Khôn Ngoan
Cốt Lõi Khôn Ngoan
Theo thường tình, nói đến khôn ngoan, trước hết, là nói
đến kiến thức, nói đến một trình độ thông hiểu của con người. Một con người hiểu
biết, hầu như cái gì cũng biết, thường được gọi là con người khôn ngoan. Đó là
lý do khôn ngoan chẳng những cho thấy mức độ tăng trưởng của con người, về cả
thể lý lẫn tâm lý, thường được gọi là khôn lớn, mà còn cho thấy cả mức độ lão
thành của con người nữa, thường được gọi là lão luyện, sành đời. Như thế, khôn
ngoan, về thực tế, còn liên quan đến cả cách cư xử ở phương diện xã hội cũng như
cách giải quyết ổn thỏa cho những trục trặc trong đời sống. Bởi thế, một con
người thông minh trí thức, bằng cấp đầy mình, danh cao chức cả, ăn mặc sang
trọng, mặt mũi sáng sủa v.v., nếu không biết xử thế, không biết cách đương đầu
với những đụng độ với đời, vẫn không được kể là một con người khôn ngoan, trái
lại, vẫn có thể bị người đời che cười, khinh khi, nguyền rủa, và gặp thảm bại.
Đó là lý do, nếu công bằng liên quan đến nguyên tắc làm người thế nào thì khôn
ngoan liên quan đến đường lối làm người như vậy.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, giữa công bằng và khôn ngoan còn có một khoảng cách.
Ở chỗ, có những trường hợp theo công bằng, tức theo nguyên tắc hay theo lý thì
đúng, nhưng theo khôn ngoan, tức về phương diện hành sử hay theo tình thì không
hợp, nếu không muốn nói là thất sách, nên dù lý đúng nhưng việc lại không thành.
Bởi vậy, con người thành toàn chẳng những là một con người chính trực, một con
người sống đức công bằng, mà còn phải là một con người thiện hảo, một con người
sống đức khôn ngoan nữa. Dầu sao, căn bản mà nói, cũng phải công nhận là bất cứ
những gì con người làm có tính cách bất công đều là những hành động bất khôn, vì
những hành động bất khôn ấy phạm đến sự thật làm người, phạm đến nguyên tắc phổ
quát làm người. Nói cách khác, tất cả những gì con người làm bất xứng với phẩm
giá của mình đều là những hành động bất khôn. Như thế, khôn ngoan chẳng qua chỉ
là cách thức làm người đúng với phẩm giá phổ quát đại đồng của con người. Do đó
mới có câu tri kỷ tri bỉ: Khôn ngoan nhất là ở chỗ biết mình và biết người.
Ngoài ra, khôn ngoan chẳng những liên quan cả đến cách thức lẫn phương tiện hành
động mà còn, bởi đó và từ đó, liên quan cả đến thành quả của việc họ làm. Có thể
nói, căn cứ vào thành quả người ta đi đến chỗ xác định được việc nào là việc làm
khôn ngoan, và việc nào là việc bất khôn. Và chính vì khôn ngoan liên quan mật
thiết đến thành quả của việc làm như thế mà, đến đây, khôn ngoan lại liên quan
cả đến lợi lộc của con người. “Khôn sống mống chết” là thế. Đó là lý do, theo
tâm lý bình thường, ai làm điều gì bất lợi cho họ đều được coi là những người
ngu ngốc, những người khờ dại v.v.
Vậy nếu khôn ngoan là cách thức làm người đúng với phẩm giá phổ quát đại đồng
của con người, và khôn ngoan liên hệ mật thiết đến lợi lộc của con người, thì
khôn ngoan quả thực được hiện thân sống động nơi văn hóa của con người. Con vật
dù tinh khôn mấy đi nữa, như loài chó săn được con người sử dụng để truy lùng
thủ phạm, hoặc loài khỉ được con người huấn luyện để làm xiệc v.v., thì những
tác động tinh khôn ngoại thường của loài vật này cũng không thể nào được gọi là
văn hóa hay đáng gọi là văn hóa cả. Về phần con người, tại sao con người ngày
nay không còn ăn lông ở lỗ, không còn sống theo những tục lệ man di mọi rợ,
không còn sống theo tục lệ đa thê nơi hôn nhân gia đình, hay không còn tiếp tục
chế độ quân chủ chuyên chế ở lãnh vực chính trị xã hội, nếu không phải là vì con
người đã càng ngày càng trở nên khôn ngoan hơn.
Thế nhưng, ba vấn đề thực tế cần được đặt ra ở đây là: Thứ nhất, phải chăng văn
hóa nói chung, và văn hóa của con người văn minh ngày nay nói riêng, là tất cả
kho tàng khôn ngoan ngàn đời của nhân loại? – Vậy thì tại sao lịch sử con người
văn minh hiện đại lại có một thứ văn hóa được Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi là
“văn hóa sự chết”! Thứ hai, phải chăng tất cả những gì con người giải quyết mang
lại lợi ích thiết thực cấp thời ngay trước mắt đều là những gì khôn ngoan?? –
Vậy thì tại sao lại xẩy ra tình trạng xung khắc kịch liệt giữa khuynh hướng pro
choice phò quyền tự quyết và trào lưu pro life phò sự sống như ở Hoa Kỳ từ trước
đến nay! Và thứ ba, phải chăng thảm bại, nhục nhã, thua kém v.v. đều là hậu quả
của những gì vốn bị người đời cho là do ngu dại, là bởi bất khôn mà ra??? – Vậy
thì tại sao trong xã hội lại có những người bỏ đi tu, những người được thế gian
vừa trố mắt tiếc vừa lắc đầu chê là “đẹp trai hay xinh gái như thế mà lại bỏ đi
tu, thật là uổng”, thế mà, thực tế cho thấy, trong số những con người sống kiếp
đời uổng phí đó lại không phải vì chán đời cho bằng yêu đời; họ yêu đời đến nỗi
họ chẳng những dấn thân phục vụ xã hội loài người nói chung và thành phần bất
hạnh nói riêng ở mọi lãnh vực, nhất là lãnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe,
mà còn dám hy sinh cả mạng sống mình để bênh vực quyền lợi của anh chị em bị đàn
áp và bóc lột của mình nữa, kết quả là, những vụ ám sát thành phần này đã và
đang không ngừng và không ít xẩy ra ở Phi Châu và Nam Mỹ Châu!
Bởi vậy, với một lương tâm chân chính, con người thành tâm thiện chí có thể giải
quyết dứt khoát ba vấn đề được đặt ra trên đây một cách hết sức rõ ràng minh
bạch như thế này. Nếu thực sự khôn ngoan là cách thức làm người đúng với phẩm
giá phổ quát đại đồng của con người, thì tất cả những thứ văn hóa nào, những
phản ứng, những giải quyết, những tác hành nào phạm đến phẩm giá của con người,
tức phản lại sự thật làm người, đều là bất khôn. Trái lại, bất cứ thứ văn hóa
nào, bất cứ phản ứng, tác hành, giải quyết nào, hợp với phẩm giá của con người,
hợp với sự thật làm người, thì dù có bị thiệt hại, có vẻ ngu xuẩn trước mắt thế
gian, có vẻ thất sách bất lợi cho cá nhân con người, cũng thực sự là và phải
được kể là những gì khôn ngoan.
Như thế, nếu xác tín trên đây không sai thì khôn ngoan bao gồm cả ba lãnh vực,
kiến thức của trí khôn, chọn lựa của lòng muốn và đường lối của việc làm. Nếu
thiếu một trong ba yếu tố này, con người không thể sống khôn ngoan và trở nên
một con người khôn ngoan. Thật vậy, khôn ngoan không phải chỉ ở mức độ con người
thông hiểu, biết phân biệt phải trái, đúng sai về sự vật hay sự việc, cũng như ở
tác động con người nhờ đó biết chọn lành bỏ dữ, chọn tốt bỏ xấu, chọn lợi bỏ hại,
mà còn ở tại cả việc con người theo đó biết tìm được những cách thế hoặc phương
tiện hay nhất, khéo nhất, hợp nhất để đạt được mục tiêu hành động, đạt được mục
đích làm người, nhất là để đạt được cùng đích của cuộc đời. Như những gì vừa
nhận định và phân tích, khôn ngoan tự bản chất chính là tác động biết, nơi cả ba
lãnh vực trí khôn, lòng muốn và việc làm. Áp dụng nguyên tắc khôn ngoan hay tiêu
chuẩn thẩm định thế nào mới thực sự là khôn ngoan trên đây vào thực tế, chúng ta
liền thấy đâu là khôn ngoan, là chân thực, và đâu là bất khôn, là dại dột. Chẳng
hạn những trường hợp điển hình thực tế sau đây, liên quan đến chính trị xã hội,
đến kỹ thuật khoa học, và đến giáo dục học đường.
Chân Dung Khôn Ngoan
Trước hết là trường hợp khôn ngoan về phương diện chính trị xã hội. Như lịch sử
hiện đại cho thấy, về lãnh vực kinh tế, thế giới này đang được chia ra làm ba
giai cấp rõ ràng: Giai cấp thứ nhất bao gồm các quốc gia thuộc loại tân tiến,
tiêu biểu nhất là Hoa Kỳ; giai cấp thứ hai bao gồm các quốc gia thuộc loại đang
tiến, tiêu biểu nhất là Đại Hàn; và giai cấp thứ ba là các quốc gia thuộc loại
chậm tiến, còn được gọi là các quốc gia thuộc đệ tam thế giới (third world
countries), bao gồm các quốc gia thuộc Nam Bán Cầu, nhất là ở Phi Châu và Nam Mỹ
Châu, Việt Nam hiện nay cũng được kể là một quốc gia chậm tiến tiêu biểu nhất.
Các quốc gia tân tiến giầu thịnh thường thực hiện những chương trình được gọi là
“viện trợ nhân đạo” cho các nước chậm tiến nghèo khổ. Tự bản chất và về hình
thức thì các chương trình “viện trợ nhân đạo” này là những hành động khôn ngoan
tuyệt hảo, xứng đáng nói lên văn minh nhân bản của con người, và do đó thực sự
thuộc về kho tàng văn hóa cao quí của con người. Tuy nhiên, nếu chương trình
“viện trợ nhân đạo” này lại bị các quốc gia tân tiến lạm dụng để áp đặt chính
sách tân thực dân đế quốc một cách khéo léo trên các quốc gia chậm tiến, bằng
việc các nước tân tiến có ý đồ muốn dùng kinh tế điều khiển guồng máy chính trị
của các nước được viện trợ, muốn khai thác tài nguyên của các nước nợ nần ân
nghĩa viện trợ của mình, nhất là muốn biến các tiểu nhược quốc mồi ngon thành
một thị trường tiêu thụ cho những thứ sản xuất thặng dư của họ, những thứ thay
vì đổ đi thì đem viện trợ.
Đó là lý do, vấn đề viện trợ nhân đạo được ban thí nhiều ít còn tùy ở lợi lộc đủ
thứ thu được của các quốc gia tân tiến. Những quốc gia chậm tiến nào không có
tài nguyên để khai thác, những tài nguyên hấp dẫn như các mỏ dầu hỏa ở các quốc
gia thuộc thế giới Ả Rập chẳng hạn, hay ít là không chịu trở thành thị trường
tiêu thụ cho họ, không chịu để họ chi phối về chính trị, như trường hợp Việt Nam
thời Đệ Nhất Cộng Hòa chẳng hạn, liền bị cúp hay giảm viện trợ nhân đạo, hay còn
bị cấm vận bởi những lý do chính trị nữa, như trường hợp Iraq trong hơn một thập
niên từ sau Cuộc Chiến Vùng Vịnh 1990-1991. Cái chết của một Tổng Thống Ngô Đình
Diệm năm 1963, trước mắt những kẻ tham quyền cố vị, cho dù có là một cái chết
uổng phí, một cái chết ngu xuẩn, nhưng chí khí bất khuất của vị nguyên thủ quốc
gia này không chịu ngoại bang hùng mạnh chi phối nội bộ quốc gia của mình, đối
với thành phần ái quốc chân chính, lại là một quyết định khôn ngoan của một lãnh
tụ thần tượng. Quyết định tấn công xâm lược Kuwait của Tổng Thống Saddam
Hussein, từ đó, đã khiến cho nhân dân của ông bị Liên Hiệp Quốc cấm vận khốn khổ
về kinh tế, thật sự là một quyết định sai lầm và bất khôn, thế nhưng, vì lỗi lầm
của một cá nhân mà cả một dân tộc Iraq phải chịu trừng phạt bởi cấm vận như thế,
thì việc cấm vận này có công bằng, hợp tình hợp lý hay chăng, hay cũng bất khôn
chẳng hơn gì quyết định tấn công Kuwait của Tổng Thống Saddam Hussein? Hiện
tượng Hoa Kỳ là một siêu cường quốc viện trợ khắp thế giới lại bị khủng bố tấn
công nhất thế giới đã cho thấy những chính sách ngoại giao của họ đối với các
tiểu nhược quốc được họ vung tay giúp đỡ từ trước tới nay là khôn ngoan hay bất
khôn?
Sang đến lãnh vực kỹ thuật khoa học, không ai có thể chối cãi con người đang ở
trong một thời đại tối văn minh tân tiến về vật chất. Ngoài những phát minh kỹ
thuật tân kỳ về lãnh vực truyền thông xã hội, truyền thanh, truyền hình và
truyền liệu (intenet), một lãnh vực đã biến thế giới loài người ở khắp Năm Châu
Bốn Bể, ở hang cùng ngõ hẻm trên trái đất, hết sức xa xôi cách trở trước đây vào
thời thám hiểm tân thế giới, trở thành một ngôi làng hoàn vũ (global village),
còn phải kể đến những khám phá của khoa học về lãnh vực truyền sinh di giống
(genetics), trong đó có các thứ kỹ thuật tạo sinh ngoại nhiên vô tiền khoáng hậu,
như bằng phương pháp cấy thai trong ống nghiệm, hoặc theo kiểu cloning phi tính
dục. Vấn đề được đặt ra là khi thực hiện những kỹ thuật tạo sinh ngoại nhiên này,
con người có khôn ngoan hay chăng? Đối với thành phần khoa học gia theo chủ
nghĩa duy thực dụng (utilitarialism) thì đây là những việc làm khôn ngoan, bởi
vì những kỹ thuật này, như kỹ thuật cấy thai trong ống nghiệm hay vào tử cung
của một phụ nữ, là để giúp giải quyết vấn đề bất lực truyền sinh của các đôi vợ
chồng, hay như kỹ thuật tạo sinh phi tính dục, là để giúp vào việc tạo sinh cải
giống (eugenics).
Thế nhưng, theo giới hạn tự nhiên của mình, không phải bất cứ những gì con người
làm được về khả năng tự nhiên đều là những gì con người được làm theo quyền hạn
luân lý. Chẳng hạn, con người có thể sinh con đẻ cái theo phái tính và khả năng
sinh dục của mình, nhưng không phải vì thế mà con người được quyền hay được phép
giao hợp với bất cứ một ai ngoài vợ hay chồng chính thức của mình để có con. Nếu
quả thực sau này con người có thể sử dụng kỹ thuật phi tính dục tạo sinh ra con
người thì con người quả thực đã tiến đến chỗ không còn cần đến đời sống hôn nhân
và cơ cấu gia đình nữa, những yếu tố thiết yếu làm nên xã hội loài người. Một
khi nền tảng xã hội là hôn nhân và gia đình bị hủy hoại, khiến cả xã hội loài
người hoàn toàn bị sụp đổ hay hỗn loạn, thì việc thực hiện những kỹ thuật tạo
sinh ngoại nhiên là việc làm có lợi hay có hại, là việc khôn ngoan hay bất khôn.
Nếu thực sự là việc khôn ngoan, thì việc tạo sinh con người chẳng những phải hợp
với luật tự nhiên, tức bằng việc giao hợp giữa hai con người nam và nữ, mà còn
phải hợp với nhân bản xã hội nữa, tức phải được thực hiện trong giới hạn hôn
nhân, nghĩa là phải bởi tình yêu thương nhau và tự hiến mình cho nhau của hai
con người nam nữ vợ chồng.
Về lãnh vực giáo dục học đường tại Hoa Kỳ hiện nay, người Việt Nam chúng ta thấy
không còn vấn đề “tiên học lễ hậu học văn” như ở Việt Nam ngày xưa nữa. Tại học
đường Mỹ Quốc không còn vấn đề công dân giáo dục hay còn khoa đức dục nữa, mà
chỉ hoàn toàn thuần túy chuyên chú vào việc truyền thụ về kiến thức khoa học mà
thôi. Phải chăng, vì việc giáo dục đạo đức đã bị coi thường ngay tại học đường
như thế, mà giới trẻ lại là tương lai của xã hội, xã hội Hoa Kỳ càng ngày càng
có những hiện tượng lạ, nếu không muốn nói là quái gở. Chẳng hạn sự kiện dân
chúng được phép đốt cờ quốc gia, (tôi đã thấy những chiếc quần cộc với hình cờ
quốc gia làm nổi nang cả bộ mông người mặc); hay hiện tượng con cái bị mồ côi
bất đắc dĩ, tức là cha mẹ còn sống đó nhưng con cái không được quyền sống chung
với cả hai, vì cha mẹ ly dị; hoặc sự kiện con người đồng phái tính được quyền
lập gia đình với nhau; kể cả hiện tượng con người lúc nào cũng bất an, chẳng
những liên quan đến các thứ bảo hiểm nhà cửa, xe cộ, sức khỏe, tuổi thọ, bảo vật,
mà còn liên quan cả đến các thứ tự bảo hiểm phòng thân khác như thuốc ngừa thai,
bọc cao xu vì sợ có thai, sợ bị chứng liệt kháng AIDS.
Vì chứng liệt kháng đang lan tràn và vô cùng nguy hại đến cá nhân cũng như xã
hội, ngoài ra còn hiện tượng giới trẻ hoang thai quá nhiều, học đường Hoa Kỳ đã
có những chương trình dạy về tính dục sex education, để cả nam lẫn nữ đề phòng
khỏi bị chứng liệt kháng, và để riêng nữ có thể đề phòng khỏi bị mang bầu. Qua
chương trình dạy về tính dục tại học đường này, người lớn đã chỉ cho lứa tuổi
học sinh dậy thì đang rạo rực tình dục và dồi dào sinh lý, lại đầy tò mò và muốn
thử nghiệm này, những kỹ thuật ngừa thai và phương cách làm tình an toàn (safe
sex). Vần đề ở đây là việc dạy cho giới trẻ học sinh về những kỹ thuật làm tình
an toàn này có phải là việc làm khôn ngoan hay chăng, hay là một việc bất khôn.
Căn cứ vào hậu quả của việc làm, vấn đề dạy cách làm tình an toàn cho giới trẻ
học sinh chẳng những không làm giảm bớt hoang thai mà còn tăng hơn nữa, như
thống kê cho thấy, thì việc này là một việc bất khôn, việc có hại hơn có lợi,
việc phá hoại hơn là xây dựng. Tại sao có một cách an toàn nhất và xứng với phẩm
giá con người nhất, một phương pháp tuyệt đối hiệu nghiệm, tức một phương pháp
khôn ngoan nhất, tốt đẹp nhất, giúp cho con người có thể giữ mình khỏi cả hoang
thai lẫn chứng liệt kháng, đó là giới trẻ giữ mình trinh khiết, tránh những thứ
yêu cuồng sống vội, và người lớn giữ mình trong sạch, vợ nào chồng ấy, con người
lại không làm: không chịu làm hay không dám làm? Phải chăng vì con người văn
minh ngày nay, làm được hầu như mọi sự về kỹ thuật, đang quay cuồng với chủ
nghĩa hưởng thụ (consumerism), nên không thể chống trả cám dỗ, không thể làm chủ
được bản thân mình, một tình trạng liên quan đề vấn đề tiết độ sẽ được bàn đến
trong bài chia sẻ lần tới…
Tóm lại, một hành động khôn ngoan chính là một hành động hợp với nguyên tắc luân
lý phổ quát, một nguyên tắc về thực tế được bao gồm 3 yếu tố: việc tốt, ý lành
và cách hợp. Thiếu một trong ba yếu tố này không hành động nào của con người hội
đủ điều kiện trở thành một hành động tốt, một hành động khôn ngoan, vì không hợp
với sự thật làm người, không phản ảnh nhân phẩm làm người và bất xứng với nhân
cách làm người. Việc tốt ở đây phải là việc tự bản chất tốt, như việc trợ nhân
đạo của các quốc gia tân tiến đối với các quốc gia chậm tiến; còn việc tự bản
chất xấu, như việc tạo sinh hoang thai hay việc tạo sinh ngoại nhiên phi tính
dục, dù có ý lành, vẫn là việc xấu. Ý lành, như mục đích của hành động là để
giúp cho giới trẻ khỏi hoang thai và cho người lớn khỏi chứng liệt kháng; nhưng
mục đích này phải được thực hiện bằng những phương thức hay phương tiện thích
hợp nữa mới được. Cách hợp, như dạy cho giới trẻ học sinh biết giữ mình trinh
khiết hay cho người lớn biết giữ mình trong sạch; chứ không phải dạy cho con
người làm tình an toàn theo phương pháp kỹ thuật có tính cách dung túng tình dục,
đưa đến những tác động ân ái thuần nhục dục và vô trách nhiệm, hoàn toàn phản
lại bản chất của tính dục hướng về hôn nhân thủy chung và sự sống lành thánh.
Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh, BVL
(Bài chia sẻ cho buổi phát thanh Vui Mừng Và Hy Vọng 52, 12/1/2003)
K H Ô N N G O A N
Đức tính cần thiết để sống
Trần Mỹ Duyệt
“Khôn ngoan dẫn đầu mọi nhân đức”. – Khôn ngoan, công bằng, đại đảm, tiết độ.
Bốn đức tính của bậc thánh nhân, quân tử.
Con người trưởng thành là con người biết dùng lý trí và hiểu biết để tiết độ và
kìm hãm những bản năng và dục vọng bất chính. Thí dụ, tham, sân, si hoặc hỷ, nộ,
ai, cụ, ái, ố, và dục. Biết lúc nào cần phải nhường, và biết chừng mực. Không
tiết độ, con người sẽ trở thành buông túng, tháo thứ và vô trật tự. Hễ đói thì
ăn, hễ khát thì uống, và hễ buồn ngủ thì lăn ra ngủ… không cần biết mình ăn gì,
uống gì, ngủ ở đâu. Và cũng không cần biết mình ăn như thế nào, uống như thế nào,
và lấy của ăn, thức uống ấy từ đâu và bởi ai. Aên, uống, ngủ, nghỉ như thế là
một hành động bản năng. Đây mới chỉ là giai đoạn đầu của tiến trình phát triển
tâm sinh lý. Do đó, người hành xử như vậy, gọi được là người thiếu trưởng thành
về mặt tâm lý.
Tiết độ, chừng mực, nhưng nhát đảm, sợ sệt thì vẫn không thể thành công, và
không đủ tự tin để quyết định những việc làm cần thiết. Nhát đảm, do đó, cũng là
một triệu chứng của tâm lý bệnh hoạn, một hội chứng có tên là low self-esteem –
thiếu tự tín. Tuy nhiên, bạc nhược, thiếu tự tin khác với liều lĩnh, bất cần. Nó
cũng không phải là một hành động đi ngược lại với khiêm tốn và dịu dàng. Người
khiêm tốn và dịu dàng vẫn có phong thái riêng của mình. Khi cần vẫn phải nói
tiếng “có” cũng như tiếng “không” và không buông xuôi, sợ hãi, hoặc hống hách,
kiêu căng, phách lối.
Tiếp đến là công bằng, một đức tính liên quan không những đến lương tâm, mà còn
ảnh hưởng nhiều đến đạo đức xã hội. Không tham lam, chộp giật. Không bần tiệt,
keo kiết. Biết trả lại của người những cái thuộc về người. Người cao thượng và
chính nhân khi ở trong tư thế của người thủ lãnh, không dành phần hơn, và không
chấp nhận hối lộ, xua nịnh. Ngược lại, không hách dịch, chuyên quyền, và cưỡng
bức người dưới. Không để tỳ tích cá nhân ảnh hưởng việc chung, nhưng biết khuyến
khích, cổ võ, và nâng đỡ người dưới. Trong tâm lý điều hành, người ta cũng đề
cập đến một khía cạnh tích cực của hành động cổ võ, nâng đỡ và khích lệ những
nhân viên dưới quyền như một nghệ thuật điều hành có tâm lý.
Đề cập đến khôn ngoan, người Việt Nam có câu: “Khôn cũng chết, dại cũng chết, hễ
biết thì sống”. Tuy câu nói này có cái nghĩa chua chát và tiêu cực để bào chữa
cho những hành động nhất thời, xua nịnh của những kẻ bán rẻ lương tâm và thiếu
tự trọng. Nhưng nếu hiểu theo một nghĩa tích cực nào đó, tức là sự hiểu biết và
suy luận với tâm trí khôn ngoan, cũng có thể giúp tránh né được những bất trắc
và nguy hiểm. Như vậy, đối với những kẻ khôn lỏi, khôn ranh và khôn vặt. Hoặc
những kẻ xua nịnh, luồn cúi không được xếp vào hàng những người hành xử khôn
ngoan. Vì khôn ngoan là một nhân đức, một đức tính của những thánh nhân, quân tử.
Khôn ngoan, do đó, không chỉ là việc xử dụng lý trí, và đầu óc để mong chiếm
đoạt, hoặc toan tính một việc gì có lợi cho mình, nhưng còn là một nhân đức. Chỉ
số thông minh của một người vì thế không định vị mức độ khôn ngoan theo chiều
hướng nhân đức. Thực tế cho thấy nhiều người rất thông minh, nhưng không dùng sự
thông minh ấy theo sự hướng dẫn của lương tâm. Không dùng thông minh của mình để
giúp đời, và làm đẹp cho đời. Ngược lại, đã dùng trí thông minh của mình để
hưởng thụ, để thỏa mãn tính kiêu căng, hoặc để tự phụ, tự mãn.
Như vậy không hẳn hành động được thừa nhận bằng chủ quan tính của mỗi người là
một hành động khôn ngoan. Có những người cho mình là khôn ngoan bằng cách thu
tròn, tránh né, và không dám làm mất lòng ai. Những người này nghĩ rằng làm như
vậy là khôn ngoan, và sẽ được mọi người kính nể. Nhưng càng cố gắng vo tròn và
tránh né, họ càng gặp nhiều chống đối và càng dễ bị sứt mẻ. Một hòn đá, tuy có
góc cạnh nhưng chính nhờ góc cạnh của nó mà nó nằm im, vững vàng một chỗ, và
không gây phiền phức. Hoặc nó chỉ trở thành đối tượng của phiền phức khi có
người hoặc vật nào vô tình hay hữu ý đụng phải nó. Ngược lại, một trái banh vì
tròn trĩnh, nên dễ lăn, dễ dụng chạm, và do đó, dễ gây phiền phức và khó chịu.
Tóm lại, cái mà người này cho là khôn, thì không hẳn là cái mà ta phải bắt chước,
hoặc ngược lại. Điều này cho phép ta nghĩ rằng dù mình là ai, là thế nào đi nữa,
rồi cũng gặp phải một số chống đối, khó chịu của người này, người khác. Và đó là
lý do khôn ngoan cần thiết để hướng dẫn sự công bằng, khả năng chịu đựng, và
hành động tiết độ của mình để ta biết sống bình an với mình và với những người
chung quanh. Hành động khôn chưa hẳn là ngoan, hay ngược lại.
Đi vào thực hành, tuy khôn ngoan dẫn đầu các đức tính như vừa kể, nhưng khởi đầu
của khôn ngoan lại là “lòng kính sợ Thiên Chúa”. Đúng vậy, nếu không tin tưởng
và không kính sợ Thượng Đế, thì không có gì có thể kìm hãm tính tham lam, vô độ,
tính ghen tương, tính cao ngạo, và những thèm khát dụng vọng nơi con người.
Chính những thứ này sẽ dẫn đến những bất công xã hội, những đổ vỡ gia đình, và
những buông túng cá nhân. Vì thế mà kính sợ Thiên Chúa không những là một nhân
đức có căn rễ nơi tôn giáo, mà còn là một hành vi tâm lý giúp ổn định và tăng
trưởng cuộc sống. Trong hôn nhân gia đình chẳng hạn, nếu người chồng, người vợ
không còn tin tưởng, và kính sợ Thiên Chúa, không còn theo tiếng lương tâm chỉ
bảo, thì sẽ không một luật lệ nào, không một lời thề hứa nào có thể gắn bó và
ràng buộc hai người mỗi khi có những xung khắc về tính tình, về tâm lý và về
những ý kiến khác biệt. Đó là chưa kể đến những thu hút, cám dỗ đến từ những
nguyên nhân bên ngoài gia đình.
Tóm lại, không phải là chỉ số thông minh; cũng không phải là luật lệ nghiêm khắc,
mà chính là do sự kính sợ Thiên Chúa. Sợ Đấng ngự trên cao. Sợ Thượng Đế mới có
khả năng giúp con người sống khôn ngoan. Nhiều triết gia, nhiều nhà khoa học,
hoặc nhiều kẻ vô thần đang cố công khai trừ Thượng Đế ra khỏi cuộc sống họ và
cuộc sống nhân loại. Nhưng một điều xem ra tương phản là người ta càng hô hào,
đả phá Thượng Đế. Càng cố tình quên Ngài trong cuộc sống, thì sự hiện diện của
Ngài lại càng như gắn liền với số mệnh cuộc đời của mỗi người và của toàn thể
nhân loại. Mới đây, tuần trước một số khoa học gia tại Hoa Kỳ đã tuyên bố về kết
quả một phát minh trong ngành sản sinh vô tính nơi loài người. Một bé gái tên
Evà đã được sinh ra bằng phương pháp sản sinh vô tính dục. Người khen, kẻ phê
bình. Nhưng chắc chắn một điều là ngay cả những nhà khoa học ấy thì cũng không
từ lỗ nẻ ở đất chui lên, hoặc từ trên trời rơi xuống. Họ cũng đã được sinh ra
bởi cha mẹ, và được nuôi dưỡng để rồi khi lớn lên lại một hình thức nào đó phủ
nhận sự có mặt của cha mẹ mình ngay chính trong cuộc đời mình. Đó không phải là
khôn ngoan. Như vậy, càng kính sợ Thiên Chúa, con người càng khôn ngoan, và càng
khôn ngoan thì con người càng nhận ra rằng không thể tự mình mà có, mà là do
Thiên Chúa tạo dựng nên. Và trong sứ mạng kiếm tìm Ngài, cũng như trên hành
trình cuộc sống, con người phải dùng sự hiểu biết của mình, trí thông minh của
mình và tài năng của mình để khám phá ra sự hiện diện của Ngài, cũng như để giúp
làm đẹp cuộc đời.