Can Đảm


 


Can đảm thực sự là gì?

Hồi còn là một thiếu niên, trong xóm của tôi có một thiếu niên khác, lớn hơn tôi mấy tuổi, vì bất mãn với bố mẹ nên đã đi thắt cổ tự tử, song được cứu kịp. Bạn bè thiếu niên trong xóm của tôi bấy giờ đều cho người thiếu niên ấy là can đảm. Để đáp lại những lời người lớn chê trách em đó là “dại dột”, đám trẻ chúng tôi nói nhỏ với nhau đằng sau lưng người lớn là: “Thế nhưng họ có dám tự tử như nó không?” Bấy giờ, dù cảm thấy có một cái gì đó thực sự không ổn nơi cái “dám” tự tử của người bạn thiếu niên đồng xóm ấy, một hành động phải công nhận là không đủ can đảm hầu hết con người ta không ai dám làm, nhưng tôi vẫn không thể nào có một lập luận khác. Tức là, đối với riêng tôi bấy giờ, cũng như đối với giới trẻ nói chung, can đảm tức là dám làm những gì phi thường, những gì người khác nhút nhát sợ hãi không dám làm nên không làm được.

Sau đó, kinh nghiệm sống đời đã từ từ cho tôi hiểu được rằng, tự tử, theo kiểu của người thiếu niên đồng xóm của tôi thuở ấy, không phải là một hành động can đảm, mà là một hành động nhát đảm nhất, chứng tỏ con người ta đã lên đến tột đỉnh sợ hãi, một tột đỉnh làm cho họ quá choáng váng, đến nỗi đã mất thăng bằng, nên bị lao đầu xuống vực thẳm tự diệt mà thôi. Tại sao? Nếu không phải, trong nhiều trường hợp, con người “dám” tự tử là vì họ muốn thoát nợ trần ai. Trong trường hợp tuyệt vọng đi tìm cái chết vì chán đời bấy giờ không phải là dấu chứng tỏ cho thấy con người tự tử ấy “sợ” phải đương dầu với tất cả mọi khó khăn trên đời hay sao! Bằng không tại sao họ không “dám” sống? Bất khuất trước mọi thử thách và cố gắng thắng vượt tất cả mọi chướng ngại chắn ngang cuộc đời mới thực sự là can đảm, mới chứng tỏ con người tồn tại ấy quả có một sức sống dồi dào, có một nghị lực dũng mãnh, có một nội công thâm hậu.

Như thế, không phải tất cả những gì con người “dám” làm đều là những hành động can đảm. Chẳng hạn, một người mẹ lần đầu tiên “dám” phá thai, hay một số tín đồ Hồi Giáo Ả Rập “dám” khủng bố ôm bom tự sát như những vụ xẩy ra tại Trung Đông trong năm 2002, hoặc trường hợp hãng Clonaid thuộc giáo phái Raelian “dám” đánh lừa cả thế giới qua vụ tung tin bậy vào cuối tháng 12/2002 và đầu tháng 1/2003 tại Hoa Kỳ về hai bé gái được họ tạo sinh sao bản cloning v.v. Trái lại, không phải bất cứ những gì con người không “dám” làm, đều là những hành động nhát gan, những hành động sợ hãi. Chẳng hạn, vì “sợ” làm phiền đến người khác, nên làm được những gì trong khả năng và hoàn cảnh của mình thì tự làm lấy, bất đắc dĩ lắm, không còn cách nào khác nữa, mới chịu nhờ người khác giúp mình; trong trường hợp bất đắc dĩ phải lên tiếng nhờ vả đây, như vay mượn tiền bạc, đối với những người có một tinh thần tự lập và tự trọng đây, cũng là một tác động can đảm chứ không phải thường. Hay chẳng hạn, bị peer pressure, một em trai hay gái không “dám” làm những gì được bạn bè xui bẩy hay thách làm như đa số chúng làm, như nghiện hút, hoặc làm tình an toàn v.v., thì những em trai em gái này đều là những đứa trẻ nhút nhát; trái lại, trong môi trường học đường Mỹ Quốc không dạy môn đức dục hiện nay, các em ấy phải được liệt kê vào số thần tượng giới trẻ, anh hùng giới trẻ, vì dám đi ngược lại trào lưu hưởng thụ của người lớn và không bị gục ngã trước áp lực dũng mãnh của bạn bè v.v

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có những trường hợp nếu con người không “dám” làm thì quả là nhút nhát, sợ hãi. Chẳng hạn trường hợp luật cho dùng súng ở Hoa Kỳ, một khoản luật, nếu xét về đến công ích xã hội là mục đích của luật lệ, thì hoàn toàn chẳng có lợi lộc gì, trái lại, nó đã làm và còn làm cho biết bao nhiêu mạng sống con người bị triệt tiêu một cách hết sức oan uổng, trong đó có cả tổng thống Kennedy ngày 22/11/1963; thế mà, ngành lập pháp hay tư pháp Hoa Kỳ cả bao nhiêu năm nay vẫn không “dám” hủy bỏ, chỉ vì, như dư luận cho biết, “sợ” đám tài phiệt của ngành kỹ nghệ súng ống. Hay trường hợp cha mẹ không dám trách phạt con cái, chỉ sợ chúng hận ghét mình, hoặc trường hợp không dám làm chứng theo đúng lương tâm trước tòa, vì sợ trả thù v.v. cũng là những thí dụ cho thấy tính cách nhút nhát của con người trước những gì cần phải làm và buộc phải làm.

Trái lại, thực tế cũng cho thấy, có những trường hợp con người cần phải “liều” lĩnh “dám” làm mới thực sự là can đảm. Chẳng hạn trường hợp những vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo đã “dám” hoạt động cho hòa bình, nhất là dám lên tiếng bênh vực quyền lợi của thành phần bị áp bức, cho dù các vị biết trước, ở môi trường và hoàn cảnh sống của các vị bấy giờ, sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng, nhưng các vị vẫn cứ mạnh dạn làm. Và tin tức thế giới đã loan báo một số trong các vị đã bị bỏ mình vì công lý, như những vị linh mục sau đây, Augustin Geve, vị linh mục Công Giáo đầu tiên của Quần Đảo Solomon, bị giết ngày 20/8 ở Guadalcanal, Quần Đảo Solomon, nơi cha đến đến làm môi giới cho cuộc thương thảo hòa bình; linh mục José Luis Arroyave, người Colombia, bị giết ở Medellin ngày 20/9, ngài vị linh mục lãnh đạo những chương trình phát triển xã hội của giáo phận ngài cho những khu vực nghèo nhất ở Medellin; linh mục Gabriel Arias Posadas, tổng đại diện của giáo phận Armenia ở Colombia, bị giết ngày 18/10, tại một văn phòng ở Caldas, nơi ngài tới để điều đình thả một con tin; linh mục Arley Arias Garcia, người Colombia, bị giết ngày 18/5 tại một bụi cây ở Florencia, ngài là chủ tịch của hội đồng vận động hòa bình của địa phương đang tìm cách cho hai bên đi đến chỗ thương thảo.

Đến đây, vấn đề được đặt ra là tại sao có người can đảm dám làm những gì họ cần phải làm, buộc phải làm hay họ muốn làm, và ngược lại tại sao cũng có người lại không đủ can đảm để làm những gì họ cần làm, buộc phải làm hay họ muốn làm? Theo tôi, vấn đề then chốt ở đây là ý nghĩa đích thực của hành động can đảm, liên quan mật thiết đến những gì con người cần phải làm, buộc phải làm và muốn làm. Nếu giải quyết được thế nào là can đảm hay can đảm là gì, mọi sự sẽ hoàn toàn sáng tỏ. Vậy, can đảm là gì, hay thế nào là can đảm? Nếu không phải, can đảm là tất cả những hành động con người dám làm đúng với sự thật hay như sự thật đòi hỏi. Và nếu câu định nghĩa về can đảm này đúng, chính xác, thì tất cả những hành động nào con người làm không đúng với sự thật hay không như sự thật đòi hỏi đều là những hành động nhát gan, sợ hãi.

Can đảm được bộc lộ ra sao?

Đúng thế, tâm lý bình thường và thực tế cho thấy, nếu cái con người yêu chuộng nhất là sự sống của họ, đến nỗi đã là người, theo tự nhiên, ai cũng sợ chết, và tìm hết cách để tồn tại, thì cái con người hay tránh né và sợ phải đối diện nhất chính là sự thật, đến nỗi, họ tìm hết cách, như nói dối hay quanh quéo, để che đậy sự thật hay bóp méo sự thật. Như thế, căn cứ vào câu định nghĩa lưỡng diện này của can đảm, chúng ta thấy hành động dám “tử tự” quả là một hành động nhát gan hơn là can đảm. Bởi vì con người tự tử đã không dám đối diện với thực tại của cuộc đời, tức không dám đối diện với sự thật đời là bể khổ, đời là một cuộc chiến đấu, đời là một cuộc vượt thoát, cũng như vớiụ sự thật con người phải sống cho đời hơn là cho mình, vì sự sống là một bảo vật thiện hảo họ đã được lãnh nhận nhưng không từ Đấng Hóa Công qua xã hội, chứ không phải tự họ mà có để họ được toàn quyền định đoạt theo ý họ. Cũng chính vì sự thật làm người là sống cho đời hơn là cho bản thân mình, mà con người dám móc túi lấy tiền cho người nghèo, cho dù bị chê là ngu dại, dám lên tiếng bênh vực người bị bóc lột, cho dù bị hằn thù ghen ghét, dám gần gũi và phục vụ thành phần bất hạnh trên đời, dù bị khinh bỉ coi thường, dám sẵn sàng bỏ chính mạng sống mình cho quyền lợi và phúc lợi của tha nhân, thậm chí dám tha thứ cho chính kẻ thù sát hại mình, đều là những hành động can đảm phi thường xuất chúng, những hành động mà một con người vụ lợi vị kỷ, một con người tham quyền cố vị, một con người vinh thân phì da, một con người yêu cuồng sống vội trong thời đại văn minh vật chất ngày nay, chẳng những không thể nào làm nổi mà còn không thể nào hiểu nổi nữa.

Tuy nhiên, không phải con người can đảm là con người chiếm được sự thật và làm chủ sự thật, cho bằng họ đã trung thành với sự thật, đã sống hoàn toàn trung thực với sự thật, đúng hơn, con người can đảm đã được sự thật chiếm đoạt và chi phối, khiến họ có thể làm được những gì vượt quá khả năng tự nhiên vốn nhút nhát và sợ mất mát của họ, sợ thiệt hại cho bản thân họ, theo khuynh hướng tự vệ và bản năng sinh tồn của con người họ. Hiện tượng, sự kiện hay trạng thái con người được chân lý hoàn toàn chiếm đoạt, làm chủ và chi phối này, đến nỗi, nó có một sức mạnh vô địch làm cho con người vốn sợ sệt dám vượt biên ra ngoài bản thân mình, làm được những gì hợp với sự thật, đó là trường hợp con người không thể chịu được sức mạnh của sự thật vang vọng trong lương tâm, không chịu được những ray rứt của cõi lòng, đã phải chấp nhận sự thật, đã phải tự đầu thú về những lỗi lầm thầm kín của mình, dù có bị trừng phạt đến đâu chăng nữa, như đã từng xẩy ra không ít trong xã hội và nơi tòa án từ trước đến nay.

Như thế, qua những gì vừa nhận định và phân tách, can đảm thực sự được thể hiện hay bộc lộ qua những hình thức sau đây: tự chủ, nhịn nhục, nhẫn nại, trung tín, thứ tha, thẳng thắn v.v. Nhưng, vì can đảm là hành động dám làm những gì hợp với sự thật làm người hay theo như sự thật làm người đòi hỏi mà những con người tự chủ, nhịn nhục, nhẫn nại, trung tín, thẳng thắn, thứ tha v.v. phải là những con người sống trong sự thật. Mà sự thật lại có liên quan trực tiếp đến các nhân đức công bằng, khôn ngoan và tiết độ, nên con người can đảm cũng chính là và phải là một con người công bằng, khôn ngoan và tiết độ, hay ngược lại. Như thế, sự thật làm người, theo nguyên tắc, chính là cốt lõi của bốn nhân đức luân lý được gọi là bốn nhân đức trụ này, công bằng, khôn ngoan, tiết độ và can đảm, đồng thời, về phương diện thực tế, nó còn là cái trục chi phối bốn thái độ đạo hạnh ấy của con người. Nguyên tắc của sự thật làm người được thể hiện nơi đức công bằng chính trực. Đường lối thể hiện sự thật làm người này là ở đức khôn ngoan hành xử cho hợp tình hợp lý. Thái độ của sự thật làm người này là ở đức tiết độ, sống bình an tự tại, tự do thanh thoát. Quyền lực của sự thật làm người này là lòng can đảm, bất chấp mọi sự, thắng vượt sự dữ, làm chủ gian ác, một lòng can đảm làm cho sự thật được sáng tỏ, và một khi sự thật làm người được hoàn toàn sáng tỏ, qua hành động can đảm của con người, bấy giờ con người đạt đến tầm vóc thành toàn của mình, đạt được ơn gọi làm người của mình.

Can đảm cần phải luyện tập thế nào?

Thế nhưng, con người vốn có khuynh hướng tìm mình theo bản năng tự nhiên, những gì mang sẵn mầm mống trái với đức công bình, khôn ngoan và tiết độ, không phải tự nhiên có được đức can đảm hết sức thiết yếu và hệ trọng này. Như đức tiết độ, con người cũng phải tập sống can đảm như vậy. Để tập sống tiết độ, như đã góp ý trong bài chủ đề tiết độ lần trước, về mặt tiêu cực, con người cần phải tránh đừng kỳ vọng quá cao và quá nhiều, cũng như tránh đừng có thói quen sống vội vàng hấp tấp, trái lại, về mặt tích cực, tập sống có kỷ luật, sống theo ý chí và sống với ý thức. Nghĩa là phải tập sống tiết độ làm sao để con người lúc nào cũng sống trong quân bình, một mức độ trọn hảo của tất cả mọi sự trên đời nói chung, nhất là với con người nói riêng. Đó là lý do, thân xác của con người sẽ phản ứng khi bội thực hay quá đói. Và đó cũng là lý do mùa xuân đối với con người là mùa đẹp nhất trong bốn mùa. Tuy nhiên, vì nhân gian còn sống trong không gian và thời gian, chứ chưa sống trong cõi trường sinh vĩnh hằng, (những đề tài sẽ được chia sẻ ở các bài kế tiếp), mà con người vẫn còn bị chi phối bởi những biến chuyển đổi thay, của thiên nhiên tạo vật, của lịch sử thế giới, những yếu tố ngoại tại khiến con người, một là thăng tiến, hai là suy vong, là tùy ở chỗ con người có biết can đảm sống hay chăng. Rất tiếc, như đã nhận định, can đảm không phải tự nhiên mà có, trừ phi con người ra sức luyện tập. Vậy phải luyện tập can đảm như thế nào và ra sao, để con người có thể sống can đảm đúng với sự thật làm người của mình? Theo tôi, con người phải nỗ lực luyện tập về cả hai phương diện, tiêu cực và tích cực, tiêu cực là tập tự chủ và tích cực là phải có lòng tự tin.

Trước hết, về phương diện tiêu cực, để trở thành một con người can đảm, con người phải tập tự chủ. Nói như thế không có nghĩa là con người đã hoàn toàn sống tiết độ, vì tiết độ là tư cách sống của con người thành nhân, một con người cũng phải can đảm lắm mới có thể sống tiết độ hoàn toàn được. Tuy nhiên, nếu tập sống tiết độ, con người cần ý chí là yếu tố liên quan đến đức can đảm thế nào, thì tập sống can đảm, con người cũng cần tự chủ là tác động của đức tiết độ như thế. Ở chỗ, con người tự động biết bỏ đi những gì thừa thãi (như đồ đạc nhiều quá không biết mình có những gì, giờ giấc rỗi quá đến nỗi boring không biết làm chi v.v.), tự động hãm dẹp những gì vô hại (như coi truyền hình giải trí ít đi v.v.), tự động cầm hãm những đòi hỏi cấp thời (như bắt đầu cảm thấy hơi đói thì đừng tìm ăn liền v.v.). Thế nhưng, vấn đề tự chủ ở đây phải được thực tập với ý thức phản ảnh sự thật làm người, chứ không phản lại với sự thật làm người. Ở chỗ, sở dĩ con người tập tự chủ bỏ đi, hãm dẹp hay cầm hãm những điều trên, không phải tự những điều ấy (đồ ăn, giờ giấc, truyền hình, đồ ăn) là xấu, đáng khinh, đáng tránh, cho bằng để đề phòng mọi sự lạm dụng thái quá và sai trệch có thể xẩy ra nơi con người chủ thể của mình vốn xu hướng về bản năng hưởng thụ vị thân.

Sau nữa, về phương diện tích cực, để trở thành một con người can đảm, con người chẳng những phải tập sống tự chủ, mà còn phải có lòng tự tin nữa. Đúng thế, muốn biết bơi con người phải tập bơi thế nào, tức phải thực tập ngay tác động hay khả năng mình chưa biết, đó là tác động biết bơi và khả năng biết bơi, thì muốn can đảm cũng thế, con người cũng phải tập can đảm, phải thực tập ngay tác động can đảm như vậy. Chẳng hạn, muốn tập khiêm nhượng, thì hãy chấp nhận bị người đời khinh chê xỉ nhục, và chính khi con người chấp nhận bị khinh chê xỉ nhục như thế là họ đã là một con người khiêm tốn rồi vậy. Như thế, chính lúc con người sợ không dám làm, họ lại phải liều mình làm, dấn thân làm, và chỉ cần mấy lần như vậy thôi, con người mới có thể và sẽ có thể, không nhiều thì ít, không sớm thì muộn, trở thành một con người can đảm về một phương diện nào đó v.v. Về phương diện tiêu cực, nếu đầu tiên con người không dám giết người, nhưng sau khi nhắm mắt làm bừa mấy lần, họ trở thành một tay khát máu thế nào, về phương diện tích cực cũng thế, nếu mới đầu không dám xuất hiện trước công chúng, song cứ bạo dạn làm thử, nhiều người nhờ đó và sau đó đã trở thành một nhà giảng thuyết, một minh tinh tài tử, như thực tế đã rõ ràng cho thấy. Đó là lý do nhiều người, sau khi thử rồi, thử những gì họ mới đầu ngần ngại, sợ sệt, họ đã vui vẻ tự tin tuyên bố: “Ồ, cứ tưởng là khó chứ, không ngờ dễ ợt”. Như thế, can đảm ở đây không liên quan đến vấn đề tự tin là gì. Nhờ tự tin, con người mới dễ can đảm làm những gì họ tưởng không bao giờ làm được.

Phải, chính lòng tự tin chẳng những trực tiếp thúc đẩy con người dám đâm đầu vào thử những gì cần làm và nên làm, mà gián tiếp còn giúp con người dám chấp nhận cả những thách đố nữa, kể cả thất bại. Và, một khi đã sẵn sàng chấp nhận khó khăn, bất chấp trở ngại, con người tự nhiên sẽ trở nên cương quyết, khẳng khái, dũng mạnh tiến lên. Đến nỗi, càng gặp gian nan khốn khó họ mới thấy cuộc đời có ý nghĩa, mới thấy mình càng ngày càng khôn ngoan hơn, càng ngày càng cứng cát hơn, càng ngày càng thành nhân hơn. Một đứa nhỏ mồ côi bao giờ cũng khôn lanh và cứng cát hơn những đứa nhỏ đồng lứa bình thường khác là ở chỗ đó. Như thế, chính gian nan khốn khó là yếu tố ngoại tại bất khả thiếu chẳng những giúp cho tâm thức con người trở thành khôn ngoan hơn, “cái khó nó bó cái khôn”, mà còn tôi luyện cho bản thân con người trở thành cứng cát hơn, can đảm hơn, có khả năng thực hiện được những hành động xứng với nhân phẩm, nhân vị và nhân cách của một con người được dựng nên để làm chủ trái đất, để trở thành một hiện thân thần linh sống động!
 

Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh, BVL
(Bài chia sẻ cho buổi phát thanh Vui Mừng Và Hy Vọng 54, 26/1/2003)

 

 


C A N Đ Ả M
Đức tính làm chủ chính mình



 


Trần Mỹ Duyệt

 

Thế giới và Hoa Kỳ cho đến nay vẫn chưa hết bàng hoàng, sửng sốt mỗi khi ôn lại biến cố 11 tháng 9 năm 2001, khi những tên khủng bố cướp máy bay đâm vào hai cao ốc tại Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở New York. Đối với nhóm Hồi Giáo cực đoan, thì những tên khủng bố kia chính là những anh hùng, những nhà tuẫn giáo đã hành động một cách hết sức can đảm. Nhưng đối với phần đông nhân loại, thì đây chỉ là hành động nông nổi, nhất thời của những đầu óc bệnh hoạn và cuồng tín. Cũng một hành động mà người thì cho là anh hùng, can đảm; kẻ cho là điên rồ, bệnh hoạn. Vậy can đảm là gì? Làm thế nào để một hành động của ta được chấp nhận và coi là can đảm.

Tâm lý học không có một định nghĩa nào cho hành động can đảm, nhưng có những giải thích cho một hành động được gọi là can đảm. Những giải thích này liên quan đến định nghĩa của can đảm. Theo The American Heritage Dictionary, thì can đảm là khả năng của trí tuệ giúp một người đương đầu với những nguy hiểm bằng cách làm chủ được mình, tự tin, và biết cách giải quyết vấn đề. Như vậy, hành động can đảm bao gồm 3 đặc tính mà một hành động của người trưởng thành cần phải có là tự tin, trực diện với thực tế, và làm chủ được chính mình. Thiếu tự tín là một căn bệnh của tâm lý, vì người thiếu tự tín không thể làm chủ được chính mình, và cũng không có can đảm đối diện với sự thật. Do đó, can đảm hoàn toàn khác với bồng bột, nóng nẩy, và liều lĩnh.

Tâm lý học khi trình bày về đặc tính của người thủ lãnh cũng cho thấy rằng, họ là những người có khả năng đối diện với những khó khăn lớn lao, hoặc những nguy hiểm đang rình chờ trước mặt, những họ không muốn và không thích đương đầu với những vấn đề vượt quá sức của mình, những hành động đòi hỏi những cố gắng phi thường, và có kết quả bất ngờ. Họ luôn luôn muốn là những người thực tế, biết người, biết mình theo đúng nghĩa: “Tri kỷ, tri bỉ”. Ngược lại, đối với những người thiếu khả năng lãnh đạo thì khuynh hướng muốn lại chuyện lớn nhờ vào những may rủi, những quyết định bao đồng và liều lĩnh, hoặc những chuyện bất ngờ rất nhỏ mọn nhưng mang lại những thắng lợi lớn lao lại rất trổi vượt. Có nghĩa là họ không muốn chịu khó, không muốn can đảm chấp nhận và đương đầu với sự thật, nhưng chỉ mong thành công dựa vào những yếu tố may, rủi bất ngờ.

Tâm lý sống và tâm lý khảo cứu không khác nhau khi nhìn về hành động can đảm. Hành động ấy phải luôn luôn chừng mực, có mục đích, và kết quả thực tiễn, dù phải chịu khó, và hy sinh để mang lại kết quả. Yếu tố hy sinh, thử thách chính là những nét làm nên ý nghĩa của hành vi can đảm, chứ không phải là những hành động cuồng bạo, liều lĩnh, và nông nổi.

Ngoài những đặc tính của can đảm như vừa trình bày trên còn có liên lạc mật thiết với yếu tố thời gian. Thời gian nói lên được thế nào là một hành động can đảm do tính chất bền bỉ của nó. Trong cuộc sống thỉnh thoảng cũng có một vài người làm nổi những việc mà ta cho là phi thường, và gây kinh ngạc, nhưng yếu tố thời gian cũng từ từ loại bỏ những hành động nhất thời, những hành động bị thúc đẩy do những động lực từ bên ngoài ấy. Thí dụ, có người dám dùng thuốc lá xâm tên người yêu của mình trên ngực, như một dấu chỉ của sự can đảm và chung tình. Hoặc cũng có những trường hợp lấy dao rạch ngực, cắt tay lấy máu ăn thề, nhưng trong cuộc sống, với thời gian và những đòi hỏi cần có sự nhẫn nại, chịu đựng, thì những người ấy hoàn toàn không làm chủ được mình, không dám nhìn vào thực tế. Ngược lại, luôn luôn lẩn tránh thực tế bằng hành động và lời nói nóng nẩy, cộc cằn, và thô bạo. Điều này cũng giải thích thêm rằng không phải những việc làm phi thường, nhưng là những việc làm tầm thường nhưng bền bỉ mới là những hành động can đảm.

Chúng ta có thể lấy một thí dụ điển hình về hành động can đảm như sau. Một người vợ trẻ dám hy sinh mang theo những đứa con ngây thơ vượt trùng dương tìm lẽ sống và tương lai cho con. Những ngày đêm kinh hoàng trên đại dương. Những tháng năm mòn mỏi trong các trại tỵ nạn vùng Đông Nam Á. Và những thách đố khi trực diện với nỗi đơn lẻ, sức cám dỗ của tiền, tình, và đam mê dục vọng nơi miền đất tự do. Nhưng nếu thiếu phụ trẻ ấy vẫn một lòng chung thủy với chồng, thiết tha và hy sinh cho con cái, thì đó là một thánh nhân, một nữ lưu vì có trái tim và một cuộc sống can đảm. Tiếc một điều là những con người ấy ngày nay đang bị chìm vào biển người chỉ mong tìm khoái lạc, và những hào nhoáng bên ngoài. Tóm lại, can đảm không phải là một hành động bốc đồng, và càng không phải là những hành động tạo cảm giác và ấn tượng mạnh. Tâm lý sống người Việt Nam có câu rất hay: “Chưa đánh được người mặt đỏ như vang. Đánh được người mặt vàng như nghệ”. Tâm lý này diễn tả thực chất của một người có hành động can đảm và một người có hành động nhát đảm. Và nó cũng nói lên hành động can đảm nhất chính là làm chủ được mình.

Can đảm nếu được nhìn dưới góc cạnh một nhân đức thì nó còn đòi hỏi sự luyện tập và đặc tính bền bỉ. Thí dụ, ta có thể can đảm xa tránh một hành vi tội lỗi chẳng hạn. Điều này không phải là dễ làm, và không phải là dễ tránh. Đứng trước cám dỗ của tình, của tiền, và của danh vọng, nếu không can đảm tự chủ và không biết cách giải quyết, con người ai cũng dễ sa ngã. Tự bản năng và do hành động tự nhiên, con người ai cũng muốn tìm cho mình cái dễ dàng và thoải mái, những hành động không đòi hỏi nhiều cố gắng và yếu tố bền bỉ của thời gian. Đó cũng là sự khác biệt giữa thánh nhân, quân tử, và loài phàm phu, tục tử.

Nhìn vào thế giới hiện nay, vấn nạn gây nhiều nhức nhối và đổ vỡ nhất trong đời sống là phá thai, là ly dị, là chồng chung vợ cha, là tiềm dâm hậu thú, là hưởng thụ và khoái lạc. Ai cũng biết rằng những việc làm ấy không đúng, sai trái, và tội lỗi, nhưng đã có mấy ai dám can đảm đi ngược lại với xu hướng thời thế, xu hướng khoái lạc chủ nghĩa này. Nếu có, lập tức họ được coi là lập dị, là cù lần, và là những người đạo đức giả. Và để làm một hành động đi ngược lại với những xu hướng này, hiển nhiên phải là một việc làm can đảm.

Tóm lại, trong cuộc sống thường ngày, ta phải can đảm lắm mới dám đối diện với sự thật, đối diện với những khó khăn trước mặt, và mới dám giải quyết những khó khăn ấy một cách cho hơp tình, hợp lý. Nhưng để can đảm trở thành những hành vi nhân đức, thì những việc làm can đảm ấy phải được lập đi, lập lại nhiều lần trong cuộc sống như định nghĩa của nó. Theo đó, can đảm là một khả năng của lý trí giúp kìm hãm, làm chủ con người mình, tự tin, và có khả năng giải quyết những khó khăn trước mặt. Và như vậy, can đảm cũng chính là một đức tính giúp ta làm chủ được chính mình.