THƯ PHÒNG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

 của Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương

 

NĂM ĐẠO BINH THƯƠNG XÓT 2018

 

 

"Máu và Nước chảy ra"

(Gioan 19:34)

Kính Thánh Tâm Chúa - Lễ ngày 8/6/2018 và

Mừng 30 năm (1988-2018) Hiển Thánh 117 Vị Anh Hùng Tử Đạo ở Việt Nam

 TĐCTT Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

"Máu và Nước chảy ra": mục đích và ý nghĩa

Đúng thế, chỉ từ cạnh sườn của Chúa Kitô Tử Giá mới có "máu và nước chảy ra" mà thôi. Thế nhưng:

Tại sao lại có sự kiện "máu và nước chảy ra" này? 
Sự kiện "máu và nước chảy ra" này có ý nghĩa huyền nhiệm như thế nào??


Trước hết, về lý do tại sao lại có sự kiện "máu và nước chảy ra" này, một vấn nạn đã được chính Thánh ký Gioan là vị thánh ký duy nhất trong 4 vị chẳng những ghi lại sự kiện độc đáo bất khả thiếu này mà còn cho biết cả lý do tại sao cần phải có sự kiện ấy nữa trong Phúc Âm của ngài. Chúng ta cần đọc lại cả đoạn ngài viết bao gồm sự kiện quan trọng đầy ý nghĩa này như sau:


"Hôm đó là ngày áp lễ, người Dothái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sabát, mà ngày sabát đó lại là ngày lễ lớn. Nên họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống./ Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Ðức Giêsu./ Khi đến gần Ðức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người./ Nhưng một người lính lấy giáo đâm cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra./ Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin./ Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập./ Lại có lời Kinh Thánh khác: Họ sẽ nhìn lên Ðấng họ đã đâm thâu". (Gioan 19:31-37)

 

Căn cứ vào đoạn Phúc Âm trên đây thì lý do cần phải xẩy ra sự kiện bất khả thiếu "máu và nước chảy ra" này là vì "để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập./ Lại có lời Kinh Thánh khác: Họ sẽ nhìn lên Ðấng họ đã đâm thâu" (Gioan 19:36-37). Còn một lời Kinh Thánh nữa cũng ám chỉ đến sự kiện "máu và nước chảy ra" từ cạnh sườn của Chúa Kitô Tử Giá đó là câu Thánh Kinh được Thánh ca Việt Nam hát lên rằng: "tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra", nguyên văn như sau: "Trong những ngày ấy, thiên thần dẫn tôi đến cửa nhà Chúa, và đây nước chảy dưới thềm nhà phía hướng đông, vì mặt tiền nhà Chúa hướng về phía đông, còn nước thì chảy từ bên phải đền thờ, về phía nam bàn thờ(Êzêkiên 47:1).

 

Nếu Chúa Kitô Tử Giá, khi còn sống, Người đã ví thân thể của Người như Đền Thờ Giêrusalem, một Đền Thờ Thần Linh đích thực mà Người đã thách thức thành phần lãnh đạo Do Thái giáo bấy giờ đang vặn hỏi Người về thẩm quyền Người ra tay thanh tẩy đền thờ (xem Gioan 2:18-19), thì hình ảnh trong thị kiến được Tiên tri Êzêkiên cho biết "nước thì chảy từ bên phải đền thờ" đây ám chỉ chẳng những "nước" cùng với máu sẽ chảy ra từ thân thể của Chúa Kitô, mà còn ám chỉ Người bị đâm thâu qua như thế nào nữa! Ở chỗ, Người bị đâm từ bên dưới cây thập tự giá của Người và từ bên phải cạnh sườn của Người, và lưỡi đòng ấy đã thấu tận tới con tim ở bên trái của Người, từ đó những giọt máu còn nóng ở trái tim của Người đã cùng với nước sót lại trong thân thể của Người, đã được dịp theo lưỡi đòng ấy tuôn chảy ra qua chỗ cạnh sườn bị đâm thâu của Người. 

 

Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao lại phải cần xẩy ra sự kiện "máu và nước chảy ra" từ cạnh sườn của Chúa Kitô Tử Giá đúng theo lời Kinh Thánh như thế, hay nói cách khác, tại sao Thiên Chúa lại muốn cho Con của Ngài, cho dù đã chết rồi, vẫn còn bị đâm thâu vào cạnh sườn cho "máu và nước chảy ra" như vậy? Nếu Người đã chết rồi thì Người không còn cảm thấy đau nữa, nên có thể kể như là một cái đau "dư thừa" đối với ơn cứu chuộc mà chính Người đã tuyên bố trước khi tắt thở "Thôi đã hoàn tất" (Gioan 19:30)?? Những vấn đề được đặt ra ở đây liên quan đến chính ý nghĩa sâu xa của "nước và máu chảy ra": "Máu và nước chảy ra" là những chất liệu thể lý đây ám chỉ những gì?

 

Một chi tiết cần lưu ý đó là "máu và nước chảy ra" chỉ xuất hiện sau khi Chúa Kitô tử giá (chứ không phải khi Người còn sống). Trong khi Người còn sống thì chắc chắn không bao giờ có chuyện Người bị lưỡi đóng đâm thâu như vậy, bởi về phần loài người, quân dữ muốn Người sống để chịu khổ chứ không muốn Người chết ngay. Bởi thế họ mới cho Người uống dấm (xem Gioan 19:29; Mathêu 27:48) để Người có thể tiếp tục chịu khổ. Vả lại, mục đích của việc lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn của Người là việc hoàn toàn xẩy ra bất ngờ bởi một trong những người lính Roma, như thể người này muốn xem Người đã chết thật hay chưa: "Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Ðức Giêsu. Khi đến gần Ðức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm cạnh sườn Người". 

 

Trước hết, "máu và nước chảy ra" từ cạnh sườn Chúa Kitô Tử Giá đây ám chỉ tình trạng con người duy nhất đầu tiên được Thiên Chúa Hóa Công làm cho thiếp vào một giấc ngủ thật say, để từ chính thân thể của con người đầu tiên và duy nhất này, Ngài tạo nên một con người khác, từ con người đầu tiên và duy nhất này mà ra, nên thuộc về con người này và nên một với con người này, đó là người nữ mang danh Evà, một con người đã được con người đầu tiên và duy nhất ấy nhận biết ngay khi vừa thức giấc, chẳng cần Thiên Chúa giới thiệu, nhận ra ngay con người ở ngay trước mắt mình bấy giờ là của mình và thuộc về mình: "Cuối cùng thì đây mới thật là xương bởi xương tội, và thịt bởi thịt tôi" (Khởi Nguyên 2:23), chứ không phải loài thú vật mà chính con người đầu tiên và duy nhất nhưng cô độc này đặt tên cho ở trong Vườn Địa Đường trước đó (xem Khởi Nguyên 2:18-20). 

 

Bởi vậy, theo ý nghĩa đầu tiên của "máu và nước chảy ra" này ám chỉ Giáo Hội là Nhiệm Thể Chúa Kitô, như Evà, đã xuất phát từ phần thể cạnh sườn của con người đầu tiên và duy nhất. Nếu thực tế cho thấy bất cứ con người nào khi vào đời, tức lúc mới lọt lòng mẹ thì cũng dính đầy những máu và cần phải được tẩy rửa bằng nước thế nào thì khi Giáo Hội, Evà Mới, được hạ sinh từ cạnh sườn của Chúa Kitô, Adong Mới, cũng liên quan đến "máu và nước chảy ra" như vậy. 

 

Khi bị lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn của mình, Chúa Kitô Tử Giá không còn cảm thấy đau nữa. Tuy nhiên, bấy giờ có một người đau cái đau của Người, đau cái đau với Người và đau cái đau thay Người, đó là người Mẹ đứng dưới chân thập giá Con của mình (xem Gioan 19:25). Không ai yêu Con Mẹ bằng Mẹ, người Con duy nhất của Mẹ, Người Con bởi Chúa Thánh Thần tạo nên trong cung lòng trinh nguyên của một mình Mẹ thuần túy là loài người, nên cũng không ai đau như Mẹ vào lúc ấy, lúc lâm bồn sinh con của thân phận người nữ, lúc Mẹ thực hiện vai trò Đồng Công Cứu Chuộc của mình trong việc hạ sinh ra chung loài người trong Chúa Kitô và riêng Giáo Hội là Nhiệm Thể Chúa Kitô. 

 Image result for luke 2:35

 

Chính Giáo Hội, qua Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI đã tuyên nhận Đức Maria là Mẹ của Giáo Hội - Mater Ecclesiae vào ngày 21/11/1964 ngay giữa Công Đồng Chung Vaticanô II, khi ban hành Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội là "Ánh Sáng Muôn Dân - Lumen Gentium". Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã cụ thể hóa việc tôn kính của toàn thể Giáo Hội đối với Người Mẹ của Giáo Hội này bằng cách thiết lập Lễ Mẹ Giáo Hội vào ngày Thứ Hai ngay sau Chúa Nhật Đại Lễ Thánh Thần Hiện Xuống hằng năm của Giáo Hội, bắt đầu từ Năm 2018. 

 

Như thế, nếu Giáo Hội là Nhiệm Thể của Chúa Kitô được hạ sinh từ cạnh sườn của Chúa Kitô khi "máu và nước chảy ra", thì "máu" ám chỉ Giá Cứu Độ của Chúa Kitô, "vị trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người" (1Timôthêu 2:5), còn "nước" ám chỉ nước mắt đau thương của Mẹ Người, một Người Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc của Người và với Người.

 

Sự kiện "máu và nước chảy ra" từ cạnh sườn bên phải của Chúa Kitô còn mang một ý nghĩa sâu xa nữa, đó là ý nghĩa về Lòng Chúa Xót Thương và về nỗi khốn khổ của con người: "Misericordia et Misera" (ĐTC Phanxicô - Tông Thư kết thúc Năm Thánh Thương Xót 2016, ban hành ngày 20/11/2016). Trái tim được Thiên Chúa cố ý tạo dựng nên nằm ở lồng ngực bên trái, mà bên trái ám chỉ cảm thông, vượt trên những gì là công bình (ám chỉ bên phải, những gì là đúng sai), theo lý lẽ của trí khôn: "Lòng thương xót thắng vượt phán quyết" (Giacôbê 2:14). Thánh Giá chính là dấu chỉ sống động nhất và thuyết phục nhất cho thấy Lòng Chúa Xót Thương đã thắng vượt công lý thưởng phạt của Ngài, hay nói đúng hơn, chính Lòng Chúa Xót Thương là luật trừ tối hậu đối với Công Lý của Thiên Chúa, thậm chí chính Lòng Chúa Xót Thương là những gì bù đắp Công Lý của Ngài, đến độ, có thể nói Công Lý của Thiên Chúa, nơi Chúa Kitô Tử Giá, chính là Lòng Chúa Xót Thương! 


"Máu và nước chảy ra" từ cạnh sườn của Chúa Kitô bấy giờ sẽ không thể nào xẩy ra nếu không bị lưỡi đòng đâm vào, và cả hai chất liệu của một than thể đã chết đây đã từ đó và nhờ đó tuôn ra qua cái lỗ do lưỡi đòng đâm vào, nhất là càng tuôn tràn khi lưỡi đòng được rút ra khỏi cạnh sườn Người. Nếu lưỡi đòng đây ám chỉ tội lỗi của loài người xúc phạm đến Chúa, một xúc phạm khủng khiếp và hung ác đến độ còn dám hành hạ một cái xác chết vô hồn, thì phải chăng máu cứu độ và nước sự sống cho thấy ân sủng, cho thấy Thiên Chúa đáp lại (đúng hơn lợi dụng) tội lỗi của con người bằng ân sủng vô biên của Ngài. Đó là lý do sự kiện "máu và nước chảy ra" từ cạnh sườn của Chúa Kitô bởi lưỡi đòng đâm vào còn àm chỉ rằng: "Bất chấp tội lỗi có gia tăng thì ân sủng còn tràn đầy hơn thế nữa" (Roma 5:20).

"Máu" được kể đến trước "nước". "Máu và Nước chảy ra" gợi lại lịch sử biến cố Vượt Qua của dân Do Thái khỏi Ai Cập: máu bôi lên cửa nhà dân Do Thái (xem Xuất Hành 12:13) và nước biển đỏ mà dân Do Thái vượt qua (xem Xuất Hành 14:21-22), một biến cố vượt qua lịch sử báo trước và hướng về Cuộc Vượt Qua tối hậu của chung loài người nơi Chúa Kitô, từ Tử Nạn ("Máu") đến Phục Sinh ("Nước" ám chỉ Thần Linh liên quan đến việc con người "được tái sinh bởi trên cao" "bởi nước và Thần Linh" - Gioan 3:3,5). Như thế, "máu và nước chảy ra" từ cạnh sườn của Chúa Kitô tử giá chẳng những ám chỉ một Giáo Hội được hạ sinh mà còn liên quan đến mầu nhiệm loài người được tái sinh trong Chúa Kitô Vượt Qua nữa. Và vì thế Đức Maria Đồng Công Cứu Chuộc chẳng những là Mẹ của Giáo Hội mà còn là Mẹ của loài người nữa.

 

"Máu và Nước chảy ra" từ cạnh sườn của Chúa Kitô, còn có một ý nghĩa nữa, ý nghĩa ám chỉ sứ vụ cứu độ của Giáo Hội, một thực thể được Chúa Kitô thiết lập để làm chứng nhân cho Người và là thừa tác viên cứu độ của Người, thánh phần thực hiện sứ vụ tiếp nối và kéo dài công cuộc cứu độ của Chúa Kitô, "Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần - Redemptor Hominis" (Thông Điệp đầu tay của ĐTC GPII ban hành ngày 4/3/1979), để mang ơn cứu độ vô giá của Người "cho tất cả mọi tạo vật" (Marco 16:16) và "cho đến tận thế" (Tông Vụ 1:8), một ơn cứu độ liên quan đến việc Thiên Chúa là tình yêu vô cùng nhân hậu luôn sẵn sàng tha thứ tội lỗi của con người, cũng như liên quan đến lòng ăn năn thống hối của con người. 

 

Bởi thế mà ngay vào lần hiện ra thứ nhất với thành phần môn đệ nồng cốt tông đồ, Chúa Kitô Phục Sinh đã thực hiện những gì liên quan đến ơn tha tội và lòng thống hối như sau: 1- Ơn tha tội của Thiên Chúa: "thở hơi trên các vị mà phán: 'Các con hãy nhận lấy Thánh Linh. Các con cầm tội ai thì tội của người ấy bị cầm lại, các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha'" (Gioan 20:22-23); 2- Lòng thống hối của con người: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Ðấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này" (Luca 24:46-48). 

 

"Máu và nước chảy ra" qua giòng lịch sử nhân loại

 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, suốt giòng lịch sử của Giáo Hội, "máu và nước chảy ra" từ cạnh sườn của Chúa Kitô vẫn liên lỉ diễn tiến không ngừng nghỉ ở khắp mọi nơi trên thế giới bất cứ ở chỗ nào có sự hiện diện của Giáo Hội Chúa Kitô qua các vị anh hùng tử đạo thuộc mọi dân nước. Bởi vì, "tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ các con như vậy" (Gioan 15:20), hay nói cách khác, nếu Thày bị họ lấy lưỡi đòng mà đâm vào cạnh sườn của Thày thì các con cũng bị đâm như vậy, để "máu và nước" tiêu biểu cho Ơn Cứu Độ vô giá và vô cùng của Thày được "chảy ra", qua Bí Tích Thánh Tẩy là bí tích tha tội ("máu") cũng là bí tích tái sinh ("nước"). 

 

Cũng có thể nói, nếu Giáo Hội được hạ sinh từ cạnh sườn Chúa Kitô tử giá khi "máu và nước chảy ra" thì thành phần môn đệ của Chúa Kitô nói chung, nhất là thành phần sống thân mật với Người, nên một với Người, theo gương mẫu của Người Mẹ Đồng Công đứng dưới chân Thánh Giá Chúa Kitô, đến độ dám sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để làm chứng cho Người vì phần rỗi của tha nhân, nhất là của những ai bắt bớ, hành hạ và tàn sát mình, chính là "máu và nước chảy ra" từ cạnh sườn Chúa Kitô Tử Giá vậy. 

 

Thập giá đẫm máu trên Đất Việt thật sự đã bắt đầu xẩy ra từ khi Kitô giáo mới từ Âu Châu truyền sang một đất nước lạc hậu vừa sùng Phật giáo lẫn Khổng giáo, được khoảng 100 năm. Thời kỳ Thập Giá đẫm máu trên đất Việt kéo dài trên 200 năm, ước tính có đến 130 ngàn vị tử đạo, trong đó có 11 vị Tây Ban Nha, 10 vị Pháp quốc, và 96 vị Việt Nam (37 linh mục, 16 thày giảng, 1 chủng sinh và 42 giáo dân), và trải qua các vương triều khác nhau: 2 vị vào thời Chúa Trịnh Doanh (1740-1767), 2 vị vào thời Chúa Trịnh Sâm (1767-1782), 2 vị thời Vua Cảnh Thịnh (1782-1802), 58 vị thời Vua Minh Mạng (1820-1840), 3 vị thời Vua Thiệu Trị, và 50 vị thời Vua Tự Đức (1847-1883), một thành phần tử đạo đã phải trải qua các cực hình sát hại dã man như bị trảm quyết mất đầu (76 vị), bị xử giảo treo cổ (21 vị), bị tra tấn đến chết rũ tù (9 vị), bị thiêu sống (6 vị), bị lăng trì cắt da xẻo thịt (5 vị).

Image result for 117 vietnamese martyrs

Tuy nhiên, ngay trong chính Giáo Hội Chúa Kitô, "máu và nước chảy ra" từ cạnh sườn của Chúa Kitô không phải chỉ gây ra do bởi lực lượng trần gian tấn công và sát hại con cái của Giáo Hội, mà còn bởi chính con cái của Giáo Hội trở thành những tay hung thủ gây ra cho chính Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần của mình. Đó là lý do, ngay vào đầu thế kỷ 20, thế giới Kitô giáo Âu Châu, cái nôi của Kitô giáo, nơi đã gieo vãi hạt giống đức tin khắp thế giới từ thế kỷ 16, nay trở thành một thế giới từ duy lý và duy nghiệm đến duy vật và vô thần, đến độ "lộng ngôn, phạm thánh và thờ ơ lãnh đạm" đối với Vị Chúa của mình đang thực sự hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể.

 

Đó là lý do, ngay trong Thế Chiến Thứ I xẩy ra ngay trong lòng thế giới Kitô giáo Âu Châu, Mẹ Maria từ trời đã phải hiện ra ở Fatima 6 lần liền, từ Tháng 5 đến hết tháng 10/1917, để chẳng những thiết tha kêu gọi con cái Giáo Hội: "Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi" (13/10/1917), bởi những tội đặc biệt là "lộng ngôn, phạm thánh và thờ ơ lãnh đạm" (Thiên Thần Hòa Bình dạy 3 Thiếu Nhi Fatima thụ khải vào Mùa Thu năm 1916), những tội thật sự đã làm cho "máu và nước chảy ra" nhưng cũng là dịp để "ân sủng và tình thương" của Chúa được tỏ hiện hơn bao giờ hết.

 

Và đó cũng là lý do tại sao Thiếu Nhi Fatima thụ khải còn sống sót duy nhất là Nữ Tu Lucia, vào đêm 13/6/1929, đã được thị kiến thấy cả nhà nguyện vào lúc nửa đêm khi chị đang làm giờ Thánh ấy bừng sáng, không còn lờ mờ với ngọn đèn chầu nhà tạm nữa. Chị thấy xuất hiện một thánh giá bằng ánh sáng hiện ra trên bàn thờ cao lên tới trần nhà nguyện. Phần trên của cây thánh giá sáng hơn, có dung nhan cùng với thân mình của một người từ cạnh sườn trở lên; trên ngực của người này có một con chim câu bằng ánh sáng; bị đóng đanh vào thập giá là thân mình của một người khác. 

 Image result for the fatimA last vision

Dưới cạnh sườn chút xíu, có một chén thánh và một bánh thánh lớn lơ lửng trên không trung. Những giọt máu từ mặt của Chúa Giêsu Tử Giá và từ cạnh sườn của Người chảy xuống bánh thánh và nhỏ vào chén thánh. Bên phải cây thánh giá là Đức Mẹ với Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội ở trong tay Mẹ. Bên trái cây thánh giá có những chữ lớn như thể bằng nước trong như thủy tinh chảy xuống trên bàn thờ làm thành những chữ: "Ân Sủng và Tình Thương".

 

Phải chăng những giọt máu từ mặt của Chúa Giêsu Tử Giá và từ cạnh sườn của Người chảy xuống bánh thánh và nhỏ vào chén thánh trong thị kiến cuối cùng của Biến Cố Thánh Mẫu Fatima này ám chỉ những tội lộng ngôn và phạm thánh của thành phần Kitô hữu bị phá sản đức tin (ám chỉ nơi máu chảy từ mặt Chúa), và tội thờ ơ lãnh đạm của thành phần Kitô hữu nói chung và tu trì nói riêng đã bị khủng hoảng đức mến do đức tin trở nên yếu kém (máu chảy từ cạnh sườn của Chúa)?!?

 

Có thể vì thế mà Thiên Chúa đã muốn thanh tẩy Kitô giáo bằng đường lối vô cùng thích đáng với Lòng Thương Xót của Ngài, thật hiệu nghiệm của Ngài và vào đúng thời điểm của Ngài, một thời điểm dường như đang ứng nghiệm đúng như phần 3 của Bí Mật Fatima là bí mật được Mẹ Maria tiết lộ cho 3 Thiếu Nhi Fatima thụ khải biết vào lần hiện ra thứ ba ngày 13/7/1917, phần bí mật cho thấy một đoàn Kitô hữu có một đức tin mãnh liệt và bất khuất đến độ đã leo lên tới đỉnh một ngọn núi dốc đứng, trên đó có một Cây Thánh Giá khổng lồ, nơi các vị đang quì cầu nguyện thì bất ngờ tất cả đã bị một đám lính xuất hiện tàn sát chết hết, để rồi máu tử đạo của các vị đã được hai vị thiên thần ở hai bên cánh Thánh Giá thu lại vẩy lên những ai thành tâm tìm kiếm Chúa, tức mang lại cho "các linh hồn cần đến lòng thương xót Chúa hơn" như họ ơn cứu độ, nhờ "máu và nước chảy ra" từ cạnh sườn của Người là đoàn Kitô hữu theo Người tới cùng ấy.

 Image result for the vision of the third part of fatima's secret

 

Đoàn Kitô hữu ấy, theo Thiếu Nhi Fatima thụ khải còn sống sót thuật lại trong bức thư đệ trình Đức Giám Mục địa phương từ đầu thập niên 1940, và là bức thư được vị giám mục này gửi về Tòa Thánh từ cuối thập niên 1950, ở trong mật hàm của Tòa Thánh, cho đến khi hoàn toàn được công bố cho cả Giáo Hội biết tất vả nội dung của nó vào ngày 26/6/2000, có nhân vật chính là "vị giám mục mặc áo trắng", ám chỉ Đức Giáo Hoàng cũng là Giám Mục Roma. 

 

Và trùng hợp thay, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, khi bị ám sát ở Quảng Trường Thánh Phêrô vào ngày 13/5/1981, đúng ngày Đức Mẹ hiện ra 64 năm trước ở Fatima, cũng đang mặc áo trắng. Và chỉ sau khi bị ám sát mà không chết, vị giáo hoàng xuất thân "từ một xứ sở xa xăm" (lời ngài ngỏ cùng dân Chúa ngày 16/10/1978 sau khi được bầu làm giáo hoàng) là một đất nước Balan cộng sản (cách Roma hơn 2 ngàn cây số), ngài mới đọc phần 3 của Bí Mật Fatima, và ngài nhận thấy thị kiến này ứng nghiệm nơi trường hợp ngài là "vị giám mục mặc áo trắng" bị ám sát ấy. 

 

Image result for pope john paul ii was shot in May 13 1981

Thế nhưng, cũng nhờ "máu và nước chảy ra" từ cạnh sườn của Chúa Kitô tử giá nơi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mà ngài đã trở thành dụng cụ, qua việc ngài đáp ứng yêu cầu của Trời Cao hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ maria vào ngày 25/3/1984, để Thiên Chúa chẳng những giải thể khối cộng sản Âu Châu, qua biến cố Đông Âu sụp đổ hoàn toàn bất ngờ, nhanh chóng, lại bất bạo động một cách lạ lùng vào hạ bán năm 1989, bắt đầu từ Balan là quê hương của ngài, mà còn giải thể cả khối cộng sản Liên Bang Sô Viết vào chính ngày Lễ Giáng Sinh 25/12/1991. 

 

Từ đó, thế giới đã thực sự tiến vào một giai đoạn lịch sử mới, không còn ở trong tình trạng chiến tranh lạnh (cold war) giữa khối cộng sản do Liên Sô lãnh đạo và khối tư bản do Hoa Kỳ chủ chốt. Và đó là giai đoạn được Đức Mẹ báo trước ở cuối phần hai Bí Mật Fatima ngay trước phần ba của bí mật này, đó là giai đoạn "thế giới sẽ được hưởng một thời gian hòa bình", câu tiên báo ở cuối của một lời đại tiên báo: "Cuối cùng, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng. Đức Thánh Cha sẽ hiến dâng Nước Nga cho Mẹ, Nước Nga sẽ trở lại và thế giới sẽ được một thời gian hòa bình".

 

"Thời gian hòa bình" mà "thế giới được hưởng" thời hậu cộng sản này kéo dài bao lâu? Tuy Đức Mẹ chỉ nói trống, không cho biết rõ mấy năm hay mấy chục năm hay mấy trăm năm, nhưng lịch sử đã rành rành cho thấy chỉ vỏn vẹn có 10 năm, từ năm 1991 khi Nước Nga trở lại, cho đến ngày 11/9/2001, khi đệ nhất cường quốc Hoa Kỳ bị khủng bố tấn công ngay giữa thanh thiên bạch nhật vào hai trụ sở quan trọng nhất tiêu biểu cho Nước Mỹ đó là Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới (cơ quan đầu não về kinh tế và thương mại) và Ngũ Giác Đài (cơ quan đầu não về chính trị và quân sự).

 

Hiện nay, từ biến cố 911 ấy, thế giới càng ngày càng biến loạn hơn bao giờ hết, với các cuộc khủng bố khắp nơi, nhất là ở Âu Châu, thế giới Tây phương Kitô giáo đã bị tục hóa theo chiều hướng tương đối hóa duy nhân bản của "tên lăng loàn - lawlessness / lawlessone (xem 2Thessalonica 2:3) là hiện tượng cần phải xẩy ra như dấu báo "ngày của Chúa" (2Thessalonica 2:2), ngày cùng tháng tận. Và nếu "đây là thời điểm thương xót" như Đức Giáo Hoàng Phanxicô cảm nhận thì phải chăng "máu và nước chảy ra" từ cạnh sườn của Chúa Kitô Tử Giá càng phải tuôn tràn hơn bao giờ hết, vì tội càng tràn lan thì phúc càng ngập lụt (xem Roma 5:20). 

 

Image result for sept 11

Đúng thế, nếu không bị lưỡi đòng bất ngờ đâm vào thấu tim thì chẳng bao giờ xẩy ra sự kiện "máu và nước chảy ra" từ cạnh sườn của Chúa Kitô Tử Giá nhờ lưỡi đòng chọc vào khơi mở thế nào thì Lòng Chúa Xót Thương càng bị tội lỗi của loài người như lưỡi đòng đâm thẳng vào Tình yêu vô cùng nhân hậu của Ngài lại càng được cơ hội tuôn tràn Lòng Thương Xót của Ngài như vậy.

 

Nếu "máu và nước" ám chỉ Ơn Tha Thứ ("máu") và Thánh Hóa ("nước") "chảy ra" từ cạnh sườn của một Chúa Kitô đã chết, (chứ không phải sắp chết hay còn sống), đã hoàn tất công ơn cứu chuộc của Người, thì Ơn Tha Thứ và Thánh Hóa này cần phải được thông ban, cần phải được "chảy ra" từ chính trái tim là biểu hiệu cho Tình Yêu vô cùng nhân hậu của Người, nhờ một phương tiện nào đó, chẳng hạn bằng các Bí Tich Thánh, đầu tiên là Bí Tích Thánh Tẩy, hay chẳng hạn bằng chính tội lỗi của con người, được tiêu biểu nơi hình ảnh "lưỡi đòng" đâm vào Người, hoặc bằng chính lòng tin tưởng của những tâm hồn nguyện cầu cùng Lòng Chúa Xót Thương cho phần rỗi vô cùng quan trọng của "các linh hồn cần đền Lòng Thương Xót Chúa hơn".  

 

Thật vậy, trong Nhật Ký của Chị Thánh Faustina, vị sứ giả của Sứ Điệp Lòng Chúa Xót Thương đã ghi lại của Chúa Giêsu về tác dụng vô cùng thần lực của Chuỗi Thương Xót Người dạy cho chị đọc, một Chuỗi Kinh làm "khuấy động" Lòng Thương Xót của Chúa, một Chuỗi Kinh như thể "lưỡi đòng" đâm vào trúng Lòng Thương Xót của Chúa, Đấng không thể nào không đáp ứng và thông ban phần rỗi cho "chúng con và toàn thế giới":

 

"Ôi, Cha sẽ ban các ơn cao trọng biết bao cho những linh hồn lần chuỗi kinh này; tận đáy tình thương nhân ái của Cha sẽ được khuấy động lên vì những linh hồn lần chuỗi kinh này. Hãy viết ra những lời này, hỡi con gái của Cha. Hãy nói với thế giới về tình thương của Cha; tất cả loài người hãy nhận biết tình thương vô hạn của Cha. Đó là dấu hiệu cho  thời gian cuối cùng; sau đó sẽ là ngày công thẳng. Trong lúc còn thời gian, họ hãy chạy đến với mạch nguồn của tình thương Cha; họ hãy sinh lợi từ Máu và Nước chảy ra cho họ". (Nhật Ký số 848)