VÌ TÔI LÀ LINH MỤC…

(Chúc mừng quí tân linh mục Việt Nam khắp nơi trong Mùa Thụ Phong 2002.
Biệt tặng nhạc sĩ Văn Hữu trong ngày thụ phong Linh Mục 2/6/2002,
và nhị vị Mạnh Thư và Xuân Cảnh dịp kỷ niệm thụ phong Linh Mục 15 năm 6/8/1987-2002)


Theo bài Phúc Âm Chúa Nhật 4 Mùa Phục Sinh Năm A theo Thánh Gioan đoạn 10 câu 1-10, chúng ta thấy được sự liên hệ giữa chủ chiên và chiên. Chiên chỉ theo chủ chiên của mình mà thôi, chứ không theo kẻ lạ mặt. Chiên phân biệt kẻ lạ với chủ chiên của mình bằng khả năng nghe được tiếng chủ chiên của mình. Và tiếng quen thuộc của chủ chiên của chúng được tỏ hiện qua ba đặc tính sau đây: thứ nhất là việc chủ chiên qua cửa mà vào chuồng chiên chứ không trèo qua hàng rào như kẻ trộm cướp, thứ hai là việc chủ chiên biết được từng con chiên của mình, và thứ ba là việc chủ chiên đi trước chiên của mình khi dẫn chúng ra khỏi chuồng.

Về dấu hiệu thứ nhất chứng tỏ ai là chủ chiên thật (về tinh thần, dĩ nhiên vị này phải có chức thánh), đó là họ qua cửa chiên mà vào, tức qua Chúa Kitô mà đến với chiên, hay phải sống gắn bó với Chúa Kitô mới xứng đáng và có khả năng để chăn chiên. Đó là lý do Chúa Kitô, trước khi trao phó đoàn chiên của mình cho Vị Chủ Chiên tiên khởi đại diện Người trên trần gian là Thánh Phêrô, Người đã muốn thánh nhân phải tuyên xưng tình yêu của ngài đối với Người. Không có tình yêu Chúa Kitô, không thể nào chăn chiên của Người được.

Về dấu hiệu thứ hai chứng tỏ ai là chủ chiên thật (về tinh thần, dĩ nhiên vị này phải là tư tế thừa tác), đó là “gọi tên chiên của mình”, hay biết rõ từng con chiên trong đàn của mình cũng vậy. Chính vì thế mới có chuyện bỏ 99 con để đi tìm một con duy nhất trong đàn bị thất lạc. Nếu không biết chiên của mình không thể nào đáp ứng nhu cầu của chúng, không thể nào phục vụ chúng, không thể nào chăn dắt chúng như gương của Vị Mục Tử Kitô. Biết chiên là dấu hiệu chứng tỏ chủ chiên tha thiết với chiên, gắn bó với chiên, nên một với chiên.

Về dấu hiệu thứ ba chứng tỏ ai là chủ chiên thật (về tinh thần, dĩ nhiên vị này có quyền chăn dắt giáo xứ hay giáo phận), đó là thái độ “đi trước chiên”, một thái độ cho thấy chủ chiên luôn làm gương cho chiên, hiểu biết trước những gì chiên cần, không đợi cho đến khi chúng tỏ ý mới làm cho chúng, tin tưởng chiên không cần phải cứ kè kè đi sau coi chừng chúng, nhất là sẵn sàng đối đầu với những nguy hiểm xẩy đến cho đàn chiên, chứ không phải nhút nhát đi sau, có gì chạy trước, hay không tin tưởng chiên, sợ chúng bỏ đàn đi hoang.

Thực tế cho thấy, trước mắt của thành phần chiên là thành phần tự nhiên vốn cảm nhận được ai là chủ chiên thật (về phương diện tinh thần mà thôi), thì một vị linh mục hay giám mục thánh thiện hay chăng, thánh thiện nhiều ít, được tỏ hiện hết sức tỏ tường và sống động, trước hết, qua cách ngài dâng Thánh Lễ, qua lời giảng của ngài, và qua lời khuyên của ngài trong tòa giải tội. Nếu những lời ngài nói năng và việc ngài tác hành, kể cả nơi những giao tiếp xã hội, có sức làm cho người được giao tiếp cảm thấy nóng lên, như trường hợp hai môn đệ đi Emmau, thì quả thực vị ấy là chủ chiên thật, vì đã qua cửa chiên mà vào với hay đến với đàn chiên của Chúa Kitô.

Gần đây ĐTC Gioan Phaolô II đã huấn dụ các vị giám mục và linh mục theo tinh thần chủ chiên chân thực này như sau:
Trong Thánh Lễ truyền chức cho 20 tân linh mục thuộc giáo phận Rôma (12 người Ý, 6 người Mỹ Châu Latinh, 1 Tây Ban Nha và một Phi Châu) tại Đền Thờ Thánh Phêrô hôm nay, 21/4/2002, Ngày Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Phục Sinh, cũng là Ngày Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, Ngày Cầu Cho Ơn Gọi trong Giáo Hội. Trong ngày truyền chức theo truyền thống hằng năm này, ĐTC đã kêu gọi các tân chức sống thánh thiện, khi nhắc nhở các vị là
 

“(Chúa Giêsu đã) kêu gọi anh em sống với Người bằng một mối thân tình hồng phúc. Người xin anh em sống khó nghèo cách nghiêm nhặt và sống khiêm tốn như một người tôi tớ nhận mình là kẻ thấp hèn nhất mọi người. Tóm lại, Chúa muốn anh em phải là những vị thánh. Thánh thiện là chiều hướng Giáo Hội cần phải nhắm đến trong việc chăm sóc mục vui… (Anh em phải là) những vị thừa tác viên thánh thiện của Tình Thương Thần Linh. Trước hết, chính anh em hãy sống ân sủng tuyệt vời của sự hòa giải như là một nhu cầu sâu xa và như một tặng ân hằng mang lại niềm hy vọng cho con người. Anh em sẽ mang lại cho con đường nên thánh và vai trò thừa tác vụ của anh em một nghị lực và động lực mới. Căn cứ vào tình trạng lúc nào cũng sẵn sàng trung thánh của mỗi một người trong anh em, Thiên Chúa sẽ thực hiện những phép lạ phi thường của tình yêu nơi tâm hồn các tín hữu. Tại nguồn mạch của sự hòa giải này, một sự hòa giải anh em phải là những người ban phát một cách bao dung và trung thành, thành phần lãnh nhận bí tích rửa tội mới có thể hưởng được một cảm nghiệm sống động và ủi an về Chúa Kitô, Vị Mục Tử Nhân Lành, vị mục tử hết sức vui mừng khi tìm lại được từng một con chiên lạc”.


Trong buổi triều kiến của các vị Giám Mục Nigeria với ĐTC Thứ Bảy 20/4/2002 hôm nay để kết thúc cuộc Viếng Thăm Tòa Thánh Ngũ Niên của các vị, các vị đã được ĐTC nhắn nhủ liên quan đến đời sống linh mục như sau:
    “Thiên chức linh mục không bao giờ được coi như là một phương tiện để cải tiến thân phận con người trong cuộc sống hay để chiếm hưởng thế giá. Các vị linh mục và thành phần học làm linh mục thường sống ở một mức độ trổi vượt cả về vật chất lẫn học thức hơn gia đình họ cũng như thành phần đồng lứa; bởi thế họ rất dễ có khuynh hướng nghĩ mình ngon hơn kẻ khác. Trong trường hợp này, lý tưởng phục vụ của linh mục và việc tự hiến dấn thân có thể bị lu mờ, làm cho linh mục cảm thấy không được mãn nguyện và đâm ra chán chường. Vì lý do ấy, đời sống của quí huynh cũng như đời sống của các vị linh mục thuộc quyền quí huynh phải phản ảnh một đức khó nghèo đích thực theo phúc âm, cũng như phải xa lánh những sự vật cùng những thái độ thế gian, rồi lại phải cẩn thận canh giữ cái giá trị độc thân như là một tặng ân trọn vẹn hiến mình cho Chúa cũng như cho Giáo Hội của Người… Việc đào tạo chủng sinh là một việc rất ư là quan trọng, vì việc truyền đạt những niềm xác tín và huấn luyện cụ thể là việc thiết yếu đối với sự thành công của sứ vụ Giáo Hội… Bởi vậy, là một người cha đích thực, ưu tiên đệ nhất của quí huynh là việc phát triển và canh tân tinh thần cho các vị linh mục của qúi huynh”.
 

Hội nghị Về Ơn Gọi III được tổ chức tại Montreal Canada từ Thứ Năm 18/4/2002 hôm nay tới hết Ngày Chúa Nhật, 21/4/2002. Chủ đề là “Vocación, Don de Dieu, Given for God’s People” (Ơn Gọi, Tặng Ân Thiên Chúa ban cho Dân Ngài). Hội Nghị này phát xuất từ lời kêu gọi của ĐTC Gioan Phaolô II. Hai hội nghị trước được tổ chức lần nhất tại Mỹ Châu Latinh (São Paulo năm 1994) và lần hai tại Âu Châu (Rôma năm 1997). Trong lễ nghi khai mạc có sự hiện diện của ĐHY Zenon Grocholewski, Tổng Trưởng Thánh Bộ Tòa Thánh về Việc Giáo Dục Kitô Giáo, và ĐHY Jean-Claude Turcotte, TGP Montreal. Các vị giám mục Canada và Hoa Kỳ lãnh trách nhiệm chính cho biến cố này. Các ngài làm việc chung với Văn Phòng Giáo Hoàng ở Rôma về Ơn Gọi trong Giáo Hội và với các vị phụ trách ơn gọi các dòng tu ở Canada và Hoa Kỳ. Ban điều hành gồm 20 vị bao gồm linh mục giáo phận, phó tế, các tu hội đời và giáo dân nam nữ, dưới sự lãnh đạo của ba đấng là ĐTGM Roger Schwietz giáo phận Anchorage Alaska, GM Richard Grecco giáo phận London Ontario và GM phụ tá André Rivest TGP Montreal. Mục đích của hội nghị này là để thiết lập một môi trường tích cực ở Bắc Mỹ Châu để cổ võ ơn gọi tu trì linh mục và tu sĩ. Hội nghị nhắm đến việc liên kết và hướng dẫn Giáo Hội ở Bắc Mỹ Châu trong công tác dấn thân nhận định, ý thức và nuôi dưỡng những ơn gọi tu trì này. Những bài thuyết trình bao gồm thần học về ơn gọi, văn hóa Bắc Mỹ Châu và ảnh hưởng của nó đối với ơn gọi, và các tặng ân cùng với thách đố của tính cách đa văn hóa. Ngoài ra, còn cả cả tá buổi hội thảo về các đề tài liên quan đến ơn gọi, chẳng hạn việc sử dụng phương tiện truyền thông để cổ động ơn gọi, các cộng đồng và phong trào tu trì mới v.v. Hội Nghị sẽ được kết thúc tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả vào Chúa Nhật, Ngày Thế Giới Cầu Cho Ơn Gọi. Trong sứ điệp có hai phần của mình, ĐTC đã nhắn nhủ Hội Nghị Về Ơn Gọi III này như sau:
“Vấn đề quan trọng hơn bao giờ hết đối với việc đặt thiên chức linh mục thừa tác và đời sống tận hiến tu trì vào chiều hướng mầu nhiệm của Chúa Kitô và của Giáo Hội, để nhờ đó có thể đáp ứng một cách hiệu nghiệm các thách đố và những vấn đề phát hiện bởi môi trường xã hội và văn hóa. (Thiên chức linh mục) không được coi như là một trong những ơn gọi khác, vì sự hiện thực và phát triển của các ơn gọi khác tùy thuộc vào thiên chức linh mục này. Linh mục đại diện cho Chúa Kitô trong vai trò làm Đầu, làm Chủ Chiên, làm Tư Tế và Phu Quân, và được kêu gọi để tác hành ‘in persona Christi Capitis’ (với tư cách Chúa Kitô Thủ Lãnh) vào những giây phút linh thánh nhất trong việc linh mục phục vụ Giáo Hội”.
ĐTC đã gặp gỡ hàng giáo sĩ của Giáo Phận Rôma vào buổi sáng ngày 14/2/2002 theo truyền thống hằng năm, tại Sảnh Đường Clementine. Sau khi nghe những chứng từ của một số linh mục, ĐTC đã chia sẻ về nhu cầu cần “những ơn gọi trong cuộc sống, chứng từ và các hoạt động mục vụ của các cộng đồng giáo hội”.


Theo ĐTC tình trạng ơn gọi suy giảm là do: “Sự nhiệt tình của đức tin và lòng sốt sắng tinh thần trở nên yếu kém. Bởi thế chúng ta không được cảm thấy thoải mái với ý tưởng là việc hiếm hoi ơn gọi linh mục đã được bù đắp bằng tình trạng phát triển của việc giáo dân dấn thân hoạt động tông đồ, hay nghĩ đó là việc Thiên Chúa Quan Phòng để xẩy ra cho việc giáo dân thuận lợi phát triển. Ngược lại, càng nhiều thành phần giáo dân tìm cách sống ơn gọi rửa tội của mình một cách quảng đại thì lại cần phải có sự hiện diện và hoạt động của các vị thừa tác viên chức thánh hơn nữa… Việc Giáo Hội quyết tâm hoạt động cho ơn gọi tự bản chất là một việc dấn thân chung cao cả; một việc dấn thân kêu gọi giáo dân, linh mục và tu sĩ, và là một dấn thân bao gồm việc tái nhận thức khía cạnh căn bản nơi đức tin của chúng ta, một nhận thức cho thấy chính cuộc sống – mỗi một cuộc sống của con người – đều là hoa trái của ơn Thiên Chúa gọi, và có thể được hoàn trọn một cách tốt đẹp chỉ khi nào nó biết đáp ứng ơn gọi này”.


ĐTC nhấn mạnh ơn gọi linh mục “là một mầu nhiệm”, một mầu nhiệm chính con người hiến thân cho Chúa Kitô để “Người có thể sử dụng họ như là một dụng cụ cứu độ… Nếu không nhận thức thấy mầu nhiệm của việc ‘trao đổi’ này thì cũng không thể nào hiểu được làm thế nào một người trẻ, sau khi nghe lời mời gọi ‘hãy theo Thày!’ lại có thể từ bỏ hết mọi sự vì Chúa Kitô với niềm xác tín rằng, khi bước theo con đường này, bản vị con người của họ sẽ hoàn toàn được thể hiện. Như thế chúng ta đã thấy rõ được lý do tại sao việc dấn thân trước hết và chính yếu cho ơn gọi chính là việc cầu nguyện… Cầu nguyện cho ơn gọi không phải là và không thể là hoa trái của việc chịu vậy sau khi đã làm mọi sự có thể với một thành quả nho nhoi…”
 

ĐTC thêm là việc mục vụ về ơn gọi “trước hết được gửi gấm cho việc cầu nguyện của chúng ta, cho thừa tác vụ cũng như cho chứng từ cá nhân của chúng ta… Nếu những em trai và thanh niên thấy vị linh mục bận bịu đủ thứ chuyện, dễ chán nản, động tí là than và lơ là cầu nguyện cũng như các việc tác vụ của mình, họ làm sao có thể bị thu hút đi theo con đường của đời sống linh mục được? Đúng thế, nếu họ thấy chúng ta vui tươi làm thừa tác viên của Chúa Kitô, quảng đại phục vụ Giáo Hội, và sẵn lòng chấp nhận trọng trách lo việc phát triển về nhân bản cùng tâm linh của thành phần được ủy thác cho chúng ta, họ mới cảm thấy bị đánh động để tự hỏi mình rằng đó lại không phải là ‘phần tốt hơn’ cho họ hay sao”.
 

Xin chúc quí tân linh mục luôn là Vị Thánh Linh Mục để các vị có thể thực sự trở thành Vị Linh Mục Thánh.
 

Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh, BVL