LƯƠNG TÂM LÀ ƠN GỌI LÀM NGƯỜI
 

Thật vậy, chính vì lương tâm là ơn gọi làm người mà làm gì, trước hết và trên hết, con người cũng phải làm theo lương tâm, bằng không, dù là tổng thống, tu hành, bác sĩ, luật sư, nghệ sĩ, giáo sư v.v., họ cũng chỉ là những thằng người múa rối trong chức vụ, vai trò và nghề nghiệp của mình trên khấu trường xã hội. Không phải hay sao, chỉ có loài sinh vật “nhân linh ư vạn vật” mới có lương tâm, nghĩa là mới có một yếu tố siêu linh được phú bẩm nơi họ, để họ có thể nhờ đó sống xứng hợp với thân phận làm người của họ, một thân phận trổi vượt trên thú vật? Như thế, nếu không sống theo lương tâm, theo yếu tố siêu linh có thể giúp họ thực sự làm người này, thì dù ở bất cứ thời đại nào, và dù thời đại ấy có văn minh đến đâu chăng nữa, như thời đại toàn cầu hóa và toàn quyền tự do dân chủ hiện nay, con người vẫn chưa đạt được, nếu không muốn nói là càng không thể đạt được tầm vóc làm người toàn vẹn của mình. Vậy để tránh tình trạng “đóng khố đi giầy tây” như thời đại chúng ta hiện nay, một thời đại trong khi đi đôi “giầy tây” về văn minh kỹ thuật và khoa học thì lại “đóng khố” về luân lý, chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ đề tài lương tâm qua những vấn đề sau đây:

Lương Tâm có bao giờ cảm thấy áy náy hay chăng?
Lương tâm phải chăng chính là nhân đạo?
Hình khổ nhất của con người phải chăng là bị lương tâm cắn rứt?
Nếu không theo lương tâm thì bị cắn rứt vậy phải chăng bình an là dấu sống theo lương tâm?


1. Lương Tâm có bao giờ cảm thấy áy náy hay chăng?

Mỗi lần làm một điều gì sai quấy, trái lương tâm của mình, hay mỗi lần bị dầy vò bởi mặc cảm tội lỗi về những việc làm sai trái của mình, con người hay nói và thường nói: “lương tâm tôi cảm thấy áy náy”, hay “tôi cảm thấy áy náy lương tâm”, hoặc “tôi cảm thấy áy náy trong lương tâm”. Thoạt nghe qua, ai trong chúng ta cũng cho rằng câu phát biểu này hoàn toàn đúng, không có gì là vô lý cả? Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, chúng ta sẽ thấy câu chúng ta thường nói “đi khám bác sĩ” là sai, đúng hơn là thiếu sót, thế nào, thì trong câu phát biểu “lương tâm tôi cảm thấy áy náy”, hay “tôi cảm thấy áy náy lương tâm” hoặc “áy náy trong lương tâm”, cũng thế. Tại sao? Đó là lý do, để có thể giải quyết vấn đề này một cách chính xác và dứt khoát “có” – lương tâm có cảm thấy áy náy, hay “không” – lương tâm không cảm thấy áy náy, chúng ta cần phải tái nhận thức lương tâm thực sự là gì, hay bản chất đích thực của lương tâm là gì đã.

Theo quan niệm chung, chúng ta thường cho rằng lương tâm là tiếng nói linh thiêng trong nội tâm của con người. Chính vì thế người Kitô hữu vẫn tin rằng lương tâm là tiếng nói của Thiên Chúa. Và con người cảm thấy rằng sở dĩ lương tâm hiện diện một cách linh thiêng cũng như thầm kín nơi thâm cung của lòng trí họ là để bảo họ làm lành lánh dữ. Khách quan mà nói, chính lương tâm là một dấu chứng hùng hồn nhất cho con người thấy, dù họ có vô thần đến đâu, sự hiện hữu sống động của Thượng Đế, của Đấng Tối Cao. Bởi vì, họ làm gì cũng không tránh khỏi lương tâm, tránh khỏi ánh mắt công minh của Ngài. Dù việc họ làm hết sức tinh khôn và bí mật, đến nỗi không một FBI hay CIA nào trên trần gian này, dù tài giỏi đến mấy đi nữa, có thể điều tra ra, có thể phanh phui ra sự thật, chẳng hạn như ai đã chủ mưu và ra tay ám sát tổng thống Kennedy ở Hoa Kỳ tại Dallas ngày 22/11/1963, hay như ai đã chủ mưu trong vụ ám sát hụt Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ngày 13/5/1983 tại Rôma, họ vẫn không tránh được ánh mắt của Ngài. Hơn thế nữa, chính vì lương tâm là ánh mắt thần linh trong con người, mà ngay trước cả khi con người làm bất cứ điều gì xấu xa, sai trái, con mắt thần linh này đã thấy rồi, và đã lập tức báo động cho họ biết mà còn lên tiếng can gián họ đừng làm điều ấy nữa.

Theo tôn giáo, lương tâm quả vừa là tiếng nói thần linh vang vọng trong con người vừa là ánh mắt thần linh theo di cuộc đời của con người. Trong Sách Sáng Thế Ký, cuốn đầu tiên của Bộ Thánh Kinh của Do Thái Giáo, ngay từ khi con người vừa xuất hiện trên mặt đất này thì đã có tiếng lương tâm rồi. Tiếng lương tâm đầu tiên nói với con người về quyền hạn, nghĩa vụ và thân phận của họ tổng quan và dứt khoát như thế này: “Ngươi được phép ăn mọi thứ cây trong vườn, trừ cây biết lành biết dữ. Ngươi không được ăn cây đó; lúc nào ngươi ăn nó thì ngươi phải chết” (Gen 2:6-7). Và con người đã ý thức được tiếng lương tâm này, khi nó vang vọng nơi họ lúc họ bị rắn quỉ tinh khôn, tượng trưng cho mưu chước cám dỗ, xúi giục họ ăn trái cấm, làm ngược lại với lương tâm, với lệnh cấm của Thiên Chúa: “Chúng tôi được phép ăn mọi thứ cây trong vườn, trừ cây biết lành biết dữ ở giữa vườn thì Thiên Chúa nói ‘ngươi không được ăn hay sờ đến kẻo chết’” (Gen 3:2-3). Thế nhưng, dù có ý thức được tiếng nói thần linh như vậy, con người vẫn làm ngược lại tiếng nói chân thật ấy, tức đã giơ tay lên hái trái cấm mà ăn. Để rồi, hậu quả xẩy ra là, họ đã không chạy thoát khỏi ánh mắt thần linh. Cũng theo Sách Sáng Thế Ký này cho biết, dù sau khi đó, con người có khôn lanh ẩn mình trốn kỹ sau những đám cây trong vườn địa đường, họ vẫn nghe được tiếng lương tâm hạch hỏi: “Ngươi đang ở đâu?”, và đã phải lên tiếng thú nhận: “Tôi đã nghe thấy tiếng của Ngài trong vườn; nhưng tôi sợ hãi vì tôi trần truồng, nên tôi mới ẩn mình đi” (Gen 3:8-13). Chưa hết, hậu quả của việc hai con người tiên khởi Adong-Evà này ăn trái cấm còn tai hại hơn nữa, một tai hại liên quan tới cả giòng di con cái của họ. Sách Sáng Thế Ký còn cho biết thêm là Cain, đứa con trai đầu lòng của họ, chỉ vì ghen tị với đứa em trái của mình, đã ra tay hạ sát nó ngoài đồng vắng. Ngay sau đó hắn đã nghe thấy tiếng thần linh hạch hỏi: “Abel em của ngươi đâu rồi?” (Gen 4:9), và đã tỏ ra cảm thấy sợ hãi trước ánh mắt thần linh của Ngài mà nói: “… Tôi phải lánh khỏi mặt Ngài để trở thành một kẻ lang thang trên trái đất này…” (Gen 4:14).

Đối với một số người, câu truyện về nguyên tổ Adong-Evà trên đây có thể là một câu truyện thần thoại. Tuy nhiên, câu truyện thần thoại này rất tiếc dầu sao cũng cho thấy những điều rất xác thực với kinh nghiệm ngàn đời bất biến nơi đời sống tâm linh của con người. Điều xác thực thứ nhất, đó là, tự bẩm sinh con người đã có lương tâm; lương tâm chính là cây biết lành biết dữ được trồng ngay giữa khu vườn tâm linh của con người. Điều xác thực thứ hai, đó là, con người có tự do, và được quyền làm bất cứ điều gì, miễn là đừng đụng chạm hay phạm đến đến lương tâm. Điều xác thực thứ ba, đó là, bất cứ khi nào con người đụng phạm đến lương tâm, tức nuốt đi tiếng lương tâm của mình, như Adong-Evà đã nuốt trái cấm, con người đều phải chết, nghĩa là không còn sống trong chân lý là người của mình nữa, đã đánh mất đi bản thân mình trong tối tăm gian dối. Điều xác thực thứ bốn, đó là, sau khi đã đụng phạm đến lương tâm, con người vẫn có khả năng hồi tâm và hoán cải, nếu biết đáp ứng tiếng nhắc nhở của lương tâm: “Ngươi đang ở đâu?”, tức ngươi có sống đúng thân phận làm người đích thực của mình chăng, nếu chưa thì hãy trở về với vị trí tạo vật hữu hạn của mình đi. Điều xác thực thứ năm, đó là, nếu con người ngoan cố không chịu chấp nhận lỗi lầm của mình, tức không chấp nhận sự thật phũ phàng về con người xấu xa của mình, đi đổ lỗi cho nhau, như Adong đổ lỗi cho Evà, họ sẽ thực sự sống trong sự chết và sinh ra chết chóc, như Adong-Evà đã sinh ra đứa con đầu lòng Cain, một đứa con sát nhân. Điều xác thực thứ sáu, đó là, tất cả những việc làm của con người trong tình trạng chết chóc, tức trong tình trạng họ không chịu chấp nhận sự thật xấu xa phũ phàng về mình, nghĩa là trong tình trạng tối tăm gian dối, cuộc đời của họ sẽ trở thành hoang đường bất định lạc loài trên trần thế, đúng như Cain đã thú nhận: “Tôi phải lánh khỏi mặt Ngài để trở thành một kẻ lang thang trên trái đất này”. Điều xác thực thứ bảy liên quan đến cơ cấu tinh thần của con người, đó là, nơi phần thượng, con người bao giờ cũng có hai phần, phần chủ quan và phần khách quan: Phần chủ quan là chính tâm linh của con người, và phần khách quan chính là lương tâm nơi con người; nếu lương tâm được thể hiện qua tiếng phán “ngươi được phép ăn mọi thứ cây trong vườn, chỉ trừ cây biết lành biết dữ giữa vườn”, hay tiếng hạch hỏi Adong “Ngươi đang ở đâu?”, hoặc tiếng hạch hỏi Esau “Em ngươi ở đâu?”, thì tâm linh thể hiện ở chỗ Evà ý thức tiếng phán “được phép song chỉ trừ” ấy, cũng như ở chỗ Adong và Esau nhận thức được mình bị hạch hỏi về tác hành đã làm.

Vì vấn đề thứ nhất được đặt ra ở đây liên quan đến điều xác thực thứ bảy này, chúng ta cần phải phân tích thêm để có thể đi đến một giải đáp thỏa đáng cho vấn nạn “Lương Tâm có bao giờ cảm thấy áy náy hay chăng?”

Như trên mới phân tích, tâm linh là ý thức của con người về chính bản thân mình cũng như về những thực tại liên quan đến con người. Còn lương tâm nơi con người là thực tại không thuộc về con người, dù ở trong con người nhưng lại ở trên con người, nên có quyền truyền khiến con người phải tác động, cũng như có quyền khiển trách tác động gian ác của con người hay tán thưởng tác động lành thánh của con người. Như thế, nếu lương tâm là tiếng nói thần linh, tiếng nói chân thật, thì không bao giờ lương tâm lại hối hận, lại áy náy, như thể đã nói con người làm những điều bậy bạ, bảo con người làm những gì sai quấy. Tình trạng áy náy chỉ phát xuất từ tâm linh ý thức của con người mà thôi, từ cảm thức tội lỗi của họ, chứ không phải từ chính lương tâm nơi họ. Họ cảm thấy áy náy, chẳng những vì họ đã không làm theo tiếng lương tâm chân thật, mà còn áy náy nhất là vì thấy hậu quả của lỗi lầm do họ đã gây ra nữa. Vậy nếu câu nói “tôi đi đến bác sĩ khám bệnh”, đúng hơn là câu nói “tôi đi khám bác sĩ” thế nào, thì câu nói “tôi cảm thấy áy náy với lương tâm”, cũng đúng hơn là câu nói “tôi cảm thấy lương tâm áy náy”, hay câu nói “tôi cảm thấy áy náy trong lương tâm”, hoặc câu nói “lương tâm tôi cảm thấy áy náy” như thế.

2. Lương tâm phải chăng chính là nhân đạo?

Vấn đề ở đây cũng thế, muốn sáng tỏ, chúng ta cũng cần phải phân biệt một chút về nhân đạo và thiên đạo, như chúng ta đã phân biệt tâm linh của con người với lương tâm nơi con người trên đây. Trước hết, về ý nghĩa, thiên đạo tức là đạo trời, hay đạo bởi trời, đạo từ trời ban xuống, chứ không phải đạo bởi người, không phải là nhân đạo, là đạo do con người nghĩ ra. Sau nữa, về tính cách hay bản chất, vì thiên đạo là đạo từ trời mà có, một thứ đạo bởi trời, nên phải là một thứ đạo chân thật, trọn lành và bất biến, còn nhân đạo, vì là đạo bởi con người “nhân vô thập toàn” mà ra, nên có thể sai lầm, bất hảo và lỗi thời. Sau hết, về tác dụng, vì thiên đạo là đạo trọn lành nên thiên đạo tiềm tàng một quyền năng siêu việt có thể chẳng những giải thoát con người đến độ làm cho họ siêu thoát khỏi mọi tục lụy, mà còn biến đổi con người phàm tục thành Phật như bên Phật Giáo, hay thành Thánh như bên Kitô Giáo. Trong khi đó, nhân đạo, vì là đạo bởi con người mà có và do con người nghĩ ra, do đó, về phương diện tích cực, nó chỉ có thể giúp cho con người sống xứng hợp với thân phận “nhân linh ư vạn vật” của mình mà thôi.

Tới đây, chúng ta thấy nhân đạo cần phải có thiên đạo, không thể nào thiếu thiên đạo, bằng không, về mặt tiêu cực, nhân đạo có thể sẽ trở thành ngộ đạo, hay thậm chí vô đạo, như chúng ta đã chứng kiến thấy tận mắt tỏ tường những gì “ngộ đạo” và “vô đạo” đang diễn tiến trong xã hội văn minh của chúng ta hiện nay. Con người văn minh ngày nay không bị “ngộ đạo” hay sao, khi không còn biết đến tội phúc là gì, hay không còn biết phân biệt r ràng đâu là tội phúc, thậm chí còn đi đến chỗ cho lành là dự và dữ là lành. Con người văn minh ngày nay cũng không rơi vào tình trạng “vô đạo” là gì, vì họ chối bỏ cả khả năng có thể nhận biết sự thật của mình, quay ra sống theo chiều hướng luân lý tương đối và buông thả.

Qua những gì phân tách trên đây về ý nghĩa, bản chất và tác dụng giữa thiên đạo và nhân đạo, chúng ta thấy lương tâm nơi con người hội đủ điều kiện để đóng vai thiên đạo, và văn hóa của con người đóng vai nhân đạo, bao gồm cả những đạo giáo do con người sáng lập. Có thể nói, đạo giáo do con người sáng lập là mức độ cao nhất của văn hóa, vì những đạo giáo này hoàn toàn phản ảnh lương tâm của con người, phản ảnh những gì tâm linh con người ý thức được nhờ lương tâm. Bởi vậy, văn hóa đích thực phải là thứ văn hóa thấm nhuần lương tâm, là thứ văn hóa diễn đạt lề luật luân lý phổ quát, tức thứ văn hóa phản ảnh những gì được ghi khắc giống nhau theo bẩm sinh trong thâm tâm của tất cả mọi người cũng như của từng người, qua tất cả mọi thời đại, từ khi con người xuất hiện trên đời tới khi không còn một ai trên mắt đất này nữa.

Tuy nhiên, đóng vai trò là tiếng nói thần linh trong thâm tâm con người và là ánh mắt thần linh theo di cuộc đời con người, tự bản chất, lương tâm không phải là chính thiên đạo, mà chỉ là thừa tác viên của thiên đạo nơi con người mà thôi. Vả lại, lương tâm cũng vẫn có thể bị con người lấn át, làm chủ và thậm chí bóp chết trong bàn tay bản năng lông lá của họ. Nếu văn hóa là biểu hiệu cho nhân đạo và lương tâm biểu hiệu cho thiên đạo thì hiện tượng văn hóa duy nhân bản pro choice ngày nay đã không lấn át, vặn cổ và làm thịt lương tâm là gì, bằng những con dao phay luật lệ, chọc tiết luân thường moi tim đạo lý. Tuy nhiên, dù văn hóa là biểu hiệu cho nhân đạo có sát hại được biểu hiệu của thiên đạo là lương tâm, nhưng vẫn không thể nào tiêu diệt được chính tiếng lương tâm, tức tiêu diệt được chính chân lý lương tâm có sứ vụ phải loan truyền cho con người. Bởi đó, dù con người có lấn át lương tâm, đè nén lương tâm để hành ác lánh thiện, họ vẫn bị áy náy, bị tiếng nói bất diệt của lương tâm không thôi cắt rứt, cho đến khi họ chấp nhận sự thật, chấp nhận lỗi lầm của mình…

Như thế, so với văn hóa là biểu hiệu cho nhân đạo, thì lương tâm là biểu hiệu cho thiên đạo, song lương tâm tự mình vẫn không phải là chính thiên đạo. Thiên đạo đây chính là tiếng nói của lương tâm, là chân lý tối thượng, một chân lý tự bản chất của mình đóng vai như mặt trời soi chiếu và tỏa nhiệt để làm cho sinh vật sinh động và phát triển. Bởi vậy, so với chính tiếng lương tâm này, với vai trò thừa sai và sứ giả của mình, lương tâm chẳng khác gì như mặt trăng tiếp nhận ánh sáng từ mặt trời để chiếu soi cho trái đất, cho con người. Có thể nói, lương tâm chính là nhân đạo, là phản ánh mặt trời chân lý tối thượng để soi sáng cho văn hóa con người, làm cho con người có thể sống động xứng với thân phận làm người của mình và phát triển cho tới khi hoàn thành ơn gọi làm người của mình, một ơn gọi sống trọn lành được thể hiện qua một cuộc đời yêu thương trọn hảo. Bởi thế thực tế làm người mới cho thấy, bất cứ những gì phạm nhân bản, ngược với yêu thương, đều vô nhân đạo, như hà hiếp, bóc lột. Thậm chí thấy khổ mà không cứu cũng thế, cũng là những gì vô nhân đạo. Chưa hết, nhân đạo liên hệ mật thiết đến yêu thương, tức đến những gì liên hệ với chủ thể, đúng hơn đến mối hiệp thông đại kết. Do đó, thái độ hành hạ thú vật chỉ vì giận cá chém thớt, hoặc hành hạ chúng một cách vô cớ, cũng là những gì vô nhân đạo đối với đối tượng nạn nhân. Hành động tàn phá môi sinh chỉ vì tư lợi trên hết, cũng được kể là những hành động vô nhân đạo, đối với chủ thể tác hành. Nếu những gì con người phạm đến nhân đạo đều làm cho tâm linh con người cảm thấy áy náy với lương tâm thì quả thực lương tâm chính là nhân đạo vậy.

Tóm lại, về vị thế đối với tâm linh con người, so với văn hóa thì lương tâm đóng vai thiên đạo, thế nhưng, tự bản chất của mình chỉ là thừa sai của chân lý và là sứ giả cho chân lý, tức so với chính tiếng nói của lương tâm, so với chính sự thật lương tâm muốn truyền đạt cho tâm linh con người, thì lương tâm chỉ đóng vai nhân đạo mà thôi. Có thể nói, lương tâm chính là nhân đạo của con người và cho con người vậy.

3. Hình khổ nhất của con người phải chăng là bị lương tâm cắn rứt?

Thật ra, nếu lương tâm không áy náy thế nào, thì lương tâm cũng không cắn rứt như vậy, như chúng ta vẫn thường thú nhận “tôi bị lương tâm cắn rứt” hay “tôi bị cắn rứt trong lương tâm”. Sở dĩ lương tâm không áy náy là vì lương tâm bao giờ cũng truyền dạy những điều chân thiện, xứng hợp với thân phận làm người và đáp ứng ơn gọi làm người của con người. Và sở dĩ lương tâm cũng không cắn rứt là vì lương tâm không có toàn quyền phán quyết về số phận của con người, trái lại, lương tâm còn có thể bị con người lấn át, bịp miệng và bóp mũi chết là đàng khác. Vậy nếu con người có khả năng giết chết lương tâm, thì con người đâu còn sợ lương tâm cắn rứt hành khổ mình nữa? Rất tiếc, thực tại phũ phàng đã cho thấy, dù con người có sát hại lương tâm để làm theo những gì mình nghĩ là đúng và những gì mình muốn là hay đi nữa, con người vẫn không trốn được chính tiếng lương tâm hạch hỏi: “Ngươi đang ở đâu?”, như trường hợp nguyên tổ của loài người sau khi đã ăn cây trái cấm trong vườn địa đường để thỏa mãn giấc mộng muốn lên bằng Thiên Chúa, hay “Em ngươi đâu rồi?”, như trường hợp Cain sau khi đã sát hại Abel em mình ngoài cánh đồng vắng để tha mãn cơn hận hờn ghen.

Tuy nhiên, tự mình, tiếng lương tâm cũng không phải là hình phạt giáng xuống con người phản loạn vô loài. Nếu mặt trời không thể nào không soi chiếu thế nào, tiếng lương tâm là chân lý cũng không thể nào không lên tiếng như vậy. Nếu con người cần phải có ánh sáng để sinh động thế nào, con người cũng không thể nào thiếu tiếng lương tâm để có thể làm lành lánh dữ như vậy. Tuy nhiên, nếu con người đau mắt không dám ra trước ánh sáng để mắt đau của mình khỏi bị hành bởi ánh sáng thế nào, thì những ai sống trong tăm tối của ác ý, của tà tâm, của sự dữ cũng sợ phơi mình trước ánh sáng như vậy, đúng như lời Đấng Sáng Lập Kitô Giáo đã khẳng định: “Việc luận phán là như thế này, đó là ánh sáng đã đến trong thế gian, nhưng con người yêu tối tăm hơn ánh sáng, vì họ làm các việc gian ác. Ai làm điều gian ác thì ghét ánh sáng; họ không dám đến gần ánh sáng, vì sợ các việc làm của họ bị bại lộ” (John 3:19-20).

Đúng thế, đối với thành phần gian ác, ánh sáng chính là hình phạt của họ và cho họ, là hình phạt duy nhất và trên hết đối với họ, vì họ không thể nào thoát khỏi sự hiện diện thấu suốt của nó, vì họ lúc nào cũng phải đối diện với sự thật, một sự thật mà nếu họ chấp nhận và phơi mình ra sẽ được viên trọn, bằng không họ sẽ vĩnh viễn sống trong tăm tối, sẽ trở thành như loài ma quái hư hư ảo ảo vậy… Có thể nói, hình khổ nhất của con người không phải chỉ là tình trạng họ sống trong hư ảo vì cố tránh né sự thật làm người, hay tình trạng họ còn lầm lạc chưa sống đúng với sự thật làm người của mình, mà chính là tình trạng lúc nào cũng phải đối diện với chân lý tối thượng, một chân lý hết sức chói lọi làm cho họ thấy lỗi lầm của mình, cùng với cái tai hại của những gì họ đã chọn lựa cũng như theo đuổi một cách ngược chiều và lạc loài, những hành động đã gây thiệt hại chẳng những cho chính bản thân của họ, mà còn cho cả tha nhân đồng loại của họ cũng như cho chung thiên nhiên tạo vật vậy.

Tóm lại, hình khổ của một con người không sống theo lương tâm đó là lúc nào họ cũng cảm thấy bất an và bất định. Cuộc sống của họ là một cuộc sống hoang đường, một cuộc sống lang thang trên trần thế, đúng như Sách Sáng Thế Ký của Do Thái Giáo thuật lại về trường hợp của Cain, nhân vật đã thú nhận tâm trạng của mình khi bị hạch hỏi về tội ra tay hạ sát Abel em mình là: “Tôi phải lánh khỏi mặt Ngài để trở thành một kẻ lang thang trên trái đất này”. Đúng thế, thấy được hay biết được sự thật cùng đích của mình nhưng lại không đạt tới cùng đích sự thật của mình ấy chính là hình khổ nhất của con người vậy.

4. Nếu không theo lương tâm thì bị cắn rứt vậy phải chăng bình an là dấu sống theo lương tâm?

Kinh nghiệm tâm linh cho thấy, có những lúc con người lộng hành phạm pháp mà vẫn chẳng cảm thấy áy náy gì cả. Một là vì lòng họ đã trở nên chai đá, không còn sợ tội hay còn biết đến tội lỗi là gì nữa. Hai là vì họ thấy mình có quyền làm những điều ấy, vì những điều ấy đã được luật pháp công nhận và cho phép làm. Ba là tự họ thấy có lý, bởi họ là một con vật có lý trí, không thể làm gì mà lại không có lý, mà đã có lý thì còn gì phải lo, vì cái lý đó không phải là sự thật hay sao? Trái lại, cũng có những lúc con người lại tỏ ra hết sức bối rối bất an, không biết phải làm sao cho đúng, dù thấy lý lẽ mình viện ra không có gì là sai trái cả. Chưa hết, sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng đủ thứ, và đã lấy thiện chí làm đúng theo lương tâm của mình rồi, mà họ vẫn còn phải chịu những hậu quả bất hạnh ngoài ý muốn v.v…

Như thế, phải chăng bối rối hay bình an là tiêu chuẩn đánh giá trị đích thực của việc làm, là dấu chứng tỏ cho thấy việc làm của con người thực sự đúng hay sai, lợi hay hại, tốt hay xấu v.v.? Lập luận này rất hợp với chiều hướng của chủ nghĩa thực dụng ngày nay, vì chủ nghĩa này cho rằng những gì có lợi trước mắt thì được phép làm, như ly dị là có lợi nên được làm, hay phá thai là có lợi nên được làm. Nghĩa là, nếu suy diễn theo phương pháp luận, thì những gì có lợi đều tốt, mà đã tốt thì được phép làm, thậm chí không làm còn có tội nữa là đằng khác. Chẳng hạn, không phá đi cái thai được bác sĩ cho biết là bị tật nguyền thì sẽ gây cho xã hội thêm gánh nặng, hay nếu không giết người không thể chịu đựng bệnh tật được nữa, họ sống còn hơn chết, như lời họ van xin, thì có tội với họ, vì gián tiếp nhúng tay vào làm khổ họ, do đó thà cho họ chết đi còn hơn v.v. Với những lập luận thực dụng ấy, ngày nay người ta giết người một cách hết sức yên tâm, không áy náy gì hết. Vấn đề ở đây là nếu làm gì sai quấy đều bị lương tâm cắn rứt, mà nếu không bị lương tâm cắn rứt, nghĩa là cảm thấy yên tâm thì có phải con người đã sống theo lương tâm?

Vấn đề rất phức tạp này liên quan hết sức chặt chẽ với vấn đề bản chất tội lỗi: tội lỗi là gì, cũng như đến cảm thức tội lỗi: có tội hay chăng? Chúng ta sẽ tiếp tục chia sẻ hai vấn đề thiết yếu và nồng cốt này ở bài “Cảm Thức Tội Lỗi”.
 


Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh
(bài Phát Thanh Vui Mừng Và Hy Vọng 10, 24/3/2002: www.tinmungsusong.org và bài cho mục Hội Ngộ Tâm Linh của www.thoidiemmaria.net)