ĐI TÌM HẠNH PHÚC

Khởi điểm của cuộc hành trình con người đi tìm hạnh phúc được bắt đầu từ đâu?
Con người bắt đầu đi tìm hạnh phúc từ khởi điểm của cuộc hành trình này vào lúc nào?
Con người thực hiện cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc này ra sao trong cuộc sống hằng ngày?
Hạnh phúc là gì?
Đích điểm của hạnh phúc là ở chỗ nào?
Con người đạt đến tuyệt đỉnh hạnh phúc vào lúc nào?
Và họ có thể hay thực sự đạt đến tuyệt đỉnh hạnh phúc này chăng?




1) Khởi điểm của cuộc hành trình con người đi tìm hạnh phúc được bắt nguồn từ đâu?

Bốn chữ “đi tìm hạnh phúc” cho chúng ta thấy ngay những thực tại sau đây:
1. Hạnh phúc phải tìm mới có, chứ không phải tự nhiên mà có.
2. Vì đời là bể khổ chứ không phải là bờ mê bến giác, là ci phúc vô biên, là thiên đường trường cửu.
3. Mà đã là một cuộc tìm kiếm thì đối tượng muốn tìm có thể thấy, có thể không.
4. Như thế, hạnh phúc vừa là chân trời hy vọng cho con người tương lai vừa là ước vọng của con người hiện tại.

Như thế, khởi điểm của cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc của con người được bắt nguồn từ chính ước vọng của con người, từ chính nội tâm của con người. Augustinô, một đại triết gia kiêm thần học gia Kitô giáo, sống ở thế kỷ thứ tư và thứ năm, trong cuốn Tự Thú về cuộc đời quá khứ đầy mê lầm và tội lỗi của mình, đã thốt lên một câu nói thời danh bất hủ, đó là: “Chúa đã dựng nên con cho Chúa, nên lòng con khắc khoải cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa”.

2) Con người bắt đầu đi tìm hạnh phúc từ khởi điểm của cuộc hành trình này vào lúc nào?

Nếu khởi điểm của cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc được bắt nguồn từ ước vọng của con người, thì phải chăng chỉ khi nào con người có đủ trí khôn, biết phân biệt lành dữ, biết ước vọng, bấy giờ con người mới thực sự bắt đầu đi tìm hạnh phúc?

Thật ra, nếu bản năng của con người, hay tiềm thức của con người đều là những gì nói lên ước vọng sâu xa và mãnh liệt nhất của con người, thì con người đã đi tìm hạnh phúc ngay từ khi mới lọt lòng mẹ. Không phải hay sao, trong tất cả mọi loài sinh vật hữu hình trên mặt đất này, chỉ có con người từ khi mới lọt lòng mẹ đã bật miệng khóc, một tác động chào đời não nuột cho thấy thực tại đời quả là bể khổ, nếu được biết trước và chọn lựa chắc chắn con người hài nhi này đã không muốn vào đời, đã không chịu vào đời. Thế nhưng, chính tiếng khóc nhập cuộc này của con người cũng cho thấy con người, ngay từ khi mở mắt chào đời, đã thực sự và mong muốn muốn đi tìm hạnh phúc, muốn được giải thoát, muốn được thoát tục.

Tuy nhiên, giây phút con người bật tiếng khóc chào đời ấy cũng chưa phải là giây phút con người bắt đầu cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc của họ, mà là giây phút con người bắt đầu cựa quậy trong lòng mẹ, hiển nhiên nhất là lúc đạp bụng thai mẫu. Chính tác động cửa quậy hay đạp bụng thai mẫu này của thai nhi đã cho thấy con người không chịu sống gò bó, mà là muốn được sống tự do thoải mái. Cả đời sống của con người khi nhập cuộc nhân gian đã chứng thực ước vọng muốn được hoàn toàn sống tự do của họ trong cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc. Thậm chí cả hành động tội lỗi của họ, tức hành động bất tuân phục lề luật luân lý trong lương tâm, hay lề luật công ích trong xã hội, nghĩa là hành động con người hoàn toàn muốn sống buông thả về luân lý cũng như muốn sống ngoài pháp luật xã hội, nếu có, cũng chỉ là bằng chứng hiển nhiên con người chỉ muốn sống tự do, muốn đi tìm hạnh phúc cho mình mà thôi.

Vậy, nếu khởi điểm của cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc của con người được bắt nguồn từ ước vọng nội tâm của con người, thì giây phút con người từ khởi điểm bắt đầu tỏ ra muốn đi tìm hạnh phúc chính là lúc con người cựa quậy trong lòng mẹ, hiển nhiên là lúc con người muốn vẫy vùng bằng cái đạp bụng thai mẫu lần đầu tiên.

3) Con người thực hiện cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc này ra sao trong cuộc sống hằng ngày?

Nếu ngay từ bẩm sinh, ngay từ trong lòng mẹ và vừa lọt mẹ con người đã tỏ ý muốn đi tìm hạnh phúc như thế, thì có thể định nghĩa đời sống con người trên đời này là một cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc, và con người vào đời là để đi tìm hạnh phúc từng giây từng phút.

Đúng vậy, thực tế đã cho thấy r điều này, thấy r cuộc sống của con người trên đời quả thực là một cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc! Mỗi ngày, từ khi mở mắt chỗi dậy ban sáng cho tới khi lên giường ngủ đêm, con người đã không đi tìm hạnh phúc hay sao, qua những việc làm điển hình thường nhật sau đây?

ở Thứ nhất, qua việc đi vệ sinh ngay sau khi thức dậy để đỡ khó chịu hệ thống bài tiết trong thân thể!
ở Thứ hai, qua việc đi ăn điểm tâm cho đỡ đói trước khi đi làm sau cả một đêm bụng trống!
ở Thứ ba, qua việc đi học để cầu tiến, để tăng thêm kiến thức phổ thông hay chuyên môn là những gì cần cho tương lai nghề nghiệp sau này, nhờ đó, có công thành danh toại, họ mới đỡ bị thất nghiệp hay đi làm cu li, không bị sống trong cảnh hạ lưu bần cùng!
ở Thứ tư, qua việc đi làm để tự lực mưu sinh và nuôi gia đình, không phải ăn nhờ, ăn bám, ăn xin!
ở Thứ năm, qua việc đi chơi giải trí để tăng cường sức khỏe, trau luyện thể năng, khuây khỏa đầu óc, nhờ đó đỡ bị bệnh tật, yếu đuối, điên đầu, quên sót!
ở Thứ sáu, qua việc đi ngủ sau một ngày làm việc mệt nhọc để lấy lại sức, nhờ đó mới có thể chỗi dậy tiếp tục sinh hoạt hằng ngày và thực hiện được những công trình mộng ước của mình!
ở Thứ bảy, qua việc đi thăm bác sĩ để chữa trị bệnh hoạn tật nguyền, để ngăn ngừa bệnh tật cũng như để bảo tồn sức khỏe!
ở Thứ tám, qua việc đi chùa, đi lễ để van xin cho tai qua nạn khỏi, để cầu ơn trên phù giúp cho được gặp may, gặp phước!
ở Thứ chín, qua việc đi lập gia đình để sống trọn đời với người yêu lý tưởng của mình, một con người không thể sống nếu thiếu họ!
ở Thứ mười, thậm chí qua cả việc đi ăn trộm ăn cắp, đi cờ bạc rượu chè, đi chơi bời trác táng v.v., đối với một số người, cũng là việc đi tìm hạnh phúc, vì chúng làm thỏa mãn nhu cầu vật chất hay đam mê nhục dục của họ.

Tóm lại, tất cả mọi hành vi cử chỉ, mọi phản ứng chịu đựng, lớn hay nhỏ, tích cực hay tiêu cực của con người, từng giây từng phút, dù ý thức hay vô thức, kể cả tác động bất ngờ chớp mắt tránh bụi của họ, tác động toát mồ hôi sau khi ra khỏi cơn ác mộng trong giấc ngủ, đều là những gì tỏ ra cho thấy con người thực sự hết sức muốn đi tìm hạnh phúc.


4) Hạnh phúc là gì? Đích điểm của hạnh phúc là ở chỗ nào?

Trong đời sống con người bao giờ cũng tỏ ra hai thái độ, một là chủ động và hai là phản ứng: chủ động là tự ý làm một việc gì đó theo dự định, khả năng hay hoàn cảnh của mình, và phản ứng là hành động cần phải tỏ ra đương đầu, tránh né hay chịu đựng những thử thách hoặc chướng ngại gây ngăn trở trong cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc của họ. Thế nhưng, dù chủ động hay phản ứng, tựu kỳ trung con người cũng chỉ làm sao để có thể làm lành lánh dữ. “Làm lành lánh dữ” ở đây, trước hết, được hiểu theo một nghĩa tối thiểu và chủ quan về tâm lý. Ở chỗ, con người không bao giờ chấp nhận sự dữ, và tìm hết cách xa lánh sự dữ, như nghèo nàn hay bệnh tật, sự dữ về thể lý; ngu dốt hay nhục nhã, sự dữ về tâm lý; tính mê hay nết xấu, sự dữ về luân lý; trái lại, họ vận dụng tài trí và đầu tư toàn nghị lực cùng thời giờ lẫn vật chất, thậm chí có những lúc đấu giá cả mạng sống và danh dự của mình nữa, để làm lành, tức để làm sao cho họ được hưởng những sự lành về thể lý, như giầu sang hay khỏe mạnh, tâm lý, như khôn ngoan hay thông thái, cũng như luân lý, như tốt lành hay thánh thiện.

Như vậy, hạnh phúc chính là sự thiện, một sự thiện con người hằng mong ước, một sự thiện có khả năng làm thoả mãn lòng người. Thế nhưng, nếu hạnh phúc là sự thiện thì tại sao lại có loại sự thiện làm cho người này hạnh phúc hay thời này hạnh phúc, song làm cho người khác hay thời khác cảm thấy bất hạnh? Chẳng hạn vấn đề “đa tử đa tôn đa phú quí”, đối với người Á Đông thời xưa quả thực là một sự thiện, là có phước, nhưng thời nay, tại thế giới văn minh tân tiến này, thì lại là một cái họa, cần phải tránh xa, không ai còn dám mơ ước cho mình, hay còn dám mở miệng chúc cho người nữa? Như thế, phải chăng hạnh phúc là được mọi sự như ý?

Nếu hạnh phúc là được mọi sự như ý thì thực tế cho thấy con người lại càng xa hạnh phúc, vị chẳng bao giờ họ sẽ được hoàn toàn như ý và mãi mãi như ý. Bởi vì có những cái con người muốn mà không làm được, như muốn sống lâu trăm tuổi, trăm năm hạnh phúc, hay có những cái muốn mà không được làm, như cướp của giết người, hoặc ngược lại, có những cái không muốn mà lại cứ xẩy ra, như động đất, hỏa hoạn, chiến tranh, hay có những cái đã đề phòng mà vẫn không thể tránh, như tai nạn, tật nguyền v.v. Do đó, chúc cho nhau được mọi sự như ý là cho nhau ăn bánh vẽ.

Thậm chí có những cái được như ý mình lại trở nên tai họa cho mình. Như muốn trúng số thì được trúng số, rồi sau đó là bị cướp giật hay sát hại vì có nhiều tiền lắm của. Như muốn đẹp thì được đẹp, qua việc sửa nhan sắc, rồi sau đó bị cưỡng hiếp vì chút sắc đẹp. Như muốn nhiều tiền thì được nhiều tiền bởi cố làm overtime, nhưng sau đó là gia đình tan nát, vì không có giờ cho vợ cho con. Như muốn bỏ nước ra đi để tìm tự do thì lại bị hải tặc cướp hiếp, bị bão tố nhận chìm, thậm chí vào được đến bờ rồi còn bị trả về quê hương v.v.

Hạnh phúc là được mọi sự như ý còn nguy hiểm ở chỗ, ý muốn của con người trở thành sự thiện tuyệt đối, là một sự thiện tối cao, nghĩa là tất cả những gì họ muốn đều là sự thiện, đều là hạnh phúc. Chẳng hạn, con người văn minh ngày nay muốn phá thai và được quyền phá thai, thì phá thai là hạnh phúc, muốn ly dị và được quyền ly dị thì ly dị là hạnh phúc, muốn đồng tính luyến ái và được quyền đồng tính luyến ái thì ăn ở đồng tính với nhau là hạnh phúc v.v. Thế nhưng, thực tế cho thấy, hơn bao giờ hết, xã hội văn minh tân tiến cả về vật chất lẫn nhân bản ngày nay, một xã hội với những quyền ly dị, phá thai và đồng tính luyến ái ấy lại càng bị khủng hoảng về luân lý, càng phá sản về văn hóa và đạo lý, làm cho đời sống gia đình là nền tảng xã hội bị tan nát và giới trẻ là tương lai của loài người bị hư thân.

Như thế, nếu hạnh phúc không phải là một sự thiện thời trang hay sự thiện chủ quan, những loại sự thiện chỉ làm cho con người mơ màng hay băng hoại, thì nó phải là một sự thiện tuyệt đối và khách quan, một sự thiện chi phối con người và làm cho con người nên hoàn hảo, làm cho con người sống trọn Ơn Gọi Làm Người của mình. Vậy, con người hoàn hảo phải là con người hạnh phúc, hay con người hạnh phúc chính là con người hoàn hảo. Và cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc của con người chính là cuộc hành trình đáp ứng Ơn Gọi Làm Người của mình, Ơn Gọi trở thành một Con Người Hoàn Hảo, Ơn Gọi Sống Trọn Lành.

5) Con người đạt đến tuyệt đỉnh hạnh phúc vào lúc nào? Và họ có thể hay thực sự đạt đến tuyệt đỉnh hạnh phúc này chăng?

Nếu “con người hoàn hảo phải là con người hạnh phúc, hay con người hạnh phúc chính là con người hoàn hảo. Và cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc của con người chính là cuộc hành trình đáp ứng Ơn Gọi Làm Người của mình, Ơn Gọi trở thành một Con Người Hoàn Hảo”, thì tuyệt đỉnh hạnh phúc chính là Tầm Mức Hoàn Hảo của con người. Thế nhưng, nếu “nhân vô thập toàn”, thì con người có thể đạt đến tuyệt đỉnh hạnh phúc này hay chăng? Nếu có thì vào lúc nào?

Trước hết, về tầm mức hoàn hảo của con người, theo kinh nghiệm sống cho thấy, con người hoàn hảo không phải là con người khôn ngoan thông thái mà lại chẳng những khinh thường những ai quê mùa dốt nát, thậm chí còn dùng kiến thức của mình vào những việc tác hại đồng loại của mình, như thực hiện việc chế tạo bom hạch nhân, thuốc phá thai. Con người hoàn hảo cũng không phải là một con người giầu sang quyền quí mà lại ích kỷ không biết thương giúp những ai bần cùng khốn khó, trái lại, còn hà hiếp bóc lột đồng loại của mình. Con người hoàn hảo lại càng không phải là một con người quyền cao chức trọng mà lại lạm quyền để chẳng những vinh thân phì da thêm vào đó, còn tỏ ra lộng hành trong việc phê chuẩn hay ban bố những luật pháp phi luân, như cho phép phá thai, hôn nhân đồng tính v.v.

Cũng kinh nghiệm nhân sinh cho thấy, người ta chỉ cảm mến và kính phục những ai có một đời sống nội tâm tự tại và sống như một con người quốc tế, con người của mọi người. Đúng vậy, con người hoàn hảo chính là con người có một đời sống nội tâm tự tại, ở chỗ, họ biết làm chủ mình, chẳng những họ không bị lôi cuốn bởi đam mê cám dỗ bại hoại về luân thường đạo lý, mà còn có thể làm chủ được cả hoàn cảnh, ở chỗ, không một khó khăn thử thách nào có thể làm họ gục ngã, buông trôi, bấn loạn hay xao xuyến. Tuy nhiên, sức sống nội tâm tràn đầy bình an tự tại này nơi con người hoàn hảo không phải như là một thứ ao tù cô đọng, mà là một mạch nước vọt lên sức sống, là một biển cả mênh mông tràn sóng yêu thương. Như nơi một Đức Thích Ca Mâu Ni sau khi giác ngộ đã ra tay cứu nhân độ thế và đã trở thành Phật Tổ trước lòng ngưỡng phục của các tín đồ. Hay như một Mẹ Têrêsa Calcutta đã dấn thân 50 năm phục vụ thành phần nghèo nhất trong các người nghèo, và khi qua đi vào tháng 10/1997, đã được chính phủ và nhân dân Aán tôn kính và cử hành như một lễ quốc táng trước sự chứng kiến của toàn thế giới qua màn ảnh TV.
 

Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh