SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO
Phụng Vụ Lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu Năm C
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
DẪN NHẬP
Lễ Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Kitô (Corpus Christi theo tiếng Latinh), theo chiều hướng canh tân phụng vụ từ Công Đồng Chung Vaticanô II, đã được Giáo Hội sắp xếp vào thời điểm Thứ Năm sau Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi, nhưng thường chỉ có ở Tòa Thánh Rôma và trong các dòng tu mới cử hành đúng ngày, còn các giáo phận trên thế giới mừng Lễ Trọng này vào Chúa Nhật sau đó để giáo dân có thể tham dự một cách đông đảo vào mầu nhiệm yêu thương của Mình Máu Thánh Chúa Giêsu này. Ngoài ra, Giáo Hội còn có truyền thống Kiệu Thánh Thể vào ngày Lễ Trọng Mình Máu Thánh Chúa này nữa, do chính Đức Thánh Cha chủ sự, từ Đền Thờ Thánh Gioan Laterano đến Đền Thờ Đức Bà Cả cách nhau không bao xa, và cuộc Kiệu Thánh Thể được kết thúc bằng Phép Lành Thánh Thể.
Lễ Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Kitô là một trong ba lễ trọng được Giáo Hội chính thức thiết lập căn cứ vào mạc khải tư, thứ tự như sau:
Trước hết là Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, một lễ có liên quan đến Thánh Juliana of Liège (người Bỉ, 1192-1258), một thị kiến nhân, trong vòng 20 năm âm thầm, đã từng thấy hình ảnh Giáo Hội như là một vầng trăng tròn có một vết đen như thể ám chỉ Giáo Hội còn thiếu Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, và trong thị kiến lần đầu tiên vào năm 1208 chị đã được yêu cầu xin Giáo Hội thiết lập Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô này. Vào năm 1264, Đức Thánh Cha Urbanô IV đã thiết lập Lễ Trọng này cho chung Giáo Hội hoàn vũ và chỉ định mừng vào Thứ Năm sau Lễ Hiện Xuống, nhưng quyết định của ngài đã bị đình trệ và chỉ được công bố bởi Đức Thánh Cha Gioan XXII vào năm 1317, sau đó Đức Thánh Cha Piô V (1504-1572) đã chuyển Lễ này vào Thứ Năm sau Chúa Nhật Chúa 3 Ngôi.
Sau nữa là Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, hiện được Giáo Hội cử hành vào Thứ Sáu sau Thứ Năm Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô một tuần, một lễ đặc biệt liên quan đến Thánh Margarita Maria Alacoque (người Pháp, 1647-1690), và là một lễ đã được Đức Thánh Cha Piô IX thiết lập vào năm 1856 như là một lễ buộc trong toàn thể Giáo Hội hoàn vũ và được cử hành vào Thứ Sáu sau Tuần Bát Nhật từ Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô.
Sau hết là Lễ Lòng Thương Xót Chúa, đặc biệt liên quan đến mạc khải tư của Chúa Giêsu với Chị Thánh Faustina (người Balan, 1905-1938), một lễ được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thiết lập vào ngày lễ phong hiển thánh cho nữ sứ giả của Lòng Thương Xót Chúa này, 30/4/2000, và được cử hành vào Chúa Nhật II Phục Sinh, đúng như ý muốn của Chúa Giêsu.
Lễ Mình Thánh Máu Thánh Chúa Kitô tự bản chất có liên quan đến Thứ Năm Tuần Thánh là chính thời điểm trong phụng niên Giáo Hội tưởng niệm việc Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Thế nhưng, trong phụng vụ lời Chúa của chính ngày về Thánh Thể của Tuần Thánh này, nhất là bài Phúc Âm, được Giáo Hội cố ý chọn đọc của Thánh ký Gioan, lại chỉ thuật lại biến cố Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ mà thôi, chứ không hề đả động gì tới chính việc Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể, ngoại trừ ở trong bài đọc 2 từ Thư 2 Corinto của Thánh Phaolô (11:23-26).
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
Bài Ðọc I: St 14, 18-20
"Ông mang bánh và rượu tới".
Trích sách Sáng Thế.
Trong những ngày ấy, Melkixêđê là vua thành Salem, đem bánh và rượu tới, vì ông là thượng tế của Thiên Chúa Tối Cao, ông chúc phúc cho Abram rằng: "Xin Thiên Chúa Tối Cao và Ðấng tạo thành trời đất chúc phúc cho Abram, và đáng chúc tụng thay Thiên Chúa Tối Cao, vì nhờ Người che chở, quân thù đã rơi vào tay ông". Và Abram dâng cho ông một phần mười tất cả chiến lợi phẩm.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 109, 1. 2. 3. 4
Ðáp: Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Melkixêđê (c. 4bc).
Xướng: 1) Thiên Chúa đã ban bố cùng Chúa tôi rằng: "Con hãy ngồi bên hữu Ta, cho tới khi Ta bắt quân thù làm bệ kê dưới chân Con". - Ðáp.
2) Ðức Thiên Chúa từ Sion sẽ phô bày vương trượng quyền bính của Ngài, rằng: "Con hãy thống trị giữa quân thù". - Ðáp.
3) "Các thủ lãnh cùng hiện diện bên Con, ngày Con giáng sinh trong thánh thiện huy hoàng: trước rạng đông, tựa hồ sương sa, Ta đã sinh hạ ra Con". - Ðáp.
4) Ðức Thiên Chúa đã thề và không hối hận rằng: "Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Melkixêđê". - Ðáp.
Bài Ðọc II: 1 Cr 11, 23-26
"Mỗi khi anh em ăn và uống anh em loan truyền việc Chúa chịu chết".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.
Anh em thân mến, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: "Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta". Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén và phán: "Chén này là Tân Ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta". Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến.
Ðó là lời Chúa.
Ca Tiếp Liên
"Lauda Sion: Hỡi Sion, Hãy Ngợi Khen"
Trước Alleluia, có thể hát hoặc đọc Ca Tiếp Liên này, tất cả hoặc từ câu 21 ("Này đây bánh") cho đến hết.
1. Hỡi Sion, hãy ngợi khen Ðấng cứu độ ngươi, Ðấng lãnh đạo và mục tử của ngươi / với những bài vãn và những khúc ca!
2. Ngươi có sức chừng nào, hãy rán ngợi khen chừng nấy, vì Người vĩ đại hơn mọi lời khen ngợi, và ngươi cũng không đủ sức ngợi khen Người.
3. Ðề tài của sự ngợi khen đặc biệt, đó là bánh sống và tác thành sự sống, ngày hôm nay đã đặt ra cho ngươi.
4. Ðó là bánh mà trên bàn tiệc thánh, cho đoàn thể mười hai người anh em, Chúa đã ban tặng chẳng khá nghi ngờ.
5. Hãy xướng lên lời ca khen ngợi đầy đủ, lời ca hoan hỉ và râm ran, tâm thần hãy vui mừng rạng rỡ!
6. Vì đây là ngày trọng thể, ngày kỷ niệm bàn tiệc thánh / lần đầu tiên được thiết lập ra.
7. Tại bàn tiệc này của Ðấng Tân Vương, lễ Vượt Qua mới theo luật pháp mới / chấm dứt lễ Vượt Qua của thời đại cũ.
8. Lễ nghi cũ nhường chỗ cho sự thực; đêm tối tăm nhường chỗ cho sự sáng sủa.
9. Ðiều mà Chúa Kitô đã làm trong bữa tiệc ly, thì Người đã ra lệnh cho thực thi điều đó để nhớ lại Người.
10. Nhờ lời thánh huấn của Người dạy bảo, chúng ta làm phép cho bánh và rượu / trở nên lễ vật hy sinh ban ơn cứu độ.
11. Ðây là tín điều dạy người Kitô hữu rằng / bánh trở nên thịt Chúa, và rượu trở nên máu Người.
12. Ðiều bạn không hiểu, không xem thấy, thì đức tin mạnh mẽ xác nhận xảy ra, ngoài luật lệ thiên nhiên.
13. Dưới những hình sắc khác nhau, chúng chỉ là biểu hiệu, không còn thực chất, có ẩn nấp những thực tại cao siêu.
14. Thịt Chúa là của ăn, máu Người là thức uống, nhưng Chúa Kitô vẫn còn đầy đủ dưới mỗi sắc hình.
15. Người không bị kẻ lãnh nhận nghiền nát, không bị bẻ gẫy, không bị phân chia, nhưng Người được thiên hạ lãnh nhận toàn thân.
16. Một người lãnh nhận, ngàn người lãnh nhận, những người này cũng lãnh bằng những người kia, thiên hạ ăn thịt Người mà Người không bị tiêu hao.
17. Người lương thiện lãnh, kẻ ác nhân cũng lãnh, nhưng số phận họ không đồng đều: hoặc được sống hay là phải chết.
18. Kẻ ác nhân phải chết, người lương thiện được sống; hãy coi, cùng một của ăn như nhau, mà kết quả khác xa biết mấy.
19. Hình bánh bị vỡ, chớ khá lo âu, nhưng hãy nhớ rằng / trong miếng vỡ cũng như trong toàn thể / Chúa vẫn hiện diện đầy đủ như nhau.
20. Bản chất không hề bị bẻ vỡ, duy có biểu hiệu bị phân chia, nhưng không giảm thiểu tình trạng và dáng vóc của Ðấng ẩn dật bên trong.
21. Này đây bánh của các thiên thần, biến thành lương thực của khách hành hương; thực là bánh của những người con cái, không nên ném cho loài khuyển.
22. Bánh này đã được báo trước bằng hình ảnh, khi người ta sát tế Isaac, chiên của lễ vượt qua đã được kể ra, khi cha ông chúng ta được tặng manna.
23. Lạy Chúa Giêsu là mục thủ tốt lành, là bánh thực, xin Người thương xót, chăn nuôi và bảo vệ chúng con; xin Người ban cho chúng con nhìn thấy / những điều thiện hảo trong cõi nhân sinh.
24. Chúa là Ðấng thông biết và có thể làm nên mọi sự, Chúa nuôi dưỡng chúng con trong đời sống tạm gửi này, trên cõi cao xanh, xin cho chúng con được trở nên thực khách đồng bàn của Chúa, đồng thừa kế và đồng danh phận / với những công dân thánh của nước trời. Amen. Alleluia.
Alleluia: Ga 6, 51-52
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời". - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 9, 11b-17
"Tất cả đều ăn no nê".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân chúng về nước Thiên Chúa và chữa lành những kẻ cần được cứu chữa. Vậy khi đã xế chiều, nhóm mười hai đến thưa Người rằng: "Xin Thầy giải tán dân chúng, để họ đi vào trong các làng mạc và trại quanh đây mà trú ngụ và kiếm thức ăn, vì chúng ta đang ở nơi hoang địa". Nhưng Người nói với các ông: "Các con hãy cho họ ăn đi". Các ông trả lời: "Chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, trừ phi chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám đông này". Số đàn ông độ năm ngàn. Người nói với các môn đệ rằng: "Hãy cho họ ngồi xuống từng nhóm độ năm mươi người". Các ông đã làm như thế, và bảo tất cả ngồi xuống. Chúa Giêsu cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, nhìn lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Tất cả đều ăn no nê, và người ta thu lượm được mười hai thúng miếng vụn còn dư lại.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM CẢM NGHIỆM
Phụng Vụ Lời Chúa cho Lễ Trọng Mình Thánh Máu Thánh Chúa Giêsu hôm nay, phần Cựu Ước bao gồm Bài Đọc 1 (Khởi Nguyên) và Đáp Ca liên quan đến chức thiên chức tư tế, còn phần Tân Ước bao gồm Bài Đọc 2 (Thư 1Corinto) và Phúc Âm liên quan đến Thánh Thể.
Thiên chức tư tế ở trong Cựu Ước tuy nhiên không phải là chức tư tế cha truyền con nối trong chi tộc Levi (chi thứ 3 trong 12 chi tộc) của dân Do Thái, mà là liên quan đến vai trò của Melkixêđê, như cả Bài Đọc 1 và Bài Đáp Ca cho thấy:
"Trong những ngày ấy, Melkixêđê là vua thành Salem, đem bánh và rượu tới, vì ông là thượng tế của Thiên Chúa Tối Cao, ông chúc phúc cho Abram rằng: 'Xin Thiên Chúa Tối Cao và Ðấng tạo thành trời đất chúc phúc cho Abram, và đáng chúc tụng thay Thiên Chúa Tối Cao, vì nhờ Người che chở, quân thù đã rơi vào tay ông'. Và Abram dâng cho ông một phần mười tất cả chiến lợi phẩm".
Thiên chức tư tế liên quan đến Melkixêđê này mới là thiên chức tư tế của Chúa Kitô, và lý do tại sao thiên chức tư tế của Chúa Kitô và nơi Chúa Kitô lại liên quan đến Melkixêđê, một hình ảnh báo trước về thiên chức tư tế của Chúa Kitô, được sáng tỏ trong Bài Đáp Ca hôm nay:
1) Thiên Chúa đã ban bố cùng Chúa tôi rằng: "Con hãy ngồi bên hữu Ta, cho tới khi Ta bắt quân thù làm bệ kê dưới chân Con".
2) Ðức Thiên Chúa từ Sion sẽ phô bày vương trượng quyền bính của Ngài, rằng: "Con hãy thống trị giữa quân thù".
3) "Các thủ lãnh cùng hiện diện bên Con, ngày Con giáng sinh trong thánh thiện huy hoàng: trước rạng đông, tựa hồ sương sa, Ta đã sinh hạ ra Con".
4) Ðức Thiên Chúa đã thề và không hối hận rằng: "Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Melkixêđê".
Câu "Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Melkixêđê" được Thánh Phaolô Tông Đồ trong Thư Do Thái, đoạn 7 (1-10) đã diễn giải thêm như sau về nguồn gốc và thế giá của nhân vật huyền nhiệm, trong Cựu Ước này như sau:
"Quả vậy, ông Menkixêđê là vua Salem, là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao, đã đón gặp và chúc lành cho ông Ápraham, lúc ông này đang trên đường về sau khi bánh bại các vua. (2) Ông Ápraham đã chia cho ông Menkixêđê một phần mười chiến lợi phẩm. Trước hết, ông tên là Menkixêđê, nghĩa là 'vua công chính'; rồi ông lại là vua Salem, nghĩa là 'vua bình an'. (3) Ông không có cha, không có mẹ, không có gia phả, cuộc đời không có khởi đầu, cũng không có kết thúc. (4) Như thế là ông giống Con Thiên Chúa: mãi mãi ông vẫn là tư tế. Anh em hãy coi xem: ông Menkêxêđê cao trọng biết bao! Ông Ápraham là tổ phụ, mà cũng đã dâng cho ông một phần mười chiến lợi phẩm tốt nhất. (5) Trong hàng con cháu ông Lêvi, những ai lãnh chức tư tế, thì theo Lề Luật, được lệnh thu một phần mười hoa lợi của dân, tức là của anh em mình, mặc dù những người này cũng từ lòng ông Ápraham mà sinh ra. (6) Còn ông Menkixêđê, tuy không thuộc dòng tộc Lêvi, lại thu một phần mười chiến lợi phẩm của ông Ápraham và chúc lành cho ông là người đã nhận được lời hứa. (7) Ðiều không ai chối cãi được là chỉ người dưới mới nhận lời chúc lành của người trên. (8) Hơn nữa, một đàng các tư tế Lêvi thu một phần mười hoa lợi là những người phàm phải chết; một đàng ông Menkixêđê, người thu một phần mười chiến lợi phẩm, lại là nhân vật đang sống, như lời Kinh Thánh chứng nhận. (9) Có thể nói rằng: chính ông Lêvi, người thu một phần mười hoa lợi, cũng đã nộp một phần mười chiến lợi phẩm qua ông Ápraham, (10) vì ông còn ở trong lòng ông tổ Ápraham, khi ông Menkixêđê ra đón gặp ông này".
Vì nguồn gốc của "không có cha, không có mẹ, không có gia phả, cuộc đời không có khởi đầu, cũng không có kết thúc" của nhân vật Melkixêđê này "Như thế là ông giống Con Thiên Chúa: mãi mãi ông vẫn là tư tế", một thiên chức tư tế bẩm sinh thiên phú chỉ có nơi Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người mà thôi.
Về chính Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, ở Bài Đọc 2, Thánh Phaolô đã thuật lại chính biến cố Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể, như ngài là vị tông đồ sinh non được chính Chúa Kitô truyền lại cho biết, và trong Bài Phúc Âm Thánh ký Mathêu thuật lại biến cố Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều nuôi dân chúng lần thứ nhất, lần mà theo Phúc Âm Thánh ký Gioan, sau đó Chúa Giêsu đã nói về Bánh Sự Sống là chính bản thân Người nói chung (xem Gioan 6:35) và Huyết Nhục của Người nói riêng (xem Gioan 6:55).
Chúa Giêsu đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể "trong đêm Người bị nộp" như sau: "Anh em thân mến, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: 'Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta'. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén và phán: 'Chén này là Tân Ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta'. Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến".
Theo Thánh Phaolô thì ý nghĩa và mục đích chính yếu của việc Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích về Mình và Máu của Người là để tưởng niệm đến hy tế cứu độ của Chúa Kitô: "các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta" (một câu được Người lập lại hai lần). Đó là lý do thánh nhân đã kết luận bằng lời nhắc nhở rằng: "mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến".
Nơi phép lạ hóa bánh ra nhiều trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu cũng có những cử chỉ "cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, nhìn lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra", tương tự như khi Người thiết lập Bí Tích Thánh Thể là "Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra" (Bài Đọc 2).
Cử chỉ tiếp theo của Chúa Giêsu ngay sau đó là "phân phát cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng", một cử chỉ như ám chỉ đến vai trò thừa tác viên Thánh Thể của các tông đồ sau này, cũng như của các vị giám mục thừa kế các ngài, bao gồm cả các vị linh mục là phụ tá của các vị giám mục, vì các vị sẽ thi hành lệnh truyền của Người trong Bữa Tiệc Ly: "các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta", với chính tư cách của Người, thay Người và nhân danh Người.
"Tất cả đều ăn no nê, và người ta thu lượm được mười hai thúng miếng vụn còn dư lại". Đây là sự kiện cho thấy ý nghĩa: 1- những ai được nuôi bởi chính Chúa Kitô, nhờ nghe Lời của Người "là thần linh và là sự sống" (Gioan 6:63), như đám dân chúng trong Bài Phúc Âm hôm nay, thì bao giờ cũng được sống "sự sống viên mãn" (Gioan 10:10); 2- thế nhưng chỉ có sau khi nghe Lời Chúa rồi họ mới được ăn "Bánh Sự Sống" là chính Chúa Kitô, tức là Bánh Sự Sống là Chúa Kitô chỉ giành cho những ai tin vào Đấng "sẽ bị nộp vì các con" (Bài Đọc 2), Đấng đã "tự hiến để họ được thánh hóa trong chân lý" (Gioan 17:19), bằng cuộc tử nạn của Người, liên quan đến Mình Máu của Người.
Về Mầu Nhiệm Thánh Thể được Chúa Giêsu thiết lập trong Bữa Tiệc Ly đã xẩy ra một thực tại thần linh như thế nào, với tác dụng siêu nhiên ra sao, theo đức tin của chung Kitô giáo, nhất là của Giáo Hội Công giáo, đã được bài Ca Tiếp Liên của ngày lễ này xác tín và bày tỏ một cách chính xác và rõ ràng như sau, nhất là từ câu 9 tới câu 22:
9. Ðiều mà Chúa Kitô đã làm trong bữa tiệc ly, thì Người đã ra lệnh cho thực thi điều đó để nhớ lại Người.
10. Nhờ lời thánh huấn của Người dạy bảo, chúng ta làm phép cho bánh và rượu trở nên lễ vật hy sinh ban ơn cứu độ.
11. Ðây là tín điều dạy người Kitô hữu rằng bánh trở nên thịt Chúa, và rượu trở nên máu Người.
12. Ðiều bạn không hiểu, không xem thấy, thì đức tin mạnh mẽ xác nhận xảy ra, ngoài luật lệ thiên nhiên.
13. Dưới những hình sắc khác nhau, chúng chỉ là biểu hiệu, không còn thực chất, có ẩn nấp những thực tại cao siêu.
14. Thịt Chúa là của ăn, máu Người là thức uống, nhưng Chúa Kitô vẫn còn đầy đủ dưới mỗi sắc hình.
15. Người không bị kẻ lãnh nhận nghiền nát, không bị bẻ gẫy, không bị phân chia, nhưng Người được thiên hạ lãnh nhận toàn thân.
16. Một người lãnh nhận, ngàn người lãnh nhận, những người này cũng lãnh bằng những người kia, thiên hạ ăn thịt Người mà Người không bị tiêu hao.
17. Người lương thiện lãnh, kẻ ác nhân cũng lãnh, nhưng số phận họ không đồng đều: hoặc được sống hay là phải chết.
18. Kẻ ác nhân phải chết, người lương thiện được sống; hãy coi, cùng một của ăn như nhau, mà kết quả khác xa biết mấy.
19. Hình bánh bị vỡ, chớ khá lo âu, nhưng hãy nhớ rằng trong miếng vỡ cũng như trong toàn thể Chúa vẫn hiện diện đầy đủ như nhau.
20. Bản chất không hề bị bẻ vỡ, duy có biểu hiệu bị phân chia, nhưng không giảm thiểu tình trạng và dáng vóc của Ðấng ẩn dật bên trong.
21. Này đây bánh của các thiên thần, biến thành lương thực của khách hành hương; thực là bánh của những người con cái, không nên ném cho loài khuyển.
22. Bánh này đã được báo trước bằng hình ảnh, khi người ta sát tế Isaac, chiên của lễ vượt qua đã được kể ra, khi cha ông chúng ta được tặng manna.