SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO
Chúa Nhật
Lời Chúa
Bài Ðọc I: Is 49, 3. 5-6
"Ta đặt ngươi như ánh sáng các dân tộc, để ngươi nên ơn cứu độ của Ta".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Chúa đã phán cùng tôi: "Hỡi Israel, ngươi là tôi tớ Ta, vì Ta được vinh danh nơi ngươi".
Và bây giờ, Chúa phán, Người đã huấn luyện tôi khi tôi còn trong lòng mẹ, để tôi trở nên tôi tớ Người, để đem Giacóp về cho Người, và quy tụ Israel quanh Người. Tôi được ca tụng trước mắt Chúa và Thiên Chúa là sức mạnh của tôi. Người đã phán: "Làm tôi tớ Ta chẳng có là bao, để tái lập các chi họ Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về; này đây Ta đặt ngươi như ánh sáng các dân tộc để ơn cứu độ của Ta tràn lan khắp địa cầu".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 39, 2 và 4ab. 7-8a. 8b-9. 10
Ðáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa (c. 8a và 9a).
Xướng: 1) Con đã cậy trông, con đã cậy trông ở Chúa, Ngài đã nghiêng mình về bên con, và Ngài đã nghe tiếng con kêu cầu. Ngài đã đặt trong miệng con một bài ca mới, bài ca mừng Thiên Chúa chúng ta. - Ðáp.
2) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở rộng tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: "Này con xin đến". - Ðáp.
3) Như trong quyển vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật Chúa ghi tận đáy lòng con. - Ðáp.
4) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong Ðại Hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi. - Ðáp.
Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 1-3
"Nguyện cho anh em được ân sủng và bình an của Thiên Chúa, Cha chúng ta".
Khởi đầu thư thứ I của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Phaolô, do thánh ý Chúa, được kêu gọi làm Tông đồ của Chúa Giêsu Kitô, và Sôtênê, anh em chúng tôi, kính chào Hội Thánh Chúa ở Côrintô, những người được thánh hoá trong Chúa Giêsu Kitô, được kêu gọi nên thánh, làm một với tất cả mọi người khắp nơi đang kêu cầu thánh danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an của Thiên Chúa Cha chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe, Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 1, 29-34
"Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá tội trần gian".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình liền nói: "Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá tội trần gian. Này tôi đã nói về Ngài: Một người đến sau tôi, nhưng đã có trước tôi, vì Ngài cao trọng hơn tôi. Và tôi, tôi đã không biết Ngài, nhưng để Ngài được tỏ mình ra với Israel, nên tôi đã đến làm phép rửa trong nước". Và Gioan đã làm chứng rằng: "Tôi đã thấy Thánh Thần như chim bồ câu từ trời đáp xuống và ngự trên Ngài. Về phần tôi, tôi đã không biết Ngài. Nhưng Ðấng sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi: "Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Ðấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần". Tôi đã thấy và tôi làm chứng: chính Ngài là Con Thiên Chúa".
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
"Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, là Vua Dân Do Thái, thế nhưng không phải bằng quyền năng của thế giới này, mà là như Con Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh vác và xóa tội trần gian... Giáo Hội ở mọi lúc được kêu gọi thực hiện những gì Thánh Gioan đã làm, đó là chỉ cho dân chúng Chúa Giêsu"
Xin chào anh chị em thân mến!
Ở tâm điểm của bài Phúc Âm hôm nay là lời này của Thánh Gioan Tẩy Giả: "Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian!" (câu 29) - lời tuyên bố được kèm theo một cái nhìn và cử chỉ của bàn tay chỉ về Ngưòi là Đức Giêsu.
Chúng ta hãy tưởng tượng cảnh tượng này. Chúng ta đang ở trên bờ sông Jordan, Thánh Gioan đang làm phép rửa; có rất nhiều người, cả nam lẫn nữ ở các thứ tuổi khác nhau, đã đến đó, đến con sông này, để lãnh nhận Phép Rửa từ bàn tay của con người đã nhắc nhở nhiều đến Elia, vị đại tiên tri sống 9 thế kỷ trước đó đã thanh tẩy dân Do Thái khỏi ngẫu tượng để đưa họ về với đức tin chân thật ở nơi vị Thiên Chúa của Giao Ước, Vị Thiên Chúa của Abraham, Isasac và Giacóp.
Gioan rao giảng rằng Vương Quốc của Thiên Chúa gần đến, Đấng Thiên Sai sắp tỏ Mình ra và cần phải dọn mình, hoán cải và thực thi công chính; và ngài bắt đầu làm phép rửa ở sông Jordan để cống hiến cho dân chúng một phương tiện thống hối cụ thể (xem mathêu 3:1-6). Những con người này tuốn đến để tỏ lòng thống hối tội lỗi của họ, để làm việc đền tội, để bắt đầu lại đời sống. Ngài biết, Thánh Gioan biết rằng Đấng Thiên Sai, vị được thánh hiến của Chúa, bấy giờ đã gần đến, và dấu hiệu để nhận biết Người đó là Thánh Linh sẽ đậu xuống trên Người; thật vậy, Người sẽ mang Phép Rửa đích thực đến, Phép Rửa trong Thánh Linh (xem Gioan 1:33).
Này, thời điểm đã đến: Chúa Giêsu xuất hiện trên bờ sông này, giữa dân chúng, giữa các tội nhân - như tất cả chúng ta - Hành động công khai đầu tiên của Người, việc đầu tiên Người làm khi Người rời nhà ở Nazarét vào lúc 30 tuổi, đó là Người xuống Giuđêa, đến sống Jordan và xin Thánh Gioan làm phép rửa cho Người. Chúng ta biết những gì đã xẩy ra - chúng ta đã cử hành điều ấy vào Chúa Nhật vừa rồi - đó là Thánh Linh đậu xuống trên Chúa Giêsu với hình một con chim câu và tiếng của Chúa Cha tuyên bố Người là Con yêu dấu (xem Mathêu 3:16-17). Đó là dấu chỉ mà Thánh Gioan mong đợi. Chính là Người! Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai. Thánh Gioan đã bối rối vì Người tỏ mình ra một cách không thể nào tượng tượng nổi, đó là giữa các tội nhân, được lãnh nhận phép rửa như họ, đúng hơn bởi họ. Tuy nhiên, Thần Linh soi sáng cho Thánh Gioan và làm cho ngài hiểu rằng nhờ thế mới hoàn trọn công lý của Thiên Chúa, mới hoàn trọn dự án cứu độ của Người: Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, là Vua Dân Do Thái, thế nhưng không phải bằng quyền năng của thế giới này, mà là như Con Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh vác và xóa tội trần gian.
Thánh Gioan đã khẳng định về Người như thế với dân chúng cũng như với các môn đệ của mình, vì Thánh Gioan có đông đảo thành phần môn đệ, những người đã chọn ngài là vị hướng dẫn thiêng liêng, và thực sự một số trong họ sẽ trở thành môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu. Chúng ta biết rõ tên gọi của họ, đó là Simon sau được gọi là Phêrô, em là Anrê, Giacôbê và em là Gioan - tất cả đều làm nghề đánh cá, tất cả đều là người Galilêa, như Chúa Giêsu.
Anh chị em thân mến, tại sao chúng ta dừng lại ở cảnh tượng này lâu như thế? Bởi vì nó là những gì quan trọng! Nó không phải là một thứ giai thoại. Nó là một sự kiện lịch sử quan trọng! Cảnh tượng này quan trọng cho đức tin của chúng ta, và cũng quan trọng đối với sứ vụ của Giáo Hội nữa. Giáo Hội ở mọi lúc được kêu gọi thực hiện những gì Thánh Gioan đã làm, đó là chỉ cho dân chúng Chúa Giêsu, mà rằng: "Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian!" Người là Đấng Cứu Thế duy nhất! Người là Chúa, khiêm hạ ở giữa các tội nhân, thế nhưng chính Người, chính Người chứ không có một ai quyền năng đến nữa: không có, không có, chính là Người!
Đó là những lời mà linh mục chúng ta hằng ngày lập lại trong Thánh Lễ, khi chúng ta trưng lên cho dân chúng thấy bánh và rượu đã trở nên Mình và máu của Chúa Kitô. Cử chỉ phụng vụ này tiêu biểu cho tất cả sứ vụ của Giáo Hội, một Giáo Hội không loan báo bản thân mình. Khốn thay, khốn thay khi Giáo Hội loan báo về bản thân mình; Giáo Hội bị mất định hướng, không còn biết đi đâu nữa! Giáo Hội loan truyền Chúa Kitô; Giáo Hội không mang đến bản thân mình mà là Chúa Kitô. Vì chính Người, một mình Người là Đấng cứu độ dân của Người khỏi tội lỗi, Đấng giải thoát họ và hướng dẫn họ đến mảnh đất tự do đích thực.
Xin Trinh Nữ Maria, Mẹ của Chiên Thiên Chúa, giúp chúng ta tin vào Người và theo Người.
https://zenit.org/articles/angelus-address-on-the-need-to-prepare-for-christs-coming/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu
Bấy giờ vị Tẩy Giả thấy Chúa Giêsu đang tiến đến giữa đám đông dân chúng, và được soi động từ trên Cao, ngài đã nhận ra nơi Người Đấng được Thiên Chúa sai đến; bởi thế ngài nhắm đến Người bằng những lời này: "Kìa, Con Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian!" (Gioan 1:29). Động từ được chuyển dịch như "xóa bỏ" theo nghĩa đen là "nâng lên", là "nhận lấy vào thân". Chúa Giêsu đã đến thế giới với một sứ vụ đích thực đó là giải thoát thế giới khỏi tình trạng làm nô lệ cho tội lỗi bằng cách tự ôm lấy tội lỗi của nhân loại. Ra sao? Với tình yêu. Không còn cách nào khác để chế ngự sự dữ và tội lỗi ngoài tình yêu là yếu tố đưa đến chỗ hiến mạng sống mình cho người khác.... Người là Chiên Vượt Qua thực sự, Đấng dìm mình vào giòng sông tội lỗi của chúng ta để thanh tẩy chúng ta.
... Hình ảnh con chiên có thể là những gì ngỡ ngàng; thật vậy, một con thú thật sự không có gì là mạnh mẽ và cường tráng lại mang trên vai mình một gánh nặng đè nén. Cái khối khổng lồ sự dữ được lấy đi và được cất bỏ bởi một tạo vật yếu đuối và mỏng dòn, tiêu biểu cho đức tuân phục, dễ dạy và tình yêu không chống cự đến độ hiến mình hy sinh. Con chiên không phải là một tay cai trị mà là dễ dậy, nó không hung hăng mà là an bình; nó không có nanh vuốt trên mặt để tấn công; trái lại, nó chịu đựng và thuận phục. Chúa Giêsu là thế. Chúa Giêsu như vậy đó, như một con chiên.
... Là thành phần môn đệ của Con Chiên nghĩa là không sống như một "thành quách bị vây hãm - besieged citadel", mà như là một thành ở trên một ngọn đồi, mở ra, tiếp nhận và nâng đỡ.
http://w2.vatican.va/content/francesco/en/angelus/2014/documents/papa-francesco_angelus_20140119.html
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch
Thứ Hai
Lời Chúa
Bài Ðọc I: (năm I) Dt 5, 1-10
"Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Tất cả các vị Thượng tế được chọn giữa loài người, nên được đặt lên thay cho loài người mà lo việc Chúa, để hiến dâng lễ vật và hy lễ đền tội. Người có thể thông cảm với những kẻ mê muội và lầm lạc, vì chính người cũng mắc phải yếu đuối tư bề. Vì thế cũng như người phải dâng lễ đền tội thay cho dân thế nào, thì người dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy. Không ai được chiếm vinh dự đó, nhưng phải là người được Thiên Chúa kêu gọi, như Aaron. Cũng thế, Ðức Kitô không tự dành lấy quyền làm thượng tế, nhưng là Ðấng đã nói với Người rằng: "Con là Con Cha, hôm nay Cha sinh ra Con". Cũng có nơi khác Ngài phán: "Con là Tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê". Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Ðấng có thể cứu Mình khỏi chết, và vì lòng thành kính, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người. Người được Thiên Chúa gọi là Thượng tế theo phẩm hàm Menkixêđê.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 109, 1. 2. 3. 4.
Ðáp: Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê (c. 4bc).
Xướng: 1) Thiên Chúa đã tuyên bố cùng Chúa tôi rằng: "Con hãy ngồi bên hữu Ta, cho tới khi Ta bắt quân thù làm bệ kê dưới chân Con". - Ðáp.
2) Ðức Thiên Chúa từ Sion sẽ phô bày vương trượng quyền bính của Ngài, rằng: "Con hãy thống trị giữa quân thù". - Ðáp.
3) Các thủ lãnh cùng hiện diện bên Con, ngày Con giáng sinh trong thánh thiện huy hoàng: trước rạng đông, tựa hồ sương sa, Ta đã sinh hạ ra Con". - Ðáp.
4) Ðức Thiên Chúa đã thề và không hối hận rằng: "Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê". - Ðáp.
Alleluia: Tv 144, 13cd
Alleluia, alleluia! - Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện
trong mọi việc Chúa làm. - Alleluia.
Phúc
Âm: Mc 2, 18-22
"Tân lang còn ở với họ".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi
ấy, môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, họ đến nói với Chúa Giêsu
rằng: "Tại sao môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, còn môn đồ Ngài
lại không ăn chay?" Chúa Giêsu nói với họ: "Các khách dự tiệc cưới có thể ăn
chay khi tân lang còn ở với họ không? Bao lâu tân lang còn ở với họ, thì họ
không thể ăn chay được. Nhưng sẽ đến ngày tân lang bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn
chay. Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ, chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà
kéo áo cũ, và chỗ rách lại tệ hơn. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ,
chẳng vậy, rượu sẽ làm vỡ bầu da, và rượu đổ, bầu da hư. Nhưng rượu mới phải để
trong bầu da mới".
Ðó là
lời Chúa.
Suy niệm
Đức Kitô Tân
Lang
Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Hai đầu Tuần 2 Thường Niên hậu Giáng Sinh, vẫn tiếp tục chủ đề "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" của chung Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh. Ở chỗ nào?
Bài Phúc Âm Chúa Nhật II Thường Niên hậu Giáng Sinh Chu Kỳ Phụng Vụ Năm C hôm qua về tiệc cưới Cana, một biến cố cần phải có để mở màn cho việc Chúa Kitô tỏ mình ra cho các môn đệ tiên khởi của Người, nhờ đó đã làm cho các vị tin vào Người.
Bài Phúc Âm hôm nay, để trả lời cho vấn nạn được "môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay" đặt ra "Tại sao môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, còn môn đồ Ngài lại không ăn chay?", Chúa Giêsu đã tự ví mình và tự nhận mình là "tân lang", và cho biết lý do các môn đệ của Người được Người ví như là thành phần "các khách dự tiệc cưới", không ăn chay như thành phần đặt vấn đề với Người đó là vì "tân lang còn ở với họ".
Thật vậy, sở dĩ "các môn đồ Ngài lại không ăn chay?" bởi vì Người "còn ở với họ", tức là Người còn đang cần thời gian để tiếp tục và từ từ tỏ mình ra cho họ để họ có thể hân hoan vui sướng nhận biết Người mỗi ngày một hơn, và càng nhận biết Người họ càng kính phục Người và yêu mến Người, nhờ đó họ mới có thể trở thành chứng nhân tiên khởi của Người và cho Người, đúng như ý nguyện và mục đích Người tuyển chọn họ làm nhóm 12 của Người.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà các môn đệ của Người không phải chay tịnh, một thứ chay tịnh nếu có và nếu cần lại hoàn toàn không phải như thành phần "môn đồ của Gioan và các người biệt phái" đã làm, mà là một thứ chay tịnh không còn được ở với Người nữa, không còn được thấy Người tận mắt, nghe Người tận tai và động chạm đến Người tận tay (xem 1Gioan 1:1), trái lại các vị chỉ giao tiếp với Người hoàn toàn bằng đức tin thuần túy trong tăm tối của giác quan và cảm thức, nghĩa là "ngày tân lang bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay", ở chỗ "Các con sẽ than khóc trong khi thế gian vui mừng" (Gioan 16:20).
Thế nhưng, việc chay tịnh hay cách chay tịnh của các môn đệ Chúa Giêsu này không phải là những gì hủy hoại mà là những gì thăng hoa, thăng tiến, hoan hỉ: "Nếu các con yêu mến Thày thì các con phải vui mừng vì Thày về cùng Cha vì Cha là Đấng cao trọng hơn Thày" (Gioan 14:28). Bởi vì, nhờ Thày về cùng Cha là Đấng cao trọng hơn Thày với tư cách Ngài là Đấng đã sai Thày như thế mà các vị, cho dù không còn thấy và ở với Người nữa, mới càng nhờ thế có thể đạt đến chỗ thần hiệp nên một với Người: "Thày ở đâu các con cũng được ở đó" (Gioan 14:3).
Như thế, trong chính sự vắng bóng của mình, khuất dạng của mình, "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" lại càng tỏ mình ra hơn bao giờ hết, lại càng hiển linh hơn hết... trước con mắt thuần túy đức tin siêu nhiên của các môn đệ Người.
Đó là lý do phần còn lại của bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu mới nói thêm những lời quan trọng và thiết yếu cho việc sống đạo sau đây: "Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ, chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà kéo áo cũ, và chỗ rách lại tệ hơn. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, rượu sẽ làm vỡ bầu da, và rượu đổ, bầu da hư. Nhưng rượu mới phải để trong bầu da mới".
Cái "mới" và "cũ" được Chúa Giêsu đề cập tới trong bài Phúc Âm hôm nay liên quan đến vấn đề chay tịnh đây là gì, nếu không phải cái "mới" đây là đức tin (của Tân Ước) và cái "cũ" đây là nghi thức hay hình thức hoặc lễ vật bề ngoài (của Cựu Ước), và vì thế, "rượu mới" và "bầu da mới" đây chính là "tinh thần và chân lý" được Chúa Giêsu nói đến trong trường hợp Người trao đổi với người phụ nữ Samaritanô bên bờ giếng Giacóp về thực tại "Thiên Chúa là Thần Linh nên những ai tôn thờ Thiên Chúa đích thực thì cũng phải tôn thờ Ngài trong tinh thần và chân lý" (Gioan 4:24).
Thứ Ba
Lời Chúa
Bài Ðọc I: (năm I) Dt 6, 10-20
"Chúng ta có một niềm tin đặt trước mặt như chiếc neo chắc chắn và bền vững".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, Thiên Chúa không bất công đến nỗi quên công trình của anh em và lòng bác ái anh em đã tỏ ra vì danh Người, anh em là những người đã phục vụ và hiện đang phục vụ các thánh. Chúng tôi mong ước mỗi người anh em thi thố cũng một lòng hăng hái đó để giữ vững niềm hy vọng đến cùng, ngõ hầu anh em không trễ nải, nhưng sẽ noi gương những kẻ nhờ tin tưởng và kiên nhẫn mà hưởng thụ các điều đã hứa.
Quả thật, khi Thiên Chúa hứa cùng Abraham, Người không dựa vào ai lớn hơn mà thề, nhưng dựa vào chính Mình mà thề rằng: "Ta sẽ chúc phúc cho ngươi và sẽ cho ngươi sinh sản ra nhiều". Do đó, Abraham kiên nhẫn chờ đợi, nên được hưởng lời hứa. Vì chưng, loài người dựa vào kẻ lớn hơn mình mà thề, và lời thề được coi như bảo chứng chấm dứt mọi tranh tụng. Cũng vậy, vì Thiên Chúa muốn minh chứng cho những kẻ hưởng thụ lời hứa ý định bất di bất dịch của Người, nên đã làm lời thề, để nhờ hai điều bất di bất dịch mà Thiên Chúa không thể sai lời, thì chúng ta là những người tìm ẩn náu nơi niềm hy vọng đã ban cho chúng ta, chúng ta có một nguồn yên ủi chắc chắn. Trong niềm hy vọng đó, linh hồn chúng ta có một chiếc neo chắc chắn và bền vững, cắm vào tận bên trong bức màn, nơi Ðức Giêsu đã vào như vị tiền phong của chúng ta, Người được phong làm Thượng tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 110, 1-2. 4-5. 9 và 10c
Ðáp: Cho tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 5b).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trong nhóm hiền nhân và trong Công hội. Vĩ đại thay công cuộc của Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu quan tâm học hỏi. - Ðáp.
2) Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng nhớ, Người thật là Ðấng nhân hậu từ bi. Chúa đã ban lương thực cho những ai tôn sợ Người, cho tới muôn đời Người vẫn nhớ lời minh ước. - Ðáp.
3) Chúa đã gởi tặng ơn giải phóng cho dân Người, đã thiết lập lời minh ước tới muôn đời, danh Người thực là thánh thiện và khả uý. Lời khen ngợi Chúa còn tồn tại đến muôn đời. - Ðáp.
Alleluia: Ga 8, 12
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta sẽ được ánh
sáng ban sự sống". - Alleluia.
Phúc
Âm: Mc 2, 23-28
"Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Vào
một ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, môn đệ Người vừa đi vừa bứt lúa.
Tức thì những người biệt phái thưa Người rằng: "Kìa Thầy xem. Tại sao ngày
Sabbat người ta làm điều không được phép như vậy?" Người trả lời rằng: "Các ông
chưa bao giờ đọc thấy điều mà Ðavít đã làm khi ngài và các cận vệ phải túng cực
và bị đói ư? Người đã vào nhà Chúa thời thượng tế Abiata thế nào, và đã ăn bánh
dâng trên bàn thờ mà chỉ mình thượng tế được ăn, và đã cho cả các cận vệ cùng ăn
thế nào?" Và Người bảo họ rằng: "Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không
phải loài người vì ngày Sabbat; cho nên Con Người cũng làm chủ cả ngày Sabbat".
Ðó là
lời Chúa.
Suy niệm
Đức Kitô Chủ
Tể
Ngày Thứ Ba hôm nay,
trong Tuần 2
Thường Niên hậu Giáng Sinh, chủ đề "Người
Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý"
của chung Mùa Thường
Niên hậu Giáng Sinh được
tỏ hiện ngay lời tuyên bố của Chúa Kitô về chính bản thân Người
rằng: "Con
Người cũng làm chủ cả ngày Sabbat".
Thật thế, câu
tuyên bố này của Người xẩy ra trong trường hợp đưọc bài Phúc Âm hôm nay
thuật lại là "vào
một ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, môn đệ Người vừa đi vừa bứt
lúa. Tức thì những người biệt phái thưa Người rằng: 'Kìa Thầy xem. Tại sao
ngày Sabbat người ta làm điều không được phép như vậy?'".
Trong
câu giải đáp của
mình cho lời
trách móc hơn là vấn nạn của những người biệt phái bấy giờ, Chúa Giêsu bề
ngoài có
vẻ như biện minh cho hành động
các môn đệ của Người làm khiến cho các người biệt phái ấy ngứa cặp mắt
duy luật của
họ, thế nhưng
thật ra Người có ý bênh
vực tinh thần của lề luật để giúp
cho chính những người biệt phái ấy
thấy được tất cả sự thật về luật lệ mà họ thông thạo và hằng tuân thủ một
cách chặt chẽ và nghiêm chỉnh, nhờ đó
họ có thể sống đẹp
lòng Thiên Chúa hơn.
Trước hết, như
trong bài Phúc Âm hôm nay cho thấy, Người đã
dẫn chứng một trường hợp không được phép làm mà vẫn được làm trong trường
hợp khẩn cấp ở trong Cựu Ước liên quan đến "điều mà Vua Đavít
làm khi
ngài và các cận vệ phải túng cực và bị đói ư? Người đã vào nhà Chúa thời
thượng tế Abiata thế nào, và đã ăn bánh dâng trên bàn thờ mà chỉ mình thượng
tế được ăn, và đã cho cả các cận vệ cùng ăn thế nào?"
Sau
nữa, từ
trường hợp không được
phép làm mà vẫn được làm trong trường hợp khẩn cấp ở trong Cựu Ước liên
quan đến Vua Đavít ấy,
Chúa Giêsu đã đi đến kết luật liên quan đến tinh thần của lề luật là những
gì trực tiếp liên hệ tới mục đích của lề luật như
sau: "Ngày
Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat; cho
nên Con Người cũng làm chủ cả ngày Sabbat".
Có nghĩa là
luật lệ được lập ra và ban bố là vì loài
người, để
phục vụ loài người như chủ nhân ông của nó, như là mục tiêu của nó, hầu mang
lại lợi ích thiêng liêng cho họ, giúp họ thăng tiến, vươn lên, được
cứu độ, chứ không phải để hủy diệt họ, khiến họ bị mất tự do, biến họ trở
thành nô lệ lề luật, khi lề
luật không
còn thuần túy là
một phương
tiện cho họ mà
là cùng đích của con người, nhất
là đối với thành phần duy luật, thành phần cần phải được giải cứu cho khỏi
cảnh làm nô lệ cho lề luật, nhờ bởi "Con
Người cũng làm chủ cả ngày Sabbat", như
Người làm cho họ trong bài Phúc Âm hôm nay.
Những
gì "cũ" kỹ được
Chúa đề
cập đến trong bài Phúc Âm hôm qua có liên quan mật thiết đến những gì Người
nói về lề luật trong bài Phúc Âm hôm nay: "áo
cũ" đây
phải chăng là chữ nghĩa của lệ luật, hoàn toàn không hợp với tấm "vải mới" được
Người cung cấp là ý nghĩa đích thực liên quan đến mục đích chính yếu của lề
luật theo những
lời dẫn giải của Người, và
"bầu da cũ" đây phải
chăng là chủ
trương và thái độ
duy luật,
hoàn toàn không hợp với và không thể nào chấp nhận thứ "rượu
mới" hay
chứa đựng nổi thứ "rượu
mới"
là tinh thần
yêu thương bác ái làm nên chính lệ
luật và làm
trọn lề luật (xem
Roma 13:10).
Bài Đọc
1 cho Năm Chẵn hôm nay là câu chuyện về Tiên
Tri Samuel được
lệnh Thiên Chúa sai "đi
đến Bêlem" để
"xức
dầu" phong
vương
cho một người đã được Ngài tuyển chọn thay cho vị vua đương kim bấy giờ là
Saulê mà Ngài "đã
loại bỏ không cho cai trị Israel nữa". Vị
vua tương lai thay cho Vua Saulê ấy "là ai?", Thiên Chúa không tiết
lộ cho Tiên Tri Samuel biết khi sai ông đi đến quê hương
của vị vua này là Bêlem. Để
rồi, trong việc nhận diện vị vua tương lai được Ngài tuyển chọn mới xuất
hiện một tiêu chuẩn liên quan đến ý nghĩa của Bài Phúc Âm hôm nay về lề luật
và thành phần duy luật chỉ vụ hình thức hơn là tinh thần.
Thứ Tư
Lời Chúa
Bài Ðọc I: (năm I) Dt 7, 1-3. 15-17
"Ngươi là tư tế theo phẩm hàm Menkixêđê tới muôn đời".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, Menkixêđê này là vua Salem, tư tế của Thiên Chúa Tối Cao, ông đã đi đón Abraham đang trên đường về sau khi đánh bại các vua, ông chúc lành cho Abraham. Và Abraham dâng cho ông một phần mười các chiến lợi phẩm. Giải nghĩa tên ông, trước tiên thấy tên ông mang tên vua công chính, rồi ông lại còn là vua Salem, nghĩa là vua hoà bình. Ông không cha không mẹ, không gia phả, không ngày sinh, không ngày tử, nhưng ông được so sánh với Con Thiên Chúa, nên ông làm tư tế muôn đời.
Việc còn hiển nhiên hơn nữa, nếu một tư tế khác được thiết lập theo phẩm hàm Menkixêđê, không phải chiếu theo luật xác thịt quy định, nhưng chiếu theo quyền năng của sự sống bất diệt. Vì đã chứng thực về ngài rằng: "Ngươi là tư tế theo phẩm hàm Menkixêđê tới muôn đời".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 109, 1. 2. 3. 4
Ðáp: Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê (c. 4bc).
Xướng: 1) Thiên Chúa đã tuyên bố cùng Chúa tôi rằng: "Con hãy ngồi bên hữu Ta, cho tới khi Ta bắt quân thù làm bệ kê dưới chân Con". - Ðáp.
2) Ðức Thiên Chúa từ Sion sẽ phô bày vương trượng quyền bính của Ngài, rằng: "Con hãy thống trị giữa quân thù". - Ðáp.
3) Các thủ lãnh cùng hiện diện bên Con, ngày Con giáng sinh trong thánh thiện huy hoàng: "Trước rạng đông, tựa hồ sương sa, Ta đã sinh hạ ra Con". - Ðáp.
4) Ðức Thiên Chúa đã thề và không hối hận rằng: "Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê. - Ðáp.
Alleluia: Ga 6, 64b và 69b
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống. Chúa
có những lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 3, 1-6
"Trong ngày Sabbat được cứu sống hay là giết chết?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu lại vào hội đường và ở đó có một người khô bại một tay.
Người ta để ý quan sát xem Chúa có chữa bệnh trong ngày Sabbat không, để tố
cáo Người. Chúa bảo người có tay khô bại rằng: "Ngươi hãy đứng ra giữa đây".
Rồi Người bảo họ: "Trong ngày Sabbat được làm sự lành hay sự dữ? Ðược cứu
sống hay là giết chết?" Nhưng họ thinh lặng. Bấy giờ Người thịnh nộ đưa mắt
nhìn họ và buồn phiền vì lòng họ chai đá, Người bảo bệnh nhân rằng: "Hãy giơ
tay ra". Người đó giơ tay ra và tay anh ta được lành. Lập tức, những người
biệt phái đi ra bàn tính với những kẻ thuộc phái Hêrôđê chống đối Người và
tìm cách hại Người.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
Đức Kitô vĩ đại
Ngày Thứ Tư trong Tuần 2 Thường Niên hậu Giáng Sinh hôm nay, bài Phúc Âm của Thánh ký Marcô vẫn liên tục với bài Phúc Âm hôm qua, chẳng những về bố cục trước sau của cuốn sách Phúc Âm thứ hai này mà còn liên tục cả về ý nghĩa của hai bài Phúc Âm này nữa.
Bài Phúc Âm hôm nay được Giáo Hội chọn đọc thích hợp với chủ đề chung của Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh "Người Con đến từ Cha ... đầy ân sủng và chân lý", ở chỗ, người chẳng những chữa lành cho "một người khô bại một tay" mà còn mở mắt cho thành phần thông luật nhưng duy luật biệt phái về tinh thần của lề luật, bằng câu hỏi được Người đặt ra cho họ tự suy nghĩ: "Trong ngày Sabbat được làm sự lành hay sự dữ? Ðược cứu sống hay là giết chết?"
Bài Phúc Âm hôm nay cũng như bài Phúc Âm hôm qua đều liên quan đến ngày hưu lễ là thời điểm được chung dân chúng và riêng nhóm biệt phái cùng luật sĩ tuân giữ rất kỹ lưỡng và đã thấy ngứa mắt trước những hành động của các môn đệ Chúa Giêsu bứt lúa mà ăn trong ngày hưu lễ (ở bài Phúc Âm hôm qua) hay của chính Chúa Giêsu chữa lành cho người bị bại tay trong ngày hưu lễ (ở bài Phúc Âm hôm nay).
Cả hai lần Chúa Giêsu đều nhắc nhở thành phần theo dõi và bắt bẻ các môn đệ của Người cũng như bắt bẻ chính Người về tinh thần chính yếu của lề luật cũng như mục đích của lề luật đối với vị thế cùng giá trị của con người so vị thế và giá trị của lề luật. Vấn đề then chốt này cũng chính là vấn đề then chốt của Giáo Huấn Giáo Hội Công Giáo về xã hội ngày nay, một bộ giáo huấn bắt đầu từ thời Đức Lêô XIII sau khi chủ nghĩa cộng sản xuất hiện.
Thật vậy, yếu tố chính yếu làm nên trọng tâm của Giáo Huấn của Giáo Hội về xã hội đó là con người, một thực thể phải được coi trọng theo đúng dự án tạo dựng của Thiên Chúa Hóa Công, ở chỗ con người phải làm chủ trái đất chứ không phải làm tôi cho những gì được dựng nên cho họ (xem Khởi Nguyên 1:28), bởi thế, tất cả mọi sự, bao gồm cả sự vật trần thế và sự việc trên đời, tất cả mọi hoạt động của con người, về phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học v.v. đều phải phục vụ con người, chứ không được coi thường họ và lạm dụng họ như chủ nghĩa cộng sản hay văn hóa sự chết.
Trái lại, cho dù con người đóng vai chính yếu trên trần gian này, trên trái đất này, họ vẫn không thể nào trở thành tối cao, là cùng đích của mình, trở thành tuyệt đối như Thượng Đế, như Thiên Chúa, như Đấng dựng nên họ. Bởi thế, tất cả những chủ nghĩa tôn sùng con người, được gọi là chủ nghĩa duy nhân bản, như chủ trương tương đối hóa mọi nguyên tắc và lề luật luân lý bất di bất dịch, để tuyệt đối hóa tự do và ý riêng của con người, cũng tác hại chính con người, mang con người đến chỗ diệt vong chẳng khác gì chủ nghĩa cộng sản và văn hóa sự chết coi thường con người vậy.
Nếu trong bài Phúc Âm hôm qua, Chúa Giêsu, "Người Con đến từ Cha" đã tỏ mình ra "đầy ân sủng và chân lý", khi tự xưng mình là "Chúa của cả ngày hưu lễ", thì trong bài Phúc Âm hôm nay "Người Con đến từ Cha" đã tỏ mình ra "đầy ân sủng và chân lý", ở chỗ chữa lành cho "một người khô bại một tay".
Thật ra, tật "khô bại một tay", so với các trường hợp bệnh tật khác, như phong cùi, bại liệt, què quặt, mù lòa, câm điếc v.v., thì chỉ là chuyện nhỏ, không đáng kể là bao nhiêu. Tuy nhiên, chính ở cái nho nhỏ, không đáng kể là bao nhiêu ấy mà vẫn được Người lưu tâm đáp ứng cứu chữa, nhất nữa lại vào ngày hữu lễ nữa, lại càng cho thấy chân dung tuyệt vời của "Người Con đến từ Cha ... đầy ân sủng và chân lý" này.
Đúng thế, cho dù chỉ bị "khô bại một tay", thân xác của con người vẫn không được vẹn toàn đúng như nó đã được Thiên Chứa dựng nên "rất tốt đẹp" (Khởi Nguyên 1:31) ngay từ ban đầu, và khả năng hoạt động của con người vẫn bị ngăn trở, không được tự do, tức vẫn cần phải được cứu chữa hay cần phải được giải thoát để có thể nguyên vẹn hơn về hình hài cùng tầm vóc và đắc lực hơn về hoạt động cùng phục vụ.
Thứ Năm
Lời Chúa
Bài Ðọc I: (năm I) Dt 7, 25 - 8, 6
"Người chỉ dâng của lễ một lần khi hiến dâng chính Mình".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, Chúa Giêsu có thể cứu độ cách vĩnh viễn những ai nhờ Người mà đến với Thiên Chúa, vì Người hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta.
Phải, vì chúng ta cần một vị Thượng tế thánh thiện, vô tội, tinh tuyền, tách biệt khỏi kẻ tội lỗi và đã được nâng cao trên các tầng trời. Người không cần phải như các tư tế hằng ngày dâng của lễ, trước là đền tội lỗi mình, sau là đền tội lỗi dân chúng, vì Người làm việc ấy chỉ có một lần khi hiến dâng chính Mình. Vì Lề luật thì đặt những người yếu đuối làm tư tế, còn lời thề có sau Lề luật, thì đặt Người Con hoàn hảo làm thượng tế đến muôn đời.
Ðiểm chính yếu về các điều đang đề cập đến là: chúng ta có một Thượng tế như thế ngự bên hữu Ðấng Tối Cao trên trời, với tư cách là chủ tế trong đền thờ, và trong nhà tạm chân thật mà Chúa - chứ không phải người phàm - đã dựng nên. Quả thật, mọi thượng tế được đặt lên là để hiến dâng lễ vật và hy tế, vì thế, vị thượng tế này cần phải có gì để hiến dâng. Vậy nếu Người còn ở trần gian, thì Người cũng không phải là tư tế, vì đã có những người phụ trách hiến dâng của lễ theo lề luật. Việc phượng tự mà họ làm chỉ là hình bóng những thực tại trên trời, như lời đã phán cùng Môsê khi ông sắp dựng nhà tạm rằng: Chúa phán: "Ngươi hãy xem, ngươi sẽ làm mọi sự theo mẫu Ta đã chỉ cho ngươi trên núi". Hiện giờ vị Thượng tế của chúng ta đã lãnh một chức vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là Ðấng trung gian của một giao ước tốt hơn, mà giao ước ấy được thiết lập trên những lời hứa rất tốt lành.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 39, 7-8a. 8b-9. 10. 17
Ðáp: Lạy Chúa, này con xin đến, để thực thi ý Chúa (c. 8a và 9a).
Xướng: 1) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở rộng tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: "Này con xin đến". - Ðáp.
2) Như trong quyển vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con. - Ðáp.
3) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong Ðại hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi. - Ðáp.
4) Hãy mừng vui hoan hỉ trong Chúa, bao nhiêu kẻ tìm Chúa, và luôn luôn nói: Chúa thực là cao cả! bao nhiêu kẻ mong ơn phù trợ của Ngài. - Ðáp.
Alleluia: Mt 4, 4b
Alleluia, alleluia! - Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do
miệng Thiên Chúa phán ra. - Alleluia.
Phúc
Âm: Mc 3, 7-12
"Các thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu lên rằng: "Ngài là Con Thiên
Chúa", nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi
ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ lui về bờ biển, đám đông từ Galilêa theo Người,
và từ Giuđêa, Giêrusalem, Iđumê, bên kia sông Giođan, miền Tyrô và Siđon, nhiều
kẻ đến cùng Người, khi nghe biết tất cả những việc Người đã làm. Vì đông dân
chúng, nên Người bảo các môn đệ liệu cho Người một chiếc thuyền, kẻo họ chen lấn
Người. Vì chưng, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, nên bất cứ ai mắc bệnh tật
gì đều đến gần để động đến Người. Và những thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp
lạy và kêu lên rằng: "Ngài là Con Thiên Chúa", nhưng Người nghiêm cấm chúng
không được tiết lộ gì về Người.
Ðó là
lời Chúa.
Suy niệm
Đức Kitô ảnh hưởng
Bài Phúc Âm cho Thứ
Năm trong Tuần
2 Thường Niên hậu Giáng Sinh hôm nay càng phản ảnh chủ đề "Người
Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý"
của chung Mùa Thường
Niên hậu Giáng Sinh, liên
quan đến tầm ảnh hưởng hầu như khắp đất nước Do Thái bấy giờ của Người,
trong khi Người mới chỉ công khai xuất
hiện chưa được bao lâu.
Thật vậy, tầm ảnh hưởng của "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" này bao gồm một địa dư chẳng những ở miến bắc là Galilêa mà còn xuống tới tận miền nam là Giuđêa của đất nước Do Thái bấy giờ nữa, một vùng đất, theo thứ tự trình thuật của Thánh ký Marco, Người chưa hề đặt chân tới và chỉ sẽ tới sau khi hoàn thành cuộc hành trình Giêrusalem của Người vào những ngày cuối cùng của Người sống trên trần gian này thôi.
Bài Phúc Âm hôm nay đã ghi nhận sự kiện liên quan đến tầm ảnh hưởng của Người đầy ấn tượng xẩy ra như một hiện tượng này ở ngay câu mở đầu như sau: "Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ lui về bờ biển, đám đông từ Galilêa theo Người, và từ Giuđêa, Giêrusalem, Iđumê, bên kia sông Giođan, miền Tyrô và Siđon, nhiều kẻ đến cùng Người, khi nghe biết tất cả những việc Người đã làm".
Đám đông dân chúng từ khắp nơi đua nhau ùn ùn kéo tới với "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" này như thế, mà ai tới cũng muốn được gần Người bao nhiêu có thể, thậm chí muốn trực tiếp đụng chạm đến Người, nhất là thành phần bệnh nhân và khuyết tật nhân, chẳng khác gì như đám đông dân chúng nghênh đón Đức Giáo Hoàng vào những lần ngài tông du khắp nơi trên thế giới, ai cũng muốn đến gần và chạm đến vị thừa kế Thánh Phêrô đại diện Chúa Kitô trên trần gian này.
Tuy nhiên, ngày nay vấn đề an ninh ở khắp nơi mới có thể ngăn chặn việc chen lấn của đám đông dân chúng tuốn đến nghênh đón vị giáo hoàng, còn ngày xưa không thể nào xẩy ra như thế. Bởi đó, để tránh tình trạng chen lấn và xô lấn ồ ạt bất khả kiểm soát rất nguy hiểm cho chính đám đông, (như đã từng xẩy ra ở những cuộc hành hương hằng năm quá đông của tín đồ Hồi giáo), hơn là cho chính bản thân Chúa Kitô, nhờ đó việc giảng dạy và chữa lành của Người được dễ dàng thực hiện hơn, Chúa Giêsu mới khôn ngoan phản ứng, như bài Phúc Âm hôm nay thuật lại:
"Vì đông dân chúng, nên Người bảo các môn đệ liệu cho Người một chiếc thuyền, kẻo họ chen lấn Người. Vì chưng, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, nên bất cứ ai mắc bệnh tật gì đều đến gần để động đến Người".
Sự kiện Chúa Giêsu ngồi trên thuyền mà giảng dạy dân chúng đây chẳng những cho thấy cách thức giải quyết hết sức hữu hiệu và tốt đẹp về hiện tượng đám đông vây quanh Người, gây cản trở cho việc giảng dạy và chữa lành của Người, mà còn cho thấy hình ảnh của một chuyên viên thả lưới đánh cá gần bờ nhất mà lại bắt được nhiều cá nhất, và toàn là những con cá không phải ở dưới nước nhưng là ở trên bờ, trên cạn.
Chưa hết, tầm ảnh hưởng của "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" này chẳng những liên quan đến đám đông dân chúng thuộc một vùng địa dư khắp đất nước Do Thái thời ấy, tức liên quan đến thế giới hữu hình này, mà còn đến cả thế giới vô hình nữa là thế giới của ma quỉ, thế giới của những thực thể vô hình đã nhận biết được chính căn tính thần linh của Người, dù Người chưa kịp khu trừ chúng. Bởi thế, mới xẩy ra chuyện được bài Phúc Âm hôm nay thuật lại ở đoạn cuối như sau:
"Và những thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu lên rằng: 'Ngài là
Con Thiên Chúa', nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về
Người'".
Chính việc "Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người" đã đủ chứng tỏ Người công nhận sự thật của lời ma quỉ vốn dối trá tuyên xưng, tức Người thật là "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý", và sở dĩ một đàng Người đang muốn từ từ tỏ mình ra Người đúng là "Con Thiên Chúa" như thế, đàng khác Người lại "cấm chúng không được tiết lộ gì về Người" là vì chưa đến giờ của Người, chưa đến đúng thời điểm của Người, và chính Người phải tự tỏ mình ra mới xác thực hơn bất cứ chứng từ nào khác, kể cả chứng từ của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả cũng chỉ là những chứng từ tuy cần nhưng mang tính chất phụ thuộc (xem Gioan 5:34,8:14,10:25).
Thứ Sáu
Lời
Chúa
Bài Ðọc I: (năm I) Dt 8, 6-13
"Người là trung gian của một giao ước tốt hơn".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, hiện giờ vị Thượng tế của chúng ta đã lãnh một chức vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là Ðấng trung gian của một giao ước tốt hơn, mà giao ước ấy được thiết lập trên những lời hứa rất tốt lành. Vì nếu giao ước thứ nhất không khuyết điểm, thì thật sự không cần phải có giao ước thứ hai nữa. Vì Chúa khiển trách họ rằng: "Này đến ngày Ta thực hiện một giao ước mới cho nhà Israel và cho nhà Giuđa. Không phải như giao ước Ta ký kết với cha ông chúng trong ngày Ta cầm tay chúng dẫn ra khỏi đất Ai-cập. Bởi chúng không trung thành với giao ước Ta, nên Ta đã bỏ chúng. Vì chưng, giao ước Ta sẽ ký kết với nhà Israel sau những ngày ấy, Ta sẽ đặt các lề luật của Ta trong trí chúng, và khắc nó vào lòng chúng. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân Ta. Không còn ai phải dạy bạn hữu mình, hay mỗi người không còn phải bảo anh em mình rằng: "Hãy nhìn biết Chúa", vì mọi người, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta; bởi Ta dung thứ các điều gian ác của chúng, và không còn nhớ đến tội lỗi của chúng nữa". Người tuyên bố giao ước mới, thì Người làm cho giao ước thứ nhất ra cũ đi. Nhưng điều gì đã cũ đã già, thì gần tiêu mất đi.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 84, 8 và 10. 11-12. 13-14.
Ðáp: Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau (c. 11a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin cho chúng con nhìn thấy tình thương của Chúa, và ban cho chúng con được ơn Ngài cứu độ. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng con. - Ðáp.
2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống. - Ðáp.
3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái. Ðức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Người. - Ðáp.
Alleluia: Ga 10, 27
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng
và chúng theo Ta". - Alleluia.
Phúc
Âm: Mc 3, 13-19
"Người gọi những kẻ Người muốn gọi để họ ở cùng Người".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi
ấy, Chúa Giêsu lên núi và gọi những kẻ Người muốn gọi, và họ đến cùng Người.
Người chọn mười hai vị để theo Người, và sai các ông đi giảng và ban cho các ông
quyền trừ quỷ. Mười hai vị ấy là: Simon mà Người đặt tên là Phêrô, Giacôbê con
ông Giêbêđê, và Gioan là em Giacôbê, (cả hai được Người đặt tên là Boanerges,
nghĩa là con của sấm sét), rồi đến Anrê, Philipphê, Bartôlômêô, Matthêu, Tôma,
Giacôbê con ông Alphê, Tađêô, Simon nhiệt tâm, và Giuđa Iscariô là kẻ nộp Người.
Ðó là
lời Chúa.
Suy niệm
Đức Kitô tuyển chọn
Hôm nay, Thứ Sáu Tuần 2 Thường Niên hậu Giáng Sinh, chủ đề "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" của chung Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh được tỏ hiện nơi việc Người làm như bài Phúc Âm hôm nay thuật lại sau đây:
"Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi và gọi những kẻ Người muốn gọi, và họ đến cùng
Người. Người chọn mười hai vị để theo Người, và sai các ông đi giảng và ban
cho các ông quyền trừ quỷ".
Phải, "Người Con duy nhất đến từ Cha", một Người Con "đầy ân sủng và chân lý" trong bài Phúc Âm hôm nay cho thấy: thứ nhất ở chỗ Người có quyền tuyển chọn "những kẻ Người muốn gọi"; thứ hai ở chỗ Người thu hút được những ai Người muốn tuyển chọn "và họ đến cùng Người... để theo Người" như Người mong muốn; thứ ba ở chỗ Người có quyền truyền khiến trong việc "sai các vị đi rao giảng"; thứ bốn ở chỗ Người có thể "ban cho các ông quyền trừ quỷ".
Trong danh sách liệt kê những chàng thanh niên thuộc nhóm 12 môn đệ kể như ưu tú vì được chọn làm tông đồ (liên quan đến hàng giáo phẩm sau này), người ta thấy danh sách này bao gồm đủ mọi thành phần khác biệt. Về nghề nghiệp, từ đánh cá, như hai cặp anh em Simon và Anrê, Giacôbê và Gioan, đến thu thuế như Mathêu. Về bản chất, từ khuynh hướng ngờ vực như Toma đến khuynh hướng phản bội như Giuđa Ích-Ca. Về tính cách, từ trầm lặng như Bartholomeo, Giacobe con Alphe và Tadeo đến năng động như Philiphe và Simon nhiệt tâm.
Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" mà lại có thể chọn một người môn đệ sẽ phản nộp Người sau này? Phải chăng vì Người lầm, hay là cố ý như vậy?? Nếu Người chắc chắn không thể nào lầm thì Người cố ý chọn người môn đệ sẽ phản nội Người sau này để làm gì???
Phải chăng chính sự kiện Người cố ý chọn cả người môn đệ sẽ phản nộp Người sau này là chứng cớ hùng hồn và chân thực nhất cho thấy "Người Con duy nhất đến từ Cha" này "đầy ân sủng và chân lý"!?!
Ở chỗ, Người yêu thương hết mọi người không trừ ai, dù tốt hay xấu, dù giỏi hay dở, dù khôn hay dại v.v., và tình yêu của Người là tình yêu vô cùng bất tận, một tình yêu theo bản tính nhân loại của Người "đã yêu cho đến cùng" (Gioan 13:1): Người đã yêu cả người môn đệ được liệt kê cuối "cùng" này trong cả 3 danh sách tông đồ ở bộ 3 Phúc Âm Nhất Lãm, và Người yêu người môn đệ này "cho đến cùng" ở chỗ cũng cúi xuống rửa chân cho cả người môn đệ cuối "cùng" này nữa.
Thành phần môn đệ được Chúa Giêsu tuyển chọn làm tông đồ của Người, và được Người đặc biệt tỏ mình ra cho, nhờ đó thấu hiểu Người mà trở nên thành phần chứng nhân tiên khởi của Người sau này, là thành phần được Người sử dụng như tấm gương phản chiếu Người "là ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12): "Các con là ánh sáng thế gian. Một thành xây trên núi không thể bị che khuất được nữa" (Mathêu 5:14).
Chính vì bản chất của thành phần môn đệ làm tông đồ chứng nhân cần phải tỏa chiếu ánh sáng là Chúa Kitô như thế mới có chi tiết ở ngay đầu của bài Phúc Âm hôm nay: "Chúa Giêsu lên núi và gọi những kẻ Người muốn gọi, và họ đến cùng Người". Nếu Chúa Giêsu "lên núi" (ám chỉ Người ở một tầm mức trổi vượt, cao vời, tầm mức lý tưởng) để gọi một số các môn đệ của Người thì ai đáp ứng lời kêu gọi của Người cũng phải "lên núi" với Người, như các tông đồ đã thực hiện, ở chỗ "và họ đến cùng Người".
Ngày 20: Thánh Sêbastianô, quân nhân tử
đạo và thánh Fabianô, Giáo Hoàng tử đạo
Chúng ta không được rõ về năm sinh của thánh Sebastianô, nhưng chắc chắn
rằng ngài thuộc gia đình quyền quý và đã sống sung túc.
Năm 283, Sebastianô gia nhập quân đội. Nhờ lòng can đảm và trí thông minh,
ngài đã được các bậc chỉ huy tín nhiệm và nhất là được hoàng đế Ðiôclêtianô
quý mến. Bởi đó, ngài được vinh thăng đại úy trong lữ đoàn phòng vệ, tuy
nhiên hoàng đế vẫn không biết ngài là người Công Giáo.
Với chức vụ sẵn có, ngài đem tất cả nghị lực thời gian, len lỏi vào các trại
giam để nâng đỡ an ủi các tín hữu bị bắt giữ, sẵn sàng hy sinh tới giọt máu
cuối cùng. Ðồng thời, ngài cũng đã làm những phép lạ nhân danh Ðức Kitô,
khiến nhiều người từ bỏ tà thần tin theo Thiên Chúa nhân lành.
Cơn giông tố phũ phàng nhất xảy đến cho Giáo Hội: hoàng đế ra lệnh thanh
trừng gắt gao những người giữ đạo (300). Các tín hữu lần lượt ngã gục dưới
lưỡi gươm của lý hình, và những hành động của Sebastianô cũng không thoát
khỏi cặp mắt canh chừng của bọn công an. Họ tố cáo ngài với hoàng đế. Lúc
đầu hoàng đế không tin, nhưng cũng cho đòi ngài đến điều tra. Trước mặt
hoàng đế ngài đã mạnh dạn tuyên xưng là người Công Giáo. "Thà vâng lời Thiên
Chúa còn hơn vâng lời loài người" (CvSđ 5, 29). Khi thì hoàng đế hứa ban
thưởng, lúc lại đe dọa, nhưng vẫn không lay chuyển đức tin kiên vững của
ngài. Tức giận, hoàng đế giao cho các tiểu đội bắn cung thi hành việc xử tử.
Họ điệu ngài ra ngoài thành, lột áo và trói ngài vào cột. Thân xác ngài trở
nên bia hứng trọn những mũi tên bay tới. Nhưng ngài vẫn chưa chết, và ban
đêm được một tín hữu đem về nhà cứu sống. Sau khi bình phục, ngài lẻn vào
hoàng cung để phản đối những hành động dã man của hoàng đế. Hoàng dế ra lệnh
đánh đòn, chém đầu và quăng xác xuống hồ. Bà Lucine, một người đạo đức và
sốt sắng đã đem xác ngài về chôn cất tại một hang toại đạo và thế kỷ IV,
người ta đã xây cất trên mộ ngài một thánh đường nguy nga.
Thứ Bảy
Lời
Chúa
Bài Ðọc I: (năm I) Dt 9, 2-3, 11-14
"Nhờ chính máu Mình mà Người vào Cung Thánh chỉ một lần".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, nhà tạm được cất lên trong gian thứ nhất, có đặt chân nến, bàn, và bánh tiến. Gian này gọi là Cung Thánh. Sau tấm màn thứ hai thì đến gian gọi là Cực Thánh.
Còn Chúa Kitô xuất hiện như vị Thượng tế của mọi tốt lành tương lai. Người đi qua nhà tạm rộng rãi và hoàn hảo hơn, không phải do tay người phàm xây dựng, nghĩa là không thuộc về trần gian này, cũng không nhờ máu dê bò, nhưng nhờ chính máu của Người mà vào Cung Thánh chỉ một lần và đem lại ơn cứu độ muôn đời. Vì nếu máu dê bò và tro bò cái mà người ta rảy trên kẻ ô uế, còn thánh hoá được thân xác nên trong sạch, huống chi máu của Ðức Kitô, Ðấng đã nhờ Thánh Thần mà hiến tế chính mình làm của lễ trong sạch dâng lên Thiên Chúa; máu đó sẽ càng tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những việc sinh sự chết, khiến chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa hằng sống.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 46, 2-3. 6-7. 8-9
Ðáp: Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang (c. 6).
Xướng: 1) Hết thảy chư dân hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Ðấng Tối Cao, Khả uý, Người là Ðại Ðế trên khắp trần gian. - Ðáp.
2) Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang. Hãy ca mừng, ca mừng Thiên Chúa, hãy ca mừng, ca mừng Vua của chúng ta! - Ðáp.
3) Vì Thiên Chúa là vua khắp cõi trần gian, hãy xướng ca vịnh mừng Người, Thiên Chúa thống trị trên các nước, Thiên Chúa ngự trên ngai thánh của Người. - Ðáp.
Alleluia: Ga 14, 5
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không
ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 3, 20-21
"Những thân nhân của Người nói: Người đã mất trí".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi
ấy Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà, và dân chúng đông đảo lại đổ xô tới,
đến nỗi Người không dùng bữa được. Những thân nhân của Người hay tin đó, liền đi
bắt Người, vì họ nói: "Người đã mất trí".
Ðó là
lời Chúa.
Suy niệm
Đức Kitô "mất trí"
Ngày Thứ Bảy hôm nay trong Tuần 2 Thường Niên hậu Giáng Sinh là ngày duy nhất trong riêng tuần này và chung phụng niên có bài Phúc Âm ngắn nhất, chỉ với 2 câu vắn vỏi (Marco 3:20-21).
Một số ngày khác trong tuần suốt phụng niên đặc biệt là của Mùa Thường Niên cũng có những bài Phúc Âm chỉ có 3 câu đã thấy ngắn lắm rồi, như trong Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh có Thứ Hai Tuần 6 (Marco 8:11-13) hay Thứ Tư Tuần VIII (Marco 9:38-40), hoặc trong Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh, có Thứ Tư Tuần X (Mathêu 5:17-19), Thứ Tư tuần XVII (Mathêu 13:44-46), Thứ Hai và Thứ Ba Tuần XXV (Luca 8:16-18 và 19-21), thế mà hôm nay bài Phúc Âm còn ngắn hơn nữa.
Tuy nhiên, không phải vì cái ngắn thật là ngắn chưa từng có này của bài Phúc Âm hôm nay đã không tiếp tục phản ảnh chủ đề "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" của chung Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh, cho dù nội dung và ý nghĩa của bài Phúc Âm có vẻ hoàn toàn ngược lại:
"Khi ấy Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà, và dân chúng đông đảo lại đổ xô tới, đến nỗi Người không dùng bữa được. Những thân nhân của Người hay tin đó, liền đi bắt Người, vì họ nói: 'Người đã mất trí'".
Thật thế, trong bài Phúc Âm hôm nay, ngay câu thứ nhất trong hai câu, Thánh ký Marco vẫn cho thấy hình ảnh nổi nang và tầm ảnh hưởng mãnh liệt của "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý", ở chỗ: "Khi ấy Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà, và dân chúng đông đảo lại đổ xô tới, đến nỗi Người không dùng bữa được".
Thánh ký Marco không cho chúng ta biết việc "Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà" đây là ở đâu, chỗ nào, nhà ai? Phải chăng là chính nhà của Người ở Nazarét, vì chi tiết được vị Thánh ký cho biết ngay sau đó là: "Những thân nhân của Người hay tin đó, liền đi bắt Người, vì họ nói: 'Người đã mất trí'"?
Theo tiến trình di chuyển của Chúa Giêsu cùng với các môn đệ của Người, được Thánh ký Marco thứ tự thuật lại, từ tuần mở đầu Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh cho đến hôm nay, thì ngôi nhà này có thể là nhà của anh em Simon và Anrê, nơi Người đã đến lần đầu tiên trong bài Phúc Âm Thứ Tư tuần trước, nơi Người đã chữa cho bà nhạc của chàng Simon khỏi cảm cúm cùng với các bệnh nạn tật nguyền khác của dân chúng tuốn đến với Người vào chính hôm đó, và cũng có thể nói là nơi Người đã chữa lành cho một người bất toại được thả xuống từ trên nóc nhà để tránh đám đông đứng chật trong ngoài ngôi nhà này, ở bài Phúc Âm Thứ Sáu tuần trước.
Có cái lạ là trong khi Chúa Giêsu đang nổi nang và đầy thu hút dân chúng như vậy thì "những thân nhân của Người hay tin đó, liền đi bắt Người, vì họ nói: 'Người đã mất trí'". Tại sao họ lại có thái độ và hành động hoàn toàn ngược chiều với quần chúng như vậy?
Phải chăng "Người đã mất trí" là vì "Người không dùng bữa được" bởi "dân chúng đông đảo lại đổ xô tới"? Nếu thế thì khi tới nơi họ lại càng cần phải trợ giúp Người để nhờ đó Người có thể dùng bữa được như họ mong muốn, bằng cách họ tạm trấn an dân chúng và cung cấp thực phẩm cho Người ăn uống ngay lúc bấy giờ, chứ tại sao họ lại muốn "bắt Người đi" là làm sao? "Bắt Người đi" đâu?? "Bắt Người đi" khỏi chỗ đó để làm gì??? Chẳng lẽ để mang Người tới một bệnh viện tâm thần (mental health hospital) để Người được chữa trị, hay để chính họ cùng nhau chữa trị cho Người, vì "Người đã mất trí"!?
Nếu không thì vấn đề tiếp tục được đặt ra ở đây sẽ như thế này: họ "hay tin đó" là tin gì về Người? Tin Người "trở về nhà", hay tin "dân chúng đông đảo lại đổ xô tới", hoặc tin "Người không dùng bữa được"? Hay cả 3 tin một lúc: "Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà, và dân chúng đông đảo lại đổ xô tới, đến nỗi Người không dùng bữa được"? Hoặc chỉ có một tin nào trong 3 tin ấy đã khiến họ phải thốt lên một cách hết sức bất mãn về Người: "Người đã mất trí", tới độ họ không chịu được nữa và cần phải nhúng tay can thiệp ngay để "bắt Người đi"?
Để giải đáp vấn đề này, chúng ta cần biết thành phần "những thân nhân của Người hay tin đó, liền đi bắt Người" đây là ai? Dù không biết rõ từng người trong họ, chúng ta cũng có thể khẳng định mà không sợ sai lầm rằng không có Mẹ của Chúa Giêsu rồi đó. Không ai hiểu Chúa Giêsu hơn Mẹ Maria. Mẹ chẳng bao giờ cho Con Mẹ là "mất trí" cần phải "bắt đi" như những người "thân nhân" nào đó đã có thái độ và hành động đủ cho thấy là chính họ mới là một nạn nhân đang bị "mất trí" đáng thương mà không biết!
Thật ra, nếu chúng ta đọc thêm bài Phúc Âm hôm nay một chút nữa, ngay sau câu 21 cuối bài sang đầu câu 22, một câu thuộc về bài Phúc Âm cho Thứ Hai Tuần III Thường Niên tuần tới, sẽ thấy một mệnh đề trước (câu 21) cách mệnh đề sau (câu 22) bằng dấu chấm phẩy (;), chúng ta sẽ thấy một chi tiết liên quan có thể làm sáng tỏ vấn đề như sau: "trong khi đó, những luật sĩ từ Giêrusalem xuống nói rằng: 'Ông ấy bị quỷ Belgiêbút ám', và nói thêm rằng: 'Chính nhờ tướng quỷ mà ông ấy trừ quỷ'".
À... thì ra thế, "những thân nhân của Người hay tin đó, liền đi bắt Người, vì họ nói: 'Người đã mất trí'" lý do là vì họ nghe thấy những tin tức xuyên tạc về Người từ thành phần luật sĩ thông luật hơn dân chúng và dạy luật cho dân chúng vốn không tin tưởng Người, vốn không khâm phục Người, không biết có phải vì họ đang hậm hực ghen tức với Người, bởi ảnh hưởng quá mãnh liệt của Người trong quần chúng trổi vượt hơn họ, nên họ đang muốn tìm hết cách để hạ bệ Người xuống, bằng những thứ chụp mũ, xuyên tạc và bôi nhọ Người hay chăng?
Kết quả là Người vẫn còn đó, chẳng những không bị thân nhân của Người "bắt đi", vì Người chẳng "mất trí" như các thân nhân của Người tưởng, trái lại, Người còn quá khôn ngoan đến độ làm cho thành phần luật sĩ này bị cứng họng, bằng cách Người đã sử dùng gậy ông đập lưng ông, như chúng ta sẽ thấy trong Bài Phúc Âm Thứ Hai tuần tới.
Ngày 21: Thánh Anê, đồng trinh tử đạo
(290-304)
Căn
cứ vào sử liệu, chúng ta chỉ có thể phác họa được một vài nét chấm phá về thánh
nữ: Thuộc dòng dõi quý tộc, chịu chết vì đạo khi lên 13 tuổi, năm 304 dưới thời
hoàng đế Ðiôclêtianô. Cuộc sống đầy can đảm của thánh nữ được gói ghém qua hai
truyền thống sau đây:
Trong cuốn "Ðời sống các trinh nữ", thánh Ambrôsiô đã cho chúng ta biết: mặc dù
chỉ là một cô bé thuộc lứa tuổi thiên thần, thánh nữ không bao giờ run sợ mà
trái lại sẵn sàng lãnh chịu mọi cực hình dã man của bọn người khát máu. Với thân
hình mảnh mai, với vẻ mặt ngây thơ, thánh nữ tiến ra pháp trường, khiến cho
những kẻ ghét đạo cũng phải bùi ngùi thương cảm. Trước những lời dụ dỗ và ngăn
cấm của quan tòa, cô bé Anê lúc nào cũng lẩm bẩm: "Tôi chỉ tin một Ðức Kitô,
Ðấng tôi hằng yêu mến", để rồi một lưỡi gươm đã kết thúc cuộc đời thánh nữ, như
của lễ trong sạch dâng lên Chúa.
Qua
những văn kiện của Giáo Hội Ðông Phương, chúng ta còn biết thêm rằng thánh nữ
sinh quán tại La Mã. Mới mười hai tuổi đầu, cô bé đã mạnh dạn rao giảng Ðức Kitô
là Thiên Chúa, vì thế ông đô trưởng bắt cô bé bỏ vào lầu xanh cốt làm hoen ố tâm
hồn và thể xác. Tuy nhiên thánh nữ lúc nào cũng là một đóa sen, tỏa hương thơm
giữa bùn nhơ, không một chàng trai nào dám đụng chạm tới thánh nữ. Trước sự căm
phẫn của đám đông tàn bạo, ông đô trưởng đã ra lệnh thiêu sống thánh nữ.
Mặc dù hai bản khác nhau về chi tiết, nhưng cũng đủ tạo nên một cái nhìn tổng quát. Hài cốt thánh nữ được an táng tại biệt thự của gia đình. Năm 321, công chúa của hoàng đế Constantin được thánh nữ chữa khỏi bệnh, đã xây trên phần mộ một thánh đường nguy nga. Thánh Ambrôsiô đã viết về ngài: Hôm nay là ngày sinh của một trinh nữ, chúng ta hãy noi gương khiết tịnh. Hôm nay là ngày sinh của một vị tử đạo, chúng ta hãy dâng lên như lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa.