Tiết Độ
Nếu công bằng liên quan đến nguyên tắc làm người, và khôn ngoan liên quan đến
đường lối làm người, thì tiết độ liên quan đến tính cách làm người. Nếu tiết độ
là mức độ điều hòa, trung dung, quân bình nơi tư cách của con người, thì tất cả
những gì là thái quá bất cập, là quá đà quá mức, đều phản lại với nhân đức tiết
độ này. Mà tội lỗi là những gì con người vượt biên, vượt quá giới hạn quyền lợi
hay quyền hạn của mình, do đó, tội lỗi tự bản chất có tính cách vô độ, nghịch
với tiết độ. Chưa hết, tội lỗi còn là những gì con người làm phạm đến sự thật
làm người, tức đến đức công bằng, ở chỗ con người đã không sống đúng với thân
phận và trách vụ của mình, nên con người sống theo tội lỗi, hay sống buông thả,
sống vô độ, cũng là những con người bất công, hay nói ngược lại, con người bất
công cũng là con người sống vô độ. Còn nữa, vì tội lỗi làm hại đến con người,
chẳng những làm cho chính bản thân con người phạm tội mất hay giảm phẩm giá, mà
còn có thể làm thiệt hại về một phương diện nào đó cho nạn nhân bị tội lỗi xúc
phạm đến, do đó, nó cũng phạm đến cả nhân đức khôn ngoan nữa. Bởi thế, hành động
vô độ cũng là những gì bất khôn, bởi thế mới có câu “cả giận mất khôn”, hay
ngược lại, bất cứ một hành động bất khôn nào cũng đều có tính cách vô độ, bởi
thế người ta thường nói “đừng có dại mà đâm đầu vào” - tứ đổ tường chẳng hạn.
Vậy nếu ba nhân đức công bằng, khôn ngoan và tiết độ có một liên hệ mật thiết
với nhau như thế, thì con người tiết độ chính là và phải là một con người công
bằng và khôn ngoan, hay nói ngược lại, con người công bằng và khôn ngoan chính
là và phải là một con người tiết độ.
Thật vậy, nếu nói đến vô độ hay quá độ là nói đến xu hướng bản năng tự nhiên,
một xu hướng thường dẫn con người yếu đuối đến chỗ mù quáng sống buông tuồng mất
nết, đam mê nhục dục, ngông cuồng tham vọng, thì nói đến tiết độ là nói đến một
tình trạng bình an tự tại, một trạng thái giúp con người sống điều độ chừng mực,
thản nhiên khoan nhã, thậm chí đạt đến chỗ siêu thoát thế tục. Từ nhận định và
phân tích này, có ba vấn đề được đặt ra ở đây là: Phải chăng đam mê là xấu, vì
thực tế cho thấy nó là động lực khiến con người sống vô độ? Phải chăng siêu
thoát thế tục là mức độ cao nhất của nhân đức tiết độ?? Và con người phải làm
thế nào để có thể sống tiết độ???
Phải chăng đam mê là xấu, vì thực tế cho thấy nó
là động lực khiến con người sống vô độ?
Trước hết, đam mê thường đi chung với nhục dục, gọi là “đam mê nhục dục”. Nghĩa
là tình trạng con người lúc nào cũng tìm kiếm những lạc thú về xác thịt, say sưa
với tửu sắc v.v. Ngoài ra, đam mê cũng có thể đi liền với dục vọng, gọi là đam
mê dục vọng. Nghĩa là tâm trạng con người ôm ấp trong lòng đầy những tham vọng
về tiền tài, danh giá, quyền lực v.v. và tìm hết cách, kể cả hạ sách đê hèn hay
bất chấp thủ đoạn, để đạt cho bằng được tham vọng bất khả chế ngự của mình. Chưa
hết, về khía cạnh sinh hoạt, đam mê còn đồng nghĩa với say mê. Chẳng hạn say mê
học hành đến không thiết gì đến vấn đề giải trí, hay say mê nghiên cứu khoa học
đến không còn thiết gì đến ăn uống, say mê xem phim bộ Trung Hoa đến không còn
biết đến ngủ nghỉ là gì nữa v.v. Như thế, đam mê ở đây tự bản chất không phải là
một trong bộ thất tình, ái, ố, hỉ, ai, nộ, cụ, dục, tức yêu thương, ghen ghét,
vui mừng, buồn bực, giận dữ, sợ hãi, tham lam, mà là tính cách hay trạng thái
tác hành theo cảm xúc khoái thú của con người. Vì đam mê là tính cách hay trạng
thái tác hành theo cảm xúc khoái thú của con người, mà về phương diện phát biểu,
người ta có thể nói rằng: “Anh ta coi phim tầu một cách say mê”, hay “anh ta say
mê xem phim Tầu đến độ quên ăn mất ngủ”. Đam mê ở đây được diễn tả qua trạng tự
“say mê” là trạng từ đứng trước động từ “xem phim Tầu” hay sau đứng sau động từ
“coi phim Tầu”, những động từ cùng diễn tả cho thấy tác hành theo đam mê của chủ
từ “anh ta”.
Nếu đam mê tự bản chất chỉ là một trạng thái hay tính cách tác hành của con
người có cảm tình cảm xúc, thì tự bản chất nó vô thưởng vô phạt, không xấu không
tốt. Đam mê có thể là một yếu tố rất cần thiết và thật sự là tốt lành, là bổ ích,
một khi nó trở thành một động lực mãnh liệt thúc đẩy con người say sưa theo đuổi
lý tưởng cao cả, hăng say tìm kiếm chân, thiện, mỹ, nhiệt tâm phục vụ công ích
v.v. Trái lại, đam mê cũng rất nguy hiểm và hết sức bất lợi khi nó trở thành một
động lực bất khả chế ngự thúc đẩy con người say sưa tìm kiếm những mộng tưởng
hão huyền, những lợi lộc vị kỷ, những đòi hỏi lăng loàn v.v. Như thế, đam mê tốt
hay xấu là do bản chất của việc con người làm. Nếu việc con người làm là xấu thì
đam mê thúc đẩy họ làm việc xấu ấy là đam mê xấu, trái lại, nếu việc con người
làm là tốt, thì đam mê thúc đẩy họ làm việc tốt ấy là đam mê tốt. Nói đúng hơn,
đam mê tốt hay xấu là do chính chủ thể tác hành, do con người sẵn có đam mê
trong mình. Không phải đam mê làm cho con người nên tốt hay xấu, mà là con người
làm cho nó nên tốt hay xấu. Tại sao? Tại vì con người là chủ thể, là một thực
thể chẳng những có lương tâm, biết phân biệt đúng sai, phải trái, lành dữ, lợi
hại, hay dở, mà còn có khả năng tự do chọn lựa nên cũng có trách nhiệm đối với
từng tác hành của mình nữa. Dầu sao cũng phải công nhận rằng, về phương diện
tiêu cực, con người thường bị và dễ bị đam mê chi phối hơn là làm chủ đam mê. Đó
là lý do con người phải sống tiết độ mới là một con người toàn vẹn, tiết độ đến
nỗi, như các bậc thánh nhân quân tử, hầu như không có gì tầm thường hoặc xấu xa
có thể chi phối hay lôi cuốn con người họ được nữa.
Phải chăng siêu thoát thế tục là mức độ cao nhất
của nhân đức tiết độ??
Thế nhưng, phải chăng siêu thoát thế tục là mức độ cao nhất của nhân đức tiết độ,
là dấu chứng tỏ con người đã đạt tới cảnh giới siêu đẳng của kiếp người ngay khi
họ còn sống trong xác thịt nặng nề với đầy những chước cám dỗ lôi cuốn chung
quanh họ?? Thật ra, nếu bản chất của đam mê liên quan đến bản chất của việc con
người làm thế nào, thì trạng thái siêu thoát của con người cũng liên quan đến ý
hướng của con người như vậy. Đúng thế, một con người chán đời đi tu theo kiểu
tránh việc quan đi ở chùa, thì việc thoát tục của con người này chắc chắn không
phải là hành động của một nhân đức tiết độ đích thực và trọn hảo. Những kẻ bị
đời đá, sau khi “giác ngộ”, đã hận đời và tỏ ra cóc cần đời, không còn thiết một
sự gì nữa, cũng không thể liệt họ vào thành phần thoát tục. Những ai thấy đời ô
trọc, đầy những gian manh dối ác, đầy những tranh đoạt lợi lộc, liền dứt khoát
qui ẩn giang hồ, đến nỗi tỏ ra khinh đời, dù có khả năng giúp đời, có khả năng
cứu nhân độ thế một phần nào đó, cũng bất kể, cũng mặc kệ “bay chết mặc bay”,
theo tôi, họ cũng không phải thuộc thành phần siêu thoát đích thực. Đây là điểm
bất đồng giữa Khổng Giáo chủ trương nhập thế xây dựng xã hội và Lão Giáo chủ
trương xuất thế vô vi thanh thoát. Kitô Giáo đã dung hòa hai chủ trương này bằng
chủ trương ở trong thế gian song không thuộc về thế gian, trái lại, như men
trong bột, nhờ đó, nhờ ở trong thế gian, Kitô hữu có thể làm cho thế gian, làm
cho văn hóa thế gian, làm cho sinh hoạt xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa,
nghệ thuật v.v. của thế gian được nên trọn đúng như dự án thần linh của Đấng đã
tạo dựng nên thế gian và đặt con người thay Ngài làm chủ thế gian.
Phải, con người thoát tục không phải là con người lánh xa đời kẻo bị đời lôi kéo,
mà là một con người chẳng những không sợ đời, không khinh đời, không tránh đời,
mà còn dấn thân vào đời, hiến thân cho đời, để cứu đời, để cải tiến xã hội, để
canh tân con người. Những loại “anh hùng tạo thời thế” này, một lúc nào đó có xa
đời, cũng là để dấn thân vào đời hơn nữa. Kể cả những bậc ẩn tu hay khổ tu, cả
đời ở trong hoang địa, như các vị ẩn sĩ bên Ai Cập ngày xưa, hay tự giam mình
trong bốn bức tường của một viện tu, như các đan sĩ ngày nay, dù không giao tiếp
với đời hay trực tiếp phục vụ đời, nhưng tận đáy lòng họ không hề khinh đời.
Trái lại, cuộc đời chân tu của họ, chẳng những hoàn toàn tránh xa những vui thú
tạm bợ trần gian, liên quan đến quyền sở hữu của cải, quyền lập gia đình và
quyền tự do theo ý muốn chính đáng của mình, mà còn sống cả đời hoàn toàn nghịch
lại với bản tính tự nhiên thích hưởng thụ của con người, kiên trì chịu đựng cảnh
cô đơn, khổ hạnh và phục tùng, để hoàn hảo hóa con người của mình. Những cuộc
đời trước mắt thế gian có vẻ ích kỷ và uổng phí như thế lại là cuộc đời đã góp
phần đặc biệt vào việc thăng tiến xã hội loài người, bằng phẩm giá làm người
trọn lành của họ, cũng như bằng gương lành của họ trước mắt thế gian, một tấm
gương nhắc nhở thế gian hãy sống tiết độ, ở chỗ, hãy sử dụng mọi sự như phương
tiện để đạt mục đích, chứ đừng lấy thế gian làm cùng đích, biến mình làm tôi
phụng sự thế gian, vì con người được dựng nên là để đóng vai trò làm chủ thế
gian, một vai trò làm chủ được họ thực thi chính khi họ biết làm chủ bản thân
mình, ở chỗ sống tiết độ vậy.
Con người phải làm thế nào để có thể sống tiết
độ???
Nếu tiết độ là nhân đức làm cho con người sống toàn vẹn và siêu thoát như thế
thì phải chăng chỉ có một số ít những vị chân tu đắc đạo, những vị thánh nhân
quân tử mới có thể đạt tới, chứ con người trần gian tầm thường xu hướng về xác
thịt và trần tục sẽ không thể nào với tới? Thật ra, nếu sự kiện “nhân vô thập
toàn” là một sự thật thì ai cũng có thể sống tiết độ, cũng có thể sống siêu
thoát là tầm mức trọn lành của đời sống con người. Đúng thế, không ai sinh ra đã
là thánh, đã trọn lành. Bởi thế cuộc sống của con người mới có vấn đề “nên thánh”,
“nên trọn lành”, hay vấn đề “học làm người”, “nên người”. Sự thật thì tiết độ
không phải là đích điểm làm người mà là khởi điểm. Vấn đề “học làm người” và
“nên người”, hay “nên thánh” và “nên trọn lành”, được bắt đầu ở chỗ sống tiết độ.
Có thể nói rằng, những con người còn sống vô độ, tức sống theo bản năng tự nhiên
đòi hỏi, họ còn sống ở tầm mức của loài sống để mà ăn hơn là ăn để mà sống, sống
theo luật rừng mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé. Bởi vậy, việc sống tiết độ
là phận sự của mỗi một con người.
Nếu con người không biết làm chủ mình, họ làm sao xứng đáng làm chủ trái đất, dù
họ có khả năng lên cung trăng, khả năng khám phá khoa học, khả năng phát minh kỹ
thuật, khả năng tạo sinh cải giống v.v., kể cả khả năng tận diệt lẫn nhau vì
không thể chế ngự và từ bỏ tham vọng của mình. Hơn bao giờ hết, lịch sử ngày nay
cho thấy con người càng văn minh vật chất càng cảm thấy yếu nhược về tinh thần.
Họ không thể chống cưỡng trước trào lưu cá nhân và hưởng thụ chủ nghĩa. Đến nỗi,
họ hầu như không còn biết đến tiết độ là gì nữa. Về khẩu vị, ăn cho đã rồi sợ
mập, sợ cao máu, sợ đóng mỡ, sợ tiểu đường, rồi hì hục tập thể dục thẩm mỹ, rồi
kiêng cữ diet, nhưng diet không phải ở chỗ ăn uống ít đi, cho bằng ăn uống như
thường cho đã cơn thèm, song với những thứ có thêm chữ diet, như diet coke, diet
pepsi v.v. Về tính dục, vợ chồng không thể tự kiềm chế việc vợ chồng khi không
muốn có con, phải sử dụng đến những kỹ thuật hay dụng cụ nhân tạo, nếu bị
accident thì phá thai; chơi bời cho đã rồi sợ có bầu, sợ bị chứng liệt kháng
AIDS, lúc nào cũng có bọc cao su hay thuốc ngừa trong túi mà vẫn bị hoang thai,
vẫn bị HIV; làm tình dị tính ngoại hôn chưa đủ còn đi đến cả vấn đề làm tình
đồng tính. Về tình cảm, động một tí là upset, là mang nhau ra tòa, là kiện cáo,
kể cả vợ chồng với nhau; thậm chí có thể tự động lấy súng ra thanh toán nhau, vì
không thể làm chủ được mình v.v.
Như thế, chính vì vấn đề sống tiết độ chẳng những liên quan đến việc thăng tiến
đời sống cá nhân mà còn đến cả tình trạng an sinh của xã hội nữa, mà con người
cần phải làm sao để có thể làm chủ và phải làm chủ được bản thân mình. Tuy nhiên,
để thuần thục hóa một con hoang thú thế nào, con người tự nhiên vốn sống theo
khuynh hướng bản năng cũng cần phải được huấn luyện hay cần phải tập luyện như
vậy. Ở chỗ nào? Nếu không phải ở cả hai phương diện tiêu cực và tích cực. Về
phương diện tiêu cực, con người chẳng những cần phải tránh mọi thứ vội vàng hấp
tấp, mà còn cần phải tránh cả những ước vọng (expectation) quá độ, quá cao hay
quá nhiều. Kinh nghiệm cho thấy, chính vì “dục tốc bất đạt” mà con người dễ sùng
lên hay chán nản, và cũng chính vì ước vọng quá cao, quá mức hay quá nhiều mà
khi không được như ý, con người trở thành bất mãn và bất an, thậm chí còn có thể
tỏ ra những thái độ bất khôn và bất công nữa. Về phương diện tích cực, muốn tập
làm chủ mình, muốn tập sống tiết độ, con người cần phải hội đủ ba yếu tố sau đây:
kỷ luật, ý chí, và ý thức.
Trước hết, để làm chủ mình trong việc sống tiết độ, con người cần phải có kỷ
luật. Ở chỗ, về giờ giấc, phải chừng mực, có một chương trình sống đàng hoàng,
lúc nào ngủ, lúc nào dậy, lúc nào tập thể dục thể thao, lúc nào ăn sáng, ăn trưa,
ăn tối, lúc nào chơi, lúc nào giải trí, lúc nào làm việc, học hành, đọc sách,
làm việc bác ái xã hội, kể cả giờ giấc ấn định cho những việc vệ sinh, tắm rửa
v.v.; rồi một sinh hoạt này cần bao nhiêu thời gian; tất nhiên có những trường
hợp ngoại lệ, nhưng đừng bao giờ để xẩy ra nhiều lần ngoại lệ, đến nỗi ngoại lệ
trở thành thói quen, một thói quen sống ngoại lệ, không còn kỷ cương gì về giờ
giấc nữa. Về việc sử dụng hay hưởng dụng các thứ vật dụng, phải điều độ và thận
trọng, không phải thấy đồ ăn ngon, hợp khẩu vị thì ăn nhiều, bằng không thì ăn
ít hay không ăn; không phải thấy của chùa thì xài phung phí, không giữ gìn cẩn
thận, kiểu cha chung không ai khóc; không phải thấy ai có cái gì mình cũng phải
có cái ấy, nhịn bụng đua đòi, làm khổ cả nhà; không phải dư tiền thì mua sắm đồ
cho sang, đi chơi xả láng, không cần biết đến những người bần cùng túng thiếu
chung quanh; trái lại, hãy mua sắm những đồ hợp nhu cầu của mình, hợp với chức
phận của mình, dù có tiền cũng đừng tiêu xài quá sang và hoang phí, như để khoe
của; cẩn thận hưởng dùng những gì mình có cho tới khi hư hỏng hay cho tới khi
cần phải thay thế, chứ đừng thấy mới nới cũ, động một tí là bỏ v.v.
Sau nữa, để làm chủ mình trong việc sống tiết độ, con người cần phải có ý chí
nữa. Thật vậy, cho dù có phác ra một chương trình sống rất chừng mực về giờ giấc,
một kỷ luật sống rất nghiêm khắc về đồ dùng, nhưng nếu không cương quyết và nhất
định thi hành, tất cả những gì được phác họa ra đó cũng chẳng đi đến đâu. Tuy
nhiên, ý chí tự nó cũng không phải tự nhiên mà có, trái lại, con người cần phải
luyện tập mới có. Và môi trường để con người luyện tập, ngoài những gì trái ý
xẩy ra ngoài ý muốn của họ, còn là chính những gì con người quyết tâm và dốc
lòng thực hiện. Theo kinh nghiệm, nếu “vạn sự khởi đầu nan”, thì chỉ cần cương
quyết làm mấy lần đầu, hành động lập đi lập lại này sẽ trở thành thói quen, đến
nỗi về sau con người không làm không được hay không làm lại thấy thiếu làm sao
ấy. Chẳng hạn vấn đề sử dụng giây chằng an toàn (seat belt) trên xe, sau khi
vượt qua những lần quên sót hay ngại ngùng ban đầu, người lái xe cảm thấy đã lên
xe không thể nào không chằng giây an toàn. Vậy cái gì đã làm cho người tài xế
này quen thói chằng seat belt, nếu không phải là ý thức về sự an toàn của mình…
Đúng thế, sau hết, nếu con người ý thức được giá trị làm người, hay còn ý thức
về liêm sỉ, họ sẽ cố gắng sống để làm sao ít là khỏi bị nhục, bị chê cười, nhất
là để xứng đáng với thân phận “nhân linh ư vạn vật” của họ, thân phận làm chủ
trái đất, chứ không để mình biến thành một thứ nô lệ đê hèn cho trần thế, bị mê
hoặc bởi ảo tưởng hão huyền. Thế thì phải chăng, hiện tượng hưởng thụ và buông
thả về luân lý đạo đức nơi xã hội văn minh Tây Phương nói chung và Hoa Kỳ nói
riêng là tất cả những gì hiển nhiên cho thấy một sự thật hết sức phũ phàng là,
một khi con người mất liêm sỉ, hay nói một cách sâu xa hơn, một khi con người
mất đi ý thức tội lỗi, con người sẽ đi hoang, sẽ buông tuồng, sẽ mất gốc…
Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh, BVL
(Bài chia sẻ cho buổi phát thanh Vui Mừng Và Hy Vọng 53, 19/1/2003)
T I Ế T Đ Ộ
ĐỨC TÍNH ĐỂ SỐNG THANH THOÁT
VÀ BÌNH AN
Trần Mỹ Duyệt
“Khôn ngoan, công bằng, đại đảm, tiết độ” – những nhân đức
hay đức tính của những thánh nhân, quân tử. Gọi đó là những đức tính hay nhân
đức vì để những hành động khôn ngoan, công bằng, đại đảm, hay tiết độ trở thành
một tập quán, một hành động tự phát, người thụ đắc những đức tính hay nhân đức
ấy phải cố gắng tập luyện, và phải chấp nhận nhiều thách đố, nhiều thử thách.
Thí dụ, một võ sỹ phải ngày ngày luyện tập để làm sao những phản ứng của mình
trở thành một tập quán. Như thế, khi khai triển những thế võ, hành động khai
triển ấy sẽ trở thành nhuần nhiễn, và được coi như một phản xạ tự nhiên. Vậy,
thế nào là tiết độ?
Tiết độ – moderation. Tự điển The Random House, College Dictionary đã định nghĩa
như sau: “The quality of being moderate; restraint; avoidance of extreme;
temperance. The act of moderating”. Còn thế nào là một hành động moderate, thì
cũng theo tự điển này định nghĩa: “Kept or keeping within reasonable, or proper
limits; not extreme, excessive, or intense”. Như vậy, tiết độ là một việc làm
dung hòa cho có chừng mực, và tránh thái quá hoặc bất cập. Để được như vậy, ta
phải kìm hãm, xa tránh những xúc cảm và thu hút tức những kích thích từ phía bên
trong và bên ngoài cuộc sống. Và như vậy, tiết độ không phải là nhân đức hay đức
tính dễ làm và dễ thực hiện, bởi vì nó trực tiếp liên quan đến cả thể lý, tâm lý
và tâm linh con người.
Nhưng làm thế nào để xa tránh và tự chế? Điều này đòi hỏi sự trưởng thành về tâm
lý và tâm linh. Một nghĩa nào đó, tiết độ là một nhân đức hay đức tính của những
con người trưởng thành. Thí dụ, khi đói dạ dầy ta cồn cào, xót xa. Thiếu dinh
dưỡng, con người trở thành bạc nhược, mệt mã, và không có khả năng làm được gì.
Tay chân rã rời, uể oải. Trí óc ngừng hoạt động, và nếu có hoạt động thì lại
hoạt động nhằm vào việc làm thế nào để no cái dạ dầy. Tóm lại, nguyên một việc
đói mà thôi, cũng đã ảnh hưởng trực tiếp cả phần thể lý, tâm lý và tam linh con
người. Tâm lý đạo đức người Việt Nam có câu: “Bần cùng sinh đạo tặc” là vậy. Khi
túng quá, người ta hay làm càn, làm mất đi nghĩa của đạo lý.
Tóm lại, khi đói, toàn thể con người bị chi phối và ảnh hưởng. Trí óc gắng lục
soát khả năng thích hợp để tìm của ăn. Khứu giác lo đánh hơi. Thị giác lo tìm
kiếm chung quanh. Và khi tìm thấy một miếng thịt trong tủ lạnh chẳng hạn, hay
ngửi được mùi thơm của thức ăn từ nhà hàng xóm, lập tức dạ dầy hoạt động, nước
miếng và cường toan tiết ra từ miệng và dạ dầy. Tiếp đến là hoạt động của tâm
lý. Vui mừng, hồi hộp, thoải mái, và chen lẫn lo lắng trước khám phá của thị
giác và khứu giác. Và sau cùng là phần tri thức cùng với đạo đức và tự do tự
hỏi, có nên ăn thức ăn đó không? Aên như thế nào? Aên bao nhiêu? Aên ở đâu? Đến
đây, thì ta thấy con người xa hẳn hơn loài vật. Một con chó khi đói nó không
biết suy nghĩ và kìm hãm theo tiến trình kìm hãm như con người. Và cao hơn nữa,
khi so sánh thái độ của những thánh nhân, quân tử với loại phàm phu, tục tử cũng
khác biệt trong cách thức tìm kiếm, ăn uống, và thỏa mãn nhu cầu tự nhiên. Tóm
lại, chỉ một hành vi ăn mà ta vừa trình bày cũng đã cho thấy sự liên quan mật
thiết giữa thể lý, tâm lý và tâm linh. Một cách tương tự, hành vi uống, ngủ,
nghỉ, hoặc những hành động liên quan đến những gì thuộc bản năng, và cao hơn nữa
là những hành động của lý trí để dung hòa, để tự kiềm chế, con người phải biết
tiết độ. Và đó cũng là lý do tại sao gọi tiết độ là đức tính, hành vi đạo đức,
và tư cách làm người.
Theo tâm lý phát triển, thì việc con người ăn, uống, ngủ, nghỉ là những hành
động theo bản năng, Những hành động này rất tự nhiên và thuộc về thể lý. Nó chưa
vươn tới được những gì thuộc lãnh vực tâm lý và tâm linh. Việc con người suy
nghĩ, đắn đo và chừng mực là việc làm của tâm lý và tâm linh, vì nó đòi phải có
tri thức và tự do. Vậy nếu con người chỉ dừng lại ở phần tự nhiên, tức giác
quan, hoặc theo bản năng, thì đó là mức độ tối thiểu và khởi đầu của tiến trình
phát triển. Như vậy, một người dù đã lớn tuổi, đã già nhưng không dùng khả năng
tri thức để tự kìm hãm, tự giới hạn và làm triển nở giá trị hành động của mình,
thì người ấy vẫn chưa được coi là người đã trưởng thành một cách đầy đủ. Thánh
Gioan Boscô đã nói: “Muốn làm một thánh nhân, thì phải thành nhân trước đã”. Nếu
đem áp dụng những lời này vào trường hợp con người chỉ dừng lại ở bản năng hoặc
tự nhiên, thì những người ấy không thể được coi là những thánh nhân, quân tử, vì
thực sự họ chưa thành nhân xét về mặt tâm lý và đạo đức.
Tiết độ, do đó, là một việc làm cần thiết để không những thăng hoa, triển nở
cuộc sống con người, mà còn là một dấu chỉ của sự trưởng thành. Con người không
tiết độ, không chừng mực không thể gọi là người trưởng thành, và ngược lại.
Người tiết độ là một người không quá khích, không buông túng, không thả lỏng,
nhưng chừng mực, dung hòa, và bình tĩnh. Chừng mực trong những nhu cầu theo bản
năng, tình cảm, và cả trong lãnh vực đạo đức tâm linh nữa, Một người như vậy,
trước hết sẽ sống thoải mái, bằng an, và không gặp phải hoặc tạo ra những xúc
cảm quá độ. Một cuộc sống đem lại sự bằng an và điềm tĩnh. Tâm trí của những
người tiết độ không hoạt động quá mức. Tình cảm họ không bị kích thích quá độ.
Và trong lãnh vực luân lý, đạo đức, họ cũng không tự buộc mình hoặc cưỡng ép
mình vào những hành động siêu phàm, vượt quá khả năng khiến có thể đem đến sự
chán ngán, nghi ngờ, hoặc thất vọng một khi không thực hành được những ước mơ
siêu phàm ấy.
Như vậy, người tiết độ là người bình an, và có khả năng làm được việc lớn. Việc
lớn ở đây, trước hết là làm chủ được chính mình: “Thắng được một vạn quân, không
bằng thắng chính mình”. Điều này rất đúng và diễn tả đầy đủ ý nghĩa của việc làm
tự chế. Nhiều khi có những cá tính, những nhu cầu nhỏ nhoi nhưng nếu không được
kìm hãm, tự chế, nó sẽ trở thành những ngãng trở lớn lao trong cuộc sống. Một
người mẫn cảm quá, sẽ dễ dàng xúc động, sẽ dễ dàng buồn bực, dễ dàng nghi nan,
và dễ dàng thất vọng. Ngược lại, người quá chủ quan, quá khích cũng dễ dàng trở
thành khó khăn và tự cô lập mình với những người chung quanh. Chính họ sẽ trở
thành khó chịu và không hài lòng với chính mình do những ước muốn và tham vọng
do chính họ đặt ra cho họ. Người chung quanh cũng thấy khó chịu vì những quá
khích, và những hành động lập dị của họ. Ở đây, ta có thể coi tiết độ như một
hành động sống của thuyết trung dung.
Tuy nhiên, tiết độ không có nghĩa là ba phải. Và tiết độ cũng không có nghĩa là
hoàn toàn xa tránh, hoặc tránh né tất cả. Một người không biết thưởng thức một
bữa ăn ngon, một ly rượu ngon, một chén trà ngon, một tình cảm trân quí của
người thân, người yêu, hay bạn bè, người ấy phần nào mang những hội chứng tâm lý
bệnh hoạn. Nhưng ngược lại, nếu chỉ say sưa, đắm chìm vào những đòi hỏi vật
chất, tham lam, và sự hối thúc của dục vọng cuồng nhiệt thì đó lại là những hành
động buông túng và quá độ.
Tóm lại, tiết độ như đã được trình bày ở trên là một hành vi vừa có tính cách
tâm lý, vừa đạo đức, và vừa lý trí. Nó đem lại sự bằng an và thanh thoát cho con
người. Nó giúp kìm hãm và giới hạn những ràng buộc của bản năng và dục vọng nhằm
đưa con người xuống với đời sống bản năng và tự nhiên. Nhưng như đã trình bày,
tiết độ là một nhân đức, và do đó, đòi hỏi sự tập luyện và ý chí bền bỉ trong
thực hành.