đất v.v.
Tiết độ ở chỗ biết làm chủ mình, không để cho mình sống buông tuồng, sống thả
lỏng theo đam mê nết xấu, tham thực cực thân, cả giận mất khôn, dục tốc bất đạt,
giận cá chém thớt, bất chấp thủ đoạn v.v. Một con người thành nhân là một con
người ăn uống điều độ chứ không phải hễ ngon thì đớp mạnh dở thì bỏ thừa, làm
việc chừng mực chứ không phải hứng thì làm chán thì thôi, nếp sống kỷ cương chứ
không phải lung tung đồ đạc thất thường giờ giấc, đoan trang từ tốn chứ không
phải to mồm lắm chuyện, trầm tĩnh tự tại chứ không phải sôi nổi nông nỗi v.v.
Can đảm ở chỗ thắng vượt những khó khăn, không lùi bước trước thử thách, hy sinh,
nhẫn nại, chịu đựng vì thiện ích hay để đạt được lý tưởng làm người. Gương can
đảm không thiếu gì trong lịch sử các nước trên thế giới, những gương sáng tỏ nơi
các vị anh hùng dân tộc của họ. Như một Lê Lai cứu Chúa khi Lê Lợi bị quân Minh
vây xiết không thể thoát thân. Như một Trần Bình Trọng không màng danh lợi vinh
thân đã thẳng thắn dứt khoát “thà làm quỉ nước nam còn hơn là vương đất bắc”.
Như một Helen Keller (1880-1968), ở Alaska Hoa Kỳ, từ hai tuổi đã bị mù lòa và
câm điếc, thế mà, với sự giúp đỡ của bà Anne Sullivan, Hellen đã ra trường cấp
bằng cử nhân bậc danh dự năm 1904. Sau đó Hellen đã đi thuyết trình 25 nước khắp
năm châu. Các tác phẩm của Hellen đã được dịch sang 50 thứ tiếng, như cuốn Câu
Truyện Cuộc Đời Tôi (1903), Thế Giới Tôi Sống (1908), Khúc Ca Bức Tường Đá
(1910), Từ Trong Tăm Tối (1913). Như một Cha Damien (1840-1889) người Bỉ suốt
đời phục vụ người cùi ở Molokai thuộc quần đảo Hạ Uy Di. Như một Maximilianô
Kolbe, người tù Balan của Đức Quốc Xã số 16670, ngày 14/8/1941 đã tự nguyện chết
trong Trại Auschwitz thay cho một người gia trưởng.
Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh, BVL
(Bài chia sẻ cho buổi phát thanh Vui Mừng Và Hy Vọng 45, 24/11/2002)
CON NGƯỜI THÀNH NHÂN
Trần Mỹ Duyệt
Để trở thành một người trưởng thành, và nhất là để sống
đúng với nhân vị của con người là hai trạng thái có liên lạc rất gần gũi và mật
thiết với nhau. Nhiều người tuy trưởng thành về thể lý, to con, tốt tướng, có
sức khỏe đầy đủ, có bộ óc thông minh, có tài, và có sắc, nhưng trong một lãnh
vực nào đó vẫn chưa bảo đảm rằng họ là người thực sự trưởng thành; nhất là, chưa
thực sự sống đúng nhân vị con người. Bởi vì con người ngoài việc trưởng thành về
thể lý, và phát triển về trí tuệ, cũng cần phải trưởng thành về tâm lý và tâm
linh nữa. Tâm lý và tâm linh cần phải được phát triển tới mực độ trưởng thành,
lúc đó ta mới có thể tin tưởng và nói được rằng đây chính là hình ảnh của một
người thực sư đã thành nhân.
Nhận xét trên được tìm thấy trong sinh hoạt thường ngày của chúng ta. Nhiều
người dù đã lớn tuổi, có thể có công danh sự nghiệp và quyền bính trong tay,
nhưng vẫn không thể gọi được họ là những người trưởng thành, con người thành
nhân. Vì qua cung cách hành động và cư xử, họ là những người không trưởng thành
đủ và cũng không muốn hành xử một cách trưởng thành theo đúng ý nghĩa thành nhân
của mình. Và điều này như trái ngược với quan niệm của đa số vẫn cho rằng một
người lớn tuổi, một người có chút công danh sự nghiệp, có chút học thức, hay
tiền bạc, là đương nhiên thành nhân. Hiện nay trên thế giới hiện tượng ly thân,
ly dị, ngừa thai, phá thai, loạn luân. Hiện tượng cờ bạc, trai gái, đĩ điếm,
nghiện hút và trộm cướp, tất cả đã chứng minh rằng là một người và thành người
là hai điều hết sức tương phản và là hai đối cực của thực tế con người. Những
tội phạm, những tệ đoan của xã hội, đều không phải là con nít và thuộc những thứ
đồ chơi của con nít. Con nít không có chỗ để tham dự vào những sinh hoạt của
người lớn trong những trường hợp ấy. Có chăng con nít có thể bị lợi dụng và trở
thành mục tiêu khai thác, như nạn buôn bán tình dục trẻ em, nạn mãi dâm trẻ vị
thành niên. Tóm lại, không thể nói rằng hễ đã là người, là đã trưởng thành và
thành nhân.
Trở lên là những vấn đề có tính cách xã hội, và đạo đức xã hội. Còn việc trưởng
thành về tâm linh và luân lý thì sao? Điều này lại càng khó lòng thực hiện. Có
biết bao nhiêu người bề ngoài rất đạo mạo, rất nghiêm túc, nhưng sau lưng và
trong bóng tối họ làm gì thì không ai biết. Từ khía cạnh tâm linh này dẫn ta tới
lãnh vực tâm lý đạo đức của một người. Không thiếu gì trường hợp gian dối, lường
gạt và xúc phạm tới phẩm giá, danh dự của một người mà kết quả cũng chỉ vì sự
thiếu trưởng thành và thành nhân của nhưng người mà bề ngoài ta cho là cao cả và
đáng kính ấy. Việt Nam ta có câu: “Tri nhân, tri diện, bất tri tâm” có nghĩa là
biết người, biết mặt nhưng khó biết lòng là vậy. Hệ thống tòa án, hệ thống nhà
tù, hệ thống công an, cảnh sát đã cho thấy rằng, có nhiều người thường ngày vẫn
chưa hành xử một cách trưởng thành và sống đúng với cương vị của một người đã
thành nhân.
Hãy lấy một thí dụ về tính tham lam và dối trá trong sinh hoạt thường ngày như
một thí dụ về sự trưởng thành của lương tâm và sự phát triển của lý trí. Nếu ta
có dịp quan sát những phim tài liệu về những chú sư tử và nai trong rừng Phi
Châu sẽ nhận ra rằng, những con sư tử, những con cọp hay con beo hung ác kia,
chúng chỉ thực sự giết một con mồi vì chúng đói bụng và vì nhu cầu bản năng sinh
tồn. Khi đã no nê, chúng lại lởm vởn đến chơi gần những con nai, con hươu mà ít
ngày trước chúng đã tỏ ra hung hãn và cố giết cho bằng được vì đói bụng. Chúng
hoàn toàn không ác ý, không thủ lợi, hay lợi dụng thế yếu của những loài vật
khác. Ngay cả những con mồi mà chúng săn được, các con vật khác cũng vẫn có thể
chia chác. Nhưng hành động này không dễ dàng xẩy ra trong thế giới con người.
Tại những quốc gia nghèo đói và kém mở mang trên thế giới mà điển hình là Việt
Nam, cảnh người bóc lột người: “Cá lớn nuốt cá bé” vẫn xẩy ra hằng ngày. Xem
chừng càng bóc lột nhiều thì càng ung dung tự tại nhiều, càng thành công nhiều,
và càng có nhiều quyền lực. Guồng máy tham nhũng càng ngày càng trở thành cồng
kềnh, phức tạp đến nỗi nó không phải là một chiếc đầu máy làm tăng vọt sức nhanh
của chiếc xe xã hội. Ngược lại, nó còn làm cho chiếc xe xã hội trở thành nặng nề,
lê lết, và nằm ụ bên lề cuộc sống chung văn minh của thế giới. Không những thế,
những kẻ lắm tiền, giầu của kia lại còn ngạo mạn, khinh bỉ những người thật thà
mà họ cho là ngu xuẩn, hoặc thiếu khôn ngoan.
Thật ra, những người hiền lành và chân thật không phải là những người ngu xuẩn.
Hiền lành và ngu xuẩn là hai điều trái ngược nhau. Khôn ngoan láo cá, khôn vặt,
và thành thật, hiểu biết là hai đối cực của sự trưởng thành về tâm linh và đạo
đức. Không phải những kẻ mà ta cho là yếu, là hèn, là thấp cổ bé miệng kia là
những người hèn nhát thực sự hay kém cỏi thực sự. Biết đâu qua những cử chỉ
khiêm tốn và nhẫn nại ấy, họ lại chẳng trổi vượt hơn những con người chỉ biết
dùng quyền bính, dùng mưu mánh và sức mạnh để lấn lướt và thống trị kẻ khác.
Chính vì trưởng thành về mặt tâm lý và tâm linh, nên con người mới có thể nhẫn
nại, và kìm hãm bản năng tự nhiên của mình. Và chính vì thiếu trưởng thành về
tâm lý và tâm linh mà con người đã dễ dàng để cho tính nóng nẩy, giận hờn, tham
lam vô độ, và thiếu tự chủ ảnh hưởng đến tư tưởng, lời nói, và việc làm của
mình. Nóng giận thì dễ, nhưng biết kìm hãm và tự chủ hành vi nóng giận thì khó.
Điều này chỉ có thể giải thích được khi đề cập đến sự trưởng thành tâm lý và tâm
linh con người. Trong những cuộc khảo cứu gần đây cho thấy rằng những tay trộm
cướp, ngồi tù kia bề ngoài trông rất hung hãn và mưu mẹo, nhưng thực chất chỉ số
thông minh của họ lại rất thấp. Sở dĩ họ trở thành thần tượng của giới giang hồ,
vì họ hành động một cách liều lĩnh, thiếu khôn ngoan, dĩ nhiên, thiếu trưởng
thành về mặt tâm lý và đạo đức.
Tóm lại, khi sinh vào đời, con người chỉ là một hài nhi bé nhỏ, yếu đuối và rất
ấu trĩ về mọi mặt. Để thành một con người hoàn chỉnh, con người trưởng thành cần
được tu sửa, cần được uốn nắn, dậy bảo. Sự thành nhân, hay trưởng thành về nhân
cách nói lên con người trưởng thành của một người. Điều này đỏi hỏi phải trưởng
thành một cách đầy đủ về thể lý, tâm sinh lý, và tâm linh. Một con người thành
nhân như vậy là một con ngưòi khó kiếm vì hiếm quí. Lý do như vừa được trình
bày, sự hoàn chỉnh nơi một con người phải bao gồm tất cả và trong nhiều lãnh
vực. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là ta phải ý thức được mình và thực tế của
chính mình, và phải có nỗ lực để vươn lên, để sống trưởng thành với nhân vị của
mình.