Con Người Vào Đời
Vào Đời: Chủ Trương Của Khổng Giáo
Trước hết, “vào đời” đây không phải là ra đời, một biến cố chào đời hay sinh vào
trần gian, một biến cố hoàn toàn trái với ý nghĩa “qua đời” hay “lìa đời”, một
biến cố chết đi hay ra khỏi trần gian. Bởi thế, con người “vào đời” đây là con
người sau khi đã được giáo dục để thành nhân bắt đầu xuống núi hành hiệp, bắt
đầu bước vào đời, bắt đầu lập thân xây dựng sự nghiệp, bắt đầu dấn thân gánh vác
trách nhiệm làm người trong xã hội, những trách nhiệm chính yếu đối với gia đình
thân thuộc, đối với quốc gia dân tộc, cũng như đối với nhân gian đồng loại. Đó
là lý do Khổng Giáo chủ trương con người vào đời cần phải trải qua tiến trình
bốn giai đoạn là “tu thần, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.
Thật vậy, theo chủ trương của Khổng Giáo, một tôn giáo, đúng hơn, một triết
thuyết thiên về xã hội, một triết thuyết sau khi nhấn mạnh đến chiều kích giáo
dục con người “nhân chi sơ tính bản thiện” thành một con người chính nhân quân
tử, thì tiến đến chiều kích xây dựng xã hội. Thế nhưng, để có thể xây dựng xã
hội, xây dựng thực sự và có công hiệu, con người trước hết cần phải tu thân,
bằng không, họ sẽ không có đủ tư cách và khả năng đề “tề gia”, lại càng không
thể “trị quốc”, nhất là “bình thiên hạ”. Như thế, vấn đề “tu thân” của Khổng
Giáo ở đây cũng chính là vấn đề giáo dục, vấn đề phải làm sao để con người có
thể trở thành một chính nhân quân tử. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, giáo dục là
vấn đề cả một đời người chứ không phải cho đến khi con người lên tới 18 hay 21
tuổi là xong, là tự nhiên thành nhân, là thành chính nhân quân tử. Đó là lý do,
vấn đề “tu thân” của Khổng Giáo ở đây còn áp dụng cho tất cả mọi con người đã
thành nhân về thể lý nhưng chưa trọn về “minh đức”.
Thế nhưng, thực tế còn cho thấy con người ta dù “nhân chi sơ tính bản thiện”
nhưng cũng chỉ là những con người “nhân vô thập toàn”. Bởi đó, không ai dám vỗ
ngực tự cho mình là chính nhân quân tử, là thánh nhân thánh hiền. Cùng lắm, vì
tư cách đặc biệt và nổi bật, một số con người rất hiếm hoi nào đó, như các vị
sáng lập đạo giáo hay như một Mẹ Têrêsa Calcutta chẳng hạn, ngay khi còn sống,
đã được thiên hạ mộ mến tôn sùng như những bậc thánh hiền thánh sống, đã được
nhiều người đi theo làm môn đệ. Như thế, vấn đề được đặt ra ở đây là, nếu xã hội
chỉ có một ít rất hiếm chính nhân quân tử, thỉnh thoảng mới xuất hiện một thánh
nhân thánh hiền, những vị đáng được gọi là “anh hùng tạo thời thế” này, thì vấn
đề “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” phải chăng chỉ là một thứ mộng tưởng cao
vời, hay cùng lắm chỉ là một cái gì thuần lý thuyết lý tưởng, không bao giờ có
thể hiện thực hay rất hiếm người có thể thực hiện được.
Vào Đời: Chủ Trương Của Kitô Giáo
Phần Kitô Giáo, như bài lần trước về “con người thành nhân” đã đề cập tới, con
người được kêu gọi nên thánh chứ không phải chỉ nên người, chỉ thành nhân, mà là
được kêu gọi nên thánh trong một tình trạng bất toàn và tội lỗi, trong một trạng
thái con người còn mang trong mình đầy những mầm mống tội lỗi, lúc nào cũng có
thể sa ngã, lúc nào cũng có thể trở thành một tội nhân, trở thành một con người
“tiểu nhân”, thậm chí trở thành một con người “bần nhân” hay “tiện nhân” trước
mắt thiên hạ. Chính vì thế, cuộc sống nên thánh của Kitô hữu mới là cuộc sống
vượt qua sự chết mà vào sự sống, mới là cuộc sống đi từ tối tăm tiến ra ánh sáng
lạ lùng, mới là cuộc sống về nguồn, tức trở về với nguồn mạch chân thiện mỹ
nguyên thủy của mình là thực tại mà họ đã mù quáng bị lạc xa ngay từ ban đầu. Và
môi trường để con người có thể nên thánh, có thể về nguồn, đó là bản thân con
người, là gia đình thân thuộc, là quốc gia dân tộc, là nhân gian đồng loại,
những môi trường được Khổng Giáo gọi là “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên
hạ”.
Tức là, Kitô giáo không chủ trương con người phải là chính nhân quân tử, là
thánh nhân thánh hiền đã rồi mới làm gì thì làm, như làm linh mục, làm tu sĩ
v.v. trái lại, cứ làm rồi sẽ nên thánh hay nhờ làm mà trở thành thánh nhân thánh
hiền; bằng không, ai dám cho mình là thánh nhân, là toàn hảo, để có thể đóng vai
giáo hoàng hay giám mục trong việc chăn dắt con chiên bổn đạo, đóng vai thày cô
dạy bảo học sinh hay cha mẹ giáo dục con cái, đóng vai tổng thống dẫn dắt dân
chúng hay thẩm phán phân xử tội phạm v.v. Đó là lý do Đấng Sáng lập Kitô Giáo đã
dạy những người Do Thái đang tính xử tử một người phụ nữ bị họ bắt quả tang đang
phạm tội ngoại tình, một tội mà theo luật của họ sẽ bị ném đá chết, là “ai trong
quí vị không có tội thì hãy ném đá chị ta trước đi” (xem Phúc Âm Gioan 8:9).
Phải, chính vì thực sự cảm nhận được thân phận bất toàn của mình, một cảm nhận
mà con người thành nhân nào cũng phải có, bằng không họ chưa thực sự thành nhân,
chưa thực sự biết mình, tức còn tỏ ra những hành động mộng du ngông cuồng trái
với nhân cách làm người, con người vào đời mới có thể tiến tới chỗ nhận biết tất
cả những gì tốt lành nơi mình, về khả năng cũng như về phẩm chất, đều là tặng ân
họ nhận được từ trên cao. Bởi thế, chân lý thứ hai con người thành nhân vào đời
thâm tín được và không thể nào sống ngược lại, đó là chân lý lưỡng diện về vai
trò phổ quát của con người sau đây: đối với Trời, với Đấng đã ban cho họ những
gì họ có nơi thân phận làm người, họ chỉ đóng vai trò của một người quản lý
trong việc phân phát những gì họ có cho anh chị em đồng loại của mình, và khi
thi hành phận sự phân phát như thế, nghĩa là họ không sống cho mình mà là cho
người, thì đối với tha nhân, họ chỉ đóng vai trò của một người tôi tớ phục vụ
không hơn không kém.
Vào Đời: Một Hiện Trường Thế Giới
Chân lý lưỡng diện liên quan đến vai trò phổ quát này của con người vào đời vô
cùng quan trọng, bởi vì, tất cả vận mệnh của loài người và tương lai của thế
giới này đều lệ thuộc vào chân lý ấy, đúng hơn, lệ thuộc vào việc con người có
nhận ra chân lý này và sống chân lý này hay chăng. Lịch sử cho thấy, bao lâu con
người còn chủ trương “pro choice” trong tất cả mọi sự, tức cho mình có toàn
quyền, trên tất cả những gì mình có, như tử cung nơi thai mẫu hay sự sống nơi
thai nhi hoặc sự sống nơi bệnh nhân bất trị, chứ không chịu đóng vai trò quản lý
viên cho Hóa Công và tôi tớ phục vụ tha nhân, thì con người đang ra tay tàn phá
tất cả những gì mình có, thậm chí đang đi đến chỗ tự diệt, như tình hình con
người văn minh tân tiến ngất ngưởng ngày nay song chỉ biết quay cuồng với khuynh
hướng thụ hưởng consumerism theo cá nhân chủ nghĩa individualism đang hiển nhiên
cho thấy. Đặc biệt về phương diện chính trị, một con người chỉ ham danh và tham
quyền cố vị thì thử hỏi họ có thực sự phục vụ thành phần nhân dân đã bầu họ lên
hay chăng, một thành phần đã căn cứ vào những hứa hẹn ban đầu đủ thứ của họ có
vẻ vuốt ve mị dân để đạt được đích điểm tham vọng quyền uy thế lực của họ. Có
thể nói, hay phải công nhận rằng, tất cả mọi sự lộn xộn về vấn đề cai trị đều do
thành phần lãnh đạo chính trị không biết sống tinh thần Đức Kitô đã dạy các môn
đệ của Ngài, đó là tinh thần “ai muốn làm đầu phải làm đầy tớ phục vụ mọi người”
(xem Phúc Âm Mathêu 20:26).
Lịch sử cũng cho thấy, chính vì thâm tín được chân lý về nhân loại học siêu
nhiên liên quan đến vai trò của mình là quản lý của Thiên Chúa và là đầy tớ của
nhau như thế mà, trong số các đạo giáo lớn trên thế giới, chỉ có Kitô giáo, theo
gương Vị Sáng Lập của mình, Đấng tuyên bố “đến không phải để được phục vụ mà là
để phục vụ” (xem Phúc Âm Mathêu 20:28), và đã làm gương qùi xuống rửa chân cho
các môn đệ của mình (xem Phúc Âm Gioan 13:5), mới lập lên những cơ sở phục vụ
nhân quần xã hội ở đủ mọi lãnh vực, để cố gắng đáp ứng đủ mọi nhu cầu thiết yếu
của anh chị em đồng loại của mình, nhất là thành phần bất hạnh nhất trên đời,
thành phần được Vị Sáng Lập gọi là “anh em hèn mọn nhất của Ta” và tuyên bố là
làm ơn cho họ chính là làm ơn cho Ngài (xem Phúc Âm Mathêu 25:40). Ngày
6/11/2002, tại Văn Phòng Báo Chí của Tòa Thánh Vatican, Đức Tổng Giám Mục Javier
Lozano Barragan, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Mục Vụ Chăm Lo Sức Khoẻ, đã cho
biết về hội nghị quốc tế lần thứ 17 do hội đồng này tổ chức. Đề tài của hội nghị
lần này là “Căn Tính của các Tổ Chức Công Giáo Về Việc Chăm Lo Sức Khỏe”. Hội
nghị với 700 tham dự viên này đã kéo dài 3 ngày, từ 7-9/11/2002, tại Sảnh Đường
Tân Synod ở Vatican. ĐTGM chủ tịch cho biết Giáo Hội Công Giáo đang điều hành
khắp thế giới 6.038 bệnh viện, 17.189 cấp cứu viện, 799 trại cùi, 13.238 trung
tâm cho người già, yếu liệt và tật nguyền, 8.711 viện mồ côi, 10.368 trung tâm
giữ trẻ, 10.565 trung tâm cố vấn gia đình, 18.789 trung tâm giáo huấn hay cải
huấn xã hội, và 25.257 trung tâm thừa tác vụ chăm sóc sức khoẻ. Tổng cộng tất cả
các tổ chức chăm sóc sức khoẻ của Công Giáo trên thế giới là 110.954.
Chưa hết, cũng chính vì ý thức được chân lý làm người thực sự chỉ đóng vai trò
là quản lý của Thiên Chúa, ban phát tất cả những gì nhận được từ Ngài cho anh em
đồng loại của mình theo phận sự của một người tôi tớ phục vụ như thế, mà Giáo
Hội Công Giáo đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối, cho dù có bị chống đối, bất cứ
thành phần nào vì không sống đúng với chân lý làm người này đã tác hại cho công
ích. Đó là lý do những vị Thẩm Quyền của Giáo Hội Công Giáo đã ban hành những
văn kiện hiện đại khi thấy có những hiện tượng, biến chuyển hay trào lưu phi
nhân bản, phản luân thường đạo lý. Điển hình nhất là ba bức Thông Điệp lừng danh
sau đây: Bức Thông Điệp thứ nhất là Thông Điệp “Tân Sự” Rerum Novarum của Đức
Giáo Hoàng Lêô XIII, ban hành ngày 15/5/1891 chẳng những lên án nạn bất công xã
hội về phía tư bản mà còn cả nạn cộng sản về phía xã hội chủ nghĩa nữa; Bức
Thông Điệp thứ hai là Thông Điệp “Sự Sống Con Người” Humanae Vitae của Đức Giáo
Hoàng Phaolô VI, ban hành ngày 25/7/1968, để lên án hành động ngừa thai nhân tạo
phản mục đích thực sự của hôn nhân chính đáng và đề nghị theo phương pháp ngừa
thai tự nhiên; và Bức Thông Điệp Thứ Ba là Thông Điệp “Phúc Âm Sự Sống”
Evangelium Vitae của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ban hành ngày 25/3/1995, để
lên án văn hóa sự chết, như phá thai và trợ an tử, và phát động văn hóa sự sống.
Riêng vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trước Hội Nghị Về Dân Số ở Cairô Ai Cập năm
1994, còn gửi thư cho Vị Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc bấy giờ, cũng như cho từng
vị Quốc Trưởng trên thế giới về bản dự thảo của Liên Hiệp Quốc muốn kiểm soát
dân số bằng việc hệ thống hóa vấn đề phá thai khắp thế giới là những gì sai lầm
và vô cùng nguy hiểm. Cuối cùng, trước tinh thần chiến đấu cương quyết và dũng
mãnh cho chân lý của phái đoàn đại biểu Công Giáo, vấn đề này đã đành phải tạm
xẹp xuống.
Vào Đời: Nhân Loại Học Siêu Nhiên
Tóm lại, một con người vào đời là một con người nhập cuộc với xã hội để phục vụ,
để sống cho đời, chứ không phải chỉ để hưởng thụ, để sống cho mình. Bởi vì,
trước hết, họ đã ý thức được thân phận tạo vật hữu hạn đầy bất toàn của mình,
sau nữa, từ đó, họ đã cảm nhận được vai trò quản lý của mình đối với những gì họ
có, cũng như vai trò tôi tớ phục vụ của họ trong việc chia sẻ những cái họ có đó,
và sau hết, họ còn tỏ ra bênh vực những gì sai trái làm hại đến công ích xã hội
nữa. Như thế, bốn luân đức trụ đã được bàn đến trong bài “con người thành nhân”,
là khôn ngoan, công bằng, tiết độ và can đảm, bốn đức hạnh chứng tỏ con người
thành nhân, khi vào đời, con người đã thực sự sống và thực thi chúng.
Đúng vậy, con người vào đời chính là con người thành nhân, trước hết, ở chỗ họ
khôn ngoan sống trong chân lý làm người, biết mình mang thân phận bất toàn để
rồi cố gắng đóng đúng vai trò quản lý và tôi tớ của mình. Khi nỗ lực để cho chân
lý làm người này được thể hiện nơi cuộc đời, qua hành vi cử chỉ của mình, là con
người đã sống một đời sống công bằng, đúng như lời Vị Sáng Lập Kitô Giáo dạy:
“Trả về cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa” (xem Phúc Âm Mathêu 22:21), một
tác động hoàn trả công bằng; thế nhưng, tác động hoàn trả công bằng này không
phải là hoàn trả trực tiếp cho Đấng Tạo Hóa Tối Cao Vô Cùng Hoàn Hảo và Phong
Phú chẳng cần gì của tạo vật, song hoàn trả một cách gián tiếp cho Ngài qua tha
nhân đồng loại, thành phần bất toàn thiếu thốn mọi mặt, thành phần mà Ngài muốn
những gì Ngài ban cho mỗi một tạo vật ngôi vị trong họ đều phải được sinh hoa
kết trái qua việc chia sẻ và phân phát tặng ân của Ngài cho nhau chung hưởng,
nhờ đó tất cả mọi người cũng được hưởng sự phong phú và trọn hảo của Ngài. Để có
thể sống trọn chân lý làm người ấy, tức để hoàn toàn và thực sự sống một đời
sống khôn ngoan và công bằng như vậy, con người thành nhân vào đời còn chứng tỏ
cho thấy là họ chẳng những đã cố gắng sống tiết độ biết làm chủ mình, mà còn hết
sức can đảm sống chân lý ấy nữa, nhất là những lần họ bất chấp mọi giá hoạt động
và vận động để bảo vệ nó hay bênh vực nó khi nó bị đam mê dục vọng của loài
người ngông cuồng lấn át, bóp cổ và sát hại một cách phũ phàng và oan nghiệt!
Như thế, một con người vào đời, sống cho đời hơn cho mình, phục vụ hơn hưởng thụ,
một cách khôn ngoan, công bằng, tiết độ và can đảm, là con người thực sự đã đạt
tới tầm mức thành nhân toàn hảo của mình nhờ đời và trong đời. Nếu thân xác của
một thai nhi được hình thành nên hình dạng con người trước khi được ra chào đời
thế nào, thì tinh thần của con người cũng được đạt đến tầm vóc thành nhân của
mình nhờ đời và trong đời để được tái sinh vào đời với một con người mới như vậy.
Bởi thế, nếu con người thành nhân để vào đời thì con người vào đời là để thành
nhân, nhờ “thời thế tạo anh hùng”, vì khi vào đời là lúc con người bắt đầu được
đời trực tiếp cưu mang và hình thành cho đến khi họ được tái sinh với một con
người mới, một con người viên mãn yêu thương, một con người có khả năng và tư
cách của một “anh hùng tạo thời thế”, vì tình yêu viên mãn nơi họ là một quyền
lực vô địch mạnh hơn tử thần và là một thứ ánh sáng sự sống xua tan tối tăm tội
lỗi.
Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh, BVL
(Bài chia sẻ cho buổi phát thanh Vui Mừng Và Hy Vọng 46, 1/12/2002)
V À O Đ Ờ I
Trần Mỹ Duyệt
Lịch sử Việt Nam, có một nhân vật mà
tên tuổi đã được gắn liền với thuyết xuất xử do ông đề xướng, đó là Uy Viễn
Tướng Công Nguyễn Công Trứ. ông quả là một nhân tài, một người có công với đất
nước, và là một con người nhìn xa và thấy rộng. Bản thân ông không những văn
thông mà võ cũng giỏi. ông đã tự mô phỏng về mình: “Kinh luân khởi tâm thượng,
binh giáp tàng hung trung”. Theo ông, con người sinh ra thì phải lớn lên. Lớn
lên thì phải vào đời. Vào đời thì phải giúp đời bằng cách làm đẹp cho đời. Và
khi đã hoàn thành sứ mạng với đời, thì nên rút lui để nhường chỗ cho những người
đến sau. Quan niệm xuất xử của ông rất phù hợp với nhận thức của tâm lý học,
nhất là tâm lý xã hội và tâm lý phát triển.
Thật vậy, để con người vào đời một cách hiên ngang và tự tin, thì trước hết phải
được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng và đầy đủ. Việc chuẩn bị này chính là thời gian
phát triển, thời gian con người lớn lên và học hỏi. Học hỏi từ trong môi trường
gia đình, môi trường học đường, và môi trường xã hội. Đây cũng là thời gian của
tuổi trẻ, của những phát triển về tài năng, ý chí, tâm lý, và đạo đức. Trong một
khóa hội thảo nọ, thuyết trình viên đã trình bày về sự cần thiết phải chuẩn bị
cho việc vào đời ấy như sau: “Nếu tôi được giao cho nhiệm vụ đốn một cây rừng
chẳng hạn, và việc đốn cây ấy đòi hỏi 8 giờ đồng hồ, thì tôi sẽ dành ra bẩy giờ
để mài cái rừu của tôi”. Quan niệm và tư tưởng này đúng với lề lối sinh hoạt và
điều hành của người Hoa Kỳ.
Trong các hãng xưởng chẳng hạn, người không có dịp phân tích kỹ đường lối điều
hành sẽ thấy thật là phí phạm thời giờ, khi người ta họp lên họp xuống, rồi lại
phải trải qua những khóa huấn luyện và tu nghiệp. Đôi khi hãng xưởng phải bỏ ra
hàng trăm, hàng ngàn đô la cho một nhân viên để tham dự một buổi hội thảo hay
huấn nghệ. Làm như vậy, không những không lỗ lã gì cho hãng xưởng, mà còn đem
lại nhiều thành quả cho hãng xưởng. Bởi vì, ai cũng biết rằng sau khi tham dự
một khóa hội thảo hay huấn nghiệp, ai ai cũng học hỏi và có cơ hội phát huy
nhiều sáng kiến và hiểu biết mới. Cũng như sau một buổi hội họp, các nhân viên
sẽ am tuờng đường lối cũng như phương thức hành động sao cho phù hợp với công
việc và hoàn cảnh hiện tại. Đây chính là điều mà các hãng xưởng đầu tư vào qua
những buổi họp hàng tuần, hàng tháng, tam cá nguyệt, hay những cuộc hội thảo,
huấn nghệ hàng năm. Vì khi nhân viên có nhiều khả năng, và biết rằng khả năng
mình sẽ được đón nhận, nhất là biết rõ mình cần phải làm gì, và làm như thế nào,
lúc ấy tự nhiên sẽ dồn nhiều nỗ lực vào công việc, và kết quả đem đến là chính
những nhân viên ấy tự thấy hối thúc và có nhu cầu tham dự trực tiếp vào những
sinh hoạt của hãng xưởng. Một sự đóng góp không những bằng năng lực, tài năng,
trí tuệ và cả con tim một cách có ý thức và tự nguyện. Xét về mặt ý thức hệ, thì
có lẽ đây cũng là một hình thức vào đời của những con người tự do, khác hẳn với
những kìm kẹp, và thiếu chuẩn bị của hình thức vào đời tại các quốc gia đang bị
cai trị dưới các chế độ độc tài, hoặc cuồng tín. Tại đó, con người chỉ biết câm
nín, thầm lặng, và hành xử như một kẻ ngơ ngáo, thiếu hẳn nhân phẩm, và tự do.
Vấn đề vào đời như vừa trình bày trên, theo đó việc chuẩn bị là việc rất cần
thiết. Nhưng để chuẩn bị kỹ lưỡng thì những người tham dự vào những công việc
kia, phải tự ý thức và chấp nhận học hỏi, như thái độ nhẫn nại, mài dũa cái rừu
của người thợ đốn cây trên. Một người dù có thành ý nhưng thiếu yếu tố hy sinh,
chấp nhận những thách đố, thì thiện ý của người ấy cũng chỉ là giấc mơ hão huyền.
Thực tế cho thấy, có rất nhiều người nói, có rất nhiều người phê bình, có rất
nhiều người hò hét mà ít người can đảm dấn thân.
Một khía cạnh khác của việc vào đời, là tự ý thức mình đến lúc nào thì cần phải
rút lui, về ở ẩn, và nhường chỗ lại cho những kẻ đến sau. Đây là điểm cũng rất
gần gũi với tâm lý con người thời đại. Tại Hoa Kỳ, số tuổi hành động và tham dự
vào các sinh hoạt xã hội đã được ấn định là 65. Sở dĩ có như vậy, vì con người
sau một thời gian hành động cũng cần phải có thời gian yên tĩnh, và nghỉ ngơi.
Mặt khác, về trí tuệ và khả năng sáng tạo, thì ở vào một thời điểm nào đó, con
người tự nhiên sẽ mất dần hoặc yếu kém đi và không còn như lúc trai trẻ. Như vậy,
xuất thế chính là một hình thức nghỉ hưu nhưng với ý thức và tự nguyện vì biết
mình, biết người chứ không bị gò ép hoặc bắt buộc. Điều này đã trở thành một
thách đố rất lớn cho nhiều người vì họ tưởng như chỉ có một mình họ mới có khả
năng đối với lịch sử, với dân tộc, với đất nước, hoặc với bất cứ một sinh hoạt
xã hội nào. Thành phần tham lam và say sưa quyền lực này luôn luôn có lý do để
tự chôn bám vào quyền lực và danh vọng. Họ dường như không biết rằng trước họ
100 năm và sau họ 100 năm thì ai điều khiển các sinh hoạt của vũ trụ, của thế
giới, của đất nước, hay của đoàn thể mà họ đang tham dự. Nếu biết suy nghĩ như
vậy, việc vào đời của họ chắc sẽ có lý tưởng, và sẽ liêm khiết hơn. Và điều này
cũng mang lại cho họ lý tưởng vào đời vì muốn làm đẹp và muốn làm ích cho đời
theo với cái chí “làm trai nam bắc đông tây, cho phỉ sức vẫy vùng bốn bể” chứ
không phải để vơ vét, và vinh thân phì gia. Như vậy, vào đời vì muốn xây dựng
cho đời, thì ngoài yếu tố chuẩn bị, tinh thần hăng say phục vụ, thì điều khó
khăn nhất có lẽ là biết mình phải dừng lại ở chỗ nào, và dừng lại với tinh thần
nào. Thiếu yếu tố này, thì con người xem như vẫn chưa trưởng thành và chưa hoàn
toàn hành xử với tư cách vào đời một cách đầy đủ và có trách nhiệm.
Trái với thái độ khao khát quyền lực và tham lam là thái độ hờ hững hoặc hèn
nhát và ươn lười. Nhiều người thường tự bào chữa cho hành động dửng dưng của họ
bằng câu nói: “Tôi không có tài cán gì, và tôi cũng không muốn bị đụng chạm”.
Đây là một nhận xét hết sức bi quan và thiếu tự tin. Một nhận xét mang tâm lý
thụ động. Chính nhận định và hành động của những người này đã tạo cơ hội cho
những kẻ tham lam và tìm kiếm quyền lực, có cơ hội trục lợi và thao túng. Một
cách nào đó, thái độ bi quan, yếm thế của những người này đã đóng góp vào việc
làm suy sụp hay kéo dài sự nghèo đói, bần cùng của một dân tộc. Và như thế, yên
lặng, buông xuôi, phó mặc cho đời hiển nhiên không phải là thái độ và lối sống
vào đời vậy. Mỗi người, dù là những người sinh ra khuyết tật cũng đều có một sứ
mệnh, và cũng đòi hỏi sự đóng góp cho đời. Những ai đã có dịp theo dõi hoặc quan
sát một cơ xưởng làm việc cho những người khuyết tật về tâm lý và thể lý sẽ thấy
rằng, năng xuất của những người này nếu được khai thác và xử dụng một cách đúng
mức vẫn không thua kém nhiều với những người tay chân và đầu óc lành lặn, nhưng
lười biếng và buông xuôi. Điều này cũng cho thấy rằng mỗi người dù ở bất cứ hoàn
cảnh nào cũng vẫn có thể đóng góp và làm đẹp cho đời.
Nếu cho rằng vì không muốn bị đụng chạm nên không vào đời, đó là một quan niệm
ấu trĩ và hoàn toàn thiếu tự tin. Một người đã sinh ra, và sống trên đời thì dù
muốn, dù không cũng không thể nào tránh khỏi va chạm. Dù muốn, dù không nhất
định phải đối diện với những người không ưa, hoặc không thích mình. Đừng nói tới
những khuyết điểm hoặc lầm lỗi là những điều làm cho người khác thấy khó chịu về
mình, nguyên một việc mình là mình cũng đã là một đề tài cho nhiều tiếng xì xầm,
bàn tán của những người không thích mình. Tâm ưa và không ưa, thích và không
thích này được giải thích như một hành động tự nhiên về sự khác biệt tâm tính và
tâm lý. Không phải vì mình có lỗi, mà ngay cả khi người không thích mình ấy là
một người hoàn toàn xa lạ và chưa hề quen biết sinh hoạt với mình họ cũng vẫn có
lý do để không ưa, hoặc không thích mình. Bản thân mỗi người ai cũng có ít nhiều
về kinh nghiệm này trong những giao tiếp hằng ngày với những người chung quanh
mình. Điều này cũng giải thích tại sao có những người mà ta vừa nhìn là thấy yêu,
thấy thích, thấy hợp ngay. Ngược lại, có những người mà ta vừa nhìn là thấy
không yêu, không thích, và không hợp. Và mặc dù ta có được bạn bè, hay những
người quen biết giải thích, cắt nghĩa và giới thiệu, thì ta cũng vẫn không thể
yêu, không thể thích, và không thể hợp được.
Tóm lại, vào đời là một triết lý sống, và cũng là một tâm lý sống. Nó đòi hỏi ý
thức trưởng thành, và tâm hồn trưởng thành. Nhưng đó cũng là một lý tưởng cho
bất cứ ai khi đã mở mắt chào đời và sinh vào thế gian này.