THƯ PHÒNG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

của Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương

 

NĂM ĐẠO BINH THƯƠNG XÓT 2018

 

TĐCTT Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt 2018

Tổng Kết

TĐCTT Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt là Hành Trình Niềm Vui Thương Xót

 

Cảm nghiệm của TĐCTT Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Biệt tặng chung Nhóm TĐCTT thân yêu và riêng phái đoàn TĐCTT thừa sai 2018 cùng 2016;

Kính tặng quí linh mục và tu sĩ thừa sai trong chuyến hành trình truyền giáo 2018;

Xin tri ân cảm tạ quí bảo trợ đóng góp truyền giáo, cùng quí dòng tu nam nữ và giáo xứ đã đón tiếp phái đoàn chúng con.

 

Sau mỗi một hoạt động tông đồ giáo dân chung nào, những ai chung tay góp sức với tôi để tổ chức hay phục vụ cách nào đó thường nghe tôi nói 3 điều chính yếu theo cảm nghiệm thực sự đầy thâm tín của tôi như thế này:

1- Mọi sự rồi cũng qua đi, cái còn lại nơi bản thân chúng ta là những con người hoạt động tông đồ mới là những gì quan trọng.

2- Thành công hay thất bại trong hoạt động không phải là ở chỗ chúng ta có được người ta khen tặng hay bị họ chê bai, mà là chúng ta có hoàn thành Thánh Ý Chúa muốn nơi chúng ta hay chăng thôi!

3- Không thể chối cãi được là chúng ta cảm thấy thân xác mệt mỏi và tốn phí đủ thứ: mất công, mất giờ, mất của v.v., thế nhưng, tất cả sức lực, tài lực và vật lực của chúng ta ấy cần phải tiêu hao đi, như dầu đèn để ngọn lửa bác ái yêu thương có thể được tồn tại và sáng tỏa.

Nếu vậy, đối với tôi, chuyến Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt 2018 với Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương (TĐCTT) như thế nào...!

1- Cái còn lại là gì? - Niềm Vui Thương Xót

2- Thành công hay thất bại?? - Hội Ngộ Thần Linh

3- Tiêu hao kiệt sức chưa??? - Bụi Gai Bốc Cháy

 

1- Cái còn lại là gì?

 Niềm Vui Thương Xót!

 

Vâng, đúng thế, cái còn lại nơi tôi sau chuyến Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt 2018 với 29 anh chị của Nhóm TĐCTT chính là Niềm Vui Thương Xót. Đó là cảm nghiệm của tôi chẳng những của chuyến đi năm 2018 này, mà còn từ chuyến Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt lần đầu tiên với 19 anh chị em của nhóm trong chính Năm Thánh Thương Xót 2016. Bởi thế, ngay sau chuyến đi đầu tiên 2016 này, theo cảm nghiệm thần linh của tôi cũng như nơi anh chị em đồng hành với tôi, tôi đã chọn nhan đề cho cuốn Kỷ Yếu về truyền giáo của chuyến đi 2016 ấy là "Niềm Vui Thương Xót".

Thật vậy, Niềm Vui Thương Xót chính là tất cả cảm nghiệm thần linh tôi có được sau mỗi Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt của Nhóm TĐCTT, cả 2 chuyến, chuyến năm 2016 lẫn chuyến năm 2018. Tại sao thế?

Xin thành thật mà nói rằng tại vì, chính khi chúng tôi là TĐCTT loan truyền Lòng Thương Xót Chúa (LTXC) bằng công cuộc truyền giáo, nghĩa là bằng việc thể hiện LTXC qua nỗ lực truyền giáo trong tầm tay và phạm vi giáo dân của mình, hay nói cách khác, là mang LTXC đến cho những người anh chị em lương dân nói chung, bao gồm cả một số anh chị em giáo dân bần cùng khốn khổ nói riêng, ở các giáo điểm truyền giáo xa xôi hẻo lánh trên suốt giải đất quê hương đất nước Việt Nam của mình, thì chúng tôi, tất cả chứ không riêng một ai, đều cảm thấy một cách tỏ tường bất khả chối cãi, đó là chúng tôi cho đi thì ít mà nhận lại quá nhiều. Nỗ lực kèm theo chút quà truyền giáo vật chất của chúng tôi của mỗi chuyến đi, theo tôi, chẳng khác gì như 5 chiếc bánh và 2 con cá, chẳng thấm vào đâu với 5 ngàn người đàn ông không kể đàn bà và con nít, đã được Chúa Giêsu biến ra nhiều trong lần Người làm phép lạ nuôi dân đầu tiên (xem Mathêu 14:13-21).

Chúng tôi nhận được quá nhiều, ngoài những cái về cả thể chất cũng như tinh thần, mà còn và nhất là còn ở chỗ chúng tôi đã nhận được chính LTXC ở nơi chúng tôi, hay có nghĩa là LTXC càng dồi dào và lớn mạnh hơn trong chúng tôi sau mỗi chuyến đi, nhờ chúng tôi đã cảm nghiệm thấy LTXC thực sự hiện diện trong chuyến đi của chúng tôi và tỏ hiện qua chuyến đi của chúng tôi. Phải nói rằng, nhờ những chuyến đi loan truyền LTXC có tính cách truyền giáo cụ thể này, hơn là các Khóa LTXC hằng năm của chúng tôi ở các nơi thuần về lý thuyết, chúng tôi đã thực sự có được một cơ hội vô cùng hiếm quí để gặp gỡ chính LTXC, một cách nào đó và ở một mức độ nào đó, như là một Hội Ngộ Thần Linh!

 

2- Thành công hay thất bại??

 Hội Ngộ Thần Linh

 

Thật ra LTXC không hiện ra với chúng tôi, vì LTXC là một ưu phẩm tối hậu của vị "Thiên Chúa là tình yêu" (1Gioan 4:8,16) mà chúng tôi chỉ gặp gỡ LTXC bằng cảm nghiệm thần linh nơi chúng tôi thôi, một cảm nghiệm thần linh hoàn toàn không hề có tính cách chủ quan, do chúng tôi tưởng tượng ra hay sáng tạo nên, hơn là những gì đã xẩy ra trong chuyến đi của chúng tôi, hoàn toàn bất ngờ, vượt trên mọi tính toán khôn khéo và ước vọng trông mong trần gian của chúng tôi.

Có thể nói chúng tôi đã gặp gỡ LTXC, một LTXC đã tỏ mình ra cho chúng tôi nơi những người anh chị em bảo trợ truyền giáo của chúng tôi (1), nơi quí vị linh mục tu sĩ phục vụ chúng tôi chỉ toàn là giáo dân dọc suốt hành trình truyền giáo của chúng tôi (2), nơi quí vị linh mục và tu sĩ thừa sai đang phục vụ ở các giáo điểm truyền giáo chúng tôi được dịp viếng thăm và tặng quà truyền giáo (3), nơi những người anh chị em hèn mọn nhất của Chúa Kitô ở các vùng xa xôi hẻo lánh còn là lương dân hay giáo dân bần cùng khốn khổ (4), nơi chính nội bộ anh chị em thừa sai đồng hành truyền giáo của nhóm (5), và nơi cả các biến cố xẩy ra trong chuyến đi liên quan đến nơi chốn, thời tiết, an ninh và an toàn nữa (6).

 

1) Chúng tôi đã gặp gỡ LTXC nơi những người anh chị em bảo trợ truyền giáo của chúng tôi

So với lần đầu năm 2016, Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt của Nhóm TĐCTT, một nhóm tông đồ giáo dân bấy giờ mới thành lập được 7 năm và mới có 450 phần tử, thế mà đã đóng góp vào quĩ truyền giáo tới 63 ngàn Mỹ kim. Trong khi chúng tôi chỉ mong được tới 40 ngàn là cùng. Đó là phép lạ bánh hóa ra nhiều lần thứ nhất. Đến lần bánh hóa ra nhiều thứ hai mới lạ lùng hơn nữa. Chúng tôi chỉ mong lên khoảng 85 ngàn Mỹ kim là cùng, vì số phần tử đã tăng lên tới 720, không ngờ đã vượt quá 100 ngàn Mỹ kim, số tiền chính xác là $107,528.00 (một trăm lẻ bảy ngàn năm trăm hai mươi tám Mỹ kim).

Quĩ truyền giáo cả 2 lần của Nhóm TĐCTT không phải chỉ có nội bộ đóng góp với nhau, mà còn bao gồm cả những thân nhân và thân hữu của anh chị em TĐCTT nữa, do chính TĐCTT kêu gọi. Vấn đề lạ lùng ở đây là: chúng tôi không cần mở tiệc gây quĩ hay gửi thư xin tiền như nhiều cơ quan tôn giáo hay từ thiện khác vẫn làm, thế mà tiền ở đâu cứ tới. Chưa hết, chúng tôi không phải là một tổ chức bất vụ lợi, có thể cấp chứng thư để trừ thuế, thế mà cũng chẳng có ai cần đến trừ thuế mới đóng góp, nghĩa là hoàn toàn vì bác ái yêu thương. Còn nữa, chính bản thân tôi, ở các Khóa LTXC trong năm, chỉ cần chia sẻ về những gì đã thấy và đã nghe trong chuyến 2016, hoàn toàn không đả động gì đến vấn đề xin đóng góp hay quyên tiền truyền giáo, thế mà sau khi nghe, cũng không thiếu người đến tự động xin đóng góp.

Trong chuyến Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt 2018, có mấy anh chị em TĐCTT đóng góp truyền giáo làm tôi cảm động và cảm phục nhất đó là 2 anh chị ở Nhóm TĐCTT thuộc Giáo Phận San Jose California trong Khóa LTXC XXXIII 21-22/9/2018. Trước hết là một người anh, vừa mới tuyên hứa gia nhập Nhóm TĐCTT xong, đã viết check cho quĩ truyền giáo 2018 số tiền là 3 ngàn Mỹ kim. Sau nữa là một người chị, đã ghi danh tham gia chuyến truyền giáo 2018 rồi, nhưng vì hoàn cảnh gia đình xẩy ra vào những ngày cuối cùng, không thể nào đi được nữa, chẳng những bị mất vé máy bay cả 700 Mỹ kim, mà còn đóng góp vào quĩ truyền giáo 2 ngàn Mỹ kim nữa. Trong khi đó, theo thể lệ và điều kiện để được tham gia hành trình truyền giáo, anh chị em TĐCTT cần phải đóng góp 1 ngàn Mỹ kim. Chị không đi lại đóng gấp đôi. Sau hết, còn có 2 thân nhân trong gia đình của một TĐCTT đóng góp vào quĩ truyền giáo 2018 của nhóm mỗi người 10 ngàn Mỹ kim, hoàn toàn "khuyết danh", không cần ai biết tới.

Ngoài ra, còn một số trường hợp hy hữu khác, như ở Khóa LTXC XXXI ở Virginia 17-18/8/2018, một chị tham dự tĩnh tâm, mới có ý gia nhập nhóm vào lúc kết khóa, đã đóng góp ngay 500 Mỹ kim trước khi gia nhập. Hay ở Khóa LTXC XXXII ở Rochester New York 24-25/8/2018 cũng vậy, có 2 anh chị em tham dự khóa, không thuộc nội bộ nhóm TĐCTT, cũng đóng góp mỗi người 100 Mỹ kim, chỉ sau khi tôi chia sẻ về các sự kiện truyền giáo năm 2016.

Là loài người, theo tự nhiên, con người ta ai cũng tham lam, một cách nào đó, một cái gì đó và ở một mức độ nào đó, thậm chí là một lòng tham vô đáy nữa là đằng khác. Kinh nghiệm cho thấy con người sống theo khuynh hướng hưởng thụ hơn là phục vụ, vị kỷ hơn là vị tha. Thế mà, lại có những tâm hồn quảng đại trao ban như thế, trao ban một cách dồi dào như vậy, điển hình là một số trường hợp đặc biệt như vừa đề cập đến trên đây, thì không phải là họ đã tác hành rộng lượng giống như LTXC hay sao, không phải là được LTXC tác động hay sao: "Các con đã nhận được nhưng không thì hãy trao ban nhưng không" (Mathêu 10:8). Đó, chúng tôi đã gặp được LTXC tỏ hiện nơi tất cả những tâm hồn đã đóng góp truyền giáo năm 2018, nhiều hay ít tùy lòng và hoàn cảnh của từng người. Họ đã đóng góp một cách hoàn toàn vì bác ái yêu thương, một đức ái chỉ xuất phát từ LTXC và bởi LTXC!

 

2) Chúng tôi đã gặp gỡ LTXC nơi quí vị linh mục tu sĩ phục vụ chúng tôi dọc suốt hành trình truyền giáo của chúng tôi

Trong cả hai chuyến Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt 2016 và 2018 của mình, bao giờ cũng kéo dài 3 tuần lễ liền, và thường vào Tháng 10 là tháng có Chúa Nhật Truyền Giáo của Giáo Hội hằng năm, phái đoàn thừa sai TĐCTT của chúng tôi đều không có vị linh mục nào đi theo, như chúng tôi vẫn có cho 2 chuyến hành hương của nội bộ TĐCTT chúng tôi năm 2014 và 2017. Trước hết vì vị linh mục tổng linh hướng của chúng tôi về Việt Nam vào Tháng 7 hằng năm để lo cho hội dòng ngài sáng lập, còn Đức ông phó tổng linh hướng của chúng tôi, tuy đã hồi hưu và có giờ, nhưng lại không đủ sức ở tuổi 88 (năm 2016) và 90 (năm 2018) để hằng năm đi với chúng tôi, năm lẻ thì hành hương, năm chẵn thì truyền giáo, mà đi truyền giáo thì vất vả khổ sở hơn đi hành hương. Ngoài ra, các cha linh hướng ở các địa phương thì bận coi xứ không thể nào đi suốt 3 tuần với phái đoàn. Thế là phái đoàn thừa sai TĐCTT toàn là giáo dân.

Vậy mà phái đoàn thuần túy giáo dân chúng tôi lại được quí linh mục và tu sĩ đầy thánh đức và đáng kính ở các tu viện hay trung tâm mục vụ tiếp đón hết sức niềm nở và trân trọng. Đúng thế, để bảo toàn cả về phần xác lẫn phần hồn, trong cả 2 lần về Việt Nam truyền giáo, Nhóm TĐCTT bao giờ cũng tìm đến ghé trọ ở các nơi tu trì.

Nếu lần thứ nhất năm 2016, Nhóm TĐCTT đã ghé trọ tại 4 dòng nữ (ở Sơn Tây, Nghệ An, Pleiku và Buôn Mê Thuột), 1 đan viện (ở Bãi Dâu Vũng Tầu), 2 trung tâm (ở Quảng Trị và Sài Gòn), 1 giáo xứ (ở Giồng Riềng Kiên Giang), 1 nhà khách của dòng nữ (ở Phong Nha) và 1 khách sạn đời (ở Cần Thơ), thì lần thứ hai năm 2018, Nhóm TĐCTT đã trọ cũng tại 4 Dòng nữ (Dòng MTG Hưng Hóa ở Sơn Tây, Dòng Thánh Phaolô de Chrtres ở Pleiku, Dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình ở Buôn Mê Thuột, và Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương ở Qui Nhơn), nhưng tại 3 Đan viện (ĐV Xito Nho Quan Ninh Bình, ĐV Biển Đức Thiên An Huế và ĐV Xito Thiên Phước Bãi Dâu Vũng Tầu), cũng như tại 4 Giáo xứ (GX Sapa GP Hưng Hóa, GX Phúc Địa GP Thanh Hóa, GX Suối Dây GP Phú Cường, và GX Rạch Vọp GP Cần Thơ), và tại 1 Giáo họ (Hầu Chài ở Sapa), rồi tại 2 Nhà khách của 2 dòng nữ (NK Phương Hà ở Phong Nha của Dòng MTG Vinh và NK Lâm Bích ở La Vang của Dòng MTG Huế), và 1 Khách sạn (KS Thiên Nga ở Bạc Liêu, khi nhóm không thể trọ ở Trung Tâm Hành Hương Cha Trương Bửu Diệp như đã book chỗ, dù đã được trao cho chìa khóa vào phòng bỏ hành lý và sắp xếp giường chiếu), và 1 Trung tâm (Cơ Sở Giáo Phận Thanh Hóa ở Sài Gòn).

Ở những nơi tu trì như thế này, thành phần thuần túy giáo dân tầm thường và đầy bụi trần chúng tôi lại được ăn uống thịnh soạn toàn là đặc sản của từng địa phương, do chính các bàn tay trinh nguyên nấu, hoàn toàn vì bác ái yêu thương, hơn là kinh doanh lợi lộc và do các bàn tay chuyên nghiệp nấu nướng nhưng có thể không lành mạnh và bảo đảm cho lắm, cho dù ở ngay chính quê hương của mình. Chính bản thân tôi đã không thể tiếp tục dùng 2 bữa trưa dọc đường với anh chị em trong phái đoàn nữa. Bởi tôi đã bị 2 lần biến loạn trong bụng dạ sau hai tô bún bò Huế ở chính thành phố Huế, một ở bữa điểm tâm và một ở bữa trưa. Thế mà sáng hôm sau, cũng tô bún bò Huế điểm tâm ở Đan Viện Biển Đức Thiên An Huế, tôi chẳng bị gì hết, cho dù tôi cũng húp hết nước như bữa điểm tâm hôm trước ở ngoài tiệm.

Chúng tôi không thể không cảm thấy mình thật là bất xứng khi thấy các sơ mặc áo dòng đàng hoàng, như khi các sơ tham dự phụng vụ trong nhà nguyện, để phục vụ từng bàn ăn của chúng tôi, chứ không phải thành phần nữ chiêu đãi viên tầm thường, ở trong các nhà hàng  thành phố, hay ở trạm dừng chân dọc đường.  

Chúng tôi không thể không cảm động khi thấy các sơ Dòng Mến Thánh Giá  Hưng Hóa phục vụ chúng tôi. Trước hết là Sơ Hoàng Hoạch đã mang thức ăn trưa do chính sơ nấu mang ra phi trường Nội Bài cho chúng tôi trưa hôm mùng 6/10/2018 để chúng tôi kịp bữa trưa trên xe. Sau nữa, vào chiều cùng ngày, khi vừa vào đến phòng ngủ được chỉ định cho mỗi phái nam nữ, chúng tôi đã thấy ngay trên bàn ở trong phòng các thứ giải khát, bao gồm cả yaourt. Sau hết là các sơ phục vụ ở Giáo họ Hầu Thào đã bưng đồ ăn từ bếp sang bàn điểm tâm cho chúng tôi bữa sáng mùng 8/10/2018, qua một cái sân trong sương mù.

Chúng tôi cũng đã xúc động khi thấy Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đang hưu trí ở Đan Viện Xitô Nho Quan Ninh Bình đã chờ phái đoàn chúng tôi đến để ăn trưa với chúng tôi hôm mùng 10/10/2018.

Chúng tôi hết lòng cảm phục quí đan sĩ chẳng những nấu ăn ngon mà còn phục vụ làm bếp cho dù là nam nhi, thậm chí có bằng cấp, như vị tân linh mục Alfonso Phúc ở Đan Viện Xito Nho Quan Ninh Bình đã du học ở Roma 8 năm nay về làm bếp tiếp tân.

Chúng tôi thật là cảm động khi thấy các sơ Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương ở Qui Nhơn qui tụ lại nghênh đón chúng tôi, bao gồm cả sơ bề trên Phước và do chính sơ bề trên thực hiện, trước bữa tối ngày 16/10/2018, và trong bữa điểm tâm sáng ngày hôm sau 17/10/2018, chúng tôi chẳng những được ăn uống đồng bàn với các sơ mà còn được các sơ bưng nước trà đến từng bàn của chúng tôi khi gần xong bữa để mời chúng tôi uống.

 

 

Chúng tôi làm sao có thể cầm hãm cảm xúc khi thấy các sơ Dòng Thánh Phaolo de Chartres ở Pleiku âm thầm phục vụ chúng tôi cả bữa tối ngày 17/10 lẫn bữa điểm tâm sáng ngày 18/10/2018, ở một góc nhà với những nụ cười tươi vui.

Chúng tôi cũng không khỏi cảm phục khi thấy quí sơ Dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình, trong bữa trưa ngày 18/10/2018, đã đi tiếp đồ ăn cho chúng tôi khi vừa thấy chúng tôi cần thêm, thậm chí cả sơ phó bề trên cùng sơ đặc trách truyền giáo của nhà dòng đã đi đến chào từng bàn ăn của chúng tôi.

Đó là về phần xác, còn về phần hồn, chúng tôi đã được hưởng biết bao nhiêu là phúc đức của các vị tu sĩ nam nữ, qua các giờ kinh phụng vụ và Thánh lễ ban sáng, những giây phút chúng tôi cảm thấy mình thực sự ở thế gian mà không thuộc về thế gian (xem Gioan 17:14-16) - sao mà nó trang nghiêm và sốt sắng lạ thường, khác hẳn với bầu khí ở các nhà thờ chúng tôi vẫn hằng tham dự trong cộng đoàn hay giáo xứ của chúng tôi hằng ngày hay hằng tuần.

Giờ Kinh Phụng Vụ Ban Mai ở Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa sáng ngày 10/10/2018

Giờ Kinh Phụng Vụ Ban Trưa ở Đan Viện Xito Nho Quan Ninh Bình ngày 10/10/2018

Giờ Kinh Phụng Vụ Ban Chiều ở Đan Viện Biển Đức Thiên An Huế ngày 15/10/2018

Giờ Kinh Phụng Vụ Ban Mai ở Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương sáng 17/10/2018

Giờ Kinh Phụng Vụ Ban Mai ở Dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình Buôn Mê Thuột sáng 19/10/2018

Giờ Kinh Phụng Vụ Ban Mai ở Đan Viện Xito Thánh Mẫu Thiên Phước Bãi Dâu Vũng Tầu sáng 23/10/2018

Về chỗ ăn chỗ ngủ, là thành phần thừa sai truyền giáo, chúng tôi chủ trương sống như những người anh em mà chúng tôi đến viếng thăm và tặng quà truyền giáo. Trong Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XII Thường Niên 25/6/2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở chung Kitô hữu, thành phần tự bản chất là "môn đệ thừa sai - missionary disciples", và riêng những Kitô hữu đang thực hiện sứ vụ truyền giáo ở các nơi trên thế giới, rằng: "Việc đi truyền giáo không phải là việc tham dự một cuộc du lịch". 

Bởi thế, phái đoàn TĐCTT bao giờ cũng từ chối vấn đề ở khách sạn với lý do dưỡng sức. Thế mà suốt 3 tuần lễ liền, có những chị khó ngủ, thậm chí mất ngủ và bị muỗi cắn, song vẫn có sức tiếp tục cuộc hành trình một cách hào hứng tươi vui!

Trước hết, vấn đề ăn uống thì tùy nghi, khi được tiếp đãi, chúng tôi cứ theo lời Chúa mà thi hành: "vào bất cứ thành nào, khi được đón tiếp, các con hãy ăn những gì họ dọn ra cho các con" (Luca 10:8). Điển hình nhất và sang nhất là ở giáo điểm Giáo Xứ Thanh Hóa, cha Chánh Xứ Phạm Văn Quế đã dẫn chúng tôi, sau khi ghé thăm Đức tân Giám Mục Nguyễn Đức Cường ở Tòa Giám Mục, ghé vào nhà hàng ăn trưa hết sức thịnh soạn ở lầu 7 ngày 11/10/2018, với thực đơn bao gồm tất cả là 10 món: 2 món khai vị, 7 món chính và 1 món tráng miệng: 1- khoai lệ phố và 2- nộm rau má để khai vị, và sau đó là các món chính là 3- gà hấp lá chanh, 4- mực xào cần tỏi, 5- cá quả nướng giấy bạc, 6- thịt trưng mắm tép, 7- rau muống xào tỏi, 8- canh ngao mồng tơi, 9- cơm trắng, và món 10- trái cây tráng miệng.

Còn khi chúng tôi cần ăn tiệm hay ăn đường, chúng tôi ăn uống hết sức đơn giản thanh đạm, như trên đoạn đường từ Buôn Mê Thuột về Tây Ninh từ sáng 8 giờ đến 4 giờ chiều, chỉ với khoai lang luộc kèm theo hai thứ trái cây là chuối và ổi. Thế thôi.

Tuy nhiên, chúng tôi chỉ ngặt với mình nhưng rộng rãi với anh em. Bởi thế, theo thông lệ từ lần trước, lần năm 2016, chúng tôi tiếp tục tổ chức một bữa đãi tổ chuyên chở của chúng tôi để gọi là một chút tri ân cảm tạ họ, cho dù họ có làm ăn sinh sống bằng số tiền chúng tôi trả cho "Công Ty Du Lịch Duy An Khang" của họ, trong đó đã bao gồm thù lao chuyên chở của họ, chưa kể tiền tip xứng đáng cho họ sau này trước khi chia tay họ. Với tư cách là người tổ chức và tour host, tôi đã nói với anh tổ chuyên chở là hãy chọn một nhà hàng nào sang nhất, ngon nhất và đắt nhất cho bữa trưa cám ơn của chúng tôi ngày 23/10/2018 ở Vũng Tầu trước khi về Sài Gòn. Và Quán Ăn Gành Hào ngay bên bờ biển đã được tổ chuyên chở chọn, với một thực đơn toàn là các món vừa lạ vừa ngon, tất cả là 8 thứ: 1- Gỏi củ hủ dừa tôm, 2- mực 3- sữa chiên nước mắm, 4- cá thu sốt cà, 5- rau củ với kho quẹt, 6- cá ngát kho, 7- canh cải xanh chả cá, và 8- trái cây tráng miệng

Sau nữa, về chỗ ngủ, chúng tôi có lúc ngủ chung một phòng như ở trại tị nạn. Chẳng hạn ở Dòng Mến Thánh Gia Hưng Hóa đêm đầu tiên mùng 6 sang mùng 7/10/2018. Đến đây chúng tôi đã biết nhà dòng không có chỗ, như năm 2016 chúng tôi ghé trọ và đã biết, vì chính các sơ còn thiếu chỗ ngủ nữa là chúng tôi. Nhưng chúng tôi vẫn cứ đến để sống nghèo với các sơ và tham hưởng cảnh thanh bần như các sơ.

Phòng nữ TĐCTT thừa sai đêm mùng 6 sang mùng 7/10/2018 ở Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa Sơn Tây 

Trong chuyến đi năm 2018, phái đoàn TĐCTT chúng tôi còn được thưởng thức một đêm truyền giáo tuyệt vời nữa, không phải chỉ ở chỗ khó nghèo và thiếu tiện nghi, (có nơi, theo các chị về sau tươi cười hào hứng tiết lộ cho biết, là chỉ có 1 phòng tắm cho 22 chị, nên các chị có lúc phải 3 người vô một lúc để làm 3 việc khác nhau trong ấy, một cách hết sức chuyên nghiệp chưa từng có trong lịch sử truyền giáo của Nhóm TĐCTT), mà còn ở chỗ được ngủ ngay giữa buôn làng của anh chị em dân tộc thiểu số H'Mong ở Giáo họ Hầu Thào Sapa, vào đêm mùng 7 sang mùng 8/10/2018. Đêm hôm đó, trong khi nam TĐCTT thừa sai nằm đất thì nữ TĐCTT thừa sai nằm trên giường, nhưng hai người một giường san sát nhau trong cùng một phòng.

Tạ ơn LTXC đã cho phái đoàn TĐCTT chúng tôi trong cả 2 chuyến truyền giáo Xuyên Việt có những lúc được buông bỏ phần nào những gì là tiện nghi của chúng tôi ở một xã hội văn minh tân tiến Tây phương chúng tôi đã quen hoan hưởng. Tuy nhiên, cảnh nằm ngủ như trại tị nạn của chúng tôi cũng chưa khổ cực bằng các căn chòi của anh chị em dân tộc thiểu số, mà có những căn phải thú thật rằng còn tệ hơn cả garage nhà của chúng tôi nữa. Điển hình nhất là ở Trại Việt Kiều ở Tây Ninh chúng tôi đã được chứng kiến thấy tận mắt, nơi có lẽ đối với chúng tôi bần cùng khốn khổ nhất nước Việt Nam hiện nay.

Có đi, có đến, qua những hành trình truyền giáo cụ thể như thế này, Việt kiều Mỹ quốc chúng tôi mới thấy rằng: Một đàng mình quả là sung sướng và may mắn hơn biết bao nhiêu là những người anh chị em hèn mọn nhất của Chúa Kitô sống vất vưởng lây lất cho qua những tháng ngày vô vọng, ở những hang cùng ngỏ hẽm khốn nạn trên trần gian này. Thế mà, trái lại, chúng tôi, có những lúc vô tình hay hữu ý, đã sử dụng tiền bạc được Chúa ban cho. Thậm chí có nhiều lúc, một cách thật phí phạm, thích mua sắm đủ thứ hay theo thời trang, nhiều đồ đến nỗi không biết mình có những gì, hay lắm bộ đến độ không biết phải mặc bộ nào trong bao nhiêu là bộ trưng đầy trong tủ áo v.v.

Chính khi đi truyền giáo là lúc hay nhất để chúng ta tự vấn xem mình là môn đệ của Chúa Kitô đã sống đúng với tinh thần Phúc Âm và theo mô phạm lý tưởng của Người hay chưa. Nhất là những lúc bị thiếu thốn và bất tiện, nóng bức, không có máy lạnh mà chỉ có quạt, chúng ta có kêu ca, tranh giành, hay đòi hỏi cho bằng được những gì chúng ta muốn giải quyết hay chăng, hoặc không được thì đành chịu vậy hơn là vui chịu! Cả về đồ ăn thức uống cũng vậy, sau khi chứng kiến thấy cảnh cùng khổ đến độ không có đủ cơm ăn, áo mặc, nhà ở, như Trại Việt Kiều Tây Ninh, chúng ta có tự giác mà nhịn ăn nhịn uống hơn ít là một chút hay chăng, hoặc cứ thấy gì thích là ăn liền, không thích ăn những gì tự nhiên khó nuốt hay không hợp, hoặc ăn nhiều quá khó thở, hay ăn đến dư thừa bỏ đi, trong khi người khác không có mà ăn...

Nếu ở một lúc nào đó chúng ta không thể cầm lòng khi tận mắt thấy cảnh cùng khổ của anh chị em chúng ta ở những giáo điểm truyền giáo, mà chúng ta vẫn tiếp tục sống vô tư hưởng thụ, đến hoang phí, cả ăn lẫn mặc, thậm chí không thể hay không dám tự nguyện từ bỏ một phần nào đó, một lúc nào đó, một mức nào đó, để sống thanh bần hơn một chút, thì những giọt lệ của chúng ta bấy giờ trước hình hài và cảnh sống khốn cùng của anh chị em chúng ta, là những giọt lệ khóc thương chúng ta hơn là thương anh chị em chúng ta, như Chúa Kitô khổ nạn đã khuyên thành phần phụ nữ Giêrusalem thương khóc Người khi thấy Người vác thập tự giá lên Núi Sọ (xem Luca 23:28).

Có như thế, chúng tôi mới có thể khẳng định rằng "chúng tôi đã gặp Đức Kitô" (Gioan 1:41), một Đấng đã "đến không phải để được hầu hạ mà là hầu hạ - non ministrari sed ministrare" (Mathêu 20:28), và việc hầu hạ gương mẫu của Người, được Người "là Chúa và là Thày" khuyên các môn đệ của Người noi theo bắt chước như Người (xem Gioan 13:13-15), một gương mẫu phần nào đã được phản ảnh sống động và hiển nhiên nơi việc phục vụ của quí linh mục và tu sĩ nam nữ đối với Nhóm TĐCTT giáo dân thừa sai chúng tôi, khi chúng tôi ghé trọ nơi tu viện hay đan viện của các vị, trong chuyến Hành Trình truyền Giáo Xuyên Việt 2016 và 2018 của chúng tôi.

 

3) Chúng tôi đã gặp gỡ LTXC nơi quí vị linh mục và tu sĩ thừa sai đang phục vụ ở các giáo điểm truyền giáo chúng tôi được dịp viếng thăm

Nếu chúng tôi, trong Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt của mình, đã có được những cuộc Hội Ngộ Thần Linh với Chúa Kitô khi thấy được việc phục vụ của các vị linh mục và nữ tu, nếu không muốn nói là khi trực tiếp được các vị phục vụ mình, cách riêng ở các bữa ăn, thì chúng tôi lại càng gặp được Chúa Kitô đầy lòng thương xót ở nơi những vị linh mục và nữ tu thừa sai.

Các vị cũng là con người như chúng tôi, thế mà các vị đã chẳng những có thể từ bỏ mọi sự mà theo Chúa trong đời sống tu trì độc thân linh mục hay theo đuổi tinh thần trọn lành của Phúc Âm qua 3 lời khấn thanh bần, khiết tịnh và tuân phục, lại còn dấn thân ở những vùng truyền giáo, những nơi truyền giáo thật khốn cùng, thiếu thốn đủ thứ, không ai biết đến, thậm chí, đầy nguy hiểm nữa là đàng khác, có qua đi cũng ít người biết đến, hầu như vô danh, chỉ biết tận hiến trọn cuộc đời trần gian của mình đã tự nguyện thuộc về Chúa, để hết tình và hết tình sống cho những người anh chị em hèn mọn nhất của Chúa Kitô thôi.

Ở Sapa, tại Giáo họ Hầu Thào, sáng hôm đó, với tất cả lòng cảm phục của mình, nhất là khi nghe thấy một sơ trẻ tuyên bố rằng sơ muốn sống trọn đời ở đó với những người anh chị em hèn mọn nhất của Chúa Kitô, tôi đã bật hứng lên tiếng phấn khích các sơ đang rất hồn nhiên tươi vui qui tụ lại gần đó rằng: các sơ thật sự là đang sống ở vườn địa đàng, chúc mừng các sơ. Bởi vì ở đâu trên trần gian này có Chúa Kitô thì ở đó còn là chính thiên đường nữa, là thực tại thần linh Nước Trời. Mà Người đã đồng hóa mình với những người anh chị em hèn mọn nhất của Người đang được các sơ phục vụ. Thế thì chính nơi các sơ phục vụ đây có sự hiện diện thần linh của Chúa Kitô, cụ thể bằng xương bằng thịt, sống động nơi những con người anh chị em khốn khổ bần cùng các sơ hằng ngày trông thấy và giúp đỡ...

 

Cũng ở Sapa, chúng tôi được vị linh mục Chánh Xứ là Cha Phạm Thanh Bình, vị linh mục thừa sai được bài sai đến Giáo Xứ này từ năm 2006, sau gần 60 năm không có cha xứ, dẫn đi thăm một số giáo họ thuộc Giáo xứ Sapa chiều mùng 7/10/2018, để chúng tôi có thể thăm viếng và tặng quà truyền giáo cho anh chị em dân tộc thiểu số H'Mong ở đó. Chỗ nào cũng thế, Cha Bình đều cho chúng tôi biết rằng các sơ Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa ở đó, trong suốt cả ngày Thứ Bảy cuối tuần lẫn Chúa Nhật đầu tuần, đều phải cả ngày phục vụ họ, bao gồm cả việc chính là dạy giáo lý cho họ, lẫn việc nấu nướng cho họ ăn.

Cũng ở Sapa, hôm sau, ngày 8/10/2018, chúng tôi được taxi chở đến một nơi phục vụ khác của các sơ Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa, đó là nhà giữ trẻ (dưới 3 tuổi) ở Giáo họ Lao Chải. Ở đó, chúng tôi thấy các sơ đang chăm sóc các em bé của anh chị em người dân tộc trong vùng. Các sơ dạy cho các em khả năng tự chăm sóc lấy: xúc ăn lấy và tự thu dọn sau khi ăn. Các em cũng được dạy cho những sinh hoạt vui chơi bằng các động tác theo nhịp điệu của bài hát được phát ra từ đĩa hát. Nếu không được dẫn đến những chỗ như thế này thì làm sao chúng tôi, từ một thế giới văn minh vừa bận sinh sống lẫn hưởng thụ, có thể thấy được những người nữ, còn xuân xanh tràn đầy hy vọng cho tương lai, đang âm thầm phục vụ như một thừa sai vô danh ấy. Nếu không có LTXC nơi bản thân mình, các tâm hồn nữ tu này có thể bắt đầu và tiếp tục dấn thân âm thầm phục vụ cho những em bé không biết các sơ là ai hay chăng? Trong chuyến hành trình 2018 này, chúng tôi được gặp cả 2 thế hệ, cách nhau cả trăm tuổi, từ 2 tuổi ở Lao Chải đây, đến 102 tuổi ở Giáo Xứ Phúc Địa Thanh Hóa hôm 12/10/2018.

Ngày 17/10/2018, phái đoàn TĐCTT thừa sai chúng tôi đến giáo điểm truyền giáo ở Gia Lai Giáo Phận Kontum, nơi được vị linh mục thừa sai Trương Cường phục vụ, nhưng hôm ấy, đúng hơn cả tuần ấy, ngài phải cấm phòng năm với quí cha trên tòa giám mục, và ngài đã nhờ hai sơ phụ ngài dẫn phái đoàn đi thăm viếng và tặng quà truyền giáo. Hai sơ thừa sai phụ giúp ngài, một sơ già là sơ Nhiệm thuộc Dòng Chúa Quan Phòng, và một sơ trẻ là Ánh Nguyệt thuộc Dòng Chúa Thánh Thần. Hai sơ đã dẫn chúng tôi đến 1 buôn làng, trong 5 buôn làng (Bầu Cạn, Làng Không Đất, Đắc Sơ May, Đắc Trôi và Kon Thịp) nhận quà truyền giáo từ số tiền chúng tôi gửi về trước cho cha và 2 sơ, chỗ nào cũng nghèo khổ, cũng hẻo lánh, cần giúp đỡ. Ở những vùng sâu vùng xa hẻo lánh bần cùng này vẫn không thoát được ánh mắt của LTXC, nên đã qua 2 sơ sống LTXC, dẫn chúng tôi đến đó để có cơ hội tốt đẹp chia sẻ một chút xíu những gì LTXC đã ban cho chúng tôi. Nhìn bà sơ già đang thúc giục mọi người, cả lương lẫn giáo, sau khi lĩnh quà, cùng nhau dâng lời ngợi khen cảm tạ Thiên Chúa, cũng đủ cho thấy những vị nữ tu thừa sai này luôn đem LTXC đến cho những người anh chị em dân tộc thiểu số hèn mọn của mình, để giúp họ nhận ra LTXC qua việc bác ái yêu thương phục vụ hết mình của các sơ, nhờ đó mang họ về với LTXC. "Chúng tôi đã gặp Đức Kitô" (Gioan 1:41) ở đó và như thế đó!

Và nếu không ghé trọ ở Dòng Thánh Phaolô de Charles ở Pleiku đêm 17/10/2018 như năm 2016, chúng tôi nào có biết rằng các sơ ở đây đã nhận nuôi thêm các em bé người Kinh (Việt) mồ côi, bị cha mẹ của các em bỏ rơi vì bị tật nguyền, trong đó có một em 7 tuổi mà thân mình nhỏ bé còn nằm trong nôi hay được các sơ ẵm trên tay một cách nhẹ nhàng như một em bé thực sự. Hai năm trước, chúng tôi chưa thấy các em bé Việt Nam mồ côi tật nguyền này, mà chỉ thấy toàn là các ấu nhi và thiếu nhi của anh chị em dân tộc thiểu số lưu trú trong tuần ở đó thôi. Giả như không có các sơ nhận nuôi hay mang về nuôi, thì số phận bị cha mẹ ruồng bỏ của các em bé này ra sao? Thế nhưng, LTXC vẫn không bỏ rơi các em, vẫn quan tâm đến từng em, bằng tấm lòng yêu thương cùng với đôi tay ân cần ấp ủ và chăm sóc của các sơ. Chúng tôi đã thực sự thấy được và gặp được LTXC ở nơi những con người bé mọn thật khốn nạn ở đó sáng ngày 18/10/2018, nhưng thật sự là ở ngay trong Nước Trời, "vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng" (Mathêu 19:14), một LTXC được tỏ ra qua sự hiện diện và phục vụ sống động đầy bác ái yêu thương của các sơ.

Thế rồi, từ giáo điểm truyền giáo thuộc Giáo Phận Kontum chiều hôm qua, cuộc hành trình truyền giáo xuyên Việt của chúng tôi tiếp tục đến 2 buôn làng cũng của anh chị em dân tộc thiểu số, nhưng thuộc Giáo Phận Buôn Mê Thuột, đó là 1/ Buôn Chưjut ở xã Chư Bưng huyện KrongBuk, dân tộc SeDan (190 phần quà trị giá 400.000/ 1 phần), và 2/ Buôn Eadrong ở Thị xã Buôn Hồ, dân tộc EDe (60 phần quà. 400.000/ 1 phần). Sơ đặc trách truyền giáo của Dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình là Cao Thị Trọng đã chẳng những cho chúng tôi biết về nhu cầu của họ ở đây, mà còn lo mua sắm sẵn đầy đủ quà truyền giáo thích hợp và cần thiết cho họ nữa. Chúng tôi đến chỉ việc trao tặng. Lần trước, năm 2016, chúng tôi đã đến một buôn làng khác, năm 2018 ở 2 buôn làng khác. Sơ Trọng biết hết anh chị em dân tộc thiểu số trong vùng, và lo cho họ đủ thứ, bao gồm cả việc giáo dục. Đức Cha Bản năm 2016 đã giới thiệu chúng tôi đến với sơ. Chúng tôi không khỏi xúc động khi nghe sơ nói rằng không bao giờ sơ đến thăm họ hay từ họ trở về mà chiếc xe tải nhỏ của sơ không đầy đồ: khi đến với họ thì xe đầy đồ tặng, và khi về từ họ thì xe đầy đồ trồng tỉa mua lại từ họ, để mang về biến chế thành các thứ của ăn thức uống ngon lành, bán cho khách hành hương và các phái đoàn truyền giáo như TĐCTT, nhờ đó mới có quà tặng lại họ. LTXC tiếp tục làm cho bánh hóa ra nhiều là như thế, ở nơi những vì nữ tu thừa sai này, hầu có thể chăm sóc cho những người anh chị em hèn mọn của Người ở đó. "Chúng tôi đã gặp được Đức Kitô" ở nơi ấy là như vậy.

Chúng tôi chẳng những đã gặp được Đức Kitô ở nơi các nữ tu thừa sai và nơi anh chị em dân tộc hèn mọn của Chúa Kitô ở Sapa, Kontum và Buôn Mê Thuột, mà còn gặp được Người ở nơi các vị linh mục thừa sai và ở nơi anh chị em người Kinh của mình nữa, ở hai giáo xứ thuộc miền Nam, đó là Giáo xứ Suối Dây ở Tây Ninh thuộc Giáo phận Phú Cường ngày 19-20/10/2018, và Giáo xứ Rạch Vọp ở Sóc Trăng thuộc Giáo phận Cần Thơ ngày 20-21/10/2018.

Ở Giáo Xứ Suối Dây, chúng tôi đã gặp được Chúa Kitô nơi vị linh mục thừa sai trung niên Nguyễn Thế Trường, phục vụ ở đây được 10 năm liền, hoàn toàn một mình, với bao nhiêu là công việc mục vụ, bận nhất và đáng quan tâm giúp đỡ nhất là cho anh chị em đồng hương Việt Nam bị đuổi từ Cam Bốt về. Những anh chị em đồng hương này, theo cha diễn tả thì họ có tất cả là 7 không chứ không phải chỉ là 5 không (như cha nói): không giấy tờ, không nhà cửa, không của ăn, không nghề nghiệp, không thuốc men, không giáo dục, không niềm tin chân thật. Vị linh mục thừa sai này chẳng những cần giáo dục họ qua lớp trẻ con em của họ, mà còn liên tục giúp đỡ họ về mọi phương diện vật chất. Bệnh cũng đến với ngài. Chết cũng đến với ngài. Đói cũng đến với ngài. Ngài thực sự đã cảm hóa họ và thấy họ cải tiến từ từ về mặt nhân bản, chẳng hạn không còn trần truồng cả người lớn lẫn trẻ con nữa như 10 năm trước, hay cũng bớt đi nạn loạn luân, lấy nhau trong gia đình giữa cha mẹ với con cái v.v. Có những người bất mãn ngài và muốn yểm ngài bằng bùa ngải mà không được. Nếu không sống LTXC thì ngài làm sao có thể thu hút được dân chúng, và trẻ em chạy theo bám, ngài khi ngài đến thăm Trại Việt kiều của họ. Nếu không có LTXC thì ngài làm sao có thể tiếp tục phục vụ họ, sau mấy lần bị kiệt sức đến gục ở ngay bàn thờ. Phải, "chúng tôi đã gặp được Đức Kitô", chẳng những nơi những người anh chị em đồng hương Việt Nam đang sống thật khốn cùng, có thể nói là nhất Việt Nam, hơn cả anh chị em đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn nơi cả vị linh mục thừa sai, nghe mấy bà làm bếp hôm ấy nói rằng chính ngài nấu ăn lấy và ăn uống rất đơn sơ, đã, đang và vẫn tiếp tục phục vụ họ cho đến cùng ở đó.

Từ Giáo Xứ Suối dây ở Tây Ninh, trưa ngày 20/10/2018, chúng tôi đã về Giáo Xứ Rạch Vọp ở Sóc Trăng, nơi được phục vụ bởi vị linh mục thừa sai Trương Thành Công, một vị linh mục đã phục vụ 12 năm ở 3 giáo điểm khác nhau. Vị linh mục thừa sai này quả thật chẳng những có đầy kinh nghiệm truyền giáo, mà còn thao thức truyền giáo đến độ, muốn cả thành phần giáo dân cũng nhào vô truyền giáo với thành phần linh mục và tu sĩ thừa sai nữa. Bài chia sẻ "Hướng dẫn giáo dân vào sứ vụ thừa sai" của ngài ở Huế hồi Tháng 9/2018 đã cho thấy rõ điều đó. Ngài là một vị linh mục không coi thường giáo dân, trái lại ngài biết trọng dụng giáo dân, và mời gọi giáo dân cùng ngài tham gia tích cực vào việc truyền giáo với ngài và như ngài. Điển hình nhất là tối hôm ấy, 20/10/2018, khi chúng tôi mới tới, và vào lúc khoảng 9 giờ tối, thấy tôi, ngài gọi tôi tới ngồi xuống bên ngài và thân tình hỏi: "Anh Tĩnh bao nhiêu tuổi rồi?" - "Thưa cha 70". Ngài nói "anh lớn tuổi hơn tôi. Tôi tưởng anh cao lớn hóa ra thấp hơn tôi. Nhưng tư tưởng của anh không thấp". Có lẽ ngài đã đọc qua một số ý tưởng của tôi về việc truyền giáo và ngài cảm thấy tâm đắc hay chăng?

Chính bản thân ngài cũng đang nỗ lực áp dụng những gì ngài chia sẻ và hướng dẫn ấy ở giáo xứ ngài đang phục vụ. Và đó là lý do Nhóm TĐCTT, toàn là giáo dân, đã được ngài cho tham dự và thực tập những gì ngài hướng dẫn, đó là tiếp cận với lương dân, mời họ đến với Chúa, vào mỗi Chúa Nhật, và Chúa Nhật mà phái đoàn TĐCTT được tiếp cận với lương dân, bằng cách đi đò máy từ 5 giờ 30 sáng đến các nơi khác nhau, đón họ về dự lễ Chúa Nhật vào lúc 8 giờ sáng, là Chúa Nhật Truyền giáo hằng năm của Giáo Hội trong Tháng 10, ngày 21/10. Họ sẽ sinh hoạt ở Giáo Xứ suốt cả buổi sáng cho đến chiều, được dùng cả bữa sáng sau lễ và bữa trưa, do anh chị em giáo dân trong giáo xứ phục vụ. Ở đây, tại Giáo Xứ Rạch Vọp này, "chúng tôi đã gặp được Đức Kitô", một Đức Kitô là "dung nhan thương xót - misericordiae vultus" (nhan đề bức tông thư cho Năm Thánh Thương Xót 2016 ĐTC Phanxicô nban hành ngày 11/4/2015) của Cha trên trời, như được các dụ ngôn về lòng thương xót trong Phúc Âm Thánh Luca cho thấy, một Đức Kitô đầy LTXC đối với chẳng những tội nhân mà cả dân ngoại vốn được dân Do Thái cho là thành phần tội lỗi ô uế đáng xa tránh.

 

4) Chúng tôi đã gặp gỡ LTXC nơi những người anh chị em hèn mọn nhất của Chúa Kitô ở các vùng xa xôi hẻo lánh còn là lương dân hay giáo dân bần cùng khốn khổ

Trong chuyến Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt 2018, thành phần TĐCTT thừa sai chúng tôi được các vị nữ tu thừa sai và linh mục thừa sai dẫn đến viếng thăm và tặng quà truyền giáo bao gồm cả anh chị em đồng bào thiểu số Thượng lẫn đồng bào Kinh hay Việt chúng ta: Bốn giáo điểm truyền giáo cho người Thượng và 4 giáo điểm truyền giáo cho người Kinh. Người Thượng ở giáo điểm Sapa (Giáo phận Hưng Hóa), Khe Sanh (Tổng Giáo phận Huế), Kontum (Giáo phận Kontum) và Buôn Mê Thuột (Giáo phận Buôn Mê Thuột); người Kinh ở Thanh Hóa (Giáo xứ Phúc Địa), Quảng Trị / Huế (Hội Người Mù Huyện Hải Lăng Quảng Trị và Huyện Người Mù ở Huyện Phú Vang Huế), Tây Ninh (Giáo xứ Suối Dây) và Sóc Trăng (Giáo xứ Rạch Vọp). Hai thành phần đối tượng truyền giáo này của chúng tôi ở trong số những con người nhờ đó "chúng tôi đã gặp được Đức Kitô".

Thật vậy, đầu tiên, "chúng tôi đã gặp được Đức Kitô" ở trong hậu trường, đóng vai ông bầu, khi chúng tôi thấy được LTXC hiện diện nơi bản thân và tỏ hiện qua hành động của những người anh chị em đã tích cực và rộng lượng đóng góp vào quĩ truyền giáo 2018 của chúng tôi, của những nơi tu trì đã trân trọng và niềm nở tiếp đãi cùng phục vụ thành phần thuần túy giáo dân chúng tôi khi chúng tôi xin ghé trọ, cũng như của các vị linh mục và tu sĩ thừa sai chúng tôi đã gặp gỡ lần đầu tiên hay đã quen biết từ lần trước, đã được các vị nâng đỡ và tạo cơ hội thuận lợi để chúng tôi có thể đến tận nơi viếng thăm và tặng quà truyền giáo ở các giáo điểm truyền giáo chúng tôi muốn tới.

Sau nữa, "chúng tôi đã gặp Đức Kitô" nơi bản thân và đời sống của những người anh chị em hèn mọn của Người, những người anh chị em được Người đồng hóa với Người, cần chúng tôi thương cảm và cứu trợ, như chính chúng tôi đã được Người nhưng không cảm thương và cứu độ, chẳng những cho khỏi tội lỗi cùng sự chết, mà còn ban cho chúng tôi được một bản thân và kiếp người, bề ngoài, có vẻ may lành hơn họ, nhưng chưa chắc đã được phúc lộc như họ trong cõi sống phúc vinh đời sau. Bởi thế, chúng tôi đến với họ không phải chỉ để chia sẻ với họ những gì LTXC đã thương ban cho chúng tôi, mà còn để nhận lãnh từ họ những gì LTXC muốn ban tặng thêm.

ĐTC Phanxicô, vị giáo hoàng thương xót, vị nhận thức được "đây là thời điểm thương xót" đã bất ngờ mở Năm Thánh Thương Xót ngoại lệ năm 2016, trong thời khoảng Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt 2018 của Nhóm TĐCTT (4-24/10), đã giảng huấn về sự sống con người vào 2 buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần (10 và 17/10/2018), trong đó, ngài đã nhắc nhở chúng ta rằng: "Sự sống mong manh dễ bị tổn thương ấy tỏ cho chúng ta thấy lối thoát, một đường lối cứu chúng ta khỏi một đời sống thu mình lại và khám phá ra niềm vui yêu thương. Đến đây tôi xin dừng lại để ngỏ lời cám ơn, cám ơn nhiều thiện nguyện viên" (10/10/2018).

Thật thế, điều trước hết và trên hết, hay đúng hơn là món quà nặng ký trước hết và trên hết chúng tôi được những người anh chị em hèn mọn này của Chúa Kitô vô tình trao tặng cho chúng tôi, như là một chút đáp lễ, khi chúng tôi đến với họ, viếng thăm họ và tặng quà cho họ, đó là họ đã giúp cho chúng tôi, một phần nào đó và một chút nào đó, ý thức được cái may mắn của chúng tôi, so với thân phận làm người quả là vô cùng bất hạnh của họ trên trần gian tạm gửi và ngắn ngủi mau qua này.

Không phải hay sao, cũng là người như chúng tôi - sao họ lại phải chịu khốn khổ đến như thế chứ?

Nếu Chúa để chúng tôi chẳng may rơi vào tình trạng như họ và của họ thì sao?

Chúng tôi nhìn vào họ bấy giờ đấy, nhưng thật ra họ đang nhìn thẳng vào chúng tôi, không phải để xin chúng tôi thương hại, cho bằng để chất vấn và nhắc nhở chúng tôi đó.

Những em bé ngây thơ vô tội ở nhà nội trú của các sơ Dòng Thánh Phaolô de Chrtres ở Pleiku có tội tình gì chứ, mà bị chính cha mẹ ruột thịt của mình phũ phàng ruồng bỏ, trong khi ấy chính thành phần cha mẹ của các em chắc chắn không muốn họ bị cha mẹ của họ bỏ rơi họ như họ đã bỏ rơi những đứa con sơ sinh hay còn bé bỏng của họ, nhất là khi các em chẳng may bị tật nguyền thì lại càng cần đến tấm lòng thương yêu và bàn tay chăm sóc của họ hơn bao giờ hết và hơn ai hết. Thế nhưng, "cho dù người mẹ có quên con mình chăng nữa thì Ta vẫn không quên con" (Isaia 49:15).

ĐTC Phanxicô, trong buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần ngày 17/10/2018, ngày phái đoàn TĐCTT ở 2 giáo điểm truyền giáo Gia Lai GP Kontum, trước ngày phái đoàn đến thăm khu nhà nội trú cho các em dân tộc thiểu số của các sơ dòng Thánh Phaolô de Chartres, đã xác tín và tiếp tục nhắc nhở chúng ta rằng: "Trước nhan Thiên Chúa, sự sống của con người là những gi quí báu, linh thánh và bất khả vi phạm. Không ai có thể khinh thường sự sống của người khác. Thật vậy, tự mình, con người mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa, và là đối tượng cho tình yêu vô biên của Thiên Chúa, bất kể thân phận họ được kêu gọi đến hiện hữu" (17/10/2018). 

Là nam nhi, ở vào tuổi lão thành cằn cỗi rồi, thế mà, tôi, cũng như 2 người anh trong phái đoàn của tôi, đã không khỏi ngậm ngùi cay mắt, khi trông thấy và biết được, trong số các em bé đang nằm trong chiếc xe lăn vào sáng ngày 18/10/2018, tại khu nhà nội trú của các sơ Dòng Thánh Phaolô de Charles ở Pleiku ấy, đã 7 tuổi rồi vẫn còn bé nhỏ như mới chưa đầy 2 tuổi.

Những người anh chị em dân tộc thiểu số ở các giáo điểm truyền giáo, như Sapa trên miền thượng du Bắc Việt, hay  Kontum và Buôn Mê Thuột thuộc Miền Tây Nguyên, cũng như Khe Sanh Trung Việt - Họ đến thế gian này mà làm gì, để phải trải qua một cuộc sống bần cùng khốn khổ, ở những vùng sâu vùng xa hầu như chẳng ai biết tới, sống với một nền văn hóa có thể nói vẫn còn lạc hậu, trong khi thế giới càng ngày càng tiến đến tột đỉnh văn minh về khoa học và kỹ thuật, và đã lên đến tuyệt đỉnh về văn hóa và nhân quyền! Thân phận và đời sống của họ chẳng khác gì như ở trong sương mù trước một thế giới rạng ngời ánh sáng văn minh và nhân bản.

Thế nhưng, chúng tôi lại cảm thấy họ thực sự là có phúc, vì họ rất ngoan đạo, đã theo đạo, cho dù chưa hiểu giáo lý gì mấy, nhưng không bao giờ bỏ đạo hay chối đạo, như 2 vị linh mục thừa sai ở Sapa và Lào cai đã cho chúng tôi biết. Oái oăm thay, về văn hóa, họ lại tỏ ra có một trình độ nhân bản cao hơn người Kinh chúng ta, vì bản chất của họ, hình như nhờ chưa bị ảnh hưởng lắm bởi văn minh vật chất của thế giới tân tiến nhưng càng bạo loạn ngày nay, vẫn còn chân thành, không gian dối điêu ngoa, không tranh giành cướp giật.

Một khi họ đã nhận được quà tặng chúng tôi trao cho, dù là con nít, cũng không lấy thêm, xin nhường cho ai chưa có. Hay nếu lấy nhầm, lấy thêm, thì tự động mang đến xin hoàn trả lại. Họ luôn tự lực mưu sinh, không ăn bám ai, cho dù nghèo khổ, không làm vợ nước người như con gái Việt. Có những em thiếu nhi đi bán quà tặng cho khách du lịch, nếu bị chê là đắt, như có lần chính tôi đã chứng kiến, các em không bán cho họ nữa. Một anh trong phái đoàn của tôi, không mua đồ của các em làm ra để bán, thay vào đó, cho các em tiền bằng món quà các em muốn bán, các em cũng không lấy tiền cho, mà chỉ lấy tiền bán.

Vào ngày 10/10/2018, ngày phái đoàn TĐCTT hoàn thành giáo điểm truyền giáo đầu tiên là Sapa, và từ Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa ở Sơn Tây đến Đan Viện Xito Nho Quan Ninh Bình, ĐTC Phanxicô đã vừa khuyên nhủ và kêu gọi đồng thời cũng vừa cảnh giác Kitô hữu trong Giáo Hội rằng: "Thật là xứng đáng để đón nhận hết mọi sự sống, vì hết mọi con người nam nữ đều là giá máu của chính Chúa Kitô (xem 1Phêrô 1:18-19). Chúng ta không thể khinh bỉ những gì được Thiên Chúa rất mực yêu thương!" (10/10/2018)

Những người anh chị em ở Huyện Hải Lăng Quảng Trị và Phú Vang Huế bị khiếm thị, phải chăng do tội họ hay cha mẹ của họ (xem Gioan 9:2)? Cho dù không thấy gì chung quanh, ngoài một bóng đêm mịt mù như cõi chết, nhưng biết đâu trong số họ lại có những tâm hồn rất bình an vui sống, như một người anh em trong họ đã hát bài Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô cho tất cả mọi người qui tụ lại ở Hội Người Mù Huyện Phú Vang Huế sáng hôm 15/10/2018 nghe.

Cho dù chẳng hề thấy ánh sáng để mà bước đi một cách tự nhiên và tự tin, hay dễ dàng đi đây đi đó tùy ý, nhưng chưa chắc gì những người anh chị em mù lòa bất hạnh ấy đã vô phúc bằng những ai có cặp mắt sáng mà lại nhìn người phụ nữ với một ước muốn lăng loàn nhục dục, thà móc nó ra mà quẳng nó đi còn hơn phải vào hỏa ngục (xem Mathêu 5:28-29).

Người nữ khiếm thị ở Hội Người Mù Phú Vang Huế sáng hôm cùng ngày ấy đã tỏ ra vẫn có con mắt tâm linh đầy sáng suốt, đã biết ngước nhìn lên Người Mẹ trên trời của mình, và tận hiến tất cả bản thân cùng đời mình cho Mẹ, qua lời ca tiếng hát bài: "Lạy Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa Mẹ hiển vinh... Mẹ chính là Nữ Vương, là Trạng Sư, là Mẹ con... Con dâng Mẹ đây tâm hồn đây xác thân, cả dĩ vãng, cả hiện tại với tương lai..."

Nếu tình trạng người mù từ lúc mới sinh, "không phải do tội của anh ta hay của cha mẹ anh ta mà là để công việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh ta" (Gioan 9:3), thì phải chăng công việc của Thiên Chúa đang tỏ ra cho Nhóm TĐCTT bấy giờ thấy là ở nơi hai người anh chị em mù lòa có tâm hồn an bình và tin tưởng cậy trông phó thác này.

 Nếu bấy giờ hai người anh chị em mù lòa này nghe thấy Chúa Giêsu đi ngang qua, như người mù Batimê ngồi ăn xin ở ngoài cổng thành Giêrico xưa trong Phúc Âm, chắc cũng đã hô lên xin Người chữa cho mình được thấy, nhưng không phải chỉ muốn được thấy lại ánh sáng tự nhiên cùng với nhũng người thân nhân và hàng xóm láng giềng của mình, mà thấy được chính "ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12) là Chúa Kitô, thấy được tất cả sự thật về bản thân mình, cũng như về trần gian mau qua tạm gửi này, để đi theo Người (xem Marco 10:46-52).

Đó, "chúng tôi đã gặp được Chúa Kitô", ở nơi những người anh chị em khiếm thị như thế, khiến chúng tôi phải cảm tạ LTXC đã cho chúng tôi còn được thấy, và chỉ xin cho chúng tôi, nhờ con mắt tự nhiên lành mạnh của mình, thấy được Người trong anh chị em của chúng tôi, đúng như ý nghĩa của huy hiệu TĐCTT của chúng tôi, một huy hiệu bao gồm con mắt, con ngươi và con người, nhưng con ngươi then chốt nhất trong con mắt lại ở dạng một con tim, nên ở trong con tim này mới hiện lên hình ảnh con người, đó là người Samaritano nhân lành đang cứu giúp một người anh em nạn nhân đáng thương của mình.

Những người anh chị em ở Trại Việt Kiều Tây Ninh đã làm gì nên tội - mà vẫn tiếp tục sống như bị đọa đầy ngay trên chính mảnh đất quê hương Việt Nam yêu dấu của họ! Theo vị linh mục thừa sai hiện đang phục vụ Giáo Xứ Suối Dây ở đó, trước đây, họ quả thực có những thói tục quá ứ là "mọi rợ" ở ngay giữa thế giới văn minh tân tiến và nhân bản hiện nay, như trần truồng cả người lớn lẫn trẻ con, hay loạn luân, cha mẹ và con cái trong nhà lấy nhau, hoặc nạn cướp giật một cách hội đồng v.v.

Điển hình một gia đình cha mẹ con cái lấy nhau và sinh ra những con người dường như khờ khạo làm sao ấy!

Thế nhưng, phải chăng vì họ chưa có niềm tin chân thực như Kitô hữu? Đúng hơn, vì họ cần được loan báo tin mừng cứu độ xuất phát từ LTXC qua những vị thừa sai sống LTXC. Cho đến nay, cho dù tất cả họ chưa đón nhận đức tin Công giáo, nhưng, như vị linh mục thừa sai ở đây là Cha Nguyễn Thế Trường, Chánh Xứ Suối Dây, đã cho chúng tôi biết rằng họ thực sự đã tiến triển hơn về nhân bản, như chính mắt chúng tôi được thấy chiều ngày 19/10 khi chúng tôi đến tận nơi thăm viếng họ, và tặng quà truyền giáo cho họ sáng ngày 20/10/2018.

"Cái bí mật của sự sống được tỏ ra cho chúng ta bằng cách nó được trân trọng bởi Người Con Thiên Chúa đã hóa thân làm người, cho đến độ chấp nhận tất cả những gì là bị loại trừ, hèn yếu, bần cùng và khổ đau Thánh Giá (xem Gioan 13:1). Chúa Kitô đều tìm kiếm chúng ta (xem Mathêu 25:34-46) nơi hết mọi trẻ em bị bệnh nạn, nơi hết mọi người già yếu, nơi hết mọi người di dân thất vọng, nơi hết mọi cuộc sống mỏng dòn và bị đe dọa, Người tìm kiếm tấm lòng của chúng ta, mở ra cho chúng ta niềm vui yêu thương". (10/10/2018)

Những người anh chị em lương dân ở Giáo Xứ Phúc Địa GP Thanh Hóa và Giáo Xứ Rạch Vọp GP Cần Thơ - tại sao lương dân nói chung vẫn chưa trở lại, cho dù sống gần với tín hữu Công giáo? Vậy khi họ qua đi họ có thể biện hộ rằng họ không có cơ hội để nhận biết Chúa  chăng? Hay họ bấy giờ dám gân cổ lên cãi cho bằng được với Quan Phán Thượng Trí Chí Công rằng: "tôi có thấy Chúa đâu" (Mathêu 25:44) nơi thành phần con cái của Chúa, những con người tin vào Chúa nhưng lại sống một đời chẳng hơn gì dân ngoại chúng tôi, thậm chí còn gian manh dối trá hơn lương dân chúng tôi, còn làm ô danh của Chúa là Cha của họ ở trên trời ngay trước mắt chúng tôi...!

Nếu "người ta từ đông sang tây, từ bắc xuống nam sẽ thay chỗ của họ trong bữa tiệc Nước Thiên Chúa" (Luca 13:29), như một viên đại đội trưởng dân ngoại Roma (xem Luca 7:1-9), hay như người đàn bà dân ngoại Canaan (Matheu 15:21-28), thì ở Giáo Xứ Phúc Địa GP Thanh Hóa chúng tôi đã thấy được LTXC ở ngay người đàn bà dân ngoại 72 tuổi sáng hôm 12/10/2018, đã hát bài "Lạy Chúa Giêsu con tin tưởng nơi Chúa. Lạy Chúa Giêsu con tín thác vào Chúa. Vì ngoài lòng Chúa xót thương không còn nguồn hy vọng nào. Chúng con đặt vào Chúa lòng tín thác của mỗi chúng con", bài Chúa Giầu Lòng Xót Thương của linh mục Vũ Đức Hiệp.

Vì là lương dân, thường ăn ngay ở lành (nên mới gọi là lương dân, dân lương thiện), nên có một tâm hồn rất cởi mở để đón nhận tất cả sự thật mà là người ai cũng khao khát và tìm kiếm cho đến khi gặp được hay đạt tới. Chẳng có một con người nào trên thế gian này, dù gian dối quỉ quyệt đến đâu chăng nữa, cũng không muốn bị ai đánh lừa mình; thậm chí dù là ma quỉ là tên đại ma đầu và "là tên dối trá và là cha các thứ dối trá" (Gioan 8:44) đi nữa, cũng muốn biết sự thật, muốn biết sự thật hơn ai hết: "Nếu ngươi là Con Thiên Chúa thì hãy..." (Luca 4:3,9). Thế thì lương dân lại càng muốn biết "Sự Thật" (Gioan 14:6), một Sự Thật đã được đồng hóa, được biến thành LTXC nơi Chúa Kitô trên Thánh Giá, một Sự Thật vì thế chỉ có sức thu hút lòng người nơi những vị thừa sai thương xót, dù là linh mục, tu sĩ hay giáo dân.

Sáng hôm Chúa Nhật Truyền Giáo ngày 21/10/2018, phái đoàn TĐCTT thừa sai chúng tôi đã thấy anh chị em lương dân, khi được tiếp cận và mời mọc, từ vị linh mục thừa sai Trương Thành Công, Chánh Xứ Rạch Vọp GP Cần Thơ, với sự hợp tác của thành phần giáo dân do ngài huấn luyện vào việc truyền giáo như ngài, đã xuống đò máy được thuê chở họ đến dự lễ Chúa Nhật hằng tuần và sau đó sinh hoạt tôn giáo ở giáo xứ này.

Nhiều người trong họ đang bắt đầu giai đoạn dự tòng, một số đã trở trở thành tân tòng, và thành phần dự tòng được tiếp tục giai đoạn bồi dưỡng về đạo v.v. Chúng tôi đã thấy được một số vé lĩnh quà chúng tôi tặng đề tên và trình độ học đạo cùng với tuổi tác và nơi ở của họ.

Tại sao ở Giáo Xứ Rạch Vọp ở Sóc Trăng thuộc Giáo phận Cần Thơ này lại có nhiều lương dân tìm về Nhà Chúa như vậy? Nếu không phải họ đã thấy được một Chúa Kitô "đến để tìm kiếm và cứu vớt thành phần con người lạc loài" (Luca 19:10), và chính họ cũng đã nghe thấy tiếng chủ chiên của mình, qua những hoạt động mục vụ truyền giáo thích ứng và đáp ứng nhu cầu truyền giáo của các vị linh mục thừa sai: "Chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi" (Gioan 10:27), để họ nhờ đó được thuộc về đàn chiên của Người, như Người mong muốn: "Chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên" (Gioan 10:16).

 

5) Chúng tôi đã gặp gỡ LTXC nơi chính nội bộ anh chị em thừa sai đồng hành truyền giáo của nhóm

Phái đoàn TĐCTT thừa sai chúng tôi chẳng những đã gặp được Chúa Kitô ở nơi những người khác, cả ở trong hậu trường nơi những tâm hồn đóng góp truyền giáo, nơi các vị tiếp đón chúng tôi cũng như các vị thừa sai hướng dẫn chúng tôi, lẫn trên khấu trường là chính thành phần anh chị em chúng tôi đến thăm và tặng quà truyền giáo, mà còn ở ngay trong chính nội bộ phái đoàn của chúng tôi nói riêng, bao gồm cả tổ chuyên chở.

"Chúng tôi đã gặp Đức Kitô" chậm trễ (delayed - xem Mathêu 25:5), nơi một hai người chị em thích mua sắm, tính nết vô tư thoải mái, tất cả anh chị em trong xe hầu như thản nhiên chấp nhận, cho dù vì phận sự và ích chung mà tôi luôn phải quan tâm và thúc giục cho kịp lịch trình truyền giáo của chúng tôi.

Ngày nào cũng thế, sau khi mọi người đã lên xe và yên vị tại chỗ đâu vào đó, tôi đều chia sẻ "câu chuyện đầu ngày" của tôi, bao gồm những gì đã xẩy ra ngày hôm trước, cần cải tiến và hoàn chỉnh vì ích chung, cũng như về hành trình trong ngày hôm đó như đã được ấn định, nhưng thêm chi tiết về giờ giấc. Vì ích chung, tôi thành thật và thẳng thắn, không sợ bị anh chị em than trách, nêu lên những trường hợp tiêu cực cụ thể, thậm chí có lần bao gồm cả chính người vợ phụ tá của tôi. LTXC vẫn không thể phủ nhận sự thật và chiều theo sự dữ: "Chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa" (Gioan 8:11), nhưng vẫn chấp nhận tội nhân: "Tôi cũng không lên án chị đâu!" (Gioan 8:10).

Trong chuyến Hành Trình Xuyên Việt 2018 này, phái đoàn TĐCTT của chúng tôi đã phải di chuyển hầu như suốt một ngày trên xe, tất cả là 7/19 ngày, thứ tự như sau: 1- ngày 7/10, từ Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa ở Sơn Tây lên Nhà Thờ Sapa ở Thị Trấn Sapa; 2- ngày 9/10 từ Sapa trở về Dòng Mến Thánh Giá; 3- ngày 12/10 từ Giáo Xứ Phúc Địa ở Thanh Hóa về Phong Nha Quảng Bình; 4- ngày 16-10 từ Đan Viện Biển Đức Thiên An Huế về Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương ở Qui Nhơn; 5- ngày 19/10 từ Dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình ở Buôn Mê Thuột về Giáo Xứ Suối Dây ở Tây Ninh; 6- ngày 20/10 từ Giáo Xứ Suối Dây ở Tây Ninh về Giáo Xứ Rạch Vọp ở Sóc Trăng; và 7- từ Trung Tâm Hành Hương Cha Trương Bửu Diệp ở Bạc Liêu về Đan Viện Xito Thiên Phước ở Bãi Dâu Vũng Tầu.

Chiếc xe 45 chỗ ngồi chuyên chở phái đoàn TĐCTT chúng tôi xuyên Việt 2018 này, như năm 2016, nhất là vào những ngày di chuyển đường dài như 7 ngày tiêu biểu được kể đến trên đây, lúc trở thành một nguyện đường, khi chúng tôi đọc kinh cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa hằng ngày, thường vào buổi sáng khi mới lên đường, và buổi chiều vào lúc 3 giờ; sau đó nó tự nhiên biến thành phòng ngủ, trong một bầu khí thinh lặng lạ thường, không hề có một tiếng ngáy, cho đa số anh chị em ngủ bù vì ban đêm chưa ngủ đủ; có lúc nó trở thành khấu trường cho những người anh chị em được mời hay tự phát muốn giúp vui theo hứng và khả năng, như kể truyện tếu, hoặc hát hò, hay đố vui, hoặc học hỏi, thậm chí tâm sự lòng thòng hay kể chuyện lưu ký ngày xanh hoặc chiến tranh; có lúc nó trở thành quán ăn trưa hay quán ăn vặt, nhất là sau mỗi lần "xả nước cứu thân" lên xe; có lúc nó trở thành một hội trường cho anh chị em chia sẻ về cảm nghiệm của mình, nhất là sau khi viếng thăm và tặng quà ở một giáo điểm nào đó. 

(Đoạn đường từ bãi biển Sầm Sơn về Giáo Xứ Phúc Địa Thanh Hóa nghe truyện tếu của cha Quế)

(Đoạn đường từ Thanh Hóa đến Phong Nha Quảng Bình ngày 12/10/2018, cả hình trên lẫn hình dưới)

(Anh Lê Văn Thuận, phu quân Chị Trần Thị Nhuận, lần thị tự góp tiếng hát và lần thì đáp ứng yêu cầu)

(lơ xe Bảo mời dùng bữa trưa trên xe ở đoạn đường từ GX Suối Dây Tây Ninh về GX Rạch Vọp Sóc Trăng)

Nếu "ở đâu có hai ba người họp lại vì danh Thày thì Thày ở giữa họ" (Matheu 18:20) thì quả thật, Chúa Kitô đã ở giữa chúng tôi trong suốt hành trình này, qua việc chúng tôi gắn bó yêu thương nhau, và vì thế chúng tôi càng cảm thấy thấm thía hơn bao giờ hết câu điệp khúc của bài "Đâu Có Tình Yêu Thương" của nhạc sĩ Vinh Hạnh, một bài thánh ca phản ảnh ý nghĩa bài hát Latinh Ubi Caritas: "Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời. Đâu có lòng từ bi là đấy có ân sủng Người. Đâu có tình bác ái thì Chúa chúc lành không ngơi. Đâu ý hợp tâm đồng ở đấy chứa chan niềm vui" - Quá đúng! Quá đúng! Quả thực đúng là một hành trình truyền giáo tràn đầy "ân tình thánh tuyệt vời" với Chúa và với nhau, thậm chí với cả tổ chuyên chở nữa, thân tình với nhau như anh chị em trong cùng một gia đình.

Bởi vậy không lạ gì, tràn đầy Niềm Vui Thương Xót như thế, mà trong chuyến xe sáng ngày 22/10/2018, từ Trung Tâm Hành Hương Cha Trương Bửu Diệp trở lại Giáo xứ Như Gia để lấy đồ ăn cho bữa trưa về Vũng Tầu là nơi dừng chân cuối cùng trước khi kết thúc chuyến đi vào ngày 24/10, trên xe lúc ấy còn 28/30 anh chị em, hầu như đầy đủ mọi người, anh chị em chúng tôi đã bắt đầu ngậm ngùi, có chị còn nghẹn ngào ứa nước mắt, lên tiếng từ giã nhau, nhất là những anh chị em tiện đường xuống xe, không tiếp tục về tới Vũng Tầu hay về tới Sài Gòn.

(AC Thế Lan xuống xe trưa 22/10/2018 ở đoạn đường từ GX Như Nha Sóc Trăng về Đan Viện Xito Bãi Dâu Vũng Tầu)

(Chị Nguyễn Thủy Tammie xuống xe trưa 23/10/2018 ở đoạn đường từ Vũng Tầu về Sài Gòn)

(AC Thuận Nhuận và Anh Hoàng cùng Chị Mai Ngân xuống xe ở Sài Gòn không về Cơ Sở Giáo Phận Thanh Hóa) 

Riêng tôi, vì nghiệm thấy ở nơi chính bản thân mình cũng như nhận thấy nơi từng người anh chị em trong phái đoàn của mình, có một cái gì đó rất thấm thía khôn tả gây ra bởi tác dụng của chuyến đi, đến độ, cho dù có tham dự một Khóa LTXC với những đề tài thu hút mấy đi nữa và có bị cuốn hút bởi các vị giảng thuyết lừng danh mấy chăng nữa, cũng không thể nào bằng chuyến đi truyền giáo xuyên Việt như thế này, một chuyến đi có thể nói là một Khóa LTXC thực tế nhất, thấm thía nhất, tuyệt vời nhất. Nếu Khóa LTXC là để khai trí mở lòng cho tham dự viên tiến đến chỗ cảm nghiệm được LTXC và nhờ đó có thể loan truyền LTXC bằng đời sống chứng nhân thương xót của mình, mà ai tham gia hành trình truyền giáo xuyên Việt 2018 này cũng đã có được cảm nghiệm thương xót đó, bao gồm cả những anh chị em không phải là TĐCTT trong phái đoàn.

Thế là, tự nhiên cảm thấy phấn khởi lạ thường và bất thường, nên ngay sau khi ngỏ lời cám ơn anh chị em đồng hành và xin lỗi về những vô tình sơ xuất cách nào của mình, tôi đã chính thức thông báo về chuyến Hành Trình Truyền Giáo Calcutta năm 2020, và lên tiếng mời gọi những anh chị em tham gia chuyến hành trình truyền giáo của Nhóm TĐCTT 2018 là phu quân của TĐCTT (2 anh), hay là thân nhân TĐCTT (2 chị), hoặc là thân hữu của TĐCTT (2 anh chị), nếu được gia nhập Nhóm TĐCTT để cùng nhau loan truyền LTXC, chẳng những bằng các Khóa LTXC như ở Hoa Kỳ hằng năm, mà còn nhất là bằng các chuyến truyền giáo như 2016 và 2018. Không ngờ, lời kêu gọi đột hứng của tôi đã được tất cả 6 anh chị nhiệt liệt đáp ứng ngay. Thậm chí cả một người tài xế của chuyến xe, không trực thuộc phái đoàn, cũng muốn nhập cuộc. Bánh hóa ra nhiều mà còn dư ở chỗ này. Một TĐCTT bonus!

Chuyến Hành Hương Tia Sáng Từ Balan năm 2014, đã có tất cả 8 người ngoài Nhóm TĐCTT, nhưng tất cả đã gia nhập nhóm, bao gồm 7 anh chị em và vị linh hướng chuyến hành hương là Cha Nguyễn Đức Minh. Nhưng lần này, trong chuyến Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt 2018 này, còn hơn thế nữa, còn plus (+) cả một người anh em đồng hành với vai trò tài xế. Nếu 8 tân TĐCTT năm 2014 đã tuyên hứa ở ngày Đền Thánh LTXC ở Balan, nơi được xây cất từ năm 1999, cạnh Tu Viện Dòng Đức Mẹ Thương Xót ở TGP Krakow, và được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô thánh hiến ngày Thứ Bảy 17/8/2002, thì 7 tân TĐCTT đã tuyên hứa ở Việt Nam, đây là đợt tuyên hứa đầu tiên, có thể mở màn cho các đợt tuyên hứa trong tương lai, theo dự tính tương lai của Nhóm TĐCTT về Việt Nam mở các Khóa LTXC khi có thể.

"Chúng tôi đã gặp Đức Kitô" nơi 7 tân TĐCTT, những tâm hồn không cảm nghiệm thấy Niềm Vui Thương Xót, không cảm nghiệm thấy LTXC, sẽ không thể nào mau mắn đáp ứng như vậy, một tác động tích cực muốn loan truyền LTXC sau khi đã có được một Hội Ngộ Thần Linh với LTXC, qua các giáo điểm truyền giáo dọc suốt Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt 2018.

Nếu trong nội bộ của phái đoàn TĐCTT thừa sai năm 2018, từ sau khi có 7 tân TĐCTT, bao gồm cả một TĐCTT bonus là tài xế Trần Bảo Quốc, thì có thể nói tổ chuyên chở của chúng tôi năm này cũng có thể phần nào liên quan đến phái đoàn của chúng tôi. Tuy nhiên, tôi cảm thấy nếu không có LTXC trong tôi, tôi đã hoàn toàn phản ứng theo tự nhiên, theo bản tính thuộc loại người nguyên tắc lý sự và nghiêm khắc của mình, trong việc thanh toán số tiền chuyên chở với người anh em trưởng tổ chuyên chở, vị đại diện cho "Công Ty Du Lịch Duy An Khang" ở Việt Nam. Và như thế, Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt 2018 của Nhóm TĐCTT đã bị tan tành ngay sau mấy ngày đầu.

                                         Hình thù chiếc Xe Đò Du Lịch 45 chỗ ngồi loại Universe đời 2017 chở Nhóm 30 TĐCTT Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt II - 2018

(hình trên đây do vị đại diện Công Ty Du Lịch Duy An Khang gửi cho Nhóm TĐCTT ngay từ đầu, trước khi ký kết hợp đồng)

Thật là một sự lạ, một sự lạ của LTXC, mà tôi đã cảm thấy không thể không kể lại ở đây một cách khá chi tiết và đầy đủ về sự kiện quan trọng này, để độc giả có thể nhờ đó thấy được diễn tiến quan phòng thần linh lạ lùng của LTXC nơi vụ việc đáng tiếc hóa ra đáng mừng, một vụ việc mà tôi tin rằng do quyền lực tối tăm muốn phá chúng tôi cho đến cùng vì ghen với Niềm Vui Thương Xót nơi chúng tôi, bằng không, theo tự nhiên, chúng tôi đã không thể nào có được một Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt đáng gọi là Hành Trình Niềm Vui Thương Xót được, mà hân hoan kể lại trên đây và cho tới đây.

Thánh Kinh là một cuốn Sách Thánh còn chất chứa những chi tiết và câu truyện lịch sử, được kể ra một cách hết sức chi tiết, như truyện quá ư là bê bối của một vị vua được gọi là Thánh Vương, truyện vị Thánh Vương này ngoại tình và giết người (xem Samuel, quyển 2, 11:1-27), hay truyện con dâu ăn nằm với cha chồng mình là tổ phụ Giuda (xem Khởi Nguyên 38:1-30), vị tổ phụ mà Chúa Kitô được sinh ra sau này theo gia phả của Người (xem Mathêu 1:3), những chi tiết và câu truyện lịch sử bê bối xấu xa về luân lý như thế, theo quan điểm trần gian, không nên trình thuật hay nói tới mới phải, kẻo gây gương mù cho độc giả, đến độ, ngày xưa giáo dân không được phép đọc Cựu Ước. Thế nhưng, Thánh Kinh vẫn không hề che đậy, và vẫn không chỉ trình thuật toàn là những câu truyện tốt đẹp lành thánh. 

Tại sao? Theo tôi, tại vì mạc khải thần linh là mạc khải về một vị Thiên Chúa vô cùng nhân hậu và toàn năng, vị Thiên Chúa chân thật duy nhất, vị Thiên Chúa trung thành với tất cả những gì Ngài đã hứa, bất chấp mọi bất trung và tội lỗi xấu xa đến mấy và tình trạng bất xứng thế nào chăng nữa của dân Ngài đã tuyển chọn. Như thế, những yếu hèn và bất xứng của loài người, cần phải có, là “để cho công việc Thiên Chúa được tỏ hiện” (Gioan 9:3) mà thôi, nhờ đó, Ngài giúp cho con người nhận biết Ngài mà được sống và tin vào Ngài hơn, mà tri ân cảm tạ Ngài và loan truyền các ký công Ngài đã thực hiện trước mắt chúng ta.

Theo chiều hướng và nguyên tắc của mạc khải thần linh bao gồm và cần phải trình thuật về “tất cả sự thật” như thế, tôi thật sự đã không muốn chỉ đánh bóng chuyến đi của Nhóm TĐCTT năm 2018, toàn bằng những cái hay, cái tốt, mà gạt đi những gì sơ xuất hay khiếm khuyết ngoài ý muốn loài người, để nhờ đó càng làm nổi bật tác động thần linh đầy quan phòng của LTXC và tác dụng thần linh biến đổi tuyệt vời của LTXC nơi chuyến đi của chúng tôi, ở chỗ, không gì có thể cản ngăn được những gì LTXC đã ấn định, trái lại, càng bất trắc trục trặc càng sáng tỏ sự hiện diện thần linh và tỏ hiện của LTXC nơi chuyến hành trình của chúng tôi.

                                         Trong lòng chiếc Xe Đò Du Lịch 45 chỗ ngồi loại Universe đời 2017 chở Nhóm 30 TĐCTT Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt II - 2018

(hình trên đây do vị đại diện Công Ty Du Lịch Duy An Khang gửi cho Nhóm TĐCTT ngay từ đầu, trước khi ký kết hợp đồng)

Tuy nhiên, chính Con Thiên Chúa làm người, trong Bữa Tiệc Ly, cho dù Người tỏ cho chung các tông đồ biết rằng trong số các vị có một kẻ phản nộp Người, và Người còn cho một trong các vị biết dấu hiệu cho thấy kẻ ấy là ai, nhưng Người vẫn không tiết lộ hoàn toàn tất cả sự thật như thế nào về người môn đệ phản nộp Người ấy một cách công khai và tỏ tường (xem Gioan 13:1-31). Thế nên, theo gương Chúa Kitô, hoàn toàn vì đức bác ái yêu thương, vì LTXC, tôi xin không kể rõ chi tiết về vụ việc đáng tiếc này, như tôi đã từng giữ kín từ đó tới nay, ngoại trừ nội bộ phái đoàn TĐCTT thừa sai 2018 đã biết trong phiên họp cuối chuyến ở Khách Sạn Thiên Nga tối ngày 22/10/2018, để chúng tôi cùng nhau giải quyết làm sao cho tốt đẹp. Đúng thế, vào tối ngày 23/10/2018, tại Trụ Sở Giáo Phận Thanh Hóa ở Sài Gòn, sau khi thấy tôi trưng dẫn đầy đủ những chi tiết quan trọng nhất về tổng số tiền của chuyến đi, cũng như về tỷ giá các ngoại tệ của ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam, vào ngày 8/3/2018 là ngày tôi ký hợp đồng với công ty du lịch, thì chính vị đại diện công ty du lịch cung cấp chuyên chở cho chúng tôi đã phải thú ngay rằng: "Em tính lộn. Em xin lỗi".

Sống LTXC không phải là ngu dốt dại khờ, chẳng biết gì về lý lẽ và công bằng, chẳng biết gì về công lý và sự thật. Trái lại, biết - nhưng không phải để đòi công bằng cho bằng được, bất cứ giá nào, "mắt đền mắt răng đền răng" (Mathêu 5:38), trái lại, để "ai lột áo ngoài của các còn thì các con hãy đưa cho họ cả áo trong nữa" (Mathêu 5:40), và quả thực chúng tôi đã áp dụng nguyên tắc sống LTXC vượt trên công bằng ấy, bằng cách chúng tôi đã đưa cho vị ấy đúng số tiền bị "tính lộn", gần 8 trăm Mỹ kim, hơn số tiền theo đúng hợp đồng, không bớt lại, và nhất là cho dù chúng tôi đã bị vị này ngăn chặn ước muốn ghé thăm chung của chúng tôi ở hai nơi trong chuyến hành trình.

 

6) Chúng tôi đã gặp gỡ LTXC nơi các biến cố xẩy ra trong chuyến đi liên quan đến nơi chốn, thời tiết, an ninh và an toàn

"Chúng tôi đã gặp gỡ Đức Kitô" không phải chỉ ở nơi những con người sống động, như nơi những người anh chị em tự nguyện đóng góp vào quĩ truyền giáo, hay như nơi các vị linh mục tu sĩ đã tiếp đón phái đoàn giáo dân tầm thương chúng tôi, hoặc như nơi các vị linh mục và nữ tu thừa sai ở các giáo điểm truyền giáo, hay như nơi thành phần anh chị em hèn mọn của Chúa Kitô chúng tôi được dẫn đến thăm viếng và tặng quà truyền giáo, mà còn ở cả nơi các biến cố xẩy ra dọc suốt hành trình của chúng tôi, liên quan đến nơi chốn, đến thời tiết, đến an ninh và đến an toàn.

Có cái hay và lạ là biến cố xẩy ra liên quan đến bất cứ lãnh vực nào thì cũng xẩy ra 2 lần, đều nhau, không hơn không kém: liên quan đến hai nơi chốn là giáo điểm truyền giáo Tây Ninh và Đan Viện Nho Quan Ninh Bình; liên quan đến thời tiết, đó là vào chiều ngày 13/10 ở Lavang, và vào chiều ngày 19/10 ở Tây Ninh; liên quan đến an ninh, một ở quãng đường từ Lao Cai về Dòng Mến Thánh Giá Sơn Tây chiều ngày 9/10, và một ở Dòng Thánh Phaolô de Chartres Pleiku chiều ngày 17/10; liên quan đến an toàn, một ở trên đường từ Trung Tâm Thánh Mẫu Lavang đến Giáo Xứ Khe Sanh sáng ngày 14/10, và một ở trên đoạn đường từ giáo điểm Kontum về Dòng Thánh Phaolô de Chartres ở Pleiku trọ đêm chiều ngày 17/10.

LTXC với hai nơi chốn. Nơi thứ nhất là Tây Ninh, một nơi không hề có trong đầu của tôi là người phác họa hành trình truyền giáo xuyên Việt 2018, nên không hề có trong bản chương trình được phổ biến vào phiên họp sơ khởi đầu tiên hôm Thứ Bảy Đầu Tháng ngày 5/5/2018 ở Orange County. Cho dù vào hôm Thứ Bảy Đầu Tháng ngày 7/4/2018, ngày Nhóm TĐCTT tĩnh tâm về LTXC ở Đền Thánh Mẹ Dâng Con Corona để dọn mừng lễ LTXC hôm sau theo lệ hằng năm của mình, có hai chị trong nhóm đã xin chúng tôi ghé đến tây Ninh, nơi 2 chị không ngờ được ghé qua và thấy quá ư là đáng thương và đáng đến. Tôi quả thực đã email cho vị linh mục ở đó 2 lần theo các chi tiết liên lạc cần thiết. Cho tới phiên họp sơ khởi một tháng sau, tôi vẫn chưa nhận được hồi âm của vị linh mục ở đó, nên tôi đã báo cho chung nhóm tham gia chuyến đi biết rằng chắc không đến Tây Ninh. Thế rồi, sau phiên họp sơ khởi này, tôi vẫn cứ cảm thấy áy náy làm sao ấy, và tôi đã gọi điện thoại cho vị linh mục không trả lời email của tôi, và may mắn được gặp ngài qua điện thoại, và được biết ngài không nhận được email của tôi. Thế là từ đấy mọi sự đã được dàn xếp giữa hai cha con cho đến khi phái đoàn chúng tôi đến và đi một cách ngậm ngùi.

Cha Nguyễn Thế Trường, Chánh Xứ Suối Dây Tây Ninh GP Phú Cường

Nơi thứ hai là Đan Viện Xito Nơi Quan Ninh Bình, nơi Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đang hưu trí. Tôi đã có ý định đến thăm vị tổng giám mục đáng kính này từ năm ngoái, khi tôi về VN tham quan truyền giáo với một số cựu tu sĩ của Dòng Đồng Công, nhưng vào thời điểm chúng tôi hẹn ghé đến với ngài là ngày 12/20/2017 thì Nho Quan bị xã lũ, lụt đến độ không thể vào được bằng xe, mà chỉ bằng xuồng, qua cả chục cây số, như Đức Tổng cho tôi biết qua email. Chúng tôi đến thăm Đức Tổng còn được bonus 2 thứ nữa, đó là được tham quan Vườn Fatima ngài thực hiện và cả chính đan viện Xito nổi tiếng từ lâu này. Tuy nhiên, cũng may, ngay tối hôm trước ngày chúng tôi dự tính đến là 9/10/2018, một thiên sứ đã cản ngăn dự định ghé kính viếng Nhà Thờ Chính Tòa Phát Diệm của tôi, bằng không, dù chúng tôi có đến được Đan Viện Xito Nho Quan Ninh Bình này, chúng tôi cũng không được ăn với Đức Tổng và được hân hạnh gặp riêng Đức Tổng, chưa kể đến việc cũng chẳng còn giờ thảnh thơi thoải mái tham quan Vườn Fatima vừa đẹp vừa tràn đầy ý nghĩa. Tạ ơn LTXC đã luôn hiện diện nơi chúng tôi và tỏ hiện qua hành trình của chúng tôi.

ĐTGM Ngô Quang Kiệt, mặc áo dòng như một đan sĩ Xito, ở Đan Viện Xito Nho Quan Ninh Bình

LTXC với thời tiết. Thường Tháng 10 là tháng hay xẩy ra bão lụt miền trung, như năm 2016 và 2017, những lần NHóm TĐCTT chúng tôi đã đóng góp cứu trợ bão lụt từ Mỹ. Thế mà năm 2018, chúng tôi về trong lòng Tháng 10, 3 tuần liền, từ mùng 4 đến 24, thế mà chẳng thấy bão lụt đâu hết. Chỉ có âm u khi chúng tôi đến giáo điểm Sapa, và 2 trận mưa to thế thôi. Ngoài ra, cũng có mưa lai rai đây đó chút ít, nhưng chẳng bao giờ chúng tôi bị mưa, hay vì mưa mà bị ngăn trở các hoạt động truyền giáo chính yếu của chúng tôi.

Trận mưa thứ nhất xẩy ra ở Lavang Quảng Trị, đến độ, một trong 4 chị từ Phong Nha về Lavang từ lúc 4 giờ 30 sáng hôm 13/10, đã tỏ ra lo sợ và đã nói với tôi khi nghe tôi gọi điện thoại cho chị trên đường về Lavang sau khi phái đoàn thăm động Phong Nha sáng hôm ấy. Chị bảo với tôi rằng: mưa to lắm, chắc không còn Khe Sanh hay người mù gì nữa. Bấy giờ tôi tự nhiên bật miệng trấn an chị rằng: Chị đừng lo, khi nào nhóm về đến đó là hết mưa cho mà coi. Mà quả thật, đúng y như vậy. Trái lại, chiều hôm sau, Chúa Nhật 14/10, sau khi tặng quà truyền giáo ở Giáo Xứ Khe Sanh, và trong khi đang tặng quà cho Hội Người Mù ở Huyện Hải Lăng Quảng Trị trên đường từ Giáo Xứ Khe Sanh về Trung Tâm Thánh Mẫu Lavang, cái máy chụp điện thoại S7 của tôi đã hiện lên hàng chữ "too hot", không chụp được nữa.

(Lavang trời đã quang tạnh, nhưng phái đoàn hành hương Giáo phận Bắc Ninh hơn 1 ngàn 500 người,

sợ mưa nữa nên làm lễ tại Linh Đại Mẹ Lavang ngay từ 4 giờ thay vì 5 giờ theo đúng chương trình ấn định)

Trận mưa thứ hai xẩy ra ở Tây Ninh, khi chúng tôi gần đến Giáo Xứ Suối Dây vào lúc 4 giờ chiều thì mưa, và càng lúc càng to hạt khi chúng tôi đến nơi, tưởng không còn có thể đi tham quan anh chị em đồng hương Việt Nam bị đuổi về từ Cam Bốt được nữa, một chuyến viếng thăm bất khả thiếu khi đến Tây Ninh, chúng tôi hằng trông mong, bằng không, nếu chỉ tặng quà truyền giáo ở Giáo Xứ mà chẳng viếng thăm thì giống như mặc áo vest mà mặc quần đùi và đi giầy tây vậy. Thế nhưng, vào gần đến giờ chúng tôi đự tính đi tham quan là lúc 5 giờ, mưa liền tạnh ráo. Đến độ trời mưa nặng hạt như thế mà đường xá như thể khô ráo, và khu vực chúng tôi đến thăm hoàn toàn trong sáng và mát mẻ. Phải chăng LTXC luôn đồng hành với Nhóm TĐCTT nhỏ bé chúng tôi luôn tín thác nơi Người mà "cả sóng gió cũng phải vâng lời Người" (Mathêu 8:27).

(Giáo xứ Suối Dây Tây Ninh trời tự nhiên tạnh cơn mưa nặng hạt

khi tới giờ Nhóm TĐCTT được Cha Chánh Xứ dẫn đi tham quan Trại Việt Kiều)

LTXC với tình hình an ninh. Nếu LTXC liên quan đến 2 nơi chốn và 2 trận mưa, thì LTXC cũng liên quan đến 2 lần về tình hình an ninh của Nhóm TĐCTT trong chuyến hành trình 2018 này.

Trước hết, phải công nhận rằng, trong suốt cuộc hành trình truyền giáo xuyên Việt từ Bắc vô Nam dọc dài như vậy, phái đoàn TĐCTT vẫn không bị chặn xe, cho dù chính mắt họ đã thấy nhiều xe khác, không to con lớn tướng như xe của họ, đã bị chặn dọc đường. Trong Nguyệt San Hiệp Nhất số Tháng 11/2018, chúng tôi đã đọc thấy mấy câu thơ của tác giả Trương Chi, trong bài thơ: "Tôi sinh ra giữa lòng cộng sản" ở trang 64, rất thích hợp với những gì chúng tôi đang nói tới ở đây: "Đất nước tôi với sưu cao thuế nặng - Còn hơn thời phong kiến thực dân - Những trạm BOT mọc lên khắp tỉnh thành - Cùng hàng vạn 'áo vàng' chực rình thu mãi lộ".

Sau nữa, cho dù xe của họ chỉ bị chặn có một lần duy nhất, thế mà cũng không sao. Thật vậy, đó là lần duy nhất xẩy ra trên đoạn đường từ Giáo Xứ Cốc Lếu ở Lào Cai về Dòng Mến Thánh Giá ở Sơn Tây chiều ngày 9/10/2018. Bấy giờ tài xế xuống xe và chính Sơ Hoàng Hoạch cũng xuống xe để can thiệp nếu cần. Và chính sơ đã cần phải can thiệp, chắc không được nên sơ đã phải dùng điện thoại để gọi cho một vị linh mục để xin ngài giúp can thiệp dùm. Tuy nhiên, như sơ thuật lại khi lên xe với mọi người, thì sơ cũng chẳng biết họ được ai gọi điện thoại đến và sau đó họ tự động cho đi, trong khi sơ đang liên lạc với vị linh mục của sơ. Sơ chẳng biết là ai đã gọi cho họ. Theo tôi, khi xe bị chặn Nhóm TĐCTT mới cử hành LTXC xong, thì còn ai gọi cho họ nữa, ngoài LTXC!

Sơ Hoàng Hoạch, Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa, lên xe và trả lời câu hỏi "chuyện gì vậy sơ?"

Tình trạng an ninh lần thứ hai xẩy ra ở Dòng Thánh Phaolô de Chartres ở Pleiku, nơi phái đoàn TĐCTT ghé trọ sau khi thăm viếng và tặng quà tại một trong 5 giáo điểm ở Gia Lai Kontum. Lúc ấy, khi chúng tôi đang dọn phòng ngủ vừa được Sơ Ánh Hoa chia cho chúng tôi, thì lại được sơ báo rằng công an đã biết Nhóm TĐCTT đang ở đây, đã gọi điện thoại cho sơ bề trên Xuân đang ở Sài Gòn bấy giờ. Sơ Ánh Hoa dặn chúng tôi hãy ở yên trong phòng và tắt hết điện đi, để sơ lo, nhất là về chiếc xe chuyển chở phái đoàn bấy giờ đang nằm chình ỉnh ở gần giữa sân, như chứng cớ bất khả chối cãi, cho dù có ở yên trong phòng án binh bất động như đang nằm vùng phục kích. Chúng tôi một đàng nghe lời sơ, một đàng cứ thắc mắc là ai đã báo cho công an biết? Nhưng dù ai chăng nữa, Chúa hay chơi trò hù dọa một tí đó mà, xem lòng tin tưởng của Nhóm TĐCTT đến đâu thôi.

Năm 2016 cũng vậy, khi phái đoàn 20 TĐCTT của chúng tôi lần ấy từ Phù Mỹ Qui Nhơn đến giáo điểm Đắc Pơ vào ngày 29/9, vị linh mục thừa sai ở đó không dám cho chúng tôi địa chỉ, mà là bảo chúng tôi cứ gọi điện thoại cho ngài từng chặng một. Không phải vì ngài lo an toàn về phần ngài cho bằng cho cả chúng tôi, cho cả hai bên. Chẳng hạn, nếu ngài thấy tình hình không ổn thì ngài nói với chúng tôi đừng đến nữa hay đến vào lúc nào tốt nhất. Trưa hôm ấy, vừa mới đến nơi, ngài đã tiết lộ cho chúng tôi biết ngay rằng: "Công an vừa tới đây 2 tiếng trước", và sau khi chúng tôi sinh hoạt với anh chị em đồng bào thiểu số suốt 3 tiếng đồng hồ, bao gồm cả việc chia nhau đi vào các bản làng khác nhau để thăm viếng, và dùng bữa do anh chị em dân tộc thiểu số ở địa phương ấy thiết đãi, không sao, nhưng hậu quả chúng tôi không ngờ đã để lại cho các cha các thày thừa sai Đồng Công ở đó là các vị bị gọi lên làm việc. Sau này chúng tôi đã chọn giáo điểm này để đóng góp 20-30 ngàn Mỹ kim cho một ngôi nguyện đường, thay cho nơi đang được sử dụng dâng lễ quá ư là bất xứng, nhưng vị linh mục ở đây cũng chỉ biết cam ơn không dám nhận.

Theo chúng tôi suy đoán vụ công an biết chúng tôi đã đến và đang ở Dòng Thánh Phaolô de Chartres ở Pleiku này cũng xuất phát từ Kontum, vì chúng tôi từ đó mà tới, và chúng tôi cũng đã công khai nói ở trên xe rằng sẽ về nơi chốn này, mà trên xe bấy giờ chỉ có 2 sơ thừa sai và một nam nhân phụ tá cho 2 sơ, thế thôi. Vậy thì ai trong 3 người này đã báo cáo với cộng sản ở Kontum hay Buôn Mê Thuột. Chẳng lẽ lại là 2 sơ? Còn nhân vật quen biết công an và ngồi ngay bên tài xế để ngăn chăn công an chặn xe là ai? Cho tới nay chúng tôi vẫn không rõ! Tuy nhiên, bất chấp bất cứ một "người tình không chân dung" nào của cộng sản có tố giác đường đi nước bước của Nhóm TĐCTT chúng tôi chiều hôm ấy, vẫn không thể nào làm lũng đoạn được hành trình truyền giáo của chúng tôi do chính LTXC phác định và dẫn đường chỉ lối. Do đó, trong khi ai cũng sẵn sàng chờ đợi, trong tin tưởng nguyện cầu, trước tất cả mọi sự xẩy ra theo Thánh ý Chúa muốn, đã chẳng có gì xẩy ra. Tối hôm đó, chúng tôi vẫn ăn uống đúng giờ, sau đó, phiên họp giữa chuyến vẫn đúng ấn định, và đêm đó, cũng chẳng thấy chó sủa hay rục rịch gì... Cho tới khi chúng tôi rời nhà dòng về Dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình ở Buôn Mê Thuột.

Sơ Ánh Hoa, dòng Thánh Phaolô de Chartres ở Pleiku báo tin

và trấn an anh chị em TĐCTT, rồi

giải quyết tình hình căng thẳng bằng Kinh Kính Mừng linh hiệu

LTXC với tình trạng an toàn. Tình trạng an toàn của chúng tôi liên quan trực tiếp đến chiếc xe đời 2017 của chúng tôi. Cho dù là mới, khó hư, chạy tốt, nhưng không phải vì thế mà không xẩy ra tai nạn. Cho dù hai tài xế được chọn lái xuyên Việt đã có đầy kinh nghiệm, và được anh chị em trong nhóm khen là tài tình, không vì thế mà tai nạn vị nể, thậm chí tai nạn còn dữ hơn cả công an. Công an còn có thể dùng chiêu lả lướt "đầu tiên" là "tiền đâu", chứ tai nạn thì có tiền mua tiên cũng chẳng được, cũng không thể cứu được mạng người, hay có thể đền được tật nguyền, cả đời trở thành vô dụng và nặng gánh.

Thật vậy, sáng hôm đó, từ Trung Tâm Thánh Mẫu Lavang đi vào Giáo Xứ Khe Sanh 2 tiếng đồng hồ, khi xe tới một khu tiểu phố thị, hai bên đường có một số người đi bộ theo hướng xe chạy, thì bất thình lình một em bé khoảng 5 tuổi, đang chạy lẽo đẽo theo mẹ cháu, chạy ngang ra đường khoảng 1/3, khiến chiếc xe chở anh chị em TĐCTT bấy giờ đang đi bên hai mẹ con cháu liền lách ngay một phát sang bên trái. Cũng may, chẳng có xe nào đi ngược chiều, bằng không, có cứu được mạng sống của một cháu thiếu nhi thì một số anh chị em TĐCTT trên xe đã bị thương, và chiếc xe xe bị hỏng, thế là hỏng cả hành trình. Tạ ơn LTXC đã cứu em nhỏ, đã cho tài xế phản ứng mau khéo... để tai nạn không xẩy ra gây chết người hay thương vong và hỏng hết chuyện truyền giáo của Nhóm TĐCTT ngay từ chỗ ấy và lúc ấy.

LTXC còn cứu Nhóm TĐCTT một lần nữa, tuy không trầm trọng và nguy hiểm bằng lần đầu, nhưng nếu xẩy ra cũng bị nhỡ cuộc hành trình không ít. Đó là, trên con đường đến 1 buôn làng Kon Thịp ở Kontum để thăm viếng và tặng quà, chiếc xe to con lớn tưởng chở phái đoàn TĐCTT đã bị ngắn ngư một chút ở một cái lũng khó lòng vượt qua, và gắng lắm mới có thể giúp cho xe chuyển bánh đi được. Thế mà, lúc về, cũng qua chỗ ấy, lúc còn khô ráo, sau đó chỉ độ 10 phút xẩy ra một cơn mưa như dự đoán khi nhóm còn ngồi ăn trưa. Nếu phái đoàn không được thúc giục lên xe sớm hơn 5 phút sau bữa trưa, và không được thúc giục lên xe sớm hơn 5 phút khi ghé xuống xe mua thêm bánh kẹo cho các em, thì đã bị kẹt xe ở chỗ cái lũng ấy rồi. Lúc đi còn khô đã khó vượt qua, lúc về bị mưa thì chỉ còn cách ở đó qua đêm, ngáy trên xe, tiểu tiện ngoài đồng... LTXC vẫn tiếp tục quan phòng và lo cho phái đoàn TĐCTT từng ly từng tí, từng đoạn đường một. Bao gồm cả đoạn đường từ bãi biển Sầm Sơn về Giáo Xứ Phúc Địa chiều hôm 11/10, khi xe bị mắc kẹt cả hơn nửa tiếng đồng hồ bởi tai nạn xẩy ra không ai giải quyết, cho đến khi Cha Phạm Quế ở trên xe của TĐCTT gọi điện thoại cho công an có thẩm quyền quen biết của ngài.

 

3- Tiêu hao kiệt sức chưa???

 Bụi Gai Bốc Cháy

 

Hiện tượng lạ lùng bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi, hay đúng hơn sự kiện thần linh bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi trước mắt của chàng thanh niên Moisen, khi chàng đang chăn đàn vật của người cha vợ của mình ở chân núi Horeb (xem Xuất Hành 3:2), nơi Thiên Chúa đã tỏ danh của Ngài ra cho chàng, để chàng vì Ngài, vì danh Ngài là "Đấng Có" (Xuất Hành 3:14), Đấng luôn hiện diện với dân của Ngài, Đấng trung thành với những gì Ngài đã hứa với các vị tổ phụ "Abraham, Isaac và Giacóp" (Xuất Hành 3:15), mà thực hiện sứ vụ được Ngài trao phó cho trong việc giải phóng dân Do Thái khỏi tình trạng làm tôi Ai Cập và tiến vào mảnh Đất Hứa Ngài đã hứa ban cho họ qua tổ phụ Abraham của họ.

Sự kiện thần hiển (theophany) bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi ấy có thể ám chỉ mấy ý nghĩa khác nhau. Theo tôi, trước hết, ám chỉ mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, sau nữa, ám chỉ ám chỉ mầu nhiệm Thánh Danh Thiên Chúa, sau hết, ám chỉ mầu nhiệm Vượt Qua, ngoài ra, về tu đức, còn ám chỉ cả mầu nhiệm thần hiệp.

Trước hết, bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi ám chỉ mầu nhiệm Ba Ngôi, ở chỗ: Ngôi Cha được biểu hiệu nơi tiếng phát ra từ bụi gái bốc cháy, Ngôi Con được biểu hiệu nơi chính bụi gai, và Ngôi Ba được biểu hiệu nơi ngọn lửa thiêu.

Sau nữa, bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi ám chỉ mầu nhiệm Thánh Danh Thiên Chúa, ở chỗ: dân Chúa là thành phần cứng đầu được biểu hiệu nơi hình ảnh bụi gai, nhưng Thiên Chúa vẫn là "Đấng Có" (Xuất Hành 3:14) luôn hiện diện với họ dọc suốt hành trình Lịch Sử Cứu Độ của họ, chẳng những không hủy diệt họ như 2 lần được trình thuật (xem Xuất Hành 32:1-14; Dân Số 14:1-23), mà còn hoàn thành tất cả những gì Ngài đã tự giao ước cùng thề hứa với các tổ phụ của họ, như Ngài đã tỏ ra "danh đến muôn đời" của Ngài ra cho họ là con cháu thấy rõ Ngài quả thực là "Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac và Thiên Chúa của Giacóp" (Xuất Hành 3:15).

Sau hết, bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi ám chỉ mầu nhiệm Vượt Qua, ở chỗ, cuộc tử giá được biểu hiệu nơi bụi gai, một bụi gai bốc cháy lửa yêu thương cho đến cùng, nhưng bụi gai này không bị thiêu rụi biểu hiệu cho biến cố Phục Sinh.

Ngoài ra, về tu đức, bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi còn ám chỉ mầu nhiệm thần hiệp, ở chỗ, tâm hồn người Kitô hữu có buồn khổ (hình ảnh bụi gai) trên thế gian này chăng nữa, thì "nỗi buồn khổ của các con sẽ trở thành niềm vui (hình ảnh lửa thiêu)" (Gioan 16:20).

Nếu quả thực sự kiện thần hiển về bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi ám chỉ mầu nhiệm thần hiệp, một bậc tu đức cao nhất trong linh đạo Kitô giáo, đến độ, "không phải là tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi" (Galata 2:20), để nhờ đó, họ "được sự sống và là sự sống viên mãn" (Gioan 10:10), thì những ai hoạt động tông đồ hay truyền giáo hoặc mục vụ nào, cho dù có vất vả mấy chăng nữa, thậm chí có bị bách hại hay chống đối chăng nữa, họ vẫn sống bằng một "lòng nhiệt thành nhà Chúa thiêu đốt tôi" (Gioan 2:17; Thánh Vịnh 89:10).

(trên đường đến Động Phong Nha sáng 13/10/2018, hình chụp bất ngờ từ anh Nguyễn Đạt ở một thuyền khác)

Riêng anh chị em TĐCTT chúng tôi, sau Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt đầu tiên được hứng khởi tổ chức và thực hiện vào chính Năm Thánh Thương Xót 2016, tất cả 20 anh chị em tham dự đều cảm thấy hứng hơn bao giờ hết, và muốn tham dự chuyến thứ hai như tôi báo trước. Tuy nhiên, vì muốn để cho nhiều anh chị em TĐCTT trong nội bộ cũng được hoan hưởng Niềm Vui Thương Xót như những anh chị em đợt mở đầu năm 2016, những anh chị em lần đầu không được tham dự lần 2 nữa. Hầu như tất cả đã tỏ ra tiếc xót, ngoại trừ 5 anh chị được đi vì lý do đặc biệt cho nhu cầu truyền giáo lần thứ 2.

Trong số 30 anh chị em TĐCTT trong chuyến Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt lần 2 năm 2018 này, có 5 anh chị em đã đi lần thứ nhất, và sau khi được đi lần 2 vào năm 2018 này, họ lại càng cảm thấy phấn khởi hơn cả lần đầu. Có nghĩa là càng đi càng hứng. Lạ lùng như vậy. Mà đi thì phải đóng quĩ vào quĩ truyền giáo chung mỗi người 1 ngàn Mỹ kim, không kể tiền chi tiêu cá nhân của mỗi người, bao gồm tiền vé máy bay khứ hồi, tiền chi tiêu chung ở Việt Nam như các chi phí chuyên chở, ăn uống và ngủ nghỉ suốt 3 tuần lễ liền. Thế mà anh chị em tranh nhau đi. Năm 2018 này có tất cả là 50 anh chị em ghi danh, mà chỉ lấy 30 người thôi.

Phải chăng đó là một hiện tượng thần hiển bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi nơi các tâm hồn đã tham gia 1 trong 2 chuyến hay cả 2 chuyến? Mà đi thì chẳng những tốn kém về tiền bạc, mà lại còn vất vả, mệt mã và chịu đựng: vất vả vì phải dậy sớm tham dự kinh phụng vụ ban sáng và Thánh lễ; mệt mã vì thiếu ngủ hay mất ngủ; và chịu đựng vì lạ giường lạ chiếu, nằm đất, nằm chung, nằm chật, nhất là bị muỗi cắn, thiếu nhà vệ sinh, hay phòng vệ sinh cũng là phòng tắm v.v. Không phải là ít người đã vì cảm thấy mình không chịu được những bất tiện và khốn cực như thế được, nên đã không dám tham gia, dù có tiền, dù có sức khỏe, dù có thời giờ. 

Phòng ngủ ở Nhà Xứ Suối Dây Tây Ninh

Một trong 2 phòng ngủ nữ ở Nhà Xứ Rạch Vọp Sóc Trăng đêm 20-21/10/2018

 

Anh chị em TĐCTT của tôi trong chuyến thứ 2 này đã công nhận những gì tôi đã phát biểu theo cảm nghiệm từ lần đầu tiên 2016 là chí lý:

1- Hành trình truyền giáo là một cuộc hành hương đến các thánh địa vô danh - bởi vì ở đâu có Chúa Kitô là Thánh Địa ở đó, như ở Israel hiện nay, dù chỉ còn lưu lại các dấu tích lịch sử của Người. Mà Chúa Kitô đã đồng hóa bản thân Người với những người anh chị em hèn mọn nhất của Người, trong khi ấy những anh chị em hèn mọn nhất của Người chính là những anh chị em cả lương dân lẫn giáo dân nghèo khổ bần cùng về mọi mặt ở những vùng sâu vùng xa không ai biết đến. Bởi vậy, khi phái đoàn TĐCTT đến với họ, nhờ những chuyến hành trình truyền giáo, thì không phải là hành hương tới các thánh địa vô danh hay sao!?!

2- Hành trình truyền giáo là dịp tốt nhất giúp tâm hồn cho dù khô khan nguội lạnh tự nhiên cũng sốt sắng hẳn lên. Thật thế, khi chúng ta đọc kinh dự lễ, hầu như chẳng bao giờ thấy chúng ta khóc, nhưng khi gặp thấy hay nhìn thấy những người anh chị em của chúng ta sống trong một hoàn cảnh khốn khổ bần cùng thiếu thốn, bẩn thỉu, bệnh nạn tật nguyền, như ở các giáo điểm mà Nhóm TĐCTT đã đến cả 2 lần, chúng ta không thể nào không ngậm ngùi và khóc thương họ, như tôi đã tận mắt thấy nơi một số anh chị em tôi bấy giờ, và cảm thấy mình sao sung sướng quá, mà lại hưởng thụ quá, tận hưởng quá, nhiều lúc hầu như không còn biết đến những người anh chị em khốn cùng của mình, ở những nơi hầu như biến khuất khỏi xã hội loài người văn minh nhân bản.

Tôi đã loan báo ngay từ chuyến Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt lần đầu năm 2016 rằng: truyền giáo phải vươn ra chứ không phải thụt vô, chứ không phải chỉ biết đến quê hương xứ sở của mình, không để ý gì đến hay coi nhẹ các nơi khác, thậm chí còn cần hơn cả đất nước của chúng ta. Hơn nữa, chính Chúa Kitô Phục Sinh đã truyền cho các môn đệ của Người là "các con hãy đi khắp thế gian" (Marco 15:16), hay "khắp tất cả mọi dân nước" (Mathêu 28:19), chứ không chỉ một nước nào mình thích hay cần mình. Ngoài ra, chính vị Giáo Hoàng thương xót Phanxicô, trong Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm - Gaudium Evangelii, ở đoạn 49, cũng kêu gọi Kitô hữu hãy xuất thân đi cho thật xa (về địa dư) và thật sâu (về nhân bản), ở những vùng ngoại biên của xã hội loài người (nơi bị lãng quên, bỏ rơi hay khinh miệt):

"Bởi vậy chúng ta hãy xông pha (go forth), chúng ta hãy xông pha để cống hiến cho hết mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô. Ở đây tôi muốn lập lại cho toàn thể Giáo Hội những gì tôi đã thường nói với các linh mục và giáo dân ở Buenos Aires rằng: Tôi thích một Giáo Hội bị bầm dập, đớn đau và lem luốc vì xuống đường vào đời hơn là một Giáo Hội thiếu lành mạnh bởi bị giam hãm và dính chặt với cái an toàn của mình (I prefer a Church which is bruised, hurting and dirty because it has been out on the streets, rather than a Church which is unhealthy from being confined and from clinging to its own security)... Niềm hy vọng của tôi đó là chúng ta sẽ được tác động bởi nỗi lo sợ, hơn cái sợ bị lầm đường lạc lối, trong việc cứ khép kín trong các thứ cơ cấu cống hiến cho chúng ta một cảm giác sai lầm về sự an toàn, trong các thứ luật lệ khiến chúng ta có những phán đoán thô lỗ, trong những thứ thói quen khiến cho chúng ta cảm thấy an toàn, trong khi đó thì ở ngay cửa nhà của mình, dân chúng đang chết đói và Chúa Giêsu vẫn không ngừng nói với chúng ta rằng: 'Các con hãy cho họ ăn gì đi' (Mk 6:37)".

Một trong những nơi còn nghèo khổ hơn cả Việt Nam, dù đất nước của nơi này là một cường quốc nguyên tử, hơn cả Việt Nam, nhưng lại đáng truyền giáo hơn cả ở Việt Nam, vì ở quốc gia của nơi đó có quốc giáo là Ấn giáo, đó là Calcutta ở Ấn Độ, nơi đã xuất hiện một vị đại thừa sai thời đại là Mẹ Têrêsa Calcutta, vị sáng lập Dòng Thừa Sai Bác Ái từ thập niên 1940. Nơi đó, người ta, thành phần theo Ấn giáo bị coi là ở cấp cùng đinh nhất là thành phần sống nghèo nàn khốn khổ như một con vật ở ngoài đường, những con người bất hạnh bị xã hội, vì giai cấp được phân chia theo niềm tin tôn giáo, bị bỏ rơi ngay giữa thanh thiên mặt nhật ấy, nằm vất vưởng ngay trên đường phố, đã được LTXC, qua Mẹ Têrêsa và chị em nữ tu dòng của mẹ, chú ý và chuyên lo mang về chăm sóc tại cơ sở bác ái của mình, để nhờ đó họ được chết như một thiên  thần trong yêu thương, như lời của chính một người đàn ông ngay trước khi qua đời đã mỉm cười thổ lộ với mẹ.

Related image

Related image

Image result for picture mother teresa embrace a dying man

(ba tấm hình trên đây được lấy từ google search về Mẹ Terêsa Calcutta)

Nhiều anh chị em TĐCTT đã tham dự lần thứ nhất và lần thứ hai, hay cả hai lần Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt, Hành Trình Niềm Vui Thương Xót, đã đầu quân ngay với tôi rồi. Vâng, nếu ngọn lửa thiêu đốt bụi gai là lửa tự nhiên thì bụi gai không thể không bị thiêu rụi.  Chẳng hạn, lửa hận thù thì làm sao không chiến tranh, không tàn sát, không tiêu diệt. Thế nhưng, nếu là lửa thần linh, lửa đức ái trọn hảo, thì bụi gai là thân phận yếu hèn của con người, chẳng những không bị tiêu diệt, mà lại càng bừng sáng và trở nên nóng bỏng là những gì tự nó không thể có. "Thày đã mang lửa xuống thế gian và mong muốn cho nó bừng cháy lên biết bao" (Luca 12:49)...

Xin Mẹ Maria là Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ và Các Thánh Tử Đạo châm lên nơi anh chị em TĐCTT chúng con ngọn lửa Thánh Linh, Ngọn Lửa đã được Chúa Kitô mang xuống thế gian bằng Cuộc Vượt Qua của Người, nhất là bằng việc từ Cha sai xuống trên Giáo Hội của Người, thiêu đốt chúng con như một bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi, qua các hoạt động tông đồ giáo dân của chúng con nói chung, nhất là qua các chuyến Hành Trình Truyền Giáo đã qua và sẽ tới theo dự tính trần gian đầy thiện chí của chúng con. Chớ gì TĐCTT chúng con được trở thành một cuộc thần hiển của LTXC, như một bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi vậy! Amen!! Alleluia!!!

 

TĐCTT Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL 

 

 

Xin xem lại toàn bộ:

TĐCTT Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt Niềm Vui Thương Xót 2018