Nhận Định Về Cuộc Khủng Hoảng Giáo Hội Tại Hoa Kỳ

 


George Wiegel, Tác giả cuốn “Chứng Nhân cho Niềm Hy Vọng” (Witness to Hope), cuốn sách về cuộc đời của ĐTC Gioan Phaolô II bán chạy nhất, được Nhà Xuất Bản Basic Books cho phát hành tác phẩm mới nhất của ông mang tựa đề: “Can Đảm Làm Người Công Giáo: Vấn Đề Khủng Hoảng, Canh Tân và Tương Lai Giáo Hội”. Sau đây là cuộc phỏng vấn của Màn Điện Toán Zenit với thần học gia 51 tuổi, một phần tử kỳ cựu của Ethics and Public Policy Center ở Washington, được thực hiện tại tư gia của ông ở North Bethesda, Maryland như sau:


Vấn:     Cần phải có can đảm để làm một người Công Giáo ngày nay hay sao?


Đáp:     Tôi chọn nhan đề “Can Đảm Làm Người Công Giáo” bởi vì đó là đường lối bao giờ cũng có tác dụng đối với một cuộc canh tân đích thực trong Giáo Hội, cuộc canh tân qua những con người nam nữ đầy xác tín và lòng can đảm để là một người Công Giáo dám đối đầu với văn hóa, là một người Công Giáo chân chính, hoàn toàn và phấn khởi. Giáo Hội không bao giờ được canh tân bởi “Thứ Công Giáo Catholic Lite”. Vấn đề canh tân bao giờ cũng nhắm đến việc thấm nhuần sâu xa hơn, hoàn toàn hơn những chân lý được Chúa Kitô trăn trối cho Giáo Hội, những chân lý mà quí vị có thể gọi là hiến pháp của Giáo Hội.


Vấn:     Vậy phải chăng đó là điều đòi phải có lòng can đảm?


Đáp:     Đúng thế. Song cũng cần phải có lòng hăng hái phấn khởi nữa. Một trong những điều người Công Giáo cần phải lấy lại đó là cảm quan đối với một cuộc đại thám hiểm về vấn đề chính thống. Vấn đề Chính Thống Kitô Giáo là một dự thảo sôi nổi nhất để cống hiến cho thế giới ngày nay. Nó là những gì hào hứng rất nhiều hơn cả “Thứ Công Giáo Catholic Lite”.


Vấn:     Từ ngữ “Catholic Lite” là một hình ảnh cứ lẩn quẩn khắp cả cuốn sách “Can Đảm Làm Người Công Giáo”. Nó có nghĩa là gì vậy?


Đáp:     Chúng ta không thể hiểu được cuộc khủng hoảng của việc hàng giáo sĩ lạm dụng tình dục, cũng như việc hàng lãnh đạo giáo phẩm thất bại mà không dính dáng đến thời gian ba thập niên rưỡi qua. Trong thời gian này Giáo Hội tại Hoa Kỳ đã đâm rễ mọc mầm lên một thứ văn hóa bất đồng. Nói đến “thứ văn hóa bất đồng” này, tôi không chỉ có ý nói đến những con người nam nữ bị lầm lẫn, hay nghĩ rằng Giáo Hội phải bày tỏ giáo huấn của mình một cách rõ ràng hơn nữa. Đề cập đến “thứ văn hóa bất đồng” là tôi cố ý nói đến những con người nam nữ, bao gồm cả những vị linh mục, nữ tu, giám mục, thần học gia, giáo lý viên, các viên chức quan lại và các tay náo động, thành phần tin tưởng rằng những gì Giáo Hội chủ trương là đúng thực sự là sai lầm. Nếu quí vị thực sự nghĩ rằng – thực sự tin rằng thẩm quyền tối cao của Giáo Hội là thẩm quyền truyền dạy những điều sai lầm và dẫn Giáo Hội đến chỗ lầm lạc – thì quí vị không hoàn toàn hiệp thông với Giáo Hội. Tình trạng này kéo theo hậu quả của nó, bao gồm cả những hậu quả về hành vi cử chỉ nữa.


Vấn:     Có phải ông cho rằng “thứ văn hóa bất đồng” là yếu tố chính gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay ở Hoa Kỳ hay chăng?


Đáp:     “Thứ văn hóa bất đồng” không cho thấy toàn diện cuộc khủng hoảng của Người Công Giáo năm 2002. Tuy nhiên, nó vẫn là một phần rất quan trọng trong cuộc rối loạn này, vì những gì người ta nghĩ rất liên hệ với những gì họ tác hành vậy. Có lạ lắm chăng khi một số nam nhân học kiểu sống đời sống bị đánh lừa và đời sống sai lạc về trí thức trong chủng viện – những nam nhân được dạy rằng họ có thể qua mặt giáo huấn chuyên chính – dần dần sống cuộc sống sai lạc về hành vi cử chỉ, trở thành những con người làm dụng tình dục? Với thứ văn hóa xu hướng về tính dục của chúng ta thì điều này không có gì là lạ cả. Có lạ hay chăng các vị giám mục không muốn sửa chữa những gì đã rõ ràng xẩy ra trong các chủng viện cũng như các đại học Công Giáo vào thập niên 1970 và 1980 – một phần là vì các vị không muốn đối diện với thứ văn hóa bất đồng, thường là vì các vị sợ gây ra tình trạng rạn nứt tại Giáo Hội địa phương – cũng là những vị giám mục không cương quyết trong việc đối đầu với gương mù gây ra bởi tình trạng giáo sĩ lạm dụng tình dục? Không có gì lạ cả. Đó là điều duy nhất tôi đã cố gắng chứng tỏ trong cuốn “Can Đảm Làm Người Công Giáo”: Giáo Hội ở Hoa Kỳ phải biết nối kết những chấm điểm, nếu, theo giòng lịch sử, Giáo Hội ở Hoa Kỳ muốn tiến đến chỗ kiểm chế được cuộc khủng hoảng này một cách hiệu nghiệm, và nếu muốn cho cuộc khủng hoảng này trở thành một dịp thực sự canh tân Công Giáo.


Vấn:     Ông có thể diễn tả cho thấy chính cuộc khủng hoảng này như thế nào hay chăng?


Đáp:     Cuộc khủng hoảng này có ba phần. Thứ nhất là phần khủng hoảng nơi hàng giáo sĩ lạm dụng tình dục, một cuộc lạm dụng mang một hình thức thịnh hành nhất là việc lạm dụng tình dục đồng tính đối với những em trai tuổi dậy thì và giới trẻ. Thứ hai là phần khủng hoảng nơi vai trò lãnh đạo của hàng giáo phẩm. Và ở tận cùng của cuộc khủng hoảng này là phần khủng hoảng nơi vai trò làm môn đệ Chúa Kitô. Các vị linh mục lạm dụng tình dục và các vị giám mục sợ hãi hay vi phạm, trước hết và trên hết, là những người môn đệ Kitô hữu không trọn vẹn hoán cải. Đó là lý do tại sao cuộc khủng hoảng này là một tiếng kêu gọi hết mọi người trong Giáo Hội hãy sống cuộc sống làm môn đệ của Chúa Kitô một cách thực sự hơn nữa. Như Cha Richard Neuhaus và những vị khác đã vạch ra qua nhiều tháng nay thì câu trả lời cốt yếu cho cuộc khủng hoảng bất trung đó là lòng trung tín. Thế thôi.


Vấn:     Cuốn “Can Đảm Làm Người Công Giáo” cũng diễn tả cho thấy cả những gì không thuộc về cuộc khủng hoảng này nữa. Tại sao ông cho là như thế?


Đáp:     Bởi vì những gì thuộc về hay không thuộc về khủng hoảng đã bị lầm lẫn với đường lối canh tân Công Giáo chân chính. Đây không phải là cuộc khủng hoảng về cuộc sống độc thân giáo sĩ; nó là cuộc khủng hoảng của những nam nhân không sống đúng đúng với những lời hứa độc thân mà họ đã thề quyết với Chúa Kitô và Giáo Hội. Nó không phải là một cuộc khủng hoảng gây ra khoa đạo đức về tính dục của Giáo Hội, một khoa học thẳng thắn lên án tất cả mọi hình thức lạm dụng tình dục. Nó không phải là một cuộc khủng hoảng gây ra bởi “vấn đề thẩm quyền”, vì Giáo Hội không phải là một cơ cấu thẩm quyền – Giáo Hội là một cộng đồng được làm nên bởi truyền thống thẩm quyền, một điều hoàn toàn khác hẳn. Nó cũng không phải là một cuộc khủng hoảng tạo nên bởi truyền thông. Đúng, truyền thông có lúc đã bóp méo vấn đề, và cũng đúng nữa, có những điều đã gây nên bầu không khí kích động; thế nhưng việc gây nên bầu không khí kích động này phải do một cái gì đó châm mồi. Thật là hết sức sai lầm khi không nhìn nhận rằng đây là một cuộc khủng hoảng do những người Công Giáo gây ra và cũng chỉ có những người Công Giáo mới chữa trị được nó mà thôi.


Vấn:     Chữa trị như thế nào?


Đáp:     Bước thứ nhất tiến đến việc chữa trị những gì đã bị hư hại là việc nhìn nhận những căn gốc về tinh thần của cuộc khủng hoảng. Như những cuộc khủng hoảng khác trong hai ngàn năm của lịch sử Công Giáo, cuộc khủng hoảng hiện nay đã gây ra bởi tình trạng thiếu hụt con số những vị thánh. Đó là tiếng gọi hết mọi người hãy sống thánh thiện hơn, sống cuộc sống hoàn toàn Công Giáo hơn. Nơi nào Giáo Hội tiến đến đáy vực thì phản ứng cần phải có đối với cuộc khủng hoảng bấy giờ bao giờ cũng giống nhau – tức là hết mọi người trong Giáo Hội phải sống ơn gọi nên thánh thực sự hơn. Hết mọi người không trừ ai. Cuốn “Can Đảm Làm Người Công Giáo” gồm có 3 chương liên quan đến những đề nghị về những vấn đề cần đặc biệt canh tân: chẳng hạn trong việc tuyển mộ ơn gọi, trong các chủng viện, trong vai trò linh mục, trong cách thức chọn tuyển các vị giám mục, trong việc thực hành vai trò giáo phẩm, cũng như trong cách thức tòa thánh Vatican thu thập tín liệu và liên hệ với các Giáo Hội địa phương đang gặp khủng hoảng. Những đề nghị này được căn cứ vào kinh nghiệm riêng của tôi, vào nhiều cuộc bàn hỏi với một số nhà canh tân nổi tiếng nhất trong Giáo Hội ngày nay, cũng như vào nhiều cuộc trao đổi tôi đã thực hiện ở Rôma vào Tháng Hai và Tháng Tư vừa rồi.


Vấn:     Cuốn “Can Đảm làm Người Công Giáo”có một chương mang tựa đề “Tại sao các Vị Giám Mục thất bại”. Nhiều người, Công Giáo cũng như ngoài Công Giáo, đã thắc mắc là làm sao các ngài lại có thể để cho cái thất bại này xẩy ra được? Thế ông trả lời ra sao?


Đáp:     Sự kiện mà rất nhiều người đang thắc mắc là vấn nạn tự nó chứng tỏ cho thấy vị thế trọng yếu của các vị giám mục trong đời sống Giáo Hội. Trái với những qui trách của thành phần “Công Giáo Bất Đồng Catholic Lite” chủ trương, hầu hết những người Công Giáo không chú trọng đến những vị giám mục muốn thừa ủy nhiều quyền hạn của mình hơn cho những ủy ban và hội đồng khác nhau. Hầu hết các người Công Giáo mong muốn các vị giám mục thực hiện quyền bính của các vị một cách hiệu nghiệm, và thực hiện quyền này để làm sao thúc đẩy hết mọi người trong Giáo Hội sống một đời sống thánh thiện hơn. Tôi nghĩ rằng những thất bại của hàng giáo phẩm trong các thập niên gần đây giống như những thất bại của các vị linh mục, đó là cái thất bại sâu xa nơi việc biết mình. Nếu một vị linh mục nghĩ mình chỉ là một “thừa tác viên” khác, thực hiện “thừa tác vụ” cho kẻ khác, thì ngài đã không nghĩ về mình như những gì được Giáo Hội truyền dạy ngài là một hình ảnh, một tái hiện sống động của vai trò tư tế đời đời của Chúa Giêsu Kitô. Và nếu ngài không nghĩ về mình là hình ảnh của Chúa Kitô, thì ngài sẽ có khuynh hướng tác hành phản lại với việc ngài đã quyết tâm với Chúa Kitô và Giáo Hội. Áp dụng điều này vào trường hợp của các vị giám mục cũng thế. Những vị giám mục nào nghĩ mình chẳng qua chỉ là một quản viên – hay tệ hơn nữa, những vị giám mục nghĩ mình như là các người điều động cho một nhóm hội luận với nhiệm vụ chính là giúp cho ai nấy “tham gia” – thì các vị tác hành cũng chẳng khác gì như các tông đồ trong cơn khủng hoảng. Điều này có nghĩa là một phần trong việc thực sự canh tân Công Giáo ngày nay là ở chỗ đặt ra vấn nạn rất gay go như sau: Phải chăng thứ văn hóa nội bộ của hội đồng giám mục Hoa Kỳ đã gây rắc rối cho các vị giám mục với tư cách là những cá nhân trong vai trò làm tông đồ như các vị được truyền chức để thủ vai trò này? Và phải chăng văn hóa của hội đồng giám mục đã gây rắc rối cho các vị giám mục trong việc các vị suy nghĩ và tác hành một cách tông truyền với tư cách là một nhóm?


Vấn:     Cuốn sách của ông phải chăng cuối cùng trở thành một cuốn sách hy vọng. Tại sao?


Đáp:     Tôi có thể nghĩ đến 3 lý do sau đây. Lý do thứ nhất là vì, “khủng hoảng”, theo Thánh Kinh, có hai ý nghĩa: tai họa và cơ hội – và cơ hội mà tai họa hiện tại cống hiến cho chúng ta đây là cơ hội để hoàn thành những việc canh tân của Công Đồng Chung Vaticanô II, những việc canh tân như đã được dẫn giải bởi thẩm quyền của giáo triều Đức Gioan Phaolô II. Lý do tôi hy vọng là vì cuộc khủng hoảng này đánh dấu cái hồ hởi cuối cùng của những tay đấu thủ thuộc “Thứ Công Giáo Bất Đồng Catholic Lite” già cả, cằn cỗi về tri thức, thành phần không thể diễn tả một cách chính xác ngay cả cuộc khủng hoảng họ đã góp phần gây ra đây. Sau hết, tôi hy vọng là vì cái làm nên Kitô hữu, ở chỗ họ là những con người nam nữ của niềm hy vọng, thành phần biết rằng các dự án của Thiên Chúa đang được thực hiện trong giòng lịch sử, nơi những gì thường giáng xuống trên chúng ta một cách lạ thường. Đó là lý do tại sao, với ngày Dorothy Day, tôi tin vào sự thật của những gì Đức Piô XI muốn nói, đó là “Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa về việc Ngài đã làm cho chúng ta sống giữa những rắc rối hiện nay; chứ không bao giờ để cho một ai sống tầm thường cả”.