Công Bằng

 


Công Bằng và Sự Thật


Nếu nói đến tội lỗi cũng phải nói đến nhân đức. Nếu nói đến con người hư hỏng cũng phải nói đến con người đức hạnh. Nhìn vào thực tế, chúng ta thấy cái gì mới bao giờ cũng đẹp, cũng dễ thương, kể cả loài vật lẫn loài người (như đứa nhỏ trông xinh xắn, hồn nhiên và trinh trắng như thiên thần v.v.), kể cả đồ vật (như xe mới, nhà mới v.v.) lẫn sự vật (như khi mới yêu nhau, mới lấy nhau, khi còn ở vào cái thuở ban đầu lưu luyến ấy v.v.). Đó là lý do ngôn ngữ loài người mới có chữ “nguyên tuyền” hay “tinh nguyên”, một từ ngữ và là một ý niệm nói lên tình trạng tinh tuyền của thuở ban đầu. Đó cũng là lý do, sau khi con người lạc xa cái thuở ban đầu tinh nguyên ấy, tức sau khi họ đã bị ô nhiễm bởi những bụi bặm trần gian làm bản thân họ trở thành dơ bẩn và ô uế, làm cuộc sống họ sa đọa, trụy lạc, con người mới cảm thấy nhu cầu “về nguồn”, về với nguồn gốc thực sự của mình, tình trạng “nguyên tuyền” hay “tinh tuyền” của mình. Hiện tượng thế giới Tây Phương văn minh đặc biệt từ thập niên cuối cùng của thiên niên kỷ thứ hai có phong trào thực hành những phương pháp tĩnh niệm Đông Phương, như phương pháp tọa thiền Zen của Phật Giáo Nhật Bản hay Zoga của Ấn Giáo, đã đủ chứng minh cho thấy văn minh vật chất chẳng những không làm cho con người hạnh phúc, mà còn làm cho họ cảm thấy bị căng thẳng và dồn nén hơn, bị bất an và khủng hoảng hơn, đến nỗi đã đi đến chỗ mất gốc, cần phải làm sao để có thể lấy lại quân bình, có thể bình an tự tại.

Phải, quan niệm đầu tiên và chính yếu nhất của đức công bằng đây có một liên hệ hết sức mật thiết với tình trạng quân bình nơi con người. Có thể nói, chính vì con người đã mất thăng bằng, không còn giữ được quân bình nội tâm nữa, họ mới đi đến chỗ và thực sự đã đi đến chỗ sống bất công, trước hết bất công với chính bản thân họ, từ đó và sau đó họ đã không tránh được có những hành vi cử chỉ bất công cả với thượng đế, với tha nhân cũng như với thiên nhiên tạo vật.

Trước hết, con người ở trong tình trạng mất quân bình nội tâm đã sống bất công với bản thân mình ở chỗ họ đã không sống động và tác hành theo đúng với sự thật làm người của họ, hay không sống đúng với ơn gọi làm người của họ, bởi thế, họ đã phạm đến nhân phẩm làm người của họ, nếu chưa muốn nói họ đã làm mất nhân phẩm của họ, làm hại đến nhân phẩm của họ, một thứ nhân phẩm chẳng những làm nên con người họ, làm nên vị thế cao trọng của họ đối với các sinh vật khác nói riêng và tất cả mọi vật hữu hình nói chung. Tuy nhiên, vì nhân phẩm này tự bẩm sinh mà có, tức được thiên phú, được trời ban cho, do đó, một khi phạm đến nhân phẩm của mình, làm hại đến nhân phẩm của mình là con người gián tiếp xúc phạm đến cả Vị Tạo Hóa Tối Cao của họ nữa. Ngoài ra, nhân phẩm của con người có tính cách phổ quát và đại đồng, áp dụng cho mọi cá nhân con người, bởi thế, một khi họ làm mất nhân phẩm của họ, họ đồng thời cũng làm mất nhân phẩm của chung nhân loại nữa. Một con người làm điếm không phải chỉ làm hại đến nhân phẩm của mình, còn làm nhục cho giới phụ nữ nói riêng và nhân loại nói chung nữa. Chưa hết, vì con người là loài nhân linh ư vạn vật, là bộ mặt của tất cả mọi vật hữu hình, là thể diện của thiên nhiên vật chất, mà một khi con người làm mất nhân phẩm của mình, họ cũng đã làm mất thể diện của thiên nhiên tạo vật nữa. Đó là lý do một khi con người bất công với bản thân mình họ đồng thời cũng bất công cả với Thượng Đế, với nhân loại và với nhiên loại.

Công Bằng và Trách Nhiệm

Một khi con người không sống đúng với sự thật làm người, bằng những việc vượt ra ngoài quyền hạn của mình, là con người sống trong gian ác, sống một cách dối trá, không sống công minh chính trực. Bởi thế, công bằng, về nguyên tắc, chẳng những liên quan đến bất công, về thực hành, còn liên quan đến tính cách gian ác dối trá nữa. Bởi thế, bất cứ tội lỗi nặng nhẹ nào của con người, tự bản chất của nó, đều là những việc gian ác và bất công: gian ác ở chỗ, con người tỏ ra những hành động tội lỗi đó đã không sống đúng với sự thật làm người của họ; bất công ở chỗ, con người mù quáng trước sự thật hay bất chấp sự thật làm người này đã lộng hành làm cả những gì họ không được làm (về phương diện luân lý) dù họ làm được (về phương diện thể lý). Có những thứ tội về cả bản chất lẫn hình thức đều là những hành động gian ác bất công đó là hãm hiếp, trộm cướp, giết người, đàn áp, bóc lột, ăn gian, nói dối v.v. Con người thực hiện những hành động tội lỗi xúc phạm đến nhau này không phải gian ác và bất công ở tác dụng gây ra do việc họ làm, mà còn ở chỗ họ phạm đến chính nguyên tắc làm người thiết yếu nữa. Bởi vì, những điều họ không muốn người khác gây ra cho họ, như ăn trộm ăn cướp sản vật của họ, ăn gian nói dối đánh lừa họ, hành hạ sát hại họ, đàn áp bóc lột họ, vu oan cáo vạ cho họ v.v. họ lại gây ra cho người khác. Như thế, con người gian ác bất công, con người không công bằng là con người mâu thuẫn. Hơn thế nữa, những gì họ gây ra cho người khác, phạm đến nguyên tắc làm người không phải tự chúng sẽ qua đi, trái lại, chúng sẽ gây ra cho họ ác họa họ không muốn. Đó là ác quả ác báo. Đó là định luật tự nhiên, “gieo gió gặt bão”, phạm tội thì phải đền tội một cách xứng đáng theo đức công bằng.

Thật vậy, tội lỗi có hai khía cạnh, khía cạnh tác hành xấu xa và khía cạnh trách nhiệm gánh chịu. Về tác hành xấu xa, phạm nhân có thể được nạn nhân rộng tình thứ tha, nhưng về trách nhiệm gánh chịu hậu quả tai hại gây ra bởi hành động tội lỗi của phạm nhân thì dù có được thứ tha, chính lương tâm của phạm nhân cũng không tha cho họ cho tới khi họ đền bù một cách tương đối cân xứng. Chẳng hạn, người con gái bị hiếp có thể tha thứ cho kẻ cướp trinh tiết của mình, nhưng phạm nhân chẳng lẽ có thể yên tâm tươi cười khi thấy hành động hãm hiếp của mình gây ra đổ vỡ hôn nhân cho gia đình người con gái ấy, vì đứa con oan nghiệt của một lúc quá nhục dục của mình hay chăng?

Thực tế cho thấy, những hành động bất công thường làm cho nạn nhân uất ức, hận thù và tím cách đòi lại công lý. Chính vì muốn bảo vệ quyền lợi của con người, cũng là để bảo vệ sự công bình trong xã hội, hay để giữ trật tự cho xã hội, xã hội mới cần đến sự hiện hữu của hệ thống luật pháp. Tâm lý bình dân đã cho thấy rõ nhu cầu công bằng trong đời sống xã hội nói chung và giữa liên hệ cá nhân nói riêng, một nhu cầu xã hội được tỏ hiện rõ nhất nơi loại phim Tầu, với chủ trương công bằng ở chỗ ân oán phân minh, nhận ơn thì trả ơn, tác hại thì phải chuốc khổ, ở hiền gặp lành, ở dữ gặp ác. Bởi thế, chẳng riêng gì phim Tầu, hầu như phim nào cũng vậy, truyện nước nào cũng thế, cũng có hai phe lành dữ, sáng tối, kẻ lành chịu khổ nhưng cuối cùng kẻ dữ phải chết, công lý được sáng tỏ. Vì công bằng là căn bản của xã hội và có liên quan mật thiết đến sự thật làm người mà các đạo giáo cũng nhấn mạnh đặc biệt đến vấn đề trả lẽ, vấn đề thưởng phạt, vấn đề đền tội. Do Thái Giáo có luật “mắt đền mắt răng đền răng”, một thứ luật phản ảnh những gì Thiên Chúa Giavê vô cùng công minh chính trực của họ luôn trừng phạt tất cả mọi sự dữ do họ gây ra phạm đến thánh luật Ngài ban cho họ qua trung gian Moisen. Phật Giáo chủ trương đầu thai luân hồi, ở chỗ, những ai phạm tội sẽ chuốc lấy cho mình nghiệp báo, một thứ nghiệp báo cần phải đền bù cho cân xứng mới được vào cõi Niết Bàn. Kitô giáo có tứ chung là sự chết, phán xét, thiên đàng và hỏa ngục.

Công Bằng và Nghĩa Phận

Công bằng, về phương diện tiêu cực, chẳng những liên quan đến việc đền tội vì những thiệt hại gây ra cho tha nhân bởi lỗi lầm của mình, về phương diện tích cực, còn liên quan đến lòng biết ơn nữa. Bởi thế, không phải chỉ có những ai hãm hiếp, đàn áp và bóc lột đồng loại của mình mới là thành phần bất công, thậm chí cả những kẻ vong ân bội nghĩa, những kẻ thất tín phản thề cũng là thành phần bất công nữa. Đó là thành phần muốn kẻ khác làm cho mình những gì có lợi cho mình, nhất là những gì họ xin làm cho họ trong cơn khốn khó, nhưng họ lại không nhớ ơn, không trả ơn, ít là bằng một tặng vật bề ngoài nào đó, hay bằng những việc làm đáp ứng nhu cầu của vị ân nhân khi họ cần. Thậm chí con người gian ác bất công đến nỗi còn có thể đi tới chỗ lấy oán trả ơn. Như những trường hợp trò phản thày, con cái hỗn láo với cha mẹ, oán trách cha mẹ đủ thứ vì những thất bại của mình trên đường đời. Những con người thuộc loại vong ân bội nghĩa này nói riêng và tâm lý con người nói chung thường có khuynh hướng làm toán trừ nhanh hơn làm toán cộng. Chỉ cần một điều gì đó làm phật lòng mình, làm trái ý mình thôi, vào một lúc nào đó, là tất cả mọi sự tốt lành của vị ân nhân đều tan biến ngay lập tức, đều trở thành số không khổng lồ, đều gây ra bất mãn và hận tức trong lòng thành phần thụ ân. Cả những trường hợp lạm dụng lòng tốt của nhau cũng phải được kể là những hành vi cử chỉ lỗi đức công bằng, vì con người lạm dụng chỉ muốn hưởng thụ hơn là phục vụ, chỉ muốn chiếm đoạt hơn cho đi. Như thế, con người ích kỷ, con người vị kỷ là một con người bất công.

Chưa hết, bất công không phải chỉ được tỏ hiện qua những hành động hãm hiếp, đàn áp, bóc lột, hay những hành động vong ân bội nghĩa, hành động lấy oán báo ân, hành động vị kỷ hưởng thụ, mà còn qua cả thái độ tự phụ khinh người nữa. Chẳng hạn những khoa học gia khám phá ra được điều gì liền phủ nhận công trạng của các khoa học gia trước họ, cho rằng những khoa học gia đó không giỏi bằng mình nên không tìm ra những gì họ vừa mới tìm thấy, trong khi đó, nếu không có gia sản khoa học từ trước đến khi có khám phá mới của họ, liệu họ có thể hội đủ kiến thức để khám phá ra cái tân kỳ đó hay chăng? Như thế không phải thái độ tự phụ nói chung tự bản chất là thái độ bất công hay sao? Có thể nói, tự phụ cũng là một hình thức vong ân bội nghĩa trắng trợn vậy! Trường hợp của các kỹ thuật gia cũng thế, phát minh ra được một điều gì đó liền tự phụ cho rằng nhờ óc sáng tạo của mình loài người mới tiến đến chỗ văn minh tiện nghi như ngày nay. Nếu tận thâm tâm của chuyên viên sáng chế về kỹ thuật này không hề nghĩ gì đến kiến thức mình có được để nhờ đó chế tạo ra những phát minh tân kỳ, đều là do các vị tiền bối, do những phát minh hiện đại có vẻ lỗi thời góp phần và gợi ý, thì thái độ của họ thực sự là một thái độ quá tự phụ và bất công. Họ cho mình là người bố thí cho nhân loại, bởi thế nhân loại nợ nần họ, chứ họ không nợ nần ai.

Cử chỉ và hành động bất công còn được thể hiện qua cả thái độ khinh người nữa. Ở chỗ, con người bất công không đối xử xứng hợp với vai trò, thân thế, chức phận, phẩm vị, thẩm quyền của những ai có liên hệ với họ. Chẳng hạn, họ thích quen thân với thành phần tai to mặt lớn, thành phần giầu sang phú quí, nhưng tỏ ra coi thường, thậm chí khinh bỉ ra mặt những người quê mùa, nghèo hèn, dốt nát trong xã hội, không phải là họ có những hành vi cử chỉ và thái độ bất công hay sao? Trường hợp phê bình chỉ trích một cách chủ quan và hạ cấp, dù vô tình hay hữu ý, làm mất uy tín của những vị có thẩm quyền trong đạo ngoài đời, cũng là những hành vi cử chỉ bất công, thậm chí có thể liệt vào những hành động gây chia rẽ và phá hoại, những tai hại cộng đồng phạm nhân khó lòng đền bù cho cân xứng. Cả những trường hợp tiêu xài hoang phí tiền bạc, sử dụng bừa bãi đồ dùng, ăn không hết đổ đi v.v., không hề nghĩ đến tha nhân, những người đang cần đến những cái thừa thãi và bừa bãi của thành phần anh chị em may mắn của mình đó để có thể sống còn, để có thể sống thoải mái hơn một chút, để có cơ hội vươn lên như ai, cũng là những thái độ và hành động bất công! Sau hết, nếu con người không biết tự trọng đối với những gì được ban cho mình, những gì mình chỉ là quản lý sử dụng theo ý chủ nhân ông Tạo Hóa của mình, đem phung phá chúng, như không biết giữ gìn sức khỏe, cũng phạm đến đức công bình, đến công ích xã hội. Cũng thế, thậm chí cả những gì không trực thuộc bản thân mỗi người, nhưng được giành cho nhân loại sử dụng chung, như nguồn tài nguyên thiên nhiên, nếu cá nhân hay đoàn thể nào không sử dụng cho nên, trái lại, phí phạm hay tàn phá những tài nguyên chung này, cũng phạm đến đức công bằng xã hội. Còn nữa, về nguồn nhân lực, nếu thấy ai làm được việc hơn mình, đâm ghen tương và chọc phá cho đến độ thiệt hại đến công ích, những thái độ và hành động chia rẽ này cũng là những gì phạm đến đức công bằng. Thậm chí kỳ thị không cho nhau sống văn hóa và niềm tin chân chính của họ cũng là những hành vi cử chỉ bất công.

Công Lý và Hòa Bình

Lịch sử thế giới đã và đang hiển nhiên cho thấy hai sự kiện hết sức thực tế sau đây liên quan đến nền tảng của xã hội là vấn đề công bằng. Thứ nhất, nhân loại sẽ không thể nào có hòa bình chân thực nếu xã hội không có công bằng, một thứ công bằng phát xuất từ một sự thật làm người chung được gọi là công lý, đó là mọi người bình đẳng về phẩm giá bẩm sinh làm người bất khả xúc phạm của mình, như được bản Tuyên Ngôn Chung về Nhân Quyền của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc khẳng định và công bố ngày 10/12/1948. Thứ hai, tất cả những lộn xộn, xung khắc, bạo loạn và chiến tranh, trước hết và trên hết, đều phát xuất từ tình trạng bất công trong xã hội, thường xẩy ra ở chỗ thành phần tư bản tài phiệt bóc lột thành phần lao nhân bần cùng, thành phần tai to mặt lớn đán áp thành phần thấp cổ bé miệng. Những hiện tượng Cộng Sản xuất hiện từ hậu bán thế kỷ 19 và suốt thế kỷ 20 kéo dài cho tới nay không phải là phản ứng của một xã hội bất công gây ra bởi cuộc cách mạng kỹ nghệ từ đầu thế kỷ 18 hay sao? Hiện tượng khủng bố tấn công bùng lên từ sau biến cố ngày 11/9/2001 ở Hoa Kỳ đến nay không phải là một việc làm điên khùng của những người cuồng tín, cho bằng đó là lý lẽ sống còn của những kẻ bị đẩy đến chân tường, bị áp bức quá cỡ, bị lạm dụng quá nhiều. Nếu không có lửa làm sao có khói thì quả thực khói khủng bố sẽ không thể nào ngùn ngụt bốc lên như bây giờ, nếu không có ngọn lửa tham vọng của những thế lực chính trị và kinh tế đang làm chủ thị trường thế giới hiện nay.

Bởi vậy, cho dù sau hai trận Thế Chiến I và II trong thế kỷ 20, xã hội loài người đã tiến đến chỗ thành lập một quyền lực toàn cầu để có thể giải quyết những vấn đề xung khắc và xung đột quốc tế, nhưng thực tế cho thấy dường như thứ quyền lực toàn cầu này cũng phải bất lực đầu hàng trước những cuộc khủng hoảng trầm trọng, như giữa Do Thái và Lực Lượng Palestine ở Thánh Địa. Đó là lý do, trong Sứ Điệp Hòa Bình cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2003, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Vị Lãnh Đạo thế giới Công Giáo, đã thẳng thắn nhận định và thiết tha lên tiếng kêu gọi thành phần thiện tâm nói chung và thành phần lãnh đạo chính trị nói riêng như sau:

“Cần phải nêu lên một nhận định nữa là cộng đồng quốc tế, một cộng đồng mà từ năm 1948 đã có được một bản hiến chương về những quyền lợi bất khả vi phạm của con người, đã thất bại chung chung trong việc nỗ lực một cách đầy đủ những phận vụ tương xứng của mình…

“Có lẽ ngày nay không đâu có một nhu cầu hiển nhiên về việc sử dụng xác đáng thẩm quyền chính trị cho bằng ở tình hình thê thảm của Trung Đông và Thánh Địa. Từ ngày này sang ngày khác, năm này sang năm khác, hậu quả chồng chất của việc loại trừ nhau một cách gay cấn, cùng với một chuỗi không ngừng tình trạng bạo loạn và trả đũa đã làm tiêu tán hết mọi nỗ lực cho đến nay trong việc dấn thân đối thoại nghiêm cẩn về những vấn đề thực sự xẩy ra. Tính cách mỏng manh của tình hình này còn được lồng vào một cuộc đụng độ về lợi lộc giữa những phần tử của cộng đồng quốc tế…

“Giữa hoạt động hòa bình và việc tôn trọng sự thật có một mối liên kết bất khả tách biệt… Những cuộc họp thượng đỉnh về chính trị ở cấp vùng và quốc tế sẽ góp phần xây dựng hòa bình chỉ khi nào những quyết tâm chung được mỗi phần tử tham dự bấy giờ tôn trọng mà thôi. Bằng không, những cuộc họp này có thể không thích hợp và hóa ra vô dụng, ở chỗ làm cho dân chúng càng ít tin tưởng hơn vào việc trao đổi và tin tưởng hơn vào việc sử dụng võ lực như đường lối giải quyết các thứ vấn đề. Những âm vang tiêu cực này về việc xây dựng hòa bình phát xuất từ những quyết tâm được dốc lòng sau đó không được tuân giữ cần phải được các vị lãnh đạo Quốc Gia và chính quyền cẩn thận thẩm xét.

“Hòa bình thực ra không phải là những gì liên quan đến cấu trúc mà là đến con người. Những thứ cấu trúc và guồng máy hòa bình, như về pháp lý, chính trị, kinh tế, dĩ nhiên là cần thiết và phải có, nhưng chúng đã không được phát xuất từ gì khác ngoài sự khôn ngoan và cảm nghiệm chồng chất của vô vàn những cử chỉ hòa bình được những con người nam nữ thực hiện suốt giòng lịch sử của mình, thành phần giữ niềm hy vọng chứ không chịu hàng đầu thất vọng. Những cử chỉ hòa bình ấy bắt nguồn từ đời sống của con người ôm ấp hòa bình trước hết trong lòng họ. Chúng là công cuộc của con tim cũng như của lý trí nơi những ai đi xây dựng hòa bình. Có thể thực hiện những cử chỉ hòa bình này nếu con người thực sự biết cảm nhận chiều kích cộng đồng nơi cuộc sống của mình, nhờ đó, họ nắm được ý nghĩa và thành quả của những biến cố trong cộng đồng riêng của họ cũng như trên khắp thế giới. Những cử chỉ hòa bình kiến tạo nên một thứ truyền thống và một thứ văn hóa hòa bình vậy”.

 


Ngày Tất Niên 31/12/2002
Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh, BVL
(Bài chia sẻ cho buổi phát thanh Vui Mừng Và Hy Vọng 51, 5/1/2003)

 

 




CÔNG BẰNG

Điều kiện sống bằng an với chính mình và tha nhân



Trần Mỹ Duyệt
 



Đề tài “Công Bằng” là một đề tài có liên quan chặt chẽ với những nan đề của xã hội và luân lý đạo đức. Chúng ta không đi sâu vào những khía cạnh chuyên biệt này, vì đã có rất nhiều khảo cứu, nhiều nhận định về vấn đề này. Do đó, chỉ xin đề cập đến công bằng như một điều kiện sống bằng an và thân thiện với chính mình, cũng như với những người chung quanh mà thôi.

Nhưng công bằng là gì? Và ai là những người thường ngày bị thiệt thòi, bị đối xử thiếu công bằng? Nhận xét đơn giản về công bằng, là hãy trả lại những gì thuộc về tôi cho tôi. Và hãy trả lại những gì của người khác hay thuộc về người khác cho họ. Đức Kitô trước đây 2000 năm cũng đã đưa ra đề nghị này khi nói với những người đến hỏi Ngài về một đề tài công bằng xã hội là việc nộp thuế. Ngài bảo họ: “Hãy trả cho Cesare những gì thuộc Cesare. Hãy trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa” (Mt 22:21). Một hình thức công bằng vừa có tính cách xã hội, vừa có tính cách nội tâm và tâm linh.

Có lẽ không ở đâu mà luật công bằng được áp dụng một cách hết sức chi ly, máy móc, và đôi khi đến lạnh lùng theo luật “mắt đền mắt, răng thế răng” (Mt 5:38) cho bằng tại Hoa Kỳ, một quốc gia vẫn tự hào là văn minh và nhân bản nhất thế giới. Chính vì quan niệm công bằng ấy, mà các dịch vụ bảo hiểm được coi là ăn khách và có thế lực ghê gớm. Giới nghèo thí ít nhất cũng phải có bảo hiểm sức khoẻ, bằng không thì đã có MediCal hoặc Medicare. Bảo hiểm xe là một thứ bắt buộc. Lái xe không có bảo hiểm là có thể bị treo bằng lái hoặc ngồi tù. Có hãng bảo hiểm còn đưa ra điều kiện rất kỳ cục. Thí dụ, con cái khi bước vào tuổi vị thành niên, thì buộc cha mẹ phải mua bảo hiểm cho chúng, dù chúng có lái xe hay không lái xe. Nếu không từ chối bằng giấy tờ, lập tức cha mẹ phải trả thêm tiền cho con và kể như người con ấy có tên trong bảo hiểm của gia đình. Cá nhân tôi, tôi đã gặp phải cảnh rắc rối này và đã mất bao nhiêu thời giờ, bao nhiêu cú điện thoại mới không bị hãng bảo hiểm làm phiền vì đã không ký vào tờ giấy có đồng ý hay không đồng ý bảo hiểm cho con mình. Tiếp tới, giới trung lưu thì bảo hiểm nhà, bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tài sản. Có những thứ bảo hiểm dành cho những người mua sẵn phòng hờ tai nạn, thất nghiệp, đau yếu, tàng tật, hoặc chết để có thể tiếp tục giữ được nhà, được xe, được tài sản. Riêng giới thượng lưu, lắm tiền, thừa của thì còn bảo hiểm cả cây đàn, ngón tay, bàn tay, cặp đùi, bộ ngực, hoặc hàm răng.

Hết bảo hiểm này đến bảo hiểm khác. Nhiều khi đồng tiền nhân công hàng tháng không đủ để chi phí cho những thứ lỉnh kỉnh, vô lý ấy. Phải chăng đây cũng là một lý do tạo nên tệ nạn làm biếng đi làm, hoặc thích sống bên lề cuộc sống của một số người. Đối với những người này, bệnh tật thì đã có chương trình y tế của chính phủ, còn nếu chết thì kể như hết truyện. Có đi làm thì cũng không đủ tiền trả bảo hiểm. Rõ ràng tại xứ sở văn minh này, con người đang bày đặt ra nhiều thứ để tự trói buộc mình và trói buộc nhau trong cuộc sống, nhân danh sự công bằng. Nhưng thực tế, thì chẳng có gì là công bằng. Người giầu có vẫn cứ giầu có, còn kẻ nghèo thì vẫn cứ phải ngày hai bữa quần quật với miếng cơm, manh áo. Chính ở xứ sở tự do này mà câu nói: “Lao động là vinh quang” mới lột tả đúng ý nghĩa của nó. Ở đây không làm thì không ăn, chỉ khác ở Việt Nam là có làm mà vẫn không có ăn.

Chưa thấy một đất nước nào mà con cái hàng xóm qua chơi nhà mình, trượt chân ngã mà chủ nhà phải ra tòa vì tội bất cẩn và không an toàn về nơi sinh sống. Chưa thấy một quốc gia nào mà chó hàng xóm bị chó nhà mình cắn, mà mình lại phải ra tòa và phải bồi thường cho vụ hai con chó cắn lộn, làm chó hàng xóm bị thương. Nhưng hiện tượng đang làm cho nhiều gia đình, nhiều cuộc sống hôn nhân phải tan nát, hoặc nơm nớp lo âu, đó là không biết lúc nào vợ mình hay chồng mình sẽ đâm đơn thưa kiện mình. Nhiều đứa con lười biếng, không muốn vâng lời cha mẹ, thì chỉ cần tạo nên một hiện tượng lạm dụng tình dục, hay bị cha mẹ hành hung là cả cha lẫn mẹ sẽ xách chiếu ra hầu tòa từ tháng này qua tháng khác, có khi từ năm này qua năm khác.

Tại sao lại phải có những thứ luật pháp vô lý ấy? Thưa, vì người ta nghĩ rằng đó là cách thức duy nhất để bảo đảm, và bảo vệ sự công bằng và quyền lợi cá nhân. Và câu hỏi ở đây là lương tâm con người, tình cảm con người, và lý trí con người ở đâu?! Phải chăng con người thời nay đã “mất đi ý thức tội lỗi”, đã ra lạnh lùng, và ích kỷ đến độ chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân. Điều bất hạnh là càng nghĩ ra nhiều cách thức để tự bảo vệ thì con người càng thấy mình lo sợ, và trở thành mục tiêu của những va chạm và mất an toàn. Có lẽ vì thế, mà tại Hoa Kỳ, con số những người bị các hội chứng tâm lý đã lên đến 14%. Lý do vì cuộc sống quá căng thẳng, lo lắng, và sợ sệt. Đi làm thì lo bị đuổi sở, làm chủ thì lo bị nhân viên kiện. Làm tổng thống, bộ trưởng, nghị sĩ, dân biểu, hồng y, giám mục, linh mục, bác sĩ, nha sĩ, giáo sư…ai ai cũng có thể là mục tiêu cho những vụ kiện cáo, nhân danh công bằng, nhân danh quyền lợi của người này, người khác. Chính những luật sư là những người lớn tiếng tranh cãi và đòi hỏi sự công bằng cho thân chủ, để rồi họ cũng là nạn nhân của những bất công, thiếu công bằng theo quan niệm ích kỷ và cá nhân chủ nghĩa đang chi phối hiện nay.
Tóm lại, khi con người nhân danh công bằng để nhằm thỏa mãn ích kỷ, thì không những họ không công bằng mà còn trở thành bất công đối với chính mình và với tha nhân nữa. Tôi nhớ một tư tưởng mà tôi đã có dịp đọc khi còn nhỏ, và tư tưởng này vẫn làm tôi suy nghĩ, nhất là đem áp dụng vào hoàn cảnh sống của con người thời nay, và riêng tại Hoa Kỳ. Tư tưởng ấy là: “Ở đâu có công bằng, ở đó không có bác ái”. Tư tưởng này mới đọc hoặc nghe qua thì không hợp tình, hợp lý, đôi khi vô lý. Nhưng suy nghĩ kỹ, ta mới thấy cái thâm thúy và ý nghĩa của nó.

Bản thân mỗi người, nếu cứ đòi hỏi phải thế này, phải thế khác. Không bằng lòng với chính mình. Không tha thứ, dễ dãi với mình. Không chấp nhận giới hạn của mình, sao ta có thể sống bằng an được với mình. Vì có ai nói được là mình hoàn toàn và tuyệt vời để tự thỏa mãn, và hạnh phúc với chính mình theo cái nghĩa của tuyệt đối!

Trong tương quan xã hội, khi con người càng ích kỷ, càng muốn bao che, và càng muốn kiếm tìm cho mình những lợi ích bao nhiêu, thì càng xâm lấn, và càng đi tới tư tưởng và hành động cạnh tranh với những người chung quanh bấy nhiêu. Nếu cái gì ta cũng nhân danh công bằng, nhân danh quyền lợi để ăn thua đủ, để sòng phẳng, để lạnh lùng với những người chung quanh, sao ta có thể gọi là người có tấm lòng rộng rãi, vị tha. Nếu người chồng, người vợ cứ phải đòi cho mình tất cả những gì mình muốn, sao gọi là yêu thương, săn sóc, và hy sinh cho nhau. Ai cũng chỉ nghĩ đến mình, lấy ai săn sóc cho nhau. Người con, nếu chỉ lo lắng đến lợi ích riêng mà bỏ quên cha mẹ, không hy sinh đôi chút thời giờ thăm hỏi, đôi chút tiền của để giúp đỡ cha mẹ, sao gọi là hiếu thảo.

Tóm lại, tuy con người cần được bảo vệ và đối xử công bằng. Nhưng nhân danh công bằng để sống ích kỷ, hoặc lạnh lùng với tha nhân thì đó chỉ là một thứ công bằng “mắt đền mắt, răng thế răng”, một thứ công bằng của những bất công xã hội. Trong cuộc sống thường ngày, cái làm cho con người được bằng an, được bảo đảm không phải là thái độ sòng phẳng mà ta tự cho là công bằng. Cũng không phải là các hãng bảo hiểm, mà chính lương tâm mình, và do chính những người thường ngày mình giao tiếp. Việt Nam ta có câu: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” để nói lên tương quan xã hội trong cuộc sống. Nếu không bằng an được với mình, không bằng an được với những người láng giềng mình, thì có mua mấy thứ bảo hiểm, và có đặt hệ thống báo động an toàn tối tân mấy đi nữa, chắc chắn ngủ vẫn không ngon giấc.