SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO
Phụng Vụ Lời Chúa Tuần XV Thường Niên Năm A và Lẻ
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Chúa Nhật
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: Is 55,
10-11
"Chúng làm cho đất phì nhiêu".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ðây Chúa phán: "Như mưa tuyết từ trời
rơi xuống và không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất, làm cho đất
phì nhiêu, cây cối sinh mầm, cho người gieo có hạt giống, cho người ta có
cơm bánh ăn, cũng thế, lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà
không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta, và làm tròn sứ mạng Ta
uỷ thác".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 64,
10abcd. 10e-11. 12-13. 14
Ðáp: Hạt giống rơi
vào đất tốt, và sinh hoa kết quả (Lc 8, 8).
Xướng: 1) Chúa đã viếng thăm ruộng đất
và tưới giội: Ngài làm cho đất trở nên phong phú bội phần. Sông ngòi của
Thiên Chúa tràn trề nước, Ngài đã chuẩn bị cho thiên hạ có lúa mì. - Ðáp.
2) Vì Ngài đã chuẩn bị như thế này cho
ruộng đất: Ngài đã tưới giội nước vào những luống cày, và Ngài san bằng mô
cao của ruộng đất. Ngài làm cho đất mềm bởi thấm nước mưa; Ngài chúc phúc
cho mầm cây trong đất. - Ðáp.
3) Chúa đã ban cho một năm hồng ân, và
lốt xe ngự giá của Ngài khơi nguồn phong phú. Ðống đất hoang vu có nước chảy
đầm đìa, và các đồi núi vận xiêm-y hoan hỉ. - Ðáp.
4) Ðồng ruộng đông chật những đàn
chiên dê, và các thung lũng được che lợp bằng ngũ cốc; muôn loài đều hát
xướng và hoan ca. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Rm 8,
18-23
"Các tạo vật ngóng trông sự mạc
khải của con cái Thiên Chúa".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín
hữu Rôma.
Anh em thân mến, tôi nghĩ rằng những
đau khổ ở đời này không thể sánh với vinh quang sắp tới sẽ được mạc khải cho
chúng ta. Vì chưng các tạo vật ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên
Chúa. Các tạo vật đã phải tùng phục cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn như
vậy, nhưng vì Ðấng đã bắt nó phải tùng phục với hy vọng là các tạo vật sẽ
được giải thoát khỏi vòng nô lệ sự hư nát, để được thông phần vào sự tự do
vinh hiển của con cái Thiên Chúa. Vì chúng ta biết rằng cho đến bây giờ, mọi
tạo vật đều rên siết và đau đớn như người đàn bà trong lúc sinh con. Nhưng
không phải chỉ có các tạo vật, mà cả chúng ta là những kẻ hưởng ơn đầu mùa
của Thánh Thần, chúng ta cũng rên siết trong khi ngóng chờ phúc làm nghĩa tử
và ơn cứu độ thân xác chúng ta.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 17,
17b và a
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Lời
Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật". - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 13, 1-9
{hoặc 1-23}
"Kìa, có người gieo giống đi gieo
lúa".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh
Matthêu.
Ngày ấy, Chúa Giêsu ra khỏi nhà và đi
đến ngồi ở ven bờ biển. Dân chúng tụ tập quanh Người đông đảo đến nỗi Người
phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Và Người
dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói:
"Này đây, có người gieo giống đi gieo
lúa. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất. Có
hạt rơi xuống trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên, vì không có nhiều
đất. Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ sâu, nên liền khô
héo. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt. Có hạt rơi
xuống đất tốt và sinh hoa kết quả, có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có
hạt ba mươi. Ai có tai thì hãy nghe".
[Các
môn đệ đến gần thưa Người rằng: "Tại sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ?"
Người đáp lại: "Về phần các con, đã cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, còn
họ thì không cho biết. Vì ai đã có, thì ban thêm cho họ được dư dật; còn kẻ
không có, thì cái họ có cũng bị lấy đi. Bởi thế, Thầy dùng dụ ngôn mà nói
với họ: vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe và không hiểu chi
hết. Thế mới ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói về họ rằng: "Các ngươi lắng
tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì. Vì lòng dân này đã ra
chai đá, họ đã bịt tai nhắm mắt lại, kẻo mắt thấy được, tai nghe được, và
lòng chúng hiểu được mà hối cải, và Ta lại chữa chúng cho lành". Phần các
con, phúc cho mắt các con vì được thấy; và phúc cho tai các con vì được
nghe. Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính
đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe
điều các con nghe, mà không được nghe.
"Vậy, các con hãy nghe dụ ngôn về
người gieo giống: Kẻ nào nghe lời giảng về Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ
dữ đến cướp lấy điều đã gieo trong lòng nó: đó là kẻ thuộc hạng gieo dọc
đường. Hạt rơi trên đá sỏi là kẻ khi nghe lời giảng, thì tức khắc vui lòng
chấp nhận, nhưng không đâm rễ sâu trong lòng nó, đó là kẻ nông nổi nhất
thời, nên khi cuộc bách hại, gian nan xảy đến vì lời Chúa, thì lập tức nó
vấp ngã. Hạt rơi vào bụi gai, là kẻ nghe lời giảng, nhưng lòng lo lắng việc
đời, ham mê của cải, khiến lời giảng bị chết nghẹt mà không sinh hoa kết quả
được. Hạt gieo trên đất tốt, là kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa
kết quả đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi".]
Ðó là lời Chúa.
Cảm Nghiệm Lời Chúa
Căn cứ vào diễn
tiến của Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta thấy tính cách liên tục về nội dung và
ý nghĩa của Phụng Vụ Lời Chúa được Mẹ Giáo Hội cố ý tuần tự dọn ra cho con
cái của mình mỗi Chúa Nhật hằng tuần.
Thật vậy, nếu Chúa Nhật XIV tuần trước, Chúa Giêsu đã đề cập tới "những
điều ấy", như đã chia sẻ, là chính những điều về chính bản thân Người,
một Mầu Nhiệm Thần Linh được Cha trên trời mạc khải cho thành phần bé mọn
hơn là thành phần khôn ngoan thông thái, thì Chúa Nhật XV tuần này và 2 Chúa
Nhật XVI và XVII tiếp theo, Giáo Hội đã hoàn toàn bỏ tất cả đoạn 12, và nhẩy
sang đoạn 13 của Thánh ký Mathêu, đoạn về Mầu Nhiệm Nước Trời là chính Chúa
Kitô được Người diễn tả bằng các dụ ngôn khác nhau. Và dụ ngôn đầu tiên đó
là dụ ngôn về "người gieo giống" như thế này:
"Này đây, có người gieo giống đi gieo lúa.
Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất. Có hạt
rơi xuống trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên, vì không có nhiều
đất. Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ sâu, nên liền khô
héo. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt. Có hạt rơi
xuống đất tốt và sinh hoa kết quả, có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có
hạt ba mươi. Ai có tai thì hãy nghe".
Dụ ngôn chính yếu về "người gieo giống"
nhưng nội dung lại chỉ liên quan đặc biệt đến hạt giống cùng với 4 môi
trường đón nhận khác nhau của nó: vệ đường hững hờ, đá sỏi cứng cỏi, bụi gai
phân tâm và đất tốt đáp ứng. Tuy nhiên, chính yếu vẫn là "người gieo giống"
liên quan đến đường lối hay cách thức gieo giống của người này: một là
"người gieo giống" trong dụ ngôn này không chuyên nghiệp trong việc gieo
giống, chẳng biết gieo giống là gì, chẳng biết gieo làm sao cho đúng nơi
đúng chỗ; hai là "người gieo giống" ấy có quá nhiều hạt giống
trong kho lẫm của mình nên bất cần những hạt
giống gieo xuống có văng đi đâu cũng chẳng thiệt hại gì!
Đúng thế, giả thuyết thứ hai có vẻ đúng hơn. Ở chỗ, "Thiên Chúa là Đấng
giầu lòng xót thương" (Epheso 2:4)
không phải chỉ ban ơn phúc của Ngài cho những
ai tốt lành tài năng (có một tấm lòng như đất tốt), còn người xấu xa kém cỏi
(có một tấm lòng như vệ đường, sỏi đá hay bụi gai) thì không.
Là Đấng dựng nên tất cả mọi người và từng người, Thiên Chúa biết ai cũng cần
đến ân sủng của Ngài, cần đến mạc khải thần linh của Ngài là Đức Giêsu Kitô
để có thể được cứu độ, thì Ngài không thể nào không tỏ ra cho họ một cách
nào đó, hợp với khả năng nhận thức và cuộc đời của họ. Bằng không, Ngài là
một Thiên Chúa thiên vị, bất công, thưởng phát bất phân minh.
Còn trách nhiệm của thành phần lãnh nhận ơn của Ngài và mạc khải của Ngài
thì thuộc về kẻ lãnh nhận. Đó là lý do, trong phần dẫn giải dụ ngôn (không
buộc đọc), Chúa Giêsu đã ghép hạt giống gieo xuống đồng hóa với chính lãnh
nhận nhân:
"Hạt
rơi trên đá sỏi là kẻ
khi nghe lời giảng, thì tức khắc vui lòng chấp nhận, nhưng không đâm rễ sâu
trong lòng nó, đó là kẻ nông nổi nhất thời, nên khi cuộc bách hại, gian nan
xảy đến vì lời Chúa, thì lập tức nó vấp ngã.
Hạt rơi
vào bụi gai là kẻ
nghe lời giảng, nhưng lòng lo lắng việc đời, ham mê của cải, khiến lời giảng
bị chết nghẹt mà không sinh hoa kết quả được.
Hạt gieo
trên đất tốt là kẻ
nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả đến nỗi có hạt được một
trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi".
Trước khi gieo xuống một trong 4 môi
trường đón nhận nào đó, thì "hạt giống", như Chúa Giêsu dẫn giải,
chính là
"lời giảng về Nước Trời", thế nhưng khi
đã rơi xuống và chạm đến một nơi nào đó thì
"lời giảng về Nước Trời" này lại hoàn
toàn lệ thuộc vào môi trường của nó, để có thể đâm mộng nẩy mầm và phát
triển cùng sinh hoa kết trái theo bản chất hạt giống của nó cho tới khi đạt
được trọn vẹn tầm vóc hạt giống ấn định của nó, đúng như Lời Chúa phán trong
Sách Tiên Tri Isaia trong Bài Đọc 1 hôm nay:
"Như mưa tuyết từ trời rơi xuống và không trở lên trời nữa, nhưng chúng
thấm xuống đất, làm cho đất phì nhiêu, cây cối sinh mầm, cho người gieo có
hạt giống, cho người ta có cơm bánh ăn, cũng thế, lời từ miệng Ta phán ra sẽ
không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của
Ta, và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác".
Vấn đề được đặt ra ở đây là nếu theo nguyên tắc và về phía "người
gieo giống" "lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà
không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta, và làm tròn sứ mạng Ta
uỷ thác", mà thực tế và về phía nhân loại lại hoàn toàn khác hẳn, ở chỗ
đất tốt là môi trường đáp ứng duy nhất trong 4 môi trường đáp ứng Lời Chúa,
thì làm sao lại xẩy ra chuyện "sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết
quả"!
Vậy "kết quả" ở đây là gì? Nếu không phải là những gì Thiên Chúa
muốn, những gì "người gieo giống" muốn, đều được nên trọn đúng như
ý muốn của Ngài, như chính Ngài đã khẳng định: "nó thực hiện ý muốn của
Ta, và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác", nghĩa là nó chứng thực "Thiên
Chúa là Đấng giầu lòng xót thương" tất cả mọi người và từng người, bất
kể họ là thành phần tốt xấu hay lành dữ: "Ngài làm cho mặt trời mọc lên
trên kẻ lành người dữ và làm mưa xuống trên người công chính và kẻ bất chính"
(Mathêu 5:45).
Nếu nơi mầu nhiệm Nhập Thể, mầu nhiệm gieo giống, Con Thiên Chúa là Lời hằng
ở cùng Cha (xem Gioan 1:1) "đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), "là
ánh sáng chiếu trong tăm tối, một tối tăm không át được ánh sáng"
(Gioan 1:5), thì nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua Lời của Con mình, Ngài còn có thể
biến dữ thành lành, chết thành sống, như Ngài đã thực hiện nơi Con của Ngài
là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã Vượt Qua sự chết mà vào sự sống, Đấng sống lại từ
cõi chết, tức là Người đã đi vào tận thâm cung bí ẩn nhất của chết chóc, của
sự dữ, để biến căn tính tối tăm khổ nạn thành ánh sáng phục sinh, biến nọc
độc chết chóc tử giá thành sự sống vinh quang, chẳng những cho riêng con
người mà còn cho chung toàn thể tạo vật nữa. Và đó là tất cả ý nghĩa của lời
Thánh Phaolô trong Thư Roma ở Bài Đọc 2 hôm nay:
"Anh em thân mến, tôi nghĩ rằng những đau khổ ở đời này không thể sánh
với vinh quang sắp tới sẽ được mạc khải cho chúng ta. Vì chưng các tạo vật
ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên Chúa. Các tạo vật đã phải tùng
phục cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn như vậy, nhưng vì Ðấng đã bắt nó
phải tùng phục với hy vọng là các tạo vật sẽ được giải thoát khỏi vòng nô lệ
sự hư nát, để được thông phần vào sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa.
Vì chúng ta biết rằng cho đến bây giờ, mọi tạo vật đều rên siết và đau đớn
như người đàn bà trong lúc sinh con. Nhưng không phải chỉ có các tạo vật, mà
cả chúng ta là những kẻ hưởng ơn đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta cũng rên
siết trong khi ngóng chờ phúc làm nghĩa tử và ơn cứu độ thân xác chúng ta".
Như thế thì quả thực "lời từ miệng Ta phán ra
sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của
Ta, và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác". Bài Đáp Ca hôm nay đã chất chứa
tâm tình đầy lạc quan và hy vọng của "các tạo vật sẽ được giải thoát
khỏi vòng nô lệ sự hư nát, để được thông phần vào sự tự do vinh hiển của con
cái Thiên Chúa":
1) Chúa đã viếng thăm ruộng đất và tưới giội: Ngài làm cho đất trở nên
phong phú bội phần. Sông ngòi của Thiên Chúa tràn trề nước, Ngài đã chuẩn bị
cho thiên hạ có lúa mì.
2) Vì Ngài đã chuẩn bị như thế này cho ruộng đất: Ngài đã tưới giội nước
vào những luống cày, và Ngài san bằng mô cao của ruộng đất. Ngài làm cho đất
mềm bởi thấm nước mưa; Ngài chúc phúc cho mầm cây trong đất.
3) Chúa đã ban cho một năm hồng ân, và lốt xe ngự giá của Ngài khơi
nguồn phong phú. Ðống đất hoang vu có nước chảy đầm đìa, và các đồi núi vận
xiêm-y hoan hỉ.
4) Ðồng ruộng đông chật những đàn chiên dê, và các thung lũng được che
lợp bằng ngũ cốc; muôn loài đều hát xướng và hoan ca.
Vậy chúng ta hãy sử dụng chính câu Alleluia hôm nay để nguyện rằng:
"Lạy
Cha, 'Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật'. -
Alleluia".
Thứ Hai
sự sống gươm giáo
Bài Đọc I: (Năm
I) Xh 1, 8-14. 22
Đáp Ca: Tv 123, 1-3.
4-6. 7-8
Phúc Âm: Mt 10, 34 - 11, 1
Bài Phúc Âm cho Thứ Hai Tuần XV Thường Niên là bài phúc âm
tiếp theo loạt bài phúc âm của Thánh ký Mathêu về huấn từ sai đi của Chúa
Giêsu với 12 tông đồ. Bài phúc âm hôm nay là phần cuối cùng của bài huấn từ
sai đí ấy, một phần huấn từ bao gồm 2 điểm chính yếu liên quan đến "gươm
giáo" và "bát nước".
"Gươm giáo": "Các
con chớ tưởng rằng Thầy đến để mang hoà bình cho thế gian: Thầy không đến để
đem hoà bình, nhưng đem gươm giáo. Vì chưng, Thầy đến để gây chia rẽ con
trai với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng mình: và thù
địch của người ta lại là chính người nhà mình. Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn
Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy. Kẻ nào yêu con trai con gái hơn Thầy,
thì chẳng xứng đáng với Thầy. Kẻ nào không vác thập giá mình mà theo Thầy,
thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ
nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó".
"Bát nước": "Kẻ
nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy, và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp
Đấng đã sai Thầy. Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri,
thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính
với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công
chính. Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã
mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con: người
ấy không mất phần thưởng đâu".
Trước hết về "gươm giáo". Nếu
chúng ta chỉ lấy nguyên câu Chúa Giêsu nói ở ngay đầu bài phúc âm hôm nay: "Thầy
không đến để đem hòa bình,
nhưng đem gươm giáo", thì
chắc chắn Người là tên phản kitô, vì giáo huấn của Người chất chứa
những gì là phản nhân bản, chia rẻ, vô luân thường đạo lý. Thế nhưng, căn cứ
vào ý tưởng của toàn đoạn văn, Người quả là chí lý khi khẳng định một câu
nói lạ lùng hầu như lạc giáo như thế. Và nhất là căn cứ vào ý nghĩa Thánh
Kinh của "gươm
giáo" là chính Lời Chúa "sắc
hơn gươm hai lưỡi" (xem
Do Thái 4:12).
Ở chỗ, Chúa Giêsu quả thực hoàn
toàn không chủ ý gây ra chia rẽ giữa con người với nhau, nhưng giáo huấn của
Người và tinh thần của Người tự bản chất vượt lên trên tất cả những gì là tự
nhiên, nếu không muốn nói là những gì phản tự nhiên theo cảm nhận chủ quan
nơi nhiều người: "Kẻ
nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy. Kẻ nào yêu con
trai con gái hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy", khiến
họ không thể nào chấp nhận được bất cứ ai,
thậm chí là thành phần thân
nhân ruột thịt của họ: "thù
địch của người ta lại là chính người nhà mình", muốn sống
theo giáo huấn và tinh thần ngược đời của
Người: "Kẻ
nào không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ
nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì
Thầy, thì sẽ tìm lại được nó".
Sau nữa về "bát
nước". Bởi thế, trước những
con người sống theo giáo huấn và tinh thần của Chúa Kitô có vẻ lập dị điên
khùng như vậy mà vẫn tiếp nhận họ thì phải kể là những ai tiếp nhận họ
phải có một đức tin mãnh liệt, bởi những người tiếp nhận này đã nhận ra
Người nơi thành phần thừa sai của Người: "Kẻ
nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy", và
chính vì thế họ đáng được tưởng thưởng xứng đáng, cho dù so với công sức
của thành phần thừa sai được họ tiếp nhận thì việc họ tiếp
nhận ấy chẳng đáng là bao, chẳng khác gì như một "bát nước lã" vậy
thôi: "Kẻ
nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã với danh
nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con: người ấy không mất phần
thưởng đâu". Tại
sao? Bởi vì: "Kẻ
nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần
thưởng của tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa
người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính".
"Sự sống gươm giáo" theo chiều
hướng của bài Phúc Âm hôm nay cũng được thể hiện nơi bài đọc một cùng ngày,
một bài đọc được trích từ Sách Xuất Hành cho thấy dân Do Thái, sau một thời
gian dài hơn 400 năm sinh sống bên Ai Cập từ ngày Giuse làm tể tướng ở đất
nước này đã cứu cả dân Ai Cập lẫn các dân trong vùng, bao gồm cả đại
gia đình tổ phụ Giacóp khỏi nạn đói kém, đã bắt đầu trải qua một cuộc thử
thách đầy gian nan khốn khổ để ngăn đà phát triển về dân số của họ, như
bài đọc 1 thuật lại:
"Trong những ngày ấy, nhà vua mới lên ngôi cai trị nước Ai-cập, ông không
biết Giuse, nên ... vua
truyền lệnh cho các trưởng dịch bắt họ làm việc cực nhọc hơn, bắt họ xây
những thành Phithom và Ramsê làm kho tàng cho Pharaon. Nhưng người ta càng
đàn áp họ, thì họ lại càng sinh sản và bành trướng nhiều hơn. Các người
Ai-cập càng ghen ghét con cái Israel và càng bắt họ làm việc khổ cực hơn.
Người ta làm cho đời sống họ thêm cay cực, bắt họ làm những việc nặng nhọc,
nhồi đất, đúc gạch và làm mọi công việc đồng áng. Bấy giờ vua Pharaon truyền
lệnh cho toàn dân của vua rằng: 'Bất cứ con trai (Do-thái) nào mới sinh, thì
hãy ném nó xuống sông, chỉ để lại những trẻ gái mà thôi'".
Thế
nhưng, như biến cố
Giuse bị các anh thù ghét âm
mưu sát hại đã được Thiên Chúa là Đấng quan phòng thần linh biến thành sự
lành cho dân tộc được Ngài tuyển chọn thế nào, trong biến cố dân Do Thái ở
Ai Cập bị cả vua lẫn dân Ai Cập cố ý tìm cách đầy đọa
họ cũng không ngoài ý Đấng đã
hứa với Tổ Phụ Giacóp (trong bài đọc 1 Thứ Sáu tuần trước) trước
khi đại gia đình của vị tổ phụ này sang Ai Cập lánh nạn đói:
"Ta là Thiên Chúa rất hùng mạnh của cha ngươi, nên ngươi đừng sợ, hãy
xuống xứ Ai-cập, vì ở đó Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân tộc vĩ đại. Ta sẽ
xuống đó với ngươi. Cũng chính Ta sẽ đưa ngươi trở về, (sau khi) tay Giuse
đã vuốt mắt cho ngươi" (Khởi Nguyên 46:3-4).
Việc đại gia đình của
tổ phụ Giacóp di dân sang Ai Cập và sống ở Ai Cập là vì
niềm tin, tin vào Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của họ, vị Thiên Chúa
luôn thủy chung, không bao giờ bỏ rơi họ, nhất
là khi xẩy ra những biến cố khiến họ phải khốn cùng và kêu lên cùng Đấng duy
nhất có thể cứu họ, Đấng duy nhất họ tin tưởng, cũng
là Đấng muốn sử dụng hay lợi dụng chính những lúc con người cùng khổ bất
lực để tỏ mình ra cho họ làm họ càng tin vào Ngài hơn nữa, như
tâm tình đầy xác tín của bài Đáp Ca hôm nay:
1)
Nếu như Chúa không che chở chúng tôi - Israel hãy xướng lên - nếu như Chúa
không che chở chúng tôi, khi thiên hạ cùng chúng tôi gây hấn, bấy giờ người
ta đã nuốt sống chúng tôi rồi, khi họ bầng bầng giận dữ chúng tôi.
2)
Bấy giờ nước cả đã lôi cuốn mất, trào lưu đã ngập lút con người chúng tôi;
bấy giờ sóng cả kiêu hùng đã ngập lút chúng tôi! Chúc tụng Chúa vì Người đã
không để chúng tôi nên mồi trao đưa vào răng chúng.
3)
Hồn chúng tôi như cánh chim non thoát khỏi lưới dò của người gài bẫy bắt
chim. Lưới dò đã đứt gãy, và chúng tôi đã thoát thân. Ơn phù trợ chúng tôi ở
nơi danh Chúa, là Đấng tạo thành trời đất!
Thứ Ba
sự sống vớt
lên
Bài Đọc I: (Năm
I) Xh 2, 1-15a
Đáp Ca: Tv 68, 3.
14. 30-31. 33-34
Phúc Âm: Mt 11, 20-24
Bài
Phúc Âm cho Thứ Ba trong Tuần XV Thường Niên hôm nay chất
chứa chính những lời "Chúa
Giêsu quở trách các thành đã chứng kiến nhiều phép lạ Người làm mà không
chịu sám hối", và
trong lời vừa có tính cách cảnh cáo vừa khiển trách này, Người đã so sánh
tính cách trầm trọng của "các thành" này là Corazain,
Bethsaida và Capharnaum với
những thành đã bị trừng phạt trong Cựu Ước như Tyro,
Sidon và Sodoma:
"Hỡi Corozain, khốn cho ngươi! Hỡi Bethsaiđa, khốn cho ngươi! Vì nếu đã xảy
ra tại Tyrô và Siđon các phép lạ diễn ra nơi các ngươi, thì họ đã mặc áo
nhặm, rắc tro mà ăn năn hối cải từ lâu rồi. Nên Ta bảo các ngươi: Trong ngày
phán xét, Tyrô và Siđon sẽ được xét xử khoan dung hơn các ngươi.
"Còn ngươi, hỡi Capharnaum, chớ thì ngươi nhắc mình lên tận trời sao? Ngươi
sẽ phải rơi xuống địa ngục, vì nếu các phép lạ diễn ra giữa ngươi mà xảy ra
tại Sôđôma, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vậy Ta bảo thật các
ngươi: Trong ngày phán xét, Sôđôma sẽ được xét xử khoan dung hơn ngươi".
Căn
cứ vào lời cảnh báo và khiển trách có vẻ dữ dội trên đây của Chúa Giêsu
trong bài Phúc Âm hôm nay, vấn đề được đặt ra ở đây là:
1- Nếu Chúa Giêsu biết trước rằng
các thành ở trong Cựu Ước xưa, như Tyro, Sidon và Sodoma mà được xem thấy
phép lạ Người làm như ở Corozain, Bethsaida hay Capharnaum, họ đã ăn năn sám
hối, để khỏi bị trừng phạt thì
tại sao bấy giờ Thiên Chúa
không làm phép lạ để cứu các thành ấy;
2- Ngược lại, nếu Người đã biết
trước rằng các
thành được thấy các phép lạ Người làm vào
thời của Người sẽ
bị trừng phạt nặng hơn những thành đã bị trừng phạt trước đó thì
tại sao Người vẫn cứ mất công
vô ích làm
phép lạ ở những thành ấy chứ?
Câu
trả lời đó là nếu ai được trao bao nhiêu nén ân sủng, 2 nén, 5 nén hay 10
nén, chỉ cần sinh lời gấp trăm là đủ, tức là 2 nén cần sinh lợi 2 nén, 5 nén
cần sinh lợi 5 nén và 10 nén cần sinh lợi 10 nén (xem
Mathêu 25:14-23), thì ai
không chấp nhận ân sủng hay không làm cho ân sủng sinh lợi cũng bị xét xử
và trừng
phạt tùy theo tội trạng và hoàn cảnh của họ (xem Luca 12:47-48): "Người
tôi tớ nào biết ý chủ mình mà không sẵn lòng làm theo sẽ bị đòn nặng hơn...
Càng được trao phó
nhiều thì càng bị đòi nhiều", như các thành ở vào thời Chúa Giêsu được
thấy các phép lạ Người làm tất nhiên phải nhận
biết Người hơn mới phải, và
vì không nhận biết nên sẽ hứng chịu luận phạt cân xứng.
Vì Thiên
Chúa không làm phép lạ ở các thành bị phạt trong Cựu Ước nên
Người đã không trừng phạt họ nặng nề như các thành được thấy phép lạ trong
thời Chúa
Giêsu. Thật ra Người có làm
phép lạ ở thành Sodoma đấy chứ, đó là thành này như một bãi bùn lầy tội
lỗi đã chứng kiến thấy một bông sen công chính là Lot "gần bùn mà chẳng hôi
tanh mùi bùn". Biết đâu
việc Thiên Chúa ra tay trừng phạt các thành ấy ngay ở đời này đã làm cho
nhiều tội nhân trong các thành ấy bấy
giờ đã tỏ lòng thống
hối ăn năn trước
khi chết vì thấy án phạt tỏ tường Thiên
Chúa giáng xuống để trừng trị tội
lỗi của họ. Còn
các thành được thấy phép lạ
của Chúa Giêsu, tuy không bị trừng phạt một cách tỏ tường và công khai cả
thành như các thánh trước kia ấy, cũng sẽ bị trừng phạt một cách nào đó xứng
với tội lỗi của họ.
Đúng thế, cho dù có "trừng phạt" con
người tội lỗi, Vị Thiên Chúa là tình yêu vô cùng nhân hậu cũng chỉ sử dụng
những đau khổ, thậm chí cả chết chóc, để cảnh báo con người và làm cho con
người nhận biết Ngài để cuối cùng được cứu độ mà thôi, chứ không bao giờ
muốn tận diệt con người hay vui thú khi thấy con người bị đời đời hư đi.
Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan muốn lợi dụng tất cả mọi sự, dù tốt hay
xấu, để tỏ mình ra cho con người, để họ nhận biết Ngài mà được sự sống thần
linh của Ngài.
Trong trường hợp khốn cùng của dân
Do Thái ở Ai Cập, tuy không phải do tội lỗi của họ, như sau này, trong cuộc
hành trình băng qua sa mạc vào Đất Hứa, hay khi họ sống trong Đất Hứa
cho đến khi bị lưu đầy, mà do lòng người Ai Cập từ vua đến dân không muốn
cho họ phát triển nên đã đầy đọa
họ, nhưng Thiên Chúa lại lợi
dụng hoàn cảnh này của dân được Ngài tuyển chọn để chẳng những tỏ
mình ra cho họ như là vị Thiên Chúa Cứu Độ mà
còn qua họ tỏ cho cả dân ngoại Ai Cập biết quyền toàn năng làm chủ mọi sự
của Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của dân Do Thái cũng là Vị Thiên Chúa
trời đất của mọi dân nước, Đấng
làm chủ lịch
sử của loài
người.
Đó là lý do trong bài đọc 1 chúng ta
thấy Thiên Chúa đã cho xuất hiện một Moisen, một bé trai Do Thái, vị
cứu tinh tương lai của
dân Do Thái, chẳng
những không bị bóp mũi chết như
lệnh của vua, mà
còn được chính công chúa của vua nuôi dưỡng khôn lớn một cách an toàn ngay
trong hoàng cung
Ai Cập: "Công
chúa nhận đứa trẻ làm con nuôi, đặt tên cho nó là Moisen và
nói: 'Vì tôi đã vớt nó dưới nước lên'", cho đến
khi lánh nạn sang Midian vì
bị lộ chân tướng của mình: "Pharaoh
nghe biết câu chuyện liền tìm giết Moisen. Nhưng Moisen đã lánh mặt nhà vua
mà trốn
sang xứ Madian".
Bài Đáp
Ca hôm nay dường như chất chứa tâm tưởng và tình trạng của
riêng Moisen và của chung dân Do Thái trước
khi được Thiên Chúa tuyển chọn và ra
tay giải thoát.
1)
Tôi bị dìm trong hố bùn lầy, không có chỗ để đặt chân nương tựa. Tôi bị rơi
trong đầm sâu nước lớn, và ba đào đang lôi cuốn thân tôi.
2)
Nhưng lạy Chúa, con dâng lời nguyện cầu lên Chúa. Ôi Thiên Chúa, đây là lúc
biểu lộ tình thương. Xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi, theo ơn phù
trợ trung thành của Chúa.
3)
Phần con, con đau khổ cơ hàn; lạy Chúa, xin gia ân phù trợ, bảo toàn thân
con. Con sẽ xướng bài ca ngợi khen danh Chúa, và con sẽ chúc tụng Ngài với
bài tri ân.
4)
Các bạn khiêm cung hãy nhìn coi và hoan hỉ; các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các
bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ và không chê bỏ con dân
của Người bị bắt cầm tù.
Thứ Tư
sự sống bé mọn
Bài Đọc I: (Năm
I) Xh 3, 1-6. 9-12
Đáp Ca: Tv 102, 1-2.
3-4. 6-7
Phúc Âm: Mt 11, 25-27
Bài
Phúc Âm hôm nay, Thứ
Tư tuần XV Thường Niên, thuật lại lời Chúa Giêsu nguyện
cầu chúc tụng dâng
lên Cha của Người liên quan đến mạc khải thần linh, bao gồm thành
phần xứng hợp với mạc khải thần linh này và
tác nhân thực hiện mạc khải thần linh này:
"Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã
giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà
lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. Mọi
sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con trừ ra Cha; và cũng
không ai biết Cha trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho".
Thành phần xứng hợp với mạc khải thần linh: Trong lời
nguyện cầu chúc tụng này, Chúa Giêsu đã xác định rõ thành phần xứng hợp với
mạc khải thần linh này không phải là "những
người hiền triết và khôn ngoan", mà
là "những
kẻ bé mọn". Tại
sao thế?
Tại vì mạc khải thần linh là những
gì siêu việt, những gì liên quan đến đức tin siêu nhiên, vượt lên trên (hơn
là phản nghịch với) kiến thức tự nhiên của con người, đến độ cho
dù con người có khôn ngoan thông thái đến thế nào đi nữa thì
tự mình họ cũng
chẳng có thể nào nắm
bắt và thấu hiểu được những
gì Thiên Chúa muốn mạc khải cho biết.
Nhất là đối với những kẻ tự
cao tự đại cho mình là thày đời như thành phần luật sĩ và biệt phái trong
dân Do Thái.
Tác nhân thực hiện mạc khải thần linh: Đó
là chính Con, Đấng đã đến "để tỏ Cha ra" (Gioan 1:18). Thật vậy, "Thiên
Chúa là Thần Linh" (Gioan 4:24), trong khi con người
là thụ tạo vừa hữu hình lại hữu hạn, không thể nào biết được Thiên Chúa là
ai và như thế nào, nếu không được Con tỏ ra cho: "không
ai biết Cha trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho". Đó
là lý do, "không ai có thể thấy vương quốc của Thiên Chúa nếu không được
tái sinh từ trên cao" (Gioan 3:3), vì "cái gì sinh bởi xác thịt là
xác thịt, cái gì sinh bởi Thần Linh là thần linh" (Gioan 3:6).
Đúng thế, chính vì con người không
thể lên trời để biết được một cách chính xác Thiên Chúa là ai và như thế nào
mà đích thân Thiên Chúa tự giáng làm người nơi "Lời đã hóa thành nhục thể"
(Gioan 1:14), nơi Đấng "tuy danh phận là Thiên Chúa nhưng.... đã tự hủy
ra như không, mặc lấy thân phận tôi mọn..." (Philiphê 2:6-7).
Bởi thế, chỉ có "những
kẻ bé mọn" như
Người và với Người mới có thể nhận ra Người, Đấng cũng chính là mạc khải
thần linh của Thiên Chúa, như nhiều trường hợp xẩy ra trong thành phần
bình dân đại chúng đã được
các Phúc Âm thuật lại.
Trong bài đọc
1 cho năm lẻ hôm nay, chúng ta thấy Thiên Chúa đã
tỏ mình ra cho một con người tầm thường, sống thân phận lưu lạc, "chăn
chiên cho ông nhạc gia là Jethro, tư
tế xứ Midian", chẳng
biết tương lai đi về đâu, đó là Moisen, một nhân vật đã cảm thấy bất xứng và
bất lực trong sứ vụ được Thiên Chúa trao phó, như chính chàng đã thú nhận
trong bài đọc 1 hôm nay: "Con
là ai mà dám ra trước mặt Pharaon và dẫn đưa con cái Israel ra khỏi
Ai-cập?"
Vị "Thiên
Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp", tức
là Vị Thiên Chúa đã lập giao ước với tổ phụ dân Do Thái của Ngài này
chẳng những tỏ mình ra cho riêng Moisen
mà còn qua chàng tỏ mình ra cho
chung dân Do Thái là "những
kẻ bé mọn" đang ở trong tình
trạng làm nô lệ cho dân Ai Cập, khi Ngài ra tay toàn năng giải thoát họ: "Tiếng
kêu van của con cái Israel đã thấu đến Ta; Ta đã thấy họ bị người Ai-cập hà
hiếp khổ cực. Bây giờ ngươi hãy lại đây, và Ta sai ngươi đến Pharaon, để
ngươi dẫn đưa dân Ta là con cái Israel ra khỏi Ai-cập".
Bài Đáp
Ca hôm nay như âm vang lời chúc tụng của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm về đức
công minh của Thiên Chúa, một đức công minh phản ảnh tình yêu vô cùng nhân
hậu của Ngài đối với "những
kẻ bé mọn", bằng
việc tỏ mình ra cho họ, như Ngài đã từng làm với Moisen và dân Do Thái, cả
hai được câu Đáp Ca thứ 3 nhắc tới:
1) Linh hồn
tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh
Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của
Người.
2) Người đã tha thứ
cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng
ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng.
3)
Chúa thi hành những việc công minh, và trả lại quyền lợi cho những người bị
ức. Người tỏ cho Moisen được
hay đường lối, tỏ công cuộc Người cho con cái Israel.
Thứ Năm
sự sống mệt mỏi
Bài Đọc I: (Năm
I) Xh 3, 13-20
Đáp Ca: Tv 104, 1và
5. 8-9. 24-25. 26-27
Phúc Âm: Mt 11, 28-30
Bài
Phúc Âm cho Thứ Năm Tuần XV Thường Niên hôm nay là
bài phúc âm tiếp ngay sau bài phúc âm hôm qua, như thể Người kín đáo kêu gọi
những ai "những
người hiền triết và khôn ngoan" là
thành phần không được mạc khải thần linh tỏ ra cho như "những
kẻ bé mọn" trong
bài Phúc Âm hôm qua cho biết,
hãy làm sao sống "hiền lành và khiêm nhượng" như Người thì tự nhiên
"mạc khải thần linh" sẽ được tỏ hiện cho họ như cho "những
kẻ bé mọn".
"Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai mệt
mỏi và
gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta
và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn
các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì
nhẹ nhàng".
Trong lời
kêu gọi này của Chúa Giêsu, theo thứ tự, chúng ta thấy mấy điều rất chí lý
cho dù ngược đời sau đây:
1- "Hãy
đến với Ta tất cả, hỡi những ai mỏi
mệt và
gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi":
Ở đây Chúa Giêsu kêu gọi "tất
cả những ai mệt mỏi và gánh nặng" thì
"hãy đến với" Chúa để Người "bổ sức cho". Thật vậy, theo tâm
lý, sở dĩ con người cảm thấy cuộc đời đã trở thành "gánh nặng"
nơi các trách nhiệm hay nghĩa vụ, kể cả những gì vốn được họ mơ ước
theo đuổi, như địa vị danh giá chức quyền hay tình yêu hôn nhân v.v., là vì
trong lòng họ đã cảm thấy "mệt
mỏi", chán chường.
Nhưng
tại sao lại hay xẩy ra hiện tượng bất nhất này, đến độ có thể đi đến chỗ bỏ
cuộc hay đứt gánh giữa đường thảm thương này? Phải chăng đó là lý do Chúa
Giêsu sau khi kêu gọi họ thì Người đã khuyên
họ như sau:
2- "Hãy
mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng
trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an":
Phải chăng vì họ hung hăng dữ
tợn và kiêu căng tự ái, không "hiền lành và khiêm nhượng" như Người
mà họ mới dễ bị "mệt
mỏi và
gánh nặng", gây ra bởi
những đụng chạm và thất vọng, không được như những gì họ chủ quan mong muốn
hay tham vọng?
Nếu quả thật như vậy thì Chúa chỉ
cho họ cách chữa trị vô cùng công hiệu, đó là chịu trước
học sau, ở chỗ: "Hãy
mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta" - mang ách
trước rồi mới học sau, chứ không phải học trước cho thông rồi mới biết
cách để mà mang ách,
hoàn toàn ngược đời.
Tại sao? Tại vì, theo kinh nghiệm
tu đức, một khi chúng ta sẵn sàng chấp nhận cái "ách" của Chúa là tất
cả những thử thách và trái ý Chúa gửi đến cho chúng ta hay để xẩy ra cho
chúng ta, như muốn nhắc nhở chúng ta hay thanh tẩy chúng ta một cách
nào đó, thì tự
nhiên chúng ta được nên giống Chúa, "hiền
lành và khiêm nhượng trong lòng".
Một thí dụ rất điển hình và thực
tế đó là chúng ta thường xin Chúa ban ơn cho con được có lòng khiêm nhượng,
thế nhưng khi Chúa ban cho chúng ta ơn khiêm nhượng thì chúng ta không nhận
một cách rất trắng trợn và phũ phàng. Ở chỗ, ơn khiêm nhượng Chúa ban cho
chúng ta đó là khi chúng ta bị anh chị em chúng ta xỉ nhục chúng ta hay tát
chúng ta ngay trước mặt mọi người, nếu chúng ta sẵn sàng chịu đựng
không trả đũa và tha cho họ thì
không phải là chúng
ta đã "hiền
lành và khiêm nhượng" như
Chúa ngay
lúc bấy giờ rồi hay sao, nhờ đó, đúng
như Chúa cam đoan: "tâm
hồn các ngươi sẽ gặp được bình an" hay
sao!?!
3- "Ách
của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng": "Ách"
của Chúa đây là gì và "gánh" của Chúa đây là chi, nếu không phải điều
kiện để theo Người, đó là "bỏ mình đi ('ách') và
vác thập giá ('gánh') mà
theo Thày"
(Mathêu 16:24). Đúng thế,
cho đến khi nào con người biết "bỏ mình đi"
và "vác thập giá", họ mới cảm thấy tất cả mọi sự xẩy ra trong
cuộc đời của họ, những gì mà trước kia đã từng làm cho họ cảm thấy "mệt
mỏi và gánh nặng"
thì bấy giờ, nhờ "hiền
lành và khiêm nhượng trong lòng", nhờ "tâm
hồn được bình an", lại
trở thành "êm ái
và nhẹ nhàng".
Trong bài đọc 1 cho năm lẻ
hôm nay, trong khi dân Do Thái được Thiên Chúa tuyển chọn đang "mệt mỏi
và nặng gánh" trong tình trạng làm tôi cho dân Ai Cập, vị Thiên Chúa
chân thật duy nhất của họ, "Đấng hiện hữu" luôn ở với họ, là "Thiên
Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp" tổ
phụ họ, ngỏ ý muốn "bổ
sức" cho họ vì Ngài "đã
thấy tất cả những sự ngược đãi đối với (dân
Do Thái) trong
đất Ai-cập", bằng
cách, qua Moisen được
Ngài tuyển chọn và sai đi, "sẽ
giơ tay ra đánh phạt Ai-cập bằng những phép lạ mà Ta sẽ làm giữa họ. Khi đó,
vua mới để cho các ngươi đi", và "sẽ
dẫn đưa (dân Do Thái) khỏi
cảnh khốn khó ở Ai-cập, mà đem vào đất Canaan, Hêthê, Amorrha, Phêrêzê, Hêvê
và Giêbusa, là đất chảy đầy sữa và mật".
Những gì Thiên Chúa đã
làm cho Dân Do Thái, từ khi đưa họ sang Ai Cập cho đến khi dân của Ngài bị
ngược đãi ở Ai Cập, để qua cơ hội này Ngài tỏ mình ra là Vị Thiên Chúa chân
thật duy nhất của họ, Vị "Thiên
Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp", bao
giờ cũng trung thành với giao ước của Ngài, nhất là qua việc Ngài ra tay
giải phóng họ khỏi cảnh làm nô lệ ở Ai Cập qua
trung gian Moisen, những gì
cần được Dân Do Thái cảm nhận và chúc tụng, như trong bài Đáp Ca cho thấy:
1) Hãy ca
tụng Chúa, hãy hoan hô danh Người; hãy kể ra sự nghiệp Chúa ở giữa chư dân.
Hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm, những phép lạ, và những điều
miệng Người phán quyết.
2)
Tới muôn đời Người vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Người đã an bài tới muôn
thế hệ, lời minh ước Người đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Người đã thề với
Isaac.
3)
Chúa đã khiến dân Người sinh sản rất đông, và làm cho họ uy dũng hơn cả quân
thù. Người đã đổi lòng chúng để chúng ghét dân Người, và đối xử gian ngoan
với các tôi tớ của Người.
4)
Bấy giờ Người đã sai Môsê là tôi tớ của Người và Aaron mà Người đã chọn. Các
ông thực hiện những phép lạ của Người giữa bọn chúng, và những điều kỳ diệu
trong lãnh thổ họ Cam.
Thứ Sáu
sự sống vô tội
Bài Đọc I: (Năm I) Xh 11, 10 - 12, 14
Đáp Ca:
Tv 115, 12-13. 15-16bc. 17-18
Phúc Âm: Mt 12, 1-8
Trong bài
Phúc Âm cho Thứ Sáu
Tuần XV Thường Niên hôm nay, Chúa Giêsu lợi dụng vấn đề được các người biệt
phái đặt ra cho Người để dạy cho họ những gì họ cần phải học hỏi và đối xử.
Vấn đề được
các người biệt phái đặt ra: "Khi
ấy, vào ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi ngang cánh đồng lúa. Các môn đệ của Người
đói, liền bứt bông lúa mà ăn. Thấy vậy, các người biệt phái thưa với Người
rằng: 'Kìa, các môn đệ của Ngài làm điều không được phép làm trong ngày
Sabbat'".
Những gì họ
cần phải học hỏi và đối xử: "Người
nói với các ông rằng: 'Các ông không đọc thấy Đavít và những người đi với
ông đã làm gì khi đói lả sao? Các ông cũng không đọc thấy Đavít vào đền thờ
Chúa ăn bánh trưng hiến, bánh mà ông và các kẻ theo ông không được phép ăn,
chỉ trừ các tư tế được ăn mà thôi sao? Hay các ông không đọc thấy trong luật
rằng: Ngày Sabbat, các tư tế trong đền thờ vi phạm ngày Sabbat mà không mắc
tội đó sao? Tôi bảo cho các ông biết, đây có Đấng còn trọng hơn đền thờ nữa.
Vì nếu các ông biết được điều này là, 'Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn
hy lễ', chắc các ông không bao giờ lên án những người vô tội, vì chưng Con
Người cũng là chủ ngày Sabbat".
Hai vấn đề được
Chúa Giêsu đặt ra với
những người biệt phái trong trường hợp họ bắt
bẻ các môn đệ của Người về
luật kiêng việc xác trong ngày hưu lễ đó là lòng nhân từ và tinh thần luật,
hai chiều kích sống đạo hay hai yếu tố giữ đạo bất khả thiếu và bất khả phân
ly. Bởi vì, nếu tất cả lề luật và các tiên tri đều qui về hai điều răn trọng
nhất là mến Chúa và yêu người (xem Mathêu 22:40),
thì ai yêu thương là giữ trọn lề luật vậy (xem Roma 13:8,10).
Đó là lý do trong
câu trả lời của Chúa Giêsu,
Người đã nhấn mạnh đến chiều kích chính yếu là lòng nhân lành trước, rồi mới
tới chiều kích tinh thần luật sau: "nếu
các ông biết được điều này là, 'Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn hy lễ',
chắc các ông không bao giờ lên án những người vô tội" (lòng
nhân lành), "vì
chưng Con Người cũng là chủ ngày Sabbat" (tinh
thần luật).
"Con Người cũng
là chủ ngày Sabbat" nghĩa
là gì, nếu không phải Con Người là cốt lõi của
lề luật, bởi thế nếu giữ luật
mà không làm cho người ta đạt đến Con Người, gặp gỡ Con Người, hiệp nhất nên
một với Con Người thì kể như
họ đã bị lệch lạc, đã lầm đường lạc hướng.
Theo tâm lý tự nhiên và kinh
nghiệm sống đạo, chúng ta
thường nhìn nhau bằng con mắt của một quan án chí công liên quan đến luật
lệ. Ở chỗ, thấy nhau làm một điều gì đó không hay không phải, nhất là
những điều sai quấy tỏ tường, chúng ta thường nghĩ ngay đến tội này lỗi
kia, đến hình phạt phải chịu v.v., chứ ít khi hay hiếm khi chúng ta tỏ lòng
thương cảm với họ ngay bấy giờ, rồi sau đó tìm cách giúp họ đứng lên hay
vươn lên khỏi những gì họ vấp phạm, bằng lời cầu nguyện của mình hay bằng
những lời cảm thông cùng trấn an họ, trái lại, nhiều khi chúng ta lại còn
khinh bỉ họ, nói xấu họ và xa lánh họ nữa, chẳng khác gì như họ đã bị
vấp ngã trước mặt chúng ta, chúng ta chẳng những không chạy lại ân cần nâng
họ dậy còn nhổ vào họ hoặc thậm
chí đạp hay đá cho
họ một cái nữa vậy.
Nếu chúng ta hằng ngày đọc kinh
và đi lễ hay hằng tuần vẫn đi lễ và rước lễ, mà chúng ta vẫn cứ tiếp tục
sống thái độ soi mói một cách duy luật của những người biệt phái trong bài
Phúc Âm hôm nay, thì hãy tự xét xem lời Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta trong
bài Phúc Âm: "Ta
muốn lòng nhân từ, chứ không muốn hy lễ".
Căn
cứ vào lời này của Chúa thì dường như Người có ý bảo chúng ta là nếu chúng
ta cứ bất nhẫn với anh em
chúng ta, cứ tiếp tục phán xét và luận án anh chị em chúng ta, dù
trong đầu óc của chúng ta, nhất
là với những người anh chị em tội nhân đáng thương hơn là đáng
khinh bỉ và lên án, chúng ta không nên đi lễ và rước
lễ nữa, Chúa không chấp nhận của lễ chúng ta dâng hay việc đạo đức
chúng ta làm, bởi chúng thực
sự không đẹp lòng Ngài, cho dù chúng ta không phạm tội trọng và vẫn có thể
dâng lễ và rước lễ, trừ
phi chúng ta nhận biết lỗi lầm của mình và quyết tâm chừa cải.
Trong bài đọc
1 cho năm lẻ hôm nay, trước khi giải thoát dân Do Thái khỏi Ai Cập, Thiên
Chúa đã thiết lập Lễ Vượt Qua
cho họ, bao gồm cả thời điểm cử hành lễ này: "Mùng mười của tháng đầu năm",
cả của ăn chính yếu là "một con chiên con", cả cách thức ăn bữa vượt
qua này: "thắt
lưng, chân mang giày, tay cầm gậy và ăn hối hả",
kèm theo cả mục đích lẫn lịch sử muôn đời cần phải ghi nhớ của nó:
"Vì đây là
lễ Vượt Qua của Chúa. Đêm đó, Ta sẽ rảo qua khắp nước Ai-cập. Ta sẽ giết
chết tất cả con đầu lòng trong xứ Ai-cập, từ loài người cho đến loài vật. Ta
là Chúa. Ta sẽ ra án phạt tất cả các bụt thần Ai-cập. Máu bôi lên thành cửa
nhà các ngươi sẽ dùng làm dấu hiệu: Hễ nhìn thấy máu, Ta sẽ vượt qua các
ngươi, các ngươi sẽ không bị huỷ diệt khi Ta trừng phạt nước Ai-cập".
Cũng thế, Chúa Kitô, trước Cuộc Vượt
Qua của mình, Người cũng đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Lễ Vượt Qua của dân
Do Thái trong Cựu Ước và Thánh Thể Chúa Kitô cho Tân Ước đều là những gì
nhắc nhở tín hữu về một biến cố, biến cố giải thoát dân tộc hay
cứu độ nhân loại. Nếu Chúa
Kitô trở thành con chiên bị sát tế cho phần rỗi của loài người tội lỗi bằng
tất cả lòng thương yêu vô cùng nhân hậu như thế thì những ai cử hành Thánh
Thể của Người và lãnh nhận Thánh Thể của Người cũng phải có lòng nhân hậu
như Người, cho đến độ, cho dù con người có tội lỗi đến đâu chăng nữa, nhất
là thành phần cố
tình lên án tử cho Người (dân
Do Thái) và sát
hại Người (dân ngoại Rôma),
Người vẫn "xin Cha tha cho
họ vì họ lầm không biết việc họ làm" (Luca 23:34).
Bài Đáp Ca hôm nay bao gồm ý nghĩa
của Thánh Thể là tinh
thần Tạ Ơn, tạ ơn bằng chính
"chén cứu độ" (câu 1), vì "Ngài
đã bẻ gãy xiềng xích cho con" (câu
2), nên không thể nào không chẳng những "hiến
dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ" mà
còn "giữ
trọn lời khấn xin cùng Chúa trước mặt toàn thể dân Ngài" (câu
3) bằng đời sống bác ái yêu thương nữa.
1)
Con lấy gì dâng lại cho Chúa để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho con?
Con sẽ lãnh chén cứu độ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa.
2)
Trước mặt Chúa thật là quý hoá cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. Con
là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tì Ngài, Ngài đã bẻ gãy xiềng xích cho con.
3)
Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa.
Con sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa trước mặt toàn thể dân Ngài.
Thứ Bảy
sự sống còn
khói
Bài Đọc I: (Năm
I) Xh 12, 37-42
Đáp Ca: Tv 135, 1 và
23-24. 10-12. 13-15
Phúc Âm: Mt 12, 14-21
Bài
Phúc Âm hôm nay, Thứ Bảy Tuần XV Thường Niên, tuy không
liên tục về đoạn văn với
bài Phúc Âm hôm qua, nhưng lại
liên tục về nội dung. Bài Phúc Âm hôm qua và bài Phúc Âm hôm nay cách nhau
bởi những câu Phúc Âm thuật lại về câu
chuyện Chúa Giêsu chữa lành cho một người bị co bại tay
vào ngày hưu lễ trong hội đường.
Bởi thế, liên
quan đến cả hai
lần liền về
ngày hữu lễ, lần trước về vụ các môn đệ của Người bứt bông lúa mà ăn trong
ngày hữu lễ ở bài Phúc Âm hôm qua, và lần sau về vụ chính Người chữa cho
người co bại tay vào ngày hưu lễ trong hội đường ở đoạn Phúc Âm giữa hai bài
Phúc Âm hôm qua và hôm nay,
mà ngay đầu bài Phúc Âm hôm nay mới
có câu: "Khi
ấy, các người biệt phái đi ra ngoài, bàn mưu kế chống lại Chúa Giêsu để hãm
hại Người".
Thế
nhưng, vấn đề chính yếu của bài Phúc Âm hôm nay không phải là ở chỗ đó, chỗ
liên quan với thành phần biệt phái này, mà là liên quan đến chính bản thân
của Chúa Kitô, Đấng đến để đóng vai trò như thày thuốc cứu chữa
thành phần bệnh nhân trên thế
gian này (xem Mathêu 9:12), chứ không phải để tranh cãi và "luận phạt" (xem
Gioan 3:17). Đó là lý do bài
Phúc Âm hôm nay đã cho thấy khi những người Pharisiêu âm mưu hại Người thì: "Biết
thế, Chúa Giêsu rời bỏ nơi ấy".
"Chúa Giêsu rời bỏ nơi ấy" không
phải là vì Người sợ thành phần biệt phái ám hại Người, cho bằng để
Người có thể tiếp
tục sứ vụ cứu chữa khẩn trương của Người: "ai
có bệnh, đều được Người chữa lành", một
sứ vụ chính yếu sẽ được Người hoàn tất nơi Cuộc Vượt Qua của Người,
và là một sứ vụ hoàn toàn phản ảnh tấm lòng
yêu thương vô cùng nhân hậu
của Người, đúng như những gì Tiên Tri Isaia đã báo trước về Người:
"Này là tôi tớ Ta đã chọn, là người Ta rất yêu dấu, đẹp
lòng Ta mọi đàng. Ta sẽ cho Thần trí ngự trên Người. Người sẽ rao giảng sự
công chính cho dân ngoại. Người không cãi cọ hay dức lác, và không ai nghe
tiếng Người ngoài đường phố. Người không bẻ gãy cây sậy đã giập, không dập
tắt tim đèn còn khói, cho đến lúc Người khiến sự công minh được toàn thắng.
Dân ngoại sẽ hy vọng vào danh Người".
Thật ra, theo con mắt trần
gian thì khó lòng mà nhận biết nhân vật Giêsu Nazarét "là Đức Kitô (Đấng
Thiên Sai), Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16), nên dân làng của Người
và thành phần biệt phái cùng luật sĩ và những nhân vật trong Hội Đồng Đầu
Mục Do Thái đã khó lòng chấp nhận Người, cho đến độ đã cho Người là lộng
ngôn phạm thượng và lên án tử cho Người.
Tuy nhiên, nếu họ biết thật Thiên
Chúa là ai và như thế nào thì họ sẽ nhận biết Đấng Ngài sai. Đó là lý do
chính Chúa Giêsu đã khẳng định là dân Do Thái không tin vào Người là vì họ
không tin Thiên Chúa, không nhận biết Người là vì họ không nhận biết Thiên
Chúa hay nhận biết một cách sai lệch: "Quí vị chẳng biết Tôi cũng chẳng
biết Cha Tôi. Nếu quí vị biết Tôi thì quí vị cũng phải biết Cha Tôi nữa"
(Gioan 8:19).
Đúng thế, nếu "Thiên Chúa là Tình
yêu" (1Gioan 4:8,16) vô cùng nhân hậu, Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất đã
thủy chung với dân Do Thái theo những gì Ngài đã hứa với tổ phụ của
họ, và đã vô cùng nhẫn nại với họ là thành phần liên lỉ trắng trợn bất trung
bội nghĩa với Ngài trong suốt giòng lịch sử cứu độ của họ, thì quả thật Đấng
Thiên Sai của Ngài phải là "Người không
bẻ gãy cây sậy đã giập, không dập tắt tim đèn còn khói, cho đến lúc Người
khiến sự công minh được toàn thắng. Dân ngoại sẽ hy vọng vào danh Người".
Một
trong những biến cố chính yếu trong lịch sử cứu độ của Dân Do Thái đó là
biến cố Đại Xuất
Hành ra khỏi Ai Cập của họ, với
một con số không ít: "số
đàn ông đi bộ, không kể con nít, chừng sáu trăm ngàn", và
sau một thời gian không ngắn: "là
bốn trăm ba chục năm". Việc
Thiên Chúa giải phóng Dân Do Thái là dân riêng của Ngài đây không phải là
việc Ngài chứng tỏ là Ngài luôn ở với dân của Ngài và thương yêu chăm sóc
cho dân của Ngài theo lòng từ bi nhân hậu của Ngài hay sao?
Đó là lý do câu
chính yếu của Bài Đáp Ca hôm nay, liên quan đến việc dân Do Thái được Thiên
Chúa giải phóng khỏi Ai Cập, đã lập đi lập lại nhiều lần trong cả 3 câu
xướng là "Bởi
đức từ bi Người muôn thuở":
1)
Hãy ca ngợi Chúa, bởi Người hảo tâm, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Người đã
nhớ chúng tôi, khi chúng tôi bị nhục nhằn, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Và
Người đã cứu chúng tôi thoát khỏi địch nhân, bởi đức từ bi Người muôn thuở.
2) Người sát phạt
người Ai-cập, giết con đầu lòng của họ, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Và
Người đã đưa Israel ra khỏi giang san họ, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Do
tay dũng lực và thẳng cánh tay giơ, bởi đức từ bi Người muôn thuở.
3)
Người đã chia đôi Biển Đỏ ra, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Và đưa Israel
qua giữa trung tâm, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Người đã gìm Pharaon và
binh mã xuống Biển Hồng, bởi đức từ bi Người muôn thuở.