Tội Lỗi


 

Ý Thức Tội Lỗi

Nói đến tội lỗi, trước hết và trên hết là nói đến ý thức luân lý, ý thức đúng sai, lành dữ, chứ không phải chỉ nói đến những hành động xấu xa, bậy bạ, sai quấy, trái phép. Bởi vì, có những hành động tội lỗi nhưng con người vì thực sự không biết hay hoàn toàn vô thức nên đã vấp phạm, bằng không đã không làm. Đó là lý do mới có câu “không biết thì vô tội”, và đó cũng là lý do, theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo thì yếu tố chính yếu làm nên tội lỗi thật đó là ý thức những gì mình làm là tội mà cứ cố tình làm. Hay dù có ý thức được tội lỗi đi nữa, con người vẫn cứ làm vì họ có lý do của họ. Bởi thế mới đang xẩy ra tình trạng những gì ngày xưa cho là tội lỗi, xấu xa, cần phải xa lánh, như ly dị, phá thai v.v. thì ngày nay con người lại cho là thiện ích, tốt đẹp, cần phải thực hiện.

Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao con người có ý thức tội lỗi, hay ý thức tội lỗi từ đâu mà ra hoặc bởi đâu mà có? Phải chăng do truyền thống xã hội mà có, bởi vì, có những hành động ở xã hội địa phương này, hay ở xã hội thời ấy được làm, chẳng hạn tục đa thê hay chế độ nô lệ, nhưng ở xã hội địa phương kia và ở xã hội ngày nay không được làm nữa; hoặc ngược lại, trước đây hay ở đó có những hành động không được làm, nhưng bây giờ và ở kia lại được làm, như ly dị và phá thai v.v. Đó là lý do trước khi xác quyết tội lỗi bởi đâu mà có, cần phải nhận diện được đích thực chân tướng của tội lỗi là gì và như thế nào.

Trước hết, đối với Phật Giáo, nếu không xác định rõ tội lỗi là gì, Phật Giáo sẽ gặp rắc rối trong vấn đề đầu thai luân hồi. Thật vậy, theo giáo lý Nhà Phật, sở dĩ con người cần phải đầu thai luân hồi là vì nghiệp báo, tức vì những hành động tội lỗi xấu xa của họ. Thế nhưng, nếu ngày nay con người văn minh chủ trương những gì vốn được truyền thống cho là tội lỗi đều là những gì vô tội, đều là những gì thiện ích, thì chẳng lẽ tất cả mọi hành động của con người văn minh ngày nay không còn bị nghiệp báo nữa hay sao? Ngoài ra, bản chất hay ý nghĩa của tội lỗi còn liên quan cả đến vấn đề thời hạn cần phải đầu thai luân hồi nữa, tức con người cần phải đầu thai luân hồi lâu hay mau là tùy ở số lượng tội lỗi, tùy ở tầm mức trầm trọng của tội lỗi họ phạm, tức càng tội lỗi đầy đầu con người càng bị đầu thai luân hồi lâu, đầu thai hết đời này đến đời khác. Bởi thế, nếu không biết đến tội lỗi là gì thì con người chủ quan làm sao biết được biết mình phạm những tội đáng phải đầu thai luân hồi bao lâu. Vả lại, theo giáo lý Phật Giáo, con người muốn thoát khổ cần phải đạt đến mức độ trở thành “vô ngã”, mà thành phần mất ý thức tội lỗi, tức không còn biết đến tội lỗi là gì nữa phải chăng đã đạt đến mức độ trở thành “vô ngã”, vì chỉ có hữu ngã con người mới chịu trách nhiệm về hành động của mình mà thôi, tức mới cảm thấy mình cần phải đầu thai luân hồi.

Nếu giáo lý Phật Giáo gặp nan giải trong vấn đề bản chất tội lỗi, tức tội lỗi là gì liên quan chẳng những đến vấn đề đầu thai luân hồi mà còn liên quan cả đến tầm mức “vô ngã” thượng thừa của họ nữa, thì thần học Kitô Giáo cũng phải đối đầu với vấn đề nguồn gốc tội lỗi, tức tội lỗi bởi đâu mà có như vậy. Đúng thế, theo Mạc Khải Thần Linh, một mạc khải đã được ghi nhận trong cuốn Sách Thánh đầu tiên là cuốn Sáng Thế Ký của Do Thái Giáo, thì ngay từ ban đầu loài “linh ư vạn vật” là con người đã được Thiên Chúa Hóa Công dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa, ở chỗ có hồn thiêng bất tử và nhờ đó có quyền tự do, hoàn toàn tốt lành, hoàn toàn tinh nguyên, không bị một hư hại nào. Nghĩa là ngay từ ban đầu, khi mới được tạo dựng nên, con người còn ở trong tình trạng công chính nguyên thủy, còn ở trong tình trạng hòa hợp với Thượng Đế Chí Tôn, với thiên nhiên tạo vật, nhất là với chính bản thân mình và với nhau. Tức nơi con người bấy giờ chưa xẩy ra tình trạng giằng co nội tâm giữa phần hạ và phần thượng; nơi họ bấy giờ cũng chưa có mầm mống tội lỗi là đam mê nhục dục và tính mê nết xấu. Nếu ngay từ ban đầu con người không hề biết đến tội lỗi là gì, thậm chí không hướng chiều về tội lỗi, không có căn cớ để phạm tội, thế mà tại sao con người lại có thể phạm tội được? Tội ở đâu mà có là như vậy. Nếu nói rằng sở dĩ con người yếu đau về phần xác là vì thân thể họ không được khỏe mạnh, tức yếu đau là do tình trạng yếu kém về sức lực, thì tại sao ngay từ ban đầu, con người đang sung sức về tinh thần lại có thể bị yếu đau thiêng liêng, tức có thể bị bệnh tật về đạo lý là phạm tội như vậy? Vấn đề tội ở đâu mà có là như thế.

Nguồn Gốc Tội Lỗi

Về nguồn gốc tội lỗi, theo cảm nghiệm cụ thể, người ta cho rằng tội lỗi là những gì phát xuất từ tự do của con người, vì nếu không có tự do con người sẽ không thể phạm tội và không bao giờ phạm tội. Thế nhưng, nếu không có tự do con người cũng sẽ không phải là và không còn là con người nữa, vì không có tự do, con người sẽ chỉ sống theo bản năng như con vật, không biết yêu thương là gì, yếu tố làm nên sự sống nhân bản của con người và kiến tạo nên văn minh của con người. Như thế, nếu tự do tự bản chất là yếu tố làm nên con người thì tự do không thể nào là căn nguyên gây nên tội lỗi nơi con người. Tuy nhiên, nếu tự do không phải là nguồn gốc gây nên tội lỗi nơi con người thì nguyên nhân khiến con người phạm tội chắc chắn phải là thử thách và cám dỗ. Như trường hợp đệ nhất nữ nhân nguyên tổ Evà đã gặp phải trong vườn địa đàng trước những lời dụ ngọt hợp lý của rắn quỉ tinh khôn, đến nỗi bà đã làm ngược lại tất cả những gì Đấng Tối Cao phán dạy còn vang vọng rõ ràng trong lương tâm và ý thức của bà, như bà nhắc cho con rắn quỉ này biết khi bị nó cám dỗ (xem Sánh Thế Ký 3:2-3). Bởi vì, nếu không có thử thách, con người tự do sẽ không có cơ hội để phạm tội, để lạm dụng tự do của mình. Thế nhưng, ngược lại, nếu không có thử thách, con người cũng không cần có tự do, yếu tố làm nên con người “nhân linh ư vạn vật”, hay ngược lại, con người không cần tự do nếu không có thử thách, vì thử thách chẳng những là yếu tố ngoại tại chứng tỏ con người thực sự có tự do mà còn là cơ hội cho con người chứng tỏ mình có tự do thực sự, tự do hoàn toàn, tự do đến nỗi không bị một cái gì, dù là thử thách, có thể ảnh hưởng và chi phối được mình. Như thế, nếu thử thách là phương thế cần có để làm cho con người tự do phát triển hơn là khiến họ bị suy thoái, thì thử thách tự bản chất không thể nào là nguyên nhân gây nên tội lỗi nơi con người.

Dầu sao cũng phải công nhận rằng tự do, dù không phải là nguyên nhân chính khiến con người phạm tội, thì cũng là khả năng để con người có thể phạm tội. Bởi vì, con người bị bắt buộc mà làm điều xấu, hay làm điều xấu trong tình trạng không làm chủ được mình bởi những quyền lực ngoài ý muốn, như trường hợp những người Công Giáo không chịu bước qua Thánh Giá là tác động biểu hiệu chối đạo và bỏ đạo, họ đã được lệnh khênh họ qua thập giá v.v., thì họ hoàn toàn vô tội. Nghĩa là, bởi có tự do con người mới có khả năng chọn lựa lành dữ, tốt xấu, đúng sai, lợi hại. Chính tác động chọn lựa của con người, nhất là chọn xấu là yếu tố tạo nên tội lỗi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có những cái con người chọn sai nhưng hoàn toàn vì nhầm lẫn, vì không rõ, vì vô thức, nên tác động xấu xa tội lỗi của họ, tự bản chất của nó, đối với Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, một là vô tội hai là nhẹ tội. Như thế, yếu tố chính làm nên tội là ý thức của con người. Thậm chí, cũng theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, chính ý thức này còn tạo nên tội lỗi nữa, dù hành động con người làm không phải là tội thật. Chẳng hạn, theo luật, việc người Công Giáo vì lười bỏ không tham dự lễ Chúa Nhật là một trọng tội, nhưng hôm họ bỏ lễ không phải Chúa Nhật, mà họ lại tưởng là Chúa Nhật. Như thế, nếu thực sự ngày họ tưởng là Chúa Nhật ấy quả thực là Chúa Nhật họ cũng bỏ không đi tham dự lễ vậy. Tội là ở chỗ ý thức của con người là thế.

Bản Chất Tội Lỗi

Tuy nhiên, cho dù, về phương diện chủ quan, vấn đề tội lỗi ở đây gây ra bởi tác động con người chọn lựa và ý thức, song về phương diện khách quan, vấn đề tội lỗi ở tại chính bản chất của nó, ở tại nó là việc xấu, việc ác. Chẳng hạn việc gian dâm hãm hiếp, việc cướp của giết người v.v. những việc mà dù con người có ý ngay lành mấy đi nữa, cũng không thể vì ý tốt của tác nhân mà việc vốn xấu trở thành việc tốt lành, cũng không thể biện minh cho việc làm của họ. Hay chẳng hạn những trường hợp như ra tay sát hại những người bị bệnh bất trị cho họ khỏi khổ; sát hại những thai nhi có thể bị tật nguyền để đỡ gánh nặng cho xã hội; đi làm điếm để cầu thực nuôi thân, như đi ăn cướp của người giầu đem bố thí cho người nghèo; chính sách vô sản nhân dân làm chủ chính phủ quản lý để san bằng mọi giai cấp và bất công xã hội v.v. cũng thế. Bằng không, chính con người là Đấng Tối Cao. Nghĩa là tất cả những gì con người nghĩ đều là chân thật, ở chỗ tất cả những gì họ nghĩ đúng là đúng, nghĩ sai là sai, và tất cả những gì con người muốn đều thiện hảo, ở chỗ những gì con người không thích là xấu, ngược lại những gì con người thích là tốt v.v. Nếu xã hội loài người sống theo đường lối chủ quan về luân lý, cũng là đường lối tương đối hóa luân lý như thế, nó sẽ trở thành vô cùng lộn xộn và hỗn loạn, vì trăm người trăm tính, mà ai cũng cho mình là đúng, là hay, thử hỏi không phải xã hội loài người sẽ trở thành một xã hội sống theo luật rừng mạnh được yếu thua hay sao? Phải chăng xã hội con người văn minh ngày nay đang sống theo luật rừng mạnh được yếu thua này, khi kẻ mạnh là thai mẫu có quyền giết kẻ yếu là thai nhi? Sở dĩ con người văn minh ngày nay đã tiến đến chỗ sống theo luật rừng mạnh được yếu thua này là vì họ đã tự cho mình là chúa tể, cho mình có quyền pro choice, được toàn quyền định đoạt lành dữ theo ý họ.

Vậy, nếu tội lỗi tự bản chất thực sự là việc xấu, việc ác, và con người phạm tội là con người làm việc xấu, việc ác, thì làm sao để có thể biết được, hay căn cứ vào đâu để biết được, đâu là việc xấu, việc ác. Trước hết, có thể nói, tất cả những việc gì con người làm không đúng với sự thật đều là việc xấu, việc ác. Đó là lý do hành động tội lỗi còn được gọi là hành động gian ác, hay nói ngược lại, tất cả những gì không phản ảnh chân lý, không thật đều là những sự xấu xa, những sự gian ác, như ăn gian, nói dối. Như thế, tự bản chất, tội lỗi trước tiên là tất cả những gì dối trá, không thật. Con người tội lỗi là con người không sống theo sự thật hay không sống trong sự thật, và chính vì không sống trong sự thật hay sống theo sự thật mà con người đã làm những gì không hợp với sự thật làm người của mình, không sống theo thân phận làm người của mình, không sống đúng với phẩm giá làm người của mình. Bởi vậy, có thể thực tế định nghĩa tội lỗi là tất cả những gì con người thực hiện phản nghịch lại với sự thật làm người của họ hay phạm đến nhân phẩm làm người của họ, những gì cũng đã được nhân gian công nhận và gọi là ác nhân ác đức hay thất nhân thất đức.

Thế nhưng, đâu là sự thật làm người, hay sự thật làm người này là gì, nếu không phải sự thật làm người ở ngay chính nhân phẩm của con người, và nhân phẩm là tất cả sự thật về con người. Vậy nhân phẩm của con người đây là gì mà hễ con người không sống đúng với nó là con người không sống đúng với sự thật làm người, là con người sống trong tội lỗi?

Trước hết, nhân phẩm tự bẩm sinh mà có nơi con người, chứ không phải xã hội hay thẩm quyền trần gian nào đã ban cho họ. Chính bởi nhân phẩm bẩm sinh này của mình mà con người mới có những quyền lợi bất khả vi phạm xứng với thân phận làm người của mình, như quyền được sống, quyền tự do tôn giáo, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lập gia đình, quyền được tự vệ và biện hộ v.v. Đó là lý do tất cả những hành động nào phạm đến các quyền này đều là tội ác, chẳng hạn như trường hợp sát nhân; trường hợp cấm cách và bắt đạo, hoặc lừa bịp, dụ dẫm, ép buộc bắt kẻ khác theo đạo của mình; trường hợp không cho phổ biến hay đăng tải những tin tức chính đáng vì sợ tuyên truyền phản chính sách của mình, thậm chí kỳ thị nhau, không cho nhau bày tỏ và thể hiện những nét văn hóa riêng của họ; trường hợp bắt con cái lập gia đình theo chủ quan và ý thích của cha mẹ; trường hợp chụp mủ và xử án cho có vẻ dân chủ ở một số xã hội chuyên chế độc quyền v.v.

Tuy nhiên, cũng chính vì những quyền lợi là do bẩm sinh mà có, chứ không phải do con người lập được, tức những quyền lợi con người có là được ban cho, mà con người còn có trách nhiệm kèm theo nữa, tức còn có trách nhiệm đối với những quyền lợi con người nhận được. Ở chỗ, họ phải làm sao sử dụng đúng đắn những quyền lợi ấy cho hợp với sự thật làm người của mình, chứ không được lạm dụng chúng, sử dụng chúng theo ý muốn chủ quan của mình.

Chẳng hạn, được quyền tự do ngôn luận thì không phải được quyền muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai thì chửi, muốn vu khống ai thì vu khống, vì quyền tự do ngôn luận này theo sự thật làm người là quyền con người cần có chẳng những để truyền đạt bản thân mình mà còn để hiểu biết nhau, nhờ đó xích lại gần nhau nữa; bởi vậy, bất cứ lời nói nào gây chia rẽ nhau đều là những tác động phản nhân bản, những tác động xấu xa, cần phải tránh, phải bỏ. Được quyền sống không phải là muốn chết lúc nào thì chết, hay được quyền tha hồ nghiện hút làm hại đến sức khỏe, hoặc được quyền lái xe ẩu nguy hiểm đến tính mạng, vì quyền sống này theo sự thật làm người là quyền con người cần có để làm cho sự sống phát triển, sự sống truyền sinh, sự sống phục vụ; bởi vậy, bất cứ hành động nào tác hại đến sự sống hay triệt hạ sự sống đều là những hành động tội ác, cần phải tránh, phải bỏ. Được quyền lập gia đình không có nghĩa là được quyền tiền dâm hậu thú, được quyền đồng tính kết hôn v.v. vì quyền lập gia đình này theo sự thật làm người là quyền con người cần có để hiệp thông xã hội và truyền sinh nòi giống; bởi thế, tất cả những việc làm nào phản lại đời sống hôn nhân gia đình đều là những việc làm xấu xa tội lỗi, cần phải tránh, phải bỏ. Được quyền tự do tôn giáo không có nghĩa là được quyền muốn lập đạo nào thì lập như đạo thờ quỉ Satan, hay được quyền nhân danh tôn giáo để khủng bố, vì quyền tự do tôn giáo này theo sự thật làm người là quyền con người cần có để con người chẳng những thăng tiến tâm linh mà còn cứu nhân độ thế nữa; bởi thế, bất cứ hành động nào làm cho con người suy thoái tâm linh hay tác hại đến xã hội loài người, đều là những hành động tộc ác, phản tôn giáo.

Chân Tướng Tội Lỗi

Tóm lại, với nhân phẩm làm người của mình, con người cần phải có tự do và cần phải được hưởng những quyền lợi bẩm sinh xứng hợp với tự do của mình. Thế nhưng, thứ tự do nào làm cho con người thăng tiến mới là thứ tự do thật, tức làm cho họ đạt được đích điểm làm người của họ, đạt đến tầm vóc thành toàn của họ, dù họ có phải trả bằng một giá cao, bằng những hy sinh, thử thách và khổ đau, chẳng hạn thà chết hơn bỏ đạo, một tác động bất khuất, chẳng những thắng vượt quyền lực tội lỗi và sự chết, mà còn làm sáng tỏ chân lý làm người, chân lý con người thuộc về thượng giới chứ không phải hạ giới. Ngược lại, thứ tự do nào làm cho con người đánh mất bản thân mình, như những hành động mất tính người, những hành động cho thấy con người sống như con vật hay thua con vật, hay thứ tự do biến con người trở thành nô lệ, như nghiện ngập không bỏ được, thì đó chỉ là thứ tự do giả tạo, vì quyền tự do nói chung theo sự thật làm người đó là quyền để con người có thể làm lành lánh dữ, có thể chế ngự sự dữ, có thể bằng an tự tại không bị chi phối hay ngã gục bởi bất cứ một yếu tố hay quyền lực ngoại tại nào; bởi thế, bất cứ hành động tự do nào làm cho con người băng hoại đều là hành động phi nhân bản, ngược lại, bất cứ hành động hy sinh chịu đựng nào làm con người thăng tiến, làm cho họ đạt đến đích điểm và tầm vóc thành toàn của mình, đều là những hành động thành nhân, những hành động trọn hảo. Đó là lý do tôn giáo nào có quyền năng biến đổi con người, giúp họ sống trọn ơn gọi làm người của họ, sống một đời sống nhân bản trọn lành mới là tôn giáo đáng theo.

Thế nhưng, tất cả những hành động phản lại với sự thật làm người không phải chỉ trực tiếp phạm đến phẩm giá của con người mà còn phạm đến chính nguồn gốc của phẩm giá này, tức phạm đến chính Đấng đã ban cho họ được hưởng những quyền lợi làm người, và vì thế họ phải có trách nhiệm sử dụng những quyền lợi ấy theo ý muốn của Ngài là chủ nhân ông tối thượng của tất cả những gì Ngài ban cho họ và đặt để nơi họ. Như thế, nói cho cùng, tội lỗi là tất cả những gì làm trái với ý muốn trọn hảo của Thiên Chúa, một ý muốn thần linh được vang vọng qua tiếng lương tâm chân chính của họ, cũng như được tỏ hiện phổ quát nơi lề luật tự nhiên và những nguyên tắc luân lý tối yếu. Đó là lý do con người chân thành bao giờ cũng cảm thấy áy náy khi làm ngược lại tiếng lương tâm, và con người thiện chí bao giờ cũng cảm thấy hối hận khi làm gì phản trái với luân thường đạo lý.

Tuy nhiên, dù sao tội lỗi cũng cho thấy con người khao khát một cái gì đó trổi vượt hơn quyền hạn của họ, một cái gì đó vô cùng viên mãn dù bị cấm đoán. Tội lỗi như thế là dấu chứng tỏ cho thấy con người thực sự muốn nên bằng Thiên Chúa, muốn tuyệt đối tự do, muốn toàn quyền định đoạt lành dữ, vì, theo Thánh Kinh Do Thái Giáo và niềm tin Kitô Giáo, con người đã được dựng nên theo hình ảnh Thần Linh và tương tự như Thiên Chúa. Con người còn cảm thức tội lỗi, còn cảm thấy áy náy, còn cảm thấy hối hận, là dấu chứng tỏ họ là một con người hữu thần, còn tin tưởng Thần Linh, còn hướng về tha nhân, còn sống trong sự thật, còn có thể hoán cải và còn có thể cứu độ.
 

Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh, BVL
(Bài chia sẻ cho buổi phát thanh Vui Mừng Và Hy Vọng 49, 22/12/2002)

 

 



TỘI

Theo quan niệm của tâm lý học

Trần Mỹ Duyệt

 



Tội là gì? Một định nghĩa thông thường nhất khi ta nghĩ về tội, đó là tư tưởng, lời nói, và hành động đi ngược lại những gì mình biết là xấu, là không tốt. Thí dụ, tôi biết rõ ràng rằng thò tay rút cái ví của người khác là một việc làm rất xấu xa nhưng tôi vẫn cứ làm. Tư tưởng thúc đẩy hành động, và hành động này đi ngược với lương tâm, với luật pháp và sự hiểu biết, đó là một việc làm tội lỗi, hay gọi là tội.

Quan niệm về tội thường đưa ra những thắc mắc liên quan đến lương tâm và tâm lý, bởi thế, khi ta đề cập đến một con người thành nhân, một con người trưởng thành, như những chủ đề trước, tức là ta nói đến một sự phát triển đầy đủ và đều đặn không những về thể lý, tâm lý, mà còn về tâm linh nữa. Chúng ta hãy để cho các nhà đạo đức học, thần học, tu đức, luân lý và luật học bàn và nói về tội. Hôm nay, đề tại về tội chỉ xin được diễn tả một cách đơn giản dưới khía cạnh tâm lý học.

Tại sao lại cho rằng tội có liên quan đến tâm lý, và tâm lý đóng vai trò gì trong vấn đề tội phúc của một người, hay của đời sống con người.

Thưa rằng, đời sống đầy đủ và trọn vẹn của một người bao gồm thể lý, tâm lý và tâm linh. Sự phát triển ba chiều này phải đều đặn, phải song song với nhau. Thiếu một trong những khía cạnh ấy, cuộc sống một người sẽ bị què cụt hoặc ốm yếu, bệnh tật. Theo các nhà tâm lý học, nhất là tâm lý đạo đức, thì nếu như con người sinh ra có chút kém cỏi về diện mạo, nhưng trưởng thành về tâm lý và đạo đức, người đó vẫn được chấp nhận và kính trọng trong xã hội. Người Việt Nam có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, xấu người đẹp nết, còn hơn đẹp người”. Ở đây, tâm lý và tâm linh chiếm một địa vị quan trọng hơn sắc đẹp và sự thu hút của thể lý. Nhưng giả thử như tâm lý con người có yếu kém đôi chút, thí dụ, một người sinh ra có ít nhiều ảnh hưởng tâm lý di truyền và có một đôi khuyết điểm, nhưng bù lại cố công tập luyện và trao dồi đời sống tâm linh cho trưởng thành, cho nghiêm chỉnh, người ấy cũng vẫn được chấp nhận và yêu mến. Thí dụ, một người có bản tính nóng giận, hoặc nghiêng về dục tính quá nhưng biết dùng ảnh hưởng tôn giáo, ảnh hưởng niềm tin để cùng phát triển đến mức trưởng thành về niềm tin và kìm hãm tính nóng nẩy, cũng như những ước muốn, đòi hỏi vô luân của bản năng tính dục, lúc ấy họ đáng khen hơn những người bản tính hiền thục, nhẹ nhàng trong những đòi hỏi về sinh lý lại bày đặt tập tành hút sách, gái gẩm, hoặc văng tục, chửi thề.

Đời sống luân lý có một liên quan chặt chẽ với tâm lý, và tâm lý lại trực tiếp ảnh hưởng đến thể lý. Do đó, khi nói đến tội, là phải đề cập nhiều hơn trung gian giữa một cuộc sống con người là tâm lý. Điều này, ngay cả các nhà thần học luân lý cũng cho rằng quan trọng, vì tâm lý ảnh hưởng rất nhiều trong những quyết định liên quan đến một hành vi tội phạm. Trong các vụ xử án, và trong những lý do được tha bổng cho một người trước hành vi tội lỗi của người ấy có yếu tố và lý do tâm lý. Thí dụ, một người đánh nhau, hoặc giết người trong lúc tâm thần và tâm lý bất ổn, không kìm hãm được bản năng và sinh hoạt của mình thì không có tội, nếu luật sư biện hộ tìm cách chứng minh được một tâm lý bất ổn đã ảnh hưởng người ấy trong lúc đánh nhau và giết người. Tóm lại, ngoài việc không biết, không hiểu ra, ảnh hưởng tâm lý cũng là một yếu tố quyết định cho một hành vi tội lỗi.

Nhưng tại sao vẫn có người cho rằng mình không có tội. Thưa, đây chỉ là những câu nói, hoặc ý nghĩ của con người một là thiếu quân bình về tâm lý, hai là người mang tâm lý kiêu căng tự phụ. Nếu thiếu quân bình về tâm lý thì như đã vừa trình bày, có thể tha thứ. Nhưng nếu vì kiêu căng tư phụ, thì hành động tự cho mình vô tội đã là một thứ tội rồi.

Trở lại vấn đề ảnh hưởng của tâm lý về tội, thì theo nhà tâm lý đạo đức Kohlberg, lược đồ phát triển luân lý của ông chia thành 3 thời kỳ, và mỗi thời kỳ gồm 2 đặc tính luân lý khác nhau. Ba thời kỳ đó là: Tiền phát triển, phát triển, và hậu phát triển. Và 6 đặc tính của ba thời kỳ này là:

Thời kỳ thứ nhất gồm:
Nhận thức về hình phạt và sự vâng phục,
và tìm khen thưởng và tránh bị phạt.

Thời kỳ thứ hai gồm:
Nhận thức về thế nào là một đứa trẻ tốt,
và ứng dụng luật lệ bởi quyền bính.

Thời kỳ thứ ba gồm:
Nhận định về quyền lợi, về sự liên đới của luân lý,
và thiết lập những nguyên tắc của lương tâm.

Như vậy, đặc tính thứ nhất và thứ hai hoàn toàn có tính cách cá nhân. Đến đặc tính thứ ba và thứ bốn, con trẻ đã nhìn xa hơn vào đời sống của xã hội bằng những luật lệ và sự thưởng phạt. Cuối cùng đặc tính thứ năm và thứ sáu, con người mới thật sự thiết lập cho mình những nguyên tắc luân lý cho cuộc sống. Vẫn theo Kohlberg thì tuy mỗi người đều khác nhau, nhưng thời gian chuyển tiếp của thời kỳ thứ nhất và thời kỳ thứ hai xẩy ra vào khoảng 10 hay 11 tuổi, và từ thời kỳ thứ hai đến thời kỳ thứ ba là thời gian hậu dậy thì hay vào lúc con người đã phát triển thành người lớn.

Cũng theo tâm lý phát triển thì khi một em bé lên 7 tuổi, em có khả năng nói láo một cách sành sỏi, và có thể làm cho cha mẹ phải hiểu lầm. Rồi khi lên 15 tuổi, em có khả năng lý luận như một người đã lớn. Những điểm này cũng bổ túc cho quan niệm về phát triển tâm sinh lý và đạo đức, và cho biết rằng, không ai có thể nói mình hoàn toàn vô tội, hoặc không biết tội. Và như vừa trình bày trên, chỉ có người bị điên loạn và bị tâm lý khủng hoảng mới hành xử và coi mình như là người vô tội. Tóm lại, những tư tưởng như báo thù, giận hờn, toan tính làm thiệt hại người này người khác tuy nói ra hay không nói ra, đều có một tầm ảnh hưởng rất quan trọng trong việc dẫn tới hành động. Và những hành động như giết người, cướp của, gian dâm, trộm cướp, hành hung… là những hành vị tội mà ít nhất một trẻ em lên 5, lên 10 cũng đã biết. Và nếu một người lớn tuổi suy nghĩ, và hành động như thế thì ít có trường hợp được coi là không có tội. Tóm lại, theo tâm lý phát triển và tâm lý đạo đức, con người ngoài yếu tố tinh thần, yếu tố tâm lý cũng đã chỉ cho biết rằng, mình không được phép làm điều xấu, vì điều xấu không những bị ngăn cấm, bị phạt, mà còn làm ảnh hưởng xấu đến đời sống chung, đến những quan hệ bên trong và bên ngoài cuộc sống của mình và những người chung quanh mình.

Nhưng điểm quan trọng ở đây khi bàn về tội theo quan niệm tâm lý học, là sự day dứt, cắn xé và gậm nhấm tâm hồn của người phạm lỗi. Dù không ai biết, nhưng chăc chắn mình biết mình đã nghĩ gì, nói gì, và làm gì với ai, ở đâu, khi nào và như thế nào. Khi ra trước tòa án, các luật sư có thể biện hộ cho mình thế này, thế khác, nhưng tự thâm tâm và tự mình, mình đã biết mình như thế nào. Cũng vậy, người đời có thể nói xấu, nói tốt, hoặc phê bình, chỉ trích, khen thưởng mình, nhưng không ai rõ hơn mình là người mình biết có đáng bị chỉ trích, có đáng được khen thưởng như vậy hay không. Nhiều người đứng trước tiếng lương tâm xâu xé đã không chịu nổi mà đành phải lấy cái chết để tự trấn át. Khoa học ngày nay cũng chứng minh rằng, phần lớn các chứng bệnh, nhất là bệnh ung thư chẳng hạn đều phát xuất bởi nội tâm bất ổn, bởi những suy nghĩ triền miên, bởi những xáo trộn về tâm lý. Như vậy, đừng kể đến sự bằng an tâm hồn theo nghĩa tôn giáo, đạo đức, và luân lý, chỉ riêng sự bằng an theo cái nhìn tâm lý cũng là một yếu tố hết sức quan trọng trong cuộc sống lành mạnh của con người. Sự thiếu trưởng thành về tâm lý, do đó, ảnh hưởng và làm sai lệch những phán đoán của một người, và những phán đoán này có thể dẫn tới hành vi tội lỗi. Thí dụ, một người có tính lăng loàn, lấy chuyện tính dục làm một thú vui. Vì không trưởng thành về tâm lý, và vì không ý thức trách nhiệm hành động của mình, nên người ấy có thể nói láo, thề hứa, và dối gạt một người để chiếm đoạt thân xác của họ. Trong thâm thâm người này, không hề có chuyện yêu thương, hoặc có yêu thì chỉ là yêu cái thể xác, yêu cái thú nhục dục mà qua con người ấy họ đang muốn thụ hưởng. Hành động lừa gạt tình yêu và chiếm đoạt này đừng kể những liên quan về luân lý, rõ ràng nói lên người ấy thực sự không trưởng thành về tâm lý. Hoặc ít nhất có một phán đoán rất lệch lạc về quan niệm tình yêu, tình bạn, và sinh lý.

Tuy nhiên, khi đề cập đến những khía cạnh tâm lý liên quan đến tội, là chúng ta đề cập đến bổn phận giáo dục và hướng dẫn. Tự giáo dục mình, giáo dục mình trong khi hướng dẫn con em mình. Đây là một vinh dự cũng như một trọng trách rất lớn lao của những người làm cha mẹ, của những người có ảnh hưởng trong vấn đề giáo dục tuổi trẻ. Làm sao để tuổi trẻ biết nhận mình có lỗi, biết xin lỗi, và biết sửa lỗi. Làm sao để tuổi trẻ đừng mặc cảm khi phải xin lỗi, và nhận lỗi với mình. Và nhất là làm thế nào để tuổi trẻ nhận ra rằng điều cần thiết phải làm sau mỗi một lỗi lầm là tìm sự tha thứ, can đảm chấp nhận, và cố gắng sửa sai. Trong những trường huấn luyện về lương tâm con người, về sự trưởng thành tâm lý và tâm linh con người, thì trường gia đình, trường cha mẹ là những học đường mà tuổi trẻ có thể học được những kinh nghiệm sống ấy.

Ngày nay, con người đang mất dần đi ý niệm tội lỗi, và theo Đức Gioan Phaolô II, thì con người đang sống trong một nền văn hóa của sự chết. Chết về tâm lý, chết về tinh thần, và chết về ý niệm tôn giáo. Cũng chính vì thế, bổn phận của cha mẹ, của những nhà hướng dẫn tinh thần là phải làm sao để sự phát triển con người song song với sự phát triển về tâm lý, nhất là tâm lý đạo đức. Từ đó, sức lôi cuốn của tôn giáo như một động lực thúc đẩy sẽ làm trưởng thành cuộc sống của con người, và lúc ấy con người sẽ sống trong lương tâm an ổn, trong sự hài hòa. Tôi muốn dùng tư tưởng của Kitô Giáo để kết thúc phần trình bày hôm nay. Trong Thánh Kinh, khi Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần tại đồng quê Belem, thì các thiên sứ hát mừng Ngài và nhân loại rằng: “Vinh danh Chúa cả trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Luc 2:14). Cái tâm trong sáng, cái tâm trưởng thành chính là căn nguyên của sự bình an. Mà sự bình an là một món quà của Thượng Đế và không ai có thể dùng tiền của, danh vọng, chức quyền, hoặc sắc đẹp để mua được sự bình an. Bình an chỉ có thể tìm thấy nơi những người có tâm hồn thiện tâm.