SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO
Phụng Vụ Lời Chúa Tuần 8 Thường Niên Năm
Chẵn
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Dẫn Nhập:
Phụng niên của Giáo Hội bao gồm, theo thứ
tự: Mùa Vọng và Giáng Sinh cùng Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh, Mùa Chay
và Mùa Phục Sinh cùng Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh. Tột đỉnh của Mùa
Giáng Sinh là Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, cũng là lễ mở đầu cho Mùa
Thường Niên hậu Giáng Sinh. Tột đỉnh
của Mùa Phục Sinh là Lễ Thánh Thần Hiện Xuống, cũng là lễ mở đầu cho Mùa
Thường Niên hậu Phục Sinh, một
thời điểm được kết thúc vào lễ Chúa Kitô Vua liên quan đến mầu nhiệm
cánh chung.
Như thế, theo phụng niên Mùa
Thường Niên được chia làm hai phần:
Mùa Thường Niên sau
Giáng Sinh, kéo dài ít là 5 tuần
lễ, như Chu Kỳ Năm C 2013, hay nhiều nhất là 9 tuần lễ, như Chu Kỳ Năm A
2011; và Mùa Thường Niên sau
Phục Sinh, thường tiếp nối bằng cách bỏ đi một
tuần sau Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh,
chẳng hạn Chu Kỳ Năm B 2014, Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh kết thúc ở
tuần 6 thì Mùa Thường
Niên hậu Phục Sinh được tiếp tục ở tuần 8 ngay sau Chúa Nhật Hiện Xuống.
Nếu phụng niên cho các Chúa Nhật được
chia ra làm chu kỳ 3 Năm A-B-C, theo Phúc Âm Thánh Mathêu (A), Phúc Âm
Thánh Marco (B) và Phúc Âm Thánh Luca (C), thì phụng
niên cho ngày trong tuần được chia ra làm Năm I (năm lẻ, như năm 2015)
và Năm II (năm chẵn, như năm 2016), nhưng
chỉ áp dụng cho bài đọc 1 mà thôi,
còn Phúc Âm thì tiếp tục theo thứ
tự như sau: 9 tuần lễ đầu (hậu Giáng Sinh) theo
Thánh ký Marco là
vị thánh viết cuốn phúc âm có thể nói là đầu tiên và ngắn nhất,
12 tuần lễ tiếp (tức từ tuần 10 đến hết tuần 21) theo Thánh
ký Mathêu và 13 tuần lễ cuối (tức từ tuần 22 đến
34) theo Thánh ký Luca.
Nếu Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh là
thời điểm kéo dài của Mùa Giáng Sinh và tiếp tục chủ đề "Lời đã
hóa thành nhục thể và ở
giữa chúng ta" của
Mùa Giáng Sinh, thì Mùa
Thường Niên hậu Phục
Sinh cũng tiếp tục chủ đề "Thày là sự sống" của Mùa Phục Sinh. Đó
là lý do, trong mấy tuần
lễ đầu của Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh có các Chúa Nhật hay ngày trong
tuần là những Lễ Trọng liên quan đến sự sống
thần linh:
Trước
hết là Chúa Nhật Lễ Thánh
Thần Hiện Xuống,
Đấng ban sự sống; sau Chúa Nhật Hiện Xuống là Chúa
Nhật Lễ
Chúa Ba Ngôi, nguồn mạch sự sống
thần linh; trong chính tuần lễ sau Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi là Thứ
Năm Lễ Mình Thánh Máu Thánh Chúa Kitô,
bí tích thông ban sự
sống thần linh;
một tuần sau
Thứ Năm Lễ
Mình Máu Thánh Chúa Kitô là Thứ
Sáu Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, động
lực thông ban sự sống thần linh; ngay sau Thứ Sáu Lễ Thánh Tâm Chúa
Giêsu là Thứ
Bảy Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria,
Mẹ của sự sống thần linh.
Ngoài ra,
nếu tột đỉnh của Mùa Giáng Sinh là Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, một
biến cố Người chính thức và công khai tỏ
mình ra cho riêng
Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, để mở màn cho sứ vụ Thiên Sai của Người nơi
cộng đồng xã hội Do Thái là thành phần dân tuyển chọn của Thiên
Chúa đang trông mong Đấng Thiên Sai, nhất là trong thời gian họ đang
bị đế quốc Rôma đô hộ, thì chủ đề
chung của Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh quả thực là "Lời ở giữa
chúng ta", tức giữa
Dân Do Thái.
Đó là lý do chiều
hướng của phụng vụ Lời Chúa cho Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh hoàn
toàn nhắm đến dân Do Thái, với những bài Phúc Âm của Thánh ký Marco
trình thuật về một Chúa Kitô Thiên Sai của dân Do Thái.
Và nếu tột đỉnh
của Mùa Phục Sinh là Lễ Hiện Xuống,
một biến cố Chúa Kitô Phục Sinh, qua thành phần chứng nhân của
Người, nhờ được "mặc lấy quyền lực từ trên cao" (Luca 24:49), bắt đầu
tỏ mình ra "cho mọi tạo vật" (Marco
16:15) và "cho đến tận cùng trái đất" (Tông Vụ 1:8), thì chủ đề
chung cho Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh đúng là "sự sống" -
"Thày là sự sống", một "sự sống đời đời" ở chỗ "nhận biết Cha là
Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đức Giêsu Kitô Cha sai" (Gioan
17:3), mà muốn "nhận biết" là sự
sống đời đời thì cần phải được rao
giảng bởi "Giáo Hội lữ hành tự bản chất là truyền giáo" (Sắc Lệnh
Truyền Giáo Ad Gentes của Công Đồng Chung Vaticanô II - đoạn 2).
Đó là lý do chiều
hướng của phụng vụ Lời Chúa cho Mùa Thường Niên
hậu Phục Sinh nhắm đến chung nhân loại,
nhưng trước hết với những bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu (từ tuần
10 đến hết 21), một phúc âm viết cho dân Do Thái để chứng
thực Chúa Kitô đúng là Đấng
Thiên Sai của Dân Do Thái, và chính vì
là Đấng Thiên Sai của dân Do Thái mà Người
mới thực sự chính là Đấng
Cứu Thế của chung nhân loại, như Phúc Âm Thánh
ký Luca chứng
thực (từ tuần 22 đến hết 34), một
Phúc Âm được một vị Thánh ký xuất thân từ dân ngoại viết cho dân
ngoại.
Thứ Hai
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm
II) 1
Pr 1, 3-9
"Anh em yêu mến Ðức Kitô, dù
không thấy Ngài, và anh em tin Ngài, dù bây giờ anh em cũng không thấy
Ngài".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô
Tông đồ.
Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Ðức
Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì lòng từ bi cao cả, nhờ việc Ðức Giêsu Kitô
từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng
được sống, được hưởng gia nghiệp không hư nát, tinh tuyền, không suy
tàn, dành để cho anh em trên trời. Anh em được bảo vệ trong quyền năng
của Thiên Chúa, nhờ tin vào sự cứu độ đã được mạc khải trong thời sau
hết.
Lúc đó anh em sẽ vui mừng, tuy bây
giờ anh em phải buồn sầu một ít lâu, giữa trăm chiều thử thách, để đức
tin anh em được tôi luyện nên quý hơn vàng được thử lửa bội phần, nhờ
đó, anh em được ngợi khen, vinh quang và vinh dự, khi Ðức Giêsu Kitô
hiện đến. Anh em yêu mến Ngài, dù không thấy Ngài, và anh em tin Ngài,
dù bây giờ anh em cũng không thấy Ngài, bởi anh em tin, anh em sẽ được
vui mừng vinh quang khôn tả, vì chắc rằng anh em đạt tới cứu cánh của
đức tin là phần rỗi linh hồn.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 110,
1-2. 5-6. 9 và 10c
Ðáp: Cho tới
muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 5b).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Tôi sẽ ca tụng Chúa hết
lòng, trong nhóm hiền nhân và trong Công hội. Vĩ đại thay công cuộc của
Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu quan tâm học hỏi. - Ðáp.
2) Chúa đã ban lương thực cho
những ai tôn sợ Người, cho tới muôn đời Người vẫn nhớ lời minh ước. Chúa
tỏ cho dân Người thấy công cuộc quyền năng của Người, hầu ban cho họ
được phần sản nghiệp của chư dân. - Ðáp.
3) Chúa đã gởi tặng ơn giải phóng
cho dân Người, đã thiết lập lời minh ước muôn đời, danh Người thực là
thánh thiện và khả uý. Lời khen ngợi Chúa còn tồn tại đến muôn đời. -
Ðáp.
Alleluia: Ga 1,
14 và 12b
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa,
xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời.
- Alleluia.
Phúc Âm: Mc 10,
17-27
"Ngươi hãy đi bán tất cả gia
tài rồi đến theo Ta".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu vừa lên đường,
thì một người chạy lại, quỳ gối xuống trước Người và hỏi: "Lạy Thầy nhân
lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?" Chúa Giêsu trả lời: "Sao
ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên
Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng
trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt, hãy thảo kính cha mẹ".
Người ấy thưa: "Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ". Bấy giờ
Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: "Ngươi
chỉ còn thiếu một điều là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí
cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo
Ta". Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi,
vì anh ta có nhiều của cải. Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh, và bảo
các môn đệ rằng: "Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao".
Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó. Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và
bảo các ông rằng: "Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó
mà vào nước Thiên Chúa biết bao. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn
người giàu có vào nước Thiên Chúa".
Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau
rằng: "Như vậy thì ai có thể được cứu độ?" Chúa Giêsu chăm chú nhìn các
ông, và nói: "Ðối với loài người thì không thể được, nhưng không phải
đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự".
Ðó là lời Chúa.
"được sống đời đời"
Chủ đề "Thày là sự sống" trong
Mùa Phục Sinh quả thực đã
kéo dài sang cả Mùa Thường Niên hậu Phục
Sinh, như bài Phúc Âm của Thánh ký
Marco (10:27-37) cho Thứ Hai Tuần 8 Thường Niên hôm nay cho thấy, qua
câu hỏi của một người thành khẩn hỏi Chúa Giêsu: "Lạy
Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?".
Qua câu
trả lời của Chúa
Giêsu, chúng ta thấy, trước hết, sự
sống đời đời được chất chứa ngay trong Thập Giới, nghĩa là ai tuân
giữ các giới răn, ít nhất tránh được những gì là tiêu cực thì cũng được
rỗi, như Chúa Giêsu đã liệt kê: "đừng
ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng
lường gạt, hãy thảo kính cha mẹ".
Ở đây, chúng ta chỉ thấy 7 điều trong Thập Giới mà thôi,
từ điều 4 tới điều 10: điều 4 - "thảo kính cha mẹ", điều 5 - "chớ giết
người", điều 6 và 9 - "chớ ngoại
tình", điều 7 và 10 - "chớ lấy của người" hay "chớ
lường gạt" cũng có nghĩa là "chớ tham của người", và điều
8 - "chớ làm chứng dối", hoàn toàn không thấy
3 điều đầu tiên liên quan đến Thiên Chúa đâu.
Vậy chẳng lẽ không cần 3 điều đầu tiên và chính yếu hết
sức quan trọng này thì cuối cùng cũng được rỗi, được sống đời đời hay
sao?
Có thể, đối với Chúa Giêsu, 3 điều đầu tiên trong Thập
Giới chưa được Người nhắc đến liên
quan đến vấn đề thứ hai như Người đặt
ra cho kẻ đặt vấn đề "được sống đời đời", đó là: "ngươi
hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có
một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta".
Đúng thế, vấn đề thứ hai được Chúa Giêsu nêu lên sau khi
liệt kê 7 điều tối thiểu trong Thập Giới thật sự là liên quan đến
3 điều đầu tiên của Thập Giới. Vì một khi thực hành được vấn đề thứ hai
này thì con người ta nói chung và con người giầu có trong bài Phúc Âm
nói riêng đúng là "thờ phượng và kính
mến Thiên Chúa trên
hết mọi sự" (điều 1 trong Thập Giới).
Tuy nhiên, trong
trường hợp của con người giầu
có trong bài Phúc Âm này cũng rất đặc biệt, ở chỗ, cho dù không thể làm
theo lời khuyên của Chúa Giêsu trên đây, (một trong 3 lời khuyên của
Phúc Âm đó là sống khó nghèo được áp dụng nơi Đời Thánh Hiến tu trì trong Giáo Hội), để
có thể sống trọn lành hơn, nhưng người này vẫn
không tham lam quá độ, hay vì tham lam mà lường gạt và gian lận sản
vật của ai, thậm chí coi tiền bạc hơn mạng người, hay
giầu có mà sinh tật trai gái ngoại tình, hoặc khinh thường bất kính với
cha mẹ v.v.
Đó là lý do, như Phúc Âm thuật lại, "Chúa Giêsu trìu
mến nhìn người ấy", sau khi nghe người này cho biết là "Lạy Thày,
những điều ấy tôi đã giữ từ nhỏ". Và đó cũng là lý do Chúa Giêsu mới
nhắc nhở con người đã đủ điều kiện tối thiểu để "được sống đời đời" ấy
rằng "Ngươi chỉ còn thiếu một
điều", đó là sống trọn lành hơn, một đời sống trước
hết mang đến cho chính bản
thân của đương sự cái lợi đầu tiên đó là được bình
an vui sống, chứ không còn cảm thấy băn khoan khắc khoải và bất an nữa,
dù bản thân và đời sống của đương sự "có nhiều của cải", một tâm
trạng mà đương sự đã không thể nào che giấu ở ngay vấn đề được đương sự
thoạt tiên đặt ra hỏi Chúa Giêsu "tôi
phải làm gì để được
sống đời đời", nhất là qua thái độ cuối cùng
của đương sự "bỏ đi với nét mặt u buồn", sau
khi nghe lời khuyên sống trọn lành của Người.
Trong lời khuyên của Chúa Giêsu "ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem
bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến
theo Ta", chúng ta thấy Người không bảo người giầu có đem bố thí gia
tài của anh ta, mà bán trước rồi bố thí sau. "Bán" trước đây
có nghĩa là gia tài này có giá trị chứ không phải đồ bỏ, và "bố thí" sau
đó "cho người nghèo khó" có nghĩa
là trao tặng những gì quí báu của mình cho
thành phần có thể hiểu là nghèo khó thật sự về vật chất cần được
chia sẻ giúp đỡ, mà cũng có thể
nghèo khó về tinh thần bởi lòng tham vô đáy của
con người cần ý thức lại trước gương từ bỏ của nghĩa cử "bố thí" rộng
lượng của những ai muốn theo Chúa.
Và cũng chỉ sau khi "bán" và "bố thí" "tất cả gia tài" của mình đi, con
người mới được "kho báu trên trời", ngay cả trước khi "theo" Chúa, chứ
không phải chỉ sau khi theo Chúa mới được.
Bởi vì "kho tàng của các con ở đâu thì lòng các con cũng ở đó" (Mathêu
6:21). Như thế, so với "kho báu trên trời" thì "tất cả gia tài" của con
người trên trần gian này chẳng có là gì, vậy mà chỉ cần "bán" và "bố
thí" đi "tất cả gia tài" chẳng bao nhiêu của
mình thì họ như thể đổi 1 xu lấy 1 triệu vậy. Vì cho dù "tất cả gia tài"
của con người ở trên đời này có giá trị đến đâu chăng nữa, cũng không
quí bằng "kho báu trên trời" vốn là những gì vô
giá không gì có thể so sánh được.
Nghĩa là chỉ khi nào lòng của con người không còn quyến luyến một sự gì
trên thế gian này nữa, dù tự bản chất của chúng là
tốt và cần, ngoài một mình Thiên
Chúa, họ mới có thể theo Chúa mà thôi: "Không ai có thể làm tôi hai
chủ... Các con không thể vừa phụng sự Thiên Chúa và làm tôi tiền của
được" (Mathêu 6:24).
Chính vì "người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ
đi, vì anh ta có nhiều của cải" mà "lúc đó Chúa Giêsu (mới)
nhìn chung quanh, và bảo các môn đệ rằng: 'Những người giàu có vào nước
Thiên Chúa khó biết bao' (khiến) các môn đệ kinh ngạc vì những
lời đó. Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: 'Hỡi các con,
những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao.
Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên
Chúa'. Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: 'Như vậy thì ai có thể được
cứu độ?' Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: 'Ðối với loài người
thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa
làm được mọi sự'.
Thật vậy, con người không thể tự độ, tức tự mình cứu độ được mình, mà
Thánh Phêrô tông đồ, vị đã đầy kinh nghiệm bản thân về khả năng của mình
trước cám dỗ và thử thách đức tin, mới có những cảm nhận chí lý đầy xác
tín trong Bài Đọc hôm nay: "Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Ðức Giêsu
Kitô, Chúa chúng ta, vì lòng từ bi cao cả, nhờ việc Ðức Giêsu Kitô từ
cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được
sống, được hưởng gia nghiệp không hư nát, tinh tuyền, không suy tàn,
dành để cho anh em trên trời. Anh em được bảo vệ trong quyền năng của
Thiên Chúa, nhờ tin vào sự cứu độ đã được mạc khải trong thời sau hết".
Và vì không thể tự độ nhưng phải tin tưởng vào ơn cứu độ của một Vị
Thiên Chúa
"từ bi cao cả qua Đức Giêsu Kitô"
như thế mà, như ngài khuyên dạy và phấn chấn Kitô hữu Do Thái cũng như
cho Kitô hữu hậu thế chúng ta, nhất là thành phần giầu có như nhân vật
trong Bài Phúc Âm hôm nay, trong Bài Đọc 1 hôm nay rằng: "Lúc
đó anh em sẽ vui mừng, tuy bây giờ anh em phải buồn sầu một ít lâu, giữa
trăm chiều thử thách, để đức tin anh em được tôi luyện nên quý hơn vàng
được thử lửa bội phần, nhờ đó, anh em được ngợi khen, vinh quang và vinh
dự, khi Ðức Giêsu Kitô hiện đến. Anh em yêu mến Ngài, dù không thấy
Ngài, và anh em tin Ngài, dù bây giờ anh em cũng không thấy Ngài, bởi
anh em tin, anh em sẽ được vui mừng vinh quang khôn tả, vì chắc rằng anh
em đạt tới cứu cánh của đức tin là phần rỗi linh hồn".
Cảm nhận được cứu độ bởi lòng Chúa xót thương như thế, nhất là những tâm
hồn như nhân vật trong bài Phúc Âm hôm nay, cho dù giầu có về vật chất
mà vẫn khôn nguôi băn khoăn khắc khoải: "tôi phải làm gì để được sống
đời đời", tức là nhân vật này thực sự "chỉ còn thiếu một điều duy
nhất", để có thể hoàn toàn mãn nguyện, đúng như tầm vóc loài người
của mình được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh của Ngài và tương tư như
Ngài (xem Khởi Nguyên 1:26-27), Đấng duy nhất có thể trở thành "kho
báu trên trời" của mình, và cũng chỉ có bấy giờ, tâm hồn nào được
cứu độ mới có được tâm tình hân hoan chúc tụng ngợi khen Chúa trong Bài
Đáp Ca hôm nay:
1) Tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trong nhóm hiền nhân và trong Công hội.
Vĩ đại thay công cuộc của Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu
quan tâm học hỏi.
2) Chúa đã ban lương thực cho những ai tôn sợ Người, cho tới muôn đời
Người vẫn nhớ lời minh ước. Chúa tỏ cho dân Người thấy công cuộc quyền
năng của Người, hầu ban cho họ được phần sản nghiệp của chư dân.
3) Chúa đã gởi tặng ơn giải phóng cho dân Người, đã thiết lập lời minh
ước muôn đời, danh Người thực là thánh thiện và khả uý. Lời khen ngợi
Chúa còn tồn tại đến muôn đời.
Thứ Ba
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm
II) 1
Pr 1, 10-16
"Các ngài tuyên báo các ân sủng
dành cho anh em, vậy anh em hãy ăn ở tiết độ và hoàn toàn hy vọng".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô
Tông đồ.
Anh em thân mến, chính ơn cứu rỗi
này mà các tiên tri đã nghiên cứu và tìm hiểu, khi các ngài tiên báo về
ân sủng dành cho anh em: các ngài đã tìm xem coi trong thời gian nào
hoặc hoàn cảnh nào, Thần Trí của Ðức Kitô chỉ cho các ngài biết: phải
tiên báo những khổ nạn và những vinh quang kế tiếp dành cho Ðức Kitô.
Các ngài được mạc khải cho biết rằng các ngài không phải phục vụ chính
mình, mà là cho anh em trong những gì đã được loan truyền cho anh em
hiện nay, do những kẻ rao giảng Tin Mừng với sự trợ giúp của Thánh Thần
từ trời được sai xuống, Ðấng mà các thiên thần cũng ước ao nghiêng mình
chiêm bái.
Vì thế, lòng trí anh em hãy tỉnh
thức, hãy sống tiết độ, và hoàn toàn hy vọng vào ân sủng sẽ ban cho anh
em, trong sự mạc khải Ðức Giêsu Kitô. Anh em hãy sống như những người
con biết vâng phục, đừng chạy theo những đam mê lúc trước là thời kỳ anh
em còn mê muội; một hãy noi gương Ðấng Thánh đã kêu gọi anh em; và chính
anh em hãy ăn ở thánh thiện trong đời sống, Vì có lời Kinh Thánh chép:
"Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Ðấng Thánh".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 97,
1. 2-3ab. 3c-4
Ðáp: Chúa đã
công bố ơn cứu độ của Người (c. 2a).
Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài
ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo
cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. -
Ðáp.
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của
Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh, Người đã nhớ lại
lòng nhân hậu và trung thành, để sủng ái nhà Israel. - Ðáp.
3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn
thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng
Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. - Ðáp.
Alleluia: Tv
118, 27
Alleluia, alleluia! - Xin Chúa cho
con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều lạ
lùng của Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 10,
28-31
"Ngay ở đời này, lúc bị bắt bớ,
các con lãnh được gấp trăm, còn đời sau các con sẽ được sự sống vĩnh
cửu".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Marcô.
Khi ấy, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu
rằng: "Ðây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy?" Chúa Giêsu trả lời
rằng: "Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha
mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Phúc Âm, mà ngay bây giờ lại không
được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và
ruộng nương cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu.
Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên
trước nhất".
Ðó là lời Chúa.
"sự sống đời
sau"
Chủ đề "Thày là sự sống" trong
Mùa Phục Sinh vẫn tiếp
tục kéo dài sang cả Mùa Thường Niên hậu Phục
Sinh, như bài Phúc Âm của Thánh ký
Marco (10:28-31) cho Thứ Ba Tuần 8 Thường Niên hôm nay cho thấy, qua câu
Chúa Giêsu trả lời cho Thánh Phêrô liên quan đến việc "được sự sống
vĩnh cửu ở đời sau".
Thật
thế, bài Phúc Âm hôm nay tiếp ngay sau bài Phúc Âm hôm qua. Nếu bài
Phúc Âm hôm qua liên quan đến vấn đề "tôi phải làm gì để được
sống đời đời" của một con người giầu có đã tuân giữ
các giới răn từ nhỏ nhưng vẫn cảm
thấy bất an bởi "còn thiếu một điều" là sống trọn
lành, thì bài Phúc Âm hôm nay
(Marcô 10:28-31) liên quan đến đời sống trọn lành hơn nơi thành phần
môn đệ theo Chúa Kitô, tiêu biểu là Tông Đồ Phêrô qua câu hỏi của ngài: "Phần chúng
con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy thì sao?"
Tất nhiên, nếu
không bỏ mọi sự mà theo Thày, như người giầu có trong bài Phúc Âm hôm
qua mà giữ các giới răn đàng hoàng tử tế đối với tha nhân thì cũng
hội đủ điều kiện tối thiểu
để được cứu rỗi, "để được sống đời đời", thì thành
phần bỏ mọi sự theo Chúa Kitô lại càng bảo đảm "được sự sống vĩnh
cửu ở đời sau" hơn nữa.
Thế nhưng, vấn đề
khác nhau ở đây giữa hai trường hợp cũng được rỗi, "được sống đời đời",
"được sự sống vĩnh cửu ở đời sau", giữa người không sống trọn
lành (như trong bài Phúc Âm hôm qua) và
người sống trọn lành hơn (trong bài Phúc Âm hôm
nay), đó là ngay "ở đời
này", trong
khi người không sống trọn lành (như người giầu có trong bài Phúc Âm hôm
qua) luôn cảm thấy khắc khoải bất an buồn sầu,
thì người sống trọn lành hơn (như trường hợp các tông đồ trong bài
Phúc Âm hôm nay) "được
gấp trăm về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương cùng
với sự bắt bớ".
Đúng vậy, thành phần theo Chúa Kitô để sống trọn lành
hơn, không phải đã được Chúa Giêsu khẳng định trong Bài Giảng Trên Núi
về Phúc Đức Trọn Lành, một
bài giảng cho chính các vị tông đồ theo Chúa (xem Mathêu 5:1-2), thành
phần được cho là "hiền như ma-sơ" là "ai hiền lành ấy là phúc thật,
vì chưng sẽ được đất làm của mình vậy" (Mathêu 5:5) - "Đất" đây phải
chăng Chúa muốn ám chỉ "thế
gian", ám chỉ "đời này", ngược lại với "Nước Trời" ở Phúc Thứ 1. Mà "thế
gian" hay "đời này" đây bao gồm những gì nếu không phải là "nhà
cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương cùng với sự bắt
bớ".
Đối với phàm nhân thì "bắt bớ" "ở đời này" là một bất
hạnh, là một sự dữ, thế nhưng, đối với thành phần theo Chúa Kitô sống
trọn lành hơn thì lại là một vinh phúc: "Phúc cho những ai bị bắt bớ
vì sự công chính vì Nước Trời là của họ. Phúc
cho các con khi họ xỉ nhục các con và bách hại các con cùng lăng
nhục các con vì danh Thày. Hãy hân hoan vui sướng, vì phần thưởng lớn
lao của các con ở trên trời" (Mathêu 5:9,10-11).
Thành phần theo
Chúa Kitô sống trọn lành hơn là thành phần hiến dâng cho Thiên Chúa tất
cả những gì là cao quí nhất của mình, ở chỗ, họ phải từ bỏ các ý
nghĩ và ý thích tự nhiên của mình,
từ bỏ tình cảm riêng tư tự nhiên của
mình, từ bỏ của cải tiện nghi đầy đủ thoải
mái của
mình, như
lễ vật dâng lên Chúa, bất chấp mọi giá phải trả, bất chấp mọi thử thách
phải chịu, chỉ để phụng sự Thiên Chúa và yêu thương phục
vụ tha nhân, bởi thế họ mới
xứng đáng được
thưởng gấp trăm ngay ở đời này. Họ chính là thành
phần đã sống đúng như những gì Thánh Phêrô huấn dụ Kitô hữu Do Thái
trong Bài Đọc 1 hôm nay:
"Lòng
trí anh em hãy tỉnh thức, hãy sống tiết độ, và hoàn toàn hy vọng vào ân
sủng sẽ ban cho anh em, trong sự mạc khải Ðức Giêsu Kitô. Anh em hãy
sống như những người con biết vâng phục, đừng chạy theo những đam mê lúc
trước là thời kỳ anh em còn mê muội; một hãy noi gương Ðấng Thánh đã kêu
gọi anh em; và chính anh em hãy ăn ở thánh thiện trong đời sống, Vì có
lời Kinh Thánh chép: 'Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Ðấng Thánh'".
Bài Đáp
Ca cho phần phụng vụ Lời Chúa hôm
nay được trích từ Thánh
Vịnh 97 (1. 2-3ab. 3c-4), chất chứa
những tâm tình của những ai theo đuổi đường nhân đức trọn lành, sống ở
thế gian mà không thuộc về thế gian, sống như được hoan hưởng trọn vẹn
hay tối đa hoa trái cứu độ vô cùng cao quí của Thiên Chúa, chẳng những
nơi bản thân mình mà còn nơi tha nhân, như thể "được gấp trăm ngay ở
đời này", một tâm tình được tỏ hiện ngay trong Bài Đáp Ca hôm nay:
1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều
huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với
cánh tay thánh thiện của Người.
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ
rõ đức công minh, Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành, để sủng
ái nhà Israel.
3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa
chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và
đàn ca.
Thứ Tư
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm
II) 1
Pr 1, 18-25
"Anh em được cứu độ bằng máu
châu báu của Ðức Kitô, Con Chiên tinh tuyền".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô
Tông đồ.
Anh em thân mến, anh em biết rằng
không phải bằng vàng bạc hay hư nát mà anh em đã được cứu chuộc khỏi nếp
sống phù phiếm tổ truyền, nhưng bằng máu châu báu của Ðức Kitô, Con
Chiên tinh tuyền, không tì ố. Người đã được tiền định trước khi tác
thành vũ trụ và được tỏ bày trong thời sau hết vì anh em. Nhờ Người, anh
em tin vào Thiên Chúa, Ðấng làm cho Người sống lại từ cõi chết, và ban
vinh quang cho Người để anh em đặt cả lòng tin và niềm hy vọng nơi Thiên
Chúa.
Khi anh em thánh hoá linh hồn anh
em trong sự vâng phục đức ái, trong tình bác ái huynh đệ, anh em hãy
thật lòng yêu mến nhau với một tâm hồn đơn sơ. Anh em đã được tái sinh
không phải do hạt giống hay hư nát, mà là do hạt giống không hư nát, nhờ
lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại muôn đời. Vì chưng xác phàm chẳng
qua là cỏ rác và tất cả vinh quang của nó ví như hoa cỏ: cỏ thì khô cháy
và hoa rũ tàn, còn lời Chúa thì tồn tại muôn đời. Ðó là Tin Mừng đã rao
giảng cho anh em.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 147,
12-13. 14-15. 19-20.
Ðáp: Giêrusalem
hỡi, hãy ngợi khen Chúa (c. 12a).
Xướng: 1) Giêrusalem hỡi, hãy ngợi
khen Chúa. Hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion! vì Người giữ
chặt các then cửa ngươi, Người chúc phúc cho con cái ngươi trong thành
nội. - Ðáp.
2) Người đã sai lời Người xuống
cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy rảo. Người khiến tuyết rơi như
thể lông cừu, Người gieo rắc sương đông như tro bụi trắng. - Ðáp.
3) Người đã loan truyền lời Người
cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel. Người đã
không làm cho dân tộc nào như thế, Người đã không công bố cho họ các
huấn lệnh của Người. - Ðáp.
Alleluia: Tv
129, 5
Alleluia, alleluia! - Con hy vọng
rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 10,
32-45
"Giờ đây chúng ta lên
Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Marcô.
Khi ấy, các môn đệ và Chúa Giêsu
lên đường đi Giêrusalem, Chúa Giêsu dẫn đầu đi trước họ, và các ông hết
sức bỡ ngỡ, những người theo sau thì sợ hãi. Người gọi mười hai ông lại
gần và nói cho các ông biết những gì sẽ xẩy đến cho Người: "Giờ đây
chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế, các
luật sĩ và các kỳ lão. Họ sẽ kết án tử hình Người và nộp Người cho dân
ngoại. Họ sẽ nhạo cười Người, phỉ nhổ vào Người, đánh đòn và giết Người,
và ngày thứ ba Người sẽ sống lại".
Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê,
đến gần Người và thưa Người rằng: "Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho
chúng con điều chúng con sắp xin Thầy". Người đáp: "Các con muốn Thầy
làm gì cho các con?" Các ông thưa: "Xin cho chúng con một người ngồi bên
hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy". Chúa Giêsu
bảo: "Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy
sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?" Các ông đáp:
"Thưa được". Chúa Giêsu bảo: "Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và
phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay
bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai
đã được chỉ định". Mười môn đệ khác nghe chuyện đó liền bực tức với
Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: "Các con biết
rằng những người được coi là lãnh tụ các nước thì sai khiến dân chúng
như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các
con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự
làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy
tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được
phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho
nhiều người".
Ðó là lời Chúa.
"mạng
sống giá chuộc"
Chủ đề "Thày là sự sống" của Mùa Phục
Sinh vẫn còn âm vang trong bài Phúc Âm của ngày Thứ Tư trong Tuần VIII
Thường Niên hậu Phục Sinh hôm
nay, qua câu nói của Chúa Kirtô kết thúc bài Phúc Âm: "Con
Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống
mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người".
Đúng thế, chính vì để
cho con người được sự sống thần linh, sự
sống đời đời, mà Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, đã phải "hiến mạng sống mình
làm giá chuộc". Sở dĩ mạng sống của Người chỉ là một sự sống tự nhiên về
thể lý mà có thể cứu được các linh hồn thiêng liêng bất tử, tức có thể
mang lại sự sống thần linh siêu nhiên cho họ là vì sự sống
thể lý của thân xác Người, một thân xác đã cùng
với linh hồn của Người, ngôi hiệp với Thần Tính vô cùng cao trọng của
Người, bởi thế sự sống thể lý ấy vô cùng cao quí vì thuộc về chính Con
Thiên Chúa.
"Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để
phục vụ" đã được
chứng thực ngay ở đầu bài Phúc Âm. Ở chỗ, như Thánh ký Marco thuật lại:
"Khi ấy, các môn đệ và Chúa Giêsu lên đường đi Giêrusalem, Chúa Giêsu
dẫn đầu đi trước họ, và các ông hết sức bỡ ngỡ, những người theo sau thì
sợ hãi". Qua lời tường thuật này chúng ta thấy hình ảnh của một Vị
Mục Tử đích thực bao giờ cũng "đi trước chiên" (Gioan 10:4), nhất
là khi đàn chiên "theo sau thì sợ hãi" được nói đến trong bài
Phúc Âm, "đi
trước chiên" để sẵn
sàng đối đầu với bất cứ nguy hiểm nào xẩy đến cho chiên của mình và để
bảo vệ chiên của mình cho đến cùng,
nhất là với đám sói dữ, cho
dù có phải "hiến
mạng sống mình vì chiên" (Gioan 10:11).
Vấn đề ở đây là
không phải vị mục tử nhân lành sống chết cho chiên này không biết
trước được số phận của mình, mà là cho dù có thực sự biết trước nhưng
vẫn cứ "đi trước chiên", sẵn
sàng bảo vệ sự sống của chiên, bằng cách "tự ý bỏ mạng sống mình đi"
(Gioan 10:17; 17:19), mà
còn tỏ cho đàn
chiên của mình biết như thế nữa: "Người
gọi mười hai ông lại gần và nói cho các ông biết những gì sẽ xẩy đến cho
Người: 'Giờ đây chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các
thượng tế, các luật sĩ và các kỳ lão. Họ sẽ kết án tử hình Người và nộp
Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo cười Người, phỉ nhổ vào Người, đánh đòn
và giết Người, và ngày thứ ba Người sẽ sống lại'".
Việc vị chủ chiên ở trong bài Phúc Âm hôm nay tỏ
cho đàn chiên "theo sau thì sợ hãi" này biết số phận vượt qua của
mình như thế, không
phải là vị chủ chiên chỉ
cố ý để cho chiên biết được rằng mình yêu thương chiên biết là chừng
nào, một tình yêu cao cả dám hiến mình vì bạn hữu (xem Gioan 15:13), mà
còn muốn cho họ thấy rằng Người sẽ đi
dọn chỗ cho họ để Người ở đâu thì họ cũng ở đó với
Người nữa (xem Gioan 14:3), vì
sau này chính họ cũng tiếp tục sứ vụ là chủ chiên thay Người và như
Người, cũng phải "đến để phục vụ" theo gương mẫu của Người đối với họ.
Đó là lý do Thánh Phêrô tông đồ, trong Bài Đọc 1 cho năm chẵn hôm nay,
mới có những thâm tín về giá trị vô cùng cao quí của ơn cứu chuộc cũng
như của phần rỗi loài người được Vị Thiên Chúa là tình yêu vô cùng nhân
hậu thương yêu, như sau:
"Anh em thân mến, anh em biết rằng
không phải bằng vàng bạc hay hư nát mà anh em đã được cứu chuộc khỏi nếp
sống phù phiếm tổ truyền, nhưng bằng máu châu báu của Ðức Kitô, Con
Chiên tinh tuyền, không tì ố. Người đã được tiền định trước khi tác
thành vũ trụ và được tỏ bày trong thời sau hết vì anh em. Nhờ Người, anh
em tin vào Thiên Chúa, Ðấng làm cho Người sống lại từ cõi chết, và ban
vinh quang cho Người để anh em đặt cả lòng tin và niềm hy vọng nơi Thiên
Chúa... Anh em đã được tái sinh không phải do hạt giống hay hư nát, mà
là do hạt giống không hư nát, nhờ lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại
muôn đời".
Những gì được Tông Đồ Phêrô xác tín và
nhắc nhở Kitô hữu Do Thái trong Bài Đọc 1 hôm nay cũng đã được âm vang
từ những câu xướng của Bài Đáp Ca hôm nay về Lời cứu độ của Thiên Chúa
hướng về Chúa Giêsu Kitô "vào thời điểm viên trọn" (Galata 4:4)
như thế này:
1) Giêrusalem hỡi, hãy ngợi
khen Chúa. Hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion! vì Người giữ
chặt các then cửa ngươi, Người chúc phúc cho con cái ngươi trong thành
nội.
2) Người đã sai lời Người xuống
cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy rảo. Người khiến tuyết rơi như
thể lông cừu, Người gieo rắc sương đông như tro bụi trắng.
3) Người đã loan truyền lời Người
cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel. Người đã
không làm cho dân tộc nào như thế, Người đã không công bố cho họ các
huấn lệnh của Người.
Trong số các tông đồ được nghe Người tiết lộ bí mật về số
phận vượt qua của Người bấy giờ đã có hai vị, đó là "Giacôbê và Gioan", dường
như cảm thấu được những gì Người nói, nên đã tự động muốn theo đuổi bắt
chước Người một cách triệt để,
và đã mạnh dạn lên tiếng xin cho được có cùng một số phận như Người: "Xin
cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong
vinh quang của Thầy".
Thoạt nghe, "mười môn đệ khác nghe chuyện đó liền bực
tức với Giacôbê và Gioan", vì cứ tưởng là hai anh em này tham quyền
cố vị. Thế nhưng, nếu xét cho kỹ thì không phải thế, hoàn toàn ngược
lại, hai vị chỉ muốn được nên giống Thày của mình nhất trong số phần hy
sinh cứu độ mà thôi.
Đó là lý do khi nghe Chúa Giêsu đặt thẳng vấn đề với nhị
vị "Các con không biết các
con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép
rửa Thầy sắp chịu không?" thì
cả hai đều mau mắn đồng thanh thưa lại
rằng: "Thưa được". Và
hai vị đã được Thày chấp nhận cho "thông phần với Thày" (Gioan
13:8): "Chén Thầy uống, các con cũng
sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu".
Thực tế cho thấy,
những gì hai ông xin với Chúa Giêsu bấy giờ trước mặt các tông đồ
khác đều đã được ứng nghiệm, ở chỗ, Tông Đồ Gioan được ngồi bên phải
của Người, khi người tông đồ này là vị tông đồ duy nhất "đứng dưới
chân thập giá của Chúa Giêsu" với Mẹ Maria (Gioan 19:25), một vị thế
tử đạo khi tận mắt chứng kiến thấy tất cả khổ nhục tận cùng Thày
mình phải chịu, và ở chỗ, Tông Đồ
Giacôbê được ngồi bên tả của Người, vì ngài là vị
tông đồ tử đạo đầu tiên trong các tông đồ (xem
Tông Vụ 12:2), ở Giêrusalem, giáo đô của dân Do
Thái, đích điểm nhắm tới mà cuộc hành trình Thiên Sai của Chúa Giêsu cần
phải tiến về, như đầu bài Phúc Âm
hôm nay đề cập tới: "Các
môn đệ và Chúa Giêsu lên đường đi Giêrusalem".
"Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy
ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định", nghĩa là, do Cha
chỉ định và xếp đặt tùy theo ý định của Ngài và ơn gọi của Ngài nơi từng
người. Đó là lý do trong Bữa Tiệc Ly Chúa Kitô mới nói với các tông đồ
rằng: "Trong nhà Cha của Thày có nhiều chỗ ở" (Gioan 14:2).
Thứ Năm
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm
II) 1
Pr 2, 2-5. 9-12
"Anh em là dòng giống được
tuyển chọn, là tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện để rao giảng Ðấng
đã gọi anh em".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô
Tông đồ.
Anh em thân mến, như trẻ sơ sinh,
anh em hãy thèm khát sữa thiêng liêng trong sạch, để nhờ đó, anh em được
lớn lên trong ơn cứu độ, nếu anh em nếm biết Chúa ngọt ngào dường nào.
Anh em hãy tiến đến viên đá sống
động bị người ta loại bỏ, nhưng được Chúa tuyển chọn và tôn vinh. Anh em
như những viên đá sống động, hãy để Chúa xây dựng anh em nên toà nhà
thiêng liêng, nên chức vụ linh mục thánh, để hiến dâng những của lễ
thiêng liêng xứng đáng được Thiên Chúa chấp nhận nhờ Ðức Giêsu Kitô.
Anh em là dòng giống được tuyển
chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, dân riêng của
Chúa, để rao giảng quyền năng của Ðấng đã gọi anh em ra khỏi tối tăm mà
vào ánh sáng kỳ diệu của Người. Anh em xưa kia không phải là dân của
Thiên Chúa, nhưng nay là dân của Người; xưa kia anh em không được xót
thương, nhưng nay được thương xót.
Anh em thân mến, tôi khuyên anh
em: như những ngoại kiều, và khách trọ, hãy xa lánh những đam mê xác
thịt hằng chống lại linh hồn. Anh em hãy sống lương thiện giữa dân
ngoại, để dù người ta vu khống anh em như những người gian phi, nhưng
khi thấy được việc lành của anh em, họ phải ngợi khen Thiên Chúa trong
ngày Người đến viếng thăm.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 99,
2. 3. 4. 5
Ðáp: Hãy vào
trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá (c. 2c).
Xướng: 1) Toàn thể địa cầu, hãy
reo mừng Thiên Chúa, hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào
trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá. - Ðáp.
2) Hãy biết rằng Chúa là Thiên
Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của
Người. - Ðáp.
3) Ta là dân tộc, là đoàn chiên
Chúa chăn nuôi, hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành
lang với khúc ca vui, hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người. - Ðáp.
4) Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo,
lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn
muôn thế hệ. - Ðáp.
Alleluia: Tv
144, 13cd
Alleluia, alleluia! - Chúa trung
thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. -
Alleluia.
Phúc Âm: Mc 10,
46-52
"Lạy Thầy, xin cho tôi được
thấy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành
Giêricô cùng với các môn đệ, và một đám đông, thì có con ông Timê tên là
Bartimê, một người mù ăn xin đang ngồi ở vệ đường. Khi anh ta nghe biết
đó là Chúa Giêsu Nagiarét, liền kêu lên rằng: "Hỡi ông Giêsu con vua
Ðavít, xin thương xót tôi". Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh
càng kêu to hơn: "Hỡi con vua Ðavít , xin thương xót tôi".
Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi
anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: "Hãy vững tâm đứng dậy, Người
gọi anh". Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ
Chúa Giêsu bảo rằng: "Anh muốn Ta làm gì cho anh"? Người mù thưa: "Lạy
Thầy, xin cho tôi được thấy". Chúa Giêsu đáp: "Ðược, đức tin của anh đã
chữa anh". Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.
Ðó là lời Chúa.
"ánh
sáng sự sống"
Hôm nay, Thứ Năm tuần VIII Thường Niên,
bài Phúc Âm không hề sử dụng từ ngữ "sống" hay "sự sống" hoặc nói đụng đến
"sự sống" là chủ đề của Mùa Phục
Sinh kéo dài sang cả Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh, như
3 ngày đầu trong tuần VIII này nữa.
Thế nhưng, nếu sự sống thần linh, sự
sống đời đời liên quan đến việc "nhận biết" (Gioan 17:3) thì bài Phúc Âm
hôm nay cũng gián tiếp liên quan đến sự sống. Bởi vì, "Tôi là ánh
sáng thế gian. Ai theo Tôi sẽ không đi trong tăm tối, nhưng sẽ được ánh
sáng sự sống" (Gioan 8:12).
Chúa Giêsu, trong cuộc hành trình tiến về
Giêrusalem, đã băng qua xứ Samaria và ghé vào thủ phủ của xứ này là
Jericho, và như Thánh ký Marco thuật lại trong bài Phúc Âm hôm nay
(10:46-52), thì khi "Chúa
Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ và một đám đông, thì có
con ông Timê tên là Bartimê, một người mù ăn xin đang ngồi ở vệ đường".
Tuy bị
mù lòa về thể lý, nhưng tâm linh của con người này rất tinh anh bén nhậy, đến độ,
cho dù chưa hề được tận mắt thấy Chúa Giêsu và chứng kiến việc Người làm
phép lạ, mà mới chỉ nghe về Người thôi, đã tỏ ra tin tưởng Người
lắm rồi, thậm chí có thể tận thâm tâm của mình, con người mù này đã hết
sức mong chờ được gặp Người nữa.
Bởi thế, không lạ gì, như Phúc Âm hôm nay thuật lại: "Khi
anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nagiarét, liền kêu lên rằng: 'Hỡi ông
Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi'. Và nhiều người mắng anh bảo im
đi, nhưng anh càng kêu to hơn: 'Hỡi con vua Đavít , xin thương xót
tôi'".
Là Đấng đã "đến để
tìm kiếm và cứu vớt những gì hư hoại" (Luca
19:10) làm sao Chúa Kitô có thể ngoảnh mặt làm ngơ
trước con người đáng thương về phần xác nhưng đáng đáp ứng về phần hồn
như "một người
mù ăn xin đang ngồi ở vệ đường" ấy chứ! Thế nên,
Thánh ký Marco đã tiếp tục cho thấy phản ứng của Chúa Kitô và việc
Người đáp ứng đối với người mù này như
sau:
"Chúa Giêsu dừng
lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: 'Hãy vững
tâm đứng dậy, Người gọi anh'. Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng
Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: 'Anh muốn Ta làm gì cho anh?'
Người mù thưa: 'Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy'. Chúa Giêsu đáp: 'Được,
đức tin của anh đã chữa anh'. Tức thì anh ta thấy được và đi theo
Người".
Hành động "liệng áo
choàng, đứng dạy, đến cùng Chúa Giêsu" của người
mù ăn xin này không phải chỉ cho thấy nỗi vui mừng khôn tả của anh ta
vì được chính Đấng anh ta chưa bao giờ thấy nhưng hết sức tin tưởng đáp ứng,
mà nhất là còn cho thấy anh ta hoàn toàn tin tưởng
rằng anh ta chắc chắn sẽ được chữa lành nữa theo như lòng anh ta
mong ước là "được thấy".
Theo bình thường
chúng ta hiểu là con người ăn xin mù lòa này muốn "được thấy" ánh
sáng mặt trời, muốn "được thấy" những người thân yêu của anh ta,
muốn trở nên bình thường như mọi người với cặp mắt để "được thấy"
tất cả mọi thực
tại quanh mình v.v., Thế nhưng,
nơi trường hợp của riêng người ăn xin mù lòa này thì anh ta muốn "được
thấy" chính Đấng anh ta hằng tin tưởng và đã
chữa lành anh ta. Đó là lý do sau khi anh ta "thấy được"
thì "đi theo Người", cùng Người và các môn đệ của Người cũng
như đám đông theo Người lên Giêrusalem, và chính vì
anh ta "đi theo Người" "là ánh
sáng thế gian" mà anh ta "có ánh sáng sự sống", "không (còn) đi
trong tăm tối" nữa (Gioan
8:12).
Người mù trong bài Phúc Âm hôm nay thật sự là
trường hợp điển hình của những ai được, như Thánh Tông Đồ Phêrô đề cập
đến trong Bài Đọc 1 hôm nay: "nếm biết Chúa ngọt ngào dường nào",
bởi họ là thành phần Chúa đã "gọi ra khỏi tối tăm mà vào ánh sáng kỳ
diệu của Người", để không còn sống theo "những đam mê
xác thịt hằng chống lại linh hồn", trái lại, họ "sống lương
thiện giữa dân ngoại, để dù người ta vu khống anh em như những người
gian phi, nhưng khi thấy được việc lành của anh em, họ phải ngợi khen
Thiên Chúa trong ngày Người đến viếng thăm". Họ chính là thành phần
đã thực sự được "vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá",
như câu Đáp của Bài Đáp Ca hôm nay, một bài Đáp Ca chất chứa một tâm
tình hân hoan chúc tụng Vị Thiên Chúa thiện hảo như sau:
1) Toàn thể địa cầu, hãy
reo mừng Thiên Chúa, hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào
trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá.
2) Hãy biết rằng Chúa là Thiên
Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của
Người.
3) Ta là dân tộc, là đoàn chiên
Chúa chăn nuôi, hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành
lang với khúc ca vui, hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người.
4) Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo,
lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn
muôn thế hệ.
Thứ Sáu
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm
II) 1
Pr 4, 7-13
"Anh em hãy nên những kẻ phân
phát những ơn Chúa".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô
Tông đồ.
Anh em thân mến, ngày cùng tận của
vạn vật đã gần rồi. Vậy anh em hãy khôn ngoan và tỉnh thức cầu nguyện.
Tiên vàn, anh em hãy luôn luôn yêu thương nhau, vì tình thương che lấp
muôn vàn tội lỗi. Anh em hãy đón tiếp khách trọ và đừng kêu ca. Tuỳ theo
ơn đã lãnh nhận, mỗi người hãy phục vụ lẫn nhau như những người phân
phát ân sủng muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa. Nếu ai rao giảng, thì
hãy kể đó là lời của Thiên Chúa; nếu ai phục vụ, thì hãy kể đó là do sức
mạnh Thiên Chúa ban cho, ngõ hầu Thiên Chúa được tôn vinh nơi vạn vật
nhờ Ðức Giêsu Kitô, Ðấng vinh hiển và uy quyền đến muôn đời. Amen.
Anh em thân mến, chớ có kinh dị,
vì ngọn lửa đã bốc lên nơi anh em để thử luyện anh em, như thể một việc
mới lạ xảy đến cho anh em. Nhưng được thông phần vào cuộc khổ nạn của
Ðức Kitô, anh em hãy vui mừng, để khi vinh quang của Người được tỏ hiện,
anh em sẽ được vui mừng hoan hỉ.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 95,
10. 11-12. 13
Ðáp: Chúa ngự
tới cai quản địa cầu (c. 13ab).
Xướng: 1) Hãy công bố giữa chư dân
rằng: Thiên Chúa ngự trị. Người dựng vững địa cầu cho nó khỏi lung lay,
Người cai quản chư dân theo đường đoan chính. - Ðáp.
2) Trời xanh hãy vui mừng và địa
cầu hãy hân hoan, biển khơi và muôn vật trong đó hãy reo lên, đồng nội
và muôn loài trong đó hãy mừng vui. Các rừng cây hãy vui tươi hớn hở. -
Ðáp.
3) Trước nhan Thiên Chúa: vì Người
ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người sẽ cai quản địa cầu
cách công minh và chư dân cách chân thành. - Ðáp.
Alleluia: Dt 4,
12
Alleluia, alleluia! - Lời Thiên
Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, phơi bày tư tưởng và ý muốn của tâm
hồn. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 11,
11-26
"Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu
nguyện của mọi dân tộc. Các ngươi hãy tin vào Thiên Chúa".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Marcô.
(Khi nghe dân chúng hoan hô), Chúa
Giêsu vào thành Giê-rusalem, lên đền thờ và sau khi đã đưa mắt quan sát
mọi sự, và lúc trời đã xế chiều, Người ra về Bêtania cùng với nhóm mười
hai. Hôm sau, khi thầy trò rời bỏ Bêtania, Người thấy đói. Và khi thấy ở
đàng xa có một cây vả nhiều lá, Người đến xem coi có trái nào không.
Nhưng khi lại gần, Người chỉ thấy có lá thôi, vì không phải là mùa có
trái. Người phán bảo cây vả rằng: "Cho đến muôn đời sẽ không còn ai ăn
trái của mi nữa". Và các môn đệ đã nghe Người nói.
Các ngài đến Giêrusalem. Và khi
vào đền thờ, Chúa liền đuổi những người mua bán ở đó. Người xô đổ bàn
của những người đổi tiền và ghế của những người bán chim câu. Người
không để cho ai mang đồ vật đi ngang qua đền thờ. Người dạy bảo họ: "Nào
chẳng có lời chép rằng: "Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi
dận tộc ư? Thế mà các ngươi đã biến thành hang trộm cướp". Ðiều đó đến
tai các trưởng tế và luật sĩ, họ liền tìm cách giết Người, vì họ sợ
Người, bởi tất cả dân chúng say mê giáo lý của Người. Chiều đến, Người
ra khỏi thành.
Sáng hôm sau, khi đi ngang qua,
các ngài trông thấy cây vả đã chết khô tận rễ. Phêrô nhớ lại và thưa
Chúa rằng: "Lạy Thầy, hãy coi, cây vả Thầy nguyền rủa đã chết khô rồi".
Chúa Giêsu đáp: "Hãy tin vào Thiên Chúa. Thầy bảo thật các con, nếu ai
bảo núi kia: "Hãy dời đi và gieo mình xuống biển", mà trong lòng không
hồ nghi, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì người ấy sẽ được
như ý. Vì vậy Thầy bảo các con: Tất cả những gì các con cầu xin, hãy tin
rằng các con sẽ được, thì các con sẽ được điều đó. Và khi các con đang
đứng cầu nguyện, nếu các con có điều gì bất thuận với ai, hãy tha thứ để
Cha các con trên trời cũng tha cho các con. Nếu các con không tha thứ,
thì Cha các con trên trời cũng không tha tội cho các con".
Ðó là lời Chúa.
"cây vả
chết khô"
Cuộc hành trình tiến về Giêrusalem của Chúa Giêsu cùng với các môn đệ
của Người, như bài Phúc Âm của
Thánh ký Marco (11:11-26) cho Thứ Sáu Tuần VIII Mùa Thường Niên hôm nay
cho thấy, đã tới nơi. Sau khi Người công khai "vào thành
Giêrusalem" trước sự long
trọng và linh đình nghênh đón
của dân chúng, thì Người "lên
đền thờ và sau khi đã đưa mắt quan sát mọi sự, và lúc trời đã xế chiều,
Người ra về Bêtania cùng với nhóm mười hai".
Đúng thế, nếu tiến "vào thành Giêrusalem" mà không
"lên đền thờ" là tâm điểm của thành này, là Nơi Thánh, Nơi Thiên
Chúa ngự, thì Chúa Kitô kể như chưa đạt đến đích điểm Người nhắm tới.
Thế nhưng, ngay lúc bấy giờ, Người chưa vào bên trong Đền Thờ, mà chỉ
mới "đưa mắt quan sát mọi sự" ở bên
ngoài mà thôi. Bởi đó mới chưa
có chuyện gì đáng tiếc xẩy
ra như ngày hôm sau khi Người trở lại, một ngày có hai biến cố liên hệ
với nhau, như được Phúc Âm thuật lại như sau:
"Hôm sau, khi thầy trò rời bỏ Bêtania, Người thấy đói.
Và khi thấy ở đàng xa có một cây vả nhiều lá, Người đến xem coi có trái
nào không. Nhưng khi lại gần, Người chỉ thấy có lá thôi, vì không phải
là mùa có trái. Người phán bảo cây vả rằng: 'Cho đến muôn đời sẽ không
còn ai ăn trái của mi nữa'. Và các môn đệ đã nghe Người nói".
Đây là biến cố thứ nhất, biến cố xẩy ra trên đường Chúa
Kitô cùng với các tông đồ lên Đền
thờ Giêrusalem. Không biết lúc ấy là lúc nào, có
thể là giữa trưa hay chăng. Vì bấy giờ Chúa Giêsu đã cảm thấy "đói".
Có thể Thày trò của Người đêm hôm trước đã về ở
trọ nhà của 3 chị em Matta, Maria và Lazarô là những người bạn thân của
Người ở Bêtania (xem Gioan 11:1-2,5), và đã được
cả 3 chị em phục vụ hết mình về cả của ăn lẫn chỗ ngủ, kể cả bữa ăn sáng
hôm sau trước khi Thày trò rời nhà của họ trở lại Đền Thờ.
Vấn đề ở đây là
tại sao Chúa Kitô lại nguyền rủa một cây vả không có trái như Người mong
muốn, nhất là lúc Người cảm "thấy đói":
"Cho đến muôn đời sẽ không còn ai ăn
trái của mi nữa", trong khi đó
lại "không phải là mùa có trái" của
nó, cho dù nó vẫn còn "có lá" xanh
tươi? Và lời nguyền rủa của Người đã hoàn toàn ứng
nghiệm với cây vả tội nghiệp này, như phần dưới của cùng bài
Phúc Âm hôm nay ghi
nhận: "Sáng
hôm sau, khi đi ngang qua, các ngài trông thấy cây vả đã chết khô tận
rễ".
Có thể cây vả bị
Chúa Kitô nguyền rủa ấy
chỉ um tùm những lá xanh tươi như vậy thôi, mà
chẳng bao giờ có trái, dù đến mùa sinh hoa kết trái của
nó như những cây vả khác, nên nó mới bị nguyền rủa
như vậy, bởi nó không đạt được ý nghĩa là thứ cây ăn trái của mình, và
vì thế chỉ chiếm đất chứ chẳng có lợi gì, đáng bị đốn đi cho xong, như ý
nghĩa của dụ ngôn về cây vả không sinh trái trong vườn nho được
Chúa Giêsu nói đến (xem
Luca 13:7).
Biến cố cây vả
bên đường không sinh trái bị Chúa
Giêsu nguyền rủa và đã bị
héo khô này phải chăng ám
chỉ đến biến cố Thành
Thánh Giêrusalem, giáo đô của Do Thái giáo của dân Chúa chọn, chỉ
là một nơi nguy ga đồ sộ về kiến trúc và là một nơi đô hội vui nhộn theo
trần thế hơn là nơi của tôn giáo
và đức tin, nơi để dân
Chúa "tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý" (Gioan
4:24), nên nó đã được chính Người báo trước cho
biết về số phận bất hạnh của nó là "tất cả sẽ bị
hủy hoại"
(xem Marco 13:2).
Đúng thế, biến cố thứ hai trong cùng một ngày, tiếp theo
sau biến cố cây vả bên đường bị Chúa Giêsu nguyền
rủa (hôm sau thấy chết
khô), đó là biến cố có liên quan đến biến cố thứ
nhất, một biến cố gián tiếp ám chỉ đến biến cố thứ hai, và biến cố thứ
hai này đã được Thánh ký Marco
thuật lại trong cùng bài Phúc Âm hôm nay như sau:
"Các ngài đến Giêrusalem. Và khi vào đền thờ, Chúa
liền đuổi những người mua bán ở đó. Người xô đổ bàn của những người đổi
tiền và ghế của những người bán chim câu. Người không để cho ai mang đồ
vật đi ngang qua đền thờ. Người dạy bảo họ: 'Nào chẳng có lời chép rằng:
'Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân
tộc ư? Thế mà các ngươi đã biến thành hang trộm cướp'".
Ở đây chúng ta thấy, hôm trước, Chúa Giêsu khi công khai
tiến vào Thành Giêrusalem mới chỉ "đưa
mắt quan sát mọi sự" ở bên ngoài đền thờ, hôm
nay, "khi vào đền thờ", thì ở
bên trong Người mới thấy diễn ra một cảnh tượng không thể nào chấp
nhận được, không thể nào không thẳng tay thanh tẩy đền thờ cho đúng
với ý nghĩa "là nhà cầu nguyện" của đền
thờ, một nơi
linh thiêng thánh hảo đã
bị con người trần tục hóa, một nơi con
người "đã biến
thành hang trộm cướp", trở
thành sào huyệt của lợi lộc thấp hèn trần tục.
Cấu trúc của đền thờ, theo lời chỉ dẫn của chính Thiên Chúa, được Sách
Xuất Hành thuật lại về Lều Tạm (The Dwelling / Tabanacle) ở đoạn 26
(31-37), và được Thư Do Thái nhắc lại ở đoạn 9 (1-7), bao gồm 2 phần:
phần thánh (holy place) ở bên ngoài (outside one) và phần cực thánh (the
holy of holies) ở bên trong tấm màn thứ hai (behind the second veil):
Phần Thánh gồm có cái bàn (table) ở phía bắc và chân đèn (lampstand) ở
phía nam Lều Tạm, nơi các vị tư tế (priests) có thể vào thường xuyên.
Còn Phần Cực Thánh là nơi có Bàn Thờ Hương bằng vàng và Hòm Bia đựng hai
tấm bia giao ước (the tablets of covenant), một hũ bằng vàng đựng manna
(the golden jar containing the manna) và cây gậy nở hoa của Aaron (the
rod of Aaron which had blossomed), và là nơi chỉ có vị thượng tế (high
priest) mới được vào mỗi năm 1 lần mà thôi.
Tuy nhiên, Sách Xuất Hành ở đoạn 27 (9-19) sau đó còn thuật lại một phần
nữa của Lều Tạm theo lời chỉ dẫn của Thiên Chúa hết sức tỉ mỉ bao gồm cả
4 phía đông, tây, nam, bắc, kèm theo kích thước đàng hoàng, gọi là Court
of the Dwelling, có thể coi là tiền đường của Lều Tạm, một tiền đường
có cửa vào được treo một tấm màn (curtain) nữa, tức tấm màn thứ nhất so
với tấm màn thứ hai phân nơi thánh và nơi chí thánh ở nội cung Lều
Tạm. Đền thờ Giêrusalem đầu tiên, theo Sách Chư Vương quyền 1
(6:15-38), được Vua Solomon xây 7 năm (27:38) và cũng được cấu trúc
theo đúng như cấu trúc của Lều Tạm, cũng có nơi thánh và nơi cực thánh ở
nội cung, và tiền đường bên ngoài (27:36), một cấu trúc có thể ám chỉ về
con người có thân xác như tiền đường, linh hồn như nơi thánh và lương
tâm như nơi cực thánh.
Như thế, theo suy đoán thì Chúa Giêsu vào đến thờ bấy giờ là vào
tiền đường của đền thờ mà thôi, nơi dân chúng tụ họp, chứ ngài không vào
bên trong nơi thánh như một vị tư tế hay vào nơi cực thánh như một vị
thượng tế. Và chính ở tiền đường cũng là một phần trong cấu trúc làm nên
nguyên vẹn đền thờ là nơi cầu nguyện đầy tính cách linh thiêng này đã bị
con người ta biến thành hang trộm cướp bằng những thứ buôn bán trần tục,
bất xứng với một nơi gọi là đền thờ mà Người đã phải thẳng tay thanh tẩy
như Phúc Âm hôm nay thuật lại.
Hai biến cố trong cùng một ngày có liên hệ với
nhau trên đây cho thấy,
trước hết, về phương diện tự nhên, một sinh vật (điển hình như cây vả là
một thứ cây ăn trái) không thể
nào không sinh hoa trái là những gì biểu hiệu cho sự
sống đích thực và dồi dào của nó, sau nữa, về
phương diện siêu nhiên, một con người có hồn thiêng bất tử không thể nào
chỉ "sống nguyên bởi bánh" mà chính là "sống bởi mọi lời bởi
miệng Thiên Chúa phán ra"
(xem Mathêu 4:4), nghĩa là sống bởi đức tin nữa.
Đó là lý do, sau khi nghe thấy Tông Đồ Phêrô báo cho biết
rằng "Lạy Thầy, hãy coi, cây vả Thầy nguyền rủa đã chết khô rồi", Chúa
Giêsu mới lợi dụng cơ hội ấy để dạy cho vị tông đồ này nói riêng và các
tông đồ nói chung về đức tin, như bài Phúc Âm hôm nay trình thuật tiếp
như sau: "Hãy tin vào Thiên Chúa. Thầy bảo thật các con, nếu ai
bảo núi kia: 'Hãy dời đi và gieo mình xuống biển', mà trong lòng không
hồ nghi, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì người ấy sẽ được
như ý".
Và cũng chính Thánh Phêrô, dường như vẫn
còn âm vang cái ấn tượng của hai biến cố liên quan đến tình trạng tận số
của cây vả xinh tươi mà không sinh trái nên bị nguyền rủa chết khô và
của thành Giêrusalem nguy nga hoành tráng cũng không thoát được số phận
bị tàn phá bởi tinh thần trần tục, mà trong Bài Đọc 1 hôm nay, ngài đã
khuyên Kitô hữu Do Thái hãy sống khôn ngoan, bác ái, phục vụ và chịu
đựng thử thách như sau:
"Anh em thân mến, ngày cùng tận của
vạn vật đã gần rồi. Vậy anh em hãy khôn ngoan và tỉnh thức cầu nguyện.
Tiên vàn, anh em hãy luôn luôn yêu thương nhau, vì tình thương che lấp
muôn vàn tội lỗi. Anh em hãy đón tiếp khách trọ và đừng kêu ca. Tuỳ theo
ơn đã lãnh nhận, mỗi người hãy phục vụ lẫn nhau như những người phân
phát ân sủng muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa. Nếu ai rao giảng, thì
hãy kể đó là lời của Thiên Chúa; nếu ai phục vụ, thì hãy kể đó là do sức
mạnh Thiên Chúa ban cho, ngõ hầu Thiên Chúa được tôn vinh nơi vạn vật
nhờ Ðức Giêsu Kitô, Ðấng vinh hiển và uy quyền đến muôn đời. Amen. Anh em thân mến, chớ có kinh dị,
vì ngọn lửa đã bốc lên nơi anh em để thử luyện anh em, như thể một việc
mới lạ xảy đến cho anh em. Nhưng được thông phần vào cuộc khổ nạn của
Ðức Kitô, anh em hãy vui mừng, để khi vinh quang của Người được tỏ hiện,
anh em sẽ được vui mừng hoan hỉ".
Thứ Bảy
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm
II) Gđ
17, 20b-25
"Thiên Chúa có quyền năng bảo
tồn anh em vô tội và đặt anh em tinh toàn trước thiên nhan sáng láng của
Người".
Trích thư của Thánh Giuđa Tông đồ.
Anh em thân mến, anh em hãy nhớ
lại những điều do các tông đồ đã loan tin trước về Ðức Giêsu Kitô, Chúa
chúng ta. Anh em tự xây dựng trên đức tin rất thánh thiện của anh em và
nguyện cầu bởi ơn Thánh Thần, anh em hãy tự kiên trì trong tình yêu
Thiên Chúa, hầu mong đợi lòng thương xót của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng
ta, cho được sống đời đời. Anh em hãy thuyết phục những người này, họ là
kẻ hay phân vân. Hãy cứu vớt những người kia, lôi kéo họ ra khỏi lửa.
Còn như đối với hạng người khác nữa, anh em hãy tỏ lòng thương, đồng
thời cũng phải lo sợ, gớm ghét cả đến tấm áo dài đã bị xác thịt làm nhơ
bẩn.
Nguyện cho Ðấng có quyền năng /
bảo tồn anh em vô tội và đặt anh em tinh toàn trước thiên nhan sáng láng
của Người một cách hân hoan, trong ngày Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta trở
lại; nguyện cho Thiên Chúa duy nhất là Ðấng cứu độ chúng ta nhờ Ðức
Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, được vinh quang, oai nghiêm, dũng lực và
quyền năng, từ trước muôn thuở, bây giờ và cho đến muôn đời. Amen. Ðó là
lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 62,
2. 3-4. 5-6
Ðáp: Lạy Chúa,
Chúa là Thiên Chúa của con, linh hồn con khao khát Chúa (c. 2b).
Xướng: 1) Ôi lạy Chúa, Chúa là
Thiên Chúa của con, con thao thức chạy kiếm Ngài. Linh hồn con khát
khao, thể xác con mong đợi Chúa con, như đất héo khô, khát mong mà không
gặp nước. - Ðáp.
2) Con cũng mong được chiêm ngưỡng
thiên nhan ở thánh đài, để nhìn thấy quyền năng và vinh quang của Chúa.
Vì ân tình của Ngài đáng chuộng hơn mạng sống, miệng con sẽ xướng ca
ngợi khen Ngài. - Ðáp.
3) Con sẽ chúc tụng Ngài như thế
trọn đời con, con sẽ giơ tay kêu cầu danh Chúa. Hồn con được no thoả
dường như bởi mỹ vị cao lương, và miệng con ca ngợi Chúa với cặp môi
hoan hỉ. - Ðáp.
Alleluia: Gc 1,
18
Alleluia, alleluia! - Do ý định
của Thiên Chúa, Người đã sinh chúng ta bằng lời sự thật, để chúng ta nên
như của đầu mùa các tạo vật. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 11,
27-33
"Ông lấy quyền nào làm sự đó?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ
lại đến Giêrusalem. Và trong khi Chúa Giêsu đi lại trong đền thờ, thì
những trưởng tế, luật sĩ và kỳ lão đến hỏi Người: "Ông lấy quyền nào mà
làm sự đó? Và ai đã ban quyền cho ông để làm như vậy?" Chúa Giêsu đáp:
"Tôi sẽ hỏi các ông một câu thôi, hãy trả lời cho Tôi thì Tôi sẽ bảo cho
các ông hay Tôi lấy quyền nào mà làm việc đó: Phép rửa của Gioan bởi
trời hay bởi người ta? Hãy trả lời Tôi đi". Họ liền bàn riêng với nhau
rằng: "Nếu chúng ta trả lời "Bởi trời", ông ấy sẽ nói: "Vậy sao các ông
không tin Người?" Nhưng nếu chúng ta nói "Bởi người ta", chúng ta sợ dân
chúng, vì mọi người đều coi Gioan thật là một tiên tri. Vậy họ thưa cùng
Chúa Giêsu rằng: "Chúng tôi không biết". Và Chúa Giêsu bảo họ: "Vậy thì
tôi cũng không nói cho các ông biết bởi quyền phép nào Tôi làm sự đó".
Ðó là lời Chúa.
"trong
bóng chết chóc"
Bài Phúc Âm hôm
nay tiếp ngay sau bài Phúc Âm hôm qua, bài Phúc Âm Chúa Kitô thẳng
tay thanh tẩy đền thờ, một nơi linh thiêng thánh hảo "là nhà cầu
nguyện" nhưng đã bị dân chúng
"biến thành hang trộm cướp"
với đầy những thứ buôn bán kiếm lợi, cho dù là
những thứ cần thiết như "các con
chim câu" (Marco 11:15), liên quan đến việc
tuân giữ lề luật của những cha mẹ dâng con trai đầu lòng cho Thiên Chúa
trong đền thờ, như trường hợp của Thánh Gia (xem Luca 2:24).
Chứng kiến thấy
hành động dữ dội của Chúa Giêsu
như một nhân vật đầy uy quyền như thế,
thành phần có thẩm
quyền của dân Do Thái là "những
trưởng tế, luật sĩ và kỳ lão", thành
phần có thể đã cho phép buôn bán như thế trong đền thờ từ trước đến nay,
và vì thế hành động của Người đã đụng đến họ, nên Người đã bị họ đặt
vấn đề như hạch hỏi Người sau: "Ông
lấy quyền nào mà làm sự đó? Và ai đã ban quyền cho ông để làm như
vậy?". Đại khái là họ không ủy quyền
cho Người mà tại sao Người dám lộng quyền qua mặt họ như thế!?
Chúa Giêsu đã sử dụng chiêu để cho họ tự
trả lời lấy. Bởi thế, thay vì Người nói thẳng ra
là Người lấy quyền nào hay ai trao quyền cho Người để Người thẳng tay
thanh tẩy đền thờ như vậy, Người đã đặt vấn đề ngược lại với họ để họ tự
nhận thức lấy và trả lời thay cho Người: "Tôi
sẽ hỏi các ông một câu thôi, hãy trả lời cho Tôi thì Tôi sẽ bảo cho các
ông hay Tôi lấy quyền nào mà làm việc đó: Phép rửa của Gioan bởi trời
hay bởi người ta? Hãy trả lời Tôi đi".
Thật ra, thành phần lãnh đạo dân chúng này đã thừa biết
Người lấy quyền nào, hay ai ban quyền cho Người, để Người thẳng tay thanh
tẩy đền thờ rồi. Nhưng họ muốn chính miệng Người nói ra để nại cớ bắt
Người hay tố cáo Người, vì "Người chỉ là
loài người mà dám coi mình ngang hàng với Thiên Chúa" (Gioan 10:33),
và vì chính họ, qua thành phần được họ sai đến với
Tiền Hô Gioan để điều tra xuất xứ của ngài đã biết rằng ngài không phải
là Đấng Thiên Sai (xem Gioan 1:19-27).
Đó là lý do họ đã bàn với nhau như Phúc Âm thuật lại như
thế này: "Nếu chúng ta trả lời 'Bởi trời', ông ấy sẽ nói: 'Vậy sao
các ông không tin Người?' Nhưng nếu chúng ta nói 'Bởi người ta', chúng
ta sợ dân chúng, vì mọi người đều coi Gioan thật là một tiên tri". Rồi
Phúc Âm cho biết tiếp về câu trả lời dứt khoát của
họ như sau: "Chúng tôi không biết". Và
vì thế bài Phúc Âm được kết thúc: "Chúa
Giêsu bảo họ: 'Vậy thì tôi cũng không nói
cho các ông biết bởi quyền phép nào Tôi làm sự đó'".
Thật ra, “phép rửa của Gioan” chỉ là phép rửa thống hối chứ
không phải là phép rửa tha tội như của Chúa Giêsu. Bởi thế, “phép
rửa của Gioan” chỉ là phép rửa “bởi người ta” còn phép rửa
của Chúa Giêsu mới “bởi trời”, và vì thế, Người có quyền thanh
tẩy đền thờ, một hành động tiêu biểu cho việc Người thanh tẩy tội lỗi
nơi tâm hồn của con người ta bằng Phép Rửa của Người vậy.
Tâm trạng của thành phần hạch hỏi và bắt bẻ Chúa Giêsu về hành động
Người thanh tẩy đền thờ trong bài Phúc Âm hôm nay cho thấy rằng họ quả
thực là sợ sự thật, không dám chấp nhận sự thật, bởi thế họ không
gặp được sự thật, tức là họ không được sự thật giải phóng (xem Gioan
8:32), và vì thế họ vẫn tiếp tục "ngồi trong tối tăm và trong bóng
tối chết chóc" hết sức là tội
nghiệp, vì họ đã có cơ hội được
trực diện với "ánh sáng thế
gian... ánh sáng sự sống" (Gioan
8:12) là Chúa Giêsu Kitô,
nhưng họ không nhận ra Người, vì "họ yêu tối
tăm hơn ánh sáng" (Gioan 3:19), "họ ghét ánh sáng không dám đến
gần ánh sáng vị sợ các công việc của họ bị bại lộ" (Gioan 3:20).
Đó là lý do mới có những lời khuyên chí lý của Thánh Tông Đồ Giuđa trong
bài Đọc 1 hôm nay cho thành phần Kitô hữu Do Thái nói chung và nhất là "kẻ
hay phân vân" như thành phần hạch hỏi Chúa Giêsu nhưng không dám
chấp nhận sự thật trong Bài Phúc Âm hôm nay nói riêng, như sau:
"Anh em thân mến, anh em hãy nhớ
lại những điều do các tông đồ đã loan tin trước về Ðức Giêsu Kitô, Chúa
chúng ta. Anh em tự xây dựng trên đức tin rất thánh thiện của anh em và
nguyện cầu bởi ơn Thánh Thần, anh em hãy tự kiên trì trong tình yêu
Thiên Chúa, hầu mong đợi lòng thương xót của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng
ta, cho được sống đời đời. Anh em hãy thuyết phục những người này, họ là
kẻ hay phân vân. Hãy cứu vớt những người kia, lôi kéo họ ra khỏi lửa.
Còn như đối với hạng người khác nữa, anh em hãy tỏ lòng thương, đồng
thời cũng phải lo sợ, gớm ghét cả đến tấm áo dài đã bị xác thịt làm nhơ
bẩn".
Nếu thành phần hạch hỏi Chúa Giêeu và có được một tâm hồn cởi mở sẵn
sàng chấp nhận sự thật như các "linh hồn khao khát Chúa" trong
câu họa của Bài Đáp Ca hôm nay, thì họ sẽ có một tâm tình và tinh thần
hoàn toàn khác hẳn, như được Thánh Vịnh gia bày tỏ ở các câu xướng trong
Bài Đáp Ca hôm nay:
1) Ôi lạy Chúa, Chúa là
Thiên Chúa của con, con thao thức chạy kiếm Ngài. Linh hồn con khát
khao, thể xác con mong đợi Chúa con, như đất héo khô, khát mong mà không
gặp nước.
2) Con cũng mong được chiêm ngưỡng
thiên nhan ở thánh đài, để nhìn thấy quyền năng và vinh quang của Chúa.
Vì ân tình của Ngài đáng chuộng hơn mạng sống, miệng con sẽ xướng ca
ngợi khen Ngài.
3) Con sẽ chúc tụng Ngài như thế
trọn đời con, con sẽ giơ tay kêu cầu danh Chúa. Hồn con được no thoả
dường như bởi mỹ vị cao lương, và miệng con ca ngợi Chúa với cặp môi
hoan hỉ.