SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

 

Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa 
Mùa Thường Niên Tuần V
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL



Chúa Nhật


Lời Chúa

 

 

Bài Ðọc I: Sir 15,16-21

"Người không truyền dạy cho một ai làm điều gian ác"

Bài trích sách Ðức Huấn ca.

Nếu người muốn tuân giữ các giới răn:

việc trung thành giữ các giới răn là tùy ở ngươi.

Người đặt trước mặt ngươi nước và lửa,

ngươi muốn cái gì, thì giơ tay ra trên đó.

Trước mặt con người là sự sống và sự chết, sự lành và sự dữ,

họ thích thứ nào, thì được thứ ấy.

Bởi chưng, Thiên Chúa đầy khôn ngoan, hùng dũng và toàn năng.

Người luôn luôn nhìn thấy mọi loài.

Chúa nhìn đến những kẻ kính sợ Người,

và thấu suốt mọi hành động của con người.

Người không truyền dạy cho một ai làm điều gian ác,

và không cho phép một ai phạm tội.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv. 118,1-2, 4-5, 17-18, 33-34

Ðáp: Phước đức những ai tiến thân trong luật pháp của Chúa.

Xướng 1) Phước đức những ai có đường lối tinh tuyền, họ tiến thân trong luật pháp của Chúa. Phước đức những ai giữ lời Chúa răn bảo, những người đó tận tâm tìm kiếm Chúa. - Ðáp.

2) Phần Chúa, Chúa ban bố huấn lệnh, để chúng được tuân giữ hết sức ân cần. Nguyện cho đường nẻo tôi vững chắc, để tuân giữ thánh chỉ của Chúa. - Ðáp.

3) Xin gia ân cho tôi tớ Chúa được sống, để tuân giữ những lời Chúa răn. Xin mở rộng tâm hồn con mắt của tôi, để quân chiêm những điều kỳ diệu trong Luật Chúa. - Ðáp.

4) Lạy Chúa, xin tỏ cho tôi biết đường lối thánh chỉ Ngài, để cho tôi được hoàn toàn tuân giữ. Xin giáo huấn tôi, để tôi tuân cứ luật pháp của Ngài, và để tôi hết lòng vâng theo luật đó. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: 1Cor 2,6-10

"Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn thuở, để làm nên sự hiển vinh của chúng ta".

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Corintô.

Anh em than mến, chúng tôi có bàn giải sự khôn ngoan

với những người toàn thiện, mà đó không phải là sự khôn ngoan của thế gian,'

cũng không phải của những bậc vua chúa thế trần,

hạng người đã bị dồn vào chỗ hư vong.

Nhưng chúng tôi thuyết sự khôn ngoan đầy nhiệm mầu của Thiên Chúa,

vẫn được giấu kín, mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn thuở,

để làm nên sự hiển vinh của chúng tôi.

Sự khôn ngoan đó, không một ai trong các vua chúa thế trần đã biết tới:

vì giả thử nhận biết, hẳn họ đã không đóng đinh Chúa sự hiển vinh.

Nhưng chúng tôi rao giảng như lời đã chép:

"Sự mắt chưa từng thấy và tai chưa từng nghe,

và lòng người cũng chưa từng mơ ước tới,

đó là tất cả những điều Thiên Chúa đã làm ra cho những ai yêu mến Người".

Bởi chưng Thiên Chúa đã mạc khải điều đó cho chúng tôi,

do Thánh Thần của Người.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Joan 1,14 và 12b

Alleluia! Alleluia! Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. Alleluia!

 

Phúc Âm: Mt 5, 17-37

"Người xưa đã bảo như thế, còn Ta, Ta bảo thật các con thế này".

Bài trích Phúc Âm theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:

"Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri:

Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Ta bảo thật các con:

Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm một phẩy trong bộ luật

cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành.

Bởi vậy, ai hủy bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất,

và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời;

Trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó,

sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời.

Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái,

thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu.

Các con đã nghe dạy người xưa rằng:

Không được giết người.

Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án.

Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẩn nộ với anh em mình,

thì sẽ bị toà án luận phạt.

Ai bảo anh em là ngốc, thì bị phạt trước công nghị.

Ai rủa anh em là "khùng", thì sẽ bị vạ lửa địa ngục.

Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ

mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với ngươi,

thì ngươi hãy để của lễ lại trước bàn thờ,

đi làm hòa với người anh em ngươi trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ.

Hãy liệu làm hòa với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó,

kẻo kẻ thù sẽ đưa ngươi ra trước mặt quan tòa,

quan tòa lại trao ngươi cho tên lính canh và ngươi sẽ bị tống ngục.

Ta bảo thật cho ngươi biết:

"Ngươi sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng!"

Các con đã nghe nói với người xưa rằng:

"Chớ ngoại tình". Còn Ta, Ta bảo các con:

"Hễ ai nhìn xem phụ nữ mà ước ao phạm tội với họ,

thì đã ngoại tình với họ trong lòng rồi.

Nếu con mắt phải của con nên dịp tội cho con,

thì hãy móc nó mà ném xa con; vì thà mất một chi thể

còn lợi hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục.

Và nếu tay phải con nên dịp tội cho con, thì hãy chặt mà ném nó xa con;

vì thà mất một chi thể còn hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục".

Cũng có lời dạy rằng: "Ai ly dị vợi mình,

trừ trường hợp tà dâm, thì làm cớ cho vợ ngoại tình;

và ai cưới người vợ đã ly dị, cũng phạm tội ngoại tình".

Các con cũng đã nghe có lời bảo người xưa rằng:

"Chớ thề gian, nhưng hãy giữ trọn lời mình thề với Chúa".

Còn Ta, Ta bảo các con:

"Ðừng thề chi cả; đừng lấy trời mà thề,

vì trời là ngai Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì đất là bệ chân Người;

đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả.

Cũng đừng chỉ đầu ngươi mà thề,

vì ngươi không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hay đen được.

Nhưng lời nói của các con phải là: Có thì nói có,

không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra".

Ðó là lời Chúa.

 

Image result for Mt 5, 17-37

 

 

Suy niệm

 

"Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn"... "sự khôn ngoan đầy nhiệm mầu của Thiên Chúa"

 

Bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Nhật VI Thường Niên Năm A, khá dài, với 20 câu ở gần cuối đoạn 5 của Phúc Âm Thánh ký Mathêu, bao gồm những lời giáo huấn của Chúa Giêsu về Bài Giảng Phúc Đức Trọn Lành sau phần mở đầu liên quan đến chính Các Phúc Đức Trọn Lành (Chúa Nhật IV Thường Niên Năm A) và vai trò "là muối đất" và "là ánh sáng thế gian" của thành phần tông đồ môn đệ của Người với thế giới nhân sinh (Chúa Nhật IV Thường Niên Năm A).

Bài Phúc Âm 20 câu hôm nay bao gồm, Chúa Giêsu muốn so sánh, hay đúng hơn, muốn khẳng định giáo huấn của Người là những gì làm cho lề luật của Thiên Chúa ở trong Cựu Ước của dân Do Thái được nên trọn, đạt được mục đích của lề luật, qua tinh thần của luật chứ không phải chữ nghĩa của luật: "Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn". Bởi thế, Chúa Giêsu dùng phương pháp so sánh về 3 điều tiêu biểu nhất, liên quan đến điều răn thứ 5 "chớ giết người", điều răn thứ 9 "chớ muốn vợ chồng người" và  điều răn thứ 8 "chớ làm chứng dối", như sau

1- Giết người: "Các con đã nghe dạy người xưa rằng: Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án. Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẩn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là ngốc, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là "khùng", thì sẽ bị vạ lửa địa ngục".

2- Ngoại tình: "Các con đã nghe nói với người xưa rằng: 'Chớ ngoại tình'. Còn Ta, Ta bảo các con: 'Hễ ai nhìn xem phụ nữ mà ước ao phạm tội với họ, thì đã ngoại tình với họ trong lòng rồi'";

3- Thề Nguyền: "Các con cũng đã nghe có lời bảo người xưa rằng: 'Chớ thề gian, nhưng hãy giữ trọn lời mình thề với Chúa'. Còn Ta, Ta bảo các con: 'Ðừng thề chi cả; đừng lấy trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì đất là bệ chân Người; đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả. Cũng đừng chỉ đầu ngươi mà thề, vì ngươi không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hay đen được. Nhưng lời nói của các con phải là: Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra".

Căn cứ vào các câu giáo huấn về 3 giới răn tiêu biểu quan trọng trên đây, chúng ta thấy, vì Bài Giảng Trên Núi là bài giảng về phúc đức trọn lành, giúp cho những ai muốn theo Người nhờ đó có thể sống xứng đúng với tư cách là con cái của Cha trên trời là Đấng trọn lành, mà Chúa Giêsu đã vạch ra cho các vị môn đệ đang nghe Người bấy giờ biết những ý nghĩa sâu xa của từng hành động luân thường đạo lý liên quan đến lề luật tự nhiên của Thiên Chúa. Thậm chí Ngưòi còn chỉ cho các vị biết cách để làm sao hoàn tất được giáo huấn trổi vượt của Người nữa, như chúng ta đọc thấy trong Bài Phúc Âm hôm nay.

Trước hết, về hành động "giết người", Người dạy rằng không phải chỉ ở chỗ làm mất mạng sống về thể lý của anh chị em mình, mà còn bao gồm cả việc phẫn nộ với họ, khinh bỉ họ và nguyền rủa họ nữa. Đó là lý do Thánh Gioan Tông Đồ đã khẳng định rằng: "Ai ghét anh em mình là kẻ sát nhân - Whoever hates his brother is a murderer" (1Gioan 3:15).

Để tránh hành động giết người có tính cách tâm linh là ghen ghét ở chỗ phẫn nộ, khinh bỉ và nguyền rủa anh em mình, nhất là những ai tác hại đến mình là nạn nhân của họ, Chúa Giêsu đã dạy thành phần môn đệ của Người rằng khi các vị là nạn nhân thì phải về làm hòa với phạm nhân của các vị trước khi dâng của lễ cho Thiên Chúa, nghĩa là hãy tự động quảng đại tha thứ cho phạm nhân của mình để xứng đáng cử hành "mầu nhiệm thánh" và mới xứng đáng dâng của lễ lên Đấng là Tình Yêu vô cùng nhân hậu đầy lòng thứ tha:

"Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với ngươi, thì ngươi hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ngươi trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ".

Sau nữa về hành động "ngoại tình", Người dạy rằng không phải chỉ ở chỗ giao hợp với nhau về xác thịt mà còn ở chỗ thèm muốn xác thịt của người nữ nữa. Và chính vì thế mà Người đã dạy phải làm sao để tránh dịp tội ở ngay bản thân mình, chứ không phải ở ngoại cảnh bên ngoài, dù người nữ nào đó có cố tình cám dỗ mình chăng nữa:

"Nếu con mắt phải của con nên dịp tội cho con, thì hãy móc nó mà ném xa con; vì thà mất một chi thể còn lợi hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục. Và nếu tay phải con nên dịp tội cho con, thì hãy chặt mà ném nó xa con; vì thà mất một chi thể còn hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục".

Sau hết về hành động thề nguyền, Người dạy rằng không phải chỉ ở chỗ "thề gian" nghĩa là không trung thành với lời thề của mình "nhưng hãy giữ trọn lời mình thề với Chúa", mà còn ở chỗ chẳng cần phải thề gì hết: "Có thì nói có, không thì nói không", sống một cách thành thật ở mọi nơi và trong mọi lúc, chứ không quanh quéo làm sao cho được như ý của mình, bất chấp sự thật, bất chấp thủ đoạn, theo đường lối của ngụy thần "là tên dối trá và là cha của những sự giả dối" (Gioan 8:44): "thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra".

Tất cả những gì Chúa Giêsu dạy trong Bài Phúc Âm hôm nay so với lề luật cũ để hoàn trọn lề luật của Thiên Chúa đã ban cho dân Do Thái phải nói là những điều hoàn thiện hóa bản tính tự nhiên của con người, nhất là bản tính đã bị băng hoại bởi nguyên tội luôn hướng hạ đầy tội lỗi xấu xa khốn nạn, và giáo huấn này chứng thực tất cả những gì khôn ngoan của trời cao được tỏ cho con người qua Chúa Giêsu Kitô.

Thật vậy, giáo huấn của Chúa Giêsu là Lời Nhập Thể trong Bài Phúc Âm hôm nay cho thấy sự khôn ngoan của Thiên Chúa, một sự khôn ngoan cũng đã được vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô truyền giảng qua các giáo huấn hoàn toàn phản ảnh Phúc Âm, phản ảnh giáo huấn của Chúa Kitô, Đấng ngài chứng thực bằng chính đời sống của ngài, như ngài đã được Thiên Chúa mạc khải cho biết: "Thiên Chúa đã mạc khải điều đó cho chúng tôi, do Thánh Thần của Người", một sự khôn ngoan siêu việt được ngài khẳng định như sau:

"Chúng tôi thuyết sự khôn ngoan đầy nhiệm mầu của Thiên Chúa, vẫn được giấu kín, mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn thuở, để làm nên sự hiển vinh của chúng tôi.... 'Sự mắt chưa từng thấy và tai chưa từng nghe, và lòng người cũng chưa từng mơ ước tới, đó là tất cả những điều Thiên Chúa đã làm ra cho những ai yêu mến Người'".

Đó là lý do tác giả của Sách Huấn Ca trong Bài Đọc 1 hôm nay đã khẳng định về ý định của Thiên Chúa đối với con người trong việc Ngài ban hành các huấn lệnh của Ngài cho họ và trách nhiệm chọn lựa lành dữ và sống chết của họ đối với các huấn lệnh của Thiên Chúa:

Về ý định của Thiên Chúa đối với con người trong việc Ngài ban hành các huấn lệnh của Ngài cho họ: "Thiên Chúa đầy khôn ngoan, hùng dũng và toàn năng. Người luôn luôn nhìn thấy mọi loài. Chúa nhìn đến những kẻ kính sợ Người, và thấu suốt mọi hành động của con người. Người không truyền dạy cho một ai làm điều gian ác, và không cho phép một ai phạm tội".

Về trách nhiệm chọn lựa lành dữ và sống chết của họ đối với các huấn lệnh của Thiên Chúa: "Nếu người muốn tuân giữ các giới răn: việc trung thành giữ các giới răn là tùy ở ngươi. Người đặt trước mặt ngươi nước và lửa, ngươi muốn cái gì, thì giơ tay ra trên đó. Trước mặt con người là sự sống và sự chết, sự lành và sự dữ, họ thích thứ nào, thì được thứ ấy".

Để được như vậy, để có thể luôn đáp ứng ý muốn của Thiên Chúa qua các huấn lệnh mang lại sự sống của Thiên Chúa, con người tự bản chất vốn mù quáng và yếu đuối bởi bản tính đã bị hư hoại theo nguyên tội không thể nắm vững được đâu là những gì chân thật nhất, tốt lành nhất và đẹp lòng Chúa nhất để mà tuân theo một cách trung thành và dễ dàng, nên họ cần phải liên lỉ tỉnh thức và cầu nguyện theo chiều hướng của câu Đáp Ca hôm nay: "Lạy Chúa, xin tỏ cho tôi biết đường lối thánh chỉ Ngài, để cho tôi được hoàn toàn tuân giữ. Xin giáo huấn tôi, để tôi tuân cứ luật pháp của Ngài, và để tôi hết lòng vâng theo luật đó". 

 

"Nếu mỗi người chúng ta quyết định tránh chuyện đồn đại nhảm nhí thì cuối cùng chúng ta sẽ thành một vị thánh!"

 

Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay là một phần trong bài giảng được gọi là Bài Giảng Trên Núi, bài giảng quan trọng đầu tiên của Chúa Giêsu. Đề tài hôm nay đó là thái độ của Chúa Giêsu đối với Lề Luật Do Thái. Người phán: "Đừng nghĩ rằng Tôi đến để hủy bỏ lề luật và các tiên tri; Tôi đến không phải là để hủy bỏ mà để làm cho chúng nên viên trọn" (Mathêu 5:17). Như thế Chúa Giêsu không muốn loại trừ các giới luật được Thiên Chúa ban bố qua Moisen mà là để làm cho chúng nên viên trọn. Và ngay sau đó Người thêm rằng việc "viên trọn" Lề Luật cần đến một thứ công chính cao cả hơn, một tuân giữ chân thực hơn. Thật vậy, Người đã bảo các môn đệ của Người rằng: "Nếu sự công chính của các con không trổi vượt hơn sự công chính của các luật sĩ và Pharisiêu thì các con sẽ không được vào nước trời" (Mathêu 5:20).

 

Thế nhưng, đâu là ý nghĩa của việc "hoàn toàn viên trọn" Lề Luật này? Và sự công chính cao cả hơn là ở chỗ nào? Chính Chúa Giêsu trả lời cho chúng ta bằng một số thí dụ. Chúa Giêsu đã thực tế. Người bao giờ cũng sử dụng các ví dụ khi Người nói để làm sáng tỏ vấn đề Người muốn nói. Người đã bắt đầu với giới răn thứ 5 trong Thập Giới: "Các con đã nghe nói với người xưa rằng 'Các ngươi không được sát hại'... Thế nhưng, Thày bảo các con rằng hết những ai giận dữ anh chị em mình đều sẽ bị phân xử" (Mathêu 5:21-22). Như thế Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng lời nói ngôn từ cũng có thể sát hại nữa! Khi một người nào đó bị nói là họ có "miệng lưới rắn độc" thì điều ấy có nghĩa là chi? Nghĩa là lời nói ngôn từ của họ là những gì sát hại! Bởi vậy mà chúng ta chẳng những không được cố sát hại mạng sống của tha nhân chúng ta còn không được đổ chất độc giận dữ trên họ hay vu khống cho họ nữa. Chúng ta cũng không được nói xấu họ. Chúng ta bắt đầu bằng cách đồn đại nhảm nhí. Cả việc đồn đại nhảm nhí cũng sát hại vì nó giết chết tiếng tăm của một con người! Việc đồn đại nhảm nhí là những gì rất xấu xa ghê tởm - ugly! Mới đầu nó có thể là những gì thích thú, cho dù là chuyện giải trí đùa cợt, như chuyện mút kẹo vậy. Thế nhưng cuối cùng nó làm cho lòng của chúng ta đầy những đắng cay, và nó đầu độc chúng ta nữa. Tôi nói thật với anh chị em, tôi tin rằng nếu mỗi người chúng ta quyết định tránh chuyện đồn đại nhảm nhí thì cuối cùng chúng ta sẽ thành một vị thánh! Nó là một con đường tuyệt vời. Chúng ta có muốn thành thánh hay chăng? Có hay không? [Dân chúng ở quảng trường đáp: "Thưa có!"] Chúng ta có muốn gắn bó với chuyện đồn đại nhảm nhí như là một thói quen hay chăng? [Dân chúng ở quảng trường đáp: "Thưa không!"] Vậy, chúng ta đã đồng ý với nhau rồi nhé: không có vấn đề đồn đại nhảm nhí nữa nghe! Chúa Giêsu đã đề ra một đức ái trọn hảo cho những ai theo Người. Nó là một tình yêu mà cái đo lường duy nhất của nó đó là không có đo lường, là vượt lên trên tất cả mọi thứ tính toán. Tình yêu thương tha nhân là một thái độ căn bản đến độ thậm chí Chúa Giêsu nói rằng mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa không thể nào chân thực trừ phi chúng ta muốn làm hòa với tha nhân của chúng ta. Người đặt vấn đề ấy như thế này: "Vậy khi các con dâng của lễ ở bàn thờ mà bấy giờ nhớ rằng anh chị em của con có điều gì phạm đến các con thì các con hãy để của lễ của các con trước bàn thờ mà hãy đi làm hòa với anh chị em của các con trước đã, rồi sau đó hãy đến mà dâng lễ vật của các con" (Mathêu 5:23-24).  

 

Căn cứ vào tất cả những gì ở đây thì Chúa Giêsu không chỉ nhấn mạnh đến việc tuân giữ lỷ luật và hạnh kiểm bề ngoài. Người đi vào tận gốc rễ của Lề Luật, nhắm đến trên hết cái ý hướng và vì thế đến cõi lòng của con người là nơi xuất phát ra các hành động tốt xấu của chúng ta. Việc tác hành theo các chuẩn mực về pháp lý một cách tốt đẹp và chân thành vẫn chưa đủ, mà cần đến cả những động lực sâu xa hơn, những động lực thể hiện cho thấy một thứ khôn ngoan thầm kín, Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, Sự Khôn Ngoan có thể lãnh nhận từ Thánh Linh. Phần chúng ta, nhờ đức tin vào Chúa Kitô, chúng ta có thể cởi mở bản thân mình ra cho tác động của vị Thần Linh này, Đấng làm cho chúng ta có thể sống tình yêu thần linh.

 

Theo chiều hướng của giáo huấn ấy thì hết mọi giới lệnh đều cho thấy cái ý nghĩa trọn vẹn của nó như là một đòi hỏi của tình yêu, và tất cả mọi giới lệnh đều chất chứa nơi mình giới răn trọng đại nhất đó là yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thung tha nhân như bản thân mình vậy.

 

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/angelus/2014/documents/papa-francesco_angelus_20140216.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, chuyển dịch



Thứ Hai


Lời Chúa


 

Bài Ðọc I: (Năm I) St 4, 1-15. 25

"Cain xông vào giết Abel em mình".

Trích sách Sáng Thế.

Ađam ăn ở với vợ là Evà; bà mang thai, sinh ra Cain, và nói rằng: "Nhờ ơn Chúa, tôi sinh được người con". Bà sinh ra Abel là em. Abel thì chăn chiên, còn Cain thì làm ruộng. Sau một thời gian, Cain lấy hoa trái đồng ruộng dâng lên cho Chúa. Abel cũng bắt các con vật đầu đàn và lấy mỡ mà dâng lên cho Chúa. Chúa đoái nhìn đến Abel và của lễ ông dâng. Còn Cain và của lễ của ông, thì Chúa không nhìn đến, nên Cain quá căm tức và sụ mặt xuống. Chúa nói với Cain: "Tại sao ngươi căm tức, tại sao ngươi sụ mặt như thế? Nếu ngươi làm lành, sao ngươi không ngẩng mặt lên; còn nếu ngươi làm dữ, thì tội đã kề ở cửa ngươi. Lòng ganh tị thúc đẩy ngươi, ngươi phải chế ngự nó".

Cain nói cùng em là Abel rằng: "Chúng ta hãy ra ngoài". Và khi hai anh em đã ra tới đồng, thì Cain xông vào giết Abel em mình. Chúa phán cùng Cain rằng: "Abel, em ngươi đâu?" Cain thưa: "Tôi đâu có biết! Tôi có phải là người giữ em tôi đâu?" Chúa phán: "Ngươi đã làm gì? Tiếng máu em ngươi từ đất kêu thấu đến Ta. Bây giờ, ngươi bị chúc dữ trên phần đất đã mở miệng hút máu em ngươi do tay ngươi làm đổ ra. Khi ngươi trồng tỉa, đất sẽ không sinh hoa trái cho ngươi. Ngươi sẽ đi lang thang khắp mặt đất". Cain thưa cùng Chúa rằng: "Tội ác tôi quá nặng nề, đâu tôi còn đáng tha thứ. Hôm nay Chúa đuổi tôi ra khỏi mặt đất, tôi sẽ ẩn trốn khỏi mặt Chúa và tôi sẽ đi lang thang trên mặt đất, nhưng ai gặp tôi, sẽ giết tôi". Chúa bảo: "Không có vậy đâu, hễ ai giết Cain, thì sẽ bị phạt gấp bảy lần". Rồi Chúa ghi trên Cain một dấu, để ai gặp hắn, sẽ không giết hắn.

Ađam còn ăn ở với vợ, bà sinh một con trai đặt tên là Seth, bà nói: "Thiên Chúa đã ban cho tôi một đứa con trai khác thế cho Abel mà Cain đã giết".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 49, 1 và 8. 16bc-17. 20-21

Ðáp: Hãy hiến dâng Thiên Chúa lời khen ngợi (c. 14a).

Xướng: 1) Chúa là Thiên Chúa đã lên tiếng kêu gọi địa cầu, từ chỗ mặt trời mọc lên tới nơi lặn xuống. Ta không khiển trách ngươi về chuyện dâng lễ vật, vì lễ toàn thiêu của ngươi đặt ở trước mặt Ta luôn. - Ðáp.

2) Tại sao ngươi ưa kể ra những điều huấn lệnh, và miệng ngươi thường nói về minh ước của Ta? Ngươi là kẻ không ưa lời giáo huấn và ném bỏ lời Ta lại sau lưng? - Ðáp.

3) Ngươi ngồi đâu là buông lời nói xấu anh em, làm tủi nhục cho người con cùng mẹ với ngươi. Ngươi làm thế, mà Ta đành yên lặng? Ngươi đã tưởng rằng Ta giống như ngươi? Ta sẽ bắt lỗi, sẽ phơi bày trước mặt ngươi tất cả. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 15, 15b

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 8, 11-13

"Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ?"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, các người biệt phái xuất hiện và bắt đầu tranh luận với Chúa Giêsu. Họ xin Người một điềm lạ trên trời để thử Người. Người thở dài mà nói: "Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ? Quả thật, Ta bảo các ông hay: Sẽ chẳng cho thế hệ này điềm lạ nào". Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền sang bờ bên kia.

Ðó là lời Chúa.

 

Image result for Mk 8, 11-13

 

 

Suy niệm

 

  

"Điềm lạ trên trời" - "Tại sao ngươi căm tức, tại sao ngươi sụ mặt như thế?"

 

 

 

Theo truyền thống và văn hóa của dân tộc mình thì trong khi người Hy Lạp (tiêu biểu cho một Âu Châu cổ xưa thiên về lý trí và khoa học) chủ trương triết lý liên quan đến lý lẽ - phải có lý mới đáng tin, thì người Do Thái (tiêu biểu cho một Á Châu đạo hạnh thiên về cảm tình và thần thiêng) chủ trương thần học liên quan đến mạc khải - phải liên quan đến thần linh mới đáng tin.

 

Đó là lý do chúng ta thấy trong khi Âu Châu thiên về khoa học thực nghiệm liên quan đến tính toán và định luật thì Á Châu thiên về đạo lý, ở chỗ có rất nhiều tôn giáo, hay nói đúng hơn, tất cả mọi thứ đạo lớn nổi tiếng trên thế giới này đều xuất phát từ Á Châu: Ấn giáo và Phật giáo từ Ấn Độ, Khổng giáo và Lão giáo từ Trung Hoa, Nhật giáo từ Nhật Bản, Do Thái giáo và Kitô giáo từ Do Thái, Hồi giáo từ thế giới Ả Rập. Và đó cũng là lý do chúng ta thấy nơi đạo giáo của họ chất chứa tính chất thần linh và mạc khải (như Thiên Chúa giáo bao gồm Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo), hay tính chất mê tín dị đoan cũng chất chứa những gì là thần linh nhưng do lòng mê tín của họ hơn là mạc khải...

 

Bởi thế chúng ta không lạ gì người Do Thái trong bài Phúc Âm hôm nay xin Chúa Giêsu tỏ cho họ thấy điềm lạ như lòng họ mong muốn đúng như ý nghĩ của họ để nhờ đó, căn cứ vào đó, họ tin vào Người: "Các người biệt phái xuất hiện và bắt đầu tranh luận với Chúa Giêsu. Họ xin Người một điềm lạ trên trời để thử Người".

 

Tuy điềm lạ liên quan đến Đấng mạc khải thần linh và đáng tin nhưng có nguy cơ trở thành ngẫu tượng, tức trở thành một thứ mê tín dị đoan cao cấp siêu đẳng. Bởi vì con người nói chung và dân Do Thái nói riêng muốn có được một cái gì đó vững chắc để tin, như các dấu lạ hay điềm lạ, những gì họ không thể tự mình làm được và hoàn toàn vượt trên họ, chứng tỏ quyền lực thần linh ở giữa họ. 


Nhưng cái nguy cơ là ở chỗ điềm thiêng dấu lạ mà họ muốn thấy ấy có hợp với ý muốn hay ý nghĩ của họ hay chăng, tức là có đúng với đòi hỏi chủ quan của họ hay chăng thì họ mới tin, bằng không họ vẫn không tin, như trường hợp họ đã phủ nhận sự lạ Chúa Giêsu trừ quỉ vậy (xem Mathêu 12:22-24). Tức họ phải chính là chúa tạo nên các vị chúa của họ và như họ, chứ không phải chính "Thiên Chúa là thần linh" (Gioan 4:24) tự tỏ mình ra cho họ đúng như Ngài là.

 

Thế nên, Thánh ký Marcô đã cho chúng ta biết phản ứng của Chúa Kitô trước thành phần xin Người làm một điềm lạ nào đó để nhờ đó họ tin vào Người rằng: "Người thở dài mà nói: 'Tại sao thế hệ này lại xin điềm lạ? Quả thật, Ta bảo các ông hay: Sẽ chẳng cho thế hệ này điềm lạ nào'. Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền sang bờ bên kia".

 

Đúng vậy, chính vì tinh thần vốn tôn thờ ngẫu tượng của họ như cha ông của họ xưa mà Người "sẽ chẳng cho thế hệ này điềm lạ nào", không phải vì Người không chịu làm hay không muốn làm, hoặc không làm được, trái lại, Người vẫn tiếp tục làm để tỏ mình ra cho chung dân chúng cũng như cho riêng họ, dù Người "bỏ họ đó", nhưng "lại xuống thuyền sang bờ bên kia" để tiếp tục sứ vụ và vai trò Thiên Sai Cứu Thế của mình.

 

Chính bản thân Người và các phép lạ Người làm tự bản chất đều là điềm thiêng dấu lạ, nhất là đối với những tâm hồn đơn sơ cởi mở chân thành luôn khao khát và tìm kiếm chân lý thần linh, nhưng đối với thành phần tôn thờ ngẫu tượng như thành phần duy luật giả hình biệt phái và luật sĩ Do Thái nói chung chỉ tìm kiếm bản thân mình hay những gì hợp với mình, thì hoàn toàn không phải, chính vì thế mà, ở một nghĩa nào đó, Người đã dứt khoát "sẽ chẳng cho thế hệ này điềm lạ nào", hay nói đúng hơn, họ sẽ chẳng thấy một điềm lạ nào nơi Người và từ Người... "cho đến khi các ngươi treo Con Người lên" (Gioan 8:28), tức cho đến khi họ thấy được "điềm lạ tiên tri Giona" (Mathêu 12:39) là điềm lạ liên quan đến cuộc Vượt Qua của Người.

 

Hai nhân vật tiêu biểu được Sách Khởi Nguyên trong Bài Đọc 1 hôm nay là hai nhân vật có thể nói tiêu biểu cho hai thái độ đối với thần linh: thái độ hướng thượng là Thiên Chúa tối cao và thái độ hướng nội hay hướng hạ là chính bản thân mình, là chính con người mình, đó là hai anh em của nguyên tổ loài người là Cain và Abel.

 

Trong khi Abel hướng thượng là Thiên Chúa tối cao: "Abel cũng bắt các con vật đầu đàn và lấy mỡ mà dâng lên cho ChúaChúa đoái nhìn đến Abel và của lễ ông dâng", thì Cain vì hướng nội về bản thân mình là tạo vật hèn hạ nên cũng chẳng khác gì hướng hạ nên "Cain và của lễ của ông, thì Chúa không nhìn đến".

 

Và chính vì hướng hạ như vậy, không hoàn toàn kính sợ Chúa như Abel em mình, mà "Cain quá căm tức và sụ mặt xuống", nên chính Thiên Chúa đã vạch cho người anh này thấy tại sao Ngài không nhận của lễ của hắn bởi tinh thần hướng hạ của hắn như sau: "Tại sao ngươi căm tức, tại sao ngươi sụ mặt như thế? Nếu ngươi làm lành, sao ngươi không ngẩng mặt lên (ở đây Thiên Chúa đã rõ ràng cho thấy tính cách hướng hạ của Cain!); còn nếu ngươi làm dữ, thì tội đã kề ở cửa ngươi. Lòng ganh tị thúc đẩy ngươi, ngươi phải chế ngự nó".

 

Thế nhưng, cho dù "lòng ganh tị thúc đẩy" Cain thật sự đã "xông vào giết Abel em mình", thậm chí khi bị Thiên Chúa hạch hỏi thì còn chối bỏ những gì xấu xa của mình: "Tôi đâu có biết! Tôi có phải là người giữ em tôi đâu?", Lòng Thương Xót Chúa vẫn không bỏ rơi con người lầm lạc mù quáng này, trái lại, vẫn còn tiếp tục bảo vệ hắn và tỏ mình ra cho hắn, vì hắn dù sao vẫn là một con người, một con người đáng thương hơn cả nạn nhân em hắn nữa:

 

"'Tội ác tôi quá nặng nề, đâu tôi còn đáng tha thứ. Hôm nay Chúa đuổi tôi ra khỏi mặt đất, tôi sẽ ẩn trốn khỏi mặt Chúa và tôi sẽ đi lang thang trên mặt đất, nhưng ai gặp tôi, sẽ giết tôi'. Chúa bảo: 'Không có vậy đâu, hễ ai giết Cain, thì sẽ bị phạt gấp bảy lần'. Rồi Chúa ghi trên Cain một dấu, để ai gặp hắn, sẽ không giết hắn". 


 


 

Thứ Ba


Lời Chúa


Bài Ðọc I: (Năm I) St 6, 5-8; 7, 1-5.10

"Ta sẽ huỷ diệt khỏi mặt đất loài người mà Ta đã dựng nên"

Trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa thấy tội ác loài người lan tràn trên mặt đất, mọi tư tưởng trong lòng đều luôn luôn hướng về đàng xấu, nên Chúa lấy làm tiếc vì đã tạo dựng loài người trên mặt đất, Người đau lòng mà nói: "Ta sẽ huỷ diệt khỏi mặt đất loài người mà Ta đã dựng nên, từ loài người đến loài vật, từ rắn rết đến chim trời, vì Ta lấy làm tiếc đã tạo dựng nên chúng". Nhưng ông Noe được ơn nghĩa trước mặt Chúa.

Chúa phán cùng Noe rằng: "Ngươi và cả nhà ngươi hãy vào trong tàu, vì trong thế hệ này, Ta chỉ thấy có ngươi là công chính trước mặt Ta. Trong các súc vật thanh sạch, ngươi hãy bắt mỗi thứ bảy con đực bảy con cái, còn trong các loài vật không thanh sạch, ngươi hãy bắt mỗi thứ hai con đực hai con cái. Nhưng các chim trời, ngươi hãy bắt mỗi thứ bảy con trống bảy con mái, để bảo tồn nòi giống các loài ấy trên mặt đất, vì còn bảy ngày nữa, Ta sẽ cho mưa trên mặt đất suốt bốn mươi đêm ngày, và Ta sẽ huỷ diệt khỏi mặt đất tất cả các loài Ta đã dựng nên". Vậy Noe thi hành mọi điều Chúa đã truyền dạy. Và sau bảy ngày, nước lụt đã xảy đến trên đất.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 28, 1a và 2. 3ac-4. 3b và 9b-10.

Ðáp: Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình (c. 11b).

Xướng: 1) Các con cái Thiên Chúa, hãy dâng kính Chúa, Hãy dâng kính Chúa vinh quang xứng với danh Người, hãy mang lễ phục thánh để thờ lạy Chúa. - Ðáp.

2) Tiếng Chúa vang dội trên mặt nước, Chúa ngự trên muôn ngàn sóng nước. Tiếng Chúa phán ra trong uy quyền, tiếng Chúa phán ra trong oai vệ. - Ðáp.

3) Thiên Chúa oai nghiêm làm cho sấm sét nổ ran, và trong thánh đài của Chúa mọi người kêu lên: Vinh quang Chúa ngự trị trong cơn hồng thủy, và Chúa làm vua ngự trị tới muôn đời. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 118, 27

Alleluia, alleluia! - Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 8, 14-21

"Các con hãy ý tứ giữ mình khỏi men biệt phái và men Hêrôđê".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, các môn đệ quên mang bánh và chỉ còn một chiếc bánh trong thuyền. Và Chúa Giêsu dặn bảo các ông rằng: "Các con hãy coi chừng và giữ mình cho khỏi men biệt phái và men Hêrôđê". Các môn đệ nghĩ ngợi và nói với nhau rằng: "Tại mình không có bánh". Chúa Giêsu biết ý liền bảo rằng: "Sao các con lại nghĩ tại các con không có bánh? Các con chưa hiểu, chưa biết ư? Sao các con tối dạ như thế, có mắt mà không xem, có tai mà không nghe? Khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, các con đã thu được bao nhiêu thúng đầy miếng bánh dư, các con không nhớ sao?" Các ông thưa: "Mười hai thúng". - "Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, các con đã thu được bao nhiêu thúng đầy miếng bánh dư?" Họ thưa: "Bảy thúng". Bấy giờ Người bảo các ông: "Vậy mà các con vẫn chưa hiểu sao?"

Ðó là lời Chúa.

 

Image result for mk 8 14-21

 

 

Suy niệm


 

 "Men biệt phái và men Hêrôđê" - "Ta lấy làm tiếc đã tạo dựng nên chúng"

 

Chính vì thành phần các tông đồ vô học hay ít học, đa số là dân chài lưới bình dân và là giới hạ lưu trong xã hội Do Thái thời bấy giờ mà các vị dễ bị mặc cảm trước và bị ảnh hưởng bởi thành phần có hạng trong dân, thành phần trí thức, thành phần dạy luật cho dân là biệt phái và luật sĩ. Bài Phúc Âm của Thánh ký Marco cho Thứ Ba Tuần VI hôm nay đã cho thấy rõ điều đó. Và cũng chính vì thế mà Chúa Giêsu đã nhận xét về các vị rất đúng: "Sao các con tối dạ như thế, có mắt mà không xem, có tai mà không nghe?... Vậy mà các con vẫn chưa hiểu sao?"

Thật vậy, trong khi Chúa Giêsu cẩn thận căn dặn các vị về gương mù gương xấu đặc biệt của thành phần biệt phái chỉ sống giả hình là những gì các tông đồ cần phải tránh, không được theo: "Các con hãy coi chừng và giữ mình cho khỏi men biệt phái và men Hêrôđê", thì các vị lại hiểu theo nghĩa đen, lại tưởng nghĩ một cách sai lạc đi: "Tại mình không có bánh".

Đúng thế, các vị đã hiểu theo nghĩa đen lời căn dặn của Chúa Giêsu liên quan đến "men" là chất được dùng để làm "bánh". Tức là nếu các vị "có bánh" thì Thày của các vị đã không nói đến "men", dù là "men" của ai, của bất cứ ai, bao gồm cả "men" của người biệt phái hay của phái Hêrôđê, vì hai thành phần này dầu sao cũng là những người sử dụng men để làm bánh như chung dân gian thôi. Bởi vậy, các tông đồ mới suy ra "tại mình không có bánh"!

Và chính vì thế nên Chúa Giêsu mới chứng tỏ cho các vị biết các vị đã hiểu lầm lời căn dặn rất quan trọng của Người. Ở chỗ, Người nhắc lại 2 lần Người đã làm phép lạ bánh hóa ra nhiều ngay trước mắt của các vị, đến độ các vị còn nhớ rõ và trả lời vanh vách hai câu hỏi gợi nhớ của Người: "'Khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, các con đã thu được bao nhiêu thúng đầy miếng bánh dư, các con không nhớ sao?' Các ông thưa: 'Mười hai thúng'. - 'Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, các con đã thu được bao nhiêu thúng đầy miếng bánh dư?' Họ thưa: 'Bảy thúng'".

Đó là lý do ngay sau hai câu trả lời rất chính xác của các vị thì Người đã trách các vị rằng: "Sao các con lại nghĩ tại các con không có bánh? Các con chưa hiểu, chưa biết ư? Sao các con tối dạ như thế, có mắt mà không xem (đặc biệt là những gì Chúa Giêsu đã làm qua hai lần Người hóa bánh ra nhiều), có tai mà không nghe? (cũng qua hai lần Người đã bảo các vị lo cho dân chúng ăn và thu lại các mẩu bánh vụn còn dư)".

Như thế có thể suy ra rằng, chính lúc Chúa Giêsu bảo các tông đồ hãy tránh làm một điều tiêu cực là bắt chước hay bị nhiễm lây gương mù gương xấu của thành phần biệt phái giả hình thì trong lời căn dặn này của Người còn bao gồm một ý nghĩa sâu xa hơn nữa, đó là Người có ý khuyên các vị hãy sống trung thực như một chứng nhân của Người bằng đức bác ái yêu thương như Người thì các vị có thể tiếp tục phép lạ hóa bánh ra nhiều như Người đã làm cho dân chúng ăn no nê đến độ còn dư, để nhờ đó mà cung cấp sự sống thần linh, sự sống đời đời, sự sống viên mãn cho con người ta, vì Người quả thực là "Bánh Sự Sống" (Gioan 6:35), một Tấm Bánh Bẻ Ra, một Tấm Bánh được làm nên bởi men "yêu thương đến cùng" (Gioan 13:1) của Người, ở chỗ "hiến mạng sống mình cho chiên được sống và sống viên mãn" (Gioan 10:10).

Nếu thế gian "không thể nào không có gương mù" (Mathêu 18:7) thì gương mù, ở cấp độ cao nhất của nó, chính là tội lỗi của con người, là tình trạng xấu xa của con người, bất xứng với nhân phẩm và nhân cách làm người của họ nói chung và với ơn gọi và thân phận làm con cái Thiên Chúa của họ là thành phần Kitô hữu nói riêng.

Bởi thế, gương mù gương xấu là những gì hoàn toàn và tuyệt đối bất xứng với Thiên Chúa là Đấng Thánh, Đấng dựng nên loài người là để được hiệp thông thần linh với Ngài, là nên trọn lành như Ngài (xem Mathêu 5:48), cần phải hủy diệt đi, đúng hơn cần phải được thanh tẩy (nên mới liên quan đến nước, hình ảnh báo trước Phép Rửa cứu độ), như Ngài đã thực hiện trong thời tổ phụ Noe xưa, được Sách Khởi Nguyên thuật lại trong Bài Đọc 1 hôm nay:

"Thiên Chúa thấy tội ác loài người lan tràn trên mặt đất, mọi tư tưởng trong lòng đều luôn luôn hướng về đàng xấu, nên Chúa lấy làm tiếc vì đã tạo dựng loài người trên mặt đất, Người đau lòng mà nói: 'Ta sẽ huỷ diệt khỏi mặt đất loài người mà Ta đã dựng nên, từ loài người đến loài vật, từ rắn rết đến chim trời, vì Ta lấy làm tiếc đã tạo dựng nên chúng'".

"Ta lấy làm tiếc đã tạo dựng nên chúng" trong lời Thiên Chúa phán với tổ phụ Noe đây không có nghĩa là Ngài đã làm gì sai trái, đã dựng nên những gì tự bản chất vốn hư hỏng, nghĩa là Ngài là Đấng chẳng những thiếu khôn ngoan mà còn bất hảo, trái lại, sau khi nói câu này xong, Ngài đã thực hiện một hành động đầy khôn ngoan và toàn thiện của Ngài, đó là hủy diệt những gì xấu xa nơi riêng loài người và chung sinh vật, nhưng vẫn bảo tồn chúng để tiếp tục tạo nên cho chúng những gì mới mẻ hơn, xứng đáng hơn với Ngài, chứ không hoàn toàn hủy diệt chúng đi cho tới muôn đời khỏi Thánh Nhan vô cùng uy nghi cao cả của Ngài.

Đó là lý do trước khi thanh tẩy thế gian cho khỏi gương mù là tội lỗi xấu xa bất xứng để cho chúng được tái sinh tốt đẹp hơn đúng như dự án thần linh tạo dựng của mình, Ngài đã bảo tổ phụ Noe rằng: "Ngươi và cả nhà ngươi hãy vào trong tàu... Trong các súc vật thanh sạch, ngươi hãy bắt mỗi thứ bảy con đực bảy con cái, còn trong các loài vật không thanh sạch, ngươi hãy bắt mỗi thứ hai con đực hai con cái. Nhưng các chim trời, ngươi hãy bắt mỗi thứ bảy con trống bảy con mái, để bảo tồn nòi giống các loài ấy trên mặt đất..." 

 

Thứ


Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) St 8, 6-13. 20-22

"Ông nhìn thấy mặt đất đã khô ráo".

Trích sách Sáng Thế.

Sau bốn mươi ngày, Noe mở cửa sổ tàu mà thả một con quạ. Nó bay đi bay về cho đến khi nước trên mặt đất khô cạn thì mới không bay về nữa. Sau con quạ, ông cũng thả một con chim bồ câu, để thử coi nước trên mặt đất đã cạn chưa. Nhưng nó không tìm được chỗ đậu, nên trở về với ông trong tàu, vì nước còn đầy khắp mặt đất. Ông giơ tay bắt nó đem vào tàu. Chờ bảy ngày nữa, ông lại thả chim bồ câu ra khỏi tàu. Ðến chiều, nó bay trở về, mỏ ngậm một cành ô liu xanh tươi. Vậy ông Noe hiểu rằng nước trên mặt đất đã khô cạn. Nhưng ông còn đợi thêm bảy ngày nữa, ông thả chim bồ câu ra, và nó không trở về.

Ngày thứ nhất tháng thứ nhất, năm ông Noe được sáu trăm lẻ một tuổi, thì nước trên mặt đất đã rút đi. Noe dỡ mui tàu và nhìn thấy mặt đất đã khô ráo. Noe dựng một bàn thờ tế lễ Chúa; ông bắt các gia súc và chim chóc thanh sạch mà dâng làm của lễ toàn thiêu trên bàn thờ. Thiên Chúa hưởng mùi thơm tho và nói: "Từ nay trở đi, chẳng bao giờ vì cớ nhân loại mà Ta chúc dữ trái đất nữa, vì tâm tình và tư tưởng lòng con người đã nghiêng chiều về đàng trái từ niên thiếu. Vậy Ta sẽ không còn tiêu diệt mọi sinh vật như Ta đã làm. Từ đây, bao lâu còn vũ trụ, thì mùa gieo mùa gặt, giá rét nắng nôi, mùa hạ mùa đông, đêm và ngày vẫn còn tiếp diễn".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 115, 12-13. 14-15. 18-19

Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ (c. 17a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Con lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho con? Con sẽ lãnh chén cứu độ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. - Ðáp.

2) Con sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. Trước mặt Chúa thật là quý hoá, cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. - Ðáp.

3) Con sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài, trong nơi hành lang nhà Chúa, ở giữa lòng ngươi, Giêrusalem hỡi. - Ðáp.

 

Alleluia: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 8, 22-26

"Người mù khỏi hẳn và thấy được mọi vật rõ ràng".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ đến Bếtsaiđa, người ta dẫn tới Chúa một người mù và xin Chúa đặt tay trên người ấy. Chúa cầm tay người mù, dắt ra khỏi làng, Chúa phun nước miếng vào mắt anh và đặt tay trên anh mà hỏi: "Ngươi có thấy gì không?" Anh nhìn lên và trả lời: "Tôi thấy người ta như những cây cối đang đi". Chúa lại đặt tay trên mắt người mù, anh liền thấy rõ và khỏi hẳn, thấy được mọi vật rõ ràng. Chúa Giêsu cho người ấy về nhà và căn dặn: "Ngươi hãy về nhà, và nếu có vào làng thì đừng nói với ai".

Ðó là lời Chúa.

 

Related image

 

 

Suy niệm

 

 

"Tôi thấy người ta đi lại như cây cối" - "một cành ô liu xanh tươi"

 

 

Bài Phúc Âm của Thánh ký Marco cho Thứ Tư tuần VI Thường Niên hôm nay thuật lại sự kiện Chúa Giêsu chữa lành cho một người mù ở Betsaida. Thế nhưng, cách thức chữa lành của Người trong trường hợp này thật là đặc biệt, bao gồm những cử chỉ và tiến trình của một việc chữa trị (treatment) hơn là chữa lành (healing) đùng một cái là xong, chẳng hạn bằng một lời truyền.

 

Dân chúng thì vẫn cứ tưởng như thế, cứ tưởng Chúa Giêsu đầy quyền năng chỉ cần một cử chỉ đơn giản nào đó là nạn nhân liền được khỏi, như họ đã từng chứng kiến ở những trường hợp khác, thậm chí chỉ cần sờ vào gấu áo của Người cũng được khỏi như trường hợp của người đàn bà bị loạn huyết 12 năm trong Bài Phúc Âm Thứ Ba tuần IV Thường Niên 2 tuần trước. 

 

Đó là lý do Thánh ký Marco đã cho chúng ta thấy chi tiết về khuynh hướng "mì ăn liền" này nơi dân chúng: "Người ta dẫn tới Chúa một người mù và xin Chúa đặt tay trên người ấy", không phải để chúc lành suông cho nạn nhân bị mù này, mà là để chữa lành cho con người mù lòa bất hạnh đáng thương ấy. Tuy nhiên, chắc họ cũng lấy làm lạ lạ lần này Đấng mà họ tin tưởng đầy quyền năng chữa lành này lại tác hành một cách lạ lùng. Ở chỗ:

 

"Chúa cầm tay người mù, dắt ra khỏi làng, Chúa phun nước miếng vào mắt anh và đặt tay trên anh mà hỏi: 'Ngươi có thấy gì không?' Anh nhìn lên và trả lời: 'Tôi thấy người ta như những cây cối đang đi'. Chúa lại đặt tay trên mắt người mù, anh liền thấy rõ và khỏi hẳn, thấy được mọi vật rõ ràng. Chúa Giêsu cho người ấy về nhà và căn dặn: 'Ngươi hãy về nhà, và nếu có vào làng thì đừng nói với ai'".

 

Trong trường hợp chữa lành cho nạn nhân mù ở Betsaida này, Chúa Giêsu không dùng cả cử chỉ lẫn lời nói "Ephrata - Hãy mở ra" như trong lần Người chữa lành người điếc là nạn nhân Người cũng dẫn ra khỏi đám đông và cũng lấy tay chạm đến cả tai lẫn lưỡi của nạn nhân điếc, như bài Phúc Âm Thứ Sáu Tuần V Thường Niên thuật lại. Lần này Chúa Giêsu chỉ dùng đến cử chỉ chính yếu là "đặt tay" mà thôi, mà lại phải đặt đến 2 lần mới xong. Tại sao thế?

 

Tại vì tùy theo người và tùy theo bệnh mà chữa lành. Thật ra không phải là Chúa Giêsu không thể chữa lành cho nạn nhân mù này bằng việc Người đặt tay lần thứ nhất hay chỉ cần một lần đặt tay duy nhất. Người chỉ muốn cho thấy rằng việc chữa lành của Người nơi con người và đối với con người là một tiến trình, từ chưa trọn: "'Tôi thấy người ta như những cây cối đang đi'", đến viên trọn: "anh liền thấy rõ và khỏi hẳn, thấy được mọi vật rõ ràng."

 

Tiến trình chữa lành nơi nạn nhân bị mù ở Betsaida trong bài Phúc Âm hôm nay được Chúa Giêsu cố ý làm như thế nên mới hỏi chính nạn nhân đương sự: "Ngươi có thấy gì không?", xem nhãn quan của anh ta được tiến triển từ mù lòa đến chỗ được thấy ra sao cho đến khi hoàn toàn bình thường. Không phải là Người không biết đến mức độ nhãn quan của anh ta sau lần đặt tay đầu tiên của Người, vì Người biết được những gì xuất phát từ Người (xem Marco 5:30) nhưng Người cố ý để anh ta tự cho biết và nhận định về tình trạng của anh ta rồi Người mới chữa tiếp, để anh ta có thể nhìn thấy được tất cả sự thật chẳng những về ngoại cảnh nói chung mà nhất là sự thật về tha nhân nói riêng.

 

Thật vậy, đầu tiên nạn nhân bị mù ở Betsaida chỉ  "thấy người ta đi lại như cây cối" sau đó mới thấy con người ta thật sự là con người với nguyên vẹn hình hài của họ chứ không phải "như cây cối" nữa, nhờ đó anh ta cũng "thấy được mọi vật rõ ràng" đúng như bản chất và giá trị của chúng, chứ không còn lẫn lộn giữa người với vật hay giữa vật với người nữa, như thực tế làm người và sống đạo vẫn cho thấy, nhiều khi thậm chí chúng ta còn coi vật hơn người, còn coi tha nhân đồng loại như một cơ phận của một bộ máy kinh tế sản xuất v.v.

 

Tuy nhiên, để được hoàn toàn sáng mắt nhờ đó có thể thấy được tất cả sự thật về tạo vật chung quanh mình và nhất là về chính bản thân mình, con người cần được chữa lành, bởi chính Thần Linh của Thiên Chúa qua việc đặt tay của Chúa Giêsu. Đúng thế, sở dĩ nạn nhân bị mù trong bài Phúc Âm hôm nay chưa được hoàn toàn chữa lành là vì Chúa Giêsu chưa đặt tay của Người lên mắt của anh ta, lần đầu Người mới "đặt tay trên anh" để "hỏi" mà thôi chứ chưa trực tiếp "đặt tay trên mắt người mù".

 

Lần đặt tay trên mình nạn nhân mà hỏi theo sau cử chỉ "phun nước miếng vào mắt anh" và tác dụng của việc phun của Người và nước miếng của Người mới chỉ làm cho anh ta "thấy người ta đi lại như cây cối" mà thôi, và vì thế cần phải kèm theo cả cử chỉ "đặt tay lên mắt người mù" nữa thì nạn nhân mới hoàn toàn được chữa lành, được thấy tất cả sự thật, như các vị tông đồ trong Bữa Tiệc Ly, cho dù "các con đã được thanh sạch nhờ lời Thày (mà "nước miếng" phun ra từ miệng của Người trong bài Phúc Âm hôm nay là tiêu biểu)" (Gioan 15:3), nhưng vẫn chưa đủ, vẫn cần phải có "Thần Chân Lý" là Đấng (được thông ban từ việc "đặt tay" của Chúa Kitô "đầy ân sủng và chân lý" - Gioan 1:14) "dẫn các con vào tất cả sự thật" (Gioan 16:13).

 

Hình ảnh nạn nhân mù được Chúa Giêsu chữa lành trong Bài Phúc Âm hôm nay đã được ẩn ý trong Bài Đọc 1 hôm nay, qua câu chuyện hậu biến cố lụt đại hồng thủy thời tổ phụ Noe. Loài người nói chung, bởi nguyên tội, đã như bị mù về tâm linh ngay từ thời niên thiếu, nghĩa là sau thời "nhân chi sơ tính bản thiện" là thời con người bấy giờ chưa đủ trí khôn suy nghĩ hầu như chẳng biết và ý thức gì về tội lỗi, cho đến thời niên thếu khi có trí khôn thì trở thành gian ác không nhiều thì ít, như chính Thiên Chúa đã nhận định: "tâm tình và tư tưởng lòng con người đã nghiêng chiều về đàng trái từ niên thiếu".

 

Tác động Chúa Giêsu "phun nước miếng vào mắt" nạn nhân bị mù mang ý nghĩa thanh tẩy cái mù lòa của con người, hay ý nghĩa chiếu soi vào bóng tối của con người, cũng đã được chất chứa nơi việc Thiên Chúa thanh tẩy sinh vật của Người nói chung và con người gian ác nói riêng bằng nước, bằng một trận đại hồng thủy, một cuộc đại hồng thủy chỉ hoàn toàn chấm dứt khi tổ phụ Noe "thả chim bồ câu ra khỏi tàu. Ðến chiều, nó bay trở về, mỏ ngậm một cành ô liu xanh tươi", một con "chim bồ câu" tiêu biểu cho Thần Linh của Thiên Chúa và "cành oliu xanh tươi" ám chỉ sự sống, cả hai đều phản ảnh việc Chúa Giêsu đặt tay của Người lên mắt của nạn nhân mù lòa, một tác động Thần Linh đã mang lại sự sống mới cho nạn nhân.


Thứ Năm


Lời Chúa


Bài Ðọc I: (Năm I) St 9, 1-13

"Ta sẽ đặt trên trời một cái mống, và nó sẽ là dấu chỉ giao ước giữa Ta với trái đất".

Trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa chúc phúc cho Noe và con cái ông. Người phán bảo rằng: "Các ngươi hãy sinh sản ra nhiều cho đầy mặt đất. Mọi thú vật dưới đất, mọi chim chóc trên trời, cùng mọi động vật trên mặt đất và mọi loài cá dưới biển đều phải kính sợ các ngươi: Tất cả đều được giao phó trong tay các ngươi. Tất cả những động vật còn sống đều là thức ăn của các ngươi, cũng như Ta ban cho các ngươi mọi thứ rau đậu xanh tươi, ngoại trừ thịt còn ứ máu thì các ngươi đừng ăn, vì Ta sẽ đòi giá máu sinh mạng của các ngươi. Ta sẽ đòi giá máu các ngươi do muông thú sát hại, do tay con người và do tay anh em sát hại. Hễ ai làm đổ máu người, thì máu nó cũng sẽ phải do người mà đổ ra, vì loài người được tác tạo giống hình ảnh Thiên Chúa. Các ngươi hãy sinh sản ra nhiều cho đầy mặt đất".

Thiên Chúa lại phán cùng ông Noe và con cái ông rằng: "Ðây Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi và con cháu các ngươi, với tất cả sinh vật đang sống với các ngươi, như chim chóc, gia súc, tất cả những thú vật đang sống trên mặt đất với các ngươi, những gì ra khỏi tàu và toàn thể thú vật trên mặt đất. Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi; nước lụt không còn tiêu diệt mọi loài nữa, cũng không khi nào còn lụt tàn phá trái đất nữa".

Và Thiên Chúa phán: "Ðây là dấu chỉ giao ước ký kết giữa Ta với các ngươi, và tất cả sinh vật đang ở với các ngươi và sau này mãi mãi. Ta sẽ đặt trên trời một cái mống, và nó sẽ là dấu chỉ giao ước giữa Ta với trái đất".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 101, 16-18. 19-21. 29 và 22-23

Ðáp: Từ trời cao Chúa đã nhìn xuống trần thế (c. 20b).

Xướng: 1) Lạy Chúa, muôn dân sẽ kính tôn danh thánh Chúa, và mọi vua trên địa cầu sẽ quý trọng vinh quang Ngài, khi Chúa sẽ tái lập Sion. Chúa xuất hiện trong vinh quang xán lạn, Chúa sẽ đoái nghe lời nguyện kẻ túng nghèo, và không chê lời họ kêu van. - Ðáp.

2) Những điều này được ghi lại cho thế hệ mai sau, và dân tộc được tác tạo sẽ ca tụng Thiên Chúa. Từ thánh điện cao sang Chúa đã đoái nhìn, từ trời cao Chúa đã nhìn xuống trần thế, để nghe tiếng than khóc của tù nhân, để giải thoát kẻ bị lên án tử. - Ðáp.

3) Con cháu của bầy tôi Chúa sẽ được an cư, và miêu duệ chúng sẽ tồn tại trước thiên nhan, để người ta truyền bá danh Chúa tại Sion, và lời khen ngợi Ngài ở Giêrusalem, khi chư dân cùng nhau quy tụ và các vua nhóm họp để phụng thờ Chúa. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 8, 27-33

"Thầy là Ðấng Kitô. Con Người sẽ phải chịu khổ nhiều".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: "Người ta bảo Thầy là ai?" Các ông đáp lại rằng: "Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri". Bấy giờ Người hỏi: "Còn các con, các con bảo Thầy là ai?" Phêrô lên tiếng đáp: "Thầy là Ðấng Kitô". Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả. Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: "Satan, hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người".

Ðó là lời Chúa.

Image result for Mk 8, 27-33

 

Suy niệm

 

 

 

"Thày là Đức Kitô" - "dấu chỉ giao ước ký kết giữa Ta với các ngươi"

 

 

 

Vấn đề chính yếu của Bài Phúc Âm cho ngày Thứ Năm tuần VI Thường Niên hôm nay là vấn đề nhận biết căn tính của nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét, một nhận thức vô cùng quan trọng đối với nền tảng đức tin Kitô giáo. Vì nếu nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét không phải "là Đức Kitô", nghĩa là không phải là Đấng Thiên Sai của dân Do Thái thì Người cũng không phải là Đấng Cứu Thế của chung nhân loại, mà chỉ là một vị giáo tổ thuần nhân như Đức Phật Thích Ca sáng lập Phật giáo hay Nhà Tiên Tri Muhammed sáng lập Hồi giáo, hoặc như Khổng Tử với Khổng giáo hay Lão Tử với Lão giáo thôi.

 

Chính nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét đã sống cả cuộc đời trần gian của mình để chứng thực mình, bằng lời nói, việc làm, nhất là bằng chính biến cố Vượt Qua tột đỉnh của mình, "là Đức Kitô" (Marco 8:29), "Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16), "đã đến trong thế gian" (Gioan 11:27). Đó là "tất cả sự thật" (Gioan 16:13) về một con người mang tên Giêsu ở Nazarét, con ông Giuse và bà Maria, một chân lý vô cùng quan trọng liên quan đến thực tại thần linh về nhân vật lịch sử thần linh này: Ngài là ai? Đó là lý do: "Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: 'Người ta bảo Thầy là ai?'"

 

Đây là lần đầu tiên cũng là lần duy nhất Chúa Giêsu tự động hỏi, đúng hơn trắc nghiệm thành phần môn đệ được Người tuyển chọn làm tông đổ để trở thành chứng nhân tiên khởi của Người và cho Người xem các vị ý thức về Người ra sao hay tới đâu. Thật vậy, sau một thời gian được sống gần gũi với Người, được tận mắt xem thấy Người cùng các việc Người làm cùng thái độ Người sống, tận tai nghe Người giảng dạy và tận tay được chạm đến Người (xem 1Gioan 1:1-2), chính các tông đồ (chứ không phải "người ta bảo Thày là ai?") đã được Người trắc nghiệm và được các vị trả lời qua vị đại diện tông đồ đoàn là Thánh Phêrô rằng: "Thày là Đức Kitô".

 

Hình như câu tuyên xưng này của tông đồ Phêrô rất chính xác rồi, nên "Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả", như các tông đồ đã quả thực nhận thức không sai. Đúng thế, việc Chúa Giêsu trắc nghiệm các tông đồ về căn tính chân thực vô cùng quan trọng của Người không phải là để các vị loan báo thực tại thần linh này, loan truyền chân lý cứu độ về Người này, mà là để cho Người tiếp tục tỏ mình ra cho các vị hơn nữa, tỏ cho các vị thấy một mầu nhiệm về Người, một mầu nhiệm vô cùng kinh hoàng mà Người không thể tiết lộ cho các vị biết cho đến sau khi trắc nghiệm các vị, một mầu nhiệm liên quan đến chính căn tính "là Đức Kitô" của Người, những gì vừa được các vị xác tín và chí lý tuyên xưng.

 

Mầu nhiệm kinh hoàng khủng khiếp đối với thành phần tông đồ theo Người đó là: "Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó". Chính vì là một mầu nhiệm hết sức kinh hoàng khủng khiếp đối với các tông đồ như thế mà các vị chẳng hiểu gì hết, tá hỏa tam tinh lên khi vừa nghe xong, nhất là người tông đồ phải nói là hăng máu nhất là Phêrô, vị đã tỏ ra hoảng hốt tới độ "kéo Người lui ra mà can trách Người".

 

Không ngờ, vị tông đồ đầy thành tâm thiện chí này và cả các tông đồ khác lại càng bàng hoảng sửng sốt hơn khi chính hành động đầy kính mến của các ngài, qua tông đồ Phêrô, tỏ ra muốn bảo vệ Người, muốn điều tốt nhất cho Người, lại bị Người thậm tệ quở trách như chưa bao giờ thấy: "Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: 'Satan, hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người'". Như thể các vị vừa vấp phạm một điều gì dữ dằn quá sức tưởng tượng, đến độ đã trở thành "Satan" trước nhan Người. Nghĩa là các vị đã cám dỗ Người (vì "Satan là tên cám dỗ cả và thế gian" - Khải Huyền 12:9) làm những gì trái ngược với Cha Người là Đấng đã sai Người, một điều quá cấm kỵ đối với Người, Đấng từ trời xuống thế gian không phải để làm theo ý mình mà là ý Đấng đã sai (xem Gioan 6:38).

 

Thật ra, xét theo lý lẽ trần gian thì tông đồ Phêrô cũng chẳng sai gì, bởi theo ngài, cũng như bất cứ một người bình thường nào, đã là Đức Kitô, là Đấng Thiên Sai từ Thiên Chúa mà đến thì phải là Đấng có quyền năng vô địch, có thể giải thoát dân của Người khỏi lầm than khốn khó, khỏi cảnh làm nô lệ ngoại bang, như thời các Quan Án xưa sau khi dân vào Đất Hứa và trước thời kỳ quân chủ của dân Do Thái. Đằng này, Đấng Thiên Sai như được ngài tuyên xưng và được Thày công nhận như thế mà lại được chính Thày tiết lộ cho biết rằng chính bản thân Người "sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi" nghĩa là gì, không thể nào chấp nhận được.

 

Đúng thế, tông đồ Phêrô bị Thày nặng lời khiển trách chỉ "vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người", mà "việc loài người" thì bao giờ cũng tầm thường, thậm chí hầu như lúc nào cũng phản ngược lại với ý muốn tuyệt đối tối cao, khôn ngoan thượng trí và toàn thiện toàn ái của Thiên Chúa, một ý muốn chỉ nhắm đến chỗ cứu độ loài người, tìm hết cách làm sao để loài người có thể được hiệp thông thần linh với Ngài theo đúng dự án thần linh tạo dựng của Ngài.

 

Đó là lý do, theo dự án thần linh tạo dựng của mình, việc Thiên Chúa thanh tẩy loài người gian ác cùng với sinh vật trên đất vào thời tổ phụ Noe bằng nước lụt đại hồng thủy đã được tiếp nối ngay bằng một giao ước tràn đầy hy vọng và sự sống, với cả loài người lẫn sinh vật như được Sách Khởi Nguyên trong Bài Đọc 1 hôm nay thuật lại, đúng như câu Đáp Ca hôm nay cảm nhận: "Từ trời cao Chúa đã nhìn xuống trần thế":

 

"Thiên Chúa chúc phúc cho Noe và con cái ông. Người phán bảo rằng: 'Các ngươi hãy sinh sản ra nhiều cho đầy mặt đất. Mọi thú vật dưới đất, mọi chim chóc trên trời, cùng mọi động vật trên mặt đất và mọi loài cá dưới biển đều phải kính sợ các ngươi: Tất cả đều được giao phó trong tay các ngươi... Các ngươi hãy sinh sản ra nhiều cho đầy mặt đất'. Thiên Chúa lại phán cùng ông Noe và con cái ông rằng: 'Ðây Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi và con cháu các ngươi, với tất cả sinh vật đang sống với các ngươi, như chim chóc, gia súc, tất cả những thú vật đang sống trên mặt đất với các ngươi, những gì ra khỏi tàu và toàn thể thú vật trên mặt đất. Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi; nước lụt không còn tiêu diệt mọi loài nữa, cũng không khi nào còn lụt tàn phá trái đất nữa'. Và Thiên Chúa phán: 'Ðây là dấu chỉ giao ước ký kết giữa Ta với các ngươi, và tất cả sinh vật đang ở với các ngươi và sau này mãi mãi. Ta sẽ đặt trên trời một cái mống, và nó sẽ là dấu chỉ giao ước giữa Ta với trái đất'".

 

Phải chăng "cái mống trên trời sẽ là dấu chỉ giao ước giữa Ta với trái đất" được Thiên Chúa hứa sau lụt đại hồng thủy đây, một hiện tượng được gọi là cầu vồng về thể lý vẫn còn cho tới ngày nay sau những trận mưa lớn kéo dài, ám chỉ Thánh Giá cứu độ của Chúa Kitô, Đấng "sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại", như chính "Người công khai tuyên bố các điều đó" trong Bài Phúc Âm hôm nay...

 


Thứ Sáu


Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) St 11, 1-9

"Ta hãy xuống coi và tại đó Ta làm cho ngôn ngữ chúng lộn xộn".

Trích sách Sáng Thế.

Lúc bấy giờ toàn thể lãnh thổ có một tiếng nói duy nhất và một ngôn ngữ như nhau. Khi con cháu ông Noe từ phương đông tiến đi, họ đã gặp một cánh đồng tại đất Sinêar và họ cư ngụ ở đó. Những người này nói với nhau rằng: "Nào, bây giờ chúng ta đi làm gạch và đốt lửa để nung". Và họ dùng gạch thay thế cho đá và nhựa thay thế cho xi măng. Họ còn nói: "Nào, bây giờ chúng ta hãy xây một thành với một cây tháp mà ngọn nó chạm tới trời. Và chúng ta hãy tạo cho ta một tên tuổi để chúng ta khỏi bị tản lạc ra khắp mặt địa cầu".

Chúa ngự xuống để quan sát thành trì với cây tháp mà con cái loài người đang xây. Và Chúa phán: "Này coi, chúng nó hợp thành một dân tộc duy nhất và kia là điều chúng đã khởi công. Giờ đây không có gì ngăn cản chúng thi hành điều chúng đã dự tính. Ta hãy xuống coi và tại đó Ta làm cho ngôn ngữ chúng lộn xộn, để người này không còn hiểu tiếng nói của người kia". Và Chúa đã làm cho họ tản mát xa chỗ đó để tràn ra khắp mặt địa cầu. Họ đã thôi việc xây dựng thành trì. Bởi thế, người ta đã gọi chỗ đó là "Babel", vì chính tại chỗ đó, Chúa làm cho ngôn ngữ của toàn thể lãnh thổ hoá ra lộn xộn. Và cũng tại đó, Chúa đã làm cho người ta tản mát ra khắp mặt địa cầu.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 32, 10-11. 12-13. 14-15

Ðáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình (c. 12b).

Xướng: 1) Chúa phá tan ý định của các nước, làm cho vô hiệu tư tưởng của chư dân. Ý định của Chúa tồn tại muôn đời, tư tưởng lòng Ngài còn mãi đời nọ sang đời kia. - Ðáp.

2) Phúc thay quốc gia mà Chúa là chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình. Từ trời cao Chúa nhìn xuống, Ngài xem thấy hết thảy con cái loài người. - Ðáp.

3) Từ cung lâu của Ngài, Ngài quan sát hết thảy mọi người cư ngụ địa cầu. Ngài đã tạo thành tâm can bọn họ hết thảy; Ngài quan tâm đến mọi việc làm của họ. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 118, 27

Alleluia, alleluia! - Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 8, 34-39

"Ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm thì sẽ cứu được mạng sống mình".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm, thì sẽ cứu được mạng sống mình. Vì chưng được lời lãi cả thế gian mà mất mạng sống mình, thì nào được ích gì? Và người ta lấy gì mà đánh đổi mạng sống mình? Ai hổ thẹn vì Ta và vì lời Ta trong thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn từ khước nó, khi Người đến trong vinh quang của Cha Người cùng với các thần thánh".

Và Ngài nói với họ: "Quả thật, Ta bảo các ngươi: trong số những kẻ có mặt đây, có người sẽ không phải nếm cái chết, trước khi thấy Nước Thiên Chúa đến trong quyền năng".

Ðó là lời Chúa.

 

Related image

 

 

Suy niệm

 

 

Bóng thánh giá đã xuất hiện ngay từ ban đầu trong vườn địa đường, ngay trước cả nguyên tội!

 

Bài Phúc Âm của Thánh ký Marco cho Thứ Sáu tuần VI Thường Niên hôm nay thuật lại lời Chúa Giêsu khẳng định với "dân chúng cùng các môn đệ" của Người về điệu kiện ắt có và đủ, bất khả thiếu và bất khả phân ly để nhờ đó họ có thể xứng đáng làm môn đệ của Người và theo Người cho tới cùng, bằng không chắc chắn họ sẽ đứt gánh giữa đường một cách nào đó và vào một lúc nào đó. Điều kiện tối căn bản và cần thiết đó là: "Ai muốn theo Tôi thì hãy từ bỏ chính bản mình đi và vác thập giá của mình mà theo Tôi".

 

Thật ra chính bản thân của con người chẳng những không có gì là xấu đến độ phải bỏ đi, trái lại, mà còn là một yếu tố bất khả thiếu để làm nên con người, để là một con người. Bởi vì, bản thân đó chính là cái tôi của từng cá thể con người, một bản ngã đặc thù duy nhất trên trần gian này, hoàn toàn khác với bất kỳ một ai được sinh ra trên đời này, từ tạo thiên lập địa cho tới tận thế. Và chính cái tôi đặc thù ấy, cái bản ngã duy nhất ấy trên trần gian được coi là căn tính của từng cá thể con người ấy mà họ mới là hình ảnh Thiên Chúa là vị Thiên Chúa duy nhất.

 

Nếu con người không có bản ngã, không có cái tôi thì cũng chẳng khác gì loài vật, một tập thể bao gồm cả đống hay cả đoàn sinh vật hổ lốn, nhìn con nào cũng như nhau, và con người hổ lốn như con vật như thế sẽ chẳng có trách nhiệm gì về việc mình làm, và việc họ làm sẽ chẳng có giá trị nhân bản... Vậy thì tại sao Chúa Giêsu lại bảo những ai muốn theo Người cần phải "bỏ chính bản thân mình" đi như thế?

 

Xin thưa, là vì bản thân của chung con người và của từng bản vị con người chẳng những được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa duy nhất mà còn được dựng nên tương tự như Ngài nữa (xem Khởi Nguyên 1:26,27), nghĩa là bản thân của con người chẳng những là một cá thể duy nhất mà còn là một cá thể có khả năng hiệp thông nữa mới hoàn toàn trọn vẹn đạt đến tầm vóc làm người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, Đấng là Thiên Chúa chân thật duy nhất nhưng cũng là Vị Thiên Chúa hiệp thông thần linh 3 Ngôi.

 

Thế nhưng, thực tế cho thấy, ngay từ ban đầu, thậm chí ngay trước cả nguyên tội, loài người, ở một nghĩa nào đó, đã theo chiều hướng nội, nghĩa là chỉ biết đến cái duy nhất vị kỷ của mình (hướng nội cũng là hướng hạ, hướng băng hoại) hơn là mối hiệp thông yêu thương (hướng ngoại cũng là hướng thượng, hướng thăng hóa). Đó là lý do ngay từ ban đầu, vì hướng nội và hướng hạ như thế mà con người, nơi hai nguyên tổ của mình, đã thực sự bị mất đi sự sống thần linh chân thật, nơi việc bất tuân phục ý muốn toàn thiện vô cùng khôn ngoan đầy yêu thương của Thiên Chúa Hóa Công.

 

Phải "bỏ chính bản thân mình đi" là ở chỗ đó, ở chỗ bỏ ý riêng của mình để tuân theo ý muốn của Thiên Chúa, ngay trước cả nguyên tội. Sau nguyên tội lại càng phải "bỏ chính bản thân mình đi" hơn nữa, bởi cái bản thân của con người ấy đã trở thành xấu xa và mù tối gây ra bởi nguyên tội, đầy những đam mê nhục dục và tính mê nết xấu là hậu quả của nguyên tội và làm mầm mống tội lỗi, càng bất xứng với Thiên Chúa, và càng không thể nào hiệp thông thần linh như Chúa muốn và với Thiên Chúa vô cùng toàn thiện và toàn ái.

 

Như thế, nếu "bỏ chính bản thân mình đi" ở chỗ theo Thánh ý tối cao của Thiên Chúa toàn thiện hơn là ý riêng của mình chỉ là một tạo vật hèn hạ bất toàn thì không phải là một việc tự diệt hơn là hoán cải, mà thành quả là được thăng hóa, là "nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành" (Mathêu 5:48), là "vượt qua sự chết mà vào sự sống" (Gioan 5:24), là "đi từ tối tăm ra ánh sáng lạ lùng" (1Phêrô 2:9).

 

Tuy nhiên, theo bản tính tự nhiên, ý riêng của con người hầu như bao giờ cũng khác với Ý Chúa thậm chí còn phản lại Ý Chúa nữa, bởi thế, làm theo Ý Chúa hơn là ý riêng của mình bao giờ cũng tạo nên những cây thập tự giá, về hình thức là hai cây gỗ dọc ngang, cây dọc ám chỉ ý muốn của Thiên Chúa và cây ngang tiêu biểu cho ý muốn của con người. Như thế chúng ta thấy ở ngay trong vườn địa đường và ngay từ ban đầu, ngay trước cả nguyên tội, đã xuất hiện bóng thánh giá, ở chỗ: lệnh cấm của Thiên Chúa và ý con người không muốn tuân theo lệnh của Ngài.

 

Và đó là lý do để "bỏ chính bản thân mình đi" cũng chính là "vác thập giá của mình" vậy. Đến đây chúng ta mới thấy được cái chí lý của lời Chúa Giêsu kêu gọi những ai muốn theo Người, muốn làm môn đệ của Người cần phải vừa "bỏ chính bản mình" vừa phải "vác thập giá của mình" nữa: "Ai muốn theo Tôi thì hãy từ bỏ chính bản mình đi và vác thập giá của mình mà theo Tôi".

 

Chính vì "bỏ chính bản thân mình đi" ở chỗ theo Thánh ý tối cao của Thiên Chúa toàn thiện hơn là ý riêng của mình chỉ là một tạo vật hèn hạ bất toàn mà việc "bỏ chính bản thân mình đi" này mới mang lại thành quả là sự sống: "ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm, thì sẽ cứu được mạng sống mình", thoát được cái hậu quả chết chóc và tự diệt, đúng như những gì Chúa Giêsu cảnh báo trong chính lời Người mời gọi theo Người ở bài Phúc Âm hôm nay: "ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất".

 

Trường hợp điển hình về cái hậu quả tai hại cho những "ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất" được Sách Khởi Nguyên ở Bài Đọc 1 hôm nay thuật lại liên quan đến Tháp Babel và con cháu của tổ phụ Noe: "Lúc bấy giờ toàn thể lãnh thổ có một tiếng nói duy nhất và một ngôn ngữ như nhau. Khi con cháu ông Noe từ phương đông tiến đi, họ đã gặp một cánh đồng tại đất Sinêar và họ cư ngụ ở đó. Những người này nói với nhau rằng: 'Nào, bây giờ chúng ta đi làm gạch và đốt lửa để nung'".

 

Con cháu của tổ phụ Noe đã "muốn cứu mạng sống mình" ở chỗ: "Nào, bây giờ chúng ta hãy xây một thành với một cây tháp mà ngọn nó chạm tới trời. Và chúng ta hãy tạo cho ta một tên tuổi để chúng ta khỏi bị tản lạc ra khắp mặt địa cầu", thì lại bị "mất" một cách oan khiên nghiệt ngã đầy thảm hại: "Chúa ngự xuống để quan sát thành trì với cây tháp mà con cái loài người đang xây. Và Chúa phán: 'Này coi, chúng nó hợp thành một dân tộc duy nhất và kia là điều chúng đã khởi công. Giờ đây không có gì ngăn cản chúng thi hành điều chúng đã dự tính. Ta hãy xuống coi và tại đó Ta làm cho ngôn ngữ chúng lộn xộn, để người này không còn hiểu tiếng nói của người kia'. Và Chúa đã làm cho họ tản mát xa chỗ đó để tràn ra khắp mặt địa cầu".

 

"Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất", như trường hợp của con cháu của tổ phụ Noe trong Bài Đọc 1 hôm nay quả thực đã ứng nghiệm lời Thánh Vịnh ở Bài Đáp Ca câu 2 hôm nay: "Chúa phá tan ý định của các nước, làm cho vô hiệu tư tưởng của chư dân. Ý định của Chúa tồn tại muôn đời, tư tưởng lòng Ngài còn mãi đời nọ sang đời kia", và bởi thế mà chúng ta cần phải dâng lời nguyện sau đây của câu Alleluia hôm nay: "Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. - Alleluia" (TV 118:27).

 



 

Thứ Bảy


Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Dt 11, 1-7

"Nhờ đức tin, chúng tôi hiểu rằng vũ trụ do lời Thiên Chúa mà cấu thành".

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Ðức tin là nền tảng của những điều hy vọng, là bằng chứng cho những thực tại vô hình. Quả thật, nhờ đức tin mà các tiền nhân đã được một bằng chứng. Nhờ đức tin, chúng ta hiểu rằng vũ trụ do lời Thiên Chúa mà cấu thành, nên cái gì hữu hình là bởi vô hình mà có. Nhờ đức tin mà Abel đã dâng lên Thiên Chúa của lễ hoàn hảo hơn của lễ Cain, và bởi đức tin mà ông được chứng thực là công chính; Thiên Chúa đã làm chứng cho lễ vật của ông. Bởi đức tin đó, cho dầu ông đã chết, ông vẫn còn lên tiếng. Nhờ đức tin, Henoch được cất lên nơi khác, để ông khỏi thấy sự chết; người ta không còn gặp ông nữa, vì Thiên Chúa đã cất ông lên nơi khác: trước khi được cất đi nơi khác, ông được làm chứng là người đẹp lòng Chúa. Vậy không có đức tin, thì không thể đẹp lòng Chúa, vì chưng ai đến gần Thiên Chúa, thì phải tin có Thiên Chúa, và Người thưởng công cho những kẻ tìm kiếm Người. Nhờ đức tin, Noe được Chúa cho biết những điều chưa hề thấy, nên ông sợ hãi và đóng tàu để cứu sống gia đình ông. Nhờ đức tin đó mà ông đã lên án thế gian, và được nên người thừa hưởng sự công chính bởi đức tin.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 144, 2-3. 4-5. 10-11

Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời (c. 1b).

Xướng: 1) Hằng ngày con sẽ chúc tụng Chúa, và con sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời. Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen, sự vĩ đại của Chúa không thể đo lường được. - Ðáp.

2) Thế hệ này rao giảng cho thế hệ kia hay công việc Chúa, và thiên hạ loan tin quyền năng của Ngài. Người ta nói đến vinh quang cao cả oai nghiêm, và phổ biến những điều diệu kỳ của Chúa. - Ðáp.

3) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 94, 8ab

Alleluia, alleluia! - Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa và đừng cứng lòng. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 9, 1-12

"Người biến hình trước mặt các ông".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia cùng Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: "Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông.

Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: "Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?" Và các ông hỏi Người: "Tại sao các biệt phái và luật sĩ lại nói Êlia phải đến trước đã?" Người đáp: "Êlia phải đến trước để sửa lại mọi sự, và như có lời chép về Con Người rằng 'Người phải chịu nhiều đau khổ và khinh bỉ'. Vậy Thầy bảo cho các con hay: Êlia đã đến rồi và chúng xử với người mặc ý chúng, như đã chép về người".

Ðó là lời Chúa.

 

Image result for jesus transfiguration on the mountain


Suy niệm

 

 

"Một đám mây bao phủ" ... "bằng chứng cho những thực tại vô hình"

    

 

Sau khi đã tiết lộ cái bí mật quân sự rùng rợn nhất đối với các tông đồ trong Bài Phúc Âm hôm Thứ Năm tuần này liên quan đến một Đức Kitô khổ nạn và tử giá, cũng như sau khi khẳng định điều kiện đầy gian nan khốn khó để có thể xứng đáng và khả năng theo làm môn đệ của mình ở Bài Phúc Âm Thứ Sáu hôm qua, Chúa Giêsu, trong Bài Phúc Âm hôm nay, đã dường như muốn trấn an các vị, bằng cách tỏ vinh quang của Người ra cho các vị thấy qua 3 vị tông đồ đại diện là Phêrô, Giacôbê và Gioan ở trên núi cao, như được Thánh ký Marco thuật lại như sau: "Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế".

 

Biến cố biến hình toàn thân, chứ không phải chỉ "hiển dung" (như một số người ngày nay thích sử dụng từ ngữ có vẻ mới lạ có tính chất văn vẻ hay hay này) về khuôn mặt của Chúa Giêsu mà thôi, là một dấu báo về cuộc phục sinh vinh hiển của Người, một cuộc phục sinh chỉ xẩy ra sau cuộc khổ nạn và tử giá của Người, để nhờ đó, Người có thể tỏ hiện trọn vẹn tất cả quyền năng thần linh của Người ra ở chỗ chiến thắng tội lỗi và sự chết, thậm chí, vì Người từ kẻ chết hay từ cõi chết sống lại mà Người còn biến đổi tối tăm thành ánh sáng và sự chết thành sự sống nữa, chứ không phải, qua mầu nhiệm nhập thể của mình, Người chỉ là "ánh sáng chiếu soi trong tăm tối" (Gioan 1:5).

 

Đó là mục đích và tất cả ý nghĩa của Mầu Nhiệm Vượt Qua, một mầu nhiệm bao gồm cả khổ giá và phục sinh, hoàn toàn ứng nghiệm những gì Thánh Kinh báo trước về Đấng Thiên Sai Giêsu hay về Đức Giêsu Kitô, như chính Chúa Kitô Phục Sinh đã sử dụng chứng lý Thánh Kinh để làm cho cho các tông đồ về việc sống lại của Người khi Người hiện ra với các vị, bao gồm cả thành phần 2 môn đệ đang trên đường đi về làng Emmau lẫn các vị tông đồ ở Nhà Tiệc Ly lần đầu tiên vào tối ngày thứ nhất trong tuần:

Với 2 môn đệ về làng Emmau: "Bấy giờ Ðức Giêsu nói với hai ông rằng: 'Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!Nào Ðấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?' Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh".

Với các tông đồ ở Nhà Tiệc Ly: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, Các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm".

Chính vì biến cố biến hình trên núi ám chỉ mầu nhiệm vượt qua đúng như lời Thánh Kinh liên quan đến lề luật và các ngôn sứ như thế mà trong khi biến hỉnh mới có hai nhân vật tiêu biểu của Cựu Ước xuất hiện, một liên quan đến lề luật là Moisen và một liên quan đến tiên tri là Elia: "Rồi Êlia cùng Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu".

Cũng chính vì biến cố biến hình trên núi ám chỉ mầu nhiệm vượt qua đúng như lời Thánh Kinh là những gì được Thiên Chúa ấn định như thế và sẽ xẩy ra đúng như vậy mà Thiên Chúa đã phải đích thân lên tiếng chứng thực Đấng Thiên Sai của Ngài, một Đấng Thiên Sai Vượt Qua từ khổ giá đến vinh quang phục sinh, qua sự kiện được Thánh ký Marco ghi nhận trong Bài Phúc Âm hôm nay: "Lúc đó một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: 'Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người'".

"Đám mây bao phủ các ngài" đây biểu hiệu cho Chúa Thánh Thần, Đấng "bao phủ bà" (Luca 1:35), Đấng cũng đã đậu trên Chúa Giêsu ở Sông Jordan khi Người lãnh nhận Phép Rửa của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả (xem Gioan 1:33; Marco 1:10). Vì Thánh Thần là Thần Chân Lý dẫn vào tất cả sự thật (xem Gioan 16:13) mà "từ đám mây có tiếng phán", để chứng tỏ Người thực sự là Con Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai, "là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn" (Gioan 1:34).

Như thế, với sự hiện diện của Thần Chân Lý ở biến cố biến hình kèm theo tiếng phán ra đã cho thấy tất cả những gì Người nói về Người (như bài Phúc Âm liên quan đến cuộc vượt qua của Người hôm Thứ Năm vừa rồi) và tỏ mình ra cho các tông đồ (như trong biến cố biến hình trong bài Phúc Âm hôm nay) đều chân thực và chắc chắn sẽ xẩy ra đúng như vậy theo như Thánh Kinh đã tiên báo, chẳng những đáng tin tưởng chấp nhận mà còn cần phải tin tưởng chấp nhận nữa, nhưng phải là một đức tin như Bài Đọc 1 hôm nay định nghĩa và xác quyết:

"Ðức tin là nền tảng của những điều hy vọng, là bằng chứng cho những thực tại vô hình... Không có đức tin, thì không thể đẹp lòng Chúa, vì chưng ai đến gần Thiên Chúa, thì phải tin có Thiên Chúa, và Người thưởng công cho những kẻ tìm kiếm Người".