SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO
Dẫn Nhập:
Phụng niên của Giáo Hội kéo dài 34/52 tuần lễ và bao giờ cũng có các Mùa chính yếu thứ tự như sau: 1- Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh; 2- Mùa Chay và Mùa Phục Sinh; 3- Mùa Thường Niên, một thời điểm phụng niên được chia thành 2 phần: hậu Giáng Sinh và hậu Phục Sinh.
Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh - thời khoảng kéo dài
Theo phụng vụ của Giáo Hội thì Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh, nghĩa là thời khoảng phụng niên kéo dài bắt đầu từ Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa mở đầu Mùa Thường Niên sau Mùa Giáng Sinh đến hết Thứ Ba áp Thứ Tư Lễ Tro bắt đầu Mùa Chay, tùy theo năm, dài nhất có thể kéo dài đến tuần thứ 9 (rất hiếm thấy, như năm 2000 hay năm 2011), và ngắn nhất chỉ kéo dài đến tuần thứ 5 (như năm 1986, 1989, 1991, 1997, 2002, 2005, 2008, 2016).
Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh - thời điểm bắt đầu
Như thế, nếu Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh có thể kéo dài nhất cho tới 9 tuần thì bình thường Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh sẽ được tái tục vào Tuần X. Tuy nhiên, thực tế lại xẩy ra là nếu Mùa Thường Niên nào kết thúc sớm hay muộn thì được tái tục sớm hay muộn ở Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh.
Chẳng hạn Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh đã được kết thúc sớm ở Tuần Thứ V, như Năm 2013 hay Năm 2016 thì Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh của cả hai năm này đã được bắt đầu ở Tuần Thứ VIII. Còn Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh đã được kết thúc muộn ở Tuần Thứ IX, như Năm 2011, thì Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh của cả hai năm này đã được tái tấu vào Chúa Nhật Tuần XII.
Tuy nhiên, không phải Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh nào có thời khoảng kéo dài tuần lễ giống nhau đều tái tục ở Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh giống nhau. Chẳng hạn Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh kết thúc ở tuần Thứ VIII, như năm 2014, 2017, 2019 và 2022, nhưng từng năm này đã được tái tục ở Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh đôi khi khác nhau, như Năm 2014 ở Tuần XI và Năm 2017 ở Tuần X, nhưng thường giống nhau ở Tuần XI, như Năm 2019 và Năm 2022 giống năm 2011.
Phụng Niên: Các Mùa Phụng Vụ theo niên lịch 52 tuần lễ
Vấn đề Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh được bắt đầu sớm muộn như thế nào chăng nữa miễn là làm sao phụng niên năm nào cũng có đầy đủ 34 tuần lễ Mùa Thường Niên, cùng với các Mùa Phụng Vụ chính yếu khác trong năm, như Mùa Vọng bao giờ cũng có 4 tuần, Mùa Giáng Sinh (hơn 2 tuần từ Lễ Giáng Sinh tới hết tuần Lễ Hiển Linh), Mùa Chay (5 tuần rưỡi 40 ngày từ Thứ Tư Lễ Tro và nguyên Tuần Thánh là 6 tuần rưỡi), và Mùa Phục Sinh (8 tuần từ Chúa Nhật Phục Sinh tới Lễ Hiện Xuống, thời điểm vừa là tột đỉnh của Mùa Phục Sinh vừa mở màn cho Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh).
Nếu cộng lại các tuần lễ được tính như trên của một phụng niên thì lên tới 54 tuần (Mùa Thường Niên 34 + các Mùa Khác 20), nghĩa là dư mất 2 tuần hay hơn 2 tuần so với lịch dân sự chỉ có 52 tuần lễ.
Bởi thế, có hai thời điểm cần phải uyển chuyển ở đây cho đủ một năm dân sự 52 tuần lễ. Thời điểm thứ nhất cần phải uyển chuyển xẩy ra vào Mùa Giáng Sinh, tùy Lễ Giáng Sinh và Lễ Hiển Linh: nếu Lễ Giáng Sinh 25/12 rơi vào đúng Chúa Nhật, thì Mùa Giáng Sinh chỉ có 2 tuần, nhưng nếu Lễ Hiển Linh chính thức cử hành vào ngày 6/1 hằng năm sau Giáng Sinh rơi vào ngay Chúa Nhật (chứ không phải được dời) thì Mùa Giáng Sinh có 3 tuần.
Thời điểm thứ hai cần phải uyển chuyển xẩy ra vào lúc giao điểm giữa Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh và Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh. Bởi thế chúng ta thấy có những phụng niên Mùa Thường Niên bị mất đi chỉ có 1 tuần, như năm 2012, 2017, 2018, 2023 v.v., nhưng bình thường là 2 tuần, như năm 2011 cùng những năm liên tiếp như 2013-2016 và năm 2019-2022, chứ không tiếp nối liên tục từ hậu Giáng Sinh đến hậu Phục Sinh.
Phụng Vụ: lịch dân sự trở thành Lịch Sử Cứu Độ
Sự kiện Mùa Thường Niên không bao giờ liên tục và thường bị mất đi 2 tuần lễ đã chứng tỏ con số 54 tuần phụng niên vượt quá 52 tuần theo lịch dân sự, cần phải uyển chuyển làm sao cho đủ.
Ngay ở chi tiết uyển chuyển của lịch phụng vụ với lịch dân sự hằng năm này cho thấy ý nghĩa sâu xa của Mầu Nhiệm Nhập Thể cũng như của chiều hướng hội nhập truyền giáo, nhờ đó có thể thăng hoa văn hóa của con người, bởi lịch dân sự được sử dụng để cử hành Mầu Nhiệm Thần Linh, Mầu Nhiệm Chúa Kitô nói chung và Mầu Nhiệm Vượt Qua là tột đỉnh của phụng niên nói riêng, một Mầu Nhiệm Cứu Độ đã biến đổi những gì là sự dữ và chết chóc thành ân sủng và sự sống bằng cuộc Tử Giá của Chúa Kitô, và đã chiến thắng tội lỗi cùng sự chết bằng cuộc Phục Sinh của Người, nhờ đó lịch sử của con người (biểu hiệu nơi lịch dân sự) trở thành Lịch Sử Cứu Độ của Thiên Chúa, một Lịch Sử Cứu Độ cho con người được Giáo Hội hằng năm nhắc nhở và cử hành theo lịch phụng vụ của Giáo Hội.
Chúa Nhật
Phụng Vụ Lời Chúa cho Chu Kỳ Phụng Vụ Năm A
Bài Ðọc I: Ðnl 11, 18. 26-28
"Ta đặt trước mặt các ngươi sự chúc phúc và sự chúc dữ".
Trích sách Ðệ Nhị Luật.
Lúc ấy, Môsê nói với dân chúng rằng: "Các ngươi hãy ghi lòng tạc dạ những lời này, và đeo nó nơi tay như bửu bối, và hãy luôn để nó trước mắt các ngươi. Ðây hôm nay ta đặt trước mặt các ngươi sự chúc lành và sự chúc dữ: nếu các ngươi tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi, mà hôm nay ta rao truyền cho các ngươi, thì các ngươi được chúc phúc, còn nếu các ngươi không tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi, mà lại đi sai đường lối ta vạch ra cho các ngươi hôm nay, và chạy theo các thần ngoại lai mà các ngươi chẳng hiểu biết, thì sẽ bị chúc dữ".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 30, 2-3a. 3bc-4. 17 và 25
Ðáp: Lạy Chúa, xin Chúa trở thành núi đá cho con trú ẩn (c. 3b).
Xướng: 1) Lạy Chúa, con tìm đến nương nhờ Ngài, xin đừng để con muôn đời tủi hổ, vì đức công minh Ngài, xin cứu chữa con. Xin Chúa hãy ghé tai về bên tôi tớ Chúa. - Ðáp.
2) Xin Ngài mau lẹ để giải thoát con. Xin Chúa trở thành núi đá cho con trú ẩn. Bởi Chúa là Ðá tảng, là chiến luỹ của con, vì uy danh Ngài, Ngài sẽ dìu dắt và hướng dẫn con. - Ðáp.
3) Xin cho tôi tớ Chúa được thấy long nhan dịu hiền, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa. Lòng chư vị hãy can trường mạnh bạo, hết thảy chư vị là người cậy trông ở Chúa. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Rm 3, 21-25a. 28
"Con người nhờ đức tin mà được công chính hoá, chứ không phải nhờ việc làm theo lề luật".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, bây giờ sự công chính của Thiên Chúa đã tỏ hiện không tuỳ vào lề luật, nhưng có lề luật và các tiên tri làm chứng. Sự công chính của Thiên Chúa nhờ tin vào Ðức Giêsu Kitô sẽ ban cho mọi kẻ tin vào Người, không có gì phân biệt: vì mọi người đều phạm tội và đã thiếu mất vinh quang của Thiên Chúa, họ được công chính hoá cách nhưng không do ơn nghĩa của Người và nhờ sự cứu chuộc nơi Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Thiên Chúa đã đặt làm của lễ đền tội, nhờ tin vào máu của Người.
Quả thế, chúng tôi thâm tín rằng con người nhờ đức tin mà được công chính hoá, chứ không phải bởi việc làm theo lề luật.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 19, 38
Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 7, 21-27
"Nhà xây trên nền đá và nhà xây trên cát".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không phải tất cả những ai nói với Ta: 'Lạy Chúa, lạy Chúa!', là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời. Trong ngày đó, nhiều người sẽ nói với Thầy rằng: 'Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã không nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, và nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó ư?' Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với chúng rằng: 'Ta chẳng hề biết các ngươi, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt Ta'.
"Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên nền đá. Và hễ ai nghe những lời Thầy nói đây mà không đem ra thực hành, thì giống như người ngu đần, xây nhà mình trên cát, khi mưa sa nước lũ, gió thổi và lùa vào nhà đó, nhà sẽ sập và sẽ trở nên đống hoang tàn".
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
"Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng" (Mathêu 3:17) - "hãy vâng nghe lời Người" (Mathêu 17:5)
Phụng vụ lời Chúa nói chung và nhất là Phúc Âm là bài đọc chính yếu nói riêng, được Giáo Hội sắp xếp theo tứ tự, nếu là Năm A, theo Phúc Âm Mathêu, từ Tuần thứ 4 trở đi, bắt đầu Bài Giảng Trên Núi (bao gồm 3 đoạn Phúc Âm của Thánh ký Mathêu), kéo dài cho tới Chúa Nhật Tuần Thứ IX tuần này. Hôm nay là bài Phúc Âm kết thúc Bài Giảng Trên Núi.
Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giêsu về chủ đề sống trọn lành của Người, từ CN Tuần IV cho đến CN Tuần VII (đều ở trong đoạn 5), thứ tự liên quan đến 9 mối phúc đức (CN IV), đến sứ vụ tông đồ của thành phần môn đệ của Người (CN V), đến phần tiêu cực của đức ái trọn hảo liên quan tới các giới răn căn bản nhất trong Thập Giới (CN VI), đến phần tích cực của đức ái trọn hảo với tha nhân các vị cần phải tỏ ra như Cha trên trời (CN VII); CN Tuần VIII liên quan đến đời sống nội tâm của các vị với Thiên Chúa (đoạn 6); và CN Tuần IX liên quan đến việc áp dụng thực hành giáo huấn trọn lành của Người (đoạn 7).
Thật vậy, bài Phúc Âm cho Chúa Nhật IX Thường Niên cuối cùng của Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh hôm nay bao gồm 2 phần, phần đầu về tầm quan trọng của Ý Chúa so với việc cầu nguyện và việc làm phép lạ, và phần sau về đường lối để sống khôn ngoan theo Ý muốn của Thiên Chúa đó là áp dụng thực hành lời của Chúa Kitô giáo huấn về chủ đề trọn lành ở Bài Giảng Trên Núi.
Trước hết là tầm quan trọng của Ý Chúa so với việc cầu nguyện và việc làm phép lạ: "Không phải tất cả những ai nói với Ta: 'Lạy Chúa, lạy Chúa!', là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời. Trong ngày đó, nhiều người sẽ nói với Thầy rằng: 'Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã không nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, và nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó ư?' Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với chúng rằng: 'Ta chẳng hề biết các ngươi, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt Ta'".
Sau nữa là đường lối để sống khôn ngoan theo Ý muốn của Thiên Chúa là áp dụng thực hành lời Chúa Kitô: "Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên nền đá. Và hễ ai nghe những lời Thầy nói đây mà không đem ra thực hành, thì giống như người ngu đần, xây nhà mình trên cát, khi mưa sa nước lũ, gió thổi và lùa vào nhà đó, nhà sẽ sập và sẽ trở nên đống hoang tàn".
Đúng thế, nếu chính bản thân của Đức Giêsu Kitô là tột đỉnh và là tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa, đến độ "ai thấy Thày là thấy Cha" (Gioan 14:9), vì "Thày là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Cha mà không qua Thày" (Gioan 14:6), Đấng là Cha được Người là Lời "tỏ ra" (Gioan 1:18). Và chính Chúa Cha đã chứng thực Đức Giêsu Kitô là Con của Ngài ở Sông Jordan khi Người lãnh nhận Phép Rửa của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả: "Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng" (Mathêu 3:17), là Đấng Thiên Sai Ngài sai đến "dẫn các con vào tất cả sự thật" (Gioan 16:13) nên "hãy vâng nghe lời Người" (Mathêu 17:5), như 3 môn đệ thân tín nhất của Người đã nghe thấy thế trong biến cố biến hình của Người trên núi cao.
Bởi vậy, tất cả giáo huấn về chủ đề trọn lành nơi Bài Giảng Trên Núi của Đức Giêsu Kitô đều xuất phát từ trời, đều là mạc khải thần linh, một mạc khải thần linh liên quan đến linh đạo trọn lành siêu việt của Kitô giáo, đến độ chính tầm mức khôn ngoan nhất của loài người trong suốt giòng lịch sử của mình chẳng những không hề nghĩ ra và không thể nghĩ tới, mà còn tự mình, con người đời đời kiếp kiếp sẽ không thể nào áp dụng thực hành được giáo huấn trọn lành siêu việt này nếu không có ân sủng thần linh, vì giáo huấn trọn lành này có tác dụng biến đổi con người vô cùng hèn hạ khốn nạn tội lỗi yếu đuối "nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành" (Mathêu 4:48), phản ảnh một Đức Giêsu Kitô "là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng".
Bài Giảng Trên Núi về chủ đề Trọn Lành phải là những gì quan trọng đến độ, như Moisen trong Sách Đệ Nhị Luật khuyên dạy dân Do Thái ở Bài Đọc 1 hôm nay như sau: "Các ngươi hãy ghi lòng tạc dạ những lời này, và đeo nó nơi tay như bửu bối, và hãy luôn để nó trước mắt các ngươi". Phần người nghe như các môn đệ tông đồ của Chúa Kitô là đối tượng nhắm tới của giáo huấn này, vì thế, cần phải trân quí trên hết mọi sự và theo đuổi cho tới cùng, "giống như người khôn ngoan đã xây nhà mình trên đá", với tâm nguyện thiết tha của Thánh Vịnh gia trong Bài Đáp Ca hôm nay: "Xin Chúa trở thành núi đá cho con trú ẩn. Bởi Chúa là Ðá tảng, là chiến luỹ của con, vì uy danh Ngài, Ngài sẽ dìu dắt và hướng dẫn con" (câu 2).
Nội dung và ý hướng của bài Giảng Trên Núi về chủ đề Sống Trọn Lành là giúp cho chung con người và riêng Kitô hữu môn đệ Chúa Kitô nắm vững được chính tinh thần của lề luật và làm cho lề luật được nên trọn đúng như ý muốn của Thiên Chúa nơi bản thân mình, một cuộc sống trọn lành tự bản chất là đức ái trọn hảo và theo chiều hướng đức ái trọn hảo, nhưng phản ảnh một "đức tin thể hiện qua đức ái" (Galata 5:6), một điều kiện và là một yếu tố bất khả thiếu để được công chính hóa, phản ảnh sự công chính nơi Thiên Chúa đã được tỏ hiện đặc biệt qua Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giêsu về giáo huấn sống trọn lành, đúng như vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô đã xác tín và khẳng định trong Thư Roma ở Bài Đọc 1 hôm nay:
"Anh em thân mến, bây giờ sự công chính của Thiên Chúa đã tỏ hiện không tuỳ vào lề luật, nhưng có lề luật và các tiên tri làm chứng. Sự công chính của Thiên Chúa nhờ tin vào Ðức Giêsu Kitô sẽ ban cho mọi kẻ tin vào Người, không có gì phân biệt: vì mọi người đều phạm tội và đã thiếu mất vinh quang của Thiên Chúa, họ được công chính hoá cách nhưng không do ơn nghĩa của Người và nhờ sự cứu chuộc nơi Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Thiên Chúa đã đặt làm của lễ đền tội, nhờ tin vào máu của Người. Quả thế, chúng tôi thâm tín rằng con người nhờ đức tin mà được công chính hoá, chứ không phải bởi việc làm theo lề luật".
Phụng Vụ Lời Chúa cho Chu Kỳ Phụng Vụ Năm B
Bài Ðọc I: Ðnl 5:12-15
Ðáp Ca: Tv 81:3-4, 5-6, 6-8, 10-11
Ðáp: Hãy hân hoan ca lên Chúa là Đấng trợ giúp chúng ta.
Xướng: 1) Ðàn hát lên nào, hoà nhịp trống cơm, bổng trầm gieo tiếng cầm tiếng sắt. Rúc lên đi, hãy rúc tù và, mồng một ngày rằm cho ta mừng lễ. - Ðáp.
2) Ðó là luật Ít-ra-en phải cứ, Thiên Chúa nhà Gia-cóp đã phán truyền. Chỉ thị này, nhà Giu-se đã nhận khi bỏ miền Ai-cập ra đi. - Ðáp.
3) Một giọng nói tôi nghe khác lạ, rằng: "Gánh nặng vai dân, Ta đã cất cho, tay họ thôi cầm chiếc ki người nô lệ. Lúc ngặt nghèo, ngươi kêu lên, Ta liền giải thoát. Giữa mây mù sấm chớp, Ta đã đáp lời, bên mạch nước Mơ-ri-va, Ta thử lòng ngươi. - Ðáp.
4) Đừng đem thần lạ về nhà, thần ngoại bang, chớ hề cúng bái. Chính Ta là THƯỠNG ÐẾ Chúa ngươi, đã đưa ngươi lên từ miền Ai-cập, há miệng ngươi ra, Ta sẽ cho đầy ứ. - Ðáp.
Bài Ðọc II: 2Cor. 4:6-11
Quả thật, xưa Thiên Chúa đã phán: Ánh sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm! Người cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi, để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Ðức Kitô. Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi. Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc Thương Khó của Ðức Giêsu, để sự sống của Ðức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe dọa vì Ðức Giêsu, để sự sống của Ðức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi.
Alleluia: xem Ga 17:17b,17a
Alleluia, alleluia! - Ôi Chúa, lời Chúa là sự thật; xin hãy thánh hóa chúng con trong chân lý. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 2:23 - 3:6
Vào ngày sabát, Ðức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa. Các môn đệ Người bắt đầu bứt lúa trong khi đi đường. Những người Pharisêu liền nói với Ðức Giêsu: "Ông coi, ngày sabát mà họ làm gì kia ? Ðiều ấy đâu cho phép!" Người đáp: "Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách à? Vua Ðavít đã làm gì, khi vua và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? Dưới thời thượng tế Aviatha, vua vào nhà Thiên Chúa và ăn bánh tiến. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế, thế mà vua đã ăn, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa." Người nói tiếp: "Ngày sabát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sabát."
Ðức Giêsu lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. Họ rình xem Ðức Giêsu có chữa người ấy ngày sabát không, để tố cáo Người. Ðức Giêsu bảo người bại tay: "Anh chỗi dậy, ra giữa đây!" Rồi Người nói với họ: "Ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?" Nhưng họ làm thinh. Ðức Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: "Anh giơ tay ra!" Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường. Ra khỏi đó, nhóm Pharisêu lập tức bàn tính với phe Hêrôđê, để tìm cách giết Ðức Giêsu.
Suy niệm
Ngày Thứ Bảy là ngày Thiên Chúa tỏ mình cho con người - Con người là cuộc thần hiển của Thiên Chúa
Bài Phúc Âm của Thánh ký Marco cho Chúa Nhật IX Thường Niên Năm B hôm nay bao gồm 2 sự kiện khác nhau, một ở ngoài trời và một ở trong hội đường, cả hai nơi này đều liên quan đến nhóm biệt phái và đều liên quan đến lề luật về ngày hưu lễ.
Sự kiện thứ nhất đó là: "Vào ngày sabát, Ðức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa. Các môn đệ Người bắt đầu bứt lúa trong khi đi đường. Những người Pharisêu liền nói với Ðức Giêsu: 'Ông coi, ngày sabát mà họ làm gì kia ? Ðiều ấy đâu cho phép!' Người đáp: 'Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách à? Vua Ðavít đã làm gì, khi vua và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? Dưới thời thượng tế Aviatha, vua vào nhà Thiên Chúa và ăn bánh tiến. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế, thế mà vua đã ăn, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa'. Người nói tiếp: 'Ngày sabát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sabát'."
Sự kiện thứ hai cũng liên quan đến nhóm biệt phái và đều liên quan đến lề luật về ngày hưu lễ đó là: "Ðức Giêsu lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. Họ rình xem Ðức Giêsu có chữa người ấy ngày sabát không, để tố cáo Người. Ðức Giêsu bảo người bại tay: 'Anh chỗi dậy, ra giữa đây!' Rồi Người nói với họ: 'Ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?' Nhưng họ làm thinh. Ðức Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: 'Anh giơ tay ra!' Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường. Ra khỏi đó, nhóm Pharisêu lập tức bàn tính với phe Hêrôđê, để tìm cách giết Ðức Giêsu".
Đúng thế, cả hai sự kiện này đều quan đến nhóm biệt phái và đều liên quan đến lề luật về ngày hưu lễ. Chúa Giêsu không phải là Người không biết đến việc của các tông đồ làm khi băng ngang qua ruộng lúa, thậm chí đích thân Người ở trong hội đường lại còn cố tình làm một việc ngứa mắt thành phần Pharisiêu gương mẫu trong việc giữ luật nữa.
Người biết việc Người cố ý chữa lành trong ngày hưu lễ và việc Người bênh vực cho các môn đệ của Người đã làm trong ngày hưu lễ là đụng chạm đến thành phần biệt phái, nhưng người không thể không làm và không nói lên tất cả sự thật về lề luật, một sự thật cần phải tỏ ra cho thành phần biệt phái giữ luật, nhờ đó họ được chính sự thật của luật giải phóng cho khỏi cuộc đời nô lệ và giả hình của họ.
Sự thật về lề luật có thể nói được bao gồm trong hai nguyên tắc thiết yếu bất hủ mà Chúa Giêsu đã lợi dụng hai cơ hội này để mở mắt cho thành phần biệt phái duy luật - thứ nhất là nguyên tắc: "Ngày sabát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sabát"; và thứ hai là nguyên tắc: Ngày hưu lễ là để làm lành hành thiện hơn là dửng dưng trước những sự dữ xẩy ra - "Ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?".
Trước hết: "Ngày sabát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát". Thật vậy, cho dù lề luật do Thiên Chúa ban và phản ảnh ý muốn thánh hảo vô cùng khôn ngoan của Thiên Chúa, nhưng nếu nó không nhắm đến lợi ích thiêng liêng và cứu độ của con người thì lề luật trở thành vô nghĩa và mất mục đích. Bởi thế, nếu phần rỗi và việc công chính hóa con người là mục đích thì lề luật chỉ đóng vai phương tiện cho cứu cánh của nó mà thôi. Do đó, bao giờ con người trở thành phương tiện cho lề luật đầy đọa thì hoàn toàn sai lầm, nhất là nơi chủ trương của thành phần duy luật như phái pharisiêu, thành phần hằng được Chúa Kitô lợi dụng mọi cơ hội để dẫn họ vào tận thâm cung của lề luật là chính con người.
Sau nữa, "Ngày sabát được phép làm điều lành...". Nguyên tắc này là hệ luận của nguyên tắc thứ nhất trên đây. Bởi vì, nếu con người cùng với lợi ích linh thiêng bất diệt của con người là cốt lõi của lề luật thì tất cả những gì mang lại lợi ích chính đáng cho con người và bảo vệ con người khỏi sự dữ cho họ khỏi bị hư đi thì nên làm, cần làm và phải làm, bằng không, chưa nói đến phạm đến con người, chỉ cần "bỏ qua không làm" những gì cần thiết cho con người, như trường hợp cần phải cấp cứu con người vào những lúc khẩn trương, nhưng nại lý đang phải hay đã tới giờ đọc kinh cầu nguyện, vì Chúa trọng hơn tất cả, thì con người đạo đức này chẳng những đã làm một việc hoàn toàn không đẹp lòng Chúa mà còn lỗi phạm đến đức bác ái nữa.
Ngay trong Cựu Ước, Sách Đệ Nhị Luật trong Bài Đọc 1 hôm nay cũng cho thấy ý
nghĩa sâu xa của Ngày Hưu Lễ như sau: "Ngươi hãy giữ ngày sa-bát, mà coi
đó là ngày thánh, như Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi. Trong
sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn
ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó,
ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi, cũng như con trai con gái, tôi
tớ nam nữ, bò lừa và mọi gia súc của ngươi, và ngoại kiều ở trong thành của
ngươi, để tôi tớ nam nữ của ngươi được nghỉ như ngươi. Ngươi
hãy nhớ ngươi đã làm nô lệ tại đất Ai-cập, và Ðức Chúa, Thiên Chúa của
ngươi, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ngươi ra khỏi đó. Bởi vậy, Ðức
Chúa, Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi cử hành ngày sa-bát".
"Ðó là luật Ít-ra-en phải cứ, Thiên Chúa nhà Gia-cóp đã phán truyền. Chỉ thị này, nhà Giu-se đã nhận khi bỏ miền Ai-cập ra đi", câu thứ hai của Bài Đáp Ca hôm nay, trích từ Thánh Vịnh 81 câu 5-6, công nhận.
Ngày hưu lễ sở dĩ "là ngày thánh" vì ngày này là ngày của Chúa và chỉ giành cho Chúa mà thôi, vì 6 ngày khác trong tuần con người đã lo làm ăn sinh sống trên thế gian này, đã lo cho bản thân mình và gia đình mình rồi. Thế nhưng, cho dù sau 6 ngày tạo dựng Thiên Chúa nghĩ ngơi vào ngày thứ bảy, Ngài vẫn tiếp tục làm việc, liên lỉ làm việc, hằng làm việc, như chính Chúa Kitô đã khẳng định: "Cha Tôi hằng làm việc cho đến bây giờ" (Gioan 5:17).
Có nghĩa là sau 6 ngày Ngài làm việc tạo dựng về lãnh vực tự nhiên thì ngày thứ bảy Ngài nghỉ không làm các việc ấy nữa mà rảnh tay làm một việc khác, một việc bất khả thiếu, quan trọng hơn và vô cùng cao cả, đó là việc thánh hóa loài người, là việc tỏ mình ra cho loài người, việc mạc khải thần linh để nhờ đó con người được dựng nên theo hình ảnh của Ngài có thể được hiệp thông thần linh với Ngài, mà tột đỉnh của ngày này là "thời điểm viên trọn khi Thiên Chúa sai Con Ngài sinh hạ bởi một người nữ" (Galata 4:4). Vì thế ngày hưu lễ, ngày thứ bảy cuối tuần là ngày thánh bởi tự nó mang tính cách linh thánh và nhắm đến mục đích thánh, nên con người cần phải làm những việc lành thánh mới đúng ý nghĩa và mục đích của lề luật Thiên Chúa ban.
Phải, vì ngày thứ bảy là ngày Thiên Chúa nghỉ ngơi sau 6 ngày tạo dựng để thánh hóa con người là loài đệ nhất tạo vật của Ngài, bằng cách tỏ mình ra cho họ, hay biến họ thành một cuộc thần hiển (theophany) của Ngài, mà ngày thứ bảy như "ánh sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm!" nơi con người, như Vị Tông Đồ Dân Ngoại cảm nhận trong Thư 2 gửi Giáo đoàn Corintô ở Bài Đọc 2 hôm nay: "Người cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi, để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Ðức Kitô", Đấng công khai tuyên bố về mình trong Bài Phúc Âm hôm nay: "Con Người là Chúa của ngày hưu lễ".
Vì ngày thứ bảy là ngày Thiên Chúa tiếp tục làm việc bằng cách tỏ mình ra cho con người nhất là qua Đức Giêsu Kitô mà con người phải trở thành một cuộc thần hiển của Thiên Chúa, nơi "vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Ðức Kitô", một vinh quang đã quả thực rạng ngời nơi bản thân và cuộc đời của Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô, như ngài cảm nhận và bày tỏ trong cùng Bài Đọc 1 hôm nay:
"Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi. Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc Thương Khó của Ðức Giêsu, để sự sống của Ðức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe dọa vì Ðức Giêsu, để sự sống của Ðức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi".
Phụng Vụ Lời Chúa cho Chu Kỳ Phụng Vụ Năm C
Bài Ðọc I: 1V 8, 41-43
"Khi người xứ lạ đến cầu nguyện, Chúa đã nhậm lời nó".
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, Salomon cầu nguyện trong đền thờ rằng: "Người ngoại bang không phải thuộc dân Israel của Chúa, vì danh Chúa, (bởi nó nghe nói danh Chúa cao cả, bàn tay Chúa mạnh mẽ và cánh tay Chúa hùng dũng), nó từ xứ xa lạ mà đến; vậy khi nó cầu nguyện tại nơi này, từ trời nơi Chúa ngự, (xin) Chúa nhậm lời nó, và ban cho nó mọi sự như nó kêu cầu, để mọi dân trên thế giới biết sợ danh Chúa, cũng như dân Israel của Ngài, và họ biết rằng danh Chúa được cao rao tại đền thờ này mà con đã xây cất".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 116, 1. 2
Ðáp: Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian (Mc 16, 15).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Toàn thể chư dân, hãy ngợi khen Chúa! Hết thảy các nước, hãy chúc tụng Người. - Ðáp.
2) Vì tình thương Chúa dành cho chúng ta thật là mãnh liệt, và lòng trung thành của Chúa tồn tại muôn đời. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Gl 1, 1-2. 6-10
"Nếu tôi còn làm vừa lòng thiên hạ, thì tôi không phải là đầy tớ của Ðức Kitô".
Khởi đầu thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.
Phaolô, làm Tông đồ không phải do loài người, hay do một người nào, mà là do Ðức Giêsu Kitô, và do Chúa Cha, Ðấng đã cho Người từ cõi chết sống lại, và tất cả anh em đang ở với tôi, kính gửi các cộng đoàn ở Galata.
Tôi ngạc nhiên thấy anh em thay lòng đổi dạ chóng như thế đối với Ðấng đã kêu gọi anh em thông phần vào ân sủng của Ðức Kitô, để anh em quay sang một tin mừng khác! Tin mừng khác làm gì có, chỉ có những kẻ phá rối anh em và muốn anh em đảo lộn Tin Mừng của Ðức Kitô. Nhưng cho dù chúng tôi, hay một thiên thần nào từ trời đến, giảng tin mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã rao giảng cho anh em, thì người đó bị chúc dữ! Như chúng tôi đã nói trước, và giờ đây tôi xin nói lại rằng: Nếu có ai rao giảng cho anh em Tin Mừng khác hơn điều anh em đã lãnh nhận, thì người đó bị chúc dữ!
Giờ đây, tôi phải làm vừa lòng người ta hay là Thiên Chúa? Nào có phải tôi tìm cách làm vừa lòng người ta sao? Nếu tôi còn làm vừa lòng thiên hạ, thì tôi không phải là đầy tớ của Ðức Kitô.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy". - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 7, 1-10
"Cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, lúc Chúa Giêsu đã nói với dân chúng xong, Người vào Capharnaum. Bấy giờ một viên sĩ quan có tên đầy tớ thân tín bị bệnh gần chết, nghe nói về Chúa Giêsu, ông sai vài người kỳ lão Do-thái đi xin Người đến cứu chữa đầy tớ ông. Họ đến gần Chúa Giêsu và van xin Người rằng: "Ông ta đáng được Thầy ban cho ơn đó, vì thật ông yêu mến dân ta, và chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta". Chúa Giêsu đi với họ, và khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này sai mấy người bạn đến thưa Người rằng: "Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi nghĩ tôi không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh. Vì tôi chỉ là một sĩ quan cấp dưới, tôi cũng có những lính dưới quyền tôi, tôi bảo người này đi, thì nó đi; tôi bảo người khác lại, thì nó lại; và bảo đầy tớ tôi làm cái này thì nó làm". Nghe nói thế, Chúa Giêsu ngạc nhiên và quay lại nói với đám đông theo Người rằng: "Ta nói thật với các ngươi, cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy". Và những người được sai đi, khi về tới nhà, thấy tên đầy tớ (đã) lành mạnh.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
"Tôi không xứng đáng... nhưng xin Thầy phán ... thì được lành mạnh"
Căn cứ vào phụng vụ Lời Chúa hôm nay, Chúa Nhật Thứ IX Thường Niên Năm C, chúng ta thấy hiện liên một ý chính ở tất cả các bài đọc bao gồm cả đáp ca đó là dự án cứu độ của Thiên Chúa hay ơn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa liên quan đến phần rỗi của dân ngoại.
Ngay trong Bài Đọc 1 chúng ta đã thấy hiển nhiên dự án cứu độ phổ quát này của Thiên Chúa qua "lời Vua Salomon cầu nguyện trong đền thờ rằng: 'Người ngoại bang không phải thuộc dân Israel của Chúa, vì danh Chúa, (bởi nó nghe nói danh Chúa cao cả, bàn tay Chúa mạnh mẽ và cánh tay Chúa hùng dũng), nó từ xứ xa lạ mà đến; vậy khi nó cầu nguyện tại nơi này, từ trời nơi Chúa ngự, (xin) Chúa nhậm lời nó, và ban cho nó mọi sự như nó kêu cầu, để mọi dân trên thế giới biết sợ danh Chúa, cũng như dân Israel của Ngài, và họ biết rằng danh Chúa được cao rao tại đền thờ này mà con đã xây cất'".
Bài Đáp Ca cũng thế, ơn cứu độ phổ quát được vang lên ngay ở câu đáp chung: "Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian" (Mc 16, 15) và đã tỏ hiện ở câu xướng đáp ca thứ nhất: "Toàn thể chư dân, hãy ngợi khen Chúa! Hết thảy các nước, hãy chúc tụng Người".
Ơn cứu độ phổ quát bao gồm cả dân ngoại này bao gồm 3 yếu tố: thứ nhất là yếu tố sứ điệp (liên quan đến Thiên Chúa), thứ hai là yếu tố sứ giả (liên quan đến tác nhân được sai đi), và thứ ba là yếu tố đức tin (liên quan đến người đón nhận sứ điệp và sứ giả), và yếu tố đức tin là yếu tố định đoạt cứu độ cho dù yếu tố sứ điệp là yếu tố nguyên lý cứu độ quan trọng hơn và yếu tố sứ giả là yếu tố phương tiện cứu độ bất khả thiếu.
Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô, trong Thứ gửi Giáo đoàn Galata ở Bài Đọc 2 hôm nay đã bao gồm cả 3 yếu tố thiết yếu tối quan trọng bất khả thiếu và liên hệ mật thiết với nhau như sau:
Trước hết là yếu tố sứ giả, phương tiện cứu độ: "Phaolô, làm Tông đồ không phải do loài người, hay do một người nào, mà là do Ðức Giêsu Kitô, và do Chúa Cha, Ðấng đã cho Người từ cõi chết sống lại".
Sau nữa là yếu tố đức tin cứu độ: "Tôi ngạc nhiên thấy anh em thay lòng đổi dạ chóng như thế đối với Ðấng đã kêu gọi anh em thông phần vào ân sủng của Ðức Kitô, để anh em quay sang một tin mừng khác!"
Sau hết là yếu tố sứ đệp cứu độ: "Tin mừng khác làm gì có, chỉ có những kẻ phá rối anh em và muốn anh em đảo lộn Tin Mừng của Ðức Kitô. Nhưng cho dù chúng tôi, hay một thiên thần nào từ trời đến, giảng tin mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã rao giảng cho anh em, thì người đó bị chúc dữ!"
Ba yếu tố thiết yếu bất khả thiếu và bất khả phân ly cho ơn cứu độ chẳng những cho dân ngoại mà còn cho cả chính dân Do Thái được Thiên Chúa tuyển chọn nữa. Phải chăng đó là lý do Chúa Giêsu đã khen viên sĩ quan đại đội trưởng dân ngoại Roma rằng: "Ta nói thật với các ngươi, cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy".
Yếu tố cứu độ quyết liệt nơi viên đại đội trưởng dân ngoại Roma này như thế nào trước vị sứ giả thần linh là Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần - Redemptor Hominis mà được Người không tiếc lời khen tặng trước mặt dân Người như thế? Nếu không phải ở chính lời thân thưa của ông với Chúa Giêsu đang cùng với "vài người kỳ lão Do-Thái" được sai đến với Người tới nhà ông ta cho đến "khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này sai mấy người bạn đến thưa Người rằng":
"Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi nghĩ tôi không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh".
Qua lời thân thưa chân thành này của viên đại đội trưởng dân ngoại Rôma chúng ta thấy ông quả thực có một đức tin gương mẫu, dù không phải là dân Do Thái, một dân tộc cho dù đã liên tục được Thiên Chúa ở cùng và tỏ mình ra trong suốt giòng lịch sử cứu độ của họ mà họ cũng vẫn cứng tin, thậm chí cuối cùng nhờ tay dân ngoại mà sát hại Người.
Viên sĩ quan Rôma dân ngoại này sở dĩ có một "lòng tin mạnh mẽ như vậy" là vì ông có một tâm hồn khiêm hạ, ở chỗ luôn ý thức được thân phận ngoại bang của mình, thân phận của một con người thuộc dân ngoại là thành phần vốn bị dân Chúa coi là tội lỗi xấu xa bất xứng. Bởi thế, dù ông có quyền trên một số thuộc hạ, và có thể bởi nhận thức được thân phận của mình như thế mà ông cảm thấy bất xứng chẳng những nơi việc đích thân đến mời Chúa Giêsu mà còn những gì liên quan đến ông, như đám thuộc hạ của ông: "Vì tôi chỉ là một sĩ quan cấp dưới, tôi cũng có những lính dưới quyền tôi, tôi bảo người này đi, thì nó đi; tôi bảo người khác lại, thì nó lại; và bảo đầy tớ tôi làm cái này thì nó làm", thành phần thuộc hạ bất xứng thay ông đến mời Chúa (mà là các bậc "kỳ lão" vị vọng trong dân), và nhất là nhà cửa của ông cũng "không xứng đáng được Thầy vào".
Yếu tố cứu độ nơi viên đại đội trưởng dân ngoại trong Bài Phúc Âm hôm nay chẳng những xuất phát từ lòng khiêm hạ của ông ta mà còn nhắm thẳng đến chính yếu tố nguyên lý cứu độ là lời của Chúa Kitô, Đấng ông chưa bao giờ gặp, thậm chí chưa bao giờ tận mắt thấy và tận tai nghe, cho bằng chỉ gián tiếp nghe về Người thôi, thế mà ông đã tỏ ra hơn ai hết, so với dân Do Thái, tin tưởng vào sứ điệp cứu độ đầy quyền lực là lời Chúa: "Xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh".
Thứ Hai
Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm I) Tb 1, 1a. 2; 2, 1-9
"Tôbia kính sợ Thiên Chúa hơn là nhà vua".
Khởi đầu sách Tôbia.
Tôbia, người chi họ và thành Nephthali, ông bị bắt lưu đày trong đời Salmanasar, vua xứ Assyria. Mặc dầu bị lưu đày, ông không bỏ đường chân lý.
Khi đến lễ trọng kính Chúa, trong gia đình Tôbia có dọn bữa ăn thịnh soạn, ông nói với con trai ông rằng: "Con hãy đi mời mấy người, thuộc chi họ chúng ta biết kính sợ Chúa, đến dự tiệc với chúng ta". Con ông đi, rồi trở về báo tin cho ông hay rằng: "Một người con cái Israel bị bóp cổ chết nằm ngoài đường". Lập tức, ông bỏ bàn ăn, ra khỏi phòng, bụng còn đói, chạy đến chỗ tử thi. Ông lén vác xác về nhà, để chờ lúc mặt trời lặn sẽ chôn cất cẩn thận. Sau khi đã giấu xác rồi, ông vừa dùng bữa vừa than khóc và run sợ, vì nhớ lại lời Chúa dùng miệng tiên tri Amos mà phán rằng: "Ngày lễ của các ngươi sẽ trở thành ngày than khóc và tang chế". Khi mặt trời lặn, ông đi chôn xác. Tất cả các người bà con chỉ trích ông rằng: "Ông đã bị lên án tử hình cũng vì công việc đó, và may là ông thoát khỏi án tử, nay ông lại đi chôn kẻ chết nữa sao?" Nhưng Tôbia kính sợ Thiên Chúa hơn là sợ nhà vua, vẫn lấy trộm xác kẻ bị giết, giấu trong nhà, rồi đến nửa đêm ông đem đi chôn.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 111, 1-2. 3-4. 5-6
Ðáp: Phúc đức thay người tôn sợ Chúa (c. 1a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Phúc đức thay người tôn sợ Chúa, người hết lòng ham mộ luật pháp của Ngài. Con cháu người sẽ hùng cường trong Ðất Nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân. - Ðáp.
2) Trong nhà người có tài sản phú quý, và lòng quảng đại người còn mãi muôn đời. Trong u tối, người xuất hiện như ánh sáng soi kẻ lòng ngay, người nhân hậu, từ bi và công chính. - Ðáp.
3) Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình. Cho tới đời đời người sẽ không nao núng: người hiền đức sẽ được ghi nhớ muôn đời. - Ðáp.
Alleluia: Gc 1, 21
Alleluia, alleluia! - Anh em hãy khiêm nhu nhận lãnh lời giao ước trong lòng, lời đó có thể cứu thoát linh hồn anh em. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 12, 1-12
"Chúng bắt cậu con trai giết đi và quăng xác ra vườn nho".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão rằng: "Có người trồng một vườn nho, rào dậu xung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp, đoạn cho tá điền thuê vườn nho và trẩy đi phương xa.
"Ðến kỳ hạn, ông sai đầy tớ đến với tá điền thu phần hoa lợi vườn nho. Nhưng những người này bắt tên đầy tớ đánh đập và đuổi về tay không. Ông lại sai đầy tớ khác đến với họ. Người này cũng bị chúng đánh vào đầu và làm sỉ nhục. Nhưng người thứ ba thì bị chúng giết. Ông còn sai nhiều người khác nữa, nhưng kẻ thì bị chúng đánh đập, người thì bị chúng giết chết.
"Ông chỉ còn lại một cậu con trai yêu quý cuối cùng, ông cũng sai đến với họ, (vì) ông nghĩ rằng: "Chúng sẽ kiêng nể con trai ta". Nhưng những tá điền nói với nhau rằng: "Người thừa tự đây rồi, nào ta hãy giết nó và cơ nghiệp sẽ về ta". Ðoạn chúng bắt cậu giết đi và quăng xác ra ngoài vườn nho. Chủ vườn nho sẽ xử thế nào? Ông sẽ đến tiêu diệt bọn tá điền và giao vườn nho cho người khác. Các ông đã chẳng đọc đoạn Thánh Kinh này sao: "Tảng đá những người thợ xây loại ra, trở thành đá góc tường. Ðó là việc Chúa làm, thật lạ lùng trước mắt chúng ta".
Họ tìm bắt Người, nhưng họ lại sợ dân chúng. Vì họ đã quá hiểu Người nói dụ ngôn đó ám chỉ họ. Rồi họ bỏ Người mà đi.
Ðó là lời Chúa.
Cảm Nghiệm
Thành phần "tá điền" lãnh đạo Dân Do Thái thời Cựu Ước (đối với các vị tiên tri) cũng như "thời viên trọn" (Galata 4:4) của Chúa Giêsu, bề ngoài và thực tế, đã quả thực ra tay sát hại các tiên tri nhất là Con Thiên Chúa, với chủ ý muốn chiếm đoạt gia tài của người con chủ, nghĩa là chỉ vì bênh vực vinh quang Thiên Chúa mà họ đã giết Chúa Kitô:
"'Nhân danh Thiên Chúa hằng sống ta truyền cho ngươi phải nói thật cho chúng ta biết ngươi có phải là Đức Kitô Con Thiên Chúa hay chăng?' Ðức Giêsu trả lời: 'Chính ngài nói đó. Hơn nữa, tôi nói cho các ông hay: từ nay, các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Ðấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến'. Bấy giờ vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói: 'Hắn nói phạm thượng! Chúng ta cần gì nhân chứng nữa? Ðấy, quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa, quý vị nghĩ sao?' Họ liền đáp: 'Hắn đáng chết!'" (Mathêu 26:63-66).
Phải chăng cùng tâm thức đó mới xẩy ra hiện tượng khủng bố ngày nay, hoàn toàn xuất phát từ thế giới Ả Rập Hồi giáo, nhân danh Thiên Chúa mà sát hại đồng loại, đồng hương và đồng đạo của mình một khi thành phần bị họ khủng bố được họ cho là đã làm bất cứ điều gì đó xúc phạm đến "Allah Vĩ Đại" hay xúc phạm đến vị đại tiên tri Muhammed duy nhất cao cả sáng lập đạo giáo của họ?
Thế nhưng, tự bản chất việc sát hại ấy đã là xấu, con người tạo vật dù có ý tốt mấy chăng nữa, cũng không thể và không có quyền biến dữ thành lành, một cách bất chấp thủ đoạn, ở chỗ biến phương tiện (xấu) thành mục đích (tốt) như chủ trương phương tiện biện minh cứu cánh của chủ nghĩa cộng sản vô thần thời cận đại và hiện đại.
Tuy nhiên, con người vẫn có thể biến sự dữ thành sự lành, bằng cách tha thứ, hay lấn sự ác bằng sự thiện, như trường hợp của nhân vật Tobia cha trong Bài Đọc 1 hôm nay, ở chỗ bất tuân lệnh vua (xấu) và cứ chôn xác đồng hương của mình (lành): "Tôbia, người chi họ và thành Nephthali, ông bị bắt lưu đày trong đời Salmanasar, vua xứ Assyria. Mặc dầu bị lưu đày, ông không bỏ đường chân lý... Tôbia kính sợ Thiên Chúa hơn là sợ nhà vua, vẫn lấy trộm xác kẻ bị giết, giấu trong nhà, rồi đến nửa đêm ông đem đi chôn".
Nhân vật Tobia cha này thật sự đáng được Thánh Vịnh gia ca ngợi như trong bài Đáp Ca hôm nay:
1) Phúc đức thay người tôn sợ Chúa, người hết lòng ham mộ luật pháp của Ngài. Con cháu người sẽ hùng cường trong Ðất Nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân.
2) Trong nhà người có tài sản phú quý, và lòng quảng đại người còn mãi muôn đời. Trong u tối, người xuất hiện như ánh sáng soi kẻ lòng ngay, người nhân hậu, từ bi và công chính.
3) Phúc đức cho người biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình. Cho tới đời đời người sẽ không nao núng: người hiền đức sẽ được ghi nhớ muôn đời.
Thứ Ba
Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm I) Tob 2, 10-23
"Tuy bị mù lòa, ông cũng không phiền trách Thiên Chúa".
Trích sách Tobia.
Xảy ra trong một ngày nọ, Tobia đi chôn xác mệt nhọc, trở về nhà, ông liền nằm ngủ bên vách tường, thì phân nóng chim én từ tổ rơi xuống mắt ông, khiến ông bị mù.
Chúa cho phép ông chịu thử thách như thế, để nêu gương nhẫn nại cho hậu thế như thánh Gióp xưa.
Vì từ lúc còn bé, ông có lòng kính sợ Thiên Chúa, và tuân giữ giới răn của Người, tuy bị mù lòa, ông cũng không phiền trách Thiên Chúa.
Trái lại, ông vẫn một lòng kính sợ Thiên Chúa, và tạ ơn Người hằng ngày trong đời ông.
Vả các vua xưa nhạo báng thánh Gióp thế nào, thì nay bà con họ hàng cũng chê cười đời sống của ông mà rằng: "Hy vọng của ông ở đâu? Ông làm phúc và chôn xác được ích gì?"
Nhưng Tobia quở trách họ rằng: "Các ngươi đừng nói vậy, vì chúng ta là con cái các thánh, chúng ta trông đợi cuộc sống mà Thiên Chúa sẽ ban cho những ai không bao giờ thay đổi lòng tin vào Người".
Còn bà vợ của ông là Anna, hằng ngày đi dệt vải, hễ kiếm được gì bởi tay mình làm để nuôi thân, bà đem về, bởi đó, có lần bà nhận được một con dê đem về nhà; ông ông chồng nghe tiếng dê be be, liền nói: "Coi chừng, kẻo lỡ phải của ăn trộm đó. Hãy dắt đem trả cho chủ nó, vì chúng ta không được phép dùng đến của ăn trộm".
Bà vợ ông nổi giận trả lời rằng: "Rõ là niềm hy vọng của ông ra vô ích, và kết quả việc bố thí của ông nay đã rõ ràng!"
Và bà tiếp tục nói những lời như thế mà mạt sát ông.
Ðó là Lời Chúa.
Ðáp Ca: TV. 111, 1-2, 7bc-8,9
Ðáp: Lòng người công chính vững vàng trông cậy vào Chúa.
Xướng 1) Ph1uc đức thay người tôn sợ Chúa, người hết lòng hâm mộ luật pháp của Ngài. Con cháu người sẽ hùng cường trong Ðất Nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân. - Ðáp.
2) Người không kinh hãi vì nghe tin buồn thảm, lòng người vững vàng, cậy trông vào Chúa. Lòng người kiên nghị, người không kinh hãi, cho tới khi nhìn thấy kẻ thù phải hổ ngươi. - Ðáp.
3) Người ban phát và bố thí cho những kẻ nghèo, lòng quảng đại của người muôn đời còn mãi, sừng người được ngẩng lên trong vinh quang. - Ðáp.
Alleluia: 1 Pr 1, 25
Alleluia, alleluia! - Lời Chúa tồn tại muôn đời, đó là lời Tin Mừng đã rao giảng cho anh em. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 12, 13-17
"Các ông hãy trả cho Cêsarê cái gì thuộc về Cêsarê, và trả cho Thiên Chúa cái gì thuộc về Thiên Chúa".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, người ta sai mấy người thuộc nhóm biệt phái và đảng Hêrôđê đến Chúa Giêsu để lập mưu bắt lỗi Người trong lời nói. Họ đến thưa Người rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật không vị nể ai, vì Thầy chẳng xem diện mạo, một giảng dạy đường lối Thiên Chúa cách rất ngay thẳng. Vậy chúng tôi có nên nộp thuế cho Cêsarê không? Chúng tôi phải nộp hay là không?" Nhưng Người biết họ giả hình, nên bảo rằng: "Sao các ông lại thử Ta? Hãy đưa Ta xem một đồng tiền". Họ đưa cho Người một đồng tiền và Người hỏi: "Hình và ký hiệu này là của ai?" Họ thưa: "Của Cêsarê". Người liền bảo họ: "Vậy thì của Cêsarê, hãy trả cho Cêsarê; của Thiên Chúa, hãy trả cho Thiên Chúa". Và họ rất đỗi kinh ngạc về Người.
Ðó là lời Chúa.
Cảm Nghiệm
Thật vậy, nếu con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa (xem Khởi Nguyên 1:26-27) thì quả thực chỉ có một mình Thiên Chúa là tất cả moị sự của con người và cho con người, là nguyên ủy và là cùng đích của họ, ngoài Ngài ra con ngưòi chắc chắn sẽ bị lầm lạc và chẳng bao giờ có hạnh phúc chân thật, trọn hảo và bất tận, nếu con người không tìm kiếm Ngài, nhận biết Ngài, chấp nhận Ngài và đáp ứng Ngài.
Trong Bài Đọc 1 hôm nay, nhân vật Tobia cha, trước mắt trần gian có vẻ bị bất hạnh và khốn nạn đấy, nhưng trước nhan Thiên Chúa, nhân vật này quả thực đã tỏ ra mình là một đồng tiên quí giá mang "hình và huy hiệu" của Thiên Chúa, bằng đời sống tin tưởng Ngài và kính sợ Ngài của ông: "Từ lúc còn bé, ông có lòng kính sợ Thiên Chúa, và tuân giữ giới răn của Người", Đấng vì thế phải chăng đã càng cần phải làm cho "hình và huy hiệu" của Ngài càng trở thành đậm nét hơn nữa nơi con người và cuộc đời của nhân vật này bằng những gian nan khốn khó: "Xảy ra trong một ngày nọ, Tobia đi chôn xác mệt nhọc, trở về nhà, ông liền nằm ngủ bên vách tường, thì phân nóng chim én từ tổ rơi xuống mắt ông, khiến ông bị mù. Chúa cho phép ông chịu thử thách như thế, để nêu gương nhẫn nại cho hậu thế như thánh Gióp xưa".
Quả thực nhân vật Tobia cha này đã chẳng những "trả về cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa" ở chỗ: "tuy bị mù lòa, ông cũng không phiền trách Thiên Chúa. Trái lại, ông vẫn một lòng kính sợ Thiên Chúa, và tạ ơn Người hằng ngày trong đời ông", mà còn "trả về cho Cesa những gì của Cesa" là thế gian được tiêu biểu nơi thành phần "bà con họ hàng cũng chê cười đời sống của ông mà rằng: 'Hy vọng của ông ở đâu? Ông làm phúc và chôn xác được ích gì?'" như thế này: "Các ngươi đừng nói vậy, vì chúng ta là con cái các thánh, chúng ta trông đợi cuộc sống mà Thiên Chúa sẽ ban cho những ai không bao giờ thay đổi lòng tin vào Người".
"Lòng người công chính vững vàng trông cậy vào Chúa", câu thưa chính của Bài Đáp Ca hôm nay thật là chính xác nơi trường hợp của nhân vật Tobia cha trong Bài Đọc 1 hôm nay, một nhân vật đã được chính Thiên Chúa càng in đậm nét "hình và huy hiệu" của Ngài nơi con người và trong cuộc đời của nhân vật này, một nhân vật thực sự đã biết "trả về cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa, và trả về cho Cesa những gì của Cesa", một nhân vật đáng được Thánh Vịnh gia thán phục và ca ngợi trong Bài Đáp Ca hôm nay:
1) Phúc đức thay người tôn sợ Chúa, người hết lòng hâm mộ luật pháp của Ngài. Con cháu người sẽ hùng cường trong Ðất Nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân.
2) Người không kinh hãi vì nghe tin buồn thảm, lòng người vững vàng, cậy trông vào Chúa. Lòng người kiên nghị, người không kinh hãi, cho tới khi nhìn thấy kẻ thù phải hổ ngươi.
3) Người ban phát và bố thí cho những kẻ nghèo, lòng quảng đại của người muôn đời còn mãi, sừng người được ngẩng lên trong vinh quang.