Một Trật Tự Mới của Thế Giới Toàn Cầu Hóa: Tư Bản Kiểu Cộng Sản?



Trật Tự Mới: Tranh Đoạt

Việc Hoa Kỳ tấn công Iraq bất chấp Liên Hiệp Quốc đã là một điều hết sức sai lầm và tệ hại, mà nếu Iraq, một khi bị dồn đến đường cùng, lại sử dụng đến các thứ đại công phá mà họ tuyên bố là hoàn toàn không có và các thanh tra viên Liên Hiệp Quốc chưa tìm thấy, thì đại họa sắp xẩy đến cho thế giới. Đại họa này không phải là chiến tranh nguyên tử, mà là một trật tự mới của thế giới toàn cầu hóa sẽ được thành hình, một trật tự thế giới toàn cầu hóa tư bản kiểu cộng sản.

Tại sao? Làm sao có thể xẩy ra điều này?

Theo tôi, vấn đề có thể sẽ xẩy ra là: thứ nhất, Hoa Kỳ sẽ tự đại cho rằng Liên Hiệp Quốc chẳng làm gì được Iraq, chỉ có Hoa Kỳ mới lật được mặt nạ giả dối của Iraq. Bởi thế, việc Hoa Kỳ sử dụng võ lực qua mặt Liên Hiệp Quốc là chính đáng, vì mang lại kết quả tốt. Như thế, tóm lại, hai điều xác tín sẽ được chủ trương như sau: thứ nhất, chỉ có võ lực mới là biện pháp duy nhất và trên hết để giải quyết tất cả mọi vấn đề gai góc hóc búa nhất trên thế giới này, và chỉ cần một chính phủ duy nhất, một đảng phái duy nhất, thậm chí một cá nhân duy nhất, mới có thể làm được việc này, chứ nhiều thày sẽ thối ma như đã điển hình xẩy ra cả sáu tháng trời ở Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Nếu thực sự những suy đoán này là đúng, thì thực tế có thể sẽ xẩy ra như sau. Một khi Iraq sử dụng những thứ vũ khí đại công phá, Hoa Kỳ cũng sẽ sử dụng những loại vũ khí này. Tất nhiên, theo tự nhiên, Hoa Kỳ sẽ thắng vì mạnh hơn, trừ trường hợp ngoại lệ theo Mầu Nhiệm Quan Phòng của Thiên Chúa, Đấng làm chủ lịch sử thế giới. Thật vậy, nếu Iraq thật sự sử dụng các loại vũ khí đại công phá, Iraq sẽ không thể nào thắng được trận chiến này, vì Iraq đương đầu với cả thế giới chứ không riêng gì Hoa Kỳ. Thế nhưng, sau khi Iraq bị hạ rồi mới là vấn đề rắc rối. Bởi vì, dù các nước có kể công đã góp phần vào cuộc chiến này, Hoa Kỳ vẫn là tay chủ chốt, bởi đã chủ chiến ngay từ đầu, với một lực lượng mạnh nhất, dù không có sự cộng tác của các nước khác. Theo họ, các nước khác, chẳng hạn như và nhất là Pháp, Nga và Đức là phe phản chiến vốn chống lại chủ trương võ lực của Hoa Kỳ, thì sở dĩ tam quốc phản chiến này nhào vô là để ăn ké, là để vuốt mặt mà thôi. Bởi vậy, Hoa Kỳ sẽ toàn quyền định đoạt về số phận của Iraq. Hoa Kỳ sẽ đặt để một chính phủ bù nhìn cho Iraq để tha hồ điều khiển chính trị và kinh tế của Iraq.

Liên Hiệp Quốc sau trận chiến này kể như bị loại trừ, như số phận của Tổ Chức Liên Minh Chư Quốc trước Liên Hiệp Quốc vậy. Thật thế, Tổ Chức Liên Hiệp Quốc được thành lập ngày 24/10/1945 sau Thế Chiến Thứ Hai. Tổ Chức Liên Hiệp Quốc này được phỏng theo và tiếp nối tổ chức quốc tế đã được hình thành sau Thế Chiến Thứ Nhất, đó là Tổ Chức Liên Minh Chư Quốc (League of Nations). Tổ Chức Liên Minh Chư Quốc được các nước dự phần vào cuộc chiến thắng Đại Chiến Thứ Nhất là Pháp, Đại Anh Quốc, Ý , Nhật và Hoa Kỳ thành lập vào tháng Giêng năm 1920 với trụ sở chính ở Geneva Thụy Sĩ. Tổng Thống Woodrow Wilson Hoa Kỳ là người chủ chốt trong việc thành lập tổ chức quốc tế này, nhưng đã thất bại trong việc chinh phục Hoa Kỳ tham gia vào tổ chức này, một tổ chức bị giải tán vào tháng 6/1946, sau khi Tổ Chức Liên Hiệp Quốc thành hình. Tổ Chức Liên Hiệp Quốc cũng được đa số các nước sáng lập Tổ Chức Liên Minh Chư Quốc đứng ra thành lập. Đại diện của các nước này đã gặp nhau ở San Francisco vào tháng Tư năm 1945 để phác họa một dự án bảo vệ hòa bình thế giới, dự án được gọi là Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (the Charter of the United Nations). Tháng 6/1945, đã có 50 nước ký nhận Bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc này và đã trở thành hội viên đầu tiên của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc. Cho tới nay, các nước hội viên Liên Hiệp Quốc đã lên đến 159, trong đó có Việt Nam (gia nhập từ năm 1977). Trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc được đặt tại Nữu Ước Hoa Kỳ. Lá cờ của Liên Hiệp Quốc cũng cho thấy mục đích phục vụ hòa bình của tổ chức này, đó là hình ảnh thế giới được bao đỡ bởi hai cành lá Olive tượng trưng cho hòa bình.

Hoa Kỳ chẳng những sẽ làm bá chủ thế giới về kinh tế, vì dầu hỏa của vùng Trung Đông sau trận chiến Iraq sẽ từ từ thuộc về tay Hoa Kỳ. Một Khối Liên Minh Ả Rập và Liên Minh Hồi Giáo chia rẽ nhau như đã xẩy ra trước khi Iraq bị Hoa Kỳ hạ không thể nào chống lại được Hoa Kỳ. Bởi thế, muốn sống, mỗi nước phải bang giao với Hoa Kỳ, bằng không Hoa Kỳ sẽ có lý do chính đáng, như những lý do với A Phú Hãn, với Iraq, để xâm nhập vào các nước này và làm chủ họ như A Phú Hãn và Iraq. Làm chủ kinh tế là làm chủ về chính trị. Làm chủ về chính trị là làm chủ về các thứ luật lệ, ý hệ và văn hóa, một thứ luật lệ, ý hệ và văn hóa chết chóc. Nếu thực sự tình hình sẽ đi đến chỗ độc quyền, độc quốc, độc đảng, độc đoán này thì không phải là thế giới đang được hình thành theo một trật tự mới, thật ra là một trật tự cũ, một trật tự của ngàn xưa, một trật tự của những tham vọng bá chủ độc đoán vốn bẩm sinh nơi lòng trí bị nhiễm nguyên tội của con người muốn nên bằng Thiên Chúa ngay từ ban đầu (x Gen 3:5-6), một trật tự tư bản theo kiểu cộng sản hay sao?

 

Trật Tự Mới: Độc Tôn

Thế nhưng, vấn đề không phải chỉ có thế. Vấn đề cần phải nói đến ở đây, cần phải đưa ra ở đây liên quan đến cái trật tự mới của thế giới toàn cầu hóa theo tư bản kiểu cộng sản này là vấn đề vận mệnh của Kitô Giáo, một tôn giáo có Đấng Sáng Lập chính là “Đấng Cứu Tinh Nhân Loại” (Redemptor Hominis).

Thật vậy, trong trận chiến này, dù Iraq thắng hay Hoa Kỳ thắng, tất cả đều bất lợi cho Kitô Giáo. Nếu một mình Iraq thắng được Hoa Kỳ là một đệ nhất siêu cường trên thế giới hiện nay, chưa kể đến các nước đồng minh của Hoa Kỳ, thì thử hỏi còn quốc gia Trung Đông nào dám đương đầu với Iraq. Nếu Iraq đã dám ngang nhiêm xâm chiếm Kuwait thì chẳng lẽ sau khi thắng được Hoa Kỳ Iraq liền trở nên hiền lành như ma sơ. Do Thái sẽ là mục tiêu đầu tiên của Iraq. Nếu Iraq làm chủ được Do Thái, một quốc gia cỏn con mà cả hơn nửa thế kỷ nay cả Khối Ả Rập khổng lồ chung quanh không làm gì nổi, thì các nước Ả Rập khác sẽ không vội vàng thần phục Iraq hay sao, bằng không sẽ xẩy ra một trận nội chiến trong Khối Liên Minh Ả Rập, mà phần thắng phần lớn sẽ về tay Iraq. Một khi đã làm chủ được vùng Trung Đông, vùng dầu hỏa này, Iraq sẽ làm bá chủ thế giới về kinh tế, và sẽ dám tấn công cả Tây Phương về vấn đề tôn giáo, vì, theo tinh thần của vị sáng lập Hồi Giáo là Tiên Tri Mohammed, tín đồ Hồi Giáo có phận sự phải canh tân xã hội loài người. Mà còn xã hội nào băng hoại hơn xã hội Tây Phương. Bởi thế, với quyền lực về kinh tế và do đó năm ưu thế về chính trị trên thế giới, Iraq sẽ tấn công các nước Tây Phương ở Âu Châu, và bắt các Kitô Hữu phải theo Hồi Giáo để được cứu rỗi, để nên tốt lành hơn.

Tình hình cũng có thể xẩy ra theo kiểu đốt giai đoạn là. Khi thấy Iraq bị tấn công thê thảm, người đồng chủng Ả Rập của mình, đồng đạo Hồi Giáo với mình, nhất là khi thấy Tổng Thống Saddam Hussein vốn nghêng ngang đã có thể hạ mình xuống ngỏ ý kêu cứu và hứa hẹn, các quốc gia Ả Rập, trong đó có cả tổ chức khủng bố quốc tế al-Queda, liền nhẩy vào vòng chiến, vừa chọi thẳng vừa tập kích, để cứu Iraq. Thế rồi, nhờ cơ may, đúng hơn do ý nhiệm thần linh, sau khi thắng được Hoa Kỳ và đồng minh Tây Phương của Hoa Kỳ, Khối Ả Rập thuần Hồi Giáo này, với máu hiếu chiến sẵn có của họ, làm sao có thể ngồi yên không thiết lập một đế quốc Hồi Giáo mới, như một thời vàng son trước đây của họ, với Đế Quốc Ottoman từ giữa đệ nhị thiên kỷ (1453) cho tới đầu thế kỷ 20 (1922) mới hoàn toàn giải thể thành Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu thế giới bị đế quốc Hồi Giáo cai trị thì tất cả mọi người trên thế gian nào phải là tín đồ Hồi Giáo là cái chắc. Mà đối tượng đầu tiên là Kitô Giáo, một Kitô Giáo trước mắt những tay khủng bố Ả Rập quá khích hay cực bảo thủ đã bị tục hóa vì nền văn hóa sự chết. Cho dù Kitô giáo có những tổ chức bác ái từ thiện, trong khi nhân viên Liên Hiệp Quốc vội vàng rút lui để Hoa Kỳ dễ dàng tấn công Iraq, đã liều chết để ở lại với Iraq, như Tòa Khâm Sứ Vatican, hay để phục vụ nhân dân Iraq trong cơn khốn cùng của chiến tranh, như Hội Caritas Công Giáo. Mà càng bác ái lại càng chết. Bởi vì, chính vì bác ái ấy, Kitô Giáo đã lôi kéo được một số tín đồ Hồi Giáo trở lại Kitô Giáo thời hậu chiến Iraq, một tình trạng làm sao có thể chịu được trước mắt cuồng tín của những nhà cầm quyền Hồi Giáo cực đoan. Tình trạng đối kỵ Kitô Giáo này đã không thực sự xẩy ra ở Ấn Độ sau khi Mẹ Têrêsa Calcutta qua đời hay sao? Nguyên nội bộ Kitô Giáo còn xẩy ra tình trạng cấm kỵ này nữa là, như Chính Thống Giáo ở Nga đối với Giáo Hội Công Giáo từ đầu năm 2002 tới nay với những vụ trục xuất các vị thừa sai Công Giáo ngoại quốc, vì cho Giáo Hội Công Giáo là dụ giáo, cướp đất giành dân của họ.

Ngược lại, nếu trường hợp Hoa Kỳ thắng, (vì nếu thực sự chế độ của con người mang tên Sađam Hussein tàn ác vô nhân đạo, thì Thiên Chúa cũng có tể dùng bàn tay sắt khác để đánh tan ý nghĩ kiệu căng và hạ bệ con người này), và tiến đến chỗ bá chủ thế giới như trên đã nói, thì thân phận Kitô Giáo cũng không khá hơn gì. Tại sao? Hoa Kỳ chẳng phải là một quốc gia Kitô Giáo hay sao, tại sao lại chống Kitô Giáo chứ? Thế nhưng, lịch sử đã hiển nhiên cho thấy, Pháp không phải là trưởng nữ của Giáo Hội Âu Châu hay sao, thế mà, Kitô hữu có được sống đạo yên lành đâu trước trào lưu Minh Tri và dân chủ từ cuối thế kỷ 18 cho tới cuối thế kỷ 19, trái lại, còn bị bách hại thậm tệ nữa là đàng khác. Bí Mật La Salette năm 1946 đã cho thấy rõ hiện tượng Kitô Giáo bị bách hại và sát hại ngay trong một quốc gia toàn tòng Kitô Giáo như vậy. Hiện nay nước Pháp vẫn còn là nước chống đối việc nhắc đến tôn giáo nói chung và Kitô Giáo nói riêng trong bản hiến pháp của Khối Hiệp Nhất Âu Châu đang được soạn thảo, một tình trạng đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thẳng thắn vạch ra và lên tiếng chống đối mỗi khi có dịp từ đầu năm 2001 tới nay. Thử hỏi, với ý hệ quá mạnh về nhân quyền và dân chủ như Tây Phương nói chung và Hoa Kỳ nói riêng, thì cơ cấu tập quyền và toàn quyền nơi vai trò Giáo Hoàng thượng tôn của Giáo Hội Công Giáo có thể nào không bị đập phá hay chăng? Một khi đã không phục quyền Giáo Hội, thì giáo thuyết tông truyền của Giáo Hội Công Giáo cũng là của Kitô Giáo có còn được tuân giữ hay chăng, hay chỉ là những gì lỗi thời, thậm chí sai lầm, cần phải thay thế bằng những ý hệ tân tiến hơn, cấp tiến hơn. Chẳng hạn vấn đề ngừa thai tự nhiên, một trong những vấn đề được Thông Điệp Sự Sống Con Người của Đức Thánh Cha Phaolô IV nêu lên và ban hành ngày 25/7/1968, cũng là một trong những vấn đề bị chống đối kịch liệt, có thể nói bị chống đối nhiều nhất. Vấn đề thứ hai cũng không kém bị chống đối như vấn đề ngừa thai tự nhiên trước trào lưu nhân quyền duy nhân bản và dân chủ “ý dân là ý trời” của xã hội văn minh Tây Phương nói chung và Hoa Kỳ nói riêng, đó là vấn đề chỉ có nam nhân mới được làm linh mục.

Đó là lý do, một khi Hoa Kỳ độc bá toàn cầu, một siêu cường chẳng những về chính trị và kinh tế, mà còn cả về văn hóa duy nhân bản (mere/secular humanism) và văn minh duy thực dụng (utilitarianism), thì tất cả pháp chế của Hoa Kỳ, một quốc gia đã qua mặt Liên Hiệp Quốc để đánh Iraq, sẽ là một thứ thánh kinh toàn cầu, nước nào không theo sẽ bị trừng phạt, bị nghiêm trị, chẳng hạn bị cấm vận về kinh tế, như họ vẫn sử dụng cách này từ trước đến nay đối với các nước kém văn minh trên thế giới.

Trật Tự Mới: Vô Loài

Đây là chiều hướng của Hội Nghị Dân Số 1994 ở Cairô Ai Cập năm 1994. Chẳng hạn, các nước theo Kitô giáo hầu như toàn tòng thuộc Mỹ Châu Latinh nghèo khổ nhưng lại sinh nhiều, buộc phải thi hành chính sách phá thai. Thấy được chiều hướng khủng khiếp này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phải gửi thư cho từng vị quốc trưởng trên thế giới bấy giờ để kêu gọi chống lại áp đặt ấy. Cuộc chiến ý hệ bấy giờ về vấn đề dân số liên quan đến vấn đề áp buộc phá thai được chính phủ Clinton hết mình ủng hộ, một chính phủ đã bác bỏ dự luật cấm phá thai bán phần hai lần tại Mỹ, phải nói là còn gay go và ghê gớm hơn trận chiến giữa Hoa Kỳ và Iraq hiện nay. Để có thể thấy được phần nào hay cảm được phần nào cái khủng khiếp của trận chiến ý hệ cách đây gần 10 năm, nhất là để thấy được sức mạnh của trào lưu duy nhân bản một khi thế giới lọt vào tay một quốc gia tôn sùng nhân quyền đến phi nhân bản như Hoa Kỳ hiện nay, chúng ta hãy đọc lại những lời tường thuật của phái đoàn Tòa Thánh tham dự Hội Nghị Dân Số Cai Rô 1994 sẽ rõ. Sau đây là lời của ĐTGM Renato Martino, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc:

“Tôi lãnh đạo phái đoàn đại biểu của Tòa Thánh ở Cairô (năm 1994). Tôi có thể cho quí vị (phóng viên nguyệt san Inside The Vatican 8-9/1999, trang 67) biết là ở Hội Nghị Cairô chúng tôi có rất nhiều người, nhiều vị đại biểu, nhiều phái đoàn đại biểu và nhiều người khác nữa chống lại chúng tôi. Chúng tôi thật là đau khổ khi thấy được tình trạng hận thù này. Tôi sẽ không đề cập đến thành phần thù hận chúng tôi làm gì, mà chỉ cho quí vị biết những gì đã xẩy ra tại Hội Nghị Cairô thôi.

“Trong việc thương thuyết vào lúc cuối cùng của cuộc Hội Nghị Cairô, nhóm phác họa vấn đề đã đi đến kết luận thiên về việc phá thai, và vị chủ tọa của nhóm này bắt đầu kêu gọi các phái đoàn đại biểu mà ông biết là thích phá thai. Thế rồi, chỉ vào phút cuối cùng – chỉ vào phút cuối cùng mà thôi – ông mới nhường lời cho Tòa Thánh. Dĩ nhiên là Tòa Thánh nói ‘Không đồng ý!’ – chống lại việc phá thai.

“Sau đó, ông ta cho giải tán phiên họp. Thế nhưng ông đã không thèm đếm xỉa gì tới 17 chữ ký của các phái đoàn đại biểu cùng chí hướng với Tòa Thánh yêu cầu được trình bày để chống lại việc phá thai. Và cái gì đã xẩy ra? Ngày hôm sau, các đầu đề của tất cả mọi tờ báo trên thế giới đăng là ‘Toàn Thánh Vatican Cản Trở Hội Nghị Cairô’, ‘Tòa Thánh Vatican Bị Cô Lập’, ‘Tòa Thánh Vatican Đơn Thân Độc Mã’ v.v… v.v.

“Hôm sau, vị chủ tọa ấy đã xin lỗi về đường lối ông điều khiển buổi họp cũng như về việc ông phải cho các phái đoàn đại biểu yêu cầu đêm hôm trước được phát biểu. Đây là những mưu mô và là những phương pháp – những mưu mô bẩn thỉu – họ chơi chúng tôi. Từ bấy giờ họ đã cố gắng cho tới cùng, trong các cuộc họp khác, để đẩy mạnh ý tưởng phá thai.

“Một mình chúng tôi phải chịu trận, nếu cần, để chỉ cần bảo vệ những gì Đức Giáo Hoàng đã nói. Chúng tôi thấy có một số nước, mặc dù đồng ý với những nguyên tắc được chúng tôi bênh vực, song vào phút chót, đã rút lui khỏi vị thế bênh vực của Tòa Thánh, chỉ vì những ý tứ về chính trị, mặc dù họ hoàn toàn chấp nhận nguyên tắc được Tòa Thánh bênh vực. Thế nhưng, vào giây phút cuối cùng họ lại nói: ‘Này, chúng tôi không muốn làm phiền đến người này, người kia hay người nọ’.

“Thế là, vì ý tứ chính trị, họ chấp nhận đứng ở vị thế mập mờ, và họ bảo vệ một vai trò mập mờ.”

Để theo dõi kỹ lưỡng hơn tiến trình chống lại “Phúc Âm Sự Sống” (tên của bức thông điệp Evanglium Vitae ban hành ngày 25/3/1995 của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II) cũng là chống lại Giáo Hội, thẩm quyền bảo vệ lề luật Thiên Chúa, chúng ta hãy theo dõi bài tường thuật “Những Gì Đã Xẩy Ra Ở Hội Nghị Cairô” của Dale O’Leary được phổ biến trong tờ Nguyệt San Inside The Vatican 2/1999 (trang 85-87) sau đây.

“Chính quyền Clinton hết lòng ủng hộ chủ trương của bản thảo ấy. Năm 1994, chính quyền Hoa Kỳ đã tăng ngân khoản tài trợ cho các chương trình dân số quốc tế lên tới 600 triệu Mỹ kim. Trong cuộc họp sửa soạn cho Hội Nghị, các đại biểu Hoa Kỳ làm áp lực bắt các đại biểu Châu Mỹ Latinh không được chống đối. Marta Casco, một đại biểu ở Honduras, đã đứng lên phản đối áp lực của Hoa Kỳ và tỏ ra không ưng thuận với việc dùng từ ngữ của bản thảo.

“Việc Đức Thánh Cha phê phán về bản thảo (theo tác giả lần 1 ngày 19/3/1994, qua bức thư riêng gửi cho mọi vị quốc trưởng, và 3 lần sau qua các Buổi Nguyện Kinh Truyền Tin hay Triều Yết Chung vào tháng 3, 4 và 8) đã làm bùng lên hàng loạt cuộc tấn công Tòa Thánh Vatican cũng như tấn công giáo huấn Công Giáo đối với vấn đề tính dục, sự sống và nữ giới. Mặc dầu Đức Thánh Cha đã kêu gọi nhiều lần việc tôn trọng nữ giới và việc bênh vực nữ giới, Tòa Thánh cũng vẫn bị tố cáo là chống lại việc giải phóng nữ giới.

“Trong khi có một số người ửng hộ bản thảo cho rằng Tòa Thánh Vatican đã hiểu lầm nó và cho rằng văn kiện này không tấn công gia đình hay vấn đề phá thai, thì lần nào các vị đại biểu yêu cầu các câu định nghĩa loại trừ vấn đề phá thai ra cần phải cho vào bản thảo họ đều bị chống đối kịch liệt.

“Ngày 5 tháng 9 năm 1994, ngày khai mạc hội nghị, Gro Brundtland, Thủ Tướng nước Na-Uy, kêu gọi ‘việc tha phép cho phá thai’ như là ‘một phương thế cần thiết trong việc bảo vệ sự sống của nữ giới’.

“Những phần tử của Các Tổ Chức Ngoài Chính Quyền (NGO: Non-Government Organizations) được phép phát biểu trong hội nghị cũng như được phép vận động các đại biểu. Một số đã cổ võ ‘quyền’ cho nữ giới phá thai. Francis Kissling, chủ tịch tổ chức Các Người Công Giáo Tự Do Chọn Lựa, một nhóm bị các giám mục Hoa Kỳ cho de, đã lợi dụng vị thế là một tổ chức ngoài chính quyền của mình để tấn công Tòa Thánh Vatican. Muthgard Toewe, thuộc nhóm Linh Động Truyền Thông với Nữ Giới theo Văn Hóa của Họ, tuyên bố rằng: ‘Mọi người phụ nữ đều có quyền – vì đó là một phần thuộc phẩm vị cũng như nhân quyền của họ – trong việc phá bất cứ một cái thai nào không cần thiết’.

“Cuộc tranh cãi giữa những vị đại biểu xẩy ra dữ dội. Đến lúc căng thẳng nhất thì Dr. Sai đã đổ lỗi cho Tòa Thánh Vatican là gây cản trở cho việc đồng lòng thỏa thuận với nhau. Vào ngày 8 tháng 9 năm 1994, nhật báo Terra Viva, tờ tường thuật về các hoạt động của Liên Hiệp Quốc, đăng một đầu đề: ‘Các quyền của nữ giới bị giữ làm con tin: Nạn nhân của tình trạng thiếu đồng ý về việc phá thai’. Một bức tranh hí họa vẽ một đấng bậc Công giáo đang cau mày giữ chặt lấy cây thập giá và quay lưng lại với một đám đông đa văn hóa đang cầm các bảng hiệu yêu cầu ‘cùng nhau đồng thỏa thuận lòng’ và ‘dung hòa’.

“Thật ra, không có một sự thỏa thuận nào cả, vì các đại biểu của các nước Hồi Giáo và Công Giáo lo ngại là, nếu ngôn từ đang tranh luận về sức khỏe sinh dục và sinh sản được chấp nhận, thì việc ngoại quốc viện trợ sẽ dính liền với việc chấp nhận các chương trình cổ võ phá thai hay làm băng hoại các giá trị tôn giáo. Hội nghị đã đi đến chỗ tắc nghẽn”.

Cho dù Iraq và Hoa Kỳ, (ở đây không có ý nói đến cả một dân tộc hay một quốc gia), có kịch liệt xung khắc đi nữa, có hận thù thiên thu với nhau đi nữa, có đụng độ kinh thiên động địa đi nữa, nhưng cả hai đều giống nhau ở thái độ và mục tiêu của họ. Mục tiêu của họ là làm bá chủ toàn cầu, và thái độ của họ là độc quyền và độc đoán. Tuy nhiên, để có thể đi đến chỗ làm bá chủ toàn cầu hầu được độc quyền độc đoán như chúa tể loài người này, cả hai còn giống nhau ở đường lối, đó là vô luân, bất chấp luật pháp, coi thường quyền bính, một tinh thần của Satan, của ma qủi, một tinh thần sẽ bộc phát đến cực độ vào những ngày sau hết, như Thánh Phaolô đã đề cập đến trong bức thư thứ hai gửi Giáo Đoàn Thessalonica, về “con người vô loài hay bất chấp luật lệ” (lawlessness)” (2:3), “nâng mình lên trên hết mọi thần tượng được tôn sùng” (2:4), “xuất hiện như dự án của việc Satan hoạt động” (2:9). Không biết những lời được Thánh Phaolô Tông Đồ đề cập đến trên đây có đúng như những gì đang xẩy ra trong cuộc công khai phân tranh bá chủ độc tôn bất chấp công lý và công quyền này hay chăng?
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Lễ Thánh Giuse, 19/3/2003,
Ngày Tổng Thống Bush hạ lệnh tấn công Iraq, sau tối hậu lệnh 48 tiếng 2 tiếng 15 phút