SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 


Phụng Vụ Lời Chúa

Chúa Nhật Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi


Chúa Nhật sau Lễ Hiện Xuống



PHỤNG VỤ LỜI CHÚA NĂM C

 

Bài Ðọc I: Cn 8, 22-31

"Khi địa cầu chưa sinh nở, sự khôn ngoan đã được sinh thành".

Trích sách Châm Ngôn.

Ðây sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa phán: "Chúa đã tạo thành nên ta là đầu sự việc của Người, trước cả những sự việc Người đã làm rất xa xưa. Ta đã được thiết lập tự thuở đời đời, ngay tự đầu tiên, khi địa cầu chưa sinh nở. Ta đã được sinh thành khi chưa có vực sâu, khi chưa từng có những dòng suối nước. Trước khi Chúa củng cố những ngọn núi cao, trước khi có những quả đồi, ta đã sinh ra rồi. Khi Người chưa tạo tác địa cầu, đồng ruộng, cũng chưa tạo nên hạt bụi đầu tiên của cõi trần ai. Khi Người xếp đặt muôn cõi trời, có ta ở đó, khi Người vạch ra vòng đai trên mặt vực sâu, khi Người định chỗ cho mây trời trên cõi cao xa, và những suối nước tự vực sâu vọt lên mạnh mẽ, khi Người đặt cương giới cho biển cả để nước đừng có vượt quá cõi bờ, khi Người đặt nền tảng cho trái đất, bấy giờ ta làm việc ở sát bên Người. Và mọi ngày ta làm cho Người sung sướng, luôn luôn nhàn du ở trước nhan Người. Ta nhàn du trên quả địa cầu, và gặp thấy hạnh phúc ở giữa con cái loài người".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 8, 4-5. 6-7. 8-9

Ðáp: Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa khắp nơi hoàn cầu (c. 2a).

Xướng: 1) Khi con ngắm cõi trời, công cuộc tay Chúa tạo ra, vầng trăng và muôn tinh tú mà Chúa gầy dựng, thì nhân loại là chi mà Chúa nhớ tới? con người là chi mà Chúa để ý chăm nom? - Ðáp.

2) Chúa dựng nên con người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức con người bằng danh dự với vinh quang; Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo, Chúa đặt muôn vật dưới chân con người. - Ðáp.

3) Nào chiên, nào bò, thôi thì tất cả, cho tới những muông thú ở đồng hoang, chim trời với cá đại dương, những gì lội khắp nẻo đường biển khơi. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Rm 5, 1-5

"Thánh Thần ban cho chúng ta lòng mến Chúa".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, khi được đức tin công chính hoá, chúng ta được bình an trong Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng cho chúng ta dùng đức tin mà tiến đến ân sủng, và đứng vững ở đó, và được hiển vinh trong niềm hy vọng vinh quang của con cái Chúa. Không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong gian nan, khi biết rằng gian nan rèn nhẫn nại, nhẫn nại rèn nhân đức, còn nhân đức rèn cậy trông. Nhưng cậy trông không đưa đến thất vọng, vì lòng mến Chúa được Thánh Thần, Ðấng ban cho chúng ta, đổ xuống lòng chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Kh 1, 8

Alleluia, alleluia! - Sáng danh Ðức Chúa Cha, và Ðức Chúa Con, và Ðức Chúa Thánh Thần; sáng danh Thiên Chúa, Ðấng đang có, đã có và sẽ đến. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 16, 12-15

"Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy; Thánh Thần sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con".

Ðó là lời Chúa.

 

SUY NIỆM CẢM NGHIỆM

 

So với Phụng Vụ Lời Chúa Năm B nói chung và bài Phúc Âm (theo Thánh ký Mathêu bao gồm cả công thức làm phép rửa tội) của năm này nói riêng thì hình như Phụng Vụ Lời Chúa Năm C hôm nay dường như không rõ ràng về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi bao nhiêu, hay nếu có thì cũng lờ mờ làm sao ấy, cần phải suy diễn mới thấy.

 

Đúng thế, ở Bài Đọc 1, nội dung về đức khôn ngoan thần linh là nguyên lý có từ nguyên thủy, có trước tất cả mọi sự như chính Đức Khôn Ngoan tự bày tỏ ở Bài Đọc 1 cho thấy, trước hết và trên hết có thể hiểu về Ngôi Con hay ám chỉ Ngôi Lời: "Ngay từ ban đầu đã có Lời, Lời ở cùng Thiên Chúa... Người hiện diện nơi Thiên Chúa ngay từ ban đầu. Nhờ Người mà tất cả mọi sự mới có" (Gioan 1:1-3). 

 

"Ðây sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa phán: 'Chúa đã tạo thành nên ta là đầu sự việc của Người, trước cả những sự việc Người đã làm rất xa xưa. Ta đã được thiết lập tự thuở đời đời, ngay tự đầu tiên, khi địa cầu chưa sinh nở. Ta đã được sinh thành khi chưa có vực sâu, khi chưa từng có những dòng suối nước. Trước khi Chúa củng cố những ngọn núi cao, trước khi có những quả đồi, ta đã sinh ra rồi. Khi Người chưa tạo tác địa cầu, đồng ruộng, cũng chưa tạo nên hạt bụi đầu tiên của cõi trần ai. Khi Người xếp đặt muôn cõi trời, có ta ở đó, khi Người vạch ra vòng đai trên mặt vực sâu, khi Người định chỗ cho mây trời trên cõi cao xa, và những suối nước tự vực sâu vọt lên mạnh mẽ, khi Người đặt cương giới cho biển cả để nước đừng có vượt quá cõi bờ, khi Người đặt nền tảng cho trái đất, bấy giờ ta làm việc ở sát bên Người. Và mọi ngày ta làm cho Người sung sướng, luôn luôn nhàn du ở trước nhan Người. Ta nhàn du trên quả địa cầu, và gặp thấy hạnh phúc ở giữa con cái loài người".

 

Bài Đáp Ca lại càng không thấy mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi hay mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa đâu, qua những nhận thức thần linh liên quan trực tiếp đến loài người và gián tiếp tới Đức khôn ngoan thần linh, nhưng vẫn lờ mờ cho thấy Ngôi Cha nơi vai trò tạo dựng của một vị Thiên Chúa như sau:

 

1) Khi con ngắm cõi trời, công cuộc tay Chúa tạo ra, vầng trăng và muôn tinh tú mà Chúa gầy dựng, thì nhân loại là chi mà Chúa nhớ tới? con người là chi mà Chúa để ý chăm nom?

2) Chúa dựng nên con người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức con người bằng danh dự với vinh quang; Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo, Chúa đặt muôn vật dưới chân con người.

3) Nào chiên, nào bò, thôi thì tất cả, cho tới những muông thú ở đồng hoang, chim trời với cá đại dương, những gì lội khắp nẻo đường biển khơi.

 

Bài Đọc 2 có vẻ rõ ràng về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa hơn một chút, ở vai trò đối ngoại của từng ngôi trong Ba Ngôi. Trước hết là Ngôi Con là Đấng tỏ mình ra như mạc khải thần linh của Thiên Chúa Ngôi Cha, liên quan đến "đức tin công chính hóa", để làm cho loài người đến cùng Cha, nhận biết Cha mà hiệp thông thần linh với Cha: "Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng cho chúng ta dùng đức tin mà tiến đến ân sủng, và đứng vững ở đó, và được hiển vinh trong niềm hy vọng vinh quang của con cái Chúa".

 

Sau nữa là Thánh Linh liên quan đến "lòng mến Chúa", một "lòng mến Chúa được Thánh Thần, Ðấng ban cho chúng ta, đổ xuống lòng chúng ta", đúng như vị tông đồ dân ngoại này đã từng nói trước đó trong Thư Roma: "Thiên Chúa tuôn đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần là Đấng được Ngài ban cho chúng ta" (Roma 5:5), nhờ đó những ai đã nhận biết Chúa Cha nhờ tin Chúa Kitô được "hiệp nhất nên một như Chúng Ta là một" (Gioan 17:22).

 

Image result for the God trinity

 

Sau hết, trong Bài Phúc Âm, cho dù nội dung khó hiểu và dường như chỉ nhấn mạnh đến vai trò duy nhất của Thánh Linh Ngôi Ba, mầu nhiệm Ba Ngôi vẫn được mạc khải hết sức thâm sâu và trọn vẹn ở câu Chúa Giêsu khẳng định cuối bài Phúc Âm hôm nay: "Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy (hay "thuộc về Thày" theo một bản dịch tiếng Anh), vì thế Thầy đã nói: Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con".

 

Ở đây, theo lời Chúa Giêsu mạc khải về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trong câu Phúc Âm vừa rồi, chúng ta thấy trước hết "Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy", ở chỗ Ngôi Con là Chúa Kitô quả thực "là phản ảnh vinh quang Cha, là hiện thân đích thực của bản thể Cha" (Do Thái 1:2). Sau nữa, "Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con", ở chỗ Thánh Thần là "Đấng chính Thày từ Cha sai đến với các con" (Gioan 15:26), "Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra" (Kinh Tin Kính của Giáo Hội Công giáo Roma).

 

 

Để có thể phần nào hiểu được mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cũng là mầu nhiệm Ba Ngôi Một Chúa, chính Mạc Khải Thánh Kinh đã cống hiến cho chúng ta hình ảnh thần linh như thế này: "Thiên Chúa là ánh sáng" (1Gioan 1:5). "Thiên Chúa là ánh sáng" đây chẳng những nói lên chính bản tính thần linh của Thiên Chúa là "tự hữu, hiện hữu" (Xuất Hành 3:14), ở chỗ không một tác nhân nào tạo nên ánh sáng mà ánh sáng tạo nên mọi sự, mà còn cho thấy mầu nhiệm một Thiên Chúa có Ba Ngôi: Ngôi Cha là Ánh Sáng Sự Sống (nguyên chữ "Cha" mà thôi tự nó đã ám chỉ "sự sống" hay hàm nghĩa "sự sống" hoặc "nguồn sống"), Ngôi Con là Ánh Sáng Chiếu Soi (nên trong 3 Ngôi loài người chỉ thấy Lời Nhập Thể và Vượt Qua, Đấng là "ánh sáng thật soi chiếu mọi người đã đến trong thế gian" - Gioan 1:9), và Thánh Linh là Ánh Sáng Năng Lực (nên mới tuyên xưng Ngài "là Đấng ban sự sống" và Ngài Hiện Xuống dưới hình lưỡi lửa).

 

Vì "ánh sáng" tự bản chất là "sáng tỏ", là "tỏ hiện", bằng không "ánh sáng" không phải là hay không còn là "ánh sáng", nên "ánh sáng" tự bản tính tự nhiên của mình không thể nào không chiếu soi mà còn là ánh sáng.

 

Bởi thế "Thiên Chúa là ánh sáng" luôn sáng tỏ, theo nghĩa nội tại "Lời hằng ở nơi Thiên Chúa" (Gioan 1:1) và "tất cả những gì Cha có đều thuộc về Thày (hay) đều ở nơi Thày" (Gioan 16:15), ở chỗ Người là "ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành" (Kinh Tin Kính), nói theo ngôn ngữ thần học thì Con được nhiệm sinh từ Cha, và luôn chiếu sáng theo nghĩa ngoại tại là Con được Cha sai để Con "tỏ Cha ra" (Gioan 1:18).

 

Và "Thiên Chúa là ánh sáng", vì tự bản chất "ánh sáng" luôn sáng tỏ, hoàn toàn sáng tỏ chính nơi Thiên Chúa Ngôi Con "là phản ánh vinh quang Cha" (Do Thái 1:3), mà theo nghĩa nội tại, Thánh Thần mới là Ngôi "bởi Cha và Con mà ra", theo ngôn ngữ thần học tức là được nhiệm xuất từ cả Cha lẫn Con, (chứ không phải chỉ "bởi Cha" theo Kinh Tin Kính của Giáo Hội Chính Thống Đông phương); chưa hết, đối ngoại, "Thiên Chúa là ánh sáng" tự mình phải là một thần lực vô cùng sinh động và sinh động bất tận, và thần lực sinh động bất tận này được gọi là Thần Linh - "Thiên Chúa là Thần Linh" (Gioan 4:24), "Đấng ban sự sống", "ánh sáng sự sống" (Gioan 8:12).

 


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL