SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

 

Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa Tuần XIX Thường Niên
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

(mến tặng các tâm hồn khao khát Lời Chúa theo Phụng Vụ hằng ngày 
- ngày nào đọc ngày đó, không cần đọc hết một lúc nếu không có giờ.
Nếu cần xem lại các tuần trước, xin bấm vào cái link sau đây:
http://thoidiemmaria.net/TDM2015/SN-SD/index.html) 



Chúa Nhật

Bài Ðọc I: Kn 18, 6-9

"Như Chúa đã làm hại đối thủ thế nào, Chúa cũng đã làm cho chúng tôi được vẻ vang như vậy".

Trích sách Khôn Ngoan.

Chính đêm ấy, cha ông chúng ta đã biết trước, để biết chắc mình đã tin tưởng vào lời thề nào mà được can đảm. Dân Chúa đã mong đợi sự giải thoát những người công chính và sự tiêu diệt kẻ thù. Vì như Chúa đã làm hại đối thủ thế nào, Chúa cũng kêu gọi để làm cho chúng tôi được vẻ vang như vậy.

Vì những con cái thánh thiện của các tổ phụ tốt lành đã lén lút tế lễ, và đồng tâm thiết lập luật thánh thiện, ấn định rằng những người công chính sẽ đồng hưởng vinh nhục, may rủi đều nhau; như vậy là họ đã xướng lên trước bài ca tụng của các tổ phụ.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 32, 1 và 12. 18-19. 20 và 22

Ðáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình (c. 12b).

Xướng: 1) Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa; ca ngợi là việc của những kẻ lòng ngay. Phúc thay quốc gia mà Chúa là chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình. - Ðáp.

2) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Ngài, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Ngài, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn. - Ðáp.

3) Linh hồn chúng con mong đợi Chúa, chính Ngài là Ðấng phù trợ và che chở chúng con. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Dt 11, 1-2, 8-19

"Ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Ðấng sáng lập".

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, đức tin là cốt yếu những thực tại người ta mong đợi, là bằng chứng điều bí ẩn. Vì nhờ đức tin mà các tiền nhân đã nhận được bằng chứng tốt.

Nhờ đức tin, Abraham đáp lại tiếng Chúa gọi, để ra đi đến xứ ông sẽ được lãnh làm gia nghiệp, và ông ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đến cư ngụ trong đất Chúa hứa, như trong đất khách quê người, sống trong lều trại, cũng như Isaac và Giacóp, những kẻ đồng thừa tự cùng một lời hứa. Vì chưng, ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Ðấng sáng lập.

Nhờ đức tin mà ngay cả bà Sara son sẻ được sức mang thai, mặc dầu bà đã già, bởi vì bà tin rằng Ðấng đã hứa sẽ trung tín giữ lời. Vì thế, do tự một người, mặc dầu người đó như chết rồi, mà có một dòng dõi đông đúc vô số như sao trên trời và như cát bãi biển.

Chính trong đức tin mà tất cả những kẻ ấy đã chết trước khi nhận lãnh điều đã hứa, nhưng được nhìn thấy và đón chào từ đàng xa, đồng thời thú nhận rằng mình là lữ khách trên mặt đất. Những ai nói những lời như thế, chứng tỏ rằng mình đang đi tìm quê hương. Giá như họ còn nhớ đến quê hương dưới đất mà họ đã lìa bỏ, chắc họ có đủ thời giờ trở về. Nhưng hiện giờ họ ước mong một quê hương hoàn hảo hơn, tức là quê trời. Vì thế, Thiên Chúa không ngại để họ gọi mình là Thiên Chúa của họ, vì Người đã dọn sẵn cho họ một thành trì.

Nhờ đức tin, khi bị thử lòng, Abraham đã dâng Isaac. Ông hiến dâng con một mình, ông là người nhận lãnh lời hứa, là người đã được phán bảo lời này: "Chính nơi Isaac mà có một dòng dõi mang tên ngươi". Vì ông nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền làm cho kẻ chết sống lại, do đó, ông đã đón nhận con ông như một hình ảnh.

Ðó là lời Chúa.

 

Hoặc bài vắn này: Dt 11, 1-2, 8-12

"Ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Ðấng sáng lập".

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, đức tin là cốt yếu những thực tại người ta mong đợi, là bằng chứng điều bí ẩn. Vì nhờ đức tin mà các tiền nhân đã nhận được bằng chứng tốt.

Nhờ đức tin, Abraham đáp lại tiếng Chúa gọi, để ra đi đến xứ ông sẽ được lãnh làm gia nghiệp, và ông ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đến cư ngụ trong đất Chúa hứa, như trong đất khách quê người, sống trong lều trại, cũng như Isaac và Giacóp, những kẻ đồng thừa tự cùng một lời hứa. Vì chưng, ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Ðấng sáng lập.

Nhờ đức tin mà ngay cả bà Sara son sẻ được sức mang thai, mặc dầu bà đã già, bởi vì bà tin rằng Ðấng đã hứa sẽ trung tín giữ lời. Vì thế, do tự một người, mặc dầu người đó như chết rồi, mà có một dòng dõi đông đúc vô số như sao trên trời và như cát bãi biển.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống: không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 12, 32-48

"Các con hãy sẵn sàng".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Hỡi đoàn bé nhỏ, các con đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban nước trời cho các con. Các con hãy bán những của các con có mà bố thí. Hãy sắm cho các con những túi không hư nát, và kho tàng không hao mòn trên trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không làm hư nát. Vì kho tàng các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó.

"Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức: Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, đặt chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy. Các con hãy hiểu biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến".

Phêrô thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?" Chúa phán: "Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: "Chủ tôi về muộn", nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung. Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn".

Ðó là lời Chúa.

 

Hoặc bài vắn này: Lc 12, 35-40

"Các con hãy sẵn sàng".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức: Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, đặt chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy. Các con hãy hiểu biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến".

Ðó là lời Chúa.


 

 

Suy Niệm Cảm Nghiệm

 

 

 

Phụng Vụ Lời Chúa cho Chúa Nhật XIX Năm C hôm nay nhấn mạnh đến thái độ tỉnh thức đợi chờ bằng đức tin bất khuất và bền đỗ cho đến cùng của mình để nhờ đó được hiệp thong thần linh với Thiên Chúa. Hay nói ngược lại, sống hiệp thông thần linh là sống đức tin tuân phục, bằng việc liên lỉ khao khát chờ đợi cho tới cùng, để nhờ đó được đạt tới thực tại hiệp thông thần linh bất diệt và bất tận với chính nguồn sự sống thần linh là tình yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa.

 

Đúng thế, thực tại hiệp thông thần linh đây là chính sự sống thần linh của Thiên Chúa và nơi Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên con người theo hình ảnh thần linh của Ngài và tương tự như Ngài, để họ nhờ đó có thể được hiệp thông thần linh với Ngài, khi họ tin tưởng chấp nhận tất cả những gì Ngài tỏ ra cho họ.

 

Ở đây chúng ta thấy 2 yếu tố bất khả thiếu và bất khả phân ly để đạt tới thực tại hiệp thông thần linh hay được sống sự sống thần linh, đó là mạc khải thần linh về phía Thiên Chúa là Đấng tỏ mình ra cho con người, và cảm nghiệm thần linh về phía con người đáp ứng mạc khải thần linh của Thiên Chúa.

 

Trước hết là thực tại thần linh hay sự sống thần linh là gì và ở chỗ nào, nếu không phải là chính Nước Trời và là mối hiệp nhất giữa Thiên Chúa chủ tể và loài người tôi tớ, như chính Chúa Giêsu đã diễn tả trong Bài Phúc Âm hôm nay:

 

Thực tại thần linh là Nước Trời: "Hỡi đoàn bé nhỏ, các con đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban nước trời cho các con”.

 

Sự sống thần linh là được hiệp nhất nên một với Thiên Chúa: “Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, đặt chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng”.

Sau nữa, về mạc khải thần linh là những gì Thiên Chúa tỏ ra cho con người biết về chính mình Ngài cùng với các ý định của Ngài, về thực tại thần linh và về sự sống thần linh, được gói ghém trong chính lời hứa bất diệt của Thiên Chúa, liên quan đến chính “lời thề“, được Sách Khôn Ngoan ở Bài Đọc 1 hôm nay nhắc tới, hay đến “đất Chúa hứa” cũng như đến thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Ðấng sáng lập”, như được tác giả của Bức Thư gửi Giáo đoàn Do Thái ở Bài Đọc 2 hôm nay đề cập tới.

 

Sau hết, về cảm nghiệm thần linh, được thể hiện hay tỏ hiện qua đức tin tuân phục, tác động con người cần phải có để đáp lại mạc khải thần linh của Thiên Chúa, nhờ đó họ đạt tới thực tại thần linh là được hiệp thông thần linh với Ngài, được sống sự sống thần linh của Ngài và như Ngài, thì cả Bài Đọc 1, Bài Đọc 2 và Bài Phúc Âm đều cho thấy rõ là những gì bất khả thiếu.

 

Tác động đức tin tuân phục của  thành phần “cha ông” dân Do Thái ở trong Bài Đọc 1 đươc trích t sách Khôn Ngoan hôm nay:

 

Chính đêm ấy, cha ông chúng ta đã biết trước, để biết chắc mình đã tin tưởng vào lời thề nào mà được can đảm. Dân Chúa đã mong đợi sự giải thoát những người công chính … Vì những con cái thánh thiện của các tổ phụ tốt lành đã lén lút tế lễ, và đồng tâm thiết lập luật thánh thiện, ấn định rằng những người công chính sẽ đồng hưởng vinh nhục, may rủi đều nhau; như vậy là họ đã xướng lên trước bài ca tụng của các tổ phụ”.

 

Tác động đức tin tuân phục của  thành phần tổ phụ của dân Do Thái ở trong Bài Đọc 2, được trích từ Bức Thư gửi Giáo đoàn Do Thái hôm nay:

 

Nhờ đức tin, Abraham đáp lại tiếng Chúa gọi, để ra đi đến xứ ông sẽ được lãnh làm gia nghiệp, và ông ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đến cư ngụ trong đất Chúa hứa, như trong đất khách quê người, sống trong lều trại, cũng như Isaac và Giacóp, những kẻ đồng thừa tự cùng một lời hứa. Vì chưng, ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Ðấng sáng lập. Nhờ đức tin mà ngay cả bà Sara son sẻ được sức mang thai, mặc dầu bà đã già, bởi vì bà tin rằng Ðấng đã hứa sẽ trung tín giữ lời. Vì thế, do tự một người, mặc dầu người đó như chết rồi, mà có một dòng dõi đông đúc vô số như sao trên trời và như cát bãi biển”.

 

Tác động đức tin tuân phục của  thành phần tôi tớ môn đệ Chúa Kitô cần phải có ở trong B ài Ph úc Âm hôm nay:

 

"Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức: Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, đặt chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy. Các con hãy hiểu biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến".

 

Ba tác động được Chúa Giêsu khuyên dạy các môn đệ của Người trong Bài Phúc Âm hôm nay là: “hãy thắt lưng (1), hãy cầm đèn cháy sáng trong tay (2,) và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về (3)” đây phải chăng ám chỉ 3 thần đức tin, cậy và mến:

 

Tin ở chỗ “thắt lưng” làm chủ mình, chứ không sống tự nhiên theo đường rộng.

 

Cậy ở chỗ “cầm đèn sáng trong tay”, một cây đèn đức tin chỉ sáng đức mến chỉ khi nào đầy dầu đức cậy, nhất là trong các cơn gian nan khốn khó thứ thách bất khả thiếu.

 

Mến ở chỗ “đợi chủ đi ăn cưới về”, nghĩa là luôn hướng về chủ, luôn khao khát chủ và lien lỉ trung thành với người chủ duy nhất của mình mà thôi, dù xa cách mấy chăng nữa.

 

Ba thần đức này được ban cho Kitô hữu khi họ lãnh nhận phép rửa tái sinh, nhờ đó, họ có thế tác hành như thành phần con cái của Thiên Chúa, thành phần được thông phần vào bản tính thần linh của Thiên Chúa và sống sự sống thần linh của Thiên Chúa, với Thiên Chúa và như Thiên Chúa.

 

Nếu “giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến" thì thật sự là Con Người luôn đến, tức Con Người luôn hiện diện một khi thành phần môn đệ Chúa Kitô sống sự sống thần linh họ được hiệp thong bằng 3 thần đức như Người khuyên nhủ họ, ở chỗ: thắt lưng, cầm đèn cháy sáng trong tay, và đợi chủ đi ăn cưới về”.

 

Thái độ sống sự sống thần linh bằng 3 thần đức tin cậy mến của Kitô hữu môn đệ Chúa Kitô là thái độ của thành phần những “người hiền đức”, của “những kẻ kính sợ Ngài”, của những ai “mong đợi Chúa” và “tin tưởng ở nơi Ngài”, như đã được Thánh Vịnh gia diễn tả và tiên báo trong Thánh Vịnh 32 trong Bài Đáp Ca hôm nay:

 

1) Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa; ca ngợi là việc của những kẻ lòng ngay. Phúc thay quốc gia mà Chúa là chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình.

 

2) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Ngài, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Ngài, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.

 

3) Linh hồn chúng con mong đợi Chúa, chính Ngài là Ðấng phù trợ và che chở chúng con. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.

 



Thứ Hai

Phụng Vụ Lời Chúa

Bài Ðọc I: (Năm II) Ed 1, 2-5. 24 - 2, 1a

"Ðây là hình lạ trông giống vinh quang của Chúa".

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Ngày mồng năm trong tháng, năm thứ năm vua Gioakim bị lưu đày, có lời Chúa phán cùng tư tế Êdêkiel, con của Buzi, ở xứ Calđêa, trên bờ sông Côbar. Chính tại đây, bàn tay Thiên Chúa đã đặt trên tôi.

Tôi nhìn thấy có một cơn gió mạnh từ phương bắc thổi đến. Có một đám mây to lớn và lửa bao bọc chung quanh và bốn bề có ánh sáng phát ra, và ở giữa bầu lửa như vàng pha sáng chói. Chính giữa, có giống gì như bốn con vật hình dáng giống như hình người.

Và tôi nghe tiếng cánh của chúng như tiếng nước lũ, như tiếng của Chúa vạn năng; khi chúng đi thì khác nào như đám đông người, như tiếng đạo quân: khi chúng dừng lại thì chúng xếp cánh xuống. Vì khi chúng nghe có tiếng trên không trung, trên đầu chúng, thì chúng dừng lại và xếp cánh xuống.

Và trên không trung, trên đỉnh đầu chúng, có cái gì như một viên ngọc thạch, hình như chiếc ngai, và trên ngai đó, phía trên hẳn, có hình giống như hình người. Và tôi thấy người như vàng pha sáng chói, bên trong, tứ bề khác nào như lửa, từ lưng người trở lên, và từ lưng trở xuống, tôi thấy có gì như lửa chiếu sáng chung quanh, giống như cái mống hiện ra trên mây trong ngày mưa: đó là hình thể chiếu sáng chung quanh. Ðây là hình lạ trông giống vinh quang của Chúa. Tôi nhìn thấy thì sấp mặt xuống đất.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 148, 1-2. 11-12ab. 12c-14a. 14bcd

Ðáp: Trời đất đầy vinh quang của Người.

Hoặc đáp: Alleluia.

Xướng: 1) Hãy ca tụng Chúa từ muôn cõi trời, hãy ca tụng Người trên nơi cao thẳm. Các thiên thần Chúa, hãy ca tụng Người đi; ca tụng Người đi, hỡi các đạo thiên binh. - Ðáp.

2) Quân vương địa cầu và tất cả chư dân, quan chức và các vị chính quyền nơi cõi đất, các thanh nhiên và cả những cô trinh nữ, những ông cụ già với đoàn con trẻ. - Ðáp.

3) Họ hãy ca tụng danh Chúa, vì danh Người siêu phàm, độc nhất, oai nghiêm Người tràn lan trên trời dưới đất, và Người nâng cao quyền thế dân Người. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! - Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 17, 21-26

"Họ sẽ giết Người, nhưng Người sẽ sống lại. Con cái thì được miễn thuế".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, các môn đệ và Chúa Giêsu còn đang ở Galilêa, thì Chúa Giêsu bảo các ông rằng: "Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết người, nhưng ngày thứ ba, Người sẽ sống lại". Các môn đệ rất đỗi buồn phiền.

Khi các ngài đến Capharnaum, thì những người thu thế đền thờ đến gặp Phêrô và hỏi rằng: "Thầy các ông không nộp thuế "đền thờ' sao?" Ông nói: "Có chớ".

Khi ông về đến nhà, Chúa Giêsu hỏi đón trước rằng: "Simon, con nghĩ sao? Vua chúa trần gian thu thuế má hạng người nào? Ðòi con cái mình hay người ngoài?" Ông thưa rằng: "Ðòi người ngoài". Chúa Giêsu bảo ông rằng: "Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để chúng ta không làm cho họ vấp phạm, con hãy ra biển thả câu: con cá nào câu lên trước hết thì bắt lấy, mở miệng nó ra, sẽ thấy một đồng tiền, con hãy lấy tiền đó mà nộp cho họ, trả phần Thầy và phần con".

Ðó là lời Chúa.



Cảm Nghiệm Suy Niệm

Nộp Thuế là Nộp Mạng (cả 2 thày trò)

Hôm nay, Thứ Hai Tuần XIX Thường Niên, bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu thuật lại cho chúng ta 2 sự kiện liên quan đến lời Chúa Kitô tiên báo lần đầu tiên về cuộc Vượt Qua của Người và liên quan đến vấn đề nộp thuế đền thờ của Người.

Lời Chúa Kitô tiên báo lần đầu tiên về cuộc Vượt Qua của Người: "Khi thầy trò tụ họp ở miền Galilêa, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: 'Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ sống lại'. Các môn đệ buồn phiền lắm".

Vấn đề nộp thuế đền thờ của Người: "Khi thầy trò tới Caphanaum, thì những người thu thuế cho đền thờ đến hỏi Phêrô: 'Thầy của các anh không nộp thuế sao?' Ông đáp: 'Có chứ!' Ông về tới nhà, Chúa Giêsu đón hỏi ông: 'Anh Si-môn, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?' Phêrô đáp: 'Thưa, người ngoài'. Chúa Giêsu liền bảo: 'Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh'".

Có thể nói 2 sự kiện này có liên hệ mật thiết với nhau, chứ không phải là hai sự kiên hoàn toàn tách biệt chẳng nhắm nhò gì với nhau. Sự kiện thứ nhất là một sự kiện lịch sử và thực hữu. Còn sự kiện thứ hai là một sự kiện cụ thể nhưng mang tính cách của một dụ ngôn, hàm chứ những ý nghĩa ám chỉ sâu xa liên quan tới sự kiện thuú nhất.

Thật vậy, sự kiện chính yếu trong bài Phúc Âm hôm nay là lời Chúa Giêsu tiên báo lần đầu tiên về cuộc vượt qua của Người tử khổ giá tới phục sinh, và sự kiện thứ hai về vấn đề nộp thuế đền thờ của cả Chúa Giêsu và Tông Đồ Phêrô là sự kiện ám chỉ đến cuộc vượt qua của riêng Chúa Giêsu, thậm chí bao gồm cả Tông Đồ Phêrô nữa.

Không phải hay sao, nếu đền thờ là nhà Cha của Người (xem Gioan 2:16), mà Người là Con của Cha, thì Người tất nhiên được ở free, tức là "con cái được miễn" không phải đóng thuế như những "người ngoài", đúng như Người đã nói với tông đồ Phêrô. 

Đền thờ ở đây đồng thời còn ám chỉ đến thân xác của Chúa Kitô (xem Gioan 2:19,21) sẽ bị trao "nộp" (chữ "nộp" trong Việt ngữ ở đây được sử dụng 2 lần cho 2 sự kiện khác nhau trong bài Phúc Âm: "nộp" thuế và "nộp" mạng) cho thành phần giáo quyền trong dân để họ ra tay phá hủy đi. Vậy việc Chúa Giêsu nộp thuế đến thờ ám chỉ việc Người bị nộp vào tay thành phần âm mưu sát hại Người.

Phải chăng đó là lý do Chúa Giêsu bảo tông đồ Phêrô "ra biển thả câu" để bắt "", một sinh vật ám chỉ đến cái chết của Người trong ngôi mồ, một cái chết đã được tiên báo ở sự kiện Tiên Tri Giona ở trong bụng cá 3 ngày đêm, và nhờ cái chết này của Người mà Người mới có thể trả thuế đền thờ, ám chỉ Người mới có thể xây lại đền thờ thân thể Người bằng cuộc phục sinh của Người?

Chúng ta chắc không thắc mắc về vấn đề làm sao Chúa Giêsu lại biết được con cá đầu tiên Tông Đồ Phêrô câu được lại có "một đồng tiền bốn quan", vừa đủ trả tiền thuế đền thờ cho cả Người và tông đồ Phêrô, cho bằng thắc mắc về vấn đề tại sao số tiền ấy lại chỉ được sử dụng để trả thuế đền thờ cho "phần của Thầy và phần của anh", nghĩa là chỉ cho tông đồ Phêrô mà không cho các tông đồ khác nữa. 

Xin thưa, là vì trong các tông đồ chỉ duy mình tông đồ Phêrô là được Chúa Kitô báo cho biết trước số phận sẽ được kết thúc ra sao (xem Gioan 21:18), một số phận không khác gì của Người và như Người, nên Người đã kêu gọi vị tông đồ thủ lãnh này là "hãy theo Thày" (Gioan 21:19), nghĩa là ngài sẽ "được dự phần với Thày" (Gioan 13:8), ở chỗ ngài cũng sẽ trở thành một vị mục tử nhân lành hiến mạng sống mình vì chiên như Người (xem Gioan 10:11). 


Thứ Ba

Phụng Vụ Lời Chúa

Bài Ðọc I: (Năm II) Ed 2, 8 - 3, 4

"Người ban cho tôi cuốn sách ấy làm lương thực: nó trở nên ngọt ngào như mật trong miệng tôi".

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Chúa phán như thế này: "Phần ngươi, hỡi con người, hãy nghe các lời Ta sẽ phán cùng ngươi; ngươi chớ phản nghịch như loài phản nghịch kia. Hãy mở miệng mà ăn những sự Ta sẽ ban cho ngươi". Tôi nhìn, thì có một bàn tay đưa về phía tôi, trong tay có cuốn sách cuộn lại. Người mở cuốn sách ra trước mặt tôi: sách viết cả mặt trong, mặt ngoài. Trong sách viết những lời than van, rên rỉ và kêu trách.

Người phán cùng tôi rằng: "Hỡi con người, ngươi hãy ăn sự ngươi tìm được. Hãy ăn cuốn sách này và đi nói với con cái Israel". Tôi mở miệng và Người cho tôi ăn cuốn sách ấy và bảo tôi rằng: "Hỡi con người, hãy lấy cuốn sách Ta ban cho ngươi làm lương thực mà ăn cho no". Tôi ăn và nó trở nên ngọt ngào như mật trong miệng tôi. Và Người phán cùng tôi rằng: "Hỡi con người, hãy đi đến nhà Israel và nói cho chúng nghe những lời của Ta".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 118, 14. 24. 72. 103. 111. 131

Ðáp: Các lời sấm của Chúa ngọt ngào trong cổ họng con là dường nào (c. 103a).

Xướng: 1) Con vui vì đường lối lời Ngài nghiêm huấn, dường bằng được mọi thứ giàu sang. - Ðáp.

2) Vì lời nghiêm huấn của Ngài là điều con ưa thích, các thánh chỉ của Ngài là những bậc cố vấn của con. - Ðáp.

3) Ðối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn. - Ðáp.

4) Các lời sấm của Ngài ngon ngọt thay cho cổ họng con, ngọt hơn cả mật ong đổ miệng con. - Ðáp.

5) Lời Ngài nghiêm huấn là sản nghiệp của con muôn đời: vì những điều đó khiến cho lòng con hoan hỉ. - Ðáp.

6) Con há miệng để hút nguồn sinh khí, vì con ham muốn những chỉ thị của Ngài. - Ðáp.

 

Alleluia: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe: Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 18, 1-5. 10. 12-14

"Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi: "Chớ thì ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?" Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: "Thật, Thầy bảo thật các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời.

"Và kẻ nào đón nhận một trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy. Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này, vì Thầy bảo các con, thiên thần của chúng trên trời hằng chiêm ngưỡng thánh nhan Cha Ta, Ðấng ngự trên trời.

"Các con nghĩ sao? Nếu ai có một trăm con chiên mà lạc mất một con, thì người đó lại không bỏ chín mươi chín con trên núi, để đi tìm con chiên lạc sao? Nếu người đó tìm được, Thầy bảo thật các con, người đó sẽ vui mừng vì con chiên đó, hơn chín mươi chín con chiên không thất lạc. Cũng vậy, Cha các con trên trời không muốn để một trong những kẻ bé mọn này phải hư mất".

Ðó là lời Chúa.

 

Cảm Nghiệm Suy Niệm

 

Như Trẻ Nhỏ: vừa Thánh Nhân vừa Tội Nhân


Bài Phúc Âm cho Thứ Ba Tuần XIX hôm nay chất chứa câu trả lời của Chúa Giêsu được các môn đệ đặt ra về vấn đề "ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời" 

Câu trả lời của Người như thế này: "Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: 'Thật, Thầy bảo thật các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời'".

Hành động "gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông" của Chúa Giêsu cho thấy Người rất quí yêu con trẻ, và con trẻ là mô phạm cho cả thành phần môn đệ của Người, thành phần chứng nhân tiên khởi của Người và là nền tảng của Giáo Hội được Người thiết lập. Tuy nhiên, trẻ nhỏ là mô phạm cho các vị về tinh thần mà thôi, chứ không phải về thể lý. Bởi thế, Người không bảo các vị rằng "nếu các con không hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ này...", mà là bảo các vị: "ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này...", nghĩa là việc "hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ" chính là việc "hạ mình xuống". 

Đúng thế, nếu "Nước Trời" đây là chính bản thân Người, mà Người đã "hóa ra như không, mặc lấy thân phận tôi đòi v.v." (Philiphê 2:6), thì chỉ có "ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này..." mới có thể nhận ra Người, chấp nhận Người và đáp ứng Người mà thôi, nghĩa là mới có thể "vào Nước Trời". Ý nghĩa sâu xa của cụm từ "vào Nước Trời" là như vậy, là đến được với Chúa Giêsu, bằng không, không thể nào, như trường hợp của thành phần luật sĩ và biệt phái vừa kiêu kỳ vừa giả hình không đơn sơ chân thật như trẻ nhỏ trong dân Do Thái. 

Chưa hết, việc "hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ" là "hạ mình xuống" này chẳng những giúp cho con người "vào Nước Trời" là nhận biết Chúa Kitô, mà còn trở thành "kẻ lớn nhất trong Nước Trời" nữa. Ở chỗ được Chúa Kitô yêu thích nhất, được hiệp nhất nên một với Người nhất, như một Con Trẻ Maria "đầy ân phúc" (Luca 1:28), vì Con Trẻ Maria này liên lỉ sống "đức tin tuân phục" (Roma 1:5) ở mọi nơi, trong mọi lúc và hết mọi sự - quả thực Con Trẻ Maria "có phúc vì đã tin" (Luca 1:45). 

Tuy nhiên, trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu dường như nói đến "trẻ nhỏ" ở hai ý nghĩa trái nghịch nhau. Ý nghĩa thứ nhất là tính cách bé nhỏ "khiêm nhượng" của "trẻ nhỏ" để có thể chẳng những "vào Nước Trời" là gặp gỡ Chúa Kitô mà còn trở nên cao trọng nhất trong Nước Trời là được hiệp nhất nên một với Người. Ý nghĩa thứ hai về "trẻ nhỏ" đó là tính chất "dại dột" vụng về của chúng.

Phải chăng đó là lý do ở phần sau của bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Kitô đã cảnh giác các môn đệ là đừng khinh dể "trẻ nhỏ" ở tính chất dại khờ vụng dại của chúng: "Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này"? Bởi vì, ngay sau đó Người nói đến tình trạng con chiên lạc: "Nếu ai có một trăm con chiên mà lạc mất một con, thì người đó lại không bỏ chín mươi chín con trên núi, để đi tìm con chiên lạc sao?"

Sở dĩ các môn đệ không được khinh dể thành phần "trẻ nhỏ" dại khờ hèn yếu này là vì 2 lý do: Lý do thứ nhất đó là 
"kẻ nào đón nhận một trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy", và lý do thứ hai đó là: "vì Thầy bảo các con, thiên thần của chúng trên trời hằng chiêm ngưỡng thánh nhan Cha Ta, Đấng ngự trên trời".  

Thật vậy, trước nhan Thiên Chúa hằng được các thiên thần chiêm ngưỡng trên trời, biết đâu những kẻ tầm thường trên thế gian này, thậm chí những con người tội lỗi đáng khinh bỉ lại được Thiên Chúa tuyển chọn để làm những việc cả thể cho Ngài, như đã từng xẩy ra trong giòng lịch sử loài người nói chung và Giáo Hội nói riêng. Biết đâu thành phần bé mọn yếu hèn này lại biết nhận lỗi và hối lỗi trước nhan Chúa, như người thu thuế trong đền thờ mà lại nên công chính hơn người Pharisiêu cũng cầu nguyện với họ bấy giờ (xem Luca 18:13-14).

Nếu thành phần "trẻ nhỏ" dại khờ hèn yếu chẳng khác gì như "một con chiên lạc" (chứ không phải con dê), được Thiên Chúa chú ý và tìm kiếm cho đến cùng và cho bằng được như thế thì quả thực từng "con chiên lạc" là những gì rất quí báu trước nhan Thiên Chúa, đến độ "kẻ nào đón nhận một trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy" - Nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa thật, chúng ta không thể nào lại khinh thường những gì được Thiên Chúa yêu thương quí chuộng, nhất là thành phần tội nhân vô cùng đáng thương của Ngài.  



Thứ Tư

Phụng Vụ Lời Chúa


Bài Ðọc I: (Năm II) Ed 9, 1-7; 10, 18-22

"Hãy ghi chữ Thập trên trán những người rên rỉ khóc than các việc ghê tởm của thành Giêrusalem".

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Chúa kêu lớn tiếng vào tai tôi rằng: "Những kẻ trừng phạt thành đã đến gần, mỗi người cầm trong tay khí cụ của mình để tàn sát". Và kìa có sáu người tiến lại, từ cửa trên phía bắc mà đến, mỗi người cầm trong tay khí cụ của mình để tàn sát. Giữa họ có một người mặc áo trắng, ngang lưng mang bút của ký lục. Họ tiến vào và dừng lại trước bàn thờ bằng đồng.

Vinh quang của Chúa Israel ngự trên các vệ binh thần liền từ đó mà cất lên, đi về phía ngưỡng cửa Ðền Thờ. Người gọi kẻ mặc áo trắng, ngang lưng có mang bút của ký lục mà nói: "Hãy đi khắp thành, khắp Giêrusalem và ghi chữ Thập trên trán những người rên rỉ khóc than tất cả những việc ghê tởm người ta phạm giữa thành".

Tôi còn nghe Người bảo những người kia rằng: "Hãy theo người này đi khắp thành và đánh phạt. Ðừng đưa mắt xót thương, đừng tha thứ: già lão, trai tráng, gái trinh, trẻ con, phụ nữ, hãy giết cho hết. Nhưng ai có chữ Thập trên trán thì đừng giết. Hãy bắt đầu từ nơi thánh của Ta". Thế là họ bắt đầu giết những kỳ lão đang đứng trước Ðền Thờ. Người lại bảo rằng: "Hãy làm ô uế Ðền Thờ, hãy làm cho các hành lang đầy tử thi rồi hãy ra đi". Họ bỏ ra đi đánh phạt những kẻ ở trong thành.

Vinh quang của Chúa từ trên ngưỡng cửa Ðền Thờ mà đi ra và dừng lại trên các vệ binh thần. Các vệ binh thần cất cánh và từ đất bay lên, ngay trước mặt tôi; các bánh xe cũng đi theo chúng. Chúng dừng lại nơi cửa Ðông Ðền thờ Chúa, và vinh quang của Thiên Chúa Israel ở phía trên chúng. Ðó là sinh vật tôi đã thấy ở dưới Thiên Chúa Israel gần sông Côbar, (bây giờ) tôi mới hiểu biết đó là các vệ binh thần. Mỗi sinh vật có bốn mặt, bốn cánh và dưới cánh, có những hình bàn tay như tay người. Mặt chúng giống những mặt tôi đã thấy gần sông Côbar. Mỗi sinh vật cứ đi thẳng tới đàng trước.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 112, 1-2. 3-4. 5-6

Ðáp: Trên muôn cõi trời, là vinh quang của Chúa (c. 4b).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hãy ngợi khen, hỡi những người tôi tớ Chúa, chư vị hãy ngợi khen danh Chúa. Nguyện danh Chúa được chúc tụng từ bây giờ và cho đến muôn đời. - Ðáp.

2) Từ mặt trời mọc lên tới khi lặn xuống, nguyện cho danh Chúa được ngợi khen. Chúa siêu việt trên hết thảy chư dân, trên muôn cõi trời là vinh quang của Chúa. - Ðáp.

3) Ai được như Thiên Chúa chúng tôi, Người ngự trên nơi cao thẳm, và Người để mắt nhìn coi, khắp cả trên trời dưới đất? - Ðáp.

 

Alleluia: Gc 1, 21

Alleluia, alleluia! - Anh em hãy khiêm nhu nhận lãnh lời giao ước trong lòng, lời đó có thể cứu thoát linh hồn anh em. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 18, 15-20

"Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu anh em con lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng con và nó thôi. Nếu nó nghe con, thì con đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời con, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, con hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.

"Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ.

"Thầy cũng bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy".

Ðó là lời Chúa.

 


Cảm Nghiệm Suy Niệm

 

Quyền Bính Vô Ngộ - Chân Lý Yêu Thương



Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Tư Tuần XIX Thường Niên, dường như có nội dung liên hệ với bài Phúc Âm hôm qua. Ở chỗ, sau khi nói về thành phần "
trẻ nhỏ" dại khờ hèn yếu như "một 
con chiên lạc", Chúa Giêsu liền nói với các môn đệ về vấn đề sửa lỗi cho nhau khi có ai lầm lỡ vấp phạm:

"Nếu anh em con lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng con và nó thôi. Nếu nó nghe con, thì con đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời con, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, con hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế".

Căn cứ vào lời truyền dạy này của Chúa Kitô, trước hết chúng ta phải công nhận rằng chúng ta có phận sự phải sửa lỗi cho nhau, phải giúp nhau cải tiến hơn, giúp nhau nên hoàn thiện hơn, chứ không được khách quan đến dửng dưng, như thể tội ai người nấy chịu, không mắc mớ gì tới tôi, ai dại gì đụng vào nhau để họ ghét và chửi cho v.v. Nếu chúng ta có phận sự phải sửa bảo nhau, nhất là những ai có trách nhiệm phục vụ trong một đoàn thể, mà không dám lên tiếng thì chúng ta phải trả lẽ trước mặt Chúa.

Sau nữa, về cách thức sửa lỗi cho nhau, cũng theo lời Chúa dạy, chúng ta cần phải đi từ từ, từ chỗ riêng tư, đến chỗ thêm nhân chứng, sau cùng mới tới chung cộng đồng, thậm chí cho dù bất thành chăng nữa cũng mặc kệ họ, đừng khinh thường họ, cố gắng tránh đừng động một cái là làm toáng lên, làm mất mặt nhau, khiến nạn nhân cảm thấy bị chạm tự ái, đến độ cho dù có lỗi thật đấy họ cũng trở nên bất cần và bất chấp. Như thế, thay vì chúng ta giúp nhau nên hoàn thiện hơn lại đẩy nhau vào chỗ tệ hại hơn, mất mục đích của chúng ta, hoàn toàn trái với ý muốn của Chúa.

Đường lối sửa lỗi này được Giáo Hội vẫn thường áp dụng, nhất là đối với các thần học gia chủ trương những điều về tín lý hay luân lý hoặc cả hai trái với giáo huấn của Chúa Kitô và huấn quyền truyền thống của Giáo Hội. Chẳng hạn bề trên hay giám mục địa phương của một thần học gia nào đó nói chuyện riêng với thần học gia ấy. Nếu không xong bề trên hay vị giám mục địa phương mời thêm các chuyên gia trong dòng hay trong giáo phận đến tham dự với thần học gia này để cùng nhau giải quyết vấn đề. Nếu vẫn bất thành thì vị bề trên hay giám mục địa phương sẽ trình sự vụ lên Tòa Thánh qua Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin. Sau cùng, nếu đương sự vẫn cương quyết không chấp nhận sửa sai thì buộc lòng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin đành phải công khai thông báo về những sai lầm của thần học gia ấy, để bảo vệ đàn chiên của mình, trong đó có những biện pháp ngăn nga bao nhiêu có thể để tình trạng sai lầm không thể lan rộng và kéo dài hơn được nữa, như không cho vị thần học gia này giảng dạy v.v.

Dường như ở đây Chúa Giêsu áp dụng việc sửa bảo nhau này hay trách nhiệm cần phải hoàn chỉnh nhau ấy đặc biệt cho riêng các vị có thẩm quyền trong Giáo Hội. Bởi vì, sau đó Người còn nói thêm như thế này với các tông đồ: "Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ".

Ở đây, qua câu này, Chúa Giêsu như muốn bổ túc thêm về quyền bính trong Giáo Hội, một quyền bính tối thượng đã được Người trước hết trao cho riêng Tông Đồ Phêrô (xem Mathêu 16:19): "Những gì con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, sự gì con tháo cởi dưới đất trên trời cũng tháo cởi", và giờ đây Người trao cho chung tông đồ đoàn, trong đó có cả Tông Đồ Phêrô, một cơ cấu được gọi là hàng giáo phẩm của Giáo Hội hoàn vũ: "Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ".

Sở dĩ quyền bính tối thượng này được Chúa Giêsu trao cho riêng Tông Đồ Phêrô cũng như cho chung Tông Đồ Đoàn ấy trong việc phục vụ Giáo Hội của Người trên trần gian có tính cách như thể "bất khả sai lầm" như vậyđến độ dưới đât phán quyết thế nào thì trên trời cũng chấp nhận y như vậy, là vì Người vẫn tiếp tục ở cùng Giáo Hội cho đến tận thế (xem Mathêu 28:20), nơi tinh thần hiệp nhất nguyện cầu của các vị, như Người đã khẳng định ở câu kết bài Phúc Âm hôm nay: 

"Thầy cũng bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy".



Thứ Năm

Phụng Vụ Lời Chúa

Bài Ðọc I: (Năm II) Ed 12, 1-12

"Ngươi sẽ di cư giữa ban ngày trước mặt chúng".

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Có lời Chúa phán cùng tôi rằng: "Hỡi con người, ngươi đang ở giữa dòng giống phản loạn, chúng có mắt để thấy mà không thấy, có tai để nghe mà không nghe, vì đó là dòng giống phản loạn. Phần ngươi, hỡi con người, hãy sửa soạn hành trang và hãy dời đi, giữa ban ngày, trước mặt chúng. Ngươi sẽ đi từ nơi đang ở đến một nơi khác, trước mặt chúng, để hoạ may chúng xem thấy, vì chúng là dòng giống phản loạn. Ngươi sẽ phô trương hành lý của ngươi như hành lý của người di cư giữa ban ngày trước mặt chúng, rồi ban chiều, ngươi sẽ ra đi trước mặt chúng như người di cư. Trước mắt chúng, ngươi hãy khoét tường mà chui ra. Trước mắt chúng, ngươi sẽ mang hành trang trên vai và đi ra trong bóng tối, Ngươi sẽ che mặt ngươi để đừng thấy xứ sở, vì Ta đã làm cho ngươi thành biểu hiệu cho nhà Israel".

Vậy tôi đã thi hành như Chúa đã truyền cho tôi, tôi phô trương hành trang của tôi như hành trang của kẻ di cư, giữa ban ngày, và ban chiều, tôi lấy tay khoét một cái lỗ trong tường, vai mang hành trang, và ra đi trước mặt chúng trong đêm tối.

Và ban sáng có lời Chúa phán cùng tôi rằng: "Hỡi con người, nào nhà Israel, dòng giống phản loạn, đã chẳng hỏi ngươi rằng: 'Ông làm gì vậy?' Hãy bảo chúng: 'Chúa là Thiên Chúa phán rằng: Sấm ngôn này chỉ về thủ lãnh ở Giêrusalem và cả nhà Israel ở đó'. Hãy nói: 'Tôi là biểu hiệu cho các ngươi. Tôi đã làm thế nào thì việc sẽ xảy ra như vậy'. Chúng sẽ phải di cư và đi làm tôi. Và ai là thủ lãnh các chúng, người đó sẽ mang hành trang trên vai ra đi trong bóng tối, và chúng sẽ khoét tường mà đem ông ra. Mặt ông bị che kín để mắt khỏi thấy xứ sở".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 77, 56-57. 58-59. 61-62

Ðáp: Các ngươi đừng quên lãng những kỳ công của Chúa (c. 7c).

Xướng: 1) Họ đã thử thách và phản nghịch Thiên Chúa Tối Cao, và họ không tuân giữ các huấn lệnh của Người. Họ lùi bước và bội tín cũng như tổ tiên họ, họ lầm lạc như cánh cung trật đường giây. - Ðáp.

2) Họ chọc giận Người vì những nơi "thờ tự" trên cao, họ khiêu khích lòng ghen Người vì bao thần tượng. Thiên Chúa nghe biết và bừng cơn thịnh nộ, Người đã từ bỏ Israel một cách đắng cay. - Ðáp.

3) Người trao nạp sức mạnh mình cho thiên hạ bắt bớ, và vinh quang mình trong tay kẻ nghịch thù. Người bỏ mặc dân tộc Người cho cảnh gươm đao, và Người đã xung giận phần gia nghiệp của Người. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 110, 8ab

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, mọi giới răn Chúa được lập ra cho tới muôn ngàn đời. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 18, 21 - 19, 1

"Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?" Chúa Giêsu đáp: "Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.

"Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, và tôi sẽ trả lại cho ngài tất cả". Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.

"Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: "Hãy trả nợ cho ta". Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh". Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: "Tên đầy tớ ác độc kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?" Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ.

"Vậy, Cha Thầy trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình".

Khi Chúa Giêsu nói những lời đó xong, thì Người bỏ xứ Galilêa mà đến Giuđêa, bên kia sông Giođan.

Ðó là lời Chúa.

 

 

Cảm Nghiệm Suy Niệm

 

Chúa Tha Thứ nhưng vẫn không quên... tùy ở con nợ chúng ta!



Từ trách nhiệm sửa lỗi cho nhau trong bài Phúc Âm hôm qua 
sang đến bổn phận tha thứ cho nhau trong bài Phúc Âm hôm nay, hai bài Phúc Âm liên tục ở cuối đoạn 18 của Phúc Âm Thánh ký Mathêu. 

Thật vậy, bài Phúc Âm hôm nay bao gồm câu trả lời của Chúa Giêsu cho câu hỏi của Tông Đồ Phêrô: "'Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?' Chúa Giêsu đáp: 'Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy'". 

Nghĩa là bao giờ cũng tha, không bao giờ chấp nhất, dù có thế nào chăng nữa, dù có nhiều đến đâu chăng nữa, dù có nặng đến mấy chăng nữa, thậm chí dù có cố tình chăng nữa, chứ không phải chỉ tha khi đương sự vô tình, không có ý gì. Và còn phải tự động tha nữa, chứ không cần phải được xin lỗi mới tha, như Người đã dạy trong bài giảng Phúc Đức Trọn Lành đối với những ai phạm đến chúng ta trước khi chúng ta dâng của lễ cho Thiên Chúa (xem Mathêu 5:24). 

Tất cả tinh thần nhân hậu và thái độ bao dung của chúng ta như thế mới trung thực phản ảnh Đấng được Chúa Giêsu kêu gọi "hãy thương xót như Cha là Đấng xót thương" (Luca 6:36), một Đấng được Người ám chỉ trong dụ ngôn về vị vương chủ tha nợ cho người bầy tôi của mình trong bài Phúc Âm hôm nay:

"Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: 'Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, và tôi sẽ trả lại cho ngài tất cả'. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y". 

Ở đây chúng ta thấy vị vương chủ này quảng đại bao dung đến độ chỉ cần người bầy tôi van xin ông, không phải là van xin tha nợ mà chỉ van xin khất nợ để rồi từ từ trả sau, cho dù không biết phải trả đến bao giờ mới hết món nợ kếch sù ấy và cũng chẳng biết có thể trả nổi món nợ ấy hay chăng, nhưng vị vương chủ vẫn "động lòng thương" tự tha hết món nợ khổng lồ ấy cho người bầy tôi khốn khổ van xin của mình. 

Thế nhưng, cho dù được tha bổng món nợ khổng lồ ấy, đến độ giá trị của món nợ này bằng cả nhà của người bầy tôi mắc nợ: "Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ", vẫn còn nguyên đó, chứ chưa hoàn toàn được xóa sổ, tùy theo thái độ của con nợ bầy tôi này với chính con nợ của hắn. 

Thật vậy, con nợ bầy tôi này đã đối xử hoàn toàn ngược lại với những gì hắn được hưởng từ vị vương chủ của hắn, như dụ ngôn Chúa tiếp tục cho biết như sau:

"Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: 'Hãy trả nợ cho ta'. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: 'Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh'. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong".

Con nợ của người bầy tôi này cũng có cùng một cử chỉ và lời van xin khất nợ như hắn đã tỏ ra với vị vương chủ của hắn, nhưng hắn vẫn không tha cho con nợ của hắn là người chỉ nợ hắn chẳng là bao so với món nợ kếch sù của hắn với vị vương chủ của hắn, đến độ, trong khi hắn được vị vương chủ này tha hẳn cho cả món nợ, không phải trả nữa, thì hắn lại "bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong", nghĩa là lòng của hắn vẫn thù hắn chấp nhất con nợ của hắn cho đến khi hắn trả thù cho bằng được, cho đến khi hắn lấy lại công bằng, "mắt đền mắt, răng đền răng" (Mathêu 5:38).

Chính vì thế, món nợ kếch sù của hắn với vị vương chủ của hắn vẫn chưa hoàn toàn xóa sổ là như thế. Tóm lại, vấn đề xóa sổ nợ của chúng ta với Thiên Chúa là ở chúng ta hơn là ở nơi Thiên Chúa, Đấng lúc nào cũng tha cho chúng ta và mong chúng ta cũng tha cho nhau như Ngài tha cho chúng ta, bằng không, tự chúng ta làm khổ mình, ở chỗ bị chính bản thân mình là "lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ"

Chúng ta không tha cho nhau nghĩa là chúng ta mặc nhiên không muốn được Thiên Chúa tha nợ cho chúng ta, không chấp nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa, ở chỗ chúng ta muốn lấy được vài đồng bạc nợ nần của nhau chẳng đáng là bao để trả nợ cả tỉ bạc với Thiên Chúa hay sao. Tại sao chúng ta điên khùng đến như thế nhỉ?! Bài Phúc Âm hôm nay đã kết thúc dụ ngôn với những lời của chính vị vương chủ cũng là lời của Chúa Giêsu sau đó như thế này:  

"Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: 'Tên đầy tớ ác độc kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?' Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ. Vậy, Cha Thầy trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình".




Thứ Sáu

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm II) Ed 16, 1-15. 60. 63

"Ngươi tuyệt hảo nhờ sự huy hoàng Ta đã mặc cho ngươi, thế mà ngươi đã mãi dâm truỵ lạc".

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Có lời Chúa phán cùng tôi rằng: "Hỡi con người, hãy cho Giêrusalem biết tội ác ghê tởm của nó. Hãy nói: Chúa là Thiên Chúa phán cùng Giêrusalem rằng: Nguồn gốc và sinh quán của ngươi là xứ Canaan. Cha ngươi là người Amorê: mẹ ngươi là người Xêthêa. Khi ngươi sinh ra, ngày ngươi chào đời, người ta không cắt rốn, không rửa ngươi trong nước cho sạch sẽ, không xát muối và bọc khăn cho ngươi. Không ai đem lòng thương xót nhìn ngươi để làm cho ngươi một công việc nào như thế. Ngày ngươi sinh ra, vì ghê tởm ngươi, người ta đã bỏ ngươi ngoài đồng.

Ta đi qua gần ngươi và thấy ngươi dẫy dụa trong máu. Ta đã nói cùng ngươi rằng: 'Hãy sống trong máu và lớn lên như cỏ ngoài đồng'. Ngươi đã nảy nở, lớn lên và đến tuổi dậy thì. Ngực ngươi nở nang, tóc ngươi rậm dài, nhưng ngươi vẫn khoả thân. Bấy giờ Ta đi qua gần ngươi và thấy ngươi. Lúc đó ngươi đã đến tuổi yêu đương. Ta lấy vạt áo trải trên mình ngươi mà che sự khoả thân của ngươi. Ta thề và kết ước với ngươi - lời Chúa phán - và ngươi đã thuộc về Ta. Ta đã tắm ngươi trong nước, rửa máu trên mình ngươi và xức dầu cho ngươi. Ta đã mặc cho ngươi áo màu sặc sỡ và xỏ giày da tốt cho ngươi, thắt lưng ngươi bằng dây gai mịn và choàng cho ngươi áo tơ lụa. Ta đã lấy đồ quý mà trang điểm cho ngươi. Ta đã đeo xuyến vào tay ngươi, đeo kiềng vào cổ ngươi. Ta đã xỏ khoen vào mũi ngươi, đeo hoa tai vào tai ngươi và đặt triều thiên rực rỡ trên đầu ngươi. Ngươi đã được trang điểm bằng vàng bạc, mặc áo bằng vải mịn, tơ lụa và hàng thêu. Ngươi ăn bột miến lọc, mật ong và dầu ôliu. Càng ngày ngươi càng xinh đẹp và tiến lên ngôi nữ hoàng. Ngươi đã lừng danh giữa các dân tộc nhờ sắc đẹp của ngươi vì ngươi thật là tuyệt hảo nhờ sự huy hoàng Ta đã mặc cho ngươi. Chúa là Thiên Chúa phán, nhưng ngươi đã cậy sắc đẹp và lợi dụng danh tiếng của ngươi, để mãi dâm trụy lạc. Ngươi hiến thân cho bất cứ ai qua đường. Nhưng phần Ta, Ta sẽ nhớ lại giao ước Ta đã lập với ngươi khi ngươi còn xuân xanh. Ta sẽ lập với ngươi một giao ước vĩnh cửu. Như thế, để ngươi phải nhớ lại mà xấu hổ, và vì xấu hổ, ngươi sẽ không còn mở miệng ra nữa, khi Ta tha thứ hết mọi việc ngươi đã làm. Chúa là Thiên Chúa phán".

Ðó là lời Chúa.

 

Hoặc bài vắn này: Ed 16, 59-63

"Ngươi tuyệt hảo nhờ sự huy hoàng Ta đã mặc cho ngươi, thế mà ngươi đã mãi dâm truỵ lạc".

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Chúa là Thiên Chúa đã phán thế này: "Ta sẽ đối xử với ngươi như ngươi đã đối xử với Ta, ngươi đã khinh rẻ lời thề mà huỷ bỏ giao ước. Nhưng phần Ta, Ta sẽ nhớ lại giao ước Ta đã lập với ngươi khi ngươi còn xuân xanh. Ta sẽ lập với ngươi một giao ước vĩnh cửu. Và ngươi sẽ ghi nhớ các đường lối của ngươi mà cảm thấy nhục khi Ta lấy các chị các em gái ngươi mà ban cho ngươi làm con, mặc dầu chúng không có chân trong giao ước của ngươi. Ta sẽ giữ vững giao ước của Ta với ngươi, và ngươi sẽ biết rằng Ta là Chúa, và như thế, để ngươi phải nhớ lại mà xấu hổ, và vì xấu hổ, ngươi sẽ không còn mở miệng ra nữa, khi Ta tha thứ hết mọi việc ngươi đã làm. Chúa là Thiên Chúa phán".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Is 12, 2-3. 4bcd. 5-6

Ðáp: Chúa đã bỏ cơn giận của Chúa và đã an ủi tôi (c. 1c).

Xướng: 1) Ðây Thiên Chúa là Ðấng Cứu Chuộc tôi, tôi sẽ tin tưởng mà hành động và không khiếp sợ: vì Chúa là sức mạnh, là Ðấng tôi ngợi khen, Người sẽ trở nên cho tôi phần rỗi. - Ðáp.

2) Hãy ca tụng Chúa và kêu cầu danh Người; hãy công bố cho các dân biết kỳ công của Chúa; hãy nhớ lại danh Chúa rất cao sang. - Ðáp.

3) Hãy ca tụng, vì Người làm nên những việc kỳ diệu; hãy cao rao việc đó trên khắp hoàn cầu. Hỡi người cư ngụ tại Sion, hãy nhảy mừng ca hát, vì Ðấng cao cả là Ðấng Thánh Israel ở giữa ngươi. - Ðáp.

 

Alleluia: 1 Ga 2, 5

Alleluia, alleluia! - Ai giữ lời Chúa Kitô, thì quả thật, tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 19, 3-12

"Vì lòng chai đá của các ngươi mà Môsê đã cho phép các ngươi rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, có những người biệt phái đến cùng Chúa Giêsu và hỏi thử Người rằng: "Có được phép rẫy vợ vì bất cứ lẽ gì không?" Người đáp: "Nào các ông đã chẳng đọc thấy rằng: Từ thuở ban đầu, Tạo Hoá đã dựng loài người có nam có nữ, và Người đã phán: Bởi thế nên người nam sẽ bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai sẽ nên một thân xác? Cho nên họ không còn là hai, nhưng là một thân xác. Vậy điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, thì loài người không được phân ly". Họ hỏi lại: "Vậy tại sao Môsê đã truyền cấp tờ ly hôn mà cho rẫy vợ?" Người đáp: "Vì lòng chai đá của các ông mà Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy. Tôi bảo các ông rằng: Ai rẫy vợ, trừ nố gian dâm, và đi cưới vợ khác, thì phạm tội ngoại tình. Và ai cưới người đã bị rẫy, cũng phạm tội ngoại tình".

Các môn đệ thưa Người rằng: "Nếu sự thể việc vợ chồng là như thế, thì tốt hơn đừng cưới vợ". Người đáp: "Không phải mọi người hiểu được điều ấy, nhưng chỉ những ai được ban cho hiểu mà thôi. Vì có những hoạn nhân từ lòng mẹ sinh ra, có những hoạn nhân do người ta làm nên, và có những người vì Nước Trời, tự trở thành hoạn nhân. Ai có thể hiểu được thì hiểu".

Ðó là lời Chúa.

 

 

Cảm Nghiệm Suy Niệm

 

 

Chồng theo vợ hơn là vợ theo chồng?

Hôm nay, Thứ Sáu Tuần XIX Thường Niên đưa chúng ta đến bài Phúc Âm về vấn đề chồng ly dị vợ, một bài Phúc Âm ngay sau bài Phúc Âm hôm qua về lòng quảng đại thứ tha như Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta.

Vấn đề chồng ly dị vợ này được "những người biệt phái đến cùng Chúa Giêsu và hỏi thử Người rằng: 'Có được phép rẫy vợ vì bất cứ lẽ gì không?'", một vấn đề đã được Chúa Giêsu dứt khoát giải quyết một cách thẳng thắn hoàn toàn có tính cách chính thống như sau:

"Nào các ông đã chẳng đọc thấy rằng: Từ thuở ban đầu, Tạo Hoá đã dựng loài người có nam có nữ, và Người đã phán: Bởi thế nên người nam sẽ bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai sẽ nên một thân xác? Cho nên họ không còn là hai, nhưng là một thân xác. Vậy điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, thì loài người không được phân ly".

Theo văn hóa đại đồng của chung loài người thì thường vợ theo chồng chứ không phải là chồng theo vợ, ngoại trừ văn hóa theo mẫu hệ vốn còn cái lệ "đi bắt chồng", như ở thành phần dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo tâm lý tự nhiên thì người nam theo người nữ trước khi trở thành vợ chồng. Bởi thế nên mới có chuyện trai tán gái chứ không bao giờ hay ít khi thấy gái tán trai, cho dù cũng không hiếm chuyện gái theo trai, nhưng thường xẩy ra sau khi bị trai dụ dỗ v.v.


Câu Chúa Giêsu khẳng định "người nam sẽ bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình" đã chứng thực là chồng theo vợ hơn là vợ theo chồng, đúng hơn là trai theo gái hơn là gái theo trai, bởi vì bản chất và khuynh hướng của thành phần nam nhân làm chồng, như Adong, là tìm kiếm bản thân mình, cho đến khi thực sự cảm nhận được bản thân mình nơi một người nữ tuụ nhiên có duyên với mình nào đó, để rồi tự nhiên cảm thấy hết sức gắn bó với nàng, đến độ chàng sống không thể không có nàng: "Cuối cùng thì đây là xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi" (Khởi Nguyên 2:23).

Bởi thế chồng yêu vợ là yêu bản thân mình: "Ai yêu thương vợ mình là yêu thương chính bản thân mình" (Epheso 5:28). Bởi "cả hai đã nên một thân xác... họ không còn là hai, nhưng là một thân xác", như Chúa Giêsu đã khẳng định trong bài Phúc Âm hôm nay, và vì thế khi vợ chồng ly dị nhau thì họ chẳng những "phân ly những gì Thiên Chúa đã ràng buộc nối kết" họ lại với nhau mà tự họ cũng phản bội lẫn nhau nữa, nhất là khi chính bản thân họ không bị ràng buộc bởi cổ tục cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy như xưa, trái lại, họ hoàn toàn tự do yêu nhau và lấy nhau... như văn hóa của thời đại quá văn minh tân tiến về cả khoa học kỹ thuật lẫn nhân quyền hiện nay, đến độ con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đó khi chính chúng nó tự quyết lập gia đình với nhau và làm đám cưới với nhau theo kiểu của chúng, kể cả chuyện đồng tính hôn nhân.


C
ó lẽ thành phần đặt vấn nạn với Chúa Kitô đã đoán trước được câu trả lời của Người rồi nên đã từ đó đi thẳng vào vấn đề họ muốn thử Người, với vấn nạn chính yếu thứ hai: "Vậy tại sao Môsê đã truyền cấp tờ ly hôn mà cho rẫy vợ?", một vấn nạn cũng được Chúa Kitô không ngần ngại vạch trần sự thật cho họ biết về chính bản thân họ rằng:

"Vì lòng chai đá của các ông mà Moisen đã cho phép các ông rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy. Tôi bảo các ông rằng: Ai rẫy vợ, trừ nố gian dâm, và đi cưới vợ khác, thì phạm tội ngoại tình. Và ai cưới người đã bị rẫy, cũng phạm tội ngoại tình".

Không ngờ vấn đề Người quả quyết như vậy đã đụng đến chính thành phần bỏ mọi sự mà theo Người, kể cả vợ con của các vị, nên các vị đã bồi thêm một câu vừa như để hỏi Người vừa như để than thân trách phận thay cho thành lập lập gia đình như sau: "Nếu sự thể việc vợ chồng là như thế, thì tốt hơn đừng cưới vợ". 

Thế nhưng, Chúa Giêsu đã lợi dụng ngay câu than vãn này của các vị để nói đến chính đời sống độc thân theo Người của các vị: "Không phải mọi người hiểu được điều ấy, nhưng chỉ những ai được ban cho hiểu mà thôi. Vì có những hoạn nhân từ lòng mẹ sinh ra, có những hoạn nhân do người ta làm nên, và có những người vì Nước Trời, tự trở thành hoạn nhân. Ai có thể hiểu được thì hiểu".

Qua bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy giáo huấn của Chúa Kitô về vấn đề hôn nhân gia đình là thế này: 1- hôn nhân theo dự án thần linh của Thiên Chúa chỉ xẩy ra giữa một người nam và một người nữ mà thôi; 2- hôn nhân là do chính Thiên Chúa xe duyên kết nghĩa nên đôi phối ngẫu không được tự ý ly dị nhau, trừ trường hợp ngoại tình; 3- ai tự ý ly dị vợ chồng mình mà lấy người khác là phạm tội ngoại tình và ai lấy người ly dị cũng phạm tội ngoại tình; 4- ly dị vợ chồng là do con người gây ra chứ tự bản chất của hôn nhân là những gì bất khả phân ly. Đó là lý do chúng ta thấy Giáo Hội Công Giáo cứu xét rất kỹ lưỡng và cẩn thận giúp thực hiện việc học hỏi dự bị hôn nhân trước khi ban bí tích hôn nhân, cũng như trong việc giải hôn hay tiêu hôn khi cần

Tuy luật lệ về đời sống hôn nhân ngặt nghèo như thế, đến độ người ta cảm thấy "Nếu sự thể việc vợ chồng là như thế, thì tốt hơn đừng cưới vợ", nghĩa là đừng lập gia đình, nhưng theo bản tính tự nhiên và phái tính xu hướng về nhau hầu như bất khả chống cưỡng, liên quan đến cả tình cảm lẫn tình dục của mình, con người, hầu hết vẫn không thể nào, không sớm thì muộn, không trước thì sau, không tiến tới đời sống lứa đôi trong hôn nhân gia đình, nếu chính thức, bằng không cũng khó lòng mà tránh được cảnh ăn ở với nhau ngoài hôn nhân một cách nào đó. 

Dầu sao thực tế cũng cho thấy 3 trường hợp ngoại lệ được Chúa Giêsu kể đến trong bài Phúc Âm, đó là: thứ nhất, tự bẩm sinh là hoạn nhân (như sinh ra mang giới tính ái nam ái nữ, hoặc tự nhiên bị bất lực về sinh dục v.v.), thứ hai là bị trở thành hoạn nhân (như đã xẩy ra cho thành phần nam nhân được hầu cận gần gũi hoàng hậu hoặc công chúa hay cung phi của vua chúa ngày xưa), và thứ ba là tự ý làm hoạn nhân vì lý tưởng phụng vụ cao cả (như nam nữ tu sĩ khấn đồng trinh hoặc hàng giáo sĩ Công giáo hứa sống độc thân v.v.). 

 


Thứ Bảy

Phụng Vụ Lời Chúa

Bài Ðọc I: (Năm II) Ed 18, 1-10. 13b. 30. 32

"Ta sẽ xét xử mỗi người theo cách nó sống".

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Có lời Chúa phán cùng tôi rằng: Tại sao giữa các ngươi trong Israel có câu tục ngữ rằng: "Cha ông ăn nho chua thì con cháu ghê răng"?

Chúa là Thiên Chúa phán, Ta lấy sự sống Ta mà thề không lặp lại câu tục ngữ ấy ở Israel nữa. Này tất cả mọi sinh mạng đều thuộc về Ta; sinh mạng người cha cũng như sinh mạng người con, đều thuộc về Ta. Ai phạm tội, người ấy sẽ chết. Ai công chính, giữ lề luật và đức công bình, không ăn (của cúng) trên núi và không ngước mắt nhìn các thần tượng của nhà Israel, không xúc phạm đến vợ người khác, không gần gũi đàn bà khi họ không được sạch, không áp bức người ta, trả đồ cầm cố cho người mắc nợ, không cưỡng đoạt của ai, đem bánh cho người đói khát, đem áo mặc cho người trần trụi, không cho vay ăn lời, không lấy thêm của người, giữ tay không làm điều gian ác, xét đoán công minh giữa hai người, ăn ở theo luật lệ của Ta, và giữ các giới răn của Ta để thực hiện chân lý, người đó mới là công chính, nó sẽ được sống, Chúa là Thiên Chúa phán.

Nhưng nếu người đó sinh ra một đứa con trộm cướp, khát máu, phạm tội trong những lỗi nói trên, thì đứa con ấy không đáng sống, vì đã làm những điều đáng ghét, nó sẽ chết, và máu nó sẽ đổ trên đầu nó.

Vì vậy, hỡi nhà Israel, Ta sẽ xét xử mỗi người theo cách nó sống: Chúa là Thiên Chúa phán. Các ngươi hãy trở lại và hãy hối cải tất cả những điều gian ác, thì sự gian ác sẽ không huỷ diệt các ngươi. Hãy dứt bỏ hết mọi tội lỗi các ngươi đã phạm, và hãy tạo cho các ngươi một tâm hồn và một tinh thần mới. Hỡi nhà Israel, tại sao các ngươi muốn chết. Ta không thích cho ai phải chết: Chúa là Thiên Chúa phán. Hãy trở lại để được sống.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 50, 12-13. 14-15. 18-19

Ðáp: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch (c. 12a).

Xướng: 1) Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con. - Ðáp.

2) Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ; với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Con sẽ dạy kẻ bất nhân đường nẻo Chúa, và người tội lỗi sẽ trở về với Ngài. - Ðáp.

3) Bởi vì Chúa chẳng ưa gì sinh lễ, nếu con dâng lễ toàn thiêu, Chúa sẽ không ưng. Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát; lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát khiêm cung. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 118, 18

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin mở rộng tầm con mắt con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa và để con hết lòng vâng theo luật đó. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 19, 13-15

"Ðừng ngăn cấm các trẻ nhỏ đến với Ta, vì Nước Trời là của những người giống như chúng".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, người ta đem những trẻ nhỏ đến cho Chúa Giêsu để Người đặt tay và cầu nguyện cho chúng. Các môn đệ liền quở trách chúng, nhưng chúa Giêsu bảo: "Hãy để các trẻ nhỏ đến với Ta, và đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những người giống như chúng". Sau khi Người đặt tay trên chúng, thì Người đi khỏi nơi đó.

Ðó là lời Chúa.

 

 

Cảm Nghiệm Suy Niệm

 

Trẻ nhỏ - Linh đạo hôn nhân và trách nhiệm giáo dục


Bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc cho ngày hôm nay, Thứ Bảy Tuần XIX Thường Niên, vẫn tiếp tục bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu từ các ngày trước trong tuần. 

Nếu bài Phúc Âm cho Thứ Ba tuần này "trẻ nhỏ" được Chúa Giêsu đặt giữa các môn đệ để làm mô phạm linh đạo theo Chúa cho các vị, thì bài Phúc Âm hôm nay, ngay sau bài Phúc Âm hôm qua là bài về vấn đề ly dị trong đời sống hôn nhân gia đình giữa vợ chồng với nhau, dường như cũng có một ý nghĩa sâu xa nào đó, như thể hôn nhân gia đình bao gồm cả con cái và liên quan đến cả con cái nữa chứ không phải chỉ có chuyện vợ chồng với nhau mà thôi, và "trẻ nhỏ" cũng là mô phạm linh đạo cho cả ơn gọi sống đời hôn nhân gia đình bao gồm cả trách nhiệm giáo dục nữa vậy.

"Bấy giờ người ta đem các trẻ nhỏ đến với Người, để Người đặt tay cầu nguyện cho chúng. Nhưng môn đồ quát rầy chúng. Song Chúa Giêsu nói: 'Hãy để mặc các trẻ, và đừng ngăn cản chúng đến với Ta, vì Nước Trời thuộc về những người như thế'. Rồi Người đặt tay trên đầu chúng trước khi Người rời khỏi nơi đó".

Bài Phúc Âm tuy ngắn, chỉ vỏn vẹn có 3 câu 13-15 ở đoạn 19 của Thánh ký Mathêu nhưng rất sâu xa về ý nghĩa. Chúng ta hãy lưu ý đến từng chi tiết của bài Phúc Âm sẽ thấy:

"Bấy giờ người ta đem các trẻ nhỏ đến với Người, để Người đặt tay cầu nguyện cho chúng". 


Chúng ta không biết trẻ nhỏ được người ta mang đến cho Chúa Giêsu ở đây bao nhiêu tuổi. Có thể là còn đang được bế trên tay, tức khoảng độ trên dưới 1 tuổi, hay đã có thể
 tự mình bước đi, khoảng độ 3-4 tuổi, nhưng được dìu đến với Chúa.

Dầu sao cũng cho thấy sự kiện rất thực tế đó là trẻ nhỏ cần phải được dẫn đến với Chúa Giêsu chứ tự chúng không thể nào đến với Người, bởi có thể là về thể lý chưa biết đi. Nhất là vì các em chẳng hề biết Người là ai, và thường trẻ con lại hay sợ người lạ mặt nữa. Ở đây chúng ta thấy gợi lên vấn đề giáo dục con cái trong gia đình đó là trước hết và trên hết hãy dạy cho các con về Thiên Chúa, hãy dẫn chúng đến với Đấng đã dựng nên chúng qua cha mẹ chúng.

Trong bài Phúc Âm này, chúng ta thấy mục đích của những người mang trẻ em, có thể là con cái của họ, không biết là bao nhiêu em, đến với Chúa Giêsu với mục đích là "để Người đặt tay cầu nguyện cho chúng". Những người này, thường là cha mẹ của các em, quả thực đã hiểu Chúa Giêsu hơn ai hết, nên mới mang con cái của mình đến với Người, không phải để Người dạy dỗ chúng, vì chúng chưa hiểu được những gì Người nói, cho bằng để cho chúng được gần Người và để chúng được Người chúc lành cho, thế là đủ. Và chính họ cũng được diễm phúc lây, như trường hợp con cái của thành phần Kitô hữu Công giáo ở Quảng Trường Thánh Phêrô thường được Đức Thánh Cha Phanxicô ẵm bế và ôm hôn vậy. 

"Nhưng môn đồ quát rầy chúng". 


Th
ế nhưng, không ngờ, thành phần được gần Chúa Giêsu nhất là các môn đệ của Người lại không hiểu Người bằng thành phần đem con trẻ đến cùng Người trong bài Phúc Âm hôm nay. Bởi đó, các vị thay vì tỏ ra vui mừng hớn hở giúp cho các em đến với Chúa Giêsu Thày mình một cách dễ dàng hơn thì lại ra tay ngăn cản và xua đuổi chúng đi bằng thái độ "quát rầy chúng". 

Các vị có lẽ không ghét bỏ trẻ em đâu. Các em có tội tình gì đâu mà ghét bỏ chúng. Thế nhưng có thể các vị nghĩ rằng Thày của các vị là Đấng cao trọng, không giao tiếp với trẻ con, hay trẻ con không đáng được giao tiếp với Người, vì trẻ con biết gì mà đến với người, trái lại còn làm mất giờ quí báu của Người, chỉ làm phiền Người hơn là làm vui lòng Người. Thái độ của các môn đệ trong trường hợp này quả là còn nặng tính cách quan liêu lắm vậy.

Tuy nhiên, hành động của các vị đã cho thấy là các vị đã hoàn toàn quên rằng Chúa Giêsu Thày của các vị mới trước đó ít lâu đã đặt một em bé ở giữa các vị để chẳng những khuyên các vị là hãy "hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ", mà nhất là còn khẳng định với các vị rằng: "Ai tiếp nhận một trẻ nhỏ như thế này vì danh Thày là tiếp nhận Thày... Đừng bao giờ khinh thường một trong những trẻ nhỏ này" (Mathêu 18:5,10). Đó là lý do Chúa Giêsu đã phải lên tiếng nói với các vị như sau:

"Hãy để mặc các trẻ, và đừng ngăn cản chúng đến với Ta, vì Nước Trời thuộc về những người như thế". 


Ở đây, trong câu nói này, Chúa Giêsu đã lập lại những gì Người đã khẳng định với các môn đệ ở lần trước rằng
 "trừ phi các con hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ các con mới được vào Nước Trời" (Mathêu 18:3). 

Trong lần này, Người còn nhấn mạnh hơn nữa, ở chỗ, nếu Nước Trời là chính bản thân Người, mà "Nước Trời thuộc về những người như thế", tức thuộc về thành phần sống như trẻ nhỏ, thì Người thuộc về những người sống cuộc đời thơ ấu thiêng liêng vậy.

Đó là lý do chỉ có tâm hồn nào sống bé nhỏ mới đến được với Chúa Kitô, mới nhận biết Chúa Kitô, mới tin tưởng vào Người, mới để Người nâng niu yêu thương ấp ủ, nhờ đó mới được hiệp nhất nên một với Chúa Kitô, mới là thành phần cao trọng nhất trên Nước Trời (xem Mathêu 18:4).

 

 

"Rồi Người đặt tay trên đầu chúng trước khi Người rời khỏi nơi đó".


Cử chỉ Chúa Giêsu đặt tay trên đầu các em không phải chỉ đáp ứng lòng mong ước của thành phần người lớn mang các em đến với Người, mà chính các em xứng đáng lãnh nhận phép lành đầy ân sủng của Người. 


Nếu việc đặt tay vẫn bao gồm việc thông ban Thánh Linh thì việc Chúa Giêsu đặt tay trên đầu các em bé ở đây còn có ý nghĩa là Người xác nhận tâm hồn ngây thơ vô tội của các em xứng đáng là nơi Thánh Linh ngự trị.


Việc đặt tay của Chúa Kitô trên đầu các em "trước khi Người rời khỏi nơi đó" còn có nghĩa là Người luôn ở cùng các em, vì Người thuộc về các em, như "Nước Trời thuộc về những người như thế", nhờ Thánh Linh được Người thông ban cho các em qua việc đặt tay của Người trên đầu của các em.