SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa 
Mùa Vọng Tuần I Năm B

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL


Chúa Nhật


Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: Is 63, 16b-17; 64, 1. 3b-8

"Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Lạy Chúa, Chúa là Cha và là Ðấng Cứu Chuộc chúng con: danh Chúa đã có từ muôn đời. Lạy Chúa, tại sao Chúa để chúng con đi lạc xa đường Chúa, và làm cho tâm hồn chúng con trở nên chai đá, không còn biết kính sợ Chúa nữa? Vì các tôi tớ Chúa, các chi tộc thừa hưởng gia nghiệp Chúa, xin hãy đoái nhìn lại.

Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống: các núi đồi rung chuyển trước tôn nhan Chúa. Chúa đã ngự xuống và các núi đồi rung chuyển trước tôn nhan Chúa. Ðó là việc từ xưa đến nay chưa từng có ai nghe thấy; lạy Chúa, không tai nào nghe thấy không mắt nào nhìn thấy một chúa nào khác ngoài Chúa đã dành những hồng ân cho những ai trông đợi Chúa. Chúa đã đón tiếp kẻ hân hoan thi hành công lý, và nhớ đến Chúa khi đi trong đường lối Chúa.

Này Chúa thịnh nộ, vì chúng con đã phạm tội. Chúng con đã luôn luôn ở trong tình trạng tội lỗi, thì làm sao sẽ được cứu rỗi? Tất cả chúng con đều đầy vết nhơ, và công nghiệp chúng con đều như chiếc áo dơ bẩn.

Và không còn ai kêu cầu thánh danh Chúa, không còn ai tỉnh thức để bám lấy Chúa. Chúa đã ẩn nấp không cho chúng con nhìn thấy nữa, và Chúa đã phó mặc chúng con cho quyền lực tội lỗi. Tuy nhiên, lạy Chúa, Chúa là Cha chúng con, chúng con là đất sét, còn Chúa là người thợ gốm, tất cả chúng con đều do tay Chúa làm nên.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 79, 2ac và 3b. 15-16. 18-19

Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống (c. 4).

Xướng: 1) Lạy Ðấng chăn dắt Israel, xin hãy lắng tai! Chúa ngự trên các Vệ Binh Thần, xin hiện ra trong sáng láng. Xin thức tỉnh quyền năng của Chúa, và ngự tới để cứu độ chúng con. - Ðáp.

2) Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại, tự trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành nho mà Ngài đã củng cố cho mình. - Ðáp.

3) Xin Chúa ra tay bang trợ người ở bên tay hữu Chúa, con người mà Chúa đã củng cố cho mình. Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa, Chúa cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng danh Ngài. - Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 3-9

"Chúng ta mong chờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, chúc cho anh em đầy ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Ðức Giêsu Kitô.

Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em, vì ơn đã ban cho anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Vì chưng, trong Ngài, anh em được tràn đầy mọi ơn: ơn ngôn ngữ và ơn hiểu biết, đúng như Chúa Kitô đã minh chứng nơi anh em, khiến anh em không còn thiếu ơn nào nữa trong khi mong chờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra. Cũng chính Ngài sẽ ban cho anh em bền vững đến cùng, không có gì đáng trách trong ngày Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ngự đến. Thiên Chúa là Ðấng Trung Tín, đã kêu mời anh em hiệp nhất với Con của Người, là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Tv 84, 8

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 13, 33-37

"Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức. Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ. Ðiều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!"

Ðó là lời Chúa.

 Image result for Mark 13, 33-37

 

Suy nghiệm Lời Chúa

 

Hôm nay là Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, phụng vụ Lời Chúa dẫn chúng ta vào Mầu Nhiệm "LỜI ĐÃ HÓA THÀNH NHỤC THỂ VÀ Ở GIỮA CHÚNG TA" (Gioan 1:14). Tuy nhiên, ở ngay tuần đầu trong 4 tuần lễ của Mùa Vọng này, Giáo Hội chọn đọc các bài đọc và Phúc Âm theo chiều hướng dọn lòng cho con cái hướng về Mầu Nhiệm Giáng Sinh, Mầu Nhiệm Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại, hiện thực lời hứa của Thiên Chúa hóa công ngay sau nguyên tội (xem Khởi Nguyên 3:15), ở chỗ "tỉnh thức". Vì nếu không "tỉnh thức", như chính lời Chúa Giêsu kêu gọi và cảnh báo cho các môn đệ trong bài Phúc Âm cho Chúa Nhật I Mùa Vọng hôm nay, con người sẽ không thể nào nhận ra Vị Thiên Chúa đã hóa thân làm người. Thế nhưng, "tỉnh thức" ở chỗ nào và như thế nào?

 

Theo Bài Đọc 1, được trích từ Sách Tiên Tri Isaia, thì "tỉnh thức" là ở chỗ tâm linh nhận biết mình với tất cả lòng trông đợi để được giải cứu, như trường hợp của dân Do Thái ngày xưa: "Lạy Chúa, tại sao Chúa để chúng con đi lạc xa đường Chúa, và làm cho tâm hồn chúng con trở nên chai đá, không còn biết kính sợ Chúa nữa? Vì các tôi tớ Chúa, các chi tộc thừa hưởng gia nghiệp Chúa, xin hãy đoái nhìn lại... Chúng con đã luôn luôn ở trong tình trạng tội lỗi, thì làm sao sẽ được cứu rỗi? Tất cả chúng con đều đầy vết nhơ, và công nghiệp chúng con đều như chiếc áo dơ bẩn. Và không còn ai kêu cầu thánh danh Chúa, không còn ai tỉnh thức để bám lấy Chúa. Chúa đã ẩn nấp không cho chúng con nhìn thấy nữa, và Chúa đã phó mặc chúng con cho quyền lực tội lỗi. Tuy nhiên, lạy Chúa, Chúa là Cha chúng con, chúng con là đất sét, còn Chúa là người thợ gốm, tất cả chúng con đều do tay Chúa làm nên".

 

Tâm trạng thật sự biết mình bằng tất cả lòng trông mong được cứu độ này của dân Chúa, Đấng đã ẩn khuất trước tội lỗi của họ, thành phần bởi nhờ biết mình như thế nên đã tỏ ra tin tưởng nguyện cầu cùng Chúa thiết tha hơn bao giờ hết rằng: "Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống", như trong câu họa của Bài Đáp Ca hôm nay cho thấy, một câu họa sau mỗi một lời nguyện cầu đầy xác tín vào vị Thiên Chúa chân thật duy nhất quyền năng rất từ bi nhân ái của họ, những lời nguyện cầu trong Thánh Vịnh 79 ở Bài Đáp Ca hôm nay:

 

1) Lạy Ðấng chăn dắt Israel, xin hãy lắng tai! Chúa ngự trên các Vệ Binh Thần, xin hiện ra trong sáng láng. Xin thức tỉnh quyền năng của Chúa, và ngự tới để cứu độ chúng con.

2) Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại, tự trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành nho mà Ngài đã củng cố cho mình.

3) Xin Chúa ra tay bang trợ người ở bên tay hữu Chúa, con người mà Chúa đã củng cố cho mình. Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa, Chúa cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng danh Ngài. 

 

Dân Do Thái trông mong Chúa là Đấng đến để giải cứu họ, Đấng "đã dành những hồng ân cho những ai trông đợi Chúa", như Bài Đọc 1 cho thấy, bằng cách, họ "xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống", nghĩa là họ xin Chúa đừng chấp tội lỗi của họ, là thương xót đến họ, là thương cảm thân phận thấp hèn yếu đuối của họ, một hình ảnh ám chỉ Mầu Nhiệm Nhập Thể Giáng Sinh, mầu nhiệm Thiên Chúa vô cùng uy nghi cao cả, toàn thiện chí tôn trên các tầng trời, đã "băng qua các tầng trời mà ngự xuống", không còn ngăn cách giữa Thiên Chúa tối cao và loài người tội lỗi thấp hèn khốn nạn nữa, tức là đã từ trời cao mà hạ giáng xuống trần gian, ở chỗ: "Tuy vị thế là Thiên Chúa, nhưng Người đã không coi mình cứ phải ngang hàng với Thiên Chúa mới được, trái lại, Người đã tự hủy ra như không, mặc lấy thân phận tôi đòi, giống như loài người" (Philiphê 2:6-7).

 

Thế nhưng việc nhập thể của Thiên Chúa lại hoàn toàn gây ra một thứ phản tác dụng khủng khiếp. Ở chỗ chính dân của Ngài là thành phần hằng trông mong Đấng Thiên Sai, trông "xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống" đã không thể nào nhận ra Ngài, nhận ra Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của họ nơi Nhân Vật Lịch Sử Giêsu Nazarét là Con của Ngài, Đấng được Ngài sai đến với họ, nên qua thẩm quyền của đế quốc Roma, họ đã cố tình ra tay sát hại "tên" lộng ngôn đáng chết ấy vì "hắn" "chỉ là con người mà tự cho mình là Thiên Chúa" (Gioan 10:33). Và cho đến nay, sau cả 2 ngàn năm Thiên Chúa Giáng Sinh, dân Do Thái vẫn trông đợi Đấng Thiên Sai như lòng họ mong muốn, theo ý nghĩ thiển cận trần gian chủ quan của họ, chứ không phải Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa.

 

Trong khi đó, dân ngoại làm nên thành phần dân Tân Ước lại tin vào Đấng Thiên Sai của dân Do Thái cũng là Đấng Cứu Thế của toàn thể nhân loại. Bởi thế nên Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô, qua Thư thứ nhất gửi Giáo Đoàn Corintô, ở Bài Đọc 2 hôm nay mới viết cho họ rằng: "Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em, vì ơn đã ban cho anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Vì chưng, trong Ngài, anh em được tràn đầy mọi ơn: ơn ngôn ngữ và ơn hiểu biết, đúng như Chúa Kitô đã minh chứng nơi anh em, khiến anh em không còn thiếu ơn nào nữa trong khi mong chờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra".

 

Thật vậy, trong khi dân Do Thái trông đợi Đấng Thiên Sai của họ đến (lần thứ nhất đối với Kitô hữu) thì Kitô giáo trông đợi Người đến lần thứ hai. Thế nhưng, cũng như dân Do Thái, nếu không có đức tin do Thiên Chúa ban, Kitô hữu vẫn không thể nhận ra Người khi Người đến lần thứ hai, và vì thế cuối cùng không được hiệp nhất nên một với Ngài. Đó là lý do Thánh Phaolô cũng đã nhắn nhủ Kitô hữu Corinto trong cùng bức thư ở Bài Đọc 2 hôm nay như sau: "Cũng chính Ngài sẽ ban cho anh em bền vững đến cùng, không có gì đáng trách trong ngày Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ngự đến. Thiên Chúa là Ðấng Trung Tín, đã kêu mời anh em hiệp nhất với Con của Người, là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta".

 

Nghĩa là loài người nói chung và Kitô hữu chúng ta nói riêng được cứu độ là do bởi Lòng Thương Xót Chúa. Bởi thế, "tỉnh thức" ở đây có nghĩa là, chính yếu có nghĩa là tin tưởng, một tác động đức tin, vì chỉ có đức tin mới nhận ra Chúa, chẳng những như Ngài là Vị Thiên Chúa vô cùng uy linh cao cả theo thiên tính của Ngài, mà còn như Ngài là một con người nơi Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô, Đấng mặc lấy nhân tính của con người và giống như con người, thậm chí còn thấp hèn hơn con người bình thường, ở chỗ Người được sinh ra quá nghèo hèn và chết đi vô cùng đớn đau nhục nhã, hoàn toàn cho phần rỗi vô cùng quan trọng của họ.

 

Trong Bài Phúc Âm hôm nay, bài Phúc Âm Chúa nói với thành phần "các môn đệ" của Người, thành phần được Người khuyên rằng "hãy tỉnh thức", lý do là "vì các con không biết lúc đó là lúc nào". Nghĩa là không biết lúc Người trở lại thế gian lần thứ hai. Ở Bài Phúc Âm Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm B theo Phúc Âm Thánh Marcô hôm nay, chính Người đã tiết lộ việc Người đến lần thứ hai và thời điểm có thể vào lúc nào, qua câu Người nói: "Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức".

 

Căn cứ vào nguyên trọn câu Chúa nói này và kết cấu của câu ấy thì có thể hiểu "người đi phương xa" đây là Chúa Kitô, "để nhà cửa lại" nghĩa là để Giáo Hội lại, "trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc", nghĩa là ban cho các tông đồ cùng với thành phần thừa kế các vị quyền hành thay người phục vụ dân Chúa trong việc quản trị Giáo Hội, giảng dạy và thánh hóa con cái của Giáo Hội, "căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức" đây có thể hiểu là chính những vị giám mục ở các Giáo Hội địa phương, nhất là vị Giáo Hoàng, thừa kế thánh Phêrô đại diện Chúa Kitô trên trần gian.

 

Đúng thế, thành phần lãnh đạo dân Chúa của Giáo Hội là thành phần phải "tỉnh thức" trước hết và trên hết, vì các vị là thành phần những "người giữ cửa", chẳng những cho chính bản thân mình mà còn cho cả đoàn chiên được ủy thác cho các vị nữa. Bởi vì chính các vị cũng "không biết lúc nào chủ nhà trở về", một cuộc trở về bất cứ giờ nào trong ngày: "hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng". Thời điểm Chúa Kitô tái giáng vào bất cứ lúc nào trong một ngày 24 tiếng, dù vào lúc trời tối ("chiều tối, hoặc là nửa đêm") hay trời sáng ("hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng"). Tuy nhiên, đối với con người thì hầu như chỉ xẩy ra vào "nửa đêm" (xem Mathêu 25:6), như trong dụ ngôn 10 cô trinh nữ phù dâu cho thấy, tức là lúc con người không ngờ, lúc con người say mê thế gian, quên mất Vị "Thiên Chúa là ánh sáng" (1Gioan 1:5) của mình, hoàn toàn sống như vô thần duy vật, sống trong trong tội lỗi chết chóc, bị quyền lực tối tăm bao phủ.

 

Thế nhưng, chính vì thế, chính vì con người không thể tự cứu mình, trái lại, còn cứ lao đầu vào chỗ tự diệt, về cả thể lý lẫn tâm linh bất khả cứu vãn như thế, mà chỉ vào lúc ấy, lúc con người chết đến "xông mùi" băng hoại ghê tởm như vậy (xem Gioan 11:39), Thiên Chúa mới ra tay vô cùng quyền năng của Ngài cứu độ con người theo Lòng Thương Xót vô biên toàn thiện toàn ái của Ngài, để nhờ đó Ngài có thể tỏ hết bản tính là tình yêu nhân hậu của Ngài ra, khiến con người tội lỗi vô cùng bất xứng, bất lực, bất hạnh, nhận biết Lòng Thương Xót của Ngài mà được cứu độ, mà được hiệp thông thần linh với Ngài. Đó là lý do Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay mới có câu tiền Phúc Âm: "Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con. - Alleluia".

 

Ngày 03: Thánh Phanxicô Xaviê, linh mục

Phanxicô sinh năm 1506 tại Xaviê thuộc giáo phận Pampelune nước Tây Ban Nha trong một gia đình quyền quý. Năm 19 tuổi, ngài sang Ba Lê để tiếp tục việc học. Tám năm sau, ngài tốt nghiệp và trở thành giáo sư đại học đó. Ðược nổi tiếng nhờ trí thông minh, Phanxicô ngày đêm miệt mài theo đuổi danh vọng thế tục. Nhưng một ngày kia, Chúa đã dùng miệng lưỡi thánh Ignatiô, cũng là thầy dạy, để nói cùng ngài: "Ðược lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích chi?". Và Chúa đã hoàn toàn chiếm đoạt trái tim thánh nhân, biến ngài trở thành một khí cụ tuyệt vời cho cánh đồng truyền giáo. Năm 1539, Phanxicô hăng hái lãnh sứ mệnh nơi Ðức Giáo Hoàng Phaolô III là đem ánh sáng Phúc Âm đến cho dân tộc Ấn Ðộ.

Mười một năm trường nhiệt thành với nhiệm vụ loan báo Tin Mừng, đời sống thánh nhân là một cuộc hành trình không ngừng. Bước chân ngài len lỏi qua khắp các thành thị cũng như thôn quê để rao giảng Phúc Âm Chúa Giêsu. Tiếng ngài vang vọng từ Ấn Ðộ, Tích Lan đến Nhật Bản. Riêng tại Ấn Ðộ, ngài đã đem về cho Chúa hàng trăm ngàn linh hồn và Rửa Tội cho nhiều bậc quân vương. Dù vậy, ngài luôn ấp ủ một tâm hồn khiêm nhượng hiếm có: Ngài thường quỳ gối để viết thư cho thánh Ignatiô là Bề Trên của mình. Chúa đã hỗ trợ lòng nhiệt thành của thánh nhân bằng nhiều phép lạ phi thường.

Ngày 02/12/1552, khi đang trên đường tới gần Trung Hoa thì ngài ngã bệnh và từ trần tại đảo Tân Châu (Sancian). Xác ngài được đem về mai táng tại thành Goa bên Ấn Ðộ. 

Ðúng 70 năm sau, Ðức Grêgôriô XV đã phong ngài lên bậc Hiển Thánh (1622). Và đến năm 1904, Ðức Thánh Cha Piô X đặt ngài làm quan thầy các xứ truyền giáo.

 

 

 

Thứ Hai


Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: Is 4, 2-6

"Những kẻ được giải phóng sẽ nhảy mừng".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ngày ấy, dòng dõi Chúa sẽ trở nên huy hoàng vinh quang, hoa màu trên đất sẽ dồi dào, và số người trong dân Isarel được giải phóng sẽ nhảy mừng. Những ai còn sót lại ở Sion và còn sống sót ở Giêrusalem sẽ được gọi là thánh, tất cả những ai sẽ được ghi tên để sống trọn đời ở Giêrusalem. Khi Chúa đã dùng thần trí thẩm xét và thiêu đốt mà tẩy bỏ những tồi bại của các thiếu nữ Sion, và đã tẩy rửa Giêrusalem cho sạch những vết máu, thì lúc đó Chúa sẽ đến trên khắp miền núi Sion và những nơi kêu cầu Người, như đám mây ban ngày và như cột khói hoặc như ánh lửa sáng rực ban đêm, vì trên tất cả, vinh quang Thiên Chúa sẽ là một phương du và là một lều vải để che khỏi sức nóng ban ngày, để làm nơi an toàn trú ẩn khỏi giông tố và mưa sa.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5. 6-7. 8-9

Ðáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: "Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa" (c. 1).

Xướng: 1) Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: "Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa". Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi. - Ðáp.

2) Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên. - Ðáp.

3) Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Ðavít. - Ðáp.

4) Hãy nguyện cầu cho Giêrusalem được thanh bình, nguyện cho những kẻ yêu mến ngươi được an ninh. Nguyện cho trong thành luỹ được bình an, và trong các lâu đài của ngươi yên ổn. - Ðáp.

5) Vì anh em và bằng hữu của tôi, tôi nguyện chúc: bình an cho ngươi! Vì nhà Chúa là Thiên Chúa chúng ta, tôi khẩn cầu cho ngươi những điều thiện hảo. - Ðáp.

 

Alleluia: x. Tv 79, 4

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin đoái nhìn chúng con, xin tỏ nhan thánh Chúa, thì chúng con sẽ được rỗi. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 8, 5-11

"Nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến trong nước trời".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào thành Capharnaum, thì có một viên đại đội trưởng đến thưa Chúa rằng: "Lạy Thầy, thằng nhỏ nhà tôi đau nằm ở nhà, nó bị tê liệt và đau đớn lắm!" Chúa Giêsu phán bảo ông rằng: "Tôi sẽ đến chữa nó". Nhưng viên đại đội trưởng thưa Người rằng: "Lạy Thầy, tôi không đáng được Thầy vào dưới mái nhà tôi, nhưng xin Thầy chỉ phán một lời, thì thằng nhỏ của tôi sẽ lành mạnh. Vì chưng, cũng như tôi chỉ là người ở dưới quyền, nhưng tôi cũng có những người lính thuộc hạ, tôi bảo người này đi thì anh đi; tôi bảo người kia đến thì anh đến; tôi bảo gia nhân làm cái này thì nó làm!" Nghe vậy, Chúa Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người: "Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel. Ta cũng nói cho các ngươi biết rằng: nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong nước trời. Còn con cái trong nước sẽ bị vứt vào nơi tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng".

Ðó là lời Chúa.

 



Suy nghiệm Lời Chúa

 

Đức Tin Dân Ngoại - Nhập Thể Đại Đồng   

 

Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Hai Tuần I Mùa Chay, tuần đầu trong 4 tuần lễ tượng trưng cho 4 ngàn năm trông đợi Đấng Thiên Sai Cứu Thế là Chúa Giêsu Kitô, Đấng "đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), đã được sai đến không phải chỉ cho riêng dân Do Thái mà cho chung toàn thể nhân loại, vì Người mặc lấy bản tính chung của nhân loại và chỉ được sinh ra theo giòng tộc Do Thái mà thôi.

Phải chăng đó là lý do, ngay trong bài Phúc Âm của ngày Thứ Hai Tuần I Mùa Vọng, Giáo Hội đã chọn đọc câu chuyện về viên đại đội trưởng dân ngoại Rôma, nhân vật đã đến với Chúa Giêsu chỉ vì lo lắng cho một thằng nhỏ đầy tớ của ông ta, như được bài Phúc Âm hôm nay thuật lại: "Khi ấy, Chúa Giêsu vào thành Capharnaum, thì có một viên đại đội trưởng đến thưa Chúa rằng: 'Lạy Thầy, thằng nhỏ nhà tôi đau nằm ở nhà, nó bị tê liệt và đau đớn lắm!'"

Theo Phúc Âm Thánh Luca (7:2) thì "thằng nhỏ nhà tôi" trong Bài Phúc Âm của Thánh Mathêu hôm nay đây không phải là "thằng nhỏ" con trai của viên đại đội trưởng này, mà là một "thằng nhỏđầy tớ của viên đại đội trưởng, được viên đại đội trưởng này cảm thương quí mến (xem Luca 7:2), ở chỗ ông đã tỏ ra lo lắng cho sức khỏe cùng mạng sống của nó, đến độ thậm chí ông còn đích thân đến xin Chúa Giêsu chữa lành cho nó, chứ không sai phái một ai, như chính ông ta cũng thú nhận hành động tự nguyện này của ông:

"Lạy Thầy, tôi không đáng được Thầy vào dưới mái nhà tôi, nhưng xin Thầy chỉ phán một lời, thì thằng nhỏ của tôi sẽ lành mạnh. Vì chưng, cũng như tôi chỉ là người ở dưới quyền, nhưng tôi cũng có những người lính thuộc hạ, tôi bảo người này đi thì anh đi; tôi bảo người kia đến thì anh đến; tôi bảo gia nhân làm cái này thì nó làm!" 

Thái độ vừa yêu thương vừa khiêm nhượng của viên đại đội trưởng (yêu thương) đối với thằng nhỏ đầy tớ của ông cũng như (khiêm nhượng) đối với Chúa Giêsu, đã làm cho Chúa Giêsu đáp ứng ngay tại chỗ: "Tôi sẽ đến chữa nó". Và qua lời thân thưa của viên đại đội trưởng khi nghe thấy Chúa Giêsu hồi âm một cách mau mắn theo ý xin của ông ta, ông còn tỏ ra tin tưởng Chúa Giêsu đến độ, ông xin Người chẳng cần phải đi đến tận nơi mới chữa được "thằng nhỏ nhà tôi" mà Người chỉ cần "phán một lời, thì thằng nhỏ của tôi sẽ lành mạnh".

Đó là lý do, Chúa Giêsu đã không thể không lên tiếng để hết lời khen ngợi viên đại đội trưởng dân ngoại ấy "với những kẻ theo Người"  như thế này: "Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel. Ta cũng nói cho các ngươi biết rằng: nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong nước trời. Còn con cái trong nước sẽ bị vứt vào nơi tối tăm bên ngoài', ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng".

Đúng là vấn đề then chốt ở ngay chỗ ấy, vì trong Bài Phúc Âm hôm nay, vấn đề chính yếu không phải là vấn đề chữa lành của Chúa Giêsu cho bằng vấn đề tin tưởng của viên đại đội trưởng. Bởi thế, câu cuối cùng (Mathêu 8:13) về câu chuyện của bài Phúc Âm hôm nay liên quan đến chính việc chữa lành thật sự cho thằng con trai đầy tớ của viên đại đội trưởng, xẩy ra vào ngay lúc Chúa phán "Hãy về đi. Nó sẽ được thực hiện vì lòng tin tưởng của ông. Vào chính lúc ấy thằng nhỏ đầy tới cảm thấy khỏe hơn" (Mathêu 8:13) hoàn toàn không được Giáo Hội bao gồm trong bài Phúc Âm hôm nay tí nào.

Phải chăng, những ai tin vào "Lời đã hóa thành nhục thể" là Chúa Giêsu Kitô như thế, thì dù không phải là chính gốc dân Do Thái đi nữa, họ vẫn có thể được gọi và xứng đáng thuộc về, như trong Bài Đọc 1 hôm nay đề cập đến "dòng dõi Chúa", một dòng dõi, như viên đại đội trưởng Rôma dân ngoại trong Bài Phúc Âm hôm nay, được chính Chúa khen tặng, theo kiểu diễn tả của Bài Đọc 1 hôm nay là "trở nên huy hoàng vinh quang"? 

Đúng thế, Bài Đọc 1 hôm nay đã cho biết tính cách phổ thông và đại đồng của Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất đối với tất cả mọi người và cho mỗi một con người, nhất là những ai thuộc "dòng dõi Chúa"

"Chúa sẽ đến (có thể ám chỉ "Lời đã hóa thành nhục thể" của Ngài sau này "vào thời điểm viên trọn" - Galata 4:4) trên khắp miền núi Sion (có thể hiểu là ám chỉ là toàn dân Do Thái) và những nơi kêu cầu Người (có thể hiểu là bao gồm cả dân ngoại, như viên đại đội trưởng Rôma trong bài Phúc Âm hôm nay), như đám mây ban ngày (ám chỉ Thần Linh của Thiên Chúa luôn bao phủ chở che "dòng dõi Chúa") và như cột khói hoặc như ánh lửa sáng rực ban đêm (ám chỉ Thần Linh của Thiên Chúa luôn soi đường dẫn lỗi cho "dòng dõi Chúa" trong tất cả mọi cơn gian nguy khốn khó), vì trên tất cả, vinh quang Thiên Chúa sẽ là một phương du và là một lều vải để che khỏi sức nóng ban ngày, để làm nơi an toàn trú ẩn khỏi giông tố và mưa sa". 

Đó là lý do, trước tình yêu thương của Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất luôn ở với con người và hằng tỏ mình ra cho con người như thế, nhất là nơi mầu nhiệm nhập thể và giáng sinh của chính Con Một của Ngài trên trần gian này, bằng tất cả cảm nghiệm thần linh đầy đức tin, không một ai, dù là dân Do Thái hay dân ngoại, không được thúc đẩy hân hoan đáp ứng, không tiến đến với Ngài ở nơi Ngài ngự là Thành Giêrusalem, tiêu biểu cho chung dân Chúa, cho "dòng dõi Chúa", vì Ngài chính là "Emmanuel nghĩa là Thiên Chúa ở giữa chúng ta" (Gioan 1:14), hiện thực nhất và sống động nhất nơi "Lời đã hóa thành nhục thể":

1) Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: "Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa". Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi.

2) Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên. 

3) Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Ðavít. 

4) Hãy nguyện cầu cho Giêrusalem được thanh bình, nguyện cho những kẻ yêu mến ngươi được an ninh. Nguyện cho trong thành luỹ được bình an, và trong các lâu đài của ngươi yên ổn. 

5) Vì anh em và bằng hữu của tôi, tôi nguyện chúc: bình an cho ngươi! Vì nhà Chúa là Thiên Chúa chúng ta, tôi khẩn cầu cho ngươi những điều thiện hảo.

 

Ngày 04: Thánh Gioan Ðamascenô, linh mục Tiến Sĩ Hội Thánh

Thánh Gioan Ðamascênô sinh tại Damas vào khoảng năm 675. Cha ngài giữ một chức vị quan trọng trong triều đình và chính ngài lúc đầu cũng theo đuổi những vinh quang trần thế trước khi theo tiếng gọi trời cao (710). Ngài bỏ mọi sự, lên đường tìm một cuộc đời trầm lặng trong tu viện thánh Sabas tại sa mạc Giuđa và ngài đã sống ở đó cho đến mãn đời. Là thầy dòng, rồi linh mục, ngài đã chuyên tâm nghiên cứu thần học và giảng thuyết. Những suy tư của ngài đã tạo được một ảnh hưởng lớn tại Tây Phương cũng như Ðông Phương. Nhưng tác phẩm danh tiếng nhất của ngài là ba tập Minh Giáo (726-730) bênh vực việc tôn kính ảnh tượng, chống lại những ngăn cấm của hoàng đế Léon Isaurien và Constantin V. Ngoài ra, chúng ta còn lưu giữ được những bài giảng của ngài về Ðức Mẹ và ngài xứng đáng với danh hiệu "Tiến sĩ thần học về Ðức Maria". Ngài chủ trương: Là Mẹ Thiên Chúa hằng sống, Ðức Maria cũng phải được đưa về trời... Hơn nữa, ngài còn là một thi sĩ, và những sáng tác của ngài thường được dùng trong phụng vụ Ðông Phương. Tư tưởng của ngài là những chất liệu giúp chúng ta suy nghĩ về mầu nhiệm nhập thể, Thiên Chúa yêu thương loài người.

 


Thánh Gioan Đamascênô

 

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ  6/5/2009 – Bài Giáo Lý 82 trong Loạt 138 bài về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền

 

 

Anh chị em thân mến:

 

Hôm nay tôi muốn nói về Thánh Gioan Đamascênô, một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử của khoa thần học Byzantine, một vị đại tiến sĩ trong lịch sử của Giáo Hội hoàn vũ. Trước hết ngài là chứng nhân cho một cuộc vượt qua từ nền văn hóa Hy Lạp và Syria, một nền văn hóa chung ở miền đông của Đế quốc Byzantine, sang nền văn hóa Hồi giáo, một nền văn hóa đã xâm chiếm qua những thắng lợi về quân sự một vùng lãnh thổ thường được coi là Trung Đông hay Cận Đông.

 

Thánh Gioan Đamascênô được sinh ra từ một gia đình Kitô giáo giầu có, khi còn đang trẻ đã đóng vai trò – có lẽ cũng như cha của ngài – làm đầu về kinh tế ở vương quốc ấy. Tuy nhiên, chẳng bao lâu, không thỏa mãn với đời sống ở triều đình, ngài hoàn toàn đi đến chỗ sống đời đan tu, gia nhập đan viện San Sabas, gần Gialiêm. Năm đó khoảng năm 700. Không bao giờ xa lìa đan viện này, ngài đã hiến thân hết mình cho việc sống khổ hạnh và hoạt động văn chương, mà vẫn không chối bỏ một hoạt động mục vụ nào đó, như được chứng tỏ trong nhiều bài giảng của ngài. Lễ nhớ ngài được cử hành vào ngày 4/12. Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã công bố ngài là một vị tiến sĩ của Giáo Hội hoàn vũ năm 1890.

 

Ở Đông phương, trước hết ngài được nhớ đến vì 3 bài ngài nói chống lại những ai nói xấu các thứ ảnh tượng thánh, những bài nói bị lên án sau khi ngài qua đời bởi Công Đồng Hieria (754) của nhóm bài ảnh tượng. Tuy nhiên, những bài nói này là nguyên tố chính cho việc tái phục hồi và phong thánh cho ngài bởi các vị nghị phụ chính thống qui tụ lại ở Công Đồng Chung Nicaea II (787), Công Đồng Chung Thứ Bảy. Trong các bản văn này người ta có thể tìm thấy những nỗ lực thần học quan trọng nhất để hợp thức hóa việc tôn kính các thứ ảnh tượng thánh, khi liên kết chúng với mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa trong cung dạ của Trinh Nữ Maria.

 

Thánh Gioan Đamascênô cũng là một trong những người đầu tiên phân biệt giữa việc thờ phượng chung và riêng của Kitô hữu, cũng như giữa việc tôn thờ (latreia) và tôn kính (proskynesis): việc tôn thờ chỉ có thể giành cho Thiên Chúa là Đấng rất thần linh; còn việc tôn kính có thể sử dụng một hình ảnh để hướng bản thân về Đấng được tiêu biểu nơi ảnh tượng. 

 

Hiển nhiên là một vị thánh không thể nào lại đồng hóa với chất thể làm nên ảnh tượng. Việc phân tích này mau chóng trở nên quan trọng trong việc đáp ứng theo đường lối Kitô giáo đối với những ai cho rằng cần phải tuân giữ chung và mãi mãi việc cấm chỉ trong Cựu Ước về vấn đề sử dụng các hình ảnh để tôn thờ. Đó cũng là một vấn đề bàn cãi quan trọng trong cả thế giới Hồi giáo nữa, một thế giới Hồi giáo chấp nhận truyền thống này của người Do Thái trong việc hoàn toàn loại bỏ những hình ảnh cho việc tôn thờ. Trái lại, Kitô hữu, trong bối cảnh ấy, đã cứu xét vấn đề này và đã thấy là chính đáng cho việc tôn kính ảnh tượng.

 

Thánh Đamascênô đã viết: “Vào những thời buổi khác, Thiên Chúa đã không bao giờ được tiêu biểu nơi một hình ảnh nào, vô hình và không có dung nhan. Thế nhưng vì giờ đây Thiên Chúa đã được nhìn thấy nơi xác thịt và đã sống giữa con người, tôi là tiêu biểu cho những gì hữu hình nơi Thiên Chúa. Tôi không tôn kính chất thể, nhưng là Vị Tạo Hóa của chất thể, Đấng đã biến mình thành chất thể vì tôi và đã muốn ở nơi chất thể và thi hành việc cứu độ tôi nhờ chất thể. Bởi thế tôi sẽ không bao giờ thôi tôn kính chất thể mà nhờ đó ơn cứu độ mới được ban cho tôi.

 

“Thế nhưng tôi tôn kính nó một cách tuyệt đối như tôi ton kính Thiên Chía! Làm thế nào Thiên Chúa lại có thể là những gì đã lãnh nhận việc hiện hữu từ vô hữu thể chứ?... Trái lại, tôi cũng tôn kính và trân trọng tất cả những gì là chất thể mang lại ơn cứu độ, vì nó hoàn toàn là những năng lực thánh hảo và ân sủng. Không phải là cây gỗ của thập giá đã được chúc phúc 3 lần hay sao?... Và mực cùng sách thánh Phúc Âm không phải là chất thể hay sao? Bàn thờ cứu độ là nơi phân phát cho chúng ta bánh sự sống không phải là chất thể hay sao?... Và trước hết mọi sự thịt và máu của Chúa của tôi không phải là chất thể hay sao? Phải chăng tính chất linh thánh của tất cả những sự ấy cần phải bị triệt tiêu? Hay cần phải theo chiều hướng của truyền thống Giáo Hội tôn kính các ảnh tượng về Chúa và ảnh tượng về các người bạn của Thiên Chúa là những ảnh tượng được thánh hóa bởi tên chúng có, và vì thế nhờ ơn Thánh Linh chúng trở thành biểu hiện. Bởi thế, đừng vì chất thể mà xúc phạm: nó không đáng khinh vì chẳng có gì Thiên Chúa làm mà lại đáng khinh hết” (Contra imaginum calumniators, I, 16, ed. Kotter, pp. 89-90).

 

Chúng ta thấy rằng, vì biến cố Nhập Thể, chất thể đã trở nên như được thần linh hóa, nó được thấy như là nơi cư ngụ của Thiên Chúa. Đây là một nhãn quan mới về thế giới và về các thực tại thể chất. Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể và nhục thể đã thực sự trở thành nơi cư ngụ của Thiên Chúa, với vinh quang được chiếu tỏa nơi dung nhan con người của Chúa Kitô. Bởi thế, những lời mời gọi của vị tiến sĩ Đông phương này, thậm chí cho đến nay, vẫn còn hết sức hiện đại, trong việc coi trọng giá trị chất thể nhận được nơi mầu nhiệm Nhập Thể, để có thể nhờ đức tin trở thành một dấu hiệu và bí tích có tác dụng cho cuộc gặp gỡ của con người với Thiên Chúa.

 

Thế nên, Thánh Gioan Đamascênô là một chứng nhân đặc biệt của việc tôn kính ảnh tượng, một việc tôn kính trở thành một trong những khía cạnh đặc biệt của khoa thần học và tu đức học Đông phương cho tới ngày nay. Tuy nhiên, nó là một hình thức thờ phượng chỉ thuộc về đức tin Kitô giáo, thuộc về niềm tin tưởng vào vị Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể và trở thành hữu hình. Giáo huấn này của Thánh Gioan Đamascênô bởi thế đã được đưa vào truyền thống của Giáo Hội hoàn vũ, một truyền thống chất chứa tín lý về các bí tích coi các yếu tố thể chất từ thiên nhiên có thể nhờ ân sủng biến đổi bởi việc kêu cầu (epiclesis) của Thánh Linh, kèm theo việc tuyên xưng đức tin chân thực.

 

Liên kết với những ý tưởng nồng cốt này, Thánh Gioan Đamascênô cũng đặt việc tôn kính hài tích các thánh trên căn bản của niềm xác tín là các Kitô hữu thánh hảo, vì được tham phần vào cuộc phục sinh của Chúa Kitô, không thể được thuần túy coi là “kẻ chết”. Chẳng hạn, khi liệt kê những hài tích và hình ảnh của những ai đáng tôn kính, Thánh Gioan đã đề cập trong bài nói thứ ba của ngài để bênh vực các hình ảnh là: “Trước tất cả những vị chúng ta tôn kính được Chúa nghỉ ngơi giữa họ, Đấng thánh duy nhất ngự giữa các thánh nhân (cf. Is 57:15), chẳng hạn như Thiên Chúa Thánh Mẫu bà tất cả các thánh nhân. Đó là những vị đã hết sức nên giống Thiên Chúa theo ý muốn của mình và nhờ được Chúa ngự trị và trợ giúp thực sự được gọi là các vị thần linh (cf. Ps 82:6), không phải theo bản tính, mà là nhờ trợ thuộc, như thanh sắt nung đỏ được gọi là lửa không phải tự bản chất mà là nhờ phụ trợ và và được tham dự vào lửa. Đúng như lời phán: ‘Các ngươi cần phải nên thánh vì Ta là thánh’ (Lev 19:2)” (III, 33, col. 1352A).

 

Sau một chuỗi những đối chiếu về kiểu mẫu ấy, Thánh Đamascênô có thể nhờ đó thản nhiên suy diễn rằng: “Thiên Chúa, Đấng thiện hảo và vượt lên trên tất cả mọi thiện hảo, không cảm thấy hài lòng với việc chiêm ngưỡng bản thân mình, nhưng muốn có những hữu thể nhờ ơn Ngài có thể tham phần vào sự thiện hảo của Ngài: Vì thế, Ngài đã tạo dựng nên mọi sự từ hư không, hữu hình và vô hình, bao gồm cả con người, một thực tại vừa hữu hình vừa vô hình. Và Ngài đã dựng nên họ với chủ ý làm cho họ trở thành một hữu thể có thể nghĩ tưởng (ennoema ergon) được phong phú hóa bởi lời (logo[i] sympleroumenon) và hướng về thần trí (pneumatic teleioumenon)” (II, 2, PG 94, col. 865A).

 

Và sau đó để làm sáng tỏ ý tưởng này, ngài đã nói thêm rằng: “Cần để cho mình cảm thấy bàng hoàng (thaumazein) trước tất cả những công việc của sự quan phòng (tes pronoias erga), ca ngợi tất cả những việc ấy và chấp nhận tất cả các việc ấy, khắc phục khuynh hướng muốn vạch ra nơi chúng những khía cạnh mà đối với nhiều người dường như là bất công hay trái đạo lý (adika), ngược lại, công nhận rằng dự án (pronoia) của Thiên Chúa là những gì vượt lên trên khả năng nhận biết và hiểu biết (agnoston kai akatalepton) của con người, trong khi đó, chỉ có một mình Ngài mới là Đấng biết được các ý nghĩ của chúng ta, các hành động của chúng ta và thậm chí tương lai của chúng ta” (II, 29, PG 94, col. 964C).

 

Triết gia Plato cũng đã nói là tất cả mọi triết lý đều bắt đầu bằng sự ngỡ ngàng: Đức tin của chúng ta cũng được bắt đầu bằng sự ngỡ ngàng trước thiên nhiên tạo vật, trước vẻ đẹp của Thiên Chúa, Đấng trở nên hữu hình.

 

Tính chất lạc quan về việc chiêm ngưỡng về thiên nhiên này (physikè theoria), của cái nhìn nơi thiên nhiên tạo vật hữu hình sự thiện, sự mỹ và sự chân, cái lạc quan của Kitô giáo này không phải là một thứ lạc quan non dại: Nó để ý tới vết thương nhức nhối nơi bản tính con người bởi quyền tự do chọn lựa được Thiên Chúa muốn và bị sử dụng bất xứng bởi con người, với tất cả mọi hậu quả của tình trạng bất hòa tràn lan xuất phát từ nó. Từ đó mới hiện lên một nhu cầu, rõ ràng được nhận định bởi khoa thần học của Thánh Đamascênô, là thiên  nhiên tạo vật là những gì phản ảnh sự thiện hảo và vẻ đẹp của Thiên Chúa đã bị tổn thương bởi tội lỗi của chúng ta “sẽ được củng cố và canh tân” bởi việc hạ giáng của Con Thiên Chúa nơi nhục thể, sau nhiều cách và nhiều lần chính Thiên Chúa đã cố gắng chứng tỏ cho thấy rằng Ngài đã tạo dựng nên con người để họ chẳng những ‘hiện hữu’ mà còn ‘hiện hữu tốt đẹp’ nữa” (cf. La fede ortodossa, II, 1, PG 94, col. 981).

 

Bằng một lời than tha thiết, Thánh Gioan đã giải thích là “Thiên nhiên tạo vật cần phải được kiên cường và canh tân, và đường lối sống đức hạnh sẽ được thể hiện và được cụ thể chỉ dạy (didachthenai aretes hodòn), một đường lốio loại trừ đi tình trạng băng hoại và dẫn đến sự sống trường sinh… Như thế đã xuất hiện ở chân trời lịch sử một đại dương yêu thương của Thiên Chúa đối với con người (philanthropies pelagos)…”

 

Đó là một diễn tả tuyệt vời. Một đàng, chúng ta thấy vẻ đẹp của thiên nhiên tạo vật, đàng khác, tình trạng hủy hoại gây ra bởi lầm lỗi con người. Thế nhưng, chúng ta thấy nơi Con Thiên Chúa, Đấng hạ giáng để canh tân thiên nhiên, cả một biển cả yêu thương của Thiên Chúa giành cho con người. Thánh Gioan Đamascênô tiếp tục: “Chính Người, Đấng Hóa Công và là Chúa, đã chiến đấu cho tạo vật của mình, bằng việc truyền đạt giáo huấn của mình cho họ qua gương của Người… Nhờ đó, Con Thiên Chúa, trong khi vẫn mang thân phận Thiên Chúa, đã từ trời hạ giáng và hạ mình… xuống với thành phần tôi tớ của mình… để thực hiện điều mới mẻ nhất này, điều duy nhất thực sự mới dưới ánh mặt trời, một điều mà qua đó Người đã thực sự tỏ ra quyền năng vô cùng của Thiên Chúa ra” (III, 1, PG 94, col. 981C-984B)

 

Chúng ta có thể mường tượng được niềm an ủi và vui mừng tràn đầy tâm can của thành phần tín hữu nơi những lời đầy hình ảnh lôi cuốn này. Cả chúng ta hôm nay nghe thấy những lời ấy, chia sẻ cùng những cảm thức của Kitô hữu thời bấy giờ: Thiên Chúa muốn nghỉ ngơi nơi chúng ta, Ngài muốn canh tân lại thiên nhiên tạo vật cũng nhờ ở việc hoán cải của chúng ta, Ngài muốn làm cho chúng ta được thông phần vào thần tính của Ngài. Xin Chúa giúp chúng ta cảm thấy những lời ấy là những gì quan trọng thiết yếu cho cuộc sống của chúng ta.  

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 6/5/2009 

 

 

Thứ Ba

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: Is 11: 1-10

"Chúa lấy đức công bình mà xét xử người nghèo khó".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ngày ấy, từ gốc Giê-sê sẽ đâm ra một bông hoa.

Trên bông hoa ấy, thần linh của Thiên Chúa sẽ ngự xuống, tức thần khôn ngoan và thông suốt, thần chỉ dẫn và sức mạnh, thần hiểu biết và đạo đức, và thần ấy sẽ làm cho Ngài biết kính sợ Thiên Chúa.

Ngài không xét đoán theo như mắt thấy, cũng không lên án theo điều tai nghe, nhưng Ngài sẽ lấy đức công bình mà xét xử những người nghèo khó, và lấy lòng chính trực mà bênh đỡ kẻ hiền lành trong xứ sở.

Ngài sẽ dùng lời như gậy đánh người áp chế, và sẽ dùng tiếng nói giết chết kẻ hung ác.

Ngài lấy đức công bình làm dây thắt lưng và lấy sự trung tín làm đai lưng.

Sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy.

Bò con và gấu sẽ ăn chung một nơi, các con của chúng nằm nghỉ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều ăn cỏ khô, trẻ con còn măng sửa sẽ vui đùa kề hang rắn lục, và trẻ con vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc.

Các thú dữ ấy không làm hại ai, không giết chết người nào khắp núi thánh của Ta.

Bởi vì thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết Chúa như nước tràn đại dương.

Ngày ấy gốc Giê-sê đứng lên như cờ hiệu cho muôn dân.

Các dân sẽ khẩn cầu Ngài và mộ Ngài sẽ được vinh quang.

Ðó là Lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 71,2, 7-8,12-13,17

Ðáp: Sự công chính và nền hòa bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người.

Xướng 1) Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh và phân xử người nghèo khó cách chính trực. - Ðáp.

2) Sự công chính và nền hòa bình viên mãn, sẽ triển nở trong triều đại người, cho tới khi mặt trăng không còn chiếu sáng. Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông cái đến tận cùng trái đất. - Ðáp.

3) Vì người sẽ giải thoát kẻ nghèo khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh không ai giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu sống người cùng khổ. - Ðáp.

4) Chúc tụng danh người đến muôn đời, danh người còn tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì người, các chi họ đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ ca ngợi người. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 84,8

Alleluia, alleluia - Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng tôi, và ban ơn cứu rỗi cho chúng tôi. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 10: 21-24

"Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần, Người nói: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ.

Vâng lạy Cha, đó là ý Cha đã muốn thế.

Cha Ta đã trao phó cho Ta mọi sự.

Không ai biết Chúa Con là ai, ngoài Chúa Cha; cũng không ai biết Chúa Cha là Ðấng nào, ngoài Chúa Con, và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết!"

Rồi Chúa Giêsu quay lại phía các môn đệ và phán: "Hạnh phúc cho những con mắt được xem những điều chúng con xem thấy; vì chưng Ta bảo các con: có nhiều tiên tri và vua chúa đã muốn xem những điều chúng con thấy, mà chẳng được xem, muốn nghe những điều chúng con nghe, mà đã chẳng được nghe.

Ðó là Lời Chúa.




 

Suy nghiệm Lời Chúa

 

Ngôi Lời nhập thể - Mạc khải Thần Linh


Trong các mùa phụng vụ đặc biệt không phải là Mùa Thường Niên, chẳng hạn như Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, hay Mùa Chay và Mùa Phục Sinh, thường các Bài Phúc Âm không liên tục với nhau như Mùa Thường Niên, dù là Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh hay Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh

Hôm nay, Thứ Ba trong Tuần I Mùa Vọng, Giáo Hội lại chọn một bài Phúc Âm không phải bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu như hôm qua và tiếp hôm qua, mà là bài Phúc Âm của Thánh ký Luca, có một nội dung hoàn toàn khác hẳn với bài Phúc Âm hôm qua, nhưng vẫn theo đúng chủ đề chung của cả Mùa Vọng là "Lời hóa thành nhục thể". 

Thật vậy, bài Phúc Âm hôm nay, Thánh ký Luca thuật lại cho chúng ta biết về thái độ và hành động của Chúa Kitô trong một lúc đột xuất đầy thần hứng của Người theo tác động của Thánh Thần, để thốt lên những lời hân hoan chúc tụng Cha của Người cùng những lời phấn khích các môn đệ của Người:

Chúa Giêsu dâng lời chúc tụng Cha của Người"Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ. Vâng lạy Cha, đó là ý Cha đã muốn thế. Cha Ta đã trao phó cho Ta mọi sự. Không ai biết Chúa Con là ai, ngoài Chúa Cha; cũng không ai biết Chúa Cha là Ðấng nào, ngoài Chúa Con, và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết!"

Chúa Giêsu phấn khích các môn đệ của Người: "Hạnh phúc cho những con mắt được xem những điều chúng con xem thấy; vì chưng Ta bảo các con: có nhiều tiên tri và vua chúa đã muốn xem những điều chúng con thấy, mà chẳng được xem, muốn nghe những điều chúng con nghe, mà đã chẳng được nghe".

Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao trong Mùa Vọng là thời điểm trông đợi Đấng Thiên Sai Cứu Thế là Chúa Giêsu Kitô Giáo Hội lại cho đọc những bài Phúc Âm hầu như chẳng liên hệ và dính dáng gì với chiều kích trông đợi và ngưỡng vọng Chúa Kitô đến lần thứ nhất? 

Nếu bài Phúc Âm hôm qua về viên đại đội trưởng dân ngoại Rôma được Giáo Hội cho đọc ngay đầu Mùa Vọng, như suy diễn, đã rất am hợp với tinh thần và chủ đề chung của Mùa Vọng là "Lời đã hóa thành nhục thể" thế nào, thì bài Phúc Âm hôm nay cũng thế, ý nghĩa sâu xa của lời Chúa vẫn liên hệ với Mùa Vọng như bài Phúc Âm hôm qua, nếu vẫn tiếp tục căn cứ vào chủ đề chính của cả Mùa Vọng là "Lời đã hóa thành nhục thể".

Đúng thế, con người là loài tạo vật được Thiên Chúa dựng nên là để muôn đời hiệp thông thần linh với Ngài. Thế nhưng, muốn hiệp thông thần linh với "Thiên Chúa là thần linh" (Gioan 4:24), con người cần phải nhận biết Ngài, một điều kiện duy nhất bất khả thiếu và bất khả châm chước. Tuy nhiên, theo bản tính hữu hình và hữu hạn, con người không thể nào có thể nào tự mình nhận biết Thiên Chúa như Ngài là, nếu không được chính Ngài tỏ ra cho biết. 

Đó chính là lý do Chúa Giêsu đã dứt khoát khẳng định trong bài Phúc Âm hôm nay: "Không ai biết Chúa Con là ai, ngoài Chúa Cha; cũng không ai biết Chúa Cha là Ðấng nào, ngoài Chúa Con, và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết!Định luật này thực sự là một điều rất hợp với chẳng những lý lẽ tự nhiên của con người mà còn chính đáng với ý muốn của Thiên Chúa nữa, như Chúa Giêsu cũng đã cho biết: "đó là ý Cha đã muốn thế".

Có nghĩa là, mạc khải thần linh là một đặc ân, một tác động chính Thiên Chúa tự làm, chứ không phải do con người van xin mà có, do công lênh của con người mà được, và thậm chí cho dù Ngài đã tỏ mình ra cho con người, nhưng con người vẫn tự mình không thể hay khó có thể nhận biết Ngài nếu không được chính Ngài soi động cho biết, hay nếu không có chính Thần Linh của Ngài, như Chúa Giêsu cũng đã xác nhận trong cùng bài Phúc Âm hôm nay: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ".

Vì mạc khải thần linh là một đặc ân như thế mà những ai được Thiên Chúa tỏ ra cho biết đều là những người diễm phúc, điển hình là thành phần môn đệ của Người, được Người nhắc nhở và phấn khích như phần cuối của bài Phúc Âm hôm nay: "Hạnh phúc cho những con mắt được xem những điều chúng con xem thấy; vì chưng Ta bảo các con: có nhiều tiên tri và vua chúa đã muốn xem những điều chúng con thấy, mà chẳng được xem, muốn nghe những điều chúng con nghe, mà đã chẳng được nghe".

Lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người trong bài Phúc Âm hôm nay có nghĩa là gì: "Hạnh phúc cho những con mắt được xem những điều chúng con xem thấy" đây là gì? Và những gì mà các môn đệ của Người được diễm phúc xem thấy đó, nhìn thấy đó, nghe thấy đó đã từng là đối tượng của những gì hết sức khát khao mong muốn mà không được của "nhiều tiên tri và vua chúa" trong Cựu Ước. Nếu không phải là chính Chúa Giêsu Kitô là tột đỉnh của mạc khải thần linh và là tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa muốn tỏ ra cho loài người biết.

Chúa Giêsu Kitô là tột đỉnh của mạc khải thần linh vì tất cả những gì Thiên Chúa tỏ mình ra trong giòng lịch sử cứu độ của dân Do Thái thời Cựu Ước đều được ứng nghiệm và nên trọn nơi Người là "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), đúng như cảm nhận chí lý của Thư Do Thái ở ngay 2 câu đầu tiên của bức thư này: "Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử... Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa" (Do Thái 1:1-2)

Chúa Giêsu Kitô không phải chỉ là tột đỉnh mạc khải thần linh của Thiên Chúa mà còn là và nhất là tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa nữa, bởi chỉ ở nơi duy một mình Người là "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), là Đấng "hằng ở nơi Thiên Chúa" (Gioan 1:1,18) mới có thể biết Thiên Chúa mà "tỏ Cha ra" (Gioan 1:18) thôi, nhờ đó, "ai thấy Thày là thấy Cha" (Gioan 14:9).

Mầu nhiệm và biến cố nhập thể thần linh trong lịch sử dân Do Thái và của nhân loại này của "Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16), như Tông Đồ Phêrô thay tông đồ đoàn tuyên xưng, của "Đức Kitô Con Thiên Chúa đã đến trong thế gian" (Gioan 11:27), như Matta thay gia đình của chị và dân chúng bấy giờ tuyên xưng, đã được tiên báo từ ngay trong Cựu Ước, rõ ràng nhất là qua Tiên Tri Isaia trong Bài Đọc 1 hôm nay: 

"Ngày ấy, từ gốc Giê-sê (ám chỉ thân phụ của Vua Đavít) sẽ đâm ra một bông hoa. Trên bông hoa ấy (ám chỉ Chúa Giêsu Kitô, thuộc giòng dõi Đavít), thần linh của Thiên Chúa sẽ ngự xuống, tức thần khôn ngoan và thông suốt, thần chỉ dẫn và sức mạnh, thần hiểu biết và đạo đức, và thần ấy sẽ làm cho Ngài biết kính sợ Thiên Chúa". 

Và chính vì là Đấng Thiên Sai mà Chúa Giêsu Kitô mới tràn đầy "thần linh của Thiên Chúa", chứng tỏ Người thực sự là Con Thiên Chúa, được Thần Linh Chúa thánh hiến và tác động để sống trọn vẹn cho đến cùng tất cả những gì Thiên Chúa mun nơi Người cho phần rỗi muôn dân, như được Bài Đọc 1 tiếp tục cho biết về tinh thần và sứ vụ trần thế của Người:

"Ngài không xét đoán theo như mắt thấy, cũng không lên án theo điều tai nghe, nhưng Ngài sẽ lấy đức công bình mà xét xử những người nghèo khó, và lấy lòng chính trực mà bênh đỡ kẻ hiền lành trong xứ sở. Ngài sẽ dùng lời như gậy đánh người áp chế, và sẽ dùng tiếng nói giết chết kẻ hung ác. Ngài lấy đức công bình làm dây thắt lưng và lấy sự trung tín làm đai lưng".

Nhờ thế, tức nhờ Người mà trần gian và nhân thế mới "đầy dẫy sự hiểu biết Chúa như nước tràn đại dương", đến độ, như Bài Đọc 1 diễn tả một thế giới tuyệt diệu tràn đầy thái hóa và bình an, hòa giải được hết mọi khác biệt và xung khắc:

"Sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy. Bò con và gấu sẽ ăn chung một nơi, các con của chúng nằm nghỉ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều ăn cỏ khô, trẻ con còn măng sửa sẽ vui đùa kề hang rắn lục, và trẻ con vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc. Các thú dữ ấy không làm hại ai, không giết chết người nào khắp núi thánh của Ta".

Bài Đáp Ca hôm nay cũng hướng về Đức Kitô Thiên Sai Cứu Thế theo chiều hướng của Bài Đọc 1 hôm nay, một Đấng Thiên Sai Cứu Thế là niềm hy vọng và là nguồn cứu độ của muôn dân và cho muôn dân, nhất là của và cho những ai yếu thế bất hạnh cần được giải thoát:

1) Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh và phân xử người nghèo khó cách chính trực.

2) Sự công chính và nền hòa bình viên mãn, sẽ triển nở trong triều đại người, cho tới khi mặt trăng không còn chiếu sáng. Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông cái đến tận cùng trái đất. 

3) Vì người sẽ giải thoát kẻ nghèo khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh không ai giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu sống người cùng khổ.

4) Chúc tụng danh người đến muôn đời, danh người còn tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì người, các chi họ đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ ca ngợi người. 

 

Thứ Tư

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: Is 25, 6-10a

"Chúa mời đến dự tiệc của Người và lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ngày ấy, Chúa các đạo binh sẽ thết tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon. Trên núi này, Người sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân, và tấm khăn liệm trải trên mọi nước. Người tiêu diệt sự chết đến muôn đời. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt, và cất bỏ khỏi toàn mặt đất sự tủi hổ của dân Người, vì Người đã phán. Ngày đó, người ta sẽ nói: Này đây Chúa chúng ta, chúng ta đã chờ đợi Người, và Người sẽ cứu chúng ta. Ðây là Chúa, nơi Người, chúng ta đã tin tưởng, chúng ta hãy hân hoan và vui mừng vì ơn Người cứu độ, vì Chúa sẽ đặt tay của Người trên núi này.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6

Ðáp: Trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. (c. 6cd).

Xướng: 1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. - Ðáp.

2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa), dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. - Ðáp.

3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. - Ðáp.

4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Ðáp.

 

Alleluia: Is 33, 32

Alleluia, alleluia! - Chúa là Ðấng xét xử, là Ðấng ban luật và là Vua chúng ta: Chính Người sẽ cứu độ chúng ta. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 15, 29-37

"Chúa Giêsu chữa nhiều người và hoá bánh ra nhiều".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến gần biển Galilêa, và Người lên ngồi trên núi; dân chúng lũ lượt đến cùng Người, đem theo kẻ câm, mù, què, liệt và nhiều người khác, và đặt họ dưới chân Người. Người đã chữa lành họ. Dân chúng kinh ngạc nhìn thấy kẻ câm nói được, người què bước đi, người đui lại thấy, và họ tôn vinh Thiên Chúa Israel.

Còn Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ mà phán: "Ta thương xót đoàn lũ này, vì đã ba ngày, họ ở lại với Ta, nhưng không có gì ăn. Ta không muốn cho họ về bụng đói, sợ họ té xỉu dọc đàng". Các môn đệ thưa Người: "Chúng con lấy đâu đủ bánh trong hoang địa này mà cho ngần ấy dân chúng ăn no?" Chúa Giêsu nói với họ: "Các con có bao nhiêu chiếc bánh?" Họ thưa: "Có bảy chiếc, và ít con cá nhỏ". Người truyền dân chúng ngồi xuống đất. Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các môn đệ đem cho dân chúng. Tất cả đều ăn no, và mảnh vụn còn lại người ta thu lượm được bảy thúng đầy. Số người đã ăn lên tới bốn ngàn, không kẻ đàn bà con nít. Sau khi giải tán dân chúng, Người bước lên thuyền và đến địa phận Magađan.

Ðó là lời Chúa.

 



Suy nghiệm Lời Chúa

nhập thể truyền sinh  

 

Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Tư Tuần I Mùa Vọng, cũng có vẻ rất xa lạ như lạc đề với ý hướng của Mùa Vọng là mùa đợi trông Đấng Thiên Sai Cứu Thế. Vì bài Phúc Âm hôm nay là bài Phúc Âm về sự kiện Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ hai.

Thật vậy, Thánh ký Mathêu đã thuật lại rằng: "Khi ấy, Chúa Giêsu đến gần biển Galilêa, và Người lên ngồi trên núi; dân chúng lũ lượt đến cùng Người, đem theo kẻ câm, mù, què, liệt và nhiều người khác, và đặt họ dưới chân Người. Người đã chữa lành họ. Dân chúng kinh ngạc nhìn thấy kẻ câm nói được, người què bước đi, người đui lại thấy, và họ tôn vinh Thiên Chúa Israel. Còn Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ mà phán: 'Ta thương xót đoàn lũ này, vì đã ba ngày, họ ở lại với Ta, nhưng không có gì ăn. Ta không muốn cho họ về bụng đói, sợ họ té xỉu dọc đàng'".

Thế rồi, trong chính hoàn cảnh thiếu thốn bấy giờ như thể bất khả đáp ứng nhu cầu của dân chúng, lòng cảm thương dân chúng của Chúa Giêsu đã tỏ mình ra bằng phép lạ hóa bánh ra nhiều, như cùng bài Phúc Âm cho biết: 

"Các môn đệ thưa Người: 'Chúng con lấy đâu đủ bánh trong hoang địa này mà cho ngần ấy dân chúng ăn no?' Chúa Giêsu nói với họ: 'Các con có bao nhiêu chiếc bánh?' Họ thưa: 'Có bảy chiếc, và ít con cá nhỏ'. Người truyền dân chúng ngồi xuống đất. Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các môn đệ đem cho dân chúng. Tất cả đều ăn no, và mảnh vụn còn lại người ta thu lượm được bảy thúng đầy. Số người đã ăn lên tới bốn ngàn, không kẻ đàn bà con nít".

Như hôm qua và hôm kia, vấn đề được đặt ra ở đây là sự kiện Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để đáp ứng nhu cầu thể chất của "bốn ngàn người, không kể đàn bà con nít" là thành phần "đã ba ngày, họ ở lại với" Người trong "hoang địa" có liên quan gì tới Mùa Vọng là thời điểm đợi trông Đấng Cứu Thế Thiên Sai hay chăng? Câu trả lời rất dễ dàng đó là nếu không có liên hệ gì với nhau thì Giáo Hội đã không chọn đọc cho phụng vụ Lời Chúa của từng ngày thường trong Mùa Vọng như hôm nay, Thứ Tư Tuần I Mùa Vọng.  

Thế nhưng, mối liên hệ giữa sự kiện phép lạ hóa bánh ra nhiều trong Bài Phúc Âm hôm nay và Mùa Vọng như thế nào và ở chỗ nào? Nếu không phải, như vẫn được nhấn mạnh trong 3 ngày đầu Mùa Vọng vừa rồi, ở chủ đề chung cho Mùa Vọng: "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14). 

Phảiý nghĩa về Mùa Vọng của bài Phúc Âm hôm nay liên quan đến sự kiện Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều hoàn toàn đưc sáng tỏ nơi chủ đề chung cho Mùa Vọng là "Lời đã hóa thành nhục thể". Tại sao "Lời đã hóa thành nhục thể" và "Lời đã hóa thành nhục thể" để làm gì, nếu không phải, về lý do, vì Người yêu thương con người là loài tự bản chất hướng về vĩnh hằng bất tử vốn khao khát thần linh, như đám đông dân chúng trong Bài Phúc Âm hôm nay, nhưng không thể thỏa đáng chính bản thân mình, cho đến khi chính Thiên Chúa đáp ứng nhu cầu và khát vọng của họ, như Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho họ được no thỏa trong Bài Phúc Âm hôm nay!

Và đó cũng chính là mục đích "Lời đã hóa thành nhục thể", ở chỗ để ban cho con người đã bị chết vì nguyên tội được tái sinh "bởi nước và Thần Linh" (Gioan 3:5), nhờ đó họ "được sự sống và là sự sống viên mãn" (Gioan 10:10), được tiêu biểu nơi sự kiện Người làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi dưỡng phần xác của họ trong lúc họ đang đói, một sự kiện ám chỉ đến việc Người sẽ thiết lập Bí Tích Thánh Thể là chính bản thân Người: "Tôi chính là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống muôn đời và bánh Tôi sẽ ban chính là thịt của Tôi ban sự sống cho thế gian" (Gioan 6:51).

Sự việc Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng theo Người bấy giờ ám chỉ đến biến cố Người sẽ lập Bí Tích Thánh Thể là việc Người thông ban sự sống thần linh của Người cho Kitô hữu nói riêng và cho toàn thể nhân loại nói chung qua phụng vụ Thánh Thể được Giáo Hội cử hành mà nhớ đến Người, mà Thánh Thể như Bánh Sự Sống của Người đây là hoa trái của việc "Lời đã hóa thành nhục thể", và cả hai mầu nhiệm nhập thể và Thánh Thể đã được Tiên Tri Isaia loan báo trong Bài Đọc 1 hôm nay như thế này:

"Ngày ấy, Chúa các đạo binh sẽ thiết đãi tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon. Trên núi này, Người sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân, và tấm khăn liệm trải trên mọi nước. Người tiêu diệt sự chết đến muôn đời. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt, và cất bỏ khỏi toàn mặt đất sự tủi hổ của dân Người, vì Người đã phán".

"Ngày ấy" ở đây phải chăng là "thời điểm viên trọn", thời điểm "Thiên Chúa sai Con của Ngài sinh hạ bởi một người nữ" (Galata 4:4), như thể, nhờ "Lời đã hóa thành nhục thể" mà "Chúa các đạo binh sẽ thiết đãi tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon".

"Trên núi này" ở đây phải chăng là nơi nhân tính của Lời nhập thể và nhờ nhân tính của Lời nhập thể đã gánh tội trần gian và xóa tội trần gian bằng cuộc khổ nạn, tử giá và phục sinh của mình mà "Người sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân, và tấm khăn liệm trải trên mọi nước. Người tiêu diệt sự chết đến muôn đời". 

Đó là lý do, nếu Mùa Vọng là thời điểm đợi trông Đấng Cứu Độ và Ơn Cứu Độ từ Vị Thiên Chúa đã hóa thân làm người nơi "Lời đã hóa thành nhục thể", vị Thiên Chúa duy nhất có thể thỏa đáng khát vọng thần linh của chúng ta và nơi loài người bất lực đầy tội lỗi của chúng ta, thì quả thực, đúng như lời Tiên Tri Isaia trong Bài Đọc 1 hôm nay: "Ngày đó, người ta sẽ nói: Này đây Chúa chúng ta, chúng ta đã chờ đợi Người, và Người sẽ cứu chúng ta. Ðây là Chúa, nơi Người, chúng ta đã tin tưởng, chúng ta hãy hân hoan và vui mừng vì ơn Người cứu độ, vì Chúa sẽ đặt tay của Người trên núi này".
Với tâm tình ngưỡng vọng Đấng Cứu Độ và Ơn Cứu Độ là Đấng duy nhất có thể thỏa đáng khát vọng thần linh của mình, Đấng "đã hóa thành nhục thể" và "hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người" (Mathêu 20:28), thì con người, như đám đông dân chúng trong bài Phúc Âm hôm nay, sau khi được no thỏa, chẳng còn thiết gì nữa, bởi họ được chăn dắt bởi một Vị Mục Tử Thần Linh, "vị mục tử nhân lành hiến mạng sống mình vì chiên" (Gioan 10:11), như Bài Đáp Ca hôm nay cảm nhận và xác tín cùng tuyên xưng:
1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. 
2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa), dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. 
3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.
4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. 

 

Thứ Năm

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: Is 26, 1-6

"Dân công chính biết giữ sự trung tín, hãy tiến vào".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ngày ấy, trong đất Giuđa, người ta hát khúc ca này: Sion là thành trì kiên cố của chúng ta, có tường thành và hào luỹ che chở, hãy mở cửa, và dân công chính biết giữ sự trung tín, hãy tiến vào. Sự sai lầm cũ đã qua đi, Chúa sẽ bảo tồn sự hoà bình. Sự hoà bình, vì chúng ta trông cậy nơi Chúa.

Hãy trông cậy Chúa đến muôn đời, trông cậy Chúa, Ðấng quyền năng mãi mãi. Vì Người triệt hạ dân ở nơi cao, và hạ thấp những thành trì danh tiếng, Người hạ nó sát đất, chà đạp nó thấu bụi tro. Bàn chân người nghèo khó bước đi, và kẻ bần cùng sẽ đạp trên nó.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 117, 1 và 8-9. 19-21. 25-27a

Ðáp: Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến! (c. 26a)

Hoặc đọc: Alleluia!

Xướng: 1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Tìm đến nương tựa Chúa thì tốt hơn nương tựa ở loài người; tìm đến nương tựa Chúa thì tốt hơn nương tựa những bậc quân vương. - Ðáp.

2) Xin mở cho tôi các cửa công minh, để tôi vào và cảm tạ ơn Chúa. Ðây là ngọ môn của Chúa, những người hiền đức qua đó tiến vào. Tôi cảm tạ Chúa vì Chúa đã nghe tôi,và đã trở nên Ðấng cứu độ tôi. - Ðáp.

3) Thân lạy Chúa, xin gia ơn cứu độ; thân lạy Chúa, xin ban cho đời sống phồn vinh. Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến, từ nhà Chúa, chúng tôi cầu phúc cho chư vị. Chúa là Thiên Chúa và đã soi sáng chúng tôi. - Ðáp.

 

Alleluia: Is 40, 9-10

Alleluia, alleluia! - Hỡi người giảng tin mừng, hãy mạnh dạn cất lớn tiếng: Này Chúa là Thiên Chúa sẽ đến trong sức mạnh. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 7:21,24-27

"Ai thực hiện ý Chúa Cha, sẽ được vào nước trời".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không phải tất cả những ai nói với Ta, "Lạy Chúa, lạy Chúa!", là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời.

"Vậy ai nghe những lời Ta nói đây và đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên nền đá. Và hễ ai nghe những lời Ta nói đây mà không đem ra thực hành, thì giống như người ngu đần, xây nhà mình trên cát, khi mưa sa nước lũ, gió thổi và lùa vào nhà đó, nhà sẽ sập và sẽ trở nên đống hoang tàn".

Ðó là lời Chúa.

 



Suy nghiệm Lời Chúa

nhập thể tỏ hiện  

 

Hôm nay, Thứ Năm Tuần I Mùa Vọng, Bài Phúc Âm, như ba ngày đầu tuần này, cũng có vẻ như xa lạ và không hợp với Mùa Vọng làm sao ấy. 

 

Không phải hay sao, trong khi ý nghĩa của Mùa Vọng là thời điểm đợi trông Đấng Cứu Độ và Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa thì nội dung của bài Phúc Âm hôm nay lại là những gì liên quan đến việc tuân giữ lời Chúa, như Thánh ký Mathêu ghi lại trong Bài Phúc Âm hôm nay lời Chúa Giêsu nói về vấn đề này: "Không phải tất cả những ai nói với Ta, 'Lạy Chúa, lạy Chúa!', là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời'".

 

Tại sao thế? Tại sao lời Chúa là yếu tố tối hậu quyết định số phận đời đời của con người, nếu không phải tại vì lời Chúa là nền đá vững chắc cho những ai sống lời Chúa, nghĩa là cho những ai lưu tâm áp dụng thực hành lời Chúa, như một con người khôn ngoan xây dựng ngôi nhà bản thân của mình trên chính lời Chúa là những gì chân thật, bất biến và hoàn thiện, nhờ đó họ không còn sợ bị cám dỗ lôi cuốn hay bị thử thách bỏ cuộc, như Chúa Giêsu đã vừa bảo đảm vừa cảnh báo trong Bài Phúc Âm hôm nay:

 

"Vậy ai nghe những lời Ta nói đây và đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên nền đá. Và hễ ai nghe những lời Ta nói đây mà không đem ra thực hành, thì giống như người ngu đần, xây nhà mình trên cát, khi mưa sa nước lũ, gió thổi và lùa vào nhà đó, nhà sẽ sập và sẽ trở nên đống hoang tàn".

 

Đến đây chúng ta có thể đã thấy được mối liên hệ giữa Bài Phúc Âm hôm nay với Mùa Vọng là thời điểm hướng về và tưởng niệm mầu nhiệm "Lời đã hóa thành nhục thể". Ở chỗ, con người muốn vào Nước Trời, tức muốn được muôn đời hiệp thông thần linh với Thiên Chúa họ cần phải tuân phục Thánh Ý của Thiên Chúa: "Không phải tất cả những ai nói với Ta, 'Lạy Chúa, lạy Chúa!', là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời'".

 

Tuy nhiên, làm sao con người có thể biết được đâu là Thánh Ý Chúa để mà tuân phục, trong khi con người, với bản tính đã bị nhiễm lây nguyên tội, đã trở thành mù tối và yếu nhược, lại càng khó nhận ra ý muốn của Ngài; thậm chí có nhận ra ý muốn của Thiên Chúa con người, như thực tế phũ phàng cho thấy, lại càng cảm thấy sợ hãi và tìm hết cách trốn tránh, như khi con người chối bỏ hoặc áp đảo tiếng lương tâm chân chính để thỏa mãn dục vọng nhất thời của mình, hay để làm theo ý riêng của mình, điển hình là trường hợp của Tiên tri Giona chạy trốn Thiên Chúa trong việc thi hành sứ mệnh rao giảng thống hối cho Thành Ninivê mà vị tiên tri này dị ứng (xem Giona 1:1-3).

 

Đó là lý do "Lời đã hóa thành nhục thể" để chẳng những tỏ cho con người biết Cha (xem Gioan 1:18), biết Ngài thực sự là ai và chắc chắn muốn gì, mà còn làm gương tuân phục ý muốn của Cha là Đấng đã sai Người nữa: "Cho dù là Con, Người cũng đã biết tuân phục nơi những gì phải chịu, để khi thành toàn, Người trở nên căn nguyên cứu độ cho tất cả những ai tin phục Người" (Do Thái 5:8-9).

 

Nhờ đó, qua Phép Rửa tái sinh, Kitô hữu chúng ta chẳng những được cứu độ nơi việc tuân phục của Người, mà còn được sống bởi tác dụng của Thánh Giá biểu hiện cho việc tuân phục của Người nữa, một khi họ biết tin tưởng vào Người là Đấng Cứu Độ của họ và tích cực đáp ứng việc cứu độ của Người, bằng cách nỗ lực bỏ mình và vác thập giá của mình mà theo Người (xem Mathêu 16:24).

 

Thế nên, trong Bài Đọc 1 hôm nay, Tiên Tri Isaia đã nói đến lòng tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa là Đấng không thể nào chấp nhận thái độ cao ngạo bất cần của những ai tự phụ tự đắc như sau: "Hãy trông cậy Chúa đến muôn đời, trông cậy Chúa, Ðấng quyền năng mãi mãi. Vì Người triệt hạ dân ở nơi cao, và hạ thấp những thành trì danh tiếng, Người hạ nó sát đất, chà đạp nó thấu bụi tro. Bàn chân người nghèo khó bước đi, và kẻ bần cùng sẽ đạp trên nó". 

 

Đúng thế, Tiên Tri Isaia đã tiên báo một viễn tượng tươi sáng cho thành phần chỉ biết tin tưởng cậy trông vào Vị Thiên Chúa cứu độ, và nhờ đó được sống an vui hạnh phúc nhất là khi "Lời đã hóa thành nhục thể", như thế này: "Ngày ấy, trong đất Giuđa, người ta hát khúc ca này: Sion (ở đây có thể ám chỉ hay biểu hiệu nhân tính Chúa Kitô) là thành trì kiên cố của chúng ta, có tường thành và hào lũy che chở, hãy mở cửa, và dân công chính biết giữ sự trung tín, hãy tiến vào. Sự sai lầm cũ đã qua đi, Chúa sẽ bảo tồn sự hoà bình. Sự hoà bình, vì chúng ta trông cậy nơi Chúa".

 

Bài Đáp Ca hôm nay âm vang tinh thần của Bài Đọc 1 hôm nay liên quan đến tình thương của Thiên Chúa là tất cả những gì con người tin tưởng cây trông và mong chờ, như đời sống con người thực sự là một Mùa Vọng đợi trông "Thiên Chúa là Đấng cứu độ của tôi" (Luca 1:47).

 

1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Tìm đến nương tựa Chúa thì tốt hơn nương tựa ở loài người; tìm đến nương tựa Chúa thì tốt hơn nương tựa những bậc quân vương.

 

2) Xin mở cho tôi các cửa công minh, để tôi vào và cảm tạ ơn Chúa. Ðây là ngọ môn của Chúa, những người hiền đức qua đó tiến vào. Tôi cảm tạ Chúa vì Chúa đã nghe tôi,và đã trở nên Ðấng cứu độ tôi. 

 

3) Thân lạy Chúa, xin gia ơn cứu độ; thân lạy Chúa, xin ban cho đời sống phồn vinh. Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến, từ nhà Chúa, chúng tôi cầu phúc cho chư vị. Chúa là Thiên Chúa và đã soi sáng chúng tôi. 

 

Ngày 07: Thánh Ambrôsiô, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (Lễ Nhớ) 

 

Thánh Ambrôsiô sinh năm 339 tại Trêve, trong một gia đình công chức cao cấp thuộc đế quốc Rôma. Tới lúc trưởng thành, với trí khôn minh mẫn, tâm hồn ngay thẳng và tài hùng biện, ngài được ông hoàng Probus đề cử giữ chức tổng đốc hai miền Liguria và Êmilia phía Bắc nước Ý.

Sau khi Ðức Giám Mục thành Milan qua đời, hàng giáo phẩm và giáo dân họp lại để chọn một vị Giám Mục kế vị, nhưng vì bất đồng ý kiến nên đã chống đối nhau kịch liệt. Trong bầu không khí hỗn độn ấy, Ambrôsiô với tư cách là chính quyền địa phương đã đến để hòa giải. Bỗng nhiên có một em bé la to lên: "Ambrôsiô Giám Mục" và lạ thay mọi người đều đồng thanh bầu Ambrôsiô làm Giám Mục năm 374. Nên sau đó, ngài được Rửa Tội (vì còn là dự tòng), và lần lượt lãnh các chức thánh để rồi cuối cùng lên làm Giám Mục Milan.

Trong chức vụ chủ chăn, thánh Ambrôsiô đã mạnh dạn đứng lên bệnh vực chân lý và kỷ luật của Giáo Hội, chống lại Ariô và các bè rối khác. Qua lời giảng thuyết cũng như các văn thư, ngài đưa nhiều người lạc giáo trở về làm con cái Giáo Hội, trong số đó ta phải kể đến thánh Augustinô.

Thiên Chúa đã gọi ngài về hưởng triều thiên công phúc ngày 04/4/397, hưởng thọ 58 tuổi.


Thánh giáo phụ Ambrose thành Milan

 

 

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 24/10/2007

 Bài Giáo Lý 55 trong loạt 138 bài về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền

 

 

Anh chị em thân mến:

 

Thánh Giám Mục Ambrose, vị tôi sẽ nói tới hôm nay đây, đã qua đời vào đêm ngày 3-4/4/397 ở Milan. Bấy giờ là rạng đông của Thứ Bảy Tuần Thánh. Ngày trước đó, khoảng 5 giờ chiều, ngài đã bắt đầu cầu nguyện khi ngài nằm trên giường với hai cánh tay giang ra như hình thánh giá. Đó là cách ngài đã tham dự vào tam nhật Phục Sinh trọng thể, vào cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa chúng ta. Paulinus, một phó tế trung thành đã được Thánh Âu Quốc Tinh mờùi viết về tiểu sử của Thánh Ambrose mang tựa đề “Vita”, đã làm chứng rằng: “Chúng tôi đã thấy ngài mấp máy đôi môi, thế nhưng không thể nghe thấy được tiếng của ngài”.

 

Đột nhiên, tình trạng ấy dường như đi đến chỗ kết thúc. Honoratus, vị giám mục ở Vercelli, người đã giúp Thánh Ambrose và đã ngủ ở trên lầu, đã được đánh thức dậy bởi tiếng nói lập đi lập lại rằng: “Dậy mau! Ambrose sắp chết rồi”. Lập tức đức giám mục Honoratus xuống lầu, Paulinus kể lại, “và ban Mình Thánh Chúa. Sauk hi nhận lãnh, Thánh Ambrose trút hơi thở, mang theo của ăn đường. Bởi vậy, linh hồn của ngài, được kiên cường bởi lương thực ấy, bấy giờ hoan hưởng tập đoàn các thiên  thần” (“Vita”, 47).

 

Vào Thứ Sáu Tuần Thánh năm 397, đôi cánh tay giang ra của một Amborse hấp hối cho thấy việc ngài mầu nhiệm tham dự vào cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa chúng ta. Đó là bài giáo lý cuối cùng của ngài: Không nói một lời nào, ngài đã nói bằng chứng từ đời sống.

 

Thánh Ambrose không già khi ngài qua đời. Ngài chưa đầy 60 tuổi, vì ngài được sinh ra khoảng năm 340 ở Trier, nơi cha của ngài làm quan thái thú của những người Gauls. Gia đình này theo Kitô Giáo. Khi cha của ngài chết thì ngài vẫn còn là một chú bé trai, mẹ ngài mang ngài đến Rôma để giúp ngài theo đuổi nghề nghiệp dân  sự, cống hiến cho ngài một nền giáo dục vững chắc về tu từ học và pháp lý học. Khoảng năm 370, ngài được phái tới để quản trị những địa hạt Emilia và Liguria, có tổng hành dinh ở Milan. Chính ở đó là nơi đang sôi sục cuộc đấu chọi giữa Kitô hữu chính thống và bè rối Arian, nhất là sau cái chết của Auxentius, vị giám mục của bè rối Arian. Thánh Ambrose đã can thiệp để bình định những người trong cuộc thuộc cả hai bên, và thẩm quyền của ngài là ở chỗ, mặc dù ngài chỉ là một người dự tòng bình thường, ngài cũng đã được dân chúng tuyên bố làm giám mục Milan.

 

Cho tới lúc ấy, Thánh Ambrose đã là một vị quan nhất phẩm của Đế Quốc Rôma ở Bắc Ý. Rất hiểu biết về văn hóa song lại hụt hẫng về kiến thức Thánh Kinh, vị tân giám mục bắt đầu hăng say học hiểu các Sách Thánh. Ngài đã biết nghiên cứu và dẫn giải Thánh Kinh căn   cứ vào các tác phẩm của giáo phụ Origen, một bậc thày thật sự thuộc trường phái Alexandria. Nhờ đó, Thánh Ambrose đã mang đến cho môi trường La Tinh việc thực hành suy niệm Phúc Âm được giáo phụ Origen phát động, bắt đầu bằng việc “lecto dinina – đọc lời Chúa” ở Tây phương.

 

Phương pháp “lectio” chẳng bao lâu đã hướng dẫn việc giảng dạy và viết lách của Thánh Ambrose, những việc đã thực sự xuất phát từ việc lắng nghe nguyện cầu trước lời của Thiên Chúa. Một lời mở đầu nổi tiếng trong một bài giáo lý đặc biệt của Thánh Ambrose cho thấy vị giám mục thánh này đã áp dụng Cựu Ước vào đời sống Kitô Giáo như sau: “Khi chúng ta đọc lịch sử về các vị tổ phụ và những câu châm ngôn của Sách Cách Ngôn, chúng ta tiến đến chỗ đối diện với luân lý”, vị giám mục thành Milan nói với thành phần dự tòng và tân tòng, “để, một khi được giáo dục bởi những sự ấy, anh chị em có thể làm cho mình quen với việc tiến tới đời sống của cha ông cũng như theo đuổi con đường tuân phục những chỉ thị thần linh” ("I misteri," 1,1).

 

Nói cách khác, thành phần tân tòng và dự tòng, theo ý nghĩ của vị giám mục này, thì sau khi đã học biết được nghệ thuật sống theo luân lý, bấy giờ họ mới có thể coi họ sẵn sàng chuẩn bị cho các mầu nhiệm cao cả của Chúa Kitô. Như thế, việc giảng dạy của Thánh Ambrose, việc giảng dạy là tâm điểm cho công việc văn chương to lớn của ngài, xuất phát từ việc đọc các sách thánh (“Chư Tổ Phụ”, các sách về lịch sử, và “Cách Ngôn”, các sách về khôn ngoan), để sống tuân hợp với mạc khải thần linh.

 

Rõ ràng là chứng từ bản thân của giảng viên và mẫu gương của cộng đồng Kitô Giáo là những điều kiện mang lại hiệu quả cho bất cứ việc giảng dạy nào. Theo quan điểm ấy thì thật là ý nghĩa đối với một đoạn trong cuốn Tự Thú của Thánh Âu Quốc Tinh. Thánh Âu Quốc Tinh đã đến Milan như là một giáo sư về tu từ học; ngài là một con người ngờ vực chứ không phải là một Kitô hữu. Ngài đã tìm kiếm song không thể nào thực sự gặp gỡ chân lý Kitô Giáo. Đối với nhà tu từ học trẻ người Phi Châu này, một con người vừa hoài nghi vừa thất vọng, thì không phải là những bài giảng tuyệt vời của Thánh Ambrose đã làm anh ta trở lại – cho dù ngài hết sức cảm nhận chúng. Trái lại, chính chứng từ của vị giám mục và Giáo Hội ở Milan, một Giáo Hội đã nguyện cầu và hát ca, hiệp nhất như một thân  thể duy nhất. Đó là một Giáo Hội có khả năng chống lại sự bức hiếp của vị hoàng đế cũng như của bà mẹ của hoàng đế, người đã yêu cầu một lần nữa thực hiện việc chiếm đoạt một ngôi Thánh Đường cho những cử hành lễ nghi của bè rối Arian vào đầu năm 386.

 

Trong một dinh thự đã bị chiếm đoạt, Thánh Âu Quốc Tinh viết: “thành phần dân chúng đạo hạnh ở Milan đã chống đỡ, sẵn sàng chết với vị giám mục của họ”. Chứng từ này trong cuốn “Tự Thú” thật là vô giá, vì nó cho thấy rằng đã có một điều gì đó tác đâu mạnh mẽ nơi Thánh Âu Quốc Tinh. Ngài viết tiếp: “bất chấp sự kiện là chúng tôi vẫn còn hâm hâm dở dở về tinh thần, chúng tôi cũng đã tham dự nữa về phía toàn thể dân chúng” (Tự Thú 9, 7).

 

Từ đời sống và gương lành của Giám Mục Ambrose, Thánh Âu Quốc Tinh đã học biết tin tưởng và giảng dạy. Chúng ta có thể kể đến một bài giảng nổi tiếng của con người Phi Châu này, một bài giảng đáng được trích lại nhiều thế kỷ sau ở khoản 25 hiến chế tín lý “Dei Verbum”: “Tất cả hàng giáo sĩ cần phải tha thiết với Thánh Kinh bằng việc ân cần đọc sách thánh và cẩn thận học hỏi, nhất là các vị linh mục của Chúa Kitô và những vị khác, như phó tế và giáo lý viên là thành phần hợp pháp chủ động thực hiện thừa tác vụ lời Chúa. Việc này cần phải thực hiện để không một ai trong họ trở nên”, và đến đây trích lời Thánh Âu Quốc Tinh, “’một giảng viên rỗng tuyếch giảng giải lời Chúa hời hợt bề ngoài, không phải là một người sâu xa lắng nghe lời Chúa’”. Ngài đã thực sự học được từ Thánh Ambrose việc “sâu xa lắng nghe” này, việc chuyên cần đọc thánh Kinh bằng thái độ nguyện cầu này, để thực sự lãnh nhận lời Chúa trong lòng mình, và thấm nhuần lời Chúa.

 

Anh chị em thân mến: tôi muốn trình bày cho anh chị em một mẫu “hình ảnh giáo phụ” mà, nếu được nhìn theo chiều hướng của những gì chúng ta vừa nói, thì thật sự tiêu biểu cho tâm điểm của giáo huấn Thánh Ambrose. Trong cùng cuốn Tự Thú, Thánh Âu Quốc Tinh đã thuật lại việc ngài gặp gỡ Thánh Ambrose, một cuộc gặp gỡ thực sự có một tầm vóc hết sức quan trọng đối với lịch sử của Giáo Hội. Ngài đã viết trong tác phẩm này rằng khi ngài đến gặp vị giám mục thành Milan thì vị giám mục ấy lúc nào cũng bị đám đông dân chúng bu quanh mang theo những rắc rối trục trặc được vị giám  mục cố gắng giúp đỡ. Ở đó bao giờ cũng có một hàng dài dân chúng đợi chờ để nói chuyện với Thánh Ambrose, tìm niềm ủi an và hy vọng. Khi Thánh Ambrose không còn ở với đám dân chúng ấy nữa – và điều này chỉ xẩy ra trong một thời gian ngắn – thì vị giám mục một là ăn chút đỉnh cho thân xác sống hay là đọc sách bồi bổ tinh thần. Về khía cạnh này, Thánh Âu Quốc Tinh đã ca ngợi Thánh Ambrose, vì Thánh Ambrose đọc Thánh Kinh bằng cửa miệng đóng mà chỉ bằng đôi mắt của ngài mà thôi” (x Tự Thú, 6.3).

 

Trong những thế kỷ đầu của Kitô Giáo, việc đọc Thánh Kinh được nghĩ một cách triệt để theo nghĩa được nghe công bố, và việc đọc lớn tiếng làm cho việc hiểu biết được dễ dàng hơn, thậm chí cho người bấy giờ đang đọc Thánh Kinh. Sự kiện Thánh Ambrose có thể đọc hết trang này tới trang khác bằng mắt đối với Thánh Âu Quốc Tinh là một khả năng đọc đặc biệt và quen thuộc với Thánh Kinh. Trong việc đọc này – một việc tâm can muốn tìm cách hiểu biết lời Chúa – thì đây là “hình ảnh” chúng ta đang nói tới. Ở đây, người ta có thể thấy được phương pháp của giáo lý Thánh Ambrose, đó là chính Thánh Kinh, được sâu xa thấm nhiễm, cho thấy nội nội dung của những gì người ta cần phải loan báo để làm hoán cải các cõi lòng.

 

Bởi vậy, theo giáo huấn của Thánh Ambrose và Âu Quốc Tinh thì giáo lý là những gì bất khả phân ly với chứng từ của đời sống. Giáo lý viên cũng có thể kín múc cho mình được lợi ích từ những gì tôi đã viết trong cuốn “Nhập Môn Kitô Giáo” về các thần học gia. Các nhà giáo dục đức tin không thể rơi vào cái nguy cơ trở thành như một thứ tay hề là người chỉ múa máy mà thôi. Trái lại, nếu sử dụng hình ảnh của giáo phụ Origen, một nhà trước tác được Thánh Ambrose đặc biệt cảm nhận, thì họ phải giống như người môn đệ yêu dấu, người dựa đầu vào ngực Thày và nhờ đó học biết cách suy nghĩ, nói năng và tác hành. Sau hết, người môn đệ đích thực này là người loan truyền Phúc Âm một cách khả tín nhất và công hiệu nhất.  

 

Như Thánh Gioan Tông Đồ, Giám Mục Ambrose, vị không bao giờ thôi lập lại rằng "Omnia Christus est nobis!" – Chúa Kitô là tất cả mọi sự cho chúng ta! – vẫn là một chứng nhân trung thực cho Chúa Kitô. Bằng những lời lẽ ấy, những lời lẽ đầy lòng mến yêu Chúa Giêsu, chúng ta sẽ kết thúc bài giáo lý của chúng ta “Chúa Kitô là tất cả mọi sự cho chúng ta! Nếu anh chị em muốn chữa lành thương tích, thì ngài là một vị ý sĩ; nếu anh chị em bồn chồn lo lắng thì Người là suối mát; nấu anh chị em bị lỗi lầm đè nén thì Người là đức công minh; nếu anh chị em cần trợ giúp thì Người là sức mạnh; nếu anh chị em sợ chết thì Người là sự sống; nếu anh chị em mong muốn thiên  đàng thì Người là đường; nếu anh chị em ở trong tăm tối thì Người là ánh sáng… Hãy nếm thử và hãy nhìn coi cho biết Chúa thiện hảo dường bao. Phúc cho kẻ nào hy vọng ở nơi Người!” ("De virginitate," 16,99). Chúng ta cũng hy vọng ở nơi Chúa Kitô. Nhờ đó, chúng ta sẽ được chúc phúc và sẽ sống trong an bình.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 24/10/2007



​​


Thứ Sáu

 

LỄ TRỌNG ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI 8/12 

 

 

 

Mẹ Maria Hoài Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội

 

 

(Bài 20 – 15/5/1996  trong loạt 70 Bài Giáo Lý Thánh Mẫu của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

trong các Buổi Triều Kiến Chung Thứ  hằng tuần từ 6/9/1995 tới 12/11/1997)

 

 

1.         Mẹ Maria, “đầy ân phúc”, đã được Giáo Hội nhìn nhận là “hoàn toàn thánh hảo không hề có một tì vết tội lỗi nào”, “từ giây phút đầu tiên khi được hoài thai được tràn đầy ánh quang rạng ngời của một sự thánh đức hết sức độc nhất vô nhị” (Lumen Gentium, 56).

 

Việc công nhận này đòi hỏi một tiến trình dài trong việc suy tư về tín lý, một suy tư cuối cùng đã dẫn tới việc long trọng tuyên bố tín điều Hoài Thai Vô Nhiễm.

 

Tước hiệu “được đầy ân phúc”, do thiên thần ngỏ cùng Mẹ Maria vào lúc Truyền Tin, ám chỉ hồng ân thần linh đặc biệtđối với một người nữ trẻ  Nazarét liên quan tới vai trò làm mẹ được loan báo, thế nhưng nó nó còn cho thấy trực tiếp hơn tác dụng của ân sủng thần linh nơi Mẹ Maria; Mẹ Maria được tràn đầy ân sủng trong nội tâm một cách vĩnh viễn nhờđó được thánh hóa. Tước hiệu kecharitoméne  đầy ân phúc này có một ý nghĩa rất phong phú và Thánh Linh đã không bao giờ ngừng làm cho Giáo Hội hiểu biết sâu xa hơn về nó.

 

Ơn Thánh Hóa làm cho Mẹ Maria trở thành một tạo vật mới

 

2.          bài giáo lý trước, tôi đã vạch ra là nơi lời chào của thiên thần, cách diễn tả “đầy ân phúc” trở thành giống nhưmột tên gọi: nó chính là tên của Mẹ Maria trước nhan Thiên Chúa. Theo ứng dụng của tiếng Semitic thì một tên gọi là những gì diễn đạt thực tại của con người và sự vật nó ám chỉ. Bởi thế, danh xưng “đầy ân phúc” cho thấy chiều kích sâu xa nhất nơi cá thể của người nữ trẻ Nazarét này, một con người được ân sủng hình thành và là đối tượng của hồng ân thần linh, tới độ Mẹ có thể được xác định bởi lòng yêu chuộng đặc biệt này.

 

Công Đồng nhắc lại rằng các vị Giáo Phụ của Giáo Hội đã ám chỉ đến sự thật này khi các ngài gọi Mẹ Maria là “đấng hoàn toàn thánh hảo”, đồng thời xác nhận rằng Mẹ “thực sự được Thánh Linh hình thành và trở nên như một tạo vật mới” (Lumen gentium, n. 56).

 

Ân sủng, được hiểu theo nghĩa “ơn thánh hóa” là những gì tạo nên sự thánh thiện cá thể, đã làm phát sinh ra tình trạng tạo vật mới này nơi Mẹ Maria, làm cho Mẹ hoàn toàn am hợp với dự án của Thiên Chúa.

 

3.         Việc suy tư về tín lý bởi thế có thể qui về cho Mẹ Maria một sự thánh thiện trọn hảo là những gì  để trọn vẹn cần phải bao gồm cả lúc khởi sự của đời sống Mẹ.

Đức Giám Mục Theoteknos thành Livias ở Palestine, vị sống giữa năm 550 và 650, dường như đã tiến theo chiều hướng của sự tinh tuyền từ ban đầu này. Khi trình bày Mẹ Maria như “thánh hảo và tuyệt mỹ”, “tinh tuyền và vô tì tích”, ngài đã nói đến việc hạ sinh của Mẹ bằng những lời lẽ sau đây: “Mẹ đã được sinh ra như phẩm thần cherubim, Mẹ được làm nên bởi một thứ đất sét tình tuyền vô nhiễm” (Panegyric for the feast of the Assumption, 5-6).

Câu diễn tả cuối cùng này, khi nhắc lại việc tạo dựng nên con người tiên khởi, một con người được hình thành bởi một thứ đất sét không tì ố bởi tội lỗi, đã qui cùng những đặc tính cho việc hạ sinh của Mẹ Maria: gốc tích của vị Trinh Nữ này cũng “tinh tuyền và vô nhiễm’, tức là, không có bất cứ một tội lỗi nào. Việc so sánh với phẩm thần cherubim cũng nhấn mạnh đến sự thánh thiện nổi bật là đặc tính nơi đời sống của Mẹ ngay từ khi Mẹ bắt đầu hiện hữu.

Chủ trương của Giám Mục Theoteknos là những gì đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong việc suy tư thần học về mầu nhiệm Người Mẹ của Chúa. Các Giáo Phụ Hy Lạp và Đông Phương đã công nhận sự tinh tuyền nơi Mẹ Maria do ân sủng mà có, một là trước biến cố Nhập Thể (Thánh Gregory Nazianzen, Oratio 38, 16), hay vào chính lúc Nhập Thể (Thánh Ephrem, Severian of Gabala, James of Sarug). Giám Mục Theoteknos thành Livias dường như đòi hởi nơi Mẹ Maria một thứ tinh tuyền tuyệt đối ngay từ ban đầu đời sống của Mẹ. Thật vậy, Mẹ là vị được ấn định trở thành Người Mẹ của Đấng Cứu Thế cần phải có một thứ thánh hảo trọn vẹn, một ban đầu hoàn toàn vô tì tích.

4.         Vào thế kỷ thứ 8, Andrew ở Crete là thần học gia đầu tiên thấy được nơi việc hạ sinh của Mẹ Maria một tạo vật mới. Đây là lý lẽ của vị này: “Ngày nay, nhân tính, nơi tất cả nhưng gì là rạng ngời của cái sao sang vô nhiễm của mình, nhận lãnh vẻ đẹp cổ kính của nó. Cái ô nhục của tội lỗi đã làm u tối đi ánh quang và vẻ thu hút của bản tính nhân loại; thế nhưng, Ngiười Mẹ của Đấng Mỹ Lệ đệ nhất được hạ sinh, thì bản tính này lấy lại được nơi bản thân Mẹ đặc ân xưa kia và được hình thành theo một mô mẫu trọn hảo thực sự xứng với Thiên Chúa… Việc đổi mới của bản tính của chúng ta bắt đầu hôm nay đây và cái thế giới già nua, một thế giới lệ thuộc vào việc biến đổi thần linh hoàn toàn, lãnh nhận các hoa trái đầu tiên của cuộc tạo dựng thứ hai” (Serm. I on the Birth of Mary).

Thế rồi, lấy lại hình ảnh về thứ đất sét thuở ban đầu, ngài nói: “Thân xác của Vị Trinh Nữ này là mảnh đất được Thiên Chúa canh tác, là những hoa trái đầu tiên nơi mảnh đất của Adong là nơi được Chúa Kitô thần linh hóa, là hình ảnh thực sự như vẻ đẹp trước kia, là đất sét được Vị Nghệ Sĩ thần linh nhào nặn” (Serm. I on the Dormition of Mary).

Sự thánh thiện ban đầu của Mẹ Maria là khởi điểm của ơn Cứu Chuộc

Việc hoài thai tinh tuyền và vô nhiễm của Mẹ Maria bởi thế được thấy như là khởi sự của việc tân tạo. Nó là vấn đề của một đặc ân riêng được ban cho người nữ được chọn làm Mẹ của Chúa Kitô, vị mở ra trong thời gian ân sủng sung mãn Thiên Chúa muốn giành cho tất cả nhân loại. 

Tín lý này, lại được tiếp tục lần nữa vào thế kỷ thứ tám bởi Thánh Germanus thành Constantinople và Thánh Gioan Damascenô, đã làm sáng tỏ về giá trị nơi thánh đức ban đầu của Mẹ Maria, một thánh đức được trình bày như khởi điểm cho Ơn Cứu Chuộc của thế giới.

Như thế, truyền thống của Giáo Hội đồng hóa và làm sáng tỏ ý nghĩa chân thực của tước hiệu “đầy ân phúc” do thiên thần tặng cho Đức Trinh Nữ. Mẹ Maria đầy ơn thánh hóa và được đầy như vậy từ giây phút đầu tiên của cuộc sống Mẹ. Ân sủng này, theo Thư gửi tín hữu Êphêsô (1:6), được ban xuống trong Chúa Kitô trên tất cả mọi tín hữu. Sự thánh thiện ban đầu của Mẹ Maria là những gì tiêu biểu cho một mô mẫu siêu việt về tặng ân cùng với việc phân phát ân sủng của Chúa Kitô trên thế gian này.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,

Chuyển dịch từ L'Osservatore Romano Weekly Edition in English 22/5/1996, trang 11.

 

 

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: Is 29, 17-24

"Ngày đó mắt người mù sẽ được xem thấy".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðây Chúa là Thiên Chúa phán: Không còn bao lâu nữa, Liban sẽ trở nên lùm cây, và lùm cây sẽ trở nên cánh rừng. Ngày đó, người điếc sẽ được nghe lời Sách Thánh, và từ bóng tối, mắt người mù sẽ được xem thấy. Những người hiền lành sẽ càng thêm vui mừng trong Chúa, và những kẻ nghèo khó sẽ nhảy mừng trong Ðấng Thánh của Israel. Vì chưng, người ỷ thế sẽ thất bại, kẻ khinh người sẽ bị hổ ngươi, người mưu toan gian ác sẽ bị tiêu diệt. Ðó là kẻ dùng lời nói để cáo gian người khác, kẻ ra cửa thành mà đánh lừa người xử kiện, kẻ lấy sự nhỏ nhoi mà hiếp đáp người công chính. Vì thế, Chúa, Ðấng cứu chuộc Abraham, phán cùng nhà Giacóp lời này: Từ đây Giacóp sẽ chẳng còn phải hổ ngươi và đỏ mặt; nhưng khi xem thấy con cháu mình là công trình của tay Ta, đang ca ngợi danh thánh Ta giữa nhà Giacóp, thì chúng sẽ ngợi khen Ðấng Thánh của Giacóp và tuyên xưng Thiên Chúa Israel. Và tâm trí lầm lạc sẽ được hiểu biết; người lẩm bẩm sẽ học biết lề luật.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 26, 1. 4. 13-14

Ðáp: Chúa là sự sáng và là Ðấng cứu độ tôi (c. 1a).

Xướng: 1) Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? - Ðáp.

2) Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi, hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Ngài. - Ðáp.

3) Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa. - Ðáp.

ALLELUIA: Is 45, 8

Alleluia, alleluia! - Hỡi các tầng trời, hãy đổ sương mai; hỡi ngàn mây, hãy mưa Ðấng Công Chính, đất hãy mở ra và trổ sinh Ðấng Cứu Chuộc. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 9, 27-31

"Tin vào Chúa Giêsu, hai người mù được chữa lành".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, có hai người mù chạy theo Chúa và kêu lớn tiếng rằng: "Hỡi Con vua Ðavít, xin thương chúng tôi". Khi Chúa tới nhà, những người mù tiến lại gần Chúa. Chúa Giêsu phán bảo họ: "Các ngươi có tin rằng Ta có thể làm việc ấy không?" Họ thưa: "Lạy Thầy, có". Bấy giờ Chúa sờ vào mắt họ và phán: "Các ngươi tin thế nào, thì hãy được như vậy". Mắt họ liền mở ra, nhưng Chúa Giêsu truyền cho họ rằng: "Coi chừng, đừng cho ai biết". Nhưng vừa ra đi, họ liền đồn tiếng Người trong khắp miền ấy.

Ðó là lời Chúa.

 



Suy nghiệm Lời Chúa

nhập thể sáng soi  


Thứ Sáu Tuần I Mùa Vọng hôm nay, Bài Phúc Âm về sự kiện Chúa Giêsu chữa lành cho hai người mù, như được Thánh ký Mathêu thuật lại nguyên văn như sau:

 

"Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, có hai người mù chạy theo Chúa và kêu lớn tiếng rằng: 'Hỡi Con vua Ðavít, xin thương chúng tôi'. Khi Chúa tới nhà, những người mù tiến lại gần Chúa. Chúa Giêsu phán bảo họ: 'Các ngươi có tin rằng Ta có thể làm việc ấy không?' Họ thưa: 'Lạy Thầy, có'. Bấy giờ Chúa sờ vào mắt họ và phán: 'Các ngươi tin thế nào, thì hãy được như vậy'. Mắt họ liền mở ra, nhưng Chúa Giêsu truyền cho họ rằng: 'Coi chừng, đừng cho ai biết'. Nhưng vừa ra đi, họ liền đồn tiếng Người trong khắp miền ấy".

 

Trong trình thuật này của Thánh ký Mathêu, chúng ta thấy được đức tin mạnh mẽ của hai người mù. Trước hết, được họ tỏ ra ở chỗ khi thấy "Chúa Giêsu đi ngang qua" thì "chạy theo Chúa và kêu lớn tiếng rằng: 'Hỡi Con vua Ðavít, xin thương chúng tôi'". Sau nữa, "khi Chúa tới nhà, những người mù tiến lại gần Chúa", có nghĩa là họ từ từ đến với Chúa một cách không lưỡng lự hay do dự mà là bạo dạn theo đuổi cho tới cùng, vì họ hoàn toàn tin tưởng mãnh liệt vào Đấng có thể chữa lành cho họ. Bởi thế, sau hết, khi được Chúa hỏi "'Các ngươi có tin rằng Ta có thể làm việc ấy không?' Họ thưa: 'Lạy Thầy, có'". Thế là họ được như ý: "Bấy giờ Chúa sờ vào mắt họ và phán: 'Các ngươi tin thế nào, thì hãy được như vậy'. Mắt họ liền mở ra".

 

Vâng, ngày mà hai người mù trong Bài Phúc Âm hôm nay được chữa lành, là thời đểm được Tiên Tri Isaia trong Bài Đọc 1 hôm nay, đã tiên báo là "ngày đó", ngày mà vị tiên tri này còn cho biết những gì sẽ xẩy ra nữa, đó là "người điếc sẽ được nghe lời Sách Thánh, và từ bóng tối, mắt người mù sẽ được xem thấy. Những người hiền lành sẽ càng thêm vui mừng trong Chúa, và những kẻ nghèo khó sẽ nhảy mừng trong Ðấng Thánh của Israel", thậm chí "tâm trí lầm lạc sẽ được hiểu biết; người lỗi lầm sẽ được chỉ dẫn" nữa.

 

Sự việc Chúa Giêsu chữa lành cho 2 người mù tin vào Người trong bài Phúc Âm hôm nay cũng rất thích hợp với ý nghĩa của Mùa Vọng là thời điểm đợi trông Đấng Thiên Sai Cứu Thế. Vì Người là "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), như "ánh sáng thật chiếu soi hết mọi người đã đến trong thế gian" (Gioan 1:9), "ánh sáng thật chiếu soi trong tăm tối" (Gioan 1:5). Đó là lý do ánh sáng đã trở thành một trong những đặc điểm chính yếu nhất của Mùa Giáng Sinh, một thứ ánh sáng có liên hệ với cả Ngôi Sao Lạ dẫn đường cho ba chiêm vương gia từ Đông Phương tới bái thờ vương nhi Do Thái Giêsu mới sinh (xem Mathêu 2:1-12).


Th
ế nhưng, cho dù tự mình là "ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12), một ánh sáng theo bản tính không thể nào không soi chiếu (xem Mathêu 5:14-16), và "là chân lý" (Gioan 14:6), một chân lý không thể nào không giải phóng (xem Gioan 8:32), và cho dù "tối tăm không thể nào át được ánh sáng" (Gioan 1:5), ánh sáng cũng chỉ xua tan bóng tối nơi những ai chấp nhận ánh sáng mà thôi, như nơi hai người mù tin tưởng xin Chúa Giêsu chữa lành cho cặp mắt mù lòa của họ trong Bài Phúc Âm hôm nay. Ngoài ra, những ai tự cho mình là sáng mắt, không bị mùa lòa, sẽ trở thành mùa lòa: "Tôi đến thế gian để kẻ mù được thấy và kẻ thấy bị mù" (Gioan 9:39).

 

Bởi thế, trong Mùa Vọng đợi trông, như đêm mong chờ hừng đông, chúng ta mong chờ ánh sáng tỏ hiện, chẳng những trên thế giới càng ngày càng trở nên tối tăm mù mịt về luân lý và lãnh lẽo về đạo lý, mà còn ngay trong tâm hồn của mỗi người chúng ta, tâm hồn của thành phần Kitô hữu "là ánh sáng thế gian" (Mathêu 5:14) nhưng có những lúc đã trở thành tối tăm, qua những hành vi cử chỉ đầy gian dối, tội lỗi, bất chính, theo quyền lực của tối tăm, của sự chết, hơn là quyền lực của sự sống, xứng với danh phận là con cái sự sáng của mình.

 

Chớ gì tâm tình đầy xác tín của Bài Đáp Ca hôm nay luôn được vang vọng trong tâm hồn của Kitô hữu chúng ta bao giờ cũng kháo khát Chúa, cũng hướng về và trông mong chờ đợi Chúa:


1) Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? 

 

2) Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi, hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Ngài. 

 

3) Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa.




Thứ Bảy

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: Is 30, 19-21. 23-26

"Người động lòng thương ngươi, lắng nghe lời ngươi kêu xin".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðây Chúa là Thiên Chúa, Ðấng Thánh của Israel phán: Dân Sion sẽ được ở Giêrusalem. Ngươi sẽ chẳng còn than van khóc lóc; Chúa động lòng thương ngươi, và khi vừa nghe tiếng ngươi kêu, Người liền đáp lại lời ngươi. Chúa sẽ cho ngươi chút bánh đau thương, ít nước khốn cùng. Nhưng Ðấng dạy dỗ ngươi sẽ không lìa bỏ ngươi, mắt ngươi sẽ trông nhìn Ðấng giáo huấn ngươi, và tai ngươi sẽ nghe tiếng Ðấng từ sau lưng bảo rằng: "Ðây là đường, hãy bước đi theo đó, đừng rẽ bên mặt, đừng quẹo bên trái". Sẽ ban mưa xuống cho hạt giống của ngươi, bất cứ trên đất nào ngươi đã gieo vãi. Bánh thổ sản sẽ rất dồi dào và thơm ngon. Ngày ấy, chiên được chăn thả trên lãnh địa rộng lớn của ngươi. Bò lừa cày ruộng ngươi được ăn rơm có muối, đã được rê sạch. Trong ngày tru diệt muôn người, khi thành quách đổ nhào, sẽ có giòng suối chảy trên đồi cao núi thẳm. Ngày Chúa băng bó thương tích của dân Người, và chữa lành da bầm thịt giập; mặt trăng sẽ sáng chói như mặt trời, mặt trời sẽ bảy lần chói sáng hơn, như ánh sáng bảy ngày.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 146, 1-2. 3-4. 5-6

Ðáp: Phúc cho tất cả những ai mong đợi Chúa (Is 30, 18).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hãy ngợi khen Chúa vì Người hảo tâm; hãy ca mừng Thiên Chúa chúng ta, vì Người êm ái, thực Người rất đáng ngợi khen. Chúa xây dựng lại Giêrusalem, tập họp con cái Israel phân tán. - Ðáp.

2) Chính Người chữa những kẻ giập nát tâm can, và băng bó vết thương của lòng họ. Người ấn định con số các ngôi sao, và gọi đích danh từng ngôi một. - Ðáp.

3) Chúa chúng ta cao cả và mãnh liệt quyền năng, sự khôn ngoan của Người thực là vô lượng. Chúa nâng cao những kẻ khiêm cung, Người đè bẹp đứa ác nhân xuống tận đất. - Ðáp.

 

Alleluia: Is 55, 6

Alleluia, alleluia! - Hãy tìm kiếm Chúa khi còn gặp được Người; hãy kêu xin Người lúc Người còn gần các ngươi. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 9, 35 - 10, 1. 6-8

"Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn, Người liền bảo môn đệ rằng: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa".

Và Người triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Người bảo: "Các con hãy đi đến cùng chiên lạc của nhà Israel trước đã, và rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Hãy chữa lành người liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người phung, và xua trừ ma quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không".

Ðó là lời Chúa.

 



Suy nghiệm Lời Chúa


nhập thể dẫn dắt  


Bài Phúc Âm cho Thứ Bảy cuối Tuần I Mùa Vọng hôm nay cũng thế, như các bài Phúc Âm khác trong tuần, từ đầu tuần đến nay, đang ở vào tuần đầu tiên của Mùa Vọng mà nội dung lại về những gì ở đâu đâu, chẳng hạn như bài Phúc Âm hôm nay về sứ vụ truyền giáo của cả Chúa Giêsu lẫn các môn đệ của Người.

 

Thật vậy, Thánh ký Mathêu trong bài Phúc Âm hôm nay cho biết về cả sứ vụ truyền giáo của Chúa Giêsu lẫn mối quan tâm truyền giáo của Người như sau: 

 

"Khi ấy, Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn, Người liền bảo môn đệ rằng: 'Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa'".

Thánh ký Mathêu cũng thuật lại sứ vụ truyền giáo của các tông đồ cần phải thực hiện theo lệnh sai đi của Chúa Giêsu như thế này: 

 

"Và Người triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Người bảo: 'Các con hãy đi đến cùng chiên lạc của nhà Israel trước đã, và rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Hãy chữa lành người liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người phung, và xua trừ ma quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không'".

 

Một yếu tố tối hậu quyết liệt bất khả thiếu trong tất cả mọi việc Chúa Kitô làm, cũng là việc của Thiên Chúa, Đấng sai Người làm, đó là chính tấm lòng "thương xót" của Người, một tấm lòng "thương xót" mà nếu thiếu vắng sẽ không bao giờ xẩy ra những chuyện được Phúc Âm thuật lại, như việc hóa bánh ra nhiều để nuôi đoàn lũ dân chúng trong Bài Phúc Âm Thứ Tư vừa rồi: "Ta thương xót đoàn lũ này, vì đã ba ngày, họ ở lại với Ta, nhưng không có gì ăn". (Mathêu 15:32), hay để sai các môn đệ của Người đi truyền giáo như trong bài Phúc Âm hôm nay: "Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn". 

 

Thậm chí phải khẳng định rằng chính việc hóa thân làm người của "Lời đã hóa thành nhục th" (Gioan 1:14) cũng thế, sẽ không bao giờ xẩy ra nếu Thiên Chúa không phải là "Cha trên trời là Đấng thương xót" (Luca 6:36), đến độ chính Con của Ngài trong thân phận làm người đã trở thành hiện thân sống động của Lòng Thương Xót Chúa, hay nói đúng hơn là chính Lòng Thương Xót Chúa muốn tỏ ra cho loài người. 

 

Nếu "Thiên Chúa là tình yêu" (1Gioan 4:8,16) thì tình yêu Ngài tỏ ra phải là một tình yêu vô cùng "trọn lành" (Mathêu 5:48), không phải chỉ ở chỗ yêu một cách nhưng không, tự hạ ngang hàng với người yêu trong mầu nhiệm nhập thể và giáng sinh, và hiến mạng cho người mình yêu (xem Gioan 15:13) trong mầu nhiệm khổ nạn và tử giá, mà còn "yêu cho đến cùng" (Gioan 13:1) nơi việc Ngài tìm kiếm từng con chiên lạc của Ngài, cũng như nơi việc vui vẻ (chứ không gượng ép hay đành phải) tha thứ tất cả mọi tội lỗi cho con người, dù tội của họ có nhiều đến đâu chăng nữa hay có nặng đến mấy chăng nữa, miễn là tội nhân tỏ ra nhận biết Ngài và tin tưởng vào Lòng Thương Xót Chúa của Ngài. 

 

Như thế, có thể nói nếu Lòng Thương Xót Chúa chính là tột đỉnh của tình yêu Thiên Chúa, hay là chính chân dung của Vị "Thiên Chúa là tình yêu", thì thiếu vắng Lòng Thương Xót thì Thiên Chúa không còn "là tình yêu" nữa, không còn "trọn lành" nữa, mà chỉ là một vị thần thuần công thẳng, hay chỉ là một ác thần, không gì bất toàn có thể tồn tại trước mắt thuần chính trực chỉ biết đúng sai phải trái của vị thần này. 

 

Thật vậy, Lòng Thương Xót Chúa chẳng những là ưu phẩm tối cao của Thiên Chúa, mà còn là chính Ơn Cứu Độ của loài người hèn yếu khốn nạn tội lỗi và cho loài người mà chính vì thế mới càng đáng thương trước nhan vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa, chẳng khác gì "như những con chiên không có người chăn tất tưởi bơ vơ". Bởi thế, cho dù con người, qua hai nguyên tổ của mình, sau khi sa ngã phạm tội, đã trở nên mù tối đến độ không hề xin Thiên Chúa thứ tha, Ngài vẫn tự động hứa cứu độ họ và toàn thể nhân loại là giòng dõi của họ (xem Khởi Nguyên 3:15).

 

Trong Bài Đọc 1 hôm nay, qua miệng Tiên Tri Isaia, chính Vị "Thiên Chúa là tình yêu" đã bày tỏ Lòng Thương Xót của Ngài với dân ưu tuyển của Ngài trong cảnh khốn khổ của họ như sau:

 

"Ðây Chúa là Thiên Chúa, Ðấng Thánh của Israel phán: Dân Sion sẽ được ở Giêrusalem. Ngươi sẽ chẳng còn than van khóc lóc; Chúa động lòng thương ngươi, và khi vừa nghe tiếng ngươi kêu, Người liền đáp lại lời ngươi. Chúa sẽ cho ngươi chút bánh đau thương, ít nước khốn cùng. Nhưng Ðấng dạy dỗ ngươi sẽ không lìa bỏ ngươi, mắt ngươi sẽ trông nhìn Ðấng giáo huấn ngươi, và tai ngươi sẽ nghe tiếng Ðấng từ sau lưng bảo rằng: 'Ðây là đường, hãy bước đi theo đó, đừng rẽ bên mặt, đừng quẹo bên trái'".

 

Trong câu trên đây, chúng ta thấy Thiên Chúa dù có thương yêu dân của Ngài mấy đi nữa, Ngài cũng không hề nuông chiều họ, trái lại, tình thương của Ngài phải làm sao có thể cải hóa họ cho họ xứng với bản tính trọn lành "là tình yêu" của Ngài.


Bởi thế, như Bài Đọc 1 cho thấy Ngài đã nuôi dưỡng họ bằng thứ lương thực đắng đót có tính cách vượt qua (xem Xuất Hành 12:8): "Chúa sẽ cho ngươi chút bánh đau thương, ít nước khốn cùng", để đánh động họ nghĩ lại, chứ không phải là bỏ rơi hay đầy đọa họ: "Nhưng Ðấng dạy dỗ ngươi sẽ không lìa bỏ ngươi, mắt ngươi sẽ trông nhìn Ðấng giáo huấn ngươi, và tai ngươi sẽ nghe tiếng Ðấng từ sau lưng", nhờ đó họ có thể hướng về Ngài và chạy đến kêu cầu Ngài để Ngài được dịp tỏ tình thương của Ngài cho họ: "Chúa động lòng thương ngươi, và khi vừa nghe tiếng ngươi kêu, Người liền đáp lại lời ngươi". 


Sách Tiên Tri Isaia vẫn tiếp tục sử dụng từ ngữ "ngày ấy" để ám chỉ "thời điểm viên trọn" (Galata 4:4), khi "Thiên Chúa sai Con của Ngài được hạ sinh bởi một người n" (Galata 4:4), thời điểm nhờ "Lời đã hóa thành nhục th" như "Vị Mục Tử Nhân Lành hiến mạng sống mình vì chiên" (xem Gioan 10:11) mà "chiên được chăn thả trên lãnh địa rộng lớn của ngươi. Bò lừa cày ruộng ngươi được ăn rơm có muối, đã được rê sạch", và là thời điểm nhờ "Lời đã hóa thành nhục th" như "ánh sáng thật chiếu soi mọi người đã đến trong thế gian" (Gioan 1:9) mà "Ngày Chúa băng bó thương tích của dân Người, và chữa lành da bầm thịt giập; mặt trăng sẽ sáng chói như mặt trời, mặt trời sẽ bảy lần chói sáng hơn, như ánh sáng bảy ngày".

 

Đó là lý do Bài Đáp Ca hôm nay đã vang lên tâm tình tri ân cảm tạ cùng lời chúc tụng ngợi khen Vị "Thiên Chúa là tình yêu" vô cùng nhân hậu qua việc cứu độ của Ngài đối với riêng dân Ngài cũng như chung nhân loại, nhất là đối với những ai yếu hèn khiêm hạ:

 

1) Hãy ngợi khen Chúa vì Người hảo tâm; hãy ca mừng Thiên Chúa chúng ta, vì Người êm ái, thực Người rất đáng ngợi khen. Chúa xây dựng lại Giêrusalem, tập họp con cái Israel phân tán. 

 

2) Chính Người chữa những kẻ giập nát tâm can, và băng bó vết thương của lòng họ. Người ấn định con số các ngôi sao, và gọi đích danh từng ngôi một.

 

3) Chúa chúng ta cao cả và mãnh liệt quyền năng, sự khôn ngoan của Người thực là vô lượng. Chúa nâng cao những kẻ khiêm cung, Người đè bẹp đứa ác nhân xuống tận đất.