Cứu Độ

 


Vấn Đề Cứu Độ với Nhân Sinh

Dù vô thần hay hữu thần, cứu độ là vấn đề then chốt nhất của cuộc sống con người. Đúng thế, không phải chủ trương vô thần mà có thể phủ nhận được tình trạng xung khắc nội tâm nơi mỗi một người. Không cần tìm hiểu lý do tại sao có cuộc xung khắc nội tâm nơi mỗi người này, chỉ cần đặt vấn đề tại sao con người phải đương đầu với cuộc chiến nội tâm ấy là đủ rõ. Thực tế cho thấy cuộc chiến nội tâm nơi mỗi người đều giống nhau ở chỗ họ phải chọn lành bỏ dữ, phải đối diện với sự thật làm người, một sự thật mà nếu họ không sống theo họ sẽ bị bất an và bất hạnh là những gì họ không bao giờ muốn và tìm hết cách tránh né nếu chưa xẩy ra và chữa trị nếu đang mắc phải. Thế nhưng, tội nghiệp thay, kinh nghiệm phũ phàng cho thấy, chính lúc con người đi tìm hạnh phúc theo lòng mong ước, họ lại chuốc lấy khổ đau vào mình. Điển hình nhất là việc một số người đi tìm hạnh phúc nơi nghiện hút, nhưng cuối cùng họ chỉ gặp được một bản thân bị quằn quại trong cảnh nô lệ ngục tù không thể vượt thoát. Chưa hết, hiện tượng ly dị ngày nay không cho thấy chính lúc con người được tự do luyến ái, chứ không bị ép buộc theo kiểu cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, song họ vẫn không tìm được hạnh phúc như họ tưởng và chọn hay sao?! Bởi đó mới có câu “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, “tránh hùm phải hạm”, “cầu cho bạo Chúa sống lâu” v.v.

Như thế, theo chủ quan, sở dĩ con người cần phải đương đầu với cuộc chiến nội tâm là vì họ muốn sống hạnh phúc, cho đến khi họ thực sự được hoàn toàn thỏa nguyện. Tuy nhiên, theo khách quan, trong khi đi tìm hạnh phúc, con người phải trả bằng một giá rất đắt, thậm chí bằng cả mạng sống của mình, bằng trinh tiết của mình, như tình trạng vượt biên của dân Việt sau biến cố Tháng Tư Đen. Thậm chí trong cuộc tìm kiếm hạnh phúc hết sức khổ sở này, con người hầu như gặp nhiều đau khổ hơn là hạnh phúc như lòng mong ước, và dù có đạt được những gì ước mong, song lại rất mong manh và lắm khi cái hạnh phúc ấy lại trở thành đại họa cho họ nữa. Chẳng hạn như trường hợp thiên đường Mỹ Quốc, một thiên đường dân Việt đã phải trả bằng mọi giá để được hưởng, đã trở thành một địa ngục trần gian, đến nỗi đã tiêu diệt hạnh phúc nhiều gia đình và đã đẩy một số người về lại nơi họ đã bất chấp mọi sự bỏ đi, một thiên đường mà nhiều người tỏ ra hết sức căm hận Mỹ song cũng không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của nó, đành vuốt mặt hoan hưởng trong day dứt v.v.

Đó là lý do cuộc sống của con người trên trần gian này thực sự là một cuộc vượt qua sự chết mà vào sự sống. Sự sống con người muốn chiếm hưởng đây không phải là sự sống thể lý cho bằng sự sống tinh thần, sự sống viên mãn. Bởi thế mới xẩy ra trường hợp liều chết vượt biên, biết hút thuốc hại sức khỏe mà vẫn không bỏ được, biết lái xe ẩu nguy hiểm đến tính mạng mà vẫn cứ lái v.v. Và sự chết con người muốn vượt qua đây là gì, nếu không phải là sự dữ họ gặp trên đời hay ở ngay chính bản thân họ, như bệnh hoạn tật nguyền, tính mê nết xấu, ngu đần dốt nát, nghèo nàn túng thiếu, vụng về kém cỏi, xấu xí khó coi, xung khắc đụng chạm v.v. Như thế, con người vượt qua sự chết mà vào sự sống đây, một cuộc vượt qua mà họ phải đương đầu với một cuộc chiến nội tâm trường kỳ, tức là con người thực sự muốn được sống và sống viên mãn hơn, một sự sống trọn hảo không còn khổ đau, không còn sự dữ, tức một sự sống trường sinh bất tử, trường sinh vinh phúc. Thế nhưng, tự mình, vốn bất toàn và bất lực, con người không thể nào chiếm được sự sống toàn hảo và viên mãn này. Cứu độ chính là ở chỗ đó.

Nói đến cứu độ là nói đến tôn giáo, nói đến đạo. Vì, đối với con người nói chung, nhất là con người thiện tâm, con người hữu thần, đạo chính là đường lối giải thoát cho con người. Tuy nhiên, ý niệm và ý nghĩa cứu độ lại được các tôn giáo hiểu khác nhau, đúng hơn, được con người giải thích khác nhau. Trong các đạo giáo, vấn đề cứu độ được rõ ràng nói đến và trở thành một linh đạo của mình chỉ thấy tỏ tường nơi Do Thái Giáo, Phật Giáo và Kitô Giáo.

Vấn Đề Cứu Độ với Do Thái Giáo

Trước hết, đối với Do Thái Giáo, theo Lịch Sử Cứu Độ của họ, như được ghi nhận và trình thuật trong bộ Sách Thánh của họ, bộ Sách Thánh được Kitô Giáo chấp nhận như bộ Thánh Kinh Cựu Ước của mình, thì vấn đề cứu độ là một Dự Án Thần Linh, một dự án được Giavê Thiên Chúa từ từ thể hiện bằng những việc làm của Ngài, nhất là bằng việc Ngài ra tay uy quyền giải cứu dân tộc này khỏi quyền lực ngoại bang. Hai lần Giavê Thiên Chúa của dân Do Thái đã thực hiện việc cứu độ họ quan trọng và đại thể nhất, liên quan trực tiếp đến cả lịch sử thế giới. Thứ nhất là lần Ngài cứu họ khỏi tình trạng làm nô lệ ở Ai Cập 450 năm, qua trung gian của Moisen, bằng một cuộc vượt qua biển đỏ, băng qua sa mạc 40 năm trường để đến mảnh đất Ngài đã hứa với tổ phụ Abraham, Isaac và Giacóp của họ là mảnh đất Palestine đang đẫm máu tranh chấp hiện nay. Cuộc vượt qua này xẩy ra 480 năm trước khi Vua Solomon xây thành và đền thờ Giêrusalem, tức vào triều đại 18 ở Ai cập hay 1440 năm trước Công Nguyên. Thứ hai là lần Ngài cứu họ khỏi tình trạng lưu đầy bên Babylon, bằng một cuộc hồi hương trở về xây dựng lại Thành Thánh và Đền Thờ Giêrusalem đã bị dân ngoại tục hóa và làm ô uế. Biến cố lưu đầy và hồi hương này của dân Do Thái xẩy ra trong giai đoạn lịch sử thế giới từ năm 587 đến năm 537 trước Công Nguyên, tức từ khi người Babylon phá hủy đền thờ Giêrusalem đến khi họ tái thiết trung tâm đạo giáo của họ.

Đối với Thiên Chúa Giavê của dân Do Thái, để tỏ ra mình là Thiên Chúa, một Thiên Chúa chân thật duy nhất trên trời dưới đất, một Thiên Chúa mà riêng dân Do Thái và chung loài người phải nhận biết và tôn thờ, Ngài đã tự tỏ mình ra cho họ, bằng việc Ngài tự dộng hứa hẹn với cha ông tổ phụ họ, rồi Ngài hoàn tất những gì Ngài hứa nơi con cháu của những vị tổ phụ này, cho dù họ có không trung thành với giao ước Ngài đã ký kết với cha ông họ. Là một Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan và toàn năng, Ngài đã chẳng những bất chấp những bất trung của họ mà còn lợi dụng chính những bất trung của họ để chứng tỏ cho họ thấy Ngài thực sự là Thiên Chúa chân thật duy nhất họ phải nhận biết và tôn thờ. Ở chỗ, mỗi lần họ bỏ Ngài mà đi tôn thờ các thần ngoại lai hay sùng bái các thứ ngẫu tượng do họ nghĩ tạo ra, tức mỗi lần họ vi phạm đến Thánh Luật Ngài ban cho họ qua Moisen ở núi Sinai trong cuộc vượt qua sa mạc tiến vào Đất Hứa của họ, Ngài liền bỏ rơi họ, tức để họ bị rơi vào tay quyền lực ngoại bang, cho đến khi họ nhận biết lỗi lầm mà thực tâm trở về với Ngài, Ngài mới ra tay giải cứu họ một cách đặc biệt, qua những vị anh hùng cái thế xuất hiện suốt giòng lịch sử của họ. Bởi thế, đối với dân tộc Do Thái, Chúa là Thiên Chúa chân thực duy nhất của họ phải là và chính là Đấng Cứu Độ của họ.

Tiếc thay, cũng chính vì chiều hướng diễn tiến của giòng Lịch Sử Cứu Độ này, nhất là chính vì quan niệm Vị Thiên Chúa Toàn Năng của mình phải là một Vị Thiên Chúa Cứu Độ thường trực tiếp liên quan đến tình hình chính trị, mà dân tộc Do Thái chỉ mong đợi Thiên Chúa khi họ gặp cảnh cùng quẫn, nhất là lúc họ bị áp bức bởi một quyền lực chính trị ngoại bang. Ngoài ra, những lúc họ được an bình thịnh vượng, họ liền quên Ngài, và quay sang các thứ thần tượng ngoại bang hay các thứ ngẫu tượng do họ tạo ra. Bởi vậy, không lạ gì, cho tới nay, dân tộc Do Thái vẫn không chịu nhìn nhận nhân vật Giêsu Nazarét, Vị Sáng Lập Kitô Giáo, một con người thuộc huyết tộc của họ, là Đấng Thiên sai, Đấng được Thiên Chúa của họ sai đến để cứu độ họ nói riêng và nhân loại nói chung. Lý do là vì con người Giêsu Nazarét này đã chẳng những không giải thoát họ khỏi quyền lực của đế quốc Rôma bấy giờ, mà còn bị quyền lực này đóng đanh trên thập tự giá vô cùng ô nhục nữa. Như thế, vấn đề cứu độ theo Do Thái Giáo, đúng hơn, theo dân tộc Do Thái, là vấn đề cứu độ về chính trị hơn là về tinh thần và đạo lý.

Vấn Đề Cứu Độ với Phật Giáo

Nếu vấn đề cứu độ, theo dân Do Thái là vấn đề liên quan đến quyền lực chính trị, thì theo giáo thuyết của Phật Giáo lại liên quan đến vấn đề đau khổ. Thực vậy, Tứ Diệu Đế hay bốn chân lý huyền diệu và tuyệt diệu của Phật Giáo được bắt đầu bằng Khổ Đế, tức được bắt đầu bằng một cảm nghiệm nhân sinh rất thực tế, rất chân thực: “đời là bể khổ”, với những trạng thái của khổ là “sinh, bệnh, lão, tử”. Thế nhưng, muốn thoát khổ, con người phải trải qua những giai đoạn Tập Đế, Diệt Đế và Đạo Đế, tức phải diệt dục, phải làm sao hết “tham, sân, si” là căn nguyên gây ra khổ ải trần gian, để có thể được cứu độ, được siêu độ, bằng không, con người sẽ phải tiếp tục đầu thai luân hồi cho tới khi nào hoàn toàn giác ngộ, hoàn toàn không còn nghiệp báo, họ mới có Phật tính và mới được vào cõi Niết Bàn. Như thế, vấn đề cứu độ của Phật Giáo chẳng những nhắm vào mục tiêu của mình là cứu khổ mà còn ở cả phương thế cứu độ là tự cứu mình nữa.

Riêng về mục tiêu cứu độ của Phật Giáo, vào thập niên 1970, phong trào Thần Học Giải Phóng phát xuất từ Châu Mỹ Latinh nghèo khổ cũng đã ngả theo chiếu hướng này. Ở chỗ, theo chủ trương của một số nhà thần học Công Giáo khởi xướng phong trào ở miền này thì việc cứu độ của Chúa Kitô, Đấng đã đến trước hết với người nghèo và cho người nghèo, và thiết lập vương quốc của Người ngay trên trần gian này, phải bao gồm cả vấn đề cứu khổ nữa, tức vấn đề thực tế cứu dân chúng nghèo khổ khỏi cuộc sống bất hạnh về vật chất, nhất là khỏi bị quyền lực chính trị và thế lực tư bản lạm dụng và đàn áp. Như thế, phong trào Thần Học Giải Phóng Nam Mỹ đây chẳng những giống mục tiêu cứu khổ của Phật Giáo, mà còn giống cả phương thế cứu độ nơi Lịch Sử Cứu Độ của dân Do Thái nữa, một đường lối cứu độ về cả kinh tế lẫn chính trị. Theo chiều hướng cứu độ hiện thế này, phong trào Thần Học Giải Phóng đã có cùng một chính sách tranh đấu giai cấp như của chủ thuyết và chế độ Cộng Sản.

Vấn đề ở đây là, nếu thực sự việc cứu độ con người là vấn đề cứu độ hiện sinh, tức vấn đề làm sao cho họ khỏi khổ ngay ở trên trần gian này, nhất là khỏi bị cảnh nghèo khổ, nhất là khỏi bị đàn áp và bóc lột, thì chẳng lẽ tất cả những ai giầu có không bị nghèo khổ đều là thành phần hạnh phúc hay sao, và tất cả những ai có quyền vị không bị áp bức bóc lột đều là thành phần có phúc hay sao? Trái lại, thực tế cho thấy, chính những người giầu có lại là thành phần đáng thương nhất, lại là thành phần nghèo khổ nhất, vì tất cả những gì họ có cũng chưa đủ với lòng tham vô đáy của họ, nên họ phải bóc lột người nghèo để có thêm cho họ, và những người càng tham quyền cố vị lại càng là những người bất hạnh nhất, vì họ sợ đối thủ, sợ mất chức, mất tín nhiệm, nên cố gắng giả hình bao nhiêu có thể, gian xảo bao nhiêu có thể và cầu cạnh bao nhiêu có thể để được tại chức.

Chính vì chủ thuyết Thần Học Giải Phóng tuy thực tế nhưng nông nổi, nên chỉ bùng một một thời rồi xẹp xuống sau đó không bao lâu, chẳng khác gì như chủ nghĩa vô sản đã tự sinh tự diệt trong thế kỷ 20 tại Âu Châu vậy. Về mục tiêu và đường hướng của mình, chủ thuyết giải phóng xã hội này hoàn toàn phản với tinh thần Phúc Âm của Đấng Sáng Lập Kitô Giáo nói chung, mà đặc biệt nó còn không hợp với giáo thuyết xã hội của Kitô Giáo nữa, một giáo thuyết đã đóng vai như một thứ men trong bột thực sự có hiệu năng canh tân bộ mặt trái đất này, làm cho nhân loại càng ngày càng văn minh nhân bản hơn từ sau biến cố Thiên Chúa Giáng Sinh Làm Người. Tuy nhiên, tận nền tảng của mình, chủ thuyết này vẫn còn công nhận một điều hết sức chân thật, đó là con người không thể nào tự mình có thể cứu lấy mình; như trường hợp thành phần nghèo khổ, thành phần bị áp bức bóc lột, con người cần được một quyền lực tối cao giải cứu. Cảm nghiệm cần phải được cứu độ này chẳng những rất hợp với nhân sinh mà còn với cả lý lẽ tự nhiên nữa.

Thật vậy, nếu vấn đề cứu độ là cứu khổ, mà chết là tột cùng khổ đau, thì cho dù có được giác ngộ và đã ra tay cứu nhân độ thế đi nữa, con người rồi cũng sẽ đi đến chỗ tận cùng của cuộc đời mình là sự chết. Trong khi con người lại không muốn chết, lại muốn được trường sinh vinh phúc. Như thế, con người giác ngộ, thậm chí muốn được vào cõi tiêu diêu cực lạc con người cũng cần phải lọt vào tay tử thần trước đã, mà một khi vẫn còn đụng đầu với tử thần, vẫn không thể nào thoát khỏi bàn tay ác nghiệt của tử thần, là con người vẫn còn khổ, vẫn chưa hoàn toàn được cứu độ. Trái lại, nếu nhờ tử thần con người được siêu độ thì tự bản chất tử thần không phải là một ác thần, mà chính là đấng cứu thế, và như thế, chết chính là con đường cứu độ cuối cùng của con người, là con đường máu của con người, như thành phần tự tử đã vượt thoát trần gian khổ ải này bằng cách mở con đường máu ấy. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bình thường con người lại sợ chết nhất. Vậy, nếu về vật chất là thân xác này, con người còn không thể cứu mình khỏi chết, khỏi bàn tay tử thần vô cùng khắc nghiệt, thì thử hỏi con người làm sao có thể cứu mình khỏi cái chết về tinh thần, một cái chết được hiện thân rõ ràng nơi tình trạng chia rẽ nội tâm, xung khắc nội tâm, chiến đấu nội tâm, một tình trạng chỉ thực sự triệt tiêu trước cái chết về thể lý mà thôi. Chính vì con người không thể tự cứu mình cả về phương diện tinh thần là tội lỗi lẫn phương diện thể lý là sự chết, mà con người mới cấn đến Ơn Cứu Độ. Đây là cốt lõi của vấn đề cứu độ nơi Kitô Giáo.

Vấn Đề Cứu Độ với Kitô Giáo

Phải, bóng tối không thể nào tự tan biến nếu không được ánh sáng chiếu soi thế nào, và một tử thi không bao giờ có thể tự mình sống lại ra sao, thì con người được dựng nên theo hình ảnh Thần Linh và tương tự như Thần Linh, ở hồn thiêng và tự do nơi bản tính nhân linh ư vạn vật của con người, ngay từ ban đầu bản tính ấy của họ đã bị hư đi theo nguyên tội, qua việc hai nguyên tổ của họ phản loạn bất phục tùng Đấng Hóa Công Tối Cao, cũng không thể tự mình cứu độ như vậy. Chưa hết, việc con người tạo vật vô cùng thấp hèn mà lại dám ngang nhiên bất tuân ý muốn thượng trí vô cùng khôn ngoan của Đấng Tối Cao là một trọng tội vô cùng nặng nề, không thể thứ tha và đền bù, nếu chính Ngài không tự ý tha cho họ và cứu chuộc họ. Đó là lý do, chẳng những vì con người không thể tự cứu mà còn vì tội họ phạm tự họ không thể đền bù, mà Đấng Hóa Công, chẳng những là một Vị Thiên Chúa toàn năng, ở chỗ dựng nên trời đất, mà còn là một Vị Thiên Chúa vô cùng toàn thiện, ở chỗ từ ái ra tay cứu chuộc (redemption) và cứu độ (salvation) con người, đã hứa ban cho họ một Vị Cứu Tinh (xem Sáng Thế Ký 3:15), một vị mà, theo các lời tiên tri và hình ảnh được tiên báo trong bộ Sách Thánh Do Thái Giáo, đó là Đấng Thiên Sai, là nhân vật mang tên Giêsu, nhân vật được sinh ra ở Bêlem đời hoàng đế Cêsa Augustô ban lệnh kiểm tra dân số lần đầu tiên trong toàn đế quốc của ông, nhân vật đã sinh trưởng tại Nazarét thời quận vương Archelau con Hêrôđê cai trị xứ Giuđêa, và cũng là nhân vật đã bị tử giá song đã phục sinh từ trong kẻ chết thời Tổng Trấn Philatô.

Đúng thế, Thiên Chúa Tối Cao không dựng nên con người để đầy đọa con người, nhất là để trừng phạt con người khi bị họ phạm thượng đến mình, mà chính Ngài đã tự động tuyên hứa cứu độ con người, không cần con người phải ngỏ lời xin. Và cách thức Vị Thiên Chúa vô cùng toàn năng và toàn hảo này sử dụng để cứu độ con người là Nhập Thể Hóa Thân Làm Người như loài người. Bởi vì, loài người đã dùng chính bản tính được dựng nên theo hình ảnh Thần Linh và tương tự như Thần Linh vô cùng cao trọng của mình để phạm thượng đối với Ngài, một tội vô cùng trọng nặng con người không thể đền bù, thì phải làm sao để bản tính loài người này chẳng những được tái sinh, được phục hồi như thuở ban đầu, mà còn được hoàn toàn trở nên những gì Thiên Chúa muốn khi dựng nên loài người, đó là Ngài muốn loài người được hiệp thông với Ngài, được tham hưởng chính Sự Sống Thần Linh với Ngài, được nên trọn lành toàn hảo như Ngài.

Đó là lý do, vấn đề cứu độ nơi Kitô Giáo, về phần tiêu cực, chẳng những là việc cứu chuộc (redemption) con người khỏi tội lỗi và sự chết, về phần tích cực, còn là việc cứu độ (salvation) con người cho họ được hưởng một Sự Sống Thần Linh và là một sự sống viên mãn hơn, đến nỗi làm cho họ được quyền năng vô địch có thể lấy lành thắng dữ (xem Phúc Âm Marcô 16:17-18), như ánh sáng xóa tan bóng tối, nhất là làm cho họ có sức thu phục lòng người, khiến con người nhờ họ và qua họ có thể nhận biết chân lý. Cốt lõi của vấn đề cứu độ của Kitô Giáo là thế, là con người được cứu trước hết khỏi quyền lực tội lỗi, bằng quyền lực ân sủng, khỏi quyền lực tối tăm của gian ác, bằng quyền lực ánh sáng của chân lý, nhờ đó, con người dù sống nghèo khổ và bị áp bức là những gì Thần Học Giải Phóng chủ trương cần phải giải cứu, chẳng những vẫn có sức chịu đựng trong một trạng thái bằng an thế gian không thể ban cho họ (xem Phúc Âm Gioan 14:27), thậm chí có thể biến sầu khổ thành niềm vui cho mình (xem Phúc Âm Gioan 16:20), mà còn có sức chia sẻ bình an nội tâm sâu xa họ có cho anh chị em bất hạnh của họ nữa. Điển hình nhất là trường hợp của một Mẹ Têrêsa Calcutta, một vị không hề truyền bá Kitô Giáo bằng giáo thuyết như các vị thừa sai đã làm từ trước đến nay, nhưng cũng đã khiến cho thế giới Ấn Giáo nói riêng và con người văn minh khắp thế giới ở vào cuối thế kỷ 20 đẫm máu hận thù nói chung phải ngưỡng phục như một vị thánh sống, vị đã chết cách đây 5 năm, đã được tiễn đưa theo nghi thức quốc táng Ấn Độ như truyền hình quốc tế hiển nhiên cho thấy, và là vị sẽ được Giáo Hội Công Giáo phong chân phước vào ngày 19/10/2003 tới đây.

Quyền lực thần linh vô địch này đã được Đấng Tử Giá là Đức Giêsu Phục Sinh thông ban cho các môn đệ của Người, một quyền lực đã thực sự canh tân bộ mặt trái đất, thực sự làm cho nhân loại từ Biến Cố Thánh Thần Hiện Xuống vào Ngày Lễ Ngũ Tuần của Do Thái Giáo ở Giêrusalem, càng ngày càng được văn minh hóa theo văn hóa sự sống. Cho đến nay, thế giới đã hầu như không còn những chế độ phi nhân bản, như chế độ đa thê, chế độ nô lệ, chế độ đế quốc, chế độ thực dân v.v. Thế nhưng, tại sao ngày nay chính tại thế giới Kitô Giáo là Tây Phương lại phát xuất ra và tràn lan đi một thứ văn hóa ngược lại, một thứ văn hóa được vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo trên một tỉ tín đồ đặt tên cho là “văn hóa sự chết”, một thứ văn hóa giết người, một thứ văn hóa của phá thai, của trợ an tử, một thứ văn hóa phi nhân bản và phản luân thường đạo lý? Phải chăng là vì Kitô Giáo đã hết thời, đã chỉ có sức cứu độ trong một thời gian, thời gian lịch sử thế giới chưa đi đến chỗ văn minh vật chất và nhân bản như ngày nay, nhất là thời gian từ sau Thế Chiến Thứ Hai tới nay, tức từ sau Bản Tuyên Ngôn Chung Về Nhân Quyền tới giờ?

Thật ra, nếu Kitô Giáo đã thực sự có một Quyền Năng Thần Linh canh tân bộ mặt trái đất ngay từ đầu như thế, thì sở dĩ Kitô Giáo đang bị khủng hoảng về đức tin hiện nay, nhất là ở tại Tây Phương tân tiến, là vì con người văn minh Tây Phương đã chối bỏ căn tính Kitô Giáo của mình. Đó là lý do Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhiều lần kêu gọi Khối Hiệp Nhất Âu Châu hãy xét lại vấn đề căn tính Kitô Giáo của mình, nhất là hãy trở về, hãy trung thành với căn tính làm nên lịch sử Âu Châu nói riêng và thế giới nói chung. Chính vì đã lìa bỏ căn tính Kitô Giáo của mình mà thế giới Kitô Giáo Tây Phương mới như chẳng những trở thành như một thi thể vô hồn, với những khoản luật cho phép ly dị và phá thai từ thập niên 1960 và 1970 tới nay, mà còn như một thi thể đang thối rữa, với những khoản luật từ thập niên 1990 tới nay cho phép đồng tính hôn nhân và tạo sinh ngoại nhiên.

Thế nhưng, như Đấng Sáng lập Kitô Giáo đã tự nguyện để cho loài người đóng đanh trên thập giá và đã phục sinh từ trong kẻ chết để chiến thắng sự chết thế nào thì Ơn Cứu Độ nơi Kitô Giáo chỉ hiện thực tất cả quyền năng của mình ở chỗ chiến thắng sự chết mà thôi, sự chết về thể lý. Đó là lý do Kitô hữu tin tưởng xác thể của con người cuối cùng sẽ sống lại, và biến cố phục sinh này sẽ xẩy ra và chỉ xẩy ra vào ngày tận thế, tức vào ngày Đấng Sáng lập của họ tái giáng trong vinh quang, một cuộc tái giáng chẳng những để phán xét và thưởng phạt toàn thể nhân loại nói chung, mà còn để cứu độ những ai trung thành với Người nói riêng (xem Thư Thánh Phaolô gửi Kitô Hữu Do Thái 9:28). Và, như chính Người đã tỏ cho các môn đệ của Người biết, (xem Phúc Âm Mathêu đoạn 24), trước ngày tận thế, thế giới sẽ lâm vào một tình trạng biến loạn chưa từng thấy từ tạo thiên lập địa tới bấy giờ, cả ở trên trời (như hiện tượng tinh tú trở nên tối tăm), lẫn dưới đất (như xẩy ra động đất), cả ở trong lòng người (băng hoại về luân thường đạo lý), lẫn ở ngoài xã hội (như chiến tranh loạn lạc khắp nơi).

Tuy nhiên, chính lúc lịch sử thế giới và vũ trụ ở vào một mùa đông hết sức lạnh lẽo và tăm tối cho thấy tràn ngập chết chóc như thế lại là lúc xuân sắp tới, một mùa xuân làm cho tất cả mọi sự nên tươi mới thế nào, thì Đấng Phục Sinh đã chiến thắng tội lỗi và sự chết nơi bản tính nhân loại của con người cũng tái giáng trong vinh quang lần thứ hai để canh tân tất cả mọi sự như vậy (xem Khải Huyền 21:5). Phải, chỉ cho đến khi Dự Án Cứu Độ và Công Cuộc Cứu Độ của Thiên Chúa được nên trọn thì bấy giờ Ơn Cứu Độ được ban cho loài người cũng mới hoàn tất. Đó là lý do Kitô hữu coi cuộc sống của mình trên trần gian này là một cuộc hành trình đức tin, một cuộc hành trình sống Ơn Cứu Độ, cho tới khi Ơn Cứu Độ được nên trọn nơi họ nói riêng và trên thế gian nói chung, một Ơn Cứu Độ con người đã được Thiên Chúa Hóa Công hứa ban cho ngay từ ban đầu sau biến cố nguyên tội (xem Sách Sáng Thế Ký 3:15).

Phải, nếu căn nguyên chính khiến con người sa ngã phạm tội ngay từ ban đầu là bởi con người tạo vật tự bản chất bất toàn, không toàn thiện như Thiên Chúa, thì một khi con người có Thần Linh của chính Thiên Chúa, nhờ đó, họ sẽ không thể nào sa ngã phạm tội được (xem Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan 3:9), tức họ sẽ luôn biết được Ngài muốn gì để đáp ứng, như trường hợp của tạo vật thuần túy đầy ơn phúc đẹp lòng Ngài nhất là Trinh Nữ Maria, Mẹ của Đức Giêsu Kitô. Đó là lý do, ngay sau khi Phục Sinh, Đức Giêsu, Đấng mang sứ mệnh đến làm phép rửa cho con người trong Thánh Thần (xem Phúc Âm Marcô 1:8), đã ban cho các môn đệ của Người Thánh Thần tha tội (xem Phúc Âm Gioan 20:22-23), và căn dặn các vị hãy ở lại Giêrusalem chờ đợi cho đến khi được mặc lấy quyền lực từ trên cao (xem Phúc Âm Luca 24:49).

Thế nhưng, tự bản chất hữu hình và hữu hạn của mình, ngay từ ban đầu, dù còn ở trong tình trạng công chính nguyên thủy, nhân tính của con người cũng không thể lãnh nhận tất cả Thần Linh vô cùng thượng trí và toàn năng của Thiên Chúa Tối Cao. Bởi đó, chính Thiên Chúa đã phải Hóa Thân Làm Người, trở thành một con người thực sự, nhưng lại một Con Người Thần Linh, vì Thần Tính của Ngài đã hoàn toàn chiếm hữu nhân tính ngay từ giây phút đầu tiên khi Ngài Nhập Thể trong lòng dạ trinh nguyên của Mẹ Ngài là Đức Maria. Kết quả là, trong mầu nhiệm Ngôi Hiệp, mầu nhiệm hai bản tính được hiệp nhất làm nên một Ngôi Vị duy nhất là Con Người Giêsu Kitô, nhân tính của Con Người Thần Linh này đã trở thành một phương tiện, một Bí Tích thông ban Thần Linh cho loài người, để loài người nhờ đó có thể tin nhận Người, một niềm tin sẽ đạt đến tột đỉnh của mình qua những chứng từ của kẻ tin, những chứng từ sống động phản ảnh Thần Linh, phản ảnh một Đức Giêsu Kitô Tử Giá và Phục Sinh, những chứng từ bởi đó có sức thu phục lòng người, giải phóng con người khỏi quyền lực tối tăm, để con người có thể nhận ra sự thật là Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế Duy Nhất của loài người.

Tóm lại, vấn đề cứu độ nơi Kitô Giáo là như thế này: Con người linh ư vạn vật đã được Thiên Chúa Hóa Công dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa, nhưng họ đã không sống xứng với Danh Phận Thần Linh vô cùng cao trọng này của họ, tức họ đã bị hư đi trong một trạng thái chết chóc về tâm linh, một trạng thái xung khắc được bộc lộ qua cuộc chiến nội tâm trường kỳ hết sức gay go. Thế nhưng, là Đấng Tối Cao, chẳng những Toàn Năng mà còn Toàn Thiện, Thiên Chúa Hóa Công đầy từ bi thương xót đã tự hứa cứu độ họ, và Ngài thực sự đã thực hiện Dự Án Thần Linh này nơi Đức Giêsu Kitô, Vị Thiên Chúa Nhập Thể, Tử Giá và Phục Sinh. Bởi đó, để có thể lãnh nhận Ơn Cứu Độ vô cùng cao cả và khẩn thiết này, trước hết và trên hết, con người cần phải nhìn nhận và chấp nhận Đức Giêsu Kitô, Vị Thiên Chúa Làm Người (xem Phúc Âm Gioan 1:10-11) là Đấng Cứu Thế duy nhất của loài người, một khi họ thấy được những Chứng Từ Thần Linh nơi Giáo Hội Kitô Giáo, những chứng từ được thể hiện sống động và trung thực nhất qua Đức Ái Trọn Hảo (xem Phúc Âm Gioan 13:35) của thành phần mang danh Kitô Hữu. Và lịch sử thế giới trong hai ngàn năm qua hiển nhiên cho thấy nhiều người đã thực sự nhận biết chân lý và trở về với Đấng tự xưng mình “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (xem Phúc Âm Gioan 14:6), nhờ hoạt động bác ái xã hội của Kitô Giáo khắp nơi trên thế giới, và những tranh đấu nhân quyền theo giáo thuyết nhân bản xã hội của Giáo Hội Công Giáo, như được chứng thực nơi vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, những hoạt động và tranh đấu đã và đang đẫm máu tử đạo.

Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh, BVL
(Bài chia sẻ cho buổi phát thanh Vui Mừng Và Hy Vọng 50, 29/12/2002)

 

 

 

C Ứ U Đ Ộ
Dưới cái nhìn tâm lý
 


Trần Mỹ Duyệt

 


Cứu độ phải chăng là sự giải thoát? Và hành động cứu độ là một hành động giải thoát. Con người tin và tìm kiếm giải thoát vì những ràng buộc, khốn khổ thể xác, ràng buộc và khốn khổ tâm lý và ràng buộc và khốn khổ tâm linh. Ta có thể nói tổng quát rằng, lịch sử cứu độ của các tôn giáo, chính là lịch sử của sự giải thoát.

“Đời là bể khổ”. “Đời là thung lũng lệ sầu”. “Đời là một cuộc hành trình đi về vĩnh hằng”. Dưới bất cứ góc cạnh nào trong ba quan niệm này, thì đời vẫn là một giằng co, một trói buộc, và một cái gì mà thân phận con người dù muốn hay không muốn vẫn không tự mình giải quyết được. Tôn giáo quan niệm về những trói buộc, giằng co này bằng ý niệm của tiền định, của số mệnh, hay của sự xếp đặt từ trên cao. Nguyễn Du đã diễn tả cách tài tình quan điểm này bằng hai câu: “Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Một tư tưởng vương vất tính chất triết học và tâm linh.

Thật vậy, trong thực tế, có người dù muốn mình khỏe mạnh hơn một chút, đỡ bị chứng nhức đầu, đau bụng làm khổ sở, nhưng rồi hết bác sĩ này đến bác sĩ khác, hết thuốc này đến thuốc khác, con người cũng đành bó tay. Về tâm lý, có những người suốt đời sống với những ảo tưởng, và ảo giác. Họ luôn luôn lúc nào cũng tưởng mình là tổng thống, đế vương, hoặc đang tiếp xúc với Giêsu, với Thích Ca, hay với thánh thần này, thánh thần khác. Cũng có những người tuy đã lớn, nhưng không bao giờ thoát ra khỏi những tư tưởng, nói năng, hoặc hành động một cách vô tư, thiếu thận trọng, và ấu trĩ. Đứng trước những con bệnh về tâm lý và tâm thần này, sự thành công của khoa học, của các bác sĩ tâm lý, các bác sĩ tâm thần cũng rất giới hạn. Đời sống tâm linh cũng thế, có những người ao ước sống trọn hảo hơn một chút nữa, sống thánh đức hơn một chút nữa, nhưng xác thịt nặng nề, đam mê lôi cuốn, và rồi vẫn bị sa ngã, vẫn thấy mình lúng túng trước giấc mơ trọn hảo và những thực tế yếu đuối, bất toàn.

Thế giới con người đang sống vẫn thường ngày diễn ra cảnh “lúa và cỏ” mọc chung trong một cách đồng. Cảnh cá lớn nuốt cá bé, người trên hành hạ, bóc lột người dưới. Bất công vẫn là những nan đề của công bằng và của đạo đức xã hội. Hằng ngày chúng ta vẫn thấy bao trẻ vị thành niên bị lôi cuốn vào con đường sa đọa bởi những người lớn. Bao trái tim tan nát bởi những lường gạt và đảo điên nhân danh tình yêu. Bao nhiêu người tan gia, bại sản bởi những mưu mô và lượn lẹo nhân danh chữ tín. Thâm ý con người quả là vô lường, đúng như Việt Nam ta có câu: “Sông sâu còn có người dò, lòng người nham hiểm ai đo cho cùng”, mặc dù bên cạnh đó cũng có câu: “Trông mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo thì lòng mới ngon”.

Tôn giáo dưới cái nhìn giải thoát hoặc cứu độ, là những con đường, những con đường dẫn tới vĩnh hằng, dẫn tới sự giải thoát, và cứu độ. Nhưng tôn giáo cũng là một nan đề cho chính cuộc hành trình cứu độ của con người. Hiện nay điểm nóng nhất cho nan đề này vẫn là vụ án khủng hoảng tình dục mà hàng giáo sĩ Công Giáo đang phải đối đầu nhất là tại Hoa Kỳ. Lịch sử Công Giáo Hoa Kỳ và lịch sử Công Giáo thế giới có lẽ phải ghi nhận biến cố Hồng Y Bernard F. Law, Tổng Giám Mục Boston phải từ nhiệm vì sức ép của quần chúng và truyền thông. Ngài bị cáo buộc là đã có hành động che dấu và bao che những linh mục có liên quan đến hành động tính dục đối với các trẻ em trong tổng giáo phận của Ngài. Nhưng đó mới chỉ là trẻ em vị thành niên, còn những hành động tính dục liên quan đến người lớn tuổi, hoặc góa phụ thì sao?! Trước những khủng hoảng như thế, nhiều người bi quan cho rằng tôn giáo quả không có khả năng hoàn thiện và làm tươi mát cuộc sống con người. Ngược lại, cũng có người quan niệm rằng, qua biến cố này, Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ với hàng Giáo Phẩm, Giáo Sĩ và Giáo Dân Hoa Kỳ sẽ được thanh lọc hơn, sẽ được hoàn chỉnh hơn, và sẽ trưởng thành hơn. Và trong niềm tin ấy, tôn giáo chính là con đường dẫn đến giải thoát.

Như vậy, cốt lõi của giải thoát, của cứu độ là gì? Và ai là người có khả năng giải thoát và cứu độ con người. Tùy vào niềm tin và tùy vào giáo lý của mỗi tôn giáo. Nhưng theo cái nhìn tâm lý học, thì sự giải thoát chính là cởi mở, và trút bỏ được những ẩn ức để con người có thể dùng tri thức mà hóa giải được vô thức. Và để làm điều này chỉ có Đấng Hóa Công đã tác tạo nên khối óc và lý trí con người mới có khả năng làm được việc này. Như vậy, sự trưởng thành tâm lý cũng chính là yếu tố để con người đón nhận, ý thức và chủ động trong cuộc kiếm tìm con đường giải thoát ấy. Như vừa trình bày, con người không tự giải thoát được mình, và do đó, không thể cứu độ được mình. Sự giải thoát và cứu độ phải đến từ Đấng trên cao mà các tôn giáo nhìn nhận là Tạo Hóa, là Hóa Công, là Oâng Trời, hay Thiên Chúa.

Trưởng thành tâm lý, do đó, cũng là một lý đo, một yếu tố để con người tìm gặp và chấp nhận Đấng ấy trong cuộc sống và cuộc đời của mỗi người. Điều này khiến ta phải đặt lại vấn đề đối với một số người chỉ tin đạo, sống đạo, và hành đạo một cách máy móc, hời hợt, hoặc theo truyền thống gia đình, nếu không muốn nói là ấu trĩ và đôi khi rất mê tín. Sự thiếu trưởng thành về tâm lý này không những không làm cho con người tăng trưởng hơn về mặt tâm linh, mãnh liệt, can đảm kiếm tìm sự giải thoát, mà còn dẫn con người vào con đường mê đạo, lạc hướng, và bị chi phối bởi những quan niệm và lối hành đạo có tính cách hình thức, chủ quan, hoặc mê tín, dị đoan, đồng bóng. Hiện tượng Hồi Giáo quá khích hiện nay là một thí dụ điển hình về sự thiếu trưởng thành tâm lý và tâm linh. Hiện tượng tôn giáo này đả kích, phê bình, hoặc chê bai tôn giáo khác là một hành động thiếu trưởng thành về tâm lý và tâm linh.

Một chút suy tư về vấn đề liên quan đến mê tín, đồng bóng trong đời sống của những người thiếu trưởng thành tâm lý, là họ luôn luôn bị chi phối, ảnh hưởng và hầu như bị cuốn hút vào những hành động và cái nhìn đồng bóng. Họ luôn luôn mong cầu và tìm kiếm một cái gì siêu việt, xẩy ra khác thường, và vượt khỏi tầm mức tự nhiên. Muốn trốn chạy thực tế, muốn sống với ảo giác và ảo tưởng. Thí dụ, được chữa lành một cách ngoại lệ, một cách mà khoa học, khả năng con người không thể giải thích được, mà từ ngữ tôn giáo gọi là phép lạ.

Niềm tin, giải thoát, và cuộc đời luôn luôn gắn liền với thân phận con người, nhưng nếu mọi hành động con người bị chi phối bởi những phép lạ, thì sao còn có công, và sao còn có niềm tin. Do đó, một mặt con người vẫn phải tin tưởng, vẫn hành xử theo niềm tin tôn giáo nhưng là một sự tin tưởng và hành động trưởng thành, đó còn hơn là một phép lạ. Đúng hơn, cuộc sống ấy, niềm tin ấy chính là một phép lạ nối dài trong cuộc đời của những người tin tưởng một cách trưởng thành, và sống với niềm tin tôn giáo một cách trưởng thành. Tóm lại, giải thoát và cứu độ là một điều con người ai cũng cần thiết và kiếm tìm trong cuộc sống. Lịch sử nhân loại từ cổ chí kim, bạn và tôi, dù ở bất cứ vai trò xã hội nào, ngay trong hàng ngũ tôn giáo, dù là ai chúng ta vẫn phải ít nhiều trăn trở với những điều này. Nhưng một khi nhìn tôn giáo, hành động tôn giáo một cách trưởng thành, nhất là sự trưởng thành ấy được phát triển do một tâm lý bình thường sẽ làm cho cuộc sống con người thăng hoa hơn, hạnh phúc hơn, và ý nghĩa giải thoát được diễn tả cách cụ thể và sống động hơn trong những hành vi tôn giáo và niềm tin con người. Thánh Gioan Boscô đã nói một câu rất giá trị liên quan giữa tâm lý và tâm linh. Theo Ngài: “Muốn làm thánh nhân thì phải thành nhân trước đã”.

Con người ngoài những khó khăn về thể xác, còn có những khó khăn của tâm lý và tâm linh. Nhưng nhiều khi tâm linh và tâm lý thường hay lẫn lộn và dẫn đến sự cuồng tín hoặc thái độ vô thần vì thiếu trưởng thành tâm lý. Một con người sống đạo quân bình, đòi hỏi phải có một đời sống tâm lý quân bình. Một tâm lý bình thường và được phát triển đầy đủ sẽ giúp con người khám phá và chấp nhận, cũng như sống với một tâm tình tự tin theo niềm tin của mình. Và cũng chính qua niềm tin ấy, con người tìm được sự giải thoát.